Trấn dừng xe trong một khoảng sân cát rộng. Buổi trưa, nắng nghiêng đổ xuống qua những tàn cây. Nhưng bóng mát vẫn chiếm đầy, hơi ấm bốc lên với mùi lá, mùi cỏ. Khu vườn cây cối nô đùa cùng với gió, màu hoa choáng ngợp trong tầm mắt. Những đóa hoa đỏ rực bên những màu vàng lác đác đó đây. Một khu vườn đẹp. Tôi chép miệng. Và Trấn mở cửa xe dẫn con bước xuống. Tôi buột miệng: - Nơi này tao mới tới lần đầu tiên trong đời. - Ở đây chỉ toàn con nít tắm. Tôi cười cười. Phía trước là khoảng hồ nhỏ, nước xanh ánh lên trong màu nắng gắt, chói mắt. Bên bờ hồ tay trái là sân chơi patin, giờ này vẫn đông người, hầu hết thanh niên thiếu nữ, họ đu bay trên những đôi giày có bánh xe lăn, tiếng động trên sân ào ào sàn sạt tiếng cười đùa nô giỡn, la hé t. Tôi đưa mắt tìm kiếm, vẫn chưa nhận ra Kiều Mơ và mấy nhỏ bạn của cô bé. Họ đã tới đây chưa hay vẫn còn ngao du trong vười trái cây? Tôi theo Trấn bước vào phòng giải khát. Những chiếc bàn gỗ sơ sài đã có người ngồi. Duy nhất một cái bàn trống. Tôi và Trấn tiến đến. Ðứa con Trấn say mê nhìn ra hồ tắm. Nước mát và quyên rũ. Những thiếu nữ trong quần áo tắm đi lại trên bờ hồ rồi thỉnh thoảng phóng xuống nước lặn ngụp, chìm mất giữa đám người lố nhố bơi lội bên dưới. Một đứa trẻ con hầu bàn tiến lại. Nó ngước mắt hết nhìn tôi tới nhìn Trấn vẻ chờ đợi. Trấn hỏi: - Uống bia nhé? Tôi cười: - Bia chứ, sợ gì. - Hai chai bia ba mươi ba và chai nước ngọt đi nhỏ. - Dạ hai cậu có dùng chi không? - Cái gì nhậu được? - Nem, tôm khô củ kiệu, thịt rừng, thịt chim... nhiều lắm. Thứ nào cũng có. - Tôm khô củ kiệu đi. Một đĩa. Cái khác tính sau. Ðứa nhỏ quay đi. Trấn gọi giật lại: - Ê, có cho mướn quần áo tắm cỡ con nhỏ này không? - Dạ có. - Mướn ở đâu? - Phòng kia. Ðứa trẻ con chỉ, Trấn bảo tôi: - Ngồi đây nhé, tao lo cho con nhỏ một chút. Trấn dắt con đi về phía phòng cho mướn quần áo tắm. Tôi đảo mắt nhìn khắp đám người loi nhoi đông kín. Từng gương mặt mệt phờ, nhễ nhại mồ hôi từ phòng trượt bước ra ngồi thở gọi nước giải khát. Tôi chờ đứa trẻ con mang bia ra. Ly bia sóng sánh, tôi uống một ngụm lớn, nhón miếng tôi khô củ kiệu. Ngon tuyệt, gật gù như một bợm nhậu chính cống. Tôi thấy Trấn đưa đứa cond dã thay xong quần áo tắm vác chiếc phao nổi ra bờ hồ. Con bé ngần ngại một lúc, Trấn vòng tay chỉ dẫn, cuối cùng con bé nhào xuống hồ. Trấn trở lại bàn nói: - Vái trời con nhỏ đừng chết chìm. - Yên chí. Hồ này cạn queo. - Sao mày biết? - Có ai bị mất đầu đâu. Họ đều ló đầu lên cao khỏi mặt nước cả. - Người ta lội đó ông ơi. Tôi lẩn thẩn nghĩ không biết cảm giác của người ta khi lội dưới nước như thế nào, chứ tôi, cảm giác đó là một cảm giác rùng rợn. Nhớ lại lúc nhỏ, tôi dại dột nghe theo lời của mấy tên bạn đi tắm sông. Tụi nó đứa nào cũng lội ngon lành, tôi vẫn lớ ngớ ở trong bãi toàn ngụp lặn dưới bùn cho chúng quậy lên. Một đứa dụ tôi: - Mày cứ lội đại ra ngoài này đi Hưởng. Dễ lắm. Tôi la lối: - Uống nước đầy bụng ai bảm đảm cho? - Tao bảo đảm. Không sao cả. - Tôi không lội. - Vậy tao bắt chuồn chuồn cho cắn rốn mày nhé. Chuồn chuồn "nhậu" rốn mày một miếng lập tức mày sẽ biết lội ngay. Và một hôm tôi can đảm đưa rốn cho con chuồn chuồn đớp một miếng, không đau lắm nhưng cảm thấy ghê ghê trong da thịt. Và cũng kể từ hôm đó tôi tin mình đã biết lội. Nhưng khi ra tới