Chương 4

Trung Hiếu lùi lại, đồng thời kéo nhanh chiếc mũ sụp xuống sâu hơn. Lòng anh đau đớn. Con anh đó và người yêu của anh đó, đang đi bên nhau cùng với một người đàn ông khác. Hắn đen đúa xấu xí, tướng tá cục mịch kệch cỡm lại là chồng của người anh yêu, là cha của con trai anh. Tại sao tôi không có quyền đòi lại những gì vốn là của tôi vậy?
Dù cho Trung Hiếu có lùi vào sau thân cây hoàng điệp, nhưng Yến Linh vẫn nhìn thấy anh, tim cô chùn lại hiu hắt.
Bỉnh vẫn vui vẻ, còn thằng Kha tíu tít bi bô hát:
“Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà”.
Quay đầu, Trung Hiếu chạy như điên về hướng biển. Anh té chúi nhủi trên cồn cát trắng. Không ngồi dậy, Trung Hiếu nằm luôn trên cát.
Tại sao tôi không có quyền nhìn nhận con mình vậy?
Biển đang dậy sóng như lòng tôi dậy sóng. Tôi muốn trở về thành phố quên hết những gì ở đây, như ba năm qua tôi từng quên vùi đầu vào việc học. Nhưng tâm hồn tôi bây giờ không còn bình yên nữa, mà loạn cuồng thét gào. Anh cần em, Linh ơi.
Trung Hiếu chạy đi rồi, Yến Linh mới thẫn thờ. Anh hãy về thành phố của anh đi Hiếu, nơi này không phải của anh nữa, và em cũng vậy. Em là của người đàn ông đang đi bên cạnh em, anh ấy là người ơn, dù em biết mãi mãi trái tim em không bao giờ quên anh.
Thằng Kha nhảy nhót những bước chân sáo hồn nhiên, nó chạy vọt lên trước rồi quay lại đi từng bước giật lùi.
– Con đố ba nghen, tại sao nước biển mặn?
Bỉnh cười:
– Con hỏi cái này, ba thua. Phải chi con hỏi mực đi luồng nào, ba sẽ nói con nghe.
Thằng Kha phụng phịu:
– Ba chẳng biết gì cả. Nước biển mặn là tại... ngày xưa thật là xưa... có anh chàng mồ côi thật là nghèo được ông tiên cho cái cối xay cho ra muối, bị ông nhà giàu chiếm đoạt, ông nhà giàu tham lam cứ bảo "cối ơi, xay ra muối đi", vậy là muối cứ tuôn ra xối xả đầy thuyền, thuyền nặng quá nên chìm, cái cối vẫn cứ xay ra muối, làm cho nước biển mặn chát luôn.
Bỉnh vỗ tay:
– Con trai ba thông minh quá. Ai kể cho con nghe vậy?
– Mẹ kể đó. Ba ơi! Ngày hôm qua bác Tư ở nhà bên bảo con:
Cha cú mà có con tiên là sao hả ba?
Bỉnh vô tình:
– Là con đẹp mà ba xấu.
– Ờ há! Nước da con trắng, còn ba đen. Mai mốt con đi biển như ba, chắc cũng đen như ba luôn.
Yến Linh trừng mắt quát khẽ:
– Con im đi! Sao hôm nay nói nhiều như vậy hả? Ngày mai mẹ cấm con đi chơi ở ngoài.
Bỉnh cười hiền:
– Em sợ gì nào? Ai nói gì mặc họ, anh không tự ái đầu, vì đâu có ai cho mình hạnh phúc, hạnh phúc là do mình tự tạo và gìn giữ lấy. Anh yêu em và con, anh bằng lòng với hạnh phúc mình đang có. Những ngày đi biển vất vả về nhà có em và con, quá đủ cho anh.
Yến Linh cắn nhẹ môi quay đi, cô biết Bỉnh hiền lành, mơ ước đơn sơ, nhưng anh có biết là cô đang cố gắng yêu anh, làm một người vợ yêu chồng.
Xin hãy cho biển lặng sóng êm!
Cả ba quay về, có mấy người đang đợi Bỉnh.
