hung đứng dừng lại bên cạnh chỗ cắm cờ, đưa mắt nhìn vòng một lượt khắp sân chùa để tìm Nghĩa. Lúc nãy khi nàng sắm sửa ra chùa xem đúc chuông với bà Án, nàng thấy Nghĩa hấp tấp mặc áo đi trước. Không thấy Nghĩa đâu, Nhung lách đám đông người xuống nhà trai, nàng khó chịu không được thấy mặt Nghĩa trong khi biết Nghĩa đương đứng ở một góc nào đó nhìn theo mình, không bỏ sót một cử chỉ.Biết vậy, Nhung càng thấy ngượng mỗi khi đi đứng ở chỗ nào vắng người, nàng tìm đám đông len lách để cho dáng điệu được dễ tự nhiên. Nàng vừa đi vừa gật đầu chào lại những người làng quen thuộc, mấy tốp thiếu niên Âu phục ở tỉnh về xem hội, thấy nàng đi qua, chăm chú nhìn nàng từ đầu đến chân. Bên tai nàng văng vẳng những câu bình phẩm và trầm trồ khen ngợi sắc đẹp của nàng. Thỉnh thoảng nàng phảng phất nghe thấy tiếng “góa chồng” trong câu chuyện thì thào của họ, hình như họ cho sự góa bụa của một người đàn bà đẹp là một đặc điểm đáng chú ý.Nhung bước lên thềm và vừa lúc đó nàng trông thấy Nghĩa đứng ở cạnh gốc một cây ngâu, trên đường đi sang đền Mẫu. Nàng ngừng lại nhìn Nghĩa một lúc lâu như cố tỏ cho chàng biết rằng nàng có ý tìm mãi bây giờ mới được thấy mặt.Một vị sư nữ mời nàng vào ngồi ở phản, hỏi:- Thưa bà, cụ đã ra chưa?- Đã, mẹ tôi đương lễ trên chùa.Nhung ngồi lùi vào trong để cho nhà sư khỏi che khuất và nhìn ra chỗ cây ngâu. Nghĩa vẫn đứng yên ở chỗ cũ.- Sao bà không cho cháu ra xem hội?- Cháu nó mệt.Nhà sư rót nước mời:- Bà xơi nước.- Nhà sư để mặt tôi.Không muốn để nhà sư lôi thôi, nàng đặt tay trên trán, nói:- Mấy hôm nay tôi ngây ngất khó chịu quá. Đi lễ có mấy nơi mà thở không được.Như có một sức thôi miên bắt nàng nghĩ đến việc sang lễ đền Mẫu. Nàng hỏi nhà sư:- Bên đền Mẩu có đông người không?Thấy nàng đứng lên, nhà sư nói:- Bà ngồi nghỉ cho đỡ một đã.- Không sao, đi lễ thì quên cả mệt ngay.Nàng không biết rằng vừa nói một câu trái ngược hẳn câu nói lúc nãy.Nàng đi lẩn sau một giậu cúc tần có tơ hồng leo cho không ai để ý đến mình, rồi len qua mấy cái tháp, đi đường tắt sang nhà Mẫu. Sắp đến chỗ rẽ vào con đường hẻm, biết chắc sẽ gặp Nghĩa, nàng trù trừ đi thong thả lại.Không thấy Nghĩa đứng ở gốc cây ngâu nữa, Nhung vừa đi lần theo giậu cúc tần vừa đưa mắt tìm. Đến nửa đường nàng mới thấy Nghĩa ở bên đền Mẫu đi ngược lại phía nàng. Lúc hai người gặp nhau, Nghĩa ngượng nghịu, cúi chào:- Bà ra lễ chùa.Chàng hơi tránh sang một bên nhường lối, nhưng từ vẻ mặt cho đến dáng vấp cử chỉ, cái gì cũng như muốn van Nhung đứng lại. Ở chỗ hai người đứng, giậu cúc tần lên cao tới ngực, nên Nhung nhìn thấy rõ đám đông người ở sân chào. Nàng vững tâm và lễ phép cúi chào Nghĩa như chào một người quen tình cờ gặp ở đường. Nàng nhắc lại câu nàng đã hỏi nhà sư lúc nãy:- Ở bên đền có đông không, ông giáo?Nghĩa luống cuống không đáp, Nhung cũng bối rối, nhưng cũng không