Dịch giả: Trần Trung Hỷ
Chương 3

    
ơn ba trăm công nhân ngắn hạn lục tục kéo đến đăng ký vào làm trong xưởng. Cả ba tầng của ký túc xá nam lẫn nữ đều đã đầy ắp người. Chung quanh giếng nước người ta chen chúc nhau, kẻ rửa mặt, người đánh răng, người giặt quần áo, nhiều người xách nước về ký túc xá để rửa ráy giặt giũ, mặt đất sình lầy, ngập ngụa trong nước. Đêm, tiếng ngáy, tiếng ho, tiếng nói mê, tiếng thở phì phò, tiếng đánh rắm... giao tắp với nhau tạo thành một khúc nhạc hỗn loạn đầy khí thế đầy sức mạnh. Tất cả nằm ken dày bên nhau, ôm lấy nhau. Nằm trên cao, tôi lo là căn phòng sẽ bị nổ tung, lo là những thanh gỗ làm lán không chịu nổi sức nặng quá độ nên đổ sụp. Tôi cảm thấy sợ, may mà đã có Phương Bích Ngọc đang ở bên cạnh tôi. Cách một bức tường, tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp tỏa ra từ thân thể cô.
Công việc đầu tiên sau khi đến xưởng là chúng tôi phải làm sạch cỏ dại trong phạm vi xướng dưới sự quản lý của một công nhân biên chế có biệt danh là Búa Sắt Tử, chờ đến khi thu mua được bông mới chính thức vào công việc. Cỏ được vun thành những đống nhỏ. Búa Sắt Tử có đôi chân vòng kiềng, lưng gù, đôi mắt lúc nào cũng láo liên, dáng đi trông rất giống một con vịt bầu, giọng nói thì khàn khàn như vịt đực. Không phải là tôi cố tình nói xấu, nhưng quả thực là hắn chẳng có chỗ nào để khen. Lý Chí Cao bực bội nói:
- Để cho thằng cha như thế trở thành công nhân biên chế, đúng là lãnh đạo đã đui hết cả rồi! Giai cấp công nhân lãnh đạo toàn diện à? Phì! Cứ như lão ta thì lãnh đạo cái con c.!
Quách Hải là tên thật của hắn. Đằng sau cái biệt danh Búa Sắt mà thêm một chữ Tử nữa quả là một điều đại bất kính đối với cổ nhân. Quách Hải là tổ trưởng tổ xếp dỡ, luôn có mấy kẻ thân tín bên cạnh, một gã có biệt danh là Nhúm Lông, một gã được gọi là Điêu Núi, tiền hô hậu ủng, thần khí hiên ngang vô cùng.
Xưởng gia công bông chiếm diện tích đến năm trăm mẫu, cách xa xóm làng, chung quanh có tường xây bằng gạch lấy ở các phần mộ. Những năm ấy than đá vô cùng khan hiếm nên những lò nung gạch không thể hoạt động được, ngay cả những công trình xây dựng nhà nước cũng phải dùng gạch xây mộ để xây. Theo chủ trương bài trừ mê tín, cuộc sống lại khó khăn, mọi người đua nhau phá mồ mả tổ tiên để lấy gạch bán, tổ tiên gặp đại nạn. Có nhiều anh em ruột tranh nhau một phần mộ, đánh nhau đến vỡ đầu. Chúng tôi rẫy cỏ, san đất, lượm đá cuội nhặt vỏ trái bông, lau lách khô vun thành một đống cao ngất ngưởng. Đây là thời kỳ chưa thu mua được trái bông, trên những mảnh đất trống chúng tôi tỉa một vài khoảnh đậu lạc, ngô... nhưng nói chung chúng chẳng chịu phát triển. Khi thu hoạch đậu lạc, bên nam bên nữ thi nhau ăn, ăn nhiều đến độ nước dãi màu trắng đục đùn chảy cả ra ngoài miệng, không ít người đau bụng đi ngoài đến mấy ngày liền.
