Chương 5

    
uá khứ của tôi gắn liền với những lối mòn quanh co đỏ chói màu gạch, những mái tranh lụp xụp sau vòm cây thưa, những con đê nhỏ, mương nước, những cánh đồng và đình làng…
Ðó là một vùng đất cách biệt hoàn toàn với bên ngoài, một vùng đất quay mặt với sự tiến hóa, một nhúm dân đói khát xa lạ với nền văn minh nhân loại.
Chúng tôi đã lớn lên như cỏ dại mọc hoang dã trên đồng.
Có lẽ sản phẩm văn minh mà thời ấy chúng tôi được biết là những máy bay phản lực của Hoa Kỳ mỗi ngày gầm thét trên đầu và chiếc loa phóng thanh ở đầu làng suốt ngày ra rả.
Ngoài ra không còn gì nữa.
Mỗi ngày, cô giáo của tôi đều lập lại câu nói:
–Giàu có sinh ra độc ác. Ðộc ác mất cả tính người. Mất tính người biến thành thú dữ.
Chúng tôi sợ hãi sự giàu có. Và hạnh phúc vì được nghèo đói.
Thế mà tôi vẫn sống được, vẫn lớn lên. Và lạ thay, giờ đây đàn ông lại quỳ dưới chân tôi, van lạy, khóc lóc, tỏ tình.
Giờ đây, tôi bị mang tiếng là một người đàn bà ngoại tình, nhưng tôi không có gì xấu hổ về điều ấy. Tôi yêu Phan, đúng ra là tôi đã tìm được Phan, người mà suốt hai mươi năm ở miền Bắc, tôi không tìm được, ở làng Trinh Lương tôi không tìm được, ở khu Kim Liên Hà Nội tôi không tìm được, ở rừng núi Tuyên Quang tôi cũng không tìm được.
Tôi đã nhặt được anh rất tình cờ trong một trại cải tạo. Lúc đó anh như người rừng, tơi tả, hoang dã và cô độc.
Tôi đã tìm thấy anh như tìm thấy chính mình. Và tôi đã yêu anh như yêu chính bản thân mình.
Tôi không ngoại tình.
Bởi trước kia, tôi có yêu ai đâu, kể cả chồng tôi, kể cả những chàng trai hồi còn đi học, những bè bạn quen thân trên chuyến ô-tô buýt vé tháng khởi hành vào lúc năm giờ ba mươi mỗi sáng.
Tôi đã không được yêu, bây giờ tôi có quyền yêu.
Tôi đã không được sống, bây giờ tôi có quyền sống.
Ai dám tước đoạt những quyền thiêng liêng đó của một con người?
Những bạn bè cùng trang lứa với tôi có thể họ không may mắn tìm thấy cái “nửa kia” của đời mình, họ sống với cái nửa khác của ai đó trôi dạt vào đời họ, ráp không vừa, không khớp, khập khiễng, tạm bợ. Và họ ráng sống, cam chịu như đã từng cam chịu những quả cà, những cọng rau muống, cái cầu ao, ổ lá chuối khô. Như họ đã cam chịu những chiếc loa phóng thanh ra rả suốt ngày.
Ba mẹ tôi, chú bác, cô dì, bà thím tôi, những người hàng xóm, cả đồng bào tôi cũng cam chịu. Họ đã già rồi, đã chết âm thầm trong túp lều đổ, vùi sâu trong đất đen giữa manh chiếu rách hay vẫn còn sống què quặt bệnh tật nghèo đói vì đã quá muộn để họ làm lại cuộc đời, quá mệt mỏi để đòi quyền sống. Còn tôi, tôi mới ngoài ba mươi, nhờ trời cho được chút nhan sắc và trí thông minh.
Tôi phải sống khác.
Nhưng bây giờ tôi phải trở lại với quá khứ vì tôi muốn mọi người hiểu thấm thía bi kịch của tôi, của cả thế hệ thanh niên cùng lứa tuổi với tôi để chúng ta hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn, để xin bạn hãy cho phép tôi được sống trọn vẹn mối tình của mình, một mối tình đầy sóng gió và chưa biết kết thúc như thế nào.
