Chương I
LÝ DO, MỤC TIÊU, CHIÊU BÀI PHÁT ĐỘNG THÁNH CHIẾN

LÝ DO VÀ MỤC TIÊU
Quan sát các cuộc thánh chiến được phát động tại Việt Nam trong suốt 30 năm qua, các nhà phân tích đều đồng ý rằng đằng sau các cuộc thánh chiến đó có rất nhiều bí ẩn cần phải được nghiên cứu để phát hiện. Người ngoại cuộc nhìn vào các cuộc thánh chiến đó tưởng rằng đây chỉ là những cuộc tranh đấu đòi quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo, đòi tự do dân chủ, nhân quyền..., nhưng nhìn các chiêu bài được xử dụng cũng như các chiến lược và chiến thuật đã được áp dụng, chúng ta thấy có nhiều hiện tượng không bình thường. Tại sao có các cuộc thánh chiến này? Các cuộc thánh chiến đó được phát động nhắm mục đính gì? Câu trả lời có lẽ không có gì quá khó khăn.
NHẬN ĐỊNH CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM
Karl Marx đã tuyên bố:
"Xóa bỏ tôn giáo, một thứ hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân, là đòi hỏi hạnh phúc thật sự của nhân dân."(2)
Lénine coi Thiên Chúa Giáo là đối tượng nguy hiểm nhất cần phải thanh toán, sau đó là Hồi Giáo. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng nhận định rằng Thiên Chúa Giáo là một trở ngại lớn lao trên con đường tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Chính Thiên Chúa Giáo là bức thành ngăn chận không cho chế độ cộng sản lan qua Âu Châu và Mỹ Châu, và đang gây khó khăn cho việc cộng sản hóa toàn bộ nước Việt Nam. Trong thời gian lưu vong chống Pháp, Hồ Chí Minh đã viết vô số bài chống Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam. Một số bài này được đăng lại trong bộ Hồ Chí Minh Toàn Tập do nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội ấn hành. Vậy phải tìm mọi cách loại bỏ Thiên Chúa Giáo hay vô hiệu hóa mọi hoạt động của tôn giáo này. Tại Việt Nam, Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo cũng là hai trở ngại cho việc cộng sản hóa Việt Nam, nên hai tôn giáo này cũng là mục tiêu thanh toán như Thiên Chúa Giáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA MỘT SỐ TĂNG NI, PHẬT TỬ CỰC ĐOAN MIỀN TRUNG
Một số tăng ni và Phật tử miền Trung gốc Bình-trị-thiên theo tông phái Phật Giáo Ấn Quang, nhất là nhóm theo Hòa Thượng Thích Trí Quang, cho rằng đạo Thiên Chúa mới xâm nhập vào Việt Nam khoảng bốn thế kỷ mà đã chiếm được ưu thế về chính trị, văn hóa và xã hội, gây biến dạng văn hóa cổ truyền Việt Nam. Vậy phải tìm mọi cách để ngăn chận lại. Trong bài Dân Tộc và Phật Giáo cuối thế kỷ 20 đăng trên Bông Sen số 17, Lý Khôi Việt đã diễn tả khá đầy đủ ý nghĩ đó:
"Chính trị Việt Nam suốt 100 năm này, đã dành một số phận đen tối, khắc nghiệt nhất cho những đứa con Việt Nam ưu tú (tức Phật Giáo) và dành một chỗ ngồi ưu đãi nhất cho những đứa con phản bội xấu xa (tức Thiên Chúa Giáo)."
Từ những nhận định tương tự như thế, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã đưa ra chủ thuyết PHẬT GIÁO và DÂN TỘC để hành động. Họ lập luận rằng Phật Giáo và dân tộc đã gắn liền với nhau. Vận mệnh của đất nước đi liền với vận mệnh của Phật Giáo. Vậy muốn cứu vãn dân tộc, chỉ có một con đường duy nhất là đưa Việt Nam trở lại thời đại Lý-Trần, Phật Giáo là quốc giáo, các Hòa Thượng làm Quốc Sư. Muốn tiến tới mục tiêu đó, trước tiên phải siêu việt hóa Phật Giáo và cổ võ việc loại trừ Thiên Chúa Giáo, một tôn giáo bị coi là "đạo ngoại lai". Chủ thuyết này đã được đa số các tăng sĩ của nhóm Phật Giáo cực đoan nhai đi nhai lại như con vẹt, không cần biết chủ thuyết đó có căn cứ hay không.
CÁI THẾ LIÊN ỨNG
Nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung chống Thiên Chúa Giáo nhận thấy họ không đủ khả năng ngăn chận Thiên Chúa Giáo vì thiếu tổ chức và không được sự yểm trợ của đồng bào trong nước cũng như quốc tế. Vậy chỉ còn một cách là mượn bàn tay Cộng Sản. Giữa Phật Giáo và Cộng Sản có những mục tiêu bất khả dung hợp, nhưng một số nhà điều khiến chiến dịch lý luận rằng có thể mượn bàn tay Cộng Sản để đánh bại Thiên Chúa Giáo rồi sau đó dùng Phật Giáo để "hóa giải" Cộng Sản.
Phía Cộng Sản rất nhạy cảm, họ nhận ra được những ý định của một số tín đồ Phật Giáo cực đoan nên tương kế tựu kế: Dùng chiến tranh tôn giáo để gây suy yếu hàng ngũ chống cộng và kiềm chế Thiên Chúa Giáo, sau đó khống chế Phật Giáo.
Vì lý do nói trên, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã phối hợp với Cộng Sản rất chặt chẽ trong việc đánh phá miền Nam Việt Nam và Thiên Chúa Giáo, nhất là trong các cuộc "thánh chiến" được phát động từ 1963 - 1966 tại miền Trung. Chúng tôi sẽ chứng minh sự phối hợp chặt chẽ nầy ở các chương sau.
CHIÊU BÀI XỬ DỤNG
Trong phương thức đấu tranh cho quyền lợi của phe phái mình, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung trong tông phái Phật Giáo Ấn Quang đã xử dụng phương châm của Karl Marx mà những người cộng sản thường áp dụng, đó là phương châm "Cứu cánh biện minh phương tiện" (la fin justifie les moyens), nghĩa là dùng bất cứ phương tiện gì, dù tốt hay xấu, miễn là đạt được cứu cánh thì thôi. Vì thế, chúng ta thấy nhóm nầy đã không ngần ngại xử dụng phương thức của Phát-xít Đức.
Hitler, khi muốn kích động dân tộc Đức đứng lên dành quyền bá chủ thế giới, đã đưa ra thuyết "chủng tộc vượt trội" (master race), coi chủng tộc Đức vượt lên trên tất cả các chủng tộc khác. Căn cứ vào chủ thuyết nầy, Hitler đã phát động chiến dịch đề cao chủng tộc Đức và hô hào diệt chủng tộc Do Thái để gây động lực đấu tranh.
Phương thức đó đã được nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung áp dụng khi phát động đấu tranh: Tuyên truyền Phật Giáo là một tôn giáo siêu việt còn các tôn giáo khác, nhất là Thiên Chúa Giáo, đều là những thứ "tà đạo", đang bị đào thải qua quá trình lịch sử.
Sau khi siêu việt hoá Phật Giáo, nhóm này đưa ra chủ thuyết ĐẠO PHÁP và DÂN TỘC để đồng hóa Phật Giáo với dân tộc Việt Nam và đòi chiếm địa vị độc tôn.
Để thực hiện sứ mạng Phật Giáo hóa Việt Nam, đưa Phật Giáo lên nắm địa vị ưu thắng trong nền chính trị quốc gia cần phải có một nhóm Phật Giáo siêu việt, thuộc loại "đỉnh cao của trí tuệ loài người" như kiểu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhóm này không ai khác hơn là các tăng sĩ miền Trung gốc Bình - Trị - Thiên trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang.
DÙNG THUYẾT PHẬT GIÁO SiÊU VIỆT VÀ ĐỘC TÔN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM LÀM CHIÊU BÀI.
Các nhà phát động đấu tranh của tông phái Phật Giáo Ấn Quang luôn luôn tuyên bố Phật Giáo là đạo dân tộc, dân tộc là Phật Giáo và truyền thống dân tộc là truyền thống Phật Giáo. Thời kỳ quang vinh nhất của dân tộc Việt Nam là thời đại Lý - Trần, một thời đại do Phật Giáo nắm vận mệnh quốc gia. Vậy phải trở về với tình trạng Phật Giáo của thời Lý - Trần, nghĩa là đưa Phật Giáo lên hàng quốc giáo, chính quyền tuân theo chính sách của Phật Giáo, Việt Nam mới có hòa bình, tự do dân chủ và phú cường. Sau đây là quan điểm của một số tác giả về căn bản của chủ thuyết Phật Giáo siêu việt và độc tôn của dân tộc Việt Nam:
Lý Khôi Việt:
"Có thể nói đạo Phật ngày nay vẫn là chủ đạo văn hóa của quốc dân Việt Nam như trong thời Phật Giáo thịnh trị khác... Phật Giáo là chủ đạo văn hóa ưu thắng của Việt Nam, nghĩa là của đại đa số dân chúng tin theo và chi phối các sinh hoạt xã hội..."
"Trên lãnh vực chính yếu của mình, văn hóa Phật Giáo đã vừa thực hiện một thành tích kỳ diệu: nó đã cùng nền văn hóa dân tộc đánh bại một cách toàn diện và dứt khoát văn hóa Mac-xít"(3)
Phan Quang Độ:
"Phật Giáo đã thích nghi một cách kỳ diệu với tất cả mọi nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau,... Trong tiến trình thích nghi, hòa nhập nầy, hoàn toàn không có chiến tranh, không có xâm lăng không có giết hại, không có áp bức và đau khổ như tiến trình thiên chúa giáo hóa tại Việt Nam cũng như tại các nơi khác."(4)
Phan Quang Độ đã quả quyết rằng các thời đại Ngô, Đinh, Lý, Trần đưa nước vào thời kỳ vinh quang là nhờ tôn Phật Giáo làm quốc giáo và được Phật Giáo giúp đỡ. Cuối cùng, Phan Quang Độ kết luận:
"Việt Nam hôm nay mà phục hưng được chánh pháp, chính quyền biết lãnh đạo quốc gia trong tinh thần từ bi, bao dung, khai phóng của đạo Phật thì chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển thần kỳ như những con rồng khác tại Á Châu và kỷ nguyên quang hưng sẽ đến với quê hương ta"(4)
Đọc những đoạn vừa trích dẫn trên, người đọc có cảm tưởng như vừa đọc cuốn "Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng," chỉ khác là hai chữ "Cộng Sản" được thay bằng hai chữ "Phật Giáo".
KÍCH ĐỘNG LÒNG CĂM THÙ THIÊN CHÚA GIÁO NHƯ LÀ ĐỘNG LỰC ĐẤU TRANH.
Khi Phát-xít Đức đưa dân tộc Đức lên tận mây xanh, họ đã nhận chìm dân tộc Do Thái xuống tận đáy bùn đen. Một nhóm lý thuyết gia thuộc tông phái Phật Giáo Ấn Quang, sau khi siêu việt hóa Phật Giáo, cũng đã đối xử như vậy đối với Thiên Chúa Giáo:
Phan Quang Độ:
"Và Vatican được hiểu như một đế quốc cũng từ đặc tính độc tôn văn hóa và diệt chủng văn hóa của các dân tộc khác: những nhà truyền giáo TCG La Mã đã hủy diệt nền văn minh Maya cổ đại của dân tộc Mễ Tây Cơ, tàn phá kim tự tháp khổng lồ của nền văn minh nầy và giết hại hàng chục triệu người dân Mễ Tây Cơ và Nam Mỹ. "
"Thiên chúa giáo Việt Nam không ra ngoài đặc tính nầy: không chấp nhận thích nghi văn hóa, chỉ muốn đi đồng hóa kẻ khác, kể cả bằng bạo lực, súng đạn hay mua chuộc bằng tiền bạc, danh lợi, hay tồi tệ hơn, cả bằng tình yêu và hôn nhân của con cái và mặt khác, thích nghi rất quỷ quyệt về chính trị để hướng đến mục tiêu tối hậu là cướp chính quyền và dùng chính quyền để bành trướng đạo thiên chúa. "
"Hơn 100 năm nay, Phật Giáo và dân tộc đã không ngừng tranh đấu, hy sinh chống lại xâm lăng, tàn phá của đế quốc Vatican và đế quốc cộng sản."(5)
Lý Khôi Việt:
"Việt Nam đang trở lại tình trạng bất công của thời thực dân nô lệ, đó là tôn giáo thiên chúa giáo, một tôn giáo có bản chất độc đoán, bất khoan dung, có truyền thống ngoại lai, vong bản, tay sai ngoại bang, có lịch sử phản quốc đã nhiều lần bán đứng đất nước cho các thế lực xâm lăng thì lại được chính quyền ưu đãi, vuốt ve, thỏa hiệp..."
"Vì có tín đồ thiên chúa giáo VN thần phục mù quáng Vatican, đang làm việc phản quốc và phá hủy văn hóa dân tộc, phá hủy Tổ Quốc, nhưng họ lại tưởng là đang xây dựng tốt đẹp đất nước, như những tín đồ Việt Nam khờ dại, cuồng tín của chủ nghĩa Mác, đã từng nghĩ như thế suốt 60 năm qua."
"Đế quốc thiên chúa giáo La Mã mưu đồ khống chế Việt Nam về tôn giáo, tinh thần, văn hóa, chính trị và kinh tế. Nếu đa số người Việt Nam theo đạo thiên chúa thì Việt Nam, được hiểu như một quốc gia có văn hóa đặc thù độc lập, sẽ bị hủy. Họ sẽ viết lại lịch sử Việt Nam theo nhãn quan của họ như đã từng sửa đổi ngụy tạo lịch sử giáo hội La Mã, cuộc đời của chúa Christ và cả thánh kinh, họ sẽ tiêu hủy nền văn hóa độc sáng Việt Nam, như đã tiêu hủy các nền văn hóa đặc thù của dân Mễ Tây Cơ và các dân tộc khác tại Nam Mỹ..., họ sẽ áp dụng một chế độ độc tài bất khoan dung và hết sức khắc nghiệt, tàn bạo và Việt nam sẽ chỉ là một thuộc địa của các lãnh chúa áo đen như thời Trung Cổ man rợ như đã thấy dưới sự thống trị của các ông cố đạo và của đảng Cần Lao. Và là một sự nô lệ càng khó gỡ hơn cả sự nô lệ vào đế quốc Trung Hoa."(6)
Trong các bài viết, khi viết hai chữ Phật Giáo, Lý Khôi Việt và Phan Quang Độ luôn viết bằng chữ hoa, còn ba chữ Thiên Chúa Giáo hay Đạo Thiên Chúa được viết bằng chữ thường!
Nếu Thiên Chúa Giáo tồi tệ như thế, làm sao có số tín hữu trên thế giới hiện nay lên đến khoảng 1.783.660.000 người, trong khi số tín đồ Phật Giáo chỉ có 309.127.000? Nhưng chúng ta không nên mất thì giờ để tranh luận về những điểm mà nhóm Bông Sen đã nêu ra ở trên, vì nói theo kiểu của Luật Sư Phạm Nam Sách khi phê phán các luận điệu của một lý thuyết gia cộng sản, những lập luận đó "rặt toàn lời lẽ tuyên truyền, nói lấy được, nói vô tội vạ, ta gọi là khẩu thuyết vô bằng, còn Tây gọi là "parler pour ne rien dire".
QUAN NIỆM CHỈ CÓ TÔNG PhÁI PHẬT GIÁO ẤN QUANG LÀ PHẬT GIÁO CHÍNH THỐNG VÀ ĐẠI DIỆN CHO PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Trước 30.4.1975, tại miền Nam đã có 45 Giáo Hội và Hiệp Hội Phật Giáo hoạt động hợp pháp. Chỉ có Giáo Hội Ấn Quang hoạt động ngoài vòng pháp luật. Hiện nay, theo nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cho biết ở trong nước có đến 22 tông phái Phật Giáo. Nhưng qua những lời tuyên bố cũng như hành động của của nhóm Phật Giáo miền Trung cực đoan trong tông phái Ấn Quang từ 1963 đến nay, chúng ta thấy rằng nhóm này muốn rằng chỉ có tông phái Phật Giáo Ấn Quang mới được coi là Phật Giáo chính thống và đại diện duy nhất cho toàn thể Phật Giáo Việt Nam. Trong công văn "tuyệt mật" mang số L06/PA 15 - 16 ngày 18.8.1992 được mạo hóa một cách rất vụng về, nhóm này đã mượn danh nghĩa. "Công An Tỉnh Quảng Trị" để ca tụng "Giáo Hội Phật Giáo. Việt Nam Thống Nhất (Phật Giáo Ấn Quang) là giáo hội chủ lực trong các giáo phái". Những nhóm hay tông phái khác không muốn gia nhập vào tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang thường bị lên án nặng nề như Việt Gian, tay sai chính quyền, gây chia rẽ Phật Giáo, v.v. Một số tông phái đã bị tấn công bằng vũ lực như trường hợp của Hòa Thượng Thích Từ Quang, Viện Trưởng Hoằng Pháp của Tổng Giáo Hội Việt Nam được thành lập do Sắc Luật số 001/64 ngày 8.2.1964 hay trường hợp của ban lãnh đạo Viện Hóa Đạo Việt Nam Quốc Tự bị bắt giam và Thượng Tọa Thích Tâm Châu bị mưu sát.
Nhìn chung, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung gốc Bình-trị-thiên đã bắt chước phương pháp đấu tranh của Cộng Sản khi mưu tìm một địa vị chính trị ưu thắng trong quốc gia. Trong khi Đảng Cộng Sản Việt Nam đem "chủ thuyết Mác-Lênin ưu việt" và "bách chiến bách thắng" để áp đặt thì nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã thay thế chủ thuyết Mác-Lênin bằng chủ thuyết "Phật Giáo siêu việt và độc tôn" của dân tộc Việt Nam. Cộng Sản dùng "giai cấp đấu tranh" làm động lực cho cuộc cách mạng, còn nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung lấy sự kích động lòng căm thù Thiên Chúa Giáo làm động lực. Đảng Cộng Sản Việt Nam quan niệm chỉ có Đảng là "đội tiên phong của giai cấp công nhân tổ chức và lãnh đạo" mới có thể đưa cuộc cách mạng tới thành công, còn nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung cho rằng chỉ có các tăng sĩ miền Trung gốc Bình-trị-thiên trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang mới có khả năng đưa Phật Giáo Việt Nam lên địa vị ưu thắng trên chính trường. Rập khuôn theo phương pháp của Cộng Sản, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã và đang đưa Phật Giáo và dân tộc đi về đâu? Đây là những vấn đế chúng tôi sẽ đề cập trong các chương sau
NHÌN VÀO THỰC TẾ
Sau khi trình bày lý do, mục tiêu và chiêu bài của các cuộc thánh chiến đã và đang được phát động, chúng ta thử khảo sát qua về chủ thuyết Phật Giáo và Dân Tộc, tình trạng Phật Giáo dưới thời Lý - Trần, tình trạng Phật Giáo trong một trăm năm qua cũng như sự du nhập và phát triển của Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam để xem lập luận của nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung trong Giáo Hội Ấn Quang có đứng vững không. Những hành động và những hậu quả do chủ trương của nhóm này đem lại sẽ được trình bày trong các chương tiếp theo.
I.- CHỦ THUYẾT PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC
Trong tiến trình cộng sản hóa Việt Nam, Việt Cộng thường dùng chiêu bài "NHÂN DÂN" để hành động. Tịch thu tài sản của địa chủ và tư sản mại bản để đưa vào hợp tác xã, Việt Cộng gọi là "cuộc cách mạng dân chủ nhân dân". Các tổ chức và cơ quan công quyền của Việt Cộng luôn được được ghép hai chữ "Nhân Dân" đằng sau, như Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Tòa án Nhân Dân, Viện Kiểm Sát Nhân Dân v.v.. Bắt chước Việt Cộng, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang thường tự đồng hóa Phật Giáo với "DÂN TỘC" để hành động. Chúng ta thử xét qua nội dung của chủ thuyết Phật Giáo và dân tộc, những yếu tố mà nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã dựa vào để đưa ra chủ thuyết này và những hệ quả do chủ thuyết đó đem lại.
