ha sở nhà thờ Thánh Tâm là một người uyên bác và phải nói, Cường có cảm tình với Thiên Chúa giáo ngày càng nhiều không phải qua Thương, dù rằng trong bao năm quen và yêu nhau, không thiếu gì những lần anh đưa đón nàng đến nhà thờ đi lễ. Mỗi lần như vậy, khi Thương vào nhà thờ thì Cường thường lùi xe kiếm một quán cà phê nào ngồi đọc báo và chờ. Tuy là một con chiên nhưng Thương chưa bao giờ rủ rê anh theo niềm tin của mình, nàng chỉ đề nghị, nếu rảnh thỉnh thoảng anh cũng nên đọc một số sách báo nói về Thiên Chúa để có cái nhìn toàn diện tôn giáo của nàng, thế thôi. Cho đến nay, khi hai người sắp lấy nhau rồi, nhưng cả hai đều đồng ý với nhau rằng, niềm tin của ai nấy giữ mà thật ra Cường chưa hề theo một tôn giáo nào, gọi cho đúng là theo đạo thờ cúng ông bà tổ tiên như người dân miền Tây quê anh vẫn thường nói, thế nhưng anh vẫn chưa chuẩn bị tâm lý sẽ đi nhà thờ rửa tội. Thương cũng đồng ý vì theo nàng, tin và làm theo một điều gì là tùy thuộc vào lòng tự nguyện của mỗi người, cưỡng ép chẳng giải quyết được gì về niềm tin mà đôi lúc còn phản tác dụng. Thế nhưng phải nói càng ngày Cường càng tỏ ra thích thú quan tâm đến niềm tin Thiên Chúa nhiều hơn bởi chính là nhờ vào vị cha sở này. Anh biết vị linh mục già qua mấy lần chở Thương đến gặp để nhờ ông làm một phận sự gì đó có liên quan đến mấy người bạn của nàng ở nước ngoài nhờ giúp. Vài lần chào hỏi xã giao và sau đó dần dần Cường thấy mình bị quyến rũ bởi sự hóm hỉnh thông minh của ông trong trò chuyện. Nay ông đã là một linh mục già nghỉ hưu theo giáo luật nhưng trong cách nhìn và suy nghĩ của ông lại rất khoáng đạt trẻ trung. Vì vậy sau này mỗi khi rảnh rỗi anh rất hay đến thăm ông, vị linh mục mà anh rất mực yêu quý. Những căng thẳng trong công việc tại cơ quan, những nỗi phiền muộn trong cuộc sống riêng tư… nhờ ông mà Cường thấy giải tỏa được ít nhiều. Cha cũng quý mến Cường như con của mình vậy. Những tháng ngày cuối cùng của một linh mục đã dâng hiến trọn cuộc đời phụng sự cho Chúa, ông đã tìm thấy ở anh một nỗi an ủi ruột thịt nào đó khi mà những người thân thuộc hầu như không còn ai trên cõi đời này. Ông xem Cường là một đặc ân mà Chúa ban cho ông vào những ngày tháng cuối. Chúa đã cho người đến chia sẻ vui buồn với ông. Nằm nép sâu phía sau nhà thờ Thánh Tâm là căn nhà rất xinh xắn, một trệt một lầu, với lầu trên là nguyên một thư viện nhỏ chất đầy sách và tầng trệt thì dùng để ở và tiếp khách. Nhà được cất hoàn toàn bằng gỗ, những dây hoa leo phủ đầy, thả rơi thõng từ trên mái nhà xuống, phất phơ theo gió, hương thơm thoang thoảng. Khung cảnh thật thanh bình nhã tịch. Đây là căn nhà của giáo dân xây tặng cho vị cha sở yêu kính khi ông được bề trên cho nghỉ hưu sau hơn mấy chục năm phụng sự Chúa. Đáng lẽ ông được đến nghỉ một nơi khác đàng hoàng hơn, nhưng gần như cả đời gắn bó với con chiên của xứ đạo này, từ những cô cậu bé ngày nào khóc oe oe rửa tội nay đã thành những ông bà tóc bạc cả, trải qua đến mấy cuộc chiến tranh, từng phiến đá ngọn cây nơi đây đều gắn bó với cha như ruột thịt, vì thế mà ông mới xin với bề trên và được chấp nhận cho ở lại đây. Ông muốn những năm tháng cuối cùng của cuộc đời sống ở xứ Thánh Tâm này để chia sẻ những niềm tin, nỗi buồn với mọi người và, một mai nếu có về với Chúa thì cũng sẽ được yên nghỉ an bình nơi đây. -Cha à… Vừa đưa tay giật nhẹ cái chuông trước cửa, Cường vừa lên tiếng gọi, cũng phải hai ba lần thì anh mới nghe tiếng dép loẹt quẹt của vị linh mục từ phía trong vang lên, chắc ông lại đang mải mê đọc gì đó rồi. Tuy tuổi đã gần 80, nhưng cha vẫn là một người rất chịu khó đọc, kiến thức mênh mông của ông làm cho Cường rất nể phục. Anh biết, nếu không vì đôi mắt ngày càng kém đi thì hiếm khi nào ông chịu ở nhà mà đang lang thang đâu đó ở thư viện này kia để tìm đọc những cuốn sách ưa thích. Ông vẫn thường than vãn với anh về đôi mắt của mình ngày càng kém, thú vui của một linh mục già giờ đây chỉ còn là đọc sách thế mà… Cường cười, đùa, Chúa muốn cha nghỉ ngơi đấy. Ừ có lẽ vậy, cũng sắp đến lúc cha phải về với Chúa rồi. Ló mái đầu mái tóc bạc ra trước, sửa lại cặp kính lão để nhìn cho rõ và nhận ra Cường, ông vui vẻ hẳn lên. -Ơ… Cường. Con về hồi nào? -Mới hôm qua cha à, nhưng tối quá nên không dám qua sợ phiền cha. Hôm nay thì con chạy qua ngay vì có mấy món quà rau tươi ở Đà Lạt mà Thương gửi cho cha dùng liền. -Cha già rồi, ăn uống bao nhiêu mà các con quà cáp làm gì cho phiền - Vị linh mục già cười hiền hậu, phô hàm răng trắng muốt đều đặn. Anh cười, đọc lại nguyên câu của vị Thánh St.Francis of Assisi khó khăn mà anh từng được cha đọc cho mình nghe, chính lúc cho đi là được nhận lãnh… Vị linh mục già cười vang, đưa tay vỗ vỗ lên vai anh âu yếm. -Vào đây… vào đây nào – Ông thân ái kéo Cường vào nhà. Ngồi xuống, nhìn lên bàn làm việc của cha thì thấy đang sáng đèn và có một cuốn sách lật dang dở, Cường hỏi. -Cha đang đọc gì đấy ạ. -Này… này… hay lắm nhé – Nét mặt Cha rạng ngời, hớn hở nói như khoe - Một cuốn sách hay lắm Cường ơi – Ông cầm cuốn sách trên bàn đi lại đặt và tay Cường. “Un Bouddhiste dit Le Charistianisme Aux Bouddhistes” của Lm.Edmond Pezet, nhà xuất bản Desclée, Paris 1987, nguyên bản bằng tiếng Pháp, Cường lẩm bẩm đọc khó khăn vì anh không thông thạo tiếng Pháp lắm. -“Kitô giáo dưới mắt một Phật tử” – Cha biết ý, dịch luôn cho Cường – Đây là mười hai bài thuyết pháp của Đại sư Buddhadàsa, một tu sỹ Phật giáo người Thái Lan. -Một tu sỹ Phật giáo lại giảng pháp về Thiên Chúa giáo? Cường cầm cuốn sách vẻ ngạc nhiên tò mò. Vị linh mục già cười thú vị. Sách được xuất bản từ sự nhượng quyền của nhà Desclée-Bỉ với tổ hợp Fleurus-Mame, Pháp, dưới sự bảo trợ của Fondation “Nostra Aetate” - Hội đồng Giáo Hoàng phụ trách đối thoại liên tôn. -Nhưng con không hiểu về lời giảng của một tu sỹ Phật giáo