Chương 3
GIÃ TỪ VŨ KHÍ

     ặc Xá đứng bên cạnh, tôi nhắm nghiền đôi mắt, cố nhớ lại những hình ảnh ngày đau buồn, một ngày trong tuần trước mà như hôm qua, tôi còn nghe âm vang của tiếng nổ…
Dù đã thất bại, từ khi Sa Huỳnh quận Đức Phổ do các lực lượng chính phủ tái chiếm tháng 2/1973, Cộng quân vẫn tiếp tục vi phạm Hiệp Định Ba Lê, về hòa bình Việt Nam, lấn đất giành dân, cắm cờ Mặt Trận Giải Phóng khắp các vùng quê, chung quanh tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tung tin nay mai các tướng Trần văn Trà, Chu Huy Mân, cả Phạm văn Đồng, thủ tướng miền Bắc, sẽ về thăm cố hương Quảng Ngãi này, nên người dân bản xứ lớp dè dặt, lớp hãnh diện.
Vì tin đồn vớ vẩn ấy, hay vì chiến cuộc sắp leo thang, mà đầu tháng 3/1974, Tiểu đoàn 21 Biệt Động ở Đà Nẵng lại trở vào đổ quân xuống vùng đất thênh thang phía đông Mộ Đức, một quận ở hướng nam của tỉnh lỵ.
Đại đội 1/21 Biệt Động Quân, do tôi Đại đội trưởng, trách nhiệm càn quét các nhóm du kích đang hoạt động mạnh tại Đức Lương, Đức Quang và các thôn xóm liên ranh liên địa. Hai xã trên cùng tiếp cận với ngôi làng của Phạm văn Đồng phía tây Quốc lộ 1, tạo thành hình tam giác, phần đáy giáp biển, chằng chịt những hàng dương liễu bao phủ âm u, đáy đặc chông mìn. Bọn du kích địa phương đa số có liên hệ họ hàng với hai bên nội ngoại của thủ tướng miền Bắc, nên là một thứ giặc ngang tàng nhất miền Trung.
Dường như Tiểu đoàn 21 BĐQ có “cơ duyên” lui tới khu “tam giác” này. Đã bao lần khi hành quân xa về là đơn vị lại vào vùng hắc ám Đức Lương, Đức Quang. Thỉnh thoảng Đại đội tôi mới được tùng thiết, phối hợp với Chi đoàn 17 M113, còn thường thì đi riêng rẽ, tùy nghi đâm ngang thọc dọc giữa lãnh nhiệm của mình. Ở những vùng hành quân khác, lúc đơn vị tiến vô hay rút ra không khó lắm. Nhưng tại đây, rất đặc biệt, địch để vào tự do, không phản ứng dữ dội, chỉ chờ ta kéo lui về, chúng mới bám sát, chặn đánh khúc sau, làm mất thì giờ tháo gỡ.
Giặc “tam giác”, ngoài chuyện “vuốt đuôi” như vậy, còn có luật giang hồ là lập mưu giết cho được kẻ nào chúng căm thù. Trường hợp Đại úy Trần Quang Giảng, Đại đội trưởng Đại đội 3/21 Biệt Động, là một. Sau khi đánh tả tơi một đơn vị địa phương của địch, Giảng bị rải truyền đơn lên án “bêu đầu”. Nửa đêm chúng đến tấn công cùng lúc rất dữ dội vào các vị trí đóng quân, BCH lẫn tiền đồn, của Đại đội 3 Biệt Động trên khu đồi Mỏ Cày, phía đông bấc quận lỵ Mộ Đức, với thế đất nhấp nhô từ Quốc lộ 1 ra tới bờ biển. Cả hai bên chết như rạ, trong đó có Trần Quang Giảng. Trận đánh này, phải nói địch đã dùng mưu thần mới giết được người bạn tôi.
Chiến tranh Việt Nam xảy ra nhiều chuyện lạ. Cuộc hành quân ở “tam giác” cũng vậy, không nhất thiết ta và địch luôn luôn phải đằng đằng sát khí, hở là chém giết, mà đôi khi còn đùa nhau một cách nghệ sĩ. Nhiều đêm bọn du kích lẻn vào gỡ hết các quả lựu đạn tôi cho gài ngoài bờ tuyến. Gỡ xong, chúng cuốn dây gọn gàng rồi để tại chỗ, không lấy đi. Mục đích của chúng là biểu diễn tài nghệ xuất quỷ nhập thần, và dằn mặt Đại đội tôi ngán chơi, chứ chẳng phải dọn đường để nửa đêm tấn công hoặc quấy rối gì hết.
