Từ lúc thức giấc, chủ tịch đăm đăm nhìn về phương đông, ngóng mặt trời lên. Nhưng bốn bề bít bùng mây trắng. Mây ngàn như dòng lũ dìm các đỉnh núi trong biển trắng mịt mùng. Từ các khe lạch, trườn theo các vực sâu, hơi nước cuồn cuộn bốc lên như khói, một thứ khói ướt lạnh tẩm mùi hăng ngái của cây rừng và hương những loài hoa dại. Những luồng hơi nước khổng lồ di động, tựa hồ một lũ rồng bị chọc mù, rờ rẫm trong một hành trình vô định. Lũ rồng ấy khi trườn theo các dãy núi vươn dài những khúc thân kinh dị của chúng, khi dồn tụ nhào trộn chồng chất trong thung lũng tạo nên hình ảnh các loài thuỷ quái giao tranh. Không còn chân trời, cũng chẳng thấy những giải rừng cao thấp nhấp nhô trên ba tầng núi. Ngay khu vườn nhà chùa cũng nhù nhoà trong sương. Sương trắng chập chờn ngay bên ngoài tấm kính che cửa sổ phòng ông. Ngồi nhìn biển sương, chủ tịch đặt một ngón tay lên mạch, tự đếm....Chín mươi lăm, chín mươi sáu, chín mươi bảy...Con số nhảy không ngừng. Vào tuổi này, khó mà làm chủ được thân xác. Chủ tịch biết ông đang ngóng đợi một người, và nỗi hồi hộp cứ đến dù ông không mong muốn. « Sao bỗng dưng ta rơi vào tình trạng oái oăm này? Trước đây vài năm, tất thảy còn khác biệt.... » Ông tự hỏi và hiểu rằng ông không thể trả lời. Trước đây dăm sáu năm, ông những tưởng mọi sự đã an bài. Cuộc cờ đã xong. Xiêm áo cũ chẳng còn trong rương mà đem đốt rụi. Những tấm ảnh cũng đã bị huỷ thành tro để tan hoà cùng bụi đất. Vậy mà giờ đây, tim ông lại đổ hồi. « Thôi, bề nào cũng không còn cứu vãn được. Một khi lối đi đã rấp rào gai bồ kết, giếng thơi đã bị lấp chẳng còn bóng nước để soi tìm hình bóng người xưa... » Ông tự nhủ. Nhưng đột nhiên, tiếng nói của kẻ đối nghịch vang lên trong tâm hồn ông: « Đó là một ván cờ sai. Đó là cuộc chiến bại nhục nhã nhất trong đời người, trước hết một người đàn ông. » Chủ tịch thở dài: « Ta chẳng có cách lựa chọn nào khác. » Tiếng nói kia đáp lại: « Không phải là không có những con đường khác. Nhưng vấn đề là ngươi không đủ can đảm để lựa chọn một con đường khác. » Ông lặp lại: « Bây giờ, mọi cánh cửa đã khép lại rồi. Cái gì đã trôi qua là hết. » Kẻ đối nghịch bí ẩn kia cất tiếng cười vang một cách khinh miệt: « Mọi sự chưa hẳn đã xong như ngươi lầm tưởng. Thất bại nào cũng kéo theo những hệ luỵ mà kẻ thua trận chẳng bao giờ lường hết. Đó là điều ta cảnh báo ngươi! » Mây vẫn chưa tan. « Sao mà lắm sương mù đến thế trong buổi sáng này? » Chủ tịch đứng dậy vì không còn chịu nổi trạng thái nửa tê dại nửa nôn nao như đang ngồi trên lửa. Nhưng ông vừa đặt chân xuống bậc thềm, chàng lính béo từ phía hiên bên chùa chính đã bổ nhào đến, chặn lại: - Sương mù độc lắm, xin chủ tịch ngồi trong phòng cho. - Tôi ngồi từ sáng đến giờ rồi. - Xin người chờ cho chút nữa, tan sương rồi người hãy ra hiên. - Chú nhìn thấy sư cụ và sư nữ chứ?...Một người hơn tôi bảy tuổi, người kia là đàn bà chân yếu tay mềm. Cả hai đã ra