NHìN LạI CUộC CHIếN TRANH
Phần 1
HỏI Và TRả LờI VớI CáC CựU CHiếN BINH VIệT NAM, HOA Kỳ, úC, PHáP...

Tôi biết rõ, sau khi sáu tiểu đoàn quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên vào ngày 20 tháng 11. 1953 để lập căn cứ, tướng Giáp đã đề ra ngay việc chuẩn bị tiến công cả Lai Châu và Điện Biên. Phương châm tác chiến là "tiến nhanh, giải quyết nhanh", vì quân Pháp chưa kịp củng cố hệ thống phòng thủ. Cố vấn Trung Quốc đồng ý phương châm này, nói theo kiểu Trung Quốc là "khoái tả, khoái diệt". Ngày 20.1.1954, cuộc tiến công đã được dự định thì đột nhiên phải đình lại. Phương châm tác chiến thay đổi thành "đánh chắc, tiến chắc". Sự thay đổi phương châm là do tướng Giáp đề xuất, vì tình hình đã thay đổi quân Pháp đã có hơn 16 tiểu đoàn, công sự hầm ngầm đã được củng cố vững chắc, dây thép gai, ụ pháo, ụ súng máy được bố trí dày đặc, lại có không quân yểm trợ ngày đêm. Các cố vấn Trung Quốc cũng đồng ý thay đổi phương châm tác chiến. Cuộc tiến công phải chuẩn bị thêm đến gần 50 ngày đêm nữa, để khởi đầu vào ngày 13.3.1954. Một trong những yếu tố quyết định thắng lợi là hệ thống hầm hào được xây dựng theo lối đào dũi, bao vây, chia cắt trận địa của đối phương, thắt chặt, lấn dần bằng xẻng cán ngắn, sắc, kết hợp với các hầm pháo được giấu kín, bắn cầu vồng và bắn thẳng, cùng với nhiều trận địa pháo giả, tạo khói nghi binh để đánh lừa pháo đối phương..
Trong cuộc chiến đấu chống không quân Mỹ ở miền Bắc, từ cuối năm 1967 có một số đơn vị cao xạ Trung Quốc tham gia bắn máy bay Mỹ, nhưng không nhiều. Họ chỉ bố trí trận địa ở phía bắc sông Hồng hoặc gần Hà Nội, như ở các tỉnh Hà Bắc, Bắc Thái, Quảng Ninh... xa các thành phố và thị trấn, nơi máy bay Mỹ ít đánh phá. Họ đóng quân trong rừng, ở xa vùng dân cư. Số máy bay do pháo cao xạ Trung Quốc bắn rơi rất ít thấy. Mục đích chính của họ có vẻ chủ yếu là thu thập kinh nghiệm chiến đấu.
Binh lính Liên xô không có mặt ở Việt nam, nhưng chuyên gia kỹ thuật quân sự và cố vấn quân sự thì khá đông, có lúc tới hơn 2000 người. Họ làm cố vấn ở Bộ Quốc phòng, Bộ tổng tham mưu, ở các tổng cục và cục chuyên môn, ở các quân đoàn, sư đoàn, học viện, viện kỹ thuật quân sự... Chuyên gia không quân, tên lửa, hải quân, ra-đa của Liên xô cũng luôn có mặt. Đó là chưa nói đến hải quân Liên xô thuộc Hạm đội phía Đông đóng ở căn cứ Cam Ranh sau ngày 30.4.1975.
Những trang bị quân sự của Liên xô và Trung Quốc, những kinh nghiệm phong phú về chiến tranh du kích, về "công kiên" và "vận động chiến" của Trung Quốc, những kinh nghiệm về "hợp đồng binh chủng" của Liên xô... đã có tác dụng to lớn đối với việc nâng cao trình độ chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt nam từ khi đội quân này được thành lập cho đến nay. Nhưng cách đánh trận thì phải hoàn toàn Việt nam.
Những lúc nào ông cảm thấy chiến tranh gặp khó khăn và làm phía Việt nam lo ngại, bối rối?
Khó khăn trong chiến tranh nhiều vô kể, vì nền kinh tế của Việt nam lạc hậu, trong khi đó quân đội Pháp và quân đội Mỹ đều được trang bị tối tân. Thời điểm khó khăn, đáng lo ngại nhất có lẽ là khi quân Mỹ bắt đầu được đưa ồ ạt vào miền Nam Việt nam. Chúng tôi lo rằng quân đội chúng tôi khó đương đầu nổi với quân đội Mỹ có hỏa lực mạnh, với sự yểm trợ rất lớn của không quân, trực thăng, pháo binh, xe bọc thép, xe tăng. Nhưng sau các trận Plây-me, Ya-drang, sau các chiến dịch Gian-xơn Xi-ti Xê-đa Phô, át-lê-bô-rô... chúng tôi bớt lo. Quân Mỹ không có gì thật ghê gớm. Chúng tôi đã tìm ra cách đánh thích hợp. Chúng tôi hiểu, đánh nhau với quân đội Mỹ, không cần thắng lợi trọn vẹn, chỉ cần không chịu thua, bền bỉ đương đầu là thắng. Mà phía quân đội Mỹ không thắng được chúng tôi có nghĩa là thua.
Có những lúc đứng trước sự chênh lệch quá lớn, người ta dễ bị ngợp. Trên đường mòn Hồ Chí Minh, nhìn lên trời, nhiều máy bay vận tải C.130 của Mỹ bay qua, chở hàng chục tấn hàng quân sự và cả một đại đội chiến đấu trong bụng nó, mỗi giờ bay được gần một ngàn kilômét. Trong khi chúng tôi vai vác ba, bốn chục ki lô, suốt một ngày chỉ đi được ba chục kilômét. Mệt bã người, có lúc thấy nản, nhưng rồi lại tự động viên bằng ý chí vượt khó, lại còn cảm thấy tự hào về sức bền bỉ, dẻo dai của mình. Phần đông chúng tôi vẫn giữ một niềm tin lạc quan. Động viên nhau giữ vững tinh thần, nên có lo ngại, nhưng không bối rối. Số bối rối, tuyệt vọng, nản chí, bỏ cuộc, bị chiêu hồi không đáng kể. Lúc đầu gặp cuộc ném bom rải thảm của máy bay B-52, tôi cũng sợ. Lúc ấy là ở Quảng Trị tháng 5.1972. Sau thì quen, vì bom tỏa rộng, chỉ khi nào bom trúng như ném vào lỗ đáo thì mới nguy, cứ có hầm, hố có mái che bằng gỗ cây là yên chí. Các cuộc ném bom của không quân Mỹ trên miền Bắc cũng vậy. Một, hai lần đầu thì giật mình, lo sợ. Sau cứ ung dung xuống hầm, báo động xong lại làm việc, đọc sách, đi chơi bình thường như không có gì xảy ra. Khả năng thích ứng của con người với hoàn cảnh thật vô cùng!
Hiệp định Paris về Việt nam được ký vào tháng 1.1973 đã có tác dụng gì?
Lợi thế của chúng tôi đã quá rõ. Quân Mỹ phải rút hết. Tôi tham gia tổ kiểm soát cuộc rút quân Mỹ cuối cùng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Anh thượng sĩ không quân Mc Bielke là quân nhân Mỹ cuối cùng. Không có điều kiện nào buộc chúng tôi phải rút quân khỏi miền Nam Việt nam. Lập luận chúng tôi đơn giản là, cả quân đội Việt nam Cộng hòa và nửa triệu quân Mỹ không thắng nổi chúng tôi, nay quân Mỹ rút đi, chỉ còn quân đội Việt nam Cộng hòa, thì chúng tôi chắc chắn thắng. Chúng tôi hiểu rằng, cần đưa thêm nhiều quân miền Bắc vào miền Nam. ý định thành lập các đơn vị cỡ quân đoàn được đặt ra (mỗi quân đoàn có ba sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp) một cách khẩn trương. Quân đoàn 1 được hình thành ngay cuối năm 1973.
Một lợi thế nữa là chúng tôi có đoàn đại biểu quân sự của "quân Giải phóng miền Nam" ở ngay Tân Sơn Nhất, trong Ban liên hợp quân sự hai bên. Đoàn thường xuyên có công việc đi Lộc Ninh và nhiều nơi khác như Mỹ Tho, Phan Thiết, Đà Nẵng, Huế... Đây là "trạm quan sát" lợi hại, có thể nắm bắt nhanh nhạy tình hình chính trị, quân sự, tâm lý của người Mỹ và Sài Gòn, thu lượm tin tức tình báo để báo cáo cho lãnh đạo ở Hà Nội. Các đoàn quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Paris gồm các sĩ quan Ba-lan và Hung-ga-ri cũng rất có ích cho việc thu lượm tin tức thăm dò đối phương.
Công cuộc "đổi mới" ở Việt nam diễn ra như thế nào?
Khác với Liên xô cũ và Trung Quốc, ở Việt nam không có ai là "kiến trúc sư của "đổi mới" cả. Đảng Cộng sản Việt nam chưa có ai như Goóc-ba-chốp (M. Gorbachew)[17] cũng chưa có ai như Đặng Tiểu Bình[18]. Đảng Cộng sản Việt nam, vì bó buộc, phải thoát ra khỏi cảnh "đói nghèo tập thể" mà bất đắc dĩ đi vào "đổi mới". Do "đổi mới" một cách bị động, nên "đổi mới" nửa vời, cầm chừng với đầy mâu thuẫn chồng chéo nhau. "Đổi mới" khá rõ về kinh tế, nhưng "đổi mới" chậm chạp, đầy lo sợ về chính trị. Thực hiện kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, nhưng không công nhận quyền sở hữu cá nhân về đất đai (theo Hiến pháp, mọi đất đai thuộc về toàn dân). Thực hiện kinh tế nhiều thành phần, nhưng sở hữu quốc doanh vẫn là chủ đạo, chiếm 60% tổng sản phẩm công nghiệp hàng năm. Đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo. Bầu cử vẫn là "đảng chọn dân bầu v.v... Những người bất đồng chính kiến vẫn bị bịt miệng, quản thúc, giám sát và giam giữ. Tự do báo chí bị từ chối.
Do "đổi mới không mạnh dạn, không chủ động, không hài hòa và toàn diện, nên tuy có một số kết quả rõ về mặt kinh tế, công nghiệp phát triển ít nhiều, sản xuất dầu thô, gạo, cao su, cà phê... tăng khá, nhưng các mâu thuẫn xã hội, chênh lệch giàu nghèo, bất công giữa các vùng càng tăng. Đặc biệt hai năm nay tốc độ tăng trưởng chậm lại, đầu tư từ nước ngoài đình đốn, khách du lịch giảm, nông dân bất mãn dẫn đến những cuộc đấu tranh lan rộng ở 128 xã thuộc riêng tỉnh Thái Bình và cả vùng đồng bằng sông Hồng (các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Sơn Tây, Thanh Hóa...) trong tháng 5 và 6.1997.
