Tiễn ông bộ trưởng ra xe, hai chàng lãng tử là Ngô Kha và tiến sĩ Han trở lại bàn, ngồi uống nốt chỗ rượu. Kha nói: -Câu chuyện của ông Hoàn thật thâm thúy, mà cậu cũng là tay thông minh. Đúng là con chó chỉ trung thành với chủ khi chủ cho nó ăn và cưu mang nó. Khi anh không còn là chủ của nó, nó sẽ sẵn sàng ngoảnh mặt đi… Cái chất chó nằm ở đấy, thế mà mình không nghĩ ra! Tiến sĩ Han: -Và vì thế, người ta khi gặp thất cơ lỡ vận vẫn hay rủa sả rằng "đời thật chó má". Bữa rượu hôm nay đáng giá với mình lắm… Tiến sĩ mệt mỏi ngửa cổ lên trời: -Cậu nhìn lên kia mà xem: chi chít sao. Ngôi nào cũng sáng, cũng lấp lánh… Ngô Kha: -Ừ, đúng thật. Cậu tinh mắt thật đấy. Chúng ta vừa bày một bữa tiệc dưới sao trời để luận về một loài súc vật. Cậu say chưa? Tự nhiên mình muốn uống nữa. Tiến sĩ Han can: -Đủ rồi! Anh Đức Hoàn là người tốt, chỉ tiếc, người tốt lại ở quá xa… -Cậu có biết ông ấy vào đây vì việc gì không? Han lè nhè: -Một ông thượng thư, đi mây về gió thì ai biết được! Kha làm như không để ý: -Vụ án bên nhà Năm Tụ, thầy trò cậu đã điều tra đến đâu rồi? -Bế tắc! Chỉ biết là bọn cướp có vũ trang… Kha lắc đầu: -Thế mà cũng đòi làm thám tử. Hôm ấy nhà Năm Tụ rất đông khách? -Đúng! -Thế cậu có biết hôm ấy là ngày gì không? -Chịu! -Là ngày giỗ anh vợ Năm Tụ. Mà anh vợ Năm Tụ, chính là thằng Bảo, lái xe Hon đa cho chính ủy Đức Hoàn ngày xưa. Tiến sĩ gật đầu: -Có nghe! -Và đêm đó ai bắn NămTụ cậu có biết không? -Không! Ngô Kha uống một hơi cạn ly: -Đó là thằng Tài, phó của Tụ… Han ngạc nhiên, những đường gân trên trán nổi vồ lên: -Sao lại thế? Làm gì có chuyện? -Có chuyện đấy! Tên Tài vốn là một đê tử trung thành của Tụ. Phải nói là cực kỳ trung thành. Bọn họ đã kết với nhau như một, bằng rất nhiều lý do: tam hợp, ngoan ngoãn dễ bảo. Lại nợ nần ân oán… -Thế thì làm sao họ bắn nhau được? Ngô Kha buồn bã nhìn sâu vào mắt Han: -Vì thế, ông bộ trưởng, người đỡ đầu cho Năm Tụ, cho cái Tổng công ty mà Năm Tụ làm phó, (trong tương lai anh ta sẽ ngồi vào cái ghế Tổng giám đốc), phải vội vã bay vào. Và ông đã thất vọng… -Vậy là hai mẩu chuyện về chó lúc nãy là có ý đồ. -Mình không biết. Nhưng quả thực tớ nghe thấy có vẻ liên quan đến sư kiện này! Trên trời sao sáng lại hiện ra. Bỗng ngay giữa đen thẳm vô biên, một vệt sao băng rạch nghiêng kéo dài về tận cuối trời, bên kia thành phố. Han ngửa cổ nhìn lên lẩm bẩm: -Lại một vì sao sa, một linh hồn bay vào vũ trụ… -Cậu tin thế à? Kha cũng ngả người trên ghế. -Thì cứ cho là thế! Liệu Tụ có qua khỏi hay lại như vệt sao băng kia? -Chắc là qua được. Nếu trúng đạn vào giữa ngực mà không chết ngay thì chắc chưa trúng