Trà đứng ở sân ga ngóng xe tới. Những hòn đá, những tấm gạch, những thanh sắt của nơi này đã ghi trong thời niên thiếu của Trà biết bao nhiêu kỷ niệm. Tiếng còi của con Rùa lửa thỉnh thoảng văng vẳng từ xa đưa lại vuốt nhẹ tâm hồn Trà như bàn tay man mác. Đám bạn của cô bé bán bánh ú đã tản lạc đâu hết không thấy đứa nào còn lai vãng ở đây. Ngọn cây da rỗng ruột của Chùa Chà Và nhô lên khỏi nóc phố dợn sóng nhắc cho Trà nhớ tới đôi guốc gu ngà. Đời Trà đã sắm bao nhiêu dép guốc nhưng chỉ có đôi guốc gu là quí giá nhất. Trà ân hận nhớ lại đêm ăn cháo cá. Tại sao Trà không cho Ẩn-xe-lửa-cán tiền? Vì không có tiền nên bị người ta khinh rẻ và hành hạ tàn nhẫn. Trà đã mất hết bình tĩnh không còn biết xử sự ra sao trước tấn bi kịch bất ngời đau đớn. Tiếng còi rít xa xa, rồi một tiếng gần ngân dài. Xe sắp đổ gạ Trà bước ra thềm ngóng ở từng ô cửa sổ để vẫy tay chào mẹ chồng. Trà và Vương đã bán ngôi nhà cũ dời đến đây, hi vọng không còn ai biết đến ữa. Nếu chuyện đời còn tái diễn thì hai vợ chồng sẽ đi Nam Vang, dù Vương có xin được việc làm mới hay không! Trà muốn xa lánh những người quen, xoá tan những kỷ niệm cũ để sống hoàn toàn với chồng và tạo hạnh phúc cho nhau. Tiền nàng có thừa. Cả bọc nữ trang, cả bao tiền mặt trị giá cả triệu gia. lúa, mấy ai có nổi? Cái nàng thiếu là hạnh phúc. Điều này nàng chỉ tìm thấy với Vương. Lần này vợ chồng nàng định đưa bà mẹ và một đứa em trai, hai đứa em gái lên ở chung với mình để thiên hạ không còn lui tới quấy rầy nữa. Dần dần người ta sẽ quên nàng như một ngôi sao đang mờ dần rồi lặn mất giữa bao nhiêu vì sao khác. Những toa xe lửa dừng hẳn. Khách tuôn xuống ào át và tẻ ra trăm ngả. Đâu rồi, cô bé năm xưa áo tay ngắn với sàng bánh chen lẫn vào rừng khách vọt lên xe, phóng từ toa này qua toa khác với giọng rao lảnh lót thoát ra từ cổ họng non. - Bánh đây thầy! Bánh ú bánh giò bánh cam bánh ít nóng hổi vừa thổi vừa ăn! Đâu rồi cô bé chạy vấp té trên sân ga, bánh văng tứ tung cho người lượm. Đâu rồi thằng Ẩn, người yêu bé nhỏ của Trà? Kỷ niệm xưa bừng sống dậy. Khách thưa dần. Bỗng Trà kêu lên: - Má! Tiếng Má âm vang lồng lộng, cái tiếng thiêng liêng tưởng đã lặn mất nay lại vùng lên như xác chết đội mồ. Má của người thành má của mình vì mình là vợ của người ta, một cái gạch nối liền trơn không có vết hàn. Trà vui vẻ nghĩ. Trà chạy tới nắm tay bà già và vuốt vai mấy đứa em ríu rít hỏi: - Má có khoẻ không? Các em thấy Sài Gòn lạ không? Trà chưa bao giờ vui như hôm naỵ Anh Vương về, nhà sẽ càng ấm áp, với em, với mẹ và với vợ. Chị Sao ơi! em đã nghe lời chị, nhờ chị mà em đã thành vợ. Em đã có chồng. Chồng em đã giới