Thình lình, quán cà phê “Bạch Ngọc” tái khai trương. Tài xế kiêm “thằng ở” tên Bảnh trở thành ông chủ. Ngày khai trương nhốn nháo cả con đường Tự Do. Chẳng phải vì phong pháo nổ đinh tai nhức óc, cũng chẳng phải vì khách đến mừng “tân quán” đủ cỡ tai to mặt bự, hay mấy em tươi như hoa phục vụ đâu. Vì anh “tài xế” Bảnh đấy. Quá khứ tài xế kiêm “thằng ở” được tẩy sạch như lau như li. Anh Bảnh diện com-lê trắng, cổ đeo nơ. Bộ râu quai nón của anh được cắt xén tỉ mỉ nên nhiều người nhận không ra, chào xáo:“Ông chủ này đâu phải thằng Bảnh.”“Xời, bà mù rồi bà ơi, thằng Bảnh chớ ai vô đó nữa.”Chị bán thuốc lá bên kia đường còn không chịu tin:“Chắc hổng phải. Nếu thằng Bảnh thì nó đã trả tiền nợ thiếu thuốc cho tui rồi.”“Còn trông gà hóa cuốc gì thế?”Một bà “đặc sệt” Bắc, một hộ từ Building bước xuống, góp vô. Bà này mới được “lên nhà” có tuần lễ. Lấy chồng Nam tập kết, khi hết chiến tranh, chồng về quê cũ, gắn bó với bà vợ xưa mấy chục năm “vườn trầu” chờ đợi. Chồng về Nam, gặp tình cũ, quên duyên mới, chị mới mò vô kiếm. Cả tháng đầu chỉ được ngồi dưới đường chực. Ông chồng mãi mới thu xếp được hai bà nói chuyện với nhau. Nhưng dù sao bà trong Nam căn bản hơn, có nhà, có xe...gắn máy, sự sản đàng hoàng nên “hấp dẫn” được ông chồng cán bộ. Bà vợ Bắc bị ký hợp đồng là không được ăn ở luôn trong Nam, nhưng lâu lâu có tiền thì được đi xe lửa vô thăm. Thấy cái quán cà phê khai trương ngon lành quá, đang định tâm xin “ông chủ” một công việc quét dọn để được gần gủi và động viên ông chồng đang trong đà hủ hóa với gái Nam, nên giở giọng nịnh bợ.Ông chủ Bảnh, sau thủ tục đốt pháo khai trương, đứng chống nạnh hai tay nhìn “bà chủ” Ngọc Hoa cúng kiến. Một con gà mái dầu luộc, bông quả, xôi chè. Bọn con nít bụi đời chỉ đứng xa xa mà thèm, nếu nhà khác mà cúng kiến lộ thiên như thế, dù cúng lễ lạc gì đi nữa, chúng cũng coi như cúng cô hồn, và nhào vô giành giựt chỉ chớp nháy là sạch sẽ hết. Chừng đó mặt kéo nhau đi coi, nhóm thằng Lai đông đảo nhất, rồi con Quê, con Chiến. Thằng Bò nhấp nhổm bên kia đường, không dám qua.Thằng Lai nhổ toẹt nước bọt, lớn giọng:“Đù má! Cái mặt thằng Bảnh hôm nay trông “mắc chứng” như cái nghêu con Quê. Tởm.”Lại nhổ nước bọt nữa. Con bà chòi đi theo:“Râu nó nhiều hơn râu dưới của cô Mai Bắc chúng mày ơi. Còn tao...hi hi...hổng có gì hết trơn...”Con bé tốc cái váy lên, đúng lúc Bảnh nhìn tới. Hôm nay thì hắn phải chịu đựng thôi. Làm như không chấp, hắn nhìn qua bên kia đường, lại thằng Bò đang chổng cái mông về phía nó. Nuốt giận chưa hết, đụng mặt con Chiến.“Ông Bảnh nè, lên làm ông chủ đừng quên số nợ thiếu hổm...”“Này, mấy con nhóc con. Tao cảnh cáo, nói ba lăng nhăng gì thế? Không được hỗn, nghe chưa?”“Dạ nghe...e...e...”Bảnh nóng mặt. Tiên sư tụi ranh con. Có thế mà chúng xúm nhau cười. Con Chiến chưa chịu bỏ cái tay làm dấu tục tỉu xuống. May quá,hai ba nhóm khách tới, Bảnh tay bắt mặt mừng. Bà chủ Ngọc Hoa thì chưa quen nên nụ cười bớt tươi và còn lúng túng ngượng nghịu lắm.“Thôi đi, tụi bay.”“Khoan, để tao coi thằng Bảnh.”“Xời ơi, cái mặt thằng Bảnh có cức chó gì mà coi. Tức cười.”“Tao cũng hổng nhịn cười được. Tụi mày coi cái tướng nó đứng...”“Một ngày nó phải tắm cả chục lần bả mới chịu đó mầy ơi...”“Nó hôi mùi cức trâu, tao biết.”“Ừa, hồi trước nó đi giữ trâu đó mầy...”Mấy chị bụi đời bên vườn bông cũng chạy qua. Mấy bà ăn xin bế con cũng ghé lại, nên khi chủ và khách đã vào bên trong là cả bọn ùa đứng bu ngoài cửa. Bà Chín trước đây bán thuốc lá, khi ông chủ bị bắt tưởng đã dẹp luôn rồi, nay lại bày ra nên hí ha hí hửng, nạt nộ:“Thôi mấy cha mấy má, cho con người ta làm ăn buôn bán, đừng xía vô nữa. Dì Chín lạy được không?”Bọn Lai Phá ngó nhau, trợn mắt, lè lưỡi, cười. Chúng nó đều thương dì Chín hết mà. Dì Chín mà bán thuốc lại là thằng Lai mua thuốc chịu “dài hạn” mà không phải lo. Vậy là cả bọn hết nói bậy bạ mà chỉ xúm nhau nhìn vào bên trong.