Theo thông báo của ban chỉ huy sư đoàn, bảy giờ tối chương trình biểu diễn mới bắt đầu. Nhưng bữa cơm chiều đã xê dịch từ bốn rưỡi lên ba giờ rưỡi, và cơm nước xong lính tráng đã kéo lên đầy trước sân khấu, nhốn nháo chuyện trò, nhốn nháo chờ đợi, với tất cả vẻ hăm hở của đám đàn ông từ lâu thiếu vắng bóng đàn bà. Mấy anh chàng háu ăn còn cầm trong tay tảng cháy to tướng vừa gặm vừa ngong ngóng nhìn lên mớ phông màn như muốn tìm sau những tấm vải màu loè loẹt ấy hình bóng « công chúa của lòng anh ». Các công chúa mộng tưởng đang còn ngủ trong hầm ban chỉ huy, phần vì mệt mỏi sau quãng đường dài, phần vì nàng nào cũng có nước da xanh rờn và làn môi trắng nhợt vì sốt rét nên chẳng ai muốn lộ diện trước khi son phấn. Các nàng đang còn nằm cuộn lấy nhau như đám sâu tằm trên ván, cố chợp mắt thêm một vài giờ trước khi lên sân khấu. Ban chỉ huy sư đoàn hẹn sẽ đánh thức các cô lúc năm rưỡi. Nhưng chưa đến năm giờ, lính tráng đã hò hét ầm ầm bên ngoài: - Các nàng tiên ơi, ngủ làm gì nhiều thế? Mấy năm trời mới được gặp mặt nhau ai mà nỡ quay mặt vào tường ngủ hoài như vậy? - Các cô em ơi, dậy đi thôi. Mong mãi mới tới ngày hôm nay. - Các nàng công chúa đâu rồi?Cho chúng tôi được chiêm ngưỡng dung nhan một chút? Những tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng cười đùa mỗi lúc mỗi ầm ĩ vọng xuống hầm khiến các cô không thể nằm lì, đành ngồi dậy. Cô nào cô nấy ngáp lên ngáp xuống đến sái quai hàm. Trợ lý của sư đoàn trưởng hắng giọng một hồi rồi chui vào hầm, nghiêng đầu ngoẹo cổ nói: - Xin chị em thông cảm, lính tráng lâu ngày quá không nhìn thấy bóng phụ nữ. Đã hơn ba năm trời trên không cử các đoàn văn công tới đây. Cô đoàn phó đáp: - Chúng em đi đến đâu cũng vậy, anh không cần băn khoăn. Chiến trường quá rộng, các đoàn không đủ để phục vụ. - Cảm ơn, được chị em thể tất là đại may mắn cho sư đoàn. Giờ, tổ anh nuôi mang cơm đến cho chị em dùng bữa rồi hoá trang kẻo muộn. - Trưởng đoàn đâu rồi? - Trưởng đoàn đã dùng bữa với ban chỉ huy ngoài kia. Các nam diễn viên cũng vậy. Đoàn phó quay lại hét quân: - Đã thấy chưa? Riêng chúng ta được ưu tiên ngủ nướng. Mọi người đã cơm nước xong đang lo bố trí phông màn. Còn ai muốn ngáp thì ngáp cho đã thèm rồi chuẩn bị ăn cơm. Các cô chưa kịp đáp lời tổ anh nuôi đã lóp ngóp chui vào, lục cục xoong nồi với các loại ga-men quân dụng. Anh nào anh nấy hí hửng như bắt được vàng. Họ được ưu tiên gặp các cô trước tiên, mà lại gặp khi chưa son phấn, không nói cũng biết được sự thân tình, giống như khách lạ thì được tiếp ở sa-lông, còn khách thân quen hay họ hàng thì được quyền chui vào bếp: - Hôm nay chúng tôi đặc biệt làm món nộm rau chuối thịt gà và nấu chè đỗ xanh đãi các cô nương. Sư đoàn phải cử người vào bản Vân-kiều từ tuần trước mua gà, mua đỗ. Chúc các nàng tiên ăn ngon miệng. - Cảm ơn các anh. Ăn chè này đêm nay múa chắc dẻo tay hơn. Các cô xúm lại ăn cơm trong khi ba chàng cấp dưỡng ngồi chầu xung quanh, anh xới cơm, anh đơm chè, anh thứ ba hấp háy mắt và ngoác mồm ra cười một nụ cười vô duyên cớ. Trợ lý sư đoàn đứng trong góc hầm, chẳng có việc gì làm nhưng cũng không muốn đi ra sớm hơn ba gã lính nuôi quân, nên vờ rút trong túi ra cuốn sổ tay, xem đi xem lại. Cơm nước xong, ba chàng nuôi quân lễ mễ thu dọn bát đĩa đem đi. Trước khi quay ra còn hẹn là đêm nay, sau khi biểu diễn sẽ có cháo gà đãi khách quý. Hẳn là những con gà này đã được đổi bằng lương khô hay gạo cho dân bản Vân-kiều. Trợ lý sư đoàn liếc đồng hồ rồi hỏi: - Lúc này đã năm giờ hai mươi phút. Liệu chị em cần bao lâu để hoá trang và thay áo quần? - Hai mươi lăm phút, không hơn. - Hoan hô. Tôi sẽ thông báo cho anh em biết. Anh ta chui khỏi hầm. Chưa đầy chớp mắt đã nghe tiếng vỗ tay, tiếng hét ầm ĩ của lính bên trên. Đoàn phó tủm tỉm cười: - Lính sư này ngầu thật. Một cô đáp: - Toàn dân Bắc mà lại. - Đúng rồi. Cô thứ hai tiếp lời: - Họ chờ đợi chúng ta vì vừa muốn xem biểu diễn vừa muốn gặp đồng hương. Nghe nói đoàn văn công tới đây phục vụ mấy năm trước là đoàn Dân ca liên khu năm. - Liên khu năm ở đâu nhỉ? - Rõ là dốt, phục vụ quân đội năm sáu năm mà không phân biệt được các quân khu. - Ai hơi đâu mà biết. Trên bảo đâu thì đi đấy. Lối nào cũng chỉ thấy suối với rừng...Hết rừng đến suối, hết suối lại rừng, hết bản Vân kiều lại đến bản Lào nưng, Lào thọng. Nơi nào cũng chỉ nhăm nhăm trông vào cái gậy của giao liên mà bước. - Ờ, tao cũng thế, chẳng biết liên khu là cái gì. Đi đâu cũng chỉ nhìn vào lưng hay vào mông của người đi trước. - Mông còn là may. Chúng mày không nhớ hồi leo núi Khỉ đái hay sao? Dốc dựng như tai mèo, gót chân thằng đi trước chạm vào đỉnh đầu thằng đi sau, lấy đâu mà nhìn mông với đít? - Ờ, trận ấy khiếp thật. Mây quấn lấy mắt, leo núi mà rờ rẫm như thằng mù. Phúc đức tổ tiên nên không đứa nào rơi xuống vực. Các cô chưa kịp thay quần áo xong đã nghe trợ lý sư đoàn hắng giọng bên ngoài. Đoàn phó nói với lên: - Đúng bẩy phút nữa. Đoạn quay lại bảo chị em: - Nhanh tay lên. Lính nhảy cỡn lên trên kia rồi. Chắc sư đoàn này bị tù lâu quá trong rừng sâu, không thoáng khí như sư đoàn trước. - Đúng đấy. Lần trước lính tráng không hò hét loạn xị như hôm nay. - Thì đã bảo là họ bị nhốt trong sâu lâu quá. - Đây là đâu vậy? - Biết được. Nhưng nghe đoàn trưởng nói mình đang ở trên đất Lào. Mà là vùng xa vùng sâu trên đất Lào. - Thế hả? Bốn bề mịt mù những rừng với núi. Bọn mình mà bị lạc chắc chết rũ xương ở đây, chẳng thể tìm được lối quay về. - Chắc chắn là vậy. Nhưng sống chết có số, lo gì. Bao giờ lính chết hết bọn mình mới phải chịu số phận hẩm hiu như thế. Văn công là mì chính cánh, là vàng ròng của chiến tranh. Không ai để cho chúng ta thất lạc. Các nàng trang điểm và diện đồ biểu diễn xong nối đuôi nhau chui khỏi hầm. Lính tráng đứng chen chúc hai bên từ cửa hầm cho đến tận sân khấu vỗ tay ran ran, hò hét loạn xạ: - Các nàng tiên xinh đẹp, nói lên vài câu cho anh em nghe giọng Bắc. Phó đoàn lúng liếng cười và hỏi: - Biết nói gì bây giờ nhỉ? Thế là đám lính nhao nhao, tranh cướp nhau trả lời: - Nói bất cứ câu nào...Hoặc kêu to lên cũng được. - Em ơi, chúng tôi là dân Hải Hưng. Em chỉ cần kêu to lên hai tiếng: Hải Hưng ơi!...Thế là đủ mát dạ lính tráng. - Gọi riêng Hải Hưng nhà chúng mày, thế còn Hà nội, Hà Tây, Hà bắc, Vĩnh phú nhà chúng tao thì vứt cho chó nhá à?Thằng này đúng là quân ích kỉ. - Hải phòng nữa chứ? Thành phố hoa phượng đỏ mà bị bỏ quên thì bom Mỹ sẽ giáng xuống đầu cả bọn. - Thôi, không phải cãi nhau nữa. Chị em