Rồng là mô típ trang trí phổ biến ở kinh đô Huế. Trong các kiến trúc của triều Nguyễn, nếu Phụng tượng trưng cho phái nữ như các bà Thái hậu, các bà công chúa thì rồng là biểu tượn của phái nam, của vua. Nhưng muốn phân biệt con rồng của vua và con rồng của phái nam phải cấu tạo con rồng của vua có năm móng, không phải vua thì chỉ có bốn móng. Vì thế mà khi muốn vẽ rồng 5 móng, triều đình phải rất thận trọng, phải tìm cho được hoa. sĩ giỏi nhất và phải dùng những chất liệu, những phương tiện tốt nhất để thể hiện.Khải Định là một ông vua suốt mười năm ngồi trên ngai vàng chỉ lo xây lăng, cung An Định và điện Kiến Trung. Các công trình đã chịu ảnh hưởng nặng nề của kiến trúc châu Âu, có nhiều mảng tường lớn nên Khải Định đã phải xử dụng nhiều họa sĩ, điêu khắc làm tranh tượng hoành tráng. Một trong những họa sĩ bị trưng dụng là ông Cửu Tánh.Một hôm Khải Định lên xem thợ xây lăng thì thấy Cửu Tánh đang nằm ngửa trên một cái giàn tre, trên thân hình chỉ độc nhất có một cái quần đùi, hai chân quắp hai cái cọ vẽ nhúng vào phẩm vẽ rồng năm móng ẩn mây trang trí cái trần điện Khải Thành. Thấy vua mà không chịu ăn mặt đàng hoàng đến phủ phục phục chào vua đã là mắc tội khi quân, lại còn dùng hai chân mà vẽ rồng năm móng nữa, quả thật Cửu Tánh không thể tránh được tội chết.Khải Định đứng dưới dòm lên nói như quát vào mặt Cửu Tánh:- "Vì răng mi dám dùng chân mà vẽ rồng năm móng? Mi không biết khi quân rứa là chết à?"Cửu Tánh vẫn nằm ngửa, mắt nhìn lên trần điện Khải Thành hai chân vẫn ngúy ngoáy bệt phẩm vẽ lia lịa, miệng nói với xuống đất với Khải Định:- "Dạ bẩm Hoàng thượng mô dám! Vì vẽ bứa rồng ẩn mây ni lớn mà khoảng cách giữa tay với mắt lại quá gần không thể điều chỉnh xa gần đậm lạt được, nên thần phải dùng chân!". Khải Định nghe có lý nên phải dịu giọng nói: - "May mà chỉ có một Cửu Tánh, chứ có đến hai đứa thì tau phải lấy cái đầu mi!". Cửu Tánh tủm tỉm cười và hình như cái đầu rồng vừa vẽ xong dưới cái trần nhà đang nhìn Khải Định và nhe răng cười.