Chương 35

    
ôi tự hỏi, nếu tìm khắp vùng Cornouailles này, đại tá Bennett có thể kiếm thấy được một cặp nào trầm tĩnh hơn hai người phụ nữ chúng tôi đang đánh bài trong phòng ăn của lâu đài Menabilly này không? Một người có vết sẹo dài trên mặt, một người thì tật nguyền. Phải, chúng tôi đã có khách, chúng tôi không giấu diếm điều ấy. Đó là Peter Courtney, con rể của ông Jonathan Rashleigh và anh ruột tôi, Robin Harris.
“Nhưng mà, chúng tôi hoàn toàn không biết gì về hoạt động của hai người đó. Họ đến và đã ra đi khi họ muốn. Còn tại sao gia đình Rashleigh lại để tôi ở lại đây một mình? Chẳng qua là vì tôi không còn nhà nào khác nữa. Chắc ngài đại tá Bennett quên rằng chính ngài, cách đây bốn năm, đã ra lệnh đốt nhà tôi ở Lanrest mà. Thật là một hành động lạ lùng của ngài đối với chúng tôi là láng giềng của ngài. Còn tại sao bà Gartred ở Orley Court, lại có mặt tại đây? Chuyện chẳng có gì lạ. Bà Gartred là chị dâu của tôi và chúng tôi đều là bạn xưa với nhau cả… Vâng, trong quá khứ, người ta hay ghép tên tôi với tên của ngài Richard Grenvile... Không, bà Gartred không hề có liên hệ mật thiết với người anh. Không, cả hai chúng tôi không biết gì về hoạt động của Richard. Chúng tôi cứ tin rằng Richard đang ở bên Ý… Vâng, vâng, xin quý ông cứ cho xét nhà. Đây, chùm chìa khóa đây. Các ông cứ tự nhiên. Chúng tôi không ngăn cản. Chúng tôi không phải chủ nhân lâu đài. Chúng tôi chỉ giữ nhà giùm ông Rashleigh vắng mặt...”
- Cô nói có vẻ thật, cô Harris - đại tá Bennett kết luận (ông ta chỉ gọi tôi là Honor khi trước đây chúng tôi là láng giềng với nhau) - nhưng sự việc anh cô và Peter Courtney có liên quan đến cuộc nổi dậy khiến ngôi nhà này trở thành khả nghi. Tôi sẽ đặt lính gác ở đây và khi ngài tư lệnh Hardress đến, ngài sẽ cho khám xét ngôi nhà này một lần nữa kỹ lưỡng hơn. Bây giờ tôi còn mỗi một việc...
Bennett chợt ngưng nói và nhìn Gartred
- Xin bà tha lỗi cho sự tò mò của tôi, thưa bà, vết thương trên mặt bà mới bị phải không?
- Một tai nạn, thế thôi - Gartred nói - Một cử chỉ vụng về và một vài cái ly bể.
- Bà muốn nói là vết thương... do sơ ý?
- Thế ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ có lẽ do một nhát kiếm. Xin lỗi bà nếu tôi nói thẳng. Nếu bà là đàn ông, tôi đã nói rằng bà vừa mới đấu kiếm với ai.
- Nhưng tôi không phải là đàn ông, thưa ngài đại tá Bennett. Nếu ông không tin, mời ông vào phòng ngủ của tôi, và tôi sẽ chứng minh cho ông thấy rằng tôi là đàn bà.
Đại tá Robert Bennett là một tín đồ thánh giáo. Ông ta giật mình lui lại và đỏ mặt tía tai trước những lời nói không cần che đậy của Gartred.
- Cám ơn bà - ông ta trả lời cộc lốc - Mắt tôi nhìn bên ngoài đủ rồi.
- Nếu xét đến thăng cấp mà người ta chú trọng đức tính lịch sự, thì ngài xứng đáng được liệt vào hàng đầu. Tôi không tin rằng ở Cornouailles này, ngoài ngài ra, còn có một sĩ quan nào khác từ chối lời mời lên phòng ngủ của Gartred này.