°
Cái giếng nước đối với tôi luôn luôn là một mối đe dọa. Bởi vì nó không phải như những giếng nước thông thường ở miền Nam. Nó là một cái vực thẳm. Năm ấy tôi chỉ là một con bé hai tuổi mà cái giếng nước thì to và sâu hun hút. Một bên là bờ đất nham nhở đầy cỏ mọc, còn bên kia thì thoai thoải lần xuống dưới đáy giếng bằng 38 bậc đá, hẹp, trơn trợt như đường về âm phủ. Giếng sâu đến độ khi tôi xuống sát mặt nước, ngoảnh nhìn lên không còn thấy mặt đât đâu cả, chỉ thấy một cái miệng hố lởm chởm đất đá và những lá cỏ dài.
Dưới đáy giếng bóng chiều càng mờ mịt hơn, chập choạng, rình rập. Cái cảm giác cô độc lạnh lẽo làm tôi sợ hãi. Tôi vội vàng múc hai thùng nước rồi ghé vai vào đòn gánh khó nhọc bước lên những bậc cấp trơn nhẵn.
Ðầu làng bên kia có một cái giếng nữa nhưng từ ngày có người tự tử ở đó thì không ai còn dám đến đó để lấy nước về uống. Không hiểu sao, dạo ấy làng tôi lại có nhiều người tự tử đến như thế. Thường là họ treo cổ. Những cái mặt sưng to và tím bầm. Xác chết được gói trong chiếu, vài ba người vác ngang qua nhà. Họ đi nghiêng ngả dưới trưa nắng. Tiếng kèn khàn đục, vất vưởng, lạc điệu.
Ở cầu ao thường tấp nập hơn. Hàng ngày dân làng đến đó tắm gội, rửa bát, vo gạo, giăt quần áo, giặt cả chiếu, chăn, cả đồ phụ nữ hành kinh nữa. Ðiều này ban đầu tôi không biết, nhưng một hôm nhìn quanh bờ ao thấy có một chỗ lúa tự nhiên vươn cao lên, tôi hỏi, nhưng chẳng ai giải thích được tại sao, đến khi lúa trổ bông thì chỉ riêng cái chỗ lúa tốt ấy là không có bông. Ðó là một bí mật mà tôi không thể chia xẻ với ai được vì gần như không ai giải thích được, hoặc là không muốn giải thích cho tôi biết. Bữa kia tôi thấy một người đàn bà trong làng ra cầu ao giặt những mảnh vải mùng đầy máu và tạt cái thau nước đỏ lòm ấy vào chỗ lúa tốt, tôi mới hiểu được sự tương quan giữa cái thứ nước ấy và chòm lúa xanh tốt kia.
Tôi đâm ra sợ nước ở cầu ao. Nhưng người sợ nhất là bác tôi, mỗi lần muốn rửa mặt, ông buộc cái khăn vào cần câu, ném nó ra giữa ao (nơi mà ông vẫn hy vọng rằng nước sẽ sạch hơn trong bờ) rồi giật chiếc khăn lên như giật con cá. Ông vắt nước trong khăn vô miệng để súc miệng sau đó mới dùng khăn lau mặt. Sáng kiến của ông xem ra không được mấy người áp dụng vì nó quá rắc rối. Họ chế diễu ông vì thực ra trông ông cũng chẳng tươm tất sạch sẽ gì. Mắt ông thì toét, lèm nhèm, người thì gầy đét, ăn mặc thì lôi thôi lếch thếch, lúc nào cũng co ro vì lạnh. Buổi sáng ông thường dậy rất trễ vì phải cuộn tròn trong cái ổ lá chuối khô để đợi mặt trời lên. Khi ngoài sân đã ngập nắng, ông mới trở dậy vác cái nong ra đặt giữa sân rồi chui vào đó nằm sưởi. Ba chị em tôi cũng bắt chước, vác nong ra đặt kế bên. Ðứa cháu nội lên hai cũng nằm cạnh. Bác tôi có vẻ thú vị vì được sưởi nắng, ông nghịch với thằng bé, cù vào nách cho nó cười, sau đó ông bắt đầu dạy nó nói:
–Ống bô.
