PHỤ BẢN

 Những di tích lịch sử về vùng Mê-Linh hiện còn
I. Vị trí thủ đô Mê-linh,
Vị trí của thủ đô Mê-linh thời Lĩnh Nam, ngày nay bao gồm khu tam giác ba huyện Lương-sơn, Quốc -oai, Thạch-thất thuộc tỉnh Sơn Tây. Hay nằm trong khu vực bao gồm bởi:
– Phía Tây là sông Đà, bao bọc hai hòn núi Ba Vì (1281 m), Vua Bà (1031 m)
– Phía Bắc do sông Thao, sông Lô đổ vào sông Hát.
– Phía Đông bao bọc bởi sông Đáy.
– Phía Nam thuộc vùng Chương-mỹ.
II. Di tích thờ kính anh hùng thời Lĩnh Nam quanh Mê linh.
Di tích mà chúng tôi tìm được quanh vùng Mê-linh, cho đến nay (1988), còn tất cả 45 đền thờ anh hùng thời Lĩnh-Nam. Đa số thờ các vị tuẫn tiết trong trận đánh Cẩm Khê. Dưới đây liệt kê những đền thờ, miếu chính, theo số thứ tự. Con số trong ngoặc cuối dòng để chỉ số anh hùng:
1. Phạm Thông, Phạm Như. Tướng thuộc quyền Tương-liệt đại vương Nguyễn Thành-Công, tử chiến thành Mê-Linh. (2 vị)
2. Vũ Trinh-Thục, Công-chúa Bát-Nàn, phụ trách toàn bộ hệ thống Tế-tác ngày nay là Tình-báo quốc gia. Nếu vào thời Việt-Nam Cộng-hòa thì bao gồm Tổng-nha Cảnh-sát, Phòng-nhì bộ Tổng-tham-mưu, Phủ đặc ủy Trung-ương tình-báo. Nếu ở Hoa-kỳ thì bao gồm cả CIA lẫn FBI. Nếu tại Việt-Nam hiện thời thì gồm bộ Công-an, Cục Quân-báo. (3)
3. Chu Chiêu-Trung, Chu Đỗâ-Lý. Đệ tử anh hùng Chu Bá, tuẫn quốc sau vua Trưng, khi Mã Viện tiến đánh Cửu-chân.(5)
4. Ba chị em Chiêu Nương: Chiêu Anh Nương, Chiêu Hoa Nương, Chiêu Tiên Nương. Trong đội hộ giá vua Trưng. Tử chiến trận Mê-linh. (8)
5. Ba anh em họ Cao. Cao Chiêu Hựu, Cao Đà, Cao Nguyệt Nương, trong đội quân Tây Vu. Tuẫn quốc trận Nam-hải. (11)
6. Nguyễn Nga. Tuẫn quốc trận Hành Sơn. (12)
7. Phùng Vĩnh-Hoa. Một trong 12 nữ đại công thần thời Lĩnh-Nam. Đại bác học thời Lĩnh-Nam. Ngài được phong tước Công-chúa Nguyệt Đức, lĩnh Tư-đồ triều đình Lĩnh Nam). (13)
8. Chu Tước. Tướng chỉ huy đội Thị-vệ. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (14)
9. Sáu mẹ con Ngọc Ba. Không rõ họ. Mẹ tên Ngọc Ba. Năm con gồm hai gái Ngọc Bích, Ngọc Hồng. Ba trai Minh Thiên, Minh Nhân, Minh Đức. Tất cả tuẫn quốc trận Cẩm-khê. (20)
10. Ba tướng họ Đặng: Đại, Trung, Thiếu. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. Cả ba đều là tướng chỉ huy đội tiễn thủ. (23)
11. Ông Cai, không rõ họ, chức tước. Tuẫn quốc trận Lãng-bạc. (24)
12. Nhất Trung A, Nhị Trung A. Thuộc đạo quân Tây-vu. Tuẫn quốc trận Hành Sơn. (26)
13. Lý Minh. Tướng kị binh. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. (27)
14. Đao Khang. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. (28)
15. Ả-Lã. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (29)
16. Sa-Lãng. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê.(30)
17. Chu Hải-Diệu. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Nam Hải. (31)
18. Lôi-Chân. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn-quốc trận Hành-sơn. (32)
19. Nguyễn An, Ngự-trù của vua Trưng. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (33)
20. Hoàng Đào, Tướng chỉ huy đội Thi-vệ. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. (34)
21. Ả Tự, Ả-Huyền, Thương-Cát. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (37)
22. Đỗ Năng Tế, Tạ Thị Cẩn, Không giữ chức vụ gì, được tôn là Quốc-sư. Đền thờ hai ngài tại thôn Mỹ– giang, xã Tam-hiệp, huyện Quốc-oai ngoại thành Hà Nội. Hai ông bà được thờ chung. Ông bà là thầy dạy của vua Trưng và Trưng Nhị. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (39).
