chương 6

Rồi sẽ trở về sống đầm ấm dưới mái nhà này những người con trai, con gái, con dâu, con rể của bà. ấy là ước vọng, là niềm tin của bà. ấy là kết thúc của câu chuyện cổ tích, là đinh ninh ghi tạc của bao kẻ còn đang trong khốn quẫn, cách trở.
Nhưng, những chàng Sọ Dừa, sau bao năm đằng đẵng cách xa, đến năm nào, tháng nào thì sẽ trở về đoàn tụ sum vầy?
Ngày về không hẹn đã trở nên nỗi phấp phỏng thường xuyên đập nhịp. Thi thoảng tôi lại nghe thấy nỗi mong đợi cồn lên dồn dập, khi bỗng nhiên đàn chó trong khu tôi ở lại rộ lên tiếng sủa a dua a tòng. Nhất là từ ngày phường tôi lập chợ, số chó được nuôi trong các gia đình giàu có ở xóm Tây này tăng vọt. Vừa là bảo đảm an ninh, vừa là sinh lợi. Người ta bảo vậy. Nhà ông Luông có một con chó lài to kệu và sáu bảy con lít nhít lấy giống từ con Jăng nhà Hứng. Nhà hai chị em cái Vàng Anh - chúng đã gạt mẹ chúng khỏi danh sách những người sở hữu của cải - nuôi hai chó, một béc-giê, một phốc.
Thôi thì cứ là loạn xà ngầu lên mỗi sớm hửng, mỗi chiều sầm, là lúc lũ chó gần như được đồng loạt bứt khỏi xích, dông ra đường, tự do phóng uế và chạy nhảy cho đỡ cuồng cẳng. Ki-ki, Tô-tô, Giôn, Ních, Vằn, Vện... Tên tây, tên ta, đủ loại hình sắc, da lông. Càng lộn xộn, nhốn nháo hơn khi chúng mở mồm. Quả là những con khuyển hết sức mẫn cán, chỉ cần thoáng hơi khách lạ là y như rằng chúng biểu lộ ngay thái độ thù địch. Chúng gây nên một cuộc náo động vô lý, vào bất kể lúc nào. Nhà ông Luông ở đầu gió, hễ con lài nhà ông hắt hơi đánh xịch là cuộc hưởng ứng của lũ chó bùng nổ dây chuyền.
Khách ở xa đến được chúng đón tiếp mới thịnh tình làm sao!
Nhưng trưa ấy thì im ắng quá. Cái nắng lim dim. Con mèo Mí ngủ trên giàn mướp mới xanh lá. Thoảng hương ngải cứu từ khu đồi hoang tràn về theo mỗi đợt gió. Con chuồn chuồn ngô cụp cánh chốc chốc lại lúc lắc cái đầu bi ve. Nó đang ở trong tầm mắt quan sát của cái Thảm. Chốc chốc nó lại cảnh giác, bay vút lên. Bóng nó in chập chờn trên nền nắng càng trưa càng đậm vàng.
Tất cả đang bằng lặng như thường ta chẳng hề để tâm, thì tôi bỗng thấy tiếng đánh hơi của con chó nhà ông Luông. Tôi đã chờ đợi những âm thanh hằn học, gây sự của lũ bốn chân này. Nhưng kỳ lạ, tuyệt không một tiếng chó sủa. Chỉ có tiếng chân chúng dồn gấp tạo thành một vệt âm thanh dài dặc trốn chạy. Và vùng đất bị hong nắng vẩn lên một cuộn bụi mờ vì chân chó khua động. Tiếng động tan loăng dần. Vẫn không một con chó nào nho nhe nhóc nhách. Chúng bị mắc rọ mõm cả? Hay bị một sức mạnh vô hình nào khống chế khiến miệng mở đấy mà chúng không tài nào phát nổi một tiếng kêu. Đã vậy, chúng lại có vẻ khiếp đảm, cuống quýt thế nào. Tôi thấy rõ điều đó ở hai con chó nhà cái Vàng Anh. Như bị một lực lượng thần bí nào
đó đe dọa, cả hai con ngày thường hung hăng là vậy mà lúc này bỗng cụp tai, quặp đuôi, cuống cuồng quay đầu bỏ chạy, hồn xiêu phách lạc đến mức đâm bổ vào sân nhà tôi, rồi sau đó biết là nhầm mới lấm lét lủi ra, miệng hực hực tức tối, đầy vẻ bất lực, yếu hèn.
Đường phố vắng tanh bóng chó. Chó nhà nào tọt hết vào nhà ấy. Chí khí và tính hung dữ chó rừng biến sạch, chúng tìm các gậm giường kín đáo chui vào và nằm quay đầu ra, rên ư ử, chưa hết cơn kinh hoàng.
Hẳn là đã xảy ra một hiện tượng bất thường: lũ chó đã đối mặt và thua chạy trước một đối thủ quá ư cao cường, có sức áp đảo ghê gớm.
Cái gì đã xảy ra? Con vật nào, con người nào đã xuất hiện với tư cách là đối thủ cao cường, có sức mạnh phi thường như vậy?
Tôi xác định ngay đó là một con người. Vì sự im vắng thăm thẳm của buổi trưa đã cho tôi nghe thấy rõ mồn một tiếng những bước chân bước gấp gáp từ phía xa vọng về. Đó là bước đi của một đôi giày địa chất cao cổ, đế cao su, cỡ bốn mươi hai to đùng. Đôi chân nện trên mặt đất như tiếng vồ đập, nhưng lại thoăn thoắt khiến hai ống quần bắt nắng bỏng rát chạm nhau lạt xạt. ại, cũng lại cái quần cỡ đại! Cũng lại cái áo màu cỏ úa bộ đội cỡ đại, với hai ống tay buông để che nắng. Cái nắng cuối xuân chớm hè cũng xối lửa ra trò vào một khuôn mặt đàn ông trẻ và trần trụi nọ.
Đó là một gương mặt đã được bào giũa qua nắng, gió, hết vẻ thô nhám, chỉ còn lại nét tinh anh chọn lọc ngời ngời trên hai con mắt sáng quắc, cái gò mũi ngay thẳng, chính trực và cái miệng gạch một nét ngang bằng kiên nghị. Không nhìn thấy cằm vì lớp mồ hôi rịn ra xóa mờ ranh giới, cũng vì cái cổ lớn bằng khuôn mặt, tròn chắc như một ống trụ đồng.
Người nọ toát ra cái uy lực đến lạ. Tới đâu, mắt ông lia sang hai bên, lập tức ở đó im phắc và sạch quang bóng chó. Nhưng, bước chân ông chậm dần.
Tới căn hộ nhà tôi, ông đứng lại nhìn trái nhìn phải như soát lại trí nhớ, giật cái khăn đeo ở cổ lau mặt, rồi đi thẳng vào sân nhà tôi.
