- Keeng keeng keeng keeng.... - Keeeng keeng keeng keeng keeng.... Thanh tà-vẹt treo trên cây sấu đung đưa một cách bạo liệt. Gã trai to lớn, vẻ thô kệch và hung dữ, hẳn là vừa được tuyển từ công trường xẻ đá hay trạm cưa gỗ về đang ra sức gõ cây búa đại lên tấm tà-vẹt để báo hiệu giờ ăn sáng. Cái dụng cụ thô kệch này xem ra hữu dụng bởi tiếng kẻng ngân nga vang dội khắp các khu nhà bệnh viện, có lẽ chỉ thua có tiếng còi xe cứu hoả mà thôi. Khi tiếng kẻng dứt, cũng là lúc xe chở thức ăn sáng cho bệnh nhân từ phía đầu hành lang tiến đến. Từ các phòng, đám người chăm sóc bệnh nhân lục tục xách cà-mèn hay tô đĩa ra nhận phần ăn sáng cho người thân; Vũ lặng lẽ quan sát họ, cái xã hội thu nhỏ, nơi chiến trường giữa sự sống và cái chết, nơi sợ hãi đau khổ lẫn hy vọng nhào trộn, trở nên nhù nhoà mờ nhạt với tháng năm, nơi đa phần con người sống như sự thực hành đơn giản một thói quen. ― Nhưng đâu chỉ đám người vô danh tá túc trong những dãy nhà ngột ngạt này chấp nhận kiểu sống như vậy? Ngay cả những kẻ thông minh trác tuyệt, hoặc ít nhất cũng đã từng được coi như kiểu mẫu của sự sáng suốt, của tính chính trực và tinh thần tự trọng cũng nhiều phen chấp nhận cuộc sống tầm thường như đám đàn bà quê mùa đang chen chúc nhau quanh xe thực phẩm kia. Đương nhiên, họ chẳng cần dán mắt hau háu nhìn vào cái muôi đang khuấy nồi cháo thịt, hoặc đo đếm xem xuất bánh cuốn cô hộ lý chia cho mình có đủ tám chiếc hay chỉ có bảy chiếc thôi. Đương nhiên, họ cũng không đau khổ vì thiếu một chiếc chăn mùa đông hay thiếu vài đồng đưa cho con lên đường ngày nhập ngũ. Nhưng xét một cách thực sự, họ cũng chỉ sống đúng như những cái máy thao tác những động tác đã đưa sẵn vào lộ trình, hoặc đúng hơn, như những con rối múa may theo các tích tuồng viết sẵn. Vào buổi sáng được tin cô Xuân bị giết, ông đã tới gặp những con người được coi là ― kiểu mẫu lương tâm. Lúc đó, chưa đến giờ làm việc nên ông cho xe phóng thẳng đến nhà riêng của họ. Trước tiên, ông lên gặp thủ tướng Tô. Ông không phải chờ một phút vì chính ông ta cũng đã thức dậy, quần áo chỉnh tề ngồi trong phòng làm việc. Trước mặt là tách cà-phê và cuốn ― Đại Việt sử kí toàn thư, cuốn sách mà lần nào tới cũng thấy đặt trên bàn. Cuốn sách kinh niên ấy đang mở và chủ nhân đang đọc sách một cách chăm chú đến mức mặt cúi gằm xuống gần như sát vào trang giấy. Khi Vũ bước vào, ông ta vội vã đứng lên, nhưng không phải để bắt tay ông theo phép lịch sự mà là để đóng chặt hai cánh cửa phòng. Lúc quay lại, gương mặt ông ta đầm đìa nước mắt. - Anh... Vũ vừa cất lời, thủ tướng đã vội xua tay ra hiệu cho ông im tiếng. Rồi ông ta nhắm mắt lại và những dòng nước mắt tuôn chảy không ngừng từ cặp mắt nhắm nghiền ấy. Cầm lòng không đậu, Vũ cũng khóc theo. Cứ như thế, cả hai cùng khóc. Thủ tướng đứng tựa lưng vào cửa còn ông đứng ngay giữa phòng. Hai người đàn ông đối diện nhau, không thốt một lời, không phác một cử chỉ, không làm gì hơn là đầm đầm trút lệ. Họ cùng khóc như những người đàn ông khác cùng uống trà hay cùng nhâm nhi ly rượu. Khóc một cách thầm lén, ghìm giữ nhấn nuốt tiếng nức nở vì sợ lính gác ngoài hành lang nghe thấy. Họ khóc, trong sự tự kiểm soát và trong im lặng. Chính lúc ấy, ông hiểu thế nào là đau khổ và nhục