Đảng Cộng sản Việt nam vẫn bị quá khứ đè nặng. Họ vẫn tụng niệm chủ nghĩa Mác-Lênin, rêu rao trung thành với chủ nghĩa xã hội, tổ chức kỷ niệm trọng thể Cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 80 ở Hà Nội...
Quan hệ Mỹ-Việt hiện nay ra sao và có triển vọng như thế nào?
Đã có một số tiến triển. Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt nam đã bãi bỏ từ năm 1994, quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa vào giữa năm 1995. Đại sứ của hai nước đã nhận nhiệm vụ. Các cuộc thương lượng về việc Mỹ chấp nhận Việt nam được hưởng tối huệ quốc trong quan hệ buôn bán Mỹ-Việt đang được tiến hành. Việc giúp đỡ nhau để giải quyết các vấn đề tồn tại có liên quan đến tù binh chiến tranh và quân nhân Mỹ mất tích ở Việt nam (POW-MIA) đang tiến triển có khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn lắm trắc trở. Trắc trở lớn nhất là Hà Nội nhìn sang Oa-sinh-tơn với đôi mắt đầy nghi kỵ. Họ chưa dứt khoát giở sang trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Họ lập luận: "Mỹ đang có thái độ hai mặt". Mỹ vừa muốn mở rộng quan hệ buôn bán, giao dịch kinh tế để phục vụ quyền lợi của Mỹ, lại vừa muốn đảng Cộng sản Việt nam phải thực hiện dân chủ, đa nguyên, đổi mới mạnh hơn cả về kinh tế lẫn chính trị. Hà Nội cho rằng, việc các nước, trong đó có Mỹ, ép Việt nam thả tù chính trị, lên án Việt nam vi phạm nhân quyền là can thiệp vào chủ quyền của Việt nam. Việt nam rất muốn Hoa Kỳ dành cho qui chế tối huệ quốc (MFC) trong giao thương, nhưng lại sợ nguy cơ "diễn biến hòa bình", chủ yếu là đến từ phía Mỹ, có thể lật đổ chế độ của họ. Hà Nội nhìn Oa-sinh-tơn với con mắt vừa muốn là bạn, vừa có mặc cảm cho là kẻ thù nguy hiểm.
Về chiến lược ngoại giao, trong đảng Cộng sản Việt nam đang có phân hóa. Giới lãnh đạo chóp bu muốn xu hướng gắn bó toàn diện với Trung Quốc phải là chính, do chung một chế độ chính trị độc đảng, cùng tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng nói là theo chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng "đổi mới" theo một kiểu. Vấn đề xâm lược, xung đột chiến tranh như năm 1979 là chuyện eũ, chuyện lịch sử, tạm thời cho vào quá khứ. Ngược lại, có một số cán bộ ngoại giao, cán bộ kinh tế, cán bộ trẻ cùng đông đảo nhân dân lại muốn quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ cũng như với các nước phương Tây, trong đó nên nặng hơn về Mỹ và phương Tây, vì tiềm lực kinh tế, tài chính của các nước đó lớn, kỹ thuật hiện đại, khả năng đầu tư dồi dào; họ chỉ rõ rằng chính Trung Quốc cũng phải cầu cạnh để có quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Xu thế này có chiều hướng tăng thêm với thời gian, gắn liền với xu hướng đòi đổi mới cả về chính trị một cách rõ ràng. Triển vọng lâu dài trong quan hệ Việt-Mỹ là thuận lợi.
Tôi lạc quan ngay cả đối với tương lai không xa. Vì trong thời "mở cửa" hiện nay, giao lưu trong và ngoài nước đã mở rộng, thông tin từ thế giới dân chủ tràn vào không có cách nào ngăn chặn hay sàng lọc nổi. Nếp sống, nếp nghĩ mới thấm dần vào xã hội theo nhiều tốc độ khác nhau. Văn nghệ sĩ, trí thức, nhà kinh doanh, tuổi trẻ... tiếp thu nhanh nhất.
Trong đảng cộng sản tiếp thu chậm, chậm nhất là bộ phận lãnh đạo bảo thủ. Ngày càng có nhiều cán bộ trẻ, có tài năng đi học ở Mỹ, Ca-na-đa, ở các nước châu Âu, úc, có học bổng hoặc tự túc. Họ tiếp thu sâu sắc nếp sống dân chủ ở các nước đó... Lợi thế nói trên không nhỏ; bà con người Việt ở nước ngoài về thăm nhà, khách du lịch từ Mỹ và phương Tây vào Việt nam cũng góp phần đáng kể cho xu thế dân chủ hóa ở trong nước.
Về POW-MIA ý kiến của ông ra sao?
Cuối năm 1991, theo lời mời của ủy ban đặc biệt về tù binh chiến tranh và người mất tích của quốc hội Hoa Kỳ, tôi có trình bày ý kiến riêng của tôi tại quốc hội. Tôi nói rõ thái độ của tôi là nói lên sự thật mà tôi biết, không thêm bớt. Không phải giới lãnh đạo trong nước lúc ấy có thái độ vu cáo, chụp mũ tôi là "phản bội", "phản động mà tôi nói sai về họ.
Tôi cho rằng, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, thái độ của Hà Nội trong vấn đề trao trả tù binh là rõ ràng: trả gọn, trả hết tù binh Mỹ để nhận đủ, nhận hết người của mình. Tôi là ủy viên chính thức đoàn miền Bắc, còn là người phát ngôn chính thức của đoàn, tôi được đọc các bức điện hàng ngày dịch điện mật mã được đánh đi từ Hà Nội cho đoàn ở trong sân bay Tân Sơn Nhất (trại Đa-vít), chỉ đạo cụ thể việc thi hành Hiệp định. Đó là những bức điện của ông Lê Duẩn, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt nam, ông Phạm Văn Đồng chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, đại tướng Võ Nguyên Giáp... Trước đó, tôi đã có dịp đến tất cả trại tù binh Mỹ (ở Hà Nội, Hà Tây), gặp gần hai trăm tù binh Mỹ, viết một cuốn sách phóng sự về tù binh Mỹ và nhiều bài báo về đề tài này. Bạn thân tôi, đại tá Nguyễn Thúc Đại cùng học một lớp với tôi khi còn trẻ ở Huế, là cục trưởng Cục địch vận, trong đó có phòng quản lý trại tù binh, nên tôi hiểu khá rõ. Tôi gần như được tự do đọc hồ sơ mật về tù binh Mỹ ở các trại giam, do các trại trưởng, thường là cấp trung tá và thiếu tá mà tôi là đại tá, họ nể tôi, họ đưa cho tôi đọc.
Tôi có nói rõ số tù binh Mỹ mất tích nhiều vì máy bay của họ bị bắn rơi nhiều vẻ. Có chiếc đâm xuống biển, nhiều chiếc rơi vào rừng rậm ở Tây Bắc, miền Trung và bên Lào, nơi rất ít dân cư, đường xá ít. Rừng nhiệt đới rậm đến nỗi cách xa chừng hai trăm mét đã không thấy xác máy bay và xác người. Mưa, nắng, lũ, lụt... làm mất vết tích. Chính chúng tôi có một trực thăng chở sĩ quan Việt nam và Liên xô gần mười người bị rơi vì tai nạn ở vùng tây Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1984 mà huy động cả trực thăng, bộ binh, dân quân địa phương đông đảo đi tìm hàng tháng mà không thấy một dấu vết nào. Tôi đã đề xuất là nên yêu cầu phía Việt nam đưa ra các sổ sách gốc nhập trại, cấp phát đồ dùng, các báo cáo hàng tháng của các trại, các tài liệu của các ban biên tập lịch sử tỉnh, đảng bộ địa phương, các ban sưu tầm hiện vật bảo tàng tỉnh, huyện, vì việc bắn rơi máy bay Mỹ, bắt tù binh Mỹ được coi là chiến công nổi bật của các tỉnh, huyện..., thì có thể căn cứ vào đó mà biết thêm một số trường hợp. việc này sau đó đã được thực hiện.
Liệu có việc đưa tù binh Mỹ sang Liên xô không?
Theo tôi biết là không! Vì tôi có qua Mát-xcơ-va một số lần, có lần ở trong đoàn quân sự cấp cao mà không hề nghe nói đến chuyện này. Hơn nữa, Liên xô sẵn có tùy viên quân sự ở Hà Nội, trong đó có sĩ quan quân báo tại chỗ. Họ rất quan tâm thu lượm tin tức về vũ khí mới, chiến thuật của không quân Mỹ và những tin tức quân sự khác qua sĩ quan không quân Mỹ bị bắt. Theo lệnh trên, Bộ tổng tham mưu và Cục địch vận sẵn sàng giúp đỡ họ, cho họ gặp tù binh, thông báo cho họ biết những tin tức phía Việt nam khai thác được, không cần phải đưa tù binh sang Liên xô.
Khi ông Bô-rít En-xin (Boris Eltsin)[19] sang Mỹ năm 1995 có nói rằng, Liên xô có giữ tù binh Mỹ, Lầu năm góc hỏi ý kiến tôi qua điện thoại vào ban đêm, tôi trả lời ngay rằng: tôi tôn trọng tổng thống En-xin, nhưng trong vấn đề này tôi nghĩ ông ta đã nói một điều không có thật. Sau đó, Lầu năm góc cám ơn tôi và cho biết sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va cũng cùng một ý kiến như vậy.
Vậy về những ý kiến của nhà nghiên cứu Stê-phan Mo-rítx (Stephan Morris) liên quan đến các tài liệu mật được tiết lộ từ kho lưu trữ ở Mát-xcơ-va, ông đánh giá thế nào?
Ông Mo-rítx nhiều lần gặp tôi ở Mỹ và ở Pháp, cũng nhiều lần gọi điện thoại và viết thư cho tôi về vấn đề này. Lầu năm góc cũng gửi tôi các tài liệu lưu trữ ở Mát-xcơ-va và cử sĩ quan chuyên về vấn đề POW-MIA nhiều lần gặp tôi. Hai tài liệu: Báo cáo của tướng Trần Văn Quang trước Bộ Chính trị ngày 26.6.1972 và báo cáo của ông Hoàng Anh, bí thư Trung ương đảng Cộng sản Việt nam tại Hội nghị Trung ương lần thứ 20 (khóa 3) tháng 12.1970 và tháng Giêng năm 1971 Cục quân báo Bộ Quốc phòng Liên xô đều có dưới dạng bản dịch tiếng Nga (không có nguyên bản tiếng Việt) và được xếp vào loại tuyệt mật.