ơi, cứ chửi cha chúng nó lên một câu cũng được. Rồi các cánh tay vươn ra sờ vào vai vào áo, ve vuốt đuôi tóc của các nàng. Họ đi đến đâu, lính tráng cuốn theo đến đấy. Ban chỉ huy sư đoàn đứng phía xa, tủm tỉm cười, quan sát cảnh tượng với con mắt thèm thuồng không che giấu. Tuy nhiên, là lãnh đạo, họ phải biết dằn lòng, dù muốn hay không. Theo thông lệ, các cô chia thành từng tốp nhỏ, mỗi tốp hai ba cô để hàn huyên với lính, trước khi biểu diễn. Lần này cách thức đó xem ra bất ổn vì sư đoàn vừa được bổ sung quân nên vượt số khung. Cả một ngàn lính đứng chen nhau tầng tầng lớp lớp. Đoàn phó ra lệnh: - Đông thế này không thể nào tâm tình cho xuể. Tôi đề nghị chị em chia theo địa phương, hát phục vụ binh lính ngoài chương trình chính thức. Tổ nhạc công cũng sẽ chia theo. Được lời, các vị lãnh đạo ban đồng hương hò hét loạn xị: - Hải Hưng đâu? Đi theo tôi về phía trái sân khấu, ngay sát chân cột loa phóng thanh. - Hà nội đâu? Lính thủ đô rút về phía sau sân khấu, xếp hàng lối cho có trật tự. - Hà Tây quê lụa đâu, tập trung sát cánh quân Hà nội, phía bên phải hậu trường. Đám lính tập hợp theo địa phương, anh nọ gọi anh kia, ồn ào hơn chợ vỡ. Đội phó đoàn văn công khoa chân múa tay với tốp nhạc công, chắc hẳn để thương lượng trước một cuộc lao động căng thẳng. Rồi sau đó, người ta thấy kẻ ôm đàn phong cầm, người cầm ghi-ta hay măng-đô-lin, người mang sáo mang tiêu lần lượt tản vào các nhóm lẻ. Cảnh tượng đó đem lại một sắc thái tưng bừng kì lạ cho khu rừng, vốn bình thường chỉ có tiếng gió rung cây, tiếng mưa bẻ lá, tiếng lính trò chuyện hay cãi lộn, hoặc tiếng bom dội. ° Đại đội trưởng An đứng bần thần nhìn đám đông vui vẻ ấy, chợt ai đó vỗ vai anh: - Cậu không tìm được đồng hương Lạng sơn ở đây sao? Tiểu đoàn trưởng đã đứng sát lưng An, tủm tỉm cười sau cặp kính cận dày như trôn chén. - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, ở đây tôi đơn thương độc mã. - Bên tiểu đoàn hai cũng có mấy anh Tày mà? - Báo cáo, họ là dân Tày Cao- Bằng, sát biên giới. Tôi chưa bao giờ đặt chân lên đất họ mà họ cũng chưa bao giờ xuống Lạng sơn, để thăm vùng Đồng Mỏ quê tôi. - Ra thế. Cùng là dân Tày cả mà thông thổ khác nhau, tập tục cũng khác nhau. Nhưng tôi là dân Kinh, tôi không thể phân biệt được ai là Tày Lạng sơn, ai là Tày Cao bằng. Tôi thấy các đồng chí đều có những nét tương tự. - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, sự khác biệt không nhiều. Nhưng vì các hội đồng hương được chỉ đạo theo đơn vị tỉnh nên chúng tôi không có lý do thành lập hội người Tày trong đơn vị. - Nguyên tắc ấy là chính xác. Bởi chúng ta không thể cho phép sự phân biệt tồn tại giữa các dân tộc trong lòng một đất nước, giữa những con người cùng mang chung một quốc tịch Việt nam. - Vâng. Tôi hiểu. Tiểu đoàn trưởng Nhã rút thuốc lá mời anh, và họ cùng phì phèo nhả khói. Phía sân khấu, trợ lý sư đoàn trưởng đang đứng ngó nghiếng bốn phía, tay cầm loa phóng tay, tay cầm sổ. Đúng khoảnh khắc thuận tiện, khi các bài hát tạm ngừng, anh ta giương loa lên gào: - Alô, alô....Xin các đồng chí chú ý. Chương trình biểu diễn sẽ lui lại một giờ rưỡi, có nghĩa là sân khấu sẽ mở màn vào lúc tám giờ rưỡi vì lý do đột xuất: Chúng ta phải chờ tiểu đoàn 209 vừa được bổ sung từ miền Bắc vào, đang đóng quân bên kia núi Gấu trúc. Họ không trực thuộc sư đoàn chúng ta mà tác chiến độc lập. Tuy nhiên, vì cùng một chiến trường chúng ta có nghĩa vụ chờ đợi anh em để thưởng thức chương trình văn nghệ đêm nay. Trong lúc chờ đợi, đoàn văn công sẽ tiếp tục biểu diễn lẻ theo yêu cầu của các hội đồng hương kết hợp với sự tham gia của các cây văn nghệ trong đơn vị. Nghe tới đó, lính tráng nhảy cỡn lên, hò hét vang rừng núi: - Hoan hô....Hoan hô.... - Ban chỉ huy sư đoàn cứ cho hoãn đến nửa đêm cũng được. Hoãn càng lâu càng tốt. - Đêm nay sẽ là đêm tuyệt vời nhất từ ba năm nay. Ai có bài tủ thì dọn giọng sẵn đi. Chúng ta sẽ có đàn đệm và cây nhà lá vườn sẽ được dịp trổ tài. Tiểu đoàn trưởng Nhã hỏi An: - Đồng chí có biết hát không? - Dạ, tôi hoàn toàn ngu dốt trong lĩnh vực này. - Tôi cũng thế. Chúng ta có thể tranh thủ ngả lưng cho đến lúc sân khấu mở màn. Ít nhất cũng còn hai tiếng rưỡi. Chính lúc đó, sư đoàn trưởng tiến về phía họ, oang oang cảnh báo: - Trông điệu bộ các cậu, tôi ngờ rằng các cậu sắp chuồn khỏi đây. Mấy khi được dịp vui mà bỏ phí hoài? - Báo cáo sư trưởng, tôi vốn không biết hát, mà tuổi cũng đã ngót nghét ngũ tuần, xương sống hơi bị yếu. - Vậy tôi trẻ hơn đồng chí hay sao? Sư trưởng vặn lại. Quả tình, sư trưởng hơn tiểu đoàn trưởng Nhã dăm tuổi nhưng vốn gốc gác dân chài, năng lượng trong ông còn rất dồi dào. Dẫu chiến tranh và năm tháng tàn phá, ông vẫn giữ được những bắp thịt săn chắc. Vai ông ngang và rộng nhưng vì thiếu chiều cao, thân hình ông gần như một khối vuông. Khi ông đi cạnh tiểu đoàn trưởng, đám lính có chữ thường ví ông với anh hầu Sân-xô trong khi vai Đon-ky-sốt được dành cho người hạ cấp. Sư trưởng không lấy thế làm mếch lòng, thường giả miếng rằng: ―Người ta bảo nhất là sắc tướng, nhị là khí tướng, tam là thanh tướng, tứ mới tới hình tướng. Cậu hơn tớ ở cấp độ thứ bốn nhưng tớ lại hơn cậu ở cấp độ thứ ba. Thế nên tớ mới cầm đầu sư còn cậu thì cầm thằng tiểu.‖ Về mặt thanh tướng, rõ là chẳng ai dám vượt mặt ông. Không chỉ trong sư đoàn mà khắp chiến trường nơi bốn sư đoàn đang quần thảo, giọng nói của ông không ai lẫn được. Giá là danh ca ắt ông phải rung vỡ vô số tấm kính nhà hát. Giọng ông vang như lệnh, thứ giọng đào luyện nhiều đời của những kẻ quen hét thi với sóng. Chỉ cần nghe ông cất tiếng, người ta hiểu ông đang còn là bậc "Chân cứng đá mềm". Vì thế, tiểu đoàn trưởng không ngần ngại đáp lời: - Ồ, đồng chí già dẻo già dai, không phải loại cua ọp như tôi. Sư trưởng đành chịu thua: - Thôi tôi giơ tay hàng các cậu. Tiểu đoàn trưởng tiếp tục trêu cợt: - Đồng chí hùng mạnh nên chịu khó ở lại hát thi với đám lính trẻ. Tha cho bọn xương dòn thịt nhão là chúng tôi đây. Nói rồi ông kéo An đi. Nhưng trong khi ông trở về hầm kiếm giấc ngủ, anh lẳng lặng ra suối tắm. Con suối mênh mông này đẹp hơn cả dòng suối quê anh. Gọi là suối nhưng nó rộng dài đâu kém một dòng sông, và chính nó cũng đổ vào con sông lớn nhất trong vùng. Nước suối trong như thuỷ tinh, không có màu rêu hay màu rỉ đồng như các con suối độc. Các tảng đá sạch bóng, tha hồ ngả lưng nằm hoặc phơi quần áo vào những trưa khô ráo dòn dã mặt trời. Hai bờ suối thoai thoải rải đầy cuội trắng. Đi ngược lên non