Thằng bé lập lại:
–Ống bô
–Ống bô là bố ông.
Tôi phản đối:
–Ơ, sao bác dạy kỳ cục vậy?
Bác tôi mắng:
–Mày con nít biết gì. Con người khi ra đời trước nhất là khóc, tiếp đến là chửi rồi sau đó mới nói chuyện lễ nghĩa.
Nhưng kẻ gây ấn tượng cho tôi nhất là một người đàn ông ốm đói. Người ta gọi ông là ông Lời tuy suốt ngày ông chẳng hề nói một lời nào cả. Dân làng đã nghèo, nhưng ông còn nghèo hơn tất cả. Gần như ông không có gì để mà ăn, ông cứ lẩn quẩn trong vườn nhà như một bóng ma tìm bắt con ốc sên, con châu chấu. Gần như ông ăn tất cả những sinh vật mà ông bắt được: cóc, nhái, thằn lằn. Thậm chí gà con chết người ta đã vứt đi ông cũng nhặt về nướng ăn. Người ông cứ xanh mướt, hai mắt sâu lờ đờ.
Có lần bác tôi thịt một con chó mời ông sang ăn, uống rượu. Ông chén một bữa no say rồi lăn ra ngủ ngay trên nền nhà. Suốt đời tôi không thể nào quên hình ảnh này. Ông nằm ngửa, dang chân tay như kẻ bị đóng đinh trên mặt đất, hai mắt nhắm nghiền, miệng thì mở hoác ra, quanh mép dính đầy mỡ chó. Và những con ruồi bu đen quanh miệng ông, ung dung nhấm nháp lớp mỡ chó ấy. Tôi tưởng như ông đã chết rồi. Sợ quá, bỏ chạy.
Nhưng ông có chết đâu, mấy hôm sau lại đi lang thang ở bờ ruộng bắt châu chấu, bắt cua.
Buổi trưa, ông anh họ tôi bắt được một con rắn dài bằng sải tay đem treo toòng teng trên sợi dây phơi quần áo ngoài sân. Anh vừa quay vô nhà đã thấy ông lão xuất hiện. Lúc ấy con mắt ông không còn lờ đờ nữa, mà nó quắc lên như ánh lửa xanh lè. Ông ta đến bờ dậu nhặt vội miếng mẻ sành rồi chạy lại chỗ con rắn, nắm lấy đuôi nó, cứa mạnh. Máu từ vết cắt phọt ra, ông ta quỳ sụp xuống, hối hả ngậm cái đuôi rắn, hút lấy máu.
Ba hôm sau, người ta đến và báo cho ông hay rằng, đứa con trai mười hai tuổi của ông đi tắm sông đã bị ma da kéo chân đi. Hàng xóm bủa ra tìm khắp nơi nhưng không thấy. Ông không khóc, vẫn lặng lẽ, vẫn thất thểu đi phất phơ ra sông. Ông không phải tìm kiếm, cứ bước thẳng xuống mé nước, trầm mình xuống. Một lúc sau mặt nước khép kín lại, xóa sạch mọi vết tích của người đàn ông khốn khổ ấy.