Báo cáo của tướng Trần Văn Quang không nói đến tù binh Mỹ, mà chỉ cho biết từ ngày 30.3.1972 đến tháng 6 năm ấy đã có gần 200 máy bay Mỹ bị hạ ở miền Bắc. Còn máy bay "ta" bị mất 27 chiếc. Báo cáo của ông Hoàng Anh cho biết con số 785 phi công Mỹ bị bắt trên miền Bắc, nhưng chỉ có 368 người (50%) là đưa tin công khai. Một báo cáo khác của tướng Trần Văn Quang mới cực kỳ quan trọng, làm Stê-phan Mo-rítx giật mình. Đó là trích đoạn 6 trang bản báo cáo của Phó tổng tham mưu trưởng, trung tướng Trần Văn Quang tại cuộc họp bộ Chính trị ngày 15 tháng 9 năm 1972" (bản dịch tiếng Nga của Cục quân báo bộ Quốc phòng Liên xô), cho biết tổng số tù binh Mỹ ở Việt nam, Lào, Căm-pu-chia là 1.205 người. Theo báo cáo, số phi công Mỹ bị bắt ở Việt nam là 767 người, gồm số bị bắt ở miền Bắc là 624 và bị bắt ở miền Nam là 143. Số quân nhân Mỹ khác bị bắt ở miền Bắc là 47 người, đưa số tù binh Mỹ ở miền Bắc lên 671 người. ở miền Nam, tổng số tù binh Mỹ là 143 phi công cộng với 283 quân nhân các loại khác là 426 người. Do đó, tổng số tù binh Mỹ bị bắt ở cả hai miền Nam và Bắc Việt nam là 671, cộng với 426 người là 1.097 người.
Số tù binh Mỹ bị bắt ở Căm-pu-chia là 65, ở Lào là 43, tổng cộng số bị bắt ở cả ba nước là 1.205 người.
Trên miền Bắc Việt nam, số tù binh cấp tá của Mỹ bị bắt là 275, gồm 7 đại tá, 85 trung tá và 183 thiếu tá.
Bản báo cáo còn phân tù binh Mỹ bị bắt làm ba loại về chính trị và tinh thần. 372 người có quan điểm phải chăng, không "tiến bộ" cũng không "phản động". 368 có quan điểm "tiến bộ", có thể được thả trước hết. Còn lại 465 người có quan điểm "phản động". Tất cả tù binh sĩ quan cấp cao (sénior officers) giữ quan điểm "phản động.
Điều đáng chú ý là, gắn liền với bản báo cáo này là 8 trang tóm tắt (đánh máy bằng tiếng Nga) của trung tướng Liên xô I-van-su-tin (Ivanshutin), Cục trưởng Cục quân báo thuộc Bộ Tham mưu quân đội Xô viết, nhắc lại những con số quan trọng về số lượng tù binh Mỹ ở Việt nam, Lào, Căm-pu-chia, về "những tài liệu quan trọng mà Việt nam đã thu được về quân đội Mỹ, trang bị chiến đấu các loại vũ khí Mỹ, kể cả vũ khí hóa học". Cho đến nay, ba tài liệu trên đây thật, giả ra sao vẫn chưa có kết luận dứt khoát.
Tướng Giôn Véc-xây (John Vessey), nguyên tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ (former Chairman of the U.S. Joint Chiefs of Staff) đã sang Hà Nội gặp tướng Trần Văn Quang. Phía Việt nam dứt khoát phủ nhận bản báo cáo trên, nói rằng lúc ấy (năm 1972) tướng Quang ở miền Nam, không hề có mặt ở Hà Nội và cũng không mang chức vụ Phó tổng tham mưu trưởng. Thêm nữa, năm 1972 cấp quân hàm của tướng Quang là thiếu tướng, chứ không phải là "trung tướng.
Tôi đọc rất kỹ cả ba tập tài liệu trên và rất phân vân để tìm ra sự thật. Không thể nói một cách chủ quan rằng chính quyền Việt nam hay nói dối, nói dối "thành thần", hoặc nói dối "không hề biết ngượng" (vì cho rằng đánh lừa được địch là ưu điểm, là tài ba vì mục đích chính nghĩa...) để kết luận, họ cũng nói dối trong vụ này. Cũng không thể cho rằng đảng Cộng sản Việt nam vốn phụ thuộc vào đảng Cộng sản Liên Xô, luôn coi Liên xô là ông anh cả, để kết luận rằng đấy là "tài liệu thật", Việt nam đã "thủ tiêu" nhiều tù binh Mỹ (vài trăm người??) và chắc chắn Việt nam có gửi tù binh Mỹ sang Liên xô.
Không thể suy luận khiên cưỡng, dễ dãi như vậy được. Chỉ có thể đặt ra những giả thuyết (supposition). Có người còn đưa ra vụ Sta-lin thủ tiêu hàng chục nghìn sĩ quan Ba Lan ở rừng Ka-tin (Katyn), mà mấy chục năm sau dư luận mới biết để nói rằng Việt nam cũng đã làm việc tương tự như vậy?
Tôi rất phân vân trong việc nhận xét tài liệu trên, vì:
- Tôi biết rất rõ tướng Trần Văn Quang hồi ấy ở chiến trường miền Nam, khi ông làm Tư lệnh mặt trận Thừa Thiên-Huế một thời gian dài và không còn trách nhiệm gì ở Bộ tổng tham mưu. Vấn đề tù binh Mỹ thuộc trách nhiệm của Tổng cục Chính trị, chứ không thuộc Bộ tổng tham mưu. Nếu cần báo cáo vấn đề này với Bộ Chính trị thì tướng Song Hào hoặc tướng Lê Quang Đạo, lúc ấy là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, mới là những người thích hợp. Các con số ghi trên báo cáo chênh lệch quá lớn với con số tù binh Mỹ được trao trả sau Hiệp định Paris tới 591 người. Làm sao có thể chênh lệch đến con số gần 600 người được Về báo cáo của ông Hoàng Anh, hồi ấy, ông đặc trách về nông nghiệp. Làm sao ông lại có thể báo cáo vấn đề quân sự, trong đó có vấn đề tù binh, tại cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương đảng". Trong báo cáo của ông, khi đề cập đến vụ "Xét lại-chống đảng, có ghi rằng: "đã có mười sáu ủy viên Trung ương đảng ở trong nhóm cơ hội chủ nghĩa này", và có kể tên: "Lê Liêm, Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh, Song Hào"... Theo tôi được biết và được nghe phổ biến chính thức, ba ông Lê Liêm, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh là đúng, còn ba ông Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp và nhất là Song Hào thì là sai, mà trong văn kiện của đảng thì không thể sai đến vậy. Số ủy viên Trung ương "chống đảng" chưa bao giờ lên quá con số 5 người, theo phổ biến chính thức. Một văn kiện đảng không thể sai đến như vậy được. Trong báo cáo của tướng Quang, có nêu một vài viên tướng của Sài Gòn nhưng tướng Ngô Du lại viết sai là "Ngô Đình Du, có lẽ lầm với một nhân vật dân sự là Trương Đình Du chăng!? Nếu là báo cáo thật của tướng Quang, thì ông không thể nhầm lẫn tên của hai nhân vật ấy được.
Vân đề ba tài liệu nói trên đã có thể khép lại chưa?
Lầu năm góc vẫn còn "nhức đầu về sự thật, giả của ba tài liệu trên đây. Nếu là giả, thì ai đã sáng tạo, bịa ra nó? Bịa ra để làm gì? Phía Việt nam bịa, hay phía Liên xô bịa ra? Nếu là từ phía Việt nam, thì do ai bịa ra, do đảng, chính phủ, hay do một nhân vật nào đó bịa ra để "bán" cho phía Liên xô? Gần đây, Lầu năm góc lại mong tôi giúp vài ý kiến để tiếp cận sự thật. Tôi chỉ ra hai hướng (pistes): một là khả năng ở Hà Nội, hai là khả năng ở Mát-xcơ-va.
Tôi cho rằng, nếu có việc che giấu, lừa dối, thủ tiêu tù binh Mỹ thì chắc chắn liên quan đến hàng vài chục người thực hiện. Một vài sĩ quan thân tín không thể làm được việc tày trời ấy mà không để lại dấu vết. Chuyện mới xảy ra hơn hai mươi năm, nên số người biết trực tiếp hoặc gián tiếp chuyện này, nếu có, ắt có nhiều người còn sống.
Những sĩ quan có tránh nhiệm ở Tổng cục Chính trị ở Cục địch vận, ở các trại giam tù binh Mỹ (từ trưởng, phó trại, phiên dịch, quản giáo, canh gác, quản lý, tiếp phẩm, nấu cơm...), ở Văn phòng bộ Quốc phòng, ở Cục đối ngoại, ở Cục quân báo Bộ tổng Tham mưu... hiện đã di chuyển đi nơi khác, hoặc đã về hưu đều có thể cung cấp tin tức thật. Cuộc đấu tranh chống độc đoán, chống lừa dối, phơi bày sự thật, cải thiện quan hệ tốt đẹp Việt-Mỹ, đòi dân chủ... có thể là động cơ tìm ra sự thật.
Hướng ở Mát-xcơ-va, trong các kho lưu trữ của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Cục quân báo, Cục đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Liên xô.. chắc chắn còn nhiều tài liệu quý. Cần bỏ công sức tiếp cận, khai thác chúng. Hiện nay kho lưu trữ tuyệt mật của nước Nga đang trải qua củng cố. Tướng Vôn-cô-gô-nốp (Volkogonov), tổng giám đốc kho lưu trữ mật đã qua đời. Cán bộ lưu trữ lâu năm Vla-đi-mia Che-nútx (Vladimir Chernous) bị sa thải vì tham nhũng. Sau vụ "Stê-phan Mo-rítx", kho lưu trữ tạm thời đình lại việc cho người nước ngoài vào kho khai thác tài liệu, để củng cố. Bạn tôi ở Mát-xcơ-va cho biết, sau khi bà Quin-giớt (Quinn Judge) tiết lộ tài liệu lưu trữ về quan hệ vợ chồng giữa ông Hồ Chí Minh và bà Nguyễn Thị Minh Khai, đã có một số nhà nghiên cứu (hoặc an ninh mật đội lốt nhà nghiên cứu?) từ Việt nam sang đến đến kho lưu trữ để tìm cách lấy đi (lén bỏ vào túi?) hoặc mua (với giá cao bằng đô-la) một số tài liệu "nhạy cảm" nhất. Ký ức, tài liệu của cá nhân (các cán bộ lãnh đạo của đảng, của bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng Liên xô cũ) cũng có thể có giá trị nếu tiếp cận, phỏng vấn, tìm hiểu.