trăm thước là thác Voi gầm, nước xả từ độ cao hơn chục mét khiến quãng suối bên dưới sôi sùng sục và tất thảy những vật bị cuốn theo dòng nước đều trở thành vũ khí có thể làm thương tổn những kẻ ngu ngốc hoặc vô tình mon men đến tắm dưới chân thác. Nhiều lần, đám lính trẻ tinh nghịch bẻ cành khô ném xuống. Những cành củi này lập tức bị dòng nước lôi vun vút, biến thành một thứ mũi tên có thể đâm chết bất cứ con dê dại dột nào dám liều mạng lội qua. Mỗi lần tới đây, lòng hồi nhớ quê hương lại thiêu đốt trái tim An. Anh trút bỏ quần áo, định lội xuống tắm. Nhưng khi làn nước trong suốt, lăn tăn bọt dâng lên trên gối, anh đột nhiên rùng mình quay lên bờ, mặc lại áo quần. Sự ngăn cản của một bóng ma khiến anh làm những cử chỉ kì quặc như vậy? Sự khôn ngoan của linh giác đưa đường? Anh không biết? Người ta không thể hiểu hết mọi hành vi của mình trong suốt cuộc đời. Nhưng lần này, anh biết chắc chắn một sức mạnh vô hình đã xui khiến anh hành động. « Là em, chính là em? Hay là cô Nhỏ? Đích thị một trong hai nàng đã giơ tay ngăn cản bước chân tôi. » Anh cất tiếng thầm hỏi. Nhưng chỉ có tiếng lá rì rào trong gió, và tiếng hát từ phía sau bờ cây vẳng đến. Thứ âm nhạc vi vút đó phả vào lưng anh một hơi lạnh mơ hồ. An khoanh tay lên gối, lắng nghe tiếng thác gầm réo phía thượng nguồn. Như mọi ngày, tiếng thác réo gọi về tiếng đổ của một con thác khác. Một con thác nhỏ bé hơn, dịu dàng hơn, với bề cao không quá ba thước, không đe doạ ai, không hứa hẹn làm thương tổn hay chết chóc một ai, chỉ đơn thuần đem lại vẻ đẹp cho rừng núi. Con thác đó có tên là Sơn Ca ; bởi sơn ca làm tổ trong các khu rừng hai bên và tiếng hót của chúng như khúc nhạc bất tận vang trong không gian tĩnh lặng của núi non. Từ thác Sơn ca vượt qua một cánh rừng thưa và một thung lũng là bản Xíu, nơi chôn rau cắt rốn của anh. Nơi trái tim anh ở lại trong khi đôi chân anh càng ngày càng rời xa, không biết đến bao giờ mới tới ngày quay gót. « Nhưng quay lại để gặp ai bây giờ nếu còn có ngày ấy? Hai người thân nhất với ta đã nằm dưới đất đen. Chú thím ta lúc này chắc cũng đã qua đời, em Mai lấy chồng nơi tỉnh khác. Chỉ còn lại một người già. Nhưng rồi ông ấy cũng sẽ phải ra đi theo tiên tổ! » Ngày anh lên đường, ông bố vợ sáu mươi chín tuổi. Mười hai năm đã qua. Giờ nếu còn sống, không chắc ông vác nổi bó củi từ dưới gầm sàn lên bếp. « Ta có còn ai ở nơi ấy nữa, khi ông cụ qua đời? » Nhiều lần, anh thầm nhủ. Nhưng quê hương vẫn là quê hương, một dư âm bất tận theo đuổi suốt cuộc đời. Tưởng chừng đã quên, hoặc cố tình quên nhưng bất thần nó quay lại lúc nào ta không biết. Một cành cây gẫy trước mặt, một hòn đá lở ven bờ suối, tiếng hót trong lèn đá của lũ sơn ca...Mọi duyên cớ cỏn con đều khiến nó bị triệu hồi và khiến tim ta nức nở. Đôi khi bừng mắt dậy, trong căn hầm tối đen, An lại nhìn thấy sườn núi rực nắng chiều, nơi bóng áo chàm của nàng xuất hiện. Nàng bước về phía anh, bởi hai nhà cách nhau một sườn núi, đứng bên này có thể nhìn thấy bên kia. Khi nàng đi một mình, khi nàng dắt theo cô Nhỏ, đứa em kém nàng chín tuổi. Tuy là hai chị em nhưng họ gần giống như hai mẹ con vì nàng phải nuôi em từ lúc nó mới lọt lòng. Ngày đứa em gái ra đời cũng là ngày mẹ nàng rời cõi thế. Hai chị em, một người sinh vào mùa đông nên được đặt tên là nàng Đông, một người ra đời vào mùa xuân nên mang tên nàng Xuân. Trong trí nhớ của An, họ luôn luôn xuất hiện trong ánh nắng vàng rực của sườn non, luôn luôn tiến lại phía anh trong vẻ đẹp lộng lẫy mà họ thừa kế của người mẹ đã khuất. An nhìn thấy những hàng mi đen nháy của họ khép lại khi cười, ánh sáng trong vắt rọi lên từ những cặp mắt bồ câu. Anh nhìn thấy khoé môi đỏ thắm màu hoa chuối rừng. Những chiếc vòng bạc xô lanh canh trên cổ tay trắng nõn của họ. Trong cái bản nhỏ xíu mang tên Xíu, trời đã ban tặng cho hai người con gái ấy thứ nhan sắc phi phàm để rối số phận đổi lại bằng những nỗi bất hạnh cũng phi phàm như nhan sắc của họ. « Các em có làm gì xấu xa đâu? Các em không làm hại một con chim huống chi nói đến con người! Cớ sao trời nỡ bắt các em chịu tai ương như vậy? » Tâm hồn anh không ngừng gào thét. Đại đội trưởng An không tin có trời. Anh cất tiếng gọi trời như thói quen, như tất thảy mọi người thường cất tiếng kêu trong cơn tai hoạ nhưng óc não anh ghi khắc đinh ninh gương mặt những kẻ sát nhân bằng xương bằng thịt. « Có thể chúng quá mạnh mà ta thân côi thế cút nên kiếp này ta sẽ phải nuốt hận bước xuống mồ. Nếu vậy ta sẽ tiếp tục cuộc truy đuổi vào kiếp sau. Nếu kiếp sau chưa đủ, ta sẽ xin trời cho ta thêm một kiếp nữa. Ta sẽ đi đến tận cùng địa ngục để tìm những kẻ đã giết nàng và cô Nhỏ của chúng ta.» Phía sau bờ cây, ồn ào tiếng các đoàn quân đổ tới. Cửa rừng hẹp nên khi các đơn vị chen lấn một cách vội vã, mọi thứ tiếng động đều dội đi bốn phía và các hồi âm cũng ném trả từ bốn phía vách núi lẫn rừng cây. An biết rằng tiểu đoàn 209 từ bên kia núi Gấu trúc đã sang và giờ biểu diễn sắp tới. Anh đứng dậy, quay lại trảng. Nắng đã tắt từ lâu. Rừng đen thẫm vây bốn bề khiến trảng cỏ trở nên lung linh dưới ánh đèn như nơi chốn nào đó trong thần thoại. Dưới những tấm bạt khổng lồ can nối lại thành một mái nhà mênh mông để bảo đảm an toàn cho cuộc biểu diễn, những ngọn đèn lớn sáng rực. Chiếc máy nổ hai mươi nhăm ngựa của sư đoàn đặt không đủ xa sân khấu khiến tiếng nổ của nó vọng lại, chen lẫn tiếng đàn sáo và tiếng hát. Đám lính mới tới đã tập hợp ở một góc, chờ lệnh, anh nào anh nấy mặt nhễ nhại mồ hôi và hớn hở như trẻ được quà. Các tốp văn công thu quân, tập trung về phía sau cánh gà. Lính tráng rời các hội đồng hương lại tập hợp theo phiên chế. Tiếng còi, tiếng gọi nhau í ới vang khắp nơi. Tiểu đoàn trưởng Nhã có vẻ tươi tỉnh hơn sau giấc ngủ dặm đã quay lại điều hành lính tráng. An nhìn cảnh tượng một cách ngỡ ngàng. Anh còn đang bị dằng kéo bởi những kỉ niệm. Anh cảm thấy mình đang còn đứng ngoài cuộc vui. Tựa lưng vào một gốc cây, anh đưa mắt nhìn về phía sân khấu, trong khi những tốp lính của đơn vị 209 vẫn tiếp tục từ phía sau vượt lên để chiếm lĩnh khoảnh đất dành cho họ. - Chí văn Thành! Chí văn Thành! Một tiếng gọi đột ngột vang lên bên tai khiến An giật nảy người. Anh quay đầu lại một cách vô thức và khi chợt hiểu điều đó là sai lầm thì một gã trai đã tiến đến sát mặt anh: - Anh Chí văn Thành! -!... - Thành! Anh không nhận ra em sao? Một gương mặt nhoẻn cười trong bóng tối. An tì lưng vào thân cây, toàn thân run như bị điện giật: - Đồng chí