Vứt cái ba-lô lộn trái đựng quần áo xuống đất, người nọ bước một bước lên hiên. Lũ chó trong xóm bấy giờ mới bộc lộ đầy tính chất đê hèn của chúng là chó cậy gần nhà, và dường như đã thoát ra được cái vòng khống chế vô hình, mới bắt đầu sủa nhanh nhanh mấy tiếng để trút nỗi căm hận do phải nuốt nhịn bấy lâu. Không để ý đến tiếng sủa của lũ chó, người nọ bước vào nhà, chăm chắm nhìn tôi rồi đưa mắt sang cái Thảm, và cất lên một tiếng reo bồng bột tràn ngập cả căn buồng: - Cháu Duy! Còn.. con mẹ Quỳnh đây, hả?
Tôi ngỡ ngàng, rụt rè:
- Nó tên là Thảm!
- ôi chao! Cháu tôi xinh xẻo thế này mà sao cái tên nghe buồn thế! Không nhận ra chú à? Chú Dũng đây.
Bế thốc cái Thảm lên, chú Dũng giụi cái đầu tóc xoăn đen bóng như bị lửa hun vào bụng nó. Cái Thảm cười khanh khách.
Mối quan hệ máu mủ ruột rà đã được tôi cảm nhận ngay từ khi chú Dũng bước vào nhà, chạm ánh mắt vào tôi. Còn cái Thảm, tôi không ngờ, nó cũng tinh nhạy thế. Nó trụt xuống, ôm cổ chú, hôn chút chút vào má chú. Rồi ngoảnh ra cửa, nó gọi váng: Bà ơi, chú Dũng chú ý về! Ngoài sân, chẳng có ai. Bà tôi đi chợ bán ngải và mua thức ăn. Buồng trong cũng vắng. Mấy hôm nay, lão Hứng đi công tác, con Jăng cũng không có nhà. Lối vào buồng nhà lão và xuống khu phụ, như thường khi mỗi lúc lão đi vắng, buộc hai thanh gỗ chéo nhau chắn lại.
Nhưng chúng tôi chẳng phải chờ đợi lâu. Chú Dũng tôi vừa uống hết chai nước lọc, tôi đã thấy bà tôi đánh tiếng ở ngoài cổng: - Duy ơi, Thảm ơi, có bận gì không mà sao bà sốt ruột thế!
Con chuồn chuồn ngô rời sợi dây thép bay rập rờn. Con mèo Mí nhảy xuống sân, chun mình, vươn vai đón bà tôi bằng một tiếng mieo... kéo dài nũng nịu.
Cái Thảm tót lên giường, tung tấm chăn đơn, rối rít:
- Chú Dũng, chú trốn bà đi!
Chú tôi chiều nó nằm xoài xuống giường, để nó phủ lên mình tấm chăn vải. Xong đâu đấy, nó nhảy xuống đất, chạy ra cửa, toe toét:
- Bà ơi, không phải chú Dũng chú ý về đâu.
Bà tôi đã nhìn thấy cái thân hình người con trai út của mình, nhất là đôi cẳng chân to sều thò ra ngoài giường, ghìm cái cười trước câu nói ngây thơ của cái Thảm, giả đò ngơ ngơ hai con mắt:
- Quái, rõ ràng từ xa bà nhìn thấy có một chú bộ đội cao lớn rẽ vào nhà mình cơ mà. Hay là chú ấy vào không thấy đứa nào ở nhà nên bỏ đi rồi.
Tưởng bà mắc lừa thật, cái Thảm cúi xuống lật cái chăn phủ người chú Dũng, cười nắc nẻ:
- Cháu giấu chú Dũng ở đây kia mà bà!
Chú tôi bật người lên, đứng thẳng trong một thế võ phòng vệ, rồi thả lỏng toàn thân, cất tiếng cười ha ha. Bà tôi tít hai con mắt bạc:
- Chú cháu nhà bay đi đánh lừa thiên hạ được đấy. Hèn nào, bà đi chợ mà vấp liền mấy cái. Nhưng, không hiểu trời đất xui thế nào mà mua được con cá chép rẻ quá. Thế là chú cháu nhà bay được bữa canh dấm cá rồi.
Cái Thảm láu táu:
- Chú Dũng ơi, cháu biết chẻ rau rồi cơ. Cháu chẻ rau cho chú ăn với canh cá dấm bà nấu nhé.
°

*

Hóa ra cởi trần trông chú Dũng còn to con hơn cả khi chú đóng bộ quân phục. Hai bả vai hình như không bị vướng áo, tha hồ căng doăng hết sức. Hai bắp tay chú căng ních, không bấu vẫn nổi con chuột. Gò ngực chú nở phồng, nhưng hai sườn chú vát dần xuống dưới. Bụng chú bé tí, lép kẹp, ăn rồi cũng như chưa ăn, nổi múi. Đặc biệt là da chú, từ ngực bụng đến chân tay đều như là vừa được phơi nắng, vừa được tẩm mật. Sức vóc thế, nhưng khi chú ngồi bệt dưới đất, lưng ngả vào thành giường, đôi chân nhẵn nhụi duỗi song song, trò chuyện với chúng tôi thì trông lại rất gọn và hiền hiền.
Bà tôi mừng lắm. Hai con mắt bà cứ đọng lại rồi lướt đi lướt lại trên da thịt chú như sờ nắn, xoa vuốt:
- Thế anh đi những đâu mà mẹ, cháu viết thư, cấm có giả nhời là thế nào?
Chú cười hì hì:
- Con đi khắp nơi. Vào nam. Ra bắc. Sang đông, sang tây. Lên rừng. Xuống biển.
- Thế vẫn ở địa chất như?
- ở địa chất được ba năm thì con đi bộ đội đặc công:
- Chú ở bộ đội đặc công?
Tôi reo. Chú tôi gật:
- ở bộ đội đặc công đánh giặc được ba năm, bị yếu sức, con lại xin về đoàn địa chất. Lại đi tìm sắt. Bây giờ, con được trên cho đi học đại học.
Bà tôi cúi xuống rá gạo đang nhặt sạn, chớp chớp mắt. Những xúc động dồn nén từ năy đến giờ đã tràn đầy. Mắt bà nhòe mờ. Bà vạch túi, lấy cái khăn tay chấm đuôi mắt, rồi trách yêu chú tôi: - Thế mà cứ biền biệt. Con giai nhà này đứa nào cũng giống đứa nào. Y như bố chúng mày hồi xưa. Cấm có chịu thư từ tin tức gì. Người ta ở nhà héo hon, lo lắng thế nào, có biết cho người ta đâu!
Chú tôi cười khì, với tay lấy cái áo, móc bao thuốc lá: - Mẹ rõ lẩn thẩn. Con không giống bố thì giống ai. Anh em không giống nhau thì giống ai. Mà có gì mà phải lo! Chết thế quái nào được mà sợ!
- Chỉ nói trạng! Thế có nhận được thư mẹ, thư cháu Duy nó viết không?
- Con nhận được cả. Nhưng ở chiến trường, di động, không làm sao viết trả lời được.
Bà tôi đập tay vào rá gạo, ngẩng lên:
- Hồi này lại ăn thuốc lá à?
