V Hercule Poirot xuống xe taxi, trả tiền và gõ cửa số 58, phố Hoàng hậu Charlotte. Một lát sau, một người phục vụ trẻ, tóc hung và mặt rỗ ra mở cửa. - Ông Morley? - Hercule Poirot hỏi. Trong thâm tâm ông thầm ước ông Morley đi vắng, bị ốm, hoặc không tiếp khách lúc này. Nhưng người phục vụ biến mất, Hercule Poirot đi vào và cửa đóng sập lại sau ông. Nặng nề như số mệnh. - Thưa ông, đề nghị ông cho biết tên? Poirot nói tên và vào phòng đợi, một căn phòng bày biện đồ đạc rất lịch sự, nhưng đối với ông, có vẻ buồn vô hạn, với những bức màn bằng nhung xanh, đồ đạc theo kiểu cổ và ghế bành đặt trên tấm thảm đỏ, thêu những con chim đỏ đang bay giữa các bông hoa. Có một ông đã chờ ở đấy, tác phong quân sự, da mặt vàng, bộ ria mép ngạo nghễ. Ông ta nhìn Poirot như thể đó là một con côn trùng có hại, có thể nói không ngoa rằng ông ta đang tiếc là đã không mang theo, không phải một khẩu súng lục mà là một lọ thuốc trừ sâu. Poirot khinh bỉ nhìn ông ta và nghĩ rằng có những người khó chịu và lố lăng đến nỗi việc giết ngay họ khi họ sinh ra trên quả đất là một việc làm tốt. Rồi ông ta cầm lấy tờ Times, quay ghế lại để khỏi thấy Poirot và bắt đầu đọc. Poirot dở tờ Punch. Thiện ý của ông là trọn vẹn, nhưng không có một sự đùa cợt nào làm ông cười cả. Người phục vụ xuất hiện trên ngưỡng cửa và hỏi đại tá Arrowbumby. Ông này đứng dậy và biến mất. Poirot thầm nghĩ: một cái tên thật thô lỗ. Khi đó, cửa chính lại mở ra và một người thanh niên khoảng ba mươi tuổi bước vào. Poirot liếc trộm người này trong khi hắn nhặt một tờ tạp chí ở trên bàn. Ông thấy hắn thiếu thiện cảm, thậm chí có vẻ nguy hiểm. Và, Poirot nghĩ: "nếu đấy là một kẻ giết người thì mình cũng chẳng ngạc nhiên!". Thật sự, hắn ta giống một kẻ giết người hơn bất kỳ những kẻ giết người nào khác mà Poirot đã bắt giữ từ trước đến giờ. Người phục vụ xuất hiện trở lại và hỏi: - Ông Poirot? Ông trả lời và đứng dậy theo người hướng dẫn trẻ đi tới thang máy nhỏ, xuống tầng hai. Qua hành lang, vào cửa chính, qua phòng trước, tới cửa thứ hai, đó là phòng của nha sĩ. Ông nghe tiếng nước chảy và ngoảnh lại. Ông Morley, một nha sĩ đầy lương tâm, đang rửa tay trước khi khám cho ông. VI Có những giờ phút nhục nhã trong đời sống của các bậc vĩ nhân. Người ta nói rằng không một ai là anh hùng đối với người hầu phòng của mình. Có thể nói thêm rằng không một ai tự cảm thấy có linh hồn của một anh hùng, khi đứng trước một nha sĩ. Hereule Poirot hoàn toàn có ý thức về điều đó. Nói chung, ông có ý niệm tốt về mình. Ông là Hercule Poirot và tự coi là đứng ở trên số đông những người cùng thời với ông. Nhưng, lúc này, ông cảm thấy nhỏ bé quá. Ông chỉ là một con người như những người khác, một con người đáng thương, bị khủng bố bởi ý nghĩ phải ngồi vào trong ghế bành của nha sĩ. Sau khi rửa tay xong, ông Morley nói với ông bằng một giọng khích lệ: - Khí hậu chưa nóng lắm đối với mùa... Bằng những cử chỉ làm siêu lòng, ông đưa Poirot tới chỗ đã định: trước cái ghế bành. Bằng bàn tay thành thạo, ông đặt cái tựa đầu ở vị trí