sông, tôi suýt bị chết chìm sau khi đã uống no một bụng nước. Cũng may nhờ tên bạn đã nhanh tay kéo tôi vào bãi. Tôi vừa giận mấy tên bạn đã gạt tôi vừa thấy lại cảm giác rùng rợn khi người bị ngộp thở chìm dần xuống nước. Tôi như bị nhốt trong một chiếc hộp, cựa quậy được, nhưng biết rằng cựa quậy cũng vẫn đưa mình đi dần vào cái chết. Từ hôm đó tôi không bao giờ dám tắm sông nữa, và lớn lên tôi rất ghét những người nào... tắm hồ. Trấn bỗng đá vào chân tôi: - Uống đi chứ bạn. Tôi cười, ngửa cổ nốc một hơi bia. Tôi đã thấy da mặt mình nóng lên sau ngụm bia dài đó. Mắt tôi ngờ nghệch đảo ra lớp sóng người bên ngoài, qua tấm lưới lớn chắn ngang làm vách quá. Và bỗng mắt tôi sáng lên khi trông thấy cô bé Kiều Mơ mặc đồ tắm cùng đi với ba người bạn, dĩ nhiên cũng mặc đồ tắm tiến ra phía bờ hồ. Phải nói là tôi bàng hoàng trong ít phút, hơi thở vấp váp một cách bực bội. Em nhỏ mặc quần áo tắm, Chúa ơi. tôi như bị một sức thôi miên mạnh mẽ kéo đứng dậy khỏi chỗ ngồi và từ từ tiến tới tấm lưới có những ô vuông lớn. Lúc này Kiều Mơ cũng vừa trông thấy tôi. Cô bé đỏ mặt lên, thoáng một nụ cười chưa nở hết đã vội tắt ngay. Và hầm hầm hỏi: - Ông đi tới đây làm gì? Tôi vấp váp mãi mới thành một câu đáp: - Tôi tới đây để xem em chơi patin. - Người ta đã cấm rồi mà. - Làm sao cấm được? - Ðược chứ. Ai biểu ông lỳ làm gì. Bây giờ ba cô bạn em cũng đã trông thấy tôi. Cả ba người đều hoảng hốt rúc vào nhau như sẵn sàng muốn tan biến đi để tránh đôi mắt ngờ nghệch của tôi. Phụng Tiên liếm môi hắng giọng hỏi: - Ai mời ông tới đây? - Không ai mời cả. - Bộ ông tới chơi patin sao? - Tôi rất ghét cái trò đó, nhưng rất thích xem người ta chơi trò đó. - Ai cho ông xem? - Người ta có mắt chớ bộ. Tôi cáu sườn đối đáp ngon lành. Càng lúc da mặt tôi càng nóng lên, hơi thở tôi nhảy mạnh thành những nhịp lớn nghe rõ trong lồng ngực. Tiểu My bỗng lè lưỡi kêu: - Eo ôi, sao mặt ông này đỏ quá chừng. Ðôi mắt ông cũng dễ sợ chưa. Ðông Ngân liếc một cái thật bén: - Ông ta là bợm nhậu mày ơi. Ông ta đối ẩm với ông kia kìa. Em bỗng gằn giọng: - Ông tới đây lâu chưa? - Lâu. - Sao em không thấy ông? - Tôi không thấy em làm sao em thấy tôi được. - Rồi ông làm gì? Tôi rùn vai: - Thì buồn buồn.... nhậu lai rai với tên bạn. - Chỗ này đâu phải để ông tới nhậu. - Ai cấm? - Không ai cấm, nhưng ông nên đi chỗ khác nhậu. - Chỗ này nhậu ngon. Ai dại gì đi chỗ khác. - Ông nhìn người ta cho sướng mắt hả? Bây giờ, quả thật tôi mới nhìn em. Bộ đồ tắm của em gồm hai mảnh vải hoa màu sặc sỡ. Da thịt em trắng hồng, mái tóc ước nước, những giọt nước long lanh còn đọng lại trên cổ em chảy xuống. Tôi biết đó là những giọt nước mát lạnh giữa trưa nắng gắt đang làm cháy khô cổ họng tôi. Ddâu làm sao khác hơn được khi em đứng trước mặt tôi, rất gần. Chỉ cần một cái vói tay là tôi có thể nắm đươc. em. Nhưng tôi không có can đảm làm thế, và dù có can đảm làm thế, tôi cũng đụng phải tấm lưới sắt oan khiên đã ngăn tôi với em thành hai thế giới riêng biệt. Em hất mấy cọng tóc ướt, mắt hơi dịu lại: - Cũng bày đặt uống rượu nữa há? - Đâu có, tôi chỉ uống bia. - Bia và rượu mấy thứ? - Rượu khác, bia khác. Em đúng... Tôi bỗng thấy mình vô duyên khi định ví em như một người không biết uống rượu. Ừa nhỉ, vô duyên thật, làm sao em dám uống rượu để có thể phân biệt