Chương IV
CÁC CUỘC THÁNH CHIẾN ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC PHÁT ĐỘNG

Quan sát các cuộc thánh chiến của Phật Giáo từ 1963 đến nay, chúng ta thấy các cuộc thánh chiến này đều phát xuất từ Huế rồi lan rộng ra các tỉnh miền Bắc Trung Phần, nhất là thị trấn Quảng Trị và Đà Nẵng, rồi tràn nhẹ qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.. khi đi vào miền Nam chỉ còn là cái ngọn. Thánh chiến của Phật Giáo phát xuất từ Huế và mạnh ở các tỉnh phía Bắc Trung Phần vì nhiều lý do. Sau đây là những lý do chính:
Trước hết, Huế là trung tâm phát triển mạnh nhất của Phật Giáo Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Các nhà nghiên cứu của Pháp nhận thấy rằng phong trào chống Pháp mạnh nhất xuất phát từ Huế, đó là Phong trào Văn Thân. Phong trào này do các sĩ phu đạo Nho phát động. Sĩ phu của đạo Nho bao giờ cũng lấy "trung quân và “ái quốc” làm đầu. Vậy muốn vô hiệu hóa phong trào này, có hai công việc phải làm: Thứ nhất là tiếp tục duy trì triều đình Huế, nhưng vua phải là người của Pháp dựng nên. Khi vua đứng về phía Pháp thì các nhà Nho có lòng "trung quân" sẽ đi theo. Thứ hai là phát triển Phật Giáo mạnh, đưa sĩ phu vào con đường giải thoát của đạo Phật để vô hiệu hóa tinh thần phục quốc của nhà Nho.
Việc thiết lập các triều đại nhà Nguyễn đứng về phía Pháp, chính quyền thuộc địa đã làm xong ngay từ bước đầu. Việc “Phật Giáo hóa" Đông Dương được giao cho Toàn Quyền Pasquier khi ông trở lại nhận chức vào năm 1928. Các viên chức cao cấp Việt Nam của chính quyền thuộc địa đã được giao phó làm công việc này. Năm 1932, Bác Sĩ Lê Đình Thám lãnh trách nhiệm thành lập Hội An Nam Phật HọcTrường An Nam Phật Học ở Huế. Bác Sĩ Lê Đình Thám làm Hội Trưởng Hội An Nam Phật Học, còn Hoà Thượng Thích Trí Độ được đưa từ Bình Định ra để làm Giám đốc Trường An Nam Phật Học. Các tổ chức Phật Giáo Huế, ngoài việc được Pháp khuyến khích còn có thêm thuận lợi thứ hai là được triều đình Huế bảo trợ. Bà Từ cung, mẹ của Vua Bảo Đại, rất sùng đạo Phật, sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được để giúp Phật Giáo phát triển. Rất nhiều học tăng ở Nam và Bắc được gởi tới học ở Trường An Nam Phật Học. Số học tăng thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam về đây học nhiều nhất vì các Hội Phật Học ở Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam đều do Bác Sĩ Lê Đình Thám lập ra. Năm 1945, hai nhà lãnh đạo cúa Hội An Nam Phật Học và Trường An Nam Phật Học đều đi theo Mặt Trận Việt Minh và giữ các chức vụ lớn. Hòa Thượng Thích Trí Độ làm Chủ Tịch Trung Ương Hội Phật giáo Cứu Quốc, còn Bác Sĩ Lê Đình Thám trở thành Chủ Tịch Ủy Ban hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ. Hai lãnh tụ này đi theo Việt Minh đã kéo các đệ tử đi theo như Thích Mật Thể, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Thiện Ân, Thích Minh Châu, Thích Mãn Giác, Võ Đình Cường, Tống Hoà Cầm, v.v.
Lý do thứ hai là hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên nằm tiếp giáp với vĩ tuyến 17 nên Việt Cộng nuôi dưỡng được khá nhiều cán bộ nằm vùng và chỉ huy trực tiếp nhóm này. Trong cuốn “Chiến trường Trị - Thiên – Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1985, Việt Cộng cho biết sau khi chương trình tập kết ra Bắc vào năm 1954 kết thúc, họ đã để lại nằm vùng ở Quảng Trị 8.490 đảng viên và Huế khoảng 3.000 đảng viên. Chiến dịch tố Cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm đã làm tan rã các chi bộ của Cộng Sản được thiết lập từ thành thị đến nông thôn. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã tổ chức tại vùng này tất cả 53.710 lớp tố Cộng với 230.977 người tham dự. Sau các đợt tố Cộng đó, đã có 3.658 đảng viên bị bắt. Số đảng viên và những thành phần thân Cộng phải đi học chỉnh huấn lên đến 29.907 người qua 314 lớp. Khi chiến dịch tố Cộng được phát động mạnh, các cán bộ Cộng Sản phải rút vào núi hay đi ra Bắc.
Nhưng sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, một số đảng viên bị giam giữ được thả ra và số đảng viên đã tạm rút ra Bắc trước đây nay quay trở lại hoạt động, vì đây là địa bàn quen thuộc của họ và họ có rất nhiều thân nhân đang sống tại vùng này. Tài liệu trên cũng cho biết khu Trị-Thiên-Huế có 398 ngôi chùa, 9 Hoà thượng, 15 Thượng Toạ, 220 tăng ni và 80.000 Phật tử. Trước tháng 3 năm 1955, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên thuộc Khu ủy Khu IV, nhưng sau đó được sát nhập vào Khu Ủy Khu V. Đến tháng 4 năm 1966, Khu Ủy Trị-Thiên-Huế được thành lập và trở thành khu biệt lập, trực thuộc Trung Ương. Vùng này do Trung Tướng Trần Văn Quang chỉ huy và Lê Tự Đồng, Bí thư Khu Ủy, lãnh đạo. Trong các cuộc đấu tranh, Võ Đình Cường, Nguyễn Trực và Tống Hoà Cầm đã nhận chỉ thị và kế hoạch của Khu ủy rồi đẩy Thượng Tọa Thích Trí Quang và phong trào tranh đấu đi.
Lý do thứ ba là lòng căm thù Thiên Chúa Giáo đã được Phong Trào Văn Thân ở Huế khơi lên để làm động lực đấu tranh từ thời Tự Đức, qua các thời Duy Tân, đến thời Hàm Nghi, (đáng lẽ Hàm Nghi phải đặt trước?) vẫn còn âm ỉ trong lòng một số thành phần cực đoan thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Trong thời kỳ này người Công Giáo bị tàn sát một cách dã man và vô cớ đến mức vua Tự Đức phải lên tiếng cảnh cáo. Lòng căm thù được ấp ủ đó đã bùng phát trở lại khi được các cán bộ Việt Cộng nằm vùng khơi động lên để làm động lực đấu tranh. Chế độ Ngô Đình Diệm đã được bọn cán bộ Cộng Sản nắm vùng và nhóm Phật Giáo Cực Đoan miền Trung đồng hóa với Thiên Chúa Giáo, và khi họ hô hào "diệt dư đảng Cần Lao" có nghĩa là diệt Công Giáo hay ít ra loại người Công Giáo ra khỏi chính quyền.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Cộng đã tổ chức và điều động được nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đi vào mục tiêu của họ. Trong Đại Hội kỳ I của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam năm 1964, Nguyễn Hữu Thọ đã tuyên bố cuộc đấu tranh của Phật Giáo tại miền Nam không tách rời khỏi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tài liệu do Việt Cộng ấn hành sau 30.4.1975 cho thấy sau mỗi giai đoạn đấu tranh của nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đều có bản kiểm điểm tổng kết của Khu Ủy Khu V hay Khu Ủy Trị - Thiên - Huế.
Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt trình bày diễn tiến của cuộc thánh chiến đã và đang được nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung phát động và những hậu quả mà các cuộc thánh chiến này đã đem lại cho Phật Giáo và dân tộc.
CUỘC THÁNH CHIẾN THỨ NHẤT:
LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM
MỘT VÀI HOẠT CẢNH
• Ngọn lửa Zippo
Ngày 11.6.1963, vào khoảng 10 giờ sáng, những người qua đường hiếu kỳ dừng chân lại đông đảo ở ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sàigòn. Phía góc toà Đại sứ Cao Miên, bên lề đường Lê Văn Duyệt, một nhà sư mặc áo vàng ngồi trong thế kiết già lâm râm tụng niệm. Khi cảnh sát hay tin kéo tới thì 50 nhà sư khác mặc áo vàng vừa gõ mõ vừa tụng kinh bao quanh nhà sư ngồi ở góc đường, làm thành một vòng tròn lớn. Hai bình xăng nhỏ được đưa đến. Một người đứng đợi sẵn chụp lấy, rưới xăng lên người nhà sư đang ngồi trên lề đường, từ vai trở xuống, rồi mở chiếc Zippo bật lửa châm ngòi. Một đám cháy bùng lên cao khoảng 4 thước giữa tiếng kinh mõ vang rền. Các thông tín viên ngoại quốc được thông báo trước, đã có mặt tại chỗ, vửa chụp hình vừa quay phim. Ngày hôm sau, bản tin này cùng với hình ảnh được truyền đi khắp nơi trên thế giới.
Người bị thiêu là Hòa Thượng Thích Quảng Đức, một nhà sư trụ trì ở chùa Quan Thế Âm, số 68 đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận, Gia Định, có tên thật là Lâm Văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Vạn Khánh, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Lúc đó ông được 65 tuổi.
Vụ thiêu người này được tổ chức rất hoàn bị. Hoà Thượng Thích Quảng Đức được chở đến địa điểm đã định sẵn bằng chiếc xe Austin, đi trên đường Phan Đình Phùng, từ hướng Duy Tân tới. Khi đến góc Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, xe giả vờ bị chết máy và ngưng lại, tất cả mọi người trên xe bước xuống, tài xế mờ coffre xe trước chống lên và lom khom xem máy, trong khi những người khác đưa Hòa thượng Quảng Đức đi qua bên kia đường và đặt vào vị thế đã định. Các sư tham dự cũng được chuyển bằng xe tới ngay sau đó, xuống xe và quây ngay một vòng tròn xung quanh Thích Quảng Đức. Hai bình xăng nhỏ được đem xuống và thực hiện đúng kế hoạch đã định. Mọi hành động đều được tiến hành một cách mau lẹ, cảnh sát không phản ứng kịp. Mục tiêu của vụ thiêu người này là làm áp lực cho những đòi hỏi của Phật Giáo trong các cuộc họp đang diễn ra giữa Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo và Ủy Ban Liên Bộ. Đây là chiến thuật "vừa đánh vừa đàm" của Thượng Tọa Thích Trí Quang. 
Khi thiêu Hòa Thượng Thích Quảng Đức xong, người ta thấy chiếc xe Austin mở coffre vẫn đang đậu bên kia góc đường, phía chợ Đủi. Các phóng viên nhận ra ngay chiếc xe đó là của Trần Quang Thuận. Những người chứng kiến nội vụ ngay từ đầu cho các ký giả biết người chờ Hòa Thượng Thích Quảng Đức đến địa điểm chỉ định, rưới xăng và bật lửa đốt vị sư đó là Nguyễn Công Hoan.