Tôi tin rằng, người Mỹ đang cố gắng theo hai hướng này để tìm ra sự thật rõ ràng.
Một sĩ quan chuyên về POW-MIA ở Lầu năm góc cho tôi biết, cán bộ kho lưu trữ ở Mát-xcơ-va cho biết, có thể họ còn giữ băng ghi âm buổi báo cáo của tướng Trần Văn Quang tháng 2.1972 về tù binh Mỹ, khi Hiệp định Paris sắp được ký. Nếu quả vậy, tôi sẵn sàng giúp để nghe băng ghi âm ấy và xác định giọng trong băng có đúng là của tướng Quang hay không, vì tôi rất quen ông Quang, tôi từng ghé thăm gia đình và quê ông ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An), nơi giọng nói có âm sắc rất đặc biệt và tướng Quang đi nhiều nơi vẫn giữ nguyên giọng nói của vùng Nghi Lộc.
Ông nhận xét ra sao về cuộc Hội thảo Việt-Mỹ về chiến tranh Việt nam tháng 6.1997 ở Hà Nội.
Có lẽ ông Mc Namara và các nhà nghiên cứu trường đại học Brown dự hội thảo đó mới đưa ra được những nhận xét chính xác nhất. Ông Mc Namara nguyên là bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong thời kì chiến tranh với Việt nam. Ông là người đề xướng cuộc Hội thảo ở Hà Nội từ ngày 21 đến 23.6.1997, sau chuyến ông sang thăm Việt nam vào năm 1996. Trường đại học Brown được giao liên lạc và phối hợp tổ chức Hội thảo. Tham dự Hội thảo, phía Mỹ có hơn 40 học giả, gồm những tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu, nhà sử học, các nhà lý luận quân sự, tình báo... như tướng William Smith, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng tham mưu trưởng trước đây, ông (C. Cooper, người của cơ quan CIA; ông F. Peter, phó trợ lý bộ Quốc phòng và ông Mc Namara. Phía Mỹ mong rằng đây là một hội nghị mang tính khoa học và biểu thị sự tổng kết cuối cùng sau hơn 20 năm chấm dứt chiến tranh để bước sang một trang sử mới trong quan hệ Việt-Mỹ, khởi đầu một sự thân thiện. Nhưng đáng tiếc, phía Việt nam đã không đáp ứng được yêu cầu này. Việt nam đối với Mỹ vẫn đầy nghi kị, lo người Mỹ lật đổ, làm "diễn biến hòa bình"; họ không để ông Võ Nguyên Giáp tham dự hội nghị đó mà không nói rõ lý do. Ông Võ Nguyên Giáp chỉ tiếp phái đoàn Mỹ trong một buổi, hoàn toàn trái với mong đợi của phía Mỹ. Tôi biết nhiều người Việt nam ở Hà Nội cũng thất vọng. Những người cầm quyền ở đất nước vẫn chỉ quen độc thoại
Ngay trong quân đội Việt nam vẫn chưa có tổng kết chiến tranh. Có chăng là ba cuốn hồi ký dài, do ba ông tướng viết, mục đích để "tranh công", như dư luận Việt nam nhận xét. Nhiều cán bộ lão thành phàn nàn rằng: chiến tranh kéo dài, hy sinh bạo nhiêu, thắng to như vậy, mà đến nay, hơn 20 năm rồi vẫn không có một bản tổng kết lịch sử ra trò? Trong quân đội và trong đảng, mọi việc đều phải tỏ ra nhất trí. Tranh luận hầu như bị gạt bỏ. Cho nên, cứ phải "nói theo nghị quyết". Mà nghị quyết thì gọn, khô. Các diễn văn, tổng kết đều theo một kiểu công thức lưỡi gỗ khô không khốc, nghe cứ như là xã luận báo Nhân Dân vậy...
Các "học giả" Việt nam dự Hội thảo như các ông Nguyễn Cơ Thạch (nguyên Ngoại trưởng từ đầu thập kỷ 90), Đinh Nho Liêm (nguyên thứ trưởng Ngoại giao), Trần Quang Cơ (thứ trưởng Ngoại giao), Đào Huy Ngọc (viện trưởng Viện quan hệ quốc tế), tướng Đặng Vũ Hiệp (Tổng cục Chính trị) hầu hết đều là viên chức mà phía Mỹ gọi là "lưỡi gỗ", quen viết các văn kiện sáo rỗng của chế độ cung đình. Họ đâu có nói lên được những suy nghĩ cá nhân, những tìm tòi cá nhân, những ý kiến riêng độc đáo, sắc sảo? Tất cả đã được xét duyệt, uốn nắn, sửa kỹ từ trước. Hơn nữa, lãnh đạo ở Hà Nội coi đây là dịp tốt để "lên án mạnh mẽ tội ác đế quốc Mỹ" và bắt đền, ăn vạ, buộc chính phủ Mỹ phải bồi thường chiến tranh. Tư duy lãnh đạo của họ lạ lùng, thật không giống ai cả!
Trước khi Hội thảo ba ngày, cũng là trước một tuần lễ bà Ngoại trưởng Mỹ Me-đơ-lai On-brai (Madeleine Albright) đến Hà Nội, Thông tấn xã Việt nam (VNA) phóng ra những con số về tổn thất trong chiến tranh là 3 triệu người chết; 4,4 triệu người bị thương, trên 2 triệu người bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, trong đó có chất độc màu da cam (orange agent), 50 ngàn quái thai sinh ra trong mười năm hậu chiến; 50% gia đình nạn nhân chiến tranh hiện sống trong tình trạng cơ cực, cần trợ giúp... Hà Nội không làm điều gì một cách ngẫu nhiên. Rõ ràng bản tin này để nhắn với Hội thảo về "tội ác chồng chất" của Mỹ, "nghĩa vụ bồi thường chiến tranh" của Mỹ - những kẻ phạm tội - cần phải thức tỉnh lương tâm.
Tên của Hội thảo là: "Những cơ hội bị bỏ lỡ". Ông Mắc Na-ma-ra thất vọng nói: "Tôi không ngờ phía Việt nam lại tính toán sai lầm đến như vậy. Đây là một cơ hội mới mà chính phía Việt nam bỏ lỡ lần nữa". Do căn bệnh giáo điều, bảo thủ, căn bệnh "đấu tranh giai cấp không khoan nhượng với kẻ thù đế quốc", Hà Nội đã lại bỏ qua một cơ hội để hòa giải với Hoa Kỳ, để hòa nhập với thế giới hiện đại, để giở sang trang mới trong quan hệ Việt-Mỹ.
Tôi nghĩ, đó cũng là ý kiến của tướng William Smith, của cả ông Chester Cooper, Francis M.Bator và của cả ông Mc Namara nữa, khi họ rời Hà Nội ngày 24.6.1997 vừa qua.
Tôi hy vọng rằng một thời gian nữa, khi Việt nam chấp nhận dân chủ và đa nguyên, đổi mới về chính trị đi cùng với đổi mới kinh tế, các cuộc hội thảo Việt-Mỹ sẽ rất sôi nổi và lý thú. Quân đội Việt nam không thiếu những sĩ quan tài giỏi, có trình độ khoa học. Hiện nay họ trao đổi ý kiến sôi nổi với nhau, nhưng còn bị như "dán băng keo ở miệng khi tiếp xúc với nước ngoài, nhất là khi tiếp xúc với những "kẻ thù cữ. Khi có dân chủ, đa nguyên, mỗi người Việt nam sẽ có thể là một ngôi sao lóng lánh với những vẻ đẹp khác nhau, mà nay họ vẫn chỉ là những hạt cát thụ động trong một chế độ độc đoán đậm mùi phong kiến, gia trưởng. Mấy năm qua, tôi đã dự những hội nghị khoa học về cuộc chiến tranh Việt nam tại các trường đại học và viện quân sự Hoa Kỳ. Thật là bổ ích và đúng là hội thảo khoa học. Những người tham dự hội thảo đều có trình độ, kinh nghiệm thực tế và lý luận, có ý kiến cá nhân sâu sắc, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn. Không có tình trạng nhất trí xuôi chiều với nhau. Nhưng mỗi cuộc họp lại mở rộng hiểu biết, một số ý kiến đối lập nhích lại gần nhau, các kết luận đều phong phú, kích động những suy nghĩ mới.
ở Lúp-bốc, bang Tếch-dớt, khi thăm Trung tâm nghiên cứu những cuộc xung đột ở Việt nam, tôi thấy tài liệu lưu trữ ở đó thật đồ sộ. Cuộc gặp gỡ với ông giám đốc Giam Rếch-xnơ (J. Rechner) và giáo sư Đu-glátx Pai-cơ (Douglas Pi ke) từ trung tâm lưu trữ Đông Dương (Indochine Archives) ở Xan Phran-xít-xcô (San Francisco) rời sang, thật lý thú vô cùng?
Ông đánh giá ra sao về chiến sự năm 1975?
Đầu năm 1975, không một ai trong chúng tôi, kể cả người lạc quan nhất, nghĩ rằng chiến sự sẽ kết thúc trong năm 1975 với toàn thắng của chúng tôi.
Đầu tháng 12.1974, trước trận tiến công vào tỉnh lỵ Bình Long, chúng tôi chưa chiếm được một tỉnh ly nào ở miền Nam. Trước đó tỉnh lỵ Quảng Trị bị chiếm nhưng sau đó đã bị lấy lại. Chỉ có vài quận lỵ bị đánh chiếm là Lộc Ninh, Cam Lộ, Đắc Tô...
Chúng tôi nghĩ cuộc chiến đấu còn lâu dài. Trong cuộc họp cán bộ cấp cao cuối năm 1974 về tình hình và nhiệm vụ quân sự, về ý định của Bộ Chính trị giành thắng lợi cao nhất trong hai năm 1975 và 1976, năm 1976 là năm bầu tổng thống Hoa Kỳ, cũng chẳng ai nghĩ rằng cuối năm 1976 sẽ có thể chiếm được toàn miền Nam.
Trong chúng tôi, nhiều người lo rằng Liên xô và Trung Quốc đều mong muốn hòa dịu với Mỹ trong chuyến đi của tổng thống Ních-xơn (R. Nixon) sang Mát-xcơ-va và Bắc Kinh, do đó sự ủng hộ, chi viện cho chúng tôi sẽ gặp khó khăn với thời gian. Hướng suy nghĩ của phần lớn cán bộ cấp cao ở Hà Nội là còn phải đấu tranh lâu dài, kết hợp quân sự và ngoại giao, tiến công và đàm phán, tạo sức ép dư luận để miền Nam phải thay người lãnh đạo là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tạo nên một kiểu chính phủ liên hiệp ở miền Nam Việt nam... Sau đó, sẽ có nhiều bước đấu tranh nữa.