Cái Thảm đang chăm chú chẻ rau, lườm bà một cái rõ dài: - Hút thuốc lá chứ, bà lại nói là ăn!
- Rõ con mẹ Đốp chưa! - Bà tôi cười, nguýt yêu cháu gái.
Chú Dũng gật gù nhả khói: - Con bé này khá! Nhưng, phải đổi tên Thảm đi. Sao lại Thảm! Mẹ mày đặt cho hả?
- Bà đặt cho đấy. Thảm lắm, con ơi. - Bà bỗng xuống giọng, buồn tủi. -Con đi xa, bố thằng Duy không tin tức, mình mẹ với các cháu trứng nước ở nhà, thê thảm lắm con ạ. Sống nguyên vẹn được đến hôm nay là mừng lắm rồi. Con chưa biết hết mọi nông nỗi cơ cực đâu.
Chú tôi đứng dậy, tay cầm điếu thuốc ngún khói, mặt bỗng trầm xuống:
- Con biết hết mọi chuyện rồi. Có chuyện do chiến tranh. Có chuyện do làm ăn bậy bạ. Về đến nhà, liếc mắt một cái là con biết mẹ và các cháu khổ sở thế nào rồi. Chị Quỳnh cũng viết thư cho con...
Bà tôi ngẩng lên, thoáng một nỗi thắc mắc, nghi ngờ trong ánh mắt.
Bỗng dưng tôi có cảm giác bà tôi và tôi cùng thoát một hơi thở dài, trút hết bao nén chịu căng nhức bấy lâu trong người, kể từ lúc chú tôi có mặt ở căn buồng chật hẹp này. Cả cơ thể và tinh thần tôi chùng xuống, như được thả lỏng, thư giãn và thảnh thơi. Hóa ra bấy lâu chúng tôi phải gồng mình, nín thở. Bà già, con trẻ, hai cái hạng người xưa nay dễ bị dồn đuổi ra khỏi cảnh đời yên ổn, hay bị người ta ức hiếp, bắt nạt, dập vùi là vậy, khổ thế!
Chú Dũng tôi thay đổi bầu không khí gia đình và tôn giá trị của bà tôi và tôi lên. Chúng tôi chẳng những vui mà còn thấy mình mạnh lên rất nhiều. Ngay chiều hôm đó những thanh chắn ngáng đường xuống khu diện tích phụ của lăo Hứng bị chú tôi tháo dỡ.
Chú tôi hỏi:
- Cái bể nước vẫn còn chứ, Duy?
Tôi đáp:
- Còn, nhưng nhà ông Hứng không cho nhà mình dùng. Cũng không cho xuống bếp.
- Thế thì trước hết chú cháu ta xuống đó tắm một trận cho đã.
Những chặp cười giòn tan lấp lánh trong tiếng nước giội òa òa thỏa thích. Thế mới biết cái Thảm là đứa tợn. Trước nay đã có lần nào bị giội nước từ đầu xuống. Thành thử nhận gầu nước đầu, nó hốt hoảng hít luôn nước vào mũi, nhưng chỉ gầu sau nó đã nheo nhéo: "Chú Dũng giội cho cháu mới" và tranh giành từng gầu nước với tôi.
Hết veo một nửa bể nước. Mà vẫn còn muốn giội nữa. Đến mức bà tôi phải lên tiếng: "Thôi, ba chú cháu có định ăn cơm không đấy? Tắm lâu sũng người ra chứ báu bổ gì!". Đã bao giờ tôi nghe thấy cái thanh thỏa sung sướng ánh ỏi như thế trong câu trách yêu của bà.
Nhưng, niềm vui đã có một dấu hiệu chẳng lành.
Mặc quần áo xong, chú Dũng tôi đang vặn vòi nước giũ cái quần cộc của chú thì ngoài sân có tiếng xe Cúp hãm máy. Nhìn ra, tôi thấy Hứng đen ngòm cặp kính râm, áo ca-rô nâu vàng, tay lủng lẳng cái túi da in dòng chữ adidas, lẹp xẹp đôi dép da đi vào.
Không thấy con Jăng. Cũng không thấy Hứng đưa xe vào buồng. Như vậy là lão chỉ tạt qua nhà chốc lát, vì sực nhớ ra điều gì hệ trọng, hoặc đơn giản là về lấy cái gì quên đó thôi.
Đi qua buồng nhà tôi, nhận ra thanh chắn đường bị dỡ, lão hơi sững lại. Điều khác thường chưa từng có khiến lăo sa sầm nét mặt. Và không chần chừ một giây nào nữa, lão đâm thẳng ra cái sân sau lộ thiên, áp cạnh gian bếp và cái bể nước trong buồng tắm.
Chú tôi lúc ấy đã giũ xong cái quần nhỏ, đang thong thả tở ra và giăng lên sợi dây thép căng chéo qua sân. Có thể là chú tôi không biết đến sự có mặt của Hứng lúc ấy. Nhưng, rő ràng là thái độ, cử chỉ chậm rãi, đàng hoàng của chú tôi đã như là sự trêu ngươi, khơi thêm nỗi tức nghẹn của Hứng.
Hứng hùng hồn sấn ngay tới cái bể nước. Tôi có cảm tưởng, nếu như chú tôi thấp bằng lão, thì lão đã túm lấy chú tôi mà quát tháo, thậm chí cho mấy cái bạt tai rồi. Nhưng, có lẽ Hứng đã nhận ra cái sức vóc bất cập của lão trước đối phương, nên lão đành chống tay lên sườn, nhe những chiếc răng vổ chĩa vào chú tôi, bành cổ, cố lên giọng oai vệ:
- Mày là thằng nào? ở đâu mà dám tự tiện, liều lĩnh vào đây, hở?
Từ từ quay người lại, chú tôi làm ra vẻ bây giờ mới nhận ra kẻ vừa quát nạt mình, lừ mắt một cái và thõng tay đánh phịch. Cái thõng tay như một động tác giả khiến Hứng giật mình. ôi, cái già giặn, vững chãi của chú tôi. Cái thân hình lừng lững tượng đồng đen của chú tôi, nó nuốt trửng cái hình nhân còm cõi xác ve vì trác táng và lòng dạ nấu nung rặt những mưu mô gian hiểm của Hứng! Tôi cam đoan là chỉ cần một động tác giả vờ nữa, chẳng hạn nắm tay lại và dứ vào mặt Hứng là chú tôi có thể đuổi thẳng lão ra cửa, chứ chưa cần dùng đến vũ lực. Nhưng, có lẽ thừa hưởng ở bà tôi thái độ điềm tĩnh, đúng mực, nên chú tôi lặng lẽ bước lại gần Hứng và hất hàm vào lão:
- Này anh, ăn nói cho tử tế nhé.
Sao lại mày tao ở đây? Anh ngẫm xem: lẽ ra tôi phải hỏi anh câu ấy chứ, sao anh lại dám hỏi tôi? Tôi là người chủ căn hộ này, liệu có cần nhắc lại điều hiển nhiên ấy với anh không nhỉ?