nhầm. Tôi là Hoàng An. - Anh Chí văn Thành. Mã Lỳ đây. Em là Mã Lỳ.Anh quên em rồi sao? - Tôi là Hoàng An. - Ồ... Người mới tới quay ngược cây đèn pin để rọi sáng vào chính mặt anh ta. Gương mặt nhễ nhại mồ hôi bầu bầu theo kiểu mặt đàn bà. Đôi mày vừa ngắn vừa xếch và cặp mắt lá dăm nhỏ nhưng rất sâu nheo lại trong nụ cười. Một chiếc mũi ngắn, lộ thiên. Hai hàm răng nhỏ như răng con nít, có chiếc răng nanh bên trái bịt bạc. An rùng mình. Không còn từ chối được nữa. Đó chính là người đồng đội cũ, Mã Lỳ, dân Mèo, tiểu đội phó tiểu đội một trong trung đội năm xưa anh từng là trung đội trưởng. Chính anh đã đề bạt cậu ta vào chức vụ này. An nắm chặt cánh tay Mã Lỳ, kéo lại gần: -Giờ tôi đã đổi tên thành Hoàng An. Tôi cấm cậu gọi tôi bằng tên cũ. Anh buông từng lời, gần như thì thầm. - A!... Em hiểu. Em hiểu. Gã trai gật đầu lia lịa. An nói tiếp: - Cậu vào xem đi. Lát nữa chúng ta sẽ hàn huyên. Mã Lỳ dặn: - Nhớ đấy. Lâu quá chúng ta chẳng gặp nhau. An gật đầu: - Các cậu ở đây bao lâu? Anh chàng Mèo lắc đầu oai oái: - Chỉ có trời mới biết. Nhưng tiểu đoàn trưởng báo rằng có thể bọn em còn găm quân ở đây khá lâu để tập luyện trong khi chờ sát nhập vào một sư đoàn thiếu ở chiến trường miền tây. Chưa biết chừng là dăm bảy tháng. - Vậy còn có nhiều dịp gặp mặt. Bọn tôi vẫn thường qua núi bên ấy. - Tốt. Thế nào anh em mình cũng phải gặp nhau. Em đi đây. Cậu ta chạy theo đồng đội. Tích tắc sau, tất cả chỉ còn là một đám đông chuyển động nhập nhoạng hoà với cây rừng, một khối đen bất khả phân biệt. An sực nhớ ra điều gì đó, tức khắc vùng chạy theo Mã Lỳ: - Mã Lỳ, Mã Lỳ! - Đợi tôi với, Mã Lỳ! Anh xô đám lính 209 sang hai bên bờ cây, đuổi theo người đồng đội cũ. - Mã Lỳ! - Em đây. Anh nghe tiếng đáp trả vọng từ đám đông phía trước. Mã Lỳ dừng lại, tách khỏi hàng quân đứng sang mép lối đi để chờ anh. Chẳng bao lâu, họ tìm thấy nhau. Cùng là dân miền núi, rừng cây làm thành một phần đời của họ. Đuổi bắt nhau trong cảnh tối tăm này chẳng phải là điều quá khó đối với An. Khi chợt đến, An thấy Mã Lỳ đang đứng với một người khác nên anh nép mình sau một gốc cây, chờ. Trong bóng đêm, nghe anh chàng Mèo nói: - Bọn tôi là đồng đội cũ...cậu cứ đi trước rồi lát nữa tôi tìm. Chúng ta sẽ tập hợp theo đơn vị sau giờ biểu diễn. - Nhất trí. - Đưa cây đèn pin của cậu cho tôi mượn ; đèn tôi sắp hết pin. - Dè sẻn thôi đấy. Đường còn dài. - Được rồi. Gã trai kia chạy vụt đi. An còn dừng lại vài giây trong bóng tối rồi mới đi tới trước mặt Mã Lỳ: - Chúng ta cùng nhau xem. Tôi có nhiều điều muốn hỏi cậu. - Đồng ý. Họ cùng nhau nhập vào cánh quân 209 để tiến đến sân khấu. Vì là khách, lính 209 được chia nửa phần đất bên trái khiến quân nhà xôn xao ghen tị. Quả là đứng bên trái nhìn lên sân khấu rõ hơn, và tiếng máy nổ nghe nhỏ hơn. An cùng Mã Lỳ ngồi xuống, anh liếc đồng hồ, nói: - Tôi chỉ được xem đến chín giờ mười lăm. Sau đó phải đổi gác. - Chính anh phải đảm nhiệm sao? - Đại đội tôi đảm nhiệm. Là đại đội trưởng tôi không có quyền ngồi xem khi bọn lính trẻ hơn phải bỏ sân khấu đi tuần. - Anh luôn luôn là cán bộ gương mẫu. Em chưa quên điều ấy. Kể từ..ngày chúng ta mới làm quen. - Chẳng cứ tôi, ở sư đoàn này cán bộ nào cũng xử như vậy. Gã trai Mèo im lặng một lát rồi hỏi: - Ở đây đất dữ lắm a? Em nghe phổ biến đây đã là vùng sâu của quân ta, tựa hồ như an toàn khu thuở trước? An cười: - Đây đúng là vùng sâu của chiến trường. Nhưng không thiếu thám báo địch. Bởi thế ba năm chờ đợi mới có một buổi liên hoan mà lính vẫn phải cắt nhau đi tuần. - Bọn nó dám luồn vào tận đây sao? - Cậu đùa? Đây không phải thao trường Hà Tây mười hai năm trước. Bây giờ đang là chiến tranh. Cậu tưởng bọn chúng toàn là đồ bị thịt hay búp-bê gỗ chắc? Mã Lỳ lặng thinh một lát rồi hỏi: - Ngần ấy năm anh mới lên đại đội? - Cậu quên là tôi bị rượt đuổi phải thay họ đổi tên hay sao? Còn cậu? - Em bây giờ cũng đại đội trưởng rồi. Cấp trên nói nếu tình hình tiến triển tốt, quý sau em sẽ được thăng vượt cấp. Người Mèo đặc biệt trung thành với cách mạng và dũng cảm trong chiến đấu. - Chúc mừng cậu... - Ồ....Ồ....Gái đã ra kìa... Mã Lỳ cất tiếng, chỉ lên sân khấu. ° Quả nhiên hai cánh màn lụa đỏ đã mở ra, cô gái giới thiệu chương trình tiến đến trước micro cúi chào yểu điệu. Áo dài tứ thân xanh đổi vai hồng vai tím, váy lụa mỡ gà, một vẻ đẹp bị lãng quên, một mẩu đời bình yên bị ngăn cách chợt hiển hiện khiến lính vỗ tay như rồ như dại. Rồi tiếng nhạc cất lên, vang lừng, nao nức. Cả sư đoàn đã chờ đợi bao lâu giờ phút hạnh phúc này! Nhưng đại đội trưởng An không còn nghe thấy gì, không còn nhìn thấy gì ngoài gương mặt bóng nhẫy mồ hôi của người đồng đội cũ. Mã Lỳ hoàn toàn chú tâm vào cô gái dẫn chương trình, đôi mắt nhỏ của cậu ta như mờ đi, môi dưới trễ xuống khiến cái miệng há hốc ra một cách vô tình và bất khả kiểm soát: « Cậu ta sẽ hành động ra sao? Cậu ta sẽ lặng im vì tình bạn, vì chính ta là người đầu tiên giúp cậu ta hiểu những điều sơ đẳng nhất trong cuộc sống miền xuôi, cũng là người đề bạt cậu ta và giúp cậu ta tiền về quê làm ma cho ông bố. Hoặc cậu ta sẽ tố cáo ta để bày tỏ lòng trung thành với thượng cấp và được cất nhắc một cách đặc biệt hơn? Nào ai biết được đường đi ngoắt ngoéo của con người?» Mười hai năm đã qua nhưng gã trai này dường như không thay đổi. Cậu ta không già đi bao nhiêu vì nước da trơn nhẵn. Nhưng cặp mắt nhỏ và sâu kia thì khôn dò nổi. Hoàng An im lặng theo rõi Mã Lỳ. Gã trai Mèo chắc đang khốn khổ vì thèm đàn bà. Hai mắt gã ướt rượt. Gã thở hổn hển và thè lưỡi liếm môi liên tục. Những người dâm đãng, đàn ông cũng như đàn bà không thể cưỡng chế cử chỉ này. Đó là một trong những dấu hiệu khiến người ta nhận ra họ một cách mau lẹ. An nhớ hồi ở đơn vị cũ, Mã Lỳ đã khổ sở ra sao khi kiếm đàn bà. Và mặc dù là dân Mèo thuần tuý, chân ướt chân ráo xuống miền xuôi, gã cũng đủ ranh ma để tìm một cô gái dở người trong vùng, nhằm giải quyết những nhu cầu cấp bách. Giờ thì cậu ta đang há hốc mồm nhìn các nàng tiên áo xống xênh sang trong điệu Múa Đèn: - Cậu thấy thế nào? Hay hơn hay tồi hơn Múa Nón của người Thái? An cất tiếng hỏi. - Hay hơn, hay hơn rất nhiều lần. Mã Lỳ đáp, mắt không rời sân khấu. - Cậu có thích điệu múa khèn của dân Mèo hay không? - Không. Mã Lỳ đáp gọn lỏn khiến anh ngạc nhiên. Dường như hiểu sự ngạc nhiên đó, gã Mèo giải thích: - Dân Mèo múa không hay. Múa hay nhất chính là các dân tộc Tây nguyên. Bất kể là Ê-đê, Ba-na hay ai khác. Tới đó, Mã Lỳ chợt cất tiếng kêu: - Ô, đã hết