Khuôn mặt nước rút

     hính ông cũng muốn làm một người lạ. Chiếc xe díp trườn ra khỏi con đường đất đỏ của khu công trường để vào đường nhựa, mặt trời chưa ra khỏi lùm cây thấp, ánh sáng viền màu xanh tươi vàng mát nơi những cạnh lá cây lóng lánh sương đêm. Musyto lên đạn khẩu súng tiểu liên để ngang trên hai bắp đùi. Bác tài xế kéo cặp kính xuống mắt, tôi kéo cao cổ áo blouson lên gáy và buộc chắc chiếc mũ lưỡi trai. Một đàn chim bay ngược chiều xe chạy trở lên làm Musyto ngước mắt nhìn theo. Khoảng rừng thấp xanh trải dài dưới triền đồi một vẻ lộng lẫy êm ái. Tôi hỏi Musyto: “Anh ở lại dưới đó tới bao giờ?” - Musyto xoay người lại một chút, cánh tay trái ghếch lên lưng ghế trả lời: “Ba ngày, tôi về dự trận đấu biểu diễn thôi, anh cùng lên lại với tôi chứ?”
- “Tôi ở lại ba ngày là nhiều rồi. Anh có thể ở lại ăn cơm với tôi được không?”
- “Sao lại không?”. Xe đổ dốc, máy chiếc xe rồ hẳn lên rồi từ từ êm. Chính ông cũng muốn làm một người lạ. “Anh chưa về lần nào phải không?”
- “Chưa. Tôi lên mới được ba tháng”. “Anh thích công việc ấy không?” - “Không thích sao tôi lại lên, nhưng có điều tôi cần có việc làm, và nhất là được làm việc bằng chân tay”
- “Đó đâu phải công việc thích hợp cho anh. Tôi biết quá” - “Thì anh cũng vậy chứ gì?”
- “Tôi lớn tuổi rồi, anh còn trẻ”. Mặt trời đã lên khỏi những lùm cây. Chiếc xe chạy phá tan bầu không khí chung quanh. Tôi bỏ tay vào túi tìm điếu thuốc rồi bật lửa mồi, chiếc xe chạy với kim chỉ 100 cây số, gió ngược tạt khói thuốc tan vèo lại phía sau cùng với tàn thuốc. Musyto đăm đăm nhìn con đường chạy ngược, bác tài giữ chắc tay lái, tôi xoay người tìm một thế ngồi vững vàng hơn. Quyên đã đứng yên lặng nơi cửa: “Mai anh đi Đa-nhim, anh thấy cần phải đi lắm. Anh muốn được nghe em nói một điều gì với anh”. Quyên lặng im mân mê chiếc chìa khóa nơi tay. “Em giận anh mãi sao? Em không muốn anh được yên tâm về em sao? Hay em không yêu anh nữa?” Quyên lặng lẽ quay nhìn ra dãy phố đêm với những ngọn điện vàng ốm ngả xuống, chiếc xe đạp của người Tàu bán bánh bò uể oải tiến đến gần, một con chó hoang đạp đổ chiếc thùng rác làm thành tiếng kêu khiến con chó bỏ chạy và cất tiếng sủa khô khan. “Dù sao mai anh cũng đi, vì anh yêu em nên anh phải đi”. Quyên cầm chìa khóa gõ vào hàng hiên. Tôi tiến đến phía sau định trao đổi môi hôn từ biệt như những lần tôi tới thăm nàng. Quyên đứng im. Tôi cầm lấy bàn tay hờ hững của Quyên rồi quay gót trở ra và không quay lại. Tiếng chìa khóa khua động và tiếng cửa đóng. Từ biệt em hay vĩnh biệt em. “Anh Minh này, anh nhớ đừng quên dành thì giờ dẫn tôi tới thăm người yêu của anh đấy nhé”. Musyto quay lại mỉm cười nhìn tôi. “Nhất định rồi, nàng sẽ vui mừng khi có anh đến chơi nữa là khác, tôi có nói về anh với Quyên rồi, chính nàng dặn tôi mời anh đó. Rồi anh coi”. Xe vẫn chạy đều nuốt con đường thẳng trước mặt lên xuống những thung lũng thấp. Nắng đã lên đầy.
Quyên hiện ra phía sau hàng lưới sắt sơn màu mỡ gà ngăn giữa căn nhà ra làm hai phần, phía ngoài cho khách hàng, phía sau là nhân viên của nhà cầm đồ bình dân, tôi dắt chiếc xe gắn máy đưa vào phía tay trái, người Chà Và già ngồi nơi cửa lớn xem xét, tôi tiến ra phía quầy trình hóa đơn, thẻ căn cước, nhận biên lai lĩnh tiền. Nhà cầm đồ này đã quá quen thuộc với tôi, tôi chẳng cần nói năng gì cả, ngay cả những luật lệ và tiền tôi có thể có được, mỗi lần tôi đều có thể nhận nơi người Chà Và một nụ cười gượng gạo. Cầm biên lai tôi lại phía két. Tôi đưa tay qua một lỗ hổng vuông mỗi chiều độ mười phân. Quyên ngồi ở đó kéo ngăn lấy tiền, ngón tay trỏ để lên chiếc bông thấm nước đếm tiền trao cho tôi. Người con gái xa lạ đó có một mớ tóc đen cắt ngắn, làn da nâu có đôi mắt lớn và dài, hai mí hơi sưng, môi đỏ im lặng như một pho tượng, bao giờ đếm tiền xong tôi cũng nhớ nói “cám ơn cô”. Người con gái vẫn lặng yên, khuôn mặt cắt vuông từng miếng nhỏ sau lưới sắt. Phía mặt nàng ngọn điện hát lên một vẻ xanh xao mệt nhọc. Phía sau, trong sâu căn nhà đầy những xe đạp, xe gắn máy, đỉnh đồng, máy khâu xếp chồng chất, chung quanh gian nhà những giá gỗ màu nâu bám vào tường cao lên đến trần được chia ra làm nhiều ngăn để những đồ gói giấy, mỗi gói đều có một tấm thẻ ghi số, ở giữa nhà còn có hai giá gỗ như thế, ở đó có dựa một cái thang sắt sơn xanh. Khoảng độ từ 20 đến cuối mỗi tháng cửa tiệm đông nghẹt phải chờ đợi mới cầm được đồ, tiếng quát tháo inh ỏi - khoảng đầu tháng người ta lấy đồ ra một cách thư thả. Lâu lâu tôi lại có dịp trở lại để ngắm người con gái yên lặng ngồi phía trong hàng lưới sắt. Với khuôn mặt bị cắt ra từng ô vuông nhỏ, đôi mắt đen mở lớn: Anh không ưa đời sống và gia đình của em phải không? - Anh yêu em chưa đủ sao? - Anh dối em. - Em không tin anh? - Em tin em nghĩ đúng, nhưng em chọn sao được. Em sống ở một chỗ, anh sống ở một chỗ. Nhưng anh nghĩ đến những điều ấy làm gì. Anh đừng ở xa em thế. Quyên cúi đầu, tôi không nói. Tiếng nói yếu ớt như những sợi bún ướt, xa cách, lạ lùng: Chính ông cũng muốn làm một người lạ. - Có lẽ tôi lạ tôi. - Có lẽ ông là một người lạ thật mà.