sân từ mờ sáng, họ có chờ mặt trời lên núi đâu? - Dạ, nhưng... - Để tôi ra đây một lúc cho thoáng. Ở trong phòng nhiều quá không ngạt thở vì buồn thì cũng tê bại chân tay. - Thưa... Nhưng ông đã gạt cậu ta sang một bên, cương quyết bước xuống sân. Ở đó, ông đứng lặng bên vườn mai như hoá đá. Sương mù phả vào mặt ông ướt lạnh, đượm mùi tươi ngái của núi non. Bên chùa chính, ánh nến bập bùng, tiếng mõ lẫn tiếng tụng kinh vang lên đều đặn thứ âm nhạc đối với ông đã bắt đầu trở nên quen thuộc. Thi thoảng, tiếng đọc kinh ngừng lại, nghe rõ tiếng rơi thánh thót của sương trên mái ngói. Mái ngói rêu phong, ngả màu đen. Những khuôn cửa gỗ cũng ngả màu gụ sẫm cùng năm tháng. Trong khung cảnh âm u thiền mặc, ánh nến lung linh hơn, rực rỡ hơn... « Ồ, ánh lửa....sao mà giống ánh lửa? » Tim ông thốt lên một tiếng kêu ngây dại. Ánh lửa nến của nhà chùa gợi cho ông một ánh lửa khác, trong rừng sâu Việt bắc năm xưa...Ngọn lửa xa vời của chiến khu....Những ngọn lửa nhảy nhót, nổ tí tách và bắn tung những đốm hoa cà hoa cải. Một ngôi nhà mênh mông, những tràng hoa giấy đủ màu cắt bằng những bàn tay vụng dại của lũ trẻ giăng trên các cây cột. Lác đác chen vào các tràng hoa là những mảnh giấy trang kim lấp lánh. Ông biết chắc chắn rằng để có được những mảnh lá nhấp nhánh ấy, cậu phụ trách thiếu niên đã phải gom nhặt và cất giữ suốt một năm trời những vỏ bao thuốc của ông, thứ xa xỉ phẩm duy nhất mà ông tự cho phép.... Ông nhớ gần như tất cả những gương mặt trẻ thơ được soi rọi trong ánh lửa đêm ấy, những gương mặt rực nguồn sáng hạnh phúc... « Nhưng năm ấy là năm nào nhỉ? Không thể là năm Bính Tuất được, bởi lúc ấy cuộc kháng chiến đã đi vào khuôn khổ, mọi cơ sở vật chất đã tương đối ổn định, kể cả nhà máy in tiền Con trâu xanh cũng hoạt động rồi. Năm ấy chắc chắn là năm Đinh Hợi. Đúng vậy, năm Đinh Hợi. » Một chiều, có lẽ khoảng ba giờ rưỡi hoặc non bốn giờ, chiểu theo độ xiên của các tia nắng lọt qua kẽ lá. Ông đang chúi đầu xuống đọc tài liệu chợt nghe tiếng hắng giọng liên tục. Khi ông ngẩng lên, chánh văn phòng đang ngoác miệng cười: - Thưa chủ tịch, lát nữa mời người sang dự liên hoan với các cháu. - Nhân dịp gì vậy? - Người quên rằng hôm nay vẫn còn trong dịp tết thiếu nhi? Ông ngẩn ngơ trong giây lát rồi nói: - Tôi tưởng rằng tôi đã vui chơi và phát kẹo cho các cháu? - Thưa chủ tịch, người đã vui chơi và phát kẹo cho các cháu khối nhi đồng, nghĩa là đám trẻ từ hai đến mười tuổi. Nhưng hôm nay đến lượt khối thiếu niên, các cháu từ mười đến mười lăm, đặc biệt là các thiếu sinh quân từ mười lăm đến mười bẩy, đang tập trung học tập để chuẩn bị lên đường sang nước bạn. - A....Ra thế... Ông đáp, nhưng rồi nghĩ đến hai chồng tài liệu dày cộp đang chờ ông trên kệ gỗ: - Tôi còn nhiều việc lắm... - Báo cáo chủ tịch, các cháu thiếu niên đang háo hức chờ người. Các em tập rượt chương trình văn nghệ cả tháng nay để đón chào ngày lễ. Nếu người