– Ông Bỉnh! Ngoài khơi nhắn chúng ta ra. Họ đang trúng mực. Ngày mai đi nghen, đang mùa mực mà ở nhà uổng lắm.
Bỉnh hớn hở:
– Ngày mai mấy giờ?
– Năm giờ sáng đi.
Yến Linh giận dỗi đi vào nhà. Về mới một hôm, Bỉnh lại đi nữa rồi. Anh nói anh bằng lòng với hạnh phúc đang có, tại sao anh lại ham tiền hơn là được ở bên cô vậy?
Khách về rồi, Bỉnh vào nhà:
– Em giận anh hả?
Bỉnh cười nhẹ ôm Yến Linh vào lòng:
– Em đừng có trẻ con. Chúng mình còn trẻ, phải biết nương theo cơ hội đến kiếm tiền chớ. Anh muốn em và con được sống đầy đủ no ấm. Em xem cái tivi thằng Kha xem có mới mẻ gì đâu. Nó có hồi ba em còn ở nhà, mấy năm qua lỗi thời, mấy móc cũ, màu cũng nhạt hết. Còn em nữa, làm vợ anh mà chỉ có đôi bông tai để đeo thôi, anh xót xa lắm. Để cho anh đi!
– Nhưng em đâu có cần đeo vàng, còn cái tivi đó xem cũng được, cái em cần là anh ở bên em.
Bỉnh vuốt mũi Yến Linh:
– Anh biết em lo cho anh. Hết mùa mực này, anh ở bên em đến mấy tháng, chịu không?
– Không cần.
– Thôi mà em. Kha ơi! Con năn nỉ mẹ đừng có giận giùm ba đi.
Nãn nỉ, năn nỉ... Yến Linh dụi mặt vào vai Bỉnh. Làm sao cô nói với anh, cô cần anh ở bên cô, cho lòng cô yên bình, cho bóng hình quá khứ không còn ám ảnh cô nữa. Lòng cô mãi ám ảnh với hình ảnh Trung Hiếu ngồi như hóa đá ngoài bến Phụ Tử. Đá núi cha và con còn được ở bên nhau, làm con người sao cha và con lại cách xa. Nhưng làm sao nói ra được điều thầm kín này, khi biển đang quyến rũ Bỉnh, đúng hơn là anh đi vì cô, vì bé Kha, trong cái ý nghĩ đơn giản là đem lại vật chất đầy đủ cho vợ con mình.
Cô hôn lên ngực anh, lên vùng ngực rắn chắc, lên đôi gò má sạm nắng giờ, lên đôi bàn tay sần sùi của một người ngư dân biển cả... Cô muốn cho anh tình cảm của một người vợ, nhưng hình như cô đang dối gạt anh và dối gạt chính mình.
Yến Linh lạ quá! Bỉnh siết chặt thân hình mảnh dể của cô trong vòng tay anh. Anh thấy yêu cô quá, và lòng cũng tràn ngập hạnh phúc.
Khoác ba lô lên vai, Bỉnh quay lại vẫy tay với Yến Linh:
– Vào nhà đi em! Kha ơi! Ở nhà phải cho thật ngoan nghen con.
Thằng Kha nhảy cẫng lên:
– Mau về nghen ba.
– Ừ.
Bỉnh chạy đi vì có xe đến đón anh xuống tàu. Trời hôm nay tốt, với cái lành lạnh này, anh tưởng tượng ra một vùng biển đầy mực.
Buổi sáng như thế này chiều là ra đến nơi, ăn uống nghỉ ngơi đến mười giờ đêm là xuất hành đi câu mực. Hết mùa mực, anh có quyền mơ đến việc mua cái tivi mới cho bé Kha và tặng cho Yến Linh chiếc nhẫn, sợi dây chuyền có hình trái tim.
Xe Bỉnh vừa chạy khuất, Yến Linh dắt thằng Kha vào nhà. Thằng bé lại nhảy cẫng lên lần nữa, nó vui vẻ hét to:
– Chú ơi...
Trung Hiếu đi tới, anh cười với thằng Kha?