°
Chúng tôi leo lên một ngọn đồi nhỏ gần sát biển. Lối mòn quanh co lẩn khuất trong cây lá. Khi đến những bậc cấp xây bằng đá ong thì chung quanh toàn là hoa sứ trắng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một rừng hoa sứ trắng như thế, nó gợi lên cái không khí cổ tích hoang đường của truyền thuyết, của lăng tẩm và cung đình. Cây sứ đẹp một cách u ẩn, quý phái mà thâm nghiêm. Vẻ đẹp ấy khiến tôi ngẩn ngơ. Trên dốc cao, Phan đang đứng tựa vào hành lang đá ong nhìn xuống. Phan cũng như từ trong xa lạ hiện ra, như cậu bé con tìm dế trong kẹt đá ong sần sùi. Tôi không gọi anh, bởi tôi chưa thoát ra khỏi cái không khí cổ xưa vây quanh. Dường như cách đây hai trăm năm, vua Thành Thái bị lưu đầy đến chốn này, dường như cái lâu đài nguy nga kia ngày trước là một pháo đài nhưng bây giờ đã chìm khuất dưới đáy sâu của thời gian và hoàn toàn bị xóa sạch mọi vết tích.
Phan đến bên tôi, đưa cho tôi một cái tượng khắc dang dở trên một đoạn rễ cây anh vừa nhặt đâu đó trên lối đi. Ðó là phác thảo của một lão già gầy còm. Phan nói:
–Ông Lời ốm đói của em đó.
–Ông đang say hả?
–Ðang say, mẩu rễ này có dáng một người đang say. Anh chỉ sửa lại một ít và tạc thêm một khuôn mặt hốc hác. Có phải đôi mắt lão như thế này không?
–Gần như thế. Giống nhất là hai gò má.
Phan lại cắm cúi với mẩu rễ cây và con dao nhỏ của anh.
Hoa sứ trắng rụng gần chỗ chúng tôi ngồi. Phan hỏi:
–Ở làng Trinh Lương của em có hoa sứ không?
–Em không nhớ. Dường như là không. Nhưng rất nhiều hoa thủy tiên. Ở cái xứ đói khổ như vậy mà hoa thủy tiên lại mọc rất nhiều anh ạ, nhất là trong sân chùa. Ngôi chùa cổ kính ấy ngày xưa là trường học của em. Cạnh đó có một giáo đường nhỏ. Bây giờ nghĩ lại, nếu tuổi thơ của em không có thiên nhiên thì em không có gì cả. Anh biết không? Một ngôi chùa nghèo nàn đổ nát như thế mà mọc đầy những hoa lan. Mỗi sáng ngồi trong lớp học, lúc nào cũng thoang thoảng mùi hoa, hoà lẫn mùi của thị chín.
Phan đốt thuốc lá, mùi thơm trong khói thuốc của anh thật quyến rũ. Khói bay tản mạn. Khói thuốc làm cho chúng tôi thân mật hơn.
Phan nói:
–Hồi nhỏ anh không đến nỗi khổ như em đâu, nhưng rất hoang đàng, leo trèo, phá phách.
Phan kéo quần, giơ ống chân cho tôi xem. Nó nám đen và đầy sẹo.
Tôi hôn những vết sẹo của anh và nói:
–Tại vì anh là con trai, còn em là cô bé quê mùa suốt ngày luẩn quẩn trong vườn rau của bà thím. Khu vườn ấy đã dạy cho em nhiều điều lắm anh ạ.
Phan lặng thinh chăm chú vào bức tượng dang dở.
–Em hãy kể cho anh nghe về bà thím của em đi. Và những điều bà đã dạy cho em.
Tôi nói:
–Những điều đó gần như là huyền thoại. Cây cải rất kén người trồng. Ai hiền, trồng thì nó mau lớn. Ai ác, trồng thì nó xoắn lại. Còn cây trầu không thì thím dạy như thế này: mỗi lần con muốn hái lá trầu thì phải nói: “Trầu ơi! Mày cho tao xin một lá nhé”. Còn con gà, đố anh biết kiếp trước nó là gì không?
–Anh chịu.
–Trước kia nó là người, vì ở ác mà biến thành gà cho nên thím dặn em khi cắt cổ gà phải đọc mười lần câu kinh:” Nhất vạn kiến sát, bát vạn chúng sinh, tình lại vô tình, ta độ cho mình, được lên kiếp khác. Nam mô Quán thế âm Bồ tát”.