Chiếc xe bỗng nhiên tắt máy chạy một quãng rồi ngừng lại. Bác tài kêu lên: “Quái sao bỗng nhiên lại ngừng, hôm qua đã sửa soạn cẩn thận rồi, chạy ngon lắm”. Bác nhảy xuống đường vội vã mở máy ra coi. Musyto cầm súng nơi tay cũng xuống theo. Tôi ngồi quay ngược dựa vào hông xe nhìn xuống: “Thế này e kẹt mất rồi, không biết trên đó hôm nay có chuyến nào về nữa không?” Musyto kiếm thuốc châm hút. Bây giờ Quyên chắc vẫn còn ngồi đó. Musyto nói: “Chắc mẹ anh cũng giống mẹ tôi”. - “Có lẽ không?” - “Sao vậy?” - “Tôi nghĩ vậy”. - “Còn sáu tháng nữa tôi hết giao kèo ở đây sẽ trở về. Mẹ tôi mong lắm. Mà tôi lại chỉ thích được đi xa, càng xa càng hay?” - “Tôi cũng vậy”. Nắng lên đã gắt, ngọn cây im không: “Xe có thể chạy được không bác. Chuyện tình mà nhỡ thì buồn tôi lắm”. - “Không sao, một chút thôi. Thằng nhỏ ngu quá không cẩn thận bình điện”. Ba tháng trôi qua mau. Thoáng đi như một cuộc dạo chơi quên lãng. Bác tài đậy xe, mở máy, tiếng ga két két mấy lần rồi nổ. Musyto vui mừng: “Tôi sợ máy móc lắm nên rất phục tài bác”. Bác tài lau tay cẩn thận rồi bắt đầu cho xe chạy trở lại. Tiếng máy xé tan bầu không khí im lặng.
Tôi đứng lại phía ngoài cửa sắt nhận nút chuông chờ đợi. Chị người làm trở ra hé cánh cửa nhìn thấy tôi liền cúi đầu chào: Sao lâu không thấy cậu lại chơi. Tôi mỉm cười gượng gạo: Anh Thuận tôi có nhà chứ, vừa nói tôi vừa lách người vào sân. - Ông bà mới đi Cấp hồi sáng. Có cụ ở nhà. Tôi hơi lo ngại bước vào thềm nhà. Lâu lắm tôi mới lại đây nên quang cảnh đã có nhiều đổi khác.
Tôi bước vào nhà. Tiếng bà cả nói vọng từ phòng trong ra: Ai đó? - Dạ thưa, con. - Minh đó hả? Hồi này làm ăn thế nào, sao không dẫn em nó đến. - Dạ em nó đau. - Thế à, nó mạnh rồi chử. - Dạ chưa, em nó sưng màng phổi. - Ồ thế sao không đến nói cho anh nó biết mang vào nhà thương khỏi tốn tiền. Bà cả từ trong phòng lê đôi dép thấp trở ra, tôi ngồi xuống ghế tràng kỷ. Thế em nó bệnh tật ra sao? - Hôm trước nó đau đưa vào nhà thương, nhưng chỗ không mất tiền hết giường nằm nên phải ở nhà chữa, nó bớt được ít lâu, hồi hôm nay nó bệnh trở lại nặng con lo lắm. Con ghé lại có ý nhờ anh cho con mượn ít tiền. Tôi ngượng ngập ngừng nói, chung quanh yên lặng, bà cả đang đánh trầu trong cối. Thế đi làm từ hồi nào tới giờ mà vẫn không chắt bóp được đồng nào sao? Tiếng bà cả lạnh lùng trách móc. - Hãng con làm bị nghỉ từ gần năm nay... - Tôi biết, ăn tiêu thì biết sao cho đủ... Sao không đến từ hồi sáng, anh chị Thuận đi Cấp từ hồi sáng rồi, hồi này nó cũng túng vì mới hùn cổ phần với người ta để làm nhà máy nước đá. Tôi đứng dậy - Thôi để vài bữa nữa con ghé lại... Tôi vội ra khỏi nhà. Tim tôi nhói đau cố nghĩ xem tôi sẽ tới đâu?
