Phần bảy

LỜI HỨA
TRẦN THỊ LOÁT
Tôi làm nghề dạy học. Dường như lúc nào tôi cũng bảo học trò của mình: ''Các em không được nói dối. Lúc nào cũng phải trung thực. Cô không thích ai thất hứa...''.
Một hôm cậu học trò nhỏ nhất đứng dậy hỏi:
- Cô đã bao giờ thất hứa chưa?
Tự nhiên nước mắt tôi chảy đầy hai má. Ngày xưa tôi từng hứa với mẹ ''Học xong con sẽ về quê...''. Vậy mà cuộc sống phố thị đã cuốn hút tôi ở lại. Lời hứa năm xưa tôi đã quên mất. Quê nhà mẹ vẫn mỏi mắt ngóng trông.
TÌNH ĐẦU
HỨA VĨNH LỘC
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh...
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À! Ba tìm người... ba thương.
- Ủa! Không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ! Thì cũng... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
CHA VÀ CON
VÕ VĂN LỢI
Tháng Chạp xôn xao. ''Nhong nhong, cha làm con ngựa...''. Con cười ngặt nghèo trên lưng. Sân nhà nghèo đón Tết rực rỡ mai vàng, vạn thọ. Hai mươi năm. Cha già muốn đi phố xem Tết. Con đèo cha bằng xe gắn máy. Cha không quen ngồi, sợ té nên ôm con chặt cứng. Con bảo: ''Ngồi vậy khó chịu lắm!''. Cha dịch ra xa, loạng choạng khiến xe mất thăng bằng, con gắt. Tháng Chạp lao xao...
HẠNH PHÚC
VÕ VĂN LỢI
Nhà mới to đẹp, cửa kính với ban công, có cả cây mận đang trái sai quặt. ''Con mình rồi sẽ hạnh phúc!''. - Tôi nghỉ, liền tay sắp xếp lại tổ ấm. Đột nhiên, tôi phát hiện một gương mặt trẻ con thiều não lấp ló trước cổng.
- Cháu... ơ... - Nó ấp úng - Cây mận này là do ông nội cháu trồng!
- Tôi hái cho nó một túi mận đầy. Dĩ nhiên nó nhận, lí nhí cảm ơn nhưng không ra vẻ gì muốn bước đi. Tôi bụng bảo dạ: ''Hạnh phúc là một cái chăn hẹp...''.
MẸ GHẺ
B.P.M
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.
6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.
Lộc l5 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói, dường như bà mẹ ghẻ ở lại với nấm mồ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu...
CHUYỆN CŨ
B.P.M
Tặng những ai còn trên bục giảng
Ngày 20. l l, tôi gặp tại một học trò cũ, em kể:
Hồi học với cô, mẹ em bị bệnh nan y, em phải lo cho sáu em nhỏ, đêm đi học, ngày đi làm, chiều nào cũng ''chạy'' đến trường, có nhiều hôm phải mặc áo lót còn ướt, lạnh mà vẫn mong gió nhiều, muộn mà vẫn muốn đường dài, để đến lớp áo kịp khô...
Nhớ những lúc bị tôi nêu tên trước lớp vì ''quá lười'', em chỉ cúi đầu, nước mắt rơi lã chã xuống bàn... Lòng tôi tràn đầy hối hận. Tôi muốn hỏi: - “Sao ngày xưa em không nói?”. Nhưng tôi chợt nhớ: ngày xưa tôi chưa bao giờ hỏi...
MẸ
BÙI PHƯƠNG MAI
Chồng tôi từ sơ sinh đã ở trại mồ côi. Nghe kể, khi mới vào khóc nhiều nhất phòng trẻ.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc tự tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con.
Anh đã khóc rất nhiều.
Hôm nay, anh 50 tuổi. Được tin mẹ từ Pháp về đăng báo tìm con. Anh lại khóc. Hỏi: Tại sao khóc? Anh nói: - Tội nghiệp mẹ, 50 năm qua, chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh...
XA XỨ
BÙI PHƯƠNG MAI
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: ''Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh, bỏ xa lắc nước mình...''.