Trong quá trình chờ đợi thu mua bông, tôi hiểu ra được nhiều chuyện:
1. Xưởng gia công bông có tên chính xác là Xưởng gia công dầu bông, trực thuộc cục thương nghiệp huyện, phụ trách việc thu mua bông của nông dân, làm công việc tách hạt bông ra rồi đem bông đóng kiện chuyển đi nơi khác. Hạt bông được cho vào máy bóc vỏ cứng lẫn vỏ lụa, sau đó được đưa đến phân xưởng ép dầu để ép lấy dầu bông bán ra thị trường. Ban đầu loại dầu đen sì đặc quánh này chưa hề được xử lý bằng những biện pháp kỹ thuật nào đã đến tay người tiêu dùng, từ đó sinh ra những chứng bệnh cực kỳ lạ lùng. Để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, Đảng và chính phủ bèn chủ trương trộn chất kềm vào trong dầu rồi cho vào nồi nấu, để lắng lại rồi chiết ra thành một thứ dầu vệ sinh màu xanh xanh đem bán cho nông dân ăn, những chứng bệnh lạ cũng biến mất. Nghe đâu rằng vỏ lụa trái bông là nguyên liệu cơ bản để chế tạo thuốc nổ, quý giá vô cung, nghiêm cấm việc xuất khẩu ra các nước đế quốc phản động để tránh việc chúng dùng sản phẩm vỏ lụa trái bông được sản sinh từ Trung Quốc, chế tạo ra thuốc nổ để đem giết người Trung Quốc. Vỏ cứng trái bông có thể cho trâu bò ăn, bánh hạt bông cũng có thể cho bò ăn, cho dù ăn xong thì chúng có thể ỉa ra máu nhưng người ta vẫn cứ cho ăn và trâu bò cứ thế mà ăn. Cho nên có thể nói, toàn bộ bộ phận nào trên cây bông đều là bạc vàng châu báu. "Công xã nhân dân nhất định phải trồng thật nhiều bông" là chỉ thị tối
cao. Khi Búa Sắt Tử huấn thị chúng tôi, lão ta đã nói một cách nghiêm trang như thế. Khi lên lớp, tần suất láo liên của đôi mắt càng lớn. Có một cô gái thường được mọi người gọi là Mạch Điện không nhịn được cười phá lên. Búa Sắt Tử nói: Không cho phép cười, nghiêm túc lại! Nhưng Mạch Điện vẫn cứ cười. Có người nói, Mạch Điện là con gái của phó bí thư Đảng ủy công xã rõ ràng là con em của cán bộ cao cấp, ai dám gây khó dễ, Búa Sắt Tử là cái thá gì?
2. Xưởng gia công bông có một phân xưởng tách hạt bông (phân xưởng chính), một phân xưởng đóng gói (đem bông đã được gia công ở phân xưởng bì cốt đóng kiện), một phân xưởng sửa chữa, một phân xưởng ép dầu, một tổ tài vụ, một tổ nghiệp vụ (phụ trách việc vun trái bông mới thu mua lại thành đống rồi dùng lau lách và vải bạt đậy kín lại), một tổ nhà bếp, một tổ bảo vệ, một tổ cơ khí (thợ máy và thợ điện), đại khái là có như thế.
Xưởng gia công không có nước máy, chỉ có một cái giếng to tướng với mấy cái máy bơm tay. Chung quanh giếng có treo mười mấy chiếc thùng sơn màu đỏ và mười mấy bình chữa lửa. Sau khi vào xưởng khoảng một tuần, chúng tôi đã gây náo loạn một trận ra trò ở bên giếng. Nguyên nhân ban đầu là vợ lão Sài - người suýt nữa đã có chiếc bát sắt đảm bảo cho sự sống, đến tìm lão ta. Ngày ấy có chợ phiên, vợ lão ta từ chợ trở về, trên vai đeo hai chiếc giỏ, bên trong có mấy quả dưa chuột. Bà ta khoảng hơn bốn mươi tuổi, mái tóc thắt thành hình thiếc phi cơ đôi mắt ươn ướt lúng la lúng liếng trông rất đa tình. Tôn Hòa Đấu chặn bà ta lại, hỏi: Tìm ai? Bà ta đáp: Tìm bố thằng cu! Kỳ thực thì Tôn Hòa Đấu đã biết bà ta là vợ lão Sài nhưng lại cố ý gọi