“Đâu, thằng Bảnh đâu?”Một chị bụi đời vừa bồng con vừa gạt đám trẻ. Vậy là cãi nhau om sòm. Cãi rồi únh lộn cũng không chừng nếu không có chú công an khu vực tới..thăm. Bảnh ra tận cửa, cầm tay, choàng vai kéo vào, rượu đem ra, thuốc ngoại rút lia lịa. Đã thỏa tò mò, mọi người dãn dần. Bên kia đường, cũng không thấy thằng Bò đâu nữa.Một tuần lễ trôi qua, quán Bạch Ngọc sinh hoạt bình thường. Ban ngày, mở đèn sáng, bán cà phê, có nhạc nhẹ. Chiều tối, bên trong đèn mờ, nhạc có ồn ào hơn, nhưng lối làm ăn vẫn chơn chất lắm. Bà chủ Ngọc Hoa ngồi “két”, còn ông chủ đích thân đón khách, phụ dọn dẹp với hai người đẹp “sẹc via” rất đơn thuần. Chị Mùi lúc bắt đầu cũngkhông bận rộn mấy, việc của chị ở dưới bếp, canh hai tiểu thơ, nấu tí nước sôi, chặt vài miếng nước đá đem lên. Chỉ đông ngày khai trương, rồi thì sau đó khách cứ vắng dần. Bà chủ Ngọc Hoa coi không được vui, bắt đầu khó chịu “chửi chó mắng mèo”, mà ai vô đây chịu trận ngoài chị Mùi với anh Bảnh. Giận cá thì lại chém thớt, có dịp là chị Mùi xài xể “thằng ở” phản “người làm”.Lựa những dịp vắng vẻ, chị Mùi véo nhiều cái làm Bảnh đau điếng, tới sứt da mẻ thịt mà không dám hé một câu...Dám không, điên tiết là chị Mùi dám xổ hết cho bà chủ biết... Cả tháng mới mò xuống được với chị một bữa thì mất ỉ ôi, năn nỉ, giải thích hết cả hai ba tiếng đồng hồ, rồi lật đật lên lầu sợ bà chủ thức giấc. Lúc đầu chị Mùi đem chuyện vụng trộm của chủ mình hé cho bà con lối xóm biết. Không hiệu quả, con mẹ dính hơi thằng Bảnh như thài lài gặp cứt rồi, còn kể danh giá gì nữa. Gian phu dâm phụ chả công khai mở lại quán cà phê đó thôi. Bảnh vẫn vừa dỗ vừa dọa:“Thôi mà Mùi. Dù sao thằng này cũng không quên Mùi đã lo cho từ trước tới nay...””Giờ hết cần rồi, phải không? Đồ lòng lợn gan chó. Tháng trước mới vét tiền của người ta, phản thì trả lại đây.”“Giận gì mà giận dữ thế. Bây giờ chuyện nó đã như thế, tôi còn biết làm sao... Mình cũng nên hiểu...”“Không hiểu gì hết trơn. Tui cứ nói hết với bả rồi ra sao thì ra...”Bảnh cười nhạt. Lần đầu tiên chị Mùi nhìn thấy cái đểu đeo tòn ten trong trái tim hắn.“Gì? Nói với bà? Ừ nhỉ, sao không nói đi. Bà tin tui hay tin chị?”Chị Mùi cứng họng. Bảnh tiếp:“Còn nữa, nếu bà chủ không tin chị, chị sẽ bị đuổi việc. Bây giờ kiếm một việc làm như thế này không dễ đâu. Tôi nói thế chị phải hiểu hơn thế. Còn tiền mượn chị, thong thả tôi ăn nên làm ra, hoàn lại cho chị không thiếu một cắc. Chị biết điều tôi cũng sẽ biết điều với chị. Tùy chị đấy.”Vậy là giải quyết xong vấn đề chị Mùi. Bảnh bắt đầu hướng đến hai tiểu thư. Khẩn trương lắm. Ông chủ có thể về bất thình lình. Cánh này cánh kia, sát phạt nhau, chia nhau ảnh hưởng, bữa nay mạnh, mai yếu là thường. Tuần trước bà tướng vùng có cho mời con gái lên, chuyện lâu lắm. Bà Ngọc Hoa về, mặt mày buồn xo, kêu mệt, lên lầu nằm, giao quán cho một mình Bảnh. Lúc quét dọn, chị Mùi nói cay đắng:“Chắc bị bà má chửi cho nên mới héo queo vậy?”“Sao chị biết”“Biết chớ sao không biết. Mấy bữa trước con Ngọc Trinh kể bà ngoại nó có kêu nó hỏi chuyện, nó sợ má nó đánh không dám nói.”Bảnh đáng lô tô trong bụng. Nhưng đêm mò vô, nựng nịu nâng niu bà chủ, không nghe bà chủ nói gì. Bảnh dò đường:“Sao bữa nay không vui? Có gì lo à?”“Việc của tao, mày đừng hỏi.”Lại vẫn mày tao, chưa đổi được cách xưng hô. Vậy mà lúc “tác chiến” thì như sắp chết đến nơi, kêu anh, kêu cưng náo loạn...“Thấy mình không vui, làm sao tui vui...?”Một cái tát đánh bốp vào mặt Bảnh:“Mày đừng quen miệng như vậy nghe chưa. Khổ quá...”Bà Ngọc Hoa nằm quay lưng. Nó nâng niu hoài bà cũng như cục đá. Chuyện gì mà quan trọng tới cái thân thể đầy mỡ dễ rán của bà lại nguội ngắt? Thằng Bảnh này biết cách làm cho bà chủ quên buồn mà.Đúng là có công mài sắt có ngày nên kim...Quá nửa đêm đâu lại vào đó như thường lệ. Bảnh vừa ôm ấp vừa hỏi:“Có chuyện gì thì cũng cho tôi chia xẻ với, đi, nói đi...”“Bảnh có hứa với tôi một chuyện không?”“Chuyện gì tui cũng hứa...”