Phần chín

HỌC
LÊ ĐỨC QUANG
Năm hai mươi, tôi theo đàn anh lớn hơn mình năm hoặc mười tuổi, để học hỏi sự thông minh, hiểu biết...
Năm bốn mươi, tôi cũng theo đàn anh lớn hơn mình năm hoặc mười tuổi, để học hỏi kinh nghiệm, từng trải...
Năm sáu mươi, tôi quay ngược lại theo tuổi trẻ hai mươi, để học hỏi sự nhanh nhẹn, tháo vát... Học lại từ đầu.
TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO
PHẠM QUỐC
Ông nội tôi là cụ đồ nho, quanh năm quần ta, guốc mộc. Tết nào học trò cũng đến. ông mất, họ khóc suốt đêm.
Bố tôi là thầy giáo thời trước giải phóng; sau này, về làm ruộng, chân lấm tay bùn. Vài học trò cũ có dịp gặp, cúi đầu:
''Con chào thầy'', lễ phép.
Tôi là giáo viên thời bao cấp, dép Lào, áo lính; một buổi lên lớp, một buổi bán kem cây. Học trò vẫn ''chào thầy'' kính cẩn. Gẫm lại ba đời thầy, tôi thấy phảng phất đâu
đây lời ''tôn sư trọng đạo''.
CÂY QUẠT
LÊ NGUYỄN THỤC QUYÊN
Ngày còn ở quê, cháu thích ngủ chung với Bà. Giường chật, nóng, nhưng có bàn tay và những câu chuyện cổ tích của Bà đem luồng gió mát vào giấc ngủ...
Bố mẹ đón Bà vào thành phố. Phòng rộng thênh thang, máy lạnh chạy rì rì, chẳng phải dùng đến quạt. Buồn, Bà gọi cháu cùng ngủ. Cháu nhăn mặt ''Cháu không quen ngủ chung''.
Cây quạt của Bà hóa ra thừa thãi.
ĐỒ CỔ
LÊ NGUYỄN THỤC QUYÊN
Biết tôi chuyên nghiên cứu đồ cổ, anh mời đến, cho xem bộ sưu tập thời Lý. Quý chúng lắm nên hàng ngày anh lau chùi kỹ lưỡng, đặt chúng nằm trang trọng trong phòng khách thật đẹp. Để có được nó, nghe đâu anh tốn công ròng rã mười năm trời... Có tiếng ho yếu ớt bên chái nhà tối tăm nơi góc sân. Tò mò, tôi liếc nhìn... Mắt cụ già nhỏ bé đang run rẩy trên chiếc giường con trải manh chiếu rách, cáu bẩn, tồi tàn. Bên cạnh là tô cơm khô cứng tự bao giờ... Món đồ cổ trở nên vô nghĩa.
BÔNG ĐIÊN ĐIỂN
NGUYỄN SAN
Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển. Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật qua lăn tõm xuống cống đen ngòm đề lộ đôi chân phèn túa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.
CHUNG ĐƯỜNG NƯỚC
NGUYỄN SAN
Mảnh vườn hương hoa của anh Ba và thằng Út có chung đường nước. Mấy năm nay hai anh em giận nhau, đến nỗi giỗ cha mạnh ai nấy cúng. Cái mặt đập bên cạnh có cây ổi già bị rào kín lại, mạnh ai nấy đắp.
Đêm ba mươi tháng tám nước lên nhanh quá. Anh Ba chở xuồng đất đắp vội lên mấy chỗ nước tràn. Bỗng, giật mình chạm phải bàn tay ai vừa bê một tảng đất sình nhão nhoét.
Một thoáng ngỡ ngàng, anh nhận ra thằng Út. Bốn bàn tay chai sần bất động đè lên mặt đập. Trong đêm tối, bốn dòng nước mắt phan chiếu ánh sao sáng bong lanh.
THỜI GIAN
NGUYỄN THÁI SƠN
Tôi viết về người thầy cũ, dạy tôi cách đây ba mươi hai năm. Bài đăng. Con đường mười cây số, từ miệt huyện, tôi đạp xe cọc cạch về thành phố tặng thầy tờ báo. Thầy đọc đi đọc lại mấy lần: ''Bất ngờ quá, anh ạ!''.
