Chương 4

Nằm mãi cũng chán, Tường Vi mở cửa chậm rãi đi lên sân thượng. Hy vọng ở đây cô sẽ được yên ổn hơn.
Chọn một chỗ ngồi kín đáo, cô nhìn xuống dòng người bé tí đang xuôi ngược trên đường, nghĩ vẩn vơ mọi chuyện. Chưa bao giờ cô thấy mong ba mẹ về nhà hơn lúc này. Sống ở nhà cô Hoàng, cô thấy thật dễ chịu, không khí thoải mái như ở nhà mình, lại có phần tự do hơn, bởi thế cô muốn ba mẹ đi lâu lâu để cô được tận hưởng cảm giác tự do ấy. Nhưng sự có mặt của Hiếu đã làm cuộc sống yên bình của cô bị đảo lộn, anh tuy là một bác sĩ nhưng nóng tánh vô cùng, anh quyết đoán, nhạy bén, nhưng luôn làm cô thấy bất mãn. Ôi! Giá mà anh cũng dịu dàng như cô Hoàng thì tuyệt, cô chẳng phải chịu đựng tâm trạng nặng nề gì. Cầu cho những ngày nghỉ của anh qua mau mau.
Có tiếng bước chân nơi cầu thang, biết chắc chẳng ai khác ngoài Hiếu, Tường Vi nép người vào bức tường, cố thu mình thật nhỏ, hoặc tàng hình được càng hay.
Hiếu nghiêng ngó rồi đi thẳng đến chỗ cô, lên tiếng:
- Cô ở đây mà tôi tìm mãi. Làm gì ở đây vậy?
Tường Vi cảnh giác hỏi lại:
- Anh tìm tôi có chuyện gì?
- Chẳng có gì, nhưng cô chưa trả lời câu hỏi của tôi.
- Có cần thiết không?
- Cần chứ, tôi tìm cô nãy giờ mà.
Đoán già đoán non vẫn không biết lý do khiến Minh Hiếu cần tìm mình, Tường Vi dè dặt:
- Tôi nhớ tôi đã chẳng làm gì để anh phật ý.
Hiếu gật đầu:
- Ừ. Có gì đâu.
- Vậy với tôi, anh không cần đóng vai người chủ nhà lịch lãm chi cho nhọc xác, cái gì trung thực vẫn hay hơn.
Biết Tường Vi đang nói kháy, Minh Hiếu vờ thở dài, cố lấy giọng thảm não:
- Chẳng hiểu tôi đã làm điều chi sơ xuất để cô cứ phải đề phòng, cô có thể giải thích đôi chút, để tôi biết mà sửa đổI chăng. Thật lòng, tôi chỉ muốn làm cô vui.
Xí! Gây cho người ta bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười, còn giả vờ. Muốn gieo tiếng oán đây mà. Tường Vi chép miệng:
- Vậy sao? Nếu anh không nói thì không ai biết anh rất tốt bụng đấy.
- Lại mỉa mai nữa rồi, tính cô cũng đáo để chứ đâu có hiền.
- Tôi chưa bảo mình hiền bao giờ, nhưng cũng chưa làm ai sợ cả.
- Có thật tôi đã làm cô sợ không? Tôi không nghĩ mình có được tài ấy. - Hiếu chợt hạ giọng - Vi này! Nếu tôi đã làm gì cô không vừa lòng thì cũng đừng để bụng nhé, tôi không cố ý đâu.
Giọng nói dịu dàng êm ái của Minh Hiếu khiến Tường Vi càng đề cao cảnh giác. Con người này ghê gớm thật, mới bắt nạt người ta lúc trưa mà bây giờ đã ngọt ngào rồi. Bộ nói cô là con nít hay sao mà tin được những lời như vậy.
- Nghĩ gì mà mặt mày đăm đăm vậy, Tường Vi? Cô biết không, nếu thường xuyên nhăn nhó người ta sẽ mau già lắm đấy.
Lại còn nói cạnh khóe nữa. Tường Vi nguẩy đầu:
- Kệ tôi.