Gartred lại tiếp tục xóc bài, nhưng đại là Bennett đã đưa tay chặn lại.
- Tôi rất liếc - Ông ta nói vắn tắt - đối với tôi, bà là bà Antony Denys hay là bà Kit
Harris, điều ấy không quan trọng. Tôi chỉ biết bà thuộc họ Grenvile.
- Thì sao? - Gartred hỏi, vừa xóc bài.
- Tôi yêu cầu bà phải đi theo chúng tôi đến tận Truro. Ở đó người ta sẽ tạm giữ bà để điều tra. Và khi nào, đường xá an ninh hơn, bà sẽ được phép trở về Orley Court.
Gartred cất bộ bài trong túi xắc và chậm rãi đứng dậy.
- Tùy ngài - cô ta nhún vai nói - Chắc ngài có xe chứ? Tôi không đủ sức cầm cương ngựa đâu.
- Chúng tôi sẽ dành cho bà mọi tiện nghi, thưa bà. Viên đại tá quay sang tôi:
- Cô được phép ở lại đây cho đến khi nào tôi nhận những lệnh khác từ ngài tư lệnh Hardress. Có thể chỉ nội trong sáng mai sẽ có lệnh. Nhưng tôi thấy có bổn phận phải báo trước cho cô chuẩn bị đi khỏi nơi đây không được chậm trễ khi có lệnh. Cô hiểu chứ.
- Vâng, tôi hiểu.
- Tốt lắm. Tôi sẽ để lại lính gác trước cửa nhà với huấn thị nổ súng ngay vào bất cứ ai có hành vi khả nghi. Chào cô. Bà sẵn sàng chưa, bà Gartred?
- Vâng, tôi đã sẵn sàng.
Gartred quay sang tôi, khẽ nắm lấy vai tôi:
- Tôi rất tiếc không ở lại đây lâu. Cho tôi gửi lời thăm đến gia đình Rashleigh khi nào cô gặp họ và nhắn với anh Jonathan rằng muốn trồng cây con ngoài vườn, trước hết phải diệt hết chồn đi.
- Không dễ dàng đâu - tôi nói - Khó bắt được chồn lắm nhất là khi chúng trốn dưới hang.
- Hãy hun khói chúng - Gartred nói - đó là cách duy nhất, và hãy làm ban đêm. Vĩnh biệt, Honor.
- Vĩnh biệt, Gartred.
Cô ta bước ra và từ đó tôi không gặp lại Gartred nữa.
Tôi nghe những người lính nhảy lên lưng ngựa và đi xa dần. Chỉ còn lại lính gác ở các cửa ra vào, súng đeo vai.
Tôi giật dây chuông gọi Matty.
- Em hãy đi hỏi lính gác rằng đại tá Bennett có cho phép chúng ta ra ngoài vườn hóng mát không.
Matty trở lại ngay với câu trả lời:
- Đại tá Bennett đã ra lệnh cho các lính gác tuyệt đối không cho phép cô ra khỏi nhà.
Tôi nhìn Matty và cô ta nhìn lại tôi. Tôi hơi bối rối.
- Bây giờ là mấy giờ rồi? - tôi hỏi.
- Khoảng năm giờ.
- Trời sắp tối rồi - tôi nói.
- Phải.
Từ cửa sổ phòng ăn, tôi có thể thấy lính gác đi đi lại lại trước hàng rào vườn phía nam. Thỉnh thoảng, người lính dừng lại để nhìn xung quanh hoặc để nói chuyện với đồng nghiệp đứng gác gần đường đê. Nòng súng của họ bóng loáng dưới ánh nắng chiều tà.
- Em hãy đưa ta đi, Matty.
- Đi đâu, thưa cô? Lên phòng chứ?
- Không, Matty. Đưa ta lên căn phòng cũ, ở cánh tây.
Đã hai năm nay, tôi chưa gặp lại phòng cũ. Cánh tây của căn nhà vẫn ở trong tình trạng mà quân phiến loạn để lại hồi năm 1646. Không còn màn trướng phủ tường. Không có giường lẫn bàn trong phòng.
