Sự liên hệ chặt chẽ giữa Phật Giáo và Cộng Sản Việt Nam được tìm thấy dễ dàng trong các tài liệu Việt Cộng viết sau 30.4.1975, trong các bút ký của một số nhà lãnh đạo Phật Giáo, trong sử liệu của các sử gia Phật Giáo hay sử gia miền Nam Việt Nam, trong các tài liệu của Hội Nghị Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình (WCRP) và Hội Nghị Á Châu về Tôn Giáo và Hòa Bình (ACRP), trong cuốn "Violations of Human Rights in The Socialist Republic of Vietnam" do tổ chức Aurora Foundation xuất bản năm 1989 và trong các tài liệu của các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác như Amnesty International, v.v... Sự liên hệ này được tìm thấy ngay cả trên các sách và báo chí của các tăng sĩ hay cư sĩ Phật Giáo Việt Nam xuất bản ở hải ngoại. Phủ Đặc ủy Trung ương Tình Báo và Tổng Nha Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa trước đây cũng có hồ sơ đầy đủ chi tiết về các tăng sĩ và cư sĩ Phật Giáo đi theo hay hoạt động cho Việt Cộng. Riêng các tài liệu liên hệ đến Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thượng Tọa Thích Minh Châu đã có lần được đem trình bày cho một vài ký giả ngoại quốc và Việt Nam cũng như cho một số nghị sĩ và dân biểu thân chính quyền tại Saigon trong một buổi họp kín khi những người này nêu thắc mắc về hành động của chính phủ đối với một vài hoạt động của Phật Giáo. Được hỏi tại sao không bắt những tăng sĩ hoạt động cho Việt Cộng khi đã có bằng chứng rõ ràng, viên chức tiết lộ tài liệu đã nêu ra hai lý do: Lý do thứ nhất là mọi hành động liên hệ đến tôn giáo đều phải được tính toán một cách thận trọng để tránh những phản ứng bất lợi về chính trị. Chỉ khi nào quá cần thiết mới bắt. Lý do thứ hai là duy trì tình trạng đó để theo dõi các hoạt động nội thành của Việt Cộng, nhất là trong khối Phật Giáo Ấn Quang. Phá một đường dây thì dễ nhưng móc nối lại để theo dõi rất khó. Chúng tôi đã cố gắng kiểm chứng lại các tài liệu đã được tiết lộ và nhận thấy hoàn toàn đúng. Dĩ nhiên, cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ cũng được cung cấp đầy đủ các hồ sơ này và cựu Tổng Thống Richard Nixon đã xử dụng các tài liệu đó để viết về trường hợp của Thượng Tọa Thích Trí Quang và Phật Giáo trong cuốn No More Vietnams. Ngày 19.5.1941, tại Pác-bó, Cao Bằng, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh. Mặt Trận này được thành lập căn cứ vào Nghị Quyết của Hội Nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng Sản Đông Dương họp vào đầu tháng 5 năm 1941. Theo Nghị Quyết này, Mặt Trận Việt Minh sẽ quy tụ các hội cứu quốc. Đảng Cộng Sản Đông Dương được coi là một đoàn thể cứu quốc nên là thành viên của Mặt Trận và có trách nhiệm lãnh đạo Mặt Trận.(1) Trong danh sách các hội cứu quốc của Mặt Trận Việt Minh, người ta thấy có Hội Công Dân Cứu Quốc, Hội Nông Dân Cứu Quốc, Hội Thanh Niên Cứu Quốc, Hội Phụ Nữ Cứu Quốc, Hội Phụ Lão Cứu Quốc, Hội Nhi Đồng Cứu Quốc, v.v. Về tôn giáo, người ta chỉ thấy có Hội Phật Giáo Cứu Quốc mà không thấy có Hội Cao Đài Cứu Quốc, Hội Phật Giáo Hòa Hảo Cứu Quốc hay Hội Công Giáo Cứu Quốc. Tại sao? Đây là vấn đề chúng tôi sẽ đề cập trong chương nói về Thiên Chúa Giáo, Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo với Cộng Sản Việt Nam. Tháng 8 năm 1945, khi mới chớp được chính quyền, thế lực còn yếu, Hồ Chí Minh đã tìm cách ve vãn các tôn giáo để thu hút các tôn giáo đứng vào Mặt Trận Việt Minh. Nhân dịp lễ Giáng Sinh, lễ Phật Đản hay Rằm Tháng Bảy, Hồ Chí Minh thường gởi thông điệp chúc mừng các tín đồ liên hệ. Trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6.1992 gởi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, Hòa Thượng Thích Huyền Quang có viết: "Cụ Hồ lãnh đạo Kháng chiến chống Pháp, nhưng mỗi lần lễ Noel đến, cụ Hồ không quên gởi Thông Điệp chúc mừng Noel, thân thiện với Thiên Chúa Giáo. Năm rồi Đài Phát Thanh Hà Nội có dành hai giờ văn nghệ, để cúng dường Giáng Sinh. Trong lúc đó, lễ Phật đản chúng tôi, không được Nhà Nước nói đến một lời nào mà còn làm khó dễ đủ thứ trong việc tổ chức lễ Phật đản. Tôi nghĩ, và có lẽ tôi nghĩ không sai: Ai mạnh thì Nhà Nước coi trọng, ai yếu thì Nhà Nước xem khinh..." Đọc qua đoạn này, nhiều nhân sĩ Phật Giáo đã nói rằng Hoà Thượng Huyền Quang thiếu thận trọng, không được thông tin đầy đủ và có tinh thần bài Thiên Chúa Giáo khi viết lá đơn nói trên. Sự thật, theo thư tịch mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã công bố, vào các lễ lớn của Phật Giáo như Phật Đản hay Rằm Tháng Bảy, Hồ Chí Minh có gởi thông điệp khúc mừng đến tín đồ Phật Giáo như ông đã gởi cho các tín hữu Công Giáo nhân dịp lễ Giáng Sinh. Sau đây là một đoạn trong Thông Điệp đề ngày 15 tháng 7 âm lịch năm Bính Tuất (tức 11.8.1946) gởi Hội Phật Tử Việt Nam: "Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gởi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật Tử. "Từ ngày Nước ta trở nên Dân chủ cộng hòa, Hiến Pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. "Thế là: Nước độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang. "Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ tăng ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan Đạo Phật. "Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khốn nạn, Người phải hy sinh tranh đấu diệt lũ ác ma..."(2) Mặc dầu được ve vãn, các giáo sĩ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã không tham gia Mặt Trận Việt Minh vì biết Mặt Trận đó là của Cộng Sản. Trái lại, một số đông tăng sĩ cao cấp của Phật Giáo đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh ngay từ khi Mặt Trận này mới thành lập và nhất là vào năm 1945, khi Việt Minh đã cướp được chính quyền. Đa số các tăng sĩ gia nhập Mặt Trận này đều là người Miền Trung, xuất thân từ Trường An Nam Phật Học ở Huế. Có lẽ các tăng sĩ này đã chịu ảnh hưởng của hai nhân vật quan trọng là Hòa Thượng Thích Trí Độ, Giám Đốc Trường An Nam Phật Học và Bác Sĩ Lê Đình Thám, Hội Trưởng Hội An Nam Phật Học. Khi Việt Minh lên nắm chính quyền, Hòa Thượng Thích Trí Độ được cử giữ chức Chủ Tịch Trung ương Hội Phật Giáo Cứu Quốc, còn Bác Sĩ Lê Đình Thám trờ thành Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ. Một số tăng sĩ xuất thân từ hai tổ chức trên đã vào chiến khu hoạt động cho Việt Minh. Một số khác ở lại làm nội tuyến, thành lập những tổ chức ngoại vi nhằm giúp Việt Cộng đánh bại phe quốc gia và thiết lập chế độ cộng sản. CÁC TĂNG SĨ VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO ĐÃ HOẠT ĐỘNG CHO VIỆT CỘNG Số tăng sĩ và cư sĩ nòng cốt của Phật Giáo đi theo Mặt Trận Việt Minh hoặc yểm trợ các hoạt động của Đảng Cộng Sản Việt Nam khá đông. Một số cao tăng đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh ngay từ đầu nên đã lôi kéo các môn sinh của họ gia nhập Mặt Trận này. Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu Không biết tên thật, sinh năm 1898 tại Rạch Giá (? dấu chấm hỏi của tác giả), tu ở chùa Tam Bảo, Rạch Giá. Ông là người có kiến thức rộng, ở trong Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Chính ông là người đầu tiên đã đem chủ nghĩa cộng sản vào Phật Giáo và biến chùa Tam Bảo thành căn cứ địa của kháng chiến. Năm 1940, ông đi theo phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Hốc Môn, Gia Định. Đến năm 1942, ông bị Pháp bắt và bị đày đi Côn Sơn. Năm 1945, Pháp bị Nhật đuổi, Việt Cộng cướp chính quyền, ông được đưa về làm Tỉnh ủy Gò Công. Năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, ông theo Việt Cộng tập kết ra Bắc. Củng cố xong miền Bắc, Hồ Chí Minh không dùng các thành phần miền Nam tập kết nữa, ông được đưa vào Ủy Ban Xã Hội của Viện Triết Học rồi cho hưu trí. Ông chết tại Hà Nội ngày 23.8.1974. Hòa Thượng Thích Trí Độ Hòa thượng Thích Trí Độ tên thật là Nguyễn Kim Ba, sinh năm 1895 tại làng Phổ Trạch, An Nhơn, Bình Định, thọ giới và xuất gia với Hòa Thượng Thích Trí Hải ở chùa Bích Liên An Nhơn, Bình Định, sau ra làm Giám Đốc Trường An Nam Phật Học ở Huế và trụ trì ở chùa Trúc Lâm. Ngày 19.8.1941, Hồ Chí Minh thành lập Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh, ông gia nhập ngay và làm Chủ Tịch Trung ương Hội Phật Giáo Cứu Quốc. Vì uy tín của ông trong Trường An Nam Phật Học ở Huế, Đảng Cộng Sản Đông Dương giao cho ông nhiệm vụ tổ chức hội cứu quốc trong hàng ngũ Phật Giáo trên toàn quốc. Năm 1945, khi Đảng Cộng Sản Đông Dương cướp chính quyền, Hòa Thượng Thích Trí Độ đứng ra hô hào Phật Giáo ủng hộ Cách Mạng. Ông dùng tờ Đuốc Tuệ của Phật Giáo kêu gọi các tăng ni Phật tử tham gia các Hội Cứu Quốc. Đuốc Tuệ số ngày 30.8.1945 đã hô hào: "Tăng ni các hạt mau lập đoàn Tăng Già Cứu Quốc, theo mục đích mà tham gia vào cuộc cách mạng hiện thời." Ngày 27.5.1946, Hồ Chí Minh thành lập Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam để đánh lừa các tôn giáo và đảng phái quốc gia, ông là Ủy viên Trung ương của hội này. Năm 1949, Hồ Chí Minh thành lập Ban Vận Động Hòa Bình Thế Giới và cử cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Chủ Tịch. Ông cũng nằm trong ban lãnh đạo của tổ chức đó. Ngày 5.3.1951, Hồ Chí Minh sát nhập Mặt Trận Việt Minh với Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam thành Mặt Trận Liên Việt, ông trở thành Ủy viên Trung ương của Mặt Trận Liên Việt Năm 1953, Hồ Chí Minh lập Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới, ông cũng giữ chức Ủy viên của Ủy Ban Sau khi chiếm được miền Bắc Việt Nam, Việt Cộng đổi Mặt Trận Liên Việt thành Mặt Trận Tổ Quốc, ông làm Ủy viên Trung ương của Mặt Trận Tổ Quốc. Năm 1955, Việt Cộng cho lập Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để quy gồm tất cả các tông phái Phật Giáo miền Bắc vào Mặt Trận Tổ Quốc, ông là Chủ Tịch hội này từ 1955 - 1979, tức đến lúc ông qua đời. Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (Bắc) là người kế vị ông. Hòa Thượng Thích Trí Độ là một đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông luôn tuân hành các chỉ thị của đảng trong công tác vận động Phật Giáo, không bao giờ có hành động tự phát hay sai lệch, vì thế ông được đảng tín nhiệm. Trong thời gian hoạt động cho Việt Cộng, ông được chọn làm đại biểu Quốc Hội các khóa 2, 3, 4, 5 và 6 và là Ủy viên Ban Thường Vụ Quốc Hội. Ông qua đời ngày 24.10.1979 tại Hà Nội, được Nhà Nước ban Huân Chương Độc Lập hạng ba và Huân Chương Kháng Chiến hạng nhì. Hòa Thượng Thích Đôn Hậu Hòa Thượng Thích Đôn Hậu tên thật là Diệp Thuần, sinh năm 1904 tại làng Xuân An (sau gọi là Triệu Thượng?), Phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông xuất gia năm 1927 và theo học với Hòa Thượng Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên ở Huế. Về sau ông là Giảng sư của Phật Học Đường Thừa Thiên và là Hội Trưởng Hội An Nam Phật Học. Sau khi Hòa Thượng Thích Đôn Hậu qua đời ngày 23.4.1992, Nhật báo Nhân Dân của Đảng Cộng Sản Việt Nam ra ngày 25.4.1992 đã đăng một "TIN BUỒN" của Quốc Hội, Mặt Trận Tổ Quốc, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế và Pháp Quyền, cho biết những "thành tích" mà Hòa Thượng đã đạt được trong các công tác mà Đảng và Nhà Nước giao phó như sau: "Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, sinh ngày 17.2.1905 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. "Đại biểu Quốc Hội khóa VI, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nguyên Ủy viên Hội Đồng Chinh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ Tịch Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường Trực Hội Phật Giáo Châu Á vì Hòa Bình (ABCP), Phó Pháp Chủ Kiêm Giám Luật Hội Đồng Chứng Minh Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. "Huân chương Hồ Chí minh, Huân chương Độc Lập hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân. " "Sau một thời gian bị bệnh nặng, đã được các giáo sư bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng vì tuổi cao sức yếu, Hòa Thượng đã viên tịch tại chùa Linh Mụ, thành phố Huế, hồi 19 giờ 55 phút ngày 23.4.1992 (ngày 21 tháng 3 năm Nhâm Thân). " "Là nhà tu hành chân chính và giàu lòng yêu nước, sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945, Hòa Thượng được mời trụ trì tại chùa Linh Mụ, thành phố Huế, giữ chức Chủ Tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Trung Bộ kiêm Chủ Tịch Hội Phật Học tỉnh Thừa Thiên. "Năm 1947, Hòa Thượng bị thực dân Pháp bắt giữ một thời gian. Sau khi được tự do, Hòa Thượng lần lượt giữ chức vụ Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học Trung Việt, Giám Luật của Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc, chủ nhiệm báo Liên Hoa. "Từ năm 1963, Hòa Thượng là một trong những giáo phẩm cao cấp Phật Giáo tham gia đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. "Năm 1964, Hòa Thượng giữ chức Chánh Đại Diện miền Vạn Hạnh và tỉnh Thừa Thiên thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. "Từ năm 1968, Hòa Thượng ra vùng giải phóng tiếp tục tham dự sự nghiệp cứu nước và hoành dương Phật pháp, Hòa Thượng được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng (như đã kể trên). "Từ năm 1975, Hòa Thượng trở lại trụ trì chùa Linh Mụ lo việc hoành dương Chánh Pháp và đảm nhận chức vụ Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, tiếp đó kiêm giữ chức Xử Lý Viện Tăng Thống (khi Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch vào năm 1977). Đầu năm 1980, Hòa Thượng là Cố Vấn Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo trong cả nước để thành lập giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh). "Tại Đại Hội Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo việt Nam, tháng 11 năm 1981, Hòa Thượng được chư tôn giáo phẩm và toàn thể đại biểu đại hội suy tôn làm Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Hội Đồng Chứng Minh Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh)..." Năm 1947 Hòa Thượng Đôn Hậu bị Pháp bắt và tra tấn, định đem đi bắn, may nhờ sự can thiệp của Bà Từ Cung nên ông được thả ra. Sau biến cố Tết Mậu Thân, không ai biết Hòa Thượng Đôn Hậu đi đâu. Bỗng nhiên đài phát thanh Hà Nội phát đi lời kêu gọi của Hòa Thượng Đôn Hậu, trong lời kêu gọi đó có câu "Chư Tăng, Ni và đồng bào Phật tử hãy đoàn kết với nhau, nhất tề vùng lên đánh đuổi Đế Quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Đế Quốc Mỹ." Sau khi Việt Cộng chiếm được miền Nam, Hòa Thượng Đôn Hậu trở lại Huế và giữ chức Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống của Giáo Hội Ấn Quang. Ngày 31.1.1979, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Viện Trưởng Viện Tăng Thống qua đời, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống. Với tư cách này, ông đã cùng Hòa Thượng Thích Trí Thủ và Thích Trí Tịnh đưa Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh năm 1981 và giữ chức Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Hội Đồng Chứng Minh của Giáo Hội quốc doanh. Đám tang của Hòa Thượng Đôn Hậu được tổ chức rất trọng thể. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước kiêm Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đứng ra làm Trưởng Ban Tổ Chức Tang Lễ. Đến tham dự tang lễ, ngoài Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ còn có ông Nguyễn Quyết, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước, ông Lê Quang Đạo, Chủ Tịch Quốc Hội, ông Phan Minh Tánh, Trưởng Ban Dân Vận Trung ương, ông Vũ Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng và các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương. Các tăng ni ở Huế không muốn nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nhắc đến các chức vụ mà Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã đảm nhận trong chế độ cộng sản Việt Nam, nên đã cãi qua cãi lại với đại diện chính quyền, nhưng Nhà Nước vẫn cho công bố các chức vụ và huy chương của Hòa Thượng Đôn Hậu trên nhật báo Nhân Dân. Hòa Thượng Thích Đôn Hậu được coi như người có tư tưởng ôn hòa, ông chú tâm vào việc đạo hơn việc đời, ăn nói lúc nào cũng hòa nhã. Khi thuyết pháp hay tuyên bố, ông không hề xúc phạm các tôn giáo khác hay các phe bất đồng chính kiến với Giáo Hội Ấn Quang. Nhưng ông cũng quá nhu nhược nên đã trờ thành một công cụ tốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong lá bài Phật Giáo. Ông không phải là đảng viên và chỉ hoạt động trong các tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhưng ông đã hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam giao phó cho ông, kể cả công việc gay cấn nhất là đem Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. Ông không hề có một lời phản đối chính thức nào. Một đoạn sau đây trong thư Hòa Thượng Đôn Hậu gởi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam mà tạp chí Giao Điếm của Hồng Quang ở Orange County đã đăng cũng đủ cho thấy vai trò của Hòa Thượng Đôn Hậu trong công tác dân vận của Đảng Cộng Sản Việt Nam. "Kính thưa quý vị, "Trước đây, tại Trường Sơn, khi được đề cử chức Phó Chủ Tịch Trung ương Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam, tôi có trình bày nguyện vọng rằng, khi hòa bình được lập lại xin cho tôi trở về cương vị một tu sĩ thuần túy, và được cơ quan chấp thuận. Nguyện vọng này cũng đã được Đại Diện Ủy Ban Thống Nhất tại Hà Nội đồng ý. "Nhưng sau khi hòa bình trở lại, vì nhu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, tôi vẫn cố gắng tiếp tục công tác được giao phó bằng cả tâm huyết và rồi sau đó cố gắng ra ứng cử Đại Biểu Quốc Hội... " Những chức vụ ông đảm nhận trong chế độ cộng sản cũng như trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đều là hữu danh vô thực. Trong chế độ cộng sản, ông chỉ thi hành mệnh lệnh của Đảng Cộng Sản. Trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, các Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thích Thiện Minh đã mượn danh nghĩa của ông cũng như Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết để hành động. Hai đại lão Hòa Thượng nầy nhiều khi không biết gì cả. Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang vẫn quả quyết Hòa Thượng Đôn Hậu làm những công việc trái với quyền lợi của Phật Giáo Ấn Quang là vì có sự cưỡng bức của Việt Cộng, nhưng một số Phật tử đã thắc mắc: Một vị đại lão Hòa Thượng như thầy Đôn Hậu không lẽ đành chịu cúi đầu trước sự cưỡng bức sao? Nhiều tăng sĩ trẻ hơn đã chịu tra tấn, chịu chết hay chịu giam cầm trong ngục tù chứ không bao giờ khuất phục trước bạo quyền cộng sản. Hòa Thượng Thích Huyền Quang Hòa Thượng Thích Huyền Quang có tên thật là Lê Đình Nhàn, sinh năm 1917 tại Bình Định. Thủa nhỏ, ông theo học ở Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Trà Vinh, sau về học Phật Học Đường Long Khánh ở Bình Định. Ông không được đào tạo tại Trường An Nam Phật Học ở Huế như một số tăng sĩ khác nên kiến thức chỉ có giới hạn. Năm 1945, ông gia nhập Hội Phật Giáo Cứu Quốc của Hòa Thượng Thích Trí Độ, giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Phật giáo Cứu Quốc Bình Định, sau đó ông được chọn làm Khu Ủy Viên Liên Khu V kiêm Chủ Tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu V từ 1945 đến 1951. Năm 1951, Hồ Chí Minh quyết định sát nhập Mặt Trận Việt Minh (trong đó có các Hội Cứu Quốc) và Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam thành Mặt Trận Liên Việt. Các hội cứu quốc bị hủy bỏ, trong đó có Hội Phật Giáo Cứu Quốc. Vì thế, Thượng Tọa Thích Huyền Ouang bị mất chức Chủ Tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu V. Ông không theo kịp sự chuyển hướng trong đường lối của Đảng nên đã phản đối và bị bắt giam từ 1952 đến 1954 mới được trả tự do. Trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6. 1992 gởi nhà cầm quyền Hà Nội, Hòa Thượng Huyền Ouang nói rất rõ: "Giáo Hội Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu 5 cũ (trong Mặt Trận Việt Minh), được thành lập đồng lúc cùng với các đoàn thể cứu quốc khác, sau ngày khởi nghĩa mùa thu 1945, tại các tỉnh: Nam, Ngãi, Bình, Phú. Sau sáu năm làm việc cứu quốc, như các tổ chức nhân dân khác, đến năm 1951, Mặt Trận Liên Việt Liên Khu 5, buộc chúng tôi mở đại hội tại Bồng Sơn, Bình Định, để lấy quyết định "chuyển hướng công tác " bằng cách cắt bỏ hai chữ cứu quốc và giao hết quần chúng Phật tử qua các tổ chức nhân dân khác. Phật giáo chúng tôi bây giờ, sau Đại hội trên chỉ còn cái tên là: Hội Phật Giáo Liên Khu 5 không có quần chúng. Mặt Trận Liên Việt cắt đứt hết mọi liên hệ với Phật giáo chúng tôi. Tôi chống việc làm đó nên bị bắt giam tại Quảng Ngãi từ 1952 - 1954." Mặc dầu đã ở trong vùng Cộng Sản chiếm đóng tại Liên Khu V từ 1945 đến 1954, làm việc và ở tù dưới chế độ cộng sản, Hòa Thượng Thích Huyền Quang tỏ ra không am tường nhiều về Cộng Sản. Ngoài chuyện không hiểu tại sao Hồ Chí Minh giải tán các Hội Cứu Quốc năm 1951 như đã nói trên, ông còn phạm một lỗi lầm to lớn là sau khi Việt Cộng chiếm được miền Nam, ông và Viện Hóa Đạo Ấn Quang đã vội vàng thương lượng với Hội Phật Giáo quốc doanh miền Bắc để thống nhất Phật Giáo hai miền và tạo uy thế cho Giáo Hội Ấn Quang. Sự vội vàng này đã để lộ cho Việt Cộng thấy rõ tham vọng của các tăng sĩ trong Viện Hóa Đạo Ấn Quang nên tìm cách gây mâu thuẫn nội bộ và diệt từng phần. Gom không được Hội Phật Giáo miền Bắc vào Giáo Hội Ấn Quang, ông và các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang đã tổ chức Đại Hội Phật Giáo kỳ 7 để củng cố nội bộ và quay lại chống chính quyền. Trong cuộc lục soát chùa Ấn Quang của lực lượng an ninh vào đêm 6.4.1977, ông đã bị bắt giam cùng với một số tăng sĩ khác. Ông đã bị truy tố và đưa ra Tòa án Nhân Dân tại Saigon xét xử ngày 8.12.1978. Ông bị phạt hai năm tù treo. Trong phiên tòa nói trên, Viện Kiểm Sát có đọc lời tự thú của ông khi bị giam ở công an như sau: "Từ trước đến nay, chủ trương của chúng tôi là bất hợp tác với chính quyền. Chúng tôi xin xác nhận rằng, trong quá khứ cũng như từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tôi có những việc làm sai trái với đường lối chính sách, luật pháp của chính quyền. Những tội lỗi là do chúng tôi gây ra."(3) Tháng 11 năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh được thành lập và nhà cầm quyền coi như Giáo Hội Ấn Quang đã gia nhập vào Giáo Hội này, nhưng ông và một số tăng sĩ trong Viện Hoá Đạo đã chống lại việc sát nhập đó. Ông được cử làm Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thay thế Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã đi vào Giáo Hội quốc doanh nên tháng 2 năm 1982 ông bị bắt và bị chỉ định cư trú tại chùa Hội Phước, xã Nghĩa Chánh, trong thị xã Quảng Ngãi. Người Pháp nói: "Le style c’est l’homme." (văn là người). Đọc "Đơn cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6.1992 gởi nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội do Hòa Thượng Thích Huyền Quang viết, chúng ta biết được kiến thức, những suy tư và quan điểm chính trị của ông. Lúc đầu, ông Võ Văn Ái đã cắt xén và trau chuốt cả hình thức lẫn nội dung lá đơn này lại trước khi phổ biến. Nhưng khi nhận được bản sao toàn văn của đơn này, mọi người đã thất vọng. Các nhân sĩ Phật Giáo lấy làm tiếc về những lời ông đã viết trong đơn. Nhìn chung, qua lá đơn này, người ta thấy kiến thức và sự hiểu biết của ông rất giới hạn nên ông có nhiều nhận định sai lầm. Ông lại có tinh thần đố kỵ Thiên Chúa Giáo. Bất cứ lúc nào có cơ hội, ông đều đưa Thiên Chúa Giáo ra để suy tỵ hay mỉa mai. Trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc", ông hỏi tại sao Nhà Nước quốc doanh hóa Phật Giáo Ấn Quang mà không quốc doanh hóa Giáo Hội Thiên Chúa Giáo? Phải chăng Nhà Nước đã "xem kẻ thù như quý khách" và xem Phật Giáo là "con nhà nghèo"? Trong dịp lên tiếng tại chùa Linh Mụ ngày 3.5.1992 nhân đám tang của Hòa Thượng Đôn Hậu, ông hỏi tại sao các linh mục Thiên Chúa Giáo được tự do hành lễ, còn ông không được Ban Tổ Chức cho hành lễ ở Huế? Chính sự thiếu hiểu biết và đố kỵ này đã gây nên những phản ứng không thuận lợi cho cuộc đấu tranh mà ông đang phát động. Cách viết của Hòa Thượng Huyền Quang trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" không phải là cách viết của một nhà chân tu và càng không phải là cách viết của một nhà lãnh đạo cao cấp của một tôn giáo. Lòng thù hận của ông đã bộc lộ một cách công khai khi viết cũng như khi nói. Trong văn thư số 248 CV/TGCP ngày 25.7.1993 gởi Hòa Thượng Huyền Quang, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã trả lời những điểm mà ông khiếu nại bằng những lời lẽ khá gay gắt, nhất là về điểm hai Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Thích Trí Thủ đem Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. Ban Tôn Giáo kết luận: "Yêu cầu ông nhận rõ lẽ phải và đạo lý, nhận rõ sai lầm, khuyết điểm đối với đạo, đối với đất nước, đối với pháp luật để thành tâm sửa chữa và chuyên tâm tu hành vì sự nghiệp cao cả phụng sự dân tộc và đạo pháp." Hòa Thượng Thích Huyền Quang không phải là đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông chỉ tham gia các hoạt động ngoại vi của Đảng nên không hiểu nhiều về đường lối, chiến lược, chiến thuật và thủ đoạn của Đảng. Ông bị mang họa do sự thiếu hiểu biết nầy. Thượng Tọa Thích Mật Thể Thượng Tọa Thích Mật Thể có tên thật là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1921 tại làng Nguyệt Biều, Hương Thủy, Thừa Thiên. Ông theo học Hòa Thượng Thích Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm, Huế. Ông có soạn bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Lược. Ông thông thạo về Hán học. Về Tây học, ông học chưa tới nơi tới chốn, nhưng nhờ thông minh và chịu tự học thêm, ông có kiến thức rất khá. Năm 1945, ông gia nhập Hội Phật Giáo Cứu Quốc và làm Chủ Tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc Thừa Thiên. Ông theo Hòa Thượng Thích Trí Độ hoạt động rất tích cực cho Việt Minh. Nhờ ông và Hòa Thượng Trí Độ cổ võ, rất nhiều tăng sĩ trong Hội An Nam Phật Học đã gia nhập Hội Phật Giáo Cứu Quốc. Vì công trạng của ông, năm 1946 ông đã được Đảng Cộng Sản Đông Dương bố trí cho làm Đại Biểu Quốc Hội khóa I. Ông là một chức sắc cao cấp đầu tiên của Phật Giáo tham gia chính quyền. Khi quân Pháp trở lại chiếm Huế, ông theo Việt Minh tản cư ra Đồng Hới rồi đến Vinh. Cùng đi với ông có Đại Đức Thích Thiện Mẫn. Trước khi đi, ông tập họp một số tăng sĩ và cư sĩ tại chùa Thế Chí ở Đại Lộc, tỉnh Thừa Thiên, dặn dò những người này những công việc phải làm. Tham dự cuộc họp này có các Đại Đức Thích Đức Trạm, Thích Mãn Giác, Thích Thiện Ân và hai cư sĩ. Những người này sau đó đều trở lại Huế. Trong thời gian chống Pháp, ông làm công tác hậu cần ở Liên Khu IV. Sau hiệp định Genève 1954, ông không được chế độ miền Bắc tin dùng, ông quay lại phê bình chế độ nên bị quản chế ở Nghệ An. Nhiều người ở Nghệ An vào cho biết ông phải lao động vất vả mới có ăn nên bị bệnh và chết năm 1961, lúc chỉ mới có 49 tuổi. Thích Mật Thể là người thông minh và hòa nhã, không có tham vọng chính trị. Ông bị Việt Cộng lừa nên theo. Khi ông khám phá ra các sự gian dối của Cộng Sản thì đã muộn. Thượng Tọa Thích Thiện Minh Thượng Tọa Thích Thiện Minh tên thật là Đỗ Xuân Hàng sinh năm 1921 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Trường An Nam Phật Học ở Huế năm 1943, cùng một khóa với Thượng Tọa Thích Trí Quang và cũng là học trò của Hòa Thượng Thích Trí Độ. Lúc đầu ông lấy pháp danh là Thích Trí Nghiễm, sau đổi thành Thích Thiện Minh. Năm 1945, ông tham gia Hội Phật Giáo Cứu Quốc của Hòa Thượng Thích Trí Độ và giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc Quảng Trị. Năm 1946, ông bị Pháp bắt tại Quảng Trị, nơi ông đang hoạt động cho Mặt Trận Việt Minh. Ông bị quản thúc tại đây cho đến năm 1947 thì được phóng thích và trở lại chùa Từ Đàm ở Huế. Từ năm 1948, ông vào hoạt động ở vùng Nha Trang và Đà Lạt. Thượng Tọa Thích Huyền Minh cho biết, trong thời gian này ông vừa hoạt động về Phật sự vừa tham gia các hoạt động kháng chiến. Ông thường đến dự các phiên họp bí mật ở vùng Việt Cộng kiểm soát. Sau Hiệp Định Genève 1954, lúc ông hoạt động ở Nha Trang, lúc ông lại về chùa Từ Đàm ở Huế. Trong cuộc tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm ông là Trưởng Phái Đoàn Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo thương lượng với Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông cùng với Thượng Tọa Thích Trí Quang thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc phát động chiến dịch đánh phá ở miền Trung. Đầu tháng 4 năm 1966, ông tuyên bố sinh viên Saigon đã nhận 5 triệu của chính phủ để không tham gia đấu tranh. Ngày 13.4.1966, sinh viên của 14 phân khoa Đại Học Saigon họp báo yêu cầu ông đưa bằng chứng về vụ này, nếu ông không xuất trình bằng chứng, sinh viên sẽ tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ để phản đối. Ngày 17.4.1966, ông phải gởi một thư ngỏ cho sinh viên nói ông không hề tuyên bố như vậy, đây chỉ là một sự hiểu lầm. Lúc 10 giờ 30 ngày 1.6.1966, ông vừa đến trụ sở Tổng Hội Thanh Niên ở đường Công Lý thì bị một kẻ lạ mặt ném lựu đạn và bị thương nặng. Vụ này không được Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang làm lớn chuyện như các vụ khác. Theo Thượng Tọa Thích Huyền Minh thì vụ nầy chỉ liên quan về nội bộ, do những sự tranh chấp về chính trị và tài chánh. Điều này chứng tỏ đang có một sự nứt rạn giữa ông và Thích Trí Quang. Thông thường thì Thượng Tọa Thích Trí Quang không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào để xách động quần chúng, nhưng ông đã không khai thác vụ Thích Thiện Minh bị mưu sát. Sau khi các phong trào đấu tranh miền Trung bị dẹp tan (xem ở Chương IV), Thượng Tọa Thích Thiện Minh bắt đầu đứng hẳn về lập trường của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhưng sự nứt rạn giữa ông và Thượng Tọa Thích Trí Quang trở nên trầm trọng hơn. Năm 1968, ông tách ra khỏi các tổ chức của Thích Trí Quang và thành lập một tổ chức mới gọi là Phật Xã Đảng (tức Đảng Xã Hội Phật Giáo). Tuy nhiên, đảng của ông không thu hút được Phật tử vì miền Nam không phải là địa bàn hoạt động quen thuộc của ông. Từ năm 1969, ông bất đầu đi thuyết pháp khắp nơi, nhất là các tỉnh miền Tây, tố cáo sự độc tài và tham nhũng của chính quyền. Ông thường tố cáo mà không cần dẫn chứng các điều ông tố cáo. Ngày 25.2.1969, cơ quan an ninh lục soát Tịnh xá Quảng Đức, nơi Thích Thiện Minh cư trú và hoạt động, tìm thấy một số võ khí, các tài liệu tuyên truyền cho Việt Cộng và nhiều thanh niên trốn quân dịch. Thích Thiện Minh đã bị bắt giữ và bị truy tố ra Tòa. Trong phiên tòa ngày 15.3.1969, Tòa án Quân Sự Mặt Trận Vùng III đã tuyên phạt ông 10 năm khổ sai và 5 năm cấm cố. Khi bản án này được công bố trên đài phát thanh và trên báo chí, thì chỉ ngày hôm sau đài phát thanh Hà Nội đã cho đọc một bản tuyên bố của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu ở miền Bắc, nhân danh Phó Chủ Tịch Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình, phản kháng vụ bắt giam Thích Thiện Minh, kêu gọi Phật tử đứng lên lật đổ chính quyền miền Nam và lập một nội các hòa bình để nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhờ các cuộc thương lượng ôn hòa giữa Viện Hóa Đạo Ấn Quang và chính phủ, ngày 30.11.1969 Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã được ân xá. Năm 1970, ông cầm đầu Phái Đoàn Phật Giáo Ấn Quang đi dự Hội Nghị Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình ở Nhật và đưa ra Tuyên Ngôn 6 điểm giống hệt các đề nghị của Hà Nội tại hòa đàm Paris: Mỹ ngưng ném bom B-52, ngưng các cuộc hành quân bình định tại miền Nam, thả hết các tù cộng sản đang bị giam giữ, Mỹ rút và giải tán chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu, v.v.. Hiệp Định Paris vừa được ký kết ngày 27.1.1973, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã ra thông bạch tuyên bố thành lập ngay Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc và giao cho Luật Sư Vũ Văn Mẫu làm Chủ Tịch. Mục tiêu của lực lượng này là quy tụ các thành phần thân Cộng để đưa vào Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải Hòa Hợp dự liệu trong Hiệp Định, giúp Việt Cộng chiếm đa số trong Hội Đồng. Sau 30.4.1975, ông cũng góp phần với Thượng Tọa Thích Mãn Giác trong việc tổ chức mừng "giải phóng" ngày 15.5.1975 và lễ sinh nhật "bác Hồ" ngày 19.5.1975. Nhưng sau khi sau khi mưu tìm một sự thống nhất Phật Giáo dưới quyền lãnh đạo của Giáo Hội Ấn Quang bị Việt Cộng ngăn chận, ông cũng như đa số các tăng sĩ trong khối Ấn Quang quay lại chống đối chế độ. Sau khi công an lục soát chùa Ấn Quang vào ngày 6.4.1977, ông bị bắt cùng một số tăng sĩ khác. Đầu tiên ông bị giam ở công an, sau đưa vào khám Chí Hòa, rồi chuyển ra trại Hàm Tân ở Bình Tuy và ông đã chết trong tù vào tháng 10 năm 1978. Theo cơ quan công an Việt Cộng cho biết, Thượng Tọa Thích Thiện Minh bị chết vì bệnh viêm não tại trại Hàm Tân, nhưng một vài tờ báo Phật Giáo tại Hoa Kỳ nói rằng ông bị tra tấn và chết tại trại thẩm vấn X4 ở đường Nguyễn Trãi Saigon, sau đó xác ông được đưa về hóa trang ở trại Hàm Tân. Tin này chưa phối kiểm được. Trước khi Thượng Tọa Thích Thiện Minh qua đời ít lâu, cụ Cao Huy Đính từ Bắc vào có ghé thăm và khuyên bảo ông. Thích Thiện Minh biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên đã than với cụ Cao Huy Đính: "Mình đã lỡ đưa chúng nó vào thì mình phải chịu cái quả". Cụ Cao Huy Đính đã nhờ nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn nói lại cho anh em nghe những điều đó khi đến Hoa Kỳ. Trong những người xuất thân từ Trường An Nam Phật Học ở Huế, ông được coi là một người xuất sắc nhất, vượt xa Thượng Tọa Thích Trí Quang. Ông có tài đối đáp mau lẹ nên thường được cử làm trưởng các phái đoàn Phật Giáo đi thương thuyết hay dự hội nghị Phật Giáo Quốc Tế. Nhưng ông thuộc vào loại nóng tính và quá khích, có tinh thần Phật Giáo cực đoan. Khi thuyết pháp hay tuyên bố, ông hay có luận điệu khiêu khích và thách đố. Ông cũng tỏ ra rất đố kỵ với Thiên Chúa Giáo. Thượng Tọa Thích Thiện Minh chỉ hoạt động trong các cơ quan ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam và tưởng rằng sau khi Việt Cộng chiếm được miền Nam, Phật Giáo sẽ được ưu đãi và ông sẽ có địa vị ưu thắng. Sau năm 1975, khi ông nhận ra được bộ mặt thật của Việt Cộng thì mọi sự đã quá muộn. Cái chết của ông là hậu quả của các sự lầm lẫn của ông. Thượng Tọa Thích Minh Châu: Hành tung bí mật. Ở Việt Nam, ít ai biết đến hành tung của Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, vì ông giấu rất kỹ. Một người làng ông và rất thân với gia đình ông khi còn nhỏ, đã nhận ra ông khi ông làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, nên tìm đến thăm ông và hỏi han về gia đình của ông ở miền Bắc, nhưng ông chối dài và nói anh ta đã nhận lầm. Đến khi anh ta nhắc tới tên đứa con trai của ông và cho biết chính anh là người đã dạy đứa con đó, ông mới chịu xuống giọng. Thượng Tọa Thích Minh Châu có tên thật là Đinh Văn Nam, sinh năm 1918 tại làng Kim Khê, Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Huyện Nghi Lộc nằm sát Huyện Nam Đàn, nơi có làng Kim Liên, quê của Hồ Chí Minh. Kim Khê cách Kim Liên chỉ khoảng 15 cây số. Gia đình Thượng Tọa Thích Minh Châu thuộc dòng dõi khoa bảng. Thân phụ ông là cụ Đinh Văn Chấp, Tiến sĩ Hán học của nhà Nguyễn. Ông là con thứ ba của gia đình 8 con theo thứ tự như sau: Đinh Văn Kinh là con trưởng, đến Đinh Văn Quang, Đinh Văn Nam (tức Thượng Tọa Thích Minh Châu), Đinh Văn Linh, Đinh Văn Phong, Đinh Thị Kim Hoàn Đinh Thị Kim Thai và Đinh Thị Khang. Anh chị em gia đình này rất thông minh, được học cả Hán học lẫn Tây học. Như những người giàu có thời đó, Cụ Đinh Văn Chấp còn nhiều vợ thứ. Trước khi cưới vợ chánh là mẹ Thích Minh Châu, ông đã cưới một người vợ thứ rồi, vì thế anh chị em nhà này rất đông. Đinh Văn Nam có gia đình lúc 20 tuổi. Vợ Đinh Văn Nam là Lê Thị Bé, con một gia đình khoa bảng khác ở cùng làng là cụ Lê Văn Miến. Cụ Lê Văn Miến là một người vừa đậu Tây học, vừa thông Hán học nên làm giáo sư Hán văn và Pháp văn sau vào dạy Quốc Tử Giám (đại học của triều đình) ở Huế. Chúng tôi không rõ lúc đầu Đinh Văn Nam học đến đâu rồi nghỉ việc đi làm, nhưng được biết vào khoảng năm 1940, lúc 21 tuổi, ông được bổ làm Thừa Phái, một loại công lại thuộc các bộ phận của triều đình, thường làm thư ký hay các công tác giao dịch tại trung ương hay địa phương. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945, cụ Đinh Văn Chấp, thân phụ của Thượng Tọa Thích Minh Châu, đã tản cư từ Huế về Nghệ An và được Việt Minh mời làm Chủ Tịch Ban Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác-Lê. Sau khi cụ Đặng Hướng, Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt tỉnh Nghệ An lên làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Liên Khu IV, cụ Đinh Văn Chấp thay cụ Đặng Hướng làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Nghệ An. Còn cụ Lê Văn Miến, nhạc phụ của Thích Minh Châu là người liêm khiết nên rất nghèo. Khi cụ trở về quê ở Kim Khê thì không có nơi cư ngụ. Các học trò của cụ phải góp mỗi người 5 đồng làm cho cụ một căn nhà lá nhỏ ở tạm. Vốn là thầy giáo, không quen các nghề bằng tay chân và nhất là với sĩ diện của một nhà Nho, cụ không có kế gì để sinh nhai. Nghe nói về sau cụ bị chết đói. Hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc là nơi Đảng Cộng Sản Đông Dương lập các cơ sở đầu tiên của họ. Gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc (bố Hồ Chí Minh) ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, nên Hồ Chí Minh quen biết rất nhiều trong vùng này. Ông cho người đi móc nối các sĩ phu, thuyết phục họ tham gia Cách Mạng. Trong hai huyện Nghi Lộc và Nam Đàn, không ai lạ gì gia đình của Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Sinh Cung. Anh của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Khiêm, một người mắc bệnh tâm thần, không có nghề nghiệp, thường lui tới các gia đình của những người quen biết ở hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc để xin ăn. Chị của Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Thành, trước có làm liên lạc cho cụ Phan Bội Châu, sau bị mật thám Pháp theo dõi, phải trở về làng sống trong một túp lều tranh nhỏ bé và xiêu vẹo, rất cơ cực. Sĩ phu trong hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương khá nhiều. Trần Điền, người cùng làng với Thích Minh Châu, một cán bộ cao cấp của Việt Cộng, đã xin cưới cô Đinh Thị Kim Hoài em của Thích Minh Châu, nhưng về sau bị từ chối. Tuy không được làm rể nhà họ Đinh, Trần Điền vẫn giữ liên lạc tốt đẹp với gia đình Thích Minh Châu. Trần Điền đã làm Đại Sứ của Hà Nội tại Nam Vang trong thời kỳ Sihanouk chấp chính Đây là một đường dây liên lạc tốt của Thích Minh Châu. Sau này cô Đinh Thị Kim Hoài làm vợ bé của Thiếu Tướng Nguyễn Sơn khi tướng này về làm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Liên Khu IV, một Liên Khu vững vàng nhất của Việt cộng thời đó. Trường hợp của Thiếu Tướng Nguyễn Sơn là một trường hợp rất lạ lùng, nhưng ít người biết đến. Nguyễn Sơn là một Trung Tướng của Hồng Quân Trung Quốc, chỉ huy Đệ Bát Lộ Quân ở Diên An. Ông gốc người Thổ, đi tham gia kháng chiến với Mao Trạch Đông. Năm 1945, khi Hồ Chí Minh quyết định khởi nghĩa, đã xin Mao Mao Trạch Đông gởi cho một tướng giỏi để huấn luyện và cố vấn về quân sự. Mao Trạch Đông liền biệt phái Tướng Nguyễn Sơn sang. Tướng Nguyễn Sơn đến Pắc-Bó một thời gian ngắn thì có sự lủng củng giữa Võ Nguyên Giáp và Tướng Nguyễn Sơn. Tướng này cho rằng Võ Nguyên Giáp không biết gì về quân sự nên coi thường. Mỗi lần Võ Nguyên Giáp thuyết trình về quân sự thì Tướng Nguyễn Sơn ngồi ngủ. Sau khi cướp được chính quyền, để chấm dứt sự xích mích giữa hai bên, Hồ Chí Minh liền cử Tướng Nguyễn Sơn làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ, nhưng hạ quân hàm xuống Thiếu Tướng. Mao Trạch Đông có hỏi lý do hạ quân hàm, Hồ Chí Minh trả lời rằng tại Việt Nam lúc đó cấp bậc Thiếu Tướng là cao nhất. Năm 1947, khi miền Trung từ Quảng Bình trở vào bị Pháp chiếm, Tướng Nguyễn Sơn phải trở về lại Bộ Tổng Tư Lệnh. Năm 1948, Hồ Chí Minh lại cử Tướng Nguyễn Sơn vào Thanh Hóa làm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Liên Khu IV, gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tướng Nguyễn Sơn đã giữ vững ba tỉnh này, Pháp chiếm không được. Nguyễn Sơn là một tướng tài, đẹp trai và lịch thiệp, nên đi đến đâu đều được các cô các bà bám chặt. Ông ở chỗ nào ít lâu là có vợ ở chỗ đó. Cuộc đời của ông có khoảng 15 bà vợ. Khi ông vào Nghệ An, cô Đinh Thị Kim Hoài, em gái của Thượng Tọa Thích Minh Châu, rất thích ông. Ít lâu sau, hai người lấy nhau, mặc dầu lúc đó ông đã có khoảng 13 hay 14 bà vợ rồi. Sau này, Hồ Chí Minh đã ra lệnh thủ tiêu Tướng Nguyễn Sơn, vì tướng này đã coi thường Võ Nguyên Giáp và Bộ Chính Trị và hay bất tuân thượng lệnh. Đinh Văn Linh, em của Thích Minh Châu, là một Đại Tá trong bộ đội Việt Cộng, từng làm Đại Sứ của Hà Nội ở Bắc Kinh và sau về làm Chủ nhiệm nhật báo Quân Đội Nhân Dân của Việt Cộng. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Đinh Văn Linh là người đầu tiên được Việt Cộng đưa vào Saigon để tiếp thu. Một người làng của Thích Minh Châu cho biết Thích Minh Châu đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh vào đầu thập niên 40, khi Mặt Trận này mới thành lập. Nhóm của ông thường họp tại chùa Cẩm Linh, Diệc Cổ Tự hay trụ sở của Hội Nghiên Cứu Phật Học Trung Kỳ ở trong nội thành của thành phố Vinh. Một tăng sĩ Phật Giáo đã công khai phản đối việc dùng chùa chiền để làm nơi hội họp bí mật của nhóm nói trên là Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu. Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu tên thật là Trương Thế Giám, trụ trì ở chùa Phước Hòa, Sầm Sơn, Thanh Hóa, là người thông thạo cả Hán học lẫn Tây học. Ông đã đào tạo rất nhiều tu sĩ Phật Giáo. Ông thường đến dạy cho các tăng ni và Phật tử ở Vinh về Phật học. Ông còn mở một lớp "Cours d'Aldulte" (lớp dạy cho người lớn) ở Vinh để dạy Pháp Văn cho những người lớn tuổi muốn học thêm Tây học. Ông biết chuyện một số người đã dùng chùa và trụ sở của Phật Giáo hội họp làm chính trị nên lên tiếng phản đối. Ông bị hăm dọa. Các bạn đồng môn vớl ông như Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng đều gia nhập Đảng Cộng Sản, nhưng ông chống đối quyết liệt. Vào khoảng năm 1947, ông có liên hợp với Linh mục Hoàng Quỳnh ở Phát Diệm thành lập Mặt Trận Liên Tôn để đối phó với những sự quấy phá và lộng hành của Mặt Trận Việt Minh. Năm 1954, khi Hiệp Định Genève ký kết, ông đã liên lạc với các làng công giáo chung quanh để tìm cách di cư vào Nam nhưng đi không lọt. Trong cuộc đấu tố năm 1957, ông bị chôn sống. Thượng Tọa Thích Minh Châu ở với vợ là Lê Thị Bé được 5 năm, sinh được hai người con, một trai và một gái. Người con trai đầu lòng tên là Đinh Văn Sương. Người con gái tên là Đinh thị Phương (tôi không nhớ tên lót chính xác). Khoảng năm 1943, ông bỏ vợ đi vào Huế làm thừa phái (thư ký) Tòa Khâm rồi tiếp tục học ở trường Khải Định Huế cho đến khi đậu Tú Tài Toàn Phần. Từ đó ông ít khi trở về quê thăm vợ con. Vợ ông phải làm việc rất vất vả để nuôi con. Tài liệu nói về Thích Minh Châu của Đại Học Vạn Hạnh cho biết đến năm 1948 ông xuất gia, vào tu ở chùa Từ Đàm và học Trường An Nam Phật Học ở Huế. Nhưng những người thân cận với gia đình ông nói rằng ông xuất gia trước khi Việt Minh cướp chính quyền. Ông được gởi đi du học Ấn Độ vào năm 1952 và đậu Tiến Sĩ Triết Học tại đại học Bihar ở Ấn. Đi cùng với ông có Nguyễn Đình Kỳ, nhưng Nguyễn Đình Kỳ lại Ấn Độ và đã chết bên đó. Thích Minh Châu trở về miền Nam Việt Nam năm 1964, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị Hoa Kỳ lật đổ. Trong cuốn "Những Vấn Đề Trong Đạo Phật" Tập 2, Thượng Tọa Thích Chánh Lạc, hiện trụ trì tại chùa Như Lai ở Colorado, Hoa Kỳ, có cho biết ba mươi mấy năm về trước (cuối thập niên 50?), chính ông là người hàng tháng về Huế thu tiền các Phật tử cúng để gởi cho các thầy Thiện Ân, Minh Châu và Trần Quang Thuận đang du học ở ngoại quốc. Ấn Độ dưới thời Tổng Thống Jawaharlal Nehru là một quốc gia thân Bắc Việt và chống Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, ở Ấn Độ lúc đó chỉ có Tòa Đại Sứ Bắc Việt. Cán bộ Việt Cộng hoạt động ở New Delhi rất mạnh. Trong thời gian du học ở Ấn Độ, Thích Minh Châu đã được Tòa Đại Sứ Việt Cộng ở đây khuyến khích và giúp đỡ về mọi phương diện. Ông đã sinh hoạt thường xuyên với các nhân viên sứ quán và lãnh sự của Việt Cộng như là đảng viên. Vì thế, việc trở về miền Nam của Thượng Tọa Thích Minh Châu rất gay cấn. Phủ Đặc Ủy Trung ương Tình Báo và Tổng Nha Cảnh Sát đã đưa nhiều tài liệu chứng minh ông hoạt động cho Việt Cộng ở Ấn Độ, trong đó có cả tấm hình ông bắt tay Hồ Chí Minh khi Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ. Nhưng Viện Hóa Đạo đã can thiệp mạnh vì Phật Giáo đang cần người điều khiển một viện đại học của Phật Giáo sắp thành lập. Các Đại Đức khác không đủ bằng cấp hay khả năng để đảm nhận chức vụ này. Cuối cùng, Tướng Nguyễn Khánh đã nhượng bộ sau khi Viện Hóa Đạo cam kết không để cho Thích Minh Châu hoạt động chính trị. Tướng Nguyễn Khánh vốn là con cưng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rất sợ bị tố là dư đảng Cần Lao, nên ông đã nhượng bộ nhiều yêu sách vô lý của Phật Giáo. Tuy có lời cam kết như vậy, nhưng sau khi nhận chức Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã cho lập ngay một chi bộ đặc công Việt Cộng sinh hoạt tại viện này, còn Thượng Tọa Thích Trí Quang gởi Nguyễn Trực, mang quân hàm Trung úy Việt Cộng, vào làm Bí Thư Chi Bộ và kiểm soát hoạt động của Đại Học Vạn Hạnh. Mỗi lần nhóm cán bộ nằm vùng nói trên đi về Huế họp với Khu ỦyTrị - Thiên - Huế để nhận chỉ thị, cơ quan tình báo Việt Nam Cộng Hòa đều theo dõi và thông báo cho Viện Hoá Đạo Ấn Quang biết. Cơ quan an ninh không bắt tổ đặc công này vì sợ đụng chạm đến Phật Giáo và muốn duy trì đường dây đó để theo dõi các đường dây khác. Vợ của Thích Minh Châu là Lê Thị Bé đã hoạt động tích cực trong Hội Phụ Nữ Cứu Quốc khi Việt Minh cướp chính quyền vào năm 1945 và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Sau 30.4.1975, Lê Thị Bé được Đảng cấp giấy phép cho vào Saigòn thăm chồng là Thượng Tọa Thích Minh Châu, nhưng chỉ được phép ờ lại Sai gon 10 ngày mà thôi. Trong dịp này bà có đến thăm một vài gia đình quen thân cũ đã di cư vào Nam năm 1954. Đảng không muốn dân chúng biết lai lịch của Thượng Tọa Thích Minh Châu để bảo vệ uy tín của ông và xử dụng ông vào công tác Phật Giáo vận quan trọng sau này. Quả thật người Việt ở trong và ngoài nước, kể cả các tăng sĩ lớn tuổi, ít ai biết được những bí mật về cuộc đời của Thượng Tọa Thích Minh Châu. Khi được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đưa về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, ông đứng trung dung, không tham dự vào cuộc tranh chấp giữa Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang. Theo sự công bố của Việt Cộng sau 30.4.1975, Thượng Tọa Thích Minh Châu là cán bộ hoạt động nội tuyến của Việt Cộng và Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ sở hoạt động nội thành của họ. Phủ Đặc Ủy Trung ương Tình Báo, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia và cơ quan tình báo Hoa Kỳ đều biết rõ hoạt động của tổ chức nội tuyến này, nhưng chỉ cài người vào để theo dõi chứ không bắt, có lẽ vì sợ đụng chạm đến Phật Giáo. Hơn nữa, hoạt động của tổ chức trí vận này không gây tác hại nghiêm trọng về mặt chính trị như hoạt động của chùa Ấn Quang nên có thể tạm duy trì để khám phá các đường dây hoạt động liên hệ. Dân chúng chỉ thấy rõ những bộ mặt thật ẩn nấp đàng sau Viện Đại Học Vạn Hạnh vào ngày 30.4.1975, khi Ban Giảng Huấn và sinh viên Đại Học Vạn Hạnh được Nguyễn Trực điều động, đã kéo nhau ra Ngã Tư Bảy Hiền đón "quân đội giải phóng". Không như Thượng Tọa Thích Trí Quang, Thượng Tọa Thích Minh Châu là một cán bộ có kỷ luật, luôn hành động đúng theo chỉ thị của Đảng chớ không hành động theo ý muốn và sáng kiến cá nhân, nên rất được tin dùng. Sau khi một số tăng sĩ cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo bị bắt vào ngày 4.6.1977, ông cùng với Võ Đình Cường kết hợp với Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, chuẩn bị đưa Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang vào quốc doanh. Trong cuộc vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, ông làm việc rất tích cực. Mọi sự phản kháng của nhóm Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Thông Bửu và Thích Thuyền Ấn đều được ông báo cáo đầy đủ. Có lần ông báo cáo đích danh Thượng Tọa Thích Quảng Độ là người phá hoại công cuộc thống nhất Phật Giáo. Hiện nay, mặc dầu Hòa Thượng Thích Trí Tịnh được đưa lên làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh, nhưng trong thực tế, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (của miền Bắc, vừa qua đời trong tháng 1/1994) điều hành phần Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh ở miền Bắc, còn Hòa Thượng Thích Minh Châu điều hành phần Giáo Hội quốc doanh ở miền Nam. Ông còn điều khiển một Trường Cao Cấp Phật Học ở 716 đường Nguyễn Kiệm (tức đường Võ Di Nguy nối dài cũ), Phú Nhuận, huấn luyện các tăng ni về Phật học dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê và cũng là giảng viên thường trực về môn này cho Trường Cao Cấp Phật Học tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Tính tình hòa nhã, không hiếu động, luôn tuân theo đường lối của Đảng, ông đã làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó trong công tác trí vận ở miền Nam Việt Nam trước đây và kết hợp các tông phái Phật Giáo tại Việt Nam thành một Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh thống nhất trên toàn quốc. Ông là một tăng sĩ có uy tính nhất đối với Đảng và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay. Mặc dầu đã góp công lớn trong việc làm tan rã Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, ông vẫn được một số Phật tử của Giáo Hội này quý mến và tôn sùng! Thượng Tọa Thích Trí Quang: Đại náo cửa thiền. Thượng Tọa Thích Trí Quang tên thật là Phạm Quang sinh năm 1922 tại làng Diêm Điền (còn được gọi là làng Nại Hiên hay làng Kẻ Nại ) ở phía tây ngoại ô thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đây là một làng nổi tiếng có nhiều người hoạt động cho Việt Cộng. Các cán bộ cộng sản của làng này cũng thuộc vào loại quá khích và sắt máu. Năm 1885, khi Phong Trào Văn Thân nổi lên, chính dân làng Diêm Điền và làng Đồng Đình đã tiến vào đốt nhà thờ Sáo Bùn của Công Giáo ở phía Nam thành Phố Đồng Hới, thiêu luôn mấy trăm giáo dân ở trong đó. Số giáo dân còn sống sót phải bỏ làng chạy về phía Bắc thành phố Đồng Hới và về sau lập một giáo xứ mới tại đây lấy tên là giáo xứ Tam Tòa. Sự thù ghét Công Giáo của dân làng Diêm Điền đã in sâu vào tâm trí của Thượng Tọa Thích Trí Quang từ lúc ông còn niên thiếu. Dân làng Diêm Điền chứa chấp du kích Việt Cộng. Trong thời gian Pháp chiếm đóng Đồng Hới, từ 1947 đến 1954, ít ai dám đi sâu vào làng Diêm Điền, mặc dầu làng này ở sát phía Tây thành phố và bên làng có đồn của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam trấn đóng. Rất nhiều người bị mất tích khi đi vào làng Diêm Điền. Gia đình ông có bốn anh chị em: Phạm Quang, Phạm Minh, Phạm Chánh và Phạm Đại. Bốn người em của ông chỉ học tới sơ học (lớp 3), đã gia nhập bộ đội Việt Cộng từ 1946. Phạm Chánh có cấp bậc Trung Sĩ, chỉ huy một tiểu đội du kích của Việt Cộng, đã bị Pháp bắn chết ở Đức Phổ, phía Tây thành phố Đồng Hới vào ngày 4.6.1947 khi mới 21 tuổi. Đây là người đã được một vài "sử gia" Phật Giáo mô tả là "một trong những lãnh tụ kháng chiến"! Phạm Đại là một y tá bộ đội đã ở lại miền Bắc sau khi Hiệp Định Genève được ký kết. Sau khi Phạm Chánh qua đời, vợ của Phạm Chánh từ chiến khu trở về xin cấp giấy phép hồi cư để phụng dưỡng bố mẹ chồng ở Diêm Điền. Thiếu úy Huỳnh Công Tịnh, Trưởng Phòng II của Trung Đoàn Nguyễn Huệ đóng ở Đồng Hới, đã cứu xét đơn, bắt cô ta làm tờ cam kết không tiếp tục hoạt động cho Việt Minh, rồi cấp giấy phép cho hồi cư, nhưng thông báo cho Trưởng Đồn Diêm Điền biết và ra lệnh phải theo dõi vì đây là một thành phần nguy hiểm. Vợ của Phạm Chánh là một người con gái có nhan sắc, mới trở về nhà cha mẹ chồng được một hai tuần thì đã lân la đến khu đồn Diêm Điền đùa cợt tình tứ với các binh sĩ trong đồn. Ít lâu sau, cô ta bắt bồ được với anh Trướng Đồn. Sau nhiều lần tiếp xúc, anh Trưởng Đồn thấy có ta có những hành vi khả nghi như hay lấm lét quan sát các vị trí chiến đấu quanh đồn, hay hỏi về tình trạng trong đồn, theo dõi các cuộc hành quân... nên anh ta tương kế tựu kế và báo tin cho Thiếu úy Huỳnh Công Tịnh biết. Khi biết chắc ngày Việt Cộng sẽ mở cuộc tấn công vào đồn Diêm Điền, Trung Đoàn Nguyễn Huệ đã tập trung một số lớn trọng pháo Mortier 60 cho phục kích và quay mũi tập trung thành một vòng đai bọc dày đặc xung quanh đồn Diêm Điền. Đồn Diêm Điền nằm về phía Tây thành phố Đồng Hới, cách thành phố khoảng một cây số. Đây là một trong những đồn vòng đai bảo vệ thành phố. Tối hôm đó, vợ của Phạm Chánh đến ngủ với Trưởng Đồn như nhiều lần trước. Khoảng 2 giờ sáng, khi nội công đã vô hiệu hóa mìn tại một số vị trí đã định, cắt xong các lỗ hàng rào kẽm gai thì cô ta bật máy lửa báo tin cho ở ngoài biết để bò vào. Khi biết chắc địch đã tới đến hàng rào trong cùng, anh Trưởng Đồn liền làm hiệu cho các đơn vị phục kích ở ngoài biết, tức thì trọng pháo bắn vào xung quanh đồn tới tấp như mưa. Anh Trưởng Đồn vùng dậy thì bị cô ta ôm ghì chặt lại và vật xuống, hai người giằng co nhau. Anh Trưởng Đồn mò tay rút khẩu súng lục giấu dưới giường bắn cô ta chết ngay tại chỗ. Sáng hôm sau, cả thành phố Đồng Hới đều biết tin vợ của Phạm Chánh, em dâu của Thích Trí Quang, làm nội ứng bị bắn chết khi đang còn trần truồng. Trong cuốn The lost revolution do Harper and Row xuất bản năm 1965, Robert Shaplen có ghi lại rằng khoảng tháng 5 năm 1964, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, người em thứ hai của Thích Trí Quang là Thích Diệu Minh, một Ủy Viên của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình, đã cùng với một cán bộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, lén vào chùa Từ Đàm thăm ông. Nhưng tôi biết Phạm Minh không có đi tu. Có lẽ khi vào Huế, Phạm Minh đã mặc áo cà sa và lấy tên là Thích Diệu Minh để dễ trà trộn. Dân làng Diêm Điền chuyên về nghề mộc, làm ruộng và đi làm mướn, không có thành phần khoa bảng, ít ai học hết tiểu học. Giọng của dân làng này hơi ngọng, giống giọng dân làng Kẻ Noi ở Bắc: chữ "làm sao" đọc là "nàm thao", "di cư" thì đọc là "ri cư", "liên kết" đọc thành "niên kết" v.v... Cả tỉnh Quảng Bình không có dân làng nào có giọng nói như vậy. Thượng Tọa Thích Trí Quang cũng có giọng đó nên đã gặp nhiều khó khăn khi nói trước quần chúng. Ông phải cố gắng luyện giọng lại nhưng kết quả không như ý muốn. Năm 1954, khi Hiệp Định Genève được ký kết, mặc dầu ở ngay ngoại ô thành phố Đồng Hới, có thể di cư vào Nam dễ dàng, 99% dân làng này ở lại với Việt Cộng. Như đa số các tăng sĩ thời đó, học vấn của Thượng Tọa Thích Trí Quang chỉ có hạn. Về Hán học, ông đã học với các sư, chứ không học với các nhà Nho. Hán học của ông là Hán học của nhà Phật, không phải Hán học của nhà Nho. Loại Hán học này chỉ hướng vào việc tìm hiểu kinh Phật, nên kiến thức tổng quát của ông không nhiều. Về Tây học, ông chưa học hết trung học đệ nhất cấp. Thời của ông, đậu diplôme (trung học đệ nhất cấp) không phải là chuyện dễ dàng. Có thể ông chỉ học hết tiểu học ( Primaire), vì ở Đồng Hới cho đến năm 1945 chỉ có trường tiểu học. Khi vào Huế, ông đã học thêm Hán học và Phật học, chứ không học thêm ở một trường Tây học nào. Về Phật học, ông tốt nghiệp Trường An Nam Phật Học ở Huế năm 1943. Nghe ông thuyết pháp và đọc hai tác phẩm của ông là "Cuốn sách nhỏ của người xuất gia" và "Cuốn sách nhỏ của người tại gia", chúng ta thấy ngay kiến thức của ông không nhiều và không sâu sắc. Một con người chuyên dùng thủ đoạn thì không thể nói về "người tăng già mẫu mực" hay " người cư sĩ mẫu mực" một cách sâu sắc được. Chúng tôi chỉ cần trích một đoạn ngắn dưới đây trong bài "Địa vị và nhiệm vụ hộ pháp của người Phật tử tại gia" do ông viết, người đọc cũng có thể thấy trình độ của ông qua lối hành văn và lập luận của ông: "Cái thành kiến quái gở cho rằng "tôi phải hy sinh sự tự lợi của tôi cho sự lợi tha" cũng sẽ phải tan rã vì nguyên tắc này, bởi vì không có sự lợi tha nào đúng nghĩa từ ngữ ấy mà thiếu tự lợi, tức sự tự áp dụng Phật pháp trước hết, hay đổi lại, cũng chẳng có một sự tự lợi nào đúng nghĩa của danh từ ấy mà không vì mục đích lợi tha tức vì lợi ích chung mà áp dụng Phật pháp. " "Thật là một lỗi lầm đáng khinh bỉ khi một người đã sống trong Phật pháp vô thượng mà không thẳng thắn bộc lộ ra. Họ bảo như thế để mọi người thấy mình không cố chấp tín ngưỡng của mình, nhưng họ có biết đâu rằng cố chấp là một việc mà thành thật lại là việc khác. Không thành thực bộc lộ tư cách Phật tử của mình thì làm sao cảm hóa người được. Họ còn đi hợp tác với ngoại đạo tà ma. Họ bảo để tỏ tư cách quảng đại của Phật tử, nhưng lời ấy chỉ là che đậy những lý do lấy Đạo làm bàn đạp cho lợi lộc cá nhân của mình mà thôi, chứ Phạt tử sao đi hợp tác với ngoại đạo?" Ông cũng có dịch một số Kinh Phật bằng chữ Hán ra chữ Việt. Khi Việt Cộng cướp chính quyền năm 1945, ông gia nhập Mặt Trận Việt Minh. Trong cuốn No More Vietnams, cựu Tổng Tống Richard Nixon có nói Thượng Tọa Thích Trí Quang, một học trò của Thích Trí Độ, đã bị Pháp bắt hai lần trước năm 1954 vì hoạt động cho Việt Cộng. Ông nhấn mạnh Thượng Tọa Thích Trí Quang không hề dấu diếm mục tiêu của ông khi ông tuyên bố Giáo Hội Phật Giáo thích hợp với chế độ cộng sản. Theo chúng tôi được biết, sau khi có lệnh của Việt Minh phải tản cư khỏi Huế vào cuối năm 1946, ông đã về lại Diêm Điền ở Đồng Hới, nơi quê quán của ông, nghỉ lại đây một thời gian ngắn rồi cùng Thích Mật Thể đi ra Vinh. Ông ở Vinh mấy tháng lại quay về Đồng Hới và giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc Quảng Bình. Năm 1947, Pháp chiếm Đồng Hới, ông bỏ Diêm Điền qua cư ngụ ở làng Trung Nghĩa, phía Tây làng Diêm Điền, vì Diêm Điền quá sát thành phố, rất khó hoạt động. Những địa điểm mà ông thường xuyên lui tới để hội họp với Ủy Ban Kháng Chiến tỉnh Quảng Bình là Đức Phổ, Thuận Lý và Phú Quý, các nơi này Pháp chưa kiểm soát hoàn toàn được. Cùng hoạt động với ông có hai cán bộ nội thành của Việt Minh là Nguyễn Toại ở Đồng Đình và Nguyễn Tịch ở Đồng Phú. Đồng Đình và Đồng Phú là hai làng nằm ngay trong thành phố Đồng Hới. Nguyễn Toại (thường được gọi là Toại béo) trước làm ở Nhà Đèn Huế, theo Việt Minh tản cư ra Đồng Hới vào cuối năm 1946 cùng một lượt với Thích Trí Quang. Cả Nguyễn Toại, Nguyễn Tịch và Thích Trí Quang đều bị Pháp bắt năm 1947. Trong thời gian hoạt động cho Việt Minh, Nguyễn Toại đã chỉ điểm nhiều thành phần đảng phái quốc gia có lập trường chống Cộng Sản cho Việt Minh bắt thủ tiêu, nên khi Nguyễn Toại bị bắt, có người đã tố cáo với Pháp về các chuyện này, do đó Pháp đã đem Nguyễn Toại ra xử bắn và chặt đầu cắm ở Cổng Bình Quan, cổng vào thành phố của làng Diêm Điền. Nguyễn Tịch trốn được khỏi nhà giam vào ban đêm. Thượng Tọa Thích Trí Quang chỉ bị giam một thời gian rồi được trả tự do. Nhưng ít lâu sau ông bị bắt trở lại vì Phòng Nhì của Pháp thấy ông vẫn còn liên lạc với các cán bộ giao liên từ chiến khu ra. Sau một thời gian bị giam giữ, ông được một viên chức thuộc địa của của Pháp ở Huế bảo lãnh. Ông làm tờ cam kết không hoạt động cho Việt Minh nữa nên được phòng Nhì đã thả ra. Nhận thấy không còn hoạt động ở Đồng Hới được, ông trở về Huế và chuyên lo về Phật sự, nhưng bên trong vẫn bí mật hoạt động cho Việt Minh. Năm 1953, Hồ Chí Minh thành lập Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình để gây phong trào phản chiến, vận động dư luận quốc tế và quốc nội làm áp lực buộc Pháp ngưng chiến. Hòa thượng Thích Trí Độ là Ủy Viên Trung ương của tổ chức này. Thượng Tọa Thích Trí Quang là người hoạt động tích cực cho Ủy Ban. Sau cuộc di cư năm 1954, Thượng Tọa Thích Trí Quang làm Hội Trưởng Hội Việt Nam Phật Học ở Huế. Lợi dụng cương vị này, ông đứng ra lập Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình, một tổ chức phản chiến do Việt Minh lập năm 1953. Ông đã quy tụ được một số trí thức Phật Giáo thời đó tại Huế như bác sĩ Lê Khắc Quyến, Bác sĩ Thú Y Phạm Văn Huyến, Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng, ông Nguyên Văn Đảng, Giáo Sư Tôn Thất Dương Kỵ... Mục tiêu của Ủy Ban này là ngụy hòa, kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc và tổ chức bầu cử ngay để thống nhất hai miền Nam Bắc. Với tình trạng xã hội và chính trị vô cùng xáo trộn của miền Nam lúc đó, Hồ Chí Minh tin rằng nếu có bầu cử chắc chắn Cộng Sản sẽ thắng như năm 1945, vì họ đã gài lại vô số cán bộ nằm vùng hoạt động tại miền Nam. Thượng Tọa Thích Trí Quang đã làm công tác dân vận đó giúp Việt Cộng nên nhóm ông bị bắt. Chức Hội Trưởng Hội Việt Nam Phật Học của ông phải giao lại cho Thượng Tọa Thích Giác Nhiên. Vì Thích Trí Quang đang là Hội Trưởng Hội Phật Học Huế nên công an trình nội vụ cho ông Ngô Đình Cẩn giải quyết. Sau khi xem hồ sơ của Thích Trí Quang, ông Ngô Đình Cẩn thấy Thích Trí Quang là người đồng hương nên quyết định chiêu hồi cả nhóm này. Ông Ngô Đình Cẩn cho Thích Trí Quang xem hồ sơ của Phòng Nhì Pháp để lại, trong đó ghi rõ từng trường hợp ông hoạt động cho Việt Cộng khi ở Quảng Bình và tờ cam kết của ông không tiếp tục hoạt động cho Việt Cộng nữa. Sau đó ông Ngô Đình Cẩn nói với Thượng Toạ Thích Trí Quang rằng nếu Thượng Tọa chịu giữ lời cam kết và hợp tác, chính phủ sẽ giúp đỡ cho. Trước cái thế chẳng đặng đừng này, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã chấp nhận hợp tác và ông Ngô Đình Cẩn đã dùng Thượng Tọa Thích Trí Quang để nắm khối Phật Giáo miền Trung. Nhiều người ngăn cản ông Ngô Đình Cẩn về chuyện này, nhưng ông Ngô Đình Cẩn tin rằng ông đã nắm hồ sơ Thích Trí Quang trong tay, Thích Trí Quang không dám phản lại. Ông Ngô Đình Cẩn đã yểm trợ rất nhiều cho các hoạt động của Phật Giáo tại chùa Từ Đàm để tăng uy tín cho Thượng Tọa Thích Trí Quang và thỉnh thoảng có đến Chùa Từ Đàm ăn cơm chay với Thượng Tọa Thích Trí Quang. Chùa Từ Đàm được xây cất từ 1703, đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, có tên là Ấn Tôn Tự. Đến đời vua Hiến Tổ, hiệu là Thiệu Trị (1841 - 1847), triều đình cho rằng tên chùa phạm húy nên đổi thành chùa Từ Đàm. Vì được xây cất từ lâu nên chùa bắt đầu hư nát. Ông Ngô Đình Cẩn đã giúp cho Thích Trí Quang trùng tu lại nên trông rất mới mẻ, quan khách cứ tưởng như chùa mới xây. Bác sĩ Lê Khắc Quyến được cử giữ chức Giám Đốc Bệnh Viện Trung ương Huế, mặc dầu ông chỉ là Y Sĩ Đông Dương (chưa có luận án), không phải là Bác Sĩ ngạch Pháp. Ông Nguyễn Văn Đảng được bổ nhiệm làm Tổng Thư Ký toà Thị Chính Đà Nẵng năm 1955 và đến năm 1962 được đưa ra làm Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng thành phố Huế. Khi vụ Phật Giáo xẩy ra vào tháng 5 năm 1963 ở Huế, ông đang làm Thị Trưởng ở đó. Ông được coi là một Phật tử thuần thành nên không hề bị đòi nợ máu khi ông ra lệnh cho Thiếu Tá Đặng Sĩ dẹp cuộc biểu tình trước đài phát thanh Huế. Thiếu Tá Đặng Sĩ, người thừa hành, bị đòi nợ máu vì Đặng Sĩ là người Công Giáo. Ngày 1.6.1963, cả ông Nguyễn Văn Đảng lẫn Thiếu Tá Đặng Sĩ đều bị ngưng chức và về đợi lệnh ở Bộ Nội Vụ. Sau này ông Đảng được cử giữ chức Đại Biểu Chính Phủ tại Trung Phần. Trong trận Tết Mậu Thân, ông Đảng bị mất tích. Mọi người đều tưởng ông đã bị giết, nhưng sau 30.4.1975 ông trở về lại Huế. Điều này đã làm nhiều người ngạc nhiên về vai trò của ông. Hiện nay ông đã được bảo lãnh đến Hoa Kỳ. Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng đi theo Việt Minh từ 1945 đến năm 1951 thì trở về Hà Nội và theo học trường Dược tại Hà Nội. Năm 1954, khi mới di cư vào Nam, ông đã tham gia Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình của Thích Trí Quang. Sau khi được chiêu hồi, ông Ngô Đình Cẩn đã nhờ Linh mục Cao Văn Luận giúp Nguyễn Cao Thăng lấy xong bằng Dược Sĩ rồi giao cho Nguyễn Cao Thăng đứng đầu hãng bào chế dược phẩm OPV tại Saigon để kinh tài cho Đảng Cần Lao. Nguyễn Cao Thăng cũng được ông Ngô Đình Cẩn đưa ra làm Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến trong cuộc bầu cử năm 1957. Khi Tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng Thống, Nguyễn Cao Thăng lại được chọn làm Phụ Tá Tổng Thống đặc trách liên lạc với Quốc Hội. Ông có nhiệm vụ vận động các dân biểu bỏ phiếu ủng hộ các dự luật và các đường lối do Hành Pháp đưa ra. Nguyễn Văn Ngân, nhập ngũ khóa 13 Thủ Đức, đang ở Sư Đoàn 7, được Nguyễn Cao Thăng, đưa về làm Phụ Tá, có nhiệm vụ xách cặp tiền đi theo và chi tiền cho các dân biểu khi có lệnh của Nguyễn Cao Thăng. Khi Nguyễn Cao Thăng qua đời, Nguyễn Văn Ngân được cử giữ chức vụ của Nguyễn Cao Thăng vì đã quen công việc. Thích Trí Quang chỉ trá hàng ông Ngô Đình Cẩn. Các nhân viên tình báo có cho ông Ngô Đình Cẩn biết Thượng Tọa Thích Trí Quang vẫn tiếp tục liên lạc với Việt Cộng nhưng ông không quan tâm nhiều. Ông tin ông có thể tương kế tựu kế được. Tháng 5 năm 1963, khi có lệnh hạn chế treo cờ các tôn giáo ngoài các cơ sở tôn giáo, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã lợi dụng cơ hội này phát động phong trào Phật Giáo chống chính phủ Ngô Đình Diệm với thủ đoạn và chiến thuật mà Việt Cộng thường áp dụng. Vấn đề này chúng tôi sẽ nói ở chương nói về các cuộc thánh chiến. Năm 1964, khi Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất (khối Ấn Quang) được thành lập, ông giữ chức Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. Sau khi Tướng Nguyễn Khánh làm cuộc "chỉnh lý" và lên nắm chính quyền, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã lập Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, sau biến thành Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng và dùng các đặc công cộng sản nằm vùng lãnh đạo hai tổ chức này. Lực lượng của ông mở cuộc đánh phá Công Giáo và các đảng phái quốc gia, dưới chiêu bài "diệt Đảng Cần Lao", đòi Mỹ rút quân, ngụy hòa, gây rối loạn miền Nam Việt Nam. Lực lượng của ông đã bị tướng Nguyễn Cao Kỳ dẹp tan vào tháng 6 năm 1966. Trong cuộc họp báo ngày 7.6.1966, Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận tuyên bố Thượng Tọa Thích Trí Quang là cộng sản nên sẽ bị bắt nhưng sau đó ông vẫn không bị bắt. Sau 30.4.1975, nhóm Ấn Quang do ông lãnh đạo đã tổ chức mừng "giải phóng" và coi thắng lợi của Việt Cộng là thắng lợi của Phật Giáo. Nhưng đến năm 1976, Hà Nội giải thể Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhóm ông cũng bị loại. Trong cuộc lục soát chùa Ấn Quang của lực lượng an ninh đêm 6.4.1977, các Hòa Thượng Huyền Quang, Thiện Minh, Quảng Độ và một số tăng sĩ đã bị bắt, nhưng công an không đụng đến ông. Ông chỉ bị quản thúc tại chỗ và mọi việc liên lạc giữa ông với người ngoài không có gì khó khăn lắm. Một vài người quen với tôi cho biết họ có liên lạc được với ông, nhưng chỉ hỏi chuyện về sức khỏe và gia đình. Ông không muốn bàn gì đến chính trị. Tuy nhiên, khi cựu Đại Tá Lê thiện Giáo thử tìm đến gặp ông thì bị công an bắt giữ một thời gian mới thả ra. Sau vụ này, có rất nhiều sự bàn tán về vai trò của ông trong guồng máy tình báo của Việt Cộng. Thượng Tọa Thích Trí Quang được coi là người lãnh đạo nhóm Phật Giáo quá khích và cực đoan trong tông phái Phật Giáo Ấn Quang ở miền Trung. Nhiều người nghĩ rằng ông đã sống và hoạt động với Việt Cộng nhiều năm nên đã học được nhiều kỹ thuật đấu tranh chính trị và thủ đoạn của Cộng Sản. Nhìn cách điều động các cuộc đấu tranh của ông, người ta thấy ông nhiều mưu lược. Ông điều hành cuộc đấu tranh của Phật Giáo miền Trung đúng phương pháp mà Việt Cộng thường xử dụng. Chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ ra lệnh hạn chế việc treo cờ tôn giáo ngoài các cơ sở tôn giáo, ông phao tin chính phủ ra lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo. Trong vụ nổ trước đài phát thanh Huế tối 8.5.1963, Bác sĩ Lê Khắc Quyến, một "đồng chí" của ông khám nghiệm tử thi các nạn nhân, đã cho ông biết các nạn nhân bị chết vì một chất nổ bằng plastic cực mạnh, nhưng ông vẫn tuyên truyền kích động, phao tin các nạn nhân bị chết vì súng bắn, lựu đạn và xe tăng cán... Vừa ký kết xong với Ủy Ban Liên Bộ một thông cáo chung giải quyết vụ Phật Giáo, ông tung ra ngay một "mật điện" giả hô hoán chính quyền tìm cách không thực thi thông cáo chung và hô hào tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh, v.v. Nhưng một sĩ quan tình báo cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa thời đó đã nói: Thượng Tọa Thích Trí Quang chỉ là một Ấu Chúa, mọi việc trong triều đình đều do Thái Sư và Thừa Tướng lo. Thái Sư là Võ Đình Cường, còn Thừa Tướng là Nguyễn Trực. Thích Trí Quang quê ở Quảng Bình nên Huế không phải là đất dụng võ của ông. Ở Huế thời đó lại có quá nhiều thành phần xuất sắc, nên Thích Trí Quang nằm trong hạng vô danh tiểu tốt. Khi nhóm Thượng Tọa Thích Thiện Chiếu, Thích Trí Độ, Thích Mật Thể,... đi tản cư và ở lại Nghệ An theo Việt Minh, một mình Thích Trí Quang bị Pháp bắt nên phải từ Quảng Bình quay lại Huế, vai trò của ông mới được chú ý. Sau này ông Ngô Đình Cẩn đã giúp đỡ ông tối đa và tạo uy tín cho ông, đưa ông trở lại làm Hội Trưởng Hội Việt Nam Phật Học để nắm khối Phật Giáo Miền Trung, ông mới có chút uy tín. Nhưng mọi lực lượng đều nằm trong tay Võ Đình Cường. Ông bơ vơ giữa thành phố Huế. Võ Đình Cường lãnh đạo Ban Huynh Trưởng Cố Vấn Gia Đình Phật Tử, một tổ chức do Bác Sĩ Lê Đình Thám thành lập tại Huế năm 1944. Năm 1949 Bác Sĩ Lê Đình Thám được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc, Võ Đình Cường đứng lên lãnh đạo tổ chức này và hoạt động cho Việt Minh. Chính Võ Đình Cường nhận chỉ thị của Khu Ủy Trị - Thiên - Huế, hoạch định các kế hoạch, chiến thuật và thủ đoạn đấu tranh rồi đẩy Thích Trí Quang đi theo, còn Nguyễn Trực điều động (xem phần nói về Võ Đình Cường và Nguyễn Trực). Nhìn chung, Thượng Tọa Thích Trí Quang có những đặc tính sau đây và chính những đặc tính đó đã làm ông thất bại: - Độc đoán: ông muốn thâu tóm mọi quyền hành trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và sau này, trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Mọi kế hoạch tranh đấu ông chỉ bàn với Võ Đình Cường rồi bắt các tăng sĩ khác đi theo. Ông xem thường các tăng sĩ người miền Bắc và miền Nam, coi họ là những người không có mưu lược. Có người cho rằng thái độ độc đoán này phát xuất từ các chỉ thị của Khu Ủy mà ông phải thuận theo, ông không thể để cho các tăng sĩ khác lái đi trệch hướng. Trong cuộc thánh chiến năm 1966, ông bất chấp lệnh của Viện Hóa Đạo. Ngày 26.3.1966 Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, ra thông bạch kêu gọi giữ bình tĩnh trong khi thương lượng với chính phủ thì hôm sau, ngày 27.3.1966, Thượng Tọa Thích Trí Quang ra lệnh tổ chức một cuộc biểu tình 20.000 người ở Huế để thách đố Thượng Tọa Thích Tâm Châu. Trước tình thế này, Viện Hóa Đạo đã triệu tập một phiên họp vào ngày 27.5.1966 và ra thông cáo tuyên bố từ nay Viện Hóa Đạo làm việc theo nguyên tắc "tập đoàn chỉ huy", với dụng ý cho Thượng Tọa Thích Trí Quang biết ông không thể hành động theo ý riêng. Nhưng Thích Trí Quang không hề đếm xỉa đến thông cáo đó, nên ngày 17.6.1966 Thượng Tọa Thích Tâm Châu lại phải ra một thông cáo nữa lên án "sự lạm quyền" của Thượng Tọa Thích Trí Quang và một số tăng sĩ khác. Các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam như Võ Chí Công, Đỗ Mười cũng chỉ hết tiểu học rồi nghỉ, nhưng họ quen với phương thức "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" nên vẫn làm được việc lớn. Ông không chấp nhận nguyên tắc đó. - Tự phụ: ông cho rằng chỉ có ông mới có thể lãnh đạo cuộc đấu tranh đi tới thành công và những thành quả mà Phật Giáo đạt được đều do mưu trí của ông. Phỏng vấn ông là một việc khó khăn. Ông cứ trả lời gay gắt và nhát gừng. Thay vì trả lời, ông thường hay hỏi ngược lại khiến người phỏng vấn rất bực bội. Trong luận án Tiến Sĩ "Phật Giáo và Chính Trị tại Việt Nam Ngày Nay" đệ nạp ở Trường Đại Học Luật Khoa Saigon năm 1972, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hào có ghi chú về một cuộc gặp gỡ Thượng Tọa Thích Trí Quang 40 phút để phỏng vấn như sau: "Ngài hỏi chúng tôi: "Anh lấy tài liệu ở đâu?" "Chúng tôi trả lời: "Tôi tìm ở bất cứ nơi nào có thể được, ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, ở các cơ quan tư cũng như công, và ở các cá nhân có liên hệ đến đề tài khảo cứu." "Ngài bảo: "Sai hết! Chẳng ai viết đúng về tôi cả. Ngay đến cuốn đại tự điển Larousse thế kỷ XX, viết về tôi còn sai bét. Anh cứ coi tôi là một nguồn tài liệu của anh thôi. Lúc này dân tộc đang đau khổ, viết về Phật Giáo anh nên thận trọng, không e rằng có phản ứng."(4) Ông chỉ muốn dằn mặt và đánh phủ đầu thôi. Ông chẳng tiết lộ thêm được điều gì. Hồ sơ lý lịch của ông đã được mật thám Pháp sưu tập đầy đủ và sau này chuyển cho cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà. Ngoài ra, những người ở quê ông biết rất rõ về ông và gia đình ông. Ông không có tài đối đáp nhanh nhẹn và sợ những sơ hở của ông trong lời nói có thể bị báo chí khai thác nên đã có thái độ như vậy. Điều nầy chứng tỏ ông không tự tin và không thành thật. Ông chỉ thích loại phỏng vấn cò mồi theo kiểu của các nhà lãnh đạo cộng sản. Nhân viên tình báo Hoa Kỳ hiểu rõ tính tự phụ của ông nên năm 1966, khi muốn dẹp các phong trào do ông phát động, đã thổi phồng ông như là một lãnh tụ lỗi lạc của miền Nam Việt Nam và là người đã làm rung chuyển cả nước Mỹ để đẩy cây cho ông đi quá trớn, gây bất mãn trong dư luận, rồi bật đèn xanh cho Tướng Nguyễn Cao Kỳ dẹp bỏ. - Cực đoan: ông đưa chủ thuyết "PHẬT GIÁO và DÂN TỘC". Ông luôn tuyên bố Phật Giáo và Dân tộc gắn liền với nhau, vận mệnh của đất nước đi liền với vận mệnh của Phật Giáo. Vậy muốn cứu vãn dân tộc, chỉ có một con đường duy nhất là đưa Việt Nam trở lại thời Lý - Trần, Phật Giáo là quốc giáo, các Hòa Thượng làm Quốc Sư. Để đạt mục tiêu này, ông tuyên truyền cho thuyết Phật Giáo siêu việt và độc tôn, và cổ võ loại trừ Thiên Chúa Giáo, một tôn giáo được ông coi là "đạo ngoại lai", phản lại quyền lợi và văn hóa dân tộc. Hầu hết các tăng sĩ miền Trung gốc Bình - Trị - Thiên và Nam - Ngãi trong khối Phật Giáo Ấn Quang lúc nào cũng lặp lại chủ thuyết của ông như những con sáo. Chính chủ thuyết mà ông đưa ra đã cô lập ông với cộng đồng dân tộc. Ông cũng tỏ ra bất khoan dung đối với các tông phái không muốn chấp nhận uy quyền và chủ trương của ông trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Các vụ đánh phá Việt Nam Quốc Tự và Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là những thí dụ điển hình. - Tính chuyện mưu bá đồ vương: ông tin rằng có thể dùng lá bài Phật Giáo để tiến tới nắm chính quyền tại miền Nam Việt Nam. Trong cuộc biểu tình ngày 21.5.1966, người ta thấy một loại truyền đơn thăm dò được tung ra ở Huế, Đà Nẵng và Saigon, đòi đưa Thượng Tọa Thích Trí Quang lên làm Quốc Trưởng và Trần Quang Thuận làm Thủ Tướng. Thượng Tọa Thích Huyền Minh cho biết Thượng Tọa Thích Trí Quang muốn thiết lập lại chế độ quân chủ. Ông cho rằng dù muốn dù không, đất nước này phải có vua mới cai trị được. Ông muốn biến 17 tỉnh miền Trung thành một vùng trái độn do Cựu Hoàng Bảo Đại cai trị và Phật Giáo là quốc giáo. Trong cuốn Les forces politiques au Sud Vietnam depuis les accords de Genève (Các lực lượng chính trị ở Nam Việt Nam từ sau hiệp định Genève), Bà Trần Hoài Trân, Giáo Sư Đại Học Luật Khoa Saigon, cho biết giấc mơ của nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang là giấc mơ một nước Việt Nam trung lập độc lập và theo Phật Giáo, trong một Đông Nam Á trung lập và Phật Giáo.