Chuyện đấu trí kiểu giang hồ đó làm tôi nhớ một lần tôi cùng chú em đi mua sắm, dựng chiếc Honda trước tiệm sách ở Chợ Cồn Đà Nẵng. Khi trở ra thì các ổ khóa cổ và sợi dây xích khóa vòng cái bánh sau đều bị mở tung rồi cuốn tròn lại để trên yên xe và kèm một mảnh giấy viết mấy chữ: “Cảnh cáo khóa hai khóa”. Nghĩa là có mấy lớp khóa đi chăng nữa, gặp các tay chôm cao thủ xe cũng mất như thường.
Lần đó, vào Đức Lương, Đức Quang tôi rất dè dặt. Đêm đầu không bận rộn lắm, Cộng quân chỉ quấy nhiễu bằng vài trái B40, không có sự thiệt hại nào. Sáng hôm sau, đang lúc đơn vị chuẩn bị tiến lên mé bắc, dọc theo các lũy tre già bao bọc con xóm, thì một tiền đồn cho hay địch xuất hiện ở phía đông. Tôi đến bờ tuyến quan sát. Thoạt đầu, tưởng dân làm ruộng, nhưng nhìn kỹ, quả đúng là du kích, khoảng một trung đội đang lom khom băng qua cánh đồng về hướng nam, cách tôi 300 thước. Miếng mồi ngon trong tầm tay. Tôi định bụng cho toán Thám Báo thiện chiến rượt theo và nã đạn cối 601y xuống, thì nhằm lúc người lính truyền tin tới trình:
- Lệnh Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng bảo Đại đội rút gấp ra đường, không chậm trễ.
Ngạc nhiên và muốn chính tai tôi nghe, nên bấm máy gọi hỏi Bộ Chỉ Huy lớn đang đóng trên đồi Chi khu Mộ Đức:
- Lam Đa, đây Việt Quốc? (Lam Đa danh hiệu của Thiếu tá Nguyễn văn Long, khóa 19 Võ Bị Đà Lạt, mới thay Trung tá Quách Thưởng về Sài Gòn học tham mưu cao cấp).
Tôi chưa kịp hỏi, Thiếu tá Long đã nói dồn dập trong ống liên hợp:
- Việt Quốc cho Đại đội di chuyển ngay ra phố Mộ Đức, rồi theo Quốc lộ 1 tiến về hướng bắc, đến tọa độ XY… Việt Cộng đắp mô chặn lưu thông, bắn cháy chiếc Jeep, chết một sĩ quan Pháo Binh tiền sát viên Tiểu đoàn mình. Lẹ đi!
Hiểu rõ vấn đề, tôi khỏi cần định hướng bản đồ, vội dàn quân băng ngang cánh đồng phóng thẳng tới mục tiêu ở XY, không ôm vòng qua ngỏ khu phố. Chẳng mấy chốc trục tiến theo cạnh huyền nhanh như chớp, hai trung đội đầu tắp vào các bờ ruộng khô, đối diện và cách vị trí Thiếu tá Long chỉ định một trăm thước. Thấy lính Mũ Nâu xuất hiện mé đông, Cộng quân rút chạy về con xóm phía tây, bên kia Quốc lộ 1, hướng bắc ngôi nhà cổ kính của Thủ Tướng Phạm văn Đồng khoảng nửa cây số, rồi bắn càn trung liên, AK ra. Nghe súng nổ, các hành khách lật đật bò lê bò lết, lủi dưới các lườn xe, vệ đường, trẻ em thì la khóc inh ỏi.
Trước tình thế có thể lâm nguy cho đồng bào kẹt giữa hai lằn đạn, nếu tôi trả đũa vu vơ bằng cách câu vòng cầu M79 với M72, cả cối 601y. Tôi yêu cầu bà con chạy dạt xa về hai đầu quốc lộ, để ta và địch trực diện nhau, không vướng mắc.
Thiếu tá Long, không hiểu thực trạng, cứ gọi xuống thúc phá hủy các bờ mô, và tiến đánh gấp bọn phá hoại, điều mà tôi sắp làm. Tôi liền đẩy một trung đội qua con lộ, men theo vạt gò mả giữa đồng ruộng hông phải để gây sức ép, còn lại thì dàn ngang áp đảo mặt trước con xóm, cách lộ khoảng một trăm mét. Tôi nghĩ quân số địch chẳng nhiều nhưng chúng có thế, chiếm cứ nhà cửa, vườn tược với lũy tre già bao bọc rậm rạp, Biệt Động Quân thì ngoài đồng trống.
Chúng nằm im, như mai phục, chờ đợi. Cả Đại đội dè dặt tiến vào, nhưng bên trong không một bóng người, chỉ lác đác đôi ba cái chòi giữa vườn hoang, đầy cỏ dại.
