Tô Định kết bạn với Ngũ phương thần kiếm đã lâu ngày, nên y biết tính tình cùng phương cách xử thế của họ: họ hào sảng, xả thân giúp người đến nơi, đến chốn. Còn như ai tự nhiên gây hấn với họ, thì coi như suốt đời gặp một đối thủ ghê gớm. Trước đây vì nhẹ dạ tin người, Tô đánh thuốc mê bắt Ngũ kiếm tra tấn bằng cực hình ghê độc ; đến nỗi Ngũ kiếm công lực thâm hậu biết là chừng nào mà cũng bị mê man bất tỉnh. Tô ngồi hỏi cung họ mà luôn mạt sát họ là quân trộm cướp. Tô còn bạo miệng nói rằng Ngũ kiếm tuy có Thượng-phương bảo kiếm trong tay, nhưng đó là do Cảnh-thủy hoàng đế ban cho chứ không phải của Kiến-vũ hoàng đế, vì vậy nếu y giết Ngũ kiếm không chừng y còn được Kiến-vũ hoàng đế vui lòng ban khen. Bây giờ nỗi oan của Ngũ kiếm y biết không thể vài lời mà bỏ qua thù hằn bấy lâu, nên y đành hỏi ngược: – Sự thể đã như thế, xin Ngũ phương thần kiếm định thế nào, tôi chịu như thế chứ biết làm sao? – Vay nợ thì trả phải trả cả vốn lẫn lời. Tô thái thú bắt giam chúng tôi tra tấn cực hình suýt bỏ mạng. Chúng tôi phải dưỡng thương đến hơn năm. May được Đông-triều nữ hiệp Lê Chân cô nương cầu Khất đại phu trị cho mới khỏi tàn tật. Bây giờ chúng tôi cũng xin Tô thái thú trả đúng như vậy mà thôi. Tô Định nghe mà ớn da gà. Như thế có nghĩa Ngũ phương thần kiếm muốn đánh Tô Định 5 lần đau như Tô Định đã đánh họ. Chỉ cần bằng một lần, Tô cũng đã đủ chết rồi. Trước đây mỗi lần gặp tai vạ, Tô Định đều nhờ Nghiêm Sơn giúp đỡ, nhưng gần đây y dựa thế Mã thái hậu tìm cách chống đối Nghiêm Sơn, không biết Nghiêm chặt đầu y lúc nào, hy vọng gì cầu cứu nữa? Nhưng tính Tô hèn hạ, y đành đưa mặt mo: – Lĩnh-Nam vương gia, xin vương gia thương tình giúp tiểu nhân qua cơn hoạn nạn này! Nghiêm Sơn lắc đầu: – Ngũ phương thần kiếm không phải quan lại đất Giao-chỉ, thành ra tôi không can thiệp vào việc của họ. Họ cũng không phải thần dân đất Lĩnh nam, tôi không nhân danh Lĩnh-Nam vương xử lý việc của họ. Tô thái thú đã là bằng hữu của họ, nên điều đình thẳng với họ thì hơn. Trưng Nhị nhìn Ngũ phương thần kiếm nói: – Ngũ hiệp, nếu các vị không chê tôi kiến thức thô lậu, để tôi giải quyết vụ này dùm được không? Bạch kiếm chắp tay: – Trưng cô nương đã cứu anh em chúng tôi, chúng tôi xin để cô nương xử sự. Cô nương quyết đoán thế nào anh em chúng tôi cũng nghe theo. Trưng Nhị quay hỏi Tô Định: – Còn Tô thái thú nghĩ sao? Tô Định nghĩ dù Trưng Nhị xử cách nào cũng nhẹ hơn cách của Ngũ kiếm nên y vội gật đầu: – Tôi xin kính cẩn nghe lời cô nương. – Điều này dễ thôi; Người ám hại Ngũ kiếm là Trương Thanh, Huyện-lệnh Đăng-châu. Vậy Tô thái thú phải xử tội y đã làm mất lòng Ngũ kiếm. Đó là trừ một món nợ. Tô Định chắp tay: – Tôi sẽ xử tử y. Dù Trưng cô nương không đặt vấn đề tôi cũng không tha y được. Tội y phải giết cả nhà mới đáng. Trưng Nhị tiếp: – Trong vụ này người bị khảo đả oan ức nhất là chủ nhân Anh-hùng tửu lâu Phùng Đại-Niên tiên sinh, thân phụ Đăng-châu nữ hiệp Phùng Vĩnh-Hoa. Huyện-lệnh Trương Thanh tra khảo tiên sinh tàn bạo, độc ác. Trong khi Tô công tử bị bắt giam, Ngũ phương thần kiếm tìm cách cứu người, được Đăng-châu nữ hiệp giúp đỡ đánh Lưu Chương chứ không phải Phùng tiên sinh hành động. Vậy mà người bị Trương Thanh đổ tội lên đầu, tra tấn và còn định giết chết. Tô đại nhân nên giúp Ngũ hiệp đền ơn Đăng-châu nữ hiệp thế nào để chuộc lỗi với Phùng tiên sinh. Như vậy trừ được món nợ thứ hai. Tô Định quay qua Nghiêm Sơn: – Phùng tiên sinh vốn là người trưởng giả, tính khí ôn hòa, là thân phụ Đăng-châu nữ hiệp. Xin vương gia chuẩn cho tiểu nhân được mời Phùng tiên sinh nhậm chức Huyện-lệnh thay Trương Thanh. Nghiêm Sơn gật đầu: – Như vậy còn gì bằng. Vĩnh-Hoa sư muội! Người mời lệnh đường dùm ta nghe! Lệnh đường mà làm Huyện-lệnh, dân chúng sẽ sống những ngày Nghiêu, tháng Thuấn. Phùng Vĩnh-Hoa chắp tay: – Tiểu muội cố gắng mời thân phụ như Đại ca dạy. Trưng Nhị lại tiếp: – Người bắt giam Tô công tử là Huyện-úy Bắc-đái. Vậy phải bắt y xử tội để Ngũ kiếm được mát lòng. Điều đó thuộc quyền Lĩnh-Nam vương gia, không biết vương gia có ưng không để trừ món nợ thứ ba của Tô thái thú. Nghiêm Sơn nói: – Ta đã cho ngựa lưu tinh đi bắt hết bộ thuộc, tòng đảng của Lê Đạo-Sinh, có lẽ giờ này chúng đã bị giam hết rồi. Tại hạ xin mời Trần Quốc-Dũng thiếu hiệp phái Sài-sơn đảm nhiệm chức Huyện-úy Bắc-đái. Xin thiếu hiệp vì dân tình mà nhận cho. Quốc-Dũng vừa đinh lên tiếng từ chối, nhưng chàng liếc thấy Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa đưa mắt nháy. Chàng đành chắp tay: – Nếu vương gia ra lệnh vì dân mà làm Huyện-úy tôi xin kính cẩn nghe theo. Trưng Nhị tiếp: – Huyện lệnh Chu-diên là cha Trương Thanh, xin vương gia cách chức, vì tội gia pháp bất nghiêm, không dạy con. Như vậy trừ được bốn món nợ với Ngũ kiếm, còn người thay thế là việc của Nghiêm vương gia. Nghiêm