sẽ nói gì về Thiên Chúa giáo là sẽ như thế nào, thưa cha. Phê phán, chê bai hay khen và sẽ khen kiểu gì? Hiểu được ánh mắt tò mò của anh, vị linh mục liền giải thích. -Ừ… ừ… tại sao cha phải dài dòng nói như vậy là vì muốn nói rằng, nội dung của cuốn sách rất hay không giống một số cuốn danh xưng to tát này nọ nhưng chỉ là tán nhảm bậy bạ hiện vẫn xuất hiện đầy trên thế giới. Nhiều… nhiều lắm. Ông đi lại bàn làm việc tay cầm một tập giấy trắng mà mấy trang đầu có những hàng chữ viết li ti, đưa cho Cường xem. Những nét chữ run rẩy của tuổi già nhưng vẫn rất rõ ràng, chân phương. Cha giải thích: -Cha thấy nội dung của nó hay quá nên vừa đọc vừa dịch ra tiếng Việt. -Cha tính xin xuất bản cuốn sách này à? -Cha không biết – Ông lắc lư đầu – Cha vừa đọc vừa dịch ra tiếng Việt là vì muốn chia sẻ niềm vui với riêng con thôi, Cường ạ. Cám ơn cha – Anh nhìn ông cảm động, tất nhiên đọc thẳng bằng tiếng Pháp đối với cha là chuyện quá dễ dàng, bình thường. Tuy thế như ông nói, ông cũng muốn anh hiểu nội dung cuốn sách này mà với vốn Pháp ngữ của anh thì quả là khó khăn để hiểu, chính vì thế mà ông phải vừa đọc vừa dịch, dùa làm như vậy sẽ rất mất thời gian lẫn công sức, huống hồ với tuổi gần tám mươi, đôi mắt ngày càng kém, sức khỏe gần đây giảm nhiều. Dường như hiểu Cườn sẽ sắp nói gì, cha giơ tay ngăn anh lại. -Con đừng tước bỏ niềm vui của cha chứ. Thấy vậy, Cường im lặng mà chỉ cầm bàn tay ấm áp của ông áp vào má mình. Vị linh mục già giảng giải. -Tại sao cha lại muốn con đọc, vì rằng, Đại sư Buddhadàsa đã qua những bài thuyết giảng của mình để muốn nói với tất cả mọi người rằng, tất cả các tôn giáo suy cho cùng là nên thành tâm sống theo những giá trị cao cả của tôn giáo mình, đồng thời sống trong tinh thần bao dung, vô chấp để tìm hiểu những giá trị chân lý cao cả trong cốt lõi của các tôn giáo bạn. Đây cũng chính là tinh thần xây dựng và đối thoại, cùng tôn trọng yêu thương nhau tìm về chân lý như của Tòa thánh Vatican hiện nay đang phát động, con hiểu không? Cường ngoan ngoãn gật đầu như một đứa trẻ. Mỗi khi anh gặp những phiền muộn trong cuộc sống, từ chuyện con cái, những uẩn ức riêng tư cho đến công việc xã hội, gặp được cha, Cường thấy được giải tỏa ít nhiều trong lòng. Ông như là người thầy, người thân chú bác, có lúc như người bạn lớn gần gũi chia sẻ những khúc mắc với anh. Chia sẻ bằng lời nói giảng giải, bằng sự hiểu biết từng trải của mình và đôi lúc chỉ là sự thông cảm bao dung không thể hiện bằng lời nói cụ thể. Mỗi khi đến bên ông trong lòng Cường luôn thấy tràn ngập tình thương yêu khó nói hết bằng lời. Tuy cũng có những điều tế nhị trong cuộc mà anh hiểu có nói ra thì có lẽ cha cũng chẳng có thể giúp được gì cho mình, bởi đấy là những quan hệ sống rất trần tục của những con người trần tục, chẳng lẽ lại tâm sự với ông? Khó nói quá, dù gì thì cha vẫn chỉ là một vị linh mục độc thân sống trong nhà thờ và như có lần ông đã phân trần với anh, Giáo hội Rôma dạy rằng, luật độc thân cho dù không xuất phát từ lề luật minh nhiên của Đức Kitô nhưng phù hợp với bản chất và sứ mạng của linh mục trong Đức Kitô. Bởi vậy, sự độc thân của một linh mục không hiểu theo chiều hướng tiêu cực từ bỏ đời sống hôn nhân mà là một sự lựa chọn Đức Kitô tuyệt đối cũng như dấn thân phục vụ cộng đoàn, được rao truyền diễn tả trong cuộc sống. Thế nên, trong một lần gặp, ông lắc lư mái tóc bạc phơ nói, sẽ còn rất nhiều chuyện ngoài đời mà cha chẳng thể nào hiểu nổi đâu con trai của ta ạ, con phải tự giải quyết lấy thôi. Anh hiểu và chính vì thế mà đôi lúc có những chuyện anh đã không dám làm phiền cha là vì vậy. Mặc dù biết rằng ông sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng có thể. Sau những phút say sưa bàn về nội dung cuốn sách, đột nhiên vị linh mục già dừng lại, sửa cặp kính lão và nheo mắt nhìn Cường. -Cha thấy niềm vui trong mắt con. -Dạ… - Cường cười, vui vẻ trả lời – Thưa cha, con đã chính thức ngỏ lời cầu hôn với Thương rồi. -Ồ… tốt quá… tốt quá… - Vị linh mục già không giấu được niềm vui và reo lên như vậy - Thế các con tính chừng nào tổ chức? -Càng sớm càng tốt cha ạ. Co để Thương quyết định ngày… nhưng mà - Cường dè dặt – Có điều… -Con chưa sẵn sàng lãnh bí tích rửa tội chứ gì? Ông nheo nheo mắt hỏi. -Dạ vâng… -Cha hiểu - Vị linh mục già gật gù – Giáo hội xác tín rằng “hôn nhân là một bí tích và là một hình ảnh kết hợp bất khả phân ly của Chúa Kitô và Giáo hội”. Và chắc con cũng từng nghe câu “sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Cường lẳng lặng gật đầu. Chuyện tình cảm giữa anh và Thương kéo dài nhiều năm nhưng chưa cưới vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có chuyện khi anh và nàng kết hôn thì sẽ giải quyết thế nào về việc làm lễ cưới trong nhà thờ. Cường yêu quý tôn giáo của Thương, nhất là qua hình ảnh những người đáng kính như vị linh mục già này, thế nhưng cũng thật lòng là anh vẫn chưa sẵn sàng theo tôn giáo của Thương. Vẫn còn những điều lấn cấn khó nói, vị linh mục già rất hiểu điều đó. Ông đã từng nói thẳng quan điểm. Giáo hội Công giáo không ép buộc và không có quyền bắt ai theo đạo kể cả trường hợp một người không Công giáo muốn kết hôn với một tín hữu Công giáo. Đối với một tín hữu Công giáo thì đức tin mới là một điều kiện tiên quyết để được cứu rỗi và đó là giá trị cao cả. Chúa Kitô đã dạy “Được lời cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích chi”, cho nên giữa những người cùng đạo lấy nhau vẫn là tốt nhất, vì lý do này ép người kia phải theo đạo thông qua cuộc hôn nhân thì cũng chẳng giải quyết được điều gì bởi với Giáo hội thì trên tất cả vẫn là bảo đảm hạnh phúc cho hai con người ấy và con cái họ về sau. Dù sao thì Thương cũng là một tín đồ Công giáo thuần thành nên nàng vẫn áy náy trong lòng về điều này. Anh và Thương quen nhau, đều là những