chương 7

Cái quạt trần thả sức quay. Ba sải cánh xanh văng tít mù. Nó hoạt động để bù lại mấy năm trời chết đứng. Cái Thảm thích lắm. Mùa hè in dấu ở khắp nơi. Cả trên người nó. Bà gọi nó là con phe rôm. Chiều nào bà cũng tắm chanh và lá mướp cho nó mà lưng nó cứ lẩn mẩn như lên sởi. Nó cũng là đứa tợn. Luôn miệng nó gào: "Vặn nhanh nữa lên, anh Duy!. Nó không biết rằng cái quạt là đầu mối câu chuyện rắc rối giữa lão Hứng, con người gian ác chết xuống âm phủ đáng bị giam vào ngục tối cho quỷ sứ trừng phạt, với chú tôi, con người chứa đựng bao điều bí ẩn về tài năng và hiểu biết.
Thấy cái quạt chuyển động sau bao ngày bị lão cúp điện, bảy hôm sau kể từ hôm hạch lạc chú tôi, bị chú tôi vặc lại, cứng họng, lão Hứng lầm lầm cái mặt ngay từ khi bước vào căn nhà, đi qua buồng nhà tôi. Ba lão bảo vệ đến ở cùng lão cũng đeo bộ mặt ác thần như thế. Không thấy con Jăng đâu. Qua trò chuyện của bọn họ thì biết họ gửi con chó giống này ở một nhà nào đó, gần đây.
Không hiểu bên trong nghĩ ngợi, dự tính gì, chứ bề ngoài, chú Dũng tôi thản nhiên như không. Với một con người như chú: mạnh mẽ, táo bạo, tài năng, trong người sôi sục một dòng máu phiêu lưu, nhưng lại rất hồn nhiên, vô tư, bản năng nữa ; thật cũng khó đoán.
Tuy vậy, tôi cũng vẫn lờ mờ ngửi thấy cái mùi máu lửa của cuộc chiến
căng thẳng giữa lăo Hứng và gia đình tôi, trước hết là với chú Dũng. Nhiều hôm cái quạt đã là khởi đầu của nhiều lời qua tiếng lại giữa chú tôi và lão. Bởi vì, có những trưa hè nóng như thiêu đốt, cái quạt đang quay vù vù, bỗng chậm dần và ngưng hẳn. Rõ ràng là có sự khiêu khích và ngấm ngầm một thủ đoạn ác hiểm gì đây. Chú tôi cố nén giận trước chuyện này:
- Anh Hứng ơi, anh có hiểu rằng bốn người chúng tôi chỉ có một diện tích là sáu mét vuông và nhiều lúc nóng quá, chật quá, tôi phải ra hiên nằm không?
Buồng trong không có tiếng đáp. Chú tôi đánh động vào tấm liếp ngăn. Hứng vẫn tảng lờ.
Tình trạng này lặp đi lặp lại vài lần rồi.
Chiều nay lại xảy ra. Cơn bão xa ngoài biển Đông dồn tụ oi nồng, ngột ngạt đến nghẹt thở và mồ hôi cứ rịn ra nhây nhớp khắp người. Mất quạt thì phát ốm mất. Sau khi chú tôi gọi, hỏi,
trình bày hoàn cảnh nóng bức, nhún nhường, van vỉ, Hứng vẫn giở bài bây, ậm ờ một lúc rồi cất tiếng ngáy, chú tôi liền to tiếng:
- Anh Hứng, sao anh lại có thể nhẫn tâm như thế được nhỉ!
- ›!... ông nói cái gì thế?
- Anh ăn hiếp dồn chúng tôi vào chỗ bí quá đáng lắm rồi đấy. Nên biết
điều, anh Hứng ạ.
- Nhưng mà mất điện thì tôi biết làm thế nào!
- Anh nói dối mà không biết ngượng à?
- Tiên sư thằng nào nói dối anh nhé.
Hứng lên giọng chửi thề, giữa vài ba tiếng cười nén lại trong bàn tay bịt miệng thoang thoảng mơ hồ. Chú tôi không để ý đến chi tiết ấy, cau có:
- Thật là quá đáng! Quạt mình thì vẫn vu vu.
- Anh Dũng ạ, tôi không khốn nạn như anh tưởng đâu.
- Rõ ràng tôi nghe thấy.
- Thì mời anh vào kiểm tra!
Chú tôi bật ngay dậy, trên người chỉ độc cái quần đùi, hầm hập bước theo lối đi, rẽ vào buồng Hứng.
Tai biến xảy ra quá đột ngột, nhanh chóng!
Tôi chỉ nghe thấy một tiếng kêu hự dội từ bụng lên miệng của chú tôi. Rồi sau đó là những tiếng đấm, đá huỳnh huỵch, chan chát, bồm bộp của một đám ba bốn người, cùng tiếng thở hổn hển, tiếng rít khoái trá của bọn chúng.
Biết là có sự chẳng lành, tôi nhảy xuống giường, la to: - Bọn ăn cướp, giết người, các bác ơi!
Nhưng, tôi bị ngay một kẻ nào đó tát cho một cái ngã giúi ngã giụi vào góc buồng. Chồm dậy, tôi thấy ba bốn bóng đàn ông đang chạy từ buồng Hứng, qua nhà tôi ra sân. Một tên nhổ nước bọt chửi: "Phải biết lễ độ với kẻ nắm công tắc điện nhé!".
Tôi chạy vào buồng Hứng. Cửa buồng đã khóa. Bọn Hứng đã chuồn, sau khi bày kế hiểm lừa chú tôi vào buồng, bất ngờ đánh chú tôi một trận đòn thù. Bọn này là quân đánh thuê nhà nghề. Ngay từ cú đánh đầu tiên, chúng đã hạ chú tôi xuống đất và điểm huyệt cho chú tôi ngất đi. Chúng rất sợ chú tôi với sức quật cường tuổi trẻ lại từng trải trong lao động và chiến đấu, sẽ hồi tỉnh, nên ra đòn rất ồ ạt với phương châm đánh nhanh, rút nhanh. Bây giờ chúng đã kéo chú tôi ra khỏi căn buồng và vứt chú tôi lại trên lối đi xuống bếp.
Tôi ngồi xuống cạnh chú tôi. Nhưng, ngay lúc ấy chú tôi đã mở mắt, chống tay ngồi dậy và đưa mu tay quệt mép chùi dòng máu đỏ đang rỉ ra.
- Không hề gì! Đừng nói cho bà biết! Bọn chúng đâu cả rồi?
- Chúng chạy cả rồi, chú ạ.
Chú tôi đứng dậy. Người chú đẫm mồ hôi. Nhưng không có dấu vết thâm tím. Mặt chú lì lì, mép chú trễ xuống, đọng niềm cay uất.
Bà tôi đi chợ về lúc đó.
Không hiểu là có điều gì báo trước mà bà tôi có vẻ hớt hải thế. Hấp tấp gắn liền với tai nạn hay vì bà tôi lúc đó già yếu, mệt mỏi, hoa mắt nên khi rẽ quặt vào nhà, đầu gối liền đập vào cái cọc sắt chôn làm cữ ở cổng. Kêu ối một tiếng, bà tôi buột rơi cái làn, tay ấp lên vết đau và khuỵu xuống giữa cơn nắng quái ban chiều.
Tôi và chú tôi vội chạy ra. Chú tôi định bế bà. Bà không chịu. Một tay ôm ngang lưng chú, chân đau co, chân kia tập tễnh, bà nhảy từng bước nhỏ vào nhà. Cái Thảm đi xin lá láng về hơ nóng cho bà đắp để tan máu tụ ở chỗ đầu gối vấp. Nhưng, không đỡ. Bao nhiêu cái mệt nhọc hình như chỉ chờ có dịp này hóa thành cơn đau nhức hành hạ bà.
Bà ôm chân, rên rẩm cả đêm.
°