Sơn nói: – Tôi đồng ý để Trưng cô nương xử lý vụ Thần kiếm, vậy quyết định cách chức Huyện-lệnh Chu-diên và mời tỷ phu Trưng cô nương là Đặng Thi-Sách tiên sinh hùng tài dũng lược, lại thương dân như con đỏ, làm Huyện-lệnh đất Chu-diên. Quần hùng đều ồ một tiếng kinh ngạc. Vì Đặng Thi-Sách nổi tiếng khắp Lĩnh-Nam vì chủ trương phản Hán phục Việt, đã không bị bắt tội chặt đầu, lại được mời làm Huyện-lệnh một huyện lớn nhất Lĩnh nam. Đặng Thi-Sách ngơ ngác không ngờ Nghiêm Sơn mời mình. Ông do dự một chút, liếc mắt nhìn Nghiêm Sơn, thấy Nghiêm nháy mắt ngón tay trỏ lay động, ra hiệu chấp thuận. Ông biết Nghiêm Sơn và Trưng Nhị đã bàn nhiều điều ích lợi cho Lĩnh-Nam. Ông chắp tay nói: – Tôi xin tuân lệnh! Trưng Nhị tiếp: – Ngũ phương thần kiếm nghĩa tới mây xanh, các vị lại không thích quan tước. Vậy Tô thái thú hãy giao cho người lệnh bài đặc biệt. Trên được trừng phạt các cấp từ Huyện-lệnh, dưới được tha tội các lương dân bị oan ức trên toàn đất Giao-chỉ. Có như thế Ngũ phương thần kiếm hành hiệp giang hồ được mọi điều thuận tiện. Tô Định gật đầu: – Như vậy có khác gì Ngũ phương thần kiếm thay tôi đi kinh lược khắp xứ. Tôi còn mong gì hơn. Sau cùng Trưng Nhị quay qua Ngũ kiếm: – Không biết Ngũ phương thần kiếm có chấp nhận lối giải quyết của tôi không? Hoàng kiếm nói: – Từ trước đến giờ người ta cứ đồn rằng Đào gia ở Cửu-chân thù hận người Hán. Chúng tôi là người Hán, thế mà cứu chúng tôi và Tô công tử là Đào tam công tử cùng phu nhân. Thì ra người Đào gia chỉ ghét bọn Hán tàn ác tham ô hại dân. Đối với ơn nghĩa này, chúng tôi không thể nói mấy lời mà trả hết ơn. chỉ xin hứa rằng: Từ nay Đào gia cần gì đến anh em chúng tôi, chúng tôi xin tuân lệnh. Còn giải pháp của Trưng nữ hiệp nhằm hóa giải mối thù của chúng tôi với Tô thái thú, thì toàn là như’ng điều nhân đức và công bình, sáng suốt. Chúng tôi xin hoàn toàn đồng ý. Xin cám ơn Trưng nữ hiệp. Câu nói của Hoàng kiếm làm mọi người Hán, Việt có mặt hôm đó giật mình. Vì họ là 5 người uy bao trùm khắp vùng Mân-Việt, Lĩnh nam, kiếm thuật lại thần thông khôn lường. Khi họ đã hứa một lời dù mất mạng cũng thực hiện bằng được. Phương-Dung nói với Hoàng kiếm: – Ngũ hiệp, chúng tôi xin đa tạ thịnh tình của Ngũ hiệp. Nghiêm Sơn bảo Tô Định: – Lê Đạo-Sinh phạm tội, Cô gia cách chức y và bổ nhiệm Đốc-bưu La Quốc kiêm nhiệm Đô-úy. La Quốc tên thật là Trần Khổng-Chúng, ông là người Việt. Khi ông sang Trung-nguyên đầu quân lấy tên này. Hiện nay chỉ có Nguyễn Trát, Đào Kỳ, Phương-Dung là biết chân tướng của ông mà thôi. Sau đó quần hùng giải tán. Những người được đề cử tòng chinh Trung-nguyên cùng Nghiêm Sơn và Tô Định đến dinh Lĩnh-Nam vương chờ ngày lên đường. Toàn đất Lĩnh-Nam rúng động vì những cuộc chuyển quân. Chúng ta nên nhớ thời bấy giờ, lãnh thổ Lĩnh-Nam gồm từ Quảng-bình ra Bắc, kể cả Quảng-đông, Quảng-tây và Vân-nam thuộc Trung-quốc ngày nay, dân số chưa tới 10 triệu người, mà cuộc di chuyển lên đến 30 vạn người, ngựa nên rất là nhộn nhịp. Nhất là quân Hán ở đâu lấy vợ, sinh con, làm nhà cửa ở đó. Bỗng chốc họ được lệnh về Trung-nguyên, có người sung sướng được về quê, có người lưu luyến đất mới, ra đi phải bỏ lại tài sản, nhà cửa lòng đầy luyến tiếc. Thiều-Hoa được coi như một võ tướng cầm quân, nàng cũng chuẩn bị xuất chinh theo chồng. Cuộc viễn chinh làm nàng hồi hộp, nhưng vì đi bên cạnh còn có Đào Kỳ, Phương-Dung, Trưng Nhị là những người nàng quý mến, yêu thích nên cũng vui. Hồ Đề từ tạ Nghiêm Sơn trở về Tây-vu chuẩn bị đạo quân đặc biệt của nàng. Nghiêm Sơn nói: – Sư muội lên đường tôi trao cho sư muội lệnh bài đặc biệt: Với lệnh bài này, sư muội đại diện tôi, được toàn quyền trưng dụng quân sĩ, lương thực dọc đường để hoàn tất cuộc di chuyển đạo quân đặc biệt của Tây-vu. Không biết sư muội cần ai giúp sức không? Hồ Đề cười: – Ở đây có ba bộ óc kinh thiên động địa là Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa. Đạo quân của tôi có hơi đặc biệt, vậy xin cho một trong ba người đi theo bày mưu tính kế, chứ tôi thì ngu lắm! Nghiêm Sơn hỏi: – Không biết trong ba vị ai sẵn sàng giúp Hồ sư muội? Nam hải nữ hiệp xen vào: – Trong ba nhân tài này thì Phương-Dung giỏi điều quân hơn mưu mẹo, Phùng Vĩnh-Hoa giỏi bày mưu nhưng không quen bày binh bố trận. Cả hai cùng ưa tinh nghịch, gặp cháu Hồ Đề cũng tinh nghịch, ta e có điều quá đáng. Chỉ có Trưng Nhị vừa nhiều mưu cơ, vừa giỏi bày binh bố trận, làm việc thao lược, tính lại nghiêm cẩn, vậy cháu nên đi với Hồ Đề thì hơn. Nghiêm Sơn cũng nghĩ như vậy, vương đồng ý: – Vậy phiền Trưng cô nương đi với Hồ muội. Suốt một dải đất Quế-lâm, Giao-chỉ, cô nương được toàn quyền điều động văn từ Huyện-lệnh, Huyện-úy, võ từ Sư-trưởng trở xuống để chuyển quân. Hẹn nhau ngày 25 tháng 10 sẽ hội nhau ở Quế-lâm làm điểm hội quân tiến đánh Ích-châu. Nhưng xin quý vị