Ngôn từ sắc sảo chứa đựng công lý và giọng điệu chững chạc của chú tôi đã khiến Hứng tắc họng. Lão nhổ phịt một bãi nước bọt rồi vùng vằng quay ra sân. Luống cuống, lão dận một thôi một hồi chiếc Cúp mới nổ máy.
Bà tôi, vẻ như người ngoài cuộc, ngoảnh ra sân sau bếp thanh thỏa gọi - Thảm ơi, lên bà chải đầu, rồi sắp mâm ra sân ăn cơm cho nó mát nào...
°

*

Bữa cơm chiều ở ngoài sân vui vẻ quá. Canh cá nấu chua. Rau chẻ nhỏ ti, xoăn tít. Lại gió mát. Đúng là ăn mừng chú Dũng về. Chú Dũng về trị tội lão Hứng. Tuyệt. Chú Dũng vừa ăn vừa kể chuyện đặc công đánh giặc ở biên giới phía bắc. Hết bát cơm, chú đưa bà xới, nhìn tay bà, chú hỏi: sao mẹ gầy thế. Bà đáp: tạng mẹ nó vậy, cao lớn là bố anh. Cái Thảm khoe: Nó đã đứng đến tận vai tôi. Chú Dũng hỏi: Có nhớ mẹ không. Nó lắc rồi lại gật. Bà chép miệng: Nó có biết mặt mẹ nó đâu. Mà lạ, mấy năm rồi không có thư từ gì cả. Chú Dũng nhắc lại: Chị ấy viết thư cho con, nói là viết rất đều và gửi tiền rất đều về cho mẹ. Bà băn khoăn: thế là thế nào? Chú Dũng cười: có bà rồi, chúng con khỏi phải lo gì hết. Bà chửi yêu chú Dũng. Lan man lại tới chuyện cô giáo Quyên, bà bảo: Cô vừa gửi thư ra giả lại cái nhà thuê, vì cô định ở lại trong ấy cùng chồng, để chồng chữa bệnh.
Đang ran ran thì cô Đại Bàng dắt cái xe đạp về. Cô nhận ngay ra chú Dũng:
- Trời, to đùng như ông hộ pháp rồi, cậu Dũng ơi.
Chú tôi cười:
- Chị vẫn khỏe chứ? Anh Đại bao giờ về?
Cô Đại Bàng dựa xe vào bờ rào, mặt ảo não:
- Cám ơn cậu hỏi thăm. Nhưng, càng nghĩ càng buồn, cậu ạ. Chuyện dài lắm. Rồi tôi kể cậu nghe.
Còn chưa kịp vân vi, người phụ nữ đã vội ngậm miệng, ngoảnh vào nhà mình, u uất:
- Thì cũng phải để tao thở một tí đã chứ. Cơm nước ở nhà chơi không mà cũng không chịu nấu. Bóc lột sức người ta thì cũng phải có chừng có mực chứ!
Trong nhà lại hắt ra tiếng gắt gỏng của cái Vàng Anh:
- Lại còn hóng hớt cái gì ở ngoài ấy nữa!
- Đứa nào nói cái gì đấy?
Chú Dũng đặt bát cơm, nghển lên.
Cô Đại Bàng than:
- Còn đứa nào vào đây nữa, cậu!
- Này, vào mà dạy con phò con của bà nhé - Lại hắt ra tiếng cái Vàng Anh - không, đây là không nể đâu!
Chú Dũng đứng dậy, dőng dạc: - Này, đứa nào nói với mẹ mà hỗn láo thế! Ra đây cho tao xem mặt nào!
Trong nhà im bặt. Bà rầu rầu:
- Gia đình nào cũng có chuyện.
Giàu có mà không dạy nhau ăn ở cho ra con người thì càng dễ tan cửa nát nhà. Các cụ nói: Hoàng kim hắc thế tâm là vậy. Còn nghèo túng mà không giữ lòng kiên trinh thì thành phường luồn cúi, nô bộc cả.
Trời sâm sẩm.
Mùa hè đến trong hơi gió nồm. Hương ngải về chiều càng nồng. Muỗi bay tụ từng đám trên mảnh trời chiều đang ngả màu hoa cà. Mấy con dơi vẽ những đường nét rối rít. Tít trên cao, trời xanh mỗi lúc một đậm đà. Rồi những chấm sao như những mũi kim li ti hiện lên, đưa ta vào cõi mung lung huyền bí xa thẳm. Tôi ngửa mặt lên, lòng dạ chợt nao dậy những cảm xúc bâng khuâng. Trên kia là thiên phủ, ngay khi mới sinh ra Tôn Ngộ Không
đã mở mắt phóng hào quang chiếu tới. Trên kia là vùng thiên cung Tề Thiên Đại Thánh đã nhiều phen gây náo động. Truyện lão Tôn anh hùng ăn trộm đào tiên, rượu ngự, linh đơn, phá rối hội Bàn Đào, mười vạn thiên binh cùng mười tám bậc thiên la địa võng bao vây đánh bắt không nổi, gây cho chúng tôi bao hồi cười khoái trá ; nhưng chàng cũng làm chúng tôi thương cảm xiết bao khi chính chàng bị Phật Tổ nhốt dưới núi Ngũ Hành, bắt ăn viên sắt, uống nước gỉ đồng.
Trên kia còn là cõi tiên, nếu quẻ thẻ nhà chùa nói đúng, thì chính là nơi bà tôi sinh ra. Bà tôi là cô tiên, vì chót lỡ tay đánh vỡ chén ngọc mà bị vua cha bắt xuống ở dưới trần này, bà xuống trần để đỡ nâng dắt dìu hai đứa trẻ côi cút chúng tôi ; cuộc sống của chúng tôi lắm lúc cũng kì lạ có phép màu là vì vậy.
Một bóng người lù lù xuất hiện ở trước sân đã đưa tôi trở lại với câu chuyện dang dở của chú tôi hồi chiều.
- Chào cụ.
- Không dám, chào ông chủ tịch.
- Tôi nghe nói nhà cụ có người lạ mặt.
- Lạ mặt nào hả ông?
- Lạ mặt chứ còn thế nào nữa!
Chú tôi đứng phắt dậy, tiến ra:
- Tôi đây. Kẻ lạ mặt đây. ông là ai?
- Tôi là chủ tịch phường.
- Chủ tịch thì trước hết phải kính trọng dân chứ.
Bóng người hơi lùi lại:
- Đừng có láo nhé. Có biết rằng gia đình này đang trong diện nghi vấn không?
- Thế thì ông có biết rằng, cái lão chủ tịch ở phường Ngọc Sinh này nó ăn đút, nên thông đồng và làm ngơ cho kẻ cướp đến chiếm đoạt nhà người ta không?
- Quân vu vạ! Tôi trói gô cổ anh lại bây giờ thì đừng có trách?
- ở ngoài quán nước, người ta đang chửi lão chủ tịch ấy đấy. Hàng trăm người chửi. Đủ hết các tội. ông ra mà trói người ta.