“Nếu ông chủ về thì mọi chuyện như cũ nhé...Bảnh biết mà, tính ông chủ nóng lắm...”“Thì mày tao lại chớ gì...Mày...cho tao...”“Ôi, quỷ, Bảnh, Bảnh...Bỏ ra...bỏ ra không?”“Không bỏ...không...”Miệng nói không nhưng tay Bảnh lại đẩy bà Ngọc Hoa dang ra. Hắn ngồi dậy thở dài:“Được, tui nghe lời bà...từ nay...”Hắn lắc đầu, làm bộ như đang tự chống chỏi dữ dội lắm. Từ từ đứng dậy, đi từng bước ra khỏi phòng bà chủ.“Bảnh...Bảnh... Ê, mày không được đi.”Nhưng Bảnh đã ra khỏi phòng. Hắn nằm trên chiếc ghế bố và thầm nghĩ phải cho con mụ này biết tay, nhử miếng mỡ trước miệng con mèo cho tới lúc con mèo nhỏ dãi, cũng chưa vội cho ăn. Hắn lấy gói thuốc lá ra, bắt đầu hút, và chờ đợi...Quả đúng như Bảnh tiên đoán, cánh cửa phòng vừa mớ được đóng rầm, có tiếng chìa khóc kêu cái tách, bây giờ lại thêm một tiếng tách nửa. Bảnh vói tay tắt đèn. Gian phòng tối mò rồi ửng mờ soi nhạt một ánh sáng trăng. Bảnh vẫn yên lặng hút thuốc. Tiếng chân bà chủ Ngọc Hoa dường như ngập ngừng, mất hút một lúc, rồi lại mạnh dạn trở lại. Vẫn phong phanh trong chiếc áo ngủ hàng ngoại mỏng te, bà đi đến đứng bên Bảnh:“Bảnh à...”Cứ Bảnh à, Bảnh ơi cả chục tiếng mà không nghe tiếng trả lời, chỉ thấy điếu thuốc lập lòa ngắn dần đi. Ánh trằng dọi một đường ngang qua dáng nằm của Bảnh phong phanh áo mai dô và quần xà lỏn. Bà Ngọc Hoa còn thấy rõ đôi ống chân trần đầy lông lá gợi cho bà một nhột nhạt khó tả. Bà ngồi xuống. Gớm chưa, thằng ông nội đâu có thèm nhích vô. Ké né một bên, bà Ngọc Hoa luồn tay vào bộ ngực lót một lớp lông êm ái của Bảnh.“Sao tự nhiên giận mình, cưng...”Bảnh thở dài, giọng chán nản:“Tui thằng ở mà dám giận ai. Chỉ tự trách mình trèo cao. Kẻ trèo càng cao thì té càng nặng.”Rồi hắn đưa tay xô nhẹ bà chủ:“Bà đừng thương hại tui nữa. Tui biết bà chỉ cần một chuyện...mai mốt ông chủ về thì tiếp tục chuyện đó...Thôi, từ nay ai trở lại ví trí người đó. Mời bà đi ngủ.”“Bảnh bắt phải xin lỗi phải không? Ừ thì thôi, vô đây nói chuyện lại.”“Không, bà đi ngủ đi. Tui cũng buồn ngủ lắm.”“Tao không ngủ được. Tao biểu mày vô, mày có vô không?”Thình lình bà Ngọc Hoa thay đổi cách xưng hô. Con mẹ tính đồng bóng này, làm quá chắc không được rồi. Bảnh biết, nhưng hắn sẽ tùy cơ ứng biến. Hắn giả vờ quạu:“Không. Bà tha cho thằng ở đi mà”“Tao biểu vô.”“Không.”“Mày ngon phải không? Tử tế không muốn. Tiên sư mày, không muốn mà thế à? Cái gì đây, bao bẻ gảy chết con mẹ mày bây giờ...”Chỉ cần găng thêm một tí. Bảnh biết lúc nào thì chín muồi. Hắn lăn vào trong:“Xin bà để tôi yên, tôi không...”“Không thì tao nằm đây...”Bà Ngọc Hoa nằm chồm lên Bảnh. Bảnh quyết liệt đẩy ra. Miếng mồi đã nhử được con cọp nổi hung lên rồi. Càng xô đẩy bà Ngọc Hoa càng chồm tới. Chiếc áo mai dô của Bảnh bị bà chủ xé rách tanh banh, móng tay bà cào sướt cổ sướt ngực Bảnh. Bảnh đưa tay lên, ghì đầu bà ta xuống và tát bốp bốp mấy cái liên tiếp vào mặt bà chủ...Bà Ngọc Hoa cắn vào vai Bảnh để nén tiếng gầm lên. Đánh ông thì ông đánh lại, cắn ông thì ông cắn lại. Thì ra con mụ này chỉ thích đau, thích dữ dằn. Thấy không, đã thở hồng hộc như heo cắt tiết. Bảnh ngồi đè lên người bà:“Còn giữ nữa thôi, này dữ, này dữ...”Lúc đó bà Ngọc Hoa mới thật sự chịu thua.“Bảnh ơi...tao thích mày. Tao thật sự thích mày...Ánh trăng xẻ một đường dài trên gối. Bà chủ và Bảnh đã lăn xuống sàn gạch bông.“Hèn chi” Bảnh nhớ ra. Hồi còn ông chủ, đêm nào trên gác cũng có cãi vã, đánh nhau, rồi sau đó....“Bà chủ...”“Gì cưng...”“Mai mốt ông chủ về, ông bắn tui chết là chắc...”“Không đâu. Để rồi tính, cưng...Mình còn tiệm cà phê, mình không bỏ cưng đâu...”“Thề đi.”“Thề mà...ui cha, thề mà... có ông mặt trăng kia...