chờ ngày 15 tháng 9 làm lễ tế cờ rồi hãy lên đường cũng chưa muộn. Trong khi Nghiêm Sơn phải họp liên miên miên với bộ tham mưu, lo chuẩn bị cho đoàn quân viễn chinh, thì Trưng Nhị cũng lo họp với Trưng Trắc, Thi-Sách, Nguyễn Trát, Nguyễn Tam-Trinh hoạch định kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa, trong trường hợp đề nghị trả Lĩnh-Nam cho ngưới Việt bị bác bỏ. Trong một buổi họp. Đào Kỳ trầm tư suy nghĩ rồi phát biểu ý kiến: – Giữa việc làm của chúng ta và Lê Đạo-Sinh, tôi thấy có đôi phần giống nhau. Lê cho đệ tử và người thân thích ra làm Huyện-úy với giặc, đồng thời thi ân bố đức cho dân chúng, xin được hoàng đế nhà Hán phong cho làm Thái-thú. Còn chúng ta làm hơn thế nữa: Chúng ta cho người làm Huyện-úy, Huyện-lệnh khắp nơi. Chúng ta lại theo đội quân Hán đánh giặc không công cho họ, để cầu được tái lập lại đất Lĩnh-Nam, có gì khác hơn đâu? Lê Đạo-Sinh bắt giam các cao nhân võ học Nguyễn Phan, Đặng Thi-Kế, Nguyễn Thành-Công, chúng ta bắt giam Ngũ phương thần kiếm. Lê Đạo-Sinh dựa thế người Hán đánh phá các trang ấp không phục tùng y, chúng ta cũng mượn người Hán đánh phá các trang ấp của y. Theo thiển ý, y còn khá hơn chúng ta, việc ác là ác, việc thiện là thiện. Còn chúng ta bắt giam Ngũ phương thần kiếm rồi giả nhân, giả nghĩa cứu họ ra, đổ tội cho Trương Thanh với Lê Đạo-Sinh. Tôi thấy chúng ta phải đổi thái độ, nếu không thiên hạ bất phục, việc quang phục khó thành đấy. Lời nói của Đào Kỳ làm nhiều người ngẫm nghĩ gật đầu đồng ý, vì họ cảm thấy những biến chuyển gần đây lôi kéo họ vào chỗ thân thiết với người Hán. Nhất là những người có uy danh hiển hách như Nguyễn Thành-Công, Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại, Đặng Thi-Sách mà ra làm quan với Hán thì thực uổng phí oai danh đã có bao lâu. Nhưng họ chỉ cảm thấy có điều gì bất ổn khó nói lên lời. Bây giờ được Đào Kỳ nói rõ tâm sự, họ mới hả dạ một chút. Nghe Đào Kỳ nói, Trưng Nhị nhìn Phương-Dung, Vĩnh-Hoa rồi cả ba bỗng rũ ra cười. Nhất là Vĩnh-Hoa cười đến đỏ cả mặt lên. Hồ Đề là người bộc ttrực hỏi: – Vĩnh-Hoa sao em lại cười như vậy? Đào tam đệ nói đúng đó. Chính chị cũng nghĩ như vậy. Em cười là chê Tam đệ, chê Tam đệ là chê chị đấy. Nếu có ong ở đây, thế nào chị cũng đốt em ít mũi cho biết tay! Hồ Đề là người nóng tính, khi giận nàng nói lắp bắp, giọng Việt hơi ngọng, mặt nàng đỏ bừng. Vĩnh-Hoa lè lưỡi ra: – Trước khi giận em, chị cũng phải cho em giải thích chứ. Chị Trưng Nhị, Phương-Dung và em cười Đàøo tam đệ vì lối suy nghĩ một chiều. Thôi em để chị Trưng Nhị giải thích. Trưng Nhị chưa kịp trả lời, Thiên-thủ viên hầu Lại Thế-Cường vẫy tay cho mọi người im lặng rồi nói: – Cháu Kỳ, để ta thay Trưng Nhị hỏi cháu điều này: Cháu gần Trưng Nhị đã lâu, có bao giờ thấy Trưng Nhị lo cho bản thân, cho gia đình hay cho môn phái của nàng điều gì không? Nàng có ghen ghét với võ lâm đồng đạo không? Có bao giờ nàng âm mưu ám hại người trung lương của Lĩnh-Nam không? Đào Kỳ và mọi người im lặng không trả lời, công nhận lời của Thiên-thủ viên hầu là đúng. Ông lại tiếp: – Trưng Nhị là người như thế. Vĩnh-Hoa, Phương-Dung cũng như Trưng Nhị có khác gì đâu? Bây giờ các vị xem xét. Ba thiếu nữ chủ trương hành động của chúng ta có người nào thích ăn ngon mặc đẹp, thích tiền tài danh vọng không? Tuyệt nhiên không, họ là những giai nhân tuyệt thế, văn học làu thông, võ công không thua kém ai. Vậy tại sao họ phải ưu tư suy nghĩ? Chẳng qua vì nòi giống Âu-lạc mà ra cả. Nào! Hãy so sánh hành động của chúng ta với Lê Đạo Sinh. Lê chỉ lo cho tham vọng bản thân: Đầu tiên y muốn làm Thái sơn bắc đẩu võ lâm, tiền rừng bạc bể là chỉ lo cho cá nhân mình, y muốn có nhiều trang ấp, quy dân lập nghiệp đông đảo là muốn lo cho gia đình mình. Y bắt giam Nguyễn Phan để lấy tinh hoa võ học Long-biên cho bọn Lê Nghĩa-Nam. Xúi Phong-châu song quái phản sư môn theo y phá người đồng môn, hầu nắm môn hộ của người. Y vu oan cho người trung lương, mượn tay người Hán tiêu diệt Đinh hầu, Đào hầu ở Cửu-chân, đó là ghen ghét với võ lâm đồng đạo. So sánh Lê Đạo-Sinh với Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa thật khác một trời, một vực. Một bên chỉ lo bản thân, giết hại đồng bào, hại dân,hại nước, còn một bên chỉ biết đại nghĩa của thiên hạ, dốc một lòng phục hưng nòi giống Âu-lạc. Tiếng Lại Thế Cường sang sảng vang động trong khoang thuyền, làm mọi người tỉnh ngộ. Nam-hải nữ hiệp lại tiếp lời Thiên-thủ viên hầu: – Lê Đạo-Sinh chỉ muốn làm một chức quan lớn của triều Hán, cỡi lên đầu, lên cổ của chúng ta. Còn chúng ta đồng tâm hiệp lực lập lại Lĩnh-Nam cho người Việt, khác nhau ở chỗ đó. Y cho đệ tử, than-thích làm Huyện-úy là y tạo vây cánh, gây uy thế với triều Hán để được phong chức quan lớn.Y và đệ tử cúi đầu tuân phục Hán. Còn chúng ta ra làm việc với Hán là để nắm giữ binh