CHƯƠNG 3

     rại tị nạn Goldbeg nằm ven khu rừng thông xanh đen phía Nam ngoại ô thành phố. Đầu mùa hè, chỉ sau vài cơn mưa, trên mảnh đất hoang sau trại mọc lên cơ man từng đám rau muối, rau dền xanh um. Sang thu, đám đất sát rừng này đầy những vạt hoa cúc dại li ti chín rộ. Trong ráng chiều, đám hoa rực lên màu vàng hoang dã.
Những người Việt trong khu trại hay ra bãi đất ấy hái rau dại về nấu. Rau hai cả mùa hè, hái trụi, thế mà tuần sau chúng lại mọc xanh um. Bà lao công của trại, Frau Graumann là nhân viên đã về hưu, kí hợp đồng làm thêm. Gần bảy mươi rồi, bà vẫn muốn có công việc làm vui. Frau Graumann đẫy đà, nom như cái tàu lu. Được cái khuôn mặt đẹp phúc hậu. Bà không hiểu vì sao món súp đậu Holand của nhà ăn nhiều khi thừa cả nửa nồi lớn mà đám người châu á kia vẫn cứ mang thứ cỏ dại ấy về nấu, luộc, xào với tỏi chén xì xụp. Điều đó cũng như nhiều việc khác mà họ làm, gây cho bà, ngày sang ngày, hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tỉ như sau lễ Noel một tháng, họ đốt cái gì trông như cái que. Những thứ que cháy chập chờn trong gió rất lâu tàn, hăng hắc toả mùi, Họ sì sụp lạy cả con gà sống đã luộc chín. Chú gà nguyên cả đầu, cánh và, đôi chân toàn da khẳng khiu. Bà là người phía Tây, nên cho rằng ở Việt Nam vẫn còn chiến tranh, vì thế bọn họ mới sang tị nạn ở Đức.
Mỗi khi thấy có ai ra hái đám rau ấy Frau Graumann thường làm dấu thánh.

*

Làn sóng tị nạn tràn vào nước Đức, sau khi bức tường Berlin sập đổ, đẩy nhiều Tiểu bang Tây Đức vào tình trạng thiếu nhà ở cho hàng chục ngàn kẻ tị nạn. Để số người đủ sắc tộc không tập trung quá đông, làm xáo trộn những khu dân cư, vốn nề nếp và yên tĩnh, Sở quản lí ngoại kiều Tiểu bang cho chở về bãi bìa rừng Goldberg, có đến trăm thùng container, mỗi cái rộng hơn hai chục mét vuông. Máy móc và thợ chuyên nghiệp kéo tới cắt, đục, hàn xì… loé sáng suốt ngày đêm. Họ ghép, chồng container, rồi liên kết chúng lại để tạo thành năm khu nhà hai tầng. Tầng trên, có hai dãy phòng ở cho trại viên, giữa có lối đi chung. Tầng triệt, nử để ở, một nửa số phòng làm nhà ăn, nhà bếp chung và phòng tắm giặt. Nhìn phơn phớt, khó ăn biết những căn phòng cho bốn năm người sống bằng tôn, vì chúng được dán giấy giải gỗ trên các vách, tràn được đóng gỗ ép sơn trắng. Mọi phòng ở đều không có ban – công nhưng trổ cửa sổ cho mùa hè đỡ nóng, lại có đặt hệ thống nước sưởi cho mùa đông. Nom ra, kể cũng giông giống một căn phòng bình thường. Châu Âu ôn đới, thời khí ít khi oi nực, nhiều tháng lạnh, có tháng băng tuyết rơi ngập đất, nên sống trông một hộp kẽm như thế cũng tạm được, còn hơi bọn Obdachlose phải ngủ trong các thùng giấy, hứng chịu giá buốt tê tái của mùa đông, hoặc trên xe mooc không toilet, thiếu nước và, những tấm thảm sực lên độc mùi chó hoang… Khu trại được Phòng xã hội thành phố trả tiền điện, nước, lò sưởi, vệ sinh, tiền đổ rác, vì thế đời sống đạm tị nạn tất nhiên khá hơn số người bản xứ, không công ăn việc làm, sống trong những khu chung cư, cái gì cũng phải móc tiền túi ra trả. Tồi tệ nhất có lẽ là hành lang bằng tấm tôn kẽm container, không trải thảm. Động có bước chân người là nó kêu váng lên như có ai cầm dùi mà gõ. Cách đây không lâu, người ta trồng một loạt dây hồng leo bên hàng rào gỗ thông xám đen. Đám hồng được đất, lớn như thổi, quấn dày trên các thanh gỗ, trổ từng chùm hoa rực rỡ, dần tạo thành “bức tường hồng” chói chang, đập vào mắt người qua lại. Điều này làm không ít người dân thị trấn hài lòng, vì bức rào hoa đã xoá đi màu hàng rào xám xịt làm khu trại hộp kẽm bớt vẻ u tàn, bí ẩn.
