CHƯƠNG 11
Bộ thánh cốt sống

“Tôi bước lại và sững người ra kinh ngạc. Trước mặt tôi là một con người sống, nhưng người với ngợm gì mà lại thế này?
... Cô ấy không đòi hỏi gì hết, mà ngược lại, cô ấy biết ơn tất cả những gì người ta đã làm cho mình...
... Để chê trách cô ấy ư? Không, chúng tôi không chê trách cô ấy. Mặc cô ấy với Chúa!”
I.X. Tuocgheniep22
Nhà con Huyền mờ ở trong làng đạo Hải Khoang là một làng nằm giáp ranh giữa thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây. Tôi không biết nhà nó ở đâu nhưng có lần nó bảo tôi rằng: “Cứ vào làng Hải Khoang hỏi nhà ông trùm Thịnh thì ai cũng biết”. Tôi trả tiền xe ôm rồi vào một quán nước chè lân la hỏi chuyện bà hàng nước. Bà cụ làm dấu thánh rồi thốt lên:
Giêsuma! Cậu quen với ông trùm Thịnh à?
Hóa ra ông trùm Thịnh ở đây rất thánh, thánh đến nỗi khi nói đến tên ông ta người ta đều phải làm dấu thánh, giống như trong phim Tàu khi nói đến tên “hoàng thượng” là diễn viên đều phải vòng tay lại trước ngực.
Ông trùm Thịnh không phải gốc là người làng đạo Hải Khoang mà là người ở Phát Diệm (một trung tâm Kitô giáo ở Bắc bộ). Hồi trẻ ông từng là phụ lễ cho cha xứ rồi được “ơn trên” đào tạo thành linh mục. Vị linh mục trẻ bất hạnh ra trường đúng vào năm 1964 là năm người Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam. Tôi không thạo gì lắm về lịch sử ở giai đoạn này chỉ biết rằng có một tay tổng thống hoặc bộ trưởng gì đó ở Mỹ đã tuyên bố rằng sẽ ném bom “biến Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”. Tôi xin nói rằng tôi chẳng hiểu cóc khô gì về lịch sử và quan điểm chính trị ở Việt Nam trong vòng 100 năm nay vì hình như nó đều được viết ra một cách giối dá và mâu thuẫn với nhau kinh khủng. Khi có chiến tranh, nhà nước không cho tôn giáo hoạt động vì muốn dồn toàn bộ sức người sức của cho ngoài mặt trận. Vị linh mục trẻ vừa được thụ phong vì thế đành nằm khàn, phải cởi trần ra làm đồng và đi câu nhái kiếm sống qua ngày. Nhà thờ được khóa trái lại. Chiến tranh kéo dài. Không phải chỉ ngày một ngày hai mà tới mấy chục năm trời, linh mục Thịnh đành phải xuất gia hoàn tục. Ông lấy vợ là một cô gái ngoan đạo và cô ta đẻ liền cho ông cả một serie chín cô con gái. Nhà nghèo, hai vợ chồng tần tảo làm ruộng nuôi con. Bận rộn đến mức không còn thời gian cắt cả râu tóc, ông linh mục đẹp trai ngày nào về sau trông chẳng khác gì người vượn Crômanhông23.
Lòng tin tôn giáo là một cái gì kiên trì mê man rất khó lý giải. Mặc dầu cha Thịnh đã hoàn tục trở thành người thường nhưng giáo dân vẫn đối xử với ông như với cha xứ vậy. Người ta hỏi ý kiến ông về mọi chuyện, thậm chí mời ông làm lễ trong những đám cưới, đám ma, làm lễ rửa tội cho con và mỗi lời nói của ông đều là “lời của Chúa”. Trong bao nhiêu năm trời, trùm Thịnh vẫn là vị cha tinh thần của cả xứ đạo đến nỗi về sau khi hết chiến tranh, nhà thờ mở cửa trở lại, ở trên cử về một vị linh mục xịn, ảnh hưởng của vị linh mục này không thể nào sánh được với ông già nửa đời nửa đạo kia. Phẫn chí, vị linh mục này đã dời đi sang ở nhà thờ khác và chỉ về đây làm lễ trong những ngày lễ trọng mà thôi, còn những ngày thường thì vị linh mục hoàn toàn ủy thác phần xác cũng như phần hồn con chiên của mình cho ông bạn đồng nghiệp chỉ biết sinh con một bề kia.
Bà cụ hàng nước có vẻ rất kính trọng ông trùm Thịnh. Khi biết tôi là bạn học cùng lớp với cô tiểu thư thứ chín của ông trùm thì bà cụ còn nhất định không lấy tôi tiền nước. Bà cụ rơm rớm nước mắt bảo tôi:
Giêsuma! Con bé xinh đẹp như thế mà lại bất hạnh.