từ chối e rằng... - Tại sao các chú không tổ chức gộp vào một buổi? - Dạ, nếu thế quá đông, hội trường không đủ sức chứa. Vấn đề thứ hai là bữa trước, ban tổ chức không có đủ bánh kẹo. Thế nên, đành phải chia làm hai keo. Nói xong, anh ta ngoác mồm cười khoe hai hàm răng vừa khấp khênh vừa ám khói thuốc lào nhôm nhoam màu đất. Ông nhìn anh ta, bất giác bật cười: - Thôi được. Tôi tranh thủ làm việc một lát nữa. Lúc nào đi chú sang đón tôi. Đoạn, ông cúi xuống tiếp tục đọc tài liệu, hoàn toàn thản nhiên. Ông không biết rằng định mệnh đang đứng chờ ông dưới chân cây cột nhà sàn. ― Người yêu dấu, biết bao giờ lại trông thấy nhau....‖ Câu hát quen thuộc của chàng bác sĩ lại vang lên trong tâm tưởng. Tựa ngọn roi điện quất xuống trái tim ông. Cơn đau lan toả khắp thân xác. Ông có cảm tưởng rằng không chỉ trái tim ông bầm nát mà những tế bào trong cơ thể ông cũng bầm nát theo. Rồi ông bỗng nghĩ đến hình ảnh thần Cu-pi-đông, hài nhi có cánh hai mắt bị bịt kín. Hình ảnh ấy khiến ông sởn gai ốc, rùng mình: ― Nào ai biết được trên cõi đời rồi đây ai sẽ là người yêu dấu? Nào ai biết rằng khoảnh khắc nào búa rìu của thần định mệnh sẽ bửa nát con tim?‖ Buổi tối hôm ấy, khi anh chàng chánh văn phòng quay lại đón ông, ông còn cố đánh nốt trang bản thảo. Cất gọn mớ tài liệu rồi ông đi ra cửa. Nhưng đã đặt chân xuống cầu thang, ông lại quay lên lấy mảnh vải trùm chiếc máy chữ vì sợ bụi mọt hay côn trùng từ trên mái tranh rơi xuống làm hư hại công cụ làm việc của mình. Không một chút vội vàng trong cử chỉ. Chẳng mảy may xao động trong tâm can. Ông thực hiện mọi động tác với một sự chú tâm cần thiết cũng như sự bình thản cần thiết trong vai trò của ông, lãnh tụ cuộc chiến tranh. Anh chàng chánh văn phòng đứng chờ ông dưới chân cầu thang để đưa ông sang khu doanh trại chung của các đoàn thể. Phụ nữ đoàn, thanh niên đoàn, thiếu nhi cứu quốc, đảng dân chủ, đảng xã hội, nông hội....Tất thảy đều quây thành một khối. Khu gia đình cũng nằm kế ngay bên, nơi bầu đoàn thê tử của các cán bộ cao cấp vừa tham gia kháng chiến vừa lo việc nhà. Khu doanh trại cách nhà sàn của ông một thung sâu, một con suối. Khi chủ tịch cùng người dẫn đường xuống thung lũng, trời đã tối đen. Cậu chánh văn phòng ve vẩy cây đèn pin bọc vải dày, chỉ hở ra một đốm sáng bằng con đom đóm. Thung lũng thiếu bóng cây cao. Những loài cây mọc dọc lối đi chỉ là loài tùng thảo hay diệp chi không đủ sức che con mắt dòm ngó của máy bay do thám. Nhưng bù lại, có rất nhiều đom đóm rừng và những mảnh gỗ mục sáng rực lân tinh tựa hồ lửa soi đường của Sơn thần hay dạ đăng của các Lâm chúa. Họ phải nương nhờ thứ ánh sáng ấy mà đi. Khoảng nửa giờ sau, mới đến bờ suối. Qua suối, chỉ còn một con dốc ngắn là tới khu doanh trại. Ông hỏi chàng chánh văn phòng: - Lần trước, tôi dặn chú khi qua suối phải làm gì chú có nhớ không? - Dạ, chủ tịch nói...rằng....rằng... Anh ta nhai câu nói giữa hai hàm răng