Tôi tìm trong danh bạ những người tôi cần nói chuyện. Tôi ghi bên trái từ trên xuống tên những người tôi cần hỏi vay tiền: Karl Edmonds và Heinrich Belen, cả hai đều là bạn cùng lớp của tôi (đứa thứ nhất đã theo học thần học để rồi cuối cùng trở thành giáo sư, thạc sĩ, đứa thứ hai là phó linh mục), rồi Bela Brosen người tình của bố tôi. Sau đấy bên phải tôi ghi, từ trên xuống, tên những người mà cùng cực lắm tôi mới hỏi đến: bố mẹ tôi, Léo (tất nhiên tôi có thể hỏi nó, nhưng nó luôn luôn rỗng túi, có bao nhiêu tiền nó cũng đem giúp người ta hết), những hội viên của câu lạc bộ: Kinkel, Fredebcul, Blothert và Sommerwild. Giữa hai cột tên, tôi ghi tên Monika Silva khoanh lại bằng một hình hoa hồng xinh xắn. Karl Edmonds không có số telephon, có thể tôi sẽ phải đánh điện yêu cầu anh ta gọi lại cho tôi. Người đầu tiên tôi sẵn sàng gọi là Monika, nhưng tôi phải để lại sau cùng, quan hệ giữa chúng tôi đã ở vào một giai đoạn thật không lịch sự chút nào, cả về mặt siêu hình cũng như về mặt vật chất, nếu tôi đối xử với em một cách quá trớn. Tôi sẽ rơi vào một tình thế khủng khiếp. Từ khi bị ám ảnh bởi "nỗi khắc khoải siêu hình" (đây là từ ngữ của em), Marie bỏ tôi, mặc dù không muốn tôi vẫn sống, đúng với khuynh hướng một vợ một chồng, độc thân. ở Bochum tôi đã ít nhiều cố ý trượt chân, khuỵu đầu gối để có thể ngừng chuyến đi biểu diễn và trở về Bonn. Tôi thấy khổ sở, ngày càng không chịu nổi sự tra tấn mà những cuốn sách đạo của Marie gọi nhầm là "sự ham muốn xác thịt". Nhưng tôi quá yêu quý Monika để có thể qua em thỏa mãn tình yêu của tôi đối với một người khác. Nếu những cuốn sách đạo ấy nói là "ham muốn một người phụ nữ", thành ngữ này mặc dù đã là sống sượng cũng còn ý nhị hơn là nói "ham muốn xác thịt". Theo tôi từ thịt, trong trường hợp tốt nhất, chỉ có thể dành cho cửa hàng thịt. Khi tôi nghĩ là Marie làm với Zpfner cái điều mà em chỉ có thể làm với tôi, tôi đau khổ đến tuyệt vọng. Tôi do dự rất lâu trước khi nghĩ đến việc tìm số telephon của Zỹpfner ghi vào cột những người tôi không có ý định hỏi vay tiền. Marie sẽ cho tôi tiền, ngay tức khắc, tất cả tiền em có thể có được, sẽ lao đến giúp đỡ tôi, nhất là khi em được biết tôi bị thất bại như thế nào, nhưng em lại sẽ không đến một mình. Sáu năm ăn ở với nhau, thời gian ấy không phải không đáng kể, và Marie không có gì để làm ở chỗ Zỹpfner, ở bàn ăn cũng như ở trên giường của hắn. Chỗ của em không phải ở đấy. Về việc này tôi sẵn sàng đánh nhau vì em, mặc dù nói cho đúng công thức "đánh nhau" chỉ gợi lên ở tôi hình ảnh cụ thể: một cuộc ẩu đả với Zỹpfner. Thật kì cục!.. Khác hẳn đối với mẹ tôi, hình ảnh Marie chưa mất đi trong tôi. Tôi cho rằng những người đang sống là chết, và những người chết vẫn sống, nhưng không phải theo cách thức của những người theo đạo Tin Lành và những người theo đạo Cơ Đốc. Đối với tôi, một cậu bé như George bị tan xác vì một quả lựu đạn chống tăng còn sống hơn cả mẹ tôi. Tôi còn trông thấy rất rõ cậu ta trên bãi cỏ, trước bức tượng Apollon, với bộ mặt đầy vết hoe và cử chỉ vụng về, tôi còn nghe rõ Herbert Kalich hét cậu ta: "Không phải như thế! Không phải như thế!", tôi còn nghe rõ tiếng nổ, vài tiếng kêu thét (ít thôi), rồi lời bình luận của Kalich: "George mồ côi, còn là may!" và một tiếng đồng hồ sau đó, khi chúng tôi ngồi ăn trưa cũng bên chiếc bàn mà người ta ngồi xét xử tôi, mẹ tôi nói với Léo: "Hẳn là con sẽ khéo léo hơn nhiều so với cái thằng nhóc con ngốc nghếch ấy, đúng không?" Léo gật đầu, bố tôi nhìn tôi mà không tìm thấy trong ánh mắt của đứa con lên mười tuổi của ông có chút gì có thể làm cho ông được vững lòng. Đã nhiều năm, mẹ tôi là Chủ tịch ủy ban Trung ương các hiệp hội chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bà đến nơi ở của Anne Frank(1) và đôi khi sang cả Mĩ, ở đây, trong những câu lạc bộ phụ nữ, bà nói chuyện về nỗi ân hận của thanh niên Đức, cũng với cái giọng dịu dàng và ngây thơ có thể bà đã nói với Henriette khi chị đi nhập ngũ: "Hãy làm việc cho tốt, con gái bé bỏng của mẹ". Giọng nói của mẹ tôi, nếu muốn, tôi vẫn có thể nghe đến bao nhiêu lần cũng được, nhưng giọng nói của Henriette thì không bao giờ còn nữa. Giọng nói của Henriette có độ sâu lắng kì lạ và tiếng cười của chị vang lên thật trong trẻo. Một hôm, đúng giữa một trận đấu quần vợt, vợt của chị tuột khỏi tay, chị đứng yên tại chỗ và ngước nhìn lên trời, tư lự. Một lần khác, đang ăn, chị để rơi thìa vào đĩa súp, mẹ tôi kêu toáng lên, ta thán về việc áo của chị và khăn bàn bị vấy bẩn, còn Henriette đương như ở trên mặt trăng và khi đã trở về với trái đất chị lại điềm nhiên nhấc chiếc thìa ra khỏi đĩa súp, lấy khăn lau nó và tiếp tục ăn. Một lần khác nữa, giữa một ván bài cùng với mẹ tôi, trước lò sưởi, chị bỗng chìm đắm đăm chiêu; mẹ tôi bực mình hét chị: "Lúc nào cũng vẫn cái điệu mơ màng chết tiệt ấy!" Henriette nhìn bà và điềm tĩnh trả lời: "Sao cơ, con không còn thấy thích thú chơi bài nữa" và chị ném những quân bài còn lại trên tay vào lò sưởi. Mẹ tôi vội nhảy tới, nhặt lại các quân bài ra khỏi ngọn lửa, các ngón tay của bà hơi bị sém lửa, nhưng cứu vãn được các quân bài, trừ quân bảy cơ đã có đủ thời gian để ám khói. Mặc dù mẹ tôi cố làm ra vẻ như "chưa hề gì", không bao giờ nữa chúng tôi còn có thể chơi bài mà không nghĩ đến Henriette. Mẹ tôi không hoàn toàn là con người cay nghiệt, đơn giản chỉ đần độn đến mất lí trí. Hơn nữa vì bà rất dè sẻn trong vấn đề tiền nong, bà không cho chúng tôi mua một cỗ bài mới và tôi cho là quân bảy cơ ám khói vẫn nằm trong cỗ bài, khi bà sắp bài việc xuất hiện quân bài có vết đó cũng không gợi lên ở bà một ý nghĩ đặc biệt nào. Tôi sẵn sàng gọi telephon cho Henriette, mặc dầu