Nguyễn Công Hoan quê ở Tuy An, Phú Yên. Cha là một cán bộ Cộng Sản tập kết ra Bắc năm 1954. Về sau, Nguyễn Công Hoan trở thành dân biểu đơn vị Phú Yên thời Đệ Nhất Cộng Hòa, do Phật Giáo đưa ra. Mặc dầu đã có vợ con ở Phú Yên, khi làm dân biểu, Nguyễn Công Hoan đã tằng tịu với cô Đoan Khánh, ký giả báo Trắng Đen. Cô này chuyên săn tin ở Thượng và Hạ Nghị Viện. Hai người lấy nhau và có một đứa con. Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao Nguyễn Công Hoan không đi học tập cải tạo như các dân biểu và nghị sĩ khác của Việt Nam Cộng Hòa. Nguyễn Công Hoan chỉ đi dự một khóa chỉnh huấn ngắn hạn mà thôi. Đến năm 1976, khi Nguyễn Công Hoan được Mặt Trận Tổ Quốc đưa ra làm đại biểu Quốc Hội đơn vị Phú Khánh, người ta mới biết Nguyễn Công Hoan là cán bộ nội tuyến của Việt Cộng. Bỗng dưng đến năm 1980, Nguyễn Công Hoan vượt biên qua Phi Luật Tân, sau đó đến Hoa Kỳ được Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh giao coi sóc nhà xuất bản Lá Bối ở San José, California. Nguyễn Công Hoan đã đi giao dịch với nhóm Trương Như Tảng, Hoàng Văn Hoan trong khi làm việc ở nhà xuất bản này. Lai lịch của Nguyễn Công Hoan bị báo chí ở San José phanh phui. Bị tố cáo là thành phần phản gián, Nguyễn Công Hoan phải bỏ đi nơi khác. Sau 30.4.1975, Nguyễn Công Hoan và cô Đoan Khánh đã bỏ nhau. Cô Đoan Khánh cũng đã qua được Hoa Kỳ và hiện định cư ở Oregon.
Mọi việc thông tin cho các ký giả ngoại quốc đều do Đại đức Thích Đức Nghiệp và Trần Quang Thuận phụ trách. Đại đức Thích Đức Nghiệp là mối dây liên lạc chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Phật Giáo trong thời gian hoạch định kế hoạch lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Mọi kế hoạch hành động đều được ông thông báo cho nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.
Mổ bụng, cắt cổ tự sát 
Một hoạt cảnh thứ hai được ghi lại trong cuốn "Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử" của Hòa Thượng Thích Tuệ Giác. Đọc hoạt cảnh này, chúng ta có cảm tưởng như đang được đọc chuyện Phong Thần hay tiểu thuyết kiếm hiệp của Tàu. Câu chuyện xẩy ra ở Phan Thiết, được Hòa Thượng Thích Tuệ Giác kể lại như sau:
Lúc 5 giờ 15 sáng 17.10.1963, Tỳ Kheo Thích Pháp Quảng đi xích lô đến bia đài ở Phan Thiết, đứng quay về hướng Tây lạy ba lạy và niệm Phật chừng 3 phút. Xong phần nghi lễ, ông nằm ngửa xuống đất, gối đầu vào bậc cấp chót của bia đài, lấy thư tuyệt mạng đặt một bên, rồi rút dao ra rạch bụng. Câu chuyện được mô tả nguyên văn như sau:
"Thầy rạch lần thứ nhất từ trái qua phải cách rún chừng hai phân. Nhìn lại thấy chưa lủng thấu bụng. Thầy rạch lát thứ nhì từ hông trái đến rún, lần thứ ba từ rún ra hông phải, lần thứ 4 rồi lần thứ 5, nhưng da cứ dùn lại và đứt ra ngoài. Lần sau cùng, Thầy đưa cao tay đâm xuống chứ không rạch như lần trước. Nhưng lạ lùng thay da chỉ lún xuống, rạch (rách?) rất ít mà không lủng thấu ruột để Thầy cắt một khúc dâng lên cho vị Tổng Thống độc tài hầu thức tỉnh lòng người". 
Có lẽ thầy đã đem theo con dao quá cùn! Lúc đó thầy mới chỉ có 30 tuổi, da bụng còn mềm và săn, không hiểu tại thầy không rạch được. Mổ bụng để lấy khúc ruột "dâng lên cho Vị Tổng Thống độc tài" không được, Thầy tính chuyện cắt cổ: 
"Mổ bụng không thành, Thầy quay ngược lưỡi dao lên cắt cổ, một tay giữ lấy cuống họng, một tay cầm dao cựa mạnh dưới xương quai hàm. Máu vọt nóng cả tay, xịt có vòi ra mang tai, bắn lên đầu, cuống họng đứt lìa. Thầy buông dao nằm chờ chết. " 
"Thấy máu không còn vọt ra thành vòi, Thầy đưa tay móc những máu ứ vứt ra ngoài."
(1)
Cắt đứt cuống họng, máu vọt có vòi một thời gian khá lâu mà thầy vẫn không chết. Con bò con heo bị cắt như thế thì chết mất rồi. Đúng là số thầy không chết vì Đạo pháp được. Cảnh sát tới đưa thầy vô bệnh viện may lại vết thương. Một tháng rưỡi sau thầy trở về chùa.
Đại Đức Thích Pháp Quảng có tên thật là Lê Tuất, sinh năm 1933 tại Bình Thuận, tu ở chùa Am Bát Nhã, Quận Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận.
Trên đây là một trong những hoạt cảnh được thuật trong các sách viết về lịch sử đấu tranh của Phật Giáo. Bằng những lối viết như thế, các "sử gia" đã viết vô số chuyện "tử vì đạo" xẩy ra khắp nơi trong nước.
NGÒI THUỐC SÚNG: HẠN CHẾ VIỆC TREO CỜ CÁC TÔN GiÁO
Mặc dầu lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài các cơ sở tôn giáo đã được tạm thu hồi kịp thời, sáng hôm sau, 8.5.1963, trong cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm lúc 6 giờ 30, người ta thấy các biểu ngữ chống đối chính quyền đã được trương lên. Trong lễ Phật Đản được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Thượng Tọa Thích Trí Quang đứng lên thuyết pháp đã phản đối mạnh mẽ quyết định cấm treo cờ Phật Giáo và yêu cầu thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo.
Tuy quyết định cấm treo cờ tôn giáo ngoài các cơ sở tôn giáo được áp dụng chung cho mọi tôn giáo, nhưng được công bố sát ngày lễ Phật Đản nên được hiểu là có mục đích nhắm vào Phật Giáo. Thật ra, quyết định hạn chế việc treo cờ tôn giáo của chính quyền không có lý do chính đáng, vì việc treo cờ tôn giáo khắp nơi không phương hại gì đến "sự tôn trọng quốc kỳ" cả. Một nguồn tin nói rằng quyết định hạn chế việc treo cờ này là ý kiến của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục ở Huế. Đây là một quyết định sai lầm của chính phủ Ngô Đình Diệm.
Những bí ẩn của vụ nổ trước Đài phát thanh Huế:  
8 giờ tối 8/5/1963, một số đông đảo Phật tử tập trung trước đài phát thanh Huế yêu cầu phát thanh lại các bài thuyết giảng trong lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm vào buổi sáng, nhưng các nhân viên đài phát thanh từ chối vì trong đó có bài thuyết pháp của Thượng Toạ Thích Trí Quang chống đối chính quyền. Ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã phải cùng Thượng toạ Thích Trí Quang đến đài phát thanh Huế để giải quyết vấn đề. Trong lúc hai bên đang nói chuyện thì có tiếng nổ lớn trước đài phát thanh Huế làm 7 thường dân chết, 1 thường dân và 5 binh sĩ bị thương.
Hôm sau, các tăng ni ở Huế đã loan báo đi khắp nơi rằng Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh trưởng Nội an kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu khu Thừa Thiên đã ra lệnh bắn súng, ném lựu đạn và cho xe tăng cán lên các Phật tử tập trung trước đài phát thanh Huế, máu chảy lênh láng. Trong cuốn "Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử", Hoà Thượng Thích Tuệ giác có ghi như sau:
"Sau đó Thiếu tá Đặng Sĩ ra lệnh đại bác bắn nhiều phát đạn mã tử. Phật Giáo đồ hoàn toàn náo động, tiếp đến là lựu đạn cay, lựu đạn nổ và súng trường bắn xả vào Phật Giáo đồ. Một số chen lấn chạy tháo lui, một số khác chen lấn chạy vào đài phát thanh núp trốn. Ông Tỉnh trưởng kêu gọi ngưng bắn nhưng Bảo An đã không tuân lệnh và còn cho xe thiết giáp tuôn chạy vào đám đông. Cuối cùng ông Tỉnh trưởng và Thượng Toạ Thích Trí Quang vào đài phát thanh: 15' sau, kiểm điểm lại, chúng tôi thấy đài phát thanh hư hại và (vài?) cánh cửa bên ngoài, và 3 xe Hồng Thập Tự chất đầy một số đông đạo hữu, máu me đầy người, chạy vào bệnh viện Huế.
"4 người bị thương và 8 người bị giết bằng súng, lựu đạn và xe thiết giáp cán. Trong số 8 người chết có 6 Thanh, Thiếu nhi, 2 em bị cán mất nửa đầu, một em bị cán mất đầu, xương sọ bị vụn tan không nhìn được mặt và một em bị mất hẳn đầu".(2)
Trong cuốn III của Bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang (tức Thích Nhất Hạnh) cũng ghi lại:
"Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh Trưởng Nội An và Tiểu Khu Trưởng Thừa Thiên, huy động lực lượng thiết giáp Bảo An, đại bác quân cảnh, hiến binh và cảnh sát thành phố tới vây quanh đám quần chúng mà họ gọi là đám biểu tình...
"Thiếu tá Đặng Sĩ ra lệnh bắn đạn mã tử khiến đám đông náo động. Lựu đạn cay, lựu đạn nổ được tung vào. Đồng thời súng trường và xe thiết giáp được xử dụng vào việc đàn áp. Lúc đó là đúng 9 giờ rưỡi tốị Tiếng la hét của quần chúng át cả tiếng súng và tiếng đạn.
"Một số người ra về nửa chừng nghe tiếng la hét và tiếng súng nổ, đã quay trở lại đài phát thanh để tìm hiểu. Họ bị các xe thiết giáp chận lạị Khi thiền sư Trí Quang và ông Tỉnh trưởng từ trong đài phát thanh ra tới thì máu đã đổ: 8 người đã thiệt mạng vì lựu đạn và 4 người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, sọ em nát vụn. Một thiếu nhi khác bị cán mất nửa đầu và một em khác nữa mất hẳn đầu. Xe Hồng thập tự được gởi tới để mang những người bị thương về bệnh viện..."(3)
Cho đến nay, các sử gia PG đều cố tình viết theo chiều hướng đó. Chỉ riêng Hoà thượng Thích Tâm Châu đã trình bày vấn đề một cách dè dặt hơn. Trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31/12/1993, ông viết:
"Thông lệ, mỗi kỳ Phật Đản tại Huế, cuốn băng ghi lại buổi lễ Phật Đản được cho phát thanh lại trên đài phát thanh Huế vào 8 giờ tối. Năm nay, lễ Phật Đản, có đoạn ghi lại lời tranh đấu chống chính phủ, nên đài phát thanh Huế không dám phát. Quần chúng Phật tử quanh vùng Huế chờ đợi phát thanh về Phật Đản không được, lũ lượt kéo nhau tới đài phát thanh mỗi lúc một đông, chính quyền địa phương lo sợ về sự biểu tình, Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh trưởng Nội an Thừa Thiên kiêm Tiểu Khu trưởng ra lệnh giải tán. Đột nhiên có tiếng nổ, làm 8 em Phật tử chết và một số bị thương. Do đó trở thành cuộc đấu tranh lớn".