thích hợp. Hercule Poirot hít sâu một cái và ngồi vào ghế, để mặc cái đầu ông cho những ngón tay tinh tế của ông Morley đặt chỗ thích hợp. - Ông cảm thấy thoải mái chưa? - Ông Morley hỏi với thái độ vui vẻ hết mức. Poirot đồng ý bằng giọng ồ ồ. Ông Morley xích một cái bàn nhỏ lại, một tay cầm một cái gương nhỏ và tay kia một cái dụng cụ nhọn, và chuẩn bị tiến hành. Hercule Poirot, hai tay giữ chặt lấy tay vịn của ghế, nhắm mắt lại và há miệng. - Có một cái răng làm ông đau phải không? - Nha sĩ hỏi. Nói lúng búng, Hercule Poirot đã làm cho nha sĩ hiểu được là không có cái răng nào đau cả, nhưng ông muốn được kiểm tra lại răng hàm sáu tháng một lần, như là một thói quen của ông. Có thể ông không cần những sự chăm sóc đặc biệt, nhưng có lẽ cần xem cái răng hàm lớn thứ hai ở phía dưới bên trái... Ông Morley khám rất cẩn thận. - Chỗ hàm răng này bị hỏng một chút, nhưng không có gì là nghiêm trọng... Tôi vui mừng nhận thấy rằng lợi của ông đều ở tình trạng hoàn hảo... Một sự yên lặng tiếp theo: ông Morley xoi mói nhìn vào một chiếc răng. Báo động giả. Ông chuyển qua hàm dưới. Răng hàm thứ nhất tốt, răng thứ hai tốt. Cái thứ ba, trái lại... "Ông ta tìm thấy cái gì đó, đồ súc sinh!" Poirot nghĩ. - Lúc này, cái răng này có đau không? Điều đó làm cho tôi ngạc nhiên... Cuối cùng, sự khám răng kết thúc. Ông Morley đứng thẳng lại, vừa ý và nhận xét. - Không có gì nghiêm trọng. Xem lại một hai chỗ hàn và hàn chiếc răng hàm ở phía trên. Chúng tôi sẽ làm ngay tức khắc. Ông sờ cái chuyển mạch điện và Poirot nghe một tiếng vo vo nhỏ. Nha sĩ với cái khoan răng đã được chuẩn bị bắt đầu công việc đáng ghê sợ của mình. - Hãy báo cho tôi biết nếu tôi làm cho ông đau. Poirot nhăn mặt, rên vài tiếng nhỏ, nhưng nói chung giữ được tư thế một cách đáng kính. Khi ông chực giơ tay để ngăn nhục hình, thì nó ngưng lại. Để lại bắt đầu sau đó một lúc, khi Poirot đã xúc miệng. Trong lúc ông Morley chuẩn bị hợp chất mà ông sắp đổ đầy vào hốc nhỏ vừa đục, cuộc nói chuyện lại bắt đầu. - Sáng nay - nha sĩ giải thích - một mình tôi phải làm tất cả. Cô Nerill đã được gọi xuống tỉnh. Ông có nhớ cô ấy không? Poirot nói dối là có. - Cô ấy đi thăm một người bà con bị ốm - ông Morley tiếp tục câu chuyện - Những chuyện ấy thường xẩy ra luôn vào những ngày mà tôi lắm việc. Tôi đã bị muộn theo thời gian biểu của tôi. Người bệnh trước ông đã không đến đúng giờ và tất cả chương trình của tôi bị xê xích; điều tai hại hơn nữa là tôi phải chăm lo đến một bà hình như đau kinh khủng. Trong mỗi buổi sáng, tôi luôn luôn dành ra mười lăm phút cho những trường hợp khẩn cấp ấy. Nhưng hôm nay, sẽ không dễ dàng cho tôi để tìm thấy thời gian ấy. Ông Morley liếc nhìn cái mà ông giã ở trong một cái cối nhỏ và nói tiếp: - Ông Poirot, một điều mà tôi nhận xét là những nhân vật quan trọng, những người giữ những vị trí lớn luôn luôn đúng giờ và không bao giờ bắt đợi cả. Các bậc vua chúa, chẳng hạn, chính là sự đúng giờ. Các nhà tài phiệt lớn cũng vậy. Sáng nay, tôi có hẹn với một nhà tài phiệt rất lớn. Alistair