âu lắm rồi Phúc Vương mới thấy Minh Chủ có vẻ mặt âm trầm như vậy. Lão phá tan cái không khí yên lặng: nếu không có thêm bạn bè mới thì hẳn có thêm kẻ thù mới!!! Nơi đây là tòa nhà cổ bằng gỗ bên sông, nhìn có vẻ đơn sơ nhưng nó có giá trị thiên kim, chỉ những người am tường về lịch sử hay những tay chơi cổ vật mới biết được. Minh Chủ thích sống ở đây, ông ta nói: ta không có bạn bè, còn kẻ thù thì ngày càng nhiều. Phúc Vương: vô số kẻ muốn kết giao với ngài. Minh Chủ: thời gian của ta không dành cho những kẻ bất tài vô dụng, khố rách áo ôm… Phúc Vương: nếu tôi đoán không lầm thì điều khiến ngài phải trầm ngâm như vậy chính là kẻ vẫn hay thổi tiêu trong gió. Lão ngầm xét phản ứng của Minh Chủ rồi nói tiếp: kẻ này võ công cao siêu, từng trải chiến trận, lại không tham danh tham sắc… những kẻ như thế rất khó đối phó. Minh Chủ bất giác cười – khi lão cười là lúc lão chuẩn bị… giết người, lão nói: đã đến lúc huynh đệ phải tương tàn rồi. Phúc Vương: đã là con người thì ai cũng phải có điểm yếu… tìm ra được cái điểm yếu đó thì sẽ tiêu diệt được nó. Minh Chủ đặt tay lên bàn, siết chặt lại và nói: cô ta phải chăng đã trở về? Phúc Vương: hình như là thế… Minh Chủ: cô ta hẳn muốn tìm cái chết… vì thế sẽ không được chết… cô ta sẽ phải hiểu rằng đối với cô ta chỉ có một con đường… …………… Đối với Thường Như con đường phía trước đã gần lắm rồi. Từ xa tít tắp đã có thể nhìn thấy Sinh Tử Hoàng Kiều sáng rực dưới ánh mặt trời. Sở dĩ nó sáng rực như thế bởi vì cả cây cầu được dát bằng vàng, ánh vàng sáng rực lên chói lọi. Minh Chủ muốn chinh phục thảo nguyên, ông ta muốn thể hiện uy quyền, sức mạnh và sự giàu có của mình thông qua cây cầu đặt tên là “Sinh Tử Hoàng Kiều” này. Không vượt qua được Sinh Tử Hoàng Kiều thì đừng hy vọng tiến vào Kinh Thành chứ đừng nói chiến đấu trên quảng trường. Thường Như và Liệt Hỏa Trường Hận sát bên nhau từ từ tiến lại, nàng không ngờ qua mấy năm mà cổng Kinh Thành thay đổi như vậy. Tham vọng trấn áp thiên hạ của Minh Chủ ngày càng lộ rõ. Đứng phía bên này cầu nhìn rõ sang bên kia là năm con dơi, song nó không ngậm năm đồng tiền vàng như ngày nào mà hả miệng, nhe nanh nom rất khủng khiếp, như muốn ăn tươi nuốt sống bất cứ kẻ nào. Dòng nước dưới cầu luôn chảy ngược nên nó được gọi là dòng Nghịch Thủy Hàn. Phong tiêu tiêu hề Nghịch Thủy Hàn Tráng sỹ nhất khứ hề bất phục hoàn Liệt Hỏa Trường Hận bất giác hơi chùn bước. Mười tám người chia thành hai hàng đứng hai bên thành cầu, họ đều mặc áo nửa đen nửa trắng. Ngay giữa cầu là một người đứng, nom cứ như là mới chui lên từ địa ngục. Mà đúng như thế thật, kẻ này có ngoại hiệu “Địa Ngục Thần Quân”. Trường Hận nói: sau khi Khuất Nhật chết thì Hắc Liên Giáo chia năm xẻ bảy, gã này là một trong những đệ tử của Khuất Nhật, võ công không cao lắm nhưng rất giỏi tà thuật và độc dược, chúng ta phải cẩn trọng lắm mới được. Phía trước có một