Những người thân của tôi ở đây chẳng có ai để nhờ cậy được, ngoài anh Thuận và chị Hạnh. Anh Thuận là anh cùng cha khác mẹ với tôi. Bà cả là người vợ chính của thầy tôi, còn mẹ tôi chỉ là một cô đầu tài sắc mà thầy tôi đã mang về làm nàng hầu hồi làm tri huyện. Nghĩ lại, lúc nào gặp bà cả, hay anh Thuận tôi chỉ oán thầy tôi và thương mẹ tôi, cam chịu phận hèn mọn của hai anh em mồ côi. Đối với bà cả, chúng tôi không được nhận là con của thầy tôi - nghĩa là con chánh thức - chưa bao giờ bà tỏ một dấu hiệu nào thương hại chúng tôi cả. Nếu như chúng tôi có chết bà cũng không quan tâm. Tôi sẽ tới đâu bây giờ? Em tôi đang cần thuốc. Mẹ giúp con, phù hộ con. Ba năm sau mẹ mất bây giờ con làm sao lo cho em. Phố đêm vàng ánh điện. Phía sau tôi hai cánh cửa sắt nặng nề đã khép lại. Cái dinh cơ ấy là của cải thầy tôi, nhưng chúng tôi là những đứa con hoang, những đứa con được sinh ra để chịu đựng những nỗi khổ ải. Tôi muốn ngồi ở đầu giường kể cho em tôi nghe những sự thật mà chúng tôi phải hứng đỡ. Như thế nếu em tôi có chết nó sẽ đỡ phần oán tôi phận làm anh không đủ nuôi nó sống. Nhưng biết đâu những điều đó không làm cho nó khổ hơn. Tôi vẫn tủi hổ rằng mình không có một cái gì đẹp đẽ để nói ra thuộc về ông bà, cha mẹ hay anh chị tôi. Thầy tôi là ông tri huyện có tiếng tăm, một thứ tiếng tăm không đẹp. Ông không phải là người cai trị dân một cách công minh, thương yêu, hay một người ái quốc dám treo ấn từ quan, ông có tất cả tiếng tăm về một tên quan tàn nhẫn, bòn rút của dân, phao vu dân nấu rượu lậu, theo cộng sản, ông là một viên chức gương mẫu, trung kiên của bọn cai trị. Chính mẹ tôi cũng chỉ là một nạn nhân. Thầy tôi đã dùng quyền hành bắt mẹ tôi dẹp bỏ nhà hát theo ông làm một nàng hầu vì tiếng hát hay và nhan sắc. Mẹ tôi là một kẻ nô lệ bị cầm giữ làm một thứ đồ chơi giải trí cho viên quan đã về già. Mẹ tôi bị khinh miệt cùng những người thiếp và nàng hầu khác. Tôi là con một ông quan huyện. Nhưng tôi chưa nhớ mặt ông quan huyện đó ra sao. Ngoài tấm hình tôi nhớ mang máng được để trên áo quan khi ông qua đời mà tôi được nhìn thấy.
Khi ông còn sống chúng tôi phải ở một nơi khác. Mỗi lần cần đến mẹ tôi thì cho người đi gọi như gọi một gái làng chơi. Mẹ tôi sửa soạn đi có khi một đêm, có khi vài ngày rồi trở về với một ít tiền, đó là tiền ông trợ cấp nuôi mẹ tôi và hai hạt máu rơi của thầy tôi. Khi tôi lớn lên mẹ tôi chỉ khóc mỗi lần tôi nhắc đến thầy tôi. Những điều đó tôi nên nhớ làm gì, sao còn có can đảm để nói với em tôi. Một đứa trẻ thơ sẽ ra sao khi nó biết mẹ nó gần như một gái làng chơi, một kẻ ngoại tình, hay bố mẹ nó là những người xấu xa nhơ bẩn? Tôi đã thức những đêm mẹ tôi khóc, mẹ tôi buồn rầu đau đớn nên kéo theo bệnh tật, nhan sắc không còn nên thầy tôi không hỏi đến nữa. Nhưng với thân một cô gái mềm yếu phải nuôi hai mụn con lâu lâu mẹ tôi lại phải đến xin thầy tôi ít tiền để sống. Con có thương mẹ không? - Có, con sẽ mau lớn và đi làm lấy tiền nuôi mẹ. Nhưng tôi không được nuôi mẹ tôi ngày nào, và với một đứa em độc nhất tôi cũng còn không biết làm sao nếu còn mẹ tôi sẽ nói làm sao? Mẹ tôi mất trong cảnh nghèo khốn, mẹ tôi bị lao ho ra máu rồi mất. Tôi nhớ khuôn mặt nhăn nhó của người lúc lâm chung, người ứa nước mắt nhìn hai đứa con thơ không nói được điều gì. Những giọt nước mắt ấy đọng trên mi mắt long lanh tôi đã lau đi khi vuốt mắt cho người dừng mở lúc hơi thở ấm của người không còn nữa.
Đó là những giọt nước mắt cuối cùng tôi được biết là có người khóc cho tôi, khóc cho tương lai tôi và em tôi. Tôi nhớ khuôn mặt thản nhiên của thầy tôi, của bà cả, của anh Thuận khi tôi khóc mếu đến báo tin mẹ tôi mất. Họ lặng lẽ nhìn tôi như một người lạ, như một kẻ khốn khó nào đó đến xin sự cứu giúp. Số tiền tôi nhận được chỉ đủ mua cho mẹ tôi một chiếc quan tài bằng gỗ tạp trắng và thuê chiếc xe bò đưa mẹ tôi ra nghĩa địa thí. Hai đứa con mồ côi ngồi bên chiếc quan tài mộc không có một tấm vải che. Hai ngọn nến đỏ và một bát cơm hẩm có quả trứng gà. Tôi bế đứa em khóc ấm ức trong cổ họng. Dưới lòng huyệt nông mẹ tôi đã nằm xuống đó êm ả, thoát cái đời sống khổ ải, nhưng số phận chúng tôi ra sao mẹ tôi chắc đã hiểu khi mắt người lúc mất không muốn nhắm và những giọt nước mắt lạnh buồn. Sau đó tôi thỉnh thoảng tìm đến căn nhà đồ sộ nguy nga, với người hầu hạ đông đảo để xin tiền. Đến khi thầy tôi mất bà cả và anh Thuận không còn muốn nhìn chúng tôi nữa, cũng như những đứa con rơi khác của thầy tôi. Mẹ tôi mất, tôi sống giữa những trơ trọi, may nhờ chị Hạnh, cũng là một người con rơi khác của thầy tôi, thương tình mang về cho chung sống. Chị Hạnh hơn cả tuổi anh Thuận vì chị là con một người đàn bà nhà quê làm gia nhân của ông nội tôi mà thầy tôi đã đi lại từ trước khi hiển đạt, nhưng vì phận tôi đòi không được nhận là vợ của thầy tôi, người đàn bà đó đã cắn lưỡi chết khi thầy tôi lấy con một ông tuần phủ là bà cả bây giờ.