Phút chia tay, bất ngờ hơn: ngày xưa, tay tôi run như lạnh khi thầy đưa viên phấn lên bảng, bây giờ, tuổi tác làm bàn tay thầy run rẩy trong hai bàn tay tôi, nhưng điềm tĩnh, ấm áp.
XA VẮNG
NGUYỄN THÁI SƠN
Hồi ấy, mồi lần Ba nổi giận; hoảng; đứa vờ lật vở học bài, đứa quét nhà, đứa lăng xăng xuống bếp, đứa Út chuyên chui vào góc giường trùm mền kín mít.
Giờ đây, ngay trong sự thương yêu đầm ấm của Ba, các con vẫn tứ tán: người đi làm xa, người công việc xuôi ngược, người theo chồng, cậu Út ngồi đại học. Ba lủi thủi ở mé quê một mình, xa vắng.
CHUYỆN NHỎ...
VÕ THANH SỬ
Chị tôi theo chồng định cư ở nước ngoài. Vừa về thăm nhà dắt theo thằng con trai. Lúc đi cháu còn bế trên tay, nay đã ba tuổi Cháu rất ngoan, lễ phép, cả nhà cười vui theo từng câu hỏi của cháu.
Hôm nay, hai cậu cháu đứng trước cửa nhà ngắm ông đi qua bà đi lại, tôi cho cháu quả ô mai mơ là món cháu rất thích. Nhấp nháp xong, cháu cầm cái hột bé tí hỏi tôi: “Vất đi đâu hở cậu?”.
Tôi vô tư chỉ ra đường. Cháu ngần ngừ giây lát rồi hỏi lại tôi: “Thế nhà cậu không có giỏ rác hở cậu?”
Tôi nhìn ra đường. Bao nhiêu là rác đang ''cuốn theo chiều gió''. Trong tay cháu chỉ là cái hột ô mai bé tí. Ôi! Cháu tôi...
NGÀY THỨ 7
Đ.T
Thuở bé tôi luôn luôn chờ đợi ngày thứ bảy. Vì đó là ngày ba tôi thường đưa cả nhà đi ăn tối, đi xem phim. Đến tuổi dậy thì, ngày thứ bảy càng đáng yêu hơn vì đó là ngày tôi đến nơi hẹn với người yêu. Khi lập gia đình, tôi cũng mong ngày thứ bảy để được nghỉ việc, được giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa... Và bây giờ tôi sợ ngày thứ bảy! Đó là ngày chồng tôi họp bạn nhậu, con tôi hẹn với người yêu, tôi hoàn toàn cô đơn.
CẦN THIẾT
T.T
Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời Thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ. Một lần điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi: ''Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền''. Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp: ''Anh chỉ cần em''.
TÓC MƯỢN
MINH TÂM
Thuở trước mỗi khi bới đầu bà thường dùng một lọn tóc nhỏ thêm vào búi tóc. Bà bảo đó là ''tóc mượn'' - Tôi hỏi: - Mượn của ai? - Bà cười.
Bà bệnh nhiều không bới tóc nữa, thỉnh thoảng bà thoa dầu dừa tay run run chải lọn tóc mượn. Tôi hỏi:
- Bà chải tóc làm gì?
- Để dành cho mẹ con.
Bà mất, mẹ không bới đầu, lọn tóc mượn không ai nhớ tới. Một lần dọn dẹp chợt thấy lọn tóc, mẹ dửng dưng:
''Ngoại mầy thiệt...''
Tôi thấy nhớ bà, thương bàn tay run run chải tóc.