NỘI DUNG CHỦ THUYẾT PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC
Chúng ta chưa tìm thấy được một bản văn nào trình bày đầy đủ về chủ thuyết Phật Giáo và dân tộc. Chúng ta chỉ tìm thấy ý niệm đó trong những lời phát biểu của một số tăng sĩ và Phật tử trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang.
Đến dự tang lễ của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu tại chùa Linh Mụ ngày 3.5.1992, Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã phát biểu: "Pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo là Chính Pháp của 2.000 năm lịch sử đạo lý và văn hiến trên đường mở nước và dựng nước. Cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo là nông thôn, thành thị, núi rừng, là hải đảo dưới ánh hào quang của Trí Tuệ và Từ Bi. Địa vị của Phật Giáo là 80% dân chúng, già, trẻ, lớn, bé.
Thương Tọa Thích Quảng (Độ?), trong một bài phỏng vấn dành cho tạp chí Bông Sen đăng trên số 17, đã tuyên bố:
"Bất cứ nhà cầm quyền nào trước hay sau 75 hay sau 95, hay là sau năm hai ngàn đi nữa, GHPGVN vì tự thấy mình là hiện thân của dân tộc, vì tự thấy mình là dân tộc cho nên có bổn phận phải nói tiếng nói của dân tộc. "
Phan Quang Độ viết trong bài Phật Giáo và Chính Quyền đăng trong Bông Sen số 17:
"Truyền thống quật cường bất khuất của dân tộc và truyền thống hy sinh đồng lao cộng khổ với dân tộc của Phật Giáo qua suốt bao thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục suốt 20 thế kỷ đã biên Phật Giáo bất khả phân ly với dân tộc. Và vì vậy, khi dân tộc còn đau khổ, Phật Giáo còn hy sinh, khi dân tộc được vinh quang, Phật Giáo sẽ rạng rỡ. Điều này đã chứng minh trong 2.000 năm qua, đã thấy rõ trong hiện tại và sẽ hiển sinh trong tương lai sắp đến."
CĂN BẢN CHỦ THUYẾT PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC
Qua các lời phát biểu nói trên, chúng ta nhận thấy nhóm Phật Giáo miền Trung đã căn cứ vào hai yếu tố sau đây để xác định Phật Giáo là dân tộc: Tín ngưỡng của người Việt Nam và sự đóng góp của Phật Giáo cho đất nước. Chúng ta sẽ khảo sát qua hai yếu tố này.
TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM: MÊ TÍN DỊ ĐOAN VÀ TÔN GIÁO HÒA ĐỒNG
Cuốn The Almanac of the Chirstian World 1993 - 1994 cho biết số tín đồ của các tôn giáo tại Việt Nam như sau:
- Không tôn giáo hay vô thần: 22,5%
Phật Giáo: 54% với ghi chú: có nhiều thành phần, đa số theo luôn cả Khổng Giáo, thờ thần linh và phù thủy (đạo Lão)
- Phật( Giáo Hòa Hảo và Cao Đài: 11% (Hòa Hảo 1.800.000, Cao Đài 3.600.000)
- Thờ thần linh (dân tộc thiểu số): 4%.
- Thiên Chúa Giáo: 7,5% 
Cuốn niên giám này không cho biết xuất xứ của tài liệu thống kê nói trên. Nhưng thông thường khi muốn biết các tài liệu liên quan đến dân số hay tình trạng xã hội của một quốc  gia, các nhà làm niên giám thường xin thẳng tài liệu của quốc gia liên hệ, nên chúng ta có thể tin tài liệu đó do nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cung cấp, vì hiện nay không có cơ quan nào được phép làm cuộc kiểm kê đó.
Số người được gọi là "vô thần" trong bảng thống kê, trước tiên phải kể đến các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam và những thành phần hiện nay đang được coi là "đối tượng đảng". Những người này chính thức khai không có theo tôn giáo nào, ít ra là trước mặt đảng. Thành phần còn lại là những người khai không tôn giáo trong đơn xin Chứng Minh Nhân Dân (thẻ căn cước).
Số tín đồ Phật Giáo hiện nay là một vấn đề đang được tranh luận. Các nhà lãnh đạo Phật Giáo thường cho rằng số tín đồ Phật Giáo ở trong nước chiếm đến 80% dân số. Nhưng vấn đề không giản dị như vậy. Người Việt Nam đa số vừa theo Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo, vừa tin thần linh, bói toán và phép phù thủy. Chúng ta thử phân tích tình trạng tôn giáo tại Việt Nam để xem tôn giáo của đa số người Việt Nam là tôn giáo nào và tại sao người Việt Nam theo tôn giáo đó.
a) Khái niệm về mê tín dị đoan và Tam Giáo hòa đồng trong tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt Nam.
1.- Mê tín dị đoan và đạo thờ thần trong tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt Nam
Trình Văn Thanh đã viết về bối cảnh tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt Nam như sau:
"Trước kỷ nguyên Tây lịch, Trung Hoa cũng như hầu hết các dân tộc khác đều sùng bái thiên nhiên. Họ quan niệm rằng mỗi bộ phận của thiên nhiên đều có linh hồn, linh hồn đó không biết được lẽ sống của loài người nên trước cuộc sống quá chật vật, gian nan, họ tôn thờ cúng bái và đặt những linh hồn thiêng liêng đó là thần linh như Thần Thái Dương, Thần Mặt Trăng, Thần Gió, Thần Lửa, Thần Sấm, Thần Chớp, Thần Núi, Thần Sông,...
"Vị có quyền uy tối linh tối thượng, có quyền tạo sinh tạo sát cho vạn vật muôn loài là ông Thiên. Nếu ở Thiên Đình gọi là Ngọc Hoàng, ở hạ giới gọi là Hoàng Đế. Người ở chức vị Thượng Đế rất to lớn và công minh. Trong Kinh Thư có nói: "Duy Hoàng Thượng Đế giáng trung vu hạ dân: Thượng đế rất lớn ban sự công bình không thiên lệch cho nhân dân" Vị Thiên này rất trừu tượng nhưng là não tủy cai quản các thần, cai quản cả luật pháp của người và vật: "Thiên sinh chúng dân hữu vật hữu tắc dân chi bỉnh ghi, hiếu thị ý đức: Trời sinh ra dân chúng, hễ có vật là có phép tắc, dân giữ cái tính thường còn; yêu báu cái đức tốt đẹp. "
"Ngoài sự tôn sùng, thờ cúng thần linh trên, người Trung Hoa còn thờ phụng ông bà tổ tiên và các anh hồn của những anh hùng vị quốc vong thân một cách trang trọng nữa."
"Đó cũng là những nét cố hữu tín ngưỡng dân tộc Việt Nam."(8)
Tại Việt Nam, hầu hết các làng đều có Đình. Mỗi đình thường có một Thành Hoàng. Nhưng cũng có đình thờ hai ba vị hay năm bảy vị một lúc, gọi là Phúc Thần, tức vị thần giáng phúc cho dân. Có làng còn thờ những thần rất kỳ lạ như thần Cụt đầu, thần ăn mày, thần ăn trộm, v.v... Những làng chưa có thần thì thờ Thổ Thần bản thổ hoặc thờ ngay người đã lập ra làng.
Đình là nơi thờ và cúng tế Đức Thành Hoàng, vị thần phù hộ làng. Miếu được dựng lên khắp nơi để quỷ thần an ngự. Ở đó phải cúng tế thường xuyên. Miễu là ngôi miếu thờ những người bất đắc kỳ tử gặp giờ linh. Tại những nơi hay xẩy ra tai nạn, dân chúng thường đặt một bàn thờ hay làm một cái miếu để xin thần linh phù hội cho tai nạn đừng xẩy ra. Ban là bàn thờ ở một ngôi miếu để thờ thêm một thần bộ hạ của vị thần chính.
Tại tư gia, người ta thường thấy bàn thờ gia tiên. Đa số người Việt tin linh hồn của tổ tiên bất diệt và lấy việc thờ cúng tổ tiên làm điều hiếu. Bàn thờ gia tiên đặt ngay ở chính giữa. Những nhà chật chội thì đóng một chiếc trang trên tường. Sau bàn thờ gia tiên là bàn thờ thần. Thần quan trọng nhất của mỗi nhà là Thổ Công, một vị thần trông coi gia cư và định họa phúc cho mỗi gia đình. Bàn thờ Thổ Công là một hương án, tức bàn để đốt hương cúng tế. Hương án kê liền với hậu trường nhà. Sau Thổ Công là Thần Tài, vị thần mang lộc tới cho gia đình, rồi đến Thánh Sư, ông tổ của nghề nghiệp, Đức Thánh Quan
Khấn vái là một cách xin thần thánh hộ phù với lới cam  kết sẽ thực hiện một điều gì để đáp lại. Bói toán được phổ cập trong nhân gian. Đây là một hình thức vấn sự, xin thần linh cho biết những chuyện đã, đang và sẽ xẩy ra. Bói trúng hay không là tùy thần có ứng hay không ứng, linh hay không linh.
Ngoài việc thờ thần, người Trung Hoa và Việt Nam còn nhiều mê tín dị đoan khác, như tục đi thề, kiêng kị (kiêng đầu năm, kiêng đầu tháng, có chửa kiêng cắt tiết gà...) chiêm đoán (xem chân giò, xem đầu gà, cầu mộng), chiêm nghiệm (xem thiên thời, điềm lạ, sự di chuyển của sao v.v.), phương thuật (trừ tà, trừ ác điểu, chữa bệnh, v.v.), độn số v.v
Thờ thần và những sự tin tưởng nhảm nhí nói trên là một hiện tượng phổ biến trong dân chúng từ lâu đời và hoàn toàn trái với giáo lý của Phật Giáo, nên không thể coi những người thờ thần linh và tin nhảm nhí là Phật tử đúng nghĩa.
2.- Vài nét về Nho Giáo
Nho Giáo do Khổng Tử lập ra. Khổng Tử húy là Khâu, tên chữ là Trọng Ni, sinh ở nước Lỗ năm 551 trước Tây Lịch, qua đời năm 479 trước Tây Lịch, thọ 72 tuổi.
Nho Giáo là đạo xử thế. Khổng Tử định rõ ba điều chính yếu sau đây:
- Những biến hóa của vũ trụ liên quan đến con người.
- Những diềng mối luân thường đạo lý của xã hội.
- Các nghi lễ trong việc tế tự: tế Trời, tế Đất và tế Quỷ Thần.
Đạo Nho là đạo làm người, tập cho loài người sống ra con người. Khổng Tử lấy Hiếu, Đễ, Trung, Thứ làm tôn chỉ và lấy sửa mình làm cốt cán. Khổng Tử không dạy những điều u ẩn huyền diệu khác với đạo thường mà lấy những điều hợp với bản tính loài người để dạy con người. Có người hỏi về sự sống chết, Khổng Tử trả lời: "Vị tri sinh, yên tri tử?", nghĩa là chưa biết được việc sống, làm sao biết được việc chết? Nói đến Quỷ thần, Khổng Tử bảo: "Quỷ thần kính nhi viễn chi ". Quỷ thần thì nên kính mà không nên đến gần.
Về tế tự, Nho Giáo chú trọng đến nghi lễ tế Trời. Trời được quan niệm như là một Chúa Tể càn khôn, sinh hóa muôn vật, chủ trì vận mệnh của vũ trụ và con người. Vua, tức Thiên Tử, mới có quyền tế Trời để cảm thông giữa Trời Đất với con người. Tục này có từ thời Phục Hy. Tại Huế, Vua Gia Long có xây một đàn Nam Giao (Nam là phương Nam. Giao là khoảng cách kinh thành 100 dặm) ở làng An Cựu, phía Nam thành phố Huế. Hàng năm vua tới đó để tế Trời, gọi là tế Nam Giao. Đến thời Pháp thuộc, ba năm mới tế một lần. Lần tế Nam Giao cuối cùng là ngày 29.3.1942 do vua Bảo Đại chủ tế.
Nhìn qua lịch sử, chúng ta thấy trong Tam Giáo, đạo Nho được người Trung Hoa cũng như người Việt Nam trọng hơn cả. Đạo Nho đã ăn sâu vào lối suy tư và nếp sống của người Việt Nam. Phật Giáo cũng có lúc thịnh, nhưng chỉ thịnh có một thời, rồi lại nhường chỗ cho Nho Giáo. Ngay cả trong thời cực thịnh của Phật Giáo như thời Lý-Trần, Nho Giáo cũng được dùng để trị quốc và giáo hóa dân. Khi đề cập đến Nho Giáo tại Việt Nam, Toan Ánh đã viết:
"Ảnh hưởng của Nho Giáo hiện nay vẫn còn vững chắc trong đời sống của dân chúng Việt Nam, và những phong tục của dân ta, rất nhiều bị chi phối bởi Nho Giáo, nếu không bắt nguồn hẳn từ Nho Giáo."
Thật ra, ngày nay Nho học không còn thực dụng và đã trở thành môn cổ học. Nho Giáo đã được cải biến. Trong tam cương (vua tôi, cha con, vợ chống) thì đạo quân thần (vua tôi) không còn nữa, nhưng đạo phụ tử, phu phụ vẫn được người Việt quý trọng. Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) vẫn còn là đạo làm người của người Việt Nam. Tứ hạnh (hiếu, đễ, trung, tín) và tứ duy (lễ, nghĩa, liêm, sỉ) của người con trai vẫn là tiêu chuẩn để đạt tới càng gần càng tốt. Trong tam tòng của người con gái thì trách nhiệm tòng phụ, tòng phu và tòng tử đã được giảm nhẹ đến mức tối thiểu. Người phụ nữ không còn bị ràng buộc chặt chẽ như ngày xưa, nhưng một sự buông lỏng hoàn toàn vẫn không được xã hội Việt Nam chấp nhận. Trong thiệp cưới vẫn còn mấy chữ "vâng lệnh song thân", v.v... Trong tứ đức thì công và dung đã thay đổi nhưng ngôn và hạnh vẫn là những mẫu mực của người con gái đoan chính.
Không phải THIỀN HỌC mà chính những cái còn lại của Nho Giáo đó đã giúp nền văn hóa và đạo đức của người Việt Nam không bị khủng hoảng trầm trọng khi tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương và xã hội chủ nghĩa.
3.- Vài nét về Lão Giáo
Lão Giáo phát sinh tử Lão Tử. Lão Tử người nước Sờ, họ là Lý, tên là Đam, sinh năm 604 trước Tây Lịch, qua đời năm 523 trước Tây Lịch, thọ 81 tuổi.
Lúc đầu, Lão Giáo là một môn triết học cao siêu. Lão Tử cho rằng ngay từ lúc hỗn mang chưa có Trời Đất thì đã có Đạo rồi. Đạo là hư vô, muôn vật do Đạo mà sinh ra. Muốn đạt tới mục đích của Đạo phải giữ lòng trong sạch, yên lặng, tự nhiên, không cần dùng tới trí lực. Tất cả được tóm lược trong mấy chữ "thanh tịnh vô vi".
Về sau, các đệ tử của Lão Tử thêm phần phép biến hóa và chế linh đan để thành tiên, trường sinh bất tử và phần thuật số, tu luyện đạo phù thủy, v.v... Vì thế, những người theo Lão Giáo được gọi là Đạo Sĩ. Các đạo sĩ tin rằng luyện được đạo phù thủy thì có thể sai khiến được âm binh, diệt trừ ma quỷ. Mỗi thầy phù thủy lập một ngôi Tĩnh để thờ các thần của đạo Lão và dùng làm nơi lập ấn bắt quyết, cầu khẩn khi trừ tà. Đồng cốt và Cô Hồn cũng do các đệ tử của Lão Tử bày ra. Đồng cốt thờ chư vị như Liễu Hạnh Công Chúa, Cửu Thiên Huyền Nữ, các vị hoàng tử, các cậu các cô, v.v... Không phải ai cũng có thể lập điện thờ hay lên đồng được. Chỉ những người có "căn đồng" mới làm được các việc này. Cô hồn là người gọi hồn cho những ai muốn gọi để cầu xin hay hỏi chuyện nọ chuyện kia. Hồn nhập vào xác người gọi nên xác người này được gọi là xác cậu hay xác cô và muốn xác này để nói. Phụ Tiên cũng là một hình thức gọi hồn, nhưng người nhập là một vị tiên chớ không phải âm hồn người chết như khi gọi hồn. Cô hồn thờ ông Chiêu và bà Dí, tức hai người có nhiệm vụ đi chiêu âm hồn muốn gọi. Một biến thể khác của đạo Lão được nhiều người Việt Nam ưa thích và tin tưởng là tục xin thẻ hay xin xăm. Đây cũng là một hình thức vấn sự như bói toán.
Những mê tín dị đoan nói trên được giới bình dân, nhất là những người ít học, tin tưởng.
4.- Vài nét về Phật Giáo
Nguyên tổ của đạo Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni, sinh tại Ấn Độ. Không ai biết chắc Ngài sinh năm nào. Đạo phái phía Bắc cho rằng Ngài sinh vào năm 1028 trước Tây Lịch, còn Đạo phái phía Nam nói Ngài sinh vào năm 624 trước Tây Lịch. Các nhà nghiên cứu tin rằng Ngài sinh khoảng từ 558-520 trước Tây lịch, cùng thời với Khổng Tử.
Hòa Thượng Tuệ Giác tóm lược về Phật Giáo như sau:
"Đức Phật Thích Ca nhận thấy cuộc đời là khổ hải tức là biển khổ (sinh, lão, bệnh, tử, v.v...) mà người ta bị trầm luân nghĩa là chìm đắm trong đó.
"Sự khổ ấy, không phải một kiếp này phải chịu mà hết kiếp này sang kiếp khác, cứ sinh tử, tử sinh mãi mãi mà chịu nỗi khổ ấy không bao giờ thôi: tức là người ta ở trong vòng luân hồi nghĩa là cái bánh xe xoay hết vòng lại trở lại mãi.
"Cái nghiệp ta chịu kiếp này là cái quả của công việc ta về kiếp trước mà những công việc ta về kiếp này lại là cái nhân của nghiệp ta về kiếp sau. Thế là ta cứ chịu sự nghiệp báo (karma) ấy mãi.
"Cái nguyên nhân sự khổ là gì? Chính là lòng tham muốn của người ta: tham sống, tham sướng, tham mạnh.
"Vậy muốn diệt khổ, nghĩa là dứt hết nỗi khổ não thì phải tiêu trừ lòng ham muốn không để cho còn một chút nào. Muốn thế phải dốc chí tu hành, chánh tâm theo đạo để cắt đứt những cái nhân duyên, nó ràng buộc mình ờ trần thế
"Khi đã diệt được khổ rồi, tức là được giải thoát, nghĩa là ta khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo, không sinh, không tử nữa mà tới cõi niết bàn (Nirvâna). "
Thượng Tọa cũng đã nhấn mạnh đến điểm quan trọng trong Phật Giáo là tự cường để giải thoát, nên đừng tin tướng vào các sức mạnh thiêng liêng:
"Ngài (Đức Thích Ca) cho các bậc Trời và các bật thánh không phải không có, song những bậc ấy dù có trường thọ đến mấy muôn năm nữa, rồi cũng không ra khỏi cái biến hóa của vũ trụ.
"Vậy trời, thánh tự mình chưa giải thoát được mình, còn giải thoát cho ai?
"Bởi lẽ ấy cho nên đạo Phật không lấy sự cầu nguyện trời, thánh làm trọng, không nương tựa vào sức thiêng liêng nào ở ngoài cái TÂM của mình cả và chỉ vụ lấy cái sức tự cường của minh mà giải thoát cho mình."(10)
Đây là những đặc điểm cốt lõi của Phật Giáo mà đa số người Tàu và người Việt Nam theo Phật Giáo không biết đến khi phối hợp Phật Giáo với mê tín dị đoan trong tín ngưỡng của họ và làm biến thể Phật Giáo như chúng tôi sẽ đề cập dưới đây.
b) Sự trộn lẫn giữa mê tín dị đoan và Tam Giáo hòa đồng trong tín ngưỡng của người Việt Nam
Sau khi trình bày qua những nét đại cương về mê tín dị đoan của người Tàu cũng như người Việt và Tam Giáo, chúng ta thấy rõ tín ngưỡng của đa số người Việt Nam là tín ngưỡng bao gồm Tam Giáo hòa đồng và mê tín dị đoan.