nhã. Những dòng nước mắt lai láng của họ vừa là để tiếc thương cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh vừa là cơn thổ lộ những nhức nhối trong tâm can. Một gã đàn ông bất lực thảm hại hơn mười lần một người đàn bà yếu đuối. Bởi nó sinh ra để làm đàn ông, sinh vật tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy. Một bậc nam nhi bất khả hành động, chỉ biết dìm cay đắng hay uất hận trong nước mắt nào khác chi đứa trẻ lên năm? Có lẽ vì ý thức được điều đó nên ông ngẩng lên trước tiên, lau mặt. Trong khi đó, thủ tướng vẫn tiếp tục khóc, những ngón tay dài và mảnh che khuất gương mặt chữ điền. Vũ chú ý đến những ngón tay ấy bởi người ta thường gọi kiểu tay ấy là tay búp tháp. Những ngón tay ấy run rẩy từ gốc lên ngọn, giống hệt những cọng lau run rẩy trước cơn gió dữ: ― Phải chăng vì bản chất thư sinh nên ông ta bị áp chế và biến thành một thứ búp-bê thông thái trong bộ máy quyền lực này?... Vũ nghĩ hoài điều đó trong khi chờ thủ tướng ngớt cơn xúc động. Tô đã khóc rất lâu, từ rất lâu trước khi ông bước vào phòng. Cuốn ― Đại Việt sử kí toàn thư mở ra là để hứng những dòng lệ tuôn như suối. Hai trang sách phồng rộp lên từng đám vì ngấm nước: ― Ông ấy không chỉ khóc cho cô Xuân. Ông ấy khóc cho cả bản thân mình. Chắc chắn là như thế! Vũ bước đến, đặt tay lên vai thủ tướng thay cho lời chào trước khi quay ra: « Ta sẽ chẳng kiếm được một chút cỏn con sự trợ giúp nào từ con búp-bê thông thái này, ngoài những dòng lệ sướt mướt. Cái dinh thự nguy nga trước mắt ta chỉ là một toà nhà vô vọng...Nhưng ta cũng chẳng thể buông xuôi tay...Còn nước còn tát ». Xuống đường, ông bảo lái xe: - Bây giờ chúng ta tới nhà đồng chí phó bí thư. Giờ này hẳn đồng chí ấy chưa đến phòng làm việc. - Vâng. Còn một tiếng rưỡi nữa mới tới giờ hành chính. Người lái xe lượn trở lại đường Hoàng Diệu, con phố nổi tiếng vì là nơi cư trú của các bậc « Lương đống triều đình ». Hai hàng cây bên hè đứng im như hoá đá trong sương lạnh. Vũ bảo người lái xe dừng lại nơi ngã ba cho ông xuống rồi anh ta có thể tự do vào phố tìm quán điểm tâm. Đoạn, ông thả bộ đến nhà phó bí thư Thuận. Ngôi nhà này vốn dĩ đã là biệt thự kiên cố của một quan chức Pháp. Nhưng ban quản trị trung ương đảng lại sửa chữa cho thêm phần an toàn. Họ thay thế hàng rào bằng tường kín, cho xây thêm cổng phụ và chòi canh khiến cho người đứng ngoài nhìn vào, có cảm tưởng đây là nhà tu kín hay kho vũ khí. Vũ dừng lại trước thanh chắn cổng đồ sộ, sơn khúc trắng khúc đỏ như kiểu các thanh chắn nơi bến ga bến tàu. Một ổ khoá to hơn bàn tay treo lủng liểng nơi cổng chính. Chưa đến giờ mở cổng chính nhưng người lính gác đã nhìn thấy ông, vội bước ra chào rồi mở cánh cổng phụ cho ông bước vào. Đoạn anh ta lại chui vào chòi gác, nhìn theo. Vũ cảm thấy cái nhìn đó dính vào lưng ông. Sự xui khiến của linh giác báo cho ông rằng từ nay, bất cứ nơi nào ông đặt chân tới đều bị kiểm soát một cách chặt chẽ bởi những cặp mắt người trần cũng như những ống kính được nguỵ trang: « Ta không ngờ tình thế đến nỗi này. Nhưng đã muốn chơi thì chấp nhận chơi. Xem chúng bay làm gì được ta? » Bản tính Vũ hiền lành nhưng khi bị thách thức ông đột nhiên trở thành lì lợm. Ông bước thẳng đến toà biệt thự. Lúc đó, chủ nhân cất