các nhà thần học chưa tìm ra được cách thiết lập kiểu liên lạc ấy. Tôi tìm trong danh bạ số telephon của bố mẹ tôi (không bao giờ tôi có thể nhớ được): Schnier Alfons, tiến sĩ danh dự, chủ tịch - tổng giám đốc. Tiến sĩ honoris causa(1), đấy là điều tôi chưa hề biết. Trong khi tôi lập số điện thoại, tôi hình dung con đường ngăn cách tôi với ngôi nhà của chúng tôi: xuôi theo đường Koblenzerstrasse, bắt vào đường Albertallee, rẽ trái đi về phía sông Rhin. Mất một tiếng đồng hồ đi bộ. Nhưng cô thư kí đã nhấc máy: - Alô, tôi nghe đây... - Tôi muốn nói chuyện với bà Schnier. - Ông là ai? - Schnier, Hans, con trai hợp pháp của bà nhà. Cô ta nuốt nước bọt và suy nghĩ một lúc. Qua đường dây sáu kilômét, tôi cảm thấy sự do dự của cô ta. Cô ta có mùi dễ thương, một sự pha trộn mùi xà phòng và mùi chất sơn móng tay tươi mát. Hẳn cô ta phải biết rõ sự tồn tại của tôi nhưng cô không nhận được các chỉ thị chính xác về trường hợp của tôi. Về tôi chắc cô ta có biết qua loa một vài lời đồn đại: lạc lõng, cá nhân chủ nghĩa, tính tình kì quặc. Cuối cùng cô ta hỏi: - Ông có thể đảm bảo với tôi đây không phải chuyện đùa đấy chứ? - Cô yên tâm đi, và nếu cô muốn, tôi sẵn sàng cho cô biết các dấu vết đặc biệt ở mẹ tôi: nốt ruồi ở cằm, phía bên trái, hột cơm... - Được rồi! cô ta vừa nói vừa cười, ông giữ máy, tôi chuyển đường dây để ông nói chuyện với bà nhà. Việc bố trí đường dây điện thoại ở nhà chúng tôi - rất phức tạp. Riêng mình bố tôi có ba đường dây khác nhau: màu đỏ với mỏ than, màu đen với sở giao dịch chứng khoán và màu trắng chuyện cá nhân. Mẹ tôi chỉ có hai máy: màu đen cho ủy ban Trung ương các hiệp hội chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và màu trắng chuyện cá nhân. Tài khoản ngân hàng của mẹ tôi có số dư tròn sáu số cho lợi ích riêng của bà, còn tiền trả điện thoại (tất nhiên thêm cả tiền phí tổn cho các chuyến đi Amsterđam hoặc các nơi khác) thì do ủy ban Trung ương chịu trách nhiệm thanh toán. Cô thư kí hẳn đã bấm chệch nút nên mẹ tôi trả lời vào máy màu đen, đúng giọng một nhà kinh doanh. - ủy ban Trung ương các hiệp hội chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đây. Tôi đứng lặng, giá như bà nói: "Bà Schnier ở máy đây" có thể tôi đã đáp lại: "Hans đây, khỏe không mẹ?" Thay vì nói như vậy, tôi thông báo: - Một phái viên lưu động của ủy ban Trung ương những người Do Thái Yăngki đây. Bà có thể làm ơn cho tôi nói chuyện với con gái bà được không? Chính tôi cũng hoảng sợ về những lời tôi nói ra. Còn mẹ tôi thì thốt lên một tiếng rên nhỏ, rồi một tiếng thở dài chứng tỏ rõ ràng bà đã già đi biết bao. - Con không bao giờ có thể quên được, phải không? bà nói trong tiếng nức nở. Bản thân tôi cũng gần như muốn khóc, tôi thì thầm: - Quên ư? Vậy ra con cần phải quên đi, hả mẹ? Bà không trả lời và tôi chỉ nghe thấy có tiếng nức nở của