tim. Thằng Tài bắn rất gần bằng một khẩu carbine… -Đêm ấy mình cũng nghe tiếng súng, và biết đó là carbine… Hai người cứ nói như thế rất lâu. Họ nói với nhau, nói với sao trời, với quá khứ, với rượu Ngang… Đến khi mỏi cổ, Kha nhìn xuống trần gian và anh vô cùng kinh ngạc: giữa trần gian hăng hăng mùi bùn và nồng nặc mùi rượu này, một tiên nữ hiện ra: Mỹ Liên! Mỹ Liên mặc một bộ quần áo màu đen, bằng một thứ hàng mềm và mịn như hơi nước. Trong dáng đứng nghiêng nghiêng, mang một vẻ nũng nịu, mái tóc đen huyền chảy xuống đôi vai trần trắng muốt. Đôi mắt đen lấp lánh dưới cặp lông mày nhíu lại, làn môi son tươi mọng mấp máy. Kha không thể nói được câu gì. Anh như người vừa từ cõi trăng sao trở về. -Anh tiến sĩ! Tiếng Mỹ Liên thảng thốt. Tuy gọi "anh tiến sĩ", nhưng tất cả sự thảng thốt trong đôi mắt ướt lại dồn về Kha. Tiến sĩ Han thì không tỏ ra ngạc nhiên: -À Liên! Em đến lúc nào vậy? Quán xá thế nào? -Ế quá đi anh ơi! Các anh ngồi đây từ chiều đến giờ? Khiếp, nhậu gì mà nhậu lấy chết hả? -Kha này! Han lay vai bạn. Thấy ai đây không? -Mỹ Liên hả? Trông em lạ quá. Ngô Kha nói nhỏ. Anh định hết chỗ này, về chỗ em… Mỹ Liên ngồi xuống ghế đối diện với Kha, nhưng lại quay mặt đi: -Về? Về đâu? Anh mà còn nhớ tới ai… -Thôi mà! Anh nói thật mà. Không tin em cứ hỏi anh tiến sĩ coi! Tiến sĩ Han cười khà khà: -Cô này hay thật đấy. Ai nói mà biết ông bạn tôi ngồi đây? Lại thằng Bèo hả? -Em qua nhà anh, chị ấy nói anh có bạn đang ngồi ngoài này. Lúc tối em tới nhưng thấy có ông nào lạ hoắc à… Han chân tình: -À đó là ông sếp cũ của bọn anh. Thôi đừng giận nữa. Vể bển đi… Kha lặng lẽ theo Han về quán "Hai chị em". Chỉ hơn trăm mét, nhưng sao Kha thấy nó dài lê thê, đôi chân anh mệt mỏi đi bên Mỹ Liên, còn Han tụt lại sau. Quán vắng, Han nói to: -Cho một cà phê đá để về nào! Ối cha ơi, buồn ngủ! Trong khi Kha vẫn còn đang quậy đường thì tiến sĩ đã uống xong ly của mình: -Mai gặp lại nhé, ông bạn! Han giơ tay chào Kha theo kiểu nhà lính. Mỹ Liên này, em mà làm bạn anh giận là anh giật sập quán, hết bán buôn gì nữa nghe. Chào… Han đi rồi, Kha càng bối rối. Hai tai anh nóng bừng. Không phải vì rượu, rượu đã tan từ lâu. Một cảm giác hồi hộp, bâng khuâng và cả nỗi lo âu dâng lên trong tận sâu thẳm. Kha nhìn Liên đang lăng lẽ vắt những miếng chanh tươi vào ly. Đôi bàn tay nhỏ bé, run run, phập phồng: -Anh uống đá chanh cho tỉnh. Không ỷ y so bì với anh tiến sĩ được đâu. Ảnh khỏe như voi… -Liên này, Kha ngập ngừng, bữa trước em tới kiếm anh hả? Liên ngước lên nhìn anh. Trong bóng tối lờ mờ, anh nhận thấy hai đốm lửa nồng nàn: -Em chờ hoài. Anh đi đâu vậy? -À anh ra Long