– Rô-bốt của con có đi được không? Nếu đi chậm hay không đi là hết pin rồi, chú có mua pin cho con nè.
Trung Hiếu đưa cho nó, song thằng Kha lắc đầu:
– Dạ thôi, con không lấy đầu. Mẹ nói không nhận quà của người lạ, nên mẹ ném ra đường rồi.
Trung Hiếu lặng người. Lúc Yến Linh cố kéo ghịt thằng bé đi, nó còn cố quay lại xua xua tay như xin lỗi Trung Hiếu.
Trung Hiếu buồn bực, đúng là Yến Linh có quyền cư xử với anh như thế, cô không muốn nhìn thấy anh. Nhưng nếu anh không biết thì thôi, đằng này anh đã biết làm sao anh có thể để con mình sống một đời đạm bạc và nhận người khác là cha.
Vào đến nhà rồi, Yến Linh đóng chặt cửa lại, luôn cả cửa sổ, cô sợ nhìn thấy Trung Hiếu, nhìn thấy đôi mắt buồn vời vợi và cái dáng đi lủi thủi đau buồn của anh, định mệnh đã chia xa cô và anh mãi mãi rồi.
Biển im sóng quá, Trung Hiếu đi xuống biển. Ba năm anh quay lại với cù lao, vẫn cảnh quen thuộc, vẫn những con người ngày xưa hay bợ đỡ cha của anh, họ vẫn ân cần vui vẻ với anh, chỉ có một người, người anh yêu nhất đời thù ghét anh. Anh không phải là người mất mát ư? Mất mẹ và không có quyền nhìn con.
Ngồi dựa lưng vào vách đá, Trung Hiếu ngửa cổ uống bia. Hết lon bia, anh giận dữ bóp méo, ném tung vào vách đá. Anh cần em, anh yêu em, Linh ạ. Anh không biết mình làm gì để có em nữa...
Ném vèo lon bia nữa ra cửa, Trung Hiếu vụt đứng dậy...
Yến Linh, cô đang đứng ngay cửa hang đau xót:
– Anh hãy đi về đi anh Hiếu, em van anh...
Trung Hiếu buông lỏng tay:
– Tại sao em phải van xin anh? Em nói là em không muốn nhìn thấy anh nữa, hãy để yên em với cuộc đời của em, anh chỉ dám lặng lẽ sau lưng em, nhìn em và con của mình, anh có dám đi tìm em nữa đâu.
Yến Linh ứa nước mắt:
– Nhưng anh không chịu về Sài Gòn, ngày nào cũng ra hang này uống rượu, anh làm như vậy có ích lợi gì?
– Anh uống rượu vì anh buồn. Anh cũng quyết định rồi, anh trở ra cù lao này làm việc. Anh sẽ ở lại để mỗi ngày nhìn thấy con trai của anh.
– Anh điên rồi! Cù lao này có gì để anh lưu luyến mà muốn ở lại?
– Có, em thừa biết mà.
Trung Hiếu tiến tới, bước chân xiêu vẹo của người say, anh ngã chúi rồi lại đứng lên, đứng lên rồi ngã chúi.
Yến Linh tức giận:
– Tại sao anh lại ra nông nỗi này hả?
– Em không cần quan tâm đến anh, anh không chết dễ dàng đâu.
Lần này Trung Hiếu ngã bật ngửa, anh nằm luôn trên mặt hang ẩm ướt. Yến Linh đau lòng bước tới.
– Anh biết là mình không thể nào đến với nhau mà.
– Anh biết, chính vì vậy mà anh mới tuyệt vọng. Song em cứ yên tâm, một tháng không quên thì một năm, hai năm... có điều là em đừng tàn nhẫn không cho anh gần con, anh xin em.
Trung Hiếu run rẩy đưa tay lau nước mắt trên má Yến Linh.
– Anh lại làm khổ em nữa rồi. Anh không hề muốn thế, anh xin lỗi em, vì chính anh cũng đang rất đau khổ.
Hết còn dằn lòng được, Yến Linh ôm lấy bàn tay Trung Hiếu khóc nấc lên.
