CHƯƠNG 2

     ã trằn trọc.
Tôi biết em chẳng bao giờ yêu tôi cả. Tôi chiếm đoạt thân xác em và thoả mãn tới cùng cực mọi thèm khát. Nhưng tôi biết, em chưa khi nào yêu tôi! Đó cũng là sự cân bằng, sự trả giá, bởi vì chúng ta gặp nhau, tôi đã chiếm đoạt thân xác mà không có tình yêu… Nói toạc ra là trước đây, tôi cũng chẳng yêu em. Yêu là cái đếch gì!
Tôi chẳng giấu gì em. Tôi đã có một đời vợ. Vợ tôi không đẹp được như em. Nhưng chúng tôi yêu nhau. Cô ấy là diễn viên múa thuộc đoàn văn công X. Chúng tôi có một căn nhà cấp bốn xập xệ ngoài thành Hà Nội. Còn tôi, khi ấy, tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp xong, được phân công về Bộ, trong bộ phận Nghiên cứu phát triển rừng đầu nguồn. Suốt một thời, tôi nghĩ và luôn tin rằng cô ấy là người đàn bà đẹp nhất trên đời. Mà nói thực, thân hình vợ tôi cũng tuyệt lắm. Tôi muốn có một đứa con nhưng cô ấy chưa muốn. Cô ấy nói, nghề của em chủ yếu là trông vào thể hình. “Bây giờ còn múa được, có con thì ai dùng, lấy gì mà ăn?” Cô ấy có lí! Trong đoàn của cô ấy, tôi biết, một diễn viên cùng đoàn, sinh một con rồi nom như bà Phán. Có ai muốn xem “bà Phán” múa đâu! Mà tôi thì chưa nuôi được vợ. Chưa nuôi được vợ thì sao có thể thuyết phục cô ấy sinh con? Nhưng rồi năm sáu năm trôi đi, cô ấy cũng chẳng khá hơn trong nghề nghiệp tí nào. Vợ chồng vẫn cứ hai cái bếp dầu, một cái giường phân phối và hai cái quạt con cóc. Bát đĩa cái sứt, cái mẻ. Tôi đi công tác liên miên, nên chẳng khi nào đưa vợ được một xu. Cô ấy nạo thai tới bốn, năm lần trong hai năm. Lần cuối cùng, có một sự cố kĩ thuật, cô ấy vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ. Tuy thế, tôi chưa khi nào hao giảm tình yêu với vợ. Đôi khi nghĩ lại, tôi oán cái vô dụng của chính mình. Năm ấy đoàn đi biểu diễn ở Tây Nguyên, biên giới, hải đảo. Ba tháng sau về cô ấy lăn ra ốm hơn hai tháng. Tưởng chết. Khi ấy thương vợ lắm mà chẳng có cách nào thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn đeo bám. Lúng túng vô cùng.
Thời gian ấy, người ta ào ạt tổ chức các đợt Xuất khẩu lao động. Đoàn văn công của cô ấy có tới hai suất. Bàn đi tính lại, tôi để cô ấy đi. Làm thằng đàn ông, không nuôi nổi mình, phải để vợ đi xa kiếm tiền là sự hèn hạ, kém cỏi không thể tha thứ! Người ta bấy giờ có câu, cho vợ ra nước ngoài kiếm ăn, như có xe đạp Pờ-giô mang ra Bờ Hồ không khoá. Tôi cóc tin! Sau này khi đã đổ vỡ hết cả, tôi tự trách mình.
Xa nhau sáu tháng, tôi trống trếnh vô cùng. Tôi ăn uống vạ vật. Bạ đâu ăn đó, rộc rệch hẳn đi. Những chuyến công tác dài ngày trên rừng còn có anh em lâm trường, anh em các xã vùng núi, vui vui một chút! Vật chất, ăn uống có khi đỡ hơn là sống tại nhà mình ở Hà Nội.
Tôi nói thêm cho em biết rằng, công việc của tôi rất thú vị. Có thể chính vì thế đôi khi tạm quên đi nỗi buồn khi chỉ mình tôi tự biết: mình chẳng bao giờ có một đứa con. Thường sống với rừng, những khu rừng nguyên sinh đầu nguồn với bao bí mật, mà khi nghiên cứu nó, thấy đầy hấp dẫn. Hấp đẫn tới ma quái. Nhưng người ta không thể uống nước lã để yêu. Dù yêu vợ hay yêu rừng.
Yêu! Người ta nói trò cặp bồ yêu đương lung tung trong những đội quân xuất khẩu làm tôi như ngồi trên đống lửa. Hơn tháng sau, một lá thư nồng nàn thương nhớ của cô ấy bay về. Tôi nghiến ngấu đọc. Đọc đến nhầu lá thư đó và cũng yên lòng đôi chút.
Đêm đêm, tôi nhớ vợ, nhớ lắm. Tôi nhớ miên man, nhớ cồn cào, những lần ân ái! Nhớ mùi tóc, mùi nách, mùi miệng… bao nhiêu năm đã quen hơi bén tiếng rồi, thoắt một cái, tôi cách vợ cả nửa vòng trái đất.