Khu vườn rau của thím tôi là cả một thế giới đầy mộng tưởng, huyền thoại xen lẫn với thức tế, thiên nhiên hòa nhập với người. Nó là thế giới thần tiên của tôi.Những giọt sương long lanh đọng trên lá cải, những bông bí vàng rực, con ong bầu vo ve, con ốc sên chậm chạp bò trên bẹ chuối, những củ su hào no tròn, rửa sạch xếp gọn trong hai cái sọt lớn, đậu ve non xanh trong cái rá tre, ớt và cà chua thì đỏ chói tươi tắn như môi em bé.
Sân vang lừng tiếng gà vịt. Cánh cửa chuồng vừa hé mở thì đàn gia cầm vỡ òa ùa ra sân, đập cánh chạy đuổi nhau. Những chú gà trống vươn cổ gáy, kiêu hãnh một cách ngây thơ, đàn gà con trắng nõn như bông gòn ríu rít bên chân mẹ, những con ngan lạch bạch bên lu nước. Nắng lung linh vàng trên những khóm tre dày. Ngọn cau và những lá trầu không. Thời ấy tôi không sống bằng cơm gạo, bằng chất đạm, bằng đường sữa, tôi không sống bằng tình thương yêu cha mẹ (vì bố mẹ tôi ở Hà Nội) mà tôi sống bằng nắng, bằng những kỳ diệu của vườn rau, bằng tiếng ríu tít của lũ gà con, tiếng sủa gâu gâu thơ dại của con chó nhỏ. Thiên nhiên, cây cỏ, đất trời đã nuôi dạy tôi, những hương thơm của hoa lan, hoa thủy tiên, của quả thị chín trong sân chùa đọng trong hồn tôi những bâng khuâng lãng mạn. Nhờ chúng, tôi quên những cơ cực trong các bữa ăn, những trưa nắng đi mót lúa, bắt cua, những nặng nhọc của đôi thùng nước bên cái giếng khơi hun hút như vực thẳm. Chúng cũng làm mờ đi những ấn tượng khiếp đảm về lão già đói khát, về cái rét buốt của những đêm đông cuộn tròn trong ổ lá chuối khô, những sáng bụng đói đi học dưới mưa tầm tã.
Năm mười ba tuổi, tôi trở về Hà Nội, để lại thím tôi một mình trong khu vườn ấy. Sau đó bà bị thương nơi ống chân. Bà bỏ cả vườn tược vì không đi lại được. Một lần tôi ở Hà Nội về thăm thấy chân bà sưng to, bầm tím. Từ trong miệng vết thương bò ra những con giòi trắng hếu, bà phải dùng cái que nhỏ khều chúng ra…
Những tuần sau đó bà suy kiệt dần đi nhưng tôi ở xa không hay biết.
Bữa kia có người làng lên báo tin bà chết.
Tôi từ Hà Nội đạp xe về làng.
Tôi không còn nhận ra vườn rau ngày xưa nữa. Người ta đã chặt hết hàng rào tre chung quanh làm cho mảnh vườn trơ trụi, rau quả không ai chăm sóc đã héo tàn, chuồng gà trống trơn, túp lều tranh nghiêng lệch sang một bên, mái lá xơ xác. Tôi và ba tôi bước vào nhà, bàn thờ đầy bụi bặm, những chiếc chân đèn, lư hương bằng gỗ đã bị chuột gặm lở lói. Căn buồng nhỏ kế bên là nơi bà nằm chết.
Tôi không nhìn thấy, nhưng tôi biết dưới tấm chăn thảm thương kia là thím tôi, tóp khô, xẹp lép, bẹp dí trên manh chiếu rách tả tơi. Xác chết gần như không có mùi vì có lẽ bà đã không còn một chút thịt nào để giòi bọ có thể đục khoét. Có một lúc tôi cảm thấy như bà đã tan rã thành một đám bụi dưới mớ giẻ rách kia.
Lần đó không chỉ là nỗi sợ hãi mà còn uất hận, xám xịt, thê lương.
Ðó là hình ảnh tàn nhẫn nhất về con người.
Tôi khóc.