23. Phùng Thị Chính. Tướng phó thống lĩnh Tế-tác (Tình báo quốc gia)). Tuẫn quốc trận Nam Hải. (40)
24. Man-Thiên, Man-Đà. Người phụ trách giữ đền nói Man-Thiên là sinh mẫu vua Trưng. Man Đà là cậu vua Trưng. Cả hai cùng tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (42)).
III. Những hiện vật thời Lĩnh Nam quanh vùng Mê Linh.
Quanh Mê-linh, cho đến năm 1980 còn tìm được rất nhiều di vật thời Lĩnh-Nam. Một trong những loại di vật chính là trống đồng. Các nhà khảo cổ Việt Nam thường nhắc đến trống Đồng.
1. Trống đồng,
Nhiều giả thuyết cho rằng trống đồng được chế vào thời Hùng-vương. Giả thiết này tương đối vững, tin được. Vì khi dùng quang tuyến xác định niên đại đã chứng minh rõ ràng điều đó.
Trong khi tìm kiếm tài liệu về Anh Hùng Lĩnh Nam, chúng tôi đã thấy nói đến trống Đồng rải rác ở khắp các cuốn phổ.
Huyền thoại nói rằng phò mã Sơn Tinh dâng nhiều lễ vật lên vua Hùng, cầu hôn với công chúa Mỵ Nương. Trống đồng đó trước 1945 còn để tại hang Địch-lộng, vùng Ninh-bình. Hồi 1945, thuật gia đã viếng thăm, được thấy trống này. Không biết nay có còn không?
Huyền thoại nói rằng trong trận đánh giữa Phù Đổng Thiên vương với giặc Ân, " trống đồng hơn trăm chiếc, đánh rung động cả Sài Sơn".
An Tiêm từ đảo trở về, vua Hùng truyền đánh trống đồng đón rước. Đấy là trống được nhắc đến trong thời vua Hùng. Thời vua An Dương vương trống đồng cũng xuất hiện: Trận đánh giữa Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung với Đồ Thư tại vùng núi Đông-triều ngày nay: " rống đồng đánh vang dội, quân Tần khiếp vía".
Đến thời Lĩnh Nam, sau khi thành đại nghiệp, vua Trưng bàn với Công-chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh Hoa về việc đúc trống đồng. Công chúa hội ý với Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, rồi truyền đúc 6 loại trống khác nhau, tướng trấn thủ sáu vùng là Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Tượng Quận, Quế Lâm, Nam Hải. Tây-vu lục tướng được đề cử đúc trống. Các ông đề nghị khắc hình chim. Công chúa Gia-hưng (Trần Quốc) đề nghị thêm hình thuyền với người chèo đò, cuối cùng hoa văn trên trống được đưa ra triều nghị. Trống đồng được dùng trong quân, trong lễ nghi thời ấy.
Năm 1923 tìm thấy trống đồng trong vùng Mê linh, gọi là trống Sơn Tây.
Năm 1932 tìm thấy gần chùa Tùng-lâm, thuộc xã Mỹ -lương, huyện Chương-mỹ, 5 cây số Bắc Miếu-môn một trống đặt tên là Tùng-lâm (I). Gần đây, năm 1959 tìm thấy một trống nữa đặt tên là trống Tùng-lâm (II).
Năm 1959, tìm thấy trống lớn ở xã An-tiên huyện Mỹ -đức gần chùa Hương-tích.
Năm 1961 tìm thấy ở Thượng-lâm một trống, đặt tên là trống Miếu-môn (I).
Năm 1966 đã tìm thấy một trống ở đồi Ro, xã Long– sơn, huyện Lương-sơn, phía Tây Nam chợ Bến 5 cây số. Đặt tên là trống đồi Ro.