Chiếc Opel chở Quyên dừng lại cửa trại Golderg. Gã thanh niên, tên Minh, đệ tử ruột của Hùng mở cửa giúp Quyên bước xuống xe. Gã chỉ vào khu nhà sau rặng hồng bảo: “Bà chị vào nhà giữa, lên cầu thang có cái cửa sơn xanh kia. Cuối hành lang phòng số mười sáu, tầng hai. Ông xã chị ở đó! Em phải quay về gấp, xem đại ca Hùng tai nạn ra sao.
Trăng neo trên đỉnh những vòm thông sũng nước, ủ rũ. Sánh lạnh.
Đèn đêm hắt xuống đường từng quầng vàng nhợt.
Sương bắt đầu lan ra bảng lảng như khói mỏng, chập chờn làm người ta liên tưởng, cảm giác như có chiếc khăn voan màu xám lửng lơ bay quẩn trên nóc nhà. Mái nhà tôn hấp hơi ẩm, anh ánh trong đêm trăng.
Quyên thấy ớn lạnh. Cô tới gàn bên gã thanh niên, người đã đưa cô tới nơi tới chốn, nói: “Cậu về, phóng chậm thôi nhé!“
Vài giây sau, chiếc Opel quay đầu vọt lên đường Autobahn.
“Rồi cậu ta sẽ thông tin cho mình tình hình của Hùng!” – Quyên nhủ thầm. Cô đứng yên phăng phắc dõi theo chiếc xe đang khuất nhanh và hốt nhiên cảm giác cô độc ập đến, khi nhìn rõ, trong đêm đen, đuôi xe có hai chấm đèn đo đỏ loé lên đột ngột, rồi tắt phụt như tan vào sương đục. Cô rùng mình.
Trong đầu cô loé vụt, hiện cảnh chiếc xe BMV của Hùng văng trượt dài trên đường cua, cắt chéo dải phân cách, đèn phanh cũng đỏ chói. Nó lộn nhào và nẩy lên trên dốc ta-luy, hệt như mảnh sành thia lia trên mặt nước và, đôi chân Hùng giập nát, nhầy nhụa máu.
Cái thai bỗng đạp đánh thách một cái, làm Quyên bừng tỉnh. Quyên lắc nhẹ đầu. Mái tóc cô xổ ra ôm xoà lấy bờ vai. Cô hít một hơi sâu, rồi bước trên đường lát đá nhỏ, men dọc hàng rào, nhằm hướng ngôi nhà có chiếc cửa sơn xanh. “Tầng hai, phòng cuối cùng, bên trái”, cô lẩm nhẩm.

*

Kumar là dân Srri Lanka tới trại tị nạn Golderg đã lâu.
Trong trại. Kumar là người duy nhất có thể nói được mấy thứ tiếng. Tất nhiên tiếng mẹ đẻ chẳng mấy khi được đụng tới, trừ khi, thi thoảng lắm, có vài người bạn đồng hương của anh từ Hamburg tới thăm.
Kumar nói tiếng Đức khá thạo. Anh vừa tới trại, đã xin vào học ngay khoá tiếng Đức hai năm dành cho người nước ngoài. Kumar đã nắm vững tiếng Anh từ trong nước, nên học tiếng Đức nhanh.
Kumar nói tiếng Anh hay tới mức khiến nhiều người Đức cũng phải khâm phục. Tay bác sĩ Mueler, phụ trách thăm khám vệ sinh khu trại, kẻ hay là cà tán phét với trại viên, có lần bảo, Kumar, cậu nói tiếng Anh hay hơn cả bà giáo Reny dạy tớ hồi trung học! Điều ấy dễ hiểu, nếu ai quan tâm tới lịch sử Sri Lanka trước kia, hẳn biết mảnh đất ấy lệ thuộc vào Anh bao nhiêu năm trời!