quyền, một mai dễ dàng cử đại sự. Vì vậy việc chúngta với Lê Đạo-Sinh khác nhau một trời, một vực. Hai bên như mặt trăng, mặt trời vậy. Lúc đó Trưng Nhị mới ngỏ lời: – Những điều Nam-hải nữ hiệp và Thiên-thủ viên hầu nói ra là những điều chúng tôi muốn nói. Vĩnh-Hoa cười là cười Đào tam đệ. Tam đệ là chồng Phương-Dung, hai người tuy mới là vợ chồng, nhưng đã đi bên cạnh nhau như hình với bóng từ bốn năm qua, mà Tam đệ vần không hiểu vợ. Nếu người khác thì Vĩnh-Hoa không cười, nhưng cười Tam đệ, vì Tam đệ đã đọc đủ sách Trung-nguyên, trên từ Tứ thư Ngũ kinh, Bách gia chu tử cho tới Lục-thao của Thái-công. Binh pháp của Tôn Vũ, Ngô Khởi, lại là học trò yêu của Lục Mạnh Tân tiên sinh mà vẫn còn phán đoán như vậy. Vĩnh-Hoa cũng nghiêm trang nói: – Đào tam đệ! Chúng ta bắt giam Tô Phương cũng khác xa với việc Lê Đạo-Sinh bắt giam các cao thủ. Chúng ta bắt giam Tô Phương để chia rẽ Ngũ phương thần kiếm và Tô Định, chia rẽ Ngũ phương thần kiếm với Trương Thanh, để sư thúc Đào Thế-Hùng nắm trọn quyền ở Đăng-châu. Đăng châu sát Luy-lâu, có đạo quân Đăng-châu trong tay, khi khởi sự, chỉ phất tay là Luy-lâu ở trong tay chúng ta. Thời cơ đến, ta lại thả Tô Phương để chia rẽ Lê Đạo-Sinh và Tô Định. Tam đệ nghĩ xem trước đây mấy năm Tô Định cấu kết với Lê Đạo-Sinh, Ngũ phương thần kiếm mạnh đến chừng nào mà y còn dám chống lại cả Nghiêm Sơn. Bây giờ y cụt hết chân tay. Nghiêm Sơn là người của chúng ta. Ngũ phương thần kiếm là bạn của Tam đệ, còn Lê Đạo-Sinh và đồng bọn thân bại danh liệt. Các Huyện-úy, Huyện-lệnh gần như do người của chúng ta nắm hết. Tô Định chỉ còn cố thủ trong dinh của y mà thôi. Ngừng lại một lúc để mọi người thấm lời, nàng tiếp: – Chỉ vì đất Lĩnh-Nam chúng ta ít người, chứ không bất cứ ai trong chúng ta, chỉ cần đột nhập vào dinh đâm y một nhát là đất nước này thuộc hẳn về chúng ta. Nhưng liệu như thế, chúng ta có giữ vững được không? Khi mà dân Trung-nguyên đông gấp trăm, gấp ngàn ta. Khi họï kéo đại quân sang, trong lúc chúng ta chưa kịp cũng cố lực lượng, thì nạn diệt chủng không tránh khỏi. Bởi vậy chúng ta đi một bước dùng lễ trước, đó là ngoài mặt chúng ta tỏ ý quy phục như trước vua Hùng, vua An-dương đã làm. Việc chúng ta cùng Nghiêm Sơn xuất binh đánh Ích-châu, ta đâu có mang binh theo mà sợ bị hao tổn xương máu, mà bảo đánh thuê? Chỉ mấy người võ lâm dẫn người Hán đánh người Hán. Quân Hán đánh với đạo quân Thục, dù thắng, dù bại đạo quân này cũng hao tổn quá nửa, sau này không đủ sức trở về thống trị đất này nữa. Hơn nữa chúng ta góp mặt viễn chinh để tỏ cho Hán đế biết: Lĩnh-Nam đầy rẫy anh hùng, liệt nữ, nhưng lại sẵn sàng tuân phục Hán triều. Nếu Hán để yên chúng ta yên, ta sẽ là bạn tốt. Nhược bằng họ muốn đánh chúng ta, thì sẽ gặp cái vạ hao tinh, tổn tướng như Tần Thủy-hoàng. Tóm lại việc đi viễn chinh ở Trung-nguyên đem lại hai lợi ích: Một đem quân Hán rời khỏi Lĩnh-Nam. Hai là cho người Hán biết tài thao lược của anh hùng Lĩnh-Nam. Chúng ta đâu có đi đánh dùm để được tiền, được bạc mà gọi là đánh thuê, đánh mướn? Phương-Dung tiếp lời Vĩnh Hoa: – Chủ trương này phù hợp với đạo dùng binh. Binh pháp Tôn Tử nói: " Bảo tồn quân đội là nhất, làm tan đội quân là điều cấm kỵ ". Lật ngược đi, ta làm cho đội quân Hán ở Lĩnh-Nam phải rời khỏi Lĩnh-Nam, rồi bị thiệt hại nặng. Dù thắng, dù bại ở đất Ích châu. Trên đất Lĩnh-Nam ta chỉ còn các quân đội địa phương người Việt, do chính các Huyện-lệnh, Huyện-úy của ta chỉ huy, thì còn lo sợ gì nữa? Tất cả hào kiệt ngồi đó đều tỉnh ngộ, họ thầm nghĩ: Kiến thức mình còn thua xa ba cô gái trẻ này. Có lẽ sau này khi khởi binh khôi phục đất Lĩnh-nam, phải để Trưng Trắc làm thủ lĩnh, Trưng Nhị làm Nguyên-soái, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa làm Quân-sư mới phải. Đào Kỳ cũng nhận thấy kiến thức mình còn thua vợ rất nhiều. Chàng là người quân tử nên thích thú nhiều hơn ghen tỵ. Tan họp Đào Kỳ, Phương-Dung vừa về tới phủ Lĩnh-Nam đã thấy Quế Hoa ra đón: – Đại ca vừa về kịp, Nghiêm đại ca đang mong đại ca lắm đấy. Bước vào trướng, Đào Kỳ thấy bộ tham mưu của Nghiêm Sơn người nào mặt cũng nghiêm trọng. Nghiêm Sơn nắm tay Đào Kỳ: – Có việc quan trọng phải nhờ tiểu sư đệ mới được. Quỳnh-Hoa ngắt lời: – Nghiêm đại ca cho em góp một lời được không? – Được, sư muội cứ nói. – Ngày xưa, Đào tam ca mới mười một, mười hai tuổi, Hoàng sư tỷ thường dắt đi chơi mới kêu là tiểu sư đệ. Còn bây giờ Đào tam ca đã quá 20 tuổi, cao lớn hơn cả Đại ca, thế mà Đại ca cứ gọi Tiểu sư đệ thì... Nghiêm Sơn gật đầu: – Cám ơn sư muội nhắc ta. Từ 8 năm nay ta sống gần Đào tam đệ, cứ gọi vậy thành quen mất rồi. Chàng quay lại nói với Đào Kỳ: – Ta cho người lên bắt Trương Thanh, thì y cùng với Lưu Chương xuất tráng đinh mười mấy trang ấp, cùng bản bộ binh mã Đăng-châu chống lại. Nếu ta cử đại quân lên đánh thì