Sự thật như thế nào?
Các nạn nhân bị chết ngay sát góc cửa vào đài phát thanh. Đài phát thanh được xây trên một vị trí cao hơn đường phố, muốn lên đó phải leo mấy bậc tam cấp, xe tăng không leo lên được. Như vậy nói rằng Thiếu tá Đặng Sĩ cho xe tăng chạy cán qua đầu các nạn nhân là hoàn toàn bịa đặt.
Sau khi tai nạn xảy ra, Bửu Thắng, một công an viên gác đầu cầu Trường Tiền ở phía dưới, gần sát đài phát thanh, có báo cáo rằng anh ta thấy một vệt sáng chạy dài từ sát gốc bên phải đài phát thanh, bay qua trên đầu những người đang tụ tập, xéo xuống trước cửa đài phát thanh, sau đó là một tiếng nổ lớn phát ra. Khi các chuyên viên về võ khí tới xem hiện trường thì không lượm được mảnh chất nổ nào. Ở dưới nền nhà, sát góc cửa, có một lỗ thủng bằng cái chén. Các cửa kính của đài phát thanh đều bị vỡ, nhưng cửa gỗ vẫn còn nguyên vẹn. Các chuyên viên kết luận rằng đây là một chất nổ bằng hơi có sức công phá mạnh.
Người đã giải phẫu và khám tử thi các nạn nhân cũng như những người bị thương trong đêm 8/5/1963 là Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, "đồng chí" của Thượng toạ Thích Trí Quang trong Ủy Ban Bảo Vệ Hoà Bình năm 1954, đã xuống tóc để phản đối việc đàn áp Phật Giáo. Những điều của ông ghi trong biên bản khám nghiệm có thể tóm lược như sau: không có vết đạn, vết đả thương hay xe cán...trên cơ thể nạn nhân. Các nạn nhân đã bị chết hay bị thương do một chất nổ bằng hơi cực mạnh. Ngày 11/7/1963, Ủy Ban Liên Bộ đã thông báo cho Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo kết quả cuộc khám nghiệm và nói rằng các nạn nhân có thể đã bị chết do chất nổ của Việt Cộng. Nhưng phía PG không chấp nhận kết luận do Bác Sĩ Quyến đưa ra.
Trong phần ghi chú ở Chương XXXVIII của Bộ "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận", Tập III, Nguyễn Lang, tức Hoà Thượng Nhất Hạnh, có nói rằng Bác Sĩ Lê Khắc Quyến bị ép buộc nên phải ký biên bản như trên.
Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Tòa Án Cách Mạng được thành lập để xét xử vụ án Thiếu tá Đặng Sĩ. Trong phiên xử kéo dài từ 2-8/6/1964, các chuyên viên về vũ khí xác nhận chất nổ được xử dụng trong đêm 8/5/1963 trước đài phát thanh Huế là một chất nổ bằng plastic cực mạnh, quân lực Việt Nam Cộng Hoà chưa hề được cung cấp. Thỉnh thoảng Việt Cộng có xử dụng loại chất nổ đó, nhưng chưa thấy loại nào có độ mạnh như vậy. Bác sĩ Lê Khắc Quyến cũng xác nhận những điều ông ghi trong y chứng thư là hoàn toàn đúng sự thật. Thế thì sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, ai ép buộc Bác Sĩ Quyến mà ông đã khai trước Toà Án Cách Mạng như vậy?
Ngày 25/10/1963, do lời yêu cầu của Đại Đức Thích Nhất Hạnh, một ủy ban Liên Hiệp Quốc đã đến Việt Nam điều tra về vụ Phật Giáo. Trong cuốn No More Vietnams, cựu Tổng Thống Nixon cho biết sau khi điều tra tại chỗ, ủy ban xác định rằng các nạn nhân bị chết không phải do lựu đạn mà do một chất nổ plastic, một loại vũ khí Việt Cộng thường dùng.
các chuyên viên về chất nổ còn cho biết ngoài đặc công Việt Cộng thì CIA cũng xử dụng loại chất nổ này, nhưng chỉ trao cho các biệt kích trước khi lên đường ra Bắc để phá hoại các cầu cống và cơ sở quân sự của Bắc Việt mà thôi. Đây là loại vũ khí mà Mỹ chưa giao cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà xử dụng tại miền Nam.
Trong phiên tòa xử vụ Đặng Sĩ, ông Đặng Phong, Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên, đã tiết lộ rằng cuộc điều tra của Cảnh sát sau vụ nổ cho thấy 2 nhân viên của cơ quan tình báo Hoa Kỳ là Scott (người điều hành cơ quan CIA tại Thừa Thiên lúc đó) và Bell (người tổ chức các chương trình đưa biệt kích xâm nhập miền Bắc ở phía Bắc Trung Phần) có dính líu đến vụ cung cấp chất nổ này. Ông Mullen, Phó Lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế, đã liên lạc thường xuyên với Thượng toạ Thích Trí Quang ở chùa Từ Đàm, còn ông Elble, Lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế, thường đi theo các cuộc biểu tình của Phật Giáo và công khai chống chính phủ Ngô Đình Diệm.
Căn cứ vào sự mô tả của Bửu Thắng thì trái chất nổ bằng plastic đã được châm ngòi rồi ném vòng tròn qua đầu đám biểu tình đang đứng trên bậc thềm, và rơi ngay góc cửa ra vào của đài phát thanh. Nếu trái plastic rơi vào một khoảng trống thì chỉ phát ra tiếng nổ chứ không gây tác hại nào cả. Nhưng khi trái plastic đã rơi vào sát góc tường của cửa ra vào, xung quanh lại có người đứng chen chúc chật ních, tạo thành sức ép nên mới công phá mạnh như thế.
Các nhà phân tích đều tin rằng chính phủ Ngô Đình Diệm, dù có loại chất nổ đó trong tay, cũng không ngu dại gì đem ra xử dụng trong trường hợp này để tự gây họa cho mình. Trên thế giới, người ta chưa bao giờ thấy một cơ quan công lực nào dùng chất nổ plastic để dẹp biểu tình. Vậy chỉ có cơ quan CIA, Việt Cộng hoặc phe đấu tranh đã gây ra vụ vấy máu đó để giáng tai hoạ cho chế độ Ngô Đình Diệm mà thôi.
Luật sư Nguyễn Khắc Tân, người biện hộ cho Thiếu tá Đặng Sĩ, đã nghiên cứu hồ sơ vụ án Đặng Sĩ rất kỹ. Tôi cũng có dịp được xem hồ sơ vụ án này. Thiếu Tá Đặng Sĩ đồng ý với chúng tôi rằng những điều ghi trong bản cáo trạng của Tòa Án Cách Mạng là đúng sự thật. Xe thiết giáp được xử dụng là xe thiết giáp bánh cao su chứ không phải xe thiết giáp bánh bằng xích sắt. Thiếu Tá Đặng Sĩ chỉ ra lệnh dùng vòi xịt nước để giải tán cuộc biểu tình và dùng súng bắn bằng đạn mã tử gây tiếng nổ để áp đảo tinh thần mà thôi. Không hề có chuyện dùng súng có đạn thật, lựu đạn nổ hay cho xe tăng cán nát đầu các nạn nhân như các tăng sĩ chùa Từ Đàm đã công bố.
Giả thiết các nạn nhân bị chết do mảnh lựu đạn hay do đạn "đại bác" như các tăng sĩ chùa Từ Đàm tố cáo đi nữa, theo nguyên tắc của hình luật, chỉ có thể kết tội bị cáo khi nào chứng minh được chính bị cáo đã ném lựu đạn hay bắn "đại bác" gây nên sự chết chóc, hoặc chính bị cáo đã ra lệnh cho thuộc cấp làm điều đó. Không chứng minh được có sự liên hệ trực tiếp giữa nguyên nhân và hậu quả thì cũng không thể kết tội được. Không thể loại trừ nghi vấn có một đệ tam nhân cố tình gây chết chóc để kích động quần chúng.
Một nguyên tắc về xét xử đã có trên 20 thế kỷ mà hiện nay vẫn được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới là "In dubio, pro reo", có nghĩa là trong trường hợp có sự nghi vấn, phải tha bổng bị cáo. Ấy thế mà trong phiên tòa ngày 8/6/1964, mặc dầu hiện trạng hồ sơ và cuộc phỏng vấn tại phiên tòa cho thấy không có bằng chứng nào để buộc Đặng Sĩ về tội cố sát, nhưng Tướng Nguyễn Khánh vẫn ra lệnh cho Tòa Án Cách Mạng tuyên án Thiếu tá Đặng Sĩ chung thân khổ sai và bồi thường cho gia đình nạn nhân 1,300,000$. Tuy nhiên, trước khi Tòa Tuyên Án, Chuẩn tướng Albert Nguyễn Cao, đại diện Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng, có đến thông báo cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình, Linh mục Trần Tử Nhãn ở Dòng Chúa Cứu Thế và gia đình Đặng Sĩ biết đừng quan tâm đến bản án tòa sẽ tuyên đọc. Tòa chỉ tuyên để thỏa mãn những đòi hỏi của Phật Giáo mà thôi (!!). Trong một thời gian ngắn, khi tình hình lắng dịu, Đặng Sĩ sẽ được trả tự do.
Nhưng Đặng Sĩ đã phải chịu ngồi tù oan đến 3 năm, 8 tháng, 10 ngày mới được phóng thích, vì phải đến năm 1967, phong trào Phật Giáo miền Trung mới được dẹp tan!
Tục ngữ Tây phương có câu "Khi chính trị đi vào pháp đình thì công lý đi ra." Trong trường hợp này cũng có thể nói: "Khi tôn giáo đi vào pháp đình thì công lý cũng bỏ chạy!"
CÁI THẾ GIẰNG CO
Tuyên ngôn 5 điểm của Phật Giáo:
Sau biến cố đêm 8/5/1963, Phật Giáo phát động chiến dịch kích động quần chúng để đấu tranh. Ngày 10/5/1963, các nhà lãnh đạo Phật Giáo ở Huế họp tại chùa Từ Đàm và ra một tuyên ngôn gồm 5 điểm, nguyên văn như sau:
- Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ Phật Giáo.
- Yêu cầu Phật Giáo phải được hưởng một chế độ đặc biêt như các Hội truyền giáo Thiên chúa giáo đã được ghi trong Dụ Số 10.
- Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật Giáo.
- Yêu cầu cho tăng ni Phật Giáo tự do truyền đạo và hành đạo.
- Yêu cầu chính phủ bồi thường một cách xứng đáng cho những kẻ bị chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền tội xứng đáng.
Tuyên ngôn này do 5 tông phái sau đây đứng tên: Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Tăng Già Trung Phần, Hội Phật Giáo tại Trung phần, Giáo Hội Tăng Già Thừa Thiên và Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên.
Nhìn 5 nguyện vọng này của Phật Giáo, ai cũng thấy việc giải quyết không có gì khó khăn:
- Quyết định hạn chế treo cờ tôn giáo ngoài cơ sở tôn giáo có thể được thu hồi hay sửa đổi lại dễ dàng. Sau khi xảy ra vụ rối loạn ở Huế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm có mời ông Mai Thọ Truyền và một linh mục đại diện Tòa Tổng Giám Mục Saigon đến họp tại Dinh Gia Long để thảo luận. Tổng Thống Diệm nói rằng trong mọi trường hợp, cần phải dành cho quốc kỳ một vị thế xứng đáng. Vậy phải quy định cách treo cờ như thế nào để quốc kỳ luôn được tôn trọng. Linh mục đại diện Công giáo đề nghị khi treo song song cờ tôn giáo với quốc kỳ thì nên làm cờ tôn giáo nhỏ hơn chút. Tổng Thống Diệm yêu cầu ông Mai Thọ Truyền cho ý kiến, thì ông Mai Thọ Truyền trả lời rằng bên Công giáo làm thế nào thì bên Phật giáo cũng làm như vậy. Vấn đề kể như đã giải quyết xong.