ông trăng...làm chứng...ui cha...”Vệt trăng đã rời mặt gối, chém một lằn trên mặt bà chủ Ngọc Hoa..Hôm nay ban nhạc quán Hương Lan chơi sớm. Mới ba giờ mà khách đã chiếm gần hết những bàn sát ngoài, chỗ đắc địa để có thể nhìn ra đường. Những món ăn như thịt bò lúc lắc, cua rang muối, ếch chiên bơ, thơm lừng mùi tỏi, làm mồi đưa bia, và cũng làm nhóm ăn xin lấp ló ở bên ngoài, hoặc tì mũi vô cửa kính nhìn chăm bẳm. Bảo vệ làm việc hăng lắm, thỉnh thoảng cũng có đứa chạy vù vào, đổ vội vàng thức ăn thừa mứa vô cái lon rồi chạy vù ra. Nhanh như vậy mà đôi khi còn bị xách cổ ném ra ngoài, cả người và lon thức ăn đổ lai láng cùng lăn với nhau. Chỉ trừ một đứa ra vô đàng hoàng là thằng Lai Phá. Cà chớn nhất đường này, ngoài Dũng đầu Bò ra thì thằng Lai, còn nhỏ mà ra tay ác độc không thua gì sư phụ. Dũng đầu Bò hay Dũng “một dao” cũng cần một đứa tiểu yêu lì lợm như thằng Lai phá.Ban nhạc chỉ có hai người, một cô gái nhỏ nhắn, đầu tóc xù như con chó bông, khá xinh kéo đàn violon và anh nhạc sĩ người thấp thấp, nổi tiếng ngón đàn ngọt, ngồi khuất sau cây đàn piano. Họ như đàn tập với nhau, không hề lý gì tới đám khách đang nhậu nhẹt ồn ào. Mỗi buổi, bài bản đã được trình duyệt, nên bên đàn bên kéo như thoái quen, từ bản đầu cho tới khi dứt. Lúc đầu, nhà hàng được giấy phép chơi nhạc thì những bản được duyệt là nhạc Cách Mạng, như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Tiếng Chày Trên Sóc Bam- Bo, Dáng Đứng Bến Tre v..v... Ban Giám đốc bắt hai nhạc sĩ tập dượt đi tập dượt lại, mà đám khách, gồm có một số cán bộ mới bắt đầu hủ hóa, vô đây đãi đằng, móc ngoặc chuyện làm ăn thì miễn có tiếng nhạc là “quán sang rồi”. Cán bộ “hủ hóa” ngày càng khấm khá, học đòi thêm, nên Ban quản lý đã có “thủ tục đầu tiên” được với cấp trên, xin cho ban nhạc chơi thêm mấy bản ngoại quốc, của Liên Xô và của Tây, nhạc Mỹ thì cấm tuyệt đối...Nhưng cán bộ sở văn hóa dốt đặc, nên anh nhạc sĩ thỉnh thoảng vẫn qua mặt như thường.Kéo qua kéo lại cò cưa như kèn đám ma để so lại dây đàn, cô nhạc sĩ hỏi anh nhạc sĩ:“Bắt đầu được chưa?”Anh nhạc sĩ gật đầu, dạo đàn trước rồi tiếng violon mới ăn khớp sau. Ở bàn gần họ nhất có bốn anh mà hết ba anh quần ka ki, áo sơ mi trắng cánh tay, có túi “dết” bên cạnh. Cả ba cùng khe khẽ đánh nhịp và hát theo bản “Tiếng Chày Trên Sóc Băm-Bo”. Bài chưa dứt, một anh giọng oang lên:“Hay. Đàn thế mới là đàn chứ. Tiếp đi. Tiếp bản gì đó, bản gì mà Em đái bên gốc dừa...”Có vậy mà cười đến bắn cả thức ăn đang nhai ở trong mồm ra, rồi còn gõ muỗng vào ly kêu lanh canh nữa. Cả bốn ông đều đã ngà ngà say, vỏ chai bia bày gần kín mặt bàn.“Hiện đại, hiện đại thật. Ở ngoài ta...”“Cho chơi bài Hà nội Thủ đô ta đi...Hà nội...”Chưa tới thời điểm được chơi nhạc theo yêu cầu mà, cho nên hai nhạc sĩ cứ đàn theo thứ tự. Không đùa được đâu, trong đám bồi bàn bưng dọn kia, đâu biết anh nào là cớm, anh nào là phục vụ viên...Thậm chí nhiều hôm trong nửa tiếng nghỉ giải lao, khách thương, mời ly bia, anh chàng nhạc sĩ cũng chỉ nốc vội vàng, nói mấy tiếng cám ơn, rồi trở vô cái bàn đặt trong góc, ngồi ăn hột bí với cô nhạc sĩ. Thành phố Sàigòn gần như cháy thành than sau mấy trận hỏa hoạn ” năm quản” rồi “đánh tư sản mại bản”. Đổi tiền và tin sắp đổi tiền làm dân có chút vốn liếng để dành dập mật mất vía. Cũng may, còn có mỗi con đường Tự Do cũ này, như cái nơ buộc vào sợi dây xích chó. Nhà hàng ăn quốc doanh Hương Lan là cửa hàng đầu tiên có nhạc sống.“Chơi nhạc Tây đi. Nhạc Tây đi”Vẫn ba anh cán hay la lối yêu cầu. Thêm đồ nhậu, thêm bia, có vẻ họ còn ngồi dính cứng ở đây cho đến đêm. Nhưng vẫn chưa nhạc Tây, thường thường, phải chờ khi đường phố lên đèn, ban nhạc mới thay đổi bản. Nãy giờ, nội một bài “Giải phóng quân” đã chơi tới lần thứ ba theo tua rồi...Cánh cửa kính được xô ra, anh bảo vệ lùi lại, nép sang một bên. Khách mới vô là một cô gái. Coi cách ăn mặc bất cần đời quá. Áo sơ mi màu cháo lòng cũ, khuya cài không đúng hàng, xốc xếch, quần jean bạc, mòn đít, cô ta một mình chiếm một bàn trong góc. Thằng Lai cũng có mặt tức thì, ngang nhiên đẩy cửa. Anh bảo vệ còn làm màu:“Vô làm gì, mày?”“Gặp “nữ chúa” được không? Sao bữa nay bày đặt hỏi?”