người trưởng thành, có gia đình, có con cái, sau này đã sống chung với nhau rồi. Thời gian đầu, biết chuyện này quả là một điều khó khăn cho vị linh mục già vì ông rất quý Thương và sau này là Cường. Là một linh mục nhiều kinh nghiệm nên ông hiểu rất rõ cách sống của Thương với Cường, đã có lần cha quở Thương rằng, những quan hệ ngoài hôn nhân của nàng và Cường là một tội trọng và không được chịu các bí tích (Giáo lý số 2390) làm Thương rất khổ tâm. Họ đã sống với nhau theo kiểu “hôn nhân hoàn hợp nhưng không thành nhận” bởi đã có quan hệ thể xác nhưng chưa đi đến hôn nhân. Mà theo quy định của Giáo hội chỉ có hôn nhân hợp pháp thì các quan hệ mới gọi là “thành thật và hoàn hợp”. Cho đến giờ, khi biết hai người đã quyết định đi đến hôn nhân cha rất mừng, dù sao họ sẽ là vợ chồng và cha thấy mình không bị khó xử nữa. Cầm tay Cường, cha an ủi: -Dĩ nhiên là cha mong rằng một ngày nào đó con sẽ đón nhận được tình yêu Thiên Chúa đến với con. Còn với cuộc hôn nhân này mặc dù theo Giáo luật hiện hành xác nhận rằng nếu có hôn nhân giữa một tân tòng chưa rửa tội và một tín hữu Công giáo thì coi như bất thành và vô hiệu lực. Tuy nhiên Giáo luật cũng dành cho bản quyền địa phương có quyền chuẩn chước cho hai người được kết hôn trong một số trường hợp và buộc phải tuân theo các quy định của Giáo luật (Đ.1125,1 – 1125,2 – 1125,3). Cường nhìn cha biết ơn. Âu yếm gõ lên đầu anh, cha nhẹ nhàng nói, suy cho cùng tất cả mọi sự dự liệu trong cuộc đời này đều ở trong tay của Chúa và chắc rằng Ngài sẽ chẳng trách phạt con cái của mình đâu. Bởi theo ông ở bất kỳ khía cạnh nào thì việc Thương và Cường đi đến hôn nhân thì vẫn tốt hơn tình trạng sống chung tạm bợ của hai người. Và rồi Cường kể lại câu chuyện không mạch lạc, lộn xộn đầu đuôi về những ám ảnh của giấc mơ vừa qua của anh tại Đà Lạt với những dự cảm lo âu. Vị linh mục già chăm chú lắng nghe kỹ lưỡng. Sau khi kể xong thì Cường thấy nhẹ nhõm hẳn. Xoay cây quạt máy về phía Cường cho mát, vị linh mục lẹt xẹt lê dép vào phía trong bếp, ông mang ra đĩa trái cây. -Thông thường theo quan niệm của Thiên Chúa thì tất cả những điều con vừa nói thì được hiểu như là điềm báo, mà đã là điềm báo thì phải có điềm báo tốt, báo xấu… nhưng thực chất tất cả chỉ là mê tín dị đoan thôi. -Vâng con hiểu. -Với người Công giáo thì không được tin vào chuyện điềm báo, tuy nhiên để biểu hiện sự hiện hữu của Thiên Chúa và Mạc Khải là có thật thì sẽ xuất hiện các chứng từ và các dấu chỉ (sign). Qua những chứng từ và dấu chỉ, Thiên Chúa muốn biểu lộ sức mạnh và tình yêu của Ngài giành cho chúng ta. Các dấu chỉ và chứng từ đó còn được gọi là các “nguyên khả tín”, tuy thế cần phải phân biệt và đừng lẫn với “nguyên do đức tin” – Có lẽ sợ Cường hiểu không hết ý nên cha đã tranh thủ giảng giải thêm – Các nguyên do kảh tín thuộc ngoại giới có tính khách quan (chẳng hạn các dấu lạ, các sấm ngôn, sự tồn tại của giáo hội). Vì vậy mà Cộng đồng Vatican I có nói các dấu tín chỉ khả tín rất chắc chắn và ai cũng có thể nhận thấy (D.1812). Trong chuyện của con vừa kể thì dĩ nhiên không thể là dấu chỉ được. -Nhưng theo con thì tất cả đều không khác nhau về bản chất bởi cũng chỉ là biểu hiện của phép lạ - Cường cãi – Mà thưa cha, chẳng gì cha cũng thấy đấy, đâu đó trên thế giới này, kể cả ở Việt Nam chúng ta thi thoảng vẫn có những nơi này kia lan truyền về phép lạ này kia hiện ra đó sao… và tất cả chỉ là biểu hiện niềm tin thôi. -Hãy cẩn thận… cẩn thận… - Vị linh mục già hắng giọng, giơ một ngón tay lên cao như đe dọa và lắc mái tóc bạc – Trong Mc 13:22-23 có cảnh báo “Sẽ có những Kitô giả và tiên tri giả trỗi dậy, và chúng sẽ làm những dấu thiêng và điềm lạ, để phỉnh gạt, nếu có thể, những kẻ đã được chọn. Hãy thức tỉnh coi chừng. Ta dặn các ngươi cả rồi đó”. Do vậy, Giáo hội rất thận trọng trước khi công nhận xuất hiện phép lạ nơi này nơi kia trên thế giới, bởi sự ngộ nhận và niềm tin mù quáng cũng có, sự cuồng tín cũng có và sự lừa đảo cũng có, con phải biết điều đó… thế nên trong chuyện của con – Ông lắc đầu và nhìn thẳng vào mắt Cường – cha lại nghĩ đến chuyện khác. -Chuyện gì thưa cha? -Đó là những mỏi mệt và căng thẳng trong tâm hồn của con thì phải. Giấc mơ kia cha nghĩ chỉ là những phản chiếu trở lại trong chính tâm hồn con thôi. Chắc công việc của con dạo này bận bịu lắm hả - Vị linh mục già hỏi khẽ. Cường gật nhẹ đầu với cha. Phân viện thiết kế và quy hoạch phía Nam nơi Cường đang công tác đã được Bộ chính thức nâng lên thành Viện thiết kế quy hoạch miền Nam. Cũng qua đợt sắp xếp tổ chức này mà phòng của Cường nhập với một phòng khác thành một phòng lớn nhất của Viện do Cường làm Trưởng phòng. Dư luận đồn đại, cũng chẳng mấy chốc mà chiếc ghế Viện phó đến tay anh bởi đến nay Viện vẫn thiếu cán bộ lãnh đạo, trong khi Cường còn khá trẻ, đang độ tuổi quy hoạch, có năng lực. Việc nhiều, chức trách nặng nề, anh khá mệt. Thế liệu có còn gì khác không, ánh mắt của vị linh mục già như muốn hỏi điều ấy. Cường im lặng. Phía trong nhà thờ, buổi lễ chính thức đang được tiến hành, bài hát thánh ca vang lên. Là gì nhỉ, đôi lúc Cường cũng hỏi chính mình điều đó. Thời gian gần đây tự dưng anh cảm thấy mỏi mệt quá. Dường như có những bâng khuâng xa vắng nào đó cứ mơ hồ ẩn hiện trong lòng anh dập dờn như sóng mà anh lại chẳng rõ đó là điều gì. -Con về đây cha ạ. Cường đứng lên chào, vị linh mục già đứng dậy tiễn anh ra cửa. Nhìn ông thật thấp bé bởi chỉ đứng cao ngang tai Cường, nhưng sự lớn lao trong tâm hồn ông thì khó diễn tả nổi bằng lời. Cường cúi thấp đầu để cha hôn lên trên mái tóc, tự dưng anh muốn ứa nước mắt vì cảm nhận được tình thân thương dào dạt của cha dành cho anh. Chao ơi, bốn mươi tuổi đầu và đã là cha nhưng đến giờ tự dưng anh mới cảm nhận được tình cảm cha con lớn đến dường nào. Nắm chặt tay anh, cha an ủi. -Mọi