khiến ông phì cười: - Tôi dặn chú trước khi qua suối nhớ đái vào hai bàn chân. Đấy là cách phòng bệnh thấp khớp cổ truyền mà tôi học được. Các chú còn trẻ nên chưa biết sợ luật trời, coi thường sức khoẻ. Nhưng sức khoẻ là thứ tài sản lớn nhất mà con người cần phải gìn giữ... - Thưa chủ tịch, tại đầu óc tối mò mò nên học trước quên sau... - Ồ, đây không phải vấn đề chữ nghĩa: Chẳng phải thiếu thông minh mà là thiếu ý thức tiên liệu... Chánh văn phòng cười hì hì rồi lùi lại ngay sau lưng ông, thực hành bài học ông vừa giảng. Chủ tịch nghe tiếng nước tiểu rót ồ ồ, thầm nghĩ: ― Cu cậu khoẻ thật....Tuổi trẻ đúng là thiên đường....‖ Họ phải mò mẫm qua suối khá lâu vì lòng suối rất trơn, dù nước không sâu lắm. Bãi đá không ghồ ghề nhưng lại xen những tảng đá đầy rêu nhớt, chỉ cần lạng chân lên đó trong tích tắc, ngã như chơi. Phải vào bệnh viện thì phiền toái lắm, nhất là bệnh viện nơi rừng sâu núi thẳm, thiếu mọi phương tiện lẫn thuốc men. Nỗi lo thiết thực khiến ông luôn luôn phải tự nhắc bản thân cũng như tất thảy mọi người: ― Cuộc chiến tranh đang trong giai đoan vô cùng khó khăn. Chúng ta phải cố gắng giữ sức khoẻ. Nói cách khác chúng ta không được quyền ốm. Bệnh viện và thuốc men nên dành cho thương binh. Giữ sức khoẻ trong khả năng tối đa, đó là kỉ luật, đó là tinh thần trách nhiệm trước tổ quốc cũng như đối với chính bản thân mình.‖ Giữa lòng suối, chánh văn phòng đột nhiên túm lấy ông: - Đoạn này trơn lắm, xin người để tôi dắt. - Cảm ơn, nhưng tôi đã vượt qua khúc nguy hiểm nhất rồi. - Người thấy nước suối có lạnh quá không ạ? - Lạnh hay không chúng ta cũng sắp đến bờ. Ông cười, và nói tiếp: - Lần sau, nếu có lòng tốt muốn cõng tôi thì phải hỏi trước khi đặt chân xuống nước. - Ô...ô...ô... Anh ta không có cách nào đối đáp nữa nên đành cất tiếng kêu như một con bê vậy. Trong bóng đêm, cả một đám người đã láo nháo hiện ra: - Chủ tịch....Chủ tịch đã đến... - Chủ tịch đến rồi ạ?. Ông cất tiếng đáp: - Tôi đây! Đám người cất tiếng reo rồi chạy tràn xuống suối, lúc ấy làn nước chỉ còn già gang tay. Nước bắn tung toé lên cả quần áo chủ tịch. Những ánh đèn ve vẩy loang loáng trên mặt nước, rồi những cánh tay túm lấy vai ông, lưng ông. Kẻ rờ áo, người rờ vai. Chủ tịch nhận ra đám người quen bởi mùi mồ hôi, hơi thở. - Chủ tịch có mệt không ạ? - Mệt chứ. Nhưng chưa mệt đến mức phải yêu cầu các chú cõng lên doanh trại. Ông đáp, đoạn xăng xái leo lên dốc. Từ đây, rừng già rậm rịt. Ai nấy đều lột vải bọc đèn pin. Những vệt ánh sáng từ hai bên đường đan chéo nhau loang loáng phía trước mặt ông. Chủ tịch thấy sảng khoái. Ông nghĩ tới niềm vui đang đón đợi. Những cuộc gặp lũ trẻ là khoảnh khắc thư giãn đối với ông, gần như giờ ra chơi đối với bọn học sinh tiểu học. Phía trước, khu nhà sáng rực ánh lửa. Các khuôn cửa có màu cam chín, thứ màu lộng lẫy trong đêm. Tiếng trẻ đồng ca vang lên theo nhịp vỗ tay. Khi ông bước vào, tất cả bọn chúng đứng dậy, cất tiếng hát rộn ràng theo nhịp vỗ tay, thay lời chào đón: ― Non sông ta hằng nhớ ơn người đời đời, Chúng ta lắng nghe tiếng người vang rền sông núi, Nào cùng đi, tiến bước trên con đường giải phóng, Nào cùng đi, nghe hồn thiêng nước Nam vẫy gọi....