Đến trại Goldberg, anh chung sống với những người Việt. Thấy Kumar lành, cởi mở, lại tha thiết bày tỏ muốn học tiếng Việt Nam, một người nguyên xưa là giáo viên văn đã dạy anh nói tiếng Việt. Kumar lại học tiếng Việt rất nhanh và sau dăm năm ở trại tị nạn, anh có thể hiểu những câu ngạn ngữ, nói được những từ đại loại như hết sảy hoặc những từ lắt léo, nói lái từ tiếng Anh, ví như ô kê là con gà đen! Ngoài ra, khi vui, anh còn hát vài bài tiếng Pháp. “Dạo ở Algérie, tớ trọ trongg một tầng hầm. Có một chiếc máy hát và một đống đĩa hát cũ. Tớ bỏ Algérie, tới Pháp, sang Bỉ, Tây Ban Nha, rồi quay lại Pháp và cuối cùng về đây… Tớ từng làm thợ hồ, thợ xẻ gỗ, thợ lò mổ và từng chạy xe đạp phát quảng cáo trên đường phố. Nửa năm ở Nam Pháp, tớ còn làm mục đồng, chăn súc vật và sau đó đi trồng nho nhỏ ở một trang trại”. Kumar kể về anh như vậy.
Một lần, ở trại có đám giỗ mẹ của một người Việt. Người kia mời Kumar. Không biết làm thế nào mà Kumar cũng biết phong tục Việt? Anh tìm tới cửa hàng châu á, mua một thẻ hương và hoa quả, lại phong bì 50 D.mark. Những người tha hương sống ở nơi thừa mứa rượu, song chả mấy khi có dịp, có cớ uống rượu vui với nhau cho thậm say. Uống! Uống để quên đi những lo lắng, bồn chồn, cô quạnh nơi xứ người! Nay có giỗ chạp, kẻ chỉ uống được ít, cũng tự nhiên liều mình uống thêm vài li nhỏ. Những li rượu vui và buồn! Kumar thường ngày uống cũng được! Nhưng rượu chứ đâu phải nước lã, tới chén tống thứ bảy anh cũng lơ mơ. Anh đen cháy, đi lại ngất ngưởng, nom buồn cười lắm! Tới hồi khuya, Kumar ngồi bệt xuống góc tường và đột nhiên cất tiếng hát.
Những kẻ li quê, nghe thấy một bài ca lạ, giai điệu thật buồn. Không ai hiểu bài hát nói gì, nhưng rõ ràng, ai cũng nhận ra, mắt Kumar khi ấy cũng buồn thăm thẳm như điệu hát. Cho tới vài ngày sau, có kẻ gặng hỏi, anh mới kể: “Đây là bài hát về những cánh rừng và thảo nguyên quê tôi. Rồi anh trầm xuống kể: “Gia đình tôi thuộc dòng họ Sinnatuerrai. Đó là một dòng họ lớn ở vùng quê tôi. Nhà tôi có hai ba cánh rừng, mấy đồng cỏ ruộng. Dê thì nhiều lắm!” Nội chiến xảy ra. Cha Kumar bị đạn lạc, chết tươi ngay ở sân nhà. Kumar theo mẹ và hai chị chạy loạn, hết khu trại này tới cánh rừng khác. Họ để mặc gia súc không ai chăn thả. Từng đàn gia súc lần lượt lần lượt trở thành thực phẩm miễn phí cho các toán phiến quân, cả những đám người chạy loạn.
Mẹ không muốn Kumar, đứa con trai duy nhất của dòng tộc Sinnatuerrai chết trong cuộc chiến nồi da xáo thịt, nhân có chuyến mộ thợ hồ sang Algérie, đã chạy vạy đưa Kumar lên tàu biển. Quàng vào cổ Kumar sợi dây đeo bức tượng Phật bằng đồng đen tuyền, linh cảm sẽ xa con biền biệt, bà nói: “Cầu Đức Phật, phù hộ cho con may mắn!” Kumar đôi khi vẫn nhớ lại, khi con tàu rúc còi rời bến, anh cảm thấy rõ, buồn ơi là buồn. Bóng mẹ và vài người thân của gia đình anh nhoà dần, nhoà dần rồi mất hút trong giải xanh chạy miên man dọc bờ. Anh không khóc. Người như Kumar chẳng khóc. Nhưng quả thật khi ấy lòng anh như có ai lấy dao đâm chọc liên tiếp.
Bao năm xa quê, qua nhiều nước, biết được đủ mọi hình thái sống, hành trang được thay thế vài lần, Kumar cũng nhớ nhớ, quên quên nhiều chuyện, nhưng tượng Phật nhỏ luôn trên cổ anh. Chỉ khi làm ở tiệm Pizza, nơi không khí tràn ngập toàn mùi đồ ăn, thức uống, sợ tượng Phật ô uế, anh mới tháo ra đặt lên nóc tủ.