sự đều trong tay Chúa và Ngài không bao giờ rời bỏ con cái của mình đâu. Vâng mọi sự trong tay Chúa, cầu mong lòng nhân ái của Ngài sẽ cứu giúp loài người vốn nhiều đau khổ này. Thiên Chúa minh nhiên và an lạc, sự lớn lao của Chúa phủ đầy khắp thế gian này. Cầu cho mọi sự bằng an trong tay Chúa. Hai người đàn bà ngồi im lặng trong quán cà phê máy lạnh nhìn ra ngoài đường, Sài Gòn về chiều đang giờ tan tầm, người người chen nhau ken đặc, luồn, lách, nhích, nhích từng tý trong tiếng xe gào rú ầm ĩ lẫn khói bụi cay sè. Những khuôn mặt cau có, bực bội và vội vã. Thành phố của thế kỷ 21 là một thành phố của những nhịp chạy vội vã cấp tập đến vô tận. Múc một muỗng kem lạnh cho vào miệng, Gia Khánh nhìn Thương mỉm cười. -Dù sao thì con cũng chúc mừng dì, cuối cùng cũng là một kết thúc đẹp. Thương thở dài nhè nhẹ nhìn Gia Khánh. -Con vẫn chưa chịu tha thứ cho ba của con ư, Gia Khánh? -Tha thứ…? Gia Khánh nhún vai - Với con giờ đây chẳng có gì để gọi là tha thứ cả dì ạ. Từ ngày biết được sự thật về bản thân Gia Khánh đã quyết không bao giờ tha thứ cho cha ruột của mình, mặc cho Cường nhiều lần tìm cách giải thích. Theo cô, Cường là một người đàn ông vô trách nhiệm, vô trách nhiệm nên mới để cho mẹ của cô chết oan uổng như vậy và cũng vô trách nhiệm nên trong từng ấy năm sống bên cạnh con gái nhưng anh cũng chỉ như một người dưng với vai trò người chú, chính vì thế mà Gia Khánh không bao giờ tha thứ cho Cường mặc dù người nhà đôi bên nội ngoại cũng nhiều lần giải thích đó là do hoàn cảnh hồi ấy. Nhưng vô ích, không vẫn là không, Gia Khánh vốn là đứa cứng đầu cứng cổ. Má hai, người má mà từ nhỏ Gia Khánh vẫn thương yêu tưởng là mẹ mình thì nay té ra lại là bác ruột, người mà nàng thường gọi là chú út thì lại là cha, một sự dối trá bao nhiêu năm khiến nàng thấy cay đắng trong lòng. Sau khi thi đậu đại học là lập tức Gia Khánh dọn vào kí túc xá của trường, khi đi làm thì thuê nhà riêng, mặc cho gia đình mọi người ngăn cản lẫn Cường năn nỉ; cô vẫn không quay về. Gia đình Cường vốn là một điền chủ giàu có nức tiếng miền Tây từ thời Pháp đến thời Mỹ, sau 1975 khi Nhà nước có chính sách đưa đất đai vào hợp tác xã nông nghiệp thì những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở khu vực tam giác Vĩnh Xuyên ấy mới đổi chủ. Tuy thế đây vẫn là một gia đình có của ăn của để mà phải đến vài đời con cháu mới hết. Cường là con trai út trong gia đình có đến chục anh em, là con vợ hai của ba. Ba của Cường và một người bạn thân có làm lễ hứa kết thân sui gia từ hồi Cường là một thằng bé ba tuổi, với lời ước sau này hai nhà gả con cho nhau. Vì thế Cường đã chơi thân với cô bé với sự ủng hộ của cả hai gia đình. Tình cảm trẻ thơ cứ lớn dần theo năm tháng, cho đến năm mười sáu tuổi, cả hai đứa trẻ đều được gửi lên học tại trường cấp III ngoài thị xã. Tuổi trẻ mới lớn, cùng xa nhà, nhiều chuyện tò mò phức tạp, không có người lớn kèm cặp và đã đi quá. Chỉ đến khi bụng bầu của cô bé quá lớn thì hai gia đình mới tá hỏa, nhưng quá trễ và buộc phải để đẻ. Do tuổi nhỏ, sức yếu nên cô bé sau khi sinh con xong kiệt sức, chết. Má của Cường đem cau trầu đến tận nhà gái khóc xin nhận làm sui, nhận con dâu và làm lễ mai táng. Bên nhà gái thông cảm, không thưa kiện bắt tội và cũng chấp nhận cho gia đình Cường đem đứa bé về nuôi. Sau những trận đòn đánh thừa sống thiếu chết, gia đình Cường quyết định đưa Cường lên Sài Gòn ở với người anh hai, còn đứa bé gái kia thì đưa cho người chị hai dưới quê nuôi. Cho là chuyện xấu nên gia đình giữ kín, chỉ đến khi Gia Khánh tròn mười tám tuổi, thi đậu vào đại học thì gia đình mới quyết định nói rõ thân thế để cô biết nhận cha. Sự thật quá ê chề khiến từ đó Gia Khánh trở nên lạnh lùng. Còn trong lòng Cường luôn luôn mang nặng sự giày vò của cảm giác tội lỗi không thể tha thứ và anh thấy mình mắc nợ con. Từ nhiều năm nay, sau khi quen và yêu Cường, biết nỗi lòng và hoàn cảnh của cha con Cường thì chính Thương là người cố gắng kết nối hai cha con lại với nhau, dẫu biết rằng gương vỡ đâu dễ lành nhưng dù sao Thương cũng đã làm cho quan hệ hai cha con bớt căng thẳng. Họ chịu gặp mặt nhau, nói chuyện với nhau, dù là lạnh nhạt. Tuy nhiên Gia Khánh lại tỏ ra rất quý mến Thương và từ lâu chính cô đã ủng hộ mối quan hệ tình cảm giữa Thương và Cường và thậm chí còn nhiều lần bày tỏ ước mong hai người tiến đến hôn nhân. Nghe Thương thông báo đám cưới sắp tới thì cô rất vui, tuy nhiên khi Thương tỏ mong muốn Gia Khánh hãy đến dự đám cưới và coi như từ đây giảng hòa giữa hai cha con thì cô lại lưỡng lự. Rất khó nói những suy nghĩ trong lòng Gia Khánh bây giờ, mấy năm sống ngoài đời bươn chải cô cũng đã lớn lên nhiều. Sau mấy cuộc tình dang dở, va chạm, chia tay với nhiều đau đớn cũng làm cho Gia Khánh hiểu biết chuyện hơn. Đối với người cha ruột của mình, đôi lúc Gia Khánh thấy mâu thuẩn trong lòng, vừa thương yêu nhưng cũng vừa hờn giận. Thương yêu vì cô hiểu rằng cha mình rất hối hận về những chuyện xảy ra trong quá khứ đối với mẹ cô, đối với cả chính cô và nay luôn mong muốn được bù đắp, chỉ có điều tất cả chỉ là một tình thương vụng về. Hờn giận vì sao nhiều lúc cô thấy cha vô tình quá, lúc nào cũng tươi trẻ như một chàng trai, có cảm giác như chẳng bao giờ thấy cha lo lắng điều gì và bao vây quanh cha luôn là những người đàn bà trẻ trung, xinh đẹp chiều chuộng. Nhìn vào đôi mắt kẻ chì rất đậm của Thương, Gia Khánh thở dài, nói: -Dì Thương biết không, thật ra đến giờ thì con cũng không hận cha nữa. Cái cảm giác thù hận ấy đã tan theo thời gian rồi, hồi ấy con đã bị sốc khi hiểu sự thật và luôn day dứt tự hỏi rằng, tại sao ông ấy lại vô trách nhiệm với con trong từng ấy năm như vậy… rồi… - Đôi mắt cô gái rưng rưng lệ - Con cứ nghĩ mãi đến mẹ con, một người mẹ mà con chưa từng biết mặt, tuổi đời chưa đến 17 đã phải chết