- Em hãy đến bên cửa đá - tôi thì thầm - thử đẩy xem sao. Matty vâng lời nhưng khối đá không hề rung chuyển.
- Không làm gì được - Matty nói - Cô quên rằng người ta chỉ mở được cửa này khi đứng trong đường hầm sao.
Không, tôi không quên. Tôi chỉ nhớ một điều, đó là lời nói của Gartred “Hãy hun khói”. Đúng, đó là cách duy nhất để gọi cha con Richard.
- Em hãy đi kiếm giấy và củi - tôi nói với Matty - và hãy chất gần cửa đá.
Khó có hy vọng khói sẽ qua được khe hở cánh cửa, lọt vào đường hầm, để làm hiệu cho Richard. Biết đâu chàng và Dick đang ở đầu đường hầm bên kia, dưới ngôi nhà nghỉ mát..
Chẳng mấy chốc, căn phòng đầy khói làm chúng tôi cay mắt và sặc sụa, Matty chạy đến bên cửa sổ mở hé ra.
- Có bốn kỵ sĩ đang băng qua hoa viên - Matty chợt lên tiếng - Những người lính như hồi nãy.
Tô sợ hãi đến toát mồ hôi.
- A! Lạy chúa! Chúng ta phải làm sao đây?
Matty khẽ khép cửa sổ lại, đến đập tắt những ngọn lửa và chà đạp những củi khô đang cháy dở.
- Để em đưa cô về phòng - Matty nói - đừng để cho họ thấy chúng ta ở đây.
Thế là Matty đưa tôi về lại cánh đông ngôi nhà. Cô ta đặt tôi lên giường, lấy nước rửa mặt và tay cho tôi. Các kỵ sĩ đã vào sân. Chúng tôi nghe tiếng họ đi bên dưới. Chuông ngoài cửa giật sáu tiếng, rõ ràng, đều đặn. Matty chải tóc và thay áo cho tôi. Một người hầu hoảng hốt đến gõ cửa phòng và báo tin có người cần gặp tôi. Matty và người hầu lại đặt tôi vào xe và đưa tôi xuống nhà dưới. Bốn kỵ sĩ đến, đúng như lời Matty nói. Ba người đang đứng trong đại sảnh và nhìn ra vườn, qua cửa sổ. Họ tò mò nhìn tôi ngồi trên xe lăn, do Matty và người hầu đẩy vào phòng ăn. Người kỵ sĩ thứ tư đang đứng trước lò sưởi, tay chống gậy. Anh ta không phải là lính như ba người kia, mà là anh rể tôi, Jonathan Rashleigh.
Trong chốc lát, tôi sửng sốt không nói nên lời. Kế đó, tôi thở phào, cảm thấy yếu đuối. Nước mắt tôi tuôn trào. Jonathan cầm lấy tay tôi, không nói gì cả. Dần dần tôi lấy lại tự chủ và nhìn rõ anh ta hơn. Chỉ mới ngồi tù hai năm ở Luân đôn mà tôi tưởng anh ta đã bị giam hai mươi năm. Lúc vào tù anh ta năm mươi tám tuổi. Người ta đã khiến anh ta thành bảy mươi trong hai năm. Tóc bạc trắng xóa, hai vai rút lại, lưng còng, đôi mắt trũng sâu.
- Chuyện gì xảy ra thế? - tôi nói - Tại sao anh lại trở về.
- Nợ đã trả xong - Jonathan nói bằng giọng ông già, chậm chạp và mệt mỏi - Bây giờ anh được tự do trở về Cornouailles.
- Nhưng lẽ ra anh không nên về trong lúc này - tôi nói.
- Anh đã được báo trước mọi việc - Jonathan nói.
- Anh đi bằng đường bộ hả?
- Không, bằng đường biển, trên chiếc thuyền riêng của anh, chiếc Frances thường hoạt động giữa Fowey và lục địa, chắc em còn nhớ.
- Vâng.
- Chính số hàng hóa trên tàu mới đủ trả nợ cho anh. Chiếc Frances đã đến đón anh cách đây tám ngày, ở Gravesend, sau khi Nghị viện cho phép anh rời Luân Đôn trở về đây.