tiếng ông gọi từ khu vườn bên trái: - Tôi ở đây. Vũ ơi. - A. - Tôi ở đây cơ. Cậu không thấy những luống hồng vàng đang nở rộ à? Lại đây. Đợt hoa này chỉ kéo dài vài tuần lễ thôi mà giống hồng này đặc biệt quý hiếm và khó chăm sóc. Thuận đang đứng trong vườn, mặc bộ pi-ja-ma xanh da trời sọc trắng. Quả thật trước mặt ông ta là một vườn hồng vàng đang nở rộ. Những cánh hồng mướt mịn như nhung mỏng. Màu vàng của chúng chung chiêng giữa vỏ chanh chín với lòng đỏ trứng gà. Một thứ màu nhẹ nhàng mơ ảo. Một thứ màu phơn phớt như hồ nghi, như có thể bay lên tựa cánh chuồn cánh bướm, như có thể bốc hơi tựa làn sương. Giá như ở hoàn cảnh bình thường, cảnh tượng thật đáng chiêm ngưỡng. Nhưng lúc ấy, mọi vẻ đẹp đều khiến ông sôi máu: - Vườn nhà anh đẹp thật. Hoa hồng nhà anh tuyệt thật. Vũ vừa nói vừa tiến lại phía chủ nhân với nụ cười: - Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một vườn hồng tươi đẹp nhường này. Thiên thai cũng chỉ đến thế mà thôi. Trên đời này dễ mấy ai được hưởng? Thuận im lặng trước câu nói không che đậy vẻ khiêu khích lẫn sự móc máy chua chát. Ông ta tiến đến phía Vũ, chìa tay ra bắt rồi hạ giọng thì thào: - Tôi đứng ở đây là để chờ cậu. Không cần gây sự với tôi. Chúng ta đi về phía cuối vườn để có thể nói chuyện một cách an toàn. Họ đi song song hai bên luống hồng và tiến về phía cuối khu vườn, nơi các luống hồng bị ngăn lại bởi một hàng diên vĩ. Dãy cây này viền quanh một vạt đất chạy dọc chân tường lan sang tận khu vườn đối diện tạo thành hình chữ L. Vạt đất ấy trồng cỏ kim. Hai người đứng giữa đám cỏ xuân xanh rờn. Nếu không cất lời, có thể nghe rõ tiếng gió thì thào trong đám cây dâu da nơi góc tường vọng lại. Đưa mắt nhìn quanh, Thuận gật gù: - Ở đây, cây sậy thành Ba-tư không mọc được. Rồi quay sang Vũ, hỏi: - Ai báo tin cho cậu sáng nay? - Một giọng nguỵ trang, vẻ như bịt mũi hay bị ốm. Còn anh? - Cũng chính cái giọng ấy báo tin cho tôi, vào lúc chưa đầy năm rưỡi. - Với tôi, cũng chính vào giờ ấy. - Theo cậu, ai là kẻ có thể báo tin này cho chúng ta, với cái giọng méo mó một cách cố tình như vậy? Sao anh lại hỏi tôi? Anh là uỷ viên bộ chính trị, phó bí thư đảng. Nói theo kiểu ngày xưa, anh là một trong tứ trụ triều đình. Còn tôi? Tôi chỉ là một gã loèn quèn, đứng dưới anh không biết bao nhiêu cấp ngạch; nếu hiểu một cách thuận lý, chính tôi mới là người được quyền hỏi anh. Thuận im lặng thở dài, ông ta cúi nhìn thảm cỏ kim dưới chân như muốn tìm trong những lá cỏ li ti kia lời giải đáp. Lát sau, ông ta giãi bầy một cách chậm rãi: - Tôi biết tôi có lỗi, bởi chính tôi là người cam kết bảo đảm an toàn cho ba mẹ con cô Xuân trong phiên họp quyết định của bộ chính trị về vấn đề này.Tôi không ngờ cơ sự xảy ra. - Anh không ngờ? Hay là anh có ngờ nhưng anh buông tay cho kẻ khác hành động? Thuận ngước lên nhìn ông: - Tôi cũng là con nhà có dạy, được học hành tử tế, Vũ ạ. Bởi thế, tôi xin cậu đừng đổ ngờ cho tôi những điều bỉ ổi như vậy. Nếu không vì tôi thì ít nhất hãy vì lòng khoan dung trước vong linh những người sinh trưởng ra tôi. Họ đều là những người tử tế. Tôi không nói dối, trước hết, với một người như cậu. Giọng ông ta rung động và hai cánh mũi dầy thịt của ông ta bắt đầu hoe hoe đỏ. Vũ biết rằng ông ta nói