hao tổn binh mã cả hai bên. Hiện Tam đệ đã là Chinh-viễn đại tướng quân, vậy ta muốn Tam đệ cùng Vĩnh-Hoa, Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga, Trần Quốc giải quyết vụ này. Nhất thiết tránh đổ máu, nếu có đổ càng ít, càng tốt. Hoàng Thiều-Hoa bảo Nghiêm Sơn: – Đại ca cho em đi cùng Tam đệ được không? Sao đại ca không cử Phương-Dung đi giúp Tam đệ vậy? Nghiêm Sơn lắc đầu: – Phương-Dung là Quân sư của ta. Hiện đang có nhiều việc quan trọng cần bàn thảo, ta cần giữ nàng cùng trưng Nhị ở cạnh. Chàng nhìn Đào Kỳ láy mắt một cái, Đào Kỳ hiểu ngay, sở dĩ Nghiêm Sơn cho chàng đi giải quyết vụ này, vì ở Đăng-châu còn có Tường-Quy. Nếu để Phương-Dung đi, nàng sẽ thẳng tay, e rằng đổ máu nhiều. Nghiêm Sơn là người chỉ huy tướng sĩ hàng trăm trận, chàng xử dụng người rất giỏi. Đào Kỳ, Hoàng Thiều-Hoa, Phùng Vĩnh-Hoa, Đàm Ngọc-Nga và Lê Chân cùng hơn trăm quân kỵ lên đường ngay. Đội thiết kỵ được cử theo Lĩnh-Nam vương phi và Chinh-viễn đại tướng quân lần này, họ đều vui sướng ra mặt. Bởi trong quân Hán đồn rằng Hoàng-Thiều Hoa là tiên nữ giáng trần, ai cũng muốn diện kiến nàng một lần. Đây họ được đặt dưới quyền, đi chung với nàng thì còn gì sung sướng hơn. Từ Luy-lâu đi Đăng-châu mất hơn hai giờ, mãi chiều tối mới đi tới nơi. Viên tướng sư trưởng đã dẫn quân bao vây huyện lỵ Đăng-châu, nhưng chưa dám tấn công, vì Lĩnh-Nam vương ra lệnh án binh bất động. Nay y thấy đích thân Lĩnh-Nam vương phi cùng Chinh-viễn đại tướng quân xử lý vụ này, y như được cất đi gánh nặng. Đào Kỳ cùng mọi người vào trướng, viên sư trưởng trình bày tình hình. – Tiểu nhân là Tôn Mạnh, sư trưởng bộ binh Luy-lâu. Cách nay 7 ngày Lĩnh-Nam vươngsai sứ giả lên bắt Trương Thanh, thì Lưu Chương bắt giam sứ giả. Y còn điều động tráng đinh các ấp cố thủ chống lại. Lữ trưởng kỵ binh theo Trương Thanh làm phản dẫn quân kỵ chống ta. Tiểu nhân được lịnh vương gia đến vây án binh bất động, chờ vương phi tới. Vậy xin vương phi và Đào tướng quân hoạch định kế sách. Đăng-châu nữ hiệp Phùng Vĩnh-Hoa móc trong bọc ra một trục lụa trải trên bàn nói: – Đăng-châu là quê hương tôi và Đàm Ngọc-Nga, chúng tôi thuộc hết đường xá. Đây là bản đồ Đăng-châu. Đào kỳ với Thiều-Hoa cùng với ban tham mưu của Tôn Mạnh cùng nghiên cứu. Tôn Mạnh lấy bút khoanh vào những trang ấp theo Trương Thanh, cùng cách dàn binh của y. Đào Kỳ cười: – Trương Thanh thực ngu như lợn, chúng bố trí quân như thế này mà đòi làm phản, thì thực tự tử không bằng. Này nhé huyện đường ở cạnh con sông, chúng bố trí một tốt bảo vệ huyện đường, bốn tốt bốn góc toàn những đường chánh vào huyện đường. Chúng bỏ trống hai bên hông cánh đồng hoang này. Nếu ta cho dàn quân làm áp lực, rồi cho một đội kỵ binh chọc vào hông tiến tới huyện đường, thì lập tức bốn ngả đều hỗn loạn, không đánh cũng bị bại. Đây là nói cách hành quân, nhưng Nghiêm vương gia không cho giao chiến. Vậy ta cần phải nghiên cứu kỹ mới được. Ngươi có biết Huyện-úy Đăng-châu theo Trương Thanh hay chống lại y không? Tôn Mạnh lắc đầu: – Tiểu nhân không rõ vì, chưa liên lạc được với Đào Thế-Hùng. Đào Kỳ nhìn Thiều-Hoa: – Nghiêm đại ca là người hiệp nghĩa, thành ra không ước tính được bụng dạ tiểu nhân. Nếu Nghiêm đại ca gửi một phong thư mật cho chú em, thì ông chỉ cần trở tay một cái là bắt được Trương Thanh. Đại ca tưởng Trương Thanh tuân theo phép nước như ở Trung-nguyên, sai đi bắt về. Chó cùng đường thì nó cắn lại, cho nên Trương Thanh xuất lĩnh bản bộ binh mã làm phản, sau đó sẽ cùng gia đình trốn chạy. Được! Chúng ta hãy nghỉ ngơi đã, nhưng phải đề phòng chúng chạy. Nếu Trương Thanh chạy thì srẽ không chạy đường bộ, vì quân ta trấn đóng hết rồi. Y sẽ chạy theo đường thủy. Tại Đăng-châu có một Hải đội Hán, không biết họ có theo y không? – Không! Trương Thanh bắt các quan tại huyện ký giấy chống Tô thái thú. Hải đội trưởng không chịu ký, y bị giết ngay tại chỗ. Thủy thủ thấy chúa tướng bị giết, họ liền nhổ neo. Hải đội có 10 chiến thuyền, 8 cái chạy được, hiện neo ở gần đây chờ lệnh. Để tôi gọi Hải đội phó đến hầu tướng quân. Lát sau Hải đội phó vào trướng hành lễ: – Hải đội phó Đăng-châu Trần Như-Ý xin tham kiến Đại-tướng quân. Đào Kỳ gật đầu: – Thì ra Hải đội phó là người Việt, quê của người ở đâu? – Thưa tiểu nhân ở Thiên-trường, thuộc trang Vị-hoàng. – Thế nhân huynh có anh em gì với Trần Quốc-Hương tiên sinh không? – Thưa đó là thúc phụ tiểu nhân. – Tôi đã có dịp lưu lại trang Thiên-trường mấy ngày được Trần sư bá dạy dỗ. Xin nhân huynh cho biết, thủy thủ là người Hán hay người Việt, họ có tuân lệnh nhân huynh không? _ Trần Như-Ý thấy Đại-tướng quân ngọt ngào và có tình thân với gia đình mình, thì mừng lắm: – Thưa Hải đội có 200 người, Hải đội trưởng là người Hán, bị Trương Thanh bắt giết cùng hai thủy thủ. Cộng thêm 18 người bị bắt giữ là 21 người. Hiện còn 175 