Đạo Lão gần gũi với đạo Phật hơn đạo Nho. Về căn bản, Lão Giáo và Phật Giáo hoàn toàn khác nhau: Lão Giáo lấy bản thể làm Đạo và theo đạo pháp Tự Nhiên, coi vũ trụ vạn hữu đều do Tự Nhiên mà sinh ra. Trong khi đó Phật Giáo lấy bản thể làm Tâm, cho rằng vạn vật có đều do Tâm. Nhưng hai tư tưởng Phật Giáo và Lão Giáo giống nhau về khuynh hướng siêu hình và tiêu cực đối với nhân sinh. Do đó, nhiều Đạo Sĩ đã mượn Phật Giáo để triển khai Đạo Giáo, còn các Thiền Sư của đạo Phật đã dùng hệ thống lập thuyết của đạo Lão để giảng giải Phật học.
Đời Hán đã có luận thuyết hỗn hợp tương đồng hay phụ hội giữa Phật gia và Đạo gia. Đến đời Tấn, đời Lục Triều, Phật và Lão rất gần nhau. Ảnh hưởng này về sau sinh ra trào lưu "Nho - Thích - Đạo, Tam Giáo đồng nguyên". Trào lưu này làm cho Phật Giáo biến thể.(11)
Trong tiến trình tiến tới siêu thoát, người Hoa và người Việt hướng về Lão Giáo và Phật Giáo. Còn trong việc xử thế, người Hoa và người Việt lại coi Nho Giáo như khuôn vàng thước ngọc. Mê tín dị đoan là niềm tin nơi sự tế độ của thần linh, nhất là những khi gặp tình trạng bấp bênh, bệnh tật hay hoạn nạn trong cuộc sống. Người ta coi Phật như một vị thần linh có thể ban phước hay cứu độ, nên đã cầu Phật như cầu các vị thần linh khác.
Tam Giáo và mê tín dị đoan ảnh hưởng đến tín ngưỡng, văn hóa và tập quán Trung Hoa, rồi truyền sang Việt Nam, ăn sâu vào cuộc sống của người dân Việt Nam, nhất là các thành phần ít học. Tục thờ thần, thờ cúng ông bà, Thần Tài, Quan Công (Quan Vân Trường), Phật Bà Quan âm, Thánh Mẫu,... phổ biến khắp nơi. Vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Rằm tháng Bảy, Tết Trung Thu, lễ khánh thành, lễ tất niên, lễ tân niên... người Hoa lẫn người Việt đều theo những nghi thức, những tập tục và những kiêng kị mang nặng tính chất dị đoan giống nhau. Rất nhiều chuyện thần bí liên quan đến đạo Phật được truyền tụng khắp trong nhân gian như chuyện Lão Tử thành Phật ở đất Hồ, chuyện Quan âm Nam Hải, Quan âm Thị Kính, chuyện tự ý đầu thai, chuyện giáng hổ, v.v... Sự tích của các cao tăng cũng được huyền thoại hóa như những chuyện hoang đường, điển hình là chuyện Từ Đạo Hạnh. Vua Trần Nhân Tông khi đã xuất gia thường đi về các thôn làng khuyên dân từ bỏ việc thờ cúng các hình lõa thể và bộ phận sinh dục, vì lúc đó việc thờ các dâm hình này rất phổ biến. Năm 1951, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt thành lập Hội Phật Học, đã phát động chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan trong Phật Giáo như xin xăm, bói quẻ, cúng sao, cúng hạn, đốt giấy tiền vàng bạc, v.v... Khi bàn về những mê tín dị đoan của đạo Phật thời nhà Lý, Nguyễn Lang đã kết luận:
"Tính chất mê tín dị đoan của Phật Giáo đời Lý có thể còn ít hơn tính chất mê tín dị đoan ở những thời đại Phật Giáo suy đồi như trong thời Lê Sơ và trong thời Pháp thuộc."(12)
Nhưng Phật Giáo không phải chỉ bị trộn lẫn với mê tín dị đoan và đạo thờ thần ở trong nhân gian mà thôi, mà còn ờ ngay trong giới tăng sĩ của Phật Giáo nữa. Trong cuốn Những Vấn Đề trong Đạo Phật, Thượng Tọa Thích Chánh Lạc đã ghi nhận:
"Thế nhưng ngày nay thì sự thờ tự đã phức tạp nhiều. Một ngôi chùa đúng lý chỉ để thờ Tam Bảo, nhưng lại thờ luôn cả Quan Thánh, Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu, Thập Điện như nhiều chùa ở Trung, Nam. Và thờ luôn cả Khổng Minh Không, Thánh Mẫu như nhiều chùa ở Bắc Việt, đây là chưa nói còn thờ nhiều hình tượng khác mông lung vô nghĩa. Hình như bất cứ tượng gì hễ lọt vào mắt nhà chùa cũng trở thành linh thiêng, đưa vào chùa thờ được cả. Có người không thờ tại chùa, lại bày vẽ, hoặc a tòng với những nơi thờ tự tà mị yêu quái. "(13)
Nho Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo Đại Thừa, tuy khác hẳn nhau về căn bản tín ngưỡng, nhưng lại được người Tàu cũng như người Việt tin tưởng lẫn lộn như là một tín ngưỡng. Phật Giáo, nếu không trộn lẫn với Lão Giáo, Nho Giáo và mê tín dị đoan thì rất khó hội nhập vào đời sống của đại chúng.
Nói tóm lại, về phương diện văn hóa và tín ngưỡng, đa số người Việt Nam không phân biệt đâu là ranh giới giữa Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo và mê tín dị đoan. Sự lẫn lộn này đã làm biến thể đạo Phật khiến Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu, một nhà nghiên cứu Phật học nổi danh của Việt Nam trong Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, đã phải than:
"Đau đớn thay, lạ lùng thay! Muốn bênh vực rằng Phật Giáo không phải là một đạo mê tín hoang đường, thì sờ sờ ra đó biết bao nhiêu là việc huyền hoặc hoặc dị đoan! Muốn bào chữa cho Phật Giáo không phải là một đạo hữu thần, thì nhan nhản ra đó cũng cầu xin, cũng chuộc tội, có khác nào những kẻ ỷ lại thần quyền. "(14)
Thượng Tọa Thích Tuệ Giác cũng có nhận định tương tự:
"Thời kỳ suy đồi: (từ thế kỷ XV tức là từ đời Hậu Lê). Phật Giáo bị phái nhà Nho công kích không được nhà vua săn sóc đến nữa, lâu dần thành một tôn giáo của dân chúng, không có tổ chức, hệ thống gì nữa, các tăng ni phần nhiều là ít học, bày ra các mối dị đoan, các lễ nghi phiền phức, còn giáo lý cao siêu của nhà Phật ít người hiểu đến.
Sử gia Trần Trọng Kim, người có nhiều công trình nghiên cứu sâu rộng về tam giáo tại Việt Nam, trong một buổi thuyết giảng về Phật Giáo tại chùa Sứ Quán Hà Nội ngày 11.1.1936, cũng đã cảnh cáo:
"Ai đem sự mê tín mà theo đạo Phật là người làm điều trái hẳn với đạo Phật... "(16)
Lão Giáo đi vào quần chúng không phải do triết lý cao siêu của Lão Tử mà do các biến thể mà đệ tử của ông thêm vào. Cũng vậy, ít ai hiểu được triết lý cao siêu của đạo Phật. Nếu không có sự lẫn lộn giữa Phật Giáo với những mê tín dị đoan và Lão Giáo, làm sao Phật Giáo có thể trở thành đạo quần chúng như ngày nay? Ngay cao tăng Vạn Hạnh còn xử dụng cả sấm ngữ và khoa độn số, làm sao Phật tử không hướng về mê tín dị đoan, Lão Giáo và Khổng Giáo?
Lichtenberg đã nói: "Để cho quần chúng thích tôn giáo, điều tối cần là tôn giáo phải giữ lại những cái gì của thị hiếu dị đoan." Nhưng nếu gom tất cả số người Việt Nam theo Tam Giáo hòa đồng và mê tín dị đoan vào con số Phật tử có nghĩa là chấp nhận sự biến thể của đạo Phật.
Con số thống kê về số tín đồ của mỗi tôn giáo tại Việt Nam hiện nay với những ghi chú mà cuốn niên giám The Almanac of The Christian World đã công bố là một tài liệu đáng chú ý. Tài liệu thống kê đó đã coi những người vừa tin ở triết lý của đạo Phật, vừa theo Khổng Giáo, vừa tin thần linh và phù thủy, là Phật tử. Nhưng thử hỏi, một người sáng đi chùa niệm Phật, trưa vào Lăng Ông xin xăm, chiều thắp nhang trong miếu cầu xin ngày mai thượng lộ được bình an và tối đưa con tới thầy phù thủy nhờ chữa bệnh, người đó đã theo tôn giáo nào? Họ là Phật tử?
Trong cuốn No More Vietnams, Cựu Tổng Thống Richard Nixon nói rằng người ta ước lượng số tín đồ Phật Giáo là 70%, nhưng con số thật sự chỉ khoảng 30%.(17) Nếu cơ quan tình báo Hoa Kỳ chỉ ước lượng căn cứ vào số người theo Phật Giáo thuần túy thì con số đó có lẽ không sai.
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã từng cho biết số người khai là Phật Giáo trong thẻ Chứng Minh Nhân Dân (tức thẻ căn cước) rất ít so với số người khai không tôn giáo hay đạo ông bà. Trái lại, các tín đồ Thiên Chúa Giáo, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo thường khai rõ tôn giáo của họ.
Tự tuyên xưng tín ngưỡng trước bạo quyền Cộng Sản là biểu hiện chính xác nhất tín ngưỡng của mỗi người dân.
Nếu chấp nhận phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa" thì những con số "phần trăm" không có ý nghĩa gì cả. Người ta chỉ chú trọng hay thổi phồng những con số "phần trăm" khi muốn đòi những đặc quyền đặc lợi mà thôi. Nhưng đó không phải là mục tiêu chân chính mà các tôn giáo muốn đạt tới. 
SỰ ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO VÀO SỰ TỒN VONG CỦA DÂN TỘC
Yếu tố thứ hai mà nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung muốn nhấn mạnh là sự đóng góp của Phật Giáo vào sự tồn vong của dân tộc. Trong phần phân tích về tín ngưỡng của người Việt Nam nói trên, chúng ta đã thấy tín ngưỡng của đa số người Việt Nam là thờ thần linh và Tam Giáo hòa đồng, trong đó đạo Nho đóng vai trò quan trọng. Trong Việt Nam Sử Lược, khi viết về Nho Giáo, sử gia Trần Trọng Kim, một người sùng đạo Phật, đã kết luận:
"Đạo Nho mỗi ngày một thịnh, dẫu trong nước có đạo Lão, đạo Phật mặc lòng, bao giờ đạo Nho vẫn là trọng hơn".
Trong suốt hai ngàn năm lịch sử, chúng ta thấy Phật Giáo chỉ thật sự tham chánh dưới thời Lý-Trần mà thôi, trong các thời khác Nho Giáo đóng vai trò chủ yếu trong sự tồn vong của quốc gia. Ngay cả khi Phật Giáo được coi là quốc giáo và các Thiền Sư giữ chức vị Quốc Sư như dưới thời Lý - Trần, sự đóng góp của Phật Giáo cho sự thịnh vượng và văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng không nhiều so với đạo Nho. Lúc đó, hết một phần ba tài sản quốc gia nằm trong tay nhà chùa và số tăng sĩ gần bằng một nửa số đinh phu (người có thể làm công dịch) khiến lực lượng sản xuất và chiến đấu của quốc gia giảm hẳn đi. Đó là chưa nói đến việc nếu không có sự kiên định của nhà Nho, các Thiền Sư Phật Giáo đã để mất nước rồi. Khi Vua Trần Nhân Tông, một Thiền Sư của Phật Giáo, đã theo lòng từ bi của đạo Phật, định hàng quân Nguyên cho dân khỏi khổ, thì Trần Hưng Đạo, với khí phách của đạo Nho, đã hỏi vua Phật Giáo: "Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tông Miếu Xã Tắc thì sao?" Chính cái khí phách của đạo Nho đã khiến quân ta đại thắng quân Nguyên. Phần nói về Phật Giáo dưới đời Lý - Trần mà chúng tôi trình bày dưới đây sẽ chứng minh điều đó.
HỆ QUẢ CỦA VIỆC ĐỒNG HÓA PHẬT GIÁO VỚI DÂN TỘC
Giả thiết đa số người Việt Nam theo Phật Giáo và Phật Giáo đã đóng góp rất lớn vào sự tồn vong và văn hóa dân tộc, thì một sự đồng hóa Phật Giáo với dân tộc để đưa Phật Giáo lên địa vị độc tôn cũng sẽ đem lại những hệ quả không có gì tốt đẹp: Chủ trương đó mang tính chất kỳ thị các tôn giáo và đi ngược lại trào lưu tiến hóa của lịch sử nhân loại. Ngày nay, quyền tự do tín ngưỡng và quyền bình đẳng giữa các tôn giáo đã được ghi vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiến Pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia cộng sản.
Điều 1 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền tuyên bố: 
"Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi".
Điều 2 của bản Tuyên Ngôn này xác định:
"Mỗi người đều có quyền hưởng các quyền và tự do dự liệu trong bản Tuyên Ngôn này, không phân biệt thứ loại như chủng tộc, màu sắc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị và ý kiến khác biệt, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh hoặc các tình trạng khác."
Hiến Pháp Hoa Kỳ cấm cơ quan lập pháp không được biểu quyết các đạo luật đưa một tôn giáo là quốc giáo. Tu Chính Án I (1791) của Hiến Pháp Hoa Kỳ nói rõ:
"Quốc Hội không được làm luật suy tôn việc thiết lập tôn giáo hay ngăn cấm việc hành xử quyền tự do tôn giáo"
Một chế độ độc tài như chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay mà còn phải quy định ở điều 70 bản Hiến Pháp 1982 như sau:
"Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật." 
"Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc  lợi dụng tôn giáo để làm trái luật pháp và chính sách của Nhà  nước."
Tại Nga, khi vừa thoát khỏi chế độ cộng sản, một số tín đồ  của Chính Thống Giáo, một tôn giáo của đa số, đã làm một dự luật hạn chế sinh hoạt tôn giáo của một số tôn giáo khác như Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, v.v. Dự luật này đã được phe  đa số theo Chính Thống Giáo trong Quốc Hội Nga thông qua. Nhưng ngày 14.7.1993, Tổng Thống Yeltsin đã phủ quyết với lý do dự luật này vi phạm các hiệp ước quốc tế về nhân quyền mà Nga đã ký kết. Nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung  chưa nắm được chính quyền mà đã đòi xâm phạm quyền tự do tôn giáo của người khác! Chúng ta không hiểu trong 30 năm  qua họ đã tranh đấu cho cái gì? Tranh đấu cho sự độc tôn?
Vậy, không thể căn cứ vào nguồn gốc, số đông hay sự đóng góp của một tôn giáo để dành địa vị độc tôn cho tôn giáo đó và loại trừ các thành phần khác ra khỏi cộng đồng dân tộc.
Hoa kỳ là hợp chủng quốc, trong đó đa số theo Thiên Chúa Giáo, nhưng các dân tộc thiểu số không đồng tôn giáo với đa số như Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Cam bốt,... vẫn  được đối xử bình đẳng và tạo điều kiện cho góp phần vào việc  xây dựng đất nước Hoa Kỳ. Nếu những người theo Thiên Chúa Giáo tại Hoa Kỳ căn cứ vào số đông và sự đóng góp cho quốc gia này của họ để đồng hóa Thiên Chúa Giáo với dân tộc Hoa Kỳ và đòi địa vị độc tôn thì làm sao Phật Giáo Việt Nam có chỗ đứng ngày nay tại Hoa Kỳ? 
Cũng vậy, tại Việt Nam, chúng ta không thể căn cứ vào sự đóng góp của số đông dân tộc Việt Nam trong cộng đồng quốc gia để loại trừ các dân tộc thiểu số khác như Mường, Mán, Mèo, Lô lô, Khmer, Trung Hoa v.v.
Quan trọng hơn nữa, ĐẠO là con đường đưa tới CHÂN LÝ, mà CHÂN LÝ thì vượt qua thời gian và không gian. Dân tộc này hay dân tộc kia có thể bị tiêu diệt, nhưng CHÂN LÝ vẫn còn mãi mãi. Nếu đạo Phật là đường đưa tới CHÂN LÝ, tức tới nơi không còn đau khổ nữa, thì làm sao dính liền với vận mạng của một dân tộc được?
Trong bài Bản chất dung hòa và hóa giải dân tộc của Phật Giáo đăng trên Bông Sen số 3 tháng 12 năm 1991, Nguyễn Điều viết dè dặt hơn:
"PHẬT GIÁO tôn trọng đúng mức Ý NGHĨA của hai chữ DÂN TỘC! Ngay cả khi Phật Giáo được sự tín nhiệm của đa sô dân chúng VN (giả sử như vậy), Phật Giáo cũng không dám lẫn lộn giữa hai sự ĐẠI DIỆN là đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam, và đại diện cho tôn giáo lớn là Phật Giáo!"
Nhìn chung, chủ thuyết Phật Giáo và dân tộc không dựa trên một nền tảng vững chắc mà chỉ dựa trên hư cấu. Sự tự đồng hóa Phật Giáo với dân tộc này nhắm vào mục tiêu chính trị: Đưa Phật Giáo lên nắm vai trò chủ yếu trong nền chính trị quốc gia. Phật Giáo ở đây phải được hiểu là nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung trong tông phái Ấn Quang, vì nhóm này luôn coi họ là Phật Giáo chính thống, đại diện cho toàn thể Phật Giáo Việt Nam. Các tông phái khác chẳng những không được thừa nhận mà có khi còn bị bài xích hay tấn công một cách nặng nề.
Những lời phát biểu về chủ thuyết Phật Giáo và dân tộc thực chất chỉ là "đại ngôn vô đương" (nói cho sướng miệng), sẽ không giúp ích gì cho cho Giáo Hội Ấn Quang trong nỗ lực tìm kiếm một thế đứng mới, trái lại sẽ tạo thêm nhiều khó khăn chồng chất trên con đường muốn vượt qua.
II- VẤN ĐỀ TRỞ LẠI THỜI ĐẠI CỦA PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI LÝ-TRẦN:
Hiện nay chúng ta thấy báo chí Phật Giáo đề cập rất nhiều đến Phật Giáo dưới đời Lý-Trần và một số người cho rằng phải đưa Việt Nam trở về thời đại Lý-Trần, đất nước mới cường thịnh được. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem dưới thời đại Lý-Trần, tình trạng chính trị, đạo lý, văn hóa và xã hội Việt Nam như thế nào.
Lịch sử cho biết, thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật Giáo tại Việt Nam là từ đầu thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ XIV, nhất là dưới thời Trần Thánh Tôn (1023 - 1072), Trần Anh Tôn (1136 - 1175) và Trần Cao Tôn (1173 - 1210). Trong giai đoạn đó, các vua theo đạo Phật, tăng sĩ làm Quốc Sư, Phật giáo trở thành quốc giáo và được đặc biệt ưu đãi.
a) Lý do Phật Giáo đời Lý-Trần trở thành quốc giáo
Trong Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim có kể lại:
"Tục truyền rằng Công Uẩn không có cha, mẹ là Phạm-thị đi chơi chùa Tiêu-sơn (làng Tiêu-sơn, phủ Từ-sơn), nằm mộng thấy đi lại với thần nhân rồi về có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi đem cho người sư ở chùa Cổ- pháp tên là Lý khánh Văn làm con nuôi, mới đặt tên là Lý công Uẩn.
"Công Uẩn lớn lên vào Hoa-lư làm quan nhà Tiền-Lê, đến chức Tả-thân-vệ Điện-tiền Chỉ-huy-sứ. Khi Lê Long Đĩnh mất, thì Lý công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán-giận nhà Tiền-Lê lắm, ở trong triều có bọn Đào cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh mưu tôn Lý công Uẩn lên làm vua.
Lý công Uẩn bèn lên ngôi hoàng-đế, tức là vua Thái-tổ nhà Lý. (18)
Trong cuốn Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển, Trịnh Văn Thanh chép:
"Vạn Hạnh Thiền Sư, tên một cao tăng đời Lý gọi là Sư Vạn Hạnh. Người quê ở Cổ Pháp, thuộc Phủ Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh (Bắc Phần).
"Thủa nhỏ Sư Vạn Hạnh rất thông minh, có sách chép ông đã học khắp Tam Giáo và nhất là chuyên tâm lo khảo cứu rất nhiều kinh luận nhà Phật. Ngoài ra, Thiền Sư còn giỏi về sấm ngữ và khoa độn số.
"Năm 20 tuổi, ông xuất gia tu Phật và theo thụ giáo với Thiền ông Đạo Giả, tức là đời pháp thứ hai của phái Tỳ-ni-đa lưu-chi. Đinh Huệ Thiền Sư là bạn đồng môn với ông.
"Năm 1010, nhờ khoa độn số, ông đã đoán biết vận nhà Lê đã mạt, Thiền Sư hội ý với Đào Cam Mộc mà tôn Lý Công Uẩn lên làm vua.
"Vua Lê Đại Hành và vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) lúc còn nhỏ được thụ giáo với Sư Vạn Hạnh. Và đến khi lên ngôi Hoàng Đế thường với Thiền Sư vấn kế về việc trị nước.
"Năm 1018 (tức năm Mậu Ngọ), Thiền Sư Vạn Hạnh tịch."(19)
Lý Công Uẩn lúc nhỏ sống nhờ cơm chùa, thụ giáo với sư, được Sư Vạn Hạnh lập mưu với Đàm Cao Mộc đưa lên làm vua, nên khi cầm quyền tất nhiên phải đưa Phật Giáo lên làm quốc giáo và tôn nhà sư làm Quốc Sư, chuyện đó không có gì đáng ngạc nhiên.
b) Những ưu đãi dành cho Phật Giáo đời Lý - Trần
1.- Những ưu đãi dưới đời nhà Lý
Vua Lý Thái Tổ rất trọng đãi các nhà sư, lấy tiền trong kho nhà nước ra làm chùa và đúc chuông. Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018), vua sai hai quan Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc qua Tàu lấy Kinh Tam Tạng đem về để vào kho Đại Hưng. Kể từ đó đạo Phật phát triển rất nhanh.
Nhà Lý đã tổ chức độ tăng để chọn người xuất gia. Có ba đợt độ tăng quan trọng vào các năm 1916, 1019 và 1134. Mỗi đợt có khoảng 1.000 người ở Thủ Đô Thăng Long được chọn để xuất gia.
Các chùa được xếp vào loại danh lam thắng cảnh đều được triều đình cấp ruộng đất. Đối với các chùa không được cấp ruộng đất, dân chúng cúng dường ruộng đất hay lương thực cho các tăng ni sinh sống. Các tăng ni không phải lo gì đến sinh kế.
Vì đời sống và địa vị của các tăng sĩ được nâng cao nên số người xuất gia tăng nhanh, không còn kiểm soát được, làm phát sinh nhiều tệ trạng. Có người xuất gia vì muốn trốn nghĩa vụ quân sự, có người xuất gia chỉ vì sinh kế gặp khó khăn, v.v. Năm 1179, vua Lý Cao Tông phải ra lệnh khảo hạch lại các Tăng quan. Năm 1198, vua ra lệnh gạn lọc và sa thải bớt các tăng sĩ không xứng đáng. Tăng trở thành một thứ công lại. Mọi việc tuyển mộ, khảo hạch, thăng chức, sa thải... đều do triều đình quyết định.
Đến đời Lý Cao Tông (1 176 - 1210), Nho sĩ Đàm Dĩ Mộng đã tâu lên vua như sau:
"Bây giờ tăng đồ gần bằng số đinh phu (người có thể làm công dịch), chúng tự kết bè, bầu chủ, họp nhau thành từng bầy, chúng làm những việc bẩn thỉu hoặc ở giới trường, tĩnh xá mà công nhiên rượu thịt, hoặc ở trong trai phòng tĩnh viện mà âm thầm gian dâm. Ngày ẩn tối ra, thật như một đàn cáo chuột, chúng làm bại tục phương giáo, dần dần thành thói quen, nếu  không cấm thì càng ngày càng thêm quá lắm."(20)
2.- Những ưu đãi dưới đời nhà Trần
Dưới thời nhà Trần, nhất là từ Trần Thái Tông (1225 -  1258) đến đời Trần Thuận Tông (1388 - 1398), Phật Giáo hoàn toàn được ưu đãi. Vua theo các Thiền Sư học đạo Phật thì giới trí thức cũng phải theo học đạo Phật để được trọng dụng. Các khoa thi Tam Giáo được mở ra. Tôn giáo cũng được coi như một môn phải học khi muốn ra làm quan. Vua theo Phật Giáo nên cung cấp tiền xây chùa, đúc tượng, đúc chuông và cấp ruộng cho các chùa sinh sống.
Thời cực thịnh nhất của Phật Giáo là thời Trần Anh Tông (1293 - 1314), tăng sĩ được triều đình cấp Độ Diệp, tức chứng minh thư. Độ Diệp được coi như một thứ bùa hộ mệnh, đi đến chùa nào cùng môn phái đều được chu cấp đầy đủ.
Các cao tăng được chọn làm Quốc sư giúp vua trị nước. Có rất nhiều Thiền Sư xuất thân từ Sơn Môn Yên Tử đi làm Quốc Sư như Viên Chứng, Đại Đăng, Tông Cảnh, Bảo Phác, Phù Vân, Vô Trước, Quốc Nhất... Đặc biệt có hai Quốc Sư nổi tiếng đời Trần Thái Tông (1225 - 1258) là Trúc Lâm Quốc Sư ở núi Yên Tử (đừng lầm với Thiền Sư Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông) và Đại Đăng Quốc Sư, anh em đồng sư với vua Trần Thái Tông.
Chùa chiền mọc lên khắp nơi. Vua xây chùa, quan xây chùa, dân cũng xây chùa. Vào đời nhà Trần có khoảng 9.500 ngôi chùa. Tượng Phật được đúc dưới mọi hình thức. Riêng phái Pháp Loa thuộc Trúc Lâm đã đúc đến 1.300 tượng Phật lớn nhỏ.
Các tự viện được triều đình cấp ruộng. Vua Trần Anh Tông lấy 100 mẫu ruộng của triều đình cúng cho chùa Bảo Ân của tông phái Trúc Lâm và 500 mẫu để phân phát cho các chùa khác. Riêng chùa Quỳnh Lâm đã có trên 1.000 mẫu ruộng. Tại chùa này, triều đình chỉ định 1.000 canh phu đến cày ruộng cho chùa. Đối với các chùa không được cấp canh phu, triều đình cho lập chế độ tam bảo nô, quy gồm những kẻ mồ côi được chùa nuôi dưỡng, những kẻ phạm pháp được chùa bảo lãnh và những người cúng hết ruộng cho chùa rồi xin vào hàng ngũ tam bảo nô. Những người gia nhập tam bảo nô được cấp đất làm nhà và canh tác. Để đổi lại, họ phải cày ruộng cho chùa.
Do sự ưu đãi giới tăng sĩ của triều đình, số người xuất gia ngày càng đông, lên gần bằng số đinh phu (tức người có thể làm công dịch). Riêng tông phái Trúc Lâm đã có 15.000 tăng. Tổng số tăng trên toàn quốc không dưới 75.000 người. Thời đó, giặc giã liên miên, hết đánh Chiêm Thành lại đánh Tàu. Mọi công dân đến tuổi đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự, ngoại trừ những người xuất gia, nên cửa thiền trở thành một nơi ẩn náu tốt cho những người trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
3.- Lập Giáo Hội nhà nước
Năm 1278, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Thái Tử Trần Khâm (1258 - 1309). Ngày 12 tháng 2 năm Mậu Dần, Thái Tử Trần Khâm lên ngôi, tức Trần Nhân Tông. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái Tử Thuyên, tức Trần Anh Tôn, rồi về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng, sau đó xuất gia. Ông học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ và coi như đã đạt được cốt tủy của thiền. Năm 1299, ông vào núi Yên Tử, tinh cầu tu 12 hạnh đầu đà và tự xưng là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đó trác tích tại chùa Sùng Nghiêm, núi Chí Linh. Ông là người có công rất lớn với đạo Phật, lập ra phái thiền tông Phật Giáo Trúc Lâm, một Giáo Hội nhà nước. Ông qua đời khi mới 51 tuổi, được vua Trần Anh Tông tôn là "Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật." Nối nghiệp ông có Pháp Loa, Pháp Không, Pháp Cổ, Pháp Đăng, Bảo Sát, v.v.. (21)
Vì Phái Trúc Lâm do vua cha là Trần Nhân Tông lập, nên được con là Trần Anh Tông giúp phát triển mạnh mẽ. Phái này thiết lập được nhiều cơ sở lớn như các chùa Báo Ân, Siêu Loại và Quỳnh Lâm và trở thành một tông phái Phật Giáo độc tôn, quy tụ khoảng 15.000 tăng sĩ. Vì tông phái Trúc Lâm được triều đình giúp đỡ quá mức khiến các nhà Nho ghen tỵ. Lê Bá Quát đã khuyên vua nên lấy tiền xây chùa và đúc tượng để xây văn miếu và trường học. Trương Hán Siêu, chấp chánh dưới bốn triều vua nhà Trần là Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông, lên đến chức Tham Trị Chính Sự, đã viết trong bia chùa Quang Nghiêm như sau:
"Chùa nát mà xây lại, là không phải ý ta. Bia dựng mà khắc, việc gì ta nói. Nay ta gặp Thánh triều muốn mở mang phong hoá tốt và sửa lại các tục đồi bại. Dị đoan phải trừ bỏ đi. Đã gọi là kẻ đại sĩ phu, nếu không phải đạo vua Nghiêu vua Thuấn thì không nên bày tỏ, nếu không phải đạo thầy Khổng thầy Mạnh thì không nên trứ thuật..."
Trong bài Ký tháp Linh Tế, ông công kích thẳng đạo Phật:
"Nhiều người thờ phụng đạo Phật để cổ hoặc chúng sinh, trong thiên hạ ba phần, chùa chiếm ở một phần, bỏ dứt luân thường, hao tổn của báu, ngây ngây mà chơi, ngẩn ngẩn mà theo, mà không hóa ám yêu quỷ gian tà, ấy cũng ít vậy, và còn là ác nữa sao nên.(22)
c) Những thành quả và hậu quả
Chúng ta hãy tìm hiểu xem trong thời kỳ Phật Giáo hưng thịnh, các tăng sĩ tham chánh và nhiều cao tăng được chọn làm Quốc Sư, nhà Lý và nhà Trần đã đạt được những thành quả đặc biệt gì.
1.- Về phương diện chống ngoại xâm
Ai cũng nhìn nhận rằng dưới thời Lý-Trần, Việt Nam đã thắng được hai cuộc xâm lăng vẻ vang, đó là cuộc xâm lăng của nhà Tống (l075 - l078) dưới thời Lý Nhân Tông và cuộc xâm lăng của nhà Nguyên (1284 - 1288) dưới thời Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Lúc đó nước ta có nhiều tướng giỏi như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, v.v. Quân dân một lòng quyết chiến nên thắng trận.
Nhưng ít ai tin rằng dưới thời Lý-Trần, Việt Nam thắng được ngoại xâm là nhờ Phật giáo. Khi giặc ở thế mạnh, vua Trần Nhân Tông, một ông vua sùng đạo Phật và có công lớn với Phật Giáo, đã tính hàng. Vua hỏi Hưng Đạo Vương:
"Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân?"
Hưng Đạo Vương đã tâu một cách khẳng khái:
"Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tông Miếu Xã Tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã rồi sau sẽ hàng."(23)
Nếu Hưng Đạo Vương không cương quyết, nghe lời Thiền Sư Trúc Lâm, tức vua Trần Nhân Tông, đặt Tông Miếu Xã Tắc dưới đức từ bi của Đạo Phật, thì đã mất nước rồi.
2.- Về phương diện văn học
Nhà Lý và nhà Trần đều chú trọng đến đào tạo nhân tài. Nhưng đây không phải là nỗ lực của Phật Giáo mà là của nhà Nho.
Lý Thánh Tông (1054 - l072) lập văn miếu, làm tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 tiên hiền để thờ.
Dưới thời Lý Nhân Tông, có nhà Nho Lý Đạo Thành làm Phụ Chánh đã lo sửa sang việc nước và phát triển văn học. Năm 1075, cho mở khoa thi Tam Trường để lấy người văn học ra làm quan. Năm 1076 lập Quốc Tử Giám để bổ những người văn học vào dạy. Năm 1086 mở khoa thi chọn người văn học vào Hàn Lâm Viện. Nho học bắt đầu phát triển mạnh.
Đầu đời nhà Trần, năm 1232 đã cho mở khoa thi Thái Học Sinh để lấy Tiến Sĩ. Nam 1247 đặt ra Tam Khôi (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa) và mở khoa thi Tam Giáo (Nho Thích Lão). Năm 1253, lập Quốc Học Viện để giảng Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tất cả đều là công trình của nhà Nho.
Về phía Phật Giáo, dưới thời Lý-Trần cũng có một số cao tăng am tường về Tam Giáo như Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Viên Thông, Mãn Giác, Bảo Giám v.v... Các cao tăng này đã giảng dạy văn học cho các tăng ni và đào tạo một số cư sĩ nổi tiếng như Lý Công Uẩn, Tô Hiến Thành, Ngô Văn Hòa, v.v. Nhưng đa số vua Nhà Trần và các tăng sĩ đã chú tâm nghiên cứu và tu luyện về thiền để phát triển đạo Phật và siêu thoát hơn là lo xây đắp nền văn học dân tộc. Vua Trần Thái Tông soạn bộ Thiền Tông Chỉ Nam, Trần Nhân Tông viết bộ Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Lương Thế Vinh soạn Thiền Môn Khoa Giáo, v.v. Không thấy có tác phẩm quan trọng nào của các thiền sư để lại ngoại trừ một số bài kệ khô khan hay văn bia mà thôi.
3.- Về phương diện đạo lý
Mặc dầu Phật Giáo được vua quan tôn sùng, cao tăng làm Quốc Sư, có rất nhiều chuyện phản đạo lý rất tệ hại đã xẩy ra dưới đời Lý-Trần, những tệ hại này chưa bao giờ có trong các thời kỳ khác.
Năm 1028, Lý Thái Tổ, một ông vua do Phật Giáo đưa lên, vừa qua đời, tế táng chưa xong thì ba hoàng tử là Võ Đức Vương, Dục Thánh Vương và Đông Chinh Vương đã đem quân vây thành để tranh ngôi của Thái Tử Phật Mã. Nhờ tướng Phụng Hiểu dẹp loạn, Thái Tử Phật Mã mới được lên ngôi, tức Lý Thái Tông.
Lý Nhân Tông (l072 - 1127) lên ngôi mới chỉ 7 tuổi. Mẹ là Thái Phi có tính hay ghen ghét, thấy Dương Thái Hậu nắm quyền thì không yên tâm, xui Lý Thánh Tông bắt Thái Hậu và 72 thị nữ giam rồi đem giết.
Chuyện loạn nhân ghê tởm nhất chưa từng có trong lịch sử lại xẩy ra dưới thời Phật Giáo tham chánh, đó là chuyện Trần Thủ Độ dùng những thủ đoạn gian ác, phi luân và bẩn thỉu để cướp ngôi nhà Lý và lập nên nhà Trần, khởi đầu một thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật Giáo.
Cuối đời nhà Lý, Lý Huệ Tông (1211 - 1225) không có con trai, lập Chiêu Thánh công chúa là Phật Kim, mới 7 tuổi, làm Thái Tử. Năm 1224, Huệ Tông truyền ngôi cho con rồi vào tu ở chùa Chân Giáo. Mọi quyền bính nằm trong tay Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ tư thông với Thái Hậu là Trần Thị, mưu cướp cơ nghiệp nhà Lý, cho cháu là Trần Cảnh mới có 8 tuổi lấy Chiêu Hoàng, rồi bắt Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Trần Cảnh lên làm vua, tức Trần Thái Tông, phong Trần Thủ Độ làm Thái Sư Thống Quốc Hành Quân Chinh Thảo Sự.
Lý Huệ Tông, tuy đã nhường ngôi cho con và đi tu, Trần Thủ Độ cũng muốn giết để khỏi lo về sau. Một hôm Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ ở trước chùa Chân Giáo, Trần Thủ Độ đi qua trông thấy, cười và bảo: "Nhổ cỏ thì phải nhổ cái rễ cái nó đi. " Huệ Tông nghe thế, phủi tay đứng dậy và nói: "Nhà ngươi nói ta hiểu rồi. " Mấy hôm sau, Trần Thủ Độ cho mời Huệ Tông. Huệ Tông biết ý, vào sau chùa thắt cổ tự vận.
Thái Hậu Trần Thị (vợ của Huệ Tông) được giáng xuống làm Thiên Cực công chúa để Trần Thủ Độ lấy làm vợ, mặc dầu Trần Thị và Trần Thủ Độ là hai chị em họ.
Năm Nhâm Thìn (1232), Trần Thủ Độ cho tổ chức lễ Tiên Hậu nhà Lý ở Thôn Thái Đường, làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh. Trần Thủ Độ sai đào hầm, gác cây lên rồi làm nhà lá ở trên và đặt bàn thờ tế lễ. Khi tất cả tôn thất nhà Lý vào tế lễ, Trần Thủ Độ cho giật sập hầm và chôn sống tất cả.
Vua Lý Huệ Tông đã vội bỏ gia đình, thần dân và đất nước, trao ngai vàng lại cho con gái mới có 7 tuổi rồi xuất gia để mong thành Phật khi đất nước đang trong cảnh loạn ly, triều đình rối loạn, mới ra cảnh nông nỗi này.
Chiêu Thánh Hoàng Hậu lấy Trần Thái Tông đã 12 năm mà không con, bị phế xuống làm công chúa, và bắt chị của Chiêu Thánh là vợ của Trần Liễu, mới có thai ba tháng, vào làm Hoàng Hậu. Trần Liễu tức giận, đem quân làm loạn.
Sử gia Trần Trọng Kim kết luận: "Làm loạn nhân luân như thế thì từ thượng cổ mới có là một!"
Dưới thời Phật Giáo làm Quốc Sư, chuyện bị phê phán nặng nề nhất là chuyện đánh dẹp Chiêm Thành. Việc chận đứng những sự quấy nhiễu hay dẹp loạn để an dân là điều cần thiết. Ngay cả việc mở mang bờ cõi cũng có thể chấp nhận được Nhưng khi một tôn giáo tham chánh, vua sùng đạo Phật, cao tăng làm Quốc Sư mà để xây ra các vụ tàn sát dã man cả một dân tộc Chiêm Thành là chuyện khó biện minh được. Có lúc lại chính Quốc Sư đích thân cầm quân đi tàn sát Chiêm Thành như trường hợp Hòa Thượng Đại Than! Một đoạn điển hình sau đây do sử gia Trần Trọng Kim kể lại cũng đủ cho thấy cuộc chiến đó tàn ác như thế nào:
"Năm Giáp Thân (l044), vua Thái Tông ngự giá đi đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm Thành thua trận phía nam sông Ngũ Bồ. Thái Tông truyền thúc quân đánh tràn sang, quân Chiêm Thành thua chạy. Quân ta bắt được hơn 5.000 người và 30 con voi.
"Tướng Chiêm Thành là Quách Gia Gi chém quốc vương là Sạ Đẩu đem đầu sang xin hàng.
"Bấy giờ quan quân chém giết người bản xứ rất nhiều, máu chảy thành suối. Thái Tông trông thấy động lòng thương, xuống lệnh cấm không được giết người Chiêm Thành, hễ ai trái lệnh thì theo phép quân mà trị tội.
