Cuốn này chép những kinh nghiệm của bản thân tôi về tư tưởng và đời sống. Nó không có tính khách quan mà cũng không nhắm xác định những chân lí bất hủ. Nói thực ra thì viết về triết lí, tôi coi rẻ chủ trương khách quan, quan điểm của mỗi người mới là điều quan trọng. Tôi đã muốn dùng nhan đề: “Một triết lí trữ tình”, trữ tình hiểu theo cái nghĩa: biểu hiện một quan niệm hoàn toàn cá nhân. Nhưng nhan đề đó đẹp quá, tôi phải bỏ, e đọc giả hiểu lầm mà thất vọng vì phần chính trong tư tưởng của tôi có tính cách thực tế, dễ đạt được hơn vì tự nhiên hơn. Lê lết trên đất, làm bạn với cỏ cây, tôi lấy làm thỏa mãn sung sướng lắm. Đôi khi say sưa mà vùng vẫy trên cát như vậy, tâm hồn ta nhẹ nhàng tựa nhu bay bỗng lên trời, nhưng rốt cục, ít khi ta rời khỏi mặt đất được vài tấc. Tôi đã có ý viết trọn cuốn sách này theo lối đối thoại như Platon. Muốn diễn những tư tưởng ngẫu nhiên xuất hiện trong óc ta, ghi những việc vặt có ý nghĩa trong đời sống hằng ngày và nhất là muốn thơ thẩn trong cánh đồng tư tưởng êm đềm và tĩnh mịch thì lối đó thực là thích hợp. Nhưng không hiểu tại sao tôi lại không dùng nó. Có lẽ vì ngại rằng ngày nay ít người thích nó mà sách ít đọc giả chăng. Dù sao, nhà văn nào cũng mong được nhiều người đọc. Lối đối thoại tôi nói đó, không phải là cái lối người hỏi, người đáp như trong các bài phỏng vấn đăng trên báo, cũng không phải cái lối giảng giải bằng những đoạn ngăn ngắn đâu, mà là cái lối nhàn đàm hứng thú, dài dòng liên tiếp trên mấy trang giấy, uyển chuyển tiến tới rồi lại quay về điểm cũ, đúng lúc bất ngờ nhất thì lại ngưng lại, đổi hướng, y như một người đi chơi về nhà, nhảy qua hàng rào mà vô, làm cho bạn đồng hành phải ngạc nhiên. Được dạo chơi trên những con đường vắng vẻ rồi nhảy qua rào mà vô nhà, ôi thú biết mấy! Những quan niệm trong cuốn này không có gì là tân kì, và đã được vô số tư tưởng gia Đông, Tây diễn đi diễn lại. Những quan niệm tôi mượn của phương Đông đều là những chân lí tầm thường ai cũng biết, nhưng nó là những quan niệm của tôi vì nó hợp với một cái gì như cái bẩm tính của tôi. Khi tôi mới gặp nó lần đầu, thì lòng tôi tự nhiên chấp nhận nó liền. Tôi thích nó vì nó chứ không phải vì những người diễn ra nó. Thực ra khi đọc sách cũng như khi viết lách, tôi đã đi theo những con đường ít người đi. Nhiều tác giả tôi dẫn trong cuốn này không có tên tuổi gì cả và một vị giáo sư Văn Học Trung quốc có thể ngạc nhiên, vì vậy. Còn một số tác giả khác rất có danh tiếng thật, nhưng tôi chấp nhận quan điểm của họ không phải vì cái tiếng tăm lẫy lừng của họ mà chỉ vì tư tưởng của họ tự nhiên thích hợp với tôi. Tôi có thói quen mua những sách cũ rẻ tiền, ít ai biết tới, để xem có thể kiếm được trong đó có gì khác thường không. Kiếm được một viên ngọc nhỏ trong một thùng rác thú hơn la ngắm một viên ngọc lớn bày ở cửa hàng bán đồ châu bảo. Sự hiểu biết của tôi không phải là uyên thâm