Blunt! Ông đã đọc cái tên với giọng cường điệu. Poirot có ở trong miệng những nùi bông và ở dưới lưỡi một cái ống thủy tinh nhỏ. Không thể nói được, ông trả lời bằng tiếng làu bàu khó hiểu. Alistair Blunt! Đúng là những cái tên như cái tên đó bây giờ được coi trọng. Không còn vấn đề quận công, bá tước, thủ tướng nữa. Ông Alistair Blunt không đòi một chức tước nào cả. Đấy là một con người mà đại chúng không biết mặt, các báo chí ít nói đến, một người Anh mà những người tốt biết rất ít, nhưng là người đứng đầu nhà băng lớn nhất của vương quốc. Một người hết sức giàu. Có thể áp đặt luật pháp cho các chính phủ. Một người sống một cuộc sống kín đáo, không bao giờ phát biểu trước đám đông và có những quyền lực vô hạn. Vừa hàn răng cho Poirot, ông Morley vừa nói về sự giàu sụ bệnh hoạn của ông kia bằng một giọng mang đầy vẻ kính trọng. - Ông ấy luôn luôn đến rất đúng giờ. Phần lớn, ông cho xe về trước và ông đi bộ về nhà. Một con người duyên dáng và rất giản dị. Ông thích trò đánh gôn và những mảnh vườn đẹp. Không bao giờ ông có thể tin rằng ông ấy có thể mua một nửa châu Âu nếu ông ấy muốn. Ông ta như thế đấy, một con người như ông và tôi. Poirot ít ưa thích sự đồng hóa. Ông Morley là một nha sĩ xuất sắc, nhưng người ta tìm thấy ở London nhiều nha sĩ khác cũng xuất sắc như ông. Trong khi đó, ở trên quả đất này, chỉ có một Hercule Poirot duy nhất. Poirot lại xúc miệng lần nữa. Ông Morley, vừa tấn công vào chiếc răng thứ hai, vừa nói tiếp: - Ông thấy không, đấy là câu trả lời của chúng ta cho tất cả những nhà độc tài lục địa ấy: Hitler, Mussolini và đồng bọn! Ở nước chúng tôi, người ta thích sự đơn giản. Ông hãy xem nhà vua! Đấy là một người dân chủ xác thực. Dĩ nhiên, đối với một người Pháp như ông, quen với những thể chế cộng hòa... Poirot phản ứng mạnh mẽ: - Không phải Pháp!... Bỉ! Ông Morley, vừa thổi hơi nóng ở trong hốc, vừa nhẹ nhàng bảo ông im và tiếp tục nói: - Tôi không biết ông là người Bỉ. Vua Leopold là một người lỗi lạc, tôi luôn luôn nghe nói điều đó. Đối với tôi, tôi rất gắn bó với chế độ quân chủ. Nó có cái tốt của nó, ông biết đấy! Hãy chú ý xem các đức vua thường nhớ mặt và nhớ tên. Vả chăng, tôi nghĩ, đấy là một thiên tử. Đối với tôi, tôi quên tên, nhưng không bao giờ quên mặt. Vì vậy mà hôm nọ, tôi đã tìm lại được một trong những người bệnh của tôi, mà cái tên không có nghĩa gì đối với tôi nhưng tôi chắc chắn là đã gặp ông ta. Tôi tự hỏi xem tôi đã gặp ông ấy ở đâu và tôi chắc chắn là sẽ nhớ lại, trong ngày một ngày hai. Xin ông làm ơn xúc lại miệng cho, xin mời. Hai phút sau, Poirot xuống khỏi ghế. Ông tự thấy lại là một con người tự do. - Ông Poirot, tôi hi vọng rằng ông đã không tìm thấy kẻ giết người ở trong nhà tôi - nha sĩ nói với ông lúc ông sắp từ biệt. - Trước khi đến đây - Poirot vừa trả lời vừa cười - tôi sẵn sàng coi tất cả mọi người là kẻ giết người. Nhưng bây giờ thì hơi khác. - Dĩ nhiên, nhưng ông đồng ý là các nha sĩ không còn đáng gờm nữa như trước đây. Tôi có cần gọi thang máy cho ông không? - Không, xin cảm