ạnh trở lại Sài Gòn lần này với một bí danh mới: Năm Trang. Bốn năm ở rừng, muỗi a-nô-phen đã chê chị nên nước da vẫn không có dấu tích của bệnh sốt rét, đôi má vẫn có những gân máu nhỏ li ti, nụ cười thường kín đáo, phản chiếu lên đôi mắt. Chị vẫn giữ chiếc áo bà ba mầu lá khô và chiếc quần lãnh đen nhưng đôi dép râu chị đã để lại tặng cho một người bạn và nhận quyết định về “nằm vùng” Sài Gòn với một đôi dép nhựt quai trắng và giờ đây đã được thay bằng một đôi guốc Đakao. Hạnh thuê một căn gác rộng có cầu thang riêng, một căn gác gạch, trần đúc bê tông nền lát gạch bông hẳn hoi nhưng vẫn tối, vẫn ẩm, vì nó ở thụt trong hẻm, lại là một con hẻm hẹp đổ thoải thoải xuống dòng kinh. Hữu đến căn gác này khi trời chỉ còn một chút nắng hanh trên đầu bức tường của căn nhà trước mặt. Những ngày giữa tháng ba khi không có trận mưa giông nào, không khí thường oi nồng. Rất may, cái gác vượt cao lên khỏi những mái tôn thấp hai bên. Ba cái cửa sổ mở ra khoảng không, hai cái hướng về dòng kinh đón được một ít gió mát. Hạnh nói: -Cái hôm anh gởi cuộn băng vô thì tôi lại đi công tác. Lúc về nghe nói cứ tiếc hoài. -Tôi còn giữ một bản. Trước khi gởi vào tôi có sang thêm hai bản nhưng giờ thì lại không có đây. -Bữa nào tôi phải mượn anh, nghe lại. Vụ đó xảy ra vào lúc nào? -Đầu năm 1975. Buổi sáng ngày 1 tháng 1, một buổi thánh lễ cầu hòa bình ở nhà thờ X. Lực lượng sinh viên học sinh có hơn bốn trăm, hôm đó có rất nhiều tổ chức quần chúng. Chủ trương của ta là mạnh dạn liên minh với các tổ chức khác miễn là có cùng “khẩu hiệu”. -Tức là vụ mà anh đã thu trong cuộn băng? Hữu gật đầu: -Hạnh phải nghe lại cuộn băng mới thấy hết cái không khí sôi sục lúc đó. Tôi kể thì không cách gì lột tả hết. -Nhưng anh cứ kể hết đi, Hạnh nói, nghe rất thích. Dường như bữa đó đại tá Đệ nó phải năn nỉ lạy lục mình, phải không? Hữu cười cười: -Chị mở rộng cánh cửa sổ ra đi. Đúng là nó đã phải van xin bởi vì nó mù tịt không biết đoàn biểu tình là ai. Có hàng loạt tai to mặt lớn trong “Ủy Ban Chống Tham Nhũng” do Mỹ giựt dây nên nó sợ. Không dám làm dữ. Nhưng nếu không làm dữ thì làm sao dẹp biểu tình, do đó nó phải năn nỉ. Chắp tay xá. Nếu quý cha đi thế này thì con kẹt lắm. Thôi, xin quý cha quý anh quẹo đường Võ Tánh mà đi rồi giải tán. Hạnh biết không, ý đồ của nó bảo quẹo đường Võ Tánh là muốn đàn áp vì trên đường này có cái bót cảnh sát. Nhưng đoàn biểu tình cứ quyết định đi thẳng xuống chợ Phú Nhuận, hướng về phía đường Hai Bà Trưng. Đệ trở mặt. Nếu các người nhất định đi thì chúng tôi nhất định có biện pháp. Thế là đánh nhau. Dữ dội. Chị nghe băng sẽ thấy sự dữ dội ấy tới mức nào. Tên Đệ mập, to, đeo kính đen, hung hãn chỉ huy trận đàn áp. Cảnh sát nhào tới chụp ngay một em thiếu niên cầm biểu ngữ, cố ném em lên xe, bị em này đánh trả. Một tên cảnh sát dã chiến nhào tới ôm một chị, bị cắn ngập dấu răng vô cánh tay khiến hắn phải rú lên kinh hoảng. Bọn dữ dằn như thế mà quần chúng cũng trào tới. Tên Đệ bị hất văng kính đeo mắt. Bây giờ bọn mình còn giữ cái kính đó làm kỷ niệm. Trận này nó sợ mình thực sự mặc dù nó tấn công cũng thật sự, đánh cả dân biểu, cả linh mục, không bỏ sót ai. Hạnh quấy chiếc muỗng lách tách trong ly trà chanh đường nóng bốc khói của mình. Chị hỏi: -Nhưng làm thế nào ta có thể tổ chức được một buổi cầu hòa bình ngay trong nhà thờ ấy? -Khó lắm chớ. Cha xứ ở đây chống đối kịch liệt, gần như giận dữ. Khi anh H giới thiệu thành phần tham dự, thấy có đông đủ những bộ mặt chính trị gia tên tuổi ở Sài Gòn, những tai to mặt lớn trong lực lượng thứ ba, những linh mục, trí thức tiến bộ có uy tín trong giới trẻ và đông đảo học sinh sinh viên với cả lô ủy ban này nọ ông ta đã phát rét. Anh H vừa giới thiệu xong là mọi người vỗ tay rào rào, ông ta hoảng quá hét lên trong mi-crô: “Không ai được phép vỗ tay! Đây là nhà thờ, không có ai được phép vỗ tay. Không có ai được nói cái gì ở đây hết. Tôi làm lễ cầu nguyện đây. Ai muốn nói gì, ra ngoài”. Thế là bắt vô: “Nhân danh cha và con và thánh thần Amen. Chúa ở cùng anh ch…ị…ị… em. Và ở cùng ch… a”. Hạnh mở tròn mắt nghe. -Rồi thánh lễ cứ cử hành? -Dĩ nhiên. Nhưng ngoài sân một thánh lễ khác cũng được cử hành. Tức quá, nếu có cái băng ở đây mình sẽ cho Hạnh nghe đoạn này. Vui lắm. Cái cát-xét thật tốt, nó thu được cả tiếng nói xầm xì chen lẫn vô tiếng phát biểu. Bắt đầu hát đi! Hát đi! Rừng núi giăng tay… h… a… i… b..a… Tiếng hát dậy lên, bùng lên, so le như những ngọn lửa nhỏ rồi nhóm lại rất nhanh thành ngọn lửa lớn. Dậy mà đi, dậy mà đi. Hát như thét. Ai chiến thắng không hề chiến bại… Tiếp theo là bản cáo trạng đòi thi hành hiệp định Pa-ri, đòi thả tù chính trị, thả tất cả các học sinh sinh viên bị bắt, đòi hủy bỏ sắc luật tổng động viên, đòi chấm dứt âm mưu cải tội danh “tù chính trị” thành “thường phạm” v.v… Rồi đại diện học sinh, đại diện công nhân… Lúc ấy chuyến xe lửa chín giờ sáng từ Biên Hòa trở về, đi ngang qua, nếu nghe băng Hạnh sẽ nghe một hồi còi tàu dài. Và hôm sau cuốn băng được gởi vô “cứ”. Trận ấy được đánh giá là một cao điểm của thắng lợi nhưng chưa phải là hết. Sẽ còn có những cao điểm khác nữa. Hữu nói năng dứt khoát, phấn khởi, có lẽ một phần nhờ ảnh hưởng của những giọt cà phê. Anh đứng lên, khoái trá đi lại phía cửa sổ đón cơn gió mát. Khói thuốc bay tản mạn trong phòng.