Tôi sẽ đến đâu? Giờ này em tôi đang chờ thuốc. Chị Hạnh không ở đây. Trong gần một năm thất nghiệp, chị Hạnh đã gửi tiền giúp chúng tôi rất nhiều, dù chị cũng còn cả một gia đình với sáu đứa con nhỏ. Tôi hy vọng nơi anh Thuận và bà cả thương tình, nhưng bây giờ tôi không còn hy vọng gì nữa. Tôi nghĩ tới Thạch, người bạn thân của tôi. Tôi vội vàng tới đó. Tôi đã nói cho Thạch nghe: “Anh giúp tôi, dù tôi biết anh cũng không khá gì, chỉ lo vô phúc tôi chết, chứ tôi còn sống thì sao cũng phải có việc làm”. Nhưng Thạch đã không có gì để giúp tôi ngay được. Anh hẹn tôi sáng sớm hôm sau trở lại. Và anh đã mang chiếc xe gắn máy ra tiệm cầm đồ để lấy tiền cho tôi. Tôi rớt nước mắt cầm số tiền của Thạch không làm sao nói được. Tôi nghe tiếng nói êm đềm của Thạch: “Mong cho em cậu nó qua khỏi tôi mừng. Bọn mình còn phải sống lâu với nhau, đừng nghĩ gì cả”. Nhờ số tiền của Thạch để thuốc men em Hoài đã được cứu sống. Tôi lo lắng tìm việc làm. Mỗi buổi sáng ra đứng ngoài tiệm nước nghe thông cáo tuyển người của nhà nước, đọc rao vặt trên các nhật báo, và đi ra ngoài phố. Tôi nhìn ai cũng nghĩ tới xin việc, rồi tôi hỏi han các cửa tiệm, các hãng nhưng chỗ nào cũng từ chối. Tôi kiếm bất cứ một công việc nào hèn hạ sao cũng được miễn là kiếm ra tiền. Nhưng chẳng sao tìm được. Việc Thạch đưa tôi đến tiệm cầm đồ ám ảnh tôi. Tôi đem cầm dần mòn những đồ đạc của mẹ tôi cho tiệm cầm đồ. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ có việc làm, có tiền và chuộc lấy những thứ đó. Ngày tháng vô vọng kéo dài cho tới lúc tôi không còn gì để cầm cố nữa ngoài cái vòng bạc có bộ khánh gắn chuông của mẹ tôi đeo cho tôi hồi nhỏ. Em Hoài hỏi tôi: “Anh mang cái đó ra làm gì vậy?” Từ lâu nay tôi vẫn giấu nó về tình cảnh của hai anh em, tôi bảo: “Có anh bạn mời ăn đầy tháng đứa con, anh tính tặng đứa cháu đó bằng vật kỷ niệm của mẹ”.
- “Bây giờ em thấy ai đeo thử này nữa? Nó cổ quá rồi”.
- “Thế là vì mình quý mới cho”. Tôi cố lảng sang chuyện khác rồi gói cái vòng bỏ vào túi. Sau đây rồi tôi sống bằng gì? Đến tiệm cầm đồ lần này tôi quá độ cảm động, vẫn căn nhà ba từng lộng lẫy, vẫn gian nhà rộng đầy những đồ đạc. Cùng với những người đã quen mặt tôi. Người Chà Và nhìn hỏi: “Sao đồ gửi mãi không lĩnh ra?” Người nhận đồ nhìn tôi lãnh đạm: “Coi quá hạn hết lĩnh đó, đừng kêu nghe”. Người con gái da nâu, đôi mắt đen vẫn ngồi yên lặng sau lưới sắt. Tôi đưa chiếc vòng trong chiếc khăn tay ra hỏi người nhận đồ: “Cái này được độ bao nhiêu?” Hắn hơi ngạc nhiên rồi nhìn lên như tra xét: “Đồ quỷ này được mấy đồng. Mới đánh cắp được ở đâu vậy?”. Tôi nhói nơi ngực. Với khuôn mặt hốc hác vàng nghệ, mái tóc bơ phờ, chiếc áo cánh trắng ngà ngà sờn vai, chiếc quần ka ki tròn ống, đôi dép cao-su sứt sẹo, bộ dạng tôi, với chiếc vòng bạc bỏ trong túi quần đủ là một tên trộm cắp trước mọi người: “Mới đánh cắp được ở đâu vậy?”. Tôi ngó ra những người ở chung quanh đang ngó tôi chằm chằm, tôi ấp úng: “Đâu có, của tôi từ hồi nhỏ” - “Cứ mấy ngày tôi lại thấy anh mang đồ lại cầm. Đừng có cho tôi ở tù theo vì tàng trữ của trộm cắp nghe không”. Vừa nói hắn vừa mang chiếc vòng đi vào chỗ người con gái ngồi đặt lên chiếc cân tiểu ly để ở đó. Tôi ngượng ngùng đứng phía ngoài người con gái. Người nhận đồ nói lớn: “Hóa đơn đâu?” - “Đồ này cũ quá nên tôi không còn giữ được hóa đơn”. - “Thôi đi, mấy chục bạc không chừng tôi ở tù, đi đi!” Hắn vứt trả cái vòng ra. “Ông làm ơn giúp tôi. Cô làm ơn giúp tôi. Nó là vật cuối cùng của mẹ tôi để lại. Tôi không ăn cắp. Tôi không ăn trộm. Tôi cần ít tiền... cô làm ơn...” Người con gái lặng lẽ nhìn tôi. Rồi nàng cầm lấy: “Bác nhận cho người ta. Không sao đâu, tôi chịu cho”. Vừa nói, cô ta vừa chuyền cho người đàn ông và cầm biên lai xem tiền: 50 đồng. Nàng mở ngăn kéo đưa cho tôi tờ giấy 200 đồng để phía trong tờ biên lai gập đôi lại. Tôi nói: “Tôi không có tiền lẻ”. Nàng cúi xuống, nhìn tôi trìu mến và im lặng. Nàng nói lớn: “Bác Hoành ơi mấy giờ rồi?” - “Mười hai giờ rồi, thưa cô”. Nàng lặng lẽ đứng lên, tôi nói khẽ: “Cám ơn cô”. Tôi bỏ tiền vào túi trở ra. Tôi đứng tần ngần dưới mái hiên, tôi nghĩ đến thái độ của người con gái. cửa tiệm đã đóng cửa, tôi lững thững đi về. Qua khỏi dãy phố chính tôi tạt về tay trái, bỗng tôi nghe thấy tiếng gọi: “Anh Minh”. Tôi quay lại ngạc nhiên thấy người con gái trong tiệm cầm đồ. Tôi tự nghĩ: “Cô ta đòi tiền lại chăng?” - “Cô gọi tôi?” - “Vâng”...