được sự khác nhau giữa bia và rượu? Tôi cười, bỏ ngay câu nói bỏ dở: - Em đúng là con gái. Vậy mà tôi cũng bị bạn em mắng cho một câu khá đau. - Ông này vô duyên. Tôi đáp ngon trớn. - Phải chi em là con gà chắc hay hơn. Em là con gà tôi sẽ vặt lông nấu cháo xé phay, thế là tôi có một bữa nhậu linh đình. Em bỗng giận dữ: - Ông dám nói người ta là gà hở? - Tôi chỉ ví dụ thôi. - Cũng không được ví dụ. - Tưởng tượng. - Cấm tưởng tượng bậy bạ như vậy. Rồi em ném cho tôi một câu đe dọa trước khi kéo tay mấy nhỏ bạn đi nơi khác: - Cấm nhìn người ta nữa à. Và tôi thấy em "bông nhông" xuống hồ tắm nhanh và đẹp như con nhái. Một đám nước màu xanh bắn tung lên, túa ra như ngọn pháo bông rồi rơi rớt trở lại hồ. Em mất tâm dưới đáy nước cùng ba nhỏ bạn. Tôi ngẩn ngơ đứng nhìn một lúc. Và tôi bỗng thấy em cùng ba cô bạn từ từ trồi lên khỏi mặt nước giữa một đám đông con trai lố nhố. Tôi đâm ra bực tức, cáu giận vu vơ. Ngay bây giờ tôi bỗng muốn mình biết lội, lội thật giỏi để nhào xuống hồ. Em và ba nhỏ bạn chơi tạt nước vào nhau, tiếng cười đùa giòn giã rơi vào những âm thanh hỗn tạp khiến khó phân biệt. Tôi chỉ thấy gương mặt em trắng xanh lồng trong màu nước, cùng nụ cười rạng rỡ mờ nhạt trong vùng bụi nước tung lên bủa quanh. Em lặn ngụp, trôi nổi, chìm khuất. Và em mạnh khỏe, tươi mắt giữa một bữa trưa nóng bức đang trùm xuống. Xa xa phía bờ hồ là những đóa hoa đang nở, màu đỏ chói của nó làm rưng rưng mắt tôi. Hình như tôi cũng nghe tiếng chim rơi rớt trong khu vườn xanh bóng cây. Tôi trở lại chỗ ngồi. Trấn hỏi: - Sao, gặp em nữa hả? Tôi cười: - Em gì đâu. - Hẹn hò ở đây bao giờ mà làm khó bạn bè thế? - Một sự tình cờ bạn ạ. Trấn cười lớn. Nó gọi thêm hai chai bia nữa. Tôi cũng nổi sùng uống thi với Trấn, hai chai bia vừa cạn. Cô bé cũng vừa chán trò bơi lội, cùng kéo ba nhỏ bạn vào sân trượt patin. Lúc này mặt tôi chắc đỏ ngầu như ông Quan Công, tôi nhìn cô bé lướt qua tấm lưới sắt. Cô bé không thèm nhìn trả tôi cái nào. Nắng như vỡ tan ra từng mảnh trước mắt tôi thành những đốm sao lóe sáng. Tôi tưởng tượng ra cô bé đang nhún nhẩy trên đôi giày bánh sắt, một cái băng mình hai bánh xe tròn đưa cô bé đi trợt nhanh như tia điện xẹt giữa đám thanh niên thiếu nữ rộn ràng lượn qua lướt lại. Bấy giờ, tôi đang vái thầm cho cô trượt chân ngã xuống sàn. Bất ngờ có tiếng người la thất thanh: - Có người chết đuối. Trấn nhanh như chớp chạy ra hồ tắm. Tôi cũng băng mình chạy theo, cùng lúc với đám đông đổ dồn về nơi xảy ra tai nạn. Thì ra, đứa con Trấn đang ngồi trên chiếc phao êm đềm trôi quanh hồ xem cảnh người ta lặn ngụp không hiểu nó cảm hứng thế nào mà rơi xuống nước. May mà có người trông thấy kịp kéo nó lên. Khi Trấn chạy ra, con nhỏ đang mếu máo khóc. Trấn ôm con dỗ dành: - Không sao đâu, không chết đâu mà sợ. Ai biểu con lội xuống nước làm gì. Tôi vỗ lên đầu con nhỏ cười khề khà: - Ai biểu mày ham lội chi. Con nhỏ vừa khóc vừa kể: - Con đâu có nhảy xuống nước. Có một thằng nhỏ đẩy con rơi xuống chứ bộ. Trấn đứng phắt dậy, mắt long lên: - Thằng nào chơi đểu vậy, chỉ nó cho bố. Con nhỏ càng khóc dữ: - Con đâu có biết, đông quá, nó đẩy con một cái mạnh rồi lặn mất tiêu. Trấn hầm hầm ngó từng gương mặt đang vây quanh. Ðám đông tản dần. Chắc không phải vì ngán sợ Trấn nhưng chán xem màn kịch đã tới hồi