ại trận và những hậu quả của chiến tranh, đối với người thua, thật không thú vị gì! điều làm cho người dân ở Cornouailles đau khổ nhất, đó là mất tự do. Từ bao thế hệ, người dân vùng này đã có thói quen giải quyết với nhau những công việc riêng và mỗi người có một cách sống. Điền chủ thường thì công bình và được thương mến. Tá điền và các người hầu là bạn tốt với nhau. Dĩ nhiên giữa chúng tôi vẫn xảy ra những cuộc cãi cọ nhỏ nhặt hàng ngày, những bất đồng trong gia đình, nhưng từ nào đến giờ, chưa ai xen vào nội bộ đời sống chúng tôi, ra lệnh cho chúng tôi. Nhưng bây giờ, tất cả đều thay đổi. Lệnh tới từ Whitehall và từ ủy ban vùng Cornouailles. Việc làm đầu tiên của ủy ban là buộc dân Cornouailles đóng thuế hàng tuần. Mức thuế ấn định cao đến nỗi người ta không thể kiếm đâu ra tiền trong xứ sở bị tàn phá bởi chiến tranh này. Quyết định thứ hai là sai-áp đất đai ruộng vườn của các điền chủ nào đã chiến đấu bảo vệ Đức Vua. Ủy ban không có nhân sự và thì giờ để quản lý những tài sản đó, nhưng các điền chủ được phép ở lại, nếu họ muốn, và mỗi tháng phải nộp cho Ủy ban tổng số doanh thu khai thác trên ruộng đất của mình. Vô số các sĩ quan cấp thấp hưởng lương cố định của Nghị viện, là những người duy nhất trong thời buổi này lúc nào cũng đầy tiền trong túi. Họ từ Whitehall đến thu thuế cho các ủy ban, và họ có mặt ở khắp mọi nơi trong mỗi thành phố, mỗi quận, bản thân họ lập ra những ủy ban, tiểu ban mới, đến nỗi không ai có thể mua được một mẩu bánh mì mà không đến trình diện họ, mũ cầm tay, để xin một chữ kí trên mẩu giấy. Tôi tin rằng Cornouailles, vào mùa hè năm 1646, là một vùng bi thảm nhất của toàn vương quốc. Sự mất mùa là một đòn chí tử đối với người điền chủ cũng như người nông dân. Giá lúa mì tăng khủng khiếp. Ngược lại, giá thiếc lại hạ rất thấp, khiến hầm mỏ phải đóng cửa. Vào mùa thu, kẻ thù xưa của chúng tôi là dịch hạch lại xuất hiện, giết hàng loạt người ở St Yves cũng như ở các quận miền tây. Trước đây, người dân đã phàn nàn về thuế cao của chế độ bảo hoàng, nhưng thuế đó mới chỉ nhất thời. Còn bây giờ, chúng tôi phải chịu thuế nặng liên tục. Muối, thịt, bột, chì, sắt đều bị Nghị viện quản lí. Tình hình ở những nơi khác ra sao? Tôi không biết. Tôi chỉ nói về vùng Cornouailles. Chúng tôi không biết tin tức gì bên kia con sông Tamar. Cuộc sống khó khăn. Những cuộc vui chơi bị cấm đoán. Ngày chủ nhật, không ai được phép ra khỏi nhà, trừ phi đi lễ nhà thờ. Khiêu vũ bị cấm. Không phải vì chúng tôi có lòng nào để khiêu vũ, nhưng dù sao đó là thú vui của bọn trẻ. Các trò chơi may rủi, lễ lạt đều bị cấm chỉ. Vui chơi đồng nghĩa với tự do, mà tự do đang là điều đang bị ghê tởm ở xứ này. Niềm vinh dự duy nhất của năm 1646 đáng buồn này là cuộc kháng cự oanh liệt nhưng không thành công của lực lượng bảo hoàng ở lâu đài Pendennis suốt năm tháng bị bao vây. Phải kể đến ngài tư lệnh Jack Hundell, kế đó là ngài John Digby và ông anh trai Robin của tôi. Robin lúc ấy được phong thiếu tướng. Tuy thất bại, chúng tôi rất hãnh diện về nhóm ít người này, không ai cứu viện, ít lương thực, đã hỗ trợ cho Hoàng tử và Hội đồng cố vấn di tản, sau đó giữ lá cờ bảo hoàng tung bay từ 2-3 đến 17-8. Họ thề chết thay vì đầu hàng. Nhưng bệnh tật và đói khát đã cướp đi mạng sống của nhiều người, khiến Jack Hundell quyết định hạ cờ. Chính phe phiến loạn cũng phải kính trọng lòng quả cảm của đối phương, nên cho phe ta rút lui trong danh dự, cờ xí tung bay, trống đánh, kèn thổi… Sau khi phe ta ở Pendennis đầu hàng, mọi hi vọng của