Xe chúng tôi tới Sài Gòn lúc hơn hai giờ trưa. Tôi chia tay bác tài và hẹn với Musyto: “Tôi sẽ đến dự trận đấu của anh, sau đó tôi sẽ mời anh ăn cơm nhé?”. Tôi bắt tay Musyto rồi rảo bước.
Việc đầu tiên là tôi tới kiếm em Hoài ở nhà trọ. Tôi đã gửi nó nơi nhà người anh của Thạch, tôi nhờ Thạch trông nom, nó ăn ở lại đó để tiếp tục học. Mỗi tháng tôi gửi về cho Thạch một ngàn đồng là non nửa số lương tôi có. Ba tháng trời xa thành phố tôi thấy mình quá đỗi xa lạ. Tới nhà trọ, em tôi đã đi học. Tôi để đồ đạc lại đó. Tôi tặng ông Thịnh - anh Thạch - một cặp sừng hươu đóng trên giá làm mắc áo: “Em ở rừng không có gì làm quà chị cả, biếu anh chị cái này làm mắc áo”. “Quý hóa rồi còn gì, đẹp quá nhỉ, họ làm thật khéo đó. Chú mạnh chứ?” - “Cám ơn anh, ở trên đó khí hậu tốt em khỏe lắm, em Hoài ở nhà chắc quấy rầy anh chị lắm”. - “Ồ, nó còn bé nhưng ngoan lắm. Mấy hồi đầu nó nhớ anh thơ thẩn. Rồi nó cũng nguôi dần, cô Quyên mới chủ nhật rồi lại dẫn nó đi coi ciné”. Qua một vài câu chuyện trao đổi tôi xin phép lại thăm Thạch, vợ chồng Thạch tiếp tôi niềm nở: “Thế là tạm yên, cố làm sao cuối năm lập gia đình đi. Đó cậu thấy chưa, mình còn sống đời với nhau mà. Có lúc thế này có lúc thế khác chứ dễ bộ lúc nào cũng sung sướng sao?”. Tôi ngồi kể cho Thạch nghe về những chuyện ở công trường thủy điện Đa Nhim.
Chiều ngả xuống, tôi trở về nhà anh Thịnh đợi Hoài đi học về, tôi sẽ dẫn đứa em lại thăm Quyên rồi chúng tôi đi dạo.
Bốn chiếc xe Cam-nhông dừng lại trên một khoảng đất rộng có trải đá đỏ. Mọi người đưa mắt cùng nhìn vào phía công trường đang bắt đầu xây cất những cơ sở đầu tiên cho nhà thủy điện tương lai. Tôi đứng dậy vươn vai, xách va-li nhảy xuống đất cùng đoàn nhân công. Sau gần ba trăm cây số cho một cuộc hành trình mọi người đã có thể nhìn nhau mỉm cười hay trao đổi một vài câu chuyện ngắn ngủi. Tiếng nói vồ vập trầm vang ra cả một khu yên lặng bốn bề rừng xanh và núi sẫm màu than rêu bao quanh.
Trước mặt chúng tôi một miếng sơn màu vàng cam quết dưới thung lũng là khu vực cơ sở đang xây dựng, ba dãy nhà tôn màu thiếc lạnh nằm ở phía tay mặt. Bên tay trái hai chiếc xe ủi đất đang san phẳng một vùng rộng rãi, phía trong cùng sườn sắt của mấy dãy nhà đã dựng lên, ở trước đó là một số xe cộ máy móc và ít thùng gỗ lớn. Người cắp cặp da kêu tên đoàn nhân công ra làm ba toán xếp hàng đi vào. Tôi thở một không khí mát mẻ êm ái và thoáng đạt. Tôi đã dứt khoát được với chính tôi. Tôi đã mở đầu một thái độ của kẻ đủ lý trí trước cuộc sống. Tôi đã lấy được tự tin để thấy mình trưởng thành. Tôi đã bỏ được đời sống thành phố ỷ lại, lười biếng, nhờ cậy để tới đây nhận làm một công nhân.
Việc đầu tiên khi vào công trường là chúng tôi lấy số thứ tự để nhận giường, nhận phòng, nhận chăn màn vật dụng cần thiết. Sau khi thay quần áo, tắm rửa chúng tôi sửa soạn chỗ ngủ, nghỉ ngơi rồi tập hợp nghe chỉ thị trước khi dùng cơm buổi tối. Sau một ngày, tôi được giao việc phụ với Musyto trông coi toán nhân công khoan núi.
Chiều xuống rót sương vào thung lũng như một ly sa loãng êm đềm, những đỉnh núi đã khuất vào mây trắng, những rèm núi biến đi làm thành một nền chì nhạt. Tiếng Musyto nói ở phía sau: “Chắc anh nhớ nhà?”. Tôi lặng lẽ. “Sao anh lại lên đây. Ở dưới đó anh không thích sao?” - “Tôi không ưa ở một chỗ lâu, nhất là thành phố. Ồn ào quá không hợp với tôi” - “Ở xứ tôi mùa này đã lạnh lắm”
- “Ở quê tôi cũng lạnh, tháng một chứ ít gì. Tôi ở ngoài Bắc mà anh, tôi vào đây hồi Genève”
- “Trông người anh tôi biết. Vào phòng tôi uống cà phê?”. Tôi quay vào với Musyto. Trong toán nhân công tôi không có bạn. Phần nhiều họ là những phu, những người thất nghiệp ở thành phố. Họ xô bồ, ồn ào một cách khỏe mạnh. Tôi ưa yên tĩnh nên không quen lối sống của họ. Musyto là một chuyên viên công chánh, anh ta 36 tuổi, là người do công ty Nhật Bản mang sang để xây cất nhà máy thủy điện, mà công tác đầu tiên là đào một đường hầm qua một ngọn núi mang nước ở phía bên kia sang một cái đập đắp bằng đất. Anh ta trầm lặng ít nói và hợp với tôi dù chỉ mới làm việc với nhau có mấy ngày. Hai ly cà phê đen, Musyto hút píp, tóc anh hớt ngắn, hai cánh tay khỏe mạnh, người đậm đạp, vừa phải, khuôn mặt nghiêm trang với đôi mắt hơi sâu, xương má lớn nên có vẻ khắc khổ và buồn: “Tôi sống một mình lâu nên quen, nhưng cũng nhiều khi nhớ nhà. Tôi ký giao kèo ở đây một năm, nếu muốn tôi sẽ ở nữa, đáng ra tôi qua Ba Tây nhưng sau tôi nghĩ ở Việt Nam hợp với tôi hơn. Anh tôi chết ở Việt Nam. Làm việc như tôi với anh là đùa với tử thần đấy. Tôi đã lãnh nhiều công tác đào núi rồi. Một lần tôi chết hụt vì đá sập, người ta moi tôi ra ở dưới hố sâu hai mươi thước. May là có hai cái đà khiến tôi lọt ở giữa nên không chết. Tai nạn đó làm 28 người thiệt mạng, chỉ có 6 người sống nhưng hai người là phế nhân. Thế mà tôi sống sót. Biết đâu ngày mai, ngày kia, hay hôm nào đó tôi hay anh lại không chết vì một tai nạn bất ngờ... Nói vậy chứ chết cũng có số... Anh còn gia đình?”