hay quảng bác. Nếu uyên thâm, quảng bác thì người ta không biết điều phải là phải, điều trái la trái nữa. Tôi chưa hề đọc Locke[1], Hume[2], Berkeley [3] mà cũng chưa theo học môn triết ở một trường Đại học nào. Đứng về phương diện kĩ thuật mà xét, thì phương pháp học hỏi và sự huấn luyện của tôi quả là vô lí, vì tôi không quan tâm tới các triết gia mà chỉ quan tâm tới cái đời sống nóng hổi thôi. Như vậy chẳng hợp lệ chút nào cả, tất nhiên là sai rồi. Lí luận của tôi căn cứ ở những nhân vật dưới đây: bà Hoàng, một bạn thân của gia đình tôi, có nhiều ý kiến hay về sự giáo dục phụ nữ Trung Hoa; một chị lái đò ở Tô Châu ngôn ngữ bóng bẩy thanh lịch; một anh lái xe ô tô buýt ở Thượng Hải; một con sư tử con ở sở Bách Thú; một con sóc ở vườn hoa Trung ương tại Nữu Ước; một anh bồi cà phê có lần nhận xét rất đúng; một kí giả (mất đã mười năm) viết một bài về thiên văn đăng trên báo; tất cả những tin tức về các vụ án; và tất cả những nhà văn nào còn giữ được tánh hiếu kì về đời sống hoặc không làm tiêu diệt cái tánh đó của chúng ta… những người và vật đó quá đông, làm sao mà tôi kể hết cho được? Nhờ không được đào tạo ở một trường Đại Học mà tôi thấy đỡ ngại ngùng, sợ sệt khi viết một cuốn về triết lí. Nhận xét đời sống ở chung quanh, tôi thấy cái gì cũng hóa ra giản dị hơn, minh bạch hơn. Tôi biết rằng các triết gia chính thống sẽ bảo rằng lối học hỏi của tôi còn thiếu sót, rằng lối phô diễn của tôi cộc lốc, giản dị, dễ hiểu quá, rút cục là tôi thiếu thận trọng, bước vào trong cái ngôi đền triết lí thiêng liêng mà không biết sợ sệt, rón rén, cứ nói bô bô lên. Các triết gia hiện đại hình như thiếu cái đức này nhất: đức can đảm. Nhưng từ trước tới nay tôi vẫn dạo ở ngoài cái khu vực triết lí, cho nên tôi vững bụng. Cứ theo trực giác của mình, phán đoán theo ý mình, phô diễn ý kiến của mình và thú thực với công chúng một cách nhẹ dạ, ngây thơ, cứ như vậy mà tìm được một số bạn đồng thanh đồng khí ở một chân trời nào đó. Theo cách đó, nhiều khi người ta ngạc nhiên thấy rằng đã có một nhà văn nào đó diễn đúng những ý của mình, có đúng những cảm giác của mình, chỉ khác là họ diễn dễ dàng hơn mình, thú vị hơn mình thôi. Như vậy là mình tìm thêm được một cổ nhân làm chứng cho mình nữa và đôi bên thành những bạn thân về tinh thần. Berkeley (1711-1776).[3] Berkeley : một triết gia Anh, nổi tiếng về siêu hình học (1685-1753)[4] Một tác giả Thụy Sĩ ở thế kỉ trước (1821-1881)
°
Cho nên tôi mang ơn những tác giả đó, đặc biệt là các bạn tinh thần Trung Hoa của tôi. Soạn cuốn này, tôi được các bậc thiên tài giúp sức; tôi mong rằng tôi quí các vị đó ra sao thì cũng được các vị ấy quí mến tôi như vậy. Thực ra nhờ các vị ấy mà tôi mới được biết một sự cảm thông duy nhất và chân thực này: Sự cảm thông giữa hai người xa cách nhau về thời gian mà có những tư tưởng như nhau, những cảm xúc như nhau và hoàn toàn hiểu lẫn nhau. Một số các