Bấy giờ ở Huế, Tùng Thiện công (sau là Tùng Thiện Vương) cùng với nhiều thi bá đã dựng lên Thi xã Mạc Vân. Tùng Thiện làm minh chủ, nhà Tùng Thiện bên bờ sông Lợi Nông là trụ sở của Thi xã. Những người có chân trong Thi xã đều là những hoàng thân quốc thích, danh công, cự danh nổi tiếng có tài thi ca như Tuy quốc công Miên Trinh (Sau được phong Tuy Lý Vương), Tương an công Miên Bửu, Thọ xuân công Miên Mịnh, Hàm thuận công Miên Thủ, Hoằng Hoá công Miện, Phan Thanh Giản, Hà Tôn Quyền, Trương Đăng Quế, Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Văn Siêu v.v... Thỉnh thoảng các thi ông lại hội họp để cùng nhau xướng hoa. thơ từ. Thơ văn truyền đi, tiếng tăm của Thi xã vang lừng cả bắc nam. Có thể sánh Mạc Vân với hội Tao Đàn dưới thời Lê Thánh Tông.Từ sau ngày được phục chức trở lại đất kinh kỳ, một hôm ông Quát được người ta đưa cho xem những bài thơ xướng họa ở trong Thi xã, ông liếc mắt đọc qua và bắt đầu bịt mũi lia lịa, miệng trọ trẹ ngâm hai câu:Ngán cho cái mũi vô duyên,Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An.Đem cái mùi thơ của Thi xã mà ví với mùi hôi nước mắm của con thuyền Nghệ An thì thật là quá quắt. Nghe chuyện ấy các nhà thơ trong Thi xã căm giận Quát biết chừng nào! Thế nhưng hai ông Tùng, Tuy là những người có độ lượng và biết trọng tài vẫn không trách ông Quát. Không những thế hai ông còn tìm đến nhà ông Quát để mời ông gia nhập vào Thi xã. Song nhiều lần đến mà ông Quát không tiếp bằng cách thác lời là đi vắng. Mãi đến một hôm Tùng Thiện đến bất chợt vào lúc ông Quát đang cặm cụi làm những việc lặt vặt trong nhà (Vì ông nghèo không nuôi được người giúp việc). Từ gặp Tùng, ông Quát nhận thấy đó là người có phẩm cách và tài ba nên ông tiếp đãi ân cần. Từ đó hai người thường đến chơi nhà nhau trò chuyện và kết thân. Thấy ông Quát túng thiếu, hai ông Tùng, Tuy thường đem tiền bạc đến giúp, nhiều khi hai ông còn tặng cho bạn những hàng tơ lụa vua ban phát cho hai ông.Trước thái độ lễ hiền hạ sĩ (Lễ trọng bậc hiền, nhún nhường kẻ sĩ) của hai ông Tùng Tuy, chu thần Cao Bá Quát sinh lòng cảm mộ, từ ấy cùng hai ông đi lại thân mật và nhận lời mời gia nhập vào Thi xã Mạc Vân.Qua mối cảm tình gắn bó đó mà Cao Bá Quát đã đề bạt cho tập thơ Thương Sơn của Tùng Thiện Miên Thẩm, bài đề bạt ấy là một bản Tuyên ngôn về thơ rất giá trị Lịch sử Văn học Việt Nam.