- Dụ Số 10 ngày 6/8/1950 ấn định thể lệ lập hội do Bảo Đại ban hành chứ không do chính phủ Ngô Đình Diệm. Dụ này có dự liệu rằng sẽ có các thể lệ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa Giáo cùng các Hoa Kiều Lý Sự Hội. Dụ này sở dĩ không đề cập đến các tôn giáo khác vì tại Việt Nam, từ trước cho đến ngày ban hành Dụ đó, các tôn giáo khác không lập thành Giáo hội. Đặc biệt, Phật Giáo lại có rất nhiều tông phái, mỗi tông phái có một lối sinh hoạt riêng, rất khó tiến tới một giáo hội duy nhất. Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập ngày 6/5/1951 tại Huế sau khi Dụ Số 10 ban hành, cũng chỉ mới dự liệu sẽ thống nhất Phật Giáo chia làm hai giai đoạn, chứ chưa thống nhất thật sự. Trong tình trạng như thế, Dụ Số 10 của Bảo Đại không đề cập đến Phật Giáo là chuyện không đáng ngạc nhiên. Riêng Thiên Chúa Giáo đã lập thành giáo hội từ lâu. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được chia thành từng giáo phận, mỗi giáo phận lại được chia thành các giáo xứ có địa hạt rõ ràng. Về phương diện tổ chức nội bộ, Giáo hội La Mã có một bộ giáo luật (canon) chung cho tổ chức giáo hội trên toàn thế giới. Mỗi giáo phận lại có luật giáo phận (directory) dành cho địa phương theo mẫu hướng dẫn của tòa thánh. Các đơn vị tổ chức này có cơ cấu hành chánh và tài chánh chặt chẽ, nên cần có một quy chế pháp lý để việc điều hành không bị lạm dụng. Các Hoa Kiều Lý Sự Hội cũng đã có cơ cấu tổ chức từ lâu. Do đó, Dụ Số 10 dự liệu sẽ có một quy chế riêng cho Thiên Chúa Giáo và các Hoa Kiều Lý Sự Hội. Nếu  lúc đó Phật Giáo đã có một giáo hội thì Dụ Số 10 cũng đã đề cập tới.
Tuy Dụ Số 10 có dự liệu như thế, nhưng sau 13 năm, quy chế áp dụng cho Thiên Chúa Giáo nói trong Dụ số 10 vẫn chưa được ban hành. Vậy không có lý do gì chính đáng để Phật Giáo suy tỵ với Thiên Chúa Giáo, vì cái "quyền lợi" mà Phật Giáo suy tỵ chưa có trong thực tế. Đáng lẽ ra, Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo chỉ nên đề nghị làm một quy chế chung cho mọi tôn giáo thay vì chỉ làm riêng cho Thiên Chúa Giáo như đã dự liệu trong Dụ Số 10 thì hợp lý hơn, vì Phật Giáo đang hình thành một giáo hội.
Quan niệm quy chế tôn giáo là một thứ "quyền lợi" cũng là một quan niệm sai lầm. Kinh nghiệm cho thấy, sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, một số Giáo phái Phật Giáo đã vội thành lập Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, biểu quyết một Hiến Chương vào ngày 4/1/1964, rồi ép buộc Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng phải duyệt y Hiến Chương đó bằng một đạo luật, đó là Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tuyên bố đã được mãn nguyện. Nhưng xét về hiệu quả pháp lý, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có được hưởng quyền lợi gì hơn Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bị chi phối bởi Dụ Số 10 không? Chắc chắn là không? Trái lại, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý không giải quyết được do các văn kiện đó gây ra và cuối cùng bị vỡ ra làm hai. Trong khi đó, quy chế dành riêng cho Thiên Chúa Giáo dù chưa được ban hành nhưng Giáo Hội Công Giáo vẫn càng ngày càng vững mạnh và thấy không cần phải đòi hỏi một quy chế nào cả. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, Giáo Hội Công Giáo không có quy chế đặc biệt như Phật Giáo vẫn tiếp tục tồn tại. Trái lại, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, có quy chế đặc biệt, vẫn bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh.
Hiện nay, ở Việt Nam đang có một quy chế chung cho các tôn giáo, đó là Nghị Định số 69-HDBT ngày 21/3/1991, nhưng các giáo hội không những không hưởng được "quyền lợi" gì do quy chế đó đem lại mà còn bị khốn khổ vì quy chế đó.
Sự tồn vong và phát triển của một tôn giáo không tùy thuộc vào quy chế do thế quyền ban hành mà tuỳ thuộc vào tín lý, tổ chức và lòng tin của tín đồ.
Tóm lại Dụ Số 10 do Bảo Đại ban hành năm 1950 không hề mang màu sắc kỳ thị tôn giáo và không gây ảnh hưởng gì tới sự phát triển và tồn vong của Phật Giáo.
Vấn đề đòi hỏi để các tăng ni tự do hành đạo và truyền đạo là một đòi hỏi không có căn bản thực tế. Trong 100 năm qua, ngoại trừ dưới chế độ Cộng sản, người ta chưa hề thấy bất cứ một chính phủ nào tại Việt Nam, kể cả dưới thời Pháp thuộc, ngăn cản không cho Phật Giáo hành đạo và truyền đạo. Hoà Thượng Thích Tuệ Giác đã chẳng ghi nhận trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử rằng từ 1920 đến 1956 là thời kỳ hưng thịnh của Phật Giáo sao? Từ 1956 đến 1964, sự phát triển của Phật Giáo được ghi nhận trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (tức Hoà Thượng Nhất Hạnh): chùa chiền được xây nhiều hơn, các khoá đào tạo học tăng được mở liên tục, lễ Phật Đản được tổ chức to hơn, số tăng ni gia tăng một cách nhanh chóng... Tất cả những sự phát triển này chúng tôi đã đề cập ở Chương I.
Việc xác định trách nhiệm trong biến cố đêm 8.5.1963 trước Đài phát thanh Huế, chúng tôi đã trình bày rõ ở trên. Chúng tôi tin rằng các tăng sĩ chùa Từ Đàm thừa biết các vấn đề nêu trên, nhưng họ vẫn cố làm to chuyện để có lý do đòi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ được họ mệnh danh là "chế độ Thiên Chúa Giáo". Động lực đấu tranh chính vẫn là sự tỵ hiềm về tôn giáo mà ra chứ không phải là sự kỳ thị (tôn giáo) ở trong luật pháp hay trong thực tế.
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo đưa ra 5 yêu sách của Phật Giáo thì Ủy Ban Liên Bộ của chính phủ đã chấp nhận một cách nhanh chóng, vì những đòi hỏi đó phù hợp với tình trạng thực tế đang có.
Câu chuyện giữa Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo và Ủy Ban Liên Bộ:
Một Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã được thành lập ngày 15/5/1963 do Thượng toạ Thích Tâm Châu làm Chủ tịch. Ngày 25/5/1963, Ủy Ban Liên Phái họp tại chùa Xá Lợi ở Saigon, ra tuyên ngôn tuyên bố tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo. Sau đó là những cuộc biểu tình và tuyệt thực xảy ra liên tiếp. Chính phủ đã xử dụng Cảnh sát Dã chiến để ngăn chặn các cuộc biểu tình và kiểm soát hoạt động đấu tranh của các chùa chiền.
Khi cuộc tranh đấu của Phật Giáo ngày càng gia tăng, ngày 4/6/1963, một Ủy ban Liên Bộ được chính phủ thành lập để giải quyết các đòi hỏi của Phật Giáo. Ủy Ban này gồm có Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Văn Lương và Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần. Ngày 5/6/1963, Ủy Ban Liên Bộ họp với Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo lần đầu tiên. Phái đoàn Phật Giáo gồm có các Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thích Tâm Châu, Thích Thiện Hoa, Thích Huyền Quang, và Thích Đức Nghiệp. Thượng Tọa Thích Thiện Minh làm Trưởng đoàn.
Trong khi thương thuyết với Ủy Ban Liên Bộ, Võ Đình Cường cho áp dụng chiến thuật "vừa đánh vừa đàm" để đạt thắng lợi tối đa. Các chiến dịch biểu tình, tuyệt thực và tự thiêu được phát động khắp nơi. Vụ tự thiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Đức trong khi đôi bên đang họp cũng nằm trong chiến thuật "vừa đánh vừa đàm"này.
Sau khi tin Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11/6/1963 được loan đi khắp thế giới, ngày 12/6/1963 Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết từ Huế vào Saigon. Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ liền mời Hoà Thượng họp với Ủy Ban Liên Bộ, nhưng Ủy Ban Liên Phái thấy rằng đưa Hoà Thượng đi thương thuyết không có lợi vì Hoà Thượng quá hiền lành và ngay thật, nên Thượng Tọa Thích Tâm Châu nói rằng sau 5 ngày tuyệt thực, Hoà Thượng đang mệt, không họp được. Ngày 14/6/63, Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái họp lần thứ hai tại Hội Trường Diên Hồng. Vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh phải đi đến một thỏa hiệp nhanh chóng, nên hai Ủy Ban đã họp ngày họp đêm trong suốt ba ngày liên tục, đến ngày 16/6/63, cả hai Ủy Ban đã ký kết một thông cáo chung gồm những điểm sau đây:
 - Quy định lại thể thức treo cờ quốc gia và cờ Phật Giáo: Cờ Phật Giáo khi treo chung được làm nhỏ hơn 1/3 quốc kỳ.
 - Tách các hiệp hội có tính cách tôn giáo ra khỏi Dụ Số 10.
 - Chính phủ cam kết không trả thù những người tham gia cuộc vận động thực hiện 5 nguyện vọng của Phật Giáo.
 - Bảo đảm quyền tự do truyền đạo và hành đạo của Phật tử.
 - Trừng phạt những người có trách nhiệm trong vụ thảm sát ở Huế và bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
 Thông cáo chung vừa được ký xong thì Ủy Ban Liên Phái vội đưa về cho Hoà Thượng Tịnh Khiết viết vào một chữ KHÁN rồi ký tên vào chỗ dành cho Tổng Thống. Khi Thông Cáo Chung được chuyển qua Phủ Tổng Thống, mọi người nhìn thấy chữ ký của Hoà Thượng Tịnh Khiết ở chỗ dành cho Tổng Thống, đều lắc đầu. Tuy nhiên Tổng Thống Diệm vẫn cầm viết và phê một cách ngon lành:
"Những điều được ghi trong Thông Cáo Chung này đã được tôi chấp nhận nguyên tắc ngay từ đầu".
Các sử gia Phật Giáo cho đây là một thắng lợi của Phật Giáo. Tất cả nguyện vọng của Phật Giáo đều được chấp thuận.