chúng tôi đều tắt. Chúng tôi chỉ còn thở dài trước tương lai đen tối. Anh rể tôi, Jonathan Rashleigh, cũng như những người điền chủ khác thuộc phe bảo hoàng, chứng kiến gia sản của cải bị tạm giam bởi ủy ban vùng. Người ta buộc anh rể tôi phải nộp phạt sơ khởi một ngàn tám mươi liu trước khi muốn chuộc lại của cải. Lẽ ra, Jonathan có thừa cơ hội di tản sang Pháp, nhưng anh ta quá gắn bó với quê hương, đất đai. Jonathan bị bó buộc phải tuyên thệ không được chống đối lại Nghị viện. Nhưng chưa đủ, sau đó anh bị triệu hồi về Luân đôn và bị giam giữ tại đó đến khi nào nộp hết tổng số tiền chuộc ấn định. Chỉ còn lại chị Marry đáng thương của tôi và John lo điều hành công việc trong lãnh địa, để góp tiền chuộc hàng tháng. Những lời nói cuối cùng của Jonathan trước khi đi Luân đôn, chứng tỏ anh rất độ lượng. - Menabilly lúc nào cũng là nhà của em – anh ta nói – chúng ta hãy luôn đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cơn bĩ cực. Em hãy chăm sóc chị Marry dùm anh, hãy chia sẻ nỗi buồn với chị ấy và giúp đỡ John. Dù sao em cũng sáng suốt và khôn ngoan hơn vợ con anh. Sáng suốt và khôn ngoan hơn! Tôi không tin thế. Ít ra cũng phải là người “cứng cựa”, biết rõ ngọn ngành luật pháp để chống lại sự lạm quyền của Ủy ban vùng. Không ai có thể giúp chúng tôi. Ông anh Robin của tôi, sau vụ đầu hàng ở Pendennis, đã đến chung sống với anh Jo ở Radford. Anh Jo cũng gặp khó khăn như chúng tôi. Còn Peter Courtney thì bỏ xứ ra đi. Theo tôi nghĩ, nếu người ta biết yêu thương quê hương, người ta nên ở lại để chia sẻ gánh nặng với vợ con. Alice không hề một lời oán trách, nhưng tôi biết lòng nó tan nát khi biết tin Peter đã biệt xứ. Một năm trôi qua khá phẳng lặng đối với chúng tôi, bởi vì tôi chẳng có gánh nặng nào trên vai. Hiểm họa không còn nữa. Người ta giải tán bởi các đạo quân. Người mà tôi yêu đang sống an toàn bên Pháp, rồi bên Ý cùng với con trai. Thỉnh thoảng tôi nhận được vài hàng vắn tắt của chàng, viết từ một đô thị xa lạ. Chàng cho hay rằng sẽ đi đánh Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nhún vai thầm nghĩ ba năm nội chiến gian khổ chưa đủ với chàng sao. Một năm trôi qua, tuy thất bại, nhưng chúng tôi vẫn sống. Tôi luôn cô độc, đúng thế, phải chăng đó là số phận của tôi từ mười tám năm nay? Sự cô độc cũng được bù trừ. Thà sống một mình còn hơn sống chung trong nỗi lo sợ. Bất chợt, tôi thấy khuôn mặt tròn của Matty nhìn tôi trong gương. - Hôm nay có nhiều tin đồn lạ lùng ở Fowey – Matty nói. - Tin đồn như thế nào, Matty? - Người của chúng ta trở lại – cô ta thì thầm – Từng người một. Những người đã trốn sang Pháp năm ngoái. Tôi thoa vài giọt dầu thơm trên bàn tay và trên mặt, đoạn hỏi tiếp: - Tại sao họ trở lại? Họ không thể làm được gì hết. - Họ không lẻ loi đâu, vì họ đã hợp thành những băng… Tôi ngồi, hai tay đặt trên đùi, và bất chợt tôi nhớ lại một câu của chàng trong lá thư từ bên Ý gửi về mới đây; “Có thể em sẽ nghe nhắc đến tên anh trước cuối mùa hè, nhưng bằng con đường khác” Lúc ấy tôi tưởng chàng muốn nói đến Thổ Nhĩ Kỳ. - Em có nghe nhắc đến tên ai không? – tôi hỏi Matty. Lần đầu tiên, từ mấy tháng nay, tôi cảm thấy lo sợ viển vông. - Người ta đồn rằng có một lãnh tụ lớn đã bí mật đổ bộ lên Plymouth – Matty hạ thấp giọng nói – Người ta đồn người ấy mang mái tóc giả để che dấu màu tóc thật, nhưng chưa ai biết tên ngài ta… Một con dơi đi ăn đêm chạm khẽ vào cửa sổ phòng tôi. Gần đấy, tiếng một con cú đáp lại. Lúc ấy tôi có ý nghĩ loài chim là biểu tượng cho tát cả những gì bị săn bắt…