kết thúc. Hồ tắm lại trở nên ồn ào như cũ. Từng người nhanh nhẹn phóng xuống nước bôi lội lặn ngụp. Tôi khẽ liếc vào sân chơi patin định tìm Kiều Mơ xem em có bị gãy chân chưa. Không ngờ có tiếng nói quen thuộc phía sau lưng: - Sao ông không tắm với nó, coi chừng nó luôn, để nó suýt chút nữa là ngủm, thấy không? Tôi quay lại, bắt gặp đôi mắt em giương lớn. Tay còn xách đôi giày trượt, mồ hôi lấm tấm trong chân tóc mai. Tôi bỗng nổi sùng hét: - Bộ nó là con tôi sao? - Con ai cũng vậy. Con của bạn ông thì ông có nhiệm vụ trông chừng. - Tôi mắc trông chừng em, còn rảnh rang đâu mà trông chừng nó. Chắc cô bé không ngờ tôi nói câu đó. Cô ngạc nhiên mở tròn mắt. Ðôi mắt ấy bình thường đã to, bây giờ nó càng to hơn nữa. Em hấp háy môi định nói gì đó nhưng nói không ra lời. Tôi thấy mặt em biến từ màu hồng sang màu xanh tái, tôi đang khoái chí định cười thì bất ngờ làm sao em đẩy mạnh tôi một cái. Tôi không gượng nổi, sau một giây loạng choạng, chới với, tôi rơi tỏm xuống hồ. Tôi vẫn còn trong thấy gương mặt em hầm hầm, cái tay thon dài trắng muốt còn đưa ra phía trước, giữa tiếng cười ầm ầm nổi lên của đám người đáng ghét chung quanh. Lưng tôi cảm thấy mát lạnh vì hơi nước dưới hồ. Và rồi tôi sặc sụa chìm dần trong đáy nước. Tôi có cảm tưởng đáy hồ sâu lắm chứ không cạn queo như lúc nãy tôi đã nói với Trấn. o0o Buổi sáng đang thả những giọt nắng mỏng xuống những đỉnh cây đầy lá xanh non thấy được bên ngoài cửa sổ. Tôi đang theo dõi con chim sẻ vừa ở đâu bay sà đến, cái bóng xám lướt ngang mấy chan cửa sổ xanh rồi dừng lại trên thành lan can. Cái bóng bắt đầu run rẩy, tôi đoán con chim đang rỉa lông, chớp cánh. Tấm màn cửa bây giờ trở thành màn ảnh chiếu lại cho tôi thấy hình dáng mờ nhạt của con chim sẻ. Trò chơi giữa tôi và con chim chấm dứt khi bất ngờ có tiếng gọi của Phố, khiến con chim hoảng hốt bay đi. Tôi hỏi vọng ra: - Gì đó nhỏ? - Hôm nay anh đi đâu không? Tôi đáp: - Ta còn đau. Phố cười nhỏ mấy tiếng: - Cảm nặng, kể từ hôm đó? - Biết rằng ta đang đau, và người đau hay cáu lắm. Vậy thôi. Phố gõ gõ vào cánh cửa: - Em vào chút xíu. - Ta không khóa cửa bao giờ. Và nhỏ em đẩy nhẹ cánh cửa bước vào. Nó nhìn quanh, đôi mắt lướt đảo nhẹ tênh nhưng cũng đầy soi mói. Cuối cùng nó bật lên lời khen? - Chà, phòng của anh hôm nay tương đối dễ nhìn à. Em thích bức tranh nhỏ ở trên đầu tủ sách. - Nhỏ biết gì mà thích? - Một bức tranh con gái. Cô bé để tóc dài, mặc áo cánh, quay lưng cho người ta ngắm chiếc gáy đẹp. Còn "nàng" thì ngắm vầng trăng tròn giữa bầu trời trong. Ðó là một đêm rằm, điều này nói được cô gái vừa tròn mười sáu tuổi. Phải không? Tôi cười nhẹ: - kể ra nhỏ cũng khá thông minh. Có thể trở thành nhà phê bình hội họa được. - Ai tặng anh thế? - Một tên bạn. - Họa sĩ? - Dĩ nhiên. - Bức tranh đáng lẽ phải treo trong phòng em mới đẹp. - Dẹp qua một bên. Tự nhiên sáng lên quấy rầy người ta. Mắc chứng gì thế? Phố cười chúm chím. Nhìn nụ cười con nhỏ tôi biết ngay là có dụng ý chi đây. Tôi nói: - Mi cười có vẻ... Ðiêu Thuyền quá. - Nhờ anh một chuyện. - Ta biết ngay mà. - Anh xin phép cho em đi chơi hôm nay nhé? - Cần gì ta phải xin phép. Bình thường nhỏ đi nhỏ tự động xin. Có ai cấm nhỏ đâu? - Nhưng hôm nay thì bị cấm. Mẹ bắt em coi nhà không được đi chơi. Vì hôm nay mẹ đi ăn đám giỗ. - Ba? - Cũng