NGƯỜI ANH EM (4)

Nói rồi ông nhanh nhảu ra lệnh cho trợ lý. Anh này lục tìm cuốn danh bạ đơn vị, hí hoáy tẩy chữ Nông thay vào đó chữ Chí. Thế là xong. Trên chiến khu, tất thảy mọi người đều tình nguyện đi đánh giặc, nào ai có nhu cầu tìm kiếm lợi lộc gì, thế nên sở thích riêng đều dễ dàng thoả mãn. Huống chi anh lại là người dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số là chỗ dựa vững chắc của cách mạng tháng tám và cuộc kháng chiến trường kì. Bất cứ cán bộ lãnh đạo nào cũng biết nguyên tắc này: Trong mọi hoàn cảnh, cán bộ và chiến sĩ người thiểu số được quyền hưởng sự ưu đãi.
― Nàng Nhỏ của chúng ta giờ đã thành hoàng hậu!
Niềm vui ấy cháy âm ỉ suốt những ngày còn lại của cuộc kháng chiến cùng với cái tên Chí văn Thành. Dường như cái tên mới này cũng đem lại nhiều may mắn cho An dù trong tiểu đoàn, từ lính đến sĩ quan, chẳng ai hiểu nguồn gốc bí ẩn của nó. Anh được thăng vượt cấp vì thành tích chiến đấu. Nhưng cái may lớn nhất là qua bao nhiêu trận mạc anh vẫn bình yên, chưa hề xầy vẩy xướt da. Anh không có cơ hội gặp nàng Nhỏ, tuy biết nàng đã rời bản Xíu về sống ở khu văn phòng chính phủ, cùng chiến khu Việt bắc. Nhưng niềm kiêu hãnh về nàng thắp sáng tâm hồn anh. Với anh, nàng là người em gái, hoặc nàng chính là một đứa con? Anh cũng không biết nữa. Mối dây liên kết giữa họ chẳng hề giống như những người anh rể và em vợ bình thường. Nàng Đông đã là bạn từ thuở cởi truồng nên khi Nàng Nhỏ ra đời chính anh đã cùng Nàng Đông nuôi dưỡng đứa em nhỏ. Ông Cao vốn đa tài đa phận, rời quê hương giang hồ đất khách đến bốn mươi hai tuổi mới quay về bản cưới vợ, một cô gái mỹ miều kém ông hai mươi ba tuổi chẵn. Khi bà chết, ông đã ngoại năm mươi. Tuổi ấy, chẳng người đàn ông nào còn có thể bồng ẵm hoặc cho trẻ bú mớm. Trong ngôi nhà rộng rênh của ông, xưởng cưa chiếm gian chính giữa, bàn thờ vợ gian ngoài cùng, còn gian trong nơi gầy bếp lửa được ngăn thành ba gian buồng nhỏ vách gỗ chính là nơi hai đứa trẻ lên chín tập sự làm cha làm mẹ nuôi cô em mồ côi đỏ hon hỏn trong nôi. Dạo đó, hai năm tròn An rời nhà sang chiếm một trong ba gian buồng gỗ nhỏ, gian giữa dành đặt nôi đứa bé, còn gian bên kia là của Nàng Đông. Ông Cao ngủ ngay cạnh bếp để giữ lửa. Trước cửa buồng của đứa bé, một đĩa nến cháy suốt đêm. Nếu nó khóc, khi là nàng Đông khi là anh thức dậy thay tã lót và lấy bình sữa cho nó bú. Hoạ hoằn, cả hai chưa kịp dậy ông Cao sẽ rung chiếc chuông đồng đánh thức họ...Thật kì lạ, tiếng chuông rung lanh lảnh trong đêm khuya. Ấn tượng đó anh không quên được. Tiếng chuông giống một thứ âm nhạc thô sơ nhưng sống động vang lên ròn rã trong tuổi thơ của anh. Đôi khi, nó làm cho đứa bé ngừng khóc, giương đôi mắt tròn xoe lên nhìn. Anh cũng nhớ chiếc đĩa sâu lòng bằng gốm đỏ đựng sáp ong, tim nến se bằng sợi thô to hơn chiếc đũa. Ánh lửa lung linh chập chờn hắt bóng họ lên bức vách. Ánh lửa rọi lóng lánh lên quả cầu