Tôi chào bà cụ hàng nước và đi vào một cái ngõ nhỏ đến nhà ông trùm Thịnh. Đấy là một ngôi nhà tranh bé nhỏ ba gian hai chái với một khoảng sân đất nện sạch như li như lau. Giữa một ngôi làng đang “đô thị hóa” với những ngôi nhà bêtông ngột ngạt cái cao cái thấp chen chúc chẳng ra một phong cách kiến trúc gì thì ngôi nhà của ông trùm Thịnh có thể ví như một dấu chấm nghỉ ở giữa một câu văn dài. Dễ thở vô cùng!
Nhà Huyền đi vắng hết nhưng cửa thì vẫn mở thông. Một bà hàng xóm thấy tôi vào nhà thì chạy sang tiếp khách hộ. Có vẻ như khách đến ngôi nhà này tất cả đều là quân tử và đáng tin cậy nên tôi cũng được tiếp đón một cách nồng hậu. Bà hàng xóm bảo tôi:
Cô Chín có lẽ đang chợp mắt được một lúc. Để tôi vào xem rồi ra xin rước cậu vào.
Tôi đoán Huyền bị ốm đau xoàng xoàng gì đấy mà thôi nhưng khi bà hàng xóm ra dẫn tôi vào căn buồng bé nhỏ thì tôi hốt hoảng đến nỗi suýt choáng. Trước mặt tôi là một “bộ thánh cốt sống”, giống như trong truyện của nhà văn Nga Tuôcghênhiep. Huyền gày gò, nằm liệt giường, chỉ có đôi mắt buồn bã là long lanh sáng mỗi khi nghe thấy tiếng chân ai đó bước vào.
Nhận ra tôi, Huyền rất mừng rỡ. Chỉ hơn một năm trời mà sao Huyền lại ra nông nỗi ấy? Hóa ra tất cả chỉ vì một mảnh vỏ chai vỡ ở trên con sông Tô Lịch đáng sợ kia.
Những người nào sống ở Hà Nội trong khoảng 50 năm trở lại đây thì hẳn biết rõ con sông Tô Lịch là một con sông thổ tả thế nào. Nó hệt như một vết sẹo chảy mủ hôi thối trên khuôn mặt dữ dằn của gã giang hồ. Dòng nước đen ngòm và hôi hám đầy những rác rưởi và bao nylon. Tất cả Hà Nội đều trút xú uế của mình vào đó. Không hiểu tại sao người ta cứ để như thế từng ấy năm trời. Đến thế hệ tôi, hình như nhờ vào tiền vay từ nước ngoài, người ta mới bắt đầu nạo vét con sông. Có đoạn sông người ta còn đào được cả xương người và nghe nói những xương người đó đều có yểm bùa, có niên đại từ thời Bắc thuộc. Các nhà khảo cổ học đứng trên bờ chỉ trỏ bàn tán và ai cũng sợ ông Thái thú phù thủy Cao Biền24 kéo âm binh bỗng nhiên sống lại. Ở một số trường đại học, trong đó có trường Y mà Huyền vừa mới nhập học đã dũng cảm lập ra những đội thanh niên tình nguyện đi nạo vét sông. Huyền tham gia và vô tình dẫm phải một mảnh vỏ chai vỡ giữa đống bùn.
Điều tai hại là người ta đã tiêm nhầm thuốc ngừa vi trùng uốn ván với thứ khỉ gì đấy. Kết quả là Huyền bị liệt và sốt miên man không dứt, chỉ chờ cái chết đến cướp đi.
Tôi nhìn Huyền, nước mắt cứ thế ứa ra ràn rụa. Bệnh viện đã trả về nghĩa là vô phương cứu chữa! Huyền nói khẽ, rời rạc và tôi chỉ đoán bừa rằng chắc Huyền đang nói đến Chúa Trời, đến cái chết.
Tôi nhét số tiền hai trăm nghìn đồng mà ông Lê Bình cho tôi vào dưới gối Huyền. Bà hàng xóm giục tôi đi ra. Huyền nhìn tôi khẽ mỉm cười. Tôi cúi xuống hôn Huyền. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi hôn một người con gái, cái hôn cay đắng quá, cay đắng vô cùng!
Lần đầu tiên trong đời tôi hôn một người con gái mà đấy lại là một bộ thánh cốt sống! Tin tôi đi, thời của tôi thật là một thời khốn nạn!
---
22.  Đề từ trích trong “Bộ thánh cốt sống” một truyện trong tập “Bút kí người đi săn” của nhà văn Nga thế kỷ XIX – I.X.Tuốcgheniep.
23.  Người tiền sử nguyên thủy.
24.  Người Trung Quốc, thời nhà Đường, giữ chức Thø sö An Nam đô hộ phủ, từng xây thành Đại La (Hà Nội ngày nay), có tài phù thủy.