Rồi thình tinh, từ phía tây, hàng loạt AK cùng B40 bắn ra. Lập tức tôi cho hai trung đội đầu đồng loạt đánh mạnh lên…
Suốt một năm nay, từ ngày Hiệp Định Ba Lê man trá “tái lập hòa bình Việt Nam” được ký kết, và sau trận đẫm máu, góp phần chiến thắng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, Đại đội 1 Biệt Động Quân này chỉ dự các cuộc hành quân có tính cách tảo thanh bọn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lấn đất giành dân. Những chuyến đi chán ngắt, khi tành tành, như du ngoạn qua các miền quê êm ả để tháo gỡ cờ Việt Cộng, hoặc nằm giữ an ninh trên các khu đồi đỉnh núi, kiểu trấn thủ lưu đồn buồn nản, không một tiếng súng. Êm ả vì chưa có cơ hội kịch chiến với kẻ thù, như những tháng năm còn nẩy lửa Sa Huỳnh, Trị Thiên, nên lính tráng ngứa ngáy tay chân. Hổ nhớ rừng!
Bây giờ gặp dịp địch quấy phá làm khổ dân, tôi cho lệnh Đại đội nổ súng không nương tay. Rất tiếc, chỉ giết được vài tên, chẳng nhằm nhò gì, mà tôi phải đổi cái giá quá đắt.
An ninh vừa tái lập, tôi tìm địa điểm đóng quân đêm giữa xóm. Vì sợ mìn bẫy, rủi ro có thể bị thiệt hại nặng, tôi không để anh em theo đông, ngay cả việc sử dụng toán Thám Báo rà rẫm trước cũng không, chỉ mỗi mình Thượng sĩ Nguyễn văn Thiệp, Thường vụ Đại đội, cùng đi với tôi. Quả thật, vừa vào trong khu vườn đầy cỏ dại, thì chính tôi đạp một trái mìn nội hóa khá lớn, nổ tung như quả đại bác l051y. Thượng sĩ Thiệp bị gãy một chân, còn tôi cả hai, quỵ xuống giữa một hố sâu to bằng cái nia. Tuy không giập nát, nhưng máu ra nhiều nơi hai mắt cá, rồi phần dưới cơ thể nóng ran, cơ hồ như lửa đốt. Tôi vẫn nghe rõ tiếng anh em gọi nhau tới cấp cứu, nhưng tôi bảo ở ngoài hết, đề phòng đối phương lợi dụng tấn công, và có thể còn nhiều mìn bẫy đâu đó nữa, chỉ y tá với hai người lính thân cận là Trung và Xá vào băng bó.
Hạ sĩ Nguyễn Hiệp truyền tin mang máy PRC-25 tới ngồi bên cạnh, speaker phát ra văng vẳng giọng Thiếu tá Nguyễn văn Long, Tiểu đoàn trưởng 21 Biệt Động Quân, từ căn cứ Chi khu Mộ Đức trên đồi đất đỏ gọi xuống:
- Cho biết tiếng nổ vừa rồi thế nào?
Hiệp đáp:
- Bị mìn hai ngắn hạn: Đại Bàng 1 và Thường vụ, từ vị trí Việt Cộng đắp mô, phương giác 4800, khoảng cách 400 mét.
Nghe Hiệp trả lời chưa rõ rệt, tôi bảo đưa ống liên hợp tôi nói chuyện với Thiếu tá Long:
- Lam Đa!…
- Nặng hay nhẹ, Việt Quốc?
Tôi ứa nước mắt vì quá yêu đời lính:
- Hai chân đều chạm xương ngang mắt cá. Chắc tôi phải rời khỏi quân đội, Lam Đa à!…
- Bình tĩnh, để tôi trình lên Bộ Chỉ Huy Liên đoàn cho xe Ambulance đến tải thương ngay tại địa điểm Việt Cộng đắp mô. Anh bảo Đại đội rút hết ra ngoài lộ?
Thiếu tá Nguyễn văn Long cúp máy. Việc băng bó các vết thương của tôi và Thiệp cũng vừa xong. Biết rõ mình đã mất khả năng chiến đấu, không thể điều động đơn vị được nữa, tôi cho mời các cấp, tiểu đội trưởng trở lên, đến dự việc bàn giao chức vụ tại chỗ. Vừa thấy đông đủ, tôi nói với Thiếu úy Đặng văn Thiều, Đại đội phó, tết nghiệp khóa 6169 Thủ Đức, vị sĩ quan đã hơn một lần góp công không nhỏ trận đánh hào hùng, đem lại chiến thắng vinh quang cho Đại đội này tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, đầu năm 1973:
- Tôi lấy làm vinh dự lần cuối cùng, sau hai năm chỉ huy, hôm nay cử Thiếu úy Đại đội phó giữ quyền Đại đội trưởng Đại đội 1/21 Biệt Động Quân thay tôi cho đến khi có lệnh mới của Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn. Thi hành!!