ĐÒN CỦA BỐ
VŨ THỊ THANH TÂM
Nắng trưa hè rát bỏng kèm theo đợt gió nóng. Thằng con từ ngoài ngõ vào mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm đầy bùn, tay giơ cao xâu cá vài con đòng đong, cân cấn. Giận quá, phết cho thằng con mấy roi. Đêm nằm, xoa mấy vệt lằn ở mông con, lòng xót xa, nghĩ lại ngày xưa: mẹ mất sớm, bố ở vậy nuôi con, sau mỗi lần bị đòn vì nghịch ngợm, đều thấy bố quay đầu đi, tay dụi mắt. Ước gì trở lại ngày xưa bé để được ăn đòn của bố. Bố ơi!.
MINH TÂN
Ngày còn là nhân viên bình thường, dẫu xa nhưng bố vẫn thường xuyên về quê thăm bà. Ít nhất mỗi tháng một lần. Nay nghe bố đã được làm lãnh đạo một công ty, bà vui lắm nhưng suốt cả năm rồi, vẫn chưa thấy bố về với bà. Bà lại buồn, sức khỏe yếu dần đi. Một hôm, nghe có người làng bảo nhìn thấy bố được phỏng vấn trên truyền hình. Kể từ đó, lúc nào bà cũng mở ti-vi và thường xuyên ngồi bên để chăm chú xem. Bà mong được gặp bố.
GIÓ QUÊ NỘI
VÕ MINH TẤN
Bà nội lên thành phố thăm cháu. Tay xách nách mang những nào là cây với trái quê nhà. Bọn trẻ ùa đến tíu tít vây quanh bà ''Cái gì,đây nội?'', À, cái quạt, làm bằng mo cau đó''. Mẹ phì cười “Ở đây có quạt điện, cả máy điều hòa, mẹ mang cái đó theo làm gì cho vướng?”
Đêm hè, trời oi. Thành phố bỗng nhiên mất điện. Ba cau có còn mẹ lầm bầm đi thấp nến. Bà khẽ gọi ''Các cháu lại đây với nội''. Lấy chiếc quạt mo ra, vừa quạt bà vừa nói: “Gió quê nội đó, mát không các cháu?”.
LÒNG MẸ
TRẦN THẠNH
Hết thôi nôi, mẹ tập cho con biết ăn, biết nói, biết đi.
Bố mất sớm, mẹ đành ở vậy nuôi con.
Lên ba tuổi, con lười ăn, mẹ còn lo từng bữa, dọa có ông địa ''to thù lù'', để ép con ăn.
Lên mười tuổi, con mải chơi bạn bè cùng lứa, mẹ lại cầm roi ''dọa'' tìm con về ăn đúng bữa.
Mười lăm tuổi, con đi học xa, bữa cơm nào mẹ cũng dọn sẵn, chờ con.
Hai mươi mốt tuổi, con lấy vợ, ra riêng. Mẹ già sáng, trưa thui thủi một mình, nhớ con.
Bữa cơm, không quên kèm thêm đôi đũa để cạnh mâm...
NUÔI MẸ
NGUYỄN THỊ THẢO
Con ở Đức về, giàu có, đón mẹ ra nuôi. Con dâu hồ hởi, cơm quà cho mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới, quạt riêng.
Mẹ như vàng.
Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần, trò chuyện, lại gởi quà về quê. Vợ nhìn xoi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng mắc. Lạnh nhạt...
Mẹ thành bạc.
Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho...
Chẳng chăm mẹ. Một mình vất vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng: ''Xem thế nào, đưa mẹ về quê...''
Mẹ thành rác vứt bờ tre!..
THẦY TÔI
TRẦN THU THAO
Hồi học lớp hai trường làng, tháng mưa dầm nước ngập, đi đường ướt lạnh, khi đến lớp, thầy khoác áo cho tôi.
Lớn lên trở thành cô giáo dạy vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nếm đủ ấm lạnh tình người nhưng không hơi ấm nào bằng hơi ấm tình thầy.
Về thăm, thầy vẫn đơn độc bên mái lá nghèo đối ẩm bên mấy ông bạn già hưu.
Mấy năm sau, vườn thầy mọc lên ngôi mộ cô quạnh lẻ loi. Tháng mưa dầm nước ngập, đêm lạnh: ai khoác áo cho thầy?