một cách chân thành và sự thành thực ấy rụi bớt một phần ngọn lửa căm giận đang cháy phừng phừng trong tim ông. Thuận tiếp tục: - Lỗi của tôi chính ở chỗ tôi không học được chữ ngờ. Tôi không dò nổi những ngóc ngách tối tăm trong tâm địa con người. Tôi vẫn nghĩ như hồi còn sống trên chiến khu: khi bộ chính trị đã đồng lòng thì mọi việc cứ thế tuần tự như tiến, chẳng cần suy tính. Sự việc này khiến tôi ngã ngửa người. Thế cờ đã đổi, thời cuộc đã thay mà tư duy của tôi vẫn giản đơn như những năm quá khứ.. Giờ, sự đã rồi, tôi biết làm sao? Vũ tức khắc ngắt lời: - Sự đã rồi và giờ đây anh thở than rằng biết làm sao? Nói nghe đơn giản thật! Này anh Thuận, hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của người khác, dù chỉ một lần. Lúc này, anh đang đứng nói chuyện với tôi. Nhưng lát nữa, chỉ cần bước chưa đầy một trăm bước chân là vào đến ngôi nhà lộng lẫy kia, trong đó nào vợ nào con nào cháu nội cháu ngoại....cả một bầu đoàn đông đúc. Trong cái bầu đoàn ấy, chẳng ai phải chịu cảnh cô đơn trơ trọi, cũng chẳng đứa bé nào rồi đây sẽ phải chịu cùng một lúc kiếp mồ côi lẫn kiếp lưu đầy. Những đứa trẻ bị lưu đầy trên chính quê hương mình. Lảng tránh cái nhìn xoi mói và phẫn nộ của anh, Thuận đưa mắt nhìn cụm dâu da nơi góc tường tiếp giáp cổng chính, hạ giọng: - Tôi biết rằng tôi có lỗi với ông cụ. - Anh nghĩ gì về con người đó? Giờ đây ông cụ sẽ sống ra sao khi chính những kẻ vẫn mệnh danh là anh em đồng chí giết hại người ruột thịt của mình? Hay các anh, mười hai con người quyền lực nhất nước này cho rằng ông cụ không phải là con người mà chỉ là gỗ đá? Vì rằng chính anh là người đầu tiên và người can thiệp quyết liệt nhất để bãi bỏ đề nghị công khai hoá quan hệ của anh Cả với cô Xuân. Vì rằng ý kiến của anh có tính chất quyết định, có sức mạnh thuyết phục thậm chí khống chế nhiều người khác. Tôi đã hỏi kĩ anh Tô về cuộc họp ấy. - Tôi biết rằng cậu đang vô cùng căm giận, chẳng những riêng tôi mà tất cả những ai bãi bỏ mối quan hệ này. Nhưng thực tình, chúng tôi hành động chỉ vì quyền lợi của dân tộc, và cũng vì uy tín của chính ông cụ. - Tôi đã nghĩ mãi về cái điều mà các anh thường gọi là uy tín của cán bộ lãnh đạo, là thần tượng hay hình ảnh người dẫn đường cho nhân dân. Tôi thấy đó là thứ lý thuyết kì cục và khiên cưỡng. Cuộc đời này đầy rẫy những người đàn ông lớn tuổi yêu đương say đắm những người đàn bà trẻ hơn mình. Không chỉ trong hàng vua chúa mà trong cả đám dân đen. Nếu tôi không nhần ngay ông nội anh cũng có một nàng hầu hai mươi tuổi khi ông cụ đã bảy mươi hai. Điều này là thực hay là bịa? - Điều đó là thực, dù ông nội tôi chỉ là chánh tổng. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông cụ ngủ trưa, gối đầu lên đùi người đẹp hai mươi tuổi đó và nàng ta phe phẩy quạt hầu. Tôi cũng nhớ rằng bà nội tôi ăn cơm với hai người trên nhà chính còn gia đình chúng tôi ăn cơm riêng ở nhà ngang. Tôi cũng nhớ rằng nàng hầu này lảy kiều rất hay và khi ông tôi hứng lên thường yêu cầu chị ta hát chầu văn phục vụ khách khứa..Tất cả đều rất thực, Vũ ạ. Nhưng riêng với anh Cả, sự đó không thể chấp nhận vì ông cụ không thể chỉ sống riêng cho bản thân. Ông cụ là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường cho cả dân tộc. - Vì