CHƯƠNG 30
Và mái tóc bạc trên đầu tuổi xanh

Cha ta và Ta là một.
Tân Ước
Vinh quang đẹp đẽ của nhà văn là làm cho những người tư tưởng chịu tư tưởng.
Delaccroix
Con cũng hại ta nữa sao Brutus?
Julex Ce'sar46 
Tôi đã rời nhà ra đi hơn một năm trời. Trong khoảng thời gian đầu tiên, thú thực tôi cũng không nhớ gì nhiều về gia đình tôi, có lẽ bởi liên tiếp những sự việc xảy ra đã cuốn tôi đi, như người ta nói cuốn theo chiều gió.
Tôi đã sững sờ vì một lần lên bờ cắt tóc, soi trong gương tôi nhận ra đầu mình bạc trắng! Tôi không tin được là tôi có thể biến đổi đến như ngần ấy. Trong tiệm cắt tóc có một tập báo cũ, vô tình tôi vớ lên xem. Tôi lặng người đi khi đọc báo thấy tin bố tôi vừa mất! Nước mắt tôi trào ra. Những dòng chữ nhảy nhót, nhòa đi trước mắt tôi. Tôi gục xuống như bị một đòn trời giáng, run rẩy hết cả chân tay. Mọi người chạy lại đỡ tôi nhưng tôi gạt đi rồi chạy ra ngoài, vừa chạy vừa khóc nức nở. Trời đất như sụp đổ trước mặt tôi.
Bố!
Bây giờ tôi mới biết khóc như cha chết là khóc thế nào. Chắc chắn đó là cái khóc lớn nhất đời một con người.
Tôi chạy vào rừng, ngã xuống. Hình ảnh bố tôi hiện ra thân thiết và gần gũi quá. Những dòng đưa tin trên báo thật lạnh lùng. Có cả vạn người đưa tang bố tôi, điều ấy có ý nghĩa gì khi không có tôi ở đấy! Chao ôi! Tôi là thằng con bất hiếu, thằng con nghịch tử! Nỗi ân hận bật thành tiếng khóc cứ thế trào ra! Tôi muốn gào lên cho thấu trời xanh!
Bố tôi, người thân yêu nhất của tôi! Bây giờ ngẫm lại tôi mới hiểu rõ bố tôi có ý nghĩa thế nào với tôi.
Như nhiều ông bố khác, có lẽ bố tôi cũng đã vất vả kiếm sống nuôi vợ nuôi con. Nhưng là nhà văn, bố tôi có những phẩm chất khác với mọi người.
Viết văn, đó là công việc không dễ dàng gì. Nhiều khi đùa bỡn, bố tôi vẫn bảo đó là một công việc thổ tả, công việc chết người.
Cái khó của một nhà văn - ông nói - đó là việc anh ta phải độc hành kỳ đạo trong cuộc đời mình. Nó gần như công việc của các bậc tiểu thánh. Điều khốn nạn, trớ trêu và cũng là điểm yếu của một nhà văn là dù hiểu đời, lịch lãm đến đâu cuối cùng anh ta vẫn phải hành xử và biết trình bày tư tưởng nhân đạo một cách nghệ thuật. Giá trị nhân đạo là lý do duy nhất để cho văn học tồn tại, trước khi nói đến chức năng giải trí hay mua vui.
Bố tôi từng cho rằng công cụ của nhà văn, cũng giống như tôn giáo, như chính trị - đấy là lời chết người là ở chỗ đó vì họ luôn có nguy cơ phải tranh chấp, phải đối mặt hoặc đồng hành với hai thế lực kia. Về cơ bản, nhà văn đứng về số đông nhân dân, đôi khi bất đắc dĩ còn là đại diện không công của họ, một danh chức hão huyền chẳng báu bở gì.
Một nhà văn giỏi, giống như một mỹ nhân, một thợ khéo tay luôn có nguy cơ bị chiếm hữu. Để thoát hiểm được, cách duy nhất là từ chối danh lợi, trong khi đó danh lợi - oái oăm thay, nhiều khi là động lực sống, mục tiêu sống của con người. Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. Trên đời cũng chỉ có một mình Lão Tử47!
Tôi biết bố tôi nhiều khi đã phải trăn trở, dằn vặt với chính mình. Ông viết ít, bởi chính ông cũng có lúc nhận ra sự vô nghĩa của văn học. Ông thích hướng chúng tôi về tự nhiên, về bản lai diện mục (điều mà chính ông cũng từng thú nhận là ông chỉ lờ mờ cảm thấy chứ không xác định được rõ ràng). Ông thích khuyến khích sự hài hước ở con người. Khi anh trai tôi và tôi bất bình với thế hệ cha, với những người lớn, ông thường coi đó là việc tự nhiên: Cha và con là hai lực lượng xung khắc nhau từ thời Lý Tịnh với Na Tra thái tử cơ mà! ở Tàu có chuyện Na Tra róc xương trả cha, róc thịt trả mẹ. Sau này Đức Phật mới lấy lá sen làm thịt, cọng sen làm xương rồi thổi hồn vào hồi sinh cho Na Tra, Đức Phật lại tặng cho Lý Tịnh là cha của Na Tra một tòa bảo tháp cầm tay để phòng khi đứa con hỗn láo đánh lại có cái mà thu phục, chống đỡ, do đó mà Lý Tịnh mới có tên là Thác tháp Lý thiên vương!.
Bố!
Tôi biết bố tôi sẽ tha thứ cho tôi vì những lỗi lầm xã hội48 của tôi. Ông hiểu và cũng bất lực trước những lỗi lầm xã hội ấy. Tôi phải cứu tôi và chẳng có ai làm được hộ tôi chuyện ấy.
Bố!
Tôi đã hiểu tại sao có những vết nhăn đau khổ trên mặt bố tôi. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng49.Tư tưởng nhân đạo, tình cảm nhân đạo đã chẳng được ai đoái hoài đến nếu không có những nhà văn với cách trình bày ngu ngơ (mà đôi khi họ cứ chắc mẩm đó là nghệ thuật), họ trình bày ra một cách vụng về, nông cạn (mà đôi khi họ cứ chắc mẩm đó là sâu sắc). Bố tôi không phải là người có ảo tưởng thiên tài, ông cũng chẳng ao ước gì về văn học, nhưng tôi biết, ông hiểu được giá trị nhà văn nơi ông.
Bố!
Con hình dung ra được đám tang của bố! Có nhiều người đến tiễn đưa. Chắc sẽ lại có một tay thổi kèn saxo nào đấy biểu diễn một bài ai oán. Người ta đọc điếu văn. Có thể sẽ có những tay nhà thơ chuyên làm thơ phúng điếu giả vờ khóc lóc để huyênh hoang khoe mẽ nàng thơ của mình. Sẽ có bạn đọc, chắc chắn thế, và sẽ có những người bạn đọc chất phác đến tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ vĩnh hằng.
Tôi biết bố tôi vẫn thích những đám ma dân giã của người Việt Nam nhà quê. Có thể nó vớ vẩn, nhiều khi còn nhếch nhác và chẳng văn minh chút nào nhưng ở đó nó có sự giản dị - điều thiết yếu cần thiết cho nhà văn và cái chết.
Có lần tôi đã theo bố tôi dự một đám ma ở vùng núi trên Phú Thọ. Dàn nhạc hiếu có mấy người kéo nhị, thổi kèn, đánh trống, đánh thanh la. Xung quanh họ là những người đô tùy (khêng vác bàn thờ và quan tài) mặc áo nẹp. Người đánh trống vừa hát và đám đô tùy họa theo. Tôi nhớ mãi những lời hát ngô nghê và ai oán nhiều khi chẳng có vần có điệu gì:
Tùng tùng trống đánh ngũ liên
(- Nay là ngũ liên!)
Ba hồi chín tiếng lấy tiền cho tôi!
(- Tiền trả cho tôi!)
Đồng gieo xuống đất, đồng vãi lên trời
(- Vãi lên trời!)
Ai lượm được thời lấy may!
(- Thời lấy may!)
ới ông ơi, ới bà ơi!
(- ới làng nước ơi!)
Qua sông âm phủ sao phải chọn ngày?
(- Nào chèo nào, nào chèo nào!)
Dô hò dô!
(- Dô hò dô!)
Kìa mây xanh xanh, kìa nước xanh xanh
(- Dô hò dô!)
Và mái tóc bạc trên đầu tuổi xanh
(- Dô hò dô!)
Sau bài hát người ta bắt đầu nâng quan tài lên, vừa đi vừa nói chuyện, cũng chẳng có vẻ gì là đau khổ cả.
ấn tượng về đám ma ấy in sâu trong tâm trí tôi. Những lời hát vu vơ như xát muôí trong lòng tôi. Và mái tóc bạc trên đầu tuổi xanh. Tôi hiểu điều ấy có ý nghĩa gì.
Chắc chắn tôi phải về nhà chịu tang bố tôi. Ngay hôm nay. Ngay lúc này. Có thể tôi sẽ học lại đại học. Có thể tôi sẽ ở cùng mẹ tôi một thời gian. Mẹ thì không bao giờ được quên.Có thể tôi sẽ viết văn giống như bố tôi hoặc làm một nghề gì khác. Dù sao đi nữa cuộc sống cũng có những giá trị đẹp đẽ của nó, không thể vì bất cứ lý do gì mà hủy hoại nó đi. Bạn trẻ, tin tôi đi! Nếu chưa trưởng thành, chưa thực sự đủ lông đủ cánh thì bạn cũng đừng vội vã tuột xích như tôi. Và mái tóc bạc trên đầu tuổi xanh.
Tôi là Khuê. Năm nay tôi 21 tuổi. Phía trước tôi là cả cuộc đời mà tôi phải tìm hiểu và khám phá nó50.
Viết tại đảo Cát Bà
(Từ 3/12/2002 đến 3/1/2003)
---
46.  Đề từ trích trong “Bách khoa danh nhân từ điển” (sách đã dẫn).
47.  Lão Tử (604 – 531 TCN): nhà tư tưởng Trung Hoa vĩ đại thời cổ.
48.  Ở Việt Nam có cụm từ “bệnh xã hội” để chỉ những bệnh phong tình (lậu, giang mai...). Tác giả dùng cụm từ “lỗi lầm xã hội” mà không có ý nghĩa phê phán. Tiếng Việt quả thật phong phú, nhiều khi rất dễ hiểu lầm.
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
(Truyện Kiều)
Nguyễn Du (1766 – 1820), tự Tố Như, nhà thơ thiên tài Việt Nam, tác giả “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh). Có người nói: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước Việt còn”.
50.  “Tuổi hai mươi yêu dấu”  là một tựa đề có phần... cải lương. Tác giả đã có ý định đặt tên cho nó là “Khuê” (lấy tên nhân vật chính), hoặc “Tuột xích”, hoặc “Bút ký phiêu lưu của một sinh viên đại học”, hoặc “Bài ca tuổi trẻ”... Suy nghĩ kỹ, tác giả lấy tên “Tuổi hai mươi yêu dấu”  là muốn nhằm vào đối tượng độc giả thanh niên, những độc giả mà tác giả vẫn kính trọng và luôn yêu mến.

Xem Tiếp: ----