Khánh công tác. Kiếm anh có chuyện gì thế? -Có chuyện… nhưng em ngại quá. Kha cố sức đoán xem đó là chuyện gì? Nhưng không thể đoán nổi: -Có gì đâu mà ngại. Nếu giúp được em anh làm ngay… -Em muốn nhờ anh kiếm cho em một… việc làm! Mỹ Liên nói nhanh, dường như cô sợ không nói ngay thì sẽ không còn kịp. Kha thở nhẹ ra: -Tưởng gì! Em làm anh hồi hộp quá… Thế em định làm việc gì? -Việc gì cũng được. Em chỉ muốn làm việc. Kha nghĩ ngợi: -Việc nhà nước thì khó lắm, mà anh cũng không quen biết nhiều. Còn ở công ty trách nhiệm hữu hạn thì… Mỹ Liên không để Kha nói hết: -Không! Em không cần làm nhà nước, cũng chẳng cần công ty. Em chỉ muốn có việc làm. Bán rau, bán chanh ớt ngoài chợ, hay làm Ô sin, giặt thuê… Việc gì cũng được… Kha không hiểu, anh hoang mang: -Sao thế? Bất ngờ Mỹ Liên úp hai bàn tay lên khuôn mặt vừa non nớt vừa già dặn, ngửa trên đầu gối, hai vai cô rung lên hồi lâu: -Em muốn có được việc làm, như chị vợ anh Tiến sĩ… Rồi bất ngờ cô ngẩng lên, vươn tới Kha, hai tay cô nắm lấy tay anh: -Anh! Em muốn được như chị vợ anh Tiến sĩ. Được làm việc, được vất vả, và được tôn trọng, thương yêu… Anh! Chẳng lẽ em lại không làm được như chị ấy hay sao? Em biết em xấu xa tội lỗi. Em là đứa con gái hư hỏng, đáng bỏ đi, đáng để cho người đời phỉ nhổ… Nhưng em muốn làm việc, muốn được như vơ anh tiến sĩ, như mọi người… Kha lặng lẽ vuốt mái tóc đổ xuống bờ vai cô gái. Anh thấy mình đang đứng trước lời cầu khẩn của một đứa em. Thấy Kha im lặng không nói, Mỹ Liên càng nức nở: -Anh! Anh hãy nói cho em biết, em còn có thể được thương yêu, được tôn trọng, được làm việc nữa không? Làm việc gì cũng được, dù phải vất vả, cực nhọc, phải đổ mồ hôi, đổ máu, em cũng làm. Anh! Anh nói đi… Nước mặt cô gái từng đợt, từng đợt chảy xuống tay Kha, thấm vào ngực áo anh. Anh nâng cằm Mỹ Liên lên, nhìn thẳng vào đôi mắt đẹp của cô: -Được! Nhất định được! Anh hứa… Mỹ Liên choàng lấy cổ Kha, cô nhỏ bé như một đứa trẻ, nằm gọn trong vòng tay anh. Kha hít một hơi thở dài, khẽ lắc đầu, rùng mình. Cảm giác ngọt ngào được tin cậy, được chở che kàm anh nghẹt thở. Ngô Kha ngửa lên bầu trời qua tán lá dừa. Đêm đã khuya và trong hơn. Một bầu trời chi chít sao đang sáng lên rực rỡ. Anh chờ một vệt sao băng, nhưng mãi vẫn không có. Kha nâng khuôn mặt Mỹ Liên hướng lên bầu trời sao sáng bạc: -Em nhìn kìa! Thấy gì không? -Thấy gì hả anh? -Sao! Trời đêm nay toàn là những ngôi sao. Một bữa tiệc sao vui. -Mỗi ngôi sao là một số phận phải không anh? Em nghe người ta nói thế! -Đúng rồi! Em giỏi lắm. Kha khen Liên. -Thế ngôi nào của anh, ngôi nào của em! -Ngôi sao của em thì anh chưa biết, còn