bằng giấy trang kim treo lủng lẳng giữa tao nôi. Bàn chân đứa bé giơ lên đạp đỏ như hoa mồng gà...Anh cũng còn nhớ như hôm qua cách thức ninh một nồi cháo nửa phần nếp nửa phần đỗ xanh ra sao cho nhừ nhuyễn mà không khô cũng không quá loảng. Anh nhớ cách thức lọc cháo để lấy nước rồi cho vào bình. Anh cũng biết cách vắt sữa trâu, canh sữa trâu cho đặc, rồi cất giữ ra sao cho khỏi lên váng. Bản Xíu không nuôi bò, chỉ thuần trâu. Trẻ nhỏ uống duy nhất thứ sữa đó. An nhớ chiếc chậu gỗ thường tắm cho Nàng Nhỏ, anh một bên và nàng Đông một bên, cùng thò tay vào kì cọ cho đứa bé. Đấy là cuộc đời thật mà lại tưởng như trò chơi. Bởi chính họ cũng đang còn niên thiếu. Cái trò chơi ấy liên kết ba người trong một mối tình kì lạ. Thế nên, anh cưới Nàng Đông từ năm mười bảy cho đến ngày nhập ngũ đã hai mươi bảy tuổi tròn mà chẳng ai thắc mắc chuyện họ không có con...Đành rằng cưới vợ xong rồi anh vẫn tiếp tục xuống huyện đèn sách. Cũng đành rằng thời ấy chuyện hiếm muộn con không quá quan trọng như ngày nay nhưng dẫu sao, vẫn là sự bất thường. Nàng Nhỏ sống chen giữa hai người, một mối tình pha trộn biết bao nhiêu mầu sắc. Cả ba cảm thấy đầy đủ nên Nàng Đông cũng như anh chẳng tìm thầy chữa chạy bệnh vô sinh như láng giềng khuyên.
Cuộc kháng chiến kết thúc đường đột một năm sau ngày anh thay tên đổi họ. Anh chẳng còn cơ hội quay về bản Xíu vì vợ anh đã tìm anh đúng ngày các cánh quân chuẩn bị tiến về giải phóng Thủ đô. Nàng Đông ôm chặt lấy anh, vừa cười vừa khóc. Mai ngày, nàng sẽ sống với Nàng Nhỏ tại thành phố Hà nội. Còn anh? Số phận mỉm cười với anh lần nữa nên đơn vị anh sẽ đóng tại Hà đông, tỉnh lỵ Hà đông cách Hà nội có mười cây số, đạp xe không quá một giờ. Đối với họ, dường như cánh cửa thiên đường đã mở.
Tuy nhiên, ngày đầu tiên tới thăm hai người, An đã thấy không vui. Anh đi dọc theo cái hành lang dài và tăm tối đó, lòng tự hỏi vì sao người ta có thể xếp Nàng Nhỏ ở một ngôi nhà tầm thường như vậy? Tuy phía trên là ba gian phòng cao rộng, trang nhã kèm theo bếp và khu phụ riêng. Nhưng dẫu sao, nó vẫn chỉ là một gian gác của dân thường, nơi ăn chốn ở của bất cứ người dân sung túc nào ở thành phố. Nàng Nhỏ của anh là hoàng hậu. Liệu có bà hoàng hậu nào bị xếp một rọ, sống cùng với thứ dân? Hay vì chúng ta là dân Tày? Một bà hoàng hậu người Tày không được quyền đòi hỏi như một bà hoàng thuộc dân tộc chính thống?
Lòng ngổn ngang nhưng anh không nói. Bởi cả hai người đàn bà đều đang tột độ mừng vui. Chiến tranh đã kết thúc, mạng sống cầm chắc trong tay. Sau bao nhiêu ngày cách xa, giờ được đoàn tụ. Chẳng ai cầu mong điều gì hơn thế. Họ lại được cùng ngồi bên nhau,quanh một mâm cơm. Không phải trong ngôi nhà sàn rộng rênh thuở xưa, giữa bốn bề trập trùng rừng núi, mà trong một gian gác lịch sự nhưng nhỏ hẹp, là nơi ăn chốn ở của những người ở đô thành...
Sau bữa cơm, An hỏi Nàng Nhỏ:
- Chủ tịch có bằng lòng cho em ở đây không?