- Chị Mary có đi cùng với anh không?
- Không, chị ấy đã cập bến Plymouth. Người ta đồn rằng Cornouailles đang có phong trào nổi dậy nên nhà làm quyền đã huy động lực lượng đến đó để tiêu diệt. Nghe nói thế, anh phải về đây nhanh, vì lo cho sự an toàn của em.
- Vậy là anh đã biết rằng John không có ở đây? Anh biết rằng em đang ở một mình?
- Phải, anh biết rằng em đang ở… một mình. Chúng tôi im lặng, mắt liếc ra cửa.
- Robin có lẽ đã bị bắt - tôi nói - Cả Peter cũng vậy, em sợ thế.
- Đúng vậy. Anh cũng nghe lính gác nói thế.
- Anh có bị nghi ngờ gì không?
- Chưa - Jonathan đáp.
Jonathan đưa mắt nhìn qua cửa sổ, nơi đó cái lưng rộng của người lính gác che khuất tầm nhìn. Đoạn, anh ta rút trong túi ra một tờ giấy, đúng hơn là một tờ áp phích mà người ta thường dán trên tường để truy nã tội phạm. Anh ta đọc:
“Người nào cố tình chứa chấp tên tội phạm mang tên là Richard Grenvile, sẽ bị bắt về tội đại phản nghịch. Tài sản sẽ bị tịch thu vĩnh viễn, và cả gia đình người ấy cũng bị giam cầm”.
Jonathan gấp tờ giấy lại.
- Những tờ áp phích như thế này được dán trên khắp các bức tường trong thành phố Cornouailles.
- Họ đã xét nhà cách đây hai giờ - tôi nói, sau một hồi im lặng - nhưng họ không phát giác gì cả.
- Họ sẽ trở lại sáng mai - Jonathan nói. Anh ta bước đến gần lò sưởi, vẻ suy tư.
- Chiếc Frances của anh sẽ ở lại Fowey một đêm thôi. Ngày mai, nó sẽ ra khơi đi Hà Lan.
- Đi Hà Lan?
- Phải. Viên thuyền trưởng là một người nhân hậu và rất trung tín. Anh rất tin tưởng ông ta. Trên thuyền có cả con gái của Richard.
Jonathan rút trong túi một tờ giấy khác và đưa cho tôi đọc. Nét chữ trong thư còn non nớt.
“Kính thưa cha. Nếu cha cần có con để phụng dưỡng cha lúc già yếu, cha biết rằng con đang chờ cha trên thuyền Frances. Hà Lan vẫn yên ổn hơn ở Anh Quốc. Cha có muốn cùng đi du lịch với con một chuyến không?
Ký tên: Bess, con gái của cha” Tôi giữ im lặng một lúc, tay cầm lá thư. Nếu có thì giờ, hoặc nếu muốn, tôi có thể đặt ra hàng ngàn câu hỏi. Những câu hỏi của đàn bà con gái, những câu hỏi mà chỉ có chị
Mary mới trả lời được, chẳng hạn như là: Con gái của Richard có đẹp không? Dễ thương không? Mắt, mũi, miệng cô ta có giống chàng không? Tóc hồng nâu phải không? Nhưng tình thế hiện nay không cho phép và tôi cũng chẳng bao giờ được gặp con gái của Richard.
- Anh đưa cho em lá thư này với hy vọng em chuyển cho Richard phải không? - tôi hỏi Jonathan.
- Phải - anh ta đáp.
Một lần nữa, Jonathan lại liếc nhìn lưng của người lính gác ngoài cửa sổ trước khi nói tiếp:
- Anh đã nói với em rằng chiếc Frances sẽ rời Fowey sáng sớm mai. Trong lúc tranh sáng tranh tối, nó có thể đón một người khách lạ mà không bị ai phát hiện.
Nhìn nét mặt của Jonathan, tôi biết anh ta đoán rằng Richard đang ẩn núp trong đường hầm.
- Lính gác khắp mọi nơi - tôi nói.
