êm càng vào sâu, ánh nến và ánh đèn lồng trên trà lâu càng sáng tỏa. Tiếng đàn, khổ trống, nhịp phách càng quyện vào rủ rê nhau đi hết độ trầm. Giọng hát của người kỹ nữ áo xanh đang ngân vút lên bỗng nghẹn đẫm xuống như những giọt nước mắt đọng lại đâu đó lơ lửng trong không trung: “Hoa đào sóng mấy độ sâu Cho người rũ sạch mối sầu giai nhân Gã chủ trà lâu béo múp míp, da thịt đỏ lự, chốc chốc lại chụm đầu thì thầm to nhỏ với tên hầu bàn. Cứ mỗi lần gã quay đi quay lại, cái cằm xếp nhiều ngấn lại căng phồng lên như nếp sóng lượn trên váy hồng đám con gái hầu rượu. Lòng gã đang có điều nghi hoặc. Thời buổi chinh chiến, họa hoằn lắm mới có dăm ba công tử mà gã thuộc mặt thâm thụt qua lại chơi vụng vui thầm chốc lát. Vậy mà tối nay bỗng nhiên ở đâu kéo đến quán gã nhiều vương tôn công tử lạ mặt. Kẻ nào cũng buồn chảy ra như vừa ở đám tang về, trên môi cố nhếch một nụ cười gượng gạo. Gã ốp cái mũi to tướng vào chiếc mành trúc, vẫn cái mũi ngày xưa đỏ bầm như quả mận chín, đưa cặp mắt ti hí kéo dài như sợi chỉ quan sát bên ngoài. Đám khách khứa tuy đông nhưng họ đang cùng ở trong một trạng thái giống nhau. Họ để hồn chìm đắm theo cặp mắt phủ sương khuya của người kỹ nữ thanh mảnh và dịu dàng như màu áo nàng đang mặc, trong nỗi buồn mây khói qua đêm dài hồng lâu. Duy chỉ có một vị công tử mặc áo gấm dài khoác chiếc áo chiên màu lam huyền ngồi cách biệt, cái bàn đặt sát ngay cửa ra vào của phòng gã. Cạnh y là tên đầy tớ già khúm núm đứng hầu, mặt cúi gầm hình như lão đã qua cái tuổi thích nhòm ngó những trò uốn éo làm duyên của các cô hầu rượu. Dáng chừng vị công tử này là giống ngựa nòi của hoàng tộc nên y không thèm bắt chuyện với ai để khỏi làm thương tổn đến phẩm giá con vua cháu chúa của mình. Y ngồi lặng lẽ nhấp từng ngụm trà thơm, đưa cặp mắt phượng khinh bỉ nhìn lũ người phàm phu thô tục đang hau háu nuốt ừng ực từng lời ca của người kỹ nữ. Mỗi lần dứt khúc ca, tiếng đũa rào rào chạm nhau, tiếng nốc rượu, tiếng chuyện trò lại nổi lên râm ran. Gã chủ quán lại vểnh tai nghe lén những mẩu chuyện trao đổi ở góc các bàn rượu. Người ta đang kháo nhau về những tin tức nóng hổi nhất trong buồi đầu xuân năm ấy: trận đánh Nham Biền, cái chết rùng rợn của hai Thái Tử trên sông Như Nguyệt, việc bắt lính ráo riết ở kinh thành, số phận của họ rồi cũng đến lượt phải ra chốn trận mạc để hứng chịu đạn đá của chiếc máy bắn đá mà họ chưa từng thấy… Hai người ngồi sát vị công tử khe khẽ nói với nhau về việc tìm mua giống ngựa nòi rất khan hiếm trong thời buổi này. Hóa ra bọn họ sắp phải tòng chinh, sống chết chưa biết thế nào nên mượn chốn ca lâu tửu điểm để khuây sầu. Gã chủ quán cảm thấy có phần nào yên lòng hơn, quay vào bán tính toán sổ sách. Ngoài kia thời khắc như không trôi mà đọng lại trên chiếu tiệc hoan lạc. Gã thoáng nghe như có tiếng khách chê mấy món thức nhắm rồi có nhiều bước