lá cờ trắng thêu một con dơi đen bay phất phới. Trường Hận nói tiếp: giáo phái này có tên “Dơi Địa Ngục”, chuyên sống về đêm, bọn chúng là nỗi ám ảnh của những thương buôn bấy lâu nay trên thảo nguyên. Thường Như: vậy thì sẵn dịp này chúng ta trừ hại cho dân lành… Địa Ngục Thần Quân cất tiếng cười lạnh lẽo… nghe như tiếng quỷ tru hơn là tiếng cười của một con người. Lần này Thường Như gặp quỷ thật rồi. Sau lưng gã hiện ra thêm bốn người nữa. Trường Hận: đây là bốn cương thi, phải thật cẩn thận, chúng cứng như sắt thép và móng tay tẩm đầy chất độc. Phải chi có Hỏa Kích ở đây thì hay biết mấy… Có Hỏa Kích ở đây thì việc tiêu diệt chúng dễ dàng hơn nhiều. Bốn cương thi xông tới, Trường Hận hít một hơi thật sâu, gã vung đao lên… xuất chiêu “Phá Quan Đao”. Gã chỉ xuất chiêu này khi ở trong tình thế một mất một còn. Phá Quan Đao khí thế như bạt sơn đảo hải, trùng trùng điệp điệp… nghe phựt một cái, Trường Hận đã chém đứt tiện làm đôi một cương thi. Khí thế của Phá Quan Đao còn tiếp tục lướt tới xả tiếp một cương thi nữa làm hai mảnh. Đến đây thì nghe rắc một cái, thanh đao của Trường Hận đã gãy rời… thanh đao thường này không chịu nổi áp lực kinh khủng như vậy. Trường Hận bây giờ mới hối tiếc vì đã không có Liệt Hỏa Đao. Hai cương thi còn lại thừa thế xông tới nhưng không qua nổi Thất Tinh Bạch Bảo Kiếm – chúng cũng bị xả làm đôi. Địa Ngục Thần Quân thấy bọn cương thi bị tiêu diệt nhanh như vậy thì rống lên dữ dội, mười tám đệ tử cùng vung tay, tên độc bay ra tua tủa. Trường Hận nằm sát xuống đất, hai tay gã xuất hiện một bó phi đao, phóng ra liên tục, trong chốc lát mười tám đệ tử trắng đen đều bị phi đao trúng đầu gối, ngã lăn ra đất – Liệt Hỏa Trường Hận quả thật vô cùng thiện chiến ở nhưng lúc như thế này. Địa Ngục Thần Quân không phải là đối thủ của Thường Như, liên tục bị đẩy lùi đến tận cuối cây cầu. Gã bỗng ngồi thụp xuống, hai tay xòe ra như cánh quạt… Thường Như chưa kịp phản ứng trước hành vi kỳ lạ thì Trường Hận đã xông đến đứng chắn ngang. Một tiếng nổ dữ dội… hàng trăm mảnh thép cắm chi chít vào người Trường Hận, gã ngã nhào xuống, còn Địa Ngục Thần Quân cũng banh xác. Đó là sát chiêu “Đồng sinh Đồng tử”. Thường Như ngồi xuống bên Liệt Hỏa Trường Hận, nàng nghẹn ngào nói: sao lại làm như thế, ta với ngươi đâu có là gì? Trường Hận đã chết rồi, gã không còn nói gì được nữa, chỉ có cặp mắt là vẫn mở to nhìn nàng đăm đăm như ngày nào, Thường Như không hiểu đó là cái nhìn của tình yêu hay tình bạn… nhưng nàng hiểu một điều chắc chắn là gã đã vì nàng mà hy sinh tính mạng. Trái tim như thắt lại, Thường Như đưa tay dịu dàng vuốt cặp mắt của Liệt Hỏa Trường Hận… nàng hôn lên vầng trán của gã, hôn lên đôi môi khô cằn và nứt nẻ vì nắng gió thảo nguyên… nàng sợ sẽ không cầm nổi nước mắt. Thường Như đứng dậy… giữa chiến trường thì không được khóc. Cánh cổng Kinh Thành từ từ mở, một đoàn quân