Trước đó, tháng 8.1974, chúng tôi được cổ vũ bởi một tin bất ngờ từ Mỹ: tổng thống Ních-xơn bị kẹt cứng trong vụ Oa-tơ-ghết (Watergate), đã thoái vị. Phó tổng thống ác-niu (Agnew) lên thay cũng bị bê bối. Và tổng thống Pho lên làm tổng thống, không có một lá phiếu bầu. Ông Pho sẽ là một tổng thống yếu. Dịp may hiếm có, bất ngờ đã đến.
Chúng tôi thấm thía câu châm ngôn của Pháp "tự giúp trời sẽ giúp". Cứ cố gắng, sẽ tận dụng được nhiều cơ hội bất ngờ, quả vậy! Tháng 3.1975, chúng tôi lại tận dụng được thời cơ bằng vàng: sự hỗn loạn của các đơn vị quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên sau cuộc tiến công của Quân đội nhân dân Việt nam vào Buôn Ma Thuộc, do quyết định rút bỏ Tây Nguyên của ông Thiệu tạo nên.
Một sĩ quan cấp cao của Mỹ nói với tôi trong một hội thảo ở Chi-ca-gô (năm 1996) rằng: tháng 4.1975, sau khi làm chiến tranh nhân dân mấy chục năm, các ông đã thực hiện "chiến tranh của người lính" thay vì chiến tranh nhân dân ( Replace Peoples war by Soldiers war). Còn chúng tôi, trước kia chúng tôi chỉ mong các ông tác chiến như thế, binh đoàn cơ giới ngang nhiên kéo đi trên đường quốc lộ để phía chúng tôi tha hồ có mục tiêu mà tiêu diệt, khỏi ao ước tìm kiếm. Nhưng thật trớ trêu, khi có thừa mứa mục tiêu thì chúng tôi đành ngồi nhìn. Chính chúng tôi lại bỏ chạy, tan biến vào thiên nhiên, ra đại dương!
Ngày 30-4-/975 ông có mặt ở Sài Gòn, nay nhìn lại ông có những suy nghĩ riêng ra sao?
Nhìn lại một cách ngay thật thì cảm giác của tôi hôm ấy, hơn 23 năm trước, là: mệt, đói, khát, vui. Lo viết cho tốt bài tường thuật, tìm cách gửi ra Hà Nội được sớm.
Tôi không tự đề cao mình, không hề tự nhận là người nhận đầu hàng? Tôi chỉ là một nhà báo, có may mắn đi cùng một đơn vị đầu tiên đến trung tâm Sài Gòn để kịp chứng kiến một sự kiện lịch sử chiến tranh chấm dứt.
Tôi chỉ nhớ một câu nói với các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Hữu Có... hôm ấy: "Chỉ có người Mỹ thua, còn người Việt nam chúng ta đều thắng!" làm cho các ông ấy đang ưu tư, lo lắng bằng vui vẻ và bắt đầu cười (tôi còn giữ bức ảnh có hình ông Mẫu với nụ cười hôm ấy).
Từ khi ở trong nước, tôi rất buồn thấy ba hồi ký của ba ông tướng: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và Trần Văn Trà, đều cố nhấn mạnh vai trò của cá nhân mình, một sự tranh công lộ liễu sau khi hằng triệu người đã bỏ mình. Cụ Ngô Thức, một nhân sĩ Thăng Long có lý khi trách rằng từ sau chiến tranh đến nay vẫn chưa có một văn kiện tổng kết chiến tranh, sâu sắc, hóa giải các thù hận, mở ra một kỷ nguyên hòa bình, phát triển trên cơ sở đồng thuận quốc gia và dân tộc...
Sau ngày 30.4.1975, tình hình Việt nam diễn biên ra sao?
Sau 30.4.1975, tôi ở Sài Gòn liền hơn bốn năm, thỉnh thoảng mới ra Hà Nội. Tôi làm nhiệm vụ tổ chức in báo Quân đội nhân dân ở Sài Gòn và thu lượm tin tức về mọi mặt ở miền Nam cho báo này. Người dân miền Nam yên lòng vì không có tắm máu, không có tòa án nhân dân ở góc đường. Nhưng một loạt chủ trương làm họ lo sợ đến hốt hoảng. Các sĩ quan cũ, viên chức cũ, người thuộc các đảng phái cũ phải trình diện, học tập cải tạo, thực tế là ở tù mút mùa. Việc đổi tiền giáng vào cuộc sống của dân nghèo và tiểu thương (vì nhà giàu giữ vàng, chứ không giữ tiền). Các nhà buôn lớn, sản xuất lớn bị kiểm kê trong cái gọi là "cải tạo công thương nghiệp". Các khu "kinh tế mới" ở các vùng heo hút được mọc lên để tư bản, tiểu thương, dân nghèo "trở nên người lao động lương thiện", thực tế là đày đọa họ theo kiểu "đem con bỏ chợ".
Các chủ trương trên làm tôi sững sờ, nản chí, hoài nghi. Việc thải loại các nhân vật trong chính phủ Cách mạng lâm thời, trong Mặt trận dân tộc giải phóng, giao cho họ những chức vụ hình thức (mặc dù họ là những trí thức tương đối trong sạch và có kiến thức hơn những người lãnh đạo đảng cộng sản) làm tôi nản lòng thêm. Làn sóng di tản lan rộng, hàng ngàn người, hàng chục ngàn người mỗi tháng lao ra biển cả, đi tìm một nơi xa xôi, bất định, để thoát cảnh nghèo khổ, tủi nhục, bị khinh thị, con cái không có tương lai ở trong nước. Tôi gặp và hỏi chuyện một số người di tản bị công an chặn giữ cốt để moi thêm vàng. Đây là những "giọt nước làm tràn cốc" trong lương tâm tôi. Đảng mà tôi tin cậy, tự hào... đã trở nên xa lạ với những chủ trương kỳ quặc, ngu dốt, dại dột của những người say chiến thắng.
Tôi đã suy ngẫm và cho rằng đó là do tệ kiêu ngạo sau khi giành được toàn thắng quá lớn, ngoài mong đợi, những người lãnh đạo say mê với chiến thắng bất ngờ, tự cho phép mình làm mọi điều phi lý Tôi từng nghe họ nói: trên đời không gì khó bằng đánh thắng đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, siêu cường số một của thế giới. Thắng Mỹ rồi thì làm gì cũng được cả! Từ đó là những chủ trương làm mất lòng dân, làm mất uy tín với thế giới, đẩy cả một bộ phận dân tộc ở miền Nam vào thế thù hận, đối kháng dai dắng.
Cách đây hơn 20 năm, sau khi kết thúc chiến tranh, tình hình lúc ấy ra sao và gây cho ông ấn tượng gì? ông nhận định như thế nào về diễn biến xã hội Việt nam sau ngày 30.4.1975?
Tôi eòn nhớ vào thời điểm sau ngày 30.4.1975, đại đa số nhân dân hết sức phấn khởi. Phấn khởi nhất là vì đất nước sau một thời gian dài chiến tranh, với biết bao hy sinh, đổ nát, bây giờ đã bước vào thời kì hòa bình. Đất nước bị chia cắt từ năm 1954, sau hơn 20 năm, nay đã thống nhất. Tôi nghĩ, vào thời điểm ấy nếu có sự lãnh đạo sáng suốt, chu đáo, có thảo luận một cách đầy đủ để có chủ trương đúng, làm thế nào để xây dựng đất nước Việt nam phát triển nhanh nhất, tận dụng ưu thế đất nước đã thống nhất và hòa bình, Việt nam sẽ tiến nhanh hơn nhiều. Nhưng ngay sau đó, tình hình diễn ra không như nhiều người mong đợi. Nay có dịp nhìn lại thì thấy rằng, ngay sau khi giành thắng lợi trọn vẹn, tình hình không diễn ra theo chiều hướng sáng sủa, mà càng ngày càng đi xuống một cách rõ rệt. Người ta nối cũng có lý rằng, sau chiến thắng thường bước vào kì thất bại, sau một thắng lợi lớn có khi lại rơi vào một thời kì hết sức đen tối. Những người lãnh đạo cộng sản bảo thủ ở Việt nam đã bắt đầu thua ngay sau thắng lợi huy hoàng, vì tầm nhìn nông cạn, vì hiếu thắng, chủ quan, vì sự kiêu ngạo, tự phụ của họ. Khi thắng lợi, nếu không tỉnh táo, sẽ dễ bị chất men tự phụ làm ngây ngất. Khi đã mất tỉnh táo tất sẽ mù quáng, cho mình là nhất thiên hạ, làm gì cũng thành công mà không có gì khó khăn trở ngại. Cho nên, họ không cân nhắc thận trọng và đầy đủ, không tính toán chu đáo và khoa học để có những chủ trương đúng. Sau đó, tôi thấy họ đề ra những chủ trương rất nguy hiểm và tệ hại.
Đó là:
- Cải tạo vội vã nền kinh tế miền Nam do tham vọng đi lên chủ nghĩa xã hội, hợp tác hóa vội vàng, dự định trong vòng hơn một năm là hoàn thành hợp tác hóa toàn miền Nam. Cải tạo công thương nghiệp ở miến Nam nhằm xóa bỏ công thương nghiệp tư nhân ngay tức thời, dưới danh nghĩa "đánh gian thương" Chính do cải tạo công thương nghiệp, xóa bỏ tầng lớp tư sản dân tộc đã làm cho tình hình kinh tế miền Nam nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng trầm trọng và ngày càng xuống dốc.
- Chiến lợi phẩm thu được sau chiến tranh, như 27 tấn vàng trong ngân khố do phía Việt nam Cộng Hòa giao lại, và nhất là thiết bị, dụng cụ, máy móc, vật liệu. phục vụ chiến tranh do quân đội Mỹ để lại trong tổng kho Long Bình và ở nhiều nơi khác, có thể dùng trong hai, ba chục năm vẫn chưa hết. Chỉ tính riêng số bản kẽm dùng để in báo, tôi đã đến xem, thấy có thể dùng mấy chục năm không hết. Nếu số chiến lợi phẩm đó được bảo quản chặt chẽ, thống kê đầy đủ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, thì đây là một nguồn vốn lớn để phát triển đất nước. Nhưng thực tế, tất cả số chiến lợi phẩm đó không được quản lý tốt và đã bị phung phí, thất thoát, "rơi vãi" hết, thậm chí chui vào túi cá nhân, không phát huy tác dụng có lợi cho đất nước.