- Phải, nhưng chỉ ở phía ngôi nhà này thôi - Jonathan nói khẽ - phía bắc thì không. Một lần nữa, anh ta lại rút tờ áp phích trong túi ra và trao cho tôi.
- Em có thể đưa cho anh ấy tờ áp phích này. Tôi cất tờ áp phích vào túi áo trong.
- Anh yêu cầu em một điều nữa.
- Điều gì?
- Phải hủy hết mọi vết tích. Những người đến ngày mai sẽ có cái mũi thính hơn những người lính ngày hôm nay, bởi vì nghề nghiệp của họ là chuyên môn đi săn lùng và họ mang theo cả chó săn nữa.
- Nhưng họ sẽ không bao giờ khám phá ra được đường hầm bên trong ngôi nhà.
- Nhưng phía bên ngôi nhà nghỉ mát không được kín đáo lắm. Anh cho phép em hủy nó đi. Anh không cần nhà nghỉ mát nữa. Củi khô sẽ cháy rất nhanh trong thời tiết oi bức này.
- Tại sao anh không ở lại - tôi thì thầm - để tự tay làm công việc đó.
Nhưng, ngay lúc ấy, cánh cửa chợt mở và người lính trưởng toán đợi trong đại sảnh bước vào.
- Xin lỗi ông - người lính nói - Cuộc nói chuyện đã kéo dài mười lăm phút trong khi ông chỉ được phép mười phút. Xin ông vui lòng nói lời tạm biệt với bà đây và theo tôi về lại Fowey.
Tôi ngạc nhiên hỏi người lính:
- Nhưng tôi tưởng đâu ông Rashleigh đã được tự do rồi mà.
- Phải, nhưng trong tình thế rối ren hiện nay, em Honor yêu dấu - Jonathan nói xen vào
- Nhà cầm quyền thấy cần phải quản chế anh. Vì thế anh phải ngủ trong ngôi nhà thành thị của anh ở Fowey. Anh rất tiếc đã không nói trước cho em biết điều này.
Anh ta quay sang người lính:
- Tôi rất đội ơn ông đã cho phép tôi hội ngộ với em vợ tôi, bởi vì cô ta tật nguyền, sức khỏe lại yếu, gia đình chúng tôi có bổn phận phải lo lắng cho cô ta.
Nói xong, Jonathan bước ra, theo sau là người lính. Chỉ còn lại một mình tôi với lá thư và tờ áp phích trong túi. Mạng sống của hai cha con Richard và của cả gia đình Rashleigh tùy thuộc vào sự khôn khéo của tôi.
Tôi đợi Matty một hồi nhưng không thấy đến. Mất kiên nhẫn, tôi giật dây chuông. Một người hầu chạy đến cho tôi hay rằng không thấy Matty đâu cả.
- Thôi, không sao cả - tôi nói vừa giả bộ mở sách ra đọc.
- Thưa cô dùng bữa nhé. Đã gần bảy giờ rồi.
- Ừ - tôi nói, trong lòng lo lắng cho Matty.
Tôi ăn uống nhưng chẳng thấy ngon lành gì. Sau đó, ngồi dưới bức chân dung của ngài John Rashleigh, phụ thân của Jonathan, tôi lặng lẽ nhìn bóng tối vây quanh và những đám mây đen chạy trên bầu trời.
Gần chín giờ tối, cánh cửa chợt hé mở. Ngồi trên xe lăn, tôi quay lại, và thấy Matty. Cô ta đưa ngón tay lên môi, lặng lẽ đi đóng các cửa sổ. Sau đó, đến bên tôi, Matty thì thầm:
- Em đã lén đột nhập vào ngôi nhà nghỉ mát. Em nhấc tấm đan lên và đặt một lá thư trên bậc thang đường. Em viết trong thư rằng nếu sợi dây mở cánh cửa đá bên khi đường hầm vẫn còn sử dụng được, thì tối nay lúc đêm, họ hãy đến gặp chúng ta trong phòng cánh tây lâu đài.
Bàn tay tôi nắm chặt bàn tay Matty như để tỏ lòng biết ơn.
- Chúng ta hãy hy vọng gặp họ đêm nay - Matty nói.