Năm 1973, tìm thấy ở cánh đồng Vọng-châu, xã Phú– lương, huyện Quảng-oai, nay là huyện Ba-vì, gần đê sông Hồng, 2 trống đặt tên là Phú-lương (I-II).
Năm 1975 tìm thấy trống Đồng bên bờ trái sông Côn (3 cây số tây bắc huyện lỵ Thạch Thất) một trống nữa, mang tên trống Thạch Thất.
Năm 1976 lại tìm thấy một trống lớn cạnh đền thờ công chúa Nguyệt Đức Phùng Vĩnh Hoa gọi là trống Miếu Môn (II). Tương truyền đây là trống lệnh của vua Trưng ban cho Công chúa Nguyệt Đức, khi bà lĩnh chức tổng trấn Tượng-quận, đem quân đánh nhau với Ngô Hán, Vương Bá.
Chúng tôi hiện giữ hai trống đồng tại Paris. Một do vua Trưng ban cho Công chúa Gia Hưng Trần Quốc, khi bà nhận lệnh đem thủy quân đánh lên vùng Bắc Nam Hải (Ngày nay ngang với Hương Cảng). Trận này bà giết chết đại đô đốc Hán là Đoàn Chí. Một do vua Trưng ban cho Bình Ngô đại tướng quân, Công chúa Thánh Thiên, làm trống lệnh, tổng trấn Nam Hải (Quảng Đông ngày nay).
2. Hiện vật, chiến cụ,
Thời Pháp thuộc cũng như sau này, trong vùng Mê-linh và phụ cận, các toán khảo cổ đã đào được rất nhiều búa, rìu, lao, mác, là vũ khí chế tạo thời vua Trưng, chôn cất, còn lại.
– Năm 1924, toán nghiên cứu địa dư Đông Dương đào được tại Quảng-oai một hố. Trong hố có 43 cái rìu, 12 cây giáo, 2 cây kiếm. Hiện vật này được đem về Pháp.
– Năm 1925, toán tìm kiếm mỏ của người Pháp, đào được một hầm chứa 5 cây đao, 7 cây búa, 12 cây giáo. Hầu hết đều mục nát. Nơi tìm thấy là xã Hà-hiệp, huyện Quốc-oai.
– Tháng 6 năm 1979, tại xã Hà-bằng, đã đào được một hầm ở độ sâu 0,50-0,70 cm 44 chiếc rìu, một chiếc giáo.
Việc tìm thấy trống đồng, vũ khí quanh Mê-Linh là truyện rất thường. Song các tỷ dụ trên, cho thấy đó là nơi chôn cất tập thể, có tính chất cất giấu, chứng tỏ xưa kia, đây là bãi chiến trường thời vua Trưng.
IV. Vị trí của đất Mê Linh trong sách sử cổ.
Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc-sử quan triều Nguyễn, khi chú thích về địa danh Cẩm-khê đã dẫn sách Thủy kinh chú của Dịch Đạo Nguyên như sau:
" heo sách Việt Chí, Cẩm-khê là Kim-khê ở phía Tây Nam huyện lỵ Mê-linh".
Vị trí của thành Mê linh ở trung tâm Cổ-lỗi trang. Về thành Mê-linh Cao Hùng Trưng ghi trong An Nam chí vào giữa thế kỷ 17. Sách Đại nam nhất thống chí của Quốc-sử quán triều Nguyễn dẫn sách Cao Hùng Trưng như sau:
"Thành cổ Mê Linh, theo An Nam chí thì Mê Linh ở phía tây phủ Giao Châu. Thời thuộc Hán là huyện của quận Giao Chỉ. Nhà hậu Hán vẫn theo như trước. Giữa thời Kiến Vũ, hai bà Trưng đóng đô ở đây".
"Thành cổ Phong Châu, theo An Nam chí chép: Ở phía tây bắc phủ Giao Chỉ, tức đất Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ đời Hán".
"Thành cổ Bình Đào, theo An Nam chí thì thành cổ Bình Đào ở phía tây bắc phủ Giao Châu, tức thuộc huyện Yên Lãng bây giờ..."