"Thái Tông tiến binh đến quốc đô là Phật Thệ (nay ở làng Nguyệt Bậu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên), vào thành bắt được vương phi là Mị Ê và các cung nữ đem về. Khi xa giá về đến sông Lý Nhân, Thái Tông cho đòi Mị Ê sang chầu bên thuyền ngự. Mị Ê giữ tiết không chịu, quấn chiên lăn xuống sông mà tự tử. Nay ở Phủ Lý Nhân còn có đền thờ. "
Cuộc chiến tranh Việt Chiêm kéo dài liên tục từ đời Lý qua đời Trần, ngoài phương diện đạo lý bị lên án là quá dã man, còn làm cho tiềm lực quốc gia suy yếu nhiều, đưa nhà Trần đến chỗ sụp đổ.
Các sử gia Phật Giáo có nói đến lòng độ lượng khoan hồng của những ông vua theo Phật Giáo dưới thời Lý Trần như một sự thể hiện đức từ bi của đạo Phật, chẳng hạn Lý Thái Tông tha tội cho Nùng Cao Trí, vua Lý Thánh Tông không giết vua Chiêm Thành là Chế Củ, Lý Thánh Tông ra lệnh phát mền chiếu và thức ăn đầy đủ cho các phạm nhân bị giam giữ, v.v... Nhưng đây không phải là những nét đặc thù của Phật Giáo. Có nhiều ông vua của Tàu hay Việt Nam không theo đạo Phật cũng đã làm chuyện đó, chẳng hạn vua Quang Trung khi đánh thắng quân Minh,(?) đã ra lệnh đưa tù binh của nhà Minh về Thiên Trường, Kiến Xương, Lý Nhân và Tân Hưng nuôi nấng rất tử tế, vua Minh Mạng rất sùng đạo Khổng, đã ra lệnh cho các quan trấn Bắc thành lấy tiền kho lập nhà dưỡng tế nuôi những kẻ quan quả, cô độc, tàn tật không nơi nương tựa, v.v...
4.- Giai đoạn cuối cùng
Từ đời Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) trở đi, tình trạng trở nên suy đồi nghiêm trọng:
- Loạn trong triều đình: Trần Nghệ Tông giết Dương Nhật Lễ. Mẹ Nhật Lễ chạy qua Chiêm Thành kêu cứu. Quân Chiêm Thành kéo tới đánh thành Thăng Long, Trần Nghệ Tông phải bỏ kinh đô chạy sang Đông Ngạn. Quân Chiêm Thành đốt sạch cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy hết các đồ châu báu ngọc ngà đem về.
- Năm 1389, Thiền Sư Thiên Nhiên, tên thật là Phạm Sư Ôn, đã nổi loạn, đem thuộc hạ tiến chiếm Thăng Long, gây tai biến cho triều đình. Sử gia Trần Trọng Kim kể lại:
"Ở Quốc Oai thì có người sư tên là Phạm Sư Ôn nổi lên đem quân về đánh Kinh sư. Thượng Hoàng, Thuận Tông và triều ớ nh phải bỏ chạy lên Bắc Giang. Phạm Sư Ôn lấy được Kinh sư, ở ba ngày rồi rút về Quốc Oai. Bấy giờ có Tướng quân là Hoàng Phụng Thế đóng ở Hoàng Giang để giữ phòng quân Chiêm Thành, nghe tin Sư Ôn phạm đất Kinh sư mới đem quân về đánh lẻn bắt được Sư Ôn và phá tan giặc ấy."(25)
- Đến năm 1396, triều đình và Phật Giáo không còn kiểm soát được tăng ni. Vua Trần Thuận Tông phải xuống chiếu thải bớt tăng sĩ dưới 50 tuổi. Phải chăng đây là một hành động nhắm ngăn chận những rối loạn do giới tăng sĩ Phật Giáo gây ra?
- Lê Quý Ly chuyên quyền, bắt vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử là Án mới 3 tuổi, tức Trần Thiếu Đế, rồi xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng. Sau Lê Quý Ly bỏ Thiếu Đế và xưng vương, đổi họ thành Hồ Quý Ly. Nhà Trần sụp đổ và Phật Giáo đi đến chỗ ngày càng suy đồi.
d) Bài học lịch sử
Trước hết, chúng ta hãy nghe sử gia Trần Trọng Kim phê bình về tình trạng chính trị, xã hội và đạo lý dưới thời Lý - Trần, thời kỳ mà Phật Giáo trở thành đạo nhà nước và Thiền Sư làm Quốc Sư:
"Nhà Lý có công làm cho nước Nam ta nên được một nước cường-thịnh: ngoài thì đánh nước Tàu, bình nước Chiêm, trong thì chỉnh-đốn việc võ-bị, sửa-sang pháp-luật, xây vững cái nền tự-chủ. Vì vua Cao-tông hoang chơi, làm mất lòng người, cho nên giặc-giã nổi lên, loạn thần nhiễu sự. Vua Huệ-tông lại nhu-nhược bỏ việc chính-trị, đem giang-sơn phó-thác cho người con gái còn đang thơ-dại, khiến cho kẻ gian-hùng được nhân dịp mà lấy giang-sơn nhà Lý và lập ra cơ-nghiệp nhà Trần vậy.
"Nhà Trần làm vua nước Nam ta kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế, với 12 ông vua, được 175 năm, công việc trong nước sửa sang được nhiều, chính trị luật lệ đều chỉnh đốn lại, học hành thi cử thì mở mang rộng thêm ra. Lại chống với nhà Nguyên giữ được giang sơn, lấy đất Chiêm Thành mở thêm bờ cõi, thật là có công với nước Nam. Nhưng chỉ có điều luân thường trong nhà thì bậy: cô cháu, anh em, trong họ cứ lấy lẫn nhau, thật là trái với thế tục.
"Còn như cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là tại vua Duệ Tông và vua Nghệ Tông. Dụ Tông thì hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước và lại làm loạn cả cương kỷ để đến nổi dân nghèo nước yếu. Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền gian để kẻ quyền thần được thế làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy."26
Về phương diện đạo lý, trong thời gian Phật Giáo trở thành quốc giáo, Chánh Pháp được phục hưng, tăng sĩ tham chánh và làm Quốc Sư, mà để những chuyện "loạn nhân luân như thế" xẩy ra thì thật đáng tiếc.
Như vậy, Phật Giáo đã có một thời tham chánh lâu dài, vua sùng đạo Phật và một số về sau trở thành Thiền sư, Phật Giáo là quốc giáo, một phần ba tài sản quốc gia về tay nhà chùa (theo Trương Hán Siêu), các cao tăng của Phật Giáo được chọn làm Quốc Sư giúp vua trị nước, số tăng ni gần bằng số đinh phu (theo báo cáo của Nho sĩ Đàm Dĩ Mộng), nhưng dưới thời Phật Giáo tham chánh có rất nhiều chuyện đáng tiếc xẩy ra, đưa tới sự sụp đổ của nhà Lý rồi nhà Trần, kéo theo sự suy đồi của Phật Giáo. Nếu Phật Giáo có sức "hóa giải vạn năng," như Phan Quốc Độ và Lý Khôi Việt đã rêu rao, tại sao những lúc cờ đã tới tay như thế, các Thiền Sư Phật Giáo không giúp nhà Lý, nhà Trần và Phật Giáo bền vững và biến đất nước thành một "Con Rồng Á Châu"?
Nay, liệu đưa Phật Giáo trở lại thời kỳ tham chánh như đời Lý - Trần, có chắc chắn Phật Giáo sẽ tạo được "kỷ nguyên quang hưng" như Phan Quốc Độ, Lý Khôi Việt và một nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã nói, hay lại sẽ đưa đất nước vào những cơn biến loạn đau thương như thời kỳ từ 1963 - 1966? Cứ nhìn thái độ hung hăng, cực đoan của nhóm đứng sau lưng cựu Thiếu Tướng Đỗ Mậu, Lê Trọng Văn và nhóm Lý Khôi Việt, chúng ta cũng đã có câu trả lời.
Ngô Sĩ Liêm, một sử gia nổi tiếng đời Lê Thánh Tông, trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Biên, đã phê bình việc vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông dùng Phật Giáo để trị quốc như sau:
Về Trần Thánh Tông:
"Vua là người trung hiếu, nhân thứ, tôn người hiền, trọng kẻ sĩ; cha làm ra trước, con nối về sau, cơ nghiệp của nhà Trần được vững bền. Song ham mê đạo Tam Muội (diệt tham, sân, si), nghiên cứu đạo Nhân Thừa, thì không phải là đạo trị thế giới của đế vương. "
Về Trần Nhân Tôn:
"Hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần. Song vui lòng ờ Kinh Phật, tuy bảo là đến siêu thoát, nhưng không phải là đạo trung dung của thánh nhân. "
Quả thật đạo Phật là đạo thoát tục, không phải là đạo trị quốc. Tăng sĩ mà tham chánh thì không bao giờ thoát vòng luân hồi được, cho nên các vua nhà Trần tham chánh một thời đều từ nhiệm rồi xuất gia. Lấy cái đạo thoát tục để điều hành việc thế tục thì không thể thành được. Khi vua Trần Thái Tông lên núi, định bỏ ngai vàng đi tu, dân chúng và triều đình muốn vua trở lại, Trúc Lâm Quốc Sư đã nói với vua:
"Đã làm vua thì không còn có thể theo ý thích riêng mình được nữa. Phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy lòng dân làm lòng của mình. Nay dân đã muốn vua về thì vua không về làm sao được?"
Cũng vậy, khi quân Nguyên xâm lăng nước ta, vua Trần Nhân Tông theo bản chất từ bi của đạo Phật, muốn hàng quân Nguyên để cho dân ta bớt khổ, Trần Hưng Đạo đã hỏi vua:
"Bệ hạ nói câu ấy thì thì thật là là nhân đức, nhưng mà Tông Miếu Xã Tắc thì sao?"
Lời của một Thiền Sư và một vị tướng đã cho thấy không thể lẫn lộn giữa đạo thoát tục và đạo trị quốc.
Qua thời Tây Sơn (1778 - 1802), các tăng sĩ đều phải đi nhập ngũ và làm công dịch như các người dân bình thường, chùa chiền bị phá, tượng Phật bị hủy, tài sản các triều đình trước đã cấp cho nhà chùa nay bị thu hồi lại và cấp cho các làng xã. Mất đi sự trợ giúp của chính quyền, sự hưng thịnh của đạo Phật không còn nữa.
Một thời "huy hoàng" nhất trong lịch sử của Phật Giáo Việt Nam như đã trình bày trên, có nên cho tái diễn một lần nữa hay không? Mọi người đều có thể tự trả lời.
III- NHỮNG THÀNH QUẢ PHẬT GIÁO ĐẠT ĐƯỢC TRONG 100 NĂM QUA
Trong bài Dân Tộc và Phật Giáo cuối thế kỷ 20 đăng trên Bông Sen số 17, Lý Khôi Việt đã nhận định:
"Chính trị Việt Nam suốt 100 năm nay, đã dành một số phận đen tối, khắc nghiệt nhất cho những đứa con Việt Nam ưu tú (tức Phật Giáo) và dành một chỗ ngồi ưu đãi nhất cho những đứa con phản bội xấu xa (tức Thiên Chúa Giáo)."
Nhận định này không phù hợp với thực tế. Trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử do nhà xuất bản Hoa Nghiêm ấn hành tháng 10 năm 1964, Thượng Tọa Thích Tuệ Giác đã liệt kê vô số thành quả mà Phật Giáo Việt Nam đã đạt được từ 1920 đến 1964, rồi ông kết luận:
"Phải nói rằng từ năm 1920 đến hết năm 1956, Phật Giáo Việt Nam thật là một thời kỳ hưng thịnh. Số phật tử càng ngày càng đông, các tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh Phật tử đều được sắp xếp quy củ.
"Các Vị Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni đều là những vị có học vấn uyên bác, kinh sách đều được in ra rất nhiều, phổ biến rộng rãi trong giới Phật tử và những người mộ đạo Phật."
Những thành quả mà Phật Giáo đã đạt được từ thời Pháp thuộc tới nay đã được các sách vở và báo chí Phật Giáo tán dương cho thấy sự quyết đoán của Lý Khôi Việt hoàn toàn sai lầm.
a) Sự phát triển của Phật Giáo dưới thời Pháp thuộc
Tài liệu lịch sử cho thấy dưới thời Pháp thuộc, Phật Giáo không gặp khó khăn nào trong việc thi hành Phật sự cũng như phát triển đạo. Trái lại, chính quyền thuộc địa đã dành mọi sự dễ dàng cho việc phát triển Phật Giáo đến mức nhà Nho phải nghi ngờ rằng Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo là một âm mưu nham hiểm của Toàn Quyền Pierre Pasquier nhằm mê hoặc quần chúng bằng đạo Phật.
Pierre Pasquier được cử làm Toàn Quyền Đông Dương vào ngày 4.10.1926, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông phải trở về Pháp vào ngày 16.5.1927 theo lệnh của chính phủ Pháp. Ngày 23.8.1928 ông được cử trở lại làm Toàn Quyền Đông Dương lần thứ hai. Ông đến Việt Nam nhận chức ngày 26.12.1928. Kể từ đó, ở Pháp cũng như ở Việt Nam, người ta bàn tán khá nhiều đến kế hoạch "Phục hưng Phật Giáo" của Toàn Quyền Pasquier. Người Pháp cũng như nhà Nho tin rằng, để đối phó với phong trào chống Pháp do nhà Nho phát động khắp nơi, Toàn Quyền Pasquier đã khuyến khích Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo, giúp đạo Phật phát triển mạnh để thu hút dân chúng, nhất là giới trí thức, chú tâm vào việc nghiên cứu và tu luyện THIỀN để họ đừng tham gia các phong trào chống Pháp của nhà Nho. Sự bàn tán tăng lên khi một vài nhân vật trong chính quyền thuộc địa bắt đầu được nhà cầm quyền Pháp giúp cho thành lập các hội Phật Giáo như ông Trần Nguyên Chấn trong Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, ông Lê Dư trong Hội Phật Giáo Bắc Kỳ, v.v... Về sau, số sĩ phu và các viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa tham gia vào các hội Phật Học ngày càng đông, trong số này người ta thấy nhiều nhân vật danh tiếng như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Lê Đình Thám, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ v.v.
Toàn Quyền Pasquier bị chết trong một tai nạn máy bay vào ngày 15.1.1934.
Sự phát triển của đạo Phật nhờ sự giúp đỡ của các viên chức chính quyền thuộc địa cũng đã được ghi nhận trong báo chí của Phật Giáo. Tờ Tiếng Chuông Sớm của Phật Giáo số 1 ra ngày 15.5.1935, khi bàn về tình hình Phật Giáo trong nước, cũng đã nhìn nhận:
"Hiện nay, nhờ thế lực của các quan đại thần và của các bậc thượng lưu, hội đã lan ra hầu khắp Bắc Kỳ, đâu đâu cũng có chi bộ..."(27)
Trước sự phát triển quá nhanh của đạo Phật, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã chính thức lên tiếng công kích việc phục hưng Phật Giáo. Nghị Quyết Chính Trị của Đại Hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ nhất, họp từ 27 - 31.3.1935 đã đề cập đến vấn đề này như sau:
"Cuộc vận động phổ biến và mở rộng tôn giáo như Đại Biểu Hội Nghị Chấn Hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ, lập trường dạy đạo Phật ở Cao Miên, cải lương đạo Phật... là những mưu mô của đế quốc lấy mê tín che lấp tư tưởng giai cấp tranh đấu, để kéo quần chúng ra khỏi đường cách mạng tranh đấu."(28)
Nghị Quyết của Ban Trung ương Đảng trong phiên họp từ 6 đến 8.11.1939 còn đả kích nặng nề hơn:
"Đế quốc chủ nghĩa Pháp rất xảo quyệt, đã tìm cách lợi dụng những trào lưu tôn giáo để mê hoặc quần chúng. Những hội chấn hưng Phật Giáo ở Bắc - Nam - Trung do bọn hưu quan và địa chủ cầm đầu có kế hoạch của sở mật thám chính trị bày vẽ."
Trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III, Nguyễn Lang (tức Hoà Thượng Nhất Hạnh) đã ghi nhận nhiều nhiều phản ứng về sự phát triển nhanh của Phật Giáo.
Cụ Phan Khôi đã nêu lại các nghi vấn về sự phát triển của đạo Phật đề cập trong tờ Tràng An:
"Chúng tôi không chuyên một tôn giáo nào hết. Có người lo nếu Phật Giáo thịnh thì Việt Nam sẽ trở nên lười, cho nên Pierre Pasquier Toàn Quyền là nhà chính trị nham hiểm, ký tên cho mấy cái hội Phật ở Đông Dương, làm mê họ bằng Phật Giáo. Chúng tôi không phải quan cố Toàn Quyền Pasquier, chúng tôi đâu biết được dụngý của ngài".
Phan Khôi chưa tin vào dụng ý của Toàn Quyền Pierre Pasquier khi giúp đỡ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, nhưng ông than phiền Phật Giáo xứ ta không làm gì cả!
Cũng trong nỗi lo sợ đó, một số nhân sĩ và nhà báo đã lên tiếng cảnh giác. Trên các số nguyệt san Pháp Âm phát hành trong năm 1937, nhiều ký giả đã đặt nghi vấn về phong trào Phục Hưng Phật Giáo. Ký giả Quốc Tri hỏi định phục hưng Phật Giáo để tạo thế lực ứng phó với thời cơ hay tạo thế lực cho bọn quen buôn thần bán thánh? Ký giả Đông Giao cho rằng Phật Giáo chỉ lo cho tương lai, chớ không lo cho hiện tại. Tờ Tràng An cho rằng đạo Phật chỉ nên dành cho người già!
Dù trong thời kỳ Toàn Quyền Pasquier đang tại chức hay sau khi ông qua đời, chính quyền thuộc địa Pháp đã dành những sự dễ dãi đến mức gần như khuyến khích cho việc phát triển Phật Giáo. Nhờ vậy, các Hội Phật Học đã được thành lập khắp nơi và thực hiện được nhiều công tác quan trọng:
- Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được Hòa Thượng Thích Khánh Hòa và một số cư sĩ thành lập năm 1931. Hội này xây một thư viện Phật Học gọi là Pháp Bảo Phương và một Phật Học Đường. Hội đi thỉnh Tục Tạng Kinh và Đại Tạng Kinh đem về thư viện.
- Long Xuyên Phật Giáo Liên Hữu Hội do các cư sĩ Trần Huệ Dinh, Nguyễn Văn Chân và Đặng Văn Còn thành lập năm 1932.
- Hội An Nam Phật Học ở Huế do Bác sĩ Lê Đình Thám thành lập tại Huế năm 1932 và ông là Hội Trưởng đầu tiên của hội này. Tại đây có một Trường An Nam Phật Học ở chùa Trúc Lâm do Lê Đình Thám và Thích Mật Khế thành lập năm 1934, đã đào tạo nhiều tăng sĩ danh tiếng của Phật Giáo như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Trí Thủ, Thích Mật Thể, Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, v.v... Các Hòa Thượng Thích Trí Độ và Thích Đôn Hậu đã từng làm Giám Đốc và là giảng sư của Trường An Nam Phật Học.
Do sự lôi kéo của Hòa Thượng Thích Trí Độ và Bác sĩ Lê Đình Thám, đa số những người xuất thân từ trường này đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh. Lê Đình Thám, Thích Trí Độ và Thích Mật Thể đã theo Việt Minh đi ra Bắc hoạt động. Các thành phần còn lại tham gia Uỷ Ban Phật Giáo Cứu Quốc cấp Trung Bộ hay tỉnh. Đây là tổ chức cung cấp cho Việt Cộng nhiều tăng sĩ hoạt động chống phá các chính quyền quốc gia như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, v.v. (sẽ nói sau).
- Lưỡng Xuyên Phật Học Hội cũng do Hòa Thượng Khánh Hòa cùng một số cư sĩ thành lập năm 1934 ở chùa Long Phước, Trà Vinh, thu nhận cả tăng lẫn ni.
- Hội Bắc Kỳ Phật Giáo thành lập tại Hà Nội năm 1934 do các Hòa Thượng Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo và một số cư sĩ danh tiếng như Trần trọng Kim, Bùi Kỷ, Ngô Văn Tố, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Năng Quốc, Dương Bá Trạc, v.v. Cư sĩ Nguyễn Năng Tố được bầu làm Chủ Tịch.