Cuối mùa đông năm ấy, cơ quan tôi cũng có hơn chục suất đi Nga. Tôi vón vén toàn bộ những gì cô ấy gửi về, bán cả xe đạp, hai cái quạt con cóc, tất cả được hơn hai chỉ, đút lót bằng được, nịnh bợ mãi, với hai ba lần bia hơi cho tay nhân sự trên phòng lao động, để nhận một suất sang Nga. Biết chắc có một suất đi Nga rồi, tôi liên lạc với vợ gấp mà chắc cô ấy không nhận được tin.
Tôi bay sang Nga. Lại vay tiền mua hàng mang sang bán. Khốn nạn, lần đầu tiên trên đời, để tránh thuế quan Nga, tôi phải mặc ba cái quần bò, ba áo bò, dăm áo phông vào người. Suốt chuyến bay như bó giò, cố ngủ mà chẳng thể ngủ được. Chuyến bay dài thế… Máy bay hạ cánh. Tất cả đám quan ba bốn trăm người, đồng phục toàn bò là bò được lùa xuống, xanh lét cả sân ga Moscou. Chúng tôi dóng hàng chui tuốt vào đoàn xe Bus, rồi chuyển lên tầu hoả. Mệt nhoài vì vạ vật gần nửa ngày ở Nội Bài, rồi bay hơn chục giờ, lại tiếp tục tăng-bo mấy lần, chúng tôi ngất ngây, nửa tỉnh, nửa thức trên chuyến tàu chạy như điên như dại, hai ba ngày trời không nghỉ. Ngó ra cửa sổ, con tầu vun vút chạy, trôi ngược ra sau là những vùng trắng xoá, mông mênh toàn tuyết là tuyết.
Hơn một tháng qua đi, tôi vẫn khó quen với cái lạnh khắc nghiệt trong những khung rừng Taiga. Nhưng vẫn phải chịu đựng vậy thôi! Bù lại, cuộc sống vật chất hơn hẳn ở nhà. ăn uống no, thừa bãi bánh mì, sữa và làm việc cũng cật lực.
Tôi ở đội thuộc một lâm trường khai khác gỗ. Đúng với cái nghề của tôi. Chỉ khác là xưa kia, mình chỉ đạo công nhân, còn bây giờ, chính mình làm những việc ngày xưa đã hướng dẫn họ. Mà còn tồi hơn, khi mỗi người công nhân Việt Nam khai thác gỗ, được khoán tới hơn mười khối gỗ một ngày. Mười khối gỗ một ngày! Em biết không, cắt, cưa, băm và xếp bằng máy cả đấy! Giữa trời lạnh thế mồ hôi vẫn cứ vã ra, ướt đầm vai áo. Mấy ngày đầu chưa quen việc, người như tôi to vâm, chắc khoẻ vậy mà ngày ngày đi làm về, chân tay như chẳng còn là của mình nữa.
Gã húng hắng ho, rùng mình. Dường như trong bóng tối, gã nhớ tới những khu rừng gỗ tại Sibia mà ớn lạnh rùng mình chăng. Nói tiếp:
– Tôi căm ghét cụm từ Xuất khẩu lao động. Con người chứ đâu phải gạo, tre, nứa lạt, thịt thà gia súc, rau dưa gì mà mang xuất khẩu! Đã đành sức lao động là hàng hoá đấy! Nhưng với cái tình của người Việt xưa nay, ai lại quên đi để nói như thế! Không chỉ là một cách nói về một công việc làm những kẻ ra đi tổn thương đâu! Biết bao điều khoản, những quy định về ăn, ở, chửa đẻ coi người ta như gỗ đá ấy… ví như quy định cho một người đi Xuất khẩu ăn ở trong sáu mét vuông. Sáu mét, cô hiểu không? Sáu mét, tức là bốn đứa một phòng còn bọn tây thì phòng đó chỉ có một đứa, cùng lắm hai đứa ở thôi. Cứ vậy mà sống trong sáu mét ấy! Bao nhiêu chuyện phiền toái xảy ra, nhất là cho cánh đàn bà con gái. Rõ là cái tư tưởng, coi được xuất khẩu là hạnh phúc quá rồi, chẳng ai xem xét đời sống tự nhiên của chúng tôi ra gì nữa! Có một người ở Đức, viết báo gọi tụi lao động như cánh bọn tôi là Thợ khách! Đúng! Thợ khách!“
Gã nhỏm dậy châm một điếu thuốc. Gương mặt ghồ ghề chợt loé trong đêm tối. Gã nhớ lại, cảm thấy như đang ngồi trong bóng tối ở toa tàu năm ấy, cảnh lần đầu tiên gã tới thăm vợ. Cách nhau có hai hai ngàn cây số, bao nhiêu thương nhớ tạo nên sự tưởng tượng của gã về đêm đầu tiên trên xứ người sẽ hưởng thụ tình vợ chồng. Gã cười thầm nhớ cặp vú của vợ. Bầu vú bên trái có cái nốt ruồi đỏ mà gã gọi là cái ti thứ ba. Mỗi lần yêu thương gã bú vào đó như đứa trẻ. Sự tưởng tượng của gã phong phú và mạnh mẽ tới mức tràn cả vào giấc mơ, khi gã gục mặt xuống chiếc bàn nhỏ, ngủ thiếp đi trong nhịp lắc nhẹ của con tàu cao tốc và, giật mình tỉnh giấc khi dương vật đã cứng đanh, làm cho khoảnh bụng phía trên căng và tức.