rồi. Và cậu ta tắc lưỡi lắc đầu một cách tiếc rẻ. Hoàng An cười: - Tôi không ngờ cậu mê văn nghệ đến thế. - Anh khinh người Mèo không biết thưởng thức văn nghệ hay sao?... - Không nên nói thế. Đây là sở thích của từng cá nhân, không liên quan gì đến sắc tộc. Bản tôi toàn dân Tày nhưng có người mê thổi sáo, có thể thức thổi sáo cả đêm trong lúc người khác chỉ uống rượu rồi vùi đầu ngủ. - Em mê văn nghệ. Mã Lỳ đáp. Rồi sau một phút chần chừ, nói thêm: - Nhưng chỉ những tiết mục văn nghệ do con gái làm thôi. Em không thích nhìn bọn đàn ông hát múa. Tới đó, màn lại mở. An lặng im vì không muốn làm phiền gã Mèo. Dường như toàn bộ tâm trí của cậu ta đang quay đảo dưới ánh đèn sân khấu. Như thế, thời khắc dần trôi, tới chín giờ mười lăm. Anh giơ đồng hồ lên xem rồi bảo Mã Lỳ: - Đã tới giờ đổi gác. Tôi đi đây. - Vâng. Rồi chúng ta sẽ gặp nhau. - Đồng ý. Sau giờ biểu diễn cậu rán chờ tôi nhé. - Yên tâm. Em sẽ chờ anh. Hoàng An rút lui về phía sau. Khi đã hoàn toàn ra khỏi đám đông, anh vào sâu trong bìa rừng, chọn một góc thuận tiện để có thể thu mình trong bóng đêm quan sát. Trước mắt anh là một khối đen mênh mông, Mã Lỳ đã mất hút trong đó. Cậu ta vốn nhỏ con, giống số đông đàn ông Mèo, bao giờ cũng chỉ cao ngang vai vợ. Người ta bảo một cặp Mèo ôm nhau giống hệt con chẫu chàng ôm quả dưa ếch là vì thế. Màn đóng rồi màn mở, các tiết mục nối tiếp nhau. Đồng hồ chỉ mười giờ kém hai mươi phút. Như thế đã hai mươi lăm phút trôi qua không xảy ra chuyện gì. An cảm thấy hơi thở của anh bắt đầu trở lại nhẹ nhõm: « Có lẽ cậu ta không đủ tàn ác để làm điều ấy. Có lẽ cậu ta chưa quên những kỉ niệm tốt đẹp của một thời. » Nhưng chính lúc niềm lạc quan khởi sự, một bóng người nhỏ bé lom khom đã đứng lên, tách khỏi khối khán giả đông đặc và đen ngòm. Cái bóng đó lách giữa hai cánh quân, với dáng đi lom khom tiếp tục tiến về khán đài phía trước, nơi ban chỉ huy sư đoàn cùng ngồi với ban lãnh đạo tiểu đoàn 209 trên một tấm bạt trải đến tận chân sàn diễn. Tức khắc, đại đội trưởng An dập tắt niềm lạc quan mong manh vừa chợt nhú như tay đồ tể lành nghề chọc một nhát dao chính xác trăm phần trăm vào cổ lợn: « Ra thế. Điều ta nghi ngờ là không tránh khỏi. » An nghĩ, với một chút cay đắng, một chút buồn rầu nhưng cùng lúc đó, trái tim anh không còn phập phồng nữa, nhịp đập của nó trở lại bình thường. Sự hồ nghi và nỗi chờ đợi mong manh bị thiêu cháy. Trạng thái lạnh lùng băng giá xâm chiếm tâm hồn, óc não anh trở nên trống rỗng và trong suốt: « Việc ắt phải xảy đã xảy ra. Giờ không còn đắn đo, chỉ còn hành động. Ta không muốn tình cảnh này nhưng nó đã tới. Vậy ta sẵn lòng chào đón. » Anh đưa tay rờ cây tiểu liên cưa nòng bên hông như kiểu nông phu rờ lưng con trâu trước khi bước xuống rạch cày, như gã xà-ích vuốt bờm ngựa trước giờ cho xe chạy. Động tác ấy đã quen thuộc từ thuở mười ba, tuổi bắt đầu theo ông chú lên rừng săn thú. Khi những ngón tay An chạm vào thớ thép lạnh ngắt đó, một luồng xúc động mãnh liệt truyền ngược lại da thịt, lan toả khắp toàn thân và xuyên thấu lên tận óc não anh, đem lại cùng một lần sức mạnh, niềm tin, và ý chí sắt đá. Hơi lạnh của vũ khí truyền cho anh ngọn lửa. Chạm vào nó, giống như người xưa chạm vào hòn đá ước, anh thấy bình tâm, ví như kẻ lữ hành mùa đông bình tâm khi được ngồi dưới mái nhà và được hơ tay lên lửa sưởi. Đối với An, vũ khí tựa hồ con ngựa chiến hoặc con chó săn trung thành. Nó chẳng còn là vật vô tri mà trở thành một phần cơ thể và ý chí. Đời anh là một cuộc tôi luyện trường kì để thứ thép lạnh ngắt đó trở nên một vật có linh hồn. Trong bóng tối, đại đội trưởng khẽ nhếch mép cười: « Ta không muốn!Ta không muốn chút nào cuộc săn này. Nhưng chính vì bị săn đuổi, ta đành phải trở thành kẻ đi săn đuổi. » Anh nhìn thấy Mã Lỳ ngồi thụp xuống, lẫn vào đám cán bộ lãnh đạo. Hẳn đây chính là lúc cậu ta tường trình sự việc một cách vắn tắt và đề nghị sư trưởng đi theo mình vì một «...bí mật quân sự có tầm quan trọng quốc gia. » An thầm đoán. Quả nhiên, một phút sau, Mã Lỳ đứng lên cùng sư trưởng, cả hai men theo bục sàn diễn để vòng ra phía sau. An ước lượng: « Hai người vừa xoẳn cao bằng nhau. Nhưng sư trưởng to gấp ba lần gã Mèo còi cọc. Cánh tay ông ta hẳn phải xuýt xoát bằng cẳng chân của gã. » An không hiểu họ sẽ đi đâu? Nếu họ lùi ra phía sau sân khấu, sẽ vô cùng bất tiện cho anh vì tổ lính kĩ thuật đang chạy máy nổ ở đó. Nhưng có lẽ giả thuyết này là sai vì một câu chuyện trọng đại không thể thổ lộ ở nơi tiếng nổ ầm ầm và cả tốp người tò mò có thể nhìn nghiêng nhìn ngó. Họ sẽ lùi sâu vào các đám rừng xung quanh chăng? Nếu vậy, có khả năng đụng độ tốp lính đi tuần. Hoặc chính họ, hoặc chính anh và cuộc xử trí sẽ khó khăn. Tuy nhiên, sư trưởng vốn là người có tật nói rất to, ông ta sẽ phải dẫn gã Mèo đen ra bờ suối, đó là nơi tiếng nói của ông sẽ bị cuốn trong tiếng thác gào và không thể lọt vào lỗ tai bất cứ ai. Và, thật may mắn, đó cũng chính là nơi thuận tiện nhất cho việc xử trí vì bên kia suối là vùng núi chết. Từ bờ suối, chỉ đi qua một bãi sỏi hẹp như dải áo là tới các tường đá dựng thẳng đứng như lưỡi gươm, trên bức tường thành vĩ đại ấy, không một cọng gai nào có thể trồi lên được. Vì thế, không chỉ con người mà đến lũ sơn dương cũng không dám trèo lên. Chẳng phải lính bắc việt mà chính thám báo phía nam đã đặt tên nơi đó là Vùng Núi chết. An luồn sau các thân cây để theo rõi đường đi của hai con mồi. Quả nhiên, sư trưởng dẫn gã Mèo ra bờ suối. Đoạn đường khá dài để tiếng nhạc mờ dần đi và tiếng thác réo vang dần lên. Cây đèn pin của sư trưởng bịt vải dù, chỉ vẩy ra một tia sáng bằng trái mận. Đèn của gã Mèo rọi sáng nhiều hơn, quét đi quét lại không ngừng trên lối đi. Giống như một con báo, An bước theo họ. Anh không nhận ra rằng gió đã đổi chiều thổi lật nghiêng các vòm lá khiến rừng xao động và tiếng bước chân của các con mồi cũng như kẻ săn mồi đều chìm nghỉm trong tiếng lá reo. Chừng mươi phút, họ tới đúng bãi tắm ; gần như chính xác nơi An vừa ngồi lúc tàn chiều. Một ý nghĩ thoáng qua, ngắn như tia chớp: « Phải chăng vài giờ trước, ta không muốn tắm trên dòng suối này vì cuộc xử trí ắt phải xảy ra chính nơi đây? » Nhưng anh không kịp suy ngẫm thêm vì cuộc đối thoại đã cất lên, rành rẽ từng lời, từng tiếng: - Thưa sư trưởng, người Mèo chúng tôi vốn tuyệt đối trung thành với cách mạng nên tôi cho rằng tôi có nghĩa vụ báo cáo với đồng chí sự việc này. Một sự việc vô cùng nghiêm trọng. Mã Lỳ cất tiếng, run rẩy. Có lẽ gã hồi