Minh Hiếu vẫn ngọt nhạt:
- Tôi thật sự không hiểu. Không biết cô thì thôi, biết rồi thì xem như người một nhà, muốn trao đổi với cô về cuộc sống, muốn đưa cô đi chơi. Nói chung, tôi muốn chúng ta thân nhau hơn, nhưng cô cứ gạt phăng tất cả. Tôi có thể biết tại sao không?
- Không sao cả. Tại tính tôi vậy đó, không có gì để giải thích đâu.
- Không đúng. Tôi thấy cô vui vẻ, niềm nở với tất cả mọi người, trừ tôi. Hay tôi đã làm điều gì đó mà cô không hài lòng? Nếu cô nói ra, biết đâu sẽ giải tỏa được mọi hiểu lầm.
- Anh có bị cô Hoàng làm công tác tư tưởng không, mà sao tự nhiên vui vẻ nhận hết lỗi về phần mình vậy? Cái đó không hợp với anh đâu.
- Cô quả là... Lúc tôi nói thật thì đa nghi như Tào Tháo. Còn lúc tôi nói đùa lại tin răm rắp, thật không hiểu nổi.
- Tôi chưa thấy anh đùa bao giờ.
Giọng nói nghiêm trang của Tường Vi làm Hiếu không khỏi phì cười. Anh nheo mắt:
- Cô chứng minh thử xem.
- Việc anh làm thì anh biết, cần gì hỏi.
Minh Hiếu đã thôi cười, anh hạ giọng như năn nỉ:
- Thôi, đừng dằn dỗi nữa mà. Nếu cô không nói thì làm sao tôi biết được đã lỡ làm điều gì để cô không vui.
Hứ! Nếu nói ra thì bảo nhỏ nhen, chấp nhấp những câu nói đùa. Còn không nói thì bảo làm hiểm.
Tường Vi mát mẻ:
- Tôi đâu dám buồn anh. Vì nếu chịu khó buồn, chắc tôi sẽ ủ rũ suốt ngày mất.
- Làm như tôi bất lịch sự lắm vậy.
- Sao anh nhận xét về mình chính xác thế?
Hiếu bật cười sảng khoái, anh nhìn thẳng vào mắt cô:
- Vậy chắc chắn là có vấn đề rồi nhé. Cô nói đi. Tôi bất lịch sự chỗ nào?
Tiếng cười của Hiếu làm Tường Vi ngớ người, chợt hiểu ra. Cô nguýt dài:
- Không, không nói.
Hiếu suy nghĩ một lát rồi gật gù:
- Được rồi. Cô không nói thì tôi sẽ tự tìm hiểu. Còn bây giờ tôi có chuyện này nói với cô, cô thử nhìn xuống đường kìa, thấy gì không?
Tường Vi nhìn theo ánh mắt Minh Hiếu gật đầu:
- Phố phường chật hẹp, người đông đúc.
- Vậy cô muốn làm nó đông đúc thêm không?
- Bằng cách nào?
- Đi chơi với tôi.
- Đi chơi à? Có cần vòng vo vậy không?
Minh Hiếu không trả lời, chỉ nhìn cô vừa dò hỏi, vừa thúc giục.
Nghe nói đi chơi, Tường Vi lại thấy nôn nóng. Nhưng nhớ lại chuyến đi buổi sáng, giọng cô chợt ỉu xìu:
- Anh lại đưa tôi đến chỗ đua ngựa như hồi sáng chứ gì. Tôi không đi.
Hiếu cười thành tiếng:
- Cô khéo lo thì thôi, buổi tối làm gì có đua ngựa. Đi chỗ khác.
- Chỗ khác là đi đâu?
- Câu lạc bộ.
- Câu lạc bộ gì?
- Câu lạc bộ Hướng Dương.
Tường Vi vẫn chưa hết nghi ngờ:
- Ở đó có đua ngựa không?
- Chắc chắn là không, bảo đảm là không.