bạn đó đã giúp đỡ tôi nhiều, khuyên bảo tôi nhiều; như Bạch Cư Dị ở thế kỉ 8; Tô Đông Pha ở thế kỉ 11, với vô số nhân vật độc xuất ở hai thế kỉ 16,17 – như Đồ Xích Thủy, lãng mạn mà hoạt bát; Viên Trung Lang vui vẻ mà kì đặc; Lý Trác Ngô thâm thúy mà vĩ đại; Trương Trào đa cảm mà phức tạp; Lý Lạp Ông phóng túng, dật lạc; Viên Tử Tài lạc quan, phong phú; Kim Thánh Thán vui tính, sôi nổi – hết thảy đều là những tâm hồn không câu chấp tiểu tiết, những người kiến giải độc đáo, đối với sự vật lại có ý thức đặc biệt, nên không được phái phê bình chính thống thưởng thức; họ tốt quá nên không chịu theo qui củ, đạo đức quá nên không được Nho gia khen là tốt. Một số nhân vật khác, tên tuổi ít ai biết. Một vài nhân vật đó có thể không có tên trong cuốn này nhưng tinh thần của họ bàn bạc trên mỗi trang. Sau này địa vị của họ tất sẽ được phục hồi, không sớm thì muộn. Một số nhân vật khác, tên tuổi ít ai biết, nhưng cũng được tôi hoan nghênh vì có nhiều nhận xét xác đáng. Tôi gọi họ là những Amiel[4] của Trung Quốc; họ ít nói nhưng nói thì luôn luôn hợp nhân tình và tôi trọng cái lương tri của họ. Ngoài ra, tôi không quên hạng người cổ kim, đông tây bất hủ mà “khuyết danh”, trong lúc cao hứng thốt được những lời chí lí mà không ngờ như các vị thân phụ vô danh của các bậc vĩ nhân. Sau cùng, còn những nhân vật vĩ đại nhất, những vị mà tôi coi như thầy chứ không như bạn; sự hiểu biết quang minh của họ vừa siêu phàm mà vừa hợp nhân tình, trí tuệ của họ biểu hiện một cách dễ dàng vì đã đạt được cái mức hoàn toàn tự nhiên, như Trang Tử và Đào Uyên Minh mà tinh thần giản phác, thuần chính, làm cho hạng người tầm thường thất vọng, không sao đạt được. Đôi khi tôi để những vị đó nói chuyện thẳng với đọc giả, những khi khác tôi nói thay họ mà cứ tưởng rằng mình tự nói ra. Tình thân giữa các vị đó và tôi càng cố cựu thì cái món nợ tinh thần của tôi đối với các vị đó càng có tính cách thân thiết, vô ảnh vô hình, như ảnh hưởng của cha mẹ tới con cái trong một gia đình nền nếp vậy; không còn vạch rõ được chỗ nào giống nhau, chỗ nào khác nhau nữa. Tôi đã lựa lối phô diễn của thời đại, trình bày những điều mình đã hấp thụ, chứ không dịch sát lời cổ nhân. Lối đó có chỗ bất tiện, nhưng xét về đại thể, dễ có tính cách thành thực hơn. Vậy lựa hay bỏ đoạn nào, câu nào là tự ý tôi cả. Trong cuốn này tôi không có ý trình bày tất cả tư tưởng của một thi sĩ hay một triết gia nào; vậy nếu chỉ căn cứ vào những trang này mà xét họ là sai. Và tôi xin theo lệ thường mà kết thúc bài tựa này như sau: Cuốn độc giả đương đọc đây, nếu có được một ưu điểm nào thì phần lớn là nhờ công những người hợp tác với tôi, còn về những chỗ lầm lẫn, khuyết điểm thì chỉ một mình tôi chịu trách nhiệm.Nữu Ước, ngày 30-7-1937
LÂM NGỮ ĐƯỜNG
Chú thích:[1] Locke: một triết gia Anh nghiên cứu về tri thức luận (1632-1704).[2] Hume: một triết gia Anh chịu ảnh hưởng của Locke và