hiểu tại sao nàng vẫn cứ đứng đây, ngập ngừng đợi Nghĩa đi trước. Nàng thấy Nghĩa ngoảnh nhìn, rồi đưa ra một tờ giấy vàng in chữ như một lá số. Nghĩa nói gì, nàng nghe không rõ, nàng cầm vội lấy lá số như thấy đưa thì cầm, không từ chối vì nể, vì không kịp từ chối. Rồi hai người cúi chào nhau.Nhung cất ngay tờ giấy vào túi áo cánh vừa đi thật nhanh, vừa đưa tay sửa lại vành khăn. Tay run run, hai chân nàng bước như muốn chạm vào nhau. Tới sân đền thấy đông người, nàng mới đỡ hồi hộp. Mỗi lần cúi lễ xong, nàng lại đưa mắt nhìn quanh người, chỉ sợ tờ giấy trong túi rơi ra. Tuy đã biết chắc là một bức thư mà nàng cũng tìm chỗ tối giở ra xem: ở trong lá số là một tờ giấy trắng có biên chữ. Nàng vội gấp ngay lại, cho vào túi áo, đặt lẫn với mấy tờ giấy bạc và lấy kim băng cài cẩn thận.Vừa quay ra thì nàng gặp ngay bà Án, bà Án nhìn con dâu lo sợ hỏi:- Mợ làm sao mà người tái đi thế kia?Nhung vội đáp:- Chắc con bị cảm. Con thấy choáng váng cả người.Bà Án dịu dàng bảo Nhung:- Con về nhà nghỉ, kẻo lại ốm. Con phải giữ gìn, năm nay năm tuổi đấy.Bỗng bà sực nhớ ra điều gì, bảo Nhung:- Mẹ vừa xin quẻ thẻ. Con ra với mẹ nhờ thầy số đoán hộ xem tốt xấu thế nào.Nể lời mẹ chồng, nàng theo ra, trong lúc thầy số giảng, nàng lơ đễnh nhìn những người qua lại. Nhưng một câu nói của thầy số làm nàng lắng tai:- Bẩm cụ, xem câu này thì dương phù mà âm oán. Có lẽ phải cúng để giải oan thì trong nhà mới yên.Nhung lo lắng tự hỏi:- Âm hồn nào?Bà Án thấy con dâu vẻ mặt bơ phờ, liền bảo:- Thôi con về nằm ngủ. Sáng nay mẹ ăn cơm chay ở chùa, chiều mẹ mới về.Nhung mừng rỡ đứng lên chào mẹ chồng.Dọc đường mỗi lần gặp người quen hỏi, trong lúc đứng trả lời, nàng luôn luôn cau mày có vẻ một người bị cảm, vì nàng sung sướng quá nên cứ sợ mọi người trông rõ thấy cái sung sướng của mình trên nét mặt.Ngoài đồng ruộng gió thổi mạnh. Nhung phải để ý giữ lấy mép áo cho khỏi thổi lật tà áo cánh cài kim trong có bức thư.Nhung nhìn thấy trời cao và rộng hơn mọi ngày. Sau những ngọn tre non, lấm tấm lá xanh, nghiêng ngả trước gió, mấy đám mây trắng bay lẹ làng và trông như rung động trong ánh sáng rực rỡ.Về đến nhà, Nhung thấy vú già đứng chơi với Giao ở cổng. Nàng chạy vội lại, cúi nhấc con lên rồi ôm ghì vào ngực hôn lấy hôn để. Nàng thấy trong người bồng bột lạ thường, nàng ôm con hôn không phải vì thấy yêu con hơn mọi ngày mà chỉ muốn cử động để cho cái sức bồng bột trong lòng được nhẹ bớt đi. Nàng hỏi vú già:- Còn ai ở nhà không?