ơn. Tôi sẽ xuống bộ. Poirot đi ra. Khi ông đi tới các bậc cuối cùng, ông thấy đại tá rời khỏi căn nhà. Trở nên độ lượng, Poirot tự nói rằng, suy nghĩ cho kỹ, thì đấy khó chắc chắn là không phải một con người xấu. Một khẩu súng đẹp, chắc là thế, đã phải giết chết hơn một con hổ. Một người lính. Một trong những người mở đường của Vương quốc. Poirot đi vào phòng đợi, để lấy mũ và can mà ông để ở đây. Người thanh niên vẫn ở đấy, điều đó làm cho ông ngạc nhiên một chút. Cũng có một người bệnh khác đang đọc tờ Field. Poirot lại nhìn kỹ người thanh niên. Ông lại thấy ở hắn cái vẻ tàn bạo mà ông đã nhận xét hồi nãy, cái vẻ của một kẻ sẵn sàng trở thành tên giết người, nhưng ông cũng tự bảo rằng đấy không phải là một kẻ giết người thực sự. Khi nha sĩ làm xong việc với anh ta, người thanh niên này sẽ bước nhẹ nhàng xuống thang, với nụ cười tốt lành của một con người nào đó không muốn hại ai. Người phục vụ vào và gọi ông Blunt. Người đọc tờ Field đặt tờ báo xuống bàn và đứng dậy. Đấy là một người đã đứng tuổi, không béo không gầy, ăn mặc rất lịch sự. Ông đi theo người phục vụ. Ông Blunt giàu và có thế lực. Nhưng cũng như mọi người, ông cũng phải đến chỗ nha sĩ. Và sự thử thách cũng vất vả như đối với bất cứ ai. Poirot cầm can cùng mũ và đi ra cửa chính. Khi ông khép cửa lại, đôi mắt ông một lần nữa lại cặp đôi mắt của người thanh niên. Ông tự bảo rằng chàng trai tội nghiệp này chắc chắn là chỉ đau răng xoàng thôi. Tới phòng trước, Poirot dừng lại trước một cái gương để chải lại bộ ria mép đã hơi bị rối khi ở trong phòng của ông Morley. Ông vừa chải lại nó khi ra khỏi thang máy, người phục vụ xuất hiện ở cuối phòng. Anh ta huýt sáo vang lên. Anh đừng hẳn lại khi thấy Poirot và vội vàng mở cửa cho ông. Một chiếc taxi đậu ở trước ngôi nhà. Một bàn chân phụ nữ hiện ra ở cửa xe. Poirot nhìn nó, vẻ thích thú. Một cái mắt cá đẹp. Những chiếc tất xinh. Một bàn chân nhỏ, nhưng một chiếc giày hơi không vừa. Một chiếc giầy bằng da mới tinh, với một cái vòng to, lóng lánh. Poirot lắc đầu. Chiếc giầy này thiếu lịch sự và đóng rất quê. Bà ta bước ra khỏi xe. Bị bất ngờ vướng chân vào cửa xe, một cái vòng của chiếc giày kia rơi xuống vỉa hè. Poirot vội vàng nhặt lấy và trả lại cho bà bằng một cái cúi gập người lịch sự. Chao ôi! Bà ấy gần năm mươi tuổi hơn là bốn mươi, mang kính cặp mũi, có tóc nhuộm và mặc quần áo không vừa người. Bà ấy cảm ơn Poirot và đánh rơi xuống đất trước hết là kính cặp mũi rồi đến cái ví của bà. Lịch sự, Poirot nhặt cái này rồi cái kia. Sau khi lấy lại đồ đạc, bà bước lên thềm nhà số 58 phố Hoàng hậu Charlotte. Poirot đi tới gần người lái xe đang ngắm nghía với vẻ chán ngán món tiền trà nước nghèo nàn mà bà thưởng cho ông. - Ông có rảnh không? - Vâng. - Tôi cũng vậy - Poirot nói - Và được giải phóng nữa. Ông nhận xét thấy người lái xe nhìn chòng chọc vào mặt ông với con mắt lo lắng. - Ông an tâm - ông nói thêm - tôi không say rượu đâu. Tôi vừa ừ nhà ông nha sĩ ra và tôi được giải phóng khỏi ông ấy trong sáu tháng. Đấy là một ý nghĩ rất an ủi.