CHƯƠNG 13
Anh trai

Điều mà người trần thế gọi là thiên tài, đó là nhu cầu ái ân, ngoài ra cái đó, tất cả là vô ích.
Alfred de Musset
Có hai trình độ kiêu căng: tự chấp thuận mình và không thể chấp nhận mình, cái sau hết này có lẽ là thứ kiêu căng tinh tế nhất
H. F. Amiel25
Tôi ở tiệm cầm đồ ra thì gặp ngay thằng Thanh nhạn. Nó nói rằng nó ngồi ở quán nước đối diện bên đường và nhìn thấy tôi vào cắm xe ở trong ấy. Thế là tôi không thể nào thoát được việc bao nó, cái thằng chó đẻ ấy! Nó giục tôi ngồi lên sau xe máy của nó để nó chở đi. Nó hỏi han qua quýt tình cảnh của tôi và khi biết tôi đã bỏ học thì nó khoái trá ra mặt. Tình trạng “tuột xích” của tôi đã đẩy tôi xuống cùng đẳng cấp với nó. Nó nói rằng nó sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với tôi như “tình anh em ruột”, chỉ hiềm một nỗi hiện nay nó đang rỗng túi. Tuy nhiên, tình trạng ấy với nó chỉ là tạm thời, bất thường, không cơ bản. Nó đang theo đuổi một phi vụ làm ăn với một chú Lịch nào đó, đàn em của bố nó, phi vụ làm ăn này sẽ mang lại cho nó tiền triệu. Tôi chẳng lạ gì thói huênh hoang của thằng Thanh nhạn. Với nó, tứ thời có những phi vụ làm ăn, sau đó ít lâu nó lại phàn nàn rằng nó bị phản bội, nẫng tay trên hoặc gặp vận hạn.
Tôi đề nghị thằng Thanh nhạn chở tôi qua trường đại học Mỹ thuật để gặp anh trai tôi. Tôi muốn hỏi xem tình hình gia đình thế nào. Thằng anh trai tôi đang học năm cuối khoa Điêu khắc trường này. Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội do một ông họa sĩ người Pháp tên là Victor Tardieu26 nào đó lập ra từ năm 1925. Đây là một trường sang trọng hão vào bậc nhất Việt Nam. Thi vào trường này khó vô cùng, không phải cứ con nhà khệ là được vào. Trường này như một sự minh chứng cho thói phù phiếm, đỏng đảnh (đôi khi xa xỉ và hão huyền) của nghệ thuật. Mỗi năm trường chỉ chiêu sinh lấy khoảng 20 tới 30 sinh viên vào khoa Hội họa, còn Điêu khắc dứt khoát chỉ lấy 5 người. Bọn giáo sư ở trường này điên hết chỗ nói, trong số đó có nhiều người là bạn bè của bố tôi. Họ nói năng phát ngôn văng mạng, nhiều khi cứ như “thằng phản động”. Mỗi lần họ đến nhà tôi ăn cơm, mẹ tôi lại phải kín đáo đóng hết các cửa giả lại, cổng vào thì khóa chặt. Thày trò trên lớp cứ như các anh hùng trên Lương Sơn Bạc, ngửa mặt lên trời cười nói hô hố. Ăn mặc chẳng ra một thể thống gì, lôi thôi lếch thếch nhưng nếu để ý thì toàn đồ hiệu. Sự làm dáng ngầm núp danh nghệ thuật đôi khi cũng thấy hay hay. Đương nhiên, giữa đám nghệ sĩ ấy cũng có nhiều người đạo mạo ra trò, lúc nào cũng vận đồ hộp nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, đa số những người “đứng đắn” ấy lại là những họa sĩ rất tầm thường, ăn nói ấm ớ loanh quanh và khôn ranh như cáo. Bố tôi rất sợ những người “làm nghệ thuật” kiểu ấy. Ở Tàu người ta vẫn gọi những người như thế là “ngụy quân tử” tức là một dạng lưu manh thế nào đấy.
Thằng anh trai tôi thi vào khoa Điêu khắc trường đại học Mỹ thuật cũng chẳng dễ dàng. Hắn đã từng học ba năm hệ trung cấp ở đây nhưng lần đầu đi thi thì “trượt vỏ chuối”. Một năm trời hắn hì hục đục đẽo và lên thư viện đọc đủ các sách về mỹ thuật đến nỗi tôi cảm tưởng rằng sau khi có một “vốn liếng” như thế thì việc học đại học thêm nữa cũng bằng thừa. Lều chõng đi thi lần thứ hai hắn đỗ “vượt lên trên 3000 thí sinh khác”- đây là theo lời bốc phét của hắn. Thực tế, hắn chỉ phải bon chen với 26 người để giành một suất vào chung kết. Chán nản vì thi cử và biết tỏng điêu khắc chẳng phải là môt nghề an nhàn và dễ kiếm sống gì, hầu như tất cả thí sinh đều đã nản chí đứt gánh giữa đường.