thế. Một trong hai đứa phải có đứa ở nhà. Hôm nay anh xin phép mẹ để anh... được ở nhà đi. - Ta đau, dĩ nhiên ta chả đi đâu. Tuy nhiên trời mới biết được chuyện gì xảy ra ngày hôm nay. - Thôi mà, dọa em hoài hủy. Anh xuống xin phép mẹ ngay đi, kẻo mẹ "dọt" à. - Nhỏ có chuyện gì cần kíp lắm sao mà có vẻ hối hả, nóng ruột và quyết liệt vậy? - Chuyện cần. - Ơ. - Anh biết rồi mà. - Ta có biết gì đâu. Mấy hôm ta đau nằm vùi trong phòng. - Nhưng em có linh cảm rằng anh đã biết. - Chà, gay cấn nhỉ? Tôi ném cho nhỏ em một cái nhìn. Con nhỏ hôm nay khác lạ. Nó trở nên hiền từ, ấp úng, e ngại rụt rè như con gái sắp có chồng. Trước cái nhìn của tôi, Phố hơi bối rối. Nó phải lảng tránh bằng cách nhắc nhở: - Anh xuống xin phép cho em đi. - Nhưng về chuyện gì? - Khó nói. - Khó nói chắc ta cũng khó xin. - Trời ơi, như vậy chết em à. - Chết nhỏ chứ chết ta sao mà ta phải cuống lên thế. Phố rụt rè: - Xong rồi em nói cho nghe. - Không. Nói trước. - Chuyện tình cảm của người ta mà. - A, cái này lại càng phải nói trước, nói rõ là khác. - Nhưng có gì để nói đâu? - A, cái đó ta cũng đâu biêt' được. Phố cắn môi. Ðôi mắt nhỏ em long lanh ướt nước. Mặt đỏ lên, vẻ bối rối thành cuống quýt. Một lúc lâu nó mới nói được: - Hôm nay Viễn hẹn em đi ciné. Phải nói là tôi ngạc nhiên lớn. Ngạc nhiên hoàn toàn trước câu Phố vừa nói. Viễn, tên bạn thân của tôi. Tên bạn lừng khừng ngơ ngác đó mà bình thường Phố vẫn ghét cay ghét đắng, chống đối mãnh liệt, nay bỗng nhiên lại trở nên thân thiết nhau, hẹn nhau đi ciné. Và gì nữa? Hình như chuyện tình cảm đã bắt đầu bằng một ly chanh đường, một quyển sách tặng, một tách cà phê uống chung và một buổi hẹn ciné cuống quýt. Tôi lên giọng đàn anh: - A, qua mặt ta cái vù nhỉ. Sao hôm nay "thằng" Viễn về không chịu ghé đây. Hai đứa hẹn nhau ở đâu? Phố nhìn tôi, rụt rè: - Dạ, ở quán sách ngoài đường Lê Lợi. - mấy giờ? - Sắp tới rồi. Tôi vê cằm: - Chuyện tình bắt đầu từ bao giờ? Phố đỏ mặt: - Em không biết nữa. Kinh nghiệm cho biết khi một đứa con gái nói "em không biết nữa" nghĩa là nàng đã biết nhiều lắm. Nhất là nàng ở đây lại chính là đứa em gái của mình. Và tôi bỗng nhận ra đứa em gái của tôi tự nhiên đổi khác. Ít nhất cũng trong tuần lễ này. Nó trở nên ngoan ngoãn, hiền dịu, rụt rè, e ấp. Và đôi mắt hay lúng túng kéo theo đôi chân cuống quýt khi bị tôi nhìn bất chợt. Con nhỏ Phố loi choi dễ ghét thường ngày biến mất. Ðôi mắt đen long lanh như ướt nước thay chỗ cho đôi mắt thường long lên dễ sợ như một võ sĩ thượng đài. Tình yêu đã làm cho đất trời này thay đổi, tình yêu cũng lam` cho con gái, một thứ đất trời mùa màng khác thay đổi luôn. Tôi giả vờ giận dỗi: - Như vậy từ bây giờ ta xuống dốc quá rồi nhỉ. Ông anh này ra rìa, đi chỗ khác chơi cho mau lớn, phải không nhỏ? Phố vẫn ngượng ngập: - Ðâu có. Anh vẫn quan trọng. - Mốc xì. Ðừng có cái giọng Ðiêu Thuyền, Bao Tự, Ðắc Kỷ. Thôi, để ta xin phép mẹ cho. - Anh là sứ giả của tình yêu nhé. Mai mốt em đáp lễ anh bằng cách giới thiệu anh với nhỏ bạn em. Tôi khoát tay: - Thôi, bạn của nhỏ ta rét lắm rồi. Cỡ nhỏ Kim Ngâu thôi chứ gì. - Nhỏ này dễ thương lắm cơ, anh chưa biết đâu. - Chắc mi vừa sưu tầm trong cuốn "những người đàn bà lạ lùng nhất thế giới" chứ gì? Tôi bỏ đi xuống nhà xin phép cho Phố. May mắn, là tôi vẫn còn một chút "thế lực" trong gia đình thật. Nên khi hỏi xin, mẹ tôi bằng lòng liền. Lúc đó bà đã sửa soạn xong, đúng điệu một người sắp đi ăn tiệc lớn. Bà nhìn tôi: - Ddã bớt chưa con? - Dạ bớt. - liệu ở nhà được chứ? Tao sợ mày nổi hứng đi bất tử bỏ nhà trống trơn như mọi khi. Hai đứa phải có một đứa ở nhà. Xin phép cho nó đi thì mày phải ở nhà. Nhưng mày ở nhà tao không mấy yên tâm. Tôi gãi đầu cười: - Dạ bữa nay má yên chí. - Nhưng con Phố đi đâu thế? - Nhỏ bạn rủ nó tới nhà tập làm bánh. Y như một ngàn lẻ một bà mẹ khác, mẹ tôi hấp háp đôi mắt có vẻ hài lòng: - Ừ, con nhỏ đó phải học thêm nữ công gia chánh hơn nữa. Tao coi bộ nó chả biết nấu nướng gì. Tôi cười: - Nấu nó không biết chứ nướng nó tài lắm má ơi. Hôm trước nó "nướng" nguyên nồi cơm bay mùi thơm phức cả xóm. Con cũng có lần nhớ nó ủi cái quần, nó "nướng" cái quần mất một mảnh. Con phải chịu khó, vác tới tiệm may nhờ vá hộ. - Thằng quỉ mày còn khôi hài nữa hả. Mày đồng lõa với nó, tối ngày cứ xin phép cho nó đi chơi. Năm nay đứa nào thi rớt thì rán mà chịu. - Con có nghề tương lai ngon lành mà má. - nghề gì, thằng quỉ? - Nghề nhà binh. Nếu rớt, con đi bộ đội. Tới tháng có lương đúng hẹn chứ không phải như cái "sở" của con hiện đang làm bây giờ. - Thôi, dẹp cái "sở" của mày lại. Lo học cho tao nhờ. - Dạ con thức khuya dậy sớm mà má. Ðiều này dĩ nhiên mẹ tôi biết quá. Bởi thế bà chỉ cười trừ, hăm dọa vài câu lấy lệ rồi xách giỏ trầu cau đi thẳng. Nghe tiếng xe ba tôi mất dần ngoài cổng, Phố nhào xuống ngay, mặt mày tươi rói: - Xong rồi hả anh? - Xong. Ta vẫn có thớ trong nhà này lắm chứ bộ. - Ổng đèo bả đi xem cũng đẹp đôi ác luôn. Tôi cũng đưa nắm đấm ra dọa nó: - Từ rày trở đi mày liệu hồn. Con nhỏ chạy loăn xoăn lên phòng, ném cho tôi một câu khá đau: - Em cho anh năm ngàn nợ đó. Năm ngàn, so với thời giá chả là bao, nhưng nó là một bản án treo đối với tôi mỗi lần nhỏ em cao hứng nhắc lại. Tôi bỗng yếu xìu như một con sâu bị đứa trẻ con dí que cây vào mình. Và tôi lủi thủi đi tìm thuốc uống. Ngoài sân, nắng đã đầy. Màu nắng vàng óng ả. Màu lá cây xanh rờn. Con mèo của Phố nằm ngủ lơ mơ, nó kêu gừ gừ mỗi khi bàn chân tôi di nhẹ lên tấm da lưng mềm mại như nhung của nó. Tôi buông mình trên ghế xích đu nhìn bâng quơ lên những chùm hoa đỏ. Ồ, đám dây leo ngoài bờ tường có nhiều hoa tím quá. Màu tím khiến cho những chùm hoa nhỏ li ti càng dễ thương hơn. Phố hiện ra, rực rỡ trong chiếc áo dài màu vàng mới may. Tôi nhìn nhỏ em khen: - Màu vàng này đẹp nhỉ. Phố đỏ ửng da mặt: - Anh chịu khó nằm nhà nghe, khi về sẽ có quà. - Cám ơn. Sao hôm nay nhỏ tử tế vậy? Một tiếng cười ngắn mang âm thanh reo vui như một suối nước chảy xuống dốc đá. Phố xoắn mấy sợi tóc của mình ngậm hờ trên vành môi. - Cho ta hỏi thăm Viễn, khi về bảo nó ghé chơi trước lúc vào quân trường. - Chắc Viễn sẽ ghé. - Không ghé ta "uýnh" nó vỡ phổi vì cái tội dụ dỗ em gái ta mà không báo động trước. Phố vụt bỏ chạy ra ngoài cổng. Nó quên khuấy con mèo dễ thương của nó thường ngày đang thức dậy giương cặp mắt xanh biếc nhìn theo. Tình yêu mầu nhiệm đã làm Phố quên hết. Và nhỏ em tôi mất hút sau cánh cổng khép lại, như ngăn tiếng chân hạnh phúc đang vang trên mặt đường phía ngoài với cái không khí trầm lặng của buổi sáng ở đây. Tôi nhắm mắt, nghe cơn đau của mình dìu dịu, thấm tận