to lên: Ông Sài, vợ ông đến thăm ông nè! Người đàn bà chẳng hề nói gì, chỉ đưa tay che miệng cười. Lão Sài cuống cuồng chạy ra, có vẻ không bằng lòng, hỏi: Bà đến đây làm gì? Bà ta đáp: Đến thăm ông! Lão Sài nhăn nhó: Tôi có sao đâu thăm viếng gì? Bà ta cong cớn: Đến để xem ông có chim được cô gái tơ nào không? Hòa Đấu chen vào: Lão Sài cứ đêm nào cũng ôm một cô gái mà ngủ! Người đàn bà gào lên: Đồ chết bằm! Bữa nay tôi quyết không tha cho ông! Vừa nói, bà ta vừa nhảy bổ tới, tay phải rất thành thục và chuẩn xác chụp ngay lấy "của quý" lão Sài bóp mạnh, miệng gầm lên: Bà này cho ông biến thành hòa thượng để bỏ cái tật thèm gái! Lão Sài rú lên thảm thiết, cong người gục đầu, tay chân co quắp, mặt vàng như đất. Hòa Đấu vội vàng nhảy đến kéo bà ta ra. Người đàn bà nằm lăn lộn trên đất kêu gào làm kinh động đến xưởng trưởng. Ông ta đang ngậm chiếc tăm xỉa răng xuất hiện trước phòng làm việc, quát: Làm loạn gì thế? Đây là công xưởng, sao lại làm loạn được chứ? Lão Sài thấy vợ mình đã làm cho xưởng trưởng cáu giận thì điên tiết vô cùng, máu nóng xông lên tận đỉnh đầu, bất kể hậu quả ra sao, chụp lấy khẩu súng trên vai Tôn Hòa Đấu, mở chốt an toàn, gào lên: Cả cuộc đời tao đã bị hủy hoại dưới tay mày, bữa nay tao sẽ giết mày! Nói xong thì bóp cò. Khẩu súng già nua đã từng bắn nhau với bọn quỷ Nhật Bản vẫn còn hoạt động. Một tiếng nổ kinh thiên động địa vang lên và không biết đầu đạn bay đi phương nào. Người đàn bà rú lên một tiếng kinh hoàng, không lăn lộn nữa, cũng không điên nữa, bò dậy ôm lấy đầu, vừa chạy vừa gào: Cứu tôi với! Cứu tôi với! Thằng phản cách mạng giết người! Lão Sài ôm súng đuổi theo. Xưởng trưởng đã từng là dân quân từ năm bốn mươi bảy, cũng có chút can đảm, quát to lên: Mau lên, bắt nó lại, trước tiên là phải đoạt lấy súng! Tôn Hoà Đấu cũng có được mấy ngày làm lính nên có chút ít kinh nghiệm chiến đấu, bước thấp bước cao chạy theo lão Sài. Lúc ấy chúng tôi đang dọn cỏ dại thì nghe ở ngoài cổng có tiếng súng rồi lại thấy một đám đông chạy ùa tới. Búa Sắt Tử cực kỳ hưng phấn kêu lên the thé. Người đàn bà thấy lão Sài điên cuồng đuổi theo thì sợ đến độ đái ra quần và đâm đầu xuống giếng. Lão Sài chạy đến bên thành giếng khóc gào thảm thiết: Mẹ mấy đứa nhỏ ơi, tôi có sống thì cũng chẳng còn chỗ nào mà chui đầu nữa rồi, thôi thì tôi đi theo con đường của bà vậy! Nói xong, lão vứt khẩu súng xuống nền giếng, đứng thẳng người và nhảy xuống giếng theo thế đầu ở trên chân ở dưới. Mọi người nhốn nháo vây quanh miệng giếng nhìn vợ chồng lão Sài đang quẫy đạp dữ dội dưới giếng, nếu không ra tay cứu ắt là sẽ chết. Mọi người hè nhau khiêng một chiếc thang bằng tre dài ngoẵng thả xuống theo thành giếng. Ai cũng muốn xuống giếng cứu người, Hòa Đấu hùng hổ hét lớn: Tránh ra, tránh ra! Tôi là quân nhân xuất ngũ để cho tôi xuống! Đành phải để lão ta xuống thôi. Lại tìm được một sợi dây thừng to tướng và thế là buộc chặt vợ chồng lão Sài lại rồi hè nhau kéo lên. Cả hai đều chưa uống nước bao nhiêu xốc vài cái là nước trong bụng đã nôn ra hết, tốt rồi. Một đàn ông một đàn bà giống như hai con gà bị rơi xuống nước, mở mắt