- Ồ! Nơi đua ngựa thì người ta đã gọi là trường đua rồi. Còn câu lạc bộ chắc là một sân khấu ca nhạc hoặc khiêu vũ chứ gì...
Nhận ra mình đã cẩn thận đến mức ngớ ngẩn, Tường Vi khẽ mỉm cười tự chế giễu mình.
Nhìn nụ cười trên môi Tường Vi, mặt Minh Hiếu cũng giãn ra.
- Cân nhắc xong chưa? Không có đua ngựa thì yên tâm chứ gì?
- Ừ, thì đi.
- Tôi thật không hiểu, môn đua ngựa hào hứng đến thế, mà cô không thích. Tiếc thật.
- Không thích là không thích. Tôi không tiếc thì thôi, mắc mớ gì anh tiếc?
Phải dẫn dụ khá lâu, Tường Vi mới chịu nói chuyện lại, để cô giận nữa thì công toi. Minh Hiếu nói vội:
- Ừ. Không tiếc thì không tiếc. Bây giờ đi được chưa?
- Thì đi. Nhưng tôi phải chuẩn bị một lát, được không?
- Dĩ nhiên là được, nhưng nhanh nhanh một tí.
- Đừng lo. Tôi không bắt anh đợi lâu đâu.
Nói xong, Tường Vi chạy biến xuống lầu.
Minh Hiếu trìu mến nhìn theo. Cô gái này có lẽ được cưng chiều ghê lắm và đồng thời cũng bị kiểm soát chặt chẽ lắm, đến nỗi mỗi khi nghe nói đi chơi là quên hết mọi chuyện.
Vừa ngồi vào xe, Minh Hiếu đã chìa ra gói ô mai:
- Nè, nhấm nháp cho vui.
Tường Vi ngạc nhiên nhìn Hiếu rồi lại nhìn gói kẹo. Và chẳng đợi mời lần nữa, cô cầm lấy mở gói cắn nhẹ miếng kẹo.
- Cám ơn nghe. Ở đâu anh có vậy?
- Có ngon không?
- Ngon lắm. À này! Do anh "sáng tác", hay do kinh nghiệm vậy?
Vừa nói, Tường Vi vừa giơ cao gói kẹo. Hiếu bật cười:
- Có thì cứ việc thưởng thức, tìm hiểu nguồn gốc làm gì?
- Thích thì hỏi.
- Có cần thiết không? Bởi nếu bảo do công sức của tôi thì cô không tin, còn nói do kinh nghiệm thì cô không ăn, đằng nào tôi cũng không muốn.
Và Minh Hiếu lại cười, anh nói như khoe:
- Cô biết không? Ngoài kẹo ra, tôi còn biết cô thích những thứ khác nữa.
- Chẳng hạn?
- Cấm giận đấy.
- Anh cứ nói.
- Cô ấy à, thích đi chơi, thích vòi vĩnh, thích giận và nhất là thích bắt nạt tôi.
Tường Vi quay lại cười vang:
- Thích bắt nạt anh ấy hả? Đó là điều ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi chẳng bao giờ dám vuốt râu hùm.
- Nhưng đã là sự thật.
- Có chuyện đó nữa sao?
- Vậy cô không thấy tôi mất ăn mất ngủ vì một câu nói của cô.
-...
- Đã có lúc cô gọi tôi Đ.T.K.
Tường Vi nhướng mắt rồi bật cười:
- Anh vẫn còn ấm ức vì câu đó à? Thảo nào đã bắt tôi đi xem đua ngựa, một cách trả thù thật tinh vi.
Minh Hiếu xua tay đính chính:
- Không. Đó chỉ là sự cố do chủ quan. Thật lòng, tôi chỉ muốn cô vui, ngoài ra, chẳng có sự trả thù nào cả.
- Tôi chỉ nói có một câu, sao anh nói nhiều quá vậy? Ấy là tôi chỉ đùa thế thôi. Chứ sự tốt bụng của anh, dù không nói ra thì ai cũng biết.