thiệu với mọi người em là vợ ảnh cũng như anh Chù giới thiệu chị mà chị từng kể cho em nghe một cách sung sướng và kiêu hãnh. Chuyện có gì đâu mà phải đi tìm cho xa xuôi. Một người chồng: người đàn ông độc nhất mình có thể phó thác cả cuộc đời. Bà má xách giỏ đựng trầu. Em gái bưng thúng. Hai con vịt ló đầu ra ngoác mỏ vàng tươi kêu bất mãn vì bị nhốt tù. Cậu em trai xách một túi vải khá nặng. - Túi gì vậy em? - Gạo. Trà cười: - Em sợ anh chị không có đủ gạo nuôi má và em nên mang theo hả? - Không phải đâu con. Đây là gạo mới Đốc Phụng ngon cơm, má mang lên cho hai con. Ôi gia đình, chứa chan tình nghĩa! Vậy mà lâu nay Trà sống vô gia đình và còn phá phác gia đình kẻ khác. Chiều lại Vương đi làm về, chuyện trò rối rít. Trà bỗng nhiên có cha, có mẹ, có em lại có chồng, có chồng là có tất cả - một điều Trà sợ hãi xưa kia không dám mơ ước. - Lúc rày ở dưới mấy em còn đi bắt ốc cau không má? - Bông điệp trổ, bà con đã bắt đầu cày vỡ, chim cò đi hết, tụi nó chỉ đi xúc cá con và câu kéo thôi. Trà sửa soạn giường ngủ cho má, cho hai em. Nhà rộng thênh thang lại ở ngoài rìa thành phố xa cách xe cộ nên giấc ngủ được yên lành. Sáng sớm Trà thức dậy pha cà phê cho chồng. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng bây giờ với Trà lại có ý nghĩa lớn. Trà đưa tay ra khoe với chồng: - Em bị phỏng mấy lần, bây giờ em biết khôn rồi, anh không phải lo. Những dấu khuyết trên ngón tay Trà do những chiếc nhẫn kim cương - những chiếc vòng oan nghiệt - không biết từ hồi nào đã biến theo cái dĩ vãng của Trà. Vương hôn Trà rồi dắt xe ra đi. Trà lẽo đẽo theo sau: - Chiều nay em sẽ làm một món thiệt ngon để đãi má và để anh uống rượu. - Món gì? - Để em nghĩ đã! Vương đi, Trà vào nhà dặn dò các em kỹ lưỡng: - Hễ ai tới hỏi chị thì nói không biết không biết gì hết" rồi kêu xe kéo đưa đi chợ. Ngồi trên xe lắc lư lọc cọc trên đường, Trà mơ màng thấy lòng thanh thản. Nàng cười mỉm một mình với những ý nghĩ bâng quợ. - Nếu mình xách cặp vịt đến Lữ Quán đưa cho chú Năm Tây thì trong vòng một tiếng đồng hồ sẽ có hai dĩa vịt quay được dọn lên nào kém Dã Hạc Giang Nam đã Thống Đốc Cỏ Nhác. Trà có thói quen ăn nhà hàng nên không hề biết đến chuyện bếp núc, chợ búa, nàng coi đó là thế giới riêng của ai tách biệt hẳn với mình. Nhưng từ ngày nàng lăn vào bếp, đôi khi bị Ông táo vẽ râu, Trà thấy rất vui. Mỗi lần nấu món ăn được chồng khen, Trà rất sung sướng và đi chợ trở thành một cái ghiền. Trà biết lựa cá tươi, thịt ngon và những món chồng thích. Trà đọc sách gia chánh để học làm thêm món ăn. Bữa nay lòng tràn đầy hân hoan và tự hào, Trà định bụng sẽ trổ tài cho mẹ chồng xem. Trà