một bà già, điều đó làm tôi thấy sợ. Đã năm năm tôi không gặp lại mẹ tôi; bây giờ bà phải quá sáu mươi tuổi. Trong khoảnh khắc, tôi đã thật sự tin là bà có thể cho tôi nói chuyện được với Henriette. Không phải là bà vẫn luôn mồm nói bà "có thể lui tới ngay cả với trời?" Có thể đó chỉ là một lời hóm hỉnh của bà; mọi người bây giờ đều nói về sự lui tới của họ: với Đảng, với trường đại học, đài truyền hình, Bộ Nội vụ. Nhưng tôi quả thật sẵn sàng muốn nghe tiếng nói của Henriette, ngay dù chỉ một từ, ngay dù chị chỉ nói "cứt". Từ đó ở miệng chị không có gì là tục tĩu. Khi Schnitzler gán cho chị những năng khiếu thần bí, chị nói "cứt" dịu dàng như chị nói "cảm ơn" (Schnitzler, nhà văn, một trong số rất đông những tên sống bám vào gia đình chúng tôi trong những năm chiến tranh. Khi hắn thấy Henriette chìm đắm trầm tư mặc tưởng, hắn không quên nhắc đến những năng khiếu thần bí của chị, và mỗi lần như thế chị chỉ trả lời "cứt"). Đúng ra chị cũng có thể nói: "Hôm nay tôi lại thắng Fohlenach trong trận đấu quần vợt", hay bằng tiếng Pháp: "La condition de Monsieur le comte est parfaite(1)". Thỉnh thoảng chị giúp tôi làm bài và chúng tôi vẫn chế giễu chị là làm bài giúp người khác thì rất hay còn bài của chị thì lại rất dở. Nhưng thay vào tiếng nói của Henriette, tôi chỉ nghe thấy tiếng nức nở già nua của mẹ tôi: - Bố có khỏe không, mẹ? lúc ấy tôi hỏi bà. - ồ, ông ấy già rồi, bà nói, già và đứng đắn. - Còn Léo? - ồ, Léo thì rất, rất chăm học. Người ta dự đoán ở nó tương lai của một nhà thần học đầy triển vọng. - Trời ơi! Tôi kêu lên, Léo nhà thần học tương lai! - Việc quy đạo của nó đối với chúng ta là một sự thử thách lớn, nhưng Chúa đã muốn như vậy! Rõ ràng bà đã lấy lại được sự bình tĩnh. Và tôi thoáng có ý muốn hỏi bà tin tức về Schnitzler, hắn vẫn coi nhà chúng tôi là một nơi ba chạ. Đấy là một chàng trai người béo tròn, ăn mặc chải chuốt, khi ấy hăng hái ủng hộ một châu Âu hợp nhất dưới sự lãnh đạo của nước Đức. Sau này, do tò mò, tôi có đọc một trong những cuốn tiểu thuyết của hắn, nhan đề: Un amour francais(2). Mặc dầu có cái tên hấp dẫn, nhưng nội dung truyện lại rất chán. Độc đáo duy nhất của tác phẩm làm cho người ta phải sửng sốt là ở chỗ nam nhân vật chính, viên trung úy Pháp bị bắt làm tù binh, tóc hoe, còn nữ nhân vật chính, cô gái người Đức vùng Moselle thì tóc nâu. Schnitzler giật thót người mỗi lần Henriette nói "cứt", nhưng hắn công nhận là một bản năng thần bí có thể gắn với nhu cầu văng tục (nói đúng ra, không có vấn đề nhu cầu ở đây, và Henriette không "văng ra" từ này mà chỉ hoàn toàn đơn giản "nói" thế). Hắn tìm thấy sự chứng minh trong cuốn Huyền học Cơ Đốc của Grre(1), phát hành gồm năm tập. Đúng là truyện hắn viết tiếp diễn một cách tinh tế nhất đời: "Bài thơ về những tên rượu vang Pháp kêu leng keng như những cốc pha lê mà đôi