Tôi công nhận thằng anh trai tôi quả là một tay đại bợm. Hắn hì hục chép những tượng thạch cao mà có tặng tôi, tôi cũng chẳng thèm để gửi bán ở tất cả các kiôt văn hóa phẩm và các shop trong thành phố. Thỉnh thoảng hắn lại đi dạo một vòng xem việc bán chác thế nào và gọi đấy là “đi thu thuế”. Đúng là “buôn hàng xáo, lãi quan viên” nhiều khi hắn mang về nộp cho mẹ tôi một món tiền tướng đến nỗi mẹ tôi sung sướng nở cả mũi. Dưới bóng rợp của các bậc phụ huynh như thế, tôi đúng là một con số không tròn trĩnh ức không tả được.
Hôm xảy ra “sự kiện 18 tháng Sương mù” (ở đây tôi muốn ví việc tôi bị đuổi khỏi nhà với việc lên ngôi vua của Napôléon đệ Nhất) thì thằng anh trai tôi không có ở nhà. Rất có thể vì thế hắn sẽ thông cảm cho tôi một chút nào chăng? Tôi đã nhầm lẫn thảm hại vì vừa giáp mặt hắn, hắn đã ra một đòn kungfu đích đáng vào quai hàm khiến tôi ngã bật ngửa xuống rãnh nước. Hắn vừa chửi rủa vừa đánh tôi tàn bạo. Cũng may là mấy thằng bạn hắn còn có lương tâm đứng ra can ngăn chứ nếu không hắn có thể đánh tôi đến chết. Cuối cùng thì hắn cũng nâng tôi dậy dìu tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá ở trong sân trường. Hắn đuổi bọn bạn của hắn đi ra chỗ khác với lý do “để cho anh em mình nói chuyện tay đôi”. Thằng anh trai tôi rất sính dùng những từ như “nói chuyện tay đôi” hay “trách nhiệm, bản lĩnh”, tóm lại là rởm không thể tả được.
Mày phải có bản lĩnh chứ...
Hắn bắt đầu bài thuyết giảng dài dòng của hắn như thế với tôi rồi cuối cùng hắn òa lên khóc, xin lỗi tôi... Đúng là cải lương nực cười. Hắn hỏi tôi có cần tiền không nhưng tôi lắc đầu. Hắn khuyên tôi nên về nhà xin lỗi bố mẹ, tình trạng của tôi không phải là không cứu vãn được, rằng em còn có tương lai tươi sáng. Tôi chẳng lạ gì tương lai tươi sáng của bọn trưởng giả: làm một viên chức ở bộ, lấy vợ, đẻ con, suốt ngày cãi nhau với vợ và hàng xóm, phàn nàn rằng sinh ra không hợp thời, về hưu rồi chết. Đúng là như tay nhà thơ Nga Êxênhin27 từng nói: “Sống không có gì mới, mà chết cũng chẳng có gì mới hơn!”
Đến giờ thằng anh trai tôi phải lên lớp. Hắn rất băn khoăn vì đây là giờ thi kiểm tra môn lý luận nghệ thuật không thể bỏ được. Cuối cùng hắn ra lấy xe máy bảo tôi cứ đi xe máy của hắn mà về nhà. Tôi không muốn làm phiền hắn nhưng hắn bảo tôi:
Mày không phải lo gì cho anh. Buổi chiều anh sẽ bảo bạn anh đưa anh về nhà. Đứa nào được anh nhờ thì nó đều coi đó là vinh dự.
Thật là rởm đời huênh hoang kiêu ngạo!
Chúng tôi chia tay nhau. Hắn bỏ đi, vẻ đắc ý vừa vì giáo dục tôi thành công đúng với trách nhiệm một ông anh trai. Đâu tiên là quả đấm, sau đó là bàn tay nhung...
---
25.  Đề từ trích trong “Bách khoa danh ngôn từ điển” (sách đã dẫn).
26.  Victor Tardieu: họa sĩ Pháp, giải thưởng mỹ thuật Đông Dương 1920, mất năm 1937, hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương.
27.  Xergây Êxênhin: Nhà thơ Nga, chết trẻ, sống đầu thế kỷ XX.