“Tại mày không biết điều...”Thằng Lai nhìn anh bảo vệ, mắt vừa hỗn vừa khinh:“Ăn cho lắm vào, cả cức cũng ăn. Nè cha...”“Ai thèm đẻ con lai căng như mày...đưa đây.”Hất cái mặt lên, thằng Lai bỏ vô trong. Anh bảo vệ gắn điếu thuốc lên môi, nhìn ra ngoài, trợn mắt với lũ ăn mày con nít.“Mày có đem cho tao đó không?”“Sao không? Này bà...”Thằng Lai đặt lên bàn bao thuốc lá ba số còn nguyên si.Nhung “xì ke” đặt tay lên bao thuốc:“Có đúng thứ mọi bữa không, cha?”“Bà cứ thử đi. Sợ bà luôn, đa nghi quá...”“Sao không đa nghi, mày biết con mụ Huê nổi tiếng tráo hàng mà...”“Biết. Đ.M, dám tráo với tui không? Thằng này dám nói là dám làm...phặc...”Nó đưa tay, chém nhứ lên cổ.“Thôi cha, cha tí tuổi đầu mà đã cô hồn các đảng. Phạm giờ thiêng là dính nghe cha...”“Cức. Tao sợ cức. Thôi bà làm ơn đưa tiền, đừng cà riềng nữa. Tiền trao cháo múc...”Nhung thò tay vào ngực, rút từ trong xú chiêng ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Thằng Lai bỏ ngay vào túi.“Tin bà không đếm đó nghe.”“Ừa, thôi xong, đi đi cha.”“Cho ly bia được không? Thèm quá.”“Mày bày đặt đủ chuyện, còn nhỏ mà...”“Không nhỏ đâu nghe...Đủ hết trơn rồi, bà muốn coi bữa nào cho coi...”“Được, ngồi đi cha, kêu đi.Bữa nào coi đừng khóc...”Thằng Lai búng tay, gọi hai chai bia. Nó ngồi không yên, ngó ngang ngó dọc.“Bà thấy thằng ngồi bên kia bàn không? Bà bắt đi. Bắt được là tha hồ phê. Tui biết nè, nhà ở dưới Gia Định nhưng bữa nào cũng lên đây, bữa ngồi uống cà phê dưới Bô-đa, bữa uống rượu dưới Cửu Long. Giàu lắm, tháng nào cũng lĩnh thùng đồ bên Mỹ.”“Sao mày biết rành vậy?”“Xời ơi,tui há, con ruồi bay ngang tui còn biết ruồi đực hay ruồi cái nữa kìa...Thằng cha này nát rượu lắm, uống vô vài ba chai là khai ra hết...Tui biết bữa nay túi nó phồng lắm, chắc đang đợi con Nét hô...Thấy chưa, nhắc là tới liền...”Nét hô. Nét vườn bông, mới đó đã Nét bin đinh rồi. Con nhỏ lai này không biết từ góc biển chơn trời nào tới đây, sống bám vào thành phố từ ngày giải phóng. Ăn xin có, móc túi có, bắt mèo nhà người ta làm thịt có. Mười ba tuổi đã đủ bộ như mười sáu hai mươi là vô nghề làm gái. Thực tập trước ở mấy vườn bông, mấy công viên. Bộ đội thích nó lắm nên có dạo con Nết là chủ vựa bán đường, sữa, bột ngọt...Có tiền, bớt lam lũ, nước da lai của con Nết lộ dần ra, trắng bóc. Một anh Ba, trước đây đã vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã thuê một phòng đầy đủ tiện nghi cho Nết ở để “trả thù” đế quốc. Dạo này anh Ba bận công tác miền Bắc dài dài không bị “trả thù” nên Nết rổi rảnh và buồn, đi “bắt” nhiều hơn.Thằng Lai gọi liền:“Nết. Nết...Bữa nay mày “trúng mánh” rồi...Nhớ đãi tao chầu chót nghe mầy”.Thằng Lai làm như không nhìn thấy mấy người ngồi gần đó nhăn mặt. Nốc cạn ly bia, nó đứng lên bỏ đi. Ngang qua con Nết, nó còn vỗ vào mông con Nết một cái, cười cười:“Để dành bớt xài dần mày ơi.”Thằng cha ngồi trước mặt Nết mập ù. Bụng này chứa cả thùng nước lèo còn thiếu.Ở thời buổi, lĩnh thùng đồ Mỹ xài, ăn rồi đi cà nhõng sao không ai hỏi thăm hết vậy? Ở đâu có sứ quân đó, nhà hàng chỉ có việc moi tiền, bắt bớ, tình nghi là việc của công an. Còn quản lý con người là việc của phường khóm, của tổ dân phố. Sở dĩ yên ổn được là vì thùng hàng nào ngoài thuế má cho nhà nước, về địa phương đều “chai hia” nên vui vẻ cả. Rồi còn việc đóng góp, lao động, lúc nào tên hắn cũng hàng đầu, nhà thì treo chình ình cái ảnh bác.Con Nết cầm cổ tay anh ta, ngắm nghía cái đồng hồ:“Vàng thiệt không anh?”“Thiệt chớ.”“Bên Mỹ gửi về phải hôn?”“Không. Mua ở đây, mà tiền thì ở bển gửi về.”“Áo quần anh mặc cũng ở bển?”“Ừa. Em Nết, hôm nay anh bao em, lát nữa em cho anh lên thăm em nghe...”“Hôm nay? Hổng được, bất thình lình ổng đi co6ng tác về, biết đâu. Thôi mình ra vườn bông, kín mà mát mẻ. Ý, em phải trả tiền bao thuốc lá ở ngoài...”