vào hồn, lan tràn cùng cỏ cây hoa lá, trời đất, sương và nắng đang tan vào nhau lại một ngày chủ nhật. Một lúc lâu, sau khi Phố đi, tôi bỗng nghe tiếng chuông ngoài cổng reo lên, tôi hình dung ra gương mặt thảm sầu của Trấn. Bên cạnh có đứa con gái của nó. Hai cha con nó cứ nhè rủ tôi đi ngao du để truyền sang sự bất hạnh của một người đàn ông bị vợ bỏ mà không muốn bỏ vợ chút nào. Và tôi chán ngán hé mắt ra nhìn về hướng cánh cổng sắt đang đóng. Chợt mắt tôi mở lớn hơn, vì ngoài cánh cổng không phải là Trấn mà là một màu áo con gái, mái tóc đen dài, dáng người nhỏ thấp, hình như cô bé phải kiểng chân lên mới với tới nút nhận chuông. Tôi hấp tấp đi ra. Kiều Mơ. Chúa ơi, tôi không ngờ em đã tới. Tay tôi run run khi mở cổng. Mắt tôi ngờ nghệch chiêm ngưỡng chiếc áo dài màu hồng phấn của em. Chiếc áo làm em xinh thêm, dễ thương ra và có vẻ người lớn hơn một chút. - Ông không mời em vào sao? Tôi như người vừa hoàn hồn, nói năng vấp váp tức cười: - Vâng, xin mời em vào. Em bước vào thật nhẹ nhàng. Tà áo chao lượn theo cơn gió như một cánh bướm. Trên tay em xách một giỏ trái cây. Tôi nhìn dược những trái cam chín vàng, hứa hẹn vô số nước mát ngọt lịm. Trên hết những trái cam là một nhánh hồng vàng gói trong giấy trắng. Màu hoa tươi rói, cũng như nụ cười tươi rói của em khi ngước mắt nhìn tôi. - Ông ngạc nhiên lắm phải không? - Ðúng. Tôi ngạc nhiên nhiều. - Chỉ nhiều thôi sao? - Quá nhiều. Ngạc nhiên lớn, ngạc nhiên kinh khủng. Em có vẻ hài lòng khi nghe tôi xác nhận bằng một câu đaầy tĩnh từ lẫn hình dung từ. Rồi em nhìn quanh: - Nhà ông đẹp quá. - Không phải nhà tôi, nhà của ba má tôi. Khi nào tôi có nhà riêng chắc chắn đẹp hơn, hoặc sẽ xấu hơn gấp bội. Em cười, trao tôi cái giỏ đầy trái cây, dĩ nhiên em không quên cầm lấy nhánh hồng. Em xoay nhánh hoa trong mấy ngón tay nhỏ, trắng muốt: - Ông xách giùm cái giỏ, nó nặng quá. Phòng ông có bình cắm hoa chứ? - Không. Tôi lười lắm, nên không sắm bình hoa. - Nhưng ít ra cũng có một cái lọ, đổ nước vào để trở thành môt. bình hoa tí hon. - Tôi có lọ mực tàu vừa hết. - Vậy cũng tạm được, nhưng ông nhớ súc nó thật sạch trước khi cắm cái này vào. Em tặng ông. Hoa trong vườn nhà em chứ không phải hoa mua ở chợ đâu. Em lén bố cắt lấy một nhánh đó. Bố mà biết được em sẽ ăn một cây roi. Tôi cầm lấy nhánh hoa. Hoa hồng ít khi có mùi thơm đậm, nhưng sao nhánh hoa em vừa trao có một mùi hương kỳ lạ. Có lẽ mùi hương do bàn tay nhỏ bé êm ấm của em truyền sang. Mùi hương làm cho tôi ngây ngất. - Ông đừng hỏi tại sao em biết nhà ông nhé. Bởi vì điều này rất dễ hiểu. Và em cũng chả muốn trả lời đâu. Nhưng một điều chắc chắn bắt buộc ông trả lời em ngay là ông đã hết bệnh chưa? Gián tiếp trả lời cho cô bé, tôi vừa húng hắng ho và khịt mũi mấy cái. Tôi không cố ý đâu, chỉ là một sự tình cờ, ngẫu nhiên. Em e ngại hỏi: - Ông vẫn còn đau? - Bớt nhiều rồi. - Ông có uống thuốc không? - Không. Tôi uống nước. Mỗi ngày tôi tập uống một thùng nước để đề phòng một lần té thứ hai nữa. Mặt em chợt buồn hiu, giọng em nhỏ nhẹ, than thở: - Bữa đó em cứ tưởng ông biết lội. Nào ngờ... - Tôi thích được em xô ngã mãi mãi. Nhưng ước gì tôi được ngã trên cạn thôi. Em cười khúc khích: - Bữa đó em tưởng ông chết luôn rồi chứ. Em sợ quá. - Em sợ bị ở tù? - Không phải. Em sợ cái khác. - Em