chân đi xuống bếp sục vào tận phía nhà sau. Gã không buồn để ý vì tiếp đấy không có một tiếng động nào khả nghi cả. Chốc sau gã đứng dậy vươn vai đi lại ghé mắt nhòm qua mành trúc. Mồm gã há hốc, mắt mở to, sắc hồng trên khuôn mặt béo nhẫy của gã cũng biến mất. Cuộc chơi vẫn không ngừng nhưng đám trai gái hầu bàn tiếp rượu của gã đã bị trói giật cánh khuỷu, mồm nhét đầy giẻ, nằm sắp lớp ở một góc quán. Các công tử vẫn như mải mê nghe hát, chỉ có khác là mỗi người kèm một người, lưỡi dao nhọn cứ lăm lăm trong tay. Lính cấm vệ đứng đầy nhà. Họ vào từ lúc nào không biết. Gã định đưa tay giật chuông báo hiệu có biến nhưng một bàn tay khác nhanh hơn bẻ quặt tay gã ra đằng sau. Gương mặt của bị công tử kề sát vào mặt gã: - Lý Ngân tôi cam thất lễ. Việc của cung Thượng Dương quá gấp, người hãy dẫn ta đi gặp Đỗ đại nhân! Gã chưa kịp phản kháng thì những ngón tay rắn như sắt của lão Vũ đóng vai tên đầy tớ già ấn vào mạng mỡ gà khiến gã bủn rủn cả người. - Ta hứa sẽ tha mạng sống cho ngươi nếu ngươi biết điều chịu nghe theo lời ta – Lý Ngân khẽ dằn giọng từng tiếng một. Một cấm vệ khoác áo hầu bàn kín đáo chĩa mũi dao ngắn vào lưng gã. Gã chủ quán đành ngoan ngoãn bước ra, lần theo dãy nhà cầu xinh xắn dài hun hút mà Lý Ngân đã từng biết lúc chàng tới đây gặp lão Triệu. Đến trước một tấm cửa lớn, gã gọi khẽ: - Chú Ba ơi! Mở cửa cho anh Hai với! Bên trong có tiếng càu nhàu, tiếng động then cửa. Gã mắt lác bước ra kêu một tiếng sửng sốt: - Ủa, Công tử! Công tử đến đây à! Gã chủ quán vội đáp thay lời cho Lý Ngân: - Công tử có việc gấp của cung Thượng Dương. Chú Hai đưa công tử vào gặp anh cả. Anh Hai còn bận khách. Gã mắt lác lặng lẽ tuân lời đưa Lý Ngân và lão Vũ theo lối cầu thang hẹp bước xuống nhà dưới. Tiếng hát của người kỹ nữ áo xanh run rẩy nghẹn đầm nước mắt, vẫn văng vẳng dẫn người vào mộng mị liêu trai xanh xao màu son phấn: “Hoa đào sóng mấy độ sâu… Trong nhà sảnh, dưới ngọn đèn treo tỏa sáng, vẫn tên đầu quả dưa ngồi giữa sập, cặp môi mọng đỏ chót đang nhai trầu bỏm bẻm như ngày nào. Cũng vẫn gã mắt lác khom mình báo: - Thưa anh cả, có công tử Lý Ngân mang tin khẩn của cung Thượng Dương… Lý Ngân cảm thấy ở đây thời gian như mất cả uy lực. Con người và cảnh vật vẫn ở nguyên dạng cũ tưởng đâu như ba năm rưỡi vừa rồi chưa hề trôi qua… Tên quả đầu dưa thong thả đứng lên, trên môi vẫn phảng phất một nụ cười đỏ thắm cốt trầu, chắp tay cung kính: - Ôi! Xin chào công tử Lý Ngân! Cùng với lời chào, một làn kim khí sáng trắng từ ông tay áo gã vụt ra bay thẳng vào ngực Lý Ngân. Chàng chỉ kịp né mình tránh đòn bất ngờ, miệng thét ro: - Lão Vũ, coi chừng! Nhưng lão Vũ đứng sau lưng chàng điềm tĩnh khoa tay. Ngọn côn ngắn của lão đã dễ dàng gạt băng lưỡi dao lá trúc của địch và cũng vụt bay ra găm đúng vào giữa cổ họng tên đầu quả dưa xuyên suốt ra đằng sau gáy. Gã mắt lác vội quay