Kumar rời nước Pháp chạy sang Đức khi bức tường Berlin vừa sập. Anh nói, hết hạn hợp đồng thợ nề, lang thang mãi chẳng nơi nào dung thân, nước tớ lại tiếp tục rộ lên nội chiến. Té thôi! Kumar nháy mắt, rồi cười. Da mặt anh đen sẫm như than, nhoà lẫn vào bóng tối, nhưng đôi mắt như luôn ẩn tàng, thoáng hiện thứ ánh sáng mơ hồ, xa xăm và đôi môi hệt có vệt son ánh lên! Nét châu á trên khuôn mặt anh rất dễ nhận ra, nhưng nước da của anh thì thực đen tuyền như người châu Phi. Nếu nghe anh nói tiếng Anh, Pháp, mà không để người nghe nhìn mặt, thì ngỡ Kumar là người Âu. Hàng ngày, dẫu bận tới mấy, anh vẫn dành thời gian sớm hay tối, ngồi yên trước pho tượng nhỏ. Có hỏi, mày cầu xin gì đó? Anh chỉ cười, nhô hàm răng đều trắng xoá. Kumar không xin gì cả! Anh chỉ muốn bình yên, bởi anh tin lời mẹ dặn: “Trước Đức Phật, người ta chỉ có thể tìm sự bình yên!” Khi có người bạn đồng hương nào đến, anh nấu cơm kiểu như luộc gạo. Gạo sậm sựt thì cũng cạn nước. Bớt lửa, để một tẹo, nghe chừng chín tới, anh đổ cơm ngay ra đĩa cho nguội. Xem họ ăn bốc, hoặc ở bên ngoài phòng, lắng nghe họ nói chuyện, ta thấy một âm thanh bột rộn chồng chéo, lúi ríu như có một đàn chim lao xao trong khu rừng đại ngàn và, hiểu: anh đúng là người Sri Lanka.
Rõ ràng, từng ấy cũng chứng tỏ Kumar là tay “giang hồ thứ thiệt”.
Sau mấy lần thẩm vấn, xem xét, Sở ngoại kiều thành phố đã cấp giấy Cư trú vô thời hạn, mà anh chưa thuê nhà riêng. Không phải Kumar không muốn có một nơi ở tốt hơn, tự do hơn. Anh quá ít thời gian để tìm một chỗ ở ưng ý. Vả lại, việc ở trại cũng giúp anh tiết kiệm hai trăm D.mark một tháng. Ai cũng biết, Kumar rất chăm gửi tiền về cho mẹ. Anh từng nói, ai chứ mẹ tớ tiết kiệm lắm, tớ chẳng thể quên những ngày chị và mẹ tớ toàn húp cháo, chạy đạn bom trong rừng… Thương lắm!
Kumar đi đưa Pizza từ 9 giờ sáng tới tối mịt. Thường là gần nửa đêm, anh mới kết thúc công việc, trở về trại bằng chiếc xe mô – tô thùng vuông màu trắng, có dòng quảng cáo màu da cam: “Pizza tươi!“
Như mọi làn, đêm nay về tới trại, anh tắt máy từ xa, cho xe trôi không một tiếng động. Tới sát bờ rào, sau rặng hồng đang còn những đoá hoa cuối vụ, anh khoá xe lại. Ngẩng mặt lên, anh chợt nhìn thấy một người đang loạng choạng như muốn ngã, tay quơ ra như muốn bám lấy đám hồng leo trên rào. Kumar bước nhanh tới, nhận ra trong bóng đêm nhập nhoạng, một người đàn bà có cái bụng kềnh càng. “Chị làm sao thế?” Kumar hỏi bằng tiếng Đức. Người đàn bà giật mình, quay ra nhìn về phía Kumar.
Bây giờ trăng vừa vượt qua đám mây, vằng vặc sáng. Kumar nhìn rõ hơn khuôn mặt người đàn bà trẻ đang nhìn sang phía anh. Anh cảm giác, đó là một người Việt.
Đúng! Người ấy là Quyên.
Cái thai trước giây phút gặp Kumar vừa đạp thêm một cú khá mạnh, làm cô giật thột, đau quặn tới mức chỉ muốn gục xuống.
Sao một người Việt Nam lạ mặt lại tới trại khuya vậy? Kumar nghĩ và lập tức bật ra một câu tiếng Việt:
– Em ơi? Có cần anh giúp đỡ không?