vì ông ấy, chính vì thế mà con thấy thù hận cha, nhưng… Gia Khánh thở dài. -Ra đời đi làm, hiểu biết nhiều điều dần dần đối với cha con không còn căm ghét ông ấy nữa, không phải con không biết là từng ấy năm cha âm thầm đưa tiền về cho má hai nuôi con ăn học, cả sau này khi con ra trường đi làm thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, tiền mà má hai gửi lên cho con thật ra là tiền của cha. Kể cả gần đây chuyện cha đứng ra làm mai mối anh Rich Phạm cho con cũng là một cách lo của cha, dù rất vụng về. Thương im lặng, đúng vậy, biết con gái giận mình và chắc chắn sẽ không bao giờ chịu ngửa tay nhận tiền của mình, nên trong từng ấy năm Cường luôn bí mật đưa tiền cho chị hai của mình để nuôi Gia Khánh. -Nhưng con luôn tự hỏi tại sao những người nào đến với cha thì đều gặp không may mắn cả, dì có biết chuyện ấy không? Thương giật mình. Nhiều năm nay trong tình yêu với nàng, ngoài chuyện nàng bận công việc kinh doanh ra thì thật ra cũng còn một phần từ phía Cườn nữa. Không phải là một người mê tín dị đoan nhưng Cường bị dằn vặt về một điều là hình như những người đàn bà nào yêu thương anh, đến với anh thì trước sau gì cũng sẽ gặp điều không may. Đơn cử là má của Gia Khánh, sau đó khi đi làm thì Cường có quen với một nữ đồng nghiệp trong cơ quan và họ có một tình yêu đẹp, chuyện hôn nhân được gia đình hai bên lẫn bạn bè tán thành, tuy thế trước ngày cưới ít hôm, trong khi đi chọn áo cưới, cô dâu đã bị tai nạn xe ôtô và qua đời. Không kể vài cuộc tình khác thoáng qua mà dường như cũng vậy, tất cả làm cho Cường hoảng sợ. Như có lần anh nói với cô, có vẻ như số anh mang mạng một ngôi sao Thiên Phúc cô tinh như trong một bộ phim của Hồng Kông vậy. Nghe anh nói Thương phì cười nhưng cũng hiểu rằng đấy là nỗi ám ảnh của Cường nhiều năm nay, vì thế anh đã lưỡng lự rất lâu trước khi quyết định đi đến hôn nhân với Thương, anh sợ. Anh yêu nàng và không muốn đem tai họa đến cho nàng. -Bây giờ thì con không còn giận ba như trước đâu dì ạ, tuy nhiên để xây dựng một mối quan hệ cha con thương yêu thật lòng thì khó quá… -Dì hiểu… -Thật ra ba là một người đàn ông yếu đuối, đa cảm và rất dễ xúc động, tuy nhiên ba luôn cố che đậy điều ấy dưới vẻ bề ngoài là một người đàn ông cứng rắn, mạnh mẽ, thậm chí có lúc là bất cần đời. Ba đang chạy trốn chính ba thôi, ba của con vậy đấy dì có hiểu không? Bất giác Thương giật mình khi nghe Gia Khánh nó điều này, thứ nhất, té ra tuy không gần gũi Cường thế nhưng Gia Khánh rất quan tâm đến cha mình và hiểu cha rất rõ. Thứ hai những điều Gia Khánh nói đến bây giờ Thương mới ngẫm ra và nàng cảm thấy rất đúng. Người đàn ông của nàng mạnh mẽ thật nhưng nhiều lúc cũng yếu đuối làm sao. -Ba con là người rất sợ cô đơn và dễ mềm lòng… đặc biệt không hiểu sao ba lại luôn được nhiều người quý mến đến thế, không lẽ đấy là thế mạnh của ba và dì có ghen không? Thương nhún vai, cười. Nhìn nàng, Gia Khánh cũng cười. -Dì có thấy lạ không, xung quanh ba bao giờ cũng có những người yêu quý? -Ai nào? Thương giả vờ lớn tiếng, Gia Khánh cười khúc khích. -Bây giờ là Dì này, và… còn nhiều, nhiều cô. -Ừm… -Và cả chú Bằng nữa. Thương gật gù, đúng vậy, nàng biết là Cường có một người bạn trai chơi rất thân từ hồi còn đi học và nay anh ta là chủ của mấy cửa hàng cho thuê quần áo cưới, thời trang nổi tiếng tại thành phố, người đàn ông này không hề giấu chuyện mình là người đồng tính. Hồi đầu nàng cũng hơi lo và đe chừng Cường về chuyện ấy. Cường cười cho nàng biết, là bạn bè thân chơi với nhau từ hồi còn là học sinh cấp ba, hiểu nhau quá, thế nên trong chuyện ấy chắc chắn không xảy ra, nếu không đâu còn là bạn thân đến giờ. Qua vài lần tiếp xúc thì dần dần Thương cũng hiểu và thông cảm không những thế sau này nàng còn là khách hàng thân thiết của Bằng, chẳng là ngoài cửa hàng cho thuê áo cưới, buôn bán mỹ phẩm thì Bằng cũng còn làm chủ một tiệm may cao cấp, chuyên may hàng cho khách nước ngoài và Việt kiều, có đặt hàng trước. -Ừ, với chú Bằng thì quả thật dì cũng chẳng hiểu làm sao, nhưng chú ấy rất quý mến ba của con – Thương cười khẽ - Cũng may dì biết ba con rồi và cũng biết cả chú Bằng nữa, nếu không thì… Cả hai dì cháu cùng cười khanh khách. Cầm tay Gia Khánh vuốt ve, Thương hỏi nhỏ. -Còn một chuyện nữa… -Dì muốn hỏi chuyện của con và Rich Phạm? Gia Khánh cướp lời, Thương gật đầu. Con gái của Cường quả nhiên là người thông minh, nhưng nàng lại thoáng thở dài nhìn cô bé. Sự thông minh quá của người đàn bà đôi lúc không hẳn là hạnh phúc, đàn ông vốn là những kẻ ích kỷ, họ luôn sợ người đàn bà mạnh mẽ lẫn thông minh hơn mình, cuộc đời từng trải của nàng đã cho nàng chiêm nghiệm đó. -Biết nói thế nào với dì và ba bây giờ nhỉ - Gia Khánh bặm môi – Có lẽ là không dì ạ. -Không? Nhìn cái nhướng mắt của Thương, Gia Khánh lúng túng giải thích. Theo cô thì Rich Phạm là một người hoàn hảo quá hoàn hảo đến mức khó chê nổi điều gì. Dăm ba lần đi ăn cơm chung có cả Thương và Cường. Dăm ba lần hai người đi chơi riêng. Lịch sự đến kiểu cách, chuẩn mực đến lạnh lùng, ít nói đến khó hiểu, anh ta không gần mà cũng không xa, cứ lơ lửng đâu đấy. -Đời con cũng trải qua dăm ba mối tình rồi, chẳng nhỏ dại gì nữa… nhưng mà – Gia Khánh xòe tay – Con cũng chẳng biết nói sao, nhưng sẵn dì hỏi thì con nói thật, có lẽ là chẳng đi đến đâu dì ơi. -Ba con chắc thất vọng lắm đấy. -Thú thật, thời gian đầu con cũng mến anh Rich, nhưng sau thời gian gần gũi thì con đành chịu thua, bởi không thể nào hiểu nổi anh ta cả. Thà rằng đấy là một con người cao ngạo đến tự kiêu đi thì cũng dễ hiểu, đằng này không phải, mà là khó hiểu dì à. Thương nhíu mày, có lần Cường cũng tâm sự, theo anh thì Rich Phạm là một người khó hiểu, luôn có một khoảng ngăn cách nào đấy giữa anh ta và người đối diện trong tiếp xúc. Thế nên gần đây Cường cũng nói thật, anh không