Tôi chỉ là một cô bé mười ba tuổi, nhưng hồn tôi cũng tê dại một nỗi đau vô bờ bến.
Tôi khóc. Những lá trầu không, những nụ hoa bí, những luống cải đã úa tàn rồi, đã chết khô rồi, không thể cùng tôi chia sẻ nỗi buồn này.
Con chó nhỏ cũng đã biến mất.
Người ta đốt túp lều tranh ấy. ngọn lửa đã xóa sạch mọi vết tích của khu vườn huyền thoại tuổi thơ của tôi. Cũng giống như dòng nước vô tình kia xóa sạch dấu vết của cha con lão già đói khát.
Nhưng mãi mãi vẫn còn trong tôi những con ruồi đen bu quanh cái miệng đầy mỡ, cái miệng đói khát ngậm chặt đuôi con rắn để hút máu và cái xác tóp khô của thím tôi bên dưới tấm chăn mốc thếch, tả tơi trăm mảnh vá.
°
Phan đưa tôi vào một quán ăn nhỏ bên bờ biển, dưới bóng mát một cây bàng. Chúng tôi ngồi uống bia với nhau. Anh săn sóc tôi một cách dịu dàng, nhưng tôi không thấy cảm động, chỉ thấy tội nghiệp cho anh. Phan nói:
–Những điều em kể làm anh thương em quá. Anh yêu em lắm Ngọc ạ. Dĩ nhiên anh không có trách nhiệm gì về những đau khổ của em trong quá khứ, nhưng anh vẫn cảm thấy như mình có lỗi.
Tôi nhìn anh, mỉm cười cho anh vui, rồi tôi hỏi:
–Tại sao lại có lỗi?
Phan cũng nhìn tôi mà không trả lời. Anh nghĩ ngợi, cố tìm kiếm một lời giải thích nào đó.
–Ngọc này, anh gọi nhỏ. Có thể anh cảm thấy tình yêu của anh chưa đủ lấp đầy những đau khổ của em. Cũng có thể anh lấy làm tiếc đã không được gặp cô bé mười ba tuổi lúc ấy để chia sẻ với cô phần nào.
Tôi bóp nhẹ bàn tay anh. Tôi thương anh và muốn làm một cử chỉ nào đó để kéo anh ra kkhỏi sự ảm đạm do tôi gây ra. Tôi bảo:
–Anh tắm đi.
Phan hỏi:
–Em có tắm với anh không?
–Không, em thấy lạnh, trời bắt đầu mưa rồi đấy nhưng em muốn nhìn anh bơi một mình ra biển. Giờ này không có ai tắm cả.
Phan thay đồ. Có lẽ anh muồn làm vừa lòng tôi. Anh hôn lên trán tôi, bước ra ngoài mưa đi xuống mé nước. Những con sóng lớn xô về phía anh tung bọt trắng xóa. Mưa chỉ lất phất nhưng cũng làm cho gió se lạnh. Tôi khoác áo gió lên người, ngồi uống bia nhìn anh bơi ra xa. Tới một lúc tôi chỉ còn nhìn thấy chòm tóc anh nhấp nhô giữa những ngọn sóng.. Lát sau anh đã ra khỏi chỗ sóng lớn và bơi những sải dài trên mặt biển phẳng lặng.
°
Năm mười ba tuổi tôi vẫn là một đứa con nít hồn nhiên nghịch ngợm như con trai. Quần áo vải Trung quốc rộng thùng thình, tóc đuôi gà, xe đạp sườn ngang. Buổi sáng thót lên xe là đạp như điên đến trường. Vào lớp đang ngồi học ngon lành thì bỗng cảm thấy một cái gì đó không bính thường ở phần dưới cơ thể. Ðũng quần ướt đẫm. Tôi sợ quá không dám nhúc nhích.
Cuối buổi học, đợi cho các bạn về hết tôi mới dám đứng dậy. Trời ơi, chỗ ngồi của tôi đầy máu! Tôi run lên, không biết phải làm gì. Mở cặp, xé một tờ giấy vở vò nát, lau máu trên ghế nhưng máu càng bê bết ra thêm. Tôi nhổ nước bọt xuống ghế, xé thêm mấy tờ giấy, vừa nhổ nước bọt vừa cọ rửa.