- Có chứ. Chủ tịch bảo chúng ta phải sống giản dị. Giản dị như những người bình thường.
- Vậy là em hài lòng, đúng không?...
- Dạ... Em hài lòng. Em yêu chủ tịch.
- Chủ tịch có yêu em không?
- Có chứ.
Nàng Nhỏ kêu to:
- Chủ tịch rất yêu em....
Và hai má nàng bỗng dưng đỏ tưng bừng:
- Chủ tịch là người chồng rất tốt.
Đêm ấy, trong vòng tay Nàng Đông, anh cất tiếng hỏi:
- Em hãy cho anh biết, Nàng Nhỏ của chúng ta có hạnh phúc thật sự hay không?
- Có. Anh đừng lo. Nàng Nhỏ của chúng ta vô cùng hạnh phúc. Tuy chủ tịch cao tuổi, nhưng vẫn còn là bạn gối chăn đắc lực.
- Sao em biết?
- Chúng ta là người miền núi, không có điều chi phải kiêng dè. Em đã hỏi thẳng Nàng Nhỏ của chúng ta về chuyện đó. Nàng đáp rằng với chủ tịch nàng hạnh phúc hơn là với người đàn ông đầu tiên.
- Ra vậy. Giờ anh có thể yên tâm.
Sự yên tâm của anh kéo dài được hai năm, cho dù thi thoảng anh vẫn lượn xe quanh khu nhà các tướng tá lẫn các bậc lương đống triều đình để quan sát họ. Càng nhìn họ, lòng anh càng hậm hực bởi các phu nhân người Kinh được ở biệt thự riêng, có vườn cây bao quanh, có lính gác cổng, có xe Volga đi chợ, cho dù họ mắt híp môi thâm, nếu đứng cạnh nàng Nhỏ của anh thì chẳng xứng mặt con hầu.
Rồi đến ngày đứa cháu gái đầu ra đời, hạnh phúc che mờ mọi nỗi bất bình cũng như các hiềm khích. Mỗi chủ nhật, An đạp xe ra thành phố với tâm trạng của đứa trẻ đi chảy hội hoặc của gã trai mới lớn đến gặp bạn tình. Lần này, anh lại được làm bố. Nàng Đông lại được làm mẹ. Không còn là bản Xíu. Họ không còn phải ninh cháo đậu và vắt sữa trâu. Đời sống đô thị bí bức hơn nhưng cũng thuận tiện nhiều bề vì thế cả hai người đều thấy tâm hồn phơi phới như cánh rừng sang xuân khi đứa bé khóc cười với họ. Trong lúc đó, người mẹ thật sự lười lĩnh ngủ hoài hoặc nhìn họ chăm sóc đứa con với đôi mắt tràn trề mãn nguyện.
An không bao giờ gặp chủ tịch tại ngôi nhà ấy vì anh chỉ có thể ở lại đến sáu giờ rưỡi tối ngày chủ nhật. Sau bữa cơm chiều, phải tính cho đủ thời gian đạp xe quay lại Hà đông trước hiệu kèn đêm. Giờ ngủ quy định là chín rưỡi. Anh biết rằng văn phòng phủ chủ tịch thường cho xe đón Nàng Nhỏ vào dinh nhưng thi thoảng và thường là đột ngột, khi thu xếp được công việc, chủ tịch đến thăm vợ con vào lúc nửa đêm và chính ông đặt tên cho đứa con gái. Một cái tên cổ xưa, đầy tinh thần đạo đức: Nghĩa.
Khi được thông báo về chuyện đó, An tỏ vẻ bực mình:
- Thiếu gì tên hay, sao lại đặt cho cháu tôi cái tên cứng ngắc như vậy? Trung đội của tôi có đến ba cậu tên là Nghĩa. Trần trung Nghĩa; Đào duy Nghĩa; Ngô thành Nghĩa...
- Ồ, xin anh đừng giận.
Nàng Nhỏ tươi cười can gián:
- Con của chủ tịch mà.
Và vợ anh cũng tiếp lời:
- Em nó nói đúng đấy. Là bố mới có quyền đặt tên con.
An im lặng.
Nhưng tuần sau, anh bắt đầu gọi con bé bằng cái tên do chính anh tìm:
- Nó đẻ năm con dê nên tôi gọi nó là Mùi. Gọi thế cho dễ nuôi. Nào, Mùi lại đây với dượng.
- Ba...ba...
Đứa bé đã nói được thành tiếng khi vừa tròn chín tháng. Con bé này lưỡi quá nhọn. Chẳng đứa trẻ nào có thể biết nói sớm như nó. Môi nó đỏ như gấc, mà nụ cười của nó giống hệt nụ cười của người cha.
Năm sau, khi Mùi đầy tuổi, anh mua một chiếc ghế mây, buộc vào dóng khung xe phía trước. Đặt con bé vào đấy, anh đèo nó đi chơi khắp các phố phường. Rất nhiều lần, hai dượng cháu diễu đi diễu lại trên đoạn đường chạy qua phủ chủ tịch. Đứa bé líu lô như sáo còn anh nhìn ngắm toà nhà đó như ngắm nhìn một toà thành bí ẩn hoặc một pháo đài ma. Và anh thầm nói với người đàn ông sống trong đó, phía sau những hàng rào đầy lính canh, sau những bức tường và những khuôn cửa không bao giờ thấy mở. Người đàn ông anh chưa từng gặp mặt, chưa bao giờ đối lời, nhưng vẫn tồn tại trong gia đình họ, tham gia vào mọi cuộc bàn cãi, trò chuyện, mọi kế hoạch cuộc đời của họ. Một sự tồn tại vô danh, vô tướng, vô hình. Không phải là bóng ma, cũng chẳng là con người đích thực:
― Này ông chủ tịch, liệu ông có nhìn thấy con gái ông ngồi trên chiếc xe cởi truồng tồi tàn này không nhỉ? Dầu ông là người có quyền lực cao nhất nước, ông cũng chỉ là anh em đồng hao với tôi thôi. Và bởi lẽ tôi lấy người chị, còn ông làm chồng cô em nên nếu ngồi vào mâm rượu chính ông sẽ phải rót rượu cho tôi trước.
Như thế đó, luật lệ của chúng tôi, những người Tày. 

*

Những năm sung mãn, những mùa sung mãn thường đến với con người một cách bất ngờ, ngoài sự chờ đón của họ.Vì thế, chẳng ai ngờ là khi con bé Mùi được mười một tháng, nàng Nhỏ đã lại mang thai lần thứ hai. Trước hết, Nàng Đông phàn nàn là con bé Mùi đi tướt cả tuần, uống thuốc nào cũng không cầm được. Sau đó, nàng Nhỏ bỗng mắc chứng thèm ngủ, ngủ ngay cả trong bữa ăn. Mọi người chưa kịp hiểu ra sao, bà già hàng xóm đã bảo:
- Thế này có nghĩa là mẹ nghén nên con bú sữa độc...Trẻ bú sữa độc thì chẳng thứ thuốc nào cầm nổi. Tại sao chẳng ai biết chuyện này?
- Ồ....Chẳng ai biết thật.
- Một đứa con trai. Nặng ba cân sáu. Dài năm mươi tám phân.
- Ồ, như thế là tốt, có nếp có tẻ.
Anh đáp.
Nàng Đông đứng ngẩn ra nhìn anh trong giây lát rồi bảo:
- Anh nói thật tức cười.
- Sao? Anh nói điều gì sai trái hay lầm lẫn mà khiến em tức cười?
- Không sai trái cũng không lầm lẫn.
Vợ anh tủm tỉm nhìn anh:
- Nhưng không phải chỉ là nếp với tẻ. Anh quên rằng một đứa con trai là vô cùng quan trọng với người làm cha.
- À...Anh hiểu.
Anh cũng tủm tỉm cười và đáp lại Nàng Đông:
- Anh hiểu tầm quan trọng của kẻ nối dõi tông đường. Từ giờ trở đi anh nhường cho em nuôi dưỡng thằng bé, nhân vật quan trọng, còn anh sẽ chăm sóc con Mùi, vì con bé ít quan trọng hơn.
- Thế anh có vào viện thăm Nàng Nhỏ không?
- Không....Ngày mai anh sẽ đi chợ nấu cơm và đưa con Mùi lên bách thảo xem hổ, xem gấu. Vào viện sẽ là việc của em.