- Phật Học Kiêm Tế Hội do Hòa Thượng Thích Thiện Châu thành lập năm 1936 ớ chùa Tam Bảo, Rạch Giá. Hội nầy tuyên bố cổ vỏ cho bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm cho chúng sanh khổ được vui và kêu gọi hướng dẫn Phật Giáo đi theo đường lối của Đảng Cộng Sản Đông Dương.
- Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục do Bác sĩ Lê Đình Thám thành lập tại Huế năm 1940. Cụ Đinh Văn Chấp, Tiến Sĩ Hán Học, thân phụ của Hòa Thượng Thích Minh Châu, phụ trách giảng dạy về Nho học và Lão học, còn Lê Đình Thám hướng dẫn về Phật học cho thanh niên Phật tử. Võ Đình Cường, "cố vấn chỉ đạo" của Thượng Tọa Thích Trí Quang sau này cũng xuất thân từ tổ chức này. Thích Minh Châu lúc đầu cũng được đào tạo tại đây.
- Gia Đình Phật Hoá Phổ cũng do Bác sĩ Lê Đình Thám  lập năm 1944 để giáo dục các thiếu nhi Phật tử. Tổ chức này  có một một ban hướng dẫn gồm các cư sĩ sau đây: Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Hoàng Thị Kim Cúc, Văn Đình Hy,  Đặng Tống, Lê Văn Dũng, Phan Cảnh Tuân, Cao Chánh  Hựu, Phan Xuân Sanh, v.v. Đây là những thành phần hoạt  động rất tích cực khi phong trào Phật Giáo miền Trung nổi  lên. Võ Đình Cường là người chủ chốt trong tổ chức này.  Năm 1951, một hội nghị Gia Đình Phật Hóa Phổ được tổ  chức tại Huế đã quyết định đổi tên thành Gia Đình Phật Tử
- Hội Chỉnh Lý Tăng Già Bắc Việt do Hòa Thượng Thích  Tố Liên thành lập năm 1949, đến tháng 9 năm 1950 đổi thành  Hội Tăng Già Bắc Việt. 
- Hội Phật Tử Việt Nam do một số cư sĩ thành lập năm  1949 tại chùa Chân Tiên ở Hà Nội. 
- Hội Phật Học Nam Việt do hai cư sĩ Mai Thọ Truyền và Lê Ngọc Diệp lập tại Saigon năm 1950. 
- Phật Học Đường Báo Quốc do Thích Trí Thủ thành lập năm 195O ở Huế. Phật Học Đường này thu nhận các học tăng khắp Trung, Nam và Bắc, cung cấp giảng sư cho các Tỉnh Hội  Phật Giáo Miền Trung, cố vấn giáo lý cho Hội Gia Đình Phật Tử. 
- Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập tại Huế năm 1951, kết hợp một số tổ chức Phật Giáo Nam Bắc Trung. Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết trụ trì ở chùa Tường Vân được tôn làm Hội Chủ. 
- Giáo Hội Tăng Già Nam Việt do Thượng Tọa Thích Thiện Hòa và Thượng Tọa Thích Thiện Hoa thành lập năm 1952 tại chùa Ấn Quang Saigon. 
- Hội Tịnh Độ Cư Sĩ Việt Nam do các cư sĩ Huỳnh Văn Đơn, Lữ Huỳnh Anh và Nguyễn Văn Vân thành lập tại Saigon năm 1953.
- Hội Lục Hòa Phật Tử Việt Nam do các cư sĩ Lê Văn Điền, Phạm Văn Tân và Lê Văn Kiều thành lập tại Gia Định năm 1954.
Ngoài các hội và các trường Phật học được thành lập khắp nơi, việc nghiên cứu và phổ biến đạo Phật cũng được đẩy mạnh. Các kinh sách Phật Giáo bằng Việt ngữ cũng được ấn hành dồi dào như Lăng Nghiêm, Kim Cương, Phật Giáo Giáo Khoa Thư, Phật Giáo Vấn Đáp, v.v... Nhiều nhà thâm cứu đạo Phật đã xuất hiện như Lê Đình Thám, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, v.v... Nhiều tạp chí Phật Giáo bằng tiếng Việt đã được phát hành như Đuốc Tuệ, Viên âm, Pháp âm, Quan âm, Từ Bi âm, Duy Tâm, Tiếng Chuông Sớm, Tam Bảo, Tiến Hóa, v.v... Các trường Bồ Đề mọc lên khắp nơi, nhất là ở miền Trung. Các ngày lễ Phật đản năm nào cũng được tổ chức trọng thể và nhiều khi được Hoàng Thái Hậu tặng tiền.
Chùa Ấn Quang được Hòa Thượng Thích Thiện Hòa cho xây cất năm 1949. Đầu tiên đây chỉ là một cái am có tên là Trí Tuệ Am, ở đường Lorgeril (sau này đổi thành Sư Vạn Hạnh), Chợ lớn, sau gọi là chùa Ứng Quang. Tại đây Phật Học Đường Ứng Quang được thành lập, sau đổi thành Phật Học Đường Nam Việt và chùa Ứng Quang thành chùa Ấn Quang.
Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo tại Thừa Thiên bị giảm bớt sau cuộc Cách Mạng Tháng 8 năm 1945, vì một số tăng sĩ quan trọng đã đi theo Mặt Trận Việt Minh. Mãi đến năm 1951, khi Pháp đã chiếm lại phần lớn Đông Dương và Việt Cộng đã rút lui vào các chiến khu, việc phát triển Phật Giáo mới bắt đầu mạnh trở lại.
Nhìn Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo nở rộ dưới thời Pháp thuộc, chúng ta có thể tin rằng kế hoạch phục hưng Phật Giáo Việt Nam của Toàn Quyền Pierre Pasquier là có thật.
b) Sự phát triển của Phật Giáo dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa
Từ 1955 đến 1963, sự phát triển của Phật Giáo rất đáng kể, không thua gì dưới thời Pháp thuộc. Ngoài các đoàn thể và cơ sờ Phật Giáo được thành lập thời Pháp vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển, chính phủ Ngô Đình Diệm đã cho phép thành lập rất nhiều tổ chức mới. Sau đây là một số tổ chức mà chúng tôi biết được:
- Hội Linh Sơn Phật Học do các cư sĩ Nguyễn Đăng Minh, Dương Văn Thinh và Trần Văn Hưng thành lập năm 1955, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, 149 đường Cô Giang, Saigon.
- Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam do hai Thượng Tọa Thích Độ Lượng (Đoàn Văn Ri) và Thích Huyền Minh (Nguyễn Đức Canh) thành lập năm 1955, trụ sở đặt tại số 578 đường Phan Thanh Giản, Saigon.
- Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam do các cư sĩ Đoàn Trung Còn, Nguyễn Văn Hất và Lê Hồng Phước thành lập năm 1955, trụ sở đặt tại 145 đường Đề Thám, Saigon.
- Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam do hai cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu và Trần Văn Nhân thành lập tại Đà Nẵng năm 1955.
- Hội Việt Nam Phật Giáo do các cư sĩ Vũ Bảo Vinh, Nguyễn Văn Nhã và Nguyễn Ngọc Huỳnh thành lập năm 1957, trụ sở đặt tại số 149 đường Phan Đình Phùng, Saigon.
- Giáo Hội Lục Hòa Tăng Việt Nam do các ông Nguyễn Toàn Trung, Lê Văn Bạch và Nguyễn Văn Đạt thành lập tại chùa Long Vân, Gia Định, năm 1957.
- Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam do các ông Nguyễn Đình Trấn, Hà Văn Hiến và Nguyễn Thiện Tri thành lập năm 1957, trụ sở đặt tại chùa Kỳ Viên, số 60 đường Phan Đình Phùng, Saigon.
- Hội Bồ Đề Đạo Tràng do các ông Lê Nhật Ngân, Châu Văn Đồng và Lê Nhật Lưỡng thành lập tại Âm Bồ Đề Viện Châu Đốc năm 1957.
- Hội Phật Giáo tại Trung Phần do Thượng Tọa Thích Thiện Siêu và cư sĩ Nguyễn Dương lập năm 1957, trụ sở đặt lại chùa Từ Đàm, Huế.
- Hội Phật Tử Việt Nam do các ông Dương Duyên Bảng, Phạm Gia Thịnh và Nguyễn Hồ thành lập năm 1958, trụ sờ đặt lại chùa Đại Giác, số 118 đường Chách Mạng, Saigon.
- Giáo Hội Khất Sĩ Ni Giới Việt Nam được các Sư cô Thanh Liên, Bạch Liên và Thành Liên thành lập năm 1958 tại Gia Định.
- Hội Phật Giáo Quan âm Phổ Tế do Thượng Tọa Thích Tâm Châu (Đoàn Văn Hanh) và Vĩnh Nghiêm thành lập năm 1959, trụ sở đặt tại 584/1 đường Phan Thanh Giản, Saigon.
- Hội Việt Nam Phật Giáo Liên Hữu do các cư sĩ Lê Ngọc Tỷ, Nguyễn Toàn Trung và Nguyễn Văn Ươn thành lập tại Saigon năm 1959.
- Hội Từ Thiện Phật Giáo Việt Nam do các cư sĩ Trần Thị Chơi, Phạm Thị Lành và Nguyễn Văn Sĩ thành lập năm 1959 tại chùa Huệ Lâm, Saigon.
- Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Vĩnh Bình được thành lập tại chùa ông Mẹt, Vĩnh Bình, năm 1960.
- Hội Tứ Giáo Phật học Việt Nam được thành lập tại chùa Tam Bửu, Biên Hòa, năm 1961.
- Hội Phật Học Nguyên Thủy Ba Xuyên do các cư sĩ Liên Ucht, Đinh Thạch và Sơn Thu thành lập năm 1962 tại Ba Xuyên.
- Giáo Hội Cư Sĩ Phật Đường Nam Tông do các cư sĩ Huỳnh Tài, Phan Văn Quyên và Nguyễn Văn Nam thành lập năm 1962 tại Saigon.
- Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn do các Hòa Thượng Lâm Ngọc Tỷ, Võ Văn Thông và Nguyễn Văn Tấn thành lập năm 1963 tại Saigon.
Những thành quả mà Phật Giáo đã đạt được dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã được Nguyễn Lang liệt kê trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (tập III), từ trang 304 đến 307:
- Chỉnh đốn lại Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và đem về đặt trụ sở ở chùa Ấn Ouang.
- Nhiều tu viện, chùa và Phật Học Đường đã được xây dựng như tu viện Nguyễn Thiều ở Bình Định, tu viện Quảng Hương Già Lam, Chùa Xá Lợi, Phật Học Đường Phước Hòa ở Trà Vinh, Nhi Học Viện Tử Nghiêm ở Saigon, v.v...
- Mở nhiều khóa huấn luyện tăng ni ở chùa Ấn Quang như khóa Tu Nghiệp Trú Trì và Như Lai Sứ Giả năm 1957, lớp Phật Học Phổ Thông năm 1958. Giáo Hội Tăng Già Việt Nam cũng đã thành lập ban giảng sư lưu động năm 1959 để đi huấn luyện tăng ni trên khắp miền Nam Việt Nam.
- Các đại hội của Phật Giáo được mở ra liên tục như Đại Hội Tổng Giáo Hội Việt Nam kỳ II năm 1956 và kỳ III năm 1957, Đại Hội Ni Bộ Miền Nam ờ chùa Huê Lâm năm 1956, Đại Hội Giáo Hội Tăng Già Trung Việt kỳ III năm 1958, Đại Hội Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc kỳ III năm 1959, Đại Hội Hoằng Pháp Toàn Quốc năm 1960, v.v...
- Nhiều tạp chí Phật Giáo ra đời như Phật Giáo Việt Nam, Liên Hoa, Văn Hóa, Từ Ouang, v.v...
Trong cuốn Phật Giáo tại Việt Nam, ông Mai Thọ Truyền cho biết lúc ông Diệm lên cầm quyền, số chùa tại miền Nam là 2206 cái. Khi ông Diệm bị lật đổ, số chùa lên đến 4776 cái, tức đã tăng 2570 cái. Trong cuốn Our Vietnam Nightmare, Marguerite Higgins ghi nhận rằng chính phủ Ngô Đình Diệm đã đóng góp 9 triệu đồng để trùng tu và xây cất chùa chiền. Có tất cả 1295 ngôi chùa đã được trùng tu. Riêng chùa Xá Lợi, chúng tôi biết Tổng Thống Diệm đã tặng 2 triệu đồng và sau đó cho xử dụng thêm 7 lần tiền đua ngựa để xây cất.
c) Sự phát triển của Phật Giáo dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa
Sau 1.11.1963, Phật Giáo coi như đã "làm chủ" đất nước, thừa thắng xông lên, làm áp lực buộc chính quyền phải tuân theo ý muốn của Phật Giáo.
Mặc dầu quy chế chung cho tất cả các tôn giáo chưa được soạn thảo và ban hành, Giáo Hội Phật Việt Nam Thống Nhất mới thành lập đã làm áp lực bắt buộc chính quyền phải công nhận bằng một đạo luật Hiến Chương mà Giáo Hội này đã đệ trình, gây nên những rối loạn pháp lý mà chỉ vài năm sau đó Giáo Hội Ấn Quang đã là nạn nhân của những đòi hỏi phi lý này. Sau đây là một tổ chức Phật Giáo đã được thành lập thêm dưới thời Đệ Nhị Cộng Hoà:
- Viện Cao Đẳng Phật Học được thành lập ngày 13.3.1964, có quyền cấp Cử Nhân Phật Học, Cao Học Phật Giáo và Tiến Sĩ Phật Học.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do 11 tông phái và hội Phật Giáo thành lập ngày 4.1.1964, được duyệt y bằng Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964.
- Giáo Hội Thiền Tông Việt Nam được thành lập tháng 11 năm 1964 tại Gia Định.
- Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do liên phái Phật Bửu Tự, Bửu Lâm Tự, Bình Hòa Tự, Long Quang Tự, Nhơn Đức Tự và Giác Lâm Tự thành lập tháng 12 năm 1964, tách khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
- Phật Hội Pháp Hoa Việt Nam do cư sĩ Nguyễn Trọng Tố thành lập tại Nha Trang năm 1965.
- Phật Hội Lục Phương Tông do hai cư sĩ Võ Văn Trọng và Nguyễn Văn Toàn thành lập tại Saigon năm 1965.
- Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ do Thượng Tọa Thích Giác Nhiên thành lập tại Gia Định năm 1966.
- Hội Phật Giáo Phụng Sự Xã Hội do Thượng Tọa Thích Tâm Châu thành lập tại Saigon năm 1967.
- Việt Hàn Phật Giáo Tương Trợ Hội do hai Thượng Tọa Thích Tâm Châu và Suk Khung San thành lập tại Saigon năm 1967.
- Giáo Hội Đạo Tràng Thiên Học do Tu sĩ Trần Rinh thành lập năm 1968 tại Hóc Môn, Gia Định.
Phật Giáo bắt đầu xây dựng những cơ sở to lớn: khởi đầu là Việt Nam Quốc Tự ở đường Trần Quốc Toản, Saigon, sau đó là chùa Vĩnh Nghiêm, Viện Đại Học Vạn Hạnh và các cơ sở khác khắp miền Nam Việt Nam.
Ngày 24.4.1964, khởi công xây Việt Nam Quốc Tự trên sở đất rộng 45.000 m2. Sở đất này tọa lạc tại một địa điểm khá quan trọng trong thành phố, được chính phủ cho thuê với giá tượng trưng. Tuy gọi là cho thuê nhưng trong thực tế là cho luôn, vì không thể lấy lại được.
Trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu cho biết, để xây cất Việt Nam Quốc Tự, Tướng Nguyễn Khánh đã cúng 10 triệu đồng, còn Tướng Nguyễn Cao Kỳ cho vay 50 triệu đồng. Số tiền đó được giao cho các Thượng Tọa Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Trí Thủ và Thích Từ Nhơn, nhưng các Thượng Tọa này giữ tiền luôn, không chịu xây cất chùa. Chi phí xây cất Việt Nam Quốc Tự lúc đó được ước lượng chỉ khoảng từ 60 đến 70 triệu đồng Việt Nam mà thôi.
Nhưng vì sự lộng hành của Thượng Tọa Thích Trí Ouang trên chính trường miền Nam từ 1964 đến cuối năm 1966, khối Phật Giáo Ấn Ouang bị vỡ ra làm hai, các tông phái miền Bắc và miền Nam tách rời khỏi Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Những hậu quả này không phải do chính quyền mà do Thượng Tọa Thích Trí Quang và nhóm Phật Giáo miền Trung tạo ra.
d) Sự phát triển của Phật Giáo dưới chế độ Cộng Sản.
Ngay dưới chế độ cộng sản, Phật Giáo Việt Nam cũng phát triển rất mạnh. Sự phát triển này được ghi lại trong các bài sau đây đăng trên hai tạp chí Phật Giáo Việt Nam hải ngoại là tờ Bông Sen và tờ Giao Điểm.
Bài "Hiện tình Phật Giáo Việt Nam: Hơn 15.604 tăng ni và hơn 4.874 ngôi chùa" của Ban Tăng Sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh) cho biết:
1 -Đã thống kê được số tự viện và lập sổ danh bộ các Tăng Ni trong nước. Tình trạng năm 1990 như sau:
- Tổng số tăng ni là 15.604 người, gồm 8.090 Bắc tông, 6007 Nam tông và 407 khất sĩ.
- Tổng số tự viện là 4.874 cái, gồm 4.819 cái của Bắc tông, 414 cái của Nam tông và 184 cái của Khất sĩ.
Những con số này chúng tôi chép lại nguyên văn, nhưng khi cộng lại thấy chưa ăn khớp với nhau.
2.- Bắt đầu cấp Giấy Chứng Nhận Tăng Ni, giống như Độ Diệp đời Trần.
3.- Tổ chức các Đại Giới Đàn cho các tăng ni thọ giới tu học và An Cư Kiết Hạ cho các tăng ni trưởng dưỡng đạo tâm. Các tăng ni tốt nghiệp được cấp Chứng Điệp Thọ Giới và Chứng Điệp An Cư Kiết Hạ.(27) Như vậy, Ban Trị Sự Trung ương của Giáo Hội quốc doanh đã làm được những công việc mà Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang mơ ước. Trong lịch sử Phật Giáo, các việc này chỉ xẩy ra ở đời Trần mà thôi.
Bài "Những tiến triển tốt đẹp của Phật Giáo miền Bắc," ghi lại cuộc phỏng vấn Thượng Tọa Thích Thanh Tứ, Phó Tổng Thư Ký kiêm Chánh Văn Phòng I Trung ương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh). Thượng Tọa Thích Thanh Tứ nói:
"Với nhu cầu tín ngưỡng ngày càng gia tăng, một số chùa đã được sửa chữa với quy mô lớn như chùa Hương... Một số các Phật tử trong làng xã đã xin phép xây dựng chùa mới. Nhìn vào những mùa An Cư Kiết Hạ mỗi năm, số lượng tăng ni cũng gia tăng, bên cạnh những sinh hoạt của tín đồ Phật tử như thuyết giảng ngày lễ hội tại một số nơi cũng đông đảo hơn trước. Nhìn chung, đây là một dấu hiệu hoan hỷ của Phật Giáo miền Bắc nói riêng và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nói chung, có những tiến triển càng ngày càng thuận lợi."(29)
Bài "Phật Giáo ở Bắc Việt sau năm 1980" của T.S. Phạm Trọng Chánh có cho biết như sau:
"Từ năm 1988 với chiều hướng "đổi mới", một loạt các trường Cơ Bản Phật Học đã được thành lập tại các tỉnh. Năm 1988 miền Bắc khai giảng trường Cơ Bản Phật Học tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng có trên 100 tăng ni theo học. Tại miền Nam có ba trường Cơ Bản Phật Học tại Saigon, Hậu Giang và Đồng Tháp có trên 350 tăng ni sinh. Năm 1990 có thêm 5 trường CBPH tại Đồng Nai, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cửu Long, Lâm Đồng. Trường ơƠ Bản Phật Học thành phố Hồ Chí Minh được mở thêm một cơ sở ở Thủ Đức. Tổng cộng 6 lớp có trên 600 tăng ni. Đầu năm 1991 có thêm hai trường Hà Sơn Bình và Kiên Giang trên 100 tăng ni."