Tôi ra về trong tâm trạng hoang mang lo sợ, vừa xấu hổ, vừa cảm thấy mình đã phạm tội gì khủng khiếp lắm, vì thế không dám hé răng cho ai biết.
Trước nay tôi không hề được ai chuẩn bị cho điều đó. Cha mẹ, anh chị em, bạn bè không ai nói gì với tôi về điều đó cả. Sách vở báo chí nói toàn chuyện vĩ đại, không hề có một dòng nào đề cập đến cái điều mà lúc đó tôi đang cần biết.
Cuối cùng, tôi đánh liều thổ lộ với chị anh hùng lao động quét rác mà tôi rất thân, về bí mật của mình để mong tìm một lời giải thích, một sự chia sẻ. Chẳng ngờ bà túm lấy tôi, gầm lên:
–Ðồ ngựa! Vừa nứt mắt đã quỷ quái như thế hả?
Rồi bà thẳng tay tát vào mặt tôi.
Tôi kinh ngạc nhìn bà.
Nhục nhã và tuyệt vọng.
Về sau này tôi nghĩ, giá như lúc ấy bà dịu dàng với tôi, nói cho tôi hiểu rằng đó là chuyện tự nhiên của tạo hóa, rằng không có gì phải xấu hổ về điều đó cả thì có lẽ tôi đã có cái nhìn khác về quan hệ nam nữ, về tình yêu.
Và tôi đã có thể lấy một người chồng mà tôi yêu, có thể sống trong một gia đình êm ấm như bao người đàn bà khác.
Năm tôi mười sáu tuổi, nhớ hoài những đêm đông rúc mình vào trong chăn mà hai má nóng bừng, thèm khát một sự ôm ấp. Ðôi môi tôi cũng nóng rực, mơ ước có đôi môi của một chàng trai nào áp lên đó. Sự thèm khát như lửa cháy trong lòng tôi, nhưng nó không dày vò tôi, trái lại nó tạo quanh tôi một thế giới mộng tưởng, đẹp đẽ, thần tiên. Tôi hiểu những bạn bè cùng trang lứa với tôi cũng mơ ước như thế, nhất là bọn con trai. Nhiều khi chúng tỏ ra nghiêm nghị hay lãnh đạm, nhưng sự khao khát vẫn thôi thúc chúng.
Mỗi khi có máy bay ném bom vào ban đêm thì đèn tắt phụt, còi báo động rú lên. Mọi người đổ xô chạy xuống cầu thang tối om. Ðó chính là lúc các chàng trai tung hoành. Ðàn bà con gái vừa chạy vừa la oai oái vì bị bóp vú, bóp cả phần dưới nữa. Sáng hôm sau tại vòi nước công cộng đã nghe bọn con trai hí hửng tả cho nhau nghe cái nào cứng, cái nào nhão nhoẹt, cái nào xẹp lép, cái nào chảy xệ.
Nhưng chuyện tệ hại nhất lại xảy ra vào giữa ban ngày, ngay tại nhà chị Sử, anh hùng lao động quét rác đã tặng cho tôi cái tát nên thân tuần trước.
Còi báo động giữa trưa. Mọi người đều chạy xuống hầm trú ẩn. Lúc ấy tổ trưởng dân phố mới phát hiện ra là cậu em trai của chị Sử cùng cô người yêu vẫn còn mắc kẹt trong nhà. Ông liền bảo bọn trẻ con lên gọi xuống.
Ban đầu ba đứa con nít xung phong chạy lên. Hai chiếc phản lực cơ F.105 của không lực Hoa Kỳ cũng vừa xâm nhập bầu trời Hà Nội. Chúng bay như sấm sét, thế mà không hiểu sao lại có thêm năm đứa trẻ nữa rời hầm trú ẩn xung phong chạy lên lầu. Tất cả là tám đứa. Một đi không trở lại. Tổ trưởng dân phố cuống lên, thấp thỏm. Nhưng vì ông ta quá sợ máy bay nên không dám rời hầm trú ẩn.