mua ớt, sả, cà tím, cà chua, rau sống mỗi thứ đều nằm trong kế hoạch của Trà. Trà chen vào dòng người, nhìn món này ngó món nọ, trả giá món kia. Bỗng Trà nghe có tiếng xầm xì phía sau lưng:"Cô Ba! Cô Ba! Mỗi lần đi chợ Trà đều quấn khăn sùm sụp để giấu mặt. Đàn bà xấu xí ít khổ hơn đàn bà đẹp. Hồng nhan bạc mạng đa truân! Sợ người ta nhận mặt, Trà lủi nhanh ra đường lên xe kéo về thẳng nhà. Trà đi cổng sau để vào luôn trong bếp xếp đặt những món tế nhuyển vừa mua, ngực còn đánh lô tô loạn xị. Bỗng Trà dừng lại. Có tiếng lạ từ trong nhà vang ra chen lẫn trong tiếng của bà má. Người nào đã đến đây, hình như đang gây gỗ với má. Trà đứng néo ở bụi chuối sau hè để thử xem ai. Trà lo sợ, một cố nhân lại mò tới đây, lỡ mình vào chạm trán trước mặt bà già chồng, hắn nói nham nhở ai bụm miện cho kịp? Người lạ kia la lối càng lúc càng to, lấn át cả lời chống chế của bà già: -... Tôi đã năm lần bảy lượt bảo nó đem con vợ nó lại chơi đàng nhà tô cho biết mặt, nhưng lần nào nó cũng viện cớ này lý nọ để không đến. Hôm đám cưới, tôi xuống dự mới biết mặt con nhỏ. Bà má hưỡn đãi: - Nó là cháu dâu của cậu thì sớm muộn gì cậu cũng biết! Người lạ càng la to: - Phải chi tôi biết sớm thì đâu có chuyện thương luân bại lý này. Im lặng hồi lâu. - Cậu nói sao? - Gia tộc mình có tiếng là theo nề nếp nho giáo mấy đời naỵ Vậy mà bây giờ chị hốt cái của thối đó về làm dâu thì không bại lý thương luân à? - Cậu nói vậy mà nghe xuôi sao? Gia đình người ta tử tế và có chữ nghĩa mà! - Tử tế sao họ không dám để chị tới nhà rước dâu, lại dẫn con đến nộp thịt? - Gia đình người ta ở trên Nam Vang, sợ mình đi đường xa xôi tốn kém nên họ châm chước cho mình. Cậu không mang ơn còn bắt bẻ người ta! Người kia càng thét to: - Hì! Xa xôi, tốn kém, ơn nghĩa!... Chớ không phải họ sợ chị tới nhà rồi không có chỗ ngồi hay sao? - Ông già nó là thầy phán, sao nhà không có chỗ ngồi? - Hừ, tôi ở Sài Gòn 10 năm. Chân tôi nhẫm dấu đất này. Không chỗ nào tôi không bước tới. Không việc gì là tôi không biết! Đây chị cầm tờ báo này về cho bà con họ hàng mình đọc. Bữa đám cưới, tôi nghe xướng danh đôi tân hôn tôi muốn té xỉu. Nhưng tôi nghĩ bụng: có thể tên trùng tên, nên tôi về Sài Gòn lục lại nhựt trình cũ ra xem để đọ mặt nó. Chị mang kiếng lên xem cho rõ chút. Đây nè! - Trời ơi! Sao cậu không nói sớm sớm. - Sớm cũng đã xong rồi. - Để tôi nắm lưng anh suôi chị suôi mới được. - Anh suôi giả, còn chị suôi cũng lậu tuốt! - Cậu nói sao? - Thằng tía nó là thằng bá vơ còn con mẹ nó là một mụ tào kệ Trời ơi, hột vịt ung lại đem về ấp trên bàn thờ! ... Trà nghe không sót một câu nào. Trà như thấy cả nét mặt