Sau khi giành thắng lợi, đáng lẽ quân đội có thể giảm quân số hoặc chuyển một số lực lượng quân đội, lúc bấy giờ khoảng 1 triệu 700 ngàn quân, vào những công việc cần thiết về kinh tế hoặc xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống... Nhưng lực lượng đó vẫn được giữ nguyên dưới cờ. Sau dó mấy năm tôi được theo một phái đoàn cao cấp của tổng bí thư đảng sang thăm ấn Độ và In-đô-nê-xi-a. Trong lúc dự hội đàm, tôi giật mình và hết sức băn khoăn, vì như In-đô-nê-xi-a chẳng hạn, dân số gần 200 triệu người, gấp ba lần dân số của Việt nam lúc đó mà quân đội của họ chưa bao giờ lên trên 1 triệu quân. Những người lãnh đạo In-đô-nê-xi-a nói, nếu chúng tôi tăng quân đội lên trên 1 triệu người, thì nền kinh tế sẽ nguy ngập. Còn ấn Độ có số dân đông gấp gần mười lần Việt nam, nhưng quân chính quy của họ chưa bao giờ vượt quá 1 triệu 200 người, bằng khoảng hai phần ba quân số của quân đội Việt nam. Số quân lớn như vậy là gánh rất nặng đối với nền kinh tế Việt nam vốn đã nghèo nàn lại càng thêm gay go. Điều đó làm tôi nản chí, muốn viết những bài báo để báo động vấn đề này, nhưng những người lãnh đạo không muốn nghe. Lập luận của họ là sau khi thắng lợi, nền kinh tế nhất định bay bổng và Việt nam sắp trở thành "con rồng mới" trong một thời gian ngắn.
- Tôi đã đề cập nhiều lần về chủ trương chính quyền trong nước đưa hơn 200 ngàn viên chức và sĩ quan trong chính quyền miền Nam đi cải tạo trong các trại kiểu nhà tù để đày đọa, hạ nhục họ. Lúc đầu nói "đi học tập ba tháng nhưng sau đó cứ kéo dài, ba năm, mười năm, có người tới mười ba năm. Tôi thấy chủ trương này rất sai lầm, độc ác, mang tính trả thù hèn hạ, đáng ra không nên có ở người chiến thắng và tự cho là "chính nghĩa
Xin ông cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân diễn ra như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Sự kiện thuyền nhân đã ảnh hưởng gì đến tình hình chung của Việt nam?
Sự kiện "thuyền nhân" ("boat people") có thể nói là một sự kiện bất hạnh cho Việt nam, nhiều người đã phải bỏ đất nước ra đi. Việc một số người Việt nam di tản vào tháng 4.1975 trước khi quân đội miền Bắc vào Sài Gòn là một vấn đề thực tế xảy ra khi cuộc chiến chuyển sang giai đoạn cuối. Người ta lo sợ cái gọi là "cuộc tắm máu" được bộ máy tuyên truyền của Mỹ và chính quyền miền Nam tung ra lúc đó Tuy nhiên, cái gọi là "cuộc tắm máu" đã không xảy ra. Nhưng điều tôi cho là cay nghiệt không kém là chính sách phân biệt đối xử như tôi đã nói ở trên. Sau ngày 30.4.1975, vẫn có nhiều người ra đi kéo dài qua các năm 1975, 1976, 1977, đỉnh cao là năm 1978, trong chiến dịch bài Hoa, xua đuổi người Hoa đang sinh sống ở Việt nam, nhằm kích động mâu thuẫn giữa hai dân tộc Việt và Hoa, để tiếp tục đợt cải tạo tư sản. Sự kiện "thuyền nhân" là một sự kiện chính trị đè nặng lên xã hội Việt nam, vì không phải chỉ có người từ miền Nam, mà có không ít người từ miền Bắc ra đi. Hà Nội giải thích sự kiện này như thế nào? Tôi đã từng nghe trực tiếp nhiều cán bộ lãnh đạo giải thích là, "không việc gì phải lo ngại cả, số đó là những phần tử xấu, họ đã phản bội Tổ quốc, bỏ đất nước ra đi, họ là những phần tử ngụy quân, ngụy quyền, làm tay sai cho đế quốc, bây giờ bám gót chủ chạy sang châu Âu châu Mỹ, Trung Quốc, Ca-na-đa... thì không có gì đáng tiếc, không cần ngăn cản, thậm chí, họ đi là một cơ hội tốt cho chúng ta". Có người lãnh đạo họp ở chỗ đông người nói là "bọn đó (ám chỉ thuyền nhân) như Việt gian bán nước, mất gốc dân tộc". Có người còn ví "thuyền nhân" như là "cục thịt thừa, đoạn ruột thừa của đất nước, nó đã bị viêm, bị ung thư thì phải cắt bỏ, cơ thể đất nước càng lành mạnh"... Sau này, tôi được biết một bí mật còn thậm tệ hơn nữa. Hồi ấy ở miền Nam, chính cơ quan an ninh được phép bán bãi, bán tàu, thu vàng của mỗi người vượt biên từ một đến ba lượng, rồi tổ chức cho họ đi, để lấy tiền thu vào "ngân sách". Ngân sách nào và bao nhiêu thì không ai biết, ngay Quốc hội cũng không biết. Tôi biết trong Trung ương đảng cũng không thảo luận về vấn đề này. Thế thì số tiền này rơi vãi đi đâu? Chắc chắn vào những túi tham nhũng. Lúc bấy giờ có vụ giám đốc Công an Biên Hòa Mười Vân bị tử hình vì nhiều tội khác nữa, thì người ta mới được biết có những chuyện tham nhũng hàng mấy ngàn lượng vàng xung quanh sự kiện vượt biên, "thuyền nhân" này.
Quan sát sự kiện "thuyền nhân" lúc bấy giờ, tôi thấy trong số những người ra đi có nhiều trí thức, công chức trong chính quyền cũ. Nguyên nhân là do chính sách của những người lãnh đạo đảng cộng sản đã bắt hàng trăm ngàn người vào tù, đương nhiên, gia đình và người thân của họ phải ra đi, vì tất cả đều bị coi là kẻ thù. Nguyên nhân nữa là chính sách phân biệt đối xử, phân loại ngụy quân, ngụy quyền. Báo chí, đài phát thanh tiếp tục miệt thị họ là tay sai của đế quốc. Chính sách tuyển dụng làm việc, học tập, đào tạo đối với con cái của họ cũng khắt khe, bất công. Cho nên người ta nghĩ, ở lại trong chế độ cộng sản, con cái của họ sẽ không có tương lai, không được học tập, đào tạo, phát huy và đối xử một cách bình đẳng, luôn cảm thấy mình là công dân loại hai trong xã hội. Nhân dân Việt nam, nói chung, trọng danh dự có tính tự trọng cao. Cho nên, khi đã bị khinh miệt, chà đạp danh dự, bị coi là ở ngoài lề xã hội, không có tương lai, khi có cơ hội, tất nhiên người dân sẽ tìm đường ra đi, mặc dù thuyền bè vượt biển ọp ẹp, đại dương sóng gió nguy hiểm vô cùng. Họ phải liều mình, buộc lòng gạt nước mắt từ biệt người thân, nhắm mắt lao vào màn đêm hãi hùng của biển cả để ra đi, đánh đổi tính mạng lấy cuộc sống tự do, tương lai sáng sủa hơn. Đây là cái tội lớn của những người lãnh đạo tàn nhẫn, giáo điều và bảo thủ.
Theo tài liệu công bố ở Liên hiệp quốc, con số thống kê "thuyền nhân" bị chết ngoài biển có thể đến một phần năm, phần sáu tổng số người ra đi. Nghĩa là, cứ một triệu người ra đi, thì có khoảng 200 ngàn người chết. Sau này chúng ta phải thống kê qua khai báo của các gia đình xem số người mất tích là bao nhiêu, phân loại nguyên nhân tử nạn, do thuyền bè hỏng, do hải tặc, hay do bão tố, do mất phương hướng... Vì những người tổ chức vượt biên tham lam, muốn lấy được nhiều vàng, nên chở quá tải gấp hai, ba lần tải trọng cho phép, dẫn đến lật thuyền cũng cho là nguyên nhân rủi ro ngoài biển. Những người lãnh đạo cộng sản không bao giờ muốn nhắc tới chuyện này, cho nên chúng ta càng cần phải nói rõ và thảo luận công khai, làm rõ những nguyên nhân, chỉ rõ sự kiện "thuyền nhân" bắt nguồn từ đâu.
Theo ông, Quân đội Nhân dân Việt nam và Quân lực Việt nam Cộng hòa, quân đội nào có chính nghĩa?
Câu hỏi này khó có thể trả lời một cách rõ ràng, thỏa đáng, bởi vì tùy chỗ đứng của mỗi người và cũng tùy thời điểm lịch sử mà có những cách lý giải khác nhau. Bên phía Quân đội Nhân dân Việt nam, tôi thấy anh em nhập ngũ, vào đảng trong quân đội, vào Nam chiến đấu, họ được giáo dục, tuyên truyền để nghĩ rằng, "đánh Mỹ", "giải phóng miền Nam" là một sứ mệnh lịch sử. Bởi vì Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã chia đôi đất nước do sự áp đặt của các cường quốc. Nghĩa vụ của toàn dân là phải thống nhất đất nước Việt nam. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, dự kiến sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử và thống nhất đất nước. Nhưng hai năm đồ phía Mỹ, Pháp, phía chính quyền miền Nam không muốn thực hiện tổng tuyển cử. Chính vì vậy, sau này phía cộng sản đặt ra chuyện vùng dậy của nhân dân, tất nhiên cũng do sự lãnh đạo của những người cộng sản còn nằm ở phía Nam, thúc đẩy phong trào đồng khởi, tạo ra phong trào nổi dậy tại chỗ ở miền Nam. Họ đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ở phía Nam để xây dựng lực lượng Quân giải phóng nhỏ bé ban đầu, sau này được tăng cường bằng lực lượng vũ trang tập kết ra Bắc trở về miền Nam và sau nữa là các đơn vị hùng hậu của miền Bắc được đưa vào. Họ lập luận: đây là sự nghiệp thống nhất đất nước, đánh đuổi ngoại xâm, trước kia là Pháp và hiện nay là Mỹ. Còn Quân lực Việt nam Cộng hòa ở miền Nam, như tôi đã nói ở trên, là do nước ngoài dựng lên từ quân đội cũ do thực dân Pháp thành lập.
