Chương 29

    
in đồn, lại những tin đồn. Vẫn chưa bao giờ có sự chính xác. Số phận của chúng tôi mùa đông 1647 đến năm 1648 là thế đấy. Nhà cầm quyền buộc phe Nghị viện kiểm soát chúng tôi thật gắt gao. Tin tức từ nhà cầm quyền đưa ra, riết rồi chẳng còn giá trị. Còn những tin đồn từ miệng người này sang người kia, khi đến tai, chúng tôi cũng phải chọn lọc lại. Quân bảo hoàng đang vũ trang lại, đó là tiêu đề của các cuộc bàn luận. Vũ khí được lén lút đưa từ Pháp sang và được chôn giấu trong các nghĩa trang.
Chị Marry đọc cho tôi nghe lá thư của Jonathan viết từ Luân đôn gửi về cho chị: “Có lẽ chiến tranh lại tái phát. Càng ngày càng có nhiều người bất mãn. Nhiều người dân Luân đôn trước đây chống đối Hoàng thượng, bây giờ lại sẵn sàng thề trung thành với ngài. Anh không giám nói thêm gì nữa. Em hãy dặn thằng John cẩn thận trong lời nói và hành động. Đừng quên rằng anh đã bị ràng buộc lời tuyên thệ không chống lại Nghị viện. Nếu chúng ta làm khác đi, tính mạng của anh và John sẽ lâm nguy”
Chị Marry lo lắng gấp thư lại và cất vào túi áo trong.
- Như thế có nghĩa gì? – chị ta nói – Anh Jonathan muốn nói gì thế? Câu trả lời duy nhất là: lực lượng bảo hoàng đang chuẩn bị.
Bây giờ, người ta lại nhắc đến những tên đã bị lãng quên từ hai năm nay: Trelawney, Trevannion, Arundell, Bassett, Grenvile. Phải, trước hết là Richard Grenvile. Người ta đã thấy chàng ở Stowe. Người thì nói thế, người thì lại nói không. Không phải ở Stowe, mà trong nhà người em gái gần Bideford. Nào là Richard đang ở đảo Wight, nào là Richard đã đi Carisbroke để tham khảo ý kiến của Hoàng thượng, nào là Richard đã rời Ecosse, tới Ai- len, nào là Richard đã trở về Corouailles. Tôi giả điếc trước những câu chuyện hoang đường đó. Trong đời tôi đã nghe quá nhiều tin đồn. Có điều kì lạ, tôi không nhận thư chàng từ Ý hay từ Pháp nữa…
John Rashleigh giữ im lặng không bàn đến vấn đề này. Cha nó đã dặn nó không được dính líu vào bất cứ chuyện nào khác, mà chỉ lo làm việc để góp tiền trả nợ Nghị viện. Ở Luân đôn, Jonathan ngã bệnh và Nghị viện từ chối không cho phép anh ta về Corounailles, vì vậy chị Marry phải đi Luân đôn chăm sóc cho chồng. Từ Pháp, Peter viết thư cho Alice bày tỏ muốn được tin vợ con trở về quê hương chồng ở Trethurfe. Alice đã lên đường ngay từ ngày đầu tháng năm và Menabilly trở nên vắng vẻ lạ thường. Bấy lâu nay, tôi đã quen với sự hiện diện của bầy trẻ léo nhéo gọi mẹ suốt ngày, bây giờ vắng chúng, tôi cảm thấy cô độc và buồn hơn. Tôi chỉ còn có mỗi John bên cạnh. Một ngày kia, John nói với tôi:
- Cháu tính đi Mothercombe và nhờ dì trông nom hộ Menabilly.
- Dì không cản cháu làm việc ấy.
- Cháu rất buồn phải làm ngược lại ý muốn của cha cháu – John nhìn nhận – Nhưng đã hơn sáu tháng nay cháu chưa về Mothercombe thăm vợ con. Dì có nghe tin đồn gì không?
- Thì cũng như cháu thế thôi.
- Cháu nghĩ rằng tướng Richard đã… Tôi lắc đầu:
- Người ta đồn từ năm ngoái rằng tướng Richard đã có mặt ở đây. Vậy mà, dì có nhận được tin gì của ông ta đâu.
John thở dài, liếc mắt về phía cánh cửa.
- Cháu không biết phải làm sao? Nếu có nổi dậy, mà không tham gia, sẽ bị kết án là bất trung với Hoàng thượng và làm ô danh dòng họ Rashleigh.
- Nhưng nếu công cuộc nổi dậy không thành công – tôi nói – thế là bốn vách tường lạnh lẽo của nhà ngục. Đầu cháu cũng khó ở yên trên cổ.
Nó miễn cưỡng mỉm cười:
- Người đàn ông có nên nghe lời người phụ nữ để làm nguội lạnh ý chí chiến đấu không? – nó nói.