(4) Cụ Cao Xuân Vĩ kể lại rằng năm 1964, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm đã bị Hoa Kỳ lật đổ, các Thượng Tọa Thích Trí Quang, Thích Trí Thủ, Thích Thiện Minh và Thích Đức Nghiệp đã từng họp bàn để lập lại tập tục Tế Nam Giao ở Huế như thời Bảo Đại. Thích Trí Thủ nói không có vua thì chỉ cần tìm một người gần nhất trong hoàng tộc mặc áo đứng đó là đủ. Mọi thủ tục khác Phật Giáo đảm nhận. Ước muốn trở lại thời quân chủ của các tăng sĩ trong nhóm An Nam Phật Học ở Huế không có gì khó hiểu. Dưới thời Bảo Đại, ngoài sự khuyến khích của thực dân Pháp, triều đình Huế đã giúp đỡ Phật Giáo Huế tối đa. Bà Từ Cung, Thái Hậu của vua Bảo Đại, là người bảo trợ cho các chùa và các tổ chức Phật Giáo ở Huế. Mỗi khi các tăng sĩ hoạt động cho Việt Minh bị Pháp bắt đều được bà Từ Cung bảo lãnh cho trở về. Hoà Thượng Thích Đôn Hậu hoạt động cho Việt Minh, bị Pháp bắt được nhiều lần, nếu không có sự can thiệp của bà Từ Cung, đã bị Pháp đem đi bắn. Được triều đình nhà Nguyễn bảo trợ tối ta, nhóm tăng sĩ trong An Nam Phật Học muốn tái lập chế độ quân chủ để được tiếp tục hưởng ơn mưa móc, đó là chuyện thường tình. Nhưng khả năng của Thích Trí Quang không tương xứng với những việc ông muốn làm: Trước hết, kiến thức tổng quát của ông cũng như của Võ Đình Cường đều rất giới hạn. Nhìn qua chủ trương nói trên chúng ta thấy ông và Võ Đình Cường không hiểu gì về tình hình chính trị quốc nội và quốc tế, không hiểu cả những định chế chính trị sơ đẳng trong chính trị học. Cả hai không thấy được chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ khi hành động. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, cả hai vẫn tin rằng sự sụp đổ đó là do công lao của họ. Cả hai không nhận ra được rằng Hoa Kỳ đã cố tình thổi phồng vụ Phật Giáo để có lý do lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và đem quân vào lập các căn cứ quân sự nên đã thừa thắng xông lên. Phật Giáo đã bị Hoa Kỳ biến thành công cụ mà không hay biết và cuối cùng bị báo chí Hoa Kỳ đẩy cây cho đi quá trớn và sa lầy rồi bật đèn xanh cho Tướng Nguyễn Cao Kỳ thanh toán. Ông biết dùng thủ đoạn nhưng không biết phương pháp tổ chức nên không kiểm soát được các phong trào do ông lập ra và các việc ông làm. Trong các phong trào của ông, từ trên xuống dưới không hề có một hệ thống tổ chức chặt chẽ. Ông tung ra một chiến dịch rồi không biết nó sẽ đi tới đâu. Trong các tổ chức của ông, cơ quan nào cũng gài người vào được: Đặc công Việt Cộng, nhân viên CIA, tình báo của cả Tổng Nha Cảnh Sát lẫn Phủ Đặc Ủy Trung ương Tình Báo của Việt Nam Cộng Hòa. Về sau, nhất cử nhất động của ông đều bị đối phương phát hiện trước nên các chiến dịch ông đưa ra thường bị bẻ gãy. Ông cũng thiếu thận trọng khi dùng người. Bí thư và phát ngôn viên của ông trong thời kỳ đấu tranh là Đại Đức Thích Nhật Thiện. Thích Nhật Thiện có tên thật là Lê Mậu Chí, tức Hàm, người Thừa Thiên. Trước 1954, Lê Mậu Chí là công an viên của Ty Công An Đồng Hới, sau chuyển vào Ty Công An Khánh Hòa. Vì một vụ dan díu rắc rối với phụ nữ, Lê Mậu Chí bị đổi ra Chi Công An Sông Cầu và đến năm 1959 thì bị cho nghỉ việc. Lê Mậu Chí vào Saigon học thêm Anh văn rồi đi tu. Đến năm 1963, khi xẩy ra vụ Phật Giáo, Lê Mậu Chí đã thành Đại Đức với Pháp danh Thích Nhật Thiện. Thượng Tọa Thích Trí Quang đã chọn Lê Mậu Chí làm bí thư và phát ngôn viên của ông. Chính Lê Mậu Chí đã thu xếp và đưa Thượng Tọa Thích Trí Quang qua ẩn náu trong cơ quan USAID Saigon khi cảnh sát sắp lục soát chùa Xá Lợi. Một người thận trọng không ai dám dùng những người có lai lịch như thế làm bí thư khi hoạt động chính trị bí mật. Ông hoàn toàn bị lệ thuộc vào Võ Đình Cường, "cố vấn chỉ đạo" của ông. Võ Đình Cường lại nhận chỉ thị của Khu Ủy Trị Thiên - Huế. Ông không thể hành động ngoài sự chỉ đạo đó. Mưu lược mà Võ Đình Cường bày vẽ cho ông chỉ là những tiểu xảo quá quen thuộc, tuy lừa được một số người nhẹ dạ và các chính khách ấu trĩ, nhưng cơ quan tình báo Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đều biết rất rõ nên đã bẻ gẫy không có gì khó khăn. Vụ lật đổ chế độ Ngô Dình Diệm là do Hoa Kỳ trực tiếp hành động, nhóm của ông chỉ là công cụ. Ông không có tài nói trước quần chúng vì giọng ông hơi ngọng. Đây là một thất bại lớn của ông. Ông phải cố gắng tạo huyền thoại để thay thế. Ông lại thiếu xã giao, nên Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang không dám cử ông tham dự vào các phái đoàn Phật Giáo đi thương thuyết với chính quyền hay đi dự các hội nghị Phật Giáo quốc tế. Ông cũng thuộc vào loại miệng hùm gan sứa, khi đắc thắng thì phách lối, kiêu căng, nhưng khi thấy tình hình nguy ngập thì tìm cách trốn tránh trách nhiệm hay chạy trốn. Cuốn Bạch Thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu công bố ngày 31.12.1993 có ghi lại một số câu chuyện sau đây cho thấy ông không phải là người có bản lãnh của một cấp lãnh đạo: "Thượng Tọa Trí Quang viết thư cho Ngô Đình Cẩn, tôi được các Thượng Tọa lãnh đạo tại Huế nói chuyện trực tiếp với tôi. Sau này Đại Đức Thích Quảng Thành, đệ tử của các Thượng Tọa tại Huế, có gửi một lá thư viết tay gồm 10 trang đề ngày 31.2.973, cho Thượng Tọa Trí Quang (và kèm thêm thư xác nhận của ông Nguyễn Văn Đẳng), Đại Đức đã viết: "...Nhưng chưa ai biết, sau buổi lễ này (lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm năm 1963), Thượng Tọa lại gửi thơ cho ông Cẩn, nhân danh Hội Trưởng Hội Phật Giáo Trung Phần Việt Nam, qua trung gian của ông Nguyễn Văn Đẳng, Thị Trưởng Huế lúc bấy giờ để xin cam đoan không có chuyện gì sẽ xẩy ra nữa, sẽ chấm dứt mọi chuyện, nếu ông Cẩn cho tổ chức một lễ cầu siêu. Sau khi gửi thư, Thượng Tọa gặp ông Cẩn và sau đó, Thượng Tọa giao hết mọi chuyện cho các Thượng Tọa khác, Thượng Tọa chỉ còn gặp ông Woulf. Nếu các Thượng Tọa khác cũng làm như Thượng Tọa thì liệu có hay không cuộc cách mạng 1963?" Đại Đức Thích Quảng Thành còn trách Thượng Tọa Trí Quang: "Đem con bỏ chợ. Đầu hàng nửa chừng. Trốn tránh trách nhiệm. Không xứng đáng làm gương cho Tăng, Ni noi theo". Ngày 26.8.1964 Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc đốt hai giáo xứ Thanh Bồ và Đức Lợi ở Đà Nẵng. Ngày 28.8.1964 Hội đồng này mở cuộc tấn công trường Nguyễn Bá Tòng và đốt tòa báo Xây Dựng của Linh mục Nguyễn Quang Lãm ở Saigon. Trước sự lộng hành này, các thanh niên Công Giáo thuộc các giáo xứ xung quanh Saigon mở cuộc tấn công mạnh mẽ đánh trả lại khiến Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc bỏ chạy. Thấy tình thế nguy ngập, hai Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thích Thiện Minh cũng chạy trốn. Trong một đoạn khác của cuốn Bạch Thư, Thượng Tọa Tâm Châu kể lại như sau: "Việc Thượng Tọa Trí Quang trốn chạy xuống Tân Châu, định sang Kampuchia, chính tôi tới nhà Phật Tử mà Thượng Tọa cư ngụ ớ đường Hồng Thập Tự hỏi thăm, họ nói cho tôi biết như vậy. Và, sau Thượng Tọa cùng hai vị tùy tùng trở về Saigon thì ai cũng biết. Để xác tín về việc này, Đại Đức Thích Quảng Thành cũng có nói trong lá thư của Đại Đức gửi cho Thượng Tọa Trí Quang ngày 31.12.1973 như sau: "Năm 1964, khi Thiên Chúa Giáo xuống đường dưới thời chính phủ Nguyễn Khánh, Thượng Tọa đã trút bỏ trách nhiệm, cạo bỏ râu mày, cải trang trốn sang Cao Miên. Nửa đường, nghe tình thế biến chuyển, Thượng Tọa mới trở về. Trong những cuộc đấu tranh, cứ đến khi nào bí lối, nguy hiểm, Thượng Tọa đều dùng hình thức tuyệt thực, để giao trách nhiệm và công việc cho các Thượng Tọa khác". Ông đã từng ở với Việt Cộng trong những ngày có các cuộc tàn sát đẫm máu các chiến sĩ quốc gia từ 1945 - 1947 nên khi Việt Cộng chiếm được miền Nam, ông quay lại ngồi thiền, cầu mong được an thân, không bao giờ dám bàn đến chính trị, để mặc cho các tăng sĩ khác và Phật tử tranh đầu với nhà cầm quyền Cộng Sản. Đây cũng là một cách trốn tránh tránh nhiệm. Với những khuyết điểm chồng chất như chất trên, ông đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ thế chủ động sang thế bị động, biến Phật Giáo miền Trung thành công cụ của cả Việt Cộng lẫn Hoa Kỳ, gây phân hóa trầm trọng trong nội bộ của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang và cuối cùng để Phật Giáo Việt Nam rơi vào tình trạng bi đát như ngày hôm nay là bị Việt Cộng "quốc doanh hóa" hoàn toàn. Cựu Tổng Thống R. Nixon đã nói khá nhiều đến các chiến thuật phá rối chính quyền miền Nam của Thượng Tọa Thích Trí Quang. Tất cả những vấn đề này và các đặc tính của ông sẽ xuất hiện đầy đủ trong phần đề cập về các cuộc thánh chiến từ 1963 - 1966. Cư sĩ Lê Đình Thám: có pháp danh là Tâm Minh, sinh năm 1897 tại làng Phú Mỹ, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông thuộc dòng dõi khoa bảng. Thân phụ ông là cụ Lê Đỉnh, Thượng Thư Bộ Binh dưới triều vua Tự Đức. Ông thông thạo cả Hán Học lẫn Tây học, đậu Đông Dương Y Sĩ năm 1916 và Y Khoa Bác Sĩ năm 1930 tại Y Khoa Đại Học Đường Hà Nội. Năm 1928 Bác Sĩ Lê Đình Thám được đưa đến phục vụ tại Viện Pasteur Huế. Ông là một trong những viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa đứng ra tổ chức phong trào chấn hưng Phật Giáo lại Trung Kỳ. Ông đã thọ giới với hai Hòa thượng Giác Tiên và Phước Huệ nên rất am tường về Phật Học. Năm 1932, ông đứng ra thành lập Hội An Nam Phật Học Huế và ông là Hội Trưởng đầu tiên của hội này. Sau đó, ông cùng với Thượng Tọa Thích Mật Khế đứng ra lập Trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm ở Huế vào năm 1934. Trường này đã đào tạo rất nhiều tăng sĩ sau này tham gia Mặt trận Việt Minh như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Mật Thể. Năm 1940 ông thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Chính ông và cụ Đinh Văn Chấp, thân phụ Thích Minh Châu, đã đích thân huấn luyện cho các thanh Niên Phật Tử. Võ Đình Cường, "cố vấn chỉ đạo" của Thượng Tọa Thích Trí Quang, cũng xuất thân từ đoàn này. Năm 1944 ông thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đến năm 1951, tổ chức này được đổi thành Gia Đình Phật Tử. Năm 1945 ông tham gia Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc của Mặt Trận Việt Minh ở Huế và là lý thuyết gia điều hợp chủ nghĩa cộng sản với Phật pháp. Năm 1946 Pháp chiếm Huế, ông và gia đình tản cư về Quảng Nam và giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V của Việt Cộng gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tại đây ông đã tập họp các thanh niên Phật tử vào Đoàn Phật Học Đức Dục ở Bồng Sơn, Bình Định, để giảng dạy về "Phật Giáo và dân chủ mới", coi con đường của Phật Giáo và con đường của cộng sản chủ nghĩa là một, với mục tiêu thúc đẩy thanh niên Phật tử gia nhập Đảng Cộng sản và tham gia kháng chiến. Ông cho lập ban nghiên cứu tổng hợp giáo lý Phật Giáo với chủ thuyết Mác-Lê. Kết quả, Nguyễn Hữu Quán đã tóm lược lại công trình nghiên cứu này trong cuốn "Phật Giáo và nền dân chủ mới" phổ biến khắp các tỉnh miền Trung. Ảnh hưởng của cuốn sách này rất lớn lao đối với các tăng sĩ và một số Phật tử ở miền Trung như Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, v.v. Năm 1949, khi Hồ Chí Minh quyết định trao Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ lại cho một người khác, ông bị gọi ra Bắc và cho giữ chức Chủ Tịch Phong Trào Vận Động Hòa Bình Thế Giới để mở chiến dịch chống lại việc Pháp tái lập các thuộc địa. Ông phải theo đường Trường Sơn để đến Hà Tĩnh, vì lúc đó các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình đã bị Pháp chiếm. Năm 1953, khi bắt đầu mở các cuộc tấn công lớn để buộc Pháp nhường đất, Hồ Chí Minh đổi Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới thành Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hoà Bình. Bác sĩ Lê Đình Thám cũng được chuyển qua làm Chủ Tịch Ủy Ban này. Năm 1956, ông được nhà cầm quyền Hà Nội cử đi dự lễ Buddha Jayanti tại Ấn Độ với Hòa Thượng Thích Trí Độ. Trong dịp đó ông đã tiếp xúc nhiều với các tăng sĩ miền Nam đến tham dự lễ. Sau chuyến đi này, nhà cầm quyền Hà Nội đã đặt nhiều nghi vấn về lập trường của ông nên không cho ông làm Chủ Tịch Ủy ban nữa. Kể từ đó ông dành những ngày thất sủng trong khoảng đời còn lại để dịch bộ Kinh Lăng Nghiêm. Ông mất tại Hà Nội ngày 23.4.1969. Trước tiên, Bác Sĩ Lê Đình Thám là một viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa được đưa ra Huế để thành lập tổ chức phục hưng Phật Giáo tại Trung Kỳ nhằm "hóa giải" phong trào chống Pháp của nhà Nho. Nhưng đến năm 1945, khi Việt Minh cướp được chính quyền, ông theo Việt Minh kháng chiến vì lòng yêu nước. Khi ông tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Tư tưởng dung hợp Phật Giáo với Cộng Sản và chủ trương khai thác tư tưởng Phật Giáo theo hướng chủ nghĩa Mác-Lênin của ông đã gây tác hại lớn lao trên các tăng sĩ và cư sĩ trong tổ chức An Nam Phật Học ở Huế. Đa số các tăng sĩ và cư sĩ trong hội này đã theo Cộng Sản. Năm 1956 ông đã bị thất sủng tại miền Bắc và đang tự sám hối thì một số đồng đạo và môn sinh của ông không hay biết chuyện đó, vẫn tiếp tục con đường ông đã vạch ra nên đã đem lại nhiều tang tóc cho Phật Giáo và quê hương. Võ Đình Cường, Nguyễn Trực và Tống Hòa Cầm Võ Đình Cường sinh năm 1922 tại Sịa, xã Thạch Bình, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Học lực trung học đệ nhất cấp, làm giáo viên trường Bồ Đề ở Huế và xuất bản sách báo Phật Giáo. Năm 1940, khi Bác Sĩ Lê Đình Thám thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục ở Huế thì Võ Đình Cường là một trong các Phật tử đầu tiên gia nhập tổ chức này. Cụ Đinh Văn Chấp, thân phụ của Thích Minh Châu, và Bác Sĩ Lê Đình Thám là những người hướng dẫn cho Đoàn. Năm 1944 Bác sĩ Lê Đình Thám thành lập tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Võ Đình Cường trở thành một Huynh Trưởng Phật tử cốt cán trong tổ chức này. Năm 1945, khi Việt Minh mới cướp chính quyền, Võ Đình Cường tham gia ngay Hội Phật Giáo Cứu Quốc cùng với một số đông tăng sĩ và Phật tử nòng cốt trong Hội An Nam Phật Học. Hội Phật Giáo Cứu Quốc ở Huế do Thích Mật Thể làm Chủ Tịch. Cuối năm 1946, Lê Đình Thám tản cư về Liên khu V còn cụ Đinh Văn Chấp về Liên Khu IV. Cả Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục lẫn tổ chức Gia Đình Phật Hoá Phổ đều giao cho Võ Đình Cường quán xuyến. Võ Đình Cường đã chịu ảnh hưởng lớn lao tư tưởng và cuộc đời của Lê Đình Thám và cụ Đinh Văn Chấp, cả hai người này đều chủ trương dung hợp Phật Giáo với chủ nghĩa Mác-Lênin. Bác sĩ Lê Đình Thám được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ còn cụ Đinh Văn Chấp làm chủ Tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác-Lê và sau đó làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Liên Khu IV. Võ Đình Cường quyết tâm đi theo con đường của hai thầy. Vì tình trạng chiến tranh, các thành phần cốt cán trong Gia Đình Phật Hóa Phổ tản cư mỗi người một nơi nên tổ chức này phải ngưng hoạt động. Đến cuối năm 1947, khi Pháp ổn định xong tình hình ở Huế, Hội Việt Nam Phật Học hoạt động trở lại và đặt trụ sở tại số 1b đường Nguyễn Hoàng ở Huế, Võ Đình Cường và Phan Cảnh Tú vận động tái lập Gia Đình Phật Hóa Phổ và mượn trụ sở Hội An Nam Phật Học làm nơi sinh hoạt tạm thời. Ngày Chúa nhật 18.1.1948, Võ Đình Cường chính thức làm lễ ra mắt tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ mới tại chùa Từ Đàm. Tham dự trong lễ ra mắt này người ta còn thấy những Phật tử nhiệt thành sau đây: Tống Hồ Cầm, Hoàng Thị Kim Cúc, Cao Chánh Hựu, Văn Đình Hy, Đặng Tống, Lê Văn Dũng, Phan Cảnh Tuân, Phan Xuân Sanh, v.v. Những người này về sau đều nằm trong Ban Cố Vấn Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử và Võ Đình Cường trở thành người lãnh đạo. Năm 1951, Tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ được đổi thành Gia Đình Phật Tử Võ Đình Cường có cho xuất bản cuốn Ánh Đạo Vàng để phổ biến tinh thần Phật Học trong giới Gia Đình Phật Tử nhưng không có gì sâu sắc vì trình độ văn hóa tổng quát cũng như Phật học của ông chưa đầy đủ. Đến năm 1950, nhóm học tăng trung học của Phật Học Đường Báo Quốc phải soạn tập Phật Pháp cho các thanh thiếu niên học. Nhóm này đều là học trò của Bác Sĩ Lê Đình Thám và cụ Đinh Văn Chấp trước đây trong đó có Minh Châu, Đức Tâm, Trí Không, Thiện Ấn và Chân Trí. Sau khi Thượng Tọa Thích Trí Quang từ Quảng Bình trở lại chùa Từ Đàm, Võ Đình Cường đã hợp tác với Thích Trí Quang phát triển tổ chức Gia Đình Phật Tử, đi về từng xã thiết lập các Khuôn Hội Phật Giáo. Tinh thần của tổ chức nầy vẫn là tinh thần mà Bác Sĩ Lê Đình Thám đưa ra: dung hợp Phật Giáo với chủ nghĩa Mác-Lê, dùng cuốn "Phật Giáo và nền dân chủ mới" của Phật Giáo Liên Khu V làm cẩm nang. Cả Thượng Tọa Thích Trí Quang lẫn Võ Đình Cường luôn cổ võ cho chủ nghĩa cộng sản. Nhân vật thứ hai đứng bên Võ Đình Cường là Tống Hồ Cầm. Anh này làm nhà in nên đã giúp Võ Đình Cường kinh tài bằng cách in các sách về Phật giáo và kinh Phật. Cả hai đã sống bằng nguồn lợi tức này. Võ Đình Cường còn có một đồng chí là Tôn Thất Dương Kỵ, ông nầy cũng là một Phật tử cực đoan và thân Cộng. Tôn Thất Dương Kỵ đã cùng Phạm Văn Huyến và Cao Minh Chiếm giúp Thích Quảng Liên phát động phong trào nguỵ hoà để làm suy yếu tinh thần chống Cộng tại miền Nam Việt Nam nên đã bị chính phủ Phan Huy Quát tống xuất ra miền Bắc ngày 19.3.1965. Sau khi hiệp định Genève được ký kết, Việt Cộng đã phái Nguyễn Trực đến phụ giúp nhóm Võ Đình Cường. Nguyễn Trực người Thừa Thiên, một đảng viên của Đảng Cộng Sản, mang quân hàm Trung úy, tuy học lực thấp nhất trong nhóm, nhưng làm Bí Thư Chi Bộ, có nhiệm vụ thâu lượm tin tức và báo cáo tình hình cho Khu Ủy Trị-thiên- Huế, nhận lãnh và thi hành các chỉ thị của cơ quan này. Cơ quan tình báo cũng như Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa có đầy đủ hồ sơ của Nguyễn Trực. Dưới thời Ngô Đình Diệm, Nguyễn Trực đã bị công an bắt giam vì hoạt động cho Việt Cộng. Nhưng sau khi Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo ký thông cáo chung, Thích Trí Quang đã đòi thả Nguyễn Trực ra. Năm 1964, Nguyễn Trực bị cảnh sát bắt trở lại, nhưng Thích Trí Quang đã.. điều đình và bảo lãnh về. Dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Trực bị cơ quan An Ninh Quân Đội bắt một lần nữa vì vẫn tiếp tục hoạt động cho Việt Cộng, nhưng Thích Trí Quang làm áp lực mạnh và xin bảo lãnh, cơ quan An Ninh Quân Đội lại phải cho về. Khi các cuộc đấu tranh miền Trung chấm dứt, bộ chỉ huy được chuyển vào chùa Ấn Quang ở Saigon, Nguyễn Trực vào điều khiển nhóm cán bộ nằm vùng tại Đại Học Vạn Hạnh. Võ Đình Cường cũng vào Saigon, ở đường Phan Thanh Giản, Quận 3, khu trước bệnh viện Bình Dân. Ngày 30.4.1975, Nguyễn Trực xuất hiện với quân hàm Trung úy, súng K54 bên hông, đứng ra điều động Ban Giảng Huấn và sinh viên Đại Học Vạn Hạnh đi ra Ngã Tư Bảy Hiền đón "quân giải phóng". Sau đó Nguyễn Trực lên làm Chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Quận 3. Tất cả Ban Giảng Huấn Đại Học Vạn Hạnh, kể cả Thích Minh Châu, đều phải đến trình diện Nguyễn Trực và được cấp giấy chứng nhận. Nguyễn Trực cũng là người tiếp thu Đại Học Vạn Hạnh. Nhưng năm 1981, Nguyễn Trực đứng ra tổ chức vượt biên để lấy tiền. Nội vụ bị bại lộ, Nguyễn Trực bị truy tố ra tòa và bị phạt 4 năm tù và sau đó bị loại khỏi Đảng. Như vậy qua 4 thời chính phủ khác nhau, Nguyễn Trực đều phải đi tù. Sau khi Nguyễn Trực bị Việt Cộng bắt, một đứa con trai của Nguyễn Trực đã vượt biên lọt, đang được định cư tại Orange County, California, Hoa Kỳ. Sau khi ra tù, Nguyễn Trực ở với 3 người con gái tại Sai gon và đang chờ đứa con trai bảo lãnh qua định cư tại Hoa Kỳ! Trong các biến cố do Phật Giáo miền Trung gây ra từ 1963 đến 1966, Võ Đình Cường và Nguyễn Trực đã hoạch định mọi kế hoạch và chiến thuật dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ Huy Việt Cộng ở Thừa Thiên và đẩy Thượng Tọa Thích Trí Quang chạy theo. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Võ Đình Cường đã cho biến các Khuôn Hội Phật Giáo ở Thừa Thiên thành những Chi Bộ giống như tổ chức của Đảng Cộng Sản Vừa nắm quyền, vừa nắm quân, Võ Đình Cường đã không coi Thượng Tọa Thích Trí Quang ra gì. Ông hoàn toàn bị nhóm Võ Đình Cường bao vây. Khi cơ quan chính quyền hay đoàn thể muốn lấy ý kiến hay thương lượng vấn đề gì với Thích Trí Quang cũng như khi các ký giả muốn gặp ông, Võ Đình Cường đều kiểm soát trước và quyết định cho gặp hay không. Có lần Võ Đình Cường đã nói thẳng với chúng tôi: "Thích Trí Quang thì cũng phải qua đây". Đầu tháng 4 năm 1975, khi Việt Cộng đã chiếm Đà Nẵng, Bác Sĩ Trần Kim Tuyến và Tướng Nguyễn Cao Kỳ định làm đảo chính lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để tổ chức lại quân đội. Bác Sĩ Trần Kim Tuyến có vào bàn với Thượng Tọa Thích Trí Quang thì ông đồng ý ngay, với điều kiện sau khi lập chính phủ mới, phải lập Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp gồm ba thành phần như Hiệp Định Genève đã quy định. Thành phần thứ nhất đại diện chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thành phần thứ hai đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và thành phần thứ ba là đại diện Phật Giáo Ấn Quang. Nhưng khi Võ Đình Cường đến họp chung với một vài nhóm khác thì Võ Đình Cường tuyên bố dứt khoát rằng sau khi đảo chánh phải lập ngay chính phủ liên hiệp ba thành phần, tuyên bố trung lập và người Mỹ phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam. Bác Sĩ Tuyến có nhắc lại ý kiến của Thượng Tọa Thích Trí Quang thì Võ Đình Cường trả lời: "Tôi là người quyết định chớ không phải Thích Trí Quang"! Vụ âm mưu đảo chánh này bất thành. Sau ngày 30.4.1975, Võ Đình Cường và Thượng Tọa Thích Minh Châu đứng lên lãnh đạo khối Phật Giáo Ấn Quang. Ngày 4.6.1977 công an xét chùa Ấn Quang, bắt Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, và một số tăng sĩ chống đối, Võ Đình Cường đã đóng vai trò chủ lực trong Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo để đưa Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang vào quốc doanh. Võ Đình Cường được Mặt Trận Tổ Quốc giao cho làm Tổng Biên Tập tạp chí Giác Ngộ, đã dùng tờ báo này công kích các tăng sĩ chống lại sự khống chế Phật Giáo của chính quyền, tấn công các tăng sĩ chống lại việc đưa Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang gia nhập vào Giáo Hội quốc doanh. Tăng sĩ bị lên án nặng nhất trong vụ này là Hòa Thượng Thích Trí Độ. Tống Hòa Cầm là Quản Lý của tạp chí này. Dưới bút hiệu Tống Anh Nghị, Tống Hoà Cầm đã viết rất nhiều bài yểm trợ nhà cầm quyền thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam để gôm Phật Giáo về một mối. Năm 1992, Võ Đình Cường được Đảng cho về hưu trí và đưa Thượng Tọa Thích Trí Quảng lên làm Tổng Biên Tập thay. Tống Hòa Cầm vẫn tiếp tục làm Quản Lý, nhưng cũng đã cho một đứa con trai vượt biên qua định cư tại Hoa Kỳ để phòng khi bị thất sủng sẽ nhờ con bảo lãnh qua Mỹ. Trong Bông Sen số 18, Trần Tâm Nguyên (tức Lý Khôi Việt) đã cho biết trong tang lễ của Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội quốc doanh, qua đời tại Hà Nội trong tháng 1 năm 1994, Saigon có gởi một phái đoàn 26 người đến dự, trong đó có Võ Đình Cường. Trần Tam Nguyên có hỏi một người bạn "chuyên viên về Phật Giáo" Saigon: "Tại sao có anh Cường mà không có Thầy Trí Quảng?". Anh nầy cười và đáp: "Điều này có nghĩa Thầy Trí Quảng không có uy tín bằng hay không được tin cậy bằng anh Cường, dưới con mắt của Nhà Nước". Võ Đình Cường là một thành phần cuồng tín và cực đoan trên tất cả ba phương diện: đề cao Phật Giáo, phục vụ Cộng Sản và chống Thiên Chúa Giáo. Tất cả hoạt động của Võ Đình Cường đều nhắm vào ba mục tiêu này. Những người thân tính nhất với Võ Đình Cường đã nói với chúng tôi rằng từ năm 1945 đến nay Võ Đình Cường vẫn tin rằng chỉ có Phật Giáo và Cộng Sản mới có thể cứu dân tộc Việt Nam. Võ Đình Cường đã biến thuyết dung hợp Phật Giáo với Cộng Sản để cứu nước của Bác Sĩ Lê Đình Thám thành thuyết liên hiệp Phật Giáo với Cộng Sản để hóa giải Thiên Chúa Giáo. Nhưng cũng như Thượng Tọa Thích Trí Quang, trình độ kiến thức và khả năng của Võ Đình Cường rất giới hạn, không thể hệ thống hóa được chủ thuyết muốn đưa ra để hướng dẫn hành động nên đã đi từ cuồng động đến xuẩn động và thay vì cứu Phật Giáo và dân tộc, đã biến Phật Giáo thành nạn nhân của chế độ cộng sản và trở thành công cụ đắc lực cho những mưu đồ chính trị đen tối. Lénine đã từng nói: Thiện chí + ngu dốt = phá hoại. Tại miền Nam trước 30.4.1975, còn một số tăng sĩ đã hoạt động cho Việt Cộng như Thích Quảng Liên, Thích Hộ Giác, Thích Quảng Độ, Thích Bửu Phương, Thích Nhất Hạnh, Thích Mật Hiển v.v. Hoạt động của các tăng sĩ này sẽ được chúng tôi đề cập đến khi trình bày các vấn đề liên hệ. Số các tăng sĩ miền Bắc tham gia tích cực vào các hoạt động của Việt Cộng cũng nhiều: Thích Pháp Dõng, Thích Minh Nguyệt, Thích Huệ Phương, Thích Viên Minh, Thích Không Không, Thích Pháp Tràng, Thích Pháp Long, Thích Huệ Quang... trong các Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc ở miền Nam, hoặc các Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (Pháp Chủ Hội Đồng Chứng Minh), Thích Kim Cương Tử (Đại Biểu Quốc Hội, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung ương), Thích Tâm Thông (Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương), Thích Tâm Tứ (Phó Tổng Thư Ký Văn Phòng Trung Ương), Thích Tâm Tịnh (Trưởng Ban Trị Sự)... trong Giáo hội Phật Giáo quốc doanh hiện nay. Ngoài ra, còn có vô số cán bộ cộng sản nằm vùng đội lốt nhà sư mà chúng ta không biết được. Năm 1985, vào một buổi tối tôi đi ngang qua ngôi chùa bên hông chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở Saigon, tôi thấy áo vàng treo đầy khắp nơi, còn ở giữa là một đám đàn ông ngồi nhậu. Tôi hỏi một bà bán thuốc lá kế bên họ đang hội họp gì đó. Bà ta cười và trả lời: "Mấy ông "sư hổ mang " đó mà! Ngày mai, các ông lại mặc áo vàng vào đi khất thực." Thì ra Việt Cộng đã tổ chức hàng đoàn "sư khất thực" để mỗi ngày đi dò thám khắp nơi, tối về hội họp nhau nhậu. Nếu có cuộc đại hội gì của Phật Giáo, các sư giả nầy sẽ là đại biểu tới tham dự! Trường hợp của Thượng Tọa Thích Quảng Liên, nguyên ủy Viên Giáo Dục Vụ trong Tổng Vụ Pháp Sự của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, là trường hợp cần được điều tra kỹ càng hơn. Chính ông đã thành lập Phong Trào Tranh Đấu Bảo Vệ Hòa Bình và Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, một tổ chức ngụy hòa của Việt Cộng tại miền Nam, vào ngày 27.2.1965 và làm Chủ Tịch Phong Trào này. Các thành viên của hai tổ chức đó đã bị chính quyền miền Nam tống xuất ra Bắc hay đưa ra tòa xét xử và tuyên án rất nặng, nhưng ông không hề bị liên lụy gì. Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất đã giao cho ông làm Hiệu Trưởng Trường Bồ Đề ở Saigon nhưng khi Giáo Hội này bể làm đôi, ông chiếm đoạt luôn tài sản của Giáo Hội, không chịu giao cho bên nào. Hiện nay, ông đang hợp tác với Thượng Tọa Thích Minh Châu điều khiển Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh ở miền Nam. Mới đây, trong một bài diễn văn đọc tại Tu Viện Quán Âm ở Thủ Đức ngày 9.6.1993, nhân ngày húy của Thích Quảng Đức, ông tuyên bố ông sẵn sàng đứng ra làm nhịp cầu để phe Phật Giáo quốc doanh và chống quốc doanh bắt tay nhau. Nhìn chung, các nhà sư Trí Độ, Đôn Hậu, Trí Quang, Thiện Minh, Huyền Quang, Minh Châu và hai cư sĩ Lê Đình Thám và Võ Đình Cường là những người đã góp phần tích cực trong việc đưa miền Nam vào tay Cộng Sản và đưa Phật Giáo vào các cuộc phiêu lưu chính trị với những hậu quả rất tai hại cho Phật Giáo Việt Nam. CÁC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM PHẬT GIÁO CỰC ĐOAN NHẰM YỂM TRỢ CHO CỘNG SẢN Trong những năm Việt Cộng hô hào kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chống các chính phủ quốc gia Việt Nam, một số tăng sĩ cao cấp của Phật Giáo Ấn Quang, người miền Trung, nằm trong hệ thống Trường An Nam Phật Học ở Huế, đã gia nhập hay thành lập nhiều tổ chức nhằm tiếp tay cho Cộng Sản Việt Nam. Sau đây là những trường hợp điển hình: I- TỔ CHỨC CÁC HỘI PHẬT GIÁO CỨU QUỐC ĐỂ YỂM TRỢ VIỆT CỘNG Năm 1941, khi Đảng Cộng Sản Đông Dương lập ra Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cướp chính quyền thì Hòa Thượng Thích Trí Độ, Giám Đốc Trường An Nam Phật Học Huế đã lập ra Hội Phật Giáo Cứu Quốc toàn quốc để tham gia Mặt Trận Việt Minh. Năm 1945, Việt Cộng cướp chính quyền, Hòa Thượng Thích Trí Độ xuất hiện với tư cách Hội Trưởng Hội Phật Giáo Cứu Quốc Trung ương, kêu gọi các tăng sĩ thành lập và tham gia các Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc các cấp. Trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (Tập III), Nguyễn Lang (tức Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh) đã viết: Trong số các tăng ni trẻ tuổi được các Phật Học Viện Huế, Bình Định, Lưỡng Xuyên và Hà Nội đào tạo thuở ấy, hầu hết tất cả đều có tham dự vào phong trào Cách Mạng Cứu Quốc. Các học tăng tội nghiệp xuất sắc nhân của trường An Nam Phật Học như Phạm Quang (Thích Trí Quang), Đổ Xuân Hàng (Thích Thiện Minh), Trần Trọng Thuyền (Thích Trí Thuyền ), v. v... đều đã không ngần ngại bắt tay vào việc... "Mặt trận kháng chiến Saigon rồi Hà Nội và Huế tan vỡ; tang tóc gieo trên quê hương càng lúc càng nhiều. Một số tăng sĩ và cư sĩ làm việc trong kháng chiến rút theo về các căn cứ chiến khu... "Những tổ chức Phật Giáo Cứu Quốc được tiếp tục duy trì. Trụ sở của các tổ chức này, có nơi đặt tại vùng kháng chiến, có nơi đặt tại vùng hồi cư. Tỉnh nào cũng duy trì một Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc. Không những chỉ có các tăng sĩ trẻ đứng ra đảm nhiệm công cuộc này mà những vị tôn túc nhiều khi cũng đã chịu đứng ra làm chủ tịch các Ủy ban để các tăng sĩ trẻ tuổi dựa vào mà làm việc."(6) Sau đây là danh sách các tăng sĩ đã làm Chủ Tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc cấp tỉnh mà chúng ta được biết: - Quảng Bình: Thích Trí Quang. - Quảng Trị: Thích Trí Nghiễm, tức Thích Thiện Minh. - Thừa Thiên: Thích Mật Thể. - Bình Định: Thích Huyền Quang - Gia Định: Thích Pháp Dõng. - Mỹ Tho: Thích Pháp Tràng. - Vĩnh Long: Thích Pháp Long. - Trà Vinh: Thích Huệ Quang. Hòa Thượng Thích Đôn Hậu làm Chủ Tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Trung Bộ, trụ sở của Hội đặt tại chùa Từ Đàm, Huế. Hòa Thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ Tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ, trụ sở đặt tại chùa Ô Môi, xã Mỹ Quý, thuộc chiến khu Đồng Tháp. Ban Chấp Hành Hội gồm có các (tăng sĩ?) Thích Minh Nguyệt, Thích Huệ Phương, Thích Viên Minh và Thích Không Không. Hội Phật Giáo Cứu Quốc nằm trong Mặt Trận Việt Minh, hoạt động từ năm 1941 đến 1951 thì ngưng. Ngày 5.3.1951, Hồ Chí Minh sát nhập Mặt Trận Việt Minh với Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam thành Mặt Trận Liên Việt, các hội cứu quốc được giải tán và thay thế bằng những tổ chức mới. Hội Phật Giáo Cứu Quốc đổi thành Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Hòa Thượng Thích Trí Độ làm Hội Trưởng. Một số tăng sĩ được chuyển qua các "Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình" để mở các chiến dịch chiến tranh tâm lý trong lòng địch. II- CÁC TỔ CHỨC NGỤY HÒA Các tổ chức ngụy hòa thường được Việt Cộng thành lập hoặc để vận động phản chiến trong hàng ngũ quốc gia hoặc để yểm trợ cho những yêu sách của Việt Cộng trên bàn hội nghị. Sau đây là những tổ chức ngụy hòa chính do một số tăng sĩ hay cư sĩ Phật Giáo đảm nhiệm hay thành lập để yểm trợ cho các chiến thuật của Việt Cộng: 1- Phong Trào Vận Động Hòa Bình Thế Giới Năm 1949, trong khi chờ đợi củng cố lại lực lượng vừa bị Pháp đánh tan khắp nơi, Hồ Chí Minh thành lập Phong Trào Vận Động Hòa Bình Thế Giới để vận động dư luận quốc tế buộc Pháp phải thỏa hiệp với chính phủ Hồ Chí Minh. Cư sĩ Tâm Minh tức Bác sĩ Lê Đình Thám đã được Hồ Chí Minh cử giữ chức Chủ Tịch Phong Trào này, vì các tăng sĩ Phật Giáo không ai có khả năng ngoại ngữ và tư thế bằng ông. Nhưng Hòa Thượng Thích Trí Độ được đưa vào làm Ủy Viên Trung Ương của Phong Trào để chỉ đạo đường lối. 2.- Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình và Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết. Năm 1953, Hồ Chí Minh thay Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới bằng Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình với mục đích vận động dư luận thế giới buộc Pháp phải chấp nhận một giải pháp hòa bình cho Đông Dương. Cư sĩ Lê Đình Thám được chuyển qua làm Chủ Tịch Uỷ Ban này. Hòa Thượng Thích Trí Độ giữ chức Ủy Viên Trung ương của Ủy Ban. Thượng Tọa Thích Trí Quang là người hoạt động tích cực cho Ủy Ban. Năm 1954, sau khi hiệp định Genève mới được ký kết, Thượng Tọa Thích Trí Quang vào Huế làm Hội Trưởng Hội Việt Nam Phật Học ở Huế. Ông đã lợi dụng cương vị này, quy tụ một số nhà trí thức Phật Giáo thời đó tại Huế như bác sĩ Lê Khắc Quyến, bác sĩ Phạm Văn Huyến, Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ,... để lập Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình tại miền Nam Việt Nam. Mục tiêu của Ủy Ban là ngụy hòa, tiếp tay cho Hồ Chí Minh trong việc kêu gọi hòa hợp hòa giải, hiệp thương để tiến tới bầu cử thống nhất hai miền Nam Bắc trong thời hạn hai năm sau ngày ký kết Hiệp Định Genève. Hồ Chí Minh tin rằng trong khi tình hình miền Nam đang rối loạn vì giáo phái, chưa có tổ chức, nếu có bầu cử, nhất định Cộng Sản sẽ thắng vì trong" những năm kháng chiến chống Pháp họ đã gài vô số cán bộ nằm vùng ở lại để vận động. Phong Trào này đã bị Ngô Đình Cẩn ra lệnh bắt rồi chiêu hồi. Ngày 27.2.1965, Thượng Tọa Thích Quảng Liên thành lập Phong Trào Tranh Đấu Bảo Vệ Hòa Bình và Hạnh Phúc Dân Tộc. Phong trào này là hậu thân của Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình do Thượng Tọa Thích Trí Quang lập năm 1954 đã nói. Thượng Tọa Thích Quảng Liên là Tổng Ủy Viên Tổng Vụ Pháp Sự của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Song song với Ủy Ban này, ông cho thành lập thêm một tổ chức thứ hai có tên là Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết để phối hợp hoạt động. Cả hai phong trào đưa ra chủ trương ngụy hòa, kêu gọi Hoa Kỳ và chính phủ miền Nam Việt Nam phải chấm dứt chiến tranh. Ngày 5.3.1965, Tổng Nha Cảnh Sát ra một thông cáo thông cho cho dân chúng biết Phong Trào Tranh Đấu Bảo Vệ Hòa Bình, Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Vận Động Hòa Bình, Lực Lượng Học Sinh Chống Chiến Tranh hay Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng, v.v. tuy có nhiều danh xưng khác nhau nhưng là một tổ chức do các cán bộ đặc công của Việt Cộng đặt ra nhắm làm suy yếu tinh thần chống cộng của quân dân miền Nam. Cảnh sát đưa ra nhiều tài liệu của Việt cộng hướng dẫn cách thức thành lập và cổ động cho các Phong trào này. Trước những bằng chứng không thể phủ nhận được, ngày 11.3.1965 Viện Hóa Đạo ra một thông cáo nói rằng Phong Trào Tranh Đấu Bảo Vệ Hòa Bình là do Thượng Tọa Thích Quảng Liên thành lập với tư cách cá nhân, không liên quan gì đến Viện Hóa Đạo. Ngày 17.3.1965, Thượng Tọa Thích Quảng Liên tuyên bố từ chức Chủ Tịch của Phong Trào. Những người tham gia hai phong trào này đã bị chính phủ Phan Huy Quát ra lệnh bắt và điều tra. Trước đó, ngày 1.3.1965, Chính phủ Phan Huy Quát đã ra tuyên bố xác định chỉ nói chuyện hòa bình khi nào Cộng Sản chấm dứt xâm lăng. Ngày 19.3.1965, ba người thuộc Phong Trào Hòa Bình bị trục xuất ra miền Bắc là Bác sĩ Thú Y Phạm Văn Huyến, ký giả Cao Minh Chiếm và Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ. Ngày 4.8.1965, Tòa án Quân Sự Mặt Trận xét xử vụ những người tham gia Phong Trào Tranh Đấu Bảo Vệ Hòa Bình và Phong trào Dân Tộc Tự Quyết do Thượng Tọa Thích Quảng Liên thành lập và làm Chủ Tịch, xác nhận hoạt động của hai tổ chức này có liên hệ với Cộng Sản, tuyên án 3 người khổ sai hữu hạn, 12 người bị tù treo và tha bổng 6 người. Nhưng Thượng Tọa Thích Quảng Liên, Chủ Tịch của Phong Trào lại không bị bắt hay truy tố. Chính sự tránh né này của chính phủ Phan Huy Quát đã làm cho một số tăng sĩ Phật Giáo miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang tin rằng chính quyền không dám đụng tới họ và họ đã trở thành những thành phần bất khả xâm phạm trong xã hội. Với ý nghĩ đó, nhóm tăng sĩ miền Trung thừa thắng xông lên, gây ra nhiều tai biến nghiêm trọng sau này. 3.- Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc Ngày 27.1.1973 Hiệp Định Paris vừa được ký kết thì ngày 31.1.1973, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã vội phổ biến một thông bạch tuyên bố thành lập Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc, cử luật sư Vũ Văn Mẫu làm Chủ Tịch với nhiệm vụ đòi "nghiêm chỉnh thực thi ngưng bắn" và tiến tới lập chính phủ hòa hợp hòa giải. Thượng Tọa Thích Mãn Giác cho biết việc thành lập lực lượng nói trên là do quyết định của Hội Đồng Viện Hóa Đạo, theo đề nghị của Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu. Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã yểm trợ mạnh mẽ cho quyết định này(7). Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã lập lực lượng nói trên để làm gì? Điều 12 của Hiệp Định Paris dự liệu thành lập tại miền Nam Việt Nam một Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc sau khi ngưng bắn. Hội Đồng này gồm ba thành phần: Việt Nam Cộng Hòa, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và các thành phần ở giữa. Lúc đầu Hà Nội cương quyết đòi Hội Đồng này phải được tổ chức từ trung ương đến địa phương như một chính quyền song hành với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng sau khi Hoa Kỳ ném bom B52 xuống Hà Nội 12 ngày đêm, Hà Nội mới chịu giới hạn quyền của Hội Đồng vào việc tổ chức bầu cử mà thôi. Hà Nội tin rằng trong ba thành phần của Hội Đồng, họ sẽ chiếm hai thành phần là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và các tổ chức thân Cộng trong thành phần thứ ba, nên sẽ thắng khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức tại miền Nam. Thượng Tọa Thích Thiện Minh được chỉ thị thành lập thành phần thứ ba gồm các tổ chức thân Cộng để tham gia Hội Đồng, đó là Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc nói trên. Thông bạch do Thượng Tọa Thích Thiện Minh công bố đã bị các đảng phái quốc gia và báo chí công kích mạnh mẽ nên lực lượng không hoạt động được. 4.- Phong trào Phật Giáo hải ngoại đòi hòa giải hòa hợp, giao lưu, hợp lưu với Việt Cộng. Tại hải ngoại, nhóm Phật Giáo cực đoan gốc miền Trung luôn phát động phong trào đòi hòa giải hòa hợp, giao lưu với Cộng Sản Việt Nam. Chủ trương của nhóm này được đăng trong các tờ Giao Điểm, Giao Lưu, Hợp Lưu, Trăm Con và Bông Sen. Bài "Việt Nam trước nạn thực dân kinh tế mới" của Nguyễn Trường Kỳ đăng trong tạp chí Giao Điểm của Hồng Quang số 9 ngày 15.7.1992 là một thí dụ điển hình. Bài này kêu gọi phải hợp tác với Việt Cộng để xây đựng đất nước bằng những lập luận sơ đẳng và khờ khạo như sau: "Đất nước Việt Nam là của chung, 70 triệu đồng bào là anh em ruột thịt. Chúng ta chống Đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không chống nhân dân Việt Nam. Trách nhiệm mang lại cơm no áo ấm cho toàn dân và giúp giải quyết nạn thất nghiệp của 21 triệu người là trách nhiệm của cả nước. " "Nhờ những chính sách cởi mở, chúng ta cũng có thể tiến hành xây dựng những trường dạy nghề, những đại học chuyên nghiệp và các cơ sở huấn nghệ do các chuyên gia ở ngoại quốc về giảng dạy những chương trình kỹ thuật cập nhật với đà tiến bộ khoa học thế giới. Những dự án đầu tư của người Việt hùn vốn lại với nhau, hoặc liên doanh với các doanh gia nước ngoài với trong nước, cũng phải bắt đầu khởi sự." Trong phần giới thiệu bài này, tạp chí Giao Điểm cho biết Nguyễn Trường Kỳ là một chuyên gia Việt Nam làm việc tại Singapore và lưu ý độc giả về "lời cảnh giác cấp thiết của tác giả và những thông tin có tính tổng hợp mà tác giả ghi nhận được trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua." Tạp chí Giao Điểm đã bỏ qua một cách dễ dàng việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã rập theo khuôn mẫu tổ chức xã hội và kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa, biến Việt Nam thành một nước vừa nghèo nhất thế giới vừa không có nhân quyền và dân quyền. Sau đó tạp chí Giao Điểm cố tình đánh lộn giữa việc cứu dân và cứu nguy chế độ, thúc đẩy đồng bào hải ngoại giúp chế độ độc tài và khát máu trong nước tồn tại lâu hơn và coi đó là một hành động cứu nước và yêu đồng bào! Nguyễn Trường Kỳ cũng không hiểu gì về tình hình Việt Nam sau các chuyến về quan sát tại chỗ hoặc chỉ viết bài này với mục đính mở đường cho các công ty ngoại quốc mà anh đang phục vụ làm ăn mà thôi. Nhiều doanh gia Việt Nam nghe theo lời kêu gọi của tạp chí Giao Điểm đã bị tán gia bại sản và có người còn bị tù tội. Ngoài việc đăng các bài cổ võ hợp tác với Việt Cộng, các tạp chí nói trên còn phổ biến văn hóa của Việt Cộng gọi là để "giao lưu văn hóa". Võ Văn Ái, Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế tại Paris đã tranh chấp với Phan Huy Đường để in cuốn "Thiên Đường Mù" của Dương Thu Hương, kéo nhau ra tòa Nanterre ở Pháp. Tòa buộc Võ Văn Ái phải huỷ hết các sách đã in trong vòng 15 ngày, nếu vi phạm, mỗi lần bị phạt 50.000 francs! Nhóm này cũng đang phát động một chiến dịch quyên góp tiền bạc về giúp các tổ chức Phật Giáo quốc doanh trong nước, kể cả các trường dạy "Phật học dưới ánh sáng Mác-Lê" của Viện Khoa Học Xã Hội ở chùa Sứ Quán Hà Nội và của Thượng Tọa Thích Minh Châu ở 716 đường Nguyễn Kiệm (Võ Di Nguy nối dài cũ) ở Phú Nhuận. Tờ Giao Điểm ở Orange County, California, còn đăng cả lời kêu gọi của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một đặc công Việt Cộng nằm vùng có nhiều tội ác trong vụ tàn sát tập thể ở Huế năm 1968. Lý Khôi Việt, tức Lê Hiếu Liêm, chủ biên tạp chí Bông Sen, thường về Việt Nam để phối hợp chặt chẽ trong chiến dịch nầy. Sau khi các chế độ cộng sản Âu Châu sụp đổ và nhất là sau khi Hòa Thượng Huyền Quang công khai chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, người ta thấy bên ngoài đã có một vài sự thay đổi về đường lối trên các tờ Giao Điểm, Hợp Lưu, Trăm Con, nhưng tờ Bông Sen vẫn chưa chuyển hướng. Bên trong thì chưa biết như thế nào. III-THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC GÂY BẤT ỔN TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM GIÚP VIỆT CỘNG CƯỚP CHÍNH QUYỀN Từ năm 1963 đến 30.4.1975, nhóm Phật Giáo miền Trung thân Cộng đã gây không biết bao nhiêu xáo trộn và tai biến trên quê hương nhằm giúp Việt Cộng thôn tính miền Nam Việt nam. Sau đây là một vài sự kiện cụ thể: 1-Thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng. Năm 1964, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã cho tái sinh hội cứu quốc trong Mặt Trận Việt Minh của Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới cái tên là Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc. Sau khi bị lật tẩy, Thượng Tọa Thích Trí Quang cho đổi thành Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng. Mục tiêu của hai tổ chức này là gây biến động chính trị tại miền Nam Việt Nam để tiến tới cướp chính quyền. Dưới chiêu bài chống đàn áp Phật Giáo và "diệt Cần Lao Thiên Chúa Giáo", hai tổ chức nói trên đã tung hoành từ Quảng Trị đến Saigon, không coi chính quyền và luật pháp quốc gia ra gì, nhưng đến tháng 6 năm 1966 thì bị chính phủ Nguyễn Cao Kỳ dẹp tan. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 nhất là sau khi Việt Cộng chiếm được miền Nam Việt Nam người ta mới khám phá ra các thành phần chủ lực trong hai lực lượng này đều là đặc công cộng sản nằm vùng như Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, hai Đại Đức Thích Hạnh Tuệ và Thích Nhất Chí, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Phan Xuân Huy, Nguyễn Văn Hàm, v.v. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong chương nói về các cuộc thánh chiến. 2.- Dùng Đại Học Vạn Hạnh làm cơ sở hoạt động nội thành của Việt Cộng Viện Đại Học Vạn Hạnh được xây cất ngày 9.6.1965. Khi hoàn thành, Thượng Tọa Thích Minh Châu được Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang cử làm Viện Trưởng. Trong thời gian làm Viện Trưởng, ông đã biến nơi này thành một căn cứ địa an toàn cho đặc công Việt Cộng nằm vùng và các tổ chức chống chính phủ. Chính nơi đây là địa điểm phát xuất các toán biểu tình và bạo động gây rối. Ngày 30.4.1975, dưới quyền điều khiển của Nguyễn Trực, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã dẫn Ban Giảng Huấn và sinh viên Đại Học Vạn Hạnh cầm cờ Phật Giáo ra Ngã Tư Bảy Hiền đón "quân giải phóng" Các tài liệu của Việt Cộng xác nhận là Thượng Tọa Thích Minh Châu là cán bộ nội tuyến và Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ sở hoạt động nội thành của họ. 3.- Nhận chỉ thị của Việt Cộng để hoạt động Trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhóm tham mưu của Viện Đại Học Vạn Hạnh vẫn lén lút ra Huế họp với Khu Ủy Trị-Thiên- Huế để báo cáo và nhận chỉ thị hoạt động quấy phá tại miền Nam. Mỗi lần đi đều bị nhân viên tình báo của Việt Nam Cộng Hòa theo dõi và chụp hình. Các tài liệu này sau đó được thông báo cho Viện Hóa Đạo và Viện Đại Học Vạn Hạnh biết kém theo lời cảnh cáo. Nhưng ít lâu sau, công việc này lại tái diễn. Các Thượng Tọa Thích Hộ Giác, Thích Quảng Độ và Thích Bửu Phuơng đã nhiều lần đi Tây Ninh họp với Việt Cộng để nhận chỉ thị về hoạt động nội thành. Lần họp tại chùa Từ Vân ở Gò Dầu Hạ, Tây Ninh, đã bị cơ quan an ninh phát giác. Thượng Tọa Thích Hộ Giác bị Bộ Quốc Phòng buộc phải từ chức Phó Giám Đốc Nha Tuyên úy Phật Giáo. Thượng Tọa Thích Quảng Độ từ khi du học ở Ấn Độ về đã có lập trường thân Cộng và hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng miền Nam. Chỉ sau 30.4.1975, khi ông cũng như Thích Thiện Minh không được tin dùng, ông mới quay lại chống chế độ và bị bắt. Hiện nay, Hòa Thượng Thích Quảng Độ đang được biến thành "công thần chống Cộng". Chính quyền miền Nam đã không bắt đưa đi an trí hay truy tố các trường hợp nói trên vì sợ gây hoang mang dư luận và cơ quan tình báo không muốn phá vỡ đường dây để dễ dàng theo dõi. Các tài liệu trên đã được công bố ở trong nước cũng như ở hải ngoại, không ai phủ nhận được. IV-YỂM TRỢ CÁC ĐÒI HỎI CỦA VIỆT CỘNG Nhóm cực đoan miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã phát động rất nhiều chiến dịch nhằm yểm trợ các chủ trương và đường lối do Việt Cộng đưa ra. 1 - Chiến dịch "Việt Nam, Đóa Hoa Sen Trong Biển Lửa" Ngày 3.6.1966, Đại Đức Thích Nhất Hạnh đang ở Pháp thì được một nhóm phản chiến của Mỹ mời qua thăm Hoa Kỳ. Nhân dịp này, ông đã công bố chủ trương 5 điểm của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang như sau: - Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ chức. - Quân đội Mỹ rút lui. - Ngưng oanh tạc Bắc Việt. - Ngưng các cuộc hành quân tại miền Nam Việt Nam. - Mỹ phải giúp lập chính thể dân chủ và tái thiết miền Nam không điều kiện. Năm điểm đòi hỏi này giống hệt 5 điểm đòi hỏi của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Năm 1967, Đại Đức Thích Nhất Hạnh cho xuất bản cuốn "Việt Nam, Lotus in a Sea of Fire, a Buddist Proposal for Peace " (Việt Nam, Hoa Sen trong Biển Lửa, một Đề Nghị Hòa Bình của Phật Giáo), nói về các cuộc tranh đấu của Phật Giáo từ 1963 - 1966 và những chết chóc tang thương do Hoa Kỳ và quân đội miền Nam Việt Nam gây ra. Ông lên án Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, Nguyễn Cao Kỳ độc tài quân phiệt và ca tụng Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc. Ông tuyên bố Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do những người quốc gia chống chế độ Ngô Đình Diệm lập ra chứ không phải do Hà Nội lập ra, nhưng vì Mỹ đã đổ quân và vũ khí vào Việt Nam, nên họ "nghiêng theo khối Cộng Sản, và càng ngày càng trở thành công cụ của khối Cộng Sản", nhưng ở dưới ông lại trích dẫn lời của Lê Duẫn tuyên bố trong Đại Hội Đảng kỳ 3 (1960) xác nhận "Đảng ta" lãnh đạo Mặt Trận. Trong bộ Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam do Nhà Xuất Bản Sách Giáo Khoa Mác-Lênin ở Hà Nội ấn hành, Hà Nội chính thức xác nhận rằng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập do Nghị Quyết của Đại Hội III của Đảng Cộng Sản Việt Nam họp tại Hà Nội tháng 9 năm 1960. Đại Đức Thích Nhất Hạnh biết rất rõ điều đó, nhưng khi làm công tác tuyên truyền cho Việt Cộng, ông đã cố tình bóp méo sự thật để biện hộ cho cuộc xâm lăng của Hà Nội. Năm 1968, khi hòa đàm Paris bắt đầu họp, ông được cử làm phát ngôn viên chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang ở hải ngoại. Đại Đức Thích Nhất Hạnh ra ngoại quốc năm 1964, thường trú tại Pháp, lấy cô Cao Thị Hương và có một đứa con với cô này. Đọc những bài ông viết sau năm 1977, chúng ta thấy lập trường chính trị của ông đã có nhiều thay đổi. 2.- Thành lập Nhóm Hòa Giải sau đổi thành Lực Lượng Quốc Gia Tiến Bộ Sau Đại Hội Phật Giáo kỳ 3 của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang tổ chức tại Saigon ngày 20.8.1968 vừa chấm dứt, Luật sư Trần Ngọc Liễng tuyên bố thành lập Nhóm Hòa Giải gồm 25 người. Nhóm này sau biến thành Lực Lượng Quốc Gia Tiến Bộ. Ngày 15.11.1969 Luật sư Trần Ngọc Liễng đưa ra một tuyên bố khẳng định "hướng đi của dân tộc Việt Nam là hòa bình trên cơ sở độc lập và tự do dân chủ". Tiếp theo, ông kêu gọi thành lập một chính phủ hòa giải để chấm dứt chiến tranh, triệt thoái quân đội ngoại lai ra khỏi miền Nam Việt Nam thật sớm. Các báo ở Saigon đã hỏi ông tại sao không nói gì về phía Cộng Sản, ông không trả lời. Mục tiêu của bản tuyên bố này là yểm trợ cho các đòi hỏi của Bắc Việt tại hoà đàm Paris. 3.- Tuyên Ngôn 6 điểm của Phái Đoàn Phật Giáo Ấn Quang Tháng 10 năm 1970, Thượng Tọa Thích Thiện Minh cầm đầu một Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam qua Nhật Bổn dự Hội Nghị Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình họp tại Kyoto từ 16 đến 22. 10. 1970. Phái đoàn này gồm có Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thượng Tọa Thích Minh Tâm, Đại Đức Thích Nhất Hạnh (phát ngôn viên) và hai cư sĩ Ngô Văn Giáo và Vĩnh Bửu. Tại Hội Nghị nói trên, phái đoàn đã đưa ra một đề nghị 6 điểm của Phật Giáo Việt Nam như sau: 1. Các phe lâm chiến phải bắt đầu xuống thang ngay lập tức để đạt đến một cuộc ngưng bắn toàn diện vào lúc 18 giờ chiều 30 Tết Tân Hợi (tức 26.1.1971) 2. Liên Hiệp Quốc sẽ chỉ định một nhóm quốc gia trung lập để họp thành Ủy Hội Kiểm Soát Ngưng Bắn gồm cả đại diện của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. 3. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải phóng thích các tù nhân chính trị, sinh viên, trí thức, tu sĩ và tất cả những người đã bị tạm giam vì tranh đấu cho hòa bình và chủ quyền dân tộc 4. Chính phủ Hoa Kỳ phải chấm dứt tình trạng thối nát, độc tài và bất lực ở miền Nam Việt Nam bằng cách để cho người Việt tự do chọn đại diện đa số dân chúng có bản chất hòa giải dân tộc, không liên kết và có đầy đủ khả năng để: - Thương thuyết với chính phủ Hoa Kỳ về thời biểu triệt thoái mau chóng toàn thể quân lực Hoa Kỳ ở Việt Nam và những liên hệ ngoại giao, văn hóa và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. - Thương thuyết với Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam về những thể thức tổ chức tổng tuyển cử để bầu lên một chính phủ đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị ở Nam Việt Nam, một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do dưới sự giám sát quốc tế trong đó mọi người Việt Nam thuộc bất cứ khuynh hướng chính trị nào đều có thể tham dự. 5. Các chính phủ Hoa Kỳ, Sô Viêt, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và các quốc gia liên hệ khác cộng tác với nhau để chấm dứt đau khổ của người dân Việt bằng cách ủng hộ đề nghị này do chính người Việt đề ra. 6. Các phe lâm chiến tại Việt Nam, nhân dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới, các giáo hội tôn giáo và các nhà nhân bản cấp thời hành động để thúc đẩy các quốc gia có trách nhiệm về chiến tranh Việt Nam chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Kampuchea và Lào. Từ các danh từ và văn từ được xử dụng đến nội dung của bản tuyên bố đều giống hệt các bản tuyên bố của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Bản tuyên bố được viết với một giọng trịch thượng, giống lối hành văn của một văn kiện lập pháp hay một quyết định hành chánh chớ không phải lối hành văn nhẹ nhàng của một đề nghị trước một tổ chức quốc tế về tôn giáo và hòa bình, chỉ thiếu câu "các quốc gia trên thế giới, chiếu nhiệm vụ, thi hành tuyên bố này"! Rõ ràng là phái đoàn Phật Giáo Ấn Quang không biết gì về ngoại giao và vẫn còn nuôi ảo vọng về uy thế của mình, không phải chỉ trên Quốc gia mà trên cả thế giới! Sau bản tuyên bố trên, Giáo Hội Phật Giáo đã làm mất hết cảm tình của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Phái đoàn Đan Mạch đã hỏi tại sao Phật Giáo Việt Nam chỉ đòi quân đội Mỹ rút mà không đòi tất cả các quân đội ngoại nhập phải rút, trong đó có cả quân đội Cộng Sản miền Bắc, Phái đoàn Phật Giáo Việt Nam không trả lời được. V - THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ PHẬT GIÁO ĐỂ GIAO MIỀN NAM VIỆT NAM CHO VIỆT CỘNG Tạp chí Quê Mẹ số 125 & 126 tháng 10 & 11 năm 1993 đã công bố bản tự thuật của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu về cuộc gặp gỡ giữa ông và Thủ Tướng Phạm Văn Đồng năm 1976. Bản tự thuật cho biết vào tháng 4 năm 1975, Phật Giáo đã thành lập Chính Phủ Phật Giáo Dương Văn Minh để giao miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản Hà Nội. Sau đây là phần liên hệ đến vấn đề này được đề cập trong bản tự thuật nói trên: Thủ Tướng Phạm Văn Đồng: - Đấy, theo Cụ biết, trong khi người Mỹ đi rồi, Thiệu xuống rồi, Phật Giáo lại âm mưu lập chính phủ Phật Giáo, đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Lập làm gì vậy? Lập chính phủ đó để đánh với Cách Mạng phải không ? Hòa Thượng đáp: - Chuyện ấy có, Phật Giáo chúng tôi có lập Chính Phủ. Nhưng thế này. Thưa Thủ Tướng. Chúng tôi đã hỏi các vị trong viện Hóa Đạo. Các vị cho biết như sau: Hòa Thượng nên nhớ rằng, Phật Giáo chúng ta không ngu đến độ lập Chính phủ Phật Giáo, sau khi Mỹ đã bỏ miền Nam, Thiệu vơ vét của cải đi rồi. Của cải, thế lực ở miền Nam Việt Nam chẳng còn gì, Cách Mạng đã đến bên lưng. Ông Dương Văn Minh cũng không đến nỗi dại gì muốn lên làm Tổng Thống lúc ấy. Các vị ở Viện Hóa Đạo nói tiếp: Phật Giáo chúng ta, con sâu con kiến cũng thương, huống gì con người! Đã ba mươi năm chiến tranh, chết chóc đau thương chồng chất. Bây giờ đây nếu thả lỏng để ông già lụ khụ Trần văn Hương tuyên bố "Đánh!" Thử hỏi cả hai bên tham chiến chết thêm bao nhiêu người nữa? Muốn hạn chế sự chết chóc và tài sản của đồng bào, nên Phật Giáo chúng ta phải có chủ trương. Lúc bấy giờ chẳng còn ai lo cho đất nước, ai cũng chạy trối chết, Phật Giáo đâu thể ngồi như vậy mà nhìn? Nên phải lập Chính phủ, đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Nhưng không phải lập để đánh với Cách Mạng. Thủ Tướng nói: - Vậy tại sao Dương Văn Minh lên, lại tuyên bố giữ mảnh đất cuối cùng, nếu không phải để đánh với Cách Mạng thì để làm gì? Tôi hỏi Thủ Tướng: - Khi Dương văn Minh tuyên bố như vậy, về sau có nổ phát súng nào không? - Không. - Như vậy Dương văn Minh chỉ tuyên bố thôi, chứ không cốt đánh. Đọc những lời Hòa Thượng Thích Đôn Hậu biện giải, chúng ta nhớ lại câu chuyện đối đáp giữa vua Trần Nhân Tông, một Hòa Thượng, với Bắc Bình Vương Trần Hưng Đạo. Khi giặc đánh mạnh, dân chết nhiều, với tâm tư của một nhà sư Phật Giáo, vua Trần Nhân Tôn đã nói với Trần Hưng Đạo: "Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân." Hưng Đạo Vương đã tâu một cách khẳng khái: "Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tông Miếu Xã Tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã rồi sẽ hàng sau." Một nhóm trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã theo lòng nhân của đạo Phật, không nghĩ đến Tông Miếu Xã Tắc, đem toàn bộ miền Nam Việt Nam dâng cho Cộng Sản "để hạn chế chết chóc". Kết quả, toàn dân Việt Nam đã lâm cảnh cùng khốn trong gần 20 năm qua, tăng ni Phật tử bị bắt bớ giam cầm, tài sản nhà chùa bị chiếm dụng và Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang bị "quốc doanh hóa". Rất tiếc, lúc đó nước ta không có một Trần Hưng Đạo để chống cự lại! Chính phủ Phật Giáo nói trên, khi mới nhận chức vào ngày 29.4. 