- Không trẻ con đôi co với anh!
Bà tôi tủm tỉm, khéo léo:
- Con trai tôi nó mới đi bộ đội về đấy mà, ông.
- Thì tôi đến để đưa cụ cái giấy đăng ký tạm trú cho nó đúng thể thức, chứ tôi có nói gì. Gia đình mình là gia đình cách mạng truyền thống, mình phải giữ. Bây giờ biên giới lộn xộn lắm, trên vừa cho biết, thám báo nó hoạt động rất dữ. Hàng tâm lý chiến nó đưa sang đầy. Mình phải cảnh giác. Trách nhiệm ấy là trách nhiệm chính trị của tất cả mọi người...
Chú tôi công kênh cái Thảm lên vai, nó nhìn chấm sáng vệ tinh trên bầu trời thắm thiết ánh sao.
°

*

Có hai sự kiện khiến cho buổi tối hôm ấy không khí sum họp của gia đình tôi kém vui. ấy là việc ông chủ tịch Luông tới hoạnh họe. ông đi thì tới cuộc cãi lộn, cấu xé nha gay gắt giữa hai chị em con Vàng Anh.
Tôi không ngờ rằng trong gia đình người ta có thể đối xử với nhau tàn tệ đến mức con cái chỉ vì của cải mà chửi bới mẹ và tranh giành với mẹ. Cô Đại Bàng đã bị hai chị em con Vành Khuyên vào hùa với bố nó, tách ra khỏi cộng đồng, trên thực tế ít lâu nay đã không còn quyền hành gì ở cái nhà lắm tiền nhiều của này. Bố nó nghe đâu đã nhăm nhăm lấy người vợ khác nên gần đây thư từ thưa thớt, lạnh nhạt hẳn với cô Đại Bàng. Bây giờ thì đến lượt hai cô chủ giành giật nhau của nả. Thật kinh, đứa mười sáu, đứa mười bốn, mà chanh chua đáo để như hai mụ nạ dòng.
Chú Dũng đang nghển cổ tìm chấm vệ tinh cái Thảm chỉ trên vòm trời đầy sao, thì nghe thấy ở sân bên nhà cô
Đại Bàng tiếng thanh củi văng ra đánh cạch. Tiếp đó, tiếng cô Đại Bàng thất thanh: - Chúng bay giết tao đi! Giời ơi là giời ơi! Giàu có làm gì cho nó khổ thế này, ông Đại ơi là ông Đại ơi!
Cái Vàng Anh rít:
- Câm mẹ nó mồm đi. Việc gì đến bà nào. Bà là cái đinh gỉ gì trong nhà này nào. Nó có tội, tôi phải xử nó.
- Tao đ. có tội với đứa nào hết!
- Đ. có tội, hả? Cái cát-xét đâu? Mày đưa thằng ma-cô nào rồi, hở con đĩ dại?
- Này, chị không có quyền hỏi cát-xét ấy nhé. Của chị đấy hả?
- Của tao! Của tao!
- Đ. phải của chị!
- ôi giời ơi, nó ăn cướp của tôi. Tôi đi vắng, nó mở khóa lẻn vào buồng tôi, xách cái cát-xét đi cho thằng nhân tình của nó.
- Không biết đứa nào có nhân tình!
- Mày câm ngay!
- Tao đ. câm. Bêu bêu... Thằng nhân tình vẩu!
- Tao phải giết mày! Rồi tao đốt cả cái nhà này! Cho tất cả của cải ra tro bụi hết!
Có tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng va chạm, tiếng đấm đá, xô đẩy, tiếng thở rộn rực. Rồi lại tiếng rít, tiếng la. Cuối cùng, tọt ra ngoài sân một cái bóng nho nhỏ mờ mờ. ấy là con Vành Khuyên. Con này đứng ngoài sân cứ mồm năm miệng mười chõ vào nhà chửi con chị. Cùng với các từ ngữ tục tĩu của hạng côn đồ là những hòn gạch, viên đá tương vào cánh cửa liên hồi. Cái gia đình con con ấy đã vào những ngày đổ đốn. Hai đứa con gái làm náo động cả xung quanh, đến nỗi chú Dũng tôi sau một ngày đi mệt nhọc, đang thiu thiu ngủ cũng phải nhổm dậy, đi ra sân, quát:
- Có im đi không, hay để tao phải sang dạy cho chị em chúng mày biết thế nào là lễ độ, hả!
Giọng chú toát ra cái uy lực gì mà hai chị em con Vàng Anh bỗng im tịt.
°

*

Tôi đồ rằng chú Dũng tôi là một con người đặc biệt. Suy ra từ cái việc chú dẹp yên cuộc đánh lộn của hai chị em cái Vàng Anh, từ việc chú xuất hiện là lũ chó sợ hãi chạy biệt, thì biết. Có thể là chú có trường sinh học, có thuật thôi miên kỳ diệu hoặc là môn sinh của trường phái Y-ô-ga cũng nên.
Mấy hôm sau, có một sự việc nữa khiến tôi càng tin là tôi nghĩ đúng. Trời chớm vào hè, đã như đứng trước lò lửa. Đang ngủ trưa, bỗng chú tôi chồm dậy, nhìn lên cái quạt trần phủ bụi im phắc. Sao có điện mà cái quạt trần lại không quay? Sau khi biết là nhà Hứng ác độc đã cắt điện quạt từ mấy năm nay, chú tôi liền đứng phắt dậy, và thoăn thoắt leo qua bức vách ngăn, vào căn buồng của lăo Hứng. Chỉ năm phút
sau, cái quạt đã ào ạt trong một vũ điệu xoáy tròn.
Điều kinh ngạc không phải là cái quạt chuyển động. Điều kinh ngạc là tôi nhìn ra cái khả năng leo trèo mềm dẻo, khéo léo như con vượn ở trong cái thân xác to cộ của chú tôi. Thì ra ở trong con người ta có nhiều tiềm năng bí ẩn lắm. Người ta có thể làm được nhiều điều bất ngờ lắm. Tôi nói với Việt, Việt bảo: "Bạn không thấy các chiến sĩ đặc công đấy à? Họ tàng hình được nhé. Đi được dưới nước. Lại nhảy cao lên tận mái nhà được nữa cơ. Còn chó béc-giê, họ coi nó như con cừu thôi. Tớ nghe người ta nói: họ bôi mỡ hổ vào người, chó ngửi thấy là chạy re...".
Tôi phục chú tôi và dõi theo mỗi cử chỉ của chú tôi, đến nỗi, một lần thấy tôi cứ mân mê mãi cánh tay sần sẹo của chú, chú ngạc nhiên:
- Có cái gì lạ đâu! Chó cắn đấy!
- Chó nào?
- Chó nhà! Tập cho nó cắn, hiểu không? Vì có trường hợp mình đi trinh sát bị nó phát hiện, nó xô tới, mình nằm im, như chết, mặc nó cắn xé. Cắn xé chán, nó bỏ mình, đi.