- Người đàn ông nên nghe lời người đàn bà để tránh chiến tranh lan tới tổ ấm của mình.
- Dì muốn sống mãi dưới chế độ hà khắc của Nghị viện này sao?
- Dì hoàn toàn không có ý nghĩ đó – tôi đáp – nhưng nếu hấp tấp, chúng ta sẽ chuốc lấy thất bại.
John lại thở dài, đưa tay gãi đầu, vẻ bối rối.
- Cháu hãy xin phép đi Mothercombe – tôi nói – vấn đề quan trọng là Joan, vợ cháu chứ không phải cuộc cách mạng. Nhưng dì báo trước, một khi đã vào vùng Devon, muốn trở ra cũng gặp nhiều khó khăn.
Thật thế, tất cả những ai đã xin được giấy phép thường xuyên đi Devon hay đi Sommerset để giải quyết việc riêng đều gặp rất nhiều phiền hà khi trở về. Nào phải qua những cuộc khám xét gắt gao, những cuộc hỏi cung tỉ mỉ, để xem có mang theo tài liệu và vũ khí không. Nhiều người có nguy cơ bị tù. Bởi vì về phía nhà cầm quyền cũng nghe những tin đồn…
Cảnh sát trưởng Cornouailles lúc ấy là ngài Thomas Herle, tuy luôn trung thành với nghị viện nhưng là một người chính trực. Chính ông ta cũng làm hết sức mình để giảm bớt thuế quá nặng dành cho lãnh địa Menabilly của gia đình Rashleigh, nhưng thượng cấp của ông ta không đồng ý. Cũng chính ông ta có lòng tốt cấp giấy phép cho John Rashleigh đi thăm vợ con ở Mothercombe, thuộc vùng Devon. Chỉ còn lại một mình tôi ở Menabilly. Chẳng ai nghi ngờ người phụ nữ tật nguyền này có thể dấy động một cuộc cách mạng được. Gia đình Rashleigh đều đã tuyên thệ không chống đối. Vì thế Menabilly may mắn tránh xa mọi sự nghi ngờ. Cho nên, trong lúc nhà cầm quyền lo củng cố trại lính trú phòng ở Fowey và kiểm soát những cây cầu gần biển, mảnh đất bé nhỏ của chúng tôi hầu như bị quên lãng. Đàn cừu ăn cỏ trên đồi Gribben. Đàn bò gặm nhấm trên đồng cỏ dành riêng cho chúng. Mười tám mẫu đất đã được gieo trồng. Căn nhà của viên quản lý bỏ trống. Chùm chìa khóa huyền bí xưa kia của ông ta, hiện nay đang nằm trong tay tôi, và ngôi nhà nghỉ mát, “thánh địa” của anh rể tôi, bây giờ là nơi tôi thường lui tới nhân những cuộc đi dạo. Tôi không còn tò mò đọc tài liệu, văn kiện liên quan đến dòng họ Rashleigh nữa, bởi vì đa số sách đã bị đóng gói đem về Luân đôn. Bàn làm việc trống rỗng. Trên tường mạng nhện treo đầy. Những tấm chiếu cũ vẫn luôn phủ trên tấm đan đậy cửa hầm bí mật… Có lần, một con chuột nhắt từ một góc chạy ra, đưa mắt láo liên nhìn tôi.
Một ngày tháng ba, tôi nhìn ra biển. Bóng mờ xâm chiếm vịnh dần dần. Đồng hồ trên tháp điểm bốn giờ. Matty đã đi Fowey và có lẽ cũng sắp về. Tôi nghe có tiếng bước chân
trên đường mòn. Tôi lên tiếng gọi, nghĩ rằng chắc có lẽ một người nông dân nào đó đang trở về nhà. Nhưng bất thình lình, tiếng bước chân ngưng hẳn, và không ai đáp lời tôi.
Tôi gọi một lần nữa, và lần này tôi nghe có tiếng lá sột soạt trong rừng cây. Có lẽ một chú chồn nào đó đang săn đuổi mồi. Nhưng sau đó, tôi thấy một bàn tay hiện ra trên thành cửa sổ, sờ soạng tìm chỗ bám. Nhưng tường rất trơn và bàn tay biến mất.
Có người đang dò xét tôi… Có lẽ là nhân viên mật thám của Nghị viện.
-Người nào đó muốn nói chuyện với ông John Rashleigh thì xin vui lòng hiểu cho rằng ông ta không có nhà – tôi nói lớn – Chỉ có một mình tôi ở Menabilly này, tôi, Honor Harris, hân hạnh được tiếp chuyện với ai đấy?
