Chương 32

    
hững ngày cuối năm suốt từ Sài Gòn ra tới Khu 6 trời nắng tốt. Mùa xuân chưa về nhưng hơi hướng của nó đã khơi dậy, thấp thoáng đâu đó trên lá cây, trên những cánh rừng thưa, những quả đồi trọc.
Rẫy nương xanh ngắt, chập chùng dày đặc khắp nơi trên những khu vực ngoại ô thành phố Long Khánh. Vườn trái cây bạt ngàn, trùng trùng điệp điệp. Rừng cũng thay lá xanh non. Đứng ở xa trông như lúc nào cũng có nắng trên khóm cây. Rừng thoáng, thưa, mời gọi. Giữa cái trảng trống, xanh um một màu khổ qua rừng và hoa trinh nữ, là con đường mòn quanh co, dẫn đi càng lúc càng sâu.
Giao liên là một em nhỏ trạc mười hai mười ba tuổi mặc chiếc áo sơ-mi cụt tay màu xám đã cũ và một cái quần xà-lỏn màu đất sét. Hữu và Khâm đi theo em, cho tới khi ra khỏi những khu vườn trái cây. Em giao liên dừng lại đợi hai người.
Trước mặt họ, cụm rừng nhỏ um tùm cây, tỏa bóng mát trên con đường mòn hun hút. Ở đâu đó trong cây lá rậm rạp ấy vang ra tiếng cười nói của nhiều người. Em nhỏ dẫn Hữu và Khâm đi dọc theo mé rừng đến một căn nhà lá trống trải giữa một trảng trống. Thấp thoáng có bóng người đi ra đi vào.
-Hai anh đợi em một lát.
Em bé nói xong đi khuất sau rặng cây. Lát sau em trở ra với một thanh niên râu rậm cạo không kỹ, dáng mập mạp chắc chắn.
-A! Té ra là Hai Tuyên! Hữu reo lên.
Hai Tuyên cười cười, trao cho hai người bạn mỗi người một cái khăn rằn. Đã quen với nguyên tắc “ngăn cắt” hai người tự động quấn khăn che mặt và bước theo Hai Tuyên.
-Tao chờ mày suốt hai bữa nay, Hai Tuyên nói, ăn uống gì chưa?
-Chưa, Hữu đáp, nhưng chớ nấu cơm. Để tao đào khoai luộc ăn.
-Vượt ngục về bao lâu rồi mà giờ mới vô? Tao nghe tụi nó đồn, nó “ca” mày quá xá. Nó bảo chuyện của mày ly kỳ như trong tiểu thuyết. Có không?
Hữu vừa đi vừa ngước nhìn rừng, lòng vô cùng thoải mái. Anh nói:
-Có chớ. Tao tưởng đã bỏ mạng rồi. Về Sài Gòn để coi, gần sáu tháng. Lo đủ thứ chuyện, từ chuyện ăn ở, sinh hoạt, gầy dựng cơ sở tới chuyện bầu cử ở các trường Đại học. Vừa mới rảnh được một chút là anh Bảy Trung gởi về đây. Về kiểm điểm thời gian ở tù.
-Vậy còn chuyện bầu cử, Hai Tuyên hỏi tiếp, nghe nói có chuyện giựt gân lắm phải không?
Hữu cười, quay lại Khâm. Khâm cũng cười. Hữu vỗ vai người đồng chí trẻ tuổi của mình, anh bảo Hai Tuyên:
-Đây, muốn biết chuyện đó, cứ hỏi đồng chí này.
Bốn người đã vào tới căn nhà trống. Đó là trục giao liên: cái “mũi” của Hai Tuyên. Hữu đứng chống nạnh giữa nhà, quan sát chung quanh. Súng ống, bi-đông nước, bòng, bị treo lủng lẳng khắp nơi. Gạo, bắp chất ngổn ngang bên các cây cột lớn. Giữa nhà hai chiếc bàn tre bày đầy giấy tờ, sổ sách… Thấy không có ai ngoài Hai Tuyên, Hữu hỏi:
-Đi đâu hết?
-Đang họp.