Trung Hiếu ôm choàng lấy Yến Linh. Hôm nay cô không vùng vẫy chống cự, không giận dữ, dữ dằn với anh, mà cô khóc nức nở, tiếng khóc tủi hờn buốt giá trái tim Trung Hiếu.
Anh tìm nơi cô nụ hôn mặn cả nườc mắt...
– Yến Linh! Hãy trở về với anh đi!
Yến Linh nức nở:
– Không được đâu anh. Em là người thân duy nhất của anh Bỉnh, em đến với anh, nằm trong vòng tay anh như thế này là em có lỗi với anh ấy.
– Vậy còn anh? Anh sẽ sống sao đây khi con anh và người anh yêu là của người khác?
Hai người rơi vào bế tắc. Tình yêu ngăn cách, trái tim thổn thức và càng thấy mình yêu nhau hơn. Định mệnh nào sao quá cay nghiệt.
Ầm...
Cấnh cửa bị gió thổi đánh mạnh vào tường, đánh thức Yến Linh. Cơn mưa ào ạt như trút nước xuống, Yến Linh vội vàng ngồi dậy. Lại mưa và gió.
Gió ầm ầm, từng cơn chớp tia lửa xanh lè ma quái. Yến Linh cố dằn cơn sợ hãi, cô chạy qua phòng con. Gió giật cánh cửa sổ không đóng, Yến Linh vội chạy lại đóng. Cô sững sờ nhìn ra màn mưa bên ngoài.
Dưới ánh sáng của ngọn đèn đưởng trên cao, Trung Hiếu vẫn đứng, mắt hướng vào nhà. Sao Trung Hiếu có thể điên như vậy.
Mặc áo mưa vào, Yến Linh xách cây dù mở cửa chạy ra. Cô đưa cây dù cho Trung Hiếu:
– Anh điên rồi hả? Mưa như thế này vẫn không về.
– Anh đã định về - Trung Hiếu nói to, anh cười và đưa tay vuốt nước mưa trên mặt mình - sực nhớ là em sợ trời gầm, nên anh ở lại.
Yến Linh xúc động:
– Bây giờ em bớt sợ trời gầm rồi, vì nó đâu có ảnh hưởng gì đến em.
– Em đã trưởng thành và anh cũng vậy.
– Cầm dù này đi về đi anh Hiếu. Anh dầm mưa như thế này sẽ bị cảm.
Trung Hiếu mỉm cười vì được Yến Linh lo lắng cho.
– Ừ, anh sẽ về. Anh vui lắm vì em không còn sợ mưa sợ sấm nữa, em vào nhà đi rồi anh về. À! Anh có cái này cho bé Kha, em mang vào đi. Ngày hôm qua anh về Sài Gòn và mua cho nó. Đừng từ chối! Không gặp con và nhìn con, thì cho anh được có một chút gì đó lo cho con.
Yến Linh xúc động nhìn Trung Hiếu, cô đau lòng vì anh, tại sao anh phải hành hạ mình như thế.
Trung Hiếu đặt món quà vào tay Yến Linh, anh đã gói nó cẩn thận.
– Em mang vào cho con đi. À! Ngày hôm qua anh về Sài Gòn có đi thăm ba em. Anh nói anh có lỗi và xin lỗi ông, cũng như ông không hề giận anh, lúc đó em và anh còn quá non trẻ. Bây giờ em sống hạnh phúc bên anh Bỉnh, ông mừng lắm. Thôi, em vào nhà đi.
Không còn ghìm lòng được nữa, Yến Linh ôm choàng lấy Trung Hiếu:
– Anh nghĩ là em hạnh phúc sao?
Hiếu lặng người xúc động:
– Vậy em muốn anh làm sao?
– Em không biết...
Yến Linh buông Trung Hiếu ra, cô chạy vụt vào nhà, bỏ rơi món quà của bé Kha. Trung Hiếu cúi nhặt lên, anh do dự rồi bước theo Yến Linh. Cô đang khóc sau cánh cửa khép hờ. Trung Hiếu ôm chặt lấy Yến Linh, mặc cho quần áo hai người ướt đẫm những nước mưa, môi anh tìm môi cô, trong nụ hôn dữ dội nhất.