hy vọng gì vào chuyện tình cảm của con gái mình với Rich Phạm. Gia Khánh là một cô gái có bản lĩnh và tính tình lại cứng cỏi, người đàn ông của con gái anh không nhất thiết giàu có hay làm ông nọ bà kia mà là phải có bản lĩnh và thực sự tình cảm, nhưng bản lĩnh ấy chắc chắn không như kiểu của Rich Phạm. Thương hiểu rằng tuy hai cha con Cường ít gần nhau, nhưng té ra họ rất quan tâm đến nhau và hiểu nhau nhiều hơn nàng nghĩ. -Thực ra dì cũng nghe loáng thoáng qua. -Loáng thoáng qua – Gia Khánh tròn mắt ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên cô nói rõ chuyện tình cảm của mình thì làm sao mà Thương nghe loáng thoáng qua. Thương nheo mắt, giải thích. -Ba của con đã nói cho dì nghe rồi, theo ba thì con và Rich Phạm có lẽ không đến đâu bởi tính tình hai người có lẽ không phù hợp nhau. Nàng vuốt nhẹ mái tóc mượt của Gia Khánh, rủ rỉ. -Chẳng có người cha nào hiểu con gái mình như ba con đâu. -Ôi dì… - Cô gái mỉm cười, nước mắt nhòe đi. -Dì hãy nói với ba là yên tâm, nhất định con sẽ đến dự đám cưới của ba với dì, còn mọi chuyện khác hãy để thời gian trả lời, thúc ép để làm gì. Nhìn cô gái đứng dậy, khoác cái túi lên vai, uyển chuyển bước đi, Thương thở dài. Thương không giấu sự yêu mến giành cho Gia Khánh và nàng đang dự định trong đầu ý nghĩ lôi kéo Gia Khánh về làm việc cho công ty mình, nếu nàng có được một người trợ lý thông minh, sắc sảo như Gia Khánh phụ giúp thì còn gì bằng. Điều nàng băn khoăn là liệu Gia Khánh có đồng ý hay không. Người đàn ông hàng xóm này có một bí mật lớn mà tình cờ nó biết được, có lẽ đó là sự tình cờ của số phận được sắp đặt. Thật ra số phận bao giờ cũng chơi khăm con người nhưng chúng ta không biết thôi. Đôi điều ta tưởng là do số phận sắp đặt té ra không phải, và ngược lại. Đây có phải là trò đùa của số phận hay không, câu hỏi này day dứt nó mãi, nhiều năm sau này thỉnh thoảng trong giấc mơ vẫn trở lại trong tâm thức. Trưởng thành lên, thậm chí già đi, nhưng đôi lúc nó cứ tự hỏi đó là điều may mắn hay bất hạnh của đời mình. Không có câu trả lời cụ thể, luôn là sự mơ màng bao phủ. Hôm ấy, như thường lệ sau bữa cơm chiều là nó tót qua nhà anh chơi ngay. Đang ngồi dạy bài cho nó thì có người trên cơ quan nhắn có công việc gấp và anh vội giao nhà cho nó trông rồi đi ngay. Ngồi vẩn vơ buồn, nó đi ra đi vào trông ngóng anh về. Bất chợt nó phát hiện ra cửa phòng ngủ của anh không khóa như mọi khi. Từ ngày qua bên này chơi, ăn ngủ bên nhà anh nó được anh cho phép vào cả trong phòng làm việc của anh để lục lọi lấy sách đọc. Tuy thế, anh dặn, riêng buồng ngủ của anh thì tuyệt đối không được bước vào, và có muốn nó cũng chẳng bao giờ có thể vào được bởi lúc nào cửa cũng khóa im ỉm, kể cả khi anh ở nhà. Đôi lúc nó rất tò mò vì không hiểu trong có bí mật gì mà anh giấu giếm đến vậy, thậm chí có những đêm nó ngủ bên nhà anh cũng chỉ được nằm nhà ngoài thôi. Thế nên hôm nay nhìn thấy cánh cửa khép hờ, trí tưởng tượng lẫn sự tò mò trong nó bị kích thích dữ dội. Trong ấy là gì nhỉ, một nàng công chúa tuyệt đẹp đang ngủ hay một kho vàng với tên tướng cướp biển chột một mắt… Dù biết rằng có thể anh rất giận vì đã không nghe lời anh nhưng cuối cùng sự tò mò trẻ con đã thắng thế. Nó nhón chân nhè nhẹ tiến đến buồng ngủ của anh. Cánh cửa bật mở, nó ló đầu nhìn vào, ngẩn người. Một căn phòng rất đẹp, phải nói rất diêm dúa mới đúng. Tất cả được trang hoàng lộng lẫy với rèm cửa màu hồng, ánh đèn màu tím biếc lẫn những nhành lan giả được treo trên tường. Kỳ dị hơn là ngay sát giường nằm của anh là một tủ kính lớn với đầy những chai lọ lạ mắt. Có mấy bộ đồ ngủ của phụ nữ vắt qua thành ghế. Quên cả sợ hãi, nó tiến đến và cầm một cái áo ngủ bằng lụa mỏng, thơm nồng đưa lên mũi ngửi vẻ ngạc nhiên. Dù gì nó cũng mười ba tuổi rồi, trong nhà nó có đến mấy chị gái lớn lận nên đủ hiểu đây là bàn phấn trang điểm của phụ nữ và đây là quần áo của phụ nữ. Thằng bé thoáng mỉm cười tinh nghịch, té ra bấy lâu nay anh ấy cấm không cho mình bước chân vào buồng ngủ vì giấu phụ nữ trong này. -Út làm gì vậy? Tiếng quát đến lạc giọng vì tức giận của anh làm thằng bé sợ run cả người. Chiếc áo ngủ tuột khỏi tay rơi xuống nền nhà, nó tái mặt nhìn khuôn mặt giận dữ của anh, điều từ ngày quen nhau đến giờ chưa bao giờ thấy. Nó ấp úng: -Em… em… -Ra khỏi đây ngay. Anh quát to, nó cúi đầu len lén bước ra, không dám nhìn anh và đi thẳng về nhà một mạch. Mấy hôm sau đó, đi làm về gặp nó, mặt anh lạnh tanh không nhìn làm thằng bé sợ quá không dám qua nhà anh chơi như mọi khi. Nó rất buồn vì không ngờ làm anh giận đến như vậy. Thấy con thẫn thờ ra vô mà không đi như mọi khi, má hỏi, nó ngắc ngứ. Thấy vậy má nói, chắc mầy làm gì để ảnh giận phải không. Thôi ráng vài bữa đi, đàn ông giận không bất quá ba ngày đâu. Lần sau nhớ đừng có vậy nữa, hư quá. Vâng, nó cũng mong đàn ông không giận quá ba ngày, quả vậy. -Lần sau út không được hư như vậy nữa nghe chưa. -Dạ em biết rồi – Tý nữa nó òa khóc vì hối hận. Nhìn khuôn mặt của nó thì anh biết rằng nó có hối hận lắm nên không nỡ trách nữa mà chỉ giục thôi ăn cơm đi. Hôm ấy nó thật vui, cuối cùng thì anh cũng đã tha thứ cho nó. Hú vía, nó tự nhủ từ nay đến chết cũng không bao giờ bước chân vào buồng ngủ của anh nữa nếu không được phép. Điều lợn gợn duy nhất trong đầu nó là hình như chưa bao giờ nó thấy có hình bóng đàn bà trong nhà anh cả, không phải riêng nó mà cả khu tập thể phế binh này ai cũng vậy… thế thì, nó không dám nghĩ tiếp vì chẳng hiểu điều gì cả. -Năm nay út bao nhiêu tuổi rồi. -Em mười bốn tuổi. -Ăn gian quá, má em nói mới mười ba mà. -Thì em tính cộng thêm tuổi mụ. Nó cười hăng hắc và thốt nhiên anh thoáng rùng mình vì dưới ánh đèn sao nhìn thằng bé dễ thương quá. Bắt đầu muốn vẻ trổ mã nhổ giò của một thằng con trai rồi, nhìn thật ngộ mà cũng thật bảnh. Một hôm, sau khi