“Em cầm tiền nè...”Con Nết đi ra, không trả tiền mà là mua thêm một bao thuốc lá ở sạp thuốc ngay trước cửa. Chị đàn bà bế con ăn xin lật đật đứng dậy, chìa tay. Đưa mớ tiền lẽ cho chị ta, Nết nói:“Tối nay có mối, làm chỗ dùm nghe.”Chị đàn bà gật đầu. Lúc Nết quay vào thì chị cũng bế đứa nhỏ băng qua đường, về phía công viên.Thằng Bò cũng bò theo chân chị. Con Quê ở vườn bông, nhờ nó sang đường mua dùm khúc bánh mì. Buổi cơm chiều giản dị vậy thôi, để lấy sức làm việc vào buổi tối.Ở nhà hàng Hương Lan,đã hết giờ giải lao, hai nhạc sĩ bắt đầu “tua hai” bằng những bản nhạc ngoại. Nhung “xì ke” đã hết bốn chai bia và vơi hơn nửa bao thuốc lá. Cô ta đổ nửa bao thuốc còn lại ra, lựa hai điếu để riêng. Uống cạn ly bia cuối cùng, cô đã ngật ngừ lắm. Thằng Lai nói đúng, con mụ Huê không dám “hà tiện”, có tới hai trong số 20 chục điếu 3 số.Thở một hơi dài, ngồi yên một lúc, Nhung mới bật quẹt. Ngọn lửa xòe ra, bén đầu điếu thuốc. Hít một hơi, mắt lim dim nhìn xuống đốm lửa lập lòe, một mùi quen thuộc nồng nàn từ hốc sâu của mũi, luồng xuống, ngợp hai lá phổi, đi xuống, tan trong thịt da, đi lên, luồng lõi trong óc não, che lấp ngăn trí nhớ và dồn dập vào khối tưởng tượng sảng khoái...Chai bia trên bàn không phải chai bia...điếu thuốc không còn điếu thuốc, sự tê mê đẩy rào rạt những niềm vui, kéo một nụ cười trên khuôn mặt đã ngờ nghệch của cô gái.“Coi, cô ta say bia”Ai đó nói. Nhìn mấy chai bia lỉnh kỉnh, cô gái đờ đẫn, y hệt một người say. Nhưng cô ta không say bia, mà đang “phi” xì ke. Điều này chỉ một mình anh nhạc sĩ biết...Tay anh bỗng nhiên khựng lại, tiếng đàn violon vút lên, một mình, lạc lỏng. Anh nhạc sĩ đã làm rơi mấy nốt nhạc.Đến lúc vãng khách, người ta dọn dẹp, lau sàn nhà, chồng bàn ghế lên, Nhung “xì ke” vẫn đang trong trạng thái “phi đậm”. Bảo vệ tới mời ra, Nhung nhướng đôi mắt lờ đờ lên nhìn, miệng cười vu vơ.“Lôi nó ra ngoài.”Quản lý ra lệnh.Trong một góc, anh nhạc sĩ đang uống nốt chai bia nhà hàng đãi. Anh đặt cái chai không lên quầy, đi đến bên người bảo vệ đang hung dữ kéo mạnh cô gái đứng dậy.“Có đi ra không? Hết giờ rồi.”“Anh để tui.”Nhạc sĩ giọng nhỏ nhẹ, hiền lành. Anh đỡ cô gái, dìu ra ngoài. Suốt buổi, trong cái không khí sặc mùi rượu và thuốc, anh như thiếu không khí thở. Giờ đây, đường phố đã vắng, anh đang dìu một cô gái đi dưới hai hàng me cao, và gió như giúp cho anh nhiều khí trời để thở...Anh đặt cô gái tựa vào một thân cây, giọng vỗ về:“Tôi gọi xe xích lô đưa cô về nhà nhé?”Đôi mắt lạc thần không nhìn anh, mà hướng lên vòm lá me đen sâu trên đầu:“Về...không, đưa em đi...em đi...”Anh mím môi, quay người tránh cô gái đang nhón người lên, muốn ghé môi hôn. Từ quần áo, da thịt cô gái toát ra một mùi nhờn nhợn, tanh tưởi. Anh biết, cô ta không những phi xì ke mà còn nằm bàn đèn nữa. Không bao lâu sẽ tới chích choác và...Anh không dám nghĩ tiếp.Vẫy gọi một chiếc xích lô, anh cố đỡ cô gái muốn vùng vẫy mà không còn sức. Anh phải trở về nhà. Khuya rồi, người vợ trẻ đang chờ anh, đêm nào cũng vậy, tới giờ nào anh về tới nơi thì giờ đó người vợ mới yên lòng...Anh trở lại nhà hàng. Đèn bên trong đã tắt. Ở hàng hiên đã có mấy người bụi đời xí phần. Người đàn bà điên đêm nay cũng về đó. Chị ngồi bệt sát tường, lơ láo ngó mấy gốc cây, mấy chiếc xe chạy vụt qua, ngồi ngó hoài không biết mệt. Không biết ai đã cho chị một bộ quần áo cũ chật bó người...Anh đi vào phía mé hông, vô một ngách nhỏ lấy xe đạp. Người bảo vệ trực cười cười:“Về à? Sao không lên xe về với con nhỏ, coi bộ nó chịu chú nhạc sĩ quá rồi.”Anh biết, khi đang lơ mơ, Nhung đã bị nhiều đàn ông lợi dụng. Bởi thế, mỗi lần nhìn thấy cô gái tự giết dần mình, anh lại đàn sai, lạc điệu.Trời đêm thật mát. Nhưng đường về nhà vẫn xa lắm. Ngang qua nhà thờ Đức Bà, anh thấy một con vật gì bò nhanh qua đường. Anh lạng xe tránh và nhận ra thằng Bò. Đêm nào cũng vậy, cứ khuya lắc khuya lơ, anh thường gặp thằng nhỏ tàn tật bò tới dưới chân tượng Đức Mẹ.Bữa nay khuya rồi mà sao mấy cặp trai gái cứ còn ngồi xà nẹo rãi rác trên bãi cỏ, trước mặt nhà thờ. Cũng may bao nhiêu bóng đèn đường đã bị gỡ hết nên tượng Đức Mẹ đứng khỏi nhắm mắt. Thằng Bò mãi mới nhớ ra đêm này là chủ nhật. Chủ Nhật ông nhạc sĩ mới về khuya, hồi nãy suýt chút là nó ăn bánh xe đạp của ông ta...Vậy mà nó không giận ông nhạc sĩ đâu, mà lòng nó sao sao ấy, mấy lần thấy ông ta nhìn nó, ánh mắt hiền thôi, như bất cứ ai, nó cũng chỏ miệng chửi cho một câu, mà với ông, câu chửi mắc lại trong miệng nó mới lạ.