là ngọn đuốc soi đường nên ông cụ buộc phải thiến như đám hoạn quan thời xưa hay buộc phải sống chui lủi như kẻ buôn lậu? Cái trò này chính các anh đã đặt bầy. Khởi sự từ việc cử cô Minh Thu vác chiếu vác chăn đến ngôi nhà sàn trên chiến khu. Nếu bây giờ, tổ chức đảng yêu cầu anh lấy cô Minh Thu thay vì người đàn bà mà anh đang chăn gối, anh tính ra sao? Thuận im lặng. Ông ta lại cúi xuống tiếp tục nhìn chăm chú thảm cỏ dưới chân. Một đám diệp lục mềm mại tựa lông nhung và trông ngon lành như có thể ăn được. Vũ tiếp tục: - Tôi không hiểu nổi danh từ đồng chí hay chiến hữu mà các anh nói như hát trên đầu lưỡi. Thực tình, tôi không hiểu. Từ xưa đến nay, loài người liên kết được trước hết là nhờ sự cảm thông. Đám chúng sinh thấp cổ bé họng cũng biết nói câu: ― Ai cũng xương cũng da, dao cắt vào thịt nào cũng chảy máu „. Người theo đạo Phật ắt biết câu nói nổi tiếng của Thích ca:― Máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn „ Đạo Thiên chúa cũng dậy con người chớ gây cho kẻ khác điều mình không muốn. Dù tôn giáo phương tây hay phương đông, con người đều được học cách cư xử như vậy. Huống chi các anh, những kẻ tự coi là tinh hoa của dân tộc, là lớp người có đủ thông minh lẫn can đảm, nòng cốt của một đảng bách chiến bách thắng? Trở lại chuyện gia đình anh Cả, tôi cần nhắc anh nhớ lại một trường hợp tương tự trong lịch sử, đó là chuyện tình giữa Nguyễn công Trứ với người vợ ba của ông. Vị quan lớn đa tình và đa tài này từng nói một câu nổi tiếng: ― Ngũ thập niên tiền... Thuận gật đầu, đọc tiếp: - ― Ngũ thập niên tiền, nhị thập niên― Năm mươi năm về trước ta là chàng trai hai mươi tuổi. Đấy là cách diễn đạt hết sức khôn ngoan dí dỏm với bạn tình...Ngay với mối tình lãng mạn ấy, Nguyễn công Trứ vẫn là một gương mặt hiển hách trong lịch sử. Chuyện đó nữa, tôi cũng có nhớ, Vũ ạ, chỉ có điều là... - Chỉ có điều là...sao? - Có điều là chính ông cụ cũng chấp nhận sự hy sinh ấy. Chính ông cụ cũng không phản bác. - Trên nguyên tắc biểu quyết, một mình ông cụ không thể thắng nổi mười hai người. Nói cho thật cặn kẽ chỉ một mình anh Tô muốn ủng hộ ông cụ. Nhưng sau rốt bị đám đông uy hiếp nên anh ta đành đổi hướng theo các anh. Như thế, về lý, ông cụ là tuyệt đối thiểu số. Còn về chữ tình, không nói cũng hiểu rằng ông cụ trông mong ở sự thông cảm của các anh, những người xưa nay vừa là đồng chí vừa là đàn em. Từ ngày khởi đầu cách mạng cho đến lúc này, mọi sự vẫn diễn ra như vậy. Có điều ông cụ không nhận ra rằng tình thế đã đổi thay. Rằng những ngày xưa thân ái đã chết rồi. Và nó đã bắt đầu chết một cách thật sự ngay khi các cánh quân rời bỏ núi rừng để tiến về năm cửa ô thành phố. Rằng giờ đây tất cả anh em đồng chí chỉ còn là đám người buôn chung một món hàng trên một con tầu vượt đại dương mà vì tiền lời của món hàng đó, các anh có thể quẳng xuống biển bất cứ kẻ vô tội nào cho nhẹ gánh. Rằng trước mắt các anh, ông cụ chẳng còn là bậc huynh trưởng thân thiết mà chỉ đơn thuần là con vật hiến tế cho vị thần cách mạng. Cuộc cách mạng này trước hết đem lợi nhuận cho các anh, những kẻ toạ hưởng kì thành. Điều ấy tôi nói sai hay đúng? Thuận không trả lời, ông ta đứng như bức tượng, dán mắt vào mũi giầy, loại giầy hở gót đi trong nhà, bằng