Cuộc gặp của chúng tôi trong ngày đầu tiên mang lại cho tôi hạnh phúc, niềm khao khát bao lâu được ấp ủ thoả mãn.
Tôi lao sầm vào vợ, không thèm khoá trái cửa. Căn phòng có ba người nữ khác cùng ở. Bon họ lập tức sơ tán. Giường nệm không rộng! Cần quái gì giường chật hay rộng! Tôi ôm chặt lấy vợ, bấu vào cô ấy. Tôi muốn tan ra, hoà vào vợ. Tất nhiên vợ cũng đáp lại tình cảm của tôi. Mắt cô ấy sáng rực, nồng nàn. Hoan hỉ lắm! Tôi không hề biết rõ là, những biểu hiện của tình yêu, tình dục thường lấn lướt, trộn lẫn, khó có thể phân biệt được. Tôi định ở lại đấy thêm một hôm, dù quá hạn sang ngày thứ hai, bất chấp khi trở về đội, sẽ bị trừ lương một ngày và cắt tiền thưởng quý.
Gã lại rít thuốc. Đôi mắt gã trong đêm tối, mỗi khi điếu thuốc hồng cháy, ánh lên những tia sáng man dại. Gã bất ngờ dụi điếu thuốc. Đầu thuốc oằn lên một cách dữ dằn trên chiếc đĩa nhỏ. Trong đầu gã hiện ra mồn một cái buổi chiều dài dằng dặc chờ vợ đi làm ca Hai trở về. Gã lang thang quanh khu nhà ở cũng chẳng rộng lắm. Nước Nga bao la, lạnh rát trong tuyết trắng. Gã mò vào một quán rượu và giết thì giờ ở đó với những vại Kờ-vát màu đen có vị hơi chua và vài li Vốt-ka thơm phức.
Mười giờ kém năm phút, gã ngừng uống và trả tiền nhanh chóng, rồi lại quay lại khu lao động Việt Nam. Mười giờ đêm, dọc hành lang loáng thoáng đám công nhân đi ca Ba và từ nhà máy hết ca Hai trở về. Gã uống hơi quá nên kéo cổ áo rét cao lên che mặt. Bỗng gã khựng lại nghe tiếng ai quen thế trong bóng tối ở góc cầu thang tầng trệt. Vợ gã? Giọng vợ gã? Những kẻ yêu nhau có thể thính hơn chó. Đúng là tiếng vợ gã, dù rất nhỏ trong góc cầu thang hẹp. Gã căng mắt ra nhìn. Trời ơi, vợ gã.
Cô ấy! Rõ ràng là vợ gã đang ngửa mặt lên đón nhận cái hôn ngấu nghiến của người đàn ông áo khoác lông ngắn to xù màu xám.
Ngay khi đó tôi giận lắm. Mãi về sau này, sống lâu hơn ở Nga, tôi mới biết là cái việc tất nhiên đến, nó sẽ đến.
Gã dừng lại. Mím môi. Điếu thuốc nhay trong miệng, lăn ra từ mép phải sang mép trái. Gã rít mạnh. Đầu thuốc cháy hồng rực trong đêm tối. Mắt nhìn như khóc. ánh sáng của ngọn đèn dầu thông trong đĩa bập bùng cháy, khi tỏ ra mờ, làm khuôn mặt gã gồ ghề hơn, đôi mắt lại càng thẳm sâu bí hiểm.
Những người đàn bà đi xứ người kiếm ăn gửi tiền về cho chồng con, đa số đều phải gá vào ai đó mà sống, mà kiếm hàng, mua bán, đổi chác lấy hàng hoá. Những thứ đang được giá ở Việt Nam. Phải gửi bọc, gửi đồ về nhà cho chồng con! Đấy là mục đích quan trọng, cần nhất của tất cả những kẻ ra đi. Thế là “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Dù yêu chồng con thế nào đi nữa, thì tình cảm, một thực thể tinh thần, như một cơ thể sống, ở một vùng đất khác, thêm chất vi lượng khác, đã mọc chồi mới thay thế những ngày hôm qua và, ra hoa kết trái khác.
Tôi đã nện cho thằng cha ấy một cú trời giáng. Bất biết nó sống chết ra sao. Quay lại, tôi tóm nhanh lấy vợ tôi. Cô ấy lùi. Lùi sát vào góc cầu thang tối. Tôi từ từ tiến lại. Không thèm nói nửa lời, bạt tai vợ mấy cái liền.
Thế là chấm dứt!
Tôi chạy lên gác như một thằng điên và thu xếp khăn gói, lao ngay ra nhà ga chuyến tàu cấp tốc về Mát, từ đó quay lại đội lao động. Đêm ấy tuyết rơi suốt, trắng xóa quanh con tầu.
– Anh còn gặp chị ấy không?
– Không!
– Anh phũ phàng quá.
– Phũ phàng? – Gã nhếch mép cười – Người đàn bà tôi yêu đã phản bội.