Trò ảo thuật mới của Thượng Tọa Thích Trí Quang:
 Sau khi thông cáo chung được ban hành ít ngày thì nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung cho phổ biến một "mật điện" nói là mới bắt được. "Mật điện" đó mang số 1342/VP/TT ngày 19/6/63, được nói là do ông Quách Tòng Đức, Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống đánh đi. "Mật điện" được công bố có nội dung như sau:
 "Để tạm thời làm êm dịu tình hình và khí thế đấu tranh quá quyết liệt của bọn Tăng Ni và Phật Giáo phản động, Tổng Thống và ông Cố Vấn ra lệnh tạm thời nhún nhường họ. Các nơi nhận hãy theo đúng chủ trương trên và đợi lệnh. Một kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gửi đến sau. Ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới. Hãy theo dõi điều tra, thanh trừng những phần tử Phật Giáo bất mãn và trình thượng cấp, kể cả các sĩ quan và công chức cao cấp".
Đọc lối hành văn và các cụm từ được xử dụng trong "mật điện", các công chức chính phủ đều nhận ra ngay đó là một mật điện giả. Không bao giờ công điện của một cơ quan chính phủ được viết như thế. Các cụm từ "khí thế đấu tranh quyết liệt", và "bọn Tăng Ni và Phật Giáo phản động" chưa bao giờ được dùng trong bất cứ loại công văn nào của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Các cụm từ này chỉ có trong các chỉ thị của Việt Cộng. Người thảo "mật điện" chắc chắn không phải là một công chức lành nghề của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Qua các cụm từ và lối hành văn được xử dụng trong "mật điện", chúng ta có thể xác quyết đây là một "mật điện" giả do một đặc công Việt Cộng nằm vùng sáng chế ra, với lối viết quen thuộc của họ, nhưng rất xa lạ đối với các công chức miền Nam Việt Nam. Có người nghi ngờ "mật điện" này do Võ Đình Cường và Tống Hòa Cầm soạn. Hai anh này không biết gì về cách viết văn thư hành chánh nên soạn bừa. Phủ Tổng Thống đã ra một thông cáo phủ nhận hoàn toàn "mật điện" đó.
Tại sao không làm văn thư giả mà làm "mật điện" giả? Làm giả một văn thư thường rất khó, vì phải có chữ ký của giới chức liên hệ và con dấu. Làm con dấu giả và ký chữ ký giả, khi giảo nghiệm sẽ khám phá ngay. Nếu ráp nối chữ ký và con dấu thật vào dưới công văn giả rồi chụp bản sao thì sự phát hiện còn dễ dàng hơn vì lúc đó kỹ thuật in bản sao chưa tinh vi như bây giờ, và ngay cả khi đã có kỹ thuật in bản sao tinh vi, các cơ quan giảo nghiệm cũng phát hiện được. Giả một công điện dễ hơn, vì trên công điện thời đó không có chữ ký và con dấu. Sau đó, cơ quan đã gởi công điện phải gởi bản chính có chữ ký và con dấu tiếp theo để xác nhận. Vì thế người làm công chứng thư giả nói trên đã không dám làm văn thư mật mà làm "mật điện" giả!
Sau này, khi ông Quách Tòng Đức về làm Đổng Lý Văn Phòng tại Bộ Tư Pháp, tôi có dịp nói chuyện với ông nhiều lần và có hỏi lại ông về bức "mật điện" nói trên, ông cười và hỏi lại tôi: "Nếu giao cho anh soạn một công điện, anh có viết như thế không?"
Sau khi tài liệu giả nói trên được tung ra, ông Ngô Đình Nhu hiểu rằng nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung không ngừng ở đây. Nhóm này đang cố tạo lý do mới để tiếp tục xách động đấu tranh nhằm lật đổ chính phủ. Lý do mới đó là "chính phủ không thi hành nghiêm chỉnh thông cáo chung". Bằng chứng là cái "mật điện" giả được tung ra. Sau một thời gian cãi qua cãi lại về "mật điện", Thượng Tọa Thích Trí Quang cho phát động một cuộc đấu tranh mới yêu cầu chính phủ "thi hành nghiêm chỉnh thông cáo chung". Cuộc đấu tranh cũng gồm đủ cả biểu tình, tuyệt thực và tự thiêu như trước!
Rất bực mình trước thủ đoạn này, Ngô Đình Nhu tìm cách lật lại thế cờ. Ngày 20.6.1963, ông yểm trợ cho Hòa Thượng Huệ Tâm lập Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn, rồi ông giúp cho Hòa Thượng Thích Nhật Minh lập Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy để ủng hộ chính quyền. Ông cho thương phế binh biểu tình trước chùa Xá Lợi vào ngày  23.7.1963 tố cáo những kẻ lợi dụng tôn giáo gây rối loạn chính trị. Ông thuyết phục ông Đoàn Trung Còn, Hội Trưởng Trung ương Phật Giáo Tịnh Độ Tông, lên án những kẻ lợi dụng danh nghĩa Phật Giáo phá rối trật tự công cộng. Các Tỉnh Trưởng miền Trung giúp ông bằng cách thuyết phục một vài tông phái Phật Giáo khác như Phật Giáo Lục Hoà Tăng Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung Phần, gởi kiến nghị ủng hộ đường lối của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và tố cáo Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang phá hoại an ninh trong nước v.v. Đến giai đoạn quyết liệt, ông ra lệnh lục soát các chùa và bắt những lãnh tụ Phật Giáo chống đối. Nhưng ông không đề phòng nổi mạng lưới mà cơ quan tình báo Hoa Kỳ đang tung ra đằng sau những biến cố đó.
SỰ CAN THIỆP CỦA HOA KỲ  
Hoa Kỳ đã quyết định thay thế Tổng Thống Ngô Đình Diệm kể từ năm 1960, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chối lời yêu cầu của Phó Tổng Thống Johnson cho Hoa Kỳ đem quân đổ bộ vào miền Nam Việt Nam và thiết lập các căn cứ quân sự. Vụ Phật Giáo là một cơ hội tốt để Hoa Kỳ thực hiện ý định này. 
Âm mưu của Hà Nội  
Trong bài diễn văn đọc khai mạc Đại Hội Đảng lần thứ ba vào tháng 9 năm 1960, Hồ Chí Minh tuyên bố công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc coi như đã hoàn thành trên cơ bản. Giai đoạn tới là giai đoạn giải phóng miền Nam. Sau đó, Đại Hội III ra Nghị Quyết tuyên bố:  
"Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết của toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam."
Thi hành nghị quyết này, Hà Nội cho lập tại miền Nam một tổ chức bù nhìn được mệnh đanh là "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" do Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch. Trong lễ ra mắt vào ngày 20.12.1960, Mặt Trận đưa ra bản tuyên ngôn rập y khuôn của Nghị Quyết nói trên, có đoạn như sau: "Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ." (4).
Một chiến dịch được đặt tên là Đồng Khởi đã được phát động khởi sự từ Bến Tre và lan rộng ra cả miền Nam Việt. Trước tình thế này, chính phủ Ngô Đình Diệm đã yêu cầu Tổng Thống Kennedy viện trợ quân sự và kinh tế cho miền Nam Việt Nam để chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản.
• Đòi thiết lập các căn cứ quân sự Mỹ.
Ngày 5.5./960, trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Kennedy tuyên bố rằng tình hình miền Nam Việt Nam đang nguy ngập và nếu cần, ông "sẽ cứu xét việc đưa quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam để chống lại các cuộc tấn công của Cộng Sản."
Tổng Thống Kennedy đã đưa ra lời tuyên bố đó khi chưa có lời yêu cần nào của chính phủ Ngô Đình Diệm về vấn đề này. Ngày 9/5/1960, một phái đoàn của Tổng Thống Hoa Kỳ do Phó Tổng Thống Johson cầm đầu đã đến miền Nam Việt Nam trong 4 ngày để quan sát tại chỗ và hội đàm với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong cuộc hội đàm ngày 12/5/1960, có sự hiện của ông Nolting, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Phó Tổng Thống Johnson có đề nghị với Tổng Thống Ngô Đình Diệm để quân đội Hoa Kỳ đến bảo vệ miền Nam Việt Nam, nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm tỏ ra do dự. Ông nêu ra điều 19 của Hiệp định Genève 1954 để có lý do hòa hoãn. Điều này quy định:"Kể từ ngày hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp nào của đôi bên; hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập một liên minh quân sự nào và không bị xử dụng để gây chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược".
Phó Tổng Thống Johnson tỏ vẻ không bằng lòng về sự từ chối này.
 Ngay sau đó, trong ngày 12/5/1960, Đại sứ Nolting đã gởi cho Ngoại trưởng Dean Rusk một báo cáo mật như sau: "Tướng Mc Garr và tôi có mặt tại cuộc thảo luận giữa ông Diệm và Phó Tổng Thống Johnson về việc đưa lực lượng Mỹ vào Việt Nam. Ông Diệm đã nói với Phó Tổng Thống rằng ông ta không muốn quân chiến đấu Hoa Kỳ đến Việt Nam, trừ trường hợp miền Bắc công khai đưa quân xâm lược". Ông cho Bộ Ngoại Giao biết ông cần sự hướng dẫn của Washington trong vấn đề này.
Phó Tổng Thống Johnson vừa rời Việt Nam vào ngày 13/5/1960 thì ngày 15/5/1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gởi ngay cho Tổng Thống Kennedy một văn thư nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa hai bên và nói:"Chúng tôi sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để cứu vãn xứ sở chúng tôi, và tôi biết rằng chúng tôi có thể trông cậy vào sự yểm trợ vật chất của quý quốc, một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được thắng lợi cuối cùng".(5)
Qua văn thư này, rõ ràng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gián tiếp bác bỏ việc đưa quân đội Mỹ vào Việt Nam. Washington không hài lòng về sự từ chối đó, nên chỉ viện trợ nhỏ giọt khiến Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không đủ sức đẩy lui toàn bộ cuộc xâm lăng của Cộng Sản. Tình hình quân sự ngày càng xấu đi.
Các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ muốn cho tình hình quân sự trở nên xấu hơn để chính phủ Ngô Đình Diệm phải yêu cầu Hoa Kỳ đổ quân và cho thiết lập các căn cứ quân sự
 
•  Cái bẫy sập được đưa ra :
 
Biến cố Phật Giáo là một cơ hội tốt để Hoa Kỳ thực hiện ý định lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông Lê Văn Dư, Trưởng ty Công an Thừa Thiên lúc đó có nói với tôi về những sự liên hệ chặt chẽ của các nhân viên Tòa Lãnh sự Mỹ ở Huế với Thượng toạ Thích Trí Quang ở chùa Từ Đàm. Những lần đầu, các cuộc gặp gỡ đều có sự có mặt của ông Lê Văn Dư. Các lần sau, các viên chức Lãnh sự Mỹ tự liên lạc lấy. Ông có cho công an theo dõi. Chính nhờ sự khuyến khích của các nhân viên tình báo Hoa Kỳ, Thượng Tọa Thích Trí Quang càng ngày càng làm mạnh hơn.
 Để có lý do hành động, Tổng Thống Kennedy đã gởi hai đặc sứ qua Việt Nam cùng lúc để điều tra vụ Phật Giáo. Hai đặc sứ nay là Trung tướng Krulak và Tham vụ Ngoại giao Mendenhall. Hai người làm hai bản phúc trình khác biệt nhau khiến Tổng Thống Kennedy lúng túng. Tháng 10 năm 1963,Tướng Edward Landsdale, nguyên cố vấn của chính phủ Ngô Đình Diệm trước đây, lại được Tổng Thống Kennedy cử đi điều tra thêm. Sau khi tìm hiểu tại chỗ, Tướng E. Landsdale làm một báo cáo nói rằng nên thương lượng với chính phủ Ngô Đình Diệm là tốt hơn cả. Nếu lật đổ Ngô Đình Diệm, tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn, vì không thể tìm được một người có khả năng để thay thế. Báo cáo này làm Tổng Thống Kennedy giận dữ. Ông đang cần một báo cáo nói phải thay Ngô Đình Diệm để dễ giải thích với dư luận về quyết định của Washington. Tướng E. Lansdale không hiểu ý, hoặc không muốn báo cáo trái với sự thật, nên không đáp ứng được yêu cầu của ông. Từ đó, ông không muốn nói chuyện với E. Lansdale nữa!