Nói xong Hai Tuyên đi lại bên chuồng gà xách cái cuốc đi ra mấy vồng khoai. Anh bảo Hữu:
-Nhóm bếp đi!
Khâm thảy cho Hữu cái hộp quẹt, Hữu ngồi xuống bên bếp tro. Anh nhen lửa bằng rơm khô và chất củi rừng lên, lom khom thổi. Khói đùn lên mịt mù, bay tán loạn, trận gió kéo tất cả lên trời. Ngọn lửa rơm bùng lên cao, dữ dội, rồi lụn xuống, cháy leo lét trên những nhánh củi nhỏ. Khâm đi ra phía giếng nước, đứng ngó xuống đáy giếng. Anh múc một gàu lên uống rồi rửa mặt, còn lại nước thừa anh tưới đám cải bẹ xanh. Thấy Hai Tuyên đang bới khoai, Khâm tiến lại đó, phụ một tay lặt củ, dọn vồng. Nắng trong rừng sáng rực. Hai Tuyên hỏi:
-Tình hình Ban đại diện sinh viên ngoài đó ra sao, đồng chí?
Khâm dùng ngón tay, kéo nới cái khăn che mặt ra một chút cho khỏi vướng vô miệng. Anh nói:
-Ttừ ngày chúng mở chiến dịch bình định học đường năm bảy hai đến nay, chúng cũng kiểm soát được một số Ban đại diện sinh viên.
-Ban đại diện ở trong tay nó thì mình hoạt động ra sao?
-Mình lập những nhóm sinh viên tách rời ra khỏi Ban đại diện. Chẳng hạn như ở Văn khoa có các nhóm Nhân Văn, Việt Hán, Triết Đông… Ta vẫn hoạt động được. Thật ra, dù khó cách mấy ta cũng có cách hoạt động được anh à.
Trước đây Hai Tuyên cũng là một sinh viên hoạt động ở trường Khoa học. Trong chiến dịch bình định đại học, anh bị lộ, rút vô cứ. Địch đánh tràn tới. Đơn vị dời đi vòng vòng, sang tuốt bên Miên. Đi mấy ngày trong rừng. Một buổi sáng anh hỏi: “Qua biên giới chưa?” Đáp: “Rồi, qua lâu rồi”. Té ra biên giới thì cũng vậy thôi. Rừng và rừng.
Cái thuở ban đầu ấy đã qua. Sau hơn hai năm ở chiến khu anh học được nhiều chuyện, anh đi nhiều nơi. Cuối cùng đơn vị Thành Đoàn dời về Long Khánh, bám sát ngay thành phố, vùng đất mầu mỡ xanh um cây trái. Anh đóng chốt ở đây. Mũi M2. Làm công tác tuyên huấn.
Hai Tuyên đứng lên. Rổ khoai đã đầy. Khâm hỏi:
-Anh bới chi nhiều quá?
-Cứ ăn. Còn dư thì để dành. Anh thấy không, đất ở đây trồng khoai hết chê. Cả cải bẹ xanh cũng rất chịu.
Hai người đi ngang qua đám cải. Đám cải xanh mướt, sung sức. Khâm đứng nhìn mặt đất đen lẫn lộn một thứ sạn nhỏ do đá ong vỡ ra. Anh nói:
-Đất này trồng mía chắc tốt.
-Thì mía kia!
Hai Tuyên chỉ tay về phía trước. Đám mía xanh bạt ngàn bắt đầu từ con đường mòn chạy dài tới mút mắt. Hai Tuyên cười cười, anh tiếp:
-Vậy mà rau muống ở đây trồng lại không lên (anh quay lại đám rau muống) anh thấy chưa, le hoe mấy cộng. Tụi này tưới biết bao nhiêu mà còi vẫn còi.
Hữu đợi hai người phía chái nhà. Bếp lửa đã cháy mạnh. Nồi khoai bắc lên gọn gàng. Phía trong rừng có tiếng vỗ tay và tiếng cười của nhiều người. Hai Tuyên nói:
-“Ngăn” kỹ đi. Mấy ổng họp xong rồi. Sắp ra bây giờ.