ngôi sao của anh thì nó đang ở đây này! Kha nói và anh hôn lên trán cô gái! PHẦN VIẾT THÊM CUỐI SÁCH Thưa bạn, Câu chuyện tôi vừa kể với bạn đã đến lúc phải kết thúc rồi. Có nói thêm đôi dòng trong chương chót này không khéo hóa thừa. Thế nhưng, khi chấm cái dấu chấm hết vào cuối sách, tôi cứ không yên tâm. Tôi cũng không biết là mình không yên tâm về cái gì, về ai? Nghĩ mãi không ra nên đành bắt chước các nhà văn đàn anh, tôi cũng xin viết thêm một đoạn sau của cuốn sách, không nằm trong nội dung cuốn sách. Cũng ngắn thôi, để khỏi phiền bạn đọc. Câu chuyện trong cuốn sách mỏng này, vốn là một chuyện ở ngay chỗ tôi làm việc. Chuyện xảy ra ở tầng lầu dưới, khi tòa soạn của tờ báo nơi tôi làm phóng viên ở tầng trên. Chúng tôi, tôi và vài nhân vật trong sách đi cùng một cầu thang máy, nhìn rõ mặt nhau, rất gần. Sáng hôm ấy, khi đến làm việc, nghe kể lại câu chuyện, tôi không thể nào tin được. Cho đến khi mọi người cùng kể lại, rồi báo chí loan tin đồng loạt và tỉ mỉ, và tôi không gặp, không thấy hai nhân vật kia nữa, thì tôi biết là có một sự thật như thế. Họ đã bắn nhau. Nếu ai mà không tin, hãy đọc báo, và nếu vẫn chưa tin xin liên hệ với chúng tôi, tôi sẽ cung cấp địa chỉ, để thẩm định tính trung thực của câu chuyện. Nhưng, với tư cách là một người viết văn, tôi hiểu rằng, không phải hễ cứ một sự thật nào cũng đều có thể viết ra được, nhất là viết để sao cho có hình tuợng, để chuyển tải tư tưởng của nhà văn, cụ thể là tôi, người kể chuyện. Bản thân sự thật chỉ có thể đưa lên mặt báo chí, có thể tồn tại mãi mãi trong những tin đồn, những cuộc chuyện trò lúc trà dư, tửu hậu, ở những quán xá, vô công rồi nghề. Khi vụ án đã xử, và mọi sự đã kết thúc, sau một thời gian rất lâu, tôi không nghĩ là mình lại viết được thành một câu chuyện. Nhưng rồi, một cái gì đó thôi thúc tôi, khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về hiện tượng này. Gần đây, ý nghĩ của tôi càng lúc càng nặng nề. Tôi đem ý định viết lách ra nói với bạn bè. Được sự cổ vũ quyết liệt và chân thành của các đồng nghiệp, của những bạn đọc biết tôi, của những bạn bè thân thiết... tôi bắt tay vào viết. Nhưng khi viết, tôi thấy bí, bởi vì anh không thể bê nguyên xi câu chuyện vào được. Cái ác vốn dễ mô tả, dễ làm anh sa đà, vì nó biến dạng ra thành trăm ngàn hình trạng, thậm chí có lúc nó ẩn mình dưới dạng "chỉ được cái tốt"! Nó xa lạ với ý nghĩ chân thiện mỹ, nó xa lánh người thường, nhưng nó lại là một cái gì đó, lấp ló, khêu gợi tính tò mò của người thường. Khi viết, để câu chuyện không bị lẫn lộn, và cũng để gây cảm hứng mô tả, tôi đã để nguyên tên họ, chức vị, lai lịch của