- “Có, em và người yêu”. “Tôi chỉ còn một người mẹ. Anh còn nhiều hạnh phúc hơn tôi, nhất là người yêu, tương lai...” - “Sao anh không lập gia đình. Tôi tưởng anh có cháu rồi mới phải”. Musyto nhấp cà phê, hút một hơi thuốc dài rồi quay người ngả lưng vào thành ghế. Tôi thấy tôi đã tàn nhẫn khi quyết định bỏ đi. Nhưng tôi không thể nào làm khác được. Đáng ra Quyên phải yêu một người khác và sống một đời sống hạnh phúc với sự giàu có của gia đình nàng. Giữa lúc tôi sống tuyệt vọng nhất thì Quyên đã đến với tôi. Quyên như một bà mẹ, như một ngôi sao cứu mệnh đã sáng lên trong đêm vô vọng mà tôi tưởng sẽ không sao thoát ra được để tìm thấy sự sống của một người. Với đứa em đau ốm, tôi thất nghiệp, không người thân, bao nhiêu vật dụng đã cầm và bán hết. Quyên đã trả lại cho tôi tất cả những cái đó, chiếc vòng bạc cuối cùng tôi đã mang theo như một lá bùa hộ mệnh. Quyên đã giúp tôi phương tiện để chữa bệnh cho Hoài và tôi có cơm ăn. Nàng khuyên tôi tiếp tục sự học. “Tôi mong có dịp về Sài Gòn sẽ đến nhà anh chơi”. Musyto thay mồi thuốc rồi châm lửa. Tôi đứng dậy về phòng. Trời tối mù, chung quanh công trường những ngọn đèn vàng nhỏ như rơi vào ở trong một sa mạc, hay trên một đại dương mù mịt hơi nước. Phố khuya vẻ buồn rầu xa cách. “Bây giờ anh hãy quên anh và nghĩ đến em thôi. Anh đừng lo kiếm việc làm nữa. Em muốn thấy tương lai của anh và em. Mọi chuyện để em lo”. - “Như vậy anh sẽ nhờ em đến bao giờ. Anh không muốn thấy em phải sống lén lút khổ sở mãi như thế này”
- “Làm sao được” - “Nếu cậu mợ em biết thì khổ em. Anh không muốn thế, tiền bạc của em...”
- “Sao anh cứ nhắc hoài... Anh có yêu em không?”. Trong vùng sương đêm, gió núi lạnh phả vào mặt như những mũi kim châm tê buốt
- “Em biết thế nào rồi anh cũng bỏ em để đi. Anh muốn được chọn lựa như một người không phụ thuộc với ai. Ngay cả với chính em. Tại sao? Em biết em không có một quyền hạn nào với anh cả. Nhưng cũng từ đó em thấy anh xa cách em vô cùng... Sao tình yêu anh lại làm em khổ sở đến như thế được. Khi viết những dòng này cho anh, em không có anh trước mặt. Nhưng hình ảnh anh vẫn ở đâu quanh đây với đôi mắt mở lớn, đôi môi dày mím và làn trán hơi nhăn lầm lì như một khối đá, như một loài chim hiếm cô đơn, như một đêm tối hãi hùng, một con nước ngầm chảy xoáy, và em như một loài rong rêu, loài bèo bọt trôi đi vật vờ xa lạ chung quanh anh. Sao anh lại xa cách với em như vậy? Anh sẽ đi, anh sẽ đi xa, anh sẽ bỏ em lại như một chiếc áo cánh mùa đông khi thời tiết đã vào xuân, như con nước đã xa nguồn, như con tàu đã hết cuộc hành trình, như làn bụi trên vai áo. Anh sẽ quên em, xa em mãi mãi. Em biết em sẽ ra sao. Dù vậy em vẫn chẳng quên anh, chẳng sao quên những ngày đã yêu anh. Con lộ những khuya vắng anh đã đi với em, những bữa ăn ấm cúng giữa ba anh em... tất cả những kỷ niệm cũ chẳng bao giờ mất đi được. Em chỉ xin anh cho phép em được coi Hoài như em ruột của em. Chúc anh may mắn. Vĩnh biệt anh...”.
Tiếng gió thổi reo, tiếng ai thì thầm dưới thung lũng. Tôi đã không nói được điều gì với Quyên. Chính ông cũng muốn làm người lạ. Tiếng nói đã trở lại với tôi. Tôi thấy tôi là một người lạ với mọi người. Cả với Quyên. Tại sao? Tôi chẳng rõ ngoài điều tôi mơ hồ cảm thấy: Chừng như tôi đã bị cắt đứt ra khỏi cuộc sống chung quanh. Tôi đã không được sống để biết là có tình yêu thương, đầm ấm, hạnh phúc cùng hy vọng của một đời người. Tôi lạ tôi. Tôi muốn đi tìm một cái gì. Tôi đã từ chối sự giúp đỡ của Quyên để làm lấy cuộc sống. Tôi tới công trường này để làm việc, để quên, để bỏ, để xa những nhằng nhịt đen tối. Với Quyên, với Hoài, có lẽ tôi đã tìm thấy người khác, tìm thấy tình yêu, vỗ về, an ủi. Nhưng chừng như tôi chưa tìm thấy tôi... Tôi muốn được ở bên Quyên, Hoài lúc này để nói một câu với ý nghĩ mến yêu của tôi dành cho người khác. Nhưng cũng lúc đó tôi lại thấy tôi lẻ loi, riêng rẽ và xa lạ...