Đặc biệt, tại Việt Nam hiện nay còn có các lớp hướng dẫn áp dụng "Phật Giáo dưới ánh sáng Mác-Lê" tại hai nơi:
- Cơ sở 1 ở chùa Quán Sứ Hà Nội: học viên được gọi là sư nhưng có thể có vợ con và ăn mặn bình thường.
- Cơ sở 2 là trường Cao Cấp Phật Học tại Thiền Viện Vạn Hạnh, số 716 đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhận, Saigon, do sư quốc doanh Thích Minh Châu điều khiển.
Các tổ chức Phật Giáo hải ngoại đang thi nhau quyên góp tiền bạc gởi về tài trợ cho hai cơ sở này đào tạo các "tăng chúng".
Theo tài liệu về "Tự do tôn giáo tại Việt Nam" được nhà cầm quyền Hà Nội công bố ngày 13.6.1993 tại Paris thì số tăng sĩ Phật Giáo năm 1991 là 17.000, đến năm 1993 đã tăng lên đến 20.000, trong đó có một số đã được gởi qua Ấn Độ để học Tiến sĩ Phật Học. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, Phật Giáo Việt Nam đã có trên 3.000 tăng sĩ. Nếu căn cứ vào con số tăng sĩ kiểm kê năm 1990 là 15.604 người như đã nói trên thì chỉ trong vòng 3 năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có thêm đến 4.400 tăng sĩ, trong khi số linh mục Công Giáo được phong không quá 30 người.
Bản tài liệu cũng cho biết có 4373 ngôi chùa đã được sửa chữa và trùng tu, 50 sách Phật Giáo đã được xuất bản, trong đó có bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, bộ Phật Quang Đại Tự Điển bằng Hán Việt gồm 11 tập và Kinh Đại Tạng.
Trần Tam Nguyên (tức Lý Khôi Việt) đã đi Việt Nam một vòng trong tháng 1 năm 1994, khi về có viết bài phóng sự "Tường trình sinh hoạt Phật sự tại Việt Nam", đăng trên Bông Sen số 18, ca ngợi sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật tại Việt Nam như sau: "Sinh hoạt Phật sự ở Huế khá đặc sắc, Gia Đình Phật Tử hầu như phục hồi gần bằng trước năm 75, hiện ở Huế - Thừa Thiên đang có hơn 20 ngàn thanh thiếu nhi sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Sinh hoạt từ thiện xã hội thì ngoài Sư Cô Minh Tú còn có ban từ thiện xã hội của Giáo Hội cũng sinh hoạt mạnh và có các nhóm từ thiện xã hội nhỏ hơn... "
"Có một niềm vui lớn là khắp các chùa lớn đã có những phòng phát hành kinh sách Phật Giáo với cả trăm cuốn sách mới được Giáo Hội mới (quốc doanh) in ra, một cách rất nghiêm túc và long trọng, hay được Phật tử in lại một cách bán chính thức "
Thượng Tọa Thích Thông Bửu, Tổng Vụ Trưởng Vụ Cư Sĩ của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang trước đây, đã bị bắt cùng với các Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quảng Độ, Thuyền Ấn... mới đi cải tạo về chỉ một hai năm mà đã được Việt Cộng để cho làm nhiều chuyện to lớn. Trong lễ Phật Đản năm 1931 vừa qua, Thượng Tọa đã tổ chức đại lễ tưởng niệm 30 năm Bồ Tát Quảng Đức và khánh thành Bảo Tháp Bồ Tát Quảng Đức, "một công trình nghệ thuật độc đáo, tuyệt đẹp, đặc thù VN". Trong buổi lễ này có 900 tăng ni tham dự. Thượng Tọa lại tổ chức lớp Phật tử tại gia, có 49 tăng chúng. Thượng Tọa còn chú trọng đến việc tu học của giới trí thức, thanh niên và nam cư sĩ. Lễ ra mắt đầu tháng 1 năm 1994 có đến 1.000 Phật tử tham dự.
Qua các bản tường thuật trên, chúng ta nhận thấy đạo Phật tại Việt Nam đang ở thời kỳ bột phát một cách mạnh mẽ, số tăng ni được đào tạo nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Những tăng sĩ đi cải tạo hay đi tù về được cho thi hành Phật sự một cách dễ dàng chứ không bị cấm như các linh mục cựu tuyên úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Các kinh Phật được in và phổ biến dễ dành, các chùa chiền được trùng tu lại, tổ chức Gia Đình Phật Tử hoạt động lại như trước 30.4.1975. Những "thắng lợi" trên cho thấy rằng không có sự đàn áp Phật Giáo tại Việt Nam mà chỉ có việc loại bỏ Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang mà thôi. Đảng Cộng Sản Việt Nam khi chống Pháp đã đả kích một cách mạnh mẽ chính sách "Phật Giáo hóa Đông Dương" của Toàn Quyền.. Pasquier, nhưng khi nắm được chính quyền, họ cũng chọn con đường mà Toàn Quyền Pasquier đã chọn.
Nhìn lại lịch sử, ngoại trừ đời Trần, các tăng sĩ được nhà nước nuôi ăn để lo tu trì và Phật sự, không đời nào Phật Giáo phát triển mạnh như từ thời Pháp thuộc đến nay.
IV- VÀI NÉT VỀ SỰ DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIÊN CHÚA GIÁO TẠI VIỆT NAM
Thiên Chúa Giáo mới du nhập vào Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ 15 và số tín hữu hiện nay chỉ khoảng 7,5% dân số nhưng ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam về phương diện chính trị, văn hóa và xã hội cũng đã có một tầm mức đáng kể. Không như Phật Giáo đã được các triều đình Trung Hoa và Việt Nam đi thỉnh về và giúp cho phát triển, Thiên Chúa Giáo phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới có một chỗ đứng ngày nay trong xã hội Việt Nam.
Theo Khâm Định Việt Sử thì năm Nguyên Hòa (1533), dưới đời Lê Trang Tông, có "Chỉ dụ cấm đạo Da tô" Chỉ dụ này cho biết có một người Tây tên là INIKHU đi đường bể vào giảng đạo tại hai làng Ninh Cường và Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Sơn, tức Nam Định ngày nay. Qua chỉ dụ này, người ta biết được đạo Thiên Chúa đã có mặt tại Việt Nam năm 1533 hay trước đó ít lâu.
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo cho biết năm 1550, linh mục Gaspar de Santa Cruz từ Malacca đến truyền giáo tại Hà Tiên. Sau đó nhiều giáo sĩ và tu sĩ khác từ Malacca và Phi luật tân đến truyền giáo ở Bắc Việt và Quảng Nam trong các năm 1580, 1583, 1615. Đó là những bước khởi đầu.
a) Những khó khăn
Đạo Thiên Chúa khi truyền vào Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Sau đây là những khó khăn chính.
1.- Khó khăn vì xa lạ về văn hóa
Các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, I Pha Nho hay Pháp khi tiếp xúc với văn hóa Việt Nam họ gặp phải một thứ văn hóa quá xa lạ. Tư tưởng, phong tục, tập quán đều hoàn
toàn khác biệt. Do đó, họ phải nghiên cứu và học hỏi trước rồi tập làm quen dần. Người Việt Nam khi nghe họ giảng dạy những điều xa lạ với Tam Giáo cũng rất khó tiếp thu.
2.- Khó khăn vì ngôn ngữ
Đến tiếp xúc với người Việt Nam, các nhà truyền giáo phải học tiếng Việt Nam là một thứ ngôn ngữ mà từ phát âm đến văn phạm, đều khác xa tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp, nên việc dùng tiếng Việt để thuyết phục dân bản xứ theo đạo không phải là chuyện dễ dàng.
3.- Gặp sự chống đối của chính quyền và nhà Nho.
Phật Giáo được chính các hoàng đế Trung Hoa cho đi thỉnh vào Trung Hoa và giúp phát triển nên sự phát triển không có gì khó khăn. Một số nhà Nho quan niệm đạo Phật là đạo ngoại lai và không muốn cho đạo Phật phát triển, nhưng họ chỉ phản kháng thụ động, vì đạo quân thần của Nho Giáo không cho phép họ có hành động trái ngược với ý muốn của vua. Chỉ khi nào Nho Giáo thắng thế, Phật Giáo mới bị loại ra khỏi chính quyền và không còn được trợ giúp về tài chánh, chớ không hề bị đàn áp dã man. Tính trạng này cũng đã xẩy ra ở Việt Nam. Vua Lý Thái Tổ cho đi thỉnh Kinh Phật về và giúp Phật Giáo phát triển. Các vua kế tiếp cũng đã yểm trợ Phật Giáo tối đa. Nhà Nho cũng chỉ phản ứng như ờ Trung Hoa.
Trái lại, Thiên Chúa Giáo rất xa lạ đối với triều đình và nhà Nho nên khi mới truyền vào đã bị coi là "tà đạo". Với "tà đạo" thì phải tìm cách ngăn chận hay diệt.
Đạo Thiên Chúa không có cái may mắn của đạo Phật, nên trên đường truyền bá vào Việt Nam đã gặp nhiều gian nan. Vì thế, trong bài tóm lược Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Linh mục Trần Anh Dũng đã phân chia lịch sử truyền giáo của Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam ra ba giai đoạn, giai đoạn nào cũng mang hình ảnh đau thương:
- Giai đoạn 1: Khai sinh trong máu đào (1533 - 1933) 
- Giai đoạn 2: Phát triển trong đau khổ (1933 - 1960) 
Có người cho rằng Thiên Chúa Giáo truyền vào Việt Nam là do sự yểm trợ của thực dân Pháp. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Đạo Thiên Chúa có mặt ở Việt Nam vào năm 1533, đến năm 1851 người Pháp mới vào Cửa Hàn, khi đạo Thiên Chúa đã có cơ sở vững vàng, dù đang bị bắt bớ.
b) Việc cấm đạo
1.- Lý do cấm đạo.
Lý do cấm đạo được ghi rõ trong các chỉ dụ cấm đạo, lúc đầu chỉ vì coi Thiên Chúa Giáo là "tà đạo", sau nghi ngờ giáo dân theo giặc. Chỉ dụ cấm đạo của vua Minh Mạng ban hành năm 1825 đã ghi:
"Đạo phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo."(30)
Các sắc dụ của vua Tự Đức cũng có những luận điệu tương tự như chỉ dụ vua Minh Mạng, chẳng hạn sắc dụ cấm đạo năm 1859 đã viết:
"Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh Tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo lại càng nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào mặc lòng, trong nước vẫn có người đi giảng đạo, nhà vua lấy điều đó làm trái phép, lại có dụ ra lần nữa truyền cho dân bên giáo phải bỏ đạo, và ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo sĩ phải xử giảo, và ở các nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo.
"Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc, chỗ nào cũng có giặc giã nổi lên, nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càng cấm nghiệt: từ năm Giáp Ngọ (1834) cho đến năm Mậu Tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và đạo đồ bị giết, nhất là từ khi bắt được cố Du (P. Marchand) ở Gia Định rồi, sự giết đạo lại dữ hơn trước nữa.
"Nhà vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn điều ra để khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy quyền để giết hại bao nhiêu, thì dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của người ta không sao ngăn cấm được. Vả lại đạo Thiên chúa cũng là một đạo tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân ái, việc gì mà làm khổ dân sự như thế?"
"Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta mà chỉ có việc buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến, vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn cấm;  nhưng bởi vì khi đã quan hệ với việc sùng tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế lực mà đè nén nhau. Cũng vì thế cho nên nước ta không chịu suy xét lẽ phải trái cho kỹ càng, làm lắm sự tàn ác để đến nỗi mất cả sự hòa hiếu với các nước Tây dương và gây nên cái mối biến loạn cho nước nhà vậy.
"(32)
c) Dưỡng sinh trong máu đào
1.- Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh
Bắt đầu từ 1631, ở trong Nam, Chúa Thượng là Nguyễn Phúc Lan không cho người Tây phương vào giảng đạo nữa. Còn ở Bắc, năm 1663, Chúa Trịnh là Trịnh Tạc ra lệnh đuổi các giáo sĩ Tây phương và không cho người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa. Sau đó là những cuộc bắt bớ và tàn sát người giảng đạo và theo đạo ở cả hai miền. Nhưng các giáo sĩ Tây phương vẫn tiếp tục lén lút truyền đạo và số người theo đạo ngày càng tăng.
Năm 1.700, Minh Vương ban hành chỉ dụ cấm đạo mới, ra lệnh đốt nhà thờ, bắt giáo dân làm việc công và phải trả thuế bằng ba người không công giáo. Nhiều giáo sĩ và giáo dân bị bắt giam hay bị giết.
Năm 1712, dưới thời Lê Dụ Tông, Trịnh Cương bắt giáo dân phải cạo trán và khắc vào mấy chữ: "học Hoa Lan đạo". Năm 1754, Trịnh Doanh cấm theo đạo và bắt giết cả giáo sĩ lẫn giáo dân.
2.- Thời kỳ Tây Sơn
Từ 1780 - 1789, Tây Sơn ra lệnh bắt đạo gắt gao khi hay tin người Âu Châu giúp Nguyễn Ánh phục hồi lại nhà Nguyễn. Các cơ sở của công giáo tại miền Bắc bị đốt phá, các giáo sĩ và giáo dân bị săn bắt phải chạy vào rừng hay qua Lào.
Ở miền Trung, nhất là tại các tỉnh Bình Trị Thiên, việc bắt đạo kinh hoàng hơn. Năm 1795, Nguyễn Ánh đem quân đánh Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh lo sợ. Nhân bắt được thư của Nguyễn Ánh gởi cho Giám Mục Labartette ở Phú Xuân, vua nghi ngờ người công giáo nên ra mật lệnh đến tháng 5 năm 1798 sẽ thanh toán người công giáo. Giáo sĩ và giáo dân đoán trước điều đó nên tìm cách chạy trốn trước, nhưng vì số giáo dân khá đông, việc trốn tránh không dễ dàng. Cuộc bắt đạo xẩy ra rất dã man. Các quan dùng sự đau khổ của nạn nhân làm trò chơi:
"Có kẻ phải đóng đinh vào trán rồi đern phơi nắng. Nhưng những người dã man chưa lấy làm phỉ chí, họ đổ dầu vào rốn rồi bỏ bấc mà đốt. Có người khác phải buộc tóc mà treo lòng thòng hay buộc ngón chân và để đầu ngược xuống, lại có khi quan sai buộc ba người lại với nhau thành từng bó rồi cứ để như vậy nhiều ngày. Nhưng cái mà các quan lấy làm thích hơn cả là trói người công giáo vào cột cho thật chặt, rồi buộc vải và tẩm dầu đầu ngón tay, hoặc là bắt để các ngón tay vào bát dầu rồi đốt, đồng thời quan quân ngồi xung quang ăn uống chơi bời cười cợt. Có một người bổn đạo phải trói vào rồi mọi người đến cắt một miếng thịt ăn sống trước mặt người thụ nạn, từ quan trấn thủ đến anh chăn ngựa đều làm việc quái ác và mọi rợ này."(33)
3.- Thời kỳ Minh Mạng và Tự Đức (1820 - 1862)
Sau khi Nguyễn Ánh nhờ người Tây phương giúp, đã đánh bại Tây Sơn và thống nhất sơn hà, lên ngôi trị vì từ 1802 - 1819. Trong thời gian đó người công giáo được bình an. Nhưng đến thời Minh Mạng việc cấm đạo trở nên gắt gao và có phương pháp hơn.
Năm 1825, vua ban hành chỉ dụ cấm đạo, ra lệnh ngăn không cho các giáo sĩ ngoại quốc vào và tập trung các giáo sĩ trong nước vào một khu vực cô lập. Đến ngày 6.1.1833, vua ra một sắc dụ gắt gao hơn, cho lệnh đốt phá các nhà thờ và các cơ sở công giáo, buộc các giáo dân phải dẫm chân lên Thập giá và tuyên bố bỏ đạo. Ai không tuân đều bị giết. Năm 1836, vua ra sắc dụ khuyến khích các quan bắt đạo.
Đến đời Tự Đức, năm 1848 vua ra sắc dụ lùng bắt các giáo sĩ ngoại quốc, ai bắt được sẽ thưởng 30 nén bạc. Giáo sĩ bị bắt được bị buộc đá vào cổ ném xuống sông. Thấy sắc dụ này chưa có kết quả, năm 1857 vua ra sắc dụ khác với hy vọng diệt được công giáo trên toàn quốc bằng cách lên án nặng các quan ăn tiền đút tha cho người công giáo và dọa cất chức những ai chểnh mảng trong việc thi hành lệnh cấm đạo. Số giáo sĩ ngoại quốc bị giết rất nhiều.
Nghe các tin trên năm 1856 chính phủ Pháp sai ông Lecheur de Ville-sur-arc đem chiếc tàu Catinat vào Đà Nẵng để thương lượng với triều đình Huế nhưng không thành. Nhân dịp này, Giáo Mục Pellerin trốn được lên tàu Catinat theo về Pháp trình bày tình hình ở Việt Nam và xin chính phủ Pháp can thiệp giúp.
Lấy lý do ngăn chận việc cấm đạo, Pháp đem quân qua Việt Nam can thiệp. Tháng 1 năm 1858, Pháp đem quân chiếm cửa Hàn. Thấy Pháp đánh Đà Nẵng, năm 1859 vua lại ban hành sắc dụ cấm đạo mới, đưa Giáo Hội Thiên Chúa Giáo vào giai đoạn đen tối nhất của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam.
Sắc dụ ra lệnh cất chức và bắt các quan và các viên chức triều đình đã theo tà đạo, tức đạo công giáo, đồng thời chỉ thị phong tỏa các làng công giáo. Ai bắt được Tây Giang Đạo trưởng được thăng chức và được thưởng 300 lạng bạc. Năm 1860 vua ra sắc dụ truy nã các bà phước, chị em dòng Mến thánh Giá. Năm 1861, vua lại ra sắc dụ phân sáp (phân tán mỏng và sáp nhập) người công giáo vào các làng không công giáo, tách đàn ông ra khỏi đàn bà và hủy hết các làng công giáo. Khắc hai chữ "tà đạo" vào má người công giáo. Những nhà cửa, vườn tược của người công giáo chưa phá hết, phải giao cho làng không công giáo bên cạnh. Người công giáo bị lùa đi như súc vật, bị đánh đập và bỏ đói cho chết. Năm 1862, vua ra lệnh chém hết những người đàn ông từ 10 tuổi trở lên. Cuộc kiểm kê sau khi lệnh cấm đạo dứt cho thấy có khoảng 50.000 giáo sĩ và giáo dân bị giết hoặc mất tích trong thời kỳ này.
Trong khi biện pháp cấm đạo trở nên gắt gao thì Pháp đem quân chiếm Gia Định. Ở ngoài Bắc, Lê Phụng hợp với tên Trường cầm quân nổi loạn chiếm các tỉnh Quảng Yên và Hải Dương. Nguyễn Văn Vàng, tục gọi là Cai Tổng Vàng, nổi lên quấy phá ở Bắc Ninh.
Vua Tự Đức thấy khó đương đầu nổi, liền sai Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và Linh mục Đặng Đức Tuấn vào Nam thương lượng với Pháp. Pháp đòi giao lục tỉnh và bồi thường 5.000.000 nguyên. Linh mục Đặng Đức Tuấn khuyên Phan Thanh Giản chỉ nên chấp nhận khoản bồi thường, không nên nhượng đất. Sau cuộc thương lượng, ngày 9.5.1862, Việt Nam chịu ký hòa ước với Pháp gồm 12 điều, nhường cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, trả binh phí 4.000.000 nguyên, chia làm 10 năm, mỗi năm 400.000 nguyên. Trong hòa ước này có một điều khoản nói triều đình cho các giác sĩ Pháp và I-pha-nho tự do giảng đạo và dân chúng được tự do theo đạo.
Sau khi ký hòa ước, vua Tự Đức có ban sắc dụ ân xá cho người già, đàn bà và trẻ con công giáo. Nhưng sắc dụ này vẫn cấm dân không được theo tà đạo, người công giáo không được tụ tập quá 100 người, không được đọc kinh to tiếng, v.v... 