hộp. Có lẽ gã đang dùng dằng giữa nỗi sợ hãi bản thân và nỗi sợ hãi « lương tâm của một kẻ trung thành với đảng và chính quyền »...Hoặc gã đang phân vân giữa nỗi sợ hãi chính anh, kẻ đã thoát khỏi lưới vây của cả một đội quân, con người đáng gờm ; với lòng khao khát quyền lực. Hoặc gã cảm thấy một sự nguy hiểm nào đó ẩn giấu trong cuộc chơi này, giống như một tay thợ săn cảm thấy khí núi bốc lên hơi thở của tử thần khi rẽ vào ngả đường mà sau đó vài khoảnh khắc, anh ta sẽ biến thành con mồi bị nghiền nát giữa hai hàm răng cọp? An không thể xác định duyên cớ, nhưng anh nghe rõ từng tiếng run rẩy thốt ra và hơi thở ngắt quãng của Mã Lỳ. « Đồ chó ghẻ...Quân vừa đéo vừa run... » Trong thâm tâm, anh buông một tiếng chửi thề khinh bỉ. Lúc đó, giọng sư trưởng cất lên, đĩnh đạc: - Tất thảy chúng ta đều có nghĩa vụ trung thành với cách mạng. Đồng chí xác định tư tưởng rõ ràng như vậy là rất tốt. Tôi chờ nghe đồng chí đây. - Thưa sư trưởng.... Mã Lỳ nói, không còn quá run rẩy sau khi được khích lệ. Tuy nhiên gã Mèo vẫn phải nuốt nước bọt mấy lần để dọn giọng, trước khi tiếp lời: - Thưa sư trưởng, phải chăng trong sư đoàn ta có đại đội trưởng Hoàng An, người Tày Cao Bằng đang chiến đấu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí? - Đúng! Sư trưởng khẳng định tức khắc và sau đó tiếp tục nói với cái giọng bất khả điều chỉnh cường độ của ông: - Đại đội trưởng Hoàng An là người chỉ huy gan dạ, mưu trí và có rất nhiều triển vọng, có thể nói đó là cánh tay phải của tiểu đoàn trưởng Đinh quang Nhã..Nhưng quê đồng chí ấy ở Đồng Mỏ Lạng sơn chứ không phải Cao bằng. Tôi thuộc lý lịch đại đội trưởng An như thuộc tiểu sử cá nhân của các tiểu đoàn trưởng dưới quyền tôi vậy. - Báo cáo sư trưởng, Hoàng An quê chính ở bản Xíu, huyện Thất khê, Cao bằng. Anh ta từng là trung đội trưởng số ba, thuộc đại đội Một, tiểu đoàn 109 đơn vị đặc nhiệm đóng tại Hà Đông năm I957, lúc đó tôi là tiểu đội phó trong trung đội của anh ta. Tên thực của anh ta là Chí văn Thành, được kết nạp đảng sau ngày nhập ngũ, tháng chín năm I95I, ba năm trước ngày giải phóng thủ đô. - Đồng chí nói sao? Anh ta đã từng là đảng viên? An thấy giọng sư trưởng vói cao lên, ngờ vực. Khi nhập vào cánh quân này dưới cái tên Hoàng An, anh đã sử dụng giấy tờ của một tử sĩ đứng ngoài đảng. Và anh vừa được kết nạp hai năm tròn. Chính sư trưởng đã hạ lệnh kết nạp đảng tại chỗ, sau những thành tích chiến đấu dồn dập của đại đội. An lại nghe Mã Lỳ cười khẩy, và sau một khoảnh khắc ngưng lặng, tiếp tục nói: - Khi tôi nhập ngũ, Chí văn Thành đã sáu tuổi đảng. Anh ta được kết nạp ngay trên chiến khu Việt bắc. - Thôi được. Đồng chí nói tiếp đi. Tôi nghe. - Chính Chí văn Thành giác ngộ tôi vào đảng và đề bạt tôi lên tiểu đội phó. - Rồi sao? - Rồi đột nhiên anh ta bỏ trốn sau một ngày chủ nhật vào thăm Hà nội. Ban chỉ huy không biết lý do ra lệnh truy tìm nhưng không có kết quả. Khoảng một tuần sau bộ tham mưu cử người xuống chính thức thông báo Chí văn Thành là điệp viên do quân đội nguỵ gài vào để đánh phá lực lượng cách mạng. Do bị lộ anh ta đã bỏ trốn cùng với một tên điệp viên khác, trong đội cảnh vệ. Cả hai đều là Tày Cao bằng và quê cùng huyện Thất khê. Lực lượng biên phòng đã đuổi theo họ, qua tận biên giới Việt-Lào nhưng chỉ tìm thấy xác hai người bị hổ ăn và hai cây súng bỏ lại. - Nếu đã thẩm định là bị hổ ăn thì làm sao còn quay trở lại sống dưới một cái tên khác? Nhất là khi cả hai cây súng bị ném lại? Đồng chí có tin rằng một người bỏ trốn có thể vứt bỏ vũ khí để dấn thân vào rừng núi với hai bàn tay trắng, khi trước mặt là thú dữ lẫn kẻ thù? Giọng sư trưởng oang oang như đang thuyết trình kế hoạch tấn công trước giờ mở màn chiến dịch. Anh có cảm giác như ông không tin những điều gã Mèo nói và cố sức dẫn dụ gã sang một ngả đường khác. Mã Lỳ ậm ừ hồi lâu vì không tìm được lời giải thích. Nhưng sau đó, gã cất tiếng một cách quả quyết: - Tôi biết. Điều đồng chí nói là có lý. Nhưng tôi không thể nhầm bởi chính Chí văn Thành cũng đã nhận ra tôi. Chính anh ta dặn tôi rằng không được gọi anh ta bằng tên cũ, rằng anh ta đã bị truy đuổi, đã thay họ đổi tên và... Tiếng hoan hô đột nhiên ào ào vang lên, vượt qua các bờ cây vọng đến tận bờ suối. Tiếng lính huýt còi miệng, tiếng hét cuồng nhiệt vang khắp rừng lẫn trảng: -Hoan hô, hoan hô.... - Lại....Múa lại.... - Một lần nữa!Hoan hô....Một lần nữa đi! - Một lần nữa.! Xin múa lại lần nữa. An chắc chắn đó là điệu múa Chàm rông, điệu múa của mùa xuân, điệu múa của tình ái, hội hè và ước vọng. Anh tưởng tượng ra những gương mặt phấn khích của đám đông dưới ánh đèn. Cùng lúc đó, óc não anh vang lên tiếng thầm thì: ― Sư trưởng ơi, tôi với ông không thù oán, không có kỉ niệm buồn phiền. Ông đối với tôi như một người anh hào hiệp nhưng tôi không có cách xử trí nào khác. Xin ông tha thứ cho tôi. Anh nhắm vào lưng Mã Lỳ, tiêu điểm cách một gang rưỡi từ vai trái lui xuống. Khẩu súng trong tay anh tựa hồ con quay gỗ hồi thơ bé. Tựa hồ con thoi dệt trong tay bà thím. Tựa hồ cái gương tròn khung bạc trong tay nàng. An nhấn cò. Một tiếng nổ. Chắc chắn qủa tim gã Mèo đen phải vỡ tung. Nhích nòng súng chừng nửa ly sang bên trái, hai phát tiếp theo bởi lần này con mồi to khoẻ gấp bội. Cần găm hai lần đạn vào một quả tim ngoại cỡ. Kết quả sẽ bảo đảm một cách tuyệt đối. Tất thảy xảy ra trong ánh chớp. Hai tấm thân đổ sập gần như đồng thời, cùng hướng. An gỡ cây súng, đặt xuống gốc cây quen thuộc, nơi anh vẫn ngồi một mình buổi chiều. Chéo khẩu súng là cây đèn pin, bọc kín trong tấm vải dù. Mắt anh đã hoàn toàn thuần thục với bóng tối. Chỉ những gợn nước phản chiếu lửa đom đóm bên kia dòng suối, cùng ánh sáng xanh run rẩy của lân tinh dưới các bụi cây là đủ cho anh soi tìm mọi vật. Sau khi đã cất gọn gàng những đồ lủng củng, An bước tới nơi hai tử thi gần như chồng lên nhau thành một khối. Hai cái xác còn nóng hổi. Trước hết anh lột quần của cả hai một cách thận trọng để máu ở phần trên ngực không dây vào chúng. Vũ khí, đèn pin. Rồi bao thuốc lá, bật lửa, bấm móng tay trong túi áo. Lọ đựng tăm và hộp dầu cù-là. Sổ tay và bút...Tất thảy được gom thành một đống trên cỏ. Sau đấy, anh lột giầy lẫn tất, sắp thành hàng. Ước tính mọi sự chuẩn bị đã tinh tươm, An vác gã Mèo đi ngược lên thác Voi gầm. Dừng lại thở một vài hơi anh lẳng gã xuống chính ngọn thác, nghe trong đêm tiếng rơi bõm của thây ma, tiếng gào réo của các xoáy nước và nhìn thấy ngọn nước hung dữ cuốn phăng cái vệt đen đen đó đi một cách