Cô ta ích kỷ hay thời buổi khó khăn làm cô ấy không muốn có con? Tôi, hay cô ta có lỗi? Cô ta khi hoàn toàn vô sinh, đã chán tôi, hay cuộc sống nơi xư người, trong hoàn cảnh đơn chiếc đã xô đẩy buộc người ta phải lựa chọn một lối sống khác? Sự lựa chọn tất yếu là, mỗi người đàn bà phải tìm tới ai đó, nhờ cậy, nương tựa vào một người đàn ông nào đó, để mưu sống, để mà có hàng, có tiền gửi về nhà! Kinh tởm và đáng buồn quá! Sự toan tính, hoàn cảnh thúc ép như thế, tạo nên đủ các mối tính gá tạm, gắn kết bao nhiêu người đàn bà, đàn ông đã có chồng, vợ, con cái, có gia đình yên ấm ở quê nhà? Nhưng tại sao, những điều đó không xảy ra ở quê nhà, khi những người phụ nữ lên thành phố tại quê nhà chúng ta, cũng là cảnh xa quê kiếm sống, cũng là sự li quê, tha hương? Tại sao, trên các nẻo đường quê hương, mọi sự không ồn ào gá tạm như điều xảy ra với không ít đàn bà, đàn ông tại nơi đây. Thật đau đớn khi nhận ra một sự thật, khi khá nhiều người cả đàn ông lẫn đàn bà ra xứ người đã phản bội lại vợ chồng con cái ở quê hương? Tôi không hiểu nổi, tại sao ở trong nước, cũng có bao nhiêu mối quan hệ, có khi phải nương tựa vào người khác, mà người ta lại không dễ dàng phản bội gia đình như khi ra nước ngoài? Tôi không lý giải nổi. Có một nguyên nhân nào đó đã ép buộc, xô đẩy, làm người ta tan rạn và chìm nghỉm… Chán mớ đời! Nhưng giá trị văn hoá, đạo đức, truyền thống bao nhiêu năm nay, một sớm, một chiều bỗng nứt vỡ, rã nát… Không lí giải nổi, con người ta trở lên bí bách, càng đau khổ, dằn vặt và căm thù. – Gã cười gằn. Tiếng cười khô xác. Xem ra, cái thứ truyền thống ở đây bèo bọt thật, nhẹ bấc thật, chẳng còn giá trị mẹ gì.
– Anh nói tiếp đi. Càng lí giải, xem ra anh càng phũ phàng hơn! Đàn ông các anh đã rủ rê phái yếu vào cuộc chơi ấy, lợi dụng họ, sao anh không lên án phái các anh? – Quyên mạnh dạn nói.
Gã rướn người lên. Mắt buồn lắm. Gã nhìn thẳng vào đôi mắt cô, gằn giọng.
Tôi phũ phàng chó gì. Sự thật của tôi, của bao gia đình, hàng ngày chềnh ềnh trước mắt tôi. Từng ấy cô không đủ tin sao? Còn đàn ông ư? Thế cô quên mất rằng đàn ông cũng là người hay sao. Chúng toi ăn bơ, sữa, thịt đầy đủ, ứ tràn sức sống, và thiếu tình cảm của đàn bà. Thiếu lắm, cô biết không?
Tôi giấu kín sự đau khổ suốt thời gian sau đó, lang bạt làm ăn, mang theo mối hờn căm như hòn đá tảng trong lòng, không bao giờ tan với nỗi khốn nạn vì nghèo, vì không có tiền và cũng chính vì tiền mà tôi đã mất cô ấy.
Khi ấy tôi chỉ có lòng căm thù. Không thể tha thứ! Tôi là người yêu vợ, thương vợ. Sau này, đôi khi nhớ lại, thấy buồn và thù ghét. Cũng không hẳn chỉ hoàn toàn căm thù cô ta. Bởi cũng đôi khi, tôi thoáng thấy có hai người trong cô ấy, một người vợ say đắm và nồng nàn, một người phản bội, lừa dối. Vả lại, ngay khi tôi quay lại Mát thì châu Âu biến động. Nước Đức thống nhất và bao điều xảy ra trong nước Nga bấy giờ. Hàng loạt đội lao động Việt Nam tan rã. Tôi nghe nói, hình như vợ tôi cùng thằng cha hôn nó đêm ấy, thằng cha bây giờ tôi chẳng thèm nhớ mặt, biến vào xó xỉnh nào không rõ. Nước Nga mênh mông thực! Tan rã và phiêu bạt! Đấy là số kiếp dành cho chúng tôi.
Tôi bỏ đội cũ, không quay về đốn gỗ với tiền lương chẳng bao giờ có cơ hội giàu được. Phải có tiền! Tôi ở lại Mát và nhập vào đám bộ đội. Tôi làm đủ mọi nghề để sống. Bất kể việc gì, miễn là có tiền.
Dăm tháng lang thang, khốn nạn vô cùng! Tôi cũng có đồng ra đồng vào, gửi về ít tiền cho mẹ. Vài lần.