người đều tuân lệnh tôi, tất cả đều là người Việt. Phùng Vĩnh-Hoa ghé tai Đào Kỳ nói nhỏ mấy câu, Đào Kỳ gật đầu: – Thay mặt Lĩnh-Nam vương, kể từ lúc này tôi cử Hải đội phó làm Hải đội trưởng Đăng-châu. Trần nhân huynh tiến cử người có tài đức làm Hải đội phó. Trần Như-Ý chắp tay: – Đa tạ Đại tướng quân! Đào Kỳ ngồi ngay ngắn lại: – Nếu Trương Thanh chạy sẽ chạy bằng đường thủy. Y không biết chúng tôi có mặt tại đây. Vậy chúng sẽ làm như ngu, dốt cho hải thuyền chạy về hướng Nam. Chúng ta mải bao vây ba chiến thuyền, chúng sẽ dùng dân thuyền chạy về hướng Bắc, sau đó sẽ lên bờ trở về Trung-nguyên. Ý đồ của y cho rằng chúng ta tưởng chúng chạy về phương Nam mà thôi, vì về hướng Bắc, nước ngược, thuyền đi rất khó. Ta phải giả ngu, mắc kế chúng, ta mới dễ dàng bắt được cả bọn. Chàng tiếp: – Vậy Như-Ý huynh chia Hải đội ra làm hai: 4 chiến thuyền chuyển lên phía Bắc Đăng-châu, 4 chiếc khác xuôi xuống Nam Đăng-châu. Tất cả dàn hàng ngang sông, cấm bất cứ thuyền bè nào qua lại. Ai trái lệnh cứ giết không tha. Nhưng có Lưu Chương làm phản theo Trương Thanh, nên trên thuyền Trương Thanh thế nào cũng có y. Võ công y rất cao, vậy phiền sư tỷ Lê Chân theo đoàn thuyền phía Nam. Sư tỷ Đàm Ngọc-Nga, sư tỷ Thiều-Hoa theo đoàn thuyền phía Bắc. Tôi đoán Trương Thanh sẽ chia làm hai để chạy, một nửa sẽ làm nghi binh chạy về phía Nam, còn đích thân y sẽ chạy lên phía Bắc. Mình sẽ làm như mắc mưu, khi gặp thuyền phía Nam ta sẽ đánh rất gắt, quyết không cho đi, còn thuyền phía Bắc ta đánh cầm chừng. Khi nào Lưu Chương xuất hiện, sư tỷ Thiều-Hoa sẽ đấu chưởng với y. Công lực của sư tỷ hiện giờ hơn hẳn Lưu Chương, vậy sư tỷ dụ y tới mạn thuyền rồi đánh y rơi xuống nước, để tôi có kế bắt sống. Nếu sư tỷ tìm bắt được Trương Thanh xin bắn tên lửa làm hiệu. Hoàng Thiều-Hoa là vương phi nàng được mọi người trọng vọng, nay được cậu Tiểu sư đệ ra lệnh, nên thấy vui vui, ra đi. Đào Kỳ lại nói với Phùng Vĩnh-Hoa: – Sư tỷ đi đón bá phụ. Ngày mai chiếm Đăng-châu, bá phụ phải cầm quyền ngay. Huyện Đăng-châu không nên một ngày không có chủ. Phùng Vĩnh-Hoa gật đầu: – Được tôi lên đường ngay. Đào Kỳ cho gọi Giao-long nữ vào. Nàng thấy Trần Như-Ý, thì kêu lên: – Sư huynh, người ở đây à? Anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Đào Kỳ dặn Giao-long nữ: – Sư muội cùng ta đi thám thính Đăng-châu. Nhất thiết sư muội không được ra tay...Bởi tính sư muội ưa nghịch ngợm. Trần Quốc cười: – Lỡ người ta đánh tiểu muội, tiểu muội cũng phải chịu hay sao? – Được, nếu người ta đánh thì sư muội được phản công. Chàng dặn dò Tôn Mạnh ít câu, rồi cơm nước, chờ trời tối cùng Trần Quốc theo ngả rừng vào Đăng-châu. Trong huyện lỵ vắng bóng người qua lại. Chàng đi về phía trang Hiển-minh, tới phía Đông chỗ hàng rào thấp, chàng dắt Trần Quốc vượt rào vào trong. Đường sá trong trang chàng thuộc làu nên không bị lạc. Đi một lát tới đaÏi sảnh, nơi Đào Thế-Hùng ở. Phía trước sân, Đào Phương-Dung đang đứng nhìn trời. Vốn sủng ái cô em họ, chàng rón rén đến bên cạnh, đánh một chưởng vào vai. Phương-Dung giật mình đẩy chưởng về sau chống đỡ. Chàng bắt lấy chưởng rồi hai tay ôm chặt lưng nàng. Phương-Dung hoảng hốt giật mạnh tay thoát ra, nhưng không được. Nàng móc chân về sau đá vào hông Đào Kỳ, Đào Kỳ vận khí chịu một cước. Phương-Dung thấy đá một cước mà đối phương không hề hấn gì, nàng thất kinh hồn vía hỏi: – Người là ai? Đào Kỳ nói khẽ vào tay nàng: – Ta là tướng cướp tới đây kiếm vàng! Đào Phương-Dung quát: – Người không phải là cướp. Cướp không có võ công bằng người. Đào Kỳ bật cười thành tiếng, buông nàng ra. Phương-Dung thoát ra được, nhìn lại thấy anh mình, nàng đánh nhẹ vào vai Đào Kỳ: – Anh làm em hết hồn. Tại sao anh lọt vào đây? Vào nhà mau, bố em có chuyện lo lắng. Sau đại hội Tây-hồ, Đào Thế-Hùng được Trưng Nhị và Lê Chân tới thăm, hai người nhờ ông khuyên Đào Thế-Kiệt đừng kết tội Thiều-Hoa lấy chồng Hán, và nhất là bớt cứng rắn cho hai con ra làm việc với người Hán để nắm binh quyền trong tay, chờ khi khởi binh đã có lực lượng sẵn. Ông đồng ý cử hai con là Hiển-Hiệu và Quý-Minh ra đảo. Việc ở đảo xong hai người theo Đào Kỳ đến Lục-hải. Rồi từ Lục-hải hai người đi thẳng Đăng-châu chứ không ghé Luy-lâu. Hai người đã tường trình mọi việc cho ông rõ. Nghe hai con kể chuyện, lòng ông mừng rỡ tưởng như nhìn thấy ngày Lĩnh nam phục quốc không còn bao xa nữa. Ông vội rời Đăng-châu, đi liên lạc với nhữnhg người ở trang Văn-lạc của Đào Kỳ, lo sắp đặt kế hoạch cho việc khởi nghĩa. Khi từ Văn-lạc trở về, ông được biết Hiển-Hiệu Quý-Minh và vợ ông được mời vào huyện đường, rồi bắt trói giữ làm con tin. Trương Thanh yêu cầu ông đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa y và Nghiêm Sơn. Tuy không biết tường tận những việc mới xảy ra ở Luy-lâu, như việc Nghiêm Sơn bao vây Thái-hà trang, giải