lưng chạy. Cái nỏ bé đeo bên mình Lý Ngân đã nắm trong tay chàng, giương lên. Mũi tên sắt cắm phập vào lưng gã. - Thôi, công tử lo dẫn tên chủ quán vào ra mắt Đỗ đại nhân đi. Nói xong lão Vũ bước thẳng ra sau, biến mất trong bóng tối. Lát sau, tên chủ quán cùng Lý Ngân và lính cấm vệ nhẹ chân tiến đến ngôi nhà biệt lập có rặng trúc buông rèm. Lý Ngân đi trước nhón gót áp tai vào vách. Bên trong có tiếng Đỗ đại nhân hỏi một người nào đấy: - Thế nào, liệu lần này có khéo tay hơn trước không? - Dạ thưa chủ nhân, có mắt thánh cũng không tìm ra được nét nào sai sót. Mà chữ viết của Thái Tử thì chân phương lắm, nét nào ra nét ấy chứ không bay bướm như chữ của tướng quân Lý Quán. Lý Ngân chợt đứng sững. Cái gì… những nét chữ giống nhau… nét chân phương… nét bay bướm… Thái tử rồi đến tướng quân Lý Quán… Tại sao có sự trùng hợp của những người đã chết? … nét chữ! Gã chủ quán đưa tay gõ vào cửa bốn tiếng, hai tiếng nhanh, hai tiếng chậm. Im lặng giây lâu. - Có việc gì đấy? – Tiếng Đỗ đại nhân hỏi vọng ra. - Dạ thưa chủ nhân có người trong cung Thượng Dương muốn gặp chủ nhân hiện còn đợi ngoài lầu trà ạ. Cửa xịch mở. Lý Ngân lách người vào. Đỗ đại nhân đứng giữa nhà, một tay tì trên án thư nhìn ra. - Lý Ngân này không biết nên chào Đỗ đại nhân hay ngài Vệ Uông nhỉ? – Lý Ngân nhìn y, nụ cười mỉa trên môi. - Sao công tử lại đi bỡn kẻ thương nhân hèn mọn này – Y điềm tĩnh vừa trả lời vừa đi giật lùi lại sau. Lý Ngân tiến thêm lên vài bước. Một thanh gỗ không biết từ chỗ nào bất ngờ giáng xuống đầu chàng. Lý Ngân ngã xuống như một thân cây bị phạt gốc. Đỗ đại nhân cười nhẹ, quay ngoắt, mình đi vào phía trong đẩy cánh cửa kín, ẩn sau tấm rèm hoa, lần theo lối riêng ra ngoài bờ sông. Y vỗ tay ba tiếng làm hiệu. một chiếc thuyền con hình như bao giờ cũng chờ sẵn từ trước có người túc trực, nấp dưới lùm cây lòa xòa ven bờ, vội vã động chèo lướt tới. Một mùi hoa theo gió xuân chở đến nồng nàn, ngây ngất, say lử vây quanh người y. Đến bây giờ y mới mang máng nhớ ra, đang lúc trốn chạy, có một mùi hương trong đêm đuổi sát chân mình. Khi đặt một bàn chân lên sạp thuyền, y nhận ra đó là mùi hoa bưởi, thứ hoa các cô gái ven sông thường lấy gội cho thơm tóc hoặc cài trên vành khăn nhung những buổi đầu giêng. Y chợt thấy tiếc nuối, suốt cả một đời y chưa hề được phút giây thanh thao để hưởng chút ân huệ trong lành của thiên nhiên. Y buồn rầu nhìn những mảnh sao nhảy múa, tan vỡ tung tóe trên mặt nước và ra lệnh: - Sang sông! Nhưng chiếc thuyền cứ ỳ ra không nhúc nhích. Y giận dữ chậm chân quát khẽ: - Sang sông ngay! Trong đêm tối lờ mờ, từ cái bóng sù sụ tên phu sào thân tín của y, bỗng cất lên một tiếng cười lạ: - Mời Đỗ đại nhân hãy ở lại đã! Một ngọn côn ngắn, một miếng đòn hiểm hóc quen thuộc của dòng họ Vũ, quét ngang qua gối, khiến cả thân hình đồ sộ của Đỗ đại nhân sụm ngay xuống khoang thuyền.