tiến ra, dẫn đầu vẫn là Nhất Cú Nhị Quạ. Con quạ đen và con cú trắng cùng kêu to đinh tai nhức óc. Nhất Cú Nhị Quạ rất ung dung, họ đã cầm chắc phần thắng. Thường Như lảo đảo, nàng cũng đã bị trúng mấy mũi tên độc. Nghịch Thủy Hàn bỗng cuộn trào dữ dội, một bóng đỏ bỗng vọt lên từ đó… lướt ngang qua Thường Như. Trong thoáng chốc cả bóng đỏ lẫn Thường Như mất hút về phía thảo nguyên xa xăm. Nhất Cú Nhị Quạ trố mắt ra, hầu như không kịp phản ứng gì cả. Con Bạch Mã Thiên Kim cũng phóng theo… 11 Mãn Đình Viện trở lại bình yên như ngày nào, chỉ khác là chủ nhân của nó bây giờ lại rất nổi tiếng. Thỉnh thoảng có một vài đoàn thương buôn ghé qua, họ nghe tiếng đồn trên thảo nguyên nên muốn tận mắt chiêm ngưỡng Mãn Đình Viện của Mãn Ngọc và Kinh Hồng Kiếm. Đến nơi đây họ cảm thấy kinh ngạc trước một khung cảnh tĩnh lặng và thanh bình. Kiếp thăng trầm chùn chân mỏi gối, Ôm chiếc đàn sớm tối du dương. Trà sen còn thấm hơi sương, Khói đưa dìu dặt hương vương tâm thiền. Một cõi trời thiên nhiên tĩnh lặng, Dải đất lành sương trắng nắng trong, Khoan thai thư thả cõi lòng, Ung dung mà bước chẳng mong hơn gì. Nhiều người thích cuộc sống ở nơi này, nhưng cũng có người lại khuyên Mãn Ngọc nên chọn một cuộc sống khác, giàu có và sung sướng hơn. Mấy ai thấu hiểu tâm tư của nàng? Mình ta lạc lõng giữa đời, Loay hoay bể khổ xa vời thuyền kia. Ngày càng có nhiều đoàn thương khách đến, Mãn Đình Viện trở nên nhộn nhịp, Mãn Ngọc không thích điều đó lắm, sau khi Thường Như và Liệt Hỏa Trường Hận ra đi, nàng cảm thấy còn cô đơn hơn nữa. Thà người đừng đến còn hơn… Nhất là những lúc trời đổ mưa, lòng đã buồn lại càng thêm buồn. Đêm nay em lại pha trà, Nhưng em không uống, ấm trà lạnh tanh… Trong cơn mưa như trút thế mà vẫn có người đến Mãn Đình Viện. Không phải một mà là bốn người, gia viên vào báo như vậy. Mãn Ngọc nói: mời họ vào. Linh cảm cho Mãn Ngọc thấy một điều chẳng lành. Đó là bốn người bảo tiêu, áo vàng, áo đỏ, áo xanh, áo tím - Vân Sơn Tứ Tử - họ mang đến một cái hộp gỗ dài. Vân Sơn Tứ Tử nói: người gửi cái hộp gỗ này dặn bọn tôi phải giao tận tay chủ nhân của Mãn Đình Viện tên Mãn Ngọc. Nàng mở hộp ra thì thấy trong đó là một thanh kiếm gỗ màu đen, một cái áo vải cũ. Thanh kiếm và cái áo của Đường Xuyên? Thanh kiếm thì không chắc lắm vì Mãn Ngọc không mấy khi sờ đến, nhưng cái áo thì chắc rồi. Vân Sơn Tứ Tử: họ nói nếu cô muốn gặp người từng mặc cái áo này thì hãy tới Kinh Thành. Mãn Ngọc: người gửi này là ai? Vân Sơn Tứ Tử: không biết, chúng tôi chỉ là những người bảo tiêu để nhận tiền công. Mãn Ngọc không biết Đường Xuyên đến Kinh Thành để làm gì, nhưng nàng nghĩ lúc này y hẳn đang cần giúp đỡ. Nếu không phải là nàng thì còn ai nữa? Kinh Thành có người bạn thân như em không? Kinh Thành có người nào chia sẻ vui buồn với anh? Kinh Thành có người tri kỷ như em? Kinh Thành có ai cùng đi với anh trong mưa gió?