‖ Tất cả những gương mặt tươi non ấy, tất thảy những đôi mắt long lanh ấy, và ngọn lửa đêm rực rỡ ấy...; ông nhớ rành rọt tới tận giờ....Phải chăng vì chúng được ghi khắc cùng một lần với một gương mặt, một cặp mắt, một nụ cười như son tô, một mái tóc đen óng ả?...Phải chăng vì chúng được hiện diện cùng một lần với hình ảnh của nàng?... Ồ không, không! Có lẽ thời gian khiến mọi vật đều nhiễm bóng mây huyễn tưởng. Đúng ra, sau buổi tối hôm ấy, ông chẳng còn vấn vương gì. Nói cho thật chính xác, trước khi giấc ngủ ập đến, ông nhớ lại đêm liên hoan với niềm vui lâng lâng, nhẹ nhàng: Dàn đồng ca. Ngọn lửa. Điệu múa xoè. Những chiếc váy dán giấy trang kim nhóng nhánh. Một đứa bé trai cỡ mười hai tuổi hát bài ―Sơn nữ ca‖ với giọng tê-no tuyệt vời. Và sau rốt, một đôi mắt nâu trong vắt nhìn ông chăm chăm bên kia đám lửa. ― Ôi, đôi mắt bồ câu! Mắt bồ câu!...‖ Con tim ông vang lên tiếng trầm trồ, thán phục: ― Sao lại có một cặp mắt đẹp đến như vậy! Ta chưa từng bắt gặp một đôi mắt nào giống đôi mắt đó. Quả là vưu vật của Tạo hoá!Trời đất mới diệu kì sao?‖ Đúng như vậy. Chính xác là như vậy. Sau đó, ông chẳng còn nhớ được gì bởi công việc dồn xuống đôi vai ông. Chiến dịch rồi lại chiến dịch. Mặt trận co lại phía đông và mở rộng về phía tây. Công tác hậu cần đang báo động. Công tác phản gián có vấn đề. Một mạng lưới điệp viên vừa bị đốt, nửa số người sa lưới đã nằm trong nhà tù, nửa còn lại bị vô hiệu hoá đang tẩu tán khắp nơi hoặc thu mình trong bóng tối. Tình hình nội bộ cũng đã nẩy sinh những vấn đề cần chấn chỉnh. Nhà nước thiếu nghiêm trọng những cán bộ có đủ trình độ văn hoá để phục vụ cho công tác binh vận và ngoại giao. Đúng là ông không còn nhớ gì nữa. Và năm tháng trôi đi...... Trôi đi tháng năm. Trôi đi những khúc nhôi khác biệt của cuộc đời. Đời người nào khác chi dòng sông bất trắc, nào ai đoán trước được những khúc thẳng khúc queo, những sụt lở hay đắp bồi, nơi đâu nước chảy êm đềm và nơi đâu là ghềnh thác. Phải chăng tất cả chúng ta đều nằm trong tấm lưới rộng dài của số phận?...Phải chăng những múa may quay cuồng của mỗi người cũng giống như vài lớp diễn trò của chú Tễu mà thôi?... Giá như có cách chi đoán biết được số phận hẳn cuộc sống của ông sẽ xoay theo chiều khác....Giá như có cách chi đoán biết được số phận hẳn ông đã thoát được lưới trời... Nhưng mọi sự: Giá như, chỉ là tiếng thở dài chung cục. Chúng giống như những vọng âm của đá lở, người ta chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm rung chuyển khi những tảng đá đã sắp rơi xuống đáy vực. Nào ai có thể giơ tay chặn được một tảng đá khi nó đang rơi từ đỉnh núi xuống vực sâu?...Ai?... Câu