ở miền Nam, người ta lại lập luận rằng, miền Bắc đã cưỡng chiếm miền Nam, đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam, do đó họ phải có lực lượng tự vệ một cách chính đáng. Cũng như ngày 30.4.1975, một bên gọi là ngày "giải phóng", ngày "thống nhất đất nước", còn phía bên kia gọi là ngày "quốc hận", ngày "mất nước". Tôi nghĩ, đây là hai suy nghĩ đối lập nhau, một lúc nào đó chúng ta phải thảo luận cho ra lẽ, hoặc có một quan điểm nhất trí tương đối gần nhau. Tất nhiên, trong điều kiện như thế chúng ta phải lưu tâm đến dư luận của tuyệt đại đa số nhân dân. Bất cứ bên nào cũng không nên độc đoán, áp đặt mọi người phải nghe theo quan điểm của mình, hoặc trong khi thảo luận chưa ngã ngũ, không nên tự cho quan điểm của mình là chân lý. Mỗi người nên tự tìm hiểu và có chính kiến của mình, làm thế nào để con cháu mình có nhận thức đúng đắn về những gì đã xảy ra. Do đó, tôi nghĩ dần dần người ta sẽ đi đến chấp nhận ý kiến của nhau và nhận ra rằng chân lý không phải là điều dễ đi tới. Bản chất cuộc chiến tranh Việt-Mỹ diễn ra trên đất nước Việt nam có nội dung chồng chéo lên nhau. Nó không phải là đơn thuần, mà vừa là cuộc nội chiến, vừa là cuộc đọ sức giữa hai phe, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, vừa mang tính quốc tế, mang vai trò tiền đồn giữa phe này đối với phe kia, vừa có tính dân tộc và có tính chất đảng phái nữa, tùy theo lập trường, chỗ đứng và góc độ xem xét. Những điều đó phải có ý kiến phân tích của các nhà sử học, các nhà khoa học, các nhà chính trị, trao đổi một cách bình tĩnh thì mới có thể ngã ngũ được. Tốt nhất, trong lúc này hãy hết sức lắng nghe nhau, không nên có một ý định cố chấp, càng không nên có sự áp đặt.
Lập trường của tôi là chúng ta phải thấy được các bản chất ấy xen kẽ lẫn nhau. Cuộc chiến Việt-Mỹ không hoàn toàn là cuộc nội chiến, không hoàn toàn là cuộc chiến tranh ý thức hệ, cũng không hoàn toàn là cuộc chiến tranh vì độc lập đơn thuần, mà cũng không phải chỉ là cuộc chiến tranh giành lấy sự thống nhất và quyền sống của một dân tộc. Cần nhận định bản chất cuộc chiến tranh ấy đúng như nó có. Thấy được về phía này có mặt đúng, mặt sai, phía kia cũng có điều cần làm, có điều đáng tiếc Cuộc chiến này không phải là định mệnh, nhất thiết phải có. Nói chung, cả dân tộc Việt nam là nạn nhân của thời thế, của những thế lực lãnh đạo độc đoán, nạn nhân của những ý thức hệ, của những học thuyết ngoại lai. Ngoài ra, ý muốn chân chính của dân tộc Việt nam được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc và thời cuộc xoắn chặt với nhau, lại bị những người lãnh đạo tuân theo một học thuyết ngoại lai, nuôi dưỡng những ý đồ xa lạ của các thế lực quốc tế mà họ phụ thuộc, tạo lên một cuộc chiến tranh bị thảm, đáng tiếc, đáng lý ra có thể tránh được Do vậy, cuộc tranh luận về bản chất chiến tranh Việt-Mỹ, hay Nam-Bắc, tranh luận về chính nghĩa thuộc về phía nào, tôi nghĩ không dễ đi đến chỗ rõ ràng. Nói thế không phải là ba phải, mà là thực tế nó như thế. phải tách những người lãnh đạo cao nhất ra khỏi quần chúng chiến sĩ và nhân dân, thậm chí tách những người lãnh đạo đảng cộng sản với số đông đảng viên ở cơ sở mới phân tích rành mạch vấn đề này được. Bởi vì tuy ở cùng một bên, nhưng suy nghĩ, mục đích của họ lại có điểm trùng nhau, cũng lại có điểm khác nhau. Chúng ta phải có thời gian để làm nguôi đi các hận thù thì mới có thể lắng nghe nhau và có thể tiếp cận được chân lý vốn khá phức tạp. Cũng từ đó mới nảy sinh ra vấn đề là, có những việc đã xảy ra đều do cả hai bên cùng làm, nhưng bên này gọi đó là "tội ác", còn bên kia lại cho là "chính đáng" và không gọi là "tội ác". Tôi lấy ví dụ: nạn nhân chiến tranh ở phía Quân đội Nhân dân Việt nam là rất lớn, bố mẹ bị bom Mỹ giết hại, anh chị em bị chết ở chiến trường miền Bắc có, miền Nam có, con số lên đến mấy triệu người. Những cái chết này đều được tố cáo là "tội ác của đế quốc và tay sai". Đây là một tổn thất rất lớn khó có thể nguôi ngoai, do phía Mỹ cùng một bộ phận đồng bào ở miền Nam gây nên. Và ở miền Nam cũng thế. Rất nhiều gia đình bị gọi là "cộng sản", nhưng thật ra là gia đình của những anh em đi tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ bị chính quyền địa phương của Sài Gòn phát động những phong trào "tố Cộng", "diệt Cộng", chiến dịch Phượng Hoàng nhằm phát hiện "tay chân của Việt Cộng... Chúng tôi nghĩ, lúc bấy giờ những người do lòng yêu nước, giúp đỡ Quân giải phóng miền Nam đã bị bắt bớ bị tù đày, bị tra tấn, bị thủ tiêu, con số cũng không phải là ít, có người nói đến hai, ba chục vạn...
Còn Quân lực Việt nam cộng hòa cũng bị tổn thất bởi các cuộc tấn công trong các cuộc giao tranh, bị pháo kích, trong đó có cả đồng bào bị chết lây, có nơi chợ búa, trường học cũng bị pháo kích, rồi có người hoặc bà con thân thích bị thủ tiêu qua các đợt "diệt tề, trừ gian"... tức là thủ tiêu những người gọi là "tay sai của địch".
Bây giờ nhìn lại, chúng ta không nên coi người nào là của riêng một phía bên mình. Tinh thần chung của chúng ta là "gà cùng một mẹ... chớ hoài đá nhau".
Chúng ta phải đau với cái đau khi lấy tay phải đánh vào tay trái, dùng tay trái đâm vào tay phải, anh em với nhau mà tàn sát lẫn nhau, điều mà chúng ta không hề muốn và do hoàn cảnh của lịch sử đưa đẩy dẫn đến bị đát như vậy. Có tinh thần hòa hợp, chúng ta mới thấy cái đau ấy là nỗi đau chung của dân tộc. Không nên lấy cái gọi là "ta" đã diệt bên này nhiều hơn bên kia, hay cái tổn thất của bên này nặng nề hơn bên kia, vui mừng hả hê vì đã diệt được đồng bào của mình... mà phải tỉnh táo nhìn lại. Đúng như ý kiến của một vị ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Việt nam là anh Hoàng "lửa", đã về hưu, có tinh thần dân chủ, đang bị chính quyền trong nước phân biệt đối xử: "Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại cuộc chiến bằng con mắt anh em với nhau để hòa giải hòa hợp, nên tổ chức một buổi cầu siêu chung của tất cả bà con anh em dân tộc Việt nam ta đã bị chết, bị hy sinh trong cuộc chiến này ở cả hai bên".
Xét cho cùng, thù địch giữa hai bên chỉ là giả tạo do bị lừa dối, lầm lẫn và thúc ép. Về thực chất, bên ta đã đánh nhau với bên mình.
Có một số ý kiến của những người từng trong đảng Cộng sản Việt nam nhưng có quan điểm dân tộc sâu sắc đề xuất là sau này nên tổ chức một buổi lễ an táng cho ông Hồ Chí Minh đàng hoàng theo nghi thức dân tộc, để ông ta có thể được chôn cất tử tế, hoặc được thiêu xác theo như nguyện vọng của ông, nắm tro còn lại được chôn ở một nơi nào đấy làm thành một di tích cho gia đình, người thân và những ai còn quí mến ông ta có nơi đến để tưởng niệm. Có người mê tín cho rằng vì ông Hồ không được hỏa thiêu, thi hài không được nhập thổ như ông muốn, hồn ông còn vất vưởng làm đất nước không yên ổn. Còn lăng của ông ở giữa thủ đô Hà Nội hiện nay nên chuyển thành Đài tưởng niệm tất cả những người đã hy sinh trong cuộc chiến của tất cả các bên trong suốt 40 năm ròng rã. Đấy là đài kỷ niệm những oan hồn của đất nước đã chết trong chiến tranh. Qua lễ cầu siêu được tổ chức trong cả nước, chúng ta cầu nguyện cho hương hồn những người đã chết, bất kể họ thuộc dân tộc nào, địa phương nào, đơn vị nào, thời điểm nào, để thể hiện chúng ta quí trọng tất cả những người đã chết oan trong các cuộc chiến tranh vừa qua. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách hòa giải. Việc tranh luận bên nào là chính nghĩa, bên nào là phi nghĩa, cái chết bên nào là chính đáng... nên cho qua và coi đây là một nỗi đau, một sự kiện bị thương của lịch sử, nhưng điều cuối cùng chúng ta đã đạt được là độc lập, thống nhất. Và bây giờ chung sức để xây dựng đất nước, để bù lại những thời gian chiến tranh đã mất, nhìn nhau bằng con mắt không còn phân biệt "ta-địch", bên này-bên kia như trước nữa. Tôi mong rằng đã đến lúc chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện bằng được điều đó
Có nhận xét rất có tình có lý rằng trong cuộc chiến vừa qua, bên "ta" đã đánh với bên "mình cho nên nói đến ai thắng ai thua là điều vô nghĩa. Thật thâm trầm vậy.
Ông đã ở trong quân đội miền Bắc trong một khoảng thời gian rất dài, gần 40 năm. Ông có luyến tiếc thời gian đó không?