da bò đột lỗ. Vũ cúi nhìn đôi giầy yểu điệu ấy và không hiểu vì đâu nó khiến cho ngọn lửa trong lòng ông bỗng nhiên bốc cao như được tưới dầu: - Anh là người nhiều chữ nhất trong số mười hai nhân mạng ở bộ chính trị. Anh thông thạo cả tiếng Tàu lẫn tiếng Pháp, anh thuộc làu kinh điển cổ lẫn kim. Anh thừa biết rằng nếu ông cụ lấy cô Xuân thì cũng chỉ là đàn ông một vợ đàn bà một chồng, chưa đến mức đa thê như quan thượng thư Nguyễn công Trứ. Hãy trả lời cho tôi rõ, tại sao Nguyễn công Trứ có thể mà ông cụ thì không? Đã bao giờ anh tự đặt câu hỏi này chưa? - Chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều này. Thuận thú nhận một cách chậm rãi, dường như vừa nói vừa nhai mỗi lời vừa thốt ra khỏi miệng: - Thành thực mà nói, đúng là tôi chưa từng nghĩ tới điều này. - Vậy thành thực mà nói, anh nghĩ tới điều gì? Cái gì chứa chất trong sọ não của các anh, những kẻ tự xưng là đàn em thân thiết của ông cụ? Thuận không đáp. Vũ cảm thấy một cách vô cùng chân xác dòng thác lửa đang cuồn cuộn chảy. Một dòng thác lửa. Chúng sắp nhấn chìm ông, sắp biến ông thành tro than. Và cùng với ông, những kẻ liên đới. Ý muốn tàn sát thiêu huỷ khởi dậy trong tâm hồn ông. Ông nhìn thấy cơn ham muốn đó nở phình ra như trái bóng bơm căng. Một ham muốn điên cuồng: « Ta phải chạy khỏi nơi đây. Ta phải đi ngay cho khuất mắt. Ta không thể chịu đựng được cái gã mặc bộ đồ pi-ja-ma sọc và đi giầy hở gót này. Cái gã đàn ông đang nhởn nhơ thở hít vườn hồng ngào ngạt của y. » Vũ thầm nghĩ. Cố gắng dằn cơn thù hận, ông nói: - Tôi phải về, vì còn hai đứa con ông cụ. Tôi báo cho anh biết trước nếu anh không tức khắc ngăn chặn, lũ côn đồ sẽ tiếp tục ra tay và sinh mạng hai đứa trẻ phải tiêu vong. Lúc ấy, e rằng chính anh cũng không sống nổi nếu anh vẫn còn có lương tâm, cho dù một mảy lương tâm rơi rớt.. - Này Vũ... Thuận không tỏ ra một chút bực dọc. Ông ta vẫn cúi xuống, dán mắt vào vườn cỏ như muốn tìm một thứ trợ giúp tinh thần hoặc một niềm an ủi trong những lá cỏ xanh: - Tôi biết cậu giận tôi lắm. Cậu chưa đến mức căm thù hay manh động đã là may. Bởi ai cũng biết cậu là người gắn bó nhất với ông cụ trong đời sống tình cảm. Rằng hồi ở chiến khu chính cậu đã sang bên thành đoàn để gặp gỡ cô Thanh Tú. Cũng chính cậu can thiệp để cô Minh Thu thôi vác chăn vác chiếu đến ngôi nhà sàn. Rồi cũng chính cậu dẫn cô Xuân đến nơi ấy. Rằng cậu là người duy nhất mà cô Xuân tin cậy và phó thác tổ chức cuộc đời. Rằng cậu cũng là người duy nhất mà ông cụ có thể nói mọi chuyện một cách không kiêng dè, không ý tứ. Chúng tôi chưa quên những cuộc gặp gỡ tay đôi. Chỉ cần nghe tiếng cười của hai người là đủ hiểu mối thâm tình đến đâu. Ngày ấy, chúng tôi thầm cảm ơn trời đất đã giun rủi cho ông cụ gặp người đàn em chung tình hợp ý. Vì chúng tôi ai nấy đều bận bịu gia đình riêng, chỉ có cậu tự nguyện chia xẻ thời gian cho ông cụ mà thôi. Chúng tôi cũng biết rằng chính vì mối thân tình đó mà cậu phải chịu thua thiệt bởi ông cụ giữ ý, chẳng bao giờ đề nghị một ưu đãi, thậm chí một thăng tiến ngoại lệ. Phần cậu, cậu cũng lại e dè vì mối thân tình ấy nên lặng lẽ chấp nhận mọi thiệt thòi. Sự hy sinh ấy buộc chúng tôi dù muốn hay không cũng phải tôn trọng cậu. Nhưng về phần tôi, tôi cũng đề nghị