Dữ dội của một tình yêu nghịch cảnh và sự khao khát có nhau...
– Anh về đi anh Hiếu.
Yến Linh choàng tỉnh, cô đẩy mạnh Trung Hiếu ra, đóng chặt cửa lại.
– Em van anh, anh về đi!
Trung Hiếu đau khổ đứng yên. Anh và Yến Linh đang đứng cạnh bờ vực thẩm, song anh không muốn dừng lại, tại sao anh không có quyền đòi lại cái mình có?
Đã ba ngày Trung Hiếu không đến, Yến Linh ngơ ngác như người mất hồn. Có lẽ Trung Hiếu về Sài Gòn rồi cũng nên. Anh đi để trả lại cho cô cuộc sống bình yên, anh nào có biết sự xa cách càng khiến cô dằn vặt thương nhớ anh, tình yêu càng cách trở thì người ta càng nhớ đến nhau.
Biển vẫn êm sóng, Yến Linh thầm gọi Bỉnh:
''Anh hãy về đi, về đi cho em đừng nhớ quá khứ nữa". Mỗi chiều, bến tàu vẫn lặng yên, không có hồi tàu rúc dài báo hiệu tàu cá về Xóm cù lao vẫn yên tĩnh, nhiều đàn bà trẻ con, ông già.
Yến Linh quay quắt ngơ ngác. Về đi Bỉnh ơi...
Cộc... cộc...
Tiếng gõ cửa Yến Linh lao lại cửa. Cô thất vọng nhìn người thanh niên trẻ, anh ta mặc bộ quần áo công nhân xưởng tàu. Yến Linh hồi hộp.
Có lẽ là người của Trung Hiếu, anh nhờ báo tin với cô là anh trở về đất liền và không bao giờ trở về xóm cù lao này nữa.
– Chị là Yến Linh?
– Vâng!
– Anh Trung Hiếu bảo tôi đưa cái này cho chị.
Yến Linh cầm lấy phong thư, cô quên cả việc hỏi hay cám ơn người thanh niên, run rẩy mở ra xem.
“Yến Linh! Anh đã về Sài Gòn, đúng là anh chạy trốn em, Linh ạ. Mọi sức lực của anh cạn kiệt vì nhớ em nhớ con, anh cố mạnh dạn và tự xỉ vả mình, song sao anh cứ nhu nhược như loài rong rêu. Anh bệnh rồi sau cái đêm dầm mưa ấy, anh cung không biết bỏ cây dù của em ở đâu nữa, trong cơn mê, anh cứ thấy em và con tươi cười vui vẻ với anh.
Hãy đến với anh một lần đi Yến Linh! Anh van em, cho anh được ôm em và con vào mình. Anh không thể nào sống thiếu em được nữa rồi.
Hôn em”.
Trong thư là vé tàu và địa chỉ của Hiếu. Yến Linh vò lá thư và cả vé tàu. Cô không có quyền đến với Hiếu, tội lỗi lắm, cô là người phụ nữ đã có chồng.
Ngồi xuống ghế, Yến Linh mở mắt trừng trừng nhìn lá thư bị mình vò nát.
Hiếu đang bệnh, liệu có nặng lắm không?
– Dzô... dzô... mẹ ơi.
Thằng Kha cầm máy bay điện tử nó vừa chạy vừa hét Yến Linh bảo tránh vô, mồm cười toe toét:
– Mẹ ơi! Khi nào chú Hiếu mua sách tô màu cho con vậy? Lâu ghê, chú hổng có cho quà mà cũng chẳng đến cho con dặn chú mua sách tô màu cho con.
Yến Linh nhìn con đăm đăm:
– Con thích chú Hiếu lắm hả?
– Dạ.
– Vậy con có thương ba không?
– Có chứ. Ba đi biển cực khổ phải thương ba. Sau này con lớn lên, con học giỏi để không đi biển cực khổ như ba.
Tim Yến Linh quặn lại. Nếu cô còn sống với Bỉnh, cuộc đời của cô sẽ mãi là vợ một anh ngư dân, chồng sống trên biển nhiều hơn là sống với cô. Có bao nhiêu người vợ trẻ lấy chồng nghề biển, rồi người chồng mãi ra khơi, vợ con ở nhà...