Tôi ở trong Quân đội nhân dân Việt nam 37 năm rưỡi. Bây giờ nghĩ lại, tôi thừa nhận mỗi người đều là một sản phẩm của những điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể nhất định. Nếu như tôi sống ở miền Nam, có khi tôi đã không ở trong Quân đội nhân dân, mà lại ở trong Quân lực Việt nam Cộng hòa... Do đó, con người không phải lúc nào cũng hoàn toàn làm chủ được hiện tại và tương lai của mình. Có thể chỉ làm chủ được một phần nào mà thôi. Tôi sinh ra ở miền Bắc, lớn lên trong thời kì Cách mạng tháng Tám, có được một chút lý tưởng, muốn cống hiến cho sự nghiệp dành độc lập của đất nước. Trước đây tôi thấy không có luyến tiếc gì thời trai trẻ của mình ở trong Quân đội nhân dân Việt nam cả. Đấy là một thời kì đáng sống, thời kì đem bầu nhiệt huyết của mình ra làm những cái có ích trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho đất nước, giành quyền sống tự do cho dân tộc. Tất nhiên tôi chỉ bắt đầu nhiều suy nghĩ từ sau ngày 30.4.1975.
Có khả năng tránh được chiến tranh không? ấn Độ, Nam Dương không qua chiến tranh vẫn giành được độc lập! Trách nhiệm thuộc về các bên: chính phủ Pháp còn luyến tiếc hệ thống thuộc địa; chính phủ kháng chiến Việt nam không che dấu nổi cái bản chất cộng sản gắn bó với Staline và Mao mặc dầu đã giả vờ giải tán đảng Cộng sản; chính phủ Sài Gòn với chính sách tố cộng, diệt cộng, lê máy chém và dọa lấp sông Bến Hải; chính phủ Mỹ ủng hộ thực dân Pháp rồi thế chân quân viễn chinh Pháp... Do từ các phía mà các cơ hội hòa bình đều bị bỏ lỡ...
Cũng cần nói rõ rằng nếu nước thuộc địa cũ nào cũng theo chủ thuyết bất bạo động như thánh Gandhi (ấn Độ) thì không ổn. Tùy điều kiện, có thể chủ trương bất bạo động hay bạo động võ trang; hai chủ trương này hỗ trợ cho nhau. ở Việt nam ta, điều chính là cầm súng để giành độc lập rồi để làm gì nữa? Để trở nên một nước độc lập chân chính, một nước dân chủ, có phát triển và hạnh phúc, hay để lại chui vào tròng của một kiểu "đế quốc cộng sản" khác, chịu một ách độc đoán mới để rồi chìm sâu trong đói nghèo và bất công như đã xảy ra.
Chiến tranh có thể tránh khỏi, nếu như Tổng thống F. Rô-du-ven (F. Roosevelt) không chết sớm (ông chủ trương trả lại độc lập cho các thuộc địa sau chiến tranh thế giới thứ hai); nếu như các ông Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm đều có tinh thần dân tộc cao, không lệ thuộc nước ngoài; nếu như... thì vô cùng! Đó là những giả thuyết không thực tế. Tôi chỉ thử đặt ra tình huống, nếu như đảng Cộng sản Việt nam (thực tế rất khó xảy ra), sau khi đã chấm dứt được chiến tranh, có một chính sách sáng suốt chính sách hòa giải, hòa hợp thật sự, không đưa 200 ngàn sĩ quan, viên chức cũ của chính quyền Việt nam Cộng hòa vào trại cải tạo, thực chất là các nhà tù tàn ác, bỏ qua mọi chuyện trong quá khứ, coi nhau là anh em một nhà để bắt tay xây dựng đất nước trong hòa bình, thì tôi nghĩ có thể tôi đã không nản chí, không bận tâm về quá khứ chiến đấu của mình. Trong vòng mười năm (1975-1985) các nước láng giềng của chúng ta tận dụng những cơ hội mới, phát triển rất nhanh. Đất nước ta, do kéo quân vào Căm-pu-chia một cách dại dột, ngông cuồng, lại không biết giải quyết các vấn đề nội bộ trong nước với nhau sau chiến tranh, rồi hàng triệu người bỏ nước ra đi kiểu "thuyền nhân"...
Tuổi trẻ Việt nam vẫn lại chết oan uổng thêm ở Căm-pu-chia, ở vùng biên giới Việt-Trung... Các nấm mồ chiến sĩ lại mọc lên. Nước mắt các bà mẹ mất con, các vợ góa, con côi... Đất nước bị cấm vận, tẩy chay, trừng phạt... Tôi cảm thấy đảng đã phạm quá nhiều sai lầm tệ hại. Tôi tìm cách cất lên tiếng nói trung thực của mình, nhưng liền bị giám sát, chụp mũ, đe dọa...
Vào năm 1990, tôi đã nghe có người trong nước phê bình rằng ông đã đưa ra kiến nghị, đã trả lời phỏng vốn của đài BBC và những điều ông nói lúc bấy giờ người ở trong nước đã nói công khai cả rồi. Do đó khuyết điểm của ông là đã ra nước ngoài để nói những điều đó, có đúng như vậy không?
Vâng, hồi năm 1990, 1991 tôi cũng đã nghe người trong nước ra nói cái ý kiến đó. Tôi cho đó là lời của những người lãnh đạo cố tình đưa ra nhận xét như vậy nhằm đánh lạc hướng dư luận đang quan tâm đến nội dung kiến nghị của tôi cũng như những điều tôi đã viết trong những cuốn sách. Nhiều nội dung trong cuốn sách tôi đã viết làm những người lãnh đạo ở Việt nam khó chịu, bởi vì lần đầu tiên tôi nói công khai và trước hết để đồng bào ở trong nước biết. Ví dụ, tôi đã phanh phui vụ để thất thoát, rò rỉ và chi dùng bất hợp lý số chiến lợi phẩm ở qui mô lớn. Chính ở trong nước rất ít người biết đến và có biết cũng không được phép nói ra. Những vụ "Nhân văn-giai phẩm" và vụ "Xét lại chống đảng" cũng rất ít người ở trong nước biết nội dung đầy đủ. Lần đầu tiên tôi nói để nhân dân trong nước rõ, ngay cả một số người trong đảng cũng lần đầu tiên được biết sự thật về những vụ nói trên. Sau này, với những bài phát biểu của ông Hoàng Minh Chính[20], hồi kí của ông Trần Thư[21], gần đây là hồi ký của ông Vũ Thư Hiên[22], nhân dân trong nước bắt đầu hiểu ra sự thật về những vụ như vậy một cách cặn kẽ và đòi những người lãnh đạo phải giải quyết công bằng. Hàng loạt những vấn đề khác như vụ "cải tạo ngụy quân, ngụy quyền", vụ "tổ chức vượt biển" của "thuyền nhân" là những vấn đề những người lãnh đạo bảo thủ ở trong nước không muốn ai đụng đến, muốn cả xã hội quên đi. Những điều tôi đề cập và nhắc đến làm cho họ đau đầu, nhức nhối. Họ rất sợ những cuốn sách, bài báo tôi viết được gửi về nước. Vì những điều viết trong đó, đồng bào trong nước rất dễ tiếp nhận, đồng tình. Tôi lại viết với giọng điệu ôn tồn, có lý lẽ, không chửi bới om xòm, dễ đọc, dễ nghe, không làm chối tai. Chính do vậy mà những người lãnh đạo độc đoán coi tôi là kẻ chống đối nguy hiểm nhất của chế độ. Có người còn dọa dành cho tôi một bản án tử hình! Tôi khẳng định điều tôi làm là cần thiết, là hoàn toàn chính đáng, cho dù nói ở bất kì đâu, ở trong hay ở ngoài nước. ở trong nước, tôi không thể nói được. Chính quyền sẽ kiểm duyệt, ngăn chặn bằng cả một bộ máy khổng lồ. Chỉ có ra nước ngoài, tôi mới có thể nói được, viết được một cách đầy đủ, rõ ràng những điều tôi từng biết, những gì tôi đã nghĩ, đến những vụ đen tối, sai lầm của những người cầm quyền cộng sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân và đất nước. Hành động của tôi hoàn toàn phù hợp với thực tế Nếu không, đồng bào trong nước vẫn không biết đến những vấn đề của đất nước đã bị che giấu và được phơi bày trong hai cuốn sách của tôi.[23] Tuy có thể có chi tiết nào đó chưa thật chuẩn xác tôi có thể đính chính, nhưng trên đại thể là đúng và nhìn chung ai cũng khẳng định đây là những điều mới mẻ, nhân dân trong nước chưa biết. Nếu những người lãnh đạo thấy tôi viết sai thì họ có thể tranh luận, nhưng họ đã im lặng. Có thể họ sợ tranh luận công khai về những nội dung tôi đưa ra, vì bị buộc phải nhận những sai lầm khi bị đánh trúng huyệt và phải sửa sai. Đây là điều họ luôn tìm cách lẩn tránh, vì họ luôn nói trước dư luận là đảng không phạm sai lầm. Vì lẽ phải, tôi không ngại dư luận trong nước hay ngoài nước, vì ở trong nước đã biết, thì dư luận ở ngoài nước cũng biết. Chúng ta không nên giấu dư luận ngoài nước, vì một khi đất nước vững mạnh thì không ai có thể phá hoại. Đất nước chỉ thực sự vững mạnh khi mọi việc được thực hiện một cách trong sáng, tất cả mọi người Việt nam đều biết và cùng nhau giải quyết. Chúng ta không ngại phê bình và tự phê bình trước những khuyết điểm của mình, công khai cho nhân dân cả nước biết và tất nhiên thế giới đều biết, vì hiện nay có nhiều phóng viên báo chí nước ngoài nằm ở trong nước, không thể giấu dư luận được. Gần đây nhà nước còn thực hiện một chủ trương phi lý, trái với xu thế hòa nhập, tức là cấm báo chí nước ngoài có mặt ở Việt nam liên hệ với người Việt nam, cấm người trong nước viết bài cho báo chí nước ngoài (kể cả báo người Việt hải ngoại và báo ngoại quốc). Đó là điều dại dột, ai viết người ấy phải chịu tránh nhiệm về vấn đề đã viết. Viết sai đã có dư luận lên án, thậm chí nếu vu khống thì pháp luật có thể trừng phạt người viết, không thể cấm giao lưu trong và ngoài nước, cấm thông tin trong và ngoài nước. Điều đó hoàn toàn trái với những qui ước về thông tin quốc tế, không phù hợp với xu thế chung của thời kì hòa bình hiện nay, kể cả tập tục ở trong nước, trái ngược với phương thức làm việc trong quan hệ đa phương của các nước trên thế giới. Chẳng hạn phóng viên Việt nam có mặt ở Pháp hoặc ở bất kì một nước nào đó đều có thể phỏng vấn mọi công dân của các nước đó, trong khi đó tại sao lại cấm phóng viên nước ngoài không được phỏng vấn người Việt nam? Vì lý do gì những người trong nước, kể cả nhà báo, không được viết cho báo chí nước ngoài, trái với những qui định về phong tục tập quán và nghiệp vụ của tất cả nhà báo quốc tế ở các nước khác?