- Lại xỏ xiên nữa rồi.
- Sao anh lại nghĩ thế?
Minh Hiếu nửa đùa nửa thật:
- Bởi vì những câu nói của cô, lúc nào cũng mang nhiều ý nghĩa.
- Chỉ vì anh hay suy luận thôi, chứ "bụng dạ tôi ăn thật nói ngay, nào có biết bụng anh co hẹp".
Bị Tường Vi phản ứng bất ngờ, Hiếu chỉ biết lắc đầu cười trừ.
- Miệng lưỡi đến thế mà cứ bảo mình không phải là sư tử. Trong khi nãy giờ, cô vẫn chưa cho tôi biết Đ.T.K là cái gì?
Tường Vi nhìn ra ngoài đường, nói chậm rãi:
- Chỉ sợ khi tôi nói ra sẽ không được hưởng sự ưu ái của anh.
- Chẳng lẽ tôi nhỏ nhen vậy sao?
- Đ.T.K là Dovtoepxki, một nhà văn điên điên... Các tác phẩm của ông càng đọc càng rối...
- Thảo nào, tôi cũng thấy rôi rối... vì cô.
Câu nói đầy ẩn ý của Minh Hiếu làm Tường Vi chợt đỏ mặt. Cô trừng mắt:
- Hả! Anh nói gì?
- Ồ! Không... Đã đến nơi rồi kìa.
Hiếu chỉ tay về phía trước, nói lảng. Tường Vi nhìn theo, không khí nhộn nhịp xung quanh đầy đủ những sắc màu rực rỡ của ánh đèn màu trang trí, khiến cô lại thấy nao nao. Quên bẵng chuyện vừa rồi, cô xuýt xoa:
- Trời ơi! Vui quá! Thiên hạ đông ơi là đông.
- Cô có muốn đi tham quan một vòng không?
- Sao không muốn được nhỉ, hỏi hơi thừa.
Tường Vi không trả lời, nhưng nhìn ánh mắt cô, Hiếu dư biết mình phải làm gì.
Đúng như Tường Vi đã đoán, câu lạc bộ Hướng Dương là một trung tâm giải trí khá lớn với nhiều khu riêng biệt, từ sân khấu ca nhạc đến vũ trường, cả những nhà để thi đấu các môn thể thao.
- Cô thấy thế nào?
- Vui lắm. Tôi ít khi được đến những nơi này.
- Nếu muốn cô có thể đến thường xuyên. Ở đây, người ta không có thời gian để buồn.
- Ừ. Tôi cũng thấy vậy.
- Đi nãy giờ cô có mệt chưa? Có muốn ghé vào một nơi nào không? Như sân khấu ca nhạc hay khiêu vũ chẳng hạn. Hay đổi không khí, đi xem thi đấu thể thao cho vui.
Nghe Minh Hiếu vạch ra một lô chương trình, Tường Vi thấy rối tung lên, bởi môn nào cô cũng thích, khiến cô phải cân nhắc...
- Chương trình nào tôi cũng thích cả. Thôi thì anh cho tôi đi xem người ta thi đấu thể thao đi.
Minh Hiếu chỉ tay một vòng:
- Mỗi nhà là một môn thi: Cầu lông, bóng bàn... Đi đâu, tùy cô chọn.
- Tôi được trọn quyền chọn lựa à?
Minh Hiếu gật đầu.
- Hoàn toàn.
- Tốt bụng nhỉ.
- Trước nay vẫn vậy.
Tường Vi quan sát một lượt, rồi chỉ đại vào một ngôi nhà có mái vòm màu xanh. Hiếu hơi khựng lại:
- Quyết định cuối cùng chưa? Cho cô có quyền thay đổi ý kiến đấy.
Giọng nói có đến 8 phần chế giễu của Minh Hiếu, khiến Tường Vi tự ái đùng đùng. Thể thao chư có gì ghê gớm đâu mà không biết. Cô nhất định vào ngôi nhà kia. Minh Hiếu ngần ngừ:
- Vào đây, cô sẽ thấy hối hận đấy.