nhân tình chạm cốc chúc tụng nhau". Truyện kết thúc bằng một lễ cưới bí mật, điều này làm hắn chuốc lấy sự trừng phạt của Liên hiệp các nhà văn đế quốc Đức, cuốn này bị cấm lưu hành trong khoảng mười tháng. Những người Mĩ hồ hởi đón chào hắn ở Ban Văn hóa với tư cách là "kháng chiến" và hiện nay hắn chạy lon ton khắp Bonn, không lúc nào bỏ lỡ cơ hội rêu rao là hắn đã bị bọn phát xít trừng phạt, cấm đoán. Một tên giả dối như vậy cũng chẳng cần phải nói láo mới tìm được chỗ đứng có lợi. Hơn nữa, chính hắn đã xui giục mẹ tôi đưa tôi gia nhập ỎJung volkÕ(2) và Henriette gia nhập BDM(3). "Trong những giờ phút nghiêm trọng này, thưa bà kính mến, chúng ta cần phải hợp sức, sát cánh bên nhau, cùng chịu đựng". Trong trí nhớ, tôi vẫn còn trông thấy hắn đứng trước lò sưởi, tay cầm điếu xì gà bố tôi cho. "Một vài sự bất công mà chính tôi cũng là nạn nhân, không thể làm dao động quan điểm hoàn toàn khách quan của tôi là Quốc trưởng - giọng hắn đúng là run lên vì xúc động - Quốc trưởng nắm chắc thắng lợi". Những lời ấy nói ra khoảng ba mươi sáu tiếng đồng hồ trước lúc quân Mĩ tiến vào Bonn. - Schnitzler giờ ra sao? Tôi hỏi. - Thành đạt tuyệt vời! Người ta không thể thiếu anh ta ở Bộ Ngoại giao. Đúng là bà đã quên đi tất cả và tôi có thể sẽ rất ngạc nhiên nếu như từ Do Thái Yăngki còn có thể gợi lên ở bà một kỉ niệm nào đó. Tôi đã không còn thấy ân hận về cách thức tôi mở đầu câu chuyện giữa chúng tôi. - Thế còn ông nội? Tôi hỏi. - Tuyệt vời! Vững như bàn thạch! Ông sắp mở tiệc mừng thượng thượng thọ. Thật không thể hiểu được tại sao ông lại có thể vững vàng đến như vậy được. - Rất đơn giản, tôi trả lời, tất cả các cụ già ấy không hề bị mòn mỏi với kí ức và hối tiếc. Ông có ở nhà không mẹ? - Không, ông đi Ischia sáu tuần. Cả hai chúng tôi đều im lặng. Tôi vẫn không thật tin có thể kiểm soát được giọng nói của tôi. Trái lại, mẹ tôi hoàn toàn làm chủ được mình lúc bà hỏi tôi: - Nhưng mà, nói mẹ nghe, mục đích thật sự của con trong việc con gọi về...? Mẹ có nghe nói là con lại có những chuyện rủi ro. Hình như con có khó khăn về mặt nghề nghiệp? - A ha! tôi nói, chắc mẹ tưởng con muốn moi tiền mẹ chăng, nhưng mẹ hãy yên tâm. Hơn nữa chẳng bao giờ mẹ cho con gì đâu. Không, con sẽ nhờ tòa án. Quả là con cần tiền, con có ý định đi Mĩ. Có người giúp con một cơ may ở bên đó. Đúng là một tên Do Thái Yăngki, chúng con sẽ làm hết sức mình để tránh mọi đối kháng chủng tộc. ít hơn bao giờ hết bà muốn khóc vào lúc này. Trước khi gác máy, tôi còn nghe thấy bà nói gì đó về các nguyên tắc. Và mùi của mẹ tôi không thay đổi: bà không có mùi gì. Đấy cũng là một trong các nguyên tắc của bà: "một phu nhân không bao giờ được để toát ra bất cứ mùi gì". Có thể chính vì thế mà bố tôi đã có một bà nhân tình xinh đẹp, chắc chắn không trút ra bất cứ mùi gì, nhưng là một phụ nữ trông ngon mắt.