hỏi ấy có vẻ như yếm thế, và ông không muốn tin rằng ông đã mềm lòng. Tinh thần cương cường của người cách mạng cũng như sự kiêu ngạo của chủ nghĩa duy vật ngăn cản ông tin vào định mệnh. Tuy nhiên, cơn khắc khoải triền miên của ông vẫn chờ đợi một câu trả lời. Nhưng lời giải đáp còn chìm trong sương mù của chân trời phía trước. Và như thế, muốn hay không ông vẫn phải nhớ một con số, một cái mốc thời gian mà bỗng nhiên, con tim già nua của ông bị trúng thương. Ấy là một ngày hè định mệnh. Trưa hôm ấy, tướng Long mời ông sang duyệt lịch trình cho chiến dịch sắp tới: Thu-đông năm 1951. Ông hài lòng, kể từ lúc bắt đầu cuộc kháng chiến đến giây phút ấy ông mới có thể thở một hơi nhẹ nhõm: « Bánh xe bắt đầu quay rồi đây. Ta đã vượt qua giai đoạn chập chững của cuộc chiến tranh, giai đoạn muôn ngàn gian khó...Mùa hè này mở đầu cho một thời kì mới.... » Mùa hè ấy có tên là Tân Mão. Tân Mão cũng chính là tuổi của ông. Một mùa hè tới muộn nhưng không quá oi nồng. Ông định mặc bộ quần áo ta màu gụ ra đi song ngẫm nghĩ một vài giây, ông liền thay quân phục. Ông biết rằng khi mặc quân phục ông trẻ đẹp ra. Dáng người dong dỏng của ông vô cùng thích hợp với âu phục hay binh phục. Trong lối trang phục ấy, ông dễ dàng lấy được vẻ duyên dáng, quyến rũ. Trong lối trang phục ấy, nét mặt ông dường như cũng tươi tắn hơn dịu dàng hơn và trong tâm hồn ông những bài ca thời thanh xuân ào ạt trở về. Những lời ca ấy ngân nga một cách thầm kín và đem cho ông niềm sảng khoái mà chỉ mình ông hay biết. Thay quân phục xong, ông báo cho cảnh vệ biết rằng ông sẽ sang hầm tướng Long một mình, đoạn đường quá ngắn và quá quen thuộc, vả chăng ông thích đòi lại trong khoảnh khắc một thứ tự do đã bị tịch thu. Đường rừng, chim kêu vượn hót lá reo...nhưng trước hết, một mình đi, một mình suy tưởng, một mình nhìn ngắm cảnh quan....đó thực sự cũng là một hạnh phúc khi cuộc sống con người bị ràng buộc quá chặt chẽ vào tập thể... Trong tâm trạng hoàn toàn mãn nguyện ông săm săm bước, hầu như không để ý đến xung quanh. Được nửa đường, bất chợt những tiếng kêu hốt hoảng cất lên: - Xin dừng lại! Xin chủ tịch dừng lại! - Đừng đi! Xin chủ tịch đừng đi! Ngẩng lên, ông thấy hai cô gái nghễu nghện cưỡi trên một cành cây lớn chĩa ngang qua lối mòn. Các cô đang loay hoay tìm đường tụt xuống, cô nào cô nấy mặt đỏ gay, miệng lấm lem ruột vả. Ông biết ngay rằng họ đang chia nhau chùm vả chín, vì mải ăn họ không nhìn thấy kẻ bộ hành đột nhiên xâm phạm biên thuỳ của họ, phá tán bữa quà ngon lành hiếm hoi. Rồi khi chợt nhận ra ông, họ không còn đủ thời gian để tụt xuống nên đành rối rít kêu lên để chặn ông dừng lại. Bây giờ, hai cô đang cuống cuồng tìm cách giải thoát. - Cẩn thận, cẩn thận không ngã. Đến lượt ông kêu to vì sợ hãi khi nhìn thấy hai cô nối nhau ôm thân cây, tụt một lèo như hai con khỉ nhỏ. - Cẩn thận. Ông tiếp tục kêu nhưng không tránh được một nụ cười: - Sao các