sợ tôi thành ma hiện về bóp cổ em, hay dìm em vào hồ nước để trả thù chứ gì? - Cũng không phải nữa. Em sợ cái khác, ông không hiểu đâu. Và chính điều này đã làm em khóc khi thấy người bạn ông làm hô hấp nhân tạo cho ông. - Nếu tôi chết luôn thì sao? - Chắc em sẽ hối hận suốt đời. - Nhưng chắc chắn nếu chết luôn, tôi sẽ không hối hận chút nào. Em ngước cặp mắt dại dột nhìn tôi; - Bây giờ ông mời em vào nhà đi. - Vâng, mời em vào nhà. Tôi bước song đôi với em. Tôi thích thú lắng nghe tiếng giày em vang nhỏ trên sân gạch. Tà áo em có lúc bay sang người tôi, quấn quýt chân tôi. Lúc ấy tôi thấy em ngượng ngùng bối rối. Nhưng rồi tà áo cũng tự nó gỡ được ra khỏi chân tôi, trở về với em, nguyên vẹn là một cánh bướm màu hồng phấn nô đùa cùng với gió trong vườn. - Ông cũng đừng bao giờ hỏi tại sao em biết ông thích hoa hồng vàng nhé. Em sẽ không trả lời đâu. Tôi có ngu như bò mới dại dột hỏi em những điều ấy. Có những điều tự nó đã đầy ý nghĩa mà không cần giải thích, dù chỉ một câu ngắn ngủi. - Sao ông có vẻ bối rối vậy? Tôi hỏi: - Sao em biết tôi bối rối? - Nhìn vẻ mặt của ông thì biết. Có khó khăn gì. Con gái vốn sẵn trực giác mà ông. Tôi đành thú nhận. - Ðúng. Tôi đang bối rối. Vì không hiểu nên mời em vào phòng khách hay phòng của tôi. - Tại sao ông nghĩ vậy? - Vì bạn bè của tôi tới chơi đều nhào lên phòng của tôi cả. Ở đó tha hồ đấu láo. - vậy em có phải là bạn của ông không? - Bạn và không phải bạn. Em mỉm cười, giọng noí trở nên êm đềm: - Nhưng dù sao, ông cũng đừng để nhánh hoa của em tàn héo đấy nhé. Con mèo của Phố đang sưởi nắng trên thềm, thấy em vội vươn dậy và không hiểu do một hấp lực nào con mèo chạy vội lại, quanh quẩn dưới chân em, nó cạ hàm râu cứng, gừ gừ kêu tỏ vẻ thân thiện. Em cười hỏi: - Con mèo của ông? - Tôi làm gì nuôi mèo. Một loài thú mà tôi rất ghét. - Em rất thích mèo. Nhà em cũng có một chút mèo xinh xắn. Em đặt cho nó là Miu Miu. Tôi ừ ừ đưa mắt ngó con mèo không chút thiện cảm nào. Và tôi nghĩ con Miu Miu của em chắc cũng không khác gì con mèo của Phố. Vẫn cặp mắt màu biếc ấy lúc nào cũng kênh kênh những sợi râu cứng, tiếng kêu gừ gừ nhõng nhẽo và cứ thấy con gái là sà vào lòng. - Con mèo dễ thương ghê ông nhỉ. Nó làm quen với em. Em bồng con mèo lên. Áp gò má hồng đào lia vào cằm con mèo. Tôi bỗng muốn phóng cho con mèo một cái đá nặng ngàn cân. Tôi không dằn được sự bực tức nên hét: - Cút. Nghe tiếng hét của tôi, con mèo hoảng sợ thoát khỏi vòng tay của em, cong đuôi chạy trốn. Em ngước đôi mắt ngạc nhiên hỏi: - Sao ông ác vậy? Tôi giả bộ: - Con mèo có ghẻ. - Ủa, sao em không thấ ỵ Lông nó nướt, mịn như một tấm nhung mềm ma `. Nó lại thơm nữa. - Mùi thuốc xức ghẻ đấy. Tôi không muốn em bị lây bệnh ghẻ.. mèo. Vào nhà tôi loay hoay với ý nghĩ lúc nãy nhưng vẫn chưa tìm thấy quyết định. Em nhìn quanh chợt hỏi: - Ông ở nhà có một mình? - Tôi làm quản gia ngày hôm nay. Cả nhà đi ăn tiệc hết rồi. - Chết, trưa ông làm sao ăn cơm? - Tôi nhịn đói. - Ngó bộ ông mà nhịn đói được chừng một tiếng đồng hồ chắc em... cùi luôn. Có thể, em đã đoán đúng tẩy tôi. Nhưng nhịn đói một tiếng đồng hồ thì có gì là khó, miễn sau đó được ăn thả ga chứ sau đó mà vẫn phải nhịn đói nữa thì tôi đầu hàng. Tôi cười: - Nhịn đói một tiếng đồng hồ dư sức, nhưng tôi không bao giờ muốn cho em cùi.