Vị sĩ quan trẻ đứng nghiêm, vẻ mặt xúc động, đưa tay chào tôi nhận lãnh trách nhiệm trước sự chứng kiến của các chiến sĩ Mũ Nâu từng vào sinh ra tử trên khắp chiến trường bão lửa miền Trung, vào một buổi chiều buồn, ngày 3-3-1974…
- Trung úy Vân!
Nghe tiếng gọi tôi mở mắt thấy tôi nằm trên tấm poncho, bên lề đường. Chung quanh có những người lính trận màu áo hoa rừng, tay cầm súng, đi đi lại lại, như chờ giặc dưới nắng chiều vàng hoe. Lâu lắm tôi mới nhận ra các khuôn mặt thân thương của Đại đội 1, họ vẫn còn đây, hay để tiễn đưa tôi về một nơi nào xa cách. Đôi chân tôi bỗng run lên đau đớn.
- Thy Vân biết tôi không?
Nhìn Đại úy Y sĩ trưởng Liên đoàn 1 Biệt Động Quân mờ mờ ngồi bên cạnh, tôi gật đầu:
- Bác sĩ Nguyễn Trung Tín…
- Ừ, nghe báo tôi đến ngay.
- Tín nghĩ chân mình có bị cưa không?
- Vân lắc lắc hai ngón cái thử.
Tôi làm theo. Bác sĩ Tín mỉm cười:
- Gân và động mạch còn tốt, không sao!
Tôi không tin Tín nói. Lúc đạp mìn đôi chân đều bị mảnh chạm thấu xương nơi hai mắt cá.
Tôi bệu bạo:
- Các thầy thuốc khám bệnh ai cũng bảo tốt hết, người ta chết tới nơi, vẫn nói sống dài dài…
Nghe tôi lằm bằm, vị Đại úy Y sĩ trưởng Liên đoàn vẫn nở nụ cười đôn hậu. Rồi đích thân ông băng lại các vết thương dường như đã bị nhiễm trùng làm tôi cứ phát sốt. Tín vừa săn sóc vừa kể chuyện huyên thiên cốt để tôi quên bớt cơn đau đang hoành hành dữ dội.
Từ lâu tôi rất phục vị sĩ quan này. Thiên chức của lương y là cứu người, dù đó là kẻ thù. Nhưng người đang ngồi kế tôi, Nguyễn Trung Tín, thật đặc biệt, như huyền thoại. Mặc dù ở địa vị vừa nhàn hạ vừa cao quý của một bác sĩ, Tín lại thích cầm quân đánh giặc để tung hoành hơn là đeo đuổi cái nghề có tính cách thụ động. Do đó, các chiến sĩ Mũ Nâu chẳng lấy làm lạ khi vị Đại úy Y sĩ trưởng Liên đoàn 1 Biệt Động Quân chưa bao giờ thúc thủ cầu an, mà lúc nào cũng sẵn sàng súng đạn, xông xáo tới tận tuyến đầu khốc liệt, cấp cứu kịp thời thương binh…
Tiếng máy chiếc xe đò vụt nổ, tiếp theo là những lời mời gọi hành khách, và sự va chạm chen lấn giành chỗ ngồi, kéo tôi về với thực tại.
Trời đã sáng tôi nhìn qua khu bệnh viện Duy Tân lần nữa, lần cuối cùng tôi từ giã nó thật sự, khi bốn bánh từ từ lăn ra khỏi bến. Mới hôm nào tôi cũng nói vậy, lúc quân thù nhơn danh cách mạng, mặt đằng đằng sát khí, vào bệnh viện chĩa súng đuổi hết các thương binh miền Nam ra đường. Ngày ấy làm sao tôi quên, kẻ lăn xe người chống nạng, có anh mang đùm ruột bọc ni-lông ngoài bụng với bị máu trên vai, đi ngất ngưởng, đi lang thang, đi mà không biết đi đâu, như những hồn ma bóng quế.
Sau lưng tôi, thành phố thân thương đầy kỷ niệm, trong tay kẻ chiến thắng. Bao cảnh vật chung quanh đều đảo lộn, đang lao nhanh về phía sau. Tôi ôm mặt nhủ thầm, rồi mai đây tôi sẽ trôi dạt nơi nào? Có một điều tôi biết chắc tôi cũng phạm tội là bắt đầu nhập bọn, như chị Trần thị Miên tôi nói: “Một lũ hèn nhát bỏ chạy?”.