Gã lại rít thuốc. Cái bát mẻ đựng tàn đầy những đầu mẩu quăn chùn nom bẩn thỉu. Gã nhớ lại những ngày trôi nổi, khi thì tiền như nước chảy vào túi và lại ào ào mất đi. Gã nhớ tới cái bữa mồ hôi nhễ nhại giải phóng năm sáu xe hàng. Vừa quệt mồ hôi ngẩng lên thì bắt gặp khuôn mặt quen thuộc ngày nào. Người vợ của gã không hề biết, cái thằng bốc vác quần áo lấm lem, bẩn thỉu, ngồi hút thuốc giữa đống hàng ngồn ngộn kia lại là gã. Mùi nước hoa Chanel 5 bay quẩn theo gió thốc vào gã, cuốn theo bước chân một người đàn bà nom sang trọng, đi sóng đôi bên một đại gia chuyên đánh hàng xuyên lục địa giá trị hàng triệu USD, mà chính gã là kẻ làm thuê thảm hại cho họ…
Gã nhớ lại bữa rượu buồn thiu chẳng nói được lời nào, tràn ngập chán chường, ăm ắp cảm giác bị xúc phạm, nhục nhã. Tự cảm thấy bị tổn thương ghê gớm, tới muốn tự tử trước cuộc gặp trớ trêu này của gã. Hôm sau, người ta không thấy “thằng bốc vác có sức khoẻ kinh hồn”, có thể hất kiện hàng một tạ từ mặt đất lên vai một cách ngon lành nữa. Đấy là lý do gã lại trôi dạt, rồi tới tận nơi thâm sơn cùng cốc này, với tư cách như một đầu lĩnh phường thảo khấu, nắm giữ một đường dây xuyên biên giới, để kiếm thực nhiều tiền, thoát khỏi nỗi nhục, không chỉ là cơm áo.

*

Buổi sớm hôm sau, gã dắng, sẽ đi vắng hai ngày. Nói vậy, nhưng nửa đêm gã đột ngột trở về. Khi ăn cơm, gã nhẩn nha nói với Quyên rằng, cô không thể ở trong rừng được nữa! Gã muốn đưa Quyên về thành phố nơi có những bệnh viện sản hiện đại, giúp cho việc sinh nở của Quyên an toàn, bảo đảm. “Người ta không thể sinh nở trong rừng như bọn mọi rợ!” Gã tỏ ra khá hiểu biết khi nói: “Đàn bà vượt cạn con so cực kì nguy hiểm”. Gã nhìn đăm đăm vào mắt Quyên: “Tôi xin chịu trách nhiệm toàn bộ về những điều xảy ra với em. Xin hãy tin tôi!“
Tình huống không ngờ chuyển nhanh tới như vậy. Quyên có thể sẽ thoát khỏi tay gã. Cô sắp được tự do?
Cả ngày sau cô rơi vào tình trạng như người mộng du. Vậy là điều cô mong chờ, mơ ước, khát khao đã tới. Cô chợt nảy ra ý nghĩ, tại sao cô không đi sang bên kia biên giới tìm chồng. Cô cứ đắn đo mãi, tự hỏi bao nhiêu lượt, liệu anh ấy có tha thứ cho cái thai này không? Không, anh ấy sẽ hiểu và chấp nhận, một khi anh ấy biết là chưa khi nào cô yêu gã, bố cái thai nhi bất đắc dĩ. Cô phải đi tìm chồng! Cô không có một chút tình cảm với bất kì ai, ngoài chồng. Mọi sự xảy ra với cô chỉ là ác mộng.
Buổi tối, gã nằm bên Quyên, tay trái luồn dưới cổ vòng lên ôm đầu cô, cho cô gối lên bắp tay rắn chắc của gã. Tay phải đặt nhẹ lên bụng cô, nơi có tiếng trái tim thứ ba đập trong ngôi nhà luôn tĩnh lặng. Gã thủ thỉ:
– Tôi yêu em. Yêu thật, yêu lắm. Tôi thề! Cái thai này của tôi. Ngày còn ở Việt Nam, nghe người ta bào, những người chồng áp tai vào bụng vợ nghe được tiếng tim con mình, sướng lắm. Ngày xưa tôi ao ước như vậy với chính con người đã phản bội tôi, mà chẳng bao giờ nghe được một tiếng binh binh nho nhỏ, âm âm hạnh phúc. Bây giờ tôi biết hạnh phúc của người đàn ông là có thật. Tôi muốn em làm vợ tôi! Chúng ta phải làm lại từ đầu.
– Không! – Quyên xoay người lại nhìn thẳng vào mắt gã. – Em không đi đâu cả!
– Em không ở đây được. Đứa trẻ sẽ làm khai sinh. Nó phải được sinh ra ở bệnh viện, chứ không phải xó rừng này. Nó cần có một người bố, Tôi sẽ cưới em. Tôi là bố nó.
– Anh có yêu em thực không? – Quyên nói.
Gã nhỏm dậy. ánh mắt tha thiết, nhìn thẳng vào mắt Quyên, giọng run run – Tôi yêu em. Yêu thật!
– Anh hãy để em đi tìm chồng!
– Ai? Tìm ai? – Gã nhỏm phắt dậy, mắt trừng trừng nhìn xoáy thẳng vào mắt Quyên trong đêm tối.