cô không xuống từ từ? Làm như thế vừa dễ ngã vừa rách quần áo? Lúc ấy hai cô mới cúi xuống nhìn trang phục xốc xếch của họ: - Thưa chủ tịch! Một cô cất tiếng và ngước nhìn ông. Chủ tịch choáng váng: Chính là đôi mắt ấy! Đôi mắt bồ câu. Nỗi ám ảnh sau cùng của đêm liên hoan bốn năm về trước. Ông nhận ra tức khắc cô bé năm xưa nhìn ông đăm đăm qua ngọn lửa. Phút chốc, những ảnh hình, những màu sắc, những âm thanh, những kỉ niệm trong chuyến đi đêm xưa với cậu chánh văn phòng sống lại. Nguyên vẹn. Tươi mới. Tro tàn lãng quên của bốn năm đột nhiên bị gió cuốn sạch trơn: « Tết thiếu nhi muộn màng. Đêm liên hoan vào ngày mồng bốn tháng sáu. » Ý nghĩ đó vụt qua như tia chớp. Cùng lúc, một chuỗi sấm nổ rền khiến óc não ông như muốn bật tung lên: « Năm xưa cô bé mười lăm! Và giờ đây, nàng mười chín tuổi! » Vâng, đó chính là nàng!... Hình như ông đã im lặng khá lâu khiến hai cô gái bối rối. Các cô hết đưa mắt nhìn nhau, lại nhìn lên cây, rồi nhìn xuống đất: - Chúng em xin lỗi chủ tịch ạ. - Chúng em không nhìn thấy người ạ. - Chúng em... Ông không hiểu những tiếng lúng búng của nàng. Ông chỉ thấy đôi mắt bồ câu trong vắt của nàng vừa như hồ thẳm vừa như giọt sương treo cuống lá, hai hàng mi cong như cánh nhạn chớp liên hồi. Ông chỉ nhìn rõ cặp môi tươi thắm chín mọng của nàng lấm lem ruột vả khiến hai hàm răng hạt bắp càng nổi bật, lóng lánh như ngọc trai. Ông thấy gương mặt nàng vừa mang vẻ thơ ngây của đứa trẻ vừa có nét quyến rũ đặc biệt của những người đàn bà, mà trời sinh ra họ dưới cái biệt danh: Nghiêng nước nghiêng thành.... Ông cũng không còn nhớ rằng ông đã trấn an hai cô gái ra sao?... Ông cũng chẳng nhớ các cô đã chào ông rồi ra đi theo cách nào. Ông cũng không nhớ ông đã nói gì với nàng vào phút cuối...Tâm hồn ông chao đảo. Tim ông đập thình thình như đang còn tuổi hai mươi. Cùng với cơn ba động ấy, tiếng reo bốn bề vang lên tựa một dàn đồng ca khổng lồ đang đứng quanh ông, ca hát. Tiếng hát của một đám đông vô hình vô dạng. Phải chăng đó là ma rừng hay thần núi, là tiếng reo hoan hỉ của các lâm chúa hay tiếng reo hò nham hiểm của đám phù thuỷ già?...Một thoáng ngờ vực sợ hãi khiến ông đứng lặng. Ông cứ tiếp tục đứng như thế hồi lâu, khi hai cô gái đã đi xa. Ông lắng nghe tiếng hát của dàn đồng ca huyền bí kia, thấy không gian rung rinh chao đảo, thấy những lượn sóng khổng lồ vô hình dập dờn uốn lượn. Không gian nhiệm màu là một đại dương và ông là con tầu bị ném xuống trùng dương đó ngoài mọi ý muốn, mọi đoán định, mọi dè chừng... - A....a...a.... - A...a...a.... Ông nghe tiếng reo lan toả khắp bốn phía rừng già, tiếng reo đuổi theo ông như những con sóng đuổi theo một con tầu, dồi lắc xô đẩy nó trong một cuộc phiêu lưu, trò đùa giỡn cay nghiệt của số phận. Đêm hôm ấy, ông ghi vào tờ lịch túi: Năm Tân Mão. Tháng Mão. Giờ ngọ. Ta đã...... Những kẻ tò mò thông minh nhất quả đất cũng không đoán được dòng chữ dang