cậu cảm thông, nếu điều ấy là khả thể. Quả tình, tôi không ngờ sự việc diễn tiến theo chiều hướng xấu xa này. Quả tình, tôi chỉ muốn ông cụ giữ quan hệ riêng trong bóng tối để có thể bảo đảm tuyệt đối hình ảnh vị cha già dân tộc, vị gia trưởng dành toàn bộ tâm tình và nhiệt huyết cho đại gia đình tổ quốc. Tôi tin rằng việc sắp xếp của mình là thuận lý. Chính tôi đề nghị ông cụ khuyên cô Xuân chấp nhận sống ở căn gác hẹp khu phố cổ như một lương dân. Bởi tôi tin rằng tấm gương giản dị ấy khiến cho ông cụ có nhiều uy tín hơn với anh em. - A! Chính là anh? Chính anh là người quyết định việc này? Vũ cất tiếng kêu kinh ngạc: - Vậy mà tôi đã cãi cọ không biết bao nhiêu lần với văn phòng quản trị trung ương đảng. Cũng hẳn là vì lẽ đó mà họ phải nín nhịn trước những lời sát phạt của tôi. Giờ tôi biết anh mới chính là thủ phạm còn họ chỉ là những kẻ đi đổ vỏ ốc. Ông ngừng lại một khoảnh khắc để chắp vá lại những mảnh hồi ức, rồi hỏi: - Nhưng nếu để tạo uy tín bằng thứ khổ hạnh chủ nghĩa này tại sao chính anh không thực thi trước? Tại sao anh không chấp nhận một mái nhà tranh có hàng dậu bìm bìm ở ngoại ô mà anh lại ngự toạ trong biệt thự đồ sộ này? - Cậu quên là tôi đang phải điều hành công việc của đất nước. - Vậy thì ông cụ là hình nộm của các anh? - Ông cụ đứng cao hơn chúng tôi một cái đầu. Ông cụ là lãnh tụ tối cao của dân tộc. - Vì ông cụ là lãnh tụ tối cao nên người đàn bà ngủ cùng giường với ông cụ phải trú ngụ trong căn gác bình dân nơi ngõ hẹp. Còn người đàn bà ngủ với anh được quyền sống thênh thang trong ngôi biệt thự hoành tráng này? Vì ông cụ là lãnh tụ tối cao, là linh hồn đất nước nên người vợ trẻ của ông cụ bị các anh giết như giết một con thỏ còn những người đàn bà ngủ với các anh, tôi nói rõ ở đây là các anh, trong đó bao gồm cả vợ tôi nữa được quyền cưỡi xe Volga đi chợ và mua áo quần, bánh kẹo lẫn các đồ mỹ phẩm ở cửa hàng quốc tế? Dựa trên nguyên tắc đạo đức nào mà các anh tự cho phép mình được làm những điều ấy? Vũ ngừng lại vì cơn giận khiến ông dường như nghẹn thở. Thuận không đáp, ông ta lấy chân di di một vật nào đó vô hình trên thảm cỏ, không ngửng đầu lên. Một cơn gió xuân lạnh lẽo lướt qua khung trời và những vòm lá dâu da khẽ xạc xào thầm lén. Hồi lâu, Thuận húng hắng cất tiếng ho và buông từng lời rời rạc: - Tôi xin lỗi. Tôi rất tiếc là cuộc thảo luận của chúng ta đi vào ngõ cụt. - Đi vào ngõ cụt là bởi các anh từ chối nhìn vào trách nhiệm của mình...Các anh giống lũ trẻ con định ném cái tổ chim nhưng khi viên đá trúng vào ai đó khiến họ vỡ đầu, ngã lăn quay và đổ máu thì các anh bỏ chạy. Sự ví von ấy có chính xác hay không? - Tôi chưa có câu trả lời cụ thể của anh Sáu. Sáng nay khi tôi gọi điện, anh ấy vắng nhà. Thư kí thường trực báo rằng anh ấy đang xuống bãi thể thao chạy bộ. Tôi cho rằng đây là sự lộng hành của bộ trưởng bộ nội vụ. Có thể là anh Sáu chỉ đưa ra chỉ thị chung chung. Rồi sau đó, Quốc Tuỳ đã vận hành theo lối suy nghĩ côn đồ của anh ta. Hồi bổ nhiệm anh ta, tôi cũng đã gợi ý anh Sáu về lý lịch tội phạm của tay bộ trưởng này. Nhưng anh Sáu gạt đi, nói rằng chúng ta phải tin tưởng ở khả năng cải biến và hoàn thiện con người của cách mạng. - Có nghĩa rằng sự việc nằm ngoài lãnh địa của anh. Nói một