anh dạy nó học xong, nó ngồi lại. Đang cắm cúi đọc cuốn truyện tranh anh mới mượn của người bạn đem về. Nó chợt ngẩn mặt ra và nhoẻn cười khi bắt gặp ánh mắt anh nhìn chăm chú. Rồi người đàn ông đứng dậy biến mất sau buồng ngủ của mình, nó chỉ thoáng nhìn theo rồi thôi, bởi đấy là thói quen của anh, chẳng có gì lạ. Một lát sau anh bước ra, lên tiếng, giọng lạ hẳn. -Út có muốn vào xem buồng ngủ của anh không? Xem buồng ngủ của anh, giá trời có sập cũng không làm nó ngạc nhiên hơn. Hay anh đang thử thách, nó lắc đầu quầy quậy. -Dạ thôi. -Không… hôm hay anh muốn út vào thăm cho biết. Nó ngờ vực, quả là hôm nay anh lạ thật. Giọng nói cũng không được bình thường, đã thế cứ nhìn ánh mắt lẫn cử chỉ của anh, sao lạ quá. Nhưng rồi nó cũng bỏ cuốn sách xuống bàn, ngập ngừng đứng dậy. Nắm tay nó, anh nhẹ nhàng dẫn nó vào. Hôm trước là vào vụng trộm nên nó chẳng dám ngắm kỹ, hôm nay thì đủ thời gian để chiêm ngưỡng một căn buồng ngủ đẹp tuyệt và nó thì thầm: -Đẹp quá. Anh nhìn nó mỉm cười vẻ mãn nguyện. -Có điều… - Thằng bé ấp úng. -Điều gì… -Thế vợ… vợ của anh đâu? -Vợ? Người đàn ông nhướng mày rồi cũng hiểu câu hỏi của nó, anh ta bật cười vẻ thích thú. Tiếng cười đầy âm sắc nhọn, the thé – Đây là buồng ngủ của anh mà. -Những thứ này… ư… - Nó quơ tay chỉ chỉ - Ở nhà, chị hai, chị ba và má em cũng có, chỉ có điều không đẹp bằng của anh thôi. -Vậy anh… Anh bước tới, cầm một chiếc áo ngủ màu hồng phấn, áp lên má. Lim dim mắt vẻ hạnh phúc. Nhìn vẻ uốn éo của anh, nó thấy kỳ lạ. Giọng anh bất ngờ biến đổi hẳn, nhẹ bâng bẫng. -Út chờ anh nhe. Bước lại bàn phấn, rất tự nhiên anh cởi bộ đồ của mình ra, dù là đàn ông, anh em với nhau nhưng nó cũng bối rối. Thân hình trắng nõn thật mỏng của anh cứ làm nó liên tưởng đến thân hình phụ nữa. Thằng bé ngồi xuống ghế, quay mặt nhìn lên mấy cái bóng đèn màu đang chớp chớp trên tường, cố tránh không nhìn về phía anh. -Út thấy anh thế nào. Quay lại, suýt nữa nó la lên vì lạ lẫm. Đứng trước nó là một gương mặt phụ nữ được trang điểm với một bộ đồ màu hồng diêm dúa. Anh ta đang uốn éo trước mặt nó. -Đẹp không? Anh ghé đôi môi tô son đỏ chót sát mặt nó, chớp chớp đôi mắt gắn lông mi giả và được kẻ chì đen thật đậm, nhìn nó thì thầm đầy vẻ khiêu gợi. Thằng bé nín thở trả lời trong mơ hồ. -Đẹp lắm. Và bất ngờ làm sao khi anh đặt lên má nó một nụ hôn ướt rượt làm thằng bé bủn rủn cả chân tay, nó ngồi cứng đơ bất động. Đêm ấy, là lần đầu tiên nó được ngủ lại trên cái giường bồng bềnh thơm phức và được biết bí mật quái lạ của anh. Đó là mỗi khi đi ngủ thì anh thường mất đến cả nửa tiếng đồng hồ để trang điểm son phấn sau đó khoác lên người bộ đồ ngủ phụ nữ. Thi thoảng một mình ở nhà anh cũng ăn mặc như phụ nữ vậy. -Tại sao vậy hả anh? – Nó thỏ thẻ. Có lẽ nghĩ nó còn nhỏ nên anh chẳng ngại ngùng gì khi kể chuyện của mình. Anh gác vắt chân qua người nó và ôm thằng bé thơm lia lịa lên má như đứa trẻ lên ba rồi cười khì. -Cũng chẳng biết sao, nhưng từ nhỏ anh đã ước mình là phụ nữ rồi, sau này mạ biết và anh bị la quá trời. -La là đúng rồi. Anh bẹo nhẹ má nó, cười hinh hích, rầm rì tâm sự. Thật khó giải thích lý do tại sao lại như vậy, khi trưởng thành, có ăn học hiểu biết, anh cũng nghiên cứu nhiều tài liệu khác nhau để “tự chuẩn đoán bệnh” cho mình về sở thích quái lạ này, nhưng cũng chịu, mỗi tài liệu nói một kiểu. Anh chỉ có thể định dạng cho mình là đã bị một thể “bệnh” nào đó, cụ thể là thích ăn mặc quần áo như phụ nữ, trang điểm như phụ nữ và mong mỏi được sống trong thân xác của họ, vậy thôi. Sở thích mặc đồ phụ nữ, trang điểm như phụ nữ có lẽ vốn là bản chất của anh và rồi cứ lớn dần trỗi dậy theo năm tháng. Hồi nhỏ, mỗi khi được tiếp xúc với một đồ vật của phái nữ là trong anh dâng lên những cảm xúc kỳ lạ, xúc động, thích thú, sung sướng… khó nói, nhưng rõ ràng là anh rất thích. Thế nên thi thoảng anh vẫn lén lấy đồ của mạ, các chị, thậm chí của cả những người ở trong nhà, đem vào buồng riêng để ôm ấp khi ngủ, dùng thử, chán thì vứt đi. Trong nhà lâu lâu lại xảy ra chuyện mất vặt đồ phụ nữ, tra hỏi nhau om xòm nhưng chẳng biết ai lấy. Từ nhỏ anh đã biết rằng sẽ chẳng ai hoan nghênh chuyện này nên giấu giếm bí mật nầy rất kỹ. Lớn lên một chút, đủ trí khôn thì anh hiểu rằng đây không phải là điều vui vẻ gì, nhưng dùng ý chí bản thân cố cưỡng không được. Khao khát ấy cứ gầm gừ cồn cào trong bản thân anh và trỗi dậy mỗi khi có dịp. Càng lớn thì sở thích ma quỷ này càng mạnh và anh chống đỡ nó trong tuyệt vọng. Đêm sinh nhật lần thứ mười tám, sau những chúc tụng vui vẻ và được ba mạ đồng ý cho làm mấy ly rượu nhỏ, anh về phòng riêng ngủ lăn quay vì say. Đêm ấy, anh mơ một giấc mơ kỳ lạ, thấy mình trong thân xác phụ nữ, mặc một bộ đồ lụa thật đẹp, phấn son trang điểm như một bà hoàng và múa hát tưng bừng. Bất chợt anh tỉnh giấc và phát hiện ra miệng mình vẫn còn ư ử hát, nhưng điều làm anh kinh ngạc đến kinh hoàng là mình đang mặc bộ đồ lụa và trang điểm như phụ nữ thật. Anh hoảng sợ ngồi chồm hỗm trên giường mở mắt thao láo nhìn mình trong gương. Mấy tháng liền, anh đã dùng hết ý chí bản thân tự cấm cản không cho phép mình được mò rớ đến món đồ gì của phụ nữ nữa. Hễ léng phéng là tự trừng phạt mình bằng những cái gõ đầu thật đau lẫn dùng cây roi tự quật vào tay đến tím bầm. Cũng có hiệu quả, nên mỗi khi ước vọng ấy trào dâng, bàn tay có muốn táy máy thì cũng nhanh chóng rụt lại bởi sợ đau. Thế nên anh đã vui mừng đắc thắng rằng mình có thể thoát khỏi thú vui kỳ lạ này rồi, thế mà nay… tại sao? Nhìn mình anh cay đắng chợt hiểu rằng, té ra về bề mặt thì anh đã chiến thắng bản thân mình nhưng thật ra “nó” lẩn chìm sâu trong vô thức và tự chống đỡ với cái bề mặt nghiêm khắc bên ngoài ấy bằng sự ngoan ngoãn thua cuộc. “Nó” vẫn giấu giếm son phấn ăn cắp được, quần áo lấy được và khi say, rào cản lý trí