phẫn nộ của người mà bà má kêu bằng cậu. Nàng níu ghì thân chuối để khỏi ngã. Không biết bao lâu, nàng đứng bất động với cơn ác mộng trong đầu. Bỗng nghe có tiếng lao xao của mấy đứa em. Trà mở mắt ra, mơ màng: - Chị làm gì vậy? Sao chị không vô nhà? Trà gượng dậy nói: - Chị thấy có buồng chuối chín nên định đốn vô giú" Mấy đứa nhỏ phụ xách giỏ vô nhà. Trà cố lấy lại bình tĩnh. Bà má đang ngồi đối diện với ông cậu. Hai người thấy Trà vào thì chưng hửng. Bà má hỏi: - Con đi chợ về lâu chưa? - Dạ con mới về! Một đứa em nói tiếp: - Chỉ đứng ở ngoài bụi chuối sau bếp, con ra gặp. Ông cậu không nhìn Trà. Trà có cảm giác là Trà đã gặp ông ta ở đâu. Trà đã nhớ ra. Điều đó làm cho Trà chóng mặt. Ông cậu đứng dậy chào cáo từ. Giọng nói của ông ta giống y lúc nãy. Nàng cùng mấy đứa em ra sau bếp nấu cơm, làm thức ăn để chiều cả gia đình dùng bữa đầu tiên trong ngôi nhà mới. Nhưng tâm trí Trà vẫn quay cuồng không sao định thần được. Bất thần Trà đứt tay, mấy đứa nhỏ phải xé giẻ buộc lại, nhìn chị thương hại: - Đau không chị? - Không! Trà lắc đầu thản nhiên nhìn máu chảy ròng ròng. - Chị rán một chút rồi hết. - Các em đừng lọ Đau mấy chị cũng chịu nổi. Chị bi... hoài chớ phải một lần này sao? Đến chiều Vương về nhà, dựng xe đạp ở thềm. Trà vẫn chạy ra reo mừng như thường lệ nhưng Vương vụt kêu lên: - Có chuyện gì vậy Trà? - Chuyện gì đâu anh? Trà vui vẻ đáp lại nhưng không đến hôn chồng như thói quen: - Tay em sao vậy? Trà ngoặc tay ra sau lưng không cho chồng thấy. Nhưng Vương chạy tới nắm tay vợ và kêu lên: - Em làm gì mà đứt? - Không có, không có đứt gì hết. - Sao em buộc. - Tại... tại... Ơ ơ... Vương vẫn cầm tay vợ, không buông ra, đi vào nhà. Thói thường mỗi lần Vương đi về hai vợ chồng ôm hôn nhau thắm thiết, tỏ rõ sự nhớ nhung lúc vắng nhau. Có khi vào buồng bỏ cả bữa cơm, đến 9, 10 giờ đêm mới dắt nhau đi ăn quán. Nhưng lần này vì có bà già và các em nên Vương tự chế. Thấy bà mẹ ngồi dửng dưng không nói không rằng, Vương hỏi: - Bộ má nhớ nhà hả má? Bà già nói với giọng chán nản: - Chắc tao phải về dưới chớ ở trên này tao chịu không nổi đâu. - Má hứa ở với vợ chồng con cho vui mà, sao má đòi về liền vậy? Hai đứa em biết rõ nguồn cơn nên lánh mặt sau bếp không muốn nhìn thấy sự chạm mặt của ba người. Trà đi dọn cơm. Cả nhà ngồi vào bàn. Trà xới cơm cho mẹ, gặp thức ăn cho chồng và các em. Nàng hỏi chồng món nào ngon? Chàng hỏi món nào do nàng nấu v.v.. Bữa ăn có phần tự nhiên, nhưng trừ Vương ra thì ai cũng biết đó là sự tự nhiên giả. Bà mẹ muốn có thời giờ để hỏi chuyện con trai, nhưng cơm nước xong Vương vào buồng còn bà thì ra ngồi trước thềm nhà nhìn xe