thoát Tô Phương, nhưng ông lờ mờ hiểu đã có xích mích giữa Tô Định với Trương Thanh. Vì lo cho tính mệnh vợ với hai con, ông cũng phải đem tráng đinh phòng thủ trang ấp mình. Nay thấy Đào Kỳ xuất hiện thuật hết các biến chuyển mới, ông mới võ lẽ. Là người đa mưu, túc trí, quyết đoán mau lẹ, ông bảo Đào Kỳ: – Phương-Dung ở nhà giữ trang, còn ta với cháu và Giao-long nữ đi thám thính hai chiến thuyền coi sao rồi hãy quyết định kế hoạch. Đào Kỳ đồng ý, thế là ba người lần trong đêm tối đi đến mé sông. Hai chiến thuyền đậu sát bờ, trên thuyền có ánh đèn chiếu ra. Hai tấm ván từ thuyền nối liền với bờ được rào kỹ bằng bằng những dây mây đầy gai. Đào Kỳ bảo chú: – Chú trấn trên bờ, cháu với Trần Quốc xuống thuyền xem sao. Chàng cùng Trần Quốc hai người ra bãi sông bơi nhẹ đến sát thuyền, rồi bám dây neo, trèo lên thuyền. Đào Kỳ hiểu rõ lối kiến trúc chiến thuyền Hán, chàng và Giao-long nữ tiến đến đằng lái. Qua cửa sổ khoang có ánh đèn, ghé mắt nhìn vào, chàng thấy ngồi bên trong có 4 người đàn bà ăn mặc sang trọng, một khoảng 50 tuổi, còn 3 người khoảng 20-25tuổi. Cạnh đó là Trương Thanh-Mai, con gái Trương Thanh, chàng đã biết mặt. Chợt Trương Thanh-Mai lên tiếng: – Mẫu thân, thân định mai chúng ta lên đường. Nhưng chạy đâu bây giờ? Con thấy trên sông, cả hai phía Nam, Bắc đều có chiến thuyền của họ ngăn cản, làm sao chúng ta đi được? Người đàn bà lớn tuổi đáp: – Con đừng hoảng sợ, ngày mai Lưu thúc thúc ra lệnh đốt huyện Đăng-châu, lùa dân chúng xuống thuyền chạy về cả hai ngã Bắc, Nam. Thủy thủ trên các chiến thuyền có hạn làm sao kiểm soát hết? Thừa cơ hỗn loạn ta sẽ trà trộn với dân mà đi. Một người đàn bà trẻ hỏi: – Như vậy lính Tế-tác ngày mai sẽ đi lùa dân chúng trong huyện? – Đúng thế. Lại thấy người đàn bà khác tiếp lời: – Chúng ta sợ là sợ Sư bộ binh của Tôn Mạnh, chứ còn Hải đội chỉ có gần 200 người, chia làm hai thì sợ gì? Nguyên một mình Lưu thúc cũng đã đủ đánh chúng tan nát, lại còn chị Tường-Quy nữa võ công đâu kém gì ai? Đào Kỳ nghe nhắc đến Tường-Quy tim chàng lại đau nhói một cái. Chàng vẫy Trần Quốc bơi vào bờ, cả ba sau đó trở về trang Hiển-minh. Đào Kỳ thuật cho Đào Thế-Hùng nghe đối thoại trên thuyền, ngẫm nghĩ một lúc chàng tiếp: – Thưa chú, cháu nghĩ vấn đề bắt Trương Thanh không khó nữa, chỉ làm sao tránh đổ máu mà thôi. Theo chú năm tốt trưởng có thật tâm theo Trương Thanh hay không? Đào Thế Hùng lắc đầu: – Trong 5 tốt trưởng thì 3 là đệ tử của chú, còn 2 là người Hán. Cả hai người này chưa chắc đã theo y. Điều khó khăn là thím và hai em bị lọt vào tay chúng. Đào Kỳ quyết định: – Đêm mai chúng ta ra tay trước, xin chú cho tráng đinh chuẩn bị sẵn. Đợi cháu trở về điều quân cứu thím và các em. Sau đó chú cho vây huyện đường,. Tại huyện đường chỉ có gần 100 người, chúng ta khống chế dễ dàng. Bốn tốt canh phòng bốn phía, chỉ cần chúng không tiếp cứu huyện đường. Còn hai tốt của người Hán cháu sẽ cho bao vây. Chàng lại nói với Giao-long nữ: – Sư muội ra bờ sông, lên hai chiến thuyền, làm sao cắt đứt những dây giương buồm. Nhớ cắt làm nhiều đoạn, để họ không nối được, rồi xuống nước phá bánh lái. Giao-long nữ cười: – Chỉ có việc dễ như vậy sao? Đào Kỳ gật đầu: – Dễ, nhưng tất cả mọi ngườn không ai làm được, trừ sư muội. Đào Kỳ sau đó kiếu từ Đào Thế-Hùng cùng Giao-long biến vào đêm tối. Về tới bản doanh, các tướng sĩ vẫn ngồi chờ lệnh. Đào Kỳ phân công: – Chúng ta phải đánh Đăng-châu ngay bây giờ. Sư huynh Tôn Mạnh đem 2 tốt lên phía Bắc Đăng-châu lục soát kỹ, sẽ thấy mấy cỗ xe ngựa dấu trong rừng. Phải bắt sống phu xe và giữ ngựa, xe. Khi thấy Trương Thanh bỏ thuyền lên bờ tìm chỗ dấu ngựa, xe. Sư trưởng phải bắt hết không cho một người chạy thoát. Cố tránh giết người, cấm không cho quân sĩ cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái. Trái lệnh chém tại chỗ. – Lữ trưởng lữ 1, dẫn bản bộ binh mã tiến vào cửa Nam Đăng-châu. Tốt trưởng ở đó là người Hán, hãy dùng lời chiêu dụ rằng nếu đầu hàng sẽ được khoan hồng. Nếu y không chịu hàng, phải bao vây chờ lệnh không được tự động chém giết. Chàng ngừng lại đoạn tiếp: – Còn các Lữ trưởng khác bao vây vòng ngoài, ai chạy ra bắt hết, tập trung một chỗ dù đàn bà trẻ em cũng vậy. Điều quân xong, Đào Kỳ trở lại trang Hiển-minh, đã thấy Đào Thế-Hùng chuẩn bị xong tráng đinh, ra lệnh âm thầm tiến đến huyện đường. Ông cũng viết ba phong thư sai người đưa đến 3 đệ tử đang giữ chức vụ tốt trưởng trấn giữ 3 cửa Tây, Bắc, Đông dặn phải án binh bất động không tiếp cứu huyện đường. Ông với Đào Kỳ tiến về huyện đường. Là huyện úy, ông thuộc hết mọi ngõ ngách, ông lựa một chỗ bóng cây, cùng Đào Kỳ nhảy vào sân. Ông khẽ bảo Đào Kỳ: – Hai em bị giam trong công đường, do lính Tế-tác canh giữ. Bây giờ chú cháu mình đánh thẳng vào tất cứu được. Hai người tời sát trước cửa công đường, có hai