- Không hối hận.
Không ngăn được ý muốn của Tường Vi, Minh Hiếu đành đưa cô vào trong. Anh loanh quanh tìm một chỗ ngồi xa xa sàn đấu. Thấy vậy, Tường Vi nhăn mặt.
- Sao anh không chọn mấy ghế phía trước kìa? Sàn đấu nhỏ bé như vậy, mà ngồi xa tít thế này thì làm sao thấy rõ được?
Minh Hiếu không trả lời, chỉ ậm ừ trong miệng. Tường Vi thấy tự ái vì thái độ là lạ của anh, cô cũng im lặng. Chẳng bao lâu, trận đấu đã bắt đầu, hai võ sĩ xuất hiện trên võ đài cùng cúi chào nhau lịch sự. Sau một hồi còi của trọng tài, cả hai lại lao vào nhau, tìm cách hạ đo ván đối thủ của mình.
Càng xem, Tường Vi càng thấy đầu óc căng thẳng, nặng nề kinh khủng. Trời ơi là trời! Cô đã không chịu nổi sự căng thẳng với những âm thanh chát chúa ngoài trường đua, bây giờ lại đi xem người ta đánh nhau. Thật muốn chết được.
Thấy Tường Vi cứ nhắm nghiền hai mắt, Hiếu hỏi nhỏ:
- Sao cô không xem? Trận này hay lắm.
- Hay thì anh xem đi, tôi không thích.
- Không thích hay sợ?
"Hứ! Không thích cứ bộ sợ gì, hỏi vô duyên".
Giọng Hiếu vẫn vang bên tai:
- Cô mở mắt ra đi. Họ thì đấu chứ có làm gì cô đâu.
- Thi đấu gì như trả thù vậy, cứ nhè mặt nhau mà đánh bôm bốp, ác kinh khủng.
- Không phải ác đâu, họ đang tranh tài cao thấp đấy mà. Người nào tài giỏi hơn thì sẽ thắng.
Tường Vi vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
- Gì chứ, tài cố tìm sơ hở của người ta để nện thì có gì hay đâu.
- Thì nhanh mắt nhanh tay cũng là tài đấy. Xem quen rồi, cô sẽ không còn thấy sợ nữa.
- Tôi không quen nổi môn thi đấu khủng khiếp này đâu.
- Sao lại không? Cô thấy không, cả hai đều biết mình có thể sẽ bị nện, nhưng chẳng ai bỏ chạy cả. Cô chỉ ngồi xem cũng không đủ can đảm sao? Vả lại, quanh đây có các cô gái đi xem thi đấu, có ai sợ gì đâu.
- Kệ họ.
- Lúc nãy chính cô đã kiên quyết muốn vào?
- Ừ thì... tại tôi không ngờ trận đấu căng thẳng quá.
- Vậy bây giờ cô có muốn ra khỏi đây không?
- Còn phải hỏi.
Tường Vi háy anh rồi ngoảnh đi. Hiếu lắc nhẹ:
- Vậy còn chờ gì nữa mà không đứng lên.
Chỉ chờ có thế, Tường Vi lập tức đứng lên ngay. Cả hai len ra khỏi hàng ghế, đi ra ngoài. Thật là nhẹ nhõm cả người. Như trút bỏ được gánh nặng, Tường Vi ngước lên trời, thở phào một tiếng:
- Mát và dễ chịu hơn trong đó nhiều.
Hiếu đứng đối diện với cô, nheo mắt:
- Bây giờ muốn đi đâu nữa đây? Xem đô vật nữ không?
- Đô vật nữ là cái gì?
- Là giống như lúc nãy vậy đó. Nhưng người ta lừa để vật đo ván, chứ không đánh.
Tường Vi khẽ nhăn mặt:
- Anh đi một mình đi.
Rồi cô dằn dỗi bỏ đi. Hiếu cười xòa, nắm tay cô, giữ lại:
- Đợi tôi.