Mùa đông sau viết: ''Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người Châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không...''.
BÃO
NGA MIÊN
Tặng Phong
Sống ở miền đất biển, công việc của anh cũng gắn liền với tàu, biển, khơi xa... Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày rồi lại ra khơi.
Mỗi lần anh đi chị lại lo. Đài, ti vi báo bão, đêm chị ngủ chẳng yên, chị sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời mình...
Cuộc sống có khá hơn, anh không đi biển nữa mà chỉ kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn, nghe đâu...
Không phải bão, nhưng anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
CHỊ HAI
ĐINH VŨ NGỌC MINH
Sáng nay, đám cưới chị Hai không phải với anh Nhân mà với ông nào lạ hoắc, già gần bằng tuổi ba. Lạy bàn thờ ba, chị Hai bước lên xe hơi sang trọng mà nước mắt tuôn như mưa. Anh Nhân đang bên bờ rào thập thò ngó qua, mắt đỏ hoe. Má nhìn theo chị Hai, hai hàng nước mắt chạy dài trên gò má hóp. Bé Út tự hỏi: “Sao đám cưới mà ai cũng khóc?”. Đêm, bé Út mơ chị Hai đang la rầy mình. Giật mình tỉnh dậy, thấy chỗ nằm bên cạnh trống không.
TÌM CHA
NGUYỄN MINH
Mẹ tìm được chồng - Toàn vẫn chưa tìm được cha. Cha nằm ở góc rừng nào của cao nguyên?
Các chú đã bao lượt âm thầm cùng bố dượng Toàn đào bới từng tấc đất khi nghe nói về chuyện chôn cất cha Toàn ngày ấy.
Toàn thương mẹ cơ cực quá nhiều. Rồi bố dượng gặp vợ chồng Toàn... và hai bố con đi tìm được hài cốt cha Toàn.
Nghĩa trang chiều mưa sùi sụt. Trong lễ truy điệu cha Toàn, mẹ Toàn nức nở, bố dượng lặng yên một góc. Toàn nao nao thương cả hai người.
CÂY CAU GIÀ
TIÊN MINH
Cây cao trong vườn bằng tuổi mẹ tôi, khẳng khiu đến tội. Những dây trầu quấn quanh thân giữ lại; nếu không, chắc nó ngã lâu rồi. Nội kể, hồi đó cau rẻ rề, bỏ thì uổng, nên nội ăn trầu sớm lắm, rồi nghiện vị ngọt chát của quả cau nhà... Khách xem vườn để mua. Nội chỉ tiếc cây cau. Mẹ bảo: ''Ngoài chợ thiếu gì''. Nhớ hồi tôi còn nhỏ, có cần thiếu vở học, nội bán mấy buồng cau và nhịn gần hai tháng. Còn lần này, chắc nội bỏ ăn trầu luôn
KIM NGÂN
MINH MUỘI
Nhà nghèo, mẹ sinh con gái đầu lòng, ba đặt tên là Kim Ngân, với hy vọng sau này con sẽ giàu. Chẳng cần đến sau này, gặp thời ba mẹ làm ăn khá, cuộc sống vật chất tốt hơn nhưng ba mẹ xa nhau hơn, ba mẹ cũng xa con hơn. Nhiều buổi tối con ăn cơm một mình với vú Tư. Con cảm thấy vú thương con hơn cả ba mẹ.
Sinh nhật mười sáu, con thầm ước ba mẹ đặt lại tên con...
TIẾNG CHIM
TRẦN QUANG MÙI
Dịp hè, thằng nhỏ về quê. Nó hỏi ông ngoại:
- Sao vườn ông không có tiếng chim?
Ông ngoại trả lời:
- Chim bị người ta đánh bẫy, đưa về thành phố bán. Ông nghe kể, cha cháu cũng nuôi nhiều chim lắm, có con biết nói ''Hê-lô'' phải không?
Thằng nhỏ im lặng trở về thành phố.
Sáng hôm sau, cha nó quát tháo ầm ĩ.