Ba chúng tôi về đến đầu ngõ. Tôi bảo Hoài: “Em về ngủ trước để anh đưa chị Quyên về đã nghe”. Hoài vâng rồi đi vào. Trên phố đêm, tôi nói: “Sao em không viết thư cho anh, em vẫn còn giận anh sao? Anh muốn làm việc chứ đâu phải anh không muốn được em giúp anh. Em im lặng đã làm anh khổ sở biết bao nhiêu”. Quyên cúi đầu chậm bước, tôi kể chuyện ở công trường, tôi nói về Musyto tốt lắm. Quyên không trả lời “Em vẫn giận anh sao?”. Suốt buổi chiều đi chơi Quyên vui vẻ, tôi nhận thấy Quyên và Hoài quấn quít và thân mật hơn cả tôi đối với em tôi. Giữa hai anh em trai tôi vẫn thấy có một cái gì khô khan, hơn là một người em trai với chị nó. Tại sao Quyên không nói? Hai kẻ thân duy nhất ấy bây giờ lại cũng xa tôi thật rồi sao? “Quyên vẫn giận anh sao? Hay em không còn yêu anh nữa. Anh có đủ can đảm chịu đựng để nghe em nói bất cứ điều gì. Anh có lỗi gì với em”. Quyên òa lên khóc. Sao Quyên khóc? Tôi giữ lấy vai nàng gần vào tôi. “Không tại anh gì cả. Và có lẽ cũng không tại em. Em không giận anh, em thương anh, nhưng em thấy có lẽ em và anh không hợp nhau”. Tiếng khóc của nàng tấm tức nghẹn ngào, tôi khổ sở không biết làm sao. Một cơn gió mạnh thốc trên mặt đường khuya và những cánh lá bay theo chiều trườn trên mặt nhựa hoảng hốt: “Em sắp lấy chồng”. Tôi nhói nơi ngực và bỗng nhiên dừng chân. Quyên đi lên một bước dừng lại. Tôi yên lặng
- “Em lấy chồng? Em lấy chồng? Em không yêu anh nữa?”
- “Cậu mợ em muốn thế. Em biết làm sao?”.
Tôi thấy tôi bất lực hoàn toàn trước hạnh phúc của đời sống. Tôi không nói được một điều nào nữa cho tới khi về tới nhà Quyên. “Anh buồn em lắm sao?” - “Em còn bắt anh nói thế nào nữa, anh vẫn yêu em, nhưng anh chỉ ân hận rằng anh đã chẳng mang lại cho người thân chút nào hạnh phúc và ngay cả với chính anh. Anh mong em... Có lẽ tối nay là lần cuối cùng anh gặp em”. Tôi đã hôn lên đôi mắt ướt của Quyên, nước mắt chát như muối biển cay đắng.
Tôi sinh ra để làm người lạ...
Tôi đứng lại ở một khoảng trống, một con số không nằm dưới cuốn sổ chi tiêu đời người. Những vòng vây của mây xám, nước sông đen quấn lấy, xoay vòng mịt mù những lo âu. Bây giờ tôi đã vượt khỏi tuổi thanh xuân ốm o, khát sữa, thiếu tháng để trở thành một ông già mang đôi chân giả của quá khứ, như hiệp sĩ quý tộc thất thế rời khỏi những tòa lâu đài kín đáo không có những môn hạ trung thành.
Hãy chia tay. Người khách lạ nào vừa đứng lên đó. Nán lại một chút đi. Hãy vỗ tay cùng hát một nhịp. Hãy chiêu niệm khuôn mặt nước rút và Quyên và quá khứ thanh xuân làm kẻ độc hành kiêu ngạo vinh hiển. Từ biệt em. Quyên ơi! Những sợi tóc đỏ đang bay lên trong gió như ngọn lửa. Hãy khóc.
Chính ông cũng muốn làm một người lạ. Tôi giơ tay khoát khoát lên trước mặt, ai đang đi trên lề đường ngơ ngác dừng lại, tôi đi quá lên cúi mặt mỉm cười.
Bến xe ở bên kia con đường, tôi nhảy qua vũng nước băng ngang luồn giữa những xe cộ qua lại. Chính ông cũng muốn làm một người lạ. Tiếng Phụng nói trườn ngang, hàng cây muồng bờ đường có hoa vàng trên ngọn, chuyến xe lửa đen rú còi chạy qua với hai người chạy hai bên phất phất lá cờ, mấy đứa trẻ nhảy lên nhảy xuống lanh lẹ. Tiếng ai ngừng lại, va vào một thành tường như cuống quít rồi bay lên uốn éo mơ hồ. Quyên đang ngơ ngác đứng kia phải không. Tôi dừng lại đưa tay lên tầm mắt ngó qua khoảng đường rộng, hơi nắng bập bủng chờn vờn lay động trước tầm nhìn, bóng một tà áo màu xanh rêu chuyển đi xa và mất, có lẽ không phải Quyên, tôi nhủ thầm. Áo ấy của Quyên, màu rêu non đó của Quyên, nàng ngồi ở trên chiếc ghế dựa cũ màu đen.
Nàng im lặng, tôi muốn nói một điều gì đấy. Chính ông cũng muốn làm một người lạ. Tôi đứng dậy ra khỏi căn nhà. Em đã xa anh. Tôi đứng dang chân ở cửa ra vào châm một điếu thuốc, mùi diêm thơm, hàng rào phía nhà đối diện đã đổ từ hôm nào không biết, cây trứng cá đã bị chặt hết lá giơ lên mấy cành trơ trọi, hàng dây điện nhằng nhịt, một cánh diều giấy đỏ mắc trên đó cơn gió đang đong đưa. Anh đã vừa chấm dứt được một thời kỳ, vừa phá bỏ một ảo tưởng. Anh nghe em nói phía trong phiến gỗ mộc mà anh đã ôm theo làm tấm ván thiên cho chiếc quan tài sẽ nằm, bảy ngọn nến trắng sẽ cắm lên đó. Anh đã thổi tắt ngọn nến đỏ trước mặt để nhìn thấy em ngủ vùi trong bóng tối
- Quyên ơi! - Tôi ngó mặt trong khuôn cửa sổ một căn nhà lầu ba tầng. Tà áo màu rêu bay phấp phới ở đầu đường xa dần rồi tôi nhìn rõ một người con trai có nét mặt ngờ ngệch, đứng im lúng túng tay chân, hắn nói với một giọng khàn khàn đều đặn. Đồ ngu. Hắn nói với tôi gì đó. Mặt trời đã đứng ở phía bên kia dãy nhà. Nàng đi về phía dưới kia. Hãy gọi nàng lại. Quyên ơi! Hắn ta đứng im như pho tượng, tôi muốn đấm cho hắn một cái, nhưng tôi chưa kịp cử động hắn đã tan ra như nước. Tôi nhảy qua bờ hè. Chính ông cũng muốn làm một người lạ. Máy nổ, chuyến xe với một đám đông chạy qua những đường phố, nhà cửa, rạp hát một cái chợ, một chiếc xe vận tải đầy mía chắn ngang cây cầu đen vòng qua dòng sông. Tôi thấy một đám đông trôi lãng đãng lùi lại.