Anh tự nhiên choàng tay qua vai Tường Vi. Bị bất ngờ quá, cô xoay người định né. Nhưng anh đã cương quyết giữ cô lại, như một sự bắt buộc dịu dàng, một cử chỉ sỡ hữu. Cuối cùng, cô cũng ngoan ngoãn thần phục.
o O o
Tường Vi đưa Hiếu về Buôn Mê Thuột giới thiệu gia đình. Thật ra thì cả hai chỉ mới bắt đầu giai đoạn yêu nhau, chẳng ai nghĩ đến chuyện xa vời. Nhưng không hiểu sao, cô Hoàng cứ muốn Minh Hiếu gặp ba Tường Vi càng sớm càng tốt. Thế là cả hai đi về nhà Tường Vi vào ngày chủ nhật.
Khi cả hai về đến nơi, Tường Vi giới thiệu với mẹ mối quan hệ của cô. Bà ta có vẻ cởi mở dịu dàng với Hiếu, một sự cởi mở thật lòng, xuất phát từ tình cảm xa xưa nào đó.
Nhưng với ông Trường An, đằng sau vẻ lịch sự thân ái, có cái gì đó rất giả tạo, mà cả hai đều quá non trẻ để nhận ra. Nó thể hiện trong tia nhìn kém thân thiện được giấu kín, ở những cái nhếch môi thâm hiểm ngấm ngầm.
Sau bữa ăn tối, mọi người tập trung sang phòng khách, ông An đến ngồi cạnh Tường Vi, giọng dịu dàng:
- Vi nè! Ba có chút chuyện muốn nói với cậu Hiếu, con đi nghỉ sớm nghe.
Quen tính nhỏng nhẽo, Tường Vi giãy nảy:
- Sao là chuyện riêng hả ba? Con không chịu đâu.
Ông An vỗ vỗ vào tay con gái, dỗ dành:
- Ngoan nào, Tường Vi. Ba mẹ vì hạnh phúc của con mà.
- Nếu là hạnh phúc của con thì con càng phải biết.
- Tường Vi! Đừng bướng bỉnh nữa mà, em phải nghe lời hai bác chứ.
Tường Vi nghĩ một lúc, rồi ra điều kiện:
- Ừ. Ba mẹ không cho em biết thì thôi. Nhưng anh không được giấu em điều gì cả, chịu không?
- Dĩ nhiên rồi.
Minh Hiếu gật đầu trấn an Tường Vi. Cô bấu nhẹ vào vai anh rồi ra khỏi phòng.
Đợi Tường Vi đi khuất, ông quay qua bà An, mỉm cười:
- Thanh pha giùm anh hai ly cà phê nhé, mang qua phòng anh luôn.
Giọng điệu sai bảo của chồng tuy có dịu dàng, nhưng vẫn khiến bà An khó chịu, nhất là trước mặt Minh Hiếu. Bà ném cho ông cái nhìn hằn học rồi đi ra.
Vẻ ẩn nhẫn cam chịu của bà An làm Hiếu thấy lo lo. Chẳng lẽ đằng sau vẻ đầm ấm hạnh phúc kia còn có một điều gì.
- Qua đây với bác, Hiếu.
Giọng nói không còn vẻ thân thiện như lúc đầu, cộng với thái độ bất mãn của bà An gây cho Hiếu cảm giác bất an khi theo ông sang phòng làm việc.
- Cậu có đoán được tôi sẽ nói chuyện gì không?
- Thưa bác, không.
- Vậy cậu có biết Tường Vi là con gái duy nhất của tôi không?
- Dạ biết.
-Và cậu chắc chắn biết rằng nó sẽ là người thừa hưởng toàn bộ khối tài sản to lớn do chúng tôi tạo ra chứ?
- Dạ... cháu chưa hiểu ý bác.
- Cậu không cần phải thận trọng, chúng ta đã là người làm ăn rồi, vòng vo chỉ mất thời gian.
- Dạ.