- Thưa mợ nhà đi vắng hết. Chỉ còn mình con ở lại trông nhà.Nhung mong cho vú già xin phép đi chơi để được ở lại nhà một mình. Nàng nói với Giao:- Chú Giao không được đi xem hội.Nhân câu ấy, vú già đánh bạo thưa:- Mợ cho phép con đi ra chùa.Vờ lưỡng lự một lúc rồi nàng nói:- Được, cho vú đi để tôi trông nhà cho. Nhưng có đi cho cả chú Giao đi, cho chú xem hội.Nàng đứng đợi cho vú già bế Giao đi khuất, rồi quay trở vào, đóng cửa và cài then cẩn thận. Nàng lên tiếng gọi thằng nhỏ. Không trả lời, nàng mới dám chắc rằng ở nhà chỉ có một mình nàng thôi.Khi vào buồng, nàng bất giác khóa trái cửa lại. Thoáng thấy bóng mình trong gương, nàng vội cúi mặt xuống rồi ra khép cửa sổ lại cho trong buồng đỡ sáng. Nàng ngồi xuống đầu giường và lấy bức thư ra đọc...... Nhung không biết mình nằm gục trên giường đã bao lâu. Tay nàng nắm chặt lấy bức thư và cái gối bông nàng ôm ghì bên má ướt đẫm những nước mắt. Nàng thở dài một cái thật mạnh, quay mặt nhìn về phía tủ gương và ngắm nghía bóng mình như ngắm nghía một người đàn bà khác. Nàng nhìn vào hai con mắt long lanh ướt lệ của nàng trong gương, mỉm cười sung sướng và lẩm bẩm:- Thưa quý nương...Nàng nhớ đến mấy chữ đầu trong bức thư của Nghĩa, nàng hơi hé đôi môi như chờ đợi một cái hôn âu yếm, và tưởng có một cánh tay dịu đàng ôm vòng lấy cổ nàng và khẽ nhấc đầu lên... Nhung nhắm mắt lại rùng mình, hai tay nàng mê man ôm ghì cái gối bông mềm vào ngực. Cử chỉ ấy khiến nàng sực nhớ đến đêm hôm mưa ngâu, nằm mê thấy Nghĩa...Bỗng nàng mong, mong một cách tha thiết Nghĩa về, về ngay bây giờ, trong lúc nhà không có ai, chỉ có mình nàng với Nghĩa, nàng biết trước rằng nếu Nghĩa về thì... Nhưng nàng vội lắc đầu không dám nghĩ đến sự xảy ra ấy. Nàng ngồi dậy mở bức thư ra đọc lại, rồi lẩm bẩm:- Nửa đêm hôm nay...Nàng gấp bức thư lại, ra tủ toan cất đi, nhưng để vào đâu nàng cũng tưởng sẽ có người lục đến xem. Nàng cho vào một cái hộp sơn khóa lại, nhưng nàng nghĩ lẩn thẩn nếu mình chết một cách bất ngờ, thì tất thể nào người ta cũng biết đến.Có tiếng gõ cửa. Nhung giật mình, nhét bức thư vào túi và ra gương quấn vội lại khăn. Bỗng tim nàng đập mạnh.- Hay là Nghĩa về.Trước khi mở cửa, nàng hỏi khẽ:- Ai đây?Có tiếng đáp lại:- Tôi.Nhung cố hết sức mới kéo được then cửa. Tuy nghe rõ là Nghĩa, nàng cũng ngạc nhiên nói:- À, ông giáo.Nghĩa mím cười ngượng nghịu:- Xin lỗi bà. Phải phiền bà ra mở cửa.- Vì nhà không có ai cả.Nhung nói câu ấy thật mau, và hạ giọng xuống như một câu vụng trộm. Hai người cùng cúi xuống toan cài cửa. Nghĩa nói:- Bà để tôi.Nhung quay trở vào. Gần đến hiên nàng nghe thấy tiếng bước chân theo sau. Nàng không dám quay nhìn lại, đi vội vàng về buồng ngủ. Nàng đặt mình xuống một cái ghế. Nhìn về phía cửa, nàng thấy cái sứ từ từ quay, nhưng cánh cửa không mở ra, sau một lúc yên lặng, có tiếng gõ rất khẽ. Nhung vẫn ngồi ở ghế không nhúc nhích, bàn tay ôm lấy trán và mấy ngón tay xòe theo điệu thở, tuy trong buồng tối mờ mờ mà nàng vẫn thấy ánh sáng rõ, nàng nhắm mắt lại, nín hơi đợi. Có tiếng giày đi rón rén lại phía nàng.Nhung định ngửng đầu nói mấy câu bảo Nghĩa ra ngay khỏi buồng, nhưng nàng không đủ can đảm để ngửng đầu lên, nhìn rõ mặt Nghĩa lúc đó. Thấy bàn tay