- Thế không đánh lại nó?
- Có chứ! Tùy trường hợp!
- Đánh được?
- Sao lại không được! Trước hết phải nắm được đặc điểm này: chó dù dữ đến đâu cũng sợ người đi đứng đàng hoàng. Ta dùng ánh mắt ngay thẳng quắc sáng điều khiển chó. Chó sợ những vật tua tủa gai góc. Ví dụ như bàn tay ta xòe ra, mỗi ngón tay cứng đanh. Còn đánh nó, trước hết ta bắn thằng địch dắt chó. Sau đó, chó địch nhảy tới, ta giơ tay trái lên. Tất yếu là con chó sẽ chồm lên đớp vào cổ tay trái của ta...
- Chú ơi, chú dạy cháu mới.
- Dạy cái gì?
- Dạy cách đánh chó ấy.
- Cháu còn bé, chưa đánh được.
Để chú luyện cho mấy miếng võ. Hai chú cháu tôi cùng ra sân. Chú
Dũng bảo: trước hết hãy luyện cho lòng mình yên tĩnh như trời xanh trên kia đã. Tôi ngẩng lên trời. Kỳ lạ. Những miếng võ uyển chuyển sôi động bất ngờ lại là những bông hoa lửa mọc trên mảnh đất bằng bặn, thanh bình. Thì ra lòng chính trực là cơ sở của mọi hành động. Và không thể dùng môn võ thuật cao quý vào mục đích đê hèn được. Chú Dũng bảo cơ sở của các động tác là những nguyên lý của động lực học. Chú dạy tôi khởi động. Dạy tôi đấm, đá, đỡ, gạt. Riêng về đấm, tôi học ba kiểu: đấm thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng, nhằm vào mặt, ngực, bụng đối phương. Sau đó tôi tập vào bài một: đỡ và quật đối phương qua đầu mình.
Tập một lúc, mệt lử. Tôi và chú nằm nghỉ. Lại quanh về chuyện chó. Cái Thảm đi chơi về, sán tới, phá đám:
- ứ kể chuyện chó đâu.
Có lẽ nó bị con Jăng gây ám ảnh khiếp hãi từ nhỏ nên nó dị ứng về chuyện chó. Chú Dũng xoa đầu nó:
- Thế cháu thích chuyện gì?
- Nó chỉ cổ tích Tấm Cám với chàng Sọ Dừa thôi.
- ứ phải.
- à này, cái Thảm bốn tuổi rồi sao không đi học mẫu giáo nhỉ.
- Họ bảo nó không có hộ khẩu, chú ạ.
- Chú ơi, chú có gặp mẹ cháu không?
- Có chứ.
- Mẹ cháu ở xa hơn chỗ ông ngoại, chú nhỉ.
Chú Dũng nhổm lên, nhìn cái Thảm, là lạ:
- ông ngoại ở chỗ nào nào?
- Bà bảo ông ngoại cháu ở trên Yên Kỳ ấy. Tết ông về đây ăn tết. Khi bà thắp hương khấn thì ông về.
Tôi chen vào câu chuyện:
- Cháu lên Yên Kỳ rồi, chú ạ. Cháu gặp ông rồi. Bà bảo ông hiện về lúc cháu với bà thắp hương, khấn.
- Chú thì gặp ông luôn.
- Thật à?
- Gặp luôn. Gặp cả ông tổ, gặp cả cụ tằng tổ, gặp cả kỵ cao tằng tổ cơ.
Cái Thảm ríu rít:
- Chú kể chuyện gặp ông đi, chú!
°

*

Thế này nhé. Đoàn địa chất của chú chuyên đi tìm sắt. Tất nhiên là gặp than, gặp vàng thì cũng đánh dấu lại để khai thác. Muốn biết ở dưới đất có sắt hay không, phải dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để thăm dò. Đồng thời phải khoan hoặc đào sâu xuống lấy mẫu, cũng có trường hợp phải đích thân xuống xem mạch quặng chạy thế nào. Lần ấy, các chú đào một giếng sâu. Sau đó, đào ngang vào thành giếng mấy đường hầm nữa. Chẳng bao lâu dưới lòng đất đường
hầm đã xẻ dọc xẻ ngang, đan qua đan lại như một mạng lưới. Nghĩa là có thể đi lại ở dưới đó từ đường nọ thông sang đường kia, một cách dễ dàng, bình thường, không phải khom lưng, cúi đầu.
- Thích quá! - Cái Thảm rúc rích.
Chú Dũng tiếp:
- Tất nhiên là cháu Thảm có thể nhảy dây cũng không sợ vướng. Nhưng, dè chừng là rất có thể bị vấp ngã, vì đường gập ghềnh và đặc biệt là tối và ẩm ướt. Tối mò như đêm. Là bởi vì, đường hầm ở rất sâu dưới đất.
- Có thắp đèn chứ, chú?
- Tất nhiên là chú được trang bị đèn. Cái đèn đeo ở trên mũ đội đầu. Đèn rọi về phía trước một luồng thẳng. Đi theo luồng sáng đó, thăm thẳm mịt mùng, có cảm giác đang đi trong một thế giới khác. Đây là thế giới bí ẩn, là nơi tàng trữ bao nhiêu điều mà con người ta đang đi tìm! Thậm chí, đây còn là nơi trú ngụ âm thầm của những cái quý giá mà chưa hề có tên cơ.
Thành thử, làm việc ở dưới đó mệt vì thiếu không khí thở, lạnh vì ướt át, nhưng hăm hở, hào hứng lắm.
Chú Dũng ngừng một lát, rồi hạ giọng:
- Các cháu cứ tưởng tượng xem, một ca tám tiếng, một mình chú với một máy khoan đá trong cái thế giới lặng lẽ đó. Tha hồ mà tung hoành. Vì có cảm giác, một mình là chúa tể nơi đây... ấy vậy mà một hôm chú nhận ra... không phải vậy. Nghĩa là không phải chỉ có một mình mình. Lần ấy, chú vừa ngắt điện máy khoan để nghỉ ngơi. Quái lạ! Máy ngừng chạy rồi, lẽ ra phải im ắng, chứ sao lại xôn xao thế này! Lắng tai một lúc, chú nhận ra tiếng người. Sao lại tiếng người nhỉ? Người ở đâu? Mà nghe tiếng xôn xao thì có vẻ như là âm thanh quen thuộc của buổi bình minh ở một khu tập thể nào đó trên mặt đất ấy. Thế mới lạ! Hay là mình đang chiêm bao? Chú nghĩ. Vì khoảng không u mờ dưới lòng đất dễ tạo nên cảm giác hư ảo lắm.
