Những giấc mơ chưa hết…

    
ó lẽ nên bắt đầu từ một buổi tối trong quán, nơi chúng tôi ngồi run cầm cập vì chiếc máy lạnh đang mở với công suất tối đa. Thật kì cục là những quán cà phê châu Á, ngoái trời nóng muốn chết nhưng bắt khách ngồi bên trong phải xuýt xoa vì lạnh, nhất định không chịu giảm nhiệt độ. Bee Thiam, anh bạn rất thân đã hai năm không gặp đứng lên đi qua lại trong quán quen, rồi dừng nơi kệ sách với những cuốn sách nghệ thuật dày và nặng, cầm lấy một quyển mang lại bàn. Tôi cũng ngó nghiêng nhìn cuốn sách hỏi: “Anh chỉ em cách xem hình nghệ thuật đi, như bức này chẳng hạn”, rồi lật, chỉ đại bức ảnh chụp từ sau lưng cô gái nhỏ, chừng mười bốn mười lăm tuổi, mặc chiếc áo đầm rộng đang chạy vào rừng thưa. Ảnh chụp nhưng được xử lý như tranh vẽ, hơi lãng đãng và mờ nhạt. Anh ngồi nhìn hồi lâu rồi nói: “Bức tranh này có làm em thấy như một giấc mơ không?”
 
Tôi giật mình, và chỉ mất vài giây thôi đã thấy bức tranh… giống giấc mơ thật. Những giấc mơ làm ta thức dậy vào buổi sang băn khoăn không biết mình đã mơ gìđêm qua, nhưng chắc chắn là có mơ… Tôi tròn mắt, khen anh bạn nghệ sĩ tôi vẫn thường chê là chậm chạp chỉ với một câu nói đã “khai hóa” được đầu óc phi nghệ thuật của tôi.
Câu chuyện ở quán cà phê khiến tôi suy nghĩ mất mấy ngày, lẩn thẩn nhớ lại những giấc mơ từ xa xưa. Hồi nhỏ, tôi sợ nhất những lần nhà có  đám giỗ phải làm gà vịt. Những lúc ấy, tôi ra ngoài hàng hiên có những viên gạch vỡ lỏng chỏng, ngồi bó gối gạt nước mắt khóc hu hu.. Cho đến giờ tôi vẫn không biết mình khóc vì thương lũ gà vịt hay chỉ vì sợ. Có lần, ông anh họ tôi chơi ác, lấy đĩa tiết canh ra dứ dứ vào tôi đang đứng khóc, làm tôi càng khóc nức nở như tủi thân, mẹ tôi phải nạt: “Đem đi chỗ khác. Em sợ mà còn chọc em nữa, lần sau đứa nào mà chọc em là bị đòn đó nghe chưa?”. Những đêm đó, giấc mơ trẻ con của tôi có những chiếc lông gà long vịt bay xao xác và lũ gia cầm nhìn tôi buòn bã.
Có lẽ ngay cả từ những năm tháng lên chin, lên mười đó, tôi thường bị ám ảnh bởi những giấc mơ, những giấc mơ vui có, buồn có của một thế giới tâm linh, siêu thực. Đến nỗi có một thời gian vắng những giấc mơ, tôi bồn chồn như thiếu một điều gì quan trọng lắm, rồi nhẹ nhõm khi sang hôm sau ngủ dậy, một buổi sang chủ nhật lười biếng vừa ngáp vừa rúc đầu vào gối, nhận ra tối qua mình có nằm mơ, cũng một giấc mơ không nhớ là gì nhưng chắc chắn là có mơ. Năm học lớp 10, tôi đọc chuyện “Cuốn theo chiều gió”, đoạn cuối nói về những giấc mơ của Scarlet có màn sương mù dày đặc làm nàng không thấy lối đi, đến lúc giật mình tỉnh dậy giữa đêm lúc nào cũng có Rhett cạnh bên an ủi qua cơn xúc động hay sợ hãi. Gần mười năm sau, tôi tình cò xem cuốn phim ấy sau đêm giáng sinh ở một ngôi nhà gỗ trên đỉnh núi xứ Alps tuyết phủ dày như trong những cây bánh kem bán dịp Noel, đến chỗ Rhett bỏ đi, thấy quanh mình màn sương mù dày đặc hệt như trong những giấc mơ, cô gái xinh đẹp, tự lập và đầy cá tính Scarlet O’Hara lúc này phải chạy khắp nơi gọi “Rhett, Rhett…” tự nhiên tôi thấy tim mình nặng trĩu mà không hiểu vì sao. Đêm đó, tôi mơ thấy mình đang ở nhà thì bị động đất, hoảng loạn chạy ra đường thấy cây đổ xung quanh không biết gọi tên ai. Tôi tỉnh dậy, lòng lại nặng trĩu mặc dù mặt trời bên ngoài đã chiếu sang dát vàng khoảng sân tuyết trắng bên ngoài. Nhưng đến khi chúng tôi đang ngồi uống trà và ăn bánh mì, cô bạn từ phòng khách bước ra, bảo: “Ở Bangladesh hôm qua có động đất, nhiều người chết lắm”. Đó chỉ là những tin tức đầu tiên của thảm họa Tsunami. Những ngày sau, liên tiếo những thông tin được cập nhật về số nạn nhân và mất mát làm tôi thấy bần thần cả người thấy “đời nhẹ như mây khói”, đêm nào trước khi đi ngủ cũng rì rầm cầu nguyện những giấc mơ đừng về.