Nghĩa đặt lên cổ tay nàng, nàng mới giật mình và trở nên bạo dạn, toan cất tiếng đuổi Nghĩa ra, nhưng Nghĩa đã quỳ xuống bên cạnh ghế, hai tay nắm lấy tay nàng và đắm đuối van xin. Nhung làm bộ đuổi Nghĩa ra để khỏi ngượng với Nghĩa, cho nên đến khi thấy Nghĩa đã biết mình có ý định rồi, thì nàng hết ngượng và nhìn lại Nghĩa như nhìn một người tình nhân đã yêu từ lâu. Nàng tưởng như đang mê man sống trở lại cái giấc mơ đêm hôm mưa ngâu. Nghĩa vẫn nắm lấy tay nàng, và mỗi lúc nắm chặt hơn. Nhung ngây dại cả người, nàng mơ màng thấy Nghĩa đứng lên nhẹ đặt bàn tay lên vai nàng, rồi cúi xuống nói mấy câu thì thầm không rõ. Nhung chỉ thấy quả tim nàng đập mạnh, và tiếng thở của Nghĩa bên tai nàng. Cũng như ở trong những giấc mơ, Nhung ngửa mặt lên, đôi môi hé nở như đợi một cái hôn, trong khi cánh tay Nghĩa âu yếm ôm vòng lấy cổ nàng và nhấc đầu nàng lên...Nhung sẽ đẩy Nghĩa ra, đứng ngay dậy. Nàng hốt hoảng, như vừa thấy một sự sợ hãi ở đâu tự nhiên đến. Nghĩa hiểu ý nên không dám khẩn khoản, lùi lại sau và nhắc lại câu hẹn trong thư.- Nửa đêm hôm nay...Nhung nói:- Tôi van ông, xin ông lại ra chùa, chiều hãy về...Thấy Nghĩa vẫn còn lưỡng lự đứng đấy, nàng luống cuống nói tiếp:- Ông ra ngay cho. Xin ông thương tỏi...Khi Nghĩa sắp bước ra, hai người đứng yên lặng nhìn nhau như hẹn hò trước cuộc gặp gỡ về nửa đêm.Nhung ngồi lắng tai nghe tiếng mở then và đợi cho Nghĩa đi khỏi thật lâu rồi mới dám khép cổng. Nàng lo sợ nhìn ra ngoài đường làng, bác nhiêu Tính, một người đàn bà ở bên láng giềng đứng ở cổng chào và hỏi:- Mợ không đi lễ chùa?Nhung đáp:- Tôi vừa đi về đây.Bác nhiêu Tính đứng yên một lúc rồi nói cho có chuyện:- Tôi vừa thấy ông giáo đi về phía này. Chắc ông ra chùa xem.Nhung nói vẩn vơ:- Ra bây giờ chắc họ đã đổ khuôn rồi.Nàng vừa nói vừa nhìn bác Tính, tự hỏi:- Không hiểu bác ta có biết gì không?Nhung quay vào gọi thằng nhỏ, mặc dầu nàng đã biết nó đi vắng, cốt ý nàng muốn tỏ cho bác Tính biết rằng trong nhà không phải chỉ có một mình nàng thôi. Nhung quay vào, vừa khép cửa lại vừa nói:- Không biết nó dở bận gì mà mãi không ra đóng cửa ngõ lại.Khi đi qua vườn vắng, nhìn hóng mình lướt trên cỏ, Nhung nghĩ đến cái thú của những đôi tình nhân kề vai nhau dưới bóng cây nói chuyện. Nàng hối hận rằng đã trót bảo Nghĩa đi và lấy làm tiếc bỏ mất một dịp tốt, ít khi họ gặp được nữa. Nàng lại bực mình vì cứ vẫn quanh quẩn nghĩ đến bác Tính và tự hỏi xem bác ta có nghi ngờ gì không. Nàng lo sợ, tưỏng tượng bác Tính sẽ đi nói chuyện với người khác, rồi tiếng đồn lan dần, khắp làng ai cũng biết... lúc đó nàng không còn mặt mũi nào mà sống được. Khi đi ngang qua bàn thờ, Nhung đưa mắt nhìn ảnh chồng rồi nhìn cái ghế ngồi lúc nãy, cái ghế mà khi ngồi trên đó, lần đầu nàng phạm tội với chồng. Nàng đỏ mặt bên tai như văng vẳng có tiếng mắng:... Con đàn bà khốn nạn!