Tôi xuống ở bến xe ngay đầu cầu. Chiếc ca-nô chạy băng với một người con gái mặc áo màu đỏ ngồi trên đó đeo kính gọng trắng. Tôi ngồi xuống bờ cỏ, mùi nước sông hôi, đen và lờ đờ chảy. Ai đã lội sang phía bên kia mang theo tấm ván thiên. Ai leo chiếc xe đò tay cầm va-li, tay bám cửa quên từ biệt. Nắng chấp chới nhảy những vệt xáo động vồ vập rồi lãng đãng trôi trên khuôn mặt của Quyên. Tôi đưa hai bàn tay gầy giữ lấy đầu ai. Cơn gió lùa qua rừng tóc rối - Em lấy chồng? - Em không thể lấy anh - Em không yêu anh? - Trong hai vũng tối con mắt, ai khóc: Anh hiểu vì sao không, em muốn được một chàng trai ôm em vào lòng với hai bàn tay mềm mại vuốt ve và lời hứa hẹn, và bài hát đêm. Anh thì không. Anh kiêu ngạo như loài thú hiếm, lầm lì như đá xanh. Anh đừng nhìn em với con mắt đó. Hãy khép đôi mắt đó lại, anh hãy bịt đôi mắt đó lại, hãy chọc thủng đôi mắt đó đi. Đôi mắt anh biết không, chính nó làm em run sợ, làm em như một cái bóng đờ đẫn nhảy quanh chân anh, đôi mắt làm người đàn bà ngoại tình... không, không được... Anh không thể yêu ai, và không ai đủ nghị lực đam mê để yêu anh, họ chỉ đủ sức theo anh rồi lảng xa, nhìn lại như một quá khứ thần thánh trang trí cuộc sống tầm thường. Và anh đầy đủ một loài thú nguyên vẹn cô đơn.
- Ai nói gì đó? Tôi cầm lấy tay tôi. Dưới dòng sông tiếng hát của Quyên vọng lên mơ hồ lôi cuốn. Ai nói đó? Trong chiếc khăn tay trắng cuộn tóc của Quyên nằm im buồn. Em tặng anh đó. Anh bảo em đừng cắt tóc, cắt làm gì. Không. Anh không muốn em mất đi một cái gì hết. Sao anh không dám nói anh yêu em. Không. Sao vậy. Có lẽ không phải là người yêu của anh... một dòng nước xoáy trên mặt sông, tiếng canô nổ giòn. Hãy bỏ tấm ván thiên xuống. Nói gì đó? Chính ông cũng muốn làm một người lạ. Những sợi tóc của em vẫn còn nguyên. Anh yêu em chứ. Không. Còn em. Em yêu anh, nhưng em sẽ có chồng. Không phải anh, anh không yêu em, anh không yêu em... Anh không nghe tiếng em hát sao. Và tiếng ai: Chính ông cũng muốn làm một người lạ.
Tôi đã tới quá muộn, cuộc đấu võ đã tan với khán đài trống vắng. Musyto say ngồi nơi tiệm rượu: “Anh còn tới sao?” - “Xin lỗi anh tôi đã tới muộn” - “Tôi muốn không thấy anh tới, không phải tôi giận, đáng ra anh phải đi chơi với người yêu mới phải. Tôi là một thứ bỏ rồi” - “Tôi có hơn gì anh. Tôi chẳng có gì cả” - “Tôi muốn được chết trong hầm núi hay bị một võ sĩ đánh chết trên võ đài”. Tôi cụng ly với Musyto. Tôi sung sướng lắm sao. “Tôi chẳng còn ai. Đó, anh thấy đó. Anh tôi chết ở Việt Nam, gia đình tôi chỉ sống sót một bà mẹ tật nguyền. Tại sao mẹ tôi không chết luôn cho đỡ khổ, nhìn mẹ tôi, tôi không thể đành lòng. Anh không thể tưởng tượng được, còn bạn bè tôi đều đã nhận làm vật hy sinh. Tôi chậm lại một chút để sống, để chịu đựng thảm kịch bại trận, tan nát. Sống như tôi khổ hơn chết. Tại sao thế?” - “Tôi hơn gì anh, dù tôi khác anh.
Tại sao?” Tưởng đâu tôi đã tìm thấy. Không. Tôi là một người lạ. Làm sao tôi có thể nói những ý nghĩ, những sự thật cho em tôi nghe. Giọng Musyto yếu ớt: “Chúng ta sắp khoan tới phần núi đá rồi, sẽ phải gài mìn...”. Tiếng Quyên mơ hồ: “Anh hay em có quyền lựa chọn khi sinh ra không? Tại sao em sướng, anh khổ? Có chắc em sướng không. Anh là một khối đá xanh, là một loài chim hiếm, còn em như một hạt bụi... Tại sao chúng ta lại ở trong một hoàn cảnh thế này... Anh ơi!”. Thành phố đảo nghiêng, chai rượu mạnh đã cạn. Musyto run rẩy: “Núi đá... Mìn”. - “Không. Tôi còn em Hoài. Tôi còn trẻ. Tôi chưa được sống đủ... Tôi không là anh. Tôi không là anh”. Một dòng nước đục đang trôi dưới chân làm tôi thấy tôi bất động. Tôi lạ tôi...
10-1962