- Nếu tôi bảo công sức của chúng tôi khi tạo ra khối tài sản ấy là quá lớn, không thể trao vào tay một kẻ khố rách áo ôm như cậu, nếu một khi cậu cưới Tường Vi thì cậu nghĩ sao.
Câu nói của ông An như một ngọn roi quất thẳng vào mặt Hiếu đau buốt, anh đứng bật dậy:
- Thưa bác, cháu yêu Tường Vi, trước hết không phảii vì khối tài sản to lớn cô ấy sẽ thừa hưởng,bơi? Vì với khả Năng và sự nghiệp của bản thân, cháu đủ sức lo cho cô ấy một cuộc sống sung túc đến trọn đời.vả lại, nếu tính về tài sản thì trong tương lai, bản thân cháu cũng sẽ được thừa hưởng gia tài của mẹ. của hồi môn của Tường Vi dù lớn đến mấy, thực tế suốt đời cũng nằm trong tủ sắt mà thôi.
Minh Hiếu nói một hơi, nhưng vẫ chưa trút hết được sự bực tức trong lòng. Thật không ngờ tình cảm của anh với Tường Vi lại bị Ông An hiểu ở khía cạnh thô thiển như vậy.
- Cậu khẳng khái lắm. Nhưng cậu ngồi xuống đi, tôi chưa nói hết mà.
- Dạ, cháu chỉ giải thích để bác hiểu đúng hơn về tình cảm giữa cháu và Tường Vi.
Với cháu, tình yêu chân thật là trên hết, tiền bạc có nhiều đến bao nhiêu cũng không thể mua được.
Ông An ngả Người trên ghế, mắt lim dim:
- Lý luận của cậu khá đấy, nhưng không thuyết phục được tôi đâu.
- Thưa bác….
Ông An giơ tay chặn lại:
- Để tôi nói hết. Cho dù cậu có sống trong gia đình danh gía đến đâu thì bản thân cậu cũng chỉ là một đứa trẻ lạc loài. Tường Vi là cành vàng lá ngọc tôi không thể để nó rơi vào tay một người như cậu được.
- Dạ, cháu chưa hiểu. Ý bác là ……
- Có gì khó hiểu đâu người lớn chúng tôi có quan niệm về hôn nhân chín chắn hơn bọn trẻ các cậu. Nói thẳng ra, tôi đã tìm cho Tường Vi một người chồng xứng đáng rồi, cậu khỏi phải bận tâm.
Vẻ cao ngạo, tự mãn không cần che giấu của ông An khiến Hiếu thấy bất bình, anh cố nén cảm giác tức nghẹn đang dâng trào, nói nhỏ nhẹ:
- Thưa bác, bác đã sắp đặt cho cuộc hôn nhân của Tường Vi, chung qui cũng phát xuất từ sự thương yêu đối với cô ấy. Nhưng cháu biết Tường Vi chỉ yêu một lần và cô ấy sẽ rất đau khổ nếu thành gia thất với người xa lạ. Bác thử tưởng tượng xem, phải sống và làm bổn phận với người không yêu thì làm sao có hạnh phúc toàn vẹn được.
Ông An chợt nhỏm dậy như bị điện giật. Ông đập bàn, quát lớn:
-Phải biết thân phận mình cho bớt hung hăng, cư xử cho đúng phép tắc. Cô Hoàng chỉ là người nuôi dưỡng cậu thôi, còn mẹ ruột của cậu hiện đang ở rất xa và rất nghèo khổ và đó là cái giá mà bà ấy phải trả cho sự lựa chọn của mình.
Dường như câu nói này ông An không phải nói với Minh Hiếu, mà là nói cho thoa? mãn sự thù hằn với một người nào đó, không có mặt ở đây. Minh Hiếu lắc đầu nói rắn rỏi
-Cháu không tin bác đang tìm cách để chia rẻ chúng cháu.
-Sự thật vẫn là sự thật con tin hay không là tùy cậu. Mẹ cậu là người đàn bà người đàn bà trắc nết, chỉ vì tình yêu mà bỏ cả cha mẹ, bỏ cả gia đình. Chưa hết mẹ cậu còn đang tâm phá hoại hạnh phúc, gia cang người ta.