Tôi nín thở, hồi hộp. Cái Thảm cũng im thít. Chú tôi nhăn trán, vẻ mắc mớ: - Nghĩ vậy, chú liền nhấc máy, định tiếp tục làm để xua tan ảo ảnh bất lợi. Nhưng vừa bật công tắc điện, chú vội tắt ngay vì nghe thấy một tiếng gọi: "Cháu Lã Văn Dũng đó, hả?". Quay về phía phát ra tiếng gọi, chú nhận ra một ông lão cao gầy, mặc bộ quần áo ta, đi guốc mộc, chít khăn đầu rìu. Y như là một lão nông. Chỉ có điều là dáng vẻ rất cổ xưa. Chứ không gây cho chú cảm giác thánh thần nào hết. Bởi vì rõ ràng là ông cụ cầm tay chú lắc lắc, rồi cất tiếng nói ồ ồ, đặc giọng một ông lão vùng Thanh Nghệ: "Cháu lạ lắm hỉ? Cháu nỏ biết kỵ mô! Vì có trộ bao giờ! Nhưng kỵ biết cháu. Kỵ, cụ cháu, ông cháu, cả bố cháu nữa, ở dưới này từ lâu cứ mong mỏi được gặp con cháu dòng họ Lã mình mà bây chừ mới thỏa!". Chà, thế hóa ra đường hầm chú đào đã xuống tới tận thế giới
bên âm, nơi tổ tiên mình đang sống mà chú không biết!
Tôi và cái Thảm cùng nở tròn hai con mắt hồi hộp. Chú Dũng tiếp: - Vốn quen với những bất ngờ trong đời lính đặc công, nên chú trấn tĩnh ngay. Chú bóp chặt tay ông kỵ, thưa: "Cháu cũng nghe mẹ cháu nói về các cụ, kỵ họ Lã, nhưng chưa bao giờ được gặp". ông kỵ cất tiếng cười ha ha: "Vậy, hôm ni kỵ sẽ dẫn cháu đi gặp tổ tiên. Nào đi cháu...". Thế là chú đi theo ông kỵ. Đi được độ chục thước bỗng thấy sương khói từ đâu phả ra mù mịt. Rồi có một người mặc áo trắng, tay cầm một cành tre từ một ngách núi đi ra cúi chào, xin làm người dẫn lộ. Đường đi càng lúc càng tối. Qua một quả gò gió từ hang thốc ra lạnh buốt và tanh sặc thì gặp một tòa nhà lớn, trong có mười cái ngai kỷ chắp bằng xương voi. Đó là chỗ ngồi của mười vị Diêm Vương trông coi mười nhà ngục dưới âm ti. Chà! Hóa ra đây là nơi những kẻ khi sống làm điều tai ác, lúc
chết bị trừng phạt bằng đủ các cực hình. Đâu có phải chết là hết chuyện!
Chú tôi thoáng cười như tự giễu mình. Nhưng tôi vẫn chẳng thấy yên lòng và lại nhớ đến cảnh thập điện diêm vương ở căn nhà ngang ngôi chùa hồi tôi học mẫu giáo.
- Hai bên đường chú đi toàn thấy một lũ người so vai rụt cổ, kêu thét, lạy van vì bọn qủy tóc đỏ má đen và bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa dùng kiếm ngắn, dùi đồng róc xương, cắt gân, mổ bụng, moi gan. - Chú tôi hắng giọng, tiếp. - Có kẻ bị ném vào vạc dầu đang sôi cuồn cuộn. Có kẻ bị đặt lên bàn chông đang rên la, giãy đành đạch. Có kẻ rú lên khiếp đảm vì sắp bị ném vào chuồng hổ, báo. "Chẳng lẽ, tổ tiên mình lại là những con người đang bị hành hình kia". Chú vừa nghĩ thì ông kỵ đã quay lại: "Đừng lo! Tổ tiên mình ở chỗ khác cơ. Cháu có biết chuyện ông tổ họ Lã mình là tướng quân trong triều đình đánh giặc tài giỏi, một lần thất cơ, bị giặc chém đứt đầu còn xách đầu chạy về làng không? Đó, ông cha mình đều là người có công tích, được thờ phụng kính mộ. Nơi yên nghỉ là ở chỗ tê kia!".
Theo ông kỵ đi, một lát chú leo qua một cây cầu, dưới cầu chảy sùng sục một dòng nước lửa đầy thuồng luồng, cá sấu... Tới bờ bên kia thì gặp một đoàn người rồng rắn xếp hàng đi xuống. Đó là những người mới chết. Tới đầu cầu, từng người đứng lại trước một ông quan đội mũ cánh chuồn. ông này xem sổ, ai là người lương thiện, nhiều công với dân với nước thì ông chỉ lối rẽ tay phải. Kẻ ác độc, bất nhân thì phải leo qua cái cầu lửa này, đi vào mười nhà ngục, tùy theo tội nặng nhẹ.
Tôi và cái Thảm cùng thở đánh phào. Chú Dũng cười khoái trá: - Thế là chú và kỵ theo người cầm cành tre rẽ về bên tay phải. Đường đi bỗng sáng bừng như soi trong ánh trăng rằm. Hương dạ lan bốc lên ngào ngạt. Thỉnh thoảng lại gặp một dòng suối róc rách, cúi xuống uống thì hóa ra toàn là rượu thơm hảo hạng. Rồi những rừng đào, rừng mơ liên tiếp nối nhau. Tha hồ bứt ăn. Nhưng chú cũng chả thiết. Vì chú mải chăm chú ngắm nhìn những căn nhà gỗ xinh xinh dựng ở bên sườn đồi, cạnh những khóm trúc đùi gà đẹp như trong tranh cổ. Phải nói, đúng là bồng lai tiên cảnh! ấy thế!
Chú tôi cười thoảng một hơi, rồi tiếp:
- Đang đi, bỗng ông kỵ kêu to: Đây rồi, và cúi xuống, ông kỵ trật đôi guốc mộc ra, cắp vào nách, bảo chú leo theo kỵ lên một cái dốc đất đỏ. Thấy chú có vẻ ngần ngừ và nhìn kỵ như có điều gì thắc mắc, ông kỵ liền cười: "Đây là chỗ ở của các cụ họ Lã ta, cháu ạ. Đừng cười kỵ nhé! Kỵ là người kém cỏi nhất trong các bậc tiền bối của cháu. Kỵ chỉ ở làng, học hết ấu học ngũ ngôn thi thôi. Chỉ là anh lão nông nhưng kỵ là anh chọc trời khuấy nước ở làng, thấy sự bất bằng là không có chịu, nên bọn hào lý rất
căm kỵ. Chúng là bọn sâu mọt. Vơ vét của dân chúng không từ một thứ gì, kể từ đôi guốc mộc. Thành ra kỵ quen nết là cái gì của mình cũng cứ phải cắp vào nách cho chắc chắn!".
Ba chú cháu chúng tôi cùng nấc lên cười. Chú Dũng gật gù, rồi đổi giọng nghiêm nghị: - ấy thế. Thế là chú theo kỵ leo lên quả đồi, đến trước một ngôi nhà gỗ nhỏ. Trước cửa ngôi nhà có một ông già râu đen, mắt sáng đang đi mấy đường quyền của bài Mai Hoa. Thấy chú và kỵ ông già nọ dừng bài quyền, chắp tay, cúi đầu, thi lễ. Kỵ cười: "Thằng cháu đời thứ mười sáu dòng họ ta đây mà" rồi quay lại chú: "Đây là con trai của ta, tức là cụ, là tằng tổ của cháu".