 
Âm mưu chống đảo chánh và đảo chánh:
 
Để thực hiện cuộc đảo chánh, Washington nghĩ ngay đến một chuyên viên đảo chánh là Henry Cabot Lodge. Ông sinh năm 1902 tại Nahant, Massachussetts (đã chết năm 1985), tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1924, từng là nghị sĩ và ứng cử viên Phó Tổng Thống năm 1960. Ông đang ở Honolulu thì được lệnh sang Saigon vào ngày 22/8/1963 thay thế Đại sứ Nolting. Ngày 22/8/1963, ông trình ủy nhiệm thư lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Khi Henry Cabot Lodge đến Việt Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm đã biết là Hoa Kỳ quyết định tổ chức đảo chánh, nên Ngô Đình Nhu đã cho vạch kế hoạch đối phó, trong đó có cả kế hoạch tổ chức cuộc đảo chánh giả gọi là Bravo I để đánh lừa các tướng định đảo chánh và bắt giữ. Kế hoạch này giao cho Tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn III. Nhưng Tướng Đính theo phe đảo chánh nên kế hoạch bị hỏng.
Sau khi trình ủy nhiệm thư xong, Henry Cabot Lodge liên lạc ngay với Trung tá Lucien Conein, Trưởng cơ quan CAS (tức CIA) của Mỹ tại Việt Nam thời đó. Lucein Conein sinh ở Pháp, đã từng nhảy dù xuống Việt Nam năm 1944 trong tổ chức tình báo của Mỹ nên quen biết nhiều với các tướng lãnh Việt Nam. Tướng Trần Văn Đôn là bạn của ông trong 18 năm qua. Tướng Trần Văn Đôn lúc đó là Quyền Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thay thế Đại tướng Lê Văn Tỵ đang được chữa bệnh ung thư tại Mỹ. Conein đã móc nối không có gì khó khăn với các tướng Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Lê Văn Kim... để thuê làm đảo chánh.
Trong cuốn "Our Endless War Inside Việt Nam", Tướng Đôn kể lại rằng hôm 2/10/1963 khi lên đường đi Nha Trang ông đã gặp Lucien Conein tại phi trường Tân Sơn Nhất. Ông rất ngạc nhiên khi thấy Lucien Conein theo ông ra tận máy bay. 2 người hẹn gặp nhau ở Nha Trang và chiều hôm đó gặp nhau bàn về chuyện đảo chánh. Ngày 5/10/1963, Lucien Conein gặp Tướng Dương Văn Minh để bàn việc này. Tướng Minh muốn có bảo đảm về sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong việc tổ chức đảo chánh. Cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Lucien Conein và Tướng Minh xảy ra vào ngày 10/10/1963. Lucien Conein muốn có chi tiết của kế hoạch đảo chánh. Trong cuộc gặp này, Tướng Minh yêu cầu mọi liên lạc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên hệ tới đảo chánh phải qua tướng Minh.
Trong khi Conein và các tướng lãnh hoạch định kế hoạch đảo chánh thì Đại Sứ Cabot Lodge giả làm áp lực đòi Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải loại bỏ bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu và bà vợ. Ông cho biết nếu ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chịu loại bỏ, Hoa Kỳ sẽ ngưng viện trợ. Ông cũng chỉ thị khuyến khích Phật Giáo gia tăng bạo động.
Ngày 10/9/63, bà Ngô Đình Nhu dẫn một phái đoàn dân biểu đi dự Hội Nghị Quốc Tế Nghị Sĩ tại Nam Tư và nhân tiện qua Âu Châu và Mỹ Châu "giải độc".
 Ngày 25.10.1963, Đại Sứ Cabot Lodge đã gửi cho ông McGeorge Bundy, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Kennedy chuyên trách về an ninh, một bản báo cáo trình rõ rằng CAS "vẫn thi hành nghiêm chỉnh những chỉ thị của tôi. Tôi đã đích thân chấp thuận mỗi cuộc họp giữa Tướng Đôn và Conein, người đã thi hành mệnh lệnh của tôi rất xuất sắc trong mọi trường hợp..."(7)
• Một trò chơi nguy hiểm
Trước tình thế này, Ngô Đình Nhu đã tìm cách thương lượng với Bắc Việt để loại ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Ông Ngô Đình Nhu đã mời ông Meiczlaw Manelli, Trưởng Phái Đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến nhờ liên lạc với Hà Nội qua Đại Sứ Pháp là Roger Lalouette, đưa đề nghị mở một cuộc tiếp xúc giữa hai bên. Bắc Việt chấp nhận ngay. Ông Ngô Đình Nhu giả vờ đi săn với ông Cao Xuân Vĩ ở Cao Nguyên rồi nửa đường rẽ xuống rừng Tánh Linh ở Phước Tuy để gặp đại diện của Bắc Việt. Cụ Cao Xuân Vĩ xác nhận với tôi cuộc gặp gỡ này xẩy ra ở Tánh Linh chứ không phải ở Nha Trang như các tài liệu khác đã nói. Trong cuộc gặp gỡ, hai bên đã đồng ý tái lập trước tiên về liên lạc bưu điện và sau đó về giao thương để tiến tới thống nhất đất nước trong hòa bình. Sau khi tiếp xúc với đại diện Bắc Việt, ông Ngô Đình Nhu cố ý tiết lộ nội dung cuộc tiếp xúc cho báo chí biết để ngầm thông báo cho Washington.
Song song với những tiết lộ của Ngô Đình Nhu, Tổng Thống De Gaulle lên tiếng kêu gọi loại bỏ "ảnh hưởng ngoại quốc" ra khỏi Việt Nam, còn Hồ Chí Minh lên tiếng nói rằng một cuộc ngưng bắn có thể được hai bên thỏa thuận.
Thật ra, trong năm 1963, Đại Sứ Lalouette đã đưa một kế hoạch ba giai đoạn để Hà Nội và Saigon có thể nói chuyện với nhau. Manelli là người làm trung gian giữa Saigon - Toà Đại Sứ Pháp - Hà Nội. Ông Ngô Đình Nhu đã hội kiến với Manelli hai lần, lần thứ nhất vào ngày 25.8.1963 tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa và lần thứ hai vào ngày 2.9.1963 tại phòng đọc sách của ông.(8) Chuyện này cơ quan tình báo Hoa Kỳ đều biết rõ. Nhưng hành động của ông Ngô Đình Nhu lần này đã làm cho Washington tức giận hơn. Tổng Thống Kennedy bật đèn xanh cho Đại Sứ Henry Cabot Lodge tiến hành cuộc đảo chánh nhanh chóng hơn.
• Thực hiện cuộc đảo chánh
Ngày 29.10.1963, Đại Sứ Henry Cabot Lodge thông báo cho Washington biết cuộc đảo chánh đã được chuẩn bị xong và nói rằng "Hoa Kỳ không nên cũng như không thể ngăn chận cuộc đảo chánh được nữa, trừ phi đi báo tin cho ông Diệm và ông Nhu biết, đây là một hành động sẽ đem lại ô nhục cho Hoa Kỳ". Sau đó ông tuyên bố sẽ về Washington báo cáo tình hình. Báo chí Saigon công khai bình luận rằng lời tuyên bố này của ông Lodge được các nhà ngoại giao cũng như Ngô Đình Nhu hiểu rằng cuộc đảo chánh đang đến trước mặt. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ liền ra lệnh cho Đại Sứ Henry Cabot Lodge thông báo mọi việc cho Tướng Hawking đang chỉ huy đoàn cố vấn Mỹ tại Việt Nam biết.
Ngày 30.10.1963, một tiết lộ từ dinh Gia Long được đưa ra ngầm thông báo cho Hoa Kỳ biết chính phủ Việt Nam đã đề phòng cuộc đảo chánh: Việc xây cất hầm trú ẩn trong dinh Gia Long đã hoàn tất và hầm có sức chịu đựng được cả bom 500 tấn.
Sáng ngày 1.11.1963, ngày lễ Các Thánh, Đại Sứ Cabot Lodge và Đô Đốc Harry D. Felt, Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương, tới Dinh Gia Long yết kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm, viện cớ duyệt xét tình hình quân sự và các xáo trộn tại miền Nam, với mục tiêu cầm chân Tổng Thống Diệm cho các tướng âm mưu đảo chánh dễ dàng hành động. Đại Sứ Lodge cũng giả vờ lặp lại yêu sách buộc vợ chồng ông Ngô Đình Nhu phải đi ra ngoại quốc, nhưng bị Tổng Thống Diệm từ chối.
Trong khi Đại Sứ Lodge nói chuyện với Tổng Thống Diệm thì Trung Tướng Trần Văn Đôn, Quyền Tham Mưu Trưởng Quân Đội, mời các tướng tá họp và dùng cơm tại Bộ Tổng Tham Mưu. Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, bị giữ lại khi mới đến Bộ Tổng Tham Mưu. Trung Tá Lucien Conein, trùm CIA Mỹ tại Việt Nam, ngồi ở chiếc ghế của Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng, hai chân gác lên bàn, bên cạnh có khẩu Magnum 44, dưới chân bàn đặt sẵn hai túi bạc, mỗi túi 3 triệu. Trung Tướng Dương Văn Minh và Trung Tướng Trần Văn Đôn hành động dưới quyền chỉ huy của Lucien Conein. Đại Tá Lê Quang Tung được gọi ra trình diện, đã lên tiếng mắng chửi các tướng âm mưu đảo chánh. Đại úy Lê Minh Đảo, tuỳ viên của Tướng Lê Văn Kim, được lệnh đưa Đại Tá Tung lên sân thượng bắn chết. Trung Tá Lê Quang Triệu, em của Tá Lê Quang Tung, nghe tin trên, chạy lên xem cũng bị hạ sát luôn. Xác hai người được đem chôn ở đâu, hiện nay vẫn chưa ai tiết lộ.
Khi cuộc đảo chánh đang diễn ra, Tổng Thống Hoa Kỳ cho một bộ phận của Hạm Đội 7 đi sát vào bờ biển Việt Nam, được nói là để bảo vệ các thường dân Mỹ, nhưng thật sự là để đe dọa chính phủ Ngô Đình Diệm và làm yên tâm các tướng đảo chánh. 
Lúc 1 giờ 30 chiều ngày 1.11.1963, tiếng súng nổ ran trong Đô Thành. Thủy Quân Lục Chiến tiến chiếm Đài Phát và Nha Truyền Tin trước tiên, sau đó tràn vào Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia và tấn công thành Cộng Hòa.
Lúc 1 giờ 45, Hội Đồng Cách Mạng đọc tuyên cáo trên đài phát thanh Saigon yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chức và cùng ông Ngô Đình Nhu rời khỏi Việt Nam, nhưng cả hai không chấp nhận.
Ba giờ chiều, từ Dinh Gia Long, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã điện thoại cho Đại Sứ Cabot Lodge. Cuộc điện đàm này được ghi âm lại như sau:
Diệm: Một vài đơn vị đã làm loạn. Tôi muốn biết thái độ của nước Mỹ ra sao?