hăm hở. Quay trở lại, An kéo sư trưởng lên. Ông ta rất nặng. Phải trầy trật lắm anh mới hất được cái xác vạm vỡ, y hệt một bao tải gạo lên lưng. Lần này, anh phải bước lom khom như dân công cõng đạn trèo ngược dốc, rồi bước từng bước một. Nhưng dẫu sao An cũng đến được đỉnh thác mà không phải dừng chân nghỉ một lần nào. Ở đó, An đặt xác chết xuống bờ suối, rút trong túi quần sợi dây dù bất ly thân, tháo nút một cách thận trọng để sợi dây không bị gút rối. Khi đã gỡ được sợi giây một cách hoàn hảo, An buộc một bên chân mình vào gốc cây gần nhất. Rồi, anh thở vài nhịp chậm và sâu để chuẩn bị trước khi thu hết sức lực nâng bổng tử thi lên, ném xuống dòng thác. Tấm thân bất động tròn trùng trục kia rơi xuống tức khắc, kèm theo một tiếng động trầm đục và ngắn ; tựa hồ một thân cổ thụ rớt xuống dòng sâu. Lúc thây ma rơi xuống, An cũng ngã nhào theo, một cánh tay lẫn một bên vai đập vào bờ đá đau điếng. Nếu không có sợi dây bảo mạng kia, chắc chắn anh sẽ trở thành thây ma thứ ba, theo cùng một hành trình với hai kẻ xấu số. Nằm úp mặt xuống bờ suối vài giây cho cơn đau dịu đi, An vùng dậy tháo sợi dây dù, đoạn quay trở lại khúc suối bên dưới. Ở đấy, anh lội xuống dòng nước lạnh buốt, lặn ngụp hồi lâu. Khi ngửi đi ngửi lại, áo quần không còn chút mùi tanh của máu, An trèo lên bãi sỏi lượm cây đèn pin và khẩu súng định bụng trở về hầm. Nhưng chính lúc ngẩng đầu lên, anh chợt nghe tiếng chân chạy, chợt nhìn thấy một bóng đen vụt khuất giữa đám cây đen. Vô cùng mơ hồ, nhưng chắc chắn không phải là một hồn ma. Đó chắc chắn là một sinh thể. « Có kẻ nào rình rập ta? Bởi chỉ có tiếng chân đơn lẻ. Không thể là tiếng chân đội lính đi tuần ngẫu hứng đến đây. » Anh tức khắc đuổi theo bóng đen kia. Nhưng phải chăng nó là một con người?...Anh tự hỏi một cách ngờ vực bởi cái sinh vật gây tiếng động kia cũng có thể là chồn hay cáo. Nó biến đi trong chớp mắt, hoàn toàn mất tăm mất dạng như hoà nhập thành một khối với rừng cây. Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục đuổi theo hướng tiếng động cho đến sát cửa rừng. Tới đó, An buộc phải dừng lại. Dù con mồi kia là người, là ma, hay là chồn cáo anh cũng đành để nó chạy thoát. Nếu không, chính anh cũng có nguy cơ bị bắt gặp trong bộ dạng kẻ sát nhân ướt rượt từ đầu xuống chân. « Thôi được, tao sẽ tính chuyện với mày sau. » An nghĩ, quay sang lối trở về hầm. May mắn cho anh vì khu trú quân vắng ngắt. Có lẽ ngay toán lính tuần cũng lượn loanh quanh rồi lại tạt vào trảng, nghếch mắt xem văn công. Trong khu nhà ngầm trung tâm của tiểu đoàn Một, An mắc bộ quần áo ướt vào dàn sấy áo quần. Dàn cây ấy thường xuyên là tủ sấy áo quần cho các sĩ quan, bởi nơi đây, nếu không có lửa quần áo giặt sẽ không bao giờ khô. Hầu như đêm nào cũng có mưa. Những cơn mưa rừng thấm vào quần áo lẫn xương tuỷ. Mưa dứt, hơi sương còn quẩn quanh từ nửa đêm cho đến non trưa. Mặt trời có lên cũng phải vài giờ sau sương mới tan hết. Sương vừa tan được vài giờ chiều đã ngả và lớp sương mới lại ngùn ngụt kéo từ các khe vực lên. Như thế, làm sao áo quần không ẩm mốc. Chẳng có cách nào hơn là phải gây một lò sấy suốt ngày đêm. Những đống củi cháy liu diu không ngừng, không ngừng toả hơi ấm lẫn làn khói đặc ngái mùi các loại nhựa cây bị hun đốt. An đứng ở đó một giây, nhìn đám lửa, cảm thấy buồn nản và dửng dưng. Anh muốn ngủ. Nhưng điều đó là bất khả nên anh lại mặc quần áo mới và quay trở lại trảng, tìm đúng đơn vị của mình, ngồi thu hình phía sau đồng đội một cách lặng lẽ. Chờ mươi phút trôi qua, anh đặt tay lên vai cậu lính phía trước: - Thoả mãn chứ? Gã trai giật bắn người, quay lại nhìn anh: - Thủ trưởng đi đâu, giờ mới lại đây? - Thủ trưởng Nhã rủ tôi quay lại hầm ngủ nướng. Không dè quá giấc. - Ôi chao, mất toi nửa đêm rồi còn gì? - Đành vậy...Nhưng được dịp béo mắt. Vả chăng, tôi già hơn cậu mươi tuổi, lòng ham hố nhìn gái đẹp cũng phải giảm đi. Điều đó liệu có đúng hay không? Cậu lính cười hì hì: - Thủ trưởng hỏi câu ấy, em xin chịu. - Thôi xem đi, kẻo lỡ dịp vui. An nói, cắt đứt câu chuyện một cách đột ngột rồi lấy bàn tay bên phải bóp cứng vào huyệt vai bên trái. Lúc này, anh mới thấy thân thể đau nhừ sau một cuộc vận động căng thẳng và quá sức. Hai mí mắt anh bắt đầu cứng lại như chì và có vẻ như chúng không còn tuân theo sự điều khiển của chủ nhân: « Mình không thể ngủ. Không có quyền ngủ lúc này.Ta vừa mới tuyên bố với mọi người là gỡ được giấc ngủ dặm cùng với tiểu đoàn trưởng. Giờ không còn lý do ngủ thêm. » Nhưng anh bắt đầu ngáp. Và ngáp thì không thể kiềm chế được. Đại đội trưởng đành móc bao thuốc, đốt một điếu. Mùi khói thuốc vừa lan toả, lập tức năm sáu cái đầu quay lại, những cặp mắt thèm thuồng nháo nhác tìm kiếm. Những cánh tay chìa ra tua tủa châu về phía anh: - Em đã, đại đội trưởng. Em giơ tay trước nhất. - Láo, tao mới là người giơ tay trước nhất. Mày ngồi hàng trên làm sao ngửi ngay ra hơi khói mà xin? - Em đăng kí thứ ba, xin đại đội trưởng đừng quên. - Tôi nữa chứ? Phải chăng lính già không được chia phần? An bảo: - Tôi tưởng các cậu đang say sưa xem văn công nên mới dám mở bao thuốc...Hoá ra mũi người thính thật... Đám lính nhao nhao đáp: - Văn công cũng thích mà thuốc lá cũng thèm. Chẳng thứ nào nhịn được thủ trưởng ạ. - Tôi chỉ xin một hơi thôi, rồi quay lại xem văn công tức khắc... Bảo đảm với đồng chí là như thế. Điếu thuốc chuyền đi theo hàng quân, đốm lửa đỏ lập loè. Sau cùng nó mất hút trong khi các cánh tay còn tiếp tục giơ lên chờ đón. Mấy hơi thuốc giúp An chống lại cơn buồn ngủ đang muốn kéo anh đổ sập. Anh đưa mắt nhìn lên sân khấu nhưng tai anh lại vang lên tiếng động ầm và đục khi cái xác nặng nề của sư trưởng rơi xuống nước. « Ông ta quả là một con người cường tráng. Hẳn là một người cha đầy quyền uy với các con và một người chồng không biết mỏi trên giường. Dân xứ biển ăn nhiều cá nên bẩm sinh đã cường dương, chẳng cần cao gấu hay cao hổ. Quả tim ông ta bơm đầy máu. Máu chảy như nước tuôn từ ống lồ-ô... » An nghĩ và bất giác đưa tay sờ lên cổ xem da thịt anh đã sạch hay chưa?...Trên đoạn đường tiến lên đỉnh thác, máu tử thi ở trên lưng anh không ngừng chảy, không ngừng tràn qua hai vai sau vòng qua hai bên cổ, rồi đổ chung vào chỗ hõm giữa lồng ngực. Máu chảy như nước tuy chậm hơn, một thứ nước ấm nóng dính dáp. Có lẽ thân thể ông ta chứa một lượng máu nhiều gấp ba lần máu gã Mèo, và quả tim ông ta hẳn cũng to gấp ba lần quả tim của gã...An nhớ lại cảm giác nhầy và ấm của dòng máu bao phủ quanh cần