dở..... - Thưa chủ tịch, xin người vào dùng bữa. Anh lính béo đã đứng phía sau lưng ông tự lúc nào. Ông cất tiếng: - Các chú dùng bữa đã lâu chưa? - Dạ, thưa người bếp đại đội đang chuẩn bị bữa trưa. - À ra thế.. Ông lẩm bẩm. Dạo này ông ăn uống thất thường, ngày không còn đủ ba bữa.Nhiều khi ông quên rằng phải ăn và phải ăn cho ngon lành để dân chúng được yên tâm về tình hình sức khoẻ của ông. Sự đãng trí là bạn đồng hành của tuổi già, người ta muốn ruồng rẫy nó cũng không nổi. Ông quay vào phòng, ngồi xuổng trước khay đồ ăn sáng. Một chiếc bát sứ loe thành có vung úp kín bên trên. Ông lật chiếc vung còn bỏng rẫy, đầm đìa hơi nước: - À, ra hôm nay nhà bếp cho ăn cháo... Mùi hành hoa và tía tô xông lên ngào ngạt. Mùi hương quen thuộc của những căn bếp cổ truyền. Cháo hành tía tô vừa là món ăn nhẹ vừa là thứ thuốc giải cảm cúm. Ông đã quen mùi hương này từ thời ấu thơ. - Xin người dùng bữa kẻo nguội. Anh cận vệ béo nhắc nhở, mắt không rời đôi tay ông. Ông cúi xuống, nhìn những sợi hành thái đều tăm tắp cùng những lá tía tô xắt mảnh như sợi miến tầu, chợt nhớ tới một lần nào đấy ông bị ốm và nàng trổ tài nấu cháo cho ông. Bát cháo vụng dại nàng nấu còn nguyên những hạt gạo và hành lẫn rau thơm còn nguyên cọng: « Em là sơn nữ!... Sơn nữ ơi, em là giấc mơ của ta, của riêng ta... » - Thưa chủ tịch... Cậu lính reo lên đột ngột, đoạn nghiêng đầu lắng nghe tiếng rì rầm nào đó một lúc rồi kêu: - Máy bay lên rồi, chủ tịch có nghe thấy không? - Tôi chưa nghe thấy gì. Tai người ngoại bẩy mươi hẳn là khác tai chàng trai mười tám. Ông đáp với nụ cười và đưa mắt nhìn về phương đông. Mặt trời đã mọc từ lúc nào chẳng rõ. Hoàn toàn không giống mặt trời của ngày thường; bởi nó hệt như một trái cam chín muộn treo lủng lẳng giữa không trung. Một mặt trời dịu êm không chang chói. Một mặt trời còn dùng dằng trong cơn mộng mị. Một mặt trời ngái ngủ như thế chẳng mảy may gợi nên ý niệm thường hằng về trái cầu lửa hay cỗ xe hung dữ mang lửa đi thiêu cháy các miền đất bị nguyền rủa trên hành tinh. Mây trắng vẫn xôn xao như biển quanh các đỉnh núi. Nhưng xung quanh vầng dương là một khoảng xanh lơ giống như chiếc tán tròn. Một màu lơ trong suốt tươi thắm lạ lùng. Màu lơ ấy là màu của mùa hè vĩnh cửu. Cớ chi nó hiển hiện lên hôm nay? Trong lúc ông còn đang đắm chìm nhìn chân trời phía đông, chuông điện thoại nơi góc phòng bỗng reo inh ỏi. Cậu lính béo chạy vào nghe đoạn quay ra: - Thưa chủ tịch, trực thăng đã tới. Văn phòng mời Người xuống sân bay. - Thủ trưởng Vũ không lên đây? - Dạ, thủ trưởng Vũ sẽ tháp tùng người cùng với đội cảnh vệ tới dự tang lễ của dân xóm Tiều Phu. Sau đó thủ trưởng Vũ sẽ theo người trở lại chùa. Chương trình đã được duyệt. - Tôi đi thay quần áo. - Thưa, người cần phải ăn hết bát cháo vì trời rất lạnh. Tiểu đội cận vệ Một sẽ lên đây để tháp tùng người xuống sân bay. - Phải chuẩn bị quần áo đã. - Thưa chủ tịch, tất cả đã sẵn sàng.