Sau khi thành đại nghiệp, vua Trưng cho xây thành Mê Linh, cùng cung điện. Các cung điện mà lịch sử còn ghi được gồm:
– Điện Kinh Dương, nơi vua thiết đãi triều, tiếp các Lạc vương, Lạc công. Trong điện có vẽ hình nguồn gốc phát tích của Quốc Tổ Hùng Vương: Vua Đế Minh kết hôn với Tiên nữ ở hồ Động Đình. vua Đế Minh tế cáo trời đất, phong cho con thứ là Lộc Tục làm vua Lĩnh Nam. Lạc Long Quân kết hôn với Âu Cơ đẻ ra trăm trứng. Sự tích An Tiêm làm lịch. Sự tích Phù Đổng Thiên Vương. Sự tích vua An Dương. Sự tích Vạn tín hầu Lý Thân xây thành Cổ Loa. Sự tích Trung tín hầu Vũ bảo Trung giết Đồ Thư. Sự tích Cao cảnh hầu chế nãy nỏ thần.
– Cung Âu Cơ, nơi vua Trưng ở.
– Điện Minh Đức, nơi vua Trưng làm việc hàng ngày cùng với Tam công, Tể tướng và Lục bộ.
– Phủ Lạc Long, nơi vua thiết tiêu triều.
– Phủ Thiên Vương, nơi vua Trưng luyện võ cùng với triều thần.
– Phủ An Tiêm, nơi nghiên cứu Thiên văn, Lịch số, chép sử.
Tục lệ do Quốc Tổ Hùng Vương để lại, là tổ chức lễ tế trời đất gọi là lễ Nam Giao. Ý nghĩa rằng: nhà vua thay trời đất cai trị muôn dân. Lễ Nam Giao trên một nền đất gọi là đàn Nam Giao ở phía Nam kinh thành. Di tích của thời Lĩnh Nam là chỗ dân Nam Giao xưa, nay thành xã Nam Giao thuộc tổng Hòa Lạc, tức xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.
V. Kết luận,
Kết lại, thủ đô Mê Linh thời Lĩnh Nam hiện vẫn còn đầy đủ di tích. Nào đền thờ các anh hùng tuẫn quốc, nào các hố chôn vũ khí, nào trống đồng, nào dàn Nam Giao. Hồi 1952, thuật gia đã được viếng cố đô Mê Linh, lặn lội khắp vùng. Bấy giờ mới 13 tuổi. Mãi tới năm 1990 mới được trở lại nghiên cứu chi tiết.
Đến nay (1990) sau 1948 năm, trải không biết bao nhiêu lớp sóng phế hưng, mưa nắng, nhưng cố đô vẫn không bị mai một. Dân chúng vẫn thờ kính, tưởng nhớ công đức chư vị anh hùng.
Tôi đã tổ chức một cuộc du lịch Việt-Nam cho những người yêu văn hóa lịch sử tộc Việt. Đoàn gồm 36 người, chia ra: Việt 9, Pháp 20, Đức 3, Anh 2, Hòa-lan 1, Bỉ 1. Chi phí rất rẻ, vì chúng tôi chia phí tổn đồng đều. Tôi làm hướng dẫn viên (Nhưng cũng trả tiền như mọi người). Đoàn đã viếng thăm 10 kinh đô tộc Việt:
1. Phong-châu thời vua Hùng.
2. Cổ-loa thời vua An-Dương.
3. Mê-linh thời Lĩnh-Nam.
4. Vạn-xuân thời Tiền Lý.
5. Trường-yên thời Đinh, Tiền Lê.
6. Thăng-long thời Lý, Trần, Lê.
7. Tây-đô (Thanh-hóa) thời nhuận Hồ.
8. Đồ-bàn, Chiêm-quốc.
9. Thần-kinh (Huế) thời Nguyễn.
10. Sài-gòn, thời Việt-Nam Cộng-Hòa.
Không biết do tôi thuyết trình hay do hoàn cảnh lịch sử, mà thính giả tỏ ra cực kỳ xúc động khi viếng Mê-linh và Cổ-loa. Chính tôi cũng cực kỳ rung động khi thuyết trình. Nếu các cơ sở du lịch của người Việt tại hải ngoại đọc được những dòng này, mà tổ chức hành hương 10 cố đô của tộc Việt, thực là vừa nhắc nhở du khách nhớ đến những thời oanh liệt của tổ tiên ta, vừa thu được nhiều... tiền. Mong lắm.
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ

Xem Tiếp: ----