Máy bay đã gần hạ cánh. Cả đêm tôi gần như không ngủ, ôm con gầu màu vàng có dải băng mắt chấm bi đỏ của BBC Children in need mua ủng hộ quỹ từ thiện năm ngoái, bạn đồng hành trong những chuyến đi của tôi, mở mắt thao láo nhìn ra bầu trời đêm tối thẫm, thỉnh thoảng lại lóe lên ánh sang từ cánh máy bay, ngay cả trên những chuyến bay đường dài, có lẽ vì trong tiếng Việt người ta chỉ nói “nằm mơ” chứ không phải “ngồi mơ” chăng? Anh tiếp viên hàng không người Hà Lan trẻ măng có gương mặt ngồ ngộ đến đưa tôi một túi đầy bánh kẹo và sôcôla, anh biết tôi còn một chuyến bay khác trong vòng vài giờ nữa: “Để bạn ăn lúc ngồi chờ ở sân bay”, làm tôi cảm động, quên cả cảm ơn. Người đàn ông trung niên cũng người Hà Lan ngồi cạnh tôi nói vui: “Đúng là làm con gái trẻ thích thật. Cả đời tôi đi máy bay hang KLM chưa được tặng viên kẹo nào để ăn trong lúc ngồi chờ quá cảnh chuyến sau đấy nhé” làm cả hai chúng tôi cùng cười. Nhưng sau khi cười, tự nhiên tôi thấy câu nói này quen quen, cảnh trên máy bay với anh tiếp viên hang không và người đàn ông trung niên vui tính như thế này cũng quen quen, như thể tôi đã từng thấy đâu đó, hay là trong những giấc mơ không chừng? Đã bao giờ bạn thấy vậy chưa, đến một nơi nào đó, hay nghe ai đó nói câu gìđó, mặc dù biết là chỉ mới lần đầu tiên, lần đầu nghe cũng vẫn thấy quen quen như thể đã từng gặp đâu đó trong những giấc mơ?
Máy bay đã hạ độ cao, những giọt mưa bay thành những đường xiên chéo trên cửa sổ làm tôi nhớ tới câu hát của Trịnh Công Sơn “Sóng đong đưa linh hồn, có mưa quanh chỗ nằm” mặc dù xem ra câu hát đó chẳng ăn nhập gì với bấy giờ. Trời đã tờ mờ sáng, thành phố Amsterdam “dẹp lép” do nằm dưới mặt nước biển, không có đồi núi chập chùng nhưng đầy kênh rạch sông ngòi chằng chịt nối những khoảng cây xanh mướt trong cơm mưa buổi sớm đã dần hiện ra trước mặt. Tôi cóđọc đâu đó câu thơ tiếng Anh “Mưa là những nụ hôn từ trời”. Tôi thấy mưa giống những giọt nước mắt từ trời hơn. Như lúc này nước mưa đã đọng lại thành một giọt lớn trên cửa sổ máy bay, rồi từ từ lăn xuống như một giọt nưới mắt. Bây giờ tôi mới nhận ra mình chưa bao giờ tự hỏi khi máy bay còn bay cao trên trời có thể thấy mưa được không, vì nước mưa rớt xuống từ những đám mây, mây lại nằm dưới máy bay? Màđiều đó xem ra có gì quan trọng,, hay cũng chỉ là một giấc mơ? Có khi tất cả mọi thứ cũng chỉ là những giấc mơ. Những giấc mơ chưa biết…