Trong phút chốc Minh Hiếu quên mất người đàn ông này là ba của Tường Vi, là người quyết định hôn nhân của anh với cộ Trước mặt anh bây giờ là người đàn ông nhỏ nhen, ti tiện, đáng ghét, chẳng quang minh chính đại, lại đi gièm siểm sau lưng người khác nhất là gièm siểm một người đàn bà. Anh mím môi
-Không có, bác nói dối, không bao giờ có chuyện đó.
Ông An nhướng mắt nhìn Hiếu giây lát, rồi bỗng bật cười, giọng cười khăng khắc trong cổ họng. Cười chán ông lại nghiến răng cay cú
-Cứ ngồi xuống và bình tĩnh lại đi, tôi đã nói hết đâu nào. Mẹ cậu là người đàn bà xinh đẹp nhưng độc ác vô cùng. Sau một thời gian sống lén lút với chồng người khác, bà ta mang thai. Và dể xóa lấp tội lỗi của mình bà đã bán ngay đứa trẻ sau khi sinh cho cô Hoàng. Vậy cậu thử nghĩ xem, tôi sẽ giao Tường Vi cho một người mang dòng máu bất nhân bất nghĩa như cậu sao?
-Ông đê tiện … - Minh Hiếu nắm chặt tay – Ông chỉ muốn chia rẻ chúng tôi nên mới dựng nên câu chuyện ấy. Không bằng chứng tôi không tin.
-Nhưng sự tức giận của cậu đã chứng tỏ cậu tin quá đi rồi.
-Không tôi chỉ bất mãn vì lời gièm siểm của ông với người vắng mặt thôi.
-Bình tỉnh lại đã. Trước tiên cậu đã yêu và đang muốn cưới con gái của tôI. Nay gặp chút trở ngại với gia đình, cậu đã không tin lời tôi vừa nói là sự thật, thế sao cậu không dùng lý lẽ ôn hòa nhã nhặn của cô Hoàng ra thuyết phục tôi, mà chỉ dùng toàn một thái độ nóng nảy, những lời nặng nề để nhục mạ nhạc phụ tương lai của mình. Điều đó cũng đủ chứng minh câu chuyện tôi vừa kể có thật hay không. Nếu không tin thì cậu cứ đi hỏi cô Hoàng. Tôi nghĩ cô ấy chắc không hẹp hòi gì với câu chuyện cậu tìm về cội nguồn đâu. – Ngừng một chút ông An lại nói tiếp – Những điều cần nói tôi đã nói xong, cậu có thể về được rồi. Chuyện của cậu với Tường Vi tôi sẽ có cách giải thích với nó, cậu không phải bận tâm.
Hiếu nặng nề đứng lên.
-Tình yêu giữa cháu và Tường Vi nếu gặp khó khăn thì cháu sẽ cố gắng vượt quạ Còn câu chuyện của bác nói cháu vẫn không tin. Thưa bác cháu về.
Câu nói đầy vẻ tự tin của Minh Hiếu, đối với ông An là một thách thức, khiến ông vô cùng tức giận, ông cười gằn
-Cậu cứ thử xem. Tôi thích những người có cá tính như cậu lắm.
Minh Hiếu ngần ngừ như muốn nói điều gì nhưng lại thôi, anh chào ông An lần nữa rồi đi ra.
Nhìn theo dáng vẻ chững chạc của Hiếu, ông An lại thấy bực tức lẫn nuối tiếc. Nếu Minh Hiếu không phải là con của Ngân Chi thì ông cần gì phải đắn đo. Nhưng ngày xưa ông đã không lay chuyển được Ngân Chi, và hôm nay có đầy đủ tiền bạc địa vị và quyền lực trong tay, ông cũng không khuất phục được con trai của bà. Trời ơi, tại sao với bà ông không bao giờ có được niềm vui chiến thắng vậy chứ?