tên lính cầm đao canh giữ. Đào Kỳ vọt lên, chộp cổ hai tên bóp mạnh. Chúng phát hiện ra chàng, vừa định kêu thì cổ họng tắt nghẽn. Chàng xách hai tên ra bụi cây, dí dao vào cổ hỏi: – Nếu chúng mày kêu lên một tiếng ta giết chết. Ta hỏi chúng mày: huyện lệnh Trương Thanh ở đâu? Một tên đáp: –Ở công đường với Lưu Chương. – Hai công tử con Đào huyện úy bị giam ở đâu? – Giam ở phòng giam sở Tế-tác. Đào Kỳ xé áo chúng nhét vào miệng, dùng giây lưng trói lại bỏ vào bụi hoa, đe dọa: – Nằm yên, nếu lên tiếng ta chém đầu. Ta chỉ bắt Trương Thanh mà thôi, không việc gì đến ngươi. Sáng mai ngươi sẽ được tha. Chàng cùng Đào Thế-Hùng đến sở Tế-tác, trước phòng giam có một đội binh Hán cầm vũ khí đi đi lại lại canh phòng. Chàng nhảy vèo đến nơi. Véo véo véo, chàng phóng ba chỉ đã đánh ngã ba tên. Trong khi đó Đào Thế-Hùng dùng chưởng đánh bật cửa nhà tù, ông nhảy vào trong đánh lửa soi rõ. Nhà tù trống rỗng. Bên ngoài Đào Kỳ cũng thanh toán xong đám lính sở Tế-tác. Đào Thế-Hùng lại mở các cửa phòng giam bên cạnh, cũng không thấy các con đâu. Ông hoảng hốt hỏi Đào Kỳ: – Thế này là thế nào? Đào Kỳ cũng giật mình: – Chúng ta bị mắc mưu Lưu Chương, chúng bắt giam thím và các em một nơi, rồi phao lên là ở sở Tế-tác hầu đánh lừa ta. Bây giờ phải đánh thẳng vào công đường. Lúc đó binh Hán đã báo động, đèn đuốc đốt sáng trưng. Đào Kỳ bảo chú: – Chú xuất hiện là đủ, cháu ẩn mặt tùy nghi hành động. Đào Thế-Hùng Lấy một mũi tên lửa bắn lên, lệnh cho đệ tử bao vây huyện đường. Quân Hán xuất hiện, chĩa tên vào Đào Thế-Hùng. Lưu Chương, Trương Thanh xuất hiện. Lưu Chương cười: – Đào huynh! Tôi không bắt Đào huynh theo tôi, chỉ cần huynh án binh bất động. Thế mà Đào huynh không giữ lời, đến đây định giải cứu phu nhân và hai lệnh lang phải không? Ba người hiện ở một nơi rất an toàn, không ở trong phủ này đâu! Phía ngoài tráng đinh reo hò bao vây bốn phía huyện đường. Không thấy quân tiếp viện, biết việc không xong, Trương Thanh hướng vào Đào Thế Hùng: – Phiền Đào huynh mở lối ra sông, khi lên thuyền rồi chúng tôi sẽ tha phu nhân và hai công tử ngay. Đào Thế-Hùng đành phất tay ra hiệu, tráng đinh mở lối. Trương Thanh, Lưu Chương dẫn theo một số người tiến về bờ sông. Đám Hán binh giật lùi, hướng tên về phía sau đề phòng. Đào Kỳ từ mái nhà nhảy xuống sân nói với chú: – Như vậy ta đã phá hỏng ý đồ đốt huyện lùa dân của chúng. Bọn chúng như kiến bò chảo nóng, chạy đâu cho thoát? Ta hãy lục soát huyện đường tìm thím và hai em đã. Đào Thế-Hùng cho tráng đinh tiến chiếm huyện đường, lục soát khắp nơi, vẫn không thấy ba người. Ông chợt vỗ đùi kêu lên: – Thôi rồi! Ta ngu quá! Chúng giam người dưới thuyền rồi. Đào Kỳ cùng chú chạy ra bờ sông, thì hai chiến thuyền cùng hàng chục dân thuyền đã rời bến. Hai người vội lấy hai dân thuyền đuổi theo. Đào Thế-Hùng bơi về phía Nam. Còn Đào Kỳ bơi về phía Bắc. Một lúc sau Đào Kỳ đã thấy phía thượng lưu, ba chiến thuyền dàn thành hàng ngang sông, đèn đuốc sáng rực, thủy thủ gươm giáo, cung tên sáng ngời. Thấp thoáng dưới ánh lửa, Đàm Ngọc-Nga, Phùng Vĩnh-Hoa đứng trên đài chỉ huy. Trên hai chiến thuyền chạy trốn. Lưu Chương đứng ở mũi chỉ huy đội binh Hán bắn tên sang chiến thuyền Thiều-Hoa. Thình lình Lưu Chương phi thân sang chiến thuyền Đàm Ngọc-Nga, y phóng chưởng tấn công. Đàm Ngọc-Nga vung kiếm trả đòn. Võ công Lưu Chương thuộc loại thượng thừa, không thua gì Đào Thế-Hùng, trong khi võ công Đàm Ngọc Nga chỉ bình thường. Vì vậy, qua mấy chiêu đã thấy nàng thất thế, phải nhảy lui về phía lái. Lưu Chương dồn công lực, định phóng chưởng đánh nàng rơi xuống sông. Thình lình phía sau y, một Hán binh quăng vào y một cuộn dây, y vội né tránh, nhờ thế Đàm Ngọc Nga chạy thoát. Lưu Chương bỏ Đàm Ngọc-Nga vọt lên đài chỉ huy định khống chế thuyền trưởng, nhưng mới tới lưng chừng y chợt thấy có luồng gió mạnh như cuồng phong tạt vào mặt. Hoảng kinh y vội giơ song chưởng ra đỡ, tay y tê dại. Y nhìn đối thủ, thì ra là một thiếu phụ trẻ, quần đen áo vàng sắc nước hương trời. Y ngẩn người ra như phỗng: – Ối trời ơi! Từ thuở sinh ra đến giờ, ta chưa từng thấy ai đẹp như nàng, mà võ công dũng mãnh vào hàng thượng thừa. Chiêu thế dường như thuộc phái Cửu-chân, nhưng còn có vẻ mạnh hơn Đào Thế-Hùng. Y vội hít vào một hơi, phóng ra một chưởng. Hoàng Thiều-Hoa đón đở rồi phản công lại liền. Hai người quấn lấy nhau mắ đấu. Đúng ra với bản lãnh Thiều-Hoa hiện giờ, chỉ cần vài chiêu nàng đã có thể thắng Lưu Chương, nhưng nàng mới học các chiêu số do Đào Kỳ truyền lại, nên chưa thuần thục đủ kinh nghiệm. Trải qua vài chục chiêu, nàng dồn Lưu Chương về phía mạn thuyền. Y thấy yếu thế, quật một chưởng rồi cười lớn: – Mỹ nhân ơi! Ta chịu thua ngươi, ta đi đây. Nói rồi y nhảy ùm xuống sông. Tên Hán binh quăng dây để giải cứu cho Đàm Ngọc-Nga lúc nãy cũng nhảy theo xuống nước.