Không, cô không thể nào tiếp nối cuộc sống này. Yến Linh bật dậy, hấp tấp nhặt tờ thư và vé tàu vuốt phẳng lại.
– Bé Kha! Mẹ và con đi Sài Gòn.
Cánh cửa nhà mở rộng trong lúc Yến Linh bỡ ngỡ nắm tay thằng Kha. Bà giúp việc niềm nở.
– Cô vào đi ạ!
Hiếu mặc pyjama xanh, anh hiện ra nơi ngưỡng cửa buồng, hai tay dang rộng ra rồi lao đến ôm thằng Kha, bế nó lên cao hôn tới tấp lên mặt nó:
– Ba nhớ con quá.
Thằng Kha lạ lùng đẩy mặt Trung Hiếu ra:
– Chú là ba của con?
– Ờ. Con của chú cũng lớn bằng con vầy nè.
– Nó đâu hả chú?
– Đi theo mẹ nó rồi. Chú ở có một mình. Con làm con chú nghen?
– Không được đâu. Con là con của ba con. Ba Bỉnh đi biển vất vả, tội nghiệp lắm.
Cả Trung Hiếu và Yến Linh lặng người trước câu nói ngây thơ. Nó từ chối Trung Hiếu, bởi trong tâm hồn non nớt của nó chỉ có mỗi Bỉnh.
Tụt xuống khỏi lòng Trung Hiếu, thằng Kha trầm trồ:
– Nhà chú đẹp quá, nhà con xấu òm hả.
Trung Hiếu cười gượng:
– Nếu con muốn thì nhà này là của con.
– Con đâu có ở đây được, nếu mẹ và ba ở thì con sẽ ở.
Trung Hiếu nhìn Yến Linh, cái nhìn đầy ý nghĩa. Yến Linh quay di. Trung Hiếu gọi người làm dẫn thằng Kha ra sau tắm rửa và cho ăn uống, anh kéo Yến Linh vào phòng mình.
– Em nghĩ như thế nào Linh? Con nói là tùy em mà. Anh nghĩ rằng em chịu đi gặp anh là em đã chọn lựa.
Yến Linh bối rối sụp mắt xuống van lơn:
– Anh đừng bắt em có sự chọn lựa.
– Vậy thì em đi thăm anh làm gì? Anh bị bệnh rồi hết, anh có thể quên em, quên em một cách đau khổ, nhưng anh không cho phép em giữ con của anh lại cù lao nghèo nàn đó. Nó sẽ không được học hành bao nhiêu, nó sẽ sống nghề biển. Anh không cho phép như vậy.
Trung Hiếu nâng cằm Yến Linh lên, bắt cô nhìn sâu vào mắt anh:
– Hãy nhìn anh đi! Tại sao chúng mình yêu nhau mà không được chung sống với nhau?
Nước mắt Yến Linh trào ra:
– Em không thể... không thể với anh, cho dù em rất yêu anh. Em thật sự bị giằng co giữa ơn nghĩa và tình yêu.
– Tình yêu là sự rung cảm giữa hai trái tim, còn ơn nghĩa là điều nhìn thấy và có thể đáp trả. Em chung sống với anh ta bao nhiêu năm, như thế đủ rồi, bây giờ em là của anh, của anh.
Trung Hiếu ghì chặt Yến Linh vào anh, anh hôn cô, những nụ hôn của anh bao giờ cũng dữ dội như muốn nghiền nát lấy Yến Linh, cho cô một cảm xúc đê mê cháy bỏng, cô buông tay để mình chìm theo cảm xúc của tình yêu...
Ngồi trên chiếc xe nhà sang trọng của Trung Hiếu, thằng Kha không ngớt bi bô:
– Đèn nhiều quá mẹ ơi, mà xe cũng đông nữa.
Trung Hiếu âu yếm:
– Bé Kha! Con thích Sài Gòn chứ?
– Dạ thích.
– Vậy ở Sài Gòn luôn nghen?