Trong ánh trăng bàng bạc, Quyên thấy một người da đen hơn cả bóng đêm. Mắt Kumar đựng tràn ánh trăng, nổi lên như hai điểm sáng giữa màn đêm nhập nhoà. Kumar lại bất chợt cười. Gã phô hàm răng trắng xoá làm Quyên chờn chợt. Cô lắp bắp: “Tôi đi tìm…” Nói có nửa câu vậy, rồi Quyên đưa tay lên ngực, như sợ trái tim mình nhảy vọt ra ngoài. Kumar là người thông minh, chợt hiểu, anh nói ngay một hơi: “Xin chị đừng sợ. Chị tìm gì? Tôi tên là Kumar. Kumar sống ở trại Goldberg này”.
Quyên nhìn Kumar. Gã da đen không cười nữa, đôi môi tươi nhấp nháy. Bình tĩnh lại chút ít. Quyên cố can đảm nói lắp bắp: “Tôi…ôi… tìm… anh Dũng. Tôi là vợ…“
Hoá ra cô ấy đi tìm chồng! Kumar chợt nhớ ra ai đó trong trại đã kể về Dũng. Dũng thì Kumar không lạ. Anh ta ở đối diện với phòng Kumar. Anh cũng từng nghe người ta kể, Dũng lạc mất vợ khi qua biến giới. Thì ra, đây là người đàn bà mà đôi khi trong các câu chuyện của người Việt bên bếp nấu, nhà giặt, được loáng thoáng nhắc tới. Cô ta thực đẹp! Kumar thầm nghĩ. Có những người đàn bà khi có chửa nom dệch dạc, dị dạng, xấu lắm. Lại có những người đàn bà mang thai tới tháng trở dạ mà vẫn đẹp, thậm chí nom càng đàn bà, mỡ màng, tươi tắn, hấp dẫn hơn. Khi ấy, anh bỗng nhớ tới khuôn mặt sạm nắng, quắt queo của chị cả anh.
Chiến tranh ở nơi đâu chẳng như vậy! Có lần anh chia sẻ với các bạn trại viên Việt Nam.
Những cuộc bắn pháo dữ dội giữa các toán quân đã cắt đứt các đường giao thông. Công việc buôn bán sản phẩm ở trang trại của cha mẹ anh bị ngừng trệ. Đồng cỏ chẳng còn ai thả trâu và lùa cừu, dê về chuồng khi trời sập tối. Kumar từng nhìn thấy trên một cánh rừng, hơn hai chục người cùng nòi giống băm vằm, nổ súng như điên dại vào nhau, để tất cả cùng chết thê thảm. Ông anh rể trên thị trấn bặt tin sau trận pháo dữ dội của phiến quân, rồi mất tích. Chị anh, nàng Jokabani chưa từng vất vả, nay vác cái bụng chửa bốn, năm tháng đi tìm chồng. Theo đường la và ngựa của những đoàn người buôn lậu len lỏi trong rừng, Jokabani mò mẫm dấu vết chồng mà không thấy, rồi ngã bệnh vì sương gió, chị đẻ non, băng huyết, mất lúc hai tám tuổi.
Người đàn bà này trẻ và đẹp hơn so với người chị của anh. Cô ta lại gặp may mắn hơn, nên đã tìm được trúng nơi ở của chồng.
Kumar đi trước, đưa Quyên tới cuối dãy hành lang. Anh dừng lại trước gian phòng có cánh cửa sơn màu trắng toát. Cửa có cái lỗ kính quan sát như mắt chột. Anh gõ cửa, gọi lớn: “Anh Dũng ơi, có khách này!“

*

Quyên không thể hình dung cuộc gặp gỡ với chồng, người cô thương yêu tha thiết, người cô hy vọng và tin tưởng vô vàn, lại tẻ nhạt, vô duyên tới vậy.
Khắc giây cửa bật mở! Dũng giật thột khi trông thấy Quyên. Thoạt tiên, ngay khi nhìn nửa giây qua lỗ quan sát, anh nhận ra Quyên, lập tức mắt anh sáng bừng vì bất ngờ. Song, cũng lập tức, khi cửa bật mở, đập ngay vào mắt anh là cái bụng phưỡn ra chềnh ềnh, khác lạ của vợ.
Khi đó, trong đầu anh, thay vì sự kinh ngạc khi vợ bất ngờ xuất hiện là một câu hỏi loé lên trước cái bụng to kềnh càng, sắp tới ngày sinh tháng đẻ của Quyên. Quyên cũng nhận ra cái nhìn đầy ngỡ ngàng của chồng, dù lúc đó, đôi mắt cô đã nhoà lệ.
Cái bụng, vâng chính cái bụng phưỡn ra chợt như gáo nước lạnh đổ oà, dập tắt niềm vui, dập tắt ngọn lửa nhỏ vừa loé lên trong đôi mắt Dũng.