nhìn chung quanh một loạt rồi lại ôm mặt khóc ngon lành. Xưởng trưởng điên tiết chửi: Đồ thằng Sài ngu ngốc kia, ông mà không nể tình là người đồng thôn với mày, ông đuổi mày ngay lập tức! Lão Sài và xưởng trưởng vốn là người đồng thôn. Đúng lúc đó, tay tổ trưởng nhà bếp là Giang Đại Điền đến gánh nước, Búa Sắt Tử nói: Hay quá! Bữa nay ta ăn canh nấu với huyết tươi của vợ lão Sài! Xưởng trưởng nói: Ông Sài! Phạt ông và vợ ông phải múc cho cạn nước trong giếng! Vợ lão Sài nước mắt lưng tròng nói: Bác ơi! Để cho vợ chồng em nói với nhau vài câu rồi chúng em sẽ múc, được không ạ? Xưởng trưởng nhổ một bãi nước bọt rồi bỏ đi. Đi được hai bước lại quay đầu chửi Tôn Hòa Đấu: Tôn Hòa Đấu! Cậu chẳng phải là một quân nhân! Chẳng qua là một đống phế vật! Tôn Hòa Đấu bất mãn nói: Chú dựa vào đâu mà bảo tôi không phải là quân nhân? Xưởng trưởng nói: Là quân nhân thì phải xem vũ khí là sinh mệnh thứ hai, thế mà cậu lại để cho thằng Sài cướp súng. Mẹ kiếp! Cậu là quân nhân cái đếch gì? Tôn Hòa Đấu có vẻ bất phục, nói: Có ai ngờ là thằng điên ấy lại cướp súng! Rồi quay sang lão Sài, Tôn Hòa Đấu nói tiếp: Lão Sài kia, bữa nay mà lão bắn chết vợ mình, lão dây cũng bị xui xẻo theo. Mẹ kiếp! Cái thằng ỉu xìu ba cú đá chẳng văng nổi một cục cứt chó như lão khi cầm lấy cây súng, sao mà lanh lẹ thế kia chứ!
Tôn Hòa Đấu dẫn theo mấy gã choai choai biểu diễn cho chúng tôi xem cách sử dụng bình chữa cháy như thế nào. Lão ấn vào chiếc cần, một luồng bong bóng xốp bay ra khỏi bình xa đến khoảng chục mét, rơi xuống đất trông chẳng khác nào một đống bông. Trong quá trình giảng giải và biểu diễn thực tế đôi mắt Tôn Hòa Đấu vẫn nhìn Phương Bích Ngọc như bị thôi miên, chẳng qua chỉ có tôi phát hiện điều này, người khác không nhận ra.
Đúng rồi, ngoài ra vẫn còn có một tổ kiểm nghiệm phân loại bông, một công việc hết sức trọng yếu. Tổ trưởng là một công nhân biên chế có nước da trắng nõn, đầu tóc bóng mượt, tên anh ta là Triệu Hổ. Cũng nên nói một tí về anh chàng tổ trưởng tổ nhà ăn Giang Đại Điền, một thanh niên trông có vẻ rất trí thức gốc Thanh Đảo, thân hình cao gầy, hàm răng sáng bóng, mày rậm mắt to. Anh ta được xem là người đẹp trai nhất trong xưởng gia công. Khi anh ta đến giếng gánh nước thường gặp các cô gái đang rửa ráy giặt giũ ở đấy, các cô thường nhìn anh ta như bị thôi miên. Anh ta thường lấy làm đắc ý về chuyện này và bằng chất giọng Thanh Đảo rất du dương tán tỉnh các cô gái xinh đẹp. Búa Sắt Tử cảnh cáo các cô một cách ghen tức: Các cô phải cẩn thận, phải bỏ qua hiện tượng mà xem bản chất. Những thằng đàn ông đẹp trai chẳng có đứa nào tốt lành cả đâu! Chẳng có cô gái nào quan tâm đến lời hắn, cô nào cũng biết cái gã đàn ông hơn ba mươi tuổi này chưa bao giờ biết thế nào là đàn bà nên đang rất thèm, thèm đến độ phát cuồng.
Khi công việc thu mua bông bắt đầu thì phân xưởng máy tách hạt bông cũng bắt đầu làm việc. Nhờ cái bóng của ông chú nên tôi nhận một công việc tương đối dễ chịu: Cân bông. Phương Bích Ngọc bị phân trông coi máy cán bông. Trước mắt cô ấy hạt bông và tơ bông bị hai chiếc trục máy đè và nhào trộn nên bị tách làm hai.