4.- Thời Văn Thân nổi loạn (1862 - 1888) 
Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, năm 1864 một số nhà Nho gọi là Văn Thân công khai tố giác vua Tự Đức hèn nhát. Văn Thân được các văn thần trong triều và hoàng tộc ủng hộ, định nổi loạn trong một kỳ thi tổ chức tại Huế năm 1864. Văn Thân dâng lên Tự Đức một tờ sớ tố cáo người công giáo âm mưu chống triều đình và yêu cầu được cấp vũ khí để chiến đấu. Nhận được tờ sớ này, vua ra lệnh lục soát các nhà thờ, các cơ sở và tư gia của người công giáo để kiếm vũ khí nhưng không thấy. Vua ra chỉ dụ giải thích tại sao nới lỏng việc cấm đạo và lên án phong trào Văn Thân.
Văn Thân không còn muốn theo lệnh triều đình nữa, tự động tổ chức phong trào tiếp tục chống Pháp và tàn sát người Công Giáo. Cuộc tàn sát này cũng rất dữ dội và bừa bãi, vì lúc đó triều đình không còn kiểm soát được nữa. Tại một vài nơi, các giáo xứ Công Giáo đã tự động thành lập các tổ chức tự vệ để chống lại Văn Thân. Cuộc tàn sát dữ dội nhất xẩy ra năm 1874, có khoảng 4.500 người Công Giáo bị giết và 300 giáo xứ bị đốt. Lấy cớ triều đình Huế không muốn thi hành Hòa ước 1962, Pháp đem quân đánh chiếm các tỉnh miền Bắc và miền Trung, Văn Thân và triều đình Huế không đương đầu nổi, nên năm 1874 vua chịu ký hòa ước thứ hai gồm 22 điều khoản nhận quyền bảo hộ của Pháp, trong hòa ước đó có khoản nói về tự do tín ngưỡng như sau:
"Nhìn nhận đạo công giáo dạy dân làm lành, Hoàng Đế Việt Nam bãi bỏ các sắc dụ cấm đạo trước và ban phép cho tất cả mọi người dân trong nước được tự do theo đạo và hành đạo"
Sau hòa ước này, Văn Thân vẫn tiếp tục đốt phá các làng mạc Công Giáo và tìm sát hại người Công Giáo, nhất là sau khi triều thần đưa vua Hàm Nghi mới 12 tuổi chạy trốn ra Quảng Trị, rồi sau đó tới Quảng Bình. Cuộc tàn sát chỉ chấm dứt sau khi vua Hàm Nghi bị bắt vào năm 1888 ở Quảng Trị và phong trào Văn Thân tan rã.
Tổng kết sau 300 năm bắt đạo đã có khoảng 130.000 người bị giết, trong đó có 8 Giám Mục, 200 Linh mục gồm 150 linh mục Việt Nam và 50 người linh mục ngoại quốc thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, 340 thầy giảng, 270 nữ tu. Khoảng 3.000 họ đạo đã bị đốt phá. Tòa Thánh La Mã đã phong thánh cho 117 vị tử đạo vào ngày 19.6.1988.
5.- Phản tỉnh của vua Tự Đức
Để trả lời những tố cáo và những đòi hỏi của phong trào Văn Thân, năm 1864 vua Tự Đức ra một sắc dụ có đoạn như sau:
"Trẫm là phụ mẫu của dân, Trẫm nỡ nào sát hại những người dân, người con trong nước. Có những quan yêu cầu giết sạch dân công giáo, nhưng Trẫm không thể chấp nhận một biện pháp như vậy. Trẫm đã dùng một biện pháp nghiêm nhặt nhưng vừa phải, là biện pháp phân sáp dân công giáo. Như thế dân chúng biết lòng Trẫm độ lượng đến mực nào.
"Những người có phận sự phải thi hành sắc dụ của Trẫm dạy có nhiều quan đã dùng dịp này để làm khổ dân đến cực độ. Trẫm rất lấy làm đau lòng vì những hành động trên. Lúc hòa bình trở lại, Trẫm đã cấp tốc truyền cho giáo dân về quê hương xứ sở để giữ đạo của mình.
"Dù vậy ở trong nước vẫn có bè đảng, có những đảng thấy mình được che chở thành thử trở nên kiêu căng, tìm cách báo thù, làm cho cả toàn dân phải than phiền, đàng khác ghét chúng và tìm mọi cách để phá hại.
"Phần các người công giáo, Trẫm nhận rằng: Công giáo ở vào một tình thế đau đớn, nhưng dù sao sự trung thành của người công giáo đối với Đạo và đối với luật nước làm Trẫm hết sức khâm phục. Trong cách đối xử, Trẫm sẽ không phân biệt lương hay giáo. Nếu công giáo còn giữ một mối thù, tức nhiên công giáo không theo lệnh vua. Công giáo sẽ là phiến loạn; đã là phiến loạn thì còn gì là công giáo?" "Còn Văn Thân, không hiểu các ông đã học ở sách nào để vi phạm luật nước bằng cách tập trung trong các làng để giết hại người công giáo. Các bậc thánh hiền đã lên án vũ lực, các người không có quyền hành động như thế. "Nếu hành động vì thù hằn nhau, không những người này sẽ nuốt người kia, như cá lớn nuốt cá bé ở ngoài biển, mà có khi sẽ nổi lên chống triều đình, như vậy sẽ gây ra không biết bao nhiêu tai hại. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những vụ lộn xộn, phải chăng là Văn Thân?"(34)
Những điều vua Tự Đức nêu ra không đúng với những việc ông đã làm, nhưng điều này chứng tỏ ông nhìn nhận rằng ông đã hành động không đúng khi ra lệnh giết hại người công giáo nên đã gây ra nhiều hậu quả tai hại, trước mắt là Pháp có lý do chiếm ba tỉnh miền Nam. Ông sợ Văn Thân hành động nông nổi sẽ đưa đến mất nước. Sự lo sợ của ông sau này đã thành sự thật.
Phê bình về những sai lầm của triều đình và triều thần nhà Nguyễn đưa đến việc mất nước, sử gia Trần Trọng Kim chỉ viết có một câu ngắn nhưng rất đầy đủ:
"Sức đã không đủ giữ nước mà cứ làm điều ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I-pha-nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy."(35)
Sử gia Trần trọng kim còn kể lại năm 1879, Nguyễn Hiệp đi sứ Thái Lan về có dâng sớ cho vua và triều đình biết Thái Lan nhờ lập điều ước cho các nước Anh, Pháp, Phổ, Ý và Mỹ đặt lãnh sự để lo việc buôn bán nên Anh không lấy cớ gì để mưu sự cướp đất. Năm 1881, Lê Đĩnh đi sứ Hồng Kông về cũng tâu như vậy, nhưng vua và triều đình không theo, để phải mất nước.
d) Trưởng thành trong đau khổ
"Phúc cho những ai bị bắt bớ vì sự công chính, vì nước trời là của họ" (Mat 5, 10)
"Ai chịu mất mạng sống vì Ta và vì Phúc âm, sẽ cứu được mạng sống chính mình" (Mc 8, 35)
Đó là những lời Thánh Kinh mà các giáo sĩ và giáo dân công giáo luôn suy niệm trong cuộc sống hằng ngày.
Nhờ sự hy sinh của giáo sĩ và giáo dân, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã bước lên trong đau khổ. Ngày 9.9.1659, các giáo sĩ thừa sai đã lập được 2 giáo phận: Giáo phận Đàng Trong và Giáo Phận Đàng Ngoài. Năm 1668 và 1669, bốn linh mục Việt Nam đầu tiên đã được phong chức tại Juthia, Thái Lan. Để giải quyết tình trạng thiếu linh mục, nhất là trong trường hợp các giáo sĩ Tây phương bị truy nã, các linh mục Dòng Tên đã huấn luyện các "thầy giảng" và thành lập Dòng Mến Thánh Giá cho các nữ tu Việt Nam. Nhờ vậy, lúc nào cũng có người dẫn dắt giáo dân. Năm 1802, Giáo Hội Việt Nam đã có 3 Giáo Phận:
- Giáo phận Đông Đàng Ngoài: 140.000 tín hữu với 1 Giám Mục, 4 Linh mục thừa sai và 41 Linh mục Việt Nam.
- Giáo phận Tây Đàng Ngoài: 120.000 tín hữu với 1 Giám Mục, 6 Linh mục thửa sai và 65 Linh mục Việt Nam.
- Giáo phận Đàng Trong: 60.000 tín hữu với 1 Giám Mục, 5 Linh mục thửa sai, 15 Linh mục Việt Nam.
Năm 1900, Việt Nam đã có 812.000 tín hữu với 473 Linh mục bản xứ và 320 linh mục ngoại quốc. Năm 1927, số giáo dân tăng lên 1.237.249 người.
Năm 1933, Linh mục Nguyễn Bá Tòng đã được phong làm Giám Mục Việt Nam tiên khởi.
Đầu năm 1954, Việt Nam đã có 1.400.000 tín hữu. Sau Hiệp Định Genève, hơn 650.000 giáo dân đã di cư vào Nam, để lại miền Bắc 10 giáo phận với 750.000 giáo dân mà chỉ có 7 Giám Mục, 374 Linh mục. Năm 1959, số giáo dân tại miền Nam là 1.226.310 với 1342 linh mục, 715 sư huynh và 3.776 nữ tu.
Trong những năm sống dưới chế độ cộng sản, nhà cầm quyền Hà Nội đã cố gắng tách Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ra khỏi Tòa Thánh La Mã và quốc doanh hóa, nhưng không thành công, vì đức tin của giáo dân rất mạnh. Hầu hết giáo dân đều khai rõ tôn giáo trong Chứng Minh Nhân Dân, mặc dầu biết khai như vậy sẽ bị bạc đãi về mọi phương diện.
Về phương diện văn hóa, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng. Trước tiên là Linh Mục Alexandre de Rhodes (1591-1660) đã sáng chế ra chữ quốc ngữ và hai Giám Mục Pigneau de Béhaine (1741 - 1840) và Taberd (1790 - 1840) đã hoàn chỉnh thêm. Chính chữ quốc ngữ đã làm thay đổi hẳn nền văn học Việt Nam, đưa nền văn học này ngày càng tiến mạnh. Trương Vĩnh Ký và Paulus Của đã góp phần cổ động cho sự phát triển văn học bằng chữ quốc ngữ. Nhiều quyển tự điển do các giáo sĩ biên soạn đã được phổ biến khắp nơi giúp người Việt Nam tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương như các cuốn tự điển La Việt của Giám Mục Taberd (1838), và Ravier (1880), tự điển Việt Pháp của Linh mục Ghénibrel (1868), tự điển Việt Pháp và Pháp Việt của Linh mục G. Cordier (1930 - 1934), tự điển Việt Hoa Pháp vĩ đại của Linh mục Eugène Gouin (1957). v.v. Hai cuốn tự điển Việt Nam của Paulus Huỳnh Tịnh Của và Hội Khai Trí Tiến Đức được nhìn nhận có giá trị.
Về giáo dục, trước năm 1975, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có khoảng 900 trường trung tiểu học rải rác khắp nơi và 2 trường đại học, một ớ Đà Lạt và một ở Saigon. Những người không công giáo phải nhìn nhận rằng trường công giáo có một hệ thống giáo dục tốt. Số nhân vật cầm quyền do các trường công giáo đào tạo rất nhiều.
Về xã hội, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có nhiều cơ sở giúp đồng bào nghèo và những kẻ cô đơn, bệnh hoạn như trại tế bần, viện mồ côi, viện dưỡng lão, bệnh viện, trại cùi, cơ quan cứu tế xã hội, trại giúp đỡ trẻ bụi đời và hoàn lương gái mãi dâm, v.v. Nơi nào cần sự giúp đỡ đều có mặt của các tổ chức xã hội công giáo.
Một tôn giáo không hề được nhà nước đi thỉnh về và đưa lên làm quốc giáo, bị đàn áp ngay từ những ngày đầu bước chân đến Việt Nam, bị kỳ thị vì cho là đạo ngoại lai, thế mà trong chưa đầy 4 thế kỷ, đã lớn mạnh trên đất nước, không phải lớn mạnh bằng con số phần trăm mà lớn mạnh bằng những đóng góp thiết thực, đó là do tình yêu của Chúa Ki tô đã được thể hiện nơi các nhà truyền giáo, họ đã không ngại ngùng trước bất cứ đe dọa nào.
"Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong hân hoan" (Ps. 125, 5 - 6).
"Đâu có tình yêu và bác ái, ở đó có Thiên Chúa".
Các linh mục thừa sai ngoại quốc trước đây và người Công Giáo Việt Nam ngày nay đã và đang theo những lời đó để âm thầm bước lên.
V. KẾT LUẬN
Sau khi khảo sát qua chủ thuyết Phật Giáo và dân tộc do nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đưa ra, chúng ta nhận thấy chủ thuyết này được đặt trên hư cấu và chưa được xây dựng thành hệ thống. Những lời phát biểu về chủ thuyết đó chỉ mang hình thức "đại ngôn vô đương". Đó là một chủ thuyết bất khả thi vì đi ngược với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Chủ thuyết này cuối cùng chỉ còn là một cuồng vọng.
Những sự khoa trương về sự đóng góp của Phật Giáo vào văn hóa và sự tồn vong của dân tộc dưới đời Lý - Trần thực chất chỉ là một huyền thoại. Về văn học, ngoài mấy bài kệ ngắn ra, chúng ta không thấy còn dấu vết gì khác. Về sự tồn vong của dân tộc nếu Hưng Đạo Đại Vương không dùng khí phách của nhà Nho để thắng cái đức từ bi của vua Trần Nhân Tông thì nước đã mất rồi. Về tình trạng kinh tế và xã hội, lúc đó một phần ba đất đai của quốc gia nằm trong tay nhà chùa, số tăng sĩ gần bằng nửa đinh phu, làm sao quốc gia có thể phát triển được? Khuôn mẫu tổ chức xã hội này không phải là khuôn mẫu tổ chức của xã hội ngày nay. Đưa tôn giáo và đất nước trở lại tình trạng dưới thời Lý - Trần có nghĩa là đưa vào thời kỳ suy đồi chứ không phải đưa vào thời "quang hưng" như nhóm Phật Giáo cực đoan đã mô tả.
Trong khi nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung tố cáo Công Giáo đưa thực dân Pháp đến Việt Nam thì Đảng Cộng Sản Đông Dương tố ngược lại rằng phong trào phục hưng Phật Giáo là công cụ của thực dân dùng để mê hoặc quần chúng và phong trào này là "kế hoạch của sở mật thám chính trị (Pháp) bày vẽ". Sự lợi dụng tôn giáo của thực dân Pháp, của Hoa Kỳ hay của các chính quyền của cả hai miền Nam Bắc là điều không ai phủ nhận, nhưng không thể căn cứ sự lợi dụng đó để hô hào phát động thánh chiến tiêu diệt Công Giáo hay Phật Giáo. Đồng hóa sự lợi dụng Đạo của người theo đạo hay của chính quyền với Đạo là cả một sự lầm lẫn không thể tha thứ được.
Cho rằng trong 100 năm qua Phật Giáo bị ngược đãi còn Công Giáo được ưu đãi là hoàn toàn trái với sự thật. Không có một dấu vết nào trong lịch sử cho thấy dưới thời Pháp thuộc cũng như dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, nhà cầm quyền đã giúp đỡ Công Giáo. Công Giáo Việt Nam thiết lập được một số cơ sở là nhờ sự đóng góp của giáo dân Việt Nam và sự giúp đỡ của Tòa Thánh Vatican cũng như của cộng đồng Công Giáo quốc tế. Trái lại. Phật Giáo Việt Nam đã được các chính quyền giúp đỡ về mọi mặt. Chính quyền thuộc địa Pháp đã cho các viên chức cao cấp đứng ra giúp phát triển đạo Phật. Triều đình Huế lúc nào cũng bảo trợ cho Phật Giáo. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã giúp trùng tu hầu hết các chùa trên toàn quốc, cung cấp tiền xây chùa Xá Lợi. Chính phủ Nguyễn Khánh và Nguyễn Cao Kỳ cho đất và cho 60.000.000 đồng để xây Việt Nam Quốc Tự. Báo chí Phật Giáo cho biết chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay cũng đã góp phần lớn lao vào việc phát triển Phật Giáo.
Có thể nói, trong 100 năm qua, Phật Giáo ở Việt Nam đã phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Những đau thương mà Phật Giáo Việt Nam phải gánh chịu trong 30 năm gần đây phần lớn là do các phần tử Phật Giáo cực đoan miền Trung trong Giáo Hội Ấn Quang gây ra hơn là do các chính quyền. Chính họ đã dồn các chính quyền vào cái thế phải đối đầu với các tham vọng của họ. Các sự kiện được nêu ra trong những chương tiếp theo sẽ chứng minh điều đó.
Qua các nhận xét nói trên, chúng ta nhận thấy lời tuyên bố "Chính trị Việt Nam suốt 100 năm này, đã dành một số phận đen tối, khắc nghiệt nhất cho những đứa con Việt Nam ưu tú (tức Phật Giáo) và dành một chỗ ngồi ưu đãi nhất cho những đứa con phản bội xấu xa (tức Thiên chúa Giáo)" chỉ là một cách tuyên truyền để kích động quần chúng phát động đấu tranh cho những tham vọng của nhóm Phật Giáo thiển cận và cực đoan miền Trung mà thôi. Thực tế hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố đó.
Ghi chú Chương I:
1 Lý Khôi Việt, Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam cuối thế kỷ thứ 20, Bông Sen số 17, tháng 9 & 10 năm 1993. tr. 29.
2. Marx-Engels, Tuyển Tập I, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, tr. 14.
3. Lý Khôi Việt, Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam cuối thế kỷ thứ 20, Bông Sen số 17, tháng 9 & 10 năm 1993, tr. 25.
4. Phan Quang Độ, Phật Giáo và Chính Quyền, Bông Sen số 17, tháng 9 & 10 năm 1993, tr. 1 - 2.
5. Phan Quang Độ, Phật Giáo và Chính Quyền, Bông Sen số 17, tháng 9 & 10 năm 1993/ tr. 1. 3.
6. Lý Khôi Việt, Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam cuối thế kỷ thứ 20, Bông Sen số 17, tháng 9 & 10 năm 1993, tr. 27.
7. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr. 93 - 94.
8. Trịnh Văn Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển. tr. 614
9. Toan Ánh, Tín Ngưỡng Việt Nam, tập I, tr. 249.
10. Tuệ Giác, Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, Hoa Nghiêm, 1964, tr. 60, 61 và 65 - 66.
11. Trịnh Văn Thanh, Phật Học, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển, Xuân Thu, 1966, tr. 1045.
12. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, Lá Bối, 1977, tr. 215.
13. Chánh Lạc, Những Vấn Đề trong Phật Giáo, Phú Lâu Na, Hoa Kỳ, 1988, tr. 47 - 48.
14. Thiện Chiếu, Phật Giáo Vấn Đáp, Hưng Long Chợ Lớn, 1932.
15. Tuệ Giác, Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, Hoa Nghiên, 1964, tr. 73.
16. Trần Trọng Kim, Phật Giáo trong ba bài diễn thuyết, Tân Việt, Sai gon, 1950.
17. R. Nixon, No More Vietnams, Arbor House, 1985, p. 67.
18. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển II, tr. 74.
19. Trịnh Văn Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển. Xuân Thu, tr. 1427
20. Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, tập II.
21. Thích Phước Sơn, Hoa Sen số 18, tháng 1/1993.
22. Trịnh Văn Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển tr. 1410 - 1411.
23. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr. 139.
24. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển I, tr. 93 - 96.
25. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr. 182.
26. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr. 116, 137.
27. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III, Lá Bối, 1985, tr. 168
28. Bông Sen số 4 & 5 tháng 1 & 2 năm 1992, tr. 19.
29. Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Sách Giáo Khoa Mác-Lênin, 1979, tr. 124 & 254.
30. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. tr. 227.
31. Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Quyển I, 1966. tr. 449 - 450.
32. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển II, 1971. tr.100, 227-228.
33. Ravier, Sử Ký hội Thánh, III, Hà Nội, 1934.
34. Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Quyển I, 1966, tr. 511 - 513.
35. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr. 242.