*

Nhưng, ngày đó là ngày gì nhỉ, mà tai biến liên tiếp tai biến dội xuống gia đình tôi? Cả khi màn đêm đã buông.
Đêm ấy lại là một đêm không khí ngột ngạt, oi bức chưa từng thấy. Đôi lúc nhấp nháy ánh chớp nhỏ, nhìn lên thấy một trần mây, ngổn ngang mây cục, mây tảng, mây hòn, đen đen, xám xám. Cả dăy nhà chỉ thấy tiếng trở mình, cằn nhằn của người già con trẻ mất ngủ.
Chú tôi trở dậy đi tắm.
Từ hôm chú tôi về, chúng tôi trở lại sử dụng cái buồng tắm ở cạnh bếp của Hứng. Hứng thấy vậy chẳng nói chẳng rằng. Nhưng trò đánh trộm du côn lúc chiều với chú tôi, chứng tỏ thằng cha này là tên gian hiểm không vừa. Lão không chịu lép trước chú tôi đâu. Lão vẫn coi mình là kẻ mạnh, kẻ nắm công tắc điện.
Quả nhiên, chú tôi bị vào bẫy của lão lần thứ hai, ngay đêm ấy.
Như trên tôi đã nói, Hứng cùng đồng bọn về căn buồng của lão mà không thấy con Jăng đâu. Tôi cũng đã bị chúng lừa khi nghe chúng nói rằng con chó giống nọ hiện đang gửi ở nhà bạn chúng gần đây. Sự thật thì con Jăng đã bí mật trở về. Con béc-giê này to lớn, hung hãn, dữ tợn lắm. Nó hoàn toàn có thể đóng trọn vai tên hung thủ gây tội ác. Hứng gian ngoan đã tỏ ra vô cùng hiểm độc khi sử dụng con chó đực này để trả thù chú tôi. Trò này quả là chỉ có bọn lưu manh chuyên nghề mới bày ra được. Với con chó này, người khỏe mấy cũng chