in hai Thái tử bị chết trên trận sông Như Nguyệt bay về làm bàng hoàng cả kinh thành. Riêng đối với quan Thái Bảo Nguyễn Châu, tin đứa con trai bị giặc bắt, sống chết chưa tường mới là nỗi đau lớn nhất. Cơn rét muộn của mùa đông năm ngoái còn rớt lại làm gương mặt bầu trời xuân tái nhợt. Cảnh trời thật hợp với vẻ xanh xao rầu rĩ đang chảy dài trên đôi má hóp của quan Thái Bảo. Ông ngồi lì im lìm hàng giờ trên sập. Không màng đến bóng hoàng hôn tím ngắt từ các góc tối bò ra lan dần đến tận chân ông. Cả việc người gia nhân già mang đèn vào, đến những giọt lệ bạch lạp ứa dài theo chân nến, ông cũng không hay biết. Mãi đến lúc Đỗ đại nhân dẫn theo một người lạ mặt bước vào, ông mới sực tỉnh ngẩng lên, vội vã mời khách vào tư thất. Người khách lạ tuy mặc bộ đồ lái buôn nhưng không giấu được vẻ quan cách hiện rõ trên nét mặt. Đỗ đại nhân xoa hai tay, sửa lại chiếc mũ tùm hụp có chóp nhọn đính viên ngọc đỏ, trịnh trọng: - Thái Bảo có nhận ra ai đấy không? Một vị bằng hữu phương xa của Thái Bảo, một người đã từng quen tiếng thuộc lời nhưng lâu nay lại chưa hề biết mặt. - Ồ, có phải… - Thái Bảo mười phần dường như đã đoán ra được chín nhưng vẫn còn đôi chút hồ nghi – có phải quan giám ấp đấy không? Người khách lạ vòng tay cung kính: - Chính Thành Trạc trước đây làm giám ấp Trại Hoành Sơn, đích thân đến ra mắt quan Thái Bảo. Một nỗi mừng vướng lẫn chút lo ngại làm tươi gương mặt thểu não của Thái Bảo: - Ôi! Bằng hữu đến mà lão phu không hay biết, thật bất nhã! Đỗ đại nhân đưa tay như muốn cắt phăng mọi lời khách sáo của đôi bên: - Quan Thành Trạc có chuyện kín muốn thưa cùng đại huynh. Ông ta không có thì giờ lâu để lưu lại nơi này. Thành Trạc cũng đi ngay vào đầu câu chuyện: - Thưa Thái Bảo, chắc Thái Bảo đang lo lắng nhiều về số phận của đại công tử. Biết vậy, Trạc tôi không quản hiểm nguy lặn lội đem tin đến cho Thái Bảo yên lòng. Ông ta vắn tắt kể cho Thái Bảo biết rằng con trai ông được Đặng Trung, viên tướng Tống bắt sống, đối xử rất tử tế, nhã nhặn. Hiện nay lang tướng Nguyễn Căn đã được đưa đến trung doanh gặp nguyên soái Quách Quì. Thật không để đâu cho hết lời cảm tạ của Thái Bảo. - Như vậy là tính mệnh và đường công danh của lệnh công tử không có gì đáng lo nữa. Song cái đáng lo trước mắt là vận mệnh của triều Lý mà Trạc tôi biết Thái Bảo là người vẫn giữ một tấm lòng trung – tới đây Thành Trạc mới đi vào đoạn chính yếu của câu chuyện mà cũng là nguyên cớ đã dẫn y đến cuộc viếng thăm trong đêm đầy mạo hiểm này - Thái Bảo chắc thừa hiểu ai là kẻ dắt quân Việt phạm vào nội địa can tội với nước Thiên tử khiến quân Trời phải đem binh chinh phạt. Kể ra chỉ trong vòng dăm hôm là đại quân của nguyên soái Quách Quì có thể tràn qua, đạp bằng lăng tẩm và cung điện hoàn thành. Nhưng vì đoái thương đến phương xa, nghĩ lại lòng hiếu thuận của mấy đời vua Lý trước kia, Thiên tử chúng tôi mới ra tờ mật chiếu này. Vừa dứt lời, Thành Trạc kính cẩn thò tay vào ngực rút ra một phong thư thiếp vàng, trịnh trọng đặt lên án thư ba vái, trước lúc trao lại cho Thái Bảo, Nguyễn Châu cầm phong thư nhẹ bỗng mà cảm thấy nặng chịch trong tay. Thư gửi cho Giao Chỉ quân vương Lý Càn Đức. Những dòng chữ mà Thái Bảo còn kịp nhận thấy nét tươi và sắc sảo cứ run lên trong ánh lửa nến chập chờn: “Khanh đã được triều đình cho coi cõi Nam giao, đời đời được ban vương tước. Vậy mà khanh đã phụ mệnh để cường thần lấn lướt đem quân cướp phá các biên thành, làm phiền binh triều phải đi chinh phạt. “Nhưng xét khanh con trẻ, việc phạm thuận không phải tự khanh gây ra. “Nay chiếu cho khanh bắt tên thủ lĩnh gây loạn đem xử giữa ba quân thì trẫm sẽ cho rút quân về, tha thứ cho khanh mọi chuyện cũ. Kẻ môn hạ nào của khanh lập được công trạng trong việc này sẽ được trẫm hậu thưởng và ban tước lộc…” Ông cảm thấy dấu son đỏ lòe trên tờ thư đốt những vệt cháy bỏng trên tay mình. Cái tầm hệ trọng chết người của công việc mật này làm ông phát hoảng. Nhưng biết làm sao khi số phận đứa con trai độc nhất của mình đang nằm gọn trong tay họ. Mà xem ra quân tướng của Lý Thường Kiệt cũng núng thế lắm rồi. Ai biết được đây là may hay rủi? Liệu vị phúc tinh trong lá số tử vi lần này có chịu cất công đến viếng ông không? Nhưng mọi tính toán phiền toái ấy đều cảm tiếng để nhường lời cho con cáo già từ hang sâu bản chất của ông thò mõm ra nói thay ông: - Ôi! Thiên tử còn đoái thương, thật đại hồng phúc cho dòng họ Lý! – Giọng ông ứ nghẹn như đầy nước mắt – Lão phu xin đem hết tâm sức còn lại làm cho tờ sắc chỉ này có sức nặng nghìn cân giáng lên đầu kẻ quyền thần kia dám hỗn láo với Thiên triều. Ôi! Giá mà lão phu có được cái thế bao trùm của Hoàng Hậu Thượng Dương thì chỉ cần cất tay lên là mọi việc đều xong xuôi như bỡn. - Ấy, Trạc tôi cũng chỉ mong Thái Bảo đánh động tới tai Hoàng Hậu. Rồi từ Hoàng Hậu đánh lan ra các vị đại thần đến các bậc công hầu vương tử. Nếu họ đều nhất khẩu đồng từ thì ý họ là ý Trời, vua Càn Đức khó lòng cưỡng nổi. - Việc ấy Thái Bảo đừng lo. Tiểu đệ xin giúp đại huynh một tay để đưa chiếu chỉ của Thiên tử đến tận tay bà Dương Hậu – Đỗ đại nhân vội góp lời. Câu nói ông gài vào mồm. Đỗ đại nhân đã đáp đúng được ý ông muốn. Ông mừng rơn trong bụng, không phải vì Đỗ đại nhân nhận giúp ông mà chính vì y đã gánh thay cho ông phần việc hiểm nghèo liên lụy nhất. Lòng ông nhảy múa hình con công trên sập gỗ trắc. - Được thế thì còn gì bằng! – Ông đáp bằng một giọng xởi lởi, đầu quay về phía kỷ trên sắp ngay ngắn một hàng vò rượu quý, ý chừng để giấu không cho khách thấy ánh mắt hí hửng của mình. Những vò rượu bỗng nhắc nhở ông nhớ đến việc nãy giờ chưa đem gì ra để thết khách. Ông đứng dậy định gọi gia nhân nhưng Đỗ đại nhân chừng đoán được ý ông, vội ngăn lại: - Quan giám ấp đang có việc vội. Xin Thái Bảo hãy cho ông ta khất vào một dịp khác. Thành Trạc cũng đã hứng lên: - Thưa Thái Bảo, Thái Bảo cùng Đỗ đại nhân vì dòng họ Lý mà lo toan việc lớn. Trạc tôi rất lấy làm cảm kích. Mong rằng mối giao tình giữa chúng ta còn dài lâu. Ông ta đưa mắt ra hiệu Đỗ đại nhân. Gã thương gia vội bước ra ngoài. Lát sau y trở vào, đi cạnh y là một tên hầu khệ nệ bưng một mâm vàng, bạc, gấm vóc vun có ngọn. Nguyễn Châu chưa kịp đẩy đưa một câu đãi bôi chiếu lệ như: - Xin quan giám ấp hãy cho phép Nguyễn Châu tôi được làm phận sự của một chủ nhân hiếu khách… - thì tên hầu đã đặt chiếc mâm phúc phận kia lên sập rồi lủi nhanh ra ngoài. Thành Trạc chắp tay nhũn nhặn: - Thưa Thái Bảo, hôm nay Trạc tôi có sắm chút quà mọn gọi là làm lễ ra mắt trong buổi sơ kiến - Ôi! Công ơn quan giám ấp cứu sống con tôi cao như núi, chưa có gì đền đáp – Nguyễn Châu giãy nảy kêu lên – Châu tôi còn lòng dạ nào mà dám nhận lễ của quan giám ấp. Mặc cho chủ bai bải chối từ, khách cứ bả lả làm ngơ. Rốt cuộc cho đến lúc chủ tiễn chân khách ra tận cổng ngoài và không quên cúi rạp mình bái biệt khách, chiếc mâm lễ vật sù sụ vẫn nằm chình ình giữa mặt sập chân quì trên khảm ngọc trai hình con công đang xòe cánh múa. Hôm sau, Thanh Nga ra nhà Nguyễn Châu, kín đáo đưa Đỗ đại nhân vào cung Thượng Dương gặp Dương Hậu. Hoàng Hậu Thượng Dương những tưởng mình lòng trần đã đứt từ lâu. Nỗi niềm u uất đối với Ỷ Lan và Thường Kiệt trước đây như gốc cây đắng sum suê đâm cành chĩa ngọn trong người bà. Song từ ngày được tha, không hiểu sao những mầm rễ độc ấy sụm xuống như một đống củi khô mặc cho lớp rêu phong quên lãng phủ dần lên. Nhưng rồi những tiếng binh đao từ trận mạc dội về đánh thức trong bà nỗi lo âu cho số phận của dòng họ Lý. Tiếp đến cái chết của hai Thái tử thực sự làm bà hoảng hốt. Thêm vào đấy những lời châm chích bóng gió của quan Thái Bảo Nguyễn Châu như những tàn lửa vô tình bay trên đám củi khô thù hận mà từ lâu bà đã ghim lại nén xuống tận đáy lòng. À, ra họ đã có ý định mượn tay người Tống giết dần giết mòn những bậc trụ cột của hoàng tộc. Họ đem giọt máu vương giả pha loãng trong nước sông Như Nguyệt. Đã thế họ còn ngang nhiên rước bọn con hát ra để mua vui trên xác chết hoàng gia. Trong tâm trạng ấy, bà tiếp tờ mật thư của vua Tống như đón một ân huệ. Bà thừa hiểu kẻ tội phạm gây loạn mà vua Tống ám chỉ trong tờ thư, không ai khác ngoài Thái Úy Lý Thường Kiệt. Mà điều ấy lại rất hợp với ý nguyện của bà. Ngoài ra bà không cần biết vì đâu bức mật chỉ này lọt đến tay bà và có nhằm mưu đồ gì không? Bà chỉ biết một gã phú thương như Đỗ đại nhân còn có lòng lo lắng cho vận mệnh nhà Lý huống hồ bà là giọt máu nằm ngay giữa chốn cành vàng lá ngọc? Muốn cứu dòng họ Lý phải nghĩ cách bắt Thường Kiệt nộp cho nhà Tống! Ý định sôi sục này làm mắt bà long lanh, đôi gò má ửng hồng. Bà cảm thấy như mình trẻ lại. Một cao kiến chợt nảy sinh trong đầu bà nhanh tựa tia chớp. Hóa ra khối óc trì trệ nông cạn của bà chẳng cung cấp được gì mới mẻ hơn ngoài cái mưu mẹo vặt vãnh bà thường dùng. - Đỗ đại nhân này, tên thư lại viết chữ ấy vẫn còn sống chứ? - Dạ tên thư lại nào ạ? – Trong một lúc bất ngờ, Đỗ đại nhân không kịp nghĩ ra. - Tên có hoa tay bắt chước y hệt chữ người khác ấy. - À! Dạ, còn ạ. - Thế thì lần này Đỗ đại nhân bảo hắn viết cho ta một bức thư từ Vạn Xuân gửi về. Phu nhân của Thái tử Chiêu Văn vốn là kẻ tâm phúc của ta – Một tiếng cười khẽ, tàn ác, bật ra từ cặp môi cắn chỉ của bà – một bức thư tố giác kẻ kia đã mưu hại Thái tử! - Ôi! Sao Hoàng Hậu lại có thể nghĩ ra một mưu kế thần tình như vậy! – Y cứ tấm tắc khen lấy khen để tuy y thừa biết cái mẹo cũ này bà đã dùng lần trước với Lý Ngân rồi – một bức thư trối trăng của Thái tử. Như vậy thì có trời xuống cũng không gỡ nổi tội cho Thái Úy Lý Thường Kiệt! Đỗ đại nhân ra về, Dương Hậu cho gọi ngay các cung nga thân tín lên gặp bà. Lần này bà sẽ lấy cớ lập đàn cầu chay, siêu sinh tịnh độ cho hai Thái tử để tụ họp bàn kín với các phu nhân trong hoàng tộc. Rồi một khi về đến nhà, các phu nhân sẽ biết cách lái các đức ông chồng đi đúng theo mưu sách mà bà đã vạch từ trước. Còn thuyết phục thêm họ thì đã có quan Thái Bảo Nguyễn Châu. Mọi việc bà sắp xếp có vẻ song suốt cả, duy có một điều bất ngờ mà bà chưa lường tới là Nguyễn Châu đã lẻn đến cung Kiền Hoa gặp Linh nhân Thái hậu Ỷ Lan. Trông thấy vẻ mặt rầu rầu của quan Thái Bảo, Thái Hậu Ỷ Lan lựa lời an ủi: - Xin Thái Bảo đừng quá buồn phiền. Việc trận tiền khó ai biết trước. Lang tướng rủi ro bị lọt vào tay giặc, đâu phải là nỗi buồn riêng của khanh. Cả Thánh quân cũng đang lo nghĩ đấy. Nguyễn Châu nhướng cặp mắt ngạc nhiên tưởng như lần đầu ông mới nhìn thấy Ỷ Lan: - Trời ơi! Sao Thái Hậu lại nói như vậy? Hạ thần cứ nghĩ chí làm trai gặp thời tao loạn là phải đem thân ra sa trường mong lấy da ngựa bọc thây để đền nợ nước, có sống cũng không hổ thẹn với cỏ cây, có chết cũng để xương thơm thiên cổ. Lão phu chẳng có điều gì phải ân hận buồn phiền. Cái dáng lo phiền hiện nay là… - Ông dừng lại như chợt nhận thấy điều mình sắp nói ra sẽ làm phiền lòng Thái Hậu. - Thái Bảo lo phiền việc gì vậy? - Ỷ Lan nôn nóng thúc giục. Hình như bà cảm thấy một nhu cầu nội tâm chính trực nào đẩy Thái Bảo phải phát giác ra cho bà biết điều ông đang ấp úng: - Thưa Linh Hậu, mới đây lão phu thấy bên cung Thượng Dương có nhiều dấu hiệu đáng lo. Có lẽ Dương Hậu đang mưu toan một việc gì đấy. Ỷ Lan quắc mắt: - À, con ngựa cái ấy được thả ra lại quen đường cũ! - Điều này lão phu mới hồ nghi bên lòng thôi. Chưa có gì rõ rệt lắm. Thái Hậu nên cho người theo dõi. Nếu có gì cấp thiết lão phu sẽ đến báo ngay với Thái Hậu. Ra khỏi cung Kiền Hoa, quan Thái Bảo Nguyễn Châu bỗng chợt thấy việc ông vừa làm dường như không phải hoàn toàn do ý mình muốn mà do một sức mạnh âm u nào ở đâu bên trong lôi cuốn ông đi.