Lodge: Tôi cảm thấy không được thông báo đầy đủ tin tức để có thể nói với Ngài. Tôi có nghe tiếng súng nổ, nhưng tôi không được biết hết các sự kiện. Hơn nữa, lúc này là vào 4 giờ sáng ở Hoa Thịnh Đốn và chính phủ không thể nào có một quan điểm.
Diệm: Nhưng hẳn là Ngài đã có những ý tưởng khái quát. Dầu sao, tôi cũng là Quốc Trưởng. Tôi đã cố gắng làm nhiệm vụ của tôi. Tôi muốn làm lúc này điều mà trách nhiệm và lương tri đòi hỏi. Tôi tin tưởng vào trách nhiệm trên hết.
Lodge: Chắc Ngài đã làm bổn phận của Ngài. Như tôi đã nói với Ngài mới hồi sáng nay, tôi thán phục sự can đảm của Ngài và những đóng góp to lớn của Ngài cho xứ sở Ngài. Không có ai có thể lấy được của Ngài sự tín nhiệm về tất cả những điều Ngài đã làm. Bây giờ tôi lo sự an toàn về sinh mạng của Ngài. Tôi có tin là những người có trách nhiệm trong hoạt động hiện nay đề nghị Ngài và bào đệ của Ngài xuất ngoại, nếu Ngài từ chức. Ngài có nghe thấy điều đó chưa?
Diệm: Chưa. (và khi đó, ngưng một lát) Ngài có số điện thoại của tôi đấy chứ?
Lodge: Vâng. Nếu tôi có thể làm được gì cho sự an toàn sinh mạng của Ngài, xin cứ gọi cho tôi.
Diệm: Tôi đang cố gắng tái lập trật tự.
Sau khi nói chuyện với Đại Sứ Cabot Lodge, Tổng Thống Diệm và ông Nhu quyết định rời khỏi Dinh Gia Long. Khi cuộc đảo chánh thành công, rất nhiều nguồn tin phát xuất từ phía Phật Giáo quả quyết rằng ông Diệm và ông Nhu rời khỏi Dinh Gia Long bằng một đường hầm bí mật. Trong các sử liệu của các sử gia Phật Giáo cũng nhất định ghi lại như thế. Nhưng mấy ngày sau đó, tôi được gặp Thiếu tá Hoàng Văn Tình, Trưởng Phòng An Ninh Phủ Tổng Thống, có mặt trong Dinh Gia Long khi cuộc đảo chính xẩy ra, ông cho tôi biết lúc 7 giờ chiều ngày 1.11.1963, cả ông Diệm và ông Nhu đã lên một chiếc Fourgonnette, hiệu Citroen, ra đường Công Lý, quẹo trái xuống đường Lê Lợi rồi từ đường Lê Lợi đi vòng qua Bùng Binh trước Chợ Bến Thành để qua đường Trần Hưng Đạo và đi thẳng vào nhà Mã Tuyên ở Chợ Lớn. Người lái chiếc xe này là Trung Tá Hưng. Vì ông Nhu đoán chắc thế nào cũng có đảo chánh nên đã chuẩn bị cách rút ra khỏi Dinh Gia Long và nơi trú ẩn, kể cả chiếc xe dùng để di chuyển. Thiếu Tá Hoàng Văn Tình cho biết chính ông đã lo liệu và yểm trợ cho chuyến đi này. Cụ Cao Xuân Vĩ cũng có mặt tại Dinh Gia Long khi cuộc đảo chính xẩy ra. Cụ đã đưa ông Diệm và ông Nhu lên xe xong mới ra về. Cụ Cao Xuân Vĩ cũng đã xác nhận lại với tôi những điều Thiếu Tá Hoàng Văn Tình nói là hoàn toàn đúng sự thật.
Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có 6 Đại đội với khoảng 2.500 quân, do Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi chỉ huy. Các Đại Đội này đóng rải rác ở Sở Thú, thành Cộng Hoà, Dinh Độc Lập (đang xây) và Vườn Tao Đàn. Trong Dinh Gia Long chỉ có một Đại Đội Cận Vệ do Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc chỉ huy (về sau Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc lên đến Tướng và làm Tư Lệnh Sư Đoàn 9).
Đến tối 1.11.1963, Thủy Quân Lục Chiến chỉ mới chiếm được đài phát thanh Saigon và một phần thành Cộng Hoà, chưa tiến xuống khu Dinh Độc Lập và Dinh Gia Long được, nên ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh Gia Long một cách dễ dàng, không đi đường hầm như các sử gia Phật Giáo đã viết.
Suốt đêm mồng 1 và rạng ngày mồng 2.11.1963, ông Diệm liên lạc với các tướng đảo chánh bằng hệ thống truyền tin trang bị sẵn trong nhà Mã Tuyên, nhưng các tướng lãnh tưởng ông ở trong Dinh Gia Long. Đại Đội Cận Vệ Phủ Tổng Thống và Đại Đội Thiết Giáp vẫn giữ vững phòng tuyến Dinh Độc Lập và Dinh Gia Long cho đến sáng.
Càng về đêm, lực lượng đảo chánh càng tiến sát vào khu vực xung quanh Dinh Độc Lập và Dinh Gia Long, nhưng không tiến chiếm được vì ở trong đó có công sự chiến đấu rất kiên cố và hỏa lực rất mạnh. Thiếu úy Bùi Lạc cho biết khoảng 2 giờ đêm hôm đó, một toán của anh nằm phục kích trên trần nhà hàng Quốc Tế, thấy Tướng Tôn Thất Đính và bộ tham mưu đứng điều khiển ở phía trước nhà hàng, trên đường Lê Lợi. Toán đó đã gọi máy vào Dinh hỏi xem có nên tung lựu đạn xuống không, nhưng trong Dinh không cho phép vì lúc đó ông Diệm và ông Nhu không còn ở trong Dinh nữa.
Hừng sáng 2.11.1963, sau khi điểm tâm tại nhà Mã Tuyên, ông Diệm và ông Nhu lại lên chiếc Fourgonnette theo đường Đồng Khánh đi vào nhà thờ Cha Tam ở cuối đường Đồng Khánh, Chợ Lớn. Cả ông Diệm và ông Nhu đã xin chịu phép giải tội và rước Mình Thánh Chúa, rồi điện thoại cho Tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu đích thân đến đưa hai ông về Bộ Tổng Tham Mưu để bàn chuyện bàn giao cho các tướng lãnh.
Được điện thoại của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tướng Trần Thiện Khiêm báo cáo cho Tướng Dương Văn Minh. Các tướng họp lại để bàn bạc. Có nhiều sự bất đồng ý kiến về số phận của Ngô Đình Diệm. Cuối cùng Tướng Dương Văn Minh cử Tướng Mai Hữu Xuân làm trưởng đoàn đi đón. Tướng Trần Thiện Khiêm đòi đi, nhưng bị Dương Văn Minh từ chối. Đi theo phụ tá Tướng Xuân có hai Đại Tá Nguyễn Văn Quan, Dương Ngọc Lắm và Thiếu Tá Đày. Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa được lệnh lấy một đoàn thiết vận xa M.113 đi theo. Tướng Minh còn bảo Đại úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ của ông, đi cùng với Thiếu Tá Nghĩa. 
Đến nhà thờ cha Tam, Mai Hữu Xuân đứng ngoài, Đại tá Dương Ngọc Lắm vào gặp ông Diệm và ông Nhu, mời hai ông ra xe về Tổng Tham Mưu. Khi thấy các tướng dùng chiếc thiết vận xa M.113 để đón, ông Nhu không chịu lên. Đại uý Nhung đã xô cả hai người lên rồi trói tay lại sau lưng. Khi xe chạy trên đường Hồng Thập Tự, đến khúc cổng đường rầy xe lửa, Đại úy Nhung dùng súng Colt 12 bắn ông Nhu rồi đến ông Diệm. Thiếu Tá Nghĩa bắn bồi thêm mấy phát Thompson. Đại úy Nhung nhảy xuống rút dao đâm ông Nhu thêm nhiều lát. 
Lúc 7 giờ 30 sáng, Đài Phát Thanh Saigon loan tin Dinh Gia Long đã bị chiếm, hai anh em ông Diệm và ông Nhu đã tự tử. Khi tin này được xác nhận, các lực lượng thuộc Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống mới chịu đầu hàng.
• Lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu
Cho đến nay, người ta vẫn còn tranh luận ai đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.
Tướng Nguyễn Chánh Thi, sau khi cùng Tướng Nguyễn Khánh làm "chỉnh lý" ngày 30.1.1964, đã bắt Thiếu Tá (mới lên) Nguyễn Văn Nhung làm tờ khai xác nhận ai đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Thiếu Tá Nhung khai rằng trách nhiệm vụ này là Thiếu Tướng Thu (tức Mai Hữu Xuân). Khi xe M.113 chở ông Diệm và ông Nhu chạy được chừng 500 thước, Thiếu Tướng Thu chạy xe ngược chiều trở lại và đưa lên một ngón tay trỏ. Đang còn ú ớ chưa biết giết ai, ông Diệm hay ông Nhu, họ định chạy qua để hỏi lại cho rõ thì dân chúng ùa ra xem đông, không chạy qua được. Bỗng Thiếu Tướng Thu đưa hai ngón tay, họ hiểu rằng ông ra lệnh bắn cả hai người. Thiếu Tá Nhung liền rút súng Colt 12 ra bắn mỗi người 5 phát và sau đó bắn ông Nhu thêm ba phát vào ngực nữa.
Trong cuốn Our Endless War Inside Vietnam, Tướng Trần Văn Đôn đã viết khá nhiều về ai đã ra lệnh giết anh em ông Diệm. Tướng Đôn nói rằng trong cuộc họp sáng 2.11.1963, các tướng đã tranh luận khá nhiều về số phận của ông Diệm và ông Nhu trước khi cho xe đi đón. Tướng Đôn đề nghị tạm thời giam giữ rồi trục xuất ra ngoại quốc. Một số chỉ muốn cho ông Diệm đi, còn truy tố ông Nhu. Một số khác lại muốn đưa ra truy tố cả hai người. Tướng Đôn nói rằng đề nghị của ông là cất hết mọi quyền hành và trục xuất cả hai người ra ngoại quốc, đã thuyết phục được hầu hết các tướng lãnh. Sau đó Tướng Đôn ra lệnh chuẩn bị chỗ để lưu giữ hai người. Tuớng Đôn cũng xác nhận việc Tướng Minh cho Đại úy Nhung đi đón là việc ông không hề biết đến. Điều làm Tướng Đôn bực mình là Tướng Minh không bao giờ nhận trách nhiệm trong việc giết ông Diệm và ông Nhu. Mỗi khi vấn đề được nêu lên, Tướng Minh thường cố gắng lôi kéo Tướng Đôn vào. Trong thời gian bị lưu đày ở Bangkok (1965 - 1968), ông Minh đã nói với một linh mục Công Giáo rằng ông ta không có trách nhiệm và khuyên vị này nên hỏi Tướng Đôn. Ông Đôn cũng cho biết, sau cuộc chỉnh lý, Tướng Khánh có lệnh cho nhân viên an ninh điều tra xem ai đã ra lệnh giết ông. Diệm và ông Nhu. Đại úy Nhung trả lời rằng Tướng Minh đã ra lệnh cho ông.(9) Trong cuốn Our Vietnam Nightmare, nữ ký giả Marguerite Higgins viết rằng trong cuộc nói chuyện với một người Mỹ nhiều tháng sau cuộc đảo chánh, Tướng Big Minh, từng đứng đầu Hội Đồng Quân Nhân, nhưng chính ông ta lại phải lưu vong, đã tuyên bố trắng ra rằng "Chúng tôi không có cách nào khác. Họ phải bị giết."