– Dạ thôi. Con đếm rồi, còn tám ngày nữa, ba về. Mẹ ơi! Ngày đó mình về nhà đón ba nghen mẹ.
Yến Linh cúi đầu không dám nhìn Trung Hiếu. Cô sợ anh đau khổ khi hình bóng Bỉnh in sâu vào tâm hồn nó, nó phân biệt rạch ròi. Trung Hiếu là chú và Bỉnh là cha.
Bàn tay Trung Hiếu âm thầm tìm bàn tay Yến Linh siết lại:
– Anh không buồn đâu. Anh chịu được mà. Em cũng đừng nói gì cả. Anh muốn tâm hồn ngây thơ của con cứ mãi hồn nhiên như thế. Chúng ta có lỗi với anh Bỉnh, nhưng không nên để con cũng có lỗi như chúng ta.
Yến Linh ứa nước mắt, hạnh phúc nào sao luôn không trọn vẹn.
Con tàu rúc một hồi còi dài từ xa xa, tiếng còi báo hiệu mười lăm ngày đi biển kết thúc, Bỉnh trở về. Anh sung sướng dang rộng hai tay. Từ nay, anh không đi biển nữa mà sẽ ở nhà với vợ con. Yến Linh sẽ thôi bớt sợ những cơn mưa giông sấm sét ầm ĩ.
Xốc ba lô, Bỉnh nhảy xuống tàu ngay đầu trên khi con tàu cập bến. Đám trẻ con và phụ nữ túa ra đón chồng và cha của họ trở về. Chưa khi nào Yến Linh đi đón Bỉnh, anh không quan trọng lắm điều ấy.
Bỉnh chạy vội về nhà, những bước chân reo vui của anh sải dài trên cát biển rồi con đường nhựa.
Tiếng trêu ghẹo đuổi theo Bỉnh:
– Về mau đi Bỉnh đen ơi, cô vợ đẹp của anh đang chờ anh ở nhà.
Bỉnh cười tươi đưa tay vẫy lại, bước chân của anh nhanh hơn nữa.
– Ba về, ba về!
Thằng Kha nhảy cẵng lên, nó ào ra cổng ôm chân Bỉnh và khoe ngay món đồ chơi của nó:
– Ba! Con có chiếc xe hơi này đẹp không ba? Con bóp còi cho ba nghe nghen.
Thằng Kha tinh nghịch ấn nút cho còi kêu lên te te. Bỉnh nghe mệt mỏi tiêu tan, anh định bé thằng Kha lên, sực nhớ người mình đang bẩn, anh chỉ hôn vào má nó:
– Ai mua cho con xe vậy? Mẹ hả?
– Dạ. Í, mà hổng phải, của chú gì đó, mẹ dặn đừng nói cho ba biết.
Bỉnh cau mày, nhưng rồi anh không mấy quan tâm. Tàu về, nguyên cả cù lao như nhộn nhịp hẳn lên. Một lát nữa anh tắm rửa xong sẽ cùng với thằng Kha ra quán tìm Yến Linh.
Tội nghiệp những người phụ nữ có chồng đi biển làm ngư dân, những ngày chồng vợ bên nhau không được bao nhiêu. Lần này kiếm được khá tiền, Bỉnh quyết định bỏ nghề, ở trên bờ với vợ con.
Thằng Kha bữa nay không mấy đeo theo Bỉnh, nó mải mê với những trò chơi điện tử đang có. Chiếc tivi cũng được thay cái mới. Bỉnh lạ lùng nhìn quanh, hình như có cái gì đó đổi khác. Có khác gì đâu ngoài cái tivi mới.
– Kha này! Con với ba ra quán tìm mẹ nghen?
Nếu như mọi khi, thằng bé sẽ vứt hết những đồ chơi chạy theo Bỉnh, nhưng bữa nay nó lắc đầu:
– Thôi, ba đi một mình đi.
– Con không còn thích ba nữa à?
– Đâu có. Tại con thích chơi cái này hơn.
Nó cầm cây súng nước chĩa vào Bỉnh:
– Ba giơ tay lên, không thôi con bắn ba đó!