1975, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đã ra tuyên bố: - Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ ngày 29.4.1975. - Hoa Kỳ phải tôn trọng các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam và chấm dứt mọi sự dính líu quân sự hoặc can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam. VI- TỔ CHỨC MỪNG "GIẢI PHÓNG" 1 - Mừng "giải phóng" tại Đà Nẵng Ngày 29.3.1975, Việt Cộng vừa chiếm được Đà Nẵng thì các tổ chức Phật Giáo tại Đà Nẵng cắm cờ Phật Giáo trên xe, chạy khắp thành phố reo mừng. Sau đó, tại các chùa Tỉnh Hội, Phổ Đà, Phật Học, Vĩnh Hội và một vài nơi khác trong thành phố đã bắc loa kêu gọi quân nhân và công chức chế độ cũ ra trình diện. Một số được coi là "thành phần ác ôn" đã bị các chùa bắt giữ và giao nạp cho bộ đội Việt Cộng. Số còn lại bị Ban Lãnh Đạo Cách Mạng thành lập ở các chùa nói trên thu hồi thẻ quân nhân hay công chức rồi cấp giấy phép tạm tha cho về để đợi lệnh. Những người được coi là "có công với Cách Mạng" được nhà chùa cấp giấy chứng nhận để khỏi đi học tập cải tạo. Phật Giáo Đà Nẵng đã coi chiến thắng của Việt cộng như chiến thắng của chính mình và các chùa ở Đà Nẵng đã hoạt động giống như những cơ sở chính quyền của Việt Cộng. Tại Saigon, Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu tuyên bố một cách hãnh diện rằng khi "quân giải phóng" vào Đà Nẵng, chỉ còn một lá cờ duy nhất được tung bay trên thành phố này mà thôi, đó là lá cờ của Lực Lượng Hòa Giải của Phật Giáo! Nhưng sau khi làm chủ được tình hình, Việt Cộng dẹp tất cả các Ban Lãnh Đạo Cách Mạng ở các chùa và thay thế bằng các Ủy Ban Quân Quản của họ. 2.- Mừng "giải phóng" tại Saigon. Như đã trình bày ở trên, ngày 30.4.1975, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã cùng Ban Giảng Huấn và sinh viên Đại Học Vạn Hạnh ra Ngã Tư Bảy Hiền đón "quân giải phóng" Sau khi Việt Cộng nắm quyền tại miền Nam Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang lập Ủy Ban Tổ Chức Mừng Chiến Thắng do Thượng Tọa Thích Mãn Giác, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Viện Hóa Đạo làm Chủ Tịch. Ủy Ban này đã huy động Phật tử tổ chức lễ "mừng giải phóng" ngày 15.5.1975 và lễ mừng sinh nhật "Bác Hồ" ngày 19.5.1975. Trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu có ghi lại như sau: "Ngày 30.4.1974 là ngày cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Những bộ mặt thân Cộng Sản đã lộ rõ nguyên hình, không ai mà không rõ. - Khi quân Cộng Sản từ rừng về Saigon, đã có gần 500 Tăng, Ni của phe tranh đấu Ấn Quang ra đón chào. - Ngày 19.5.1975, phe tranh đấu Ấn Quang đã tổ chức sinh nhật Hồ Chí minh tại chùa Ấn Quang. - Hiệp Thương Chính Trị thống nhất hai miền Nam Bắc của Cộng Sản, một Thượng Tọa của phe Ấn Quang đã làm một bài tham luận, nịnh Cộng Sản, kể công của Ấn Quang và đả kích Nha Tuyên úy Phật Giáo cùng Giáo Hội Thích Tâm Châu". Những tài liệu của Việt Cộng cho biết số Tăng, Ni tham dự ngày mừng "giải phóng" lên đến 900 người. Sau đây là một đoạn trong bài diễn văn mừng "giải phóng" do Thượng Tọa Thích Mãn Giác đọc ngày 15.5.1975: "Trong những năm dài sống dưới ách nô lệ thực dân mới, Phật Giáo chỉ nuôi một ước vọng sâu kín: độc lập và thống nhất. Vì nguyện vọng cũng là ý chí thống nhất ấy, mà biết bao nhiêu thế hệ Phật tử đã lao mình vào đấu tranh chống lại kẻ thù gây chia rẽ. Hết thực dân Pháp chia rẽ Bắc Kỳ, đến đế quốc Mỹ chia rẽ Nam Bắc.... "Ngày nay, ước vọng đó đã hiện thực. Hiện thực ấy ngày càng rõ nét trong đời sống dân tộc, làm vang vọng lời xác quyết của Hồ Chủ Tịch "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi"... Bác Hồ kính yêu đã thay lời tổ tiên nói lên... " "Cuộc đấu tranh của Phật Giáo cho nền thống nhất tổ quốc cùng là một với cuộc đấu tranh vì CHỦ NGHĨA XÃ HỘI..."(10) Sau khi Giáo Hội Ấn Quang bị Việt Cộng tấn công, một số tăng sĩ bị bắt giữ, Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã vượt biên và được đến định cư tại Hoa Kỳ. Trong một đại hội của Phật Giáo tại Seattle ngày 29.8.1980, bị đồng bào chất vấn, Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã xác nhận ông có đọc bài diễn văn đó và nhìn nhận sự lầm lẫn của ông. Hòa Thượng Thích Mãn Giác đang trụ trì tại chùa Phật Giáo Việt Nam, Los Angeles, California. VII - THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO QUỐC DOANH ĐỂ LÀM CÔNG CỤ PHẬT GIÁO VẬN CHO VIỆT CỘNG Tại miền Bắc cũng như miền Nam, sau khi Việt Cộng chiếm được chính quyền, đa số các tăng sĩ cao cấp của Phật Giáo đã hợp tác với nhà cầm quyền Cộng Sản thành lập các tổ chức Phật Giáo quốc doanh để làm công cụ Phật Giáo vận cho chế độ. 1 - Lập Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại miền Bắc Sau Hiệp Định Genève 1954, Việt Cộng chiếm được miền Bắc Việt Nam một năm thì Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Hội này do Hòa Thượng Thích Trí Độ thành lập và làm Hội Trưởng. Đây là một hội quốc doanh, đặt dưới quyền chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc, quy tụ tất cả hàng giáo của Phật Giáo ở miền Bắc. Năm 1979, Hòa Thượng Thích Trí Độ qua đời, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (ở Bắc) nắm chức Quyền Hội Trưởng. Hội này tồn tại đến tháng 11 năm 1981 thì sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. 2.- Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quốc doanh Các cao tăng trong Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã góp phần tích cực vào việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh đặt dưới quyền chỉ đạo của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc. Năm 1980, Ủy Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo được thành lập, Thượng Tọa Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Phật Giáo Ấn Quang làm Trưởng Ban, còn Hòa Thượng Đôn Hậu, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, làm Cố Vấn. Ngày 4.11.1981, Đại Hội Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam đã được triệu tập tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Theo Nhật Báo Nhân Dân ngày 5.11.1981, "dự hội nghị có 164 đại biểu các tố chức, giáo hội, hệ phái: Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (miền Bắc), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Ấn Quang), Giáo Hội Phật Giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước Thành Phố Hồ Chí Minh... " Nhật báo Nhân Dân ngày 8.11.1981 cho biết sau 4 ngày làm việc tại chùa Quán Sứ Hà Nội, hôm 7.11.1981, hội nghị đã kết thúc "tốt đẹp", thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thông qua Hiến Chương và đại cương chương trình hoạt động, giới thiệu và suy tôn Hội Đồng Chứng Minh do Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (quốc doanh miền Bắc) làm Pháp Chủ. Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (Ấn Quang) được bầu làm Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Hội Đồng Chứng Minh, giới thiệu và cử Hội Đồng Trị Sự do Hoà Thượng Thích Trí Thủ (Ấn Quang) làm Chủ Tịch. Tờ báo trên cũng cho biết, trong buổi bế mạc, Hội Nghị đã thông qua thư gởi Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Trường Chinh, báo cáo thành công của hội nghị và cam kết tiếp tục thực hiện truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết với cộng đồng dân tộc. Bức thư nêu rõ: "Suốt ba mươi năm chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chùa là cơ sở của cách mạng (kể cả Đại Học Vạn Hạnh Sai gon!) nhiều tăng ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước. Bác Hồ dạy: "Không gì quý hơn độc lập tự do!", đoàn thể tăng ni và Phật tử Việt Nam ghi lòng tạc dạ lời dạy đó của Bác, nhận thức rõ lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. " Bức thư còn hứa: "Chúng tôi, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, xin long trọng hứa với Trung ương Đảng và Hội Đồng Nhà Nước, cũng như với Chủ Tịch rằng: Phật Giáo Việt Nam luôn luôn đoàn kết chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân trong đại gia đình Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, hoạt động tích cực trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, luôn luôn xứng đáng là một thành viên đáng tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc." Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự đã qua đời năm 1984. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh được cử làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự thay thế Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh trước đây đã đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Phái Đoàn Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Tổng Ủy Viên Tổng Vụ Tăng Sư và Chánh Thư ký Viện Tăng Thống và Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6.1992 gởi cho nhà cầm quyền Hà Nội, Hòa Thượng Huyền Quang đã phải nhìn nhận: "Chúng tôi nhận thấy thành phần Lãnh đạo Giáo Hội Nhà Nước, hầu hết là các vị Giáo phẩm cao cấp của Giáo Hội Thống Nhất (tức Ấn Quang). Vì nhiều lý do: đa phần là nhu nhược, bị ép buộc tham gia. Đã bỏ Giáo hội chúng tôi ra đi với tư cách cá nhân, không có một lời từ nhiệm." BIỆN MINH CHO SỰ HỢP TÁC VỚI CỘNG SẢN VIỆT NAM Như vậy sự yểm trợ của nhóm Phật Giáo Miền Trung trong tông phái Ấn Quang cho Việt Cộng trong việc làm sụp đổ các chế độ Cộng Hòa miền Nam Việt Nam và cuối cùng là toàn bộ miền Nam Việt Nam không phải là một sự vu khống hay chụp mũ như nhóm Bông Sen đã tố cáo. Đó là một sự thật với những bằng chứng cụ thể và đã được các nhà lãnh đạo cao cấp của tông phái Phật Giáo Ấn Quang nhìn nhận. Hòa Thượng Thích Huyền Quang xác nhận một lần nữa sự kiện này trong Thông Bạch số 16/VPLV-VHĐ, viết tại Quảng Ngãi ngày 20.9.1993: "Gần đây, trong hai cuộc kháng chiến dành Độc Lập, từ năm 1945 đến 1975, trong hoàn cảnh khó khăn, Phật Giáo chúng ta rất tự hào đã cùng một lúc làm hai việc: một mặt nỗ lực xây dựng phong trào chấn hưng Phật Giáo, mặt khác cùng toàn dân góp phần xương máu dành Độc Lập cho Tổ Quốc. Thế nhưng sau khi đất nước được Hòa Bình, thống nhứt, những người Cộng Sản khi nắm quyền cai trị đất nước đã phủ nhận công lao xương máu của toàn dân trong đó có Phật Giáo, đã đối xử với chúng ta một cách ngang ngược thô bạo, bằng hành động xóa bỏ, lật đổ GHPGVNTN Ấn Quang để lập ra một Giáo Hội mới mang danh hiệu tương tự cuối năm 1981"(11) Các nhà nghiên cứu và phân tích của Phật Giáo đang cố gắng biện minh cho sự hợp tác này. Trong bài "Bản chất dung hòa và hóa giải dân tộc của Phật Giáo" Nguyễn Điều viết: "Phật Giáo Việt Nam trung hậu với dân tộc đến độ một nhà lãnh đạo Phật Giáo đã nói: "Khi hoàn cảnh lịch sử đẩy dân tộc vào con đường đấu tranh mù quáng chống ngoại bang, Phật giáo cam chịu mang tiếng mù quáng theo, nhưng quyết không đứng về phía ngoại bang chống lại dân tộc...!"(12) Phạm Quang Độ, trong bài "Phật Giáo và Chính Quyền" cũng đã đưa ra một lập luận tương tự: "Trong thời kháng chiến chống Pháp, PGVN đã tham gia trọn vẹn, hàng hàng lớp lớp tăng sĩ trẻ tuổi cởi áo cà sa mặc chiến bào và riêng tăng ni tham gia kháng chiến đã có hơn 400 người hy sinh tại khắp các mặt trận. Và PGVN đã hy sinh tất cả những gì của riêng mình để hiến dâng tất cả, trọn vẹn cho dân tộc." Ngay từ trước năm 1945, Cao Đài Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo và Thiên Chúa Giáo đã nhận ra rằng Cộng Sản Việt Nam chỉ là tay sai của Cộng Sản Quốc Tế, dùng súng của Cộng Sản Nga và Cộng Sản Tàu để đưa dân tộc Việt Nam vào quỹ đạo của Cộng Sản Quốc Tế, theo đuổi một chủ nghĩa phi nhân bản, phản lại quyền lợi của dân tộc nên không hợp tác, thì nhóm An Nam Phật Học ở Huế đã đi theo Cộng Sản Việt Nam tranh đấu cho chủ nghĩa phi nhân bản và phản lại dân tộc này. Sự hợp tác đó không phải là thỏa hiệp với ngoại bang và những kẻ phản lại dân tộc sao? Trong bài "Từ nhãn thị chúng sanh", Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã lý giải một cách bình tĩnh hơn: "Phật Giáo từ trước và sau 1975 đều phải đối phó với tình trạng chia rẽ trong nội bộ. Trước 1975, các nỗ lực chính thức của Giáo Hội đều nhằm hòa giải (?) cuộc nội chiến, trong bản chất vốn là cuộc chiến ủy nhiệm vì quyền lợi của hai khối ý thức hệ trên thế giới, nhưng đã gặp thất bại" "Do hoàn cảnh lịch sử, những tiếng nói của lương tâm dân tộc đều bị cả hai phe áp đảo. Bên cạnh tiếng nói chính thức phủ nhận cuộc nội chiến đó, một số đơn vị nhỏ Phật Giáo tham dự vào cuộc chiến ở cả hai bên, nhưng không lên tiếng cổ vũ chiến tranh vì điều này trái với giáo lý, nhưng đều có hỗ trợ tinh thần - không tuyên úy thì cũng cầu an, cầu siêu; tất cả đều là phương tiện để đem lời giải thoát, tâm bình an cho chúng sinh. Tuy nhiên như vậy cũng vẫn đào thêm hố sâu ngăn cách vốn đã có của chính trị. Khoảng cách giữa Giáo Hội và những vị tham dự chiến tranh, cùng lúc với khoảng cách giữa những vị bước vào cuộc chiến. Là một Phật tử giai đoạn này, ta phải đứng về phe nào? Trước mặt là Mỹ, sau lưng là cộng sản, và cả khối dân tộc không phải chỉ chia đôi mà thực sự là chia năm xẻ bảy (kể cả Phật Giáo). Phe nào thực sự có lợi cho dân tộc?" Các tài liệu chúng tôi đã đưa ra, cho thấy trong cuộc chiến một số giáo phẩm trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang như Thích Trí Độ, Thích Minh Châu, Thích Trí Quang và Thích Thiện Minh đã đứng hẳn về phe Cộng Sản và ngụy hòa để giúp Cộng Sản chiến thắng chớ không có "hòa giải" gì cả. Câu trả lời cho vấn nạn mà Nguyên Giác Phan Tấn Hải đưa ra có lẽ cũng rất đơn giản. Tục ngữ của người Anh có câu: "Of two evils choose the less" (trong hai cái xấu hãy chọn cái ít xấu hơn). Còn người Việt bảo "Đầu gà hơn đuôi trâu". Cao Đài Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Thiên Chúa Giáo, các đảng phái quốc gia và đa số tăng ni, Phật tử Việt Nam đã chọn "đầu gà" từ năm 1945. Chỉ một số tăng sĩ Phật Giáo Ấn Quang đã chọn "đuôi trâu", góp phần kéo dài cuộc chiến tang thương 30 năm và cuối cùng biến Việt Nam trở thành một nước nghèo nhất thế giới, không dân chủ và nhân quyền! Nhìn chung, chúng ta nhận thấy khi quyết định hợp tác với Cộng Sản, các nhà lãnh đạo Phật Giáo miền Trung đã có những tính toán lầm lẫn sau đây: Lầm lẫn thứ nhất là tưởng rằng có thể dung hợp Phật Giáo với chủ nghĩa Cộng Sản. Mới tiếp xúc với chính quyền Cộng Sản, Bác Sĩ Lê Đình Thám đã cho thành lập ngay một tổ chức có tên là Phật Giáo và Dân Chủ Mới ở Bồng Sơn, Bình Định, nơi ông làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ, để nghiên cứu tổng hợp chủ nghĩa Mác-Lênin và Phật Giáo. Sau đó, Nguyễn Hữu Quán đã cho ra cuốn Đạo Phật và Nền Dân Chủ Mới để khuyến dụ tăng ni và Phật tử hợp tác với Cộng Sản. Điều này chứng tỏ các tăng sĩ và cư sĩ Phật Giáo thời đó không am hiểu nhiều về chủ nghĩa cộng sản và quan niệm của Cộng Sản về tôn giáo. Cuối cùng, đa số đành chấp nhận quan điểm "Phật Giáo dưới ánh sáng Mác-Lê" mà Thượng Tọa Thích Minh Châu đang thuyết giảng để biến Phật Giáo thành công cụ của Cộng Sản. Lầm lẫn thứ hai là không biết gì về phương pháp và thủ đoạn của Cộng Sản nên bị Cộng Sản lừa rồi vắt chanh bỏ vỏ. Số phận mà Bác Sĩ Lê Đình Thám, Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Thượng Tọa Thích Mật Thể, Thượng Tọa Thích Hiền Minh, Thượng Tọa Thích Quảng Độ... phải lãnh nhận chính là do hậu quả của sự lầm lẫn này. Lầm lẫn thứ ba của riêng nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung là tưởng rằng có thể mượn bàn tay Cộng Sản để loại trừ Thiên Chúa Giáo, tách Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ra khỏi Tòa Thánh La Mã rồi diệt dần, sau đó sẽ cùng Cộng Sản chiếm địa vị độc tôn. Nhóm Lý Khôi Việt và các nhóm đứng sau lưng Đỗ Mậu, Lê Trọng Văn, Chu Văn Trình... đã nỗ lực một cách vô vọng trong chủ trương đó. Cái mà Cộng Sản không làm nổi thì nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung không bao giờ làm được. Lầm lẫn thứ tư là tin tưởng sau khi Cộng Sản cướp được chính quyền, Giáo Hội Ấn Quang sẽ được ưu đãi, nên đã coi chiến thắng của Cộng Sản như của chính mình, nhưng cuối cùng họ đã phải lãnh nhận tai họa. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ trình bày trong cuộc thánh chiến thứ tư ở Chương IV. Ghi Chú Chương II: 1. Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tập I, nhà xuất bản sách Giáo Khoa Mác-Lênin, tr. 317 - 360. 2. Hồ Chí Minh Toàn Tập, tr. 408 - 409. 3. Tạp chí Quê Mẹ, số 125 & 126 tháng 10 & 11.1993, tr.70. 4. Hoàng Xuân Hào, Phật Giáo và Chính Trị tại Việt Nam Ngày Nay, 1972, tr. 171 & 178. 5. Hoa Sen số 20 tháng 11 năm 1993, tr. 15 - 19. 6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III, Lá Bối 1985. tr.188, 205, 206. 7. Hòa Thượng Thích Mẫn Giác, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam, 1980, tr. 85 - 86. 8. Vietnam, Lotus in a Sea of Fire, Hill & Wang, NY, 1967. 9. Quê Mẹ 125 & 126 tháng 10 & 11.1993, trang 17 và 18. 10. Báo Chấn Hưng số 6 ngày 20.5.1986, Ủy Ban Vận Động Chấn Hưng Tổ Chức Phật Giáo Việt Nam 11. Giao Điểm số 10 ngày 15.10.1992, xuất bản ở Orange County. 12. Bông Sen số 3 tháng 12 năm 1991. 13. Bông Sen số 17 tháng 9 & 10 năm 1993. 14. Phan Tấn Hải, Từ nhãn thị chúng sanh, Giao Điểm số 10, ngày 15.10.1992, tr. 5 - 7.