Bom nổ rung chuyển cả nắp hầm, đất cát rơi rào rào xuống đầu chúng tôi, mọi người sợ xanh mặt, vậy mà lại thêm năm chàng trai nữa lao lên miệng hầm, thót lên lầu. Ðó chính là những thằng đã kể chuyện bóp vú bên vòi nước công cộng. Chị anh hùng quét rác thì khóc thút thít, kêu gọi những chàng trai dũng cảm hãy lên lầu cứu lấy cậu em và người yêu đang mắc kẹt nơi đó.
Trên lầu, nơi hành lang phía ngoài căn hộ của chị Sử, mười đứa con nít và năm chàng thanh niên đang tranh nhau bá lên lỗ thông hơi để nhìn vào trong. Lũ trẻ con bị các chàng đánh dạt ra để dành chỗ. Nhưng chúng cũng đã xem chán rồi.
–Chuyện gì thế?
Lũ trẻ chỉ cười, sợ không dám nói. Ðột nhiên chúng ù té chạy xuống cầu thang vừa chạy vừa gào lên:
Một loạt bom nổ tung ở khu vực gần đó. Bọn trẻ con nằm rạp xuống, xong lại chỗi đậy vừa chạy vừa gào lên:
Khi chúng đã chui vào hầm, tổ trưởng liền tóm cổ một đứa hỏi:
–Chúng nó thế nào?
–Báo cáo chú, ở truồng ạ.
–Bố láo.
Chị anh hùng cũng hét lên:
–Bố láo!
Sáng hôm sau trên vách tường của C6 khu Kim Liên xuất hiện một dòng chữ bằng than đậm nét:
“ Một tay bóp vú. Một tay sờ …”
Nhìn nét chữ tôi biết ngay tác giả của nó. Ðó là một bạn cùng lớp tôi. Khi gặp hắn ở vòi nước công cộng, tôi hỏi:
–Sao Tuấn lại viết một câu bẩn thỉu như vậy?
–Ơ hay, mình có viết đâu nào.
–Ðồ hèn. Tôi bỏ đi. Ðừng có mà nhìn mặt tôi nữa nhé.
Khổ thay đó là người bạn trai mà lâu nay tôi vẫn rất quý mến. Dòng chữ đó làm tôi sụp đổ tất cả, đau khổ và thất vọng. Tuấn là anh chàng huýt sáo miệng hay nhất khu Kim Liên. Về sau này, khi vào sống ở Sài Gòn tôi mới lại có dịp nghe một người nào đó huýt sáo bản Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang trong băng cát sét cũng hay như thế. Tôi vẫn nhớ đến Tuấn và dòng chữ bằng than nguệch ngoạc trên tường, nhưng bây giờ thì tôi không còn khinh ghét anh nữa, bởi tôi hiểu anh cũng như tôi và bao nhiêu người khác bị bưng bít quá, bị đè nén, lên án, nguyền rủa quá mà thành ra như thế.
Dòng chữ bằng than trên tường ấy đã nhanh chóng trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Ngay đêm đó, tổ trưởng cho họp tổ dân phố. Người ta thay phiên nhau phát biểu, đe dọa, lên án, phỉ báng. Chị anh hùng quét rác thì vật vã mình mẩy, đòi giết cậu em trai, đuổi cậu ta ra khỏi nhà. Phần chị, chị làm đơn xin tự khai trừ đảng. Bao nhiêu nước mắt, lời nguyền rủa, sự hằn học, những bài giảng đạo đức đã nối tiếp tuôn ra chỉ vì một chút thèm khát của anh bộ đội xa nhà.
Bây giờ nghĩ lại, tôi rất phục đôi tình nhân ấy. Bom đạn ác liệt là thế nhưng tình yêu của họ còn mạnh hơn nhiều.