Nó xịt ngay nước vào người Bỉnh rồi đứng nhe răng ra cười.
Bỉnh nài nỉ:
– Đi với ba đi mà. Ba đi cả nửa tháng nay, con không nhớ ba sao?
– Con ở nhà vui lắm, chơi với mấy món đồ chơi này nè, con được đi Sài Gòn thăm ông ngoại, đi mua đủ thứ đồ, ăn những món ngon lắm, ba ăn kem dâu chưa?
Bỉnh mỉm cười:
– Chưa. Những món ăn kem là dành cho trẻ em, làm người lớn ba không ăn kem.
– Đâu có, chú ấy cũng ăn kem, chú là người lớn như ba vậy.
Một lần nữa Bỉnh nhíu mày:
– Chú ấy? Chú ấy là ai? Tên gì vậy?
– Chú ấy tên Hiếu, chú Trung Hiếu.
Bỉnh đứng chết lặng, hai tai anh ù ù, anh không muốn tin đây là sự thật. Yến Linh không bao giờ nhắc tên Hiếu, nhưng anh biết cô căm hận Hiếu. Tại sao bây giờ lại như vậy?
Yến Linh về đến, cô vui vẻ:
– Anh về nãy giờ, em biết ngay, nhưng phải thu xếp ngoài quán mới về được.
Đóng cửa quán cà phê lúc tàu cặp bến uổng lắm, em định lát nữa ra mở quán bán tiếp.
Bỉnh nhìn vợ, cô không ôm ahh hay ngả vào lòng anh bày tỏ thương nhớ, gương mặt cô hôm nay cũng khởi sắc tươi tắn. Có phải vì vợ anh đã gặp lại người xưa? Tim Bỉnh thắt lại, song anh cười gượng, lấy trong túi ra xấp tiền đưa cho Yến Linh:
– Em giữ lấy, muốn mua gì thì mua. Em đổi tivi từ khi nào vậy?
Yến Linh nói mà không dám nhìn Bỉnh:
– Hôm trước, em về Sài Gòn thăm ba và quyết định mua cái mới. Anh không hài lòng à?
– Đâu có. Anh làm ra tiền là cho em và con, sao không hài lòng. Ba có khỏe không?
– Ba khỏe. Ba nói có thể Tết này ba được trả tự do.
Bỉnh làm vẻ vui mừng:
– Vậy à! À anh có mang về con cá hú, em muốn nấu gì nấu đi.
– Dạ.
– Anh đi ra quán uống cà phê chút nghen.
Bỉnh đi luôn ra đường, một thái độ mà từ lúc chung sống với nhau chưa bao giờ có. Yến Linh lo lắng nhìn theo. Có phải anh đã biết những điều gian dối của cô?
Thằng Kha đưa chiếc xe tăng lên:
– Mẹ! Sao con ấn nút nó không chịu chạy vậy?
Yến Linh cầm chiếc xe điện tử, cô nghiêm mặt nhìn con trai:
– Có phải con nói những món đồ này chú Hiếu mua cho con?
– Dạ. - Thằng Kha ngây thơ - Thì mẹ dạy con, con nít nói dối xấu lắm, người lớn biết được không thương.
Yến Linh bỏ chiếc xe xuống. Cô không còn lòng dạ nào ngồi với con hay chuẩn bị buổi cơm chiều, khi Bỉnh đi xa đến nửa tháng mới về. Nửa tháng đó, cô ngụp lặn trong hạnh phúc tình yêu với Trung Hiếu. Cô đã phản bội Bỉnh, phản bội chồng mình, một người hết lòng yêu thương cô, luôn bên cạnh cô đỡ đần. Nhưng ân nghĩa có thể nào trả bằng tình yêu bằng cả cuộc đời mình sao?
Những ý nghĩ ấy cứ dằn vặt Yến Linh, cho đến khi gặp Trung Hiếu, những ray rứt dằn vặt ấy tan biến nhường chỗ chỗ tình yêu và đam mê, cho mối tình đầu không dễ nhạt phai.
Yến Linh bối rối đi vào phòng. Cô chưa biết mình nên có thái độ nào với Bỉnh.