cộ qua lại. Những chiếc xe thổ mộ lướt qua, móng ngựa gõ lộp cộp trên đường đá như nện lên tim bà. Bà nhớ lại những lời người em bà nói. Những tiếng ghê gớm lúc nãy dội lại trong đầu bà. Có thể nào con dâu của bà như thế được! Tại sao thằng Vương không biết mà cưới nó? Hay biết mà vẫn cưới bừa? Gia đình mất thể diện biết bao. Gia đình bà không thể nhận một con người như vậy. Bây giờ đã dĩ lỡ ra rồi biết làm sao? Bà muốn về nhà cho tía nó hay rồi khiến nó bỏ con kia tức khắc. Gia đình bà sẽ xào xáo, bất ổn rồi tan rã nếu thằng con không tuân lời cha mẹ. Ai ngờ một đứa con gái tươi tốt như vậy lại như vậy. Quả như người ta đồn đất Sài Gòn này vừa là thiên đường vừa là địa ngục. Người sống ở đây muốn gì được nấy nhưng có một ngàn con đường để đi đến sự tồi bại và hư đốn. Bỗng bà hỏi vọng vào buồng: - Con có biết nhà cậu con ở đâu không? - Dạ có biết! Vương đáp. - Ở đâu? - Dạ Ở gần cống Bà Xếp. - Cống Bà Xếp là ở chỗ nào? - Dạ cống Bà Xếp ở gần hẻm Cây Mai. Để rồi con kêu xe kéo cho má đi. Bây giOò tối rồi khó kiếm đường, khó kiếm số nhà lắm má à! Hay là con mời cậu con lại chơi! Bà già ngồi lặng thinh không đáp. Vương nằm trên cánh tay của vợ, vẫn hỏi vặn về vết thương. - Em làm gì đến nỗi đứt tay? - Em xắt thịt! - Từ trước tới giờ em có làm việc đó đâu. - Em làm cơm đãi má. - Thì để cho sắp nhỏ làm. Trà làm thinh, nhưng Vương lại cầm tay vợ: - Đứt có sâu không? - Sâu lắ! - Đưa anh coi! Chụt. Chụt! Vưong hôn vết đứt và nói: - Để mai anh xin can-tiđót về bôi. - Chắc khó lành lại quá anh à! Được chồng thực lòng yêu, Trà lấy làm sung sướng. Trà đã bước sang ngã rẽ hoàn toàn. Trà tự nghĩ: Đã có bao nhiêu ngưòi đã rẽ lối này. Bây giờ họ sống yên vui với gia đình, tại sao Trà không làm được? Đột nhiên Trà hỏi chồng: - Tại sao anh yêu em? Vương đang đắm mình trong chiếc mùng lưới chứa chan hạnh phúc, bỗng giật mình vì câu hỏi bất ngờ. - Em nói gì vậy Trà? Anh yêu em vì anh yêu em, chỉ có thế thôi. - Yêu làm chi cho khổ. - Ô kìa, anh có khổ gì đâu! Anh bây giờ là người hạnh phúc nhất thế gian. Sao hôm nay em lại hỏi anh một câu kỳ vậy? Trà lặng thinh. Vương nhớ lúc chiều khi dựng xe đạp, nhìn thấy Trà chàng kêu lên. Trà thất sắc không giống như ngày thường. Cặp mắt không còn tinh anh và lóng lánh đa tình như mỗi khi Vương về tới. Vương đoán chắc ở nhà có chuyện gì. Mẹ chồng nàng dâu, em chồng chị dâu là những chuyện muôn đời trong xã hội Việt Nam, nếu có xảy ra ở gia đình này cũng là sự thường. Vương bèn hỏi khéo: - Sao bữa nay em ăn cơm ít vậy, Trà? - Em ăn nhiều hơn mọi ngày chứ, vì gia đình đông vui, không lạnh lẽo như trước. Em chỉ thấy anh ăn hơi ít thôi.