Tôi chờ một lúc, hai mắt dán chặt vào cửa sổ, nhưng có bóng người ngấp nghé ngoài cửa ra vào khiến tôi quay người lại, hai tay vịn trên thành xe. Một thanh niên gầy ốm, toàn mặc đồ đen như người công nhân ở Luân đôn, nón sụp xuống tận mi mắt. Hắn đứng trên ngưỡng cửa nhìn tôi.
- Anh là ai? – tôi hỏi – Anh muốn gì?
Hình như nơi bóng đen có cái gì gợi lại những kỉ niệm… Thái độ của hắn ngập ngừng vừa cắn móng tay…Tim tôi đập thình thịch, chờ đợi một câu trả lời. Bóng đen chợt mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười và bóng đen đưa tay ra.
- Dick… - tôi thở phào nhẹ nhõm.
Dick tiến tới và quỳ xuống hôn tay tôi. Bây giờ nó đã thành một trang thanh niên, có râu mép, có tóc chải chuốt. Giọng nói của nó ồ ồ, đúng là giọng đàn ông.
- Bốn năm rồi – tôi nói – Cháu trông lớn thật!
- Chỉ hai tháng nữa cháu được mười tám tuổi – nó mỉm cười đáp – Dì quên rồi sao?
Tôi nhìn Dick đăm đăm. Nó thay đổi quá nhiều và lớn nhanh. Nhưng vẫn cặp mắt u sầu và lo sợ.
- Cháu hãy cho dì biết – tôi thì thầm – cháu định làm gì ở đây và tại sao cháu trở lại?
Nó ngạc nhiên nhìn tôi:
- Ủa! Té ra cháu tới đây trước à? Cha cháu chưa tới sao?
Tim tôi đập rộn rã, vì vui mừng hay vì sợ, tôi không biết nữa. Trong chớp mắt, tôi chợt hiểu. Mọi sự bắt đầu trở lại.
- Không còn ai trong nhà – tôi nói – Gia đình Rashleigh đã đi xa cả rồi.
- Cháu biết – nó nói – Và chính vì thế mà người ta đã chọn Menabilly này.
- Chọn… để làm gì? – tôi hỏi.
Nó không trả lời ngay, tiếp tục cắn móng tay.
- Người ta sẽ nói cho dì biết – nó nói, mắt nhắm một nửa.
- Người ta là ai?
- Thì trước hết là cha cháu – nó trả lời, ném một cái nhìn dè dặt về phía cánh cửa – rồi đến Peter Courtney, Ambrose Manaton, ông anh Robin của dì và cả cô Gartred của cháu. Gartred… tôi có cảm tưởng đang ở trong một thế giới khác và bắt đầu một cuộc sống mới. Chưa tin nào khủng khiếp bằng tin này!
Dick đứng dậy, phủi bụi bám trên hai đầu gối và ngồi trên thành cửa sổ.
- Mùa thu qua, cha con cháu rời khỏi nước Ý và đi thẳng đến Luân đôn. Cha cháu đã cải trang thành một thương gia Hà Lan, còn cháu đóng vai thư kí. Thế là hai cha con cháu đi khắp nước Anh, với tư cách là thương gia ngoại quốc, nhưng thật ra là hoạt động chính trị. Ngày lễ Noel, cha con cháu qua sông Tamar và đến Stowe. Bác Bevil gái đã qua đời, ở đó chỉ còn Bunny, viên quản gia và những người khác. Kể từ lúc đó, cha cháu tổ chức nhiều cuộc họp bí mật trong vùng. Từ Stowe đến Bideford và Orley Court rất gần. Cha cháu cũng gặp lại cô Gartred đang trong tình trạng bất hòa với bạn bè thuộc phe Nghị viện và cô ta rất mong được gặp lại cha cháu và bác Robin.
- Dì đâu có ngờ anh Robin của dì lại ở Bideford – tôi nói. Dick nhún vai:
-Hình như bác Robin và cô Gartred của cháu rất tâm đầu ý hợp với nhau. Hình như bác ấy đang phụ giúp cô Gartred quản lý đất đai và di sản của người chồng trước để lại.
Đúng vậy! Anh Kit của tôi để lại cho Gartred những cánh đồng lúa bên dưới cối xay ở Lametton. Vậy mà tôi cứ ngỡ anh Robin của tôi thất nghiệp vì chiến tranh.
- Rồi sao nữa? – tôi hỏi Dick.
- Mọi người đang chuẩn bị, dì biết không? Từ đông sang tây, từ khắp vùng Cornouailles. Những người thuộc dòng họ Trelawney, Trevannion, Bassett Arundell sát cánh bên nhau. Giờ sắp đến. Súng đã nạp đạn, gươm đã mài sắc.
Tôi cảm thấy giọng nói của nó có vẻ cay đắng. Hai bàn tay của nó bấu vào thành cửa.
- Còn cháu? – tôi hỏi – Cháu không thích tham gia sao? Dick im lặng một lúc.