cách đích xác hơn anh không có trách nhiệm gì. - Tôi rất tiếc là chuyện xảy ra theo hướng tồi tệ như vậy. Tôi sẽ hết sức cố gắng. Tuy nhiên, cậu cũng cố gắng hiểu cho tình cảnh của chúng tôi. Nói đoạn, Thuận đưa tay chỉ cho ông hàng diên vĩ lá xoăn viền quanh thảm cỏ như giải đăng-ten viền quanh cổ áo đàn bà: - Cậu hãy nhìn kia. Vũ cúi xuống nhưng ông chẳng nhìn thấy gì hết ngoài những chùm lá màu tía. Những chiếc lá bóng nhẫy, no nê nước, được chăm sóc thường xuyên khiến vườn cảnh thật mỹ lệ. Nhưng vẻ đẹp thanh nhàn ấy càng khiến ông điên tiết. Vũ cau có gắt: - Tôi chẳng thấy gì hết ngoài sự mỹ miều của khu vườn này ; mà sự mỹ miều đó giờ đây giống như cái gai chọc vào mắt của tôi. Thuận chẳng tỏ vẻ phật ý. Nét mặt có đôi phần ngơ ngác và rầu rĩ, ông ta giơ tay kéo áo Vũ để chỉ cho ông thấy một cái màng nhện lớn chăng giữa hai cành diên vĩ, trên đó một con ruồi mắc lưới đang ra sức dãy dụa: - Cậu có nhìn rõ con ruồi trên tấm lưới nhện kia không? Phải chăng nó không gợi cho cậu một liên tưởng nào? Thủ tướng Tô cũng như tôi rất dễ rơi vào thân phận của con vật khốn khổ đó. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Chính cái chết của cô Xuân đã mở mắt cho tôi. Tình thế đã đổi thay. Cuộc cờ đã xoay sang nước khác. Cậu hãy nhìn quanh chúng tôi xem: lính gác, cần vụ, người nấu bếp, người làm vườn, lái xe, thậm chí đến đầy tớ lau dọn nhà cửa và công nhân đổ rác khu vực này đều là người của họ. Mới có vài năm mà mọi sự đã đổi thay. Hai năm trước chia nhau bữa cơm gạo đỏ với cá mắm trên rừng, tất thảy đều đồng lòng nhất trí. Giờ nhà cao cửa rộng, mọi sự chẳng như xưa. Vũ bất giác rùng mình. Ông chợt nhận ra sự hèn mọn của con người, kể cả những kẻ được coi là quyền cao chức trọng, những cái đầu sáng suốt nhất của dân tộc, những bậc lương đống của quốc gia. Nhìn thẳng vào mặt vị phó bí thư, ông cười: - Điều quan trọng nhất và có tính quyết định nhất chính là sự đổi thay này: Ngày ở trên rừng mọi người đều dấn thân vì nghĩa lớn, sẵn sàng chờ đón mọi sự hy sinh kể cả cái chết. Còn giờ đây vì nhà cao cửa rộng, đầy tớ lẫn lính gác đầy sân nên họ chẳng còn chút khí phách nào của bậc trượng phu. Phú quý vinh hoa biến con người thành đám dê ngựa được thuần hoá. Mặt vị phó bí thư đỏ lựng lên, hai cánh mũi tròn nung núc thịt của ông ta phập phồng. Ông ta quay mặt đi để lảng tránh cái nhìn của Vũ. Vũ tiếp tục nói: - Dẫu xảy ra sự gì, tôi cũng phải bảo vệ hai đứa con của ông cụ....Còn anh, tuỳ lương tâm mà hành xử... Nói xong, ông quay lưng bước đi. - Chào anh. - Để tôi tiễn cậu. Thuận nói và hai người lại đi ngược chiều luống hồng để ra cổng. Vừa đi, vị phó bí thư vừa nói lời cuối: - Tôi sẽ đưa vấn đề này ra bộ chính trị. Tôi sẽ can thiệp tối đa trong khả năng của mình. Tôi cũng sẽ xin lỗi ông cụ và hy vọng ông cụ thông cảm cho tôi. - Tuỳ anh. Vũ đáp một cách lãnh đạm, giơ tay cho ông ta bắt cũng với vẻ lạnh nhạt như thế. Rồi ông bước ra lối cổng chính vì giờ đây thanh chắn đã được nhấc lên, hai cánh cổng sắt nặng trịch đã mở rộng hết cỡ. Chiếc Volga bóng loáng rời ga-ra tiến ra, đậu vào vị trí chờ đợi. Còn mười lăm phút nữa là đến giờ hành chính. Ông nhìn thấy Thuận hối hả bước lên tam cấp để vào nhà. Thời gian vừa đủ cho ông ta thay quần áo.