Quyên muốn khóc. Nhưng cô không nên khóc bây giờ. Cô phải nói thực với gã. “Sự chân thành cảm hoá được cả quỷ và thần”. Ngày nào khi còn ở Việt Nam, một người quen biết mẹ cô, đã từng có lần nói như vậy. Cô tin ở điều đó. Con người này, gã, theo cô, hôm nay, trong đêm nay, không bị phần ác thú ngự trị. Quyên trở mình, nhẹ nhàng nói:
– Anh hãy cho em sang Đức tìm chồng. Anh ấy rất yêu em. Chúng em yêu nhau đã hơn ba năm và khi xa nhau, tuần nào anh ấy cũng điện về. Thậm chí hai, ba ngày một lần, có khi chỉ để nói một câu ngắn. Anh đừng nghĩ anh ấy vì cái thai này mà không còn yêu em nữa. Không một người đàn ông chân chính nào lại sỉ nhục vợ mình, ruồng bỏ vợ, khi biết vợ mình bị cưỡng bức. Anh ấy học ở Nga, tiến sĩ, là trí thức. Anh hiểu không? Em xin lỗi, vì em muốn nói thật, phải nói thật với anh về tình yêu của chồng em!
Gã bần thần. Khuôn mặt như thộn ra. Ngạc nhiên. Cau mày. Mắt mở thao láo, đau đớn, trân trân nhìn lên nóc nhà. Thao thức.
Họ im lặng bên nhau tới hai tiếng. Gian nhà yên ắng tới lạ thường. Những ngọn gió cũng dường như không thổi nữa. Những tiếng tru của bầy sói hoang cũng không vọng về. Không gian chợt trở nên tĩnh lặng tới tuyệt đối, như không hề có rừng, có tuyết và bão gió. Họ như đang ngự trên một cõi nào đó an nhiên tới tuyệt đối. Cõi ấy, cho tâm hồn tĩnh yên nhất, để người ta có thể có cơ hội, điều kiện nhận rõ chính mình. Nhận ra chính mình, điều ấy có thể dẫn tới sự giác ngộ không chỉ vượt qua bản năng mà còn vươn ra khỏi cá nhân họ, chứ không chỉ cho hai người trong gian phòng cô quạnh giữa rừng khuya đêm nay.
Người đàn bà này thực có một tình yêu và niềm tin ghê gớm với chồng.
Cái số kiếp mình cho chết quá đi thôi. ồ, hoá ra cái thằng cha bữa ấy là chồng cô ta, thế mà bấy nay gã cứ đinh ninh rằng, họ chỉ là một cặp tình nhân. Gã cảm thấy ghen với cái thằng cha vớ vẩn nào đó đã bước chân xuống cái phao đi trước, để vợ ở lại đi chuyến sau. Một thằng đàn ông, một thằng chồng như vậy, liệu có thực tử tế không? Nếu là gã, không bao giờ gã cam chịu như vậy! Phải bằng mọi cách ở lại, hay quay lại. Thế mà cô ta lại tin tưởng như tuyệt đối vào tình yêu của một kẻ như thằng ấy? Nhưng rõ ràng, người có thân xác tuyệt vời để gã đam mê này, đã có một lòng tin và tình yêu thật trong sáng và đẹp đẽ. Cô ta không như vợ gã và cả chính gã. Trời ơi, cô ta không chỉ đẹp về mặt hình thức. Vẻ đẹp bên trong của cô, mà đêm nay gã nhận ra, thực sự làm gã vừa đau đớn vừa xúc động. Gã đã có lần nghe thấy, ở đâu đó, có ai từng nói: “Cái đẹp là cái làm người ta xúc động!” Gã ước ao, đời sống của gã, một kiếp đàn ông như gã, có một người ở bên với tình yêu và lòng tin như của Quyên! Được người như Quyên để lấy, để yêu và gã sẽ được yêu trọn vẹn. Suốt đời!
Giam cầm cô ấy hơn tám tháng rồi, nhưng mà mãi gã không thể chiếm đoạt được tâm hồn cô ấy, người đã có con với gã, con người tuyệt vời này! Không thể! Đau đơn thế! Gã biết…
Gã quàng tay nhẹ nhàng ôm lấy thân hình ấm nóng, mềm mại của Quyên. Nhẹ nhàng choàng tay ôm cái bụng đầy lên, nơi có một sinh linh mang huyết thống của gã. ừ, gã quyết định! Gã buồn thế! Sao số phận không cho gã được gặp Quyên sớm hơn? Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm lưu lạc, đôi mắt ráo hoảnh, bấy nay thường khô cằn như sa mạc, phút giây này bỗng nhiên ứa lệ.
Nước mắt chảy từ từ khỏi hốc mắt sâu, lăn qua gò má, chậm rãi chảy cả vào miệng. Mặn, đắng, đau đớn. Nước mắt ấy, gã biết, nó có cả biết bao thương yêu muốn dành cho Quyên! Và, chỉ mình gã tự biết, vì sao gã khóc!

*

Năm ấy mùa đông tới sớm.
Quyên và gã tới đường biên vào lúc gần sáng. Tuyết lất phất rơi, rồi rơi nhanh hơn. Tuyết rơi có lúc dày đặc, làm cả trời trắng phó, cản tầm nhìn suốt đêm. Theo gã, đây là thời cơ tốt nhất để vượt sang bên kia biên giới. “Người Đức rất kỷ luật, nhưng ai mà chống lại giấc ngủ vào thời điểm này được? Có cố căng mắt ra thì khả năng quan sát cũng không thể nhìn xa hơi năm, sáu mét! Đêm nay trời giúp ta!” Gã ôm lấy vai Quyên, ghé sát vào tai cô, nói vậy.