"Cháu chào cụ ạ". - Chú nói. Lạ thay, cụ cứ đứng hai tay chắp, hai mắt mở trân trân rồi lát sau lã chã dòng lệ rơi.
"Cụ tằng tổ cháu cương nghị lắm, nhưng hay bị xúc động. Thôi, để ta kể thay vậy". Kỵ nói. Thì ra, theo lời kỵ, cụ tằng tổ đỗ đầu thi hương, là bậc danh sĩ nổi tiếng, lại có tài dùng các pháp thuật hộ mệnh tàng hình với các phép nhâm, cầm, độn, toán. Cụ tằng tổ khi làm quan trong triều đã nhiều lần khuyên can vua tránh điều bạc ác, làm điều nhân nghĩa cho dân chúng, được các trung thần nghĩa sĩ trong triều vô cùng mến mộ. Thế nhưng, cuối cùng, người lại bị bọn nịnh thần vu oan hãm hại. Người bị vua bắt giam, bọn ngục tốt ngày đêm khảo đả, cứ ngực người chúng đá, bắt người khai là cầm đầu gian đảng. Căm uất, người đã vượt ngục dấy binh và hy sinh nơi trận tiền vì một mũi tên độc bắn trúng ngực.
Im lặng cho câu chuyện trải cái dư ba xúc động của nó. Cái quạt trần vẫn quay, nhưng ý tứ khép nép. Ngưng một lát, chú có vẻ bị kích động, nói tiếp:
- Kỵ vừa kể đến đây thì nghe thấy một giọng oang oang ở bên cạnh. Quay lại, chú thấy một người đàn ông nai nịt gọn gàng, chân đi ủng, đầu đội mũ bình thiên, hai tai ngang, tay cầm thanh đoản đao, vừa đi tới.
- A, ông của cháu Dũng đây rồi!
Tôi định đưa cháu sang thăm ông đây.
Kỵ reo mừng. Người đàn ông tướng con nhà võ, tức là người ông của chú, nghe vậy, lập tức bước tới, cắp thanh đoản đao vào nách, ôm chầm lấy chú.
- Trời! Cháu của ông đây, hả?
Chẳng hay cháu có việc gì hay là lạc lối xuống đây?
Chú đáp:
- Cháu là công nhân địa chất.
Cả kỵ lẫn ông đều ngơ ngác không hiểu. Chú liền giải thích:
- Cháu đi tìm sắt trong lòng đất.
Sắt để làm vũ khí, làm máy móc cho đất nước, kỵ với ông ạ.
- à. Rứa thì kỵ hiểu. Sắt để rèn thanh đoản đao ông cầm tê!
- ừ, vậy ông cũng hiểu! Với thanh đoản đao ni, ông đã cùng nhị vị tướng quân nữa, dẫn ba nghìn phu thợ, binh lính khởi nghĩa và suýt nữa thì thay đổi
được cảnh huống sơn hà hồi đó, cháu ạ.
- ông kể cho cháu nó nghe!
Kỵ đưa mắt, nói. ông chống mũi dao xuống đất, nhìn chú:
- Cháu học sử ký nước ta có nghe nói có một thời vua chúa nhà Nguyễn đua nhau bóc lột, hà hiếp dân chúng, tích tụ của cải, xây dựng lăng tẩm không?
- Cháu có biết.
- ông làm tướng trong triều thời đó. Đau lòng lắm, cháu ơi. Ba ngàn phu chia làm hai hiệp, mỗi hiệp sáu tháng ròng, liên tục sáu năm trường. Lính cực nhọc đằng lính. Phu cực khổ đằng phu. Canh năm dậy. Canh hai mới ngừng công việc. Lại thêm bọn biện lý hộ công ngày đêm thúc ép. Hờn căm chất ngất cao bằng núi. Ba ngàn thợ dưới sự chỉ huy của ông chia làm ba đạo, canh năm ngày đó nhất tề vùng dậy. ông dẫn đầu trung đạo, xông thẳng vào tâu môn, áp sát giường bạo chúa. ại chao, thanh đoản đao này chỉ còn cách thân thể tên vua bạo tàn một bức vách thì tên Chưởng vệ Long võ quân hèn hạ thức giấc, kịp thời chạy ra chẹn cửa. Đúng lúc ấy ông phát chứng đau bụng. ại, trời chưa cho ta vận hội! ông ngă xuống và bị mũi giáo của chính tên Chưởng vệ nọ đâm vào tim. Sau đó cả gia quyến, họ hàng ta còn bị xử tội lăng trì, bêu đầu, tru di tam tộc và tịch thu tài sản. Có lẽ, nhờ ân ưu xóm làng mà dòng họ chỉ còn một giọt máu, ấy là bố con lúc ấy là đứa hài nhi, thoát được, nhờ sự che giấu của xóm giềng.
- Bố cháu Dũng có nhà không, nhẩy! - Kỵ bỗng nghển cổ sang trái, cao giọng hỏi.
- Có đấy! - ông đáp thay.
- Ta sang đó đi. Cho bố con hắn trộ nhau, cho hắn mừng!
Thế là cả kỵ, cụ, ông đưa chú đi... Lúc đó hình như là trời đã sáng...
Tôi như chồm lên, rùng mình:
- Chú ơi, chú có thấy ngực ông có vết đạn không?
Chú Dũng nhìn tôi, xa lạ:
- Ai bắn ông? Làm gì có ai bắn ông?
Tôi lặng đi.
Da tay tôi nổi gai rờn rợn. Những cảm xúc phi thường rùng rùng chuyển động trong tôi. Tôi nổi chìm trong câu chuyện vừa hư ảo lại vừa như xác thực chú tôi vừa kể. Tôi nhớ tới buổi tôi cùng bà tôi viếng mộ ông tôi ở Yên Kỳ. Người ta chẳng ai sống mãi cả. Ai cũng chết. Nhưng, cái chết không cắt rời con người với những người còn đang tiếp tục sống.
Vẫn đang mơ màng trong ảo giác, tôi sờ tay chú tôi, và câu hỏi tự buột ra từ tâm não tôi, trượt qua vành môi tôi:
- Chú ơi, thế chú có thấy bố cháu ở dưới ấy không?
- Không! Sao bố cháu lại ở dưới ấy! Bố cháu còn sống. Bố cháu vẫn
đang lái xe trong quân đội.
Chú Dũng nói quả quyết, và nhìn tôi cái nhìn trắc ẩn. Tôi đứng vụt dậy, nghẹn ngào không sao kìm nén được:
- Chú ơi, bố cháu bị bọn Pôn Pốt bắn ba phát AK vào ngực, nhưng vẫn đưa ô-tô về tới địa điểm và không chết!
Sung sướng trào nước mắt, nhưng như một đớn đau cảm ứng từ truyền kiếp, tôi vẫn thấy nhói đau ở ngực mình.