“Ê, đi chỗ khác, nhìn gì mầy”. “Tao đang đái, mầy không thấy sao mầy?”Thằng Bò ghếch chân lên. Nó cười lớn. Mấy thằng “cà chớn” này không việc gì phải sợ.“Rồi cút đi.”“Tao cứ ngồi đây, tao cứ nhìn.”Cô gái đang ngồi trong lòng người đàn ông lên tiếng:“Thôi mà Bò. Mày đi chơi đi. Biết mày lì rồi.”“Việc gì nói tử tế với con vật ghê tởm đó. Để anh đá cho nó một cái.”“Đừng anh. Nó tàn tật mà. Kệ nó. Mình ngồi đây hóng mát rồi xuống dưới kia, có chỗ tốt mà kín đáo lắm.”“Đ.M con Nết.”Thằng Bò thấy ghét cả hai đứa. Người đàn ông to con, bụng phệ hầm hè, nhưng rồi cô gái ôm chặt cổ.“Thôi kệ nó. Kệ nó đi. Ê, tao nói chuyện tử tế nghe Bò.”Mọi lần thì nó cũng thôi, nhưng hôm nay mắc cái chứng chi mà nó thích chọc cho người ta chửi.“Tao ngồi đây mắc mớ gì mày. Đ.M, ai thèm nhìn, nhìn cho đui con mắt à.”“Ranh con mất dạy.”Thằng Bò cố lật người nằm ngữa dưới cỏ, nhưng hôm nay sao khó quá, nó làm hoài không được, nó đành nghiêng người, và cứ mở lớn mắt nhìn. Người đàn ông giận lắm, biết không làm gì được nó, nên chỉ hằn học ấm ức. Con Nết kéo người đàn ông đứng dậy, không quên được cái tật đưa tay phủi đít quần.Họ đưa nhau đi xuống phía dưới. Thằng Bò biết mà, công viên Chi Lăng chớ chỗ nào nữa. Có một cái góc, phía trên là dàn hoa giấy mọc rậm rì, che chung quanh mấy bụi cây lớn, động của bà Bảy Cà tong đó thôi. Bà Bảy cà tong này ở đâu đến, ai mà biết.Coi như chủ đất miếng công viên này rồi. Không chồng, nhưng có hai thằng con trai và đứa con gái thuộc loại “chằng ăn trăn quấn”, dữ và hỗn khiếp luôn. Thằng Hai Nuôi, chiếm góc đường bày chỗ vá xe đạp. Thằng Tửng cô hồn thì cầm đầu một nhóm “đầu trâu mặt ngựa”, tới mùa, xí mấy chục gốc me quanh khu vực, hái me mà ra tiền. Củi khô cũng do Tửng thầu hết. Đàn em của Tửng tuần tự đúng ngày là giữa ban ngày ban mặt leo thoăn thoắt lên cây như khỉ, cầm dao, rựa vạt cành khô. Xe cộ đi phía dưới, xui ai nấy lãnh đủ.Thành tích của hai đứa con trai như vậy nên chị Bảy Cà tong là bà Thần ở công viên này rồi. Chị chiếm chỗ ngon lành nhứt, và còn đủ kín đáo cho người ta thuê ngắn hạn mà an toàn vì con Lê, con gái chị ngoại giao giỏi với khu vực. Thằng Bò cũng hay tới đây để giải trí.Biết vậy nó bò theo, nhưng chỉ theo cách xa thôi. Đến nơi không thấy con Nết với ông ta đâu nữa. Hôm nay chủ nhật, dỹ nhiên con nhà ăn xin còn làm việc khuya ở các hàng quán, chưa ai chịu về. Nó bò lại chỗ kín đáo mọi khi để xem “phim sống”. Nhưng bên trong không phải là con Nết với người đàn ông kia mà là chị Bảy cà tong. Đã gọi là Bảy cà tong rồi thì biết. Thằng Bò sinh ra tàn tật thân thể thì ông trời cho nó đôi mắt. Mắt mèo thì cũng tinh bằng nó thôi, nó nhìn thông suốt bóng tối được. Coi bà Bảy cà tong, toàn xương với da, bà trần truồng coi giống cây tăm quá. Còn thằng cha nào đây? Thằng Bò suýt kêu ồ lên một tiếng. Long Tân Định rõ rành rành. Thằng này cũng ốm nhách, hai bộ xương ôm nhau vật lộn và bà Bảy cà tong thì vừa vật vừa kêu:” Chết cha mày, chết cha mày chưa.” Và thằng Long Tân Định thì thở phò phò, giọng khàn đặc: “Chưa chết. Chưa chết. Chưa chết đâu má ơi!”“Dù má!”Thằng Bò chửi ầm ĩ và cười rống lên. Đáng ra, chắc chắn nó sẽ bị thằng Long Tân Định đá cho mấy cái, nhưng may, giọng thằng Tửng cất lên:“Thôi má ơi. Má già rồi mà còn... thiệt má dơ quá.”Thằng Long lượm cái áo thun tròng vào:“Ủa, mày há Tửng.”“Mày muốn làm cha tao phải không? Đù má. Ra đây.”“Đù má mày Tửng. Sao mày cứ đợi lúc người ta đang “mùi” mà giựt họng mầy?”“Mùi chừng nào nữa đây. Sao lúc nào bà cũng bận “mấy chiện” đó vậy? Bà tới tuổi nghỉ hông chịu nghỉ.”