Quyên lầm lũi bước theo gã. Gã luôn chờ cô, dáng điệu vẫn kiên quyết, dù đôi mắt thăm thẳm buồn, Ai chả buồn khi tiễn biệt! Quyên có buồn không?
Đêm qua, gần sáng, cô chợt nhớ lại tám tháng trời ăn ở tại khu rừng này. Một ngày còn có nghĩa nữa là… Cô vừa giận vừa thương gã. Đêm ấy, gã đã quyết định, đồng ý để cô đi tìm chồng. Rõ ràng gã đau khổ suốt hai ba ngày đêm. Điều đó gã không nói ra, nhưng đôi mắt khi còn biết yêu của gã không thể lừa dối, che giấu được Quyên. Quyên tin rằng, gã đã yêu cô thật lòng. Gã, người đàn ông đủ đen và trắng, khốn nạn lẫn tử tế. Gã, người bắt và hiếp cô, từng coi cô như vật nuôi. Rồi gã yêu cô và dù muốn sở hữu cô, sở hữu đứa trẻ, lại hứa sẽ tự thân dẫn cô qua biên giới để cô đi tìm chồng. Tại sao lại thế? Quyên không hiểu được. Quyên cũng thấy thoáng buồn, không cầm lòng được, khi chiều qua, gã mời cô dạo quanh căn nhà. Họ cùng bước trên những thảm lá khô giòn, xào xạc mà cơn gió đêm qua đã làm đám cây quanh nhà trút hết những chiếc lá cuối cùng của mùa qua sót lại xuống thảm rừng. Khi ấy, mặt đất như thể vừa được trải tấm thảm dài, trong nắng chiều ngời lên, như dát vàng rực rỡ, dưới từng bước chân của họ. Dường như cuộc dạo chơi đầu tiên và cuối cùng ấy trong suốt tám tháng gã giam cầm cô ở nơi đây, là gã muốn cô nhớ lại chút ít thôi về gã. Quay lại cửa nhà, gã cầm tay cô, nhìn vào mắt cô đăm đăm không nói rất lâu, rồi bỗng quỳ sụp xuống chân và áp đầu vào bụng cô. Hình như gã âm thầm khóc. Quyên đứng im phăng phắc. Cô cũng cảm nhận được điều gì đang âm thầm chảy trong gã. Bất giác, Quyên chợt thấy nhói đau. Cô đưa tay lên, ôm lấy đầu gã. Đôi bàn tay mềm mại, nhỏ nhắn của cô vuốt nhẹ lên mái tóc đen rậm và cô không dám cất lên lời. Bởi thực ra, mọi lời lẽ, nếu có cất lên khi ấy, cô tự thấy đều giả dối và vô nghĩa. Mà cô lại thuộc loại người không bao giờ muốn nói dối, dù chỉ là nửa lời.
Kế hoạch gã vạch ra được thực hiện đúng tới từng chi tiết.
Đã vượt qua biên giới Đã tới ngôi nhà nhỏ lúc ba giờ sáng.
Ba giờ rưỡi, từ đó họ lên hai chiếc xe, xe BMV gồm gã và Quyên đi đầu. Chiếc Opel đi sau, chở ba người khác. “Phải hoà vào dòng xe trên xa lộ, tiến về Berlin, vào thời điểm đông xe nhất!” Quyên chẳng thấy hồi hộp, xốn xang khi vượt qua biên giới như ngày nào nữa. Cô chỉ có niềm mong mỏi duy nhất: sao cho hơn chục tiếng nữa trôi nhanh, cô sẽ tới Muenchen gặp chồng ở cái trại tị nạn mà gã và đồng bon, những kẻ giang hồ, thảo khấu có tai mắt ở khắp mọi nơi, biết chắc chắn rằng, chồng cô còn trong đó.
Họ chuẩn bị vượt lên xa lộ. Những khu rừng thông đen thẫm vun vút về sau xe. Chiếc BMV đột ngột phanh gấp. Xe dừng lại trên một khúc quanh. Con thú đã đánh hơi thấy con thú khác lớn hơn rình mình! Gã mím môi, yên lặng.
Chiếc xe cảnh sát dễ nhận ra với hàng chữ Polizei to đậm, hai vệt kẻ màu xanh biết, nằm ở bên đường, dưới bóng hàng thông thẳng tắp, đã nhìn thấy gã. Gã hiểu, nếu chiếc BMV quay đầu lại, xe cảnh sát kia sẽ lập tức đuổi theo ngay. Xe nó là xe thửa. Mình có thể chạy nhanh chả kém nhưng có lẽ không thoát nếu nó gọi trực thăng tới. Vả lại còn cái Opel, máy kém nó một chấm, chắc chắn bị tóm sống. Nghĩ đã.