các nhân chứng và nạn nhân trong câu chuyện. Khi viết xong, thấy có điều bất tiện, và nhờ ở kỹ thuật tuyệt vời của máy tính điện tử, tôi đã đồng lọat đổi tên các nhân vật, vốn có thật, sang những cái tên khác, do tôi ngẫu nhiên nghĩ ra. Nếu chẳng may, có một cái tên nào đó còn trùng với người thật, thì đó là do thiếu sót tại tôi, mong được tha thứ. Có một người bạn gái, mà trong chuyện tôi đặt tên là Hảo, sau khi được tôi cho xem bản thảo đã hỏi tôi: "Câu chuyện không có hậu, tương lai những nhân vật của anh sẽ thế nào?" Tôi đáp: -Theo đúng sự thật ngoài đời, Trịnh Quang Tụ đã chết, dù tốn kém bao nhiêu tiền bạc, công sức cũng không cứu được. Còn Tài, tên sát nhân hiền lành thì bị xử theo pháp luật. Y nhận án tử hình. Buổi sáng, khi mặt trời chưa mọc, người ta đã thi hành án. Trước lúc đem y ra bắn, những người thực thi pháp luật đã dọn cho y một bữa ăn gồm có: hai cái bánh bao, một cái đùi gà và một chai nước suối La Vie. Y ăn thong thả, từ tốn và không có gì phải lo lắng, sốt ruột. Người ta bảo y vốn là một tay đã được rèn luyện, thử thách, và dám đón nhận cái chết. Những người giải y ra pháp trường còn kể lại rằng, khi ăn hết hai cái bánh bao, nhặt từng mẩu vụn, nhìn thấy một quả chanh tươi rất to, nằm cạnh đấy, Tài đã cầm lên ngắm nghía, rồi bỏ vào miệng cắn một miếng (y vốn có bộ răng rất khỏe), nước chanh tràn ra hai bên mép, mà không hề nhăn mặt. Một người thấy thế, toan giằng lấy, nhưng người khác giữ lại, nói nhỏ: "Cứ để anh ta ăn!". "Thế chút nữa...?". Đó là quả chanh để nhét vào miệng kẻ tử tội, để y khỏi la lối trước họng súng. Quả nhiên, khi chuẩn bị nhận những viên đạn của công lý, Tài không kêu la, mà chỉ đồng ý để người ta bịt mắt cho y. Cô Nhung Mắt Nai, vợ cũ của Tài đến nhận xác, chôn cất tử tế, có dựng một tấm bia nhỏ, ở không xa cây cột gỗ là mấy. Còn những nhân vật khác, cậu Tiến con của Tụ và Bích, sau khi mãn khóa học, từ Anh quốc về có đến thắp nhang và khóc trước mộ cha, nhưng không đả động gì đến tên Tài. Còn ngôi biệt thự sơn màu "đồ ngủ đàn bà" thì bán đi, cho ai không biết. Mẹ con Bích mua một căn hộ khác trên tầng bảy một chúng cư mới xây. Họ yên ổn. Chi nhánh công ty CHANDCO, có giám đốc mới. Kha, Hảo vẫn làm công việc như cũ. Mọi việc thuận lợi, nhờ rút kinh nghiệm của ê kíp Tụ - Tài! Ở xóm Mả Cùi, "tiến sĩ" Han đã dọn đi nơi khác, không biết đi đâu. Lê Quốc Hán đã trả lại cái học vị tiến sĩ cho xóm Mả Cùi. Bèo Chột, Tư Khỉ, thằng ma cô vẫn thế, cũng như quán thịt chó Nam Hà của vợ chồng Sản Huê vẫn thế. Chỉ có điều, Kha có lấy cô Mỹ Liên, chủ quán cà phê Hai Chị Em làm vợ hay không thì vẫn là điều bí mật! HẾT