thua thì nó trỗi dậy trở về nguyên bản. Hiểu và anh sụp xuống ôm mặt khóc rưng rức, thế rồi anh chợt đứng bật dậy và dịu dàng nhè nhẹ đưa hai tay lên xoay tròn, múa. Say sưa, sung sướng và đầy phấn khích, mồ hôi túa ra, con người bản năng quay cuồng trong phấn khích. Tất cả chỉ tạm dừng khi anh mệt mỏi khụy xuống giường và những năng lực trai trẻ đầu đời chất chứa trong người túa ra tràn trề ướt đẫm. Rón rén bước qua khung cửa, đưa tay suỵt suỵt con chó khi thấy nó nhổm dậy vẫy đuôi mừng, anh ngồi nép sau cái lu nước lớn, vừa sụt sịt khóc thầm vừa với tay lén lút múc từng gáo nước vỏ dừa khô, dội nhẹ lên người xì xụp tắm thầm trong đêm khuya. Tỉnh ngủ hẳn sau khi tắm, về phòng riêng, tựa lưng vào khung cửa nhìn vầng trăng đang nhạt dần báo hiệu bình minh sắp đến, lúc đó anh đã đi đến một quyết định mang tính bước ngoặc của đời mình. Đó là, chấp nhận sự thật về bản thân mình như vậy, sống chung với nó và giữ kín đừng cho mọi người biết. Tốt nghiệp Đại học ra trường đi làm có tiền, thì anh đã bí mật đi mua một số bộ đồ ngủ, đồ lót của phụ nữ lẫn son phấn giấu riêng và mỗi khi có dịp thì tự trang điểm ăn mặc như phụ nữ để thỏa mãn. Thậm chí có lần khát khao quá, nửa đêm, anh lẻn ra khỏi nhà, mặc đồ phụ nữ đi lang thang trên phố đến nỗi có kẻ về khuya gặp chòng ghẹo vì tưởng là gái bán dâm, cũng như có lần suýt bị công an bắt. Nhà anh vốn là một khu nhà vườn rộng lớn có tiếng tại Huế, cũng may là phòng riêng anh nằm phía bắc vườn, gần lối cửa hậu ra vào dùng để đi chợ lẫn cho người cho ở đi, nên thi thoảng anh lỉnh ra qua lối ấy không bị ai phát hiện. Lý do thật sự anh bỏ Huế vào trong này là một lần, lang thang quanh mấy con phố nhỏ trong bộ đồ phụ nữ, anh quay về nhà và chết cứng người khi thấy mạ đứng đón ở cửa. Khuôn mặt nhăn nheo đẫm nước mắt, nhìn anh mạ sụt sùi “Mần găng mà khổ rứa hả con?”. Té ra mạ là người duy nhất trong nhà biết được sở thích kỳ cục này của anh, cũng gần đây thôi. Trái tim người mẹ đã linh cảm nhận thấy những điều không ổn của đứa con mình và dần dần tìm hiểu phát hiện ra. Những đêm nào anh lẻn ra ngoài đi lang thang, chính mạ là người thức canh cửa cho đến khi anh về, quả thật mạ không thể nào hiểu nổi những ý thích điên khùng của thằng con trai cưng, đêm đó anh khóc thật nhiều với mạ. Mạ khuyên anh nên đến bệnh viện Trung ương Huế để chữa bệnh, nhưng anh từ chối vì sợ mọi người biết sẽ ảnh hưởng đến uy tín của gia đình mình, xứ Huế nhỏ lắm. Và cứ đà này thì làm sao mà giấu mãi được. Ôi chao, người dân xứ anh vốn nổi tiếng là thủ cựu bảo thủ. Mảnh đất nghèo quanh năm mưa thì mưa đến thúi đất, nắng thì nắng gió Lào như thiêu đốt, khoai sắn nhiều hơn cơm gạo. Năm nào lũ cũng về nước ngập tràn qua Đập Đá, leo ngang cửa sổ từng nhà và đói rã họng, còn không thì nắng gió hầm hập khô cong cả người. Thế nhưng những con người ấy vẫn sống tràn đầy kiêu hãnh chầm chậm đi qua năm tháng của thời gian với những cung tẩm lăng điện đền đài rêu phong phủ rũ. Huế của dòng Hương Giang trong vắt trườn qua lòng thành phố, của núi Ngự Bình thông reo với những cụm bông trang đỏ rực thi gan cùng nắng gió, của tiếng chuông Thiên Mụ trầm bổng rơi trên sông mỗi khi chiều về. Huế đẹp, Huế thơ, Huế kiêu hãnh, Huế tự hào, Huế của những tà áo dài tím bay trong gió, của những câu ca điệu hò… và cũng có Huế khinh bạc, nghèo đói nữa em à. Chẳng thế mà bất kỳ người Huế tha hương chẳng nằm lòng câu nói “Huế đi mà để nhớ chứ không phải ở để mà thương”. Dòng họ của anh lại là một gia tộc lớn, chính xác là dòng dõi Hoàng tộc, dù nay thất thế nhưng tiếng tăm vẫn còn. Trong cuộc đời này có có ta có thể sống nghèo, sống khổ, sống đói, thậm chí là sống bệnh tật nhưng người ta không thể sống nhục được. Cái danh phù du không thật ấy có sức níu kéo con người kinh khủng, nó đưa đẩy buộc con người lao vào đấy như con thiêu thân lao vào ánh đèn. Dù biết sẽ chết nhưng vẫn cứ lao vào, ừ thì thế mới gọi là thiêu thân. Từ khi có trí khôn hiểu biết là anh đã hiểu rằng mình sẽ là gánh nặng cho gia đình lẫn gia tộc mình. Anh thương cho cha mẹ cả đời sống đạm bạc trong kiêu hãnh nay lại có thằng con bệnh tật như anh. Người ta sẽ nghĩ gì khi biết sự thật về anh, không biết, nhưng chắc chắn người ta sẽ kinh khiếp coi anh hơn một con cùi hủi, là một thứ quái thai bệnh tật gì đó chẳng hạn. Không thể tưởng tượng nổi nỗi nhục nhã mà gia đình anh phải gánh chịu đâu. Thú thật với em, lúc đó anh đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch cho mình rồi. Cũng chỉ là để một thời gian thỏa mãn sống với cái tôi đau đớn trong bản thân mình rồi thì anh sẽ vĩnh biệt cha mạ, trầm mình xuống dòng sông Hương. Mong rằng sông thơm sẽ đưa linh hồn đau khổ của anh về chốn Niết bàn. Cuối cùng, với sự trợ giúp âm thầm của mạ, anh đã quyết định vào thành phố này để tìm cách chữa bệnh. Anh cũng đã đến mấy bệnh viện lớn nhỏ lẫn những trung tâm tư vấn tâm lý, cũng chữa qua vấy liệu pháp này kia nhưng chẳng ăn thua. Thậm chí tuyệt vọng, anh tính lên chùa đi tu, hy vọng với niềm tin nào đó sẽ giúp mình khỏi bệnh nhưng suy đi tính lại, thấy làm vậy không phải là giải pháp hay. Thời gian đầu vào thành phố, anh gầy rộc hẳn đi vì chuyện chạy chữa bệnh, khi mạ vào nhăm nhìn con, khóc òa vì xót xa. Sau đó chính mạ đã khuyên anh “thôi con à, trời sinh mình ra răng thì phần số nó vậy. Cứ vậy mà sống với nó, chống đỡ làm chi cho khổ ải hả con”. Gia đình đã cho tiền để anh mua căn hộ tại khu Thương phế binh này. Và anh rất sung sướng vì từ đây sống tự do thỏa mãn những khát vọng của mình. Quay lại nhìn thì anh thấy thằng bé đã ngủ khò từ khi nào, chẳng biết nó có nghe anh nói gì không. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương của nó, trong anh trỗi lên cảm giác của một người đàn bà, muốn che chở cho đứa con vậy. Anh cúi xuống hôn nhẹ lên má nó rồi tắt đèn.