“Ừa, tao chưa chịu nghỉ. Tao hồi soan, mầy.”“Thiệt là dị. Chuyện vậy mà má...Hừ. Long, mày xong chưa?”“Ê, hông phải tao nghen mầy. Má mày đòi, bả “hiếp” tao...”“Ha ha, thằng xạo nghe, tao lại...”Long Tân Định lùa bụi cây đi ra, quần áo đã chỉnh tề. Hai đứa kéo nhau ra góc nói chuyện to nhỏ. Thằng Bò nghi quá, chúng sắp “đánh” vụ nào đây...Coi thằng Tửng đưa một cái gì gói trong cái áo cho Long Tân Định.“Tao hông chắc được nghen mày. Còn coi việc mày phụ có nổi không?”“Đù má. Tao đã run tay bao giờ chưa?”“Tao tin. Thôi được rồi cha. Cha đi khuất mắt cho con nhờ.”Long Tân Định biến. Trong góc tối, chị Bảy ca cải lương hồ quảng giọng vẫn còn mùi lắm. Thằng Bò dời chỗ, nó đến nơi cái ghế đá con Quê thường ngủ. Không thấy con Quê đâu, trên ghế có hai người ngồi. Lạ chưa, sao ông Bảnh không ngồi với chị Mùi như mọi lần mà là một thằng? Lại đi với mấy thằng bê đê chớ gì nữa. Tham quá, đã làm ông chủ quán Bạch Ngọc mà vẫn không bỏ mối đi khách này.“Anh à, ở ngoài đó khổ lắm. Mẹ và mấy đứa em nhất định phải tìm cách vô Nam.”“Sao không nói bà già gả quách con Tầm cho xong, nhớn rồi, nuôi mãi à?”“Lấy ai ở ngoài đó mà gả? Bộ đội giải ngũ nghèo rớt mồng tơi, nuôi thân không nổi, lấy gì nuôi vợ. Em thấy anh phải khẩn trương lo cho gia đình vô đây mới mong không chết đói. Mẹ giờ yếu lắm, mà phải đi lao động suốt. Tiền bạc? Làm gì có, chỉ đi ủng hộ đê điều...Già cũng phải đi.Cả nhà nói em vô trước gặp anh, bàn tính cách nào...“Tao đang lo. Đau phải nói là được ngay...”“Nghe nói anh đã là ông chủ quán Bạch Ngọc...”“Chủ chủ cái búa. Con mẹ khôn lắm, tao coi vậy chớ chưa sơ múi gì...”“Anh đã ăn ở với bà ta rồi, ván đã đóng thuyền, sợ gì?”“Thôi mày ơi, đóng thì gỡ ra mấy hồi. Tao đang lo, ông chủ có thể sắp về đến nơi. Tao đang khẩn trương, trong giai đoạn này mày mà vác mặt tới là hỏng việc nghe chưa...Mày biết, tao nát óc ra, phần bà ta chưa tin lắm, phần con Mùi nó phá...”“Mùi nào nữa.”“À,nó là chị ở, mày không biết đâu. Thôi mày đi đi, tao phải về cho lẹ, bà này đa nghi lắm.”“Anh còn tiền cho em... Mấy hôm nay ngoài bến găng lắm.”“Khổ quá. Tao vắt xác ra. Mày bớt xài với chứ?”“Em chỉ dùng để ăn mà ăn không no, dám xài đâu.”“Ừ. Nhắc chừng thế. Thôi, chia tay.”Hai anh em ông Bảnh nắm vai nhau. Ông anh béo trắng mà thằng em đen thui, ốm lóc chóc trông rõ thiếu ăn.. (°tiếp theo).Nhét cái vào tay người em cái gói nhỏ, chắc là tiền, Bảnh còn dặn:“Nhớ đừng tới tìm tao ở quán nghe. Khi nào cần lắm hãy nhắn.”Mỗi người đi một phía. Thằng Bò vẫn lẩn trong bóng đêm. Gớm, cái công viên này, hễ có bóng điện nào máng lên thì liền tức thì có đứa gỡ xuống. Khuya lắm rồi mới thấy bà con bụi đời lần lượt về. Mệt mỏi, mạnh ai nấy sắp chỗ ngủ. Nó thấy con Quê mới về cũng đang thu dọn trãi chăn chiếu trên chiếc ghế đá thường khi. Nó bò tới:“Quê. Bữa nay mày ế hả mày?”“Đây đâu phải chỗ của mày...Mày láng cháng đây chi vậy?”“Mày xuống đây tao nói chuyện này cho nghe.”Con Quê xuống ngồi cạnh nó.“Bữa nay mày cho tao ngủ đây, tao nằm dưới đất. Tao biết đêm nay có chuyện.”“Chuyện gì vậy? Công an ruồng bắt phải hôn?”“Không”“Mày nghe. Mày muốn rình cái động của con mẹ Bảy cà tong phải hôn? Thôi mày ơi, để cho người ta làm ăn...mày biết, thằng Nuôi, thằng Tửng du côn mà.”“Tao có làm gì đâu...”Nó định nói về chuyện thằng Long Tân Định, nhưng nó đâu có bằng cớ gì bữa nay mấy đứa có chuyện, nó làm thinh.“Tao hổng bảo đảm gì hết nghe, mày muốn ngủ thì mày cứ ngủ.”Con Quê nằm xuống, kéo chăn trùm kín đầu. Thằng Bò vẫn ngồi chổm hổm, mắt mở thao láo. Nó thấy con Nết với người đàn ông đi về phía bụi cây, chỗ kín đáo của bà Bảy cà tong, rồi thằng Tửng thì thầm gì với thằng Long Tân Định, cứ thoáng hiện thoáng biến.Một lúc sau, thằng Bò bò đi, đến cái xó tối kín đáo thường ẩn mình...Nó nghe giọng con Nết cười, rên ầm ĩ. Còn chị Bảy cà tong thì nằm một góc khác, vắt chéo chân, ca cải lương. Không có bóng dáng Hai Nuôi, Tửng và Long Tân Định đâu nữa.