Tướng Dương Văn Minh có kể lại rằng Đại Sứ Cabot Lodge đã có lần nói với ông: "Nếu ông Diệm lưu vong thì bất cứ một Đại Tá nào cũng có thể đảo chánh để đưa ông Diệm về".
Trong một cuốn băng ghi lại cuộc thẩm vấn các tướng đảo chánh do các tướng "chỉnh lý" thực hiện, Tướng Dương Văn Minh kể lại rằng ngồi trong phòng họp chờ đợi mệt mỏi quá, ông vừa bước ra hành lang đứng thở thì Tướng Mai Hữu Xuân chạy đến đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh và nói "Mission accomplie" (Nhiệm vụ hoàn tất). Ông không xác nhận chính ông đã ra lệnh hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.
Thật ra, các tường lãnh Việt Nam không ai dám ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu nếu không có lệnh của Đại Sứ Henry Cabot Lodge. Việc Tướng Minh tiết lộ Đại Sứ Lodge nói nếu để ông Diệm lưu vong thì bất cứ một Đại Tá nào cũng có thể làm đảo chánh để đưa ông Diệm về, cho thấy Đại Sứ Lodge đã quyết định hạ sát ông Diệm và ông Nhu.
Khi cuộc đảo chánh bắt đầu, Lucien Conein đã đến ngồi ở ghế của Đại Tướng Lê Văn Tỵ để chỉ huy, nên việc quan trọng này chắc chắn không thể không có quyết định của Lucien Conein. Tướng Trần Văn Đôn thuật lại rằng khi tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã thoát ra khỏi Dinh Gia Long, Lucien Conein đã nổi giận và ra lệnh phải tìm lại bằng mọi giá.
Việc hạ sát Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, cũng phải có lệnh của Lucien Conein. Trong công điện ngày 5.10.1963 gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đại sứ Cabot Lodge đã dành một đoạn để đề cập đến những người được coi là nguy hiểm nhất ở miền Nam. Dương Văn Minh cho rằng có ba người nguy hiểm nhất là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Dương Văn Hiếu. Lucien Conein lưu ý Dương Văn Minh rằng Lê Quang Tung đáng sợ hơn. Điều này chứng tỏ Lucien Conein đã coi Lê Quang Tung là một thành phần tuy hiểm cần phải thanh toán.
Nhiều người đã chỉ trích Tướng Dương Văn Minh là hèn nhát, không dám công khai lãnh nhận trách nhiệm. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự thật còn tệ hại hơn sự hèn nhát nữa: lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu một khi được tiết lộ ra thì "chính nghĩa" của cuộc đảo chánh cũng như của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam không còn nữa!
Trong cuốn "Việt Nam: một trời tâm sự", Tướng Thi nói rằng khi bị tạm giam tại Bộ Tổng Tham Mưu, Thiếu Tá Nhung đã lấy dây giày thắt cổ tự sát. Nhưng năm 1968, khi đang học ở Washington DC, tôi hay đến chơi với Tướng Thi. Có lần ông nói với tôi: "Tôi đã ra lệnh giết thằng Nhung. Cái thằng khốn nạn!" 
• Đảo chánh và tiền thưởng hay tiền thuê?
Trong công điện ngày 30.10.1963 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gởi Đại Sứ Cabot Lodge, Ngoại Trưởng Bundy đã lưu ý rằng các tướng lãnh Việt Nam có thể cần một số tiền vào phút chót để mua chuộc phe chống đối, nên đưa cho họ một cách kín đáo. Ông nói rằng nên cho họ nếu cuộc đảo chánh được tổ chức chu đáo và có triển vọng thành công tốt đẹp. Khuyến cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã được Lucien Conein thi hành. Nhưng Lucien Conein đã không đưa một cách kín đáo mà xách tiền đến Bộ Tổng Tham Mưu ngồi gác chân lên bàn sai khiến đủ mọi thứ. Có lẽ Lucien Conein đã nghĩ rằng với các tướng lãnh Việt Nam thời đó, có tiền thì việc gì cũng xong.
Số tiền 6 triệu mà Lucien Conein đem đến Bộ Tổng Tham Mưu ngày 1.11.1963 đã đưa cho Tướng Trần Văn Đôn 3 triệu và Tướng Tôn Thất Đính 3 triệu. Vụ chia tiền do Lucien Conein đưa đã gây nhiều tai tiếng nên năm 1971, Tướng Trần văn Đôn đã ra lệnh cho Thiếu Tá Đặng Văn Hoa biên nhận số tiền mà ông đã chia. Thiếu Tá Hoa có làm một Phiếu trình đề ngày 14.8.1971 cho biết số tiền này đã đưa cho Tướng Trần Thiện Khiêm 500.000$, Tướng Tôn Thất Đính 600.000$, Tướng Lê Nguyên Khang 100.000$, Tướng Nguyễn Văn Thiệu 50.000$, Đại Tá Trần Ngọc Huyến 100.000$, Thiếu Tá Phan Hòa Hiệp 100.000$ và Đại úy Đào Ngọc Diệp 100.000$. Tổng cộng 1.550.000$. Số tiền còn lại là 1.450.000$ được chia riêng cho các Tướng Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có, Trần Ngọc Tám, Nguyễn Khánh và Đỗ Cao Trí. Dương Văn Minh còn được hưởng số tiền 6.000 Mỹ kim tìm thấy trong cặp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Trong một cuốn băng ghi lại cuộc thẩm vấn các tướng đảo chánh, Tướng Nguyễn Chánh Thi có hỏi Tướng Tôn Thất Đính:
- Lucien Conein đưa cho chú bao nhiêu?
- Lucien Conein có đưa 3 triệu và nói cần thêm bao nhiêu cũng có.
- Số tiền đó chú mần chi hết rồi?
- Tui chia cho anh em hết rồi.
Sự thật đã rõ ràng.
Đọc các văn thư trao đổi giữa Tổng Thống Kennedy, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam liên hệ đến vụ đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm do Ngũ Giác Đài công bố, nhiều người đã thắc mắc không hiểu tại sao nội dung của các văn thư này có nhiều đoạn mâu thuẫn nhau, khi úp khi mở, gần như không có một đường lối rõ ràng nào cả. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, Lucien Conein chửi bới lung tung còn Tổng Thống Kennedy lại tỏ ra ưu sầu buồn bã, tức giận. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng các văn thư đó đã được viết với cung cách của những văn kiện tình báo, các văn kiện này sẽ được lưu lại trong hồ sơ, nên những người chủ mưu đã cố ý trình bày vấn đề nửa úp nửa mở để về sau các đối thủ hay những nhà phân tích không thể căn cứ vào đó để chỉ trích những sơ hở đáng tiếc của họ. Thái độ của Lucien Conein và Tổng Thống Kennedy chỉ là thái độ của một kịch sĩ trên sân khấu. Mọi sự đã được quyết định dứt soát, không có mâu thuẫn hay do dự nào cả.
TỪ CHỦ ĐỘNG TỚI CÔNG CỤ 
Qua các sự kiện đã được trình bày trên, chúng ta thấy mục tiêu tranh đấu mà nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đưa ra chỉ là mục tiêu biểu kiến. Những điều mà họ phản kháng không có căn bản vững chắc. Mục tiêu thật sự của họ là lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, còn vụ Phật Giáo chỉ là một chiêu bài. Một số chi tiết liên quan đến cuộc đảo chánh cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã khởi xướng và chỉ huy cuộc đảo chánh. Chính phủ Hoa Kỳ đã muốn thay thế Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ 1960 vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm không đồng ý cho Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam Việt Nam và thiết lập các căn cứ quân sự. Vụ Phật Giáo đã trở thành một cơ hội tốt được Hoa Kỳ khai thác để thực hiện chính sách xâm nhập vùng Đông Nam Á. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy cả báo chí lẫn chính phủ Hoa Kỳ đã cố tình thổi phồng vụ Phật Giáo như một một cái cớ (pretext) để biện minh cho chủ trương lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm của Hoa Kỳ. Cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm tuy do các tướng lĩnh Việt Nam thực hiện, nhưng Đại Sứ Cabot Lodge đã ra lệnh cho Trung Tá Lucien Conein đứng ra tổ chức và chỉ huy từ đầu đến cuối. Chính Đại Sứ Henry Cabot Lodge là người đã ra lệnh cho Tướng Dương Vãn Minh hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Sau khi làm đảo chánh, các tướng lãnh Việt Nam đều được lãnh tiền thù lao hay tiền công.
Về phía Việt Cộng, Khu ủy Trị - Thiên - Huế nhìn nhận rằng trong cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm này, vì phong trào bị đẩy lên quá nhanh, họ không đi theo kịp, nên đã bị dẫn đi trật hướng. Sự đẩy nhanh này là do bàn tay của Hoa Kỳ mà Việt Cộng không đoán trước được. Bản kiểm điểm đã viết như sau:
"Cuộc đấu tranh với quy mô lớn nhất nổ ra quyết liệt ngày 5 tháng 8 năm 1963 lôi cuốn hàng vạn quần chúng, có một số tầng lớp trên và binh sĩ ngụy tham gia, đã tiến hành mít tinh làm cho địch phải dùng súng đạn, kể cả đạn đại bác để đàn áp. Phong trào đấu tranh nhanh chóng bùng lên, thu hút hàng chục vạn người từ thành thị đến nông thôn khắp cả tỉnh, đấu tranh quyết liệt với địch trong 3 tháng liền. Nhưng do "lãnh đạo của ta không đi kịp quần chúng, tổ chức không đi kịp "phong trào" nên bọn cơ hội đầu hàng trong giới cầm đầu Phật Giáo lái đi lệch hướng.
Cuộc đấu tranh này tuy mang màu sắc tôn giáo, nhưng thực chất là cuộc đấu tranh cách mạng của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động ở thành thị, nông thôn chống lại chính sách chiến tranh tàn bạo của Mỹ - Diệm.
Phong trào đấu tranh quần chúng dưới danh nghĩa "phong trào Phật giáo" ở Huế đã mở đầu cho phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ ở các thành thị miền Nam và đã đẩy chế độ Mỹ - Diệm từ trạng thái không ổn định đi đến tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, kể cả những nơi mà chúng coi là dinh luỹ cuối cùng."(11)
Về phía Phật Giáo, Thượng Tọa Thích Trí Quang và các lãnh tụ Phật Giáo khác thuộc chùa Từ Đàm ở Huế đã đi từ thế chủ động qua thế bị động, trở thành công cụ của Hoa Kỳ lẫn Việt Cộng. Sau này, khi Hoa Kỳ hết xử dụng lá bài Phật Giáo, bật đèn xanh cho Tướng Nguyễn Cao Kỳ dẹp bỏ, Thượng Tọa Thích Trí Quang vẫn nghĩ rằng báo chí và chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Phật Giáo như trước, nên đã đánh điện kêu cứu!
Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các lãnh tụ Phật Giáo chùa Từ Đàm tin rằng chính sự nổi dậy của Phật Giáo đã làm chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, nên say men chiến thắng, gây nhiều biến loạn đau thương cho cả Phật Giáo lẫn quê hương. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ đề cập trong phần nói về cuộc thánh chiến thứ hai và thứ ba.