- Ai mở cửa các lồng chim? Chim bay đi hết rồi...!
Thằng nhỏ nhìn trời. Nó mong bầy chim mau trở về với vườn cây của ông ngoại.
VÒNG CẨM THẠCH
JANG MY
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Môi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
CHỊ VÀ EM
TÔ THẢO MY
- Nhi, giơ chân lên cho chị kỳ nào. Bé Nhi đưa một chân, còn một chân mất
thăng bằng, người nó cứ nghiêng qua ngả lại.
Chị gắt:
- Phải vịn vào vai chị mới khỏi ngã. Nhớ chưa?
Ba năm sau, chị không may bị tai nạn cướp mất một chân... Chiều nay tập đi, nhìn em Nhi một mình tắm, nước mắt chị trào ra.
Lần đầu tiên sử dụng nạng, do chưa quen chị nhiều phen suýt ngã. Em Nhi đến bên chị:
- Chị ơi! Vịn vào vai em mới khỏi ngã!
Chị gục đầu vào vai em khóc nức nở.
NGOÀI GIỜ
ĐỨC NAM
Chị bước vào quán, kín đáo nhìn quanh như tìm người quen... Rồi chị lấy xấp vé số giấu trong giỏ ra, nhẫn nại rao khắp bàn...
Chị nhỏ nhẹ mời, lặng lẽ rút khi khách lảng đi.
Tôi gục mặt trên bàn bia... muốn mua nhiều vé số mà không ngẩng bên được!...
Chị là bạn vợ tôi, trước dạy cùng trường...
MÙA Ô-MA CHÍN
PHƯƠNG NGA
Lúc còn sống, những khi đến mùa ô-ma (quả trứng gà), bà thường hái xuống đem dú. Ô-ma chín, vàng tươi, ngọt lự, bột như trứng gà. Bà đem cả thúng ra chợ bán, lấy tiền đưa mẹ mua thức ăn.
Bà mất, ô-ma chín rụng đầy sân. Tiếc, nó cũng khoèo xuống đem dú rồi mang ra chợ.
Đứng từ sáng đến trưa, chào mời mỏi cả miệng, khô cả cổ mà ai cũng lắc đầu. Nó đành đem về, chọn những quả ngon nhất đặt lên bàn thờ bà rồi khấn: Bà ơi! Chẳng ai mua ô-ma, bà chịu khó ăn dùm con bà nhé!
BỮA CƠM TRƯA
NGUYỄN THỊ NGA
Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo, khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn.
Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.
Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gởi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba...
HOA NHẶT
NGUYỄN THÁNH NGÃ
Chiều áp Tết. Chợ hoa vơi dần. Gió lạnh. Thằng Tý mong manh áo, nhưng đôi mắt sáng rực. Nó cứ nhìn. Hình như nó biết chẳng ai cấm nhìn.
Mẹ nó quét rác nuôi nó. Nhờ học lớp tình thương nên nó biết thèm hoa. Dù đói...
Tan chợ. Cái im ắng làm lão Tư Say thức dậy. Lão ném tung những giở rác. Bó hoa sót trong giỏ rơi xuống rãnh nước đen... gãy nát. Tý nhặt được, mừng húm!
Quét chợ về, chị Hai sững sờ nhìn bình hoa đỏ tươi trong căn lều trống hoác...
LÒNG TỐT
NGUYỄN THÁNH NGÃ
Tốt nghiệp Sư phạm, tôi đi vùng sâu. Trường cử lên tỉnh mua sách hộ các em, tôi tính cả tiền xe vào đó. Thuở ấy lương giáo viên còm cõi, tôi có biết chút ít về thuốc nên định bụng sẽ mua thuốc về bán thêm kiếm chút đỉnh. Một hôm tôi trượt chân té xuống con suối. Đồng bào dân tộc đã vớt tôi lên. Học trò tôi đi bộ 30km mua thuốc băng bó vết thương cho tôi. Các em đem tặng tôi thịt rừng và cá suối ăn không hết. Chỉ tính phần quà không thôi, giá trị gấp ngàn lần những viên thuốc tôi định bán cho họ...