GIA ĐÌNH
NGUYỄN TIẾN THĂNG
Mẹ dằn chồng bát. Người ăn thì có người làm thì không. Bố lặng im, dốc từng hơi rượu, mắt vằn đỏ... Hai tháng nay bố nghỉ việc. Cơ quan giảm biên chế. Mẹ bán hàng ăn, dạo này ế ẩm. Tôi nghỉ dạy thêm do bị cảm. Bố nhất định không chịu ra phụ mẹ trông hàng, sợ nhếch nhác. Một mình mẹ xoay xở, nuôi cả nhà. Mẹ hay xỉa xói, ruột để ngoài da. Hôm tôi ốm mẹ lo cuống lên, nghỉ cả bán hàng; không cho tôi đi dạy nữa.
Bao giờ bố lại đi làm!
CÔ TÔI!
TRẦN QUÝ THIỆN
Làm ăn phá sản, ba tôi bỏ nhà đi, mẹ theo người khác. Cô đến đón tôi về. Cô là em gái ba tôi. Cô nghèo, không chồng, con. Cô quý tôi như con mình. Ban ngày tôi được đi học, đêm cô đi quét rác. Thương cô lắm, cô ơi! Đêm. Mèo bắt chuột làm rớt vali trên tủ, đồ đạc rơi tung tóe, có những bài thơ, cả truyện ngắn. Ngỡ của cô, tôi gởi đăng báo. Báo đăng, yêu cầu gặp tác giả. Tôi đến nhận nhuận bút, về báo tin mừng cho cô. Cô sững sờ. Khóc, nói: Đó là kỷ vật của người bạn thân cô, đã hy sinh.
MỢ TÔI
LÊ XÃ THIỆP
Đám hỏi xong, cậu sang Pháp du học, hẹn ngày về sẽ làm đám cưới. Nhưng cậu không về, và lập gia đình bên đó. Được tin, Bà nói: ''Nó không xem con là vợ, nhưng lúc nào mẹ cũng coi con là dâu''.
Mợ giờ đã ngoài sáu mươi, ăn chay trường, đi lễ chùa, thường ghé ở nhà tôi.
Mãi Tết rồi cậu mới về nước, đến nhà tôi chơi. Mợ vội lánh ra sau, dặn mọi người không cho cậu biết.
Nhà trên, cậu kể chuyện bên Tây.
Nhà dưới, mợ ngồi lần tràng hạt.
NỖI ĐAU
VŨ THOẢNG
Giờ chấm bài, cả lớp im thin thít. Tôi gọi:
- Dũng! Lên đây!
- Dạ!...
Không như những em trước, Dũng chỉ nhăn mặt, mỗi khi chiếc thước kẻ tôi quất lên mu bàn tay. Tôi càng giận, cứ thế vụt cho chừa cái tính viết ẩu. Mu bàn tay của Dũng rớm máu...
Gần 30 năm sau, từ chiến trường, Dũng trở về thăm tôi. Em ôm chầm lấy tôi bằng cái cánh tay còn lại:
- Thầy! Thầy!...
- Em! Dũng!...
Tôi thảng thốt như vẫn thấy cái bàn tay non nớt, rớm máu của em ấm ở sau lưng.
LỜI HỨA CỦA CON
HỒ VĂN THỜI
Ba mất, mẹ tần tảo, chắt chiu nuôi chúng tôi ăn học. Những đêm hè với cái quạt giấy, mẹ cố xua đi cái nóng oi nồng. Tôi tự hứa: Sau này, tôi sẽ dành tháng lương đầu tiên mua cho mẹ cây quạt điện.
Ra trường, có việc làm với thu nhập kha khá ở thành phố. Tiền cho một cuộc nhậu ở nhà hàng máy lạnh với những bia lạnh, khăn lạnh... có thể mua hai, ba cây quạt điện cho mẹ. Nhưng tôi đã quên lời hứa ngày nào.
Ngày mẹ mất, chôn theo mẹ là những vật dụng thân thuộc. Tôi cảm thấy thắt lòng khi thấy cái quạt giấy cũ năm nào!