cổ, tràn qua ngực, chảy qua rốn lan xuống tận đám lông mu khiến anh ngứa ngáy. Rồi máu rẽ sang hai bẹn và tiếp tục bò xuống hai đùi dính nhơm nhớp như một thứ nước sốt chắt ra từ nồi hầm thịt lẫn xương. Cảm giác đó thật rõ ràng. Cảm giác đó không thể nào quên được. Máu gần giống một thứ nước sốt hoặc nhựa cây nhưng có hơi ấm và bốc mùi tanh.... An bỗng thấy tay chân rã rời. Niềm oán hận dội lên thành tiếng thầm thì trong tâm khảm: « Tại sao mày không câm miệng lại, thằng Mèo chết tiệt kia? Tao đâu có làm tổn hại đến bản thân mày? Vả chăng, mày đâu biết được vì cơn cớ nào mà tao phải chạy trốn khỏi quê hương? Làm sao mày hiểu được nỗi khổ đau của kẻ phải xa lìa xứ sở? Ngọn gió tối tăm nào thổi qua để tai mày nghe lời kẻ khác một cách ngu dại, tấm vải đen độc địa nào che mắt mày để mày nhìn tao một cách độc ác như thế? » Trên sân khấu, người ta đang diễn vở chèo ngắn của người Kinh. Tích chèo có tên: « Xuý Vân giả dại ». An không thuộc tích chèo này, anh chỉ nhớ mang máng đó là câu chuyện về một người đàn bà bị tình phụ hoá điên. Cô gái điên trên sân khấu mặc một chiếc váy đỏ như hoa gạo, tóc cài hoa đại trắng. Những động tác rối loạn của cô và gương mặt xinh đẹp tỉnh táo hoàn toàn chẳng ăn nhập vào nhau. Tiếng hát của cô thánh thót, thuần tuý sầu khổ và gợi tình, cũng chẳng phải tiếng hát của người điên mà chỉ là tiếng hót của một con chim mái gọi chim trống vào mùa ân ái. « Những đôi chim trống mái gọi nhau vào mùa xuân, gù nhau suốt mùa hè, phủ nhau suốt mùa thu và thay nhau ấp trứng suốt mùa đông. Những đôi chim sung sướng. Chỉ có chúng ta là đau khổ. Chúng ta không bao giờ còn có thể gọi nhau, ve vãn nhau bằng lời hay bằng câu hát. Chúng ta không còn được làm tình và không bao giờ còn có thể sinh con đẻ cái để được ấp iu nuôi dưỡng chúng như lũ chim kia nuôi dưỡng lũ chim non. » Những ý nghĩ ấy chầm chậm lướt qua óc não anh, chầm chậm như những lưỡi dao nung đỏ trong lò rèn áp lên da thịt. Anh nghe thịt da mình bốc cháy xèo xèo dưới lưỡi dao tàn khốc đó. Anh nhớ nàng, người vợ xinh đẹp của anh. Mối tình đầu và cũng là mối tình sau chót. Người đàn bà duy nhất của đời anh. Nàng đã ở trong da thịt anh mười sáu năm tròn, nàng sẽ cư ngụ trong tâm hồn anh cho đến muôn kiếp. « Nàng Đông! Em ở đâu bây giờ? Người tôi yêu? Hãy mượn gió, mượn cây, mượn lời chim hay tiếng thú trả lời cho tôi biết? Em ở đâu? và cô Nhỏ của chúng ta ở đâu? » Họ trở thành tình nhân vào năm mười lăm tuổi. Nhưng họ đã là bạn từ thuở chập chững tập đi. Hai nhà là láng giềng gần nhất, cách nhau đúng một sườn đồi. Hai bà mẹ cùng có thai một năm, đẻ họ cùng trong một tuần trăng, nàng đầu tháng và anh cuối tháng. Sang tháng sau, hai gia đình rủ nhau chọn ngày trăng tròn để cùng làm lễ đầy tháng tuổi cho hai đứa trẻ. Dân bản đến nhà nàng ngả bò ăn mừng vào buổi trưa, buổi chiều kéo sang nhà anh quay lợn, thịt gà, nấu cỗ. Cả một ngày vui vẻ, trống phách vang lừng. Cuộc vui kéo thâu đêm, ai nấy đều ngủ lại cho đến hôm sau mới trở về nhà mình. Khoảng sườn đồi mênh mông giống như sân chơi chung của họ thời thơ ấu, nơi nàng lẽo đẽo theo anh lần mò khắp các bụi cây tìm quả chín, bắt cánh cam, bọ rùa hay đào hang dế. Lên năm tuổi, anh dẫn nàng vào những cuộc thám hiểm đầu tiên, họ rời khỏi ngọn đồi quen thuộc để tìm đến những mạch nước khe dẫn về bản, những cọn nước bằng tre quay chậm rãi tưới xuống các cánh ruộng bậc thang, rồi ngược lên cánh rừng lảnh lót tiếng sơn ca. Mùa đông năm ấy, bệnh dịch yết hầu lan khắp huyện. Bản Xíu vốn khuất nẻo, nằm sâu trong một thung lũng cách biệt mà cũng không thoát khỏi tai hoạ chung. An mồ côi từ ngày đó. Cha anh chết hôm trước, hôm sau tới lượt mẹ anh trong trận dịch yết hầu mà đa phần người chết toàn là trẻ nhỏ. Họ là hai nạn nhân duy nhất ở tuổi trưởng thành. Lạ lùng là cùng ở một mái nhà nhưng anh hoàn toàn khoẻ mạnh, trong khi cha mẹ anh và những đứa trẻ bị chết đều phải tập trung vào một dàn hoả táng, chôn chung một góc thung lũng để phòng dịch lây lan. Người ta vẫn bảo: « Chết cha còn chú, xảy mẹ bú dì ». Không phải nói thêm lời nào trong đại gia đình họ Nông truyền thống. Sau lễ tang, chú thím An nhượng lại ngôi nhà của họ cho gia đình láng giềng, rồi dọn về ngôi nhà sàn của bố mẹ anh để có thể nuôi cháu một cách thuận tiện. Lúc ấy, họ còn là vợ chồng son. Bốn năm sau, anh lên chín, họ mới đẻ đứa con gái duy nhất, đặt tên là Nàng My. Chẳng có điều chi phân biệt giữa hai đứa trẻ ấy, và vốn dĩ chúng cũng thương yêu nhau như cùng mẹ cùng cha. Nàng My ra đời cùng năm với Nàng Nhỏ và như thế, tới lượt chúng, hai cô bé lại trở thành những người bạn từ thuở lẫm chẫm tập đi. Năm anh mười bẩy, chú thím làm lễ cưới cho nàng và anh rồi sau đó, thuận tình ông bố vợ cô đơn, họ được phép về sống với ông trong ngôi nhà sàn bên kia sườn đồi. Một cuộc sống mặn nồng như sự kết nối của các tuần trăng mật. Nói cho đúng hơn là một mùa trăng mật miên viễn. Bởi sau khi cưới hai tuần, anh lại xuống huyện Thất Khê tiếp tục đèn sách. Một tháng một lần, cặp uyên ương được tình tự cùng nhau. Thời gian đó, trường huyện thường không đủ học sinh nên chương trình học kéo dài. Vì lẽ đó anh phải lẽo đẽo đi về hơn mười năm mới kết thúc được chương trình trung cấp. Vào khoá tốt nghiệp năm ấy, người Tày duy nhất chính là anh, Nông văn Thành, niềm tự hào của dân bản Xíu và giấc mơ chung cho tất cả đám dân Tày có của ăn của để. Lớn lên dưới sự chở che của chú thím như vậy, An không thể làm gì khác hơn là ngoan ngoãn chuẩn bị hành lý khi chú anh ra lệnh: - Tuy rằng con đã khá cứng tuổi nhưng vẫn còn trong thời tráng niên. Ta đã lần lữa nhiều năm nay nhưng lần này chính con sẽ phải lên đường tham gia cuộc kháng chiến. Chúng ta thưa nhà, hẹp đất, nhưng không được để cho các bản lớn chê cười. - Thưa chú, con đã rõ. - Thím sẽ lo chuẩn bị quần áo, thuốc men và tiền bạc cho con. Con có cần gì nữa không? - Dạ, con cần vài ngày để từ biệt bạn bè trong bản và xuống huyện chào mấy ông thầy. - Được. Chúng ta còn năm ngày mới tới hạn tập trung. Sau một lát ngần ngừ, anh nói thêm: - Con chưa làm được gì để giúp chú, từ nhỏ đến lớn chỉ vác gạo vác tiền của gia đình đi học. Giờ lên đường, bỏ lại gánh nặng gia đình. Chú anh mỉm cười: - Nuôi con ăn học là để con nên người. Ấy là sở nguyện của chính ta. Giờ con lên đường cũng vì ta thấy gia đình mình không thể trốn tránh nghĩa vụ với đất nước. Việc của con ra đi, cứ yên tâm ra đi. Ở nhà, chúng ta sẽ đùm bọc Nàng Đông. Vả chăng, ta với ông Cao cũng là bạn hữu..