- Cháu đã xin ở lại Ý, nhưng cha cháu không chịu. Cháu thích học vẽ. Cháu muốn theo đuổi nghề đó, cha cháu nói hội họa là nghề dành cho đàn bà, một môn tiêu khiển của người nước ngoài. Nếu cháu muốn sống sao cho xứng đáng cháu phải đi theo cha cháu, bắt chước ông ta và làm như mọi người Grenvile khác. Lạy chúa! Có lúc cháu cảm thấy căm ghét tên Grenvile!
Mười tám năm rồi, nhưng nó không thay đổi. Nó vẫn oán hận cha nó.
- Còn mẹ cháu? – tôi dịu dàng hỏi. Nó nhún vai:
- Cháu đã gặp mẹ cháu, nhưng quá trễ. Bây giờ mẹ cháu có nhiều say mê khác. Cách đây bốn năm, có lẽ mẹ cháu yêu cháu hơn. Nhưng bây giờ thì không, quá trễ rồi. Tại lỗi cha cháu… Phải, cũng tại ông ta mà ra cả.
- Có lẽ… - tôi nói – nhưng khi… sứ mạng này đã hoàn thành, có lẽ lúc ấy cháu sẽ được tự do. Dì sẽ nói giùm cháu. Dì sẽ xin cha cháu cho cháu trở về Ý với bạn bè và môn hội họa.
Bàn tay mảnh khảnh của Dick vò nhàu gấu áo vét. Nó chậm rãi nói:
- Lại sắp đánh nhau, giết nhau, máu sẽ đổ. Lại máu… Trong căn phòng, bóng tối đã bao trùm.
- Cháu rời khỏi Bideford từ bao giờ?- tôi hỏi.
- Cách đây hai ngày, cháu nhận được lệnh mỗi người phải hành động riêng rẽ, đi đường khác nhau. Hình như chị Alice đã đi Trethurfe rồi, có phải thế không thưa dì?
- Phải, Alice đã về quê chồng từ đầu tháng.
- Đó là điều Peter mong muốn, và cũng nằm trong kế hoạch cả. Ngôi nhà này phải vắng bóng người. Peter hiện đang ở Cornouailles.
Tôi thầm nghĩ Richard chẳng cần bận tâm đến nỗi khổ của người khác, miễn sao chàng đạt được mục đích.
- Cũng theo kế hoạch của cha cháu, dì Marry phải đi Luân đôn, còn John phải rời Menabilly về Mothercombe.
- Nhưng John tự ý đi Mothercombe thăm vợ con mà? – tôi nói.
- Đúng thế, nhưng trước đó John đã nhận một lá thư nặc danh tố cáo vợ anh ta đang quan hệ lăng nhăng với một ông hàng xóm. Sở dĩ cháu biết được vì chính cha cháu tự tay viết lá thư nặc danh đó để dụ cho John đi khỏi nhà. Cha cháu và cô Gartred rất khoái trá trước mưu kế này.
Tôi không biết phải nói gì. “Cầu mong quỷ ma bắt giòng họ Grenvile độc ác này đi!” – tôi nghĩ thế. Tôi biết trước câu bào chữa của Richard sẽ là: bất kể phương tiện nào, miễn sao đạt được mục đích. Nhưng dù sao, mọi việc họ làm không can hệ gì đến tôi. Bây giờ ngôi nhà hoàn toàn trống vắng mặc sức cho họ sử dụng vì mục đích riêng. Tôi không thể ngăn cản họ được. Menabilly sẽ là tổng hành dinh của lực lượng bảo hoàng. Họ thành công hay thất bại, đó không phải việc riêng của tôi.
- Cha cháu không viết thư cho dì sao? – tôi nói – Cha cháu có biết dì ở đây không?
- Lẽ dĩ nhiên là biết – nó đáp – Chính vì lí do đó mà cha cháu chọn Menabilly thay vì
Caerhayes. Ở Caerhayes không có phụ nữ để khích lệ cha cháu.
- Như thế có nghĩa là sau hai năm sống ở Ý cha cháu cần người khích lệ lắm sao?
- Cái đó còn tùy thuộc vào nghĩa “khích lệ” theo dì hiểu – Dick nói – Nhưng chưa bao giờ cháu thấy cha cháu quan hệ với những người phụ nữ Ý.
Trong trí tôi hiện lên hình ảnh Richard, tay cầm bút lông, nghiêng mình trên bản đồ vùng Cornouailles trải trên bàn. Chàng đánh dấu đỏ những ngôi nhà ven bãi có thể làm nơi ẩn náu: Trelawne… nhiều rừng quá. Penrice… xa biển quá. Caerhayes… địa điểm tốt để đổ bộ. Menabilly… một vịnh dễ lui tới, một địa điểm kín đáo, che khuất, và nhất là gặp lại “người tình già”…