Chương IV
Nam Đồng thư xã

    
am Đồng thư xã ở Số 6 đường 96, bờ hồ Trúc Bạch, gần đối diện với chùa Châu Long. Đó là một nhà xuất bản do tôi và hai anh Phạm Tuấn Lâm (Dật công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) lập nên, vào cuối năm 1926. Nguyên hồi ấy, phong trào chính trị đương bừng bốc. Tuy vậy, trình độ trí thức của dân mình còn thấp kém! Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục. Chúng tôi lập ra thư xã là mong làm việc ấy. Nhĩa là dạy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu Tổ quốc, biết thế nào là quyền lợi và nghĩa vụ của một người công dân. Sau nữa, giúp cho ai nấy có đôi chút thường thức về các khoa chính trị, như kinh tế học, xã hội học, các hiến pháp, các chủ nghĩa. Tất cả công việc ấy sẽ làm bằng cách xuất bản và phát hành các sách. Sách chúng tôi bán rất rẻ, chỉ mỗi cuốn một, hai hào mà thôi!
Sách hồi ấy còn xuất bản tự do, không phải kiểm duyệt trước như các báo. Những bài bị xóa ở các báo, có thể đem in thành sách. Cố nhiên là có thể bị cấm. Nhưng, với cái gọi là lối “chậm trễ hành chính” của nhà cầm quyền Pháp, khi họ ra được cái nghị định cấm thì sách mình đã bán hết rồi!
Thế nhưng “đạo cao năm thước, thì ma cao một trượng”. Thấy sách chúng tôi vẫn cấm mà vẫn ra, bọn mật thám liền bắt buộc bọn chủ nhà in, bao nhiêu sách xuất bản phải đưa chúng xem trước, để nếu có cần thì chúng làm nghị định cấm trước? Vì thế, có cuốn sách sớm vừa ở nhà in lấy ra thỉ chiều đã có nghị định cấm, và có người đi thu sách, tịch biên sách! Rồi, luôn năm sau, Toàn quyền ra nghị định bắt buộc các sách cũng phải đưa kiểm duyệt trước như các báo! Thế là ô hô, đi đời cái quyền ngôn luận của dân ta!
Anh Học khi ấy học trong trường Cao đẳng Thương mại. Với các anh em Cao đẳng, bọn “Nam Đồng thư xã” chúng tôi thường liên lạc để làm các việc tuyên truyền, hợp với mục đích của chúng tôi. Ví dụ như truy điệu cụ Phan Tây Hồ; truy điệu cụ Lương Văn Can; mở các lớp dạy cho snh em lao động học biết chữ Quốc ngữ. Vì thế chúng tôi quen với anh Học, và sự đi lại mỗi ngày một thêm thân. Đến cuối năm 1927, anh Học cùng anh Mịch lên ở hẳn với chúng tôi. Chúng tôi đã trở nên những người bạn “đồng xu cuối cùng”, nghĩa là “còn cùng ăn, hết cùng nhịn”.