Gã bình tĩnh xuống xe, mở nắm ca-pol, như vẻ xem xét máy móc, rồi châm một điếu thiếu. Gã không nhìn Quyên, lạnh lùng nói: “Em cúi người xuống. Mở cửa xe bên phải và sang xe sau đi. Nhanh!” Quyên nhìn gã đắn đo vài giây. “Chần chừ gì nữa. Nhanh lên!” Gã vẫn không thèm nhìn Quyên, gằn giọng. Quyên mở cánh cửa xe, hành động như một cái máy theo lời gã. Cô hiểu, chiếc Opel phía sau chưa bị phát hiện, bởi nó nằm trên đoạn cong khuất. Người lái chiếc xe sau lập tức lùi sát vào lõm rừng ven đường, khi cô đã ngồi gọn vào hàng ghế sau. Cô báo với người thanh niên lái chiếc xe thứ hai rằng, xe cảnh sát đang chờ phía trước. Vài phút sau chiếc xe BMV bỗng vọt lên như tên bắn và vượt qua chiếc xe Polozei đứng chặn đường lên xa lộ… Nửa giờ sau, chiếc Opel chở Quyên đã hoà vào dòng xe cuồn cuộn trên xa lộ về hướng Berlin Radio tự động bắt sóng ngắn liên tục, báo thông tin giao thông, làm bản nhạc đang nghe liên tục bị cắt đoạn. “Họ đang phát tin về chúng ta!” “Cái gì?” Quyên nhỏm người lên hỏi. Người lái trẻ giọng thanh thản: “Anh Hùng bị rồi!”. “Cái gì?” Quyên hỏi lại.
Mãi tới tám tiếng sau đó, ở một trạm xăng, khi họ ăn chiều, Quyên mới nhìn thấy tấm ảnh chiếc xe của gã bẹp rúm, nát nhừ trên tờ Tin chiều. Cô nhờ người bạn trẻ của gã cầm lái chiếc Opel dịch nội dung bài báo ngắn. Thì ra, người ta phát hiện và truy bắt chiếc ô tô “chạy trốn” với tốc độ hơn trăm năm chục cây số giờ. Chiếc xe gã cầm lái lật nhào, lăn tới hơn mười mấy vòng ở đoạn cua sát biên giới. Theo tin cảnh sát, họ đã cấp cứu một người đàn ông độ tuổi trên ba mươi, trong trạng thái bị thương nặng, hôn mê. Người ta dự đoán, kẻ bị nạn, khi “chạy trốn” cảnh sát, là người Việt Nam. Cảnh sát đã tìm thấy giấy tờ có ghi tên anh ta: Nguyen Van Hung.
Quyên im lặng, cô không thể khóc. Cô ngồi như hoá đá trên chiếc ghế. Bàn tay mềm mại trắng hồng của cô bóp vụn từng mảnh bánh mì, rồi thả xuống lòng đĩa ăn. Cô thả một mẩu bánh vào cốc sữa uống dở. Mẩu bánh nhỏ chìm xuống, nở rồi rữa dần ra. Cô bỗng thoắt nhớ lại tất cả hành trình của cô một năm qua. Nhớ đêm tại Mát với bao dự định, hy vọng của chồng cô, để cô tin vào mà nghe theo chồng, không quay về Việt Nam, tiến về phía Tây. Cô nhớ cái thùng xe tải đông lạnh mà cô và chồng đã nằm yên, nín thở, như các ướp bên nhau, vượt qua biên giới hai nước. Cô nhớ mùi hăm khẳm từ chính cô, sau hơn một tuần không có nước rửa, trong tầng hầm ngôi nhà mà cô cũng chẳng biết đó là ở đâu trên bản đồ. Khuôn mặt của gã – Hùng – hiện lên sau cùng, lẫn trông ngôi nhà gỗ, trên khu rừng cô đã bị giam cầm, từ mùa lạnh đầu năm tới khi chúng trút những chiếc lá vàng và sẫm đỏ như máu. Rồi câu chuyện của gã, câu chuyện của con người cô từng căm thù… Cô tưởng tượng ra gã nằm trong chiếc xe bẹp. Chiếc băng ca nhao tới, cáng khỏi xe một thân hình đẫm máu… “Cầu cho anh tai qua nạn khỏi!” Cô thành tâm run rẩy thốt lên, dù rất nhỏ mà chỉ mình cô nghe thấy.
Mắt Quyên chỉ ứa ra một giọt nước mắt, nhưng vẻ mặt lại đau đớn vô vàn.
Người lái xe trẻ để yên cho cô ở trạng thái như vậy. Những kẻ tha hương ở một khoảnh khắc nào đó, bỗng có những hành vi khó thể lí giải, theo những logic thông thường. Cậu ta quay sang, nắm lấy bàn tay Quyên: “Chị ơi!“
Cái thai bỗng đụng cựa và đạp rất mạnh làm cô đau nhói. Quyên lấy giấy ăn chấm đôi mắt và nhìn ra qua cửa kính tiệm ăn trong suốt.
Khi ấy có ngọn gió từ đâu thốc về… Gió cuốn tung toé bụi và cát, những chiếc lá khô vàng ươm bay chấp chới, tựa như rất nhiều cánh bướm hỗn loạn. Vài giây sau, gió lặng dần và từ thăm thẳm trên cao, tuyết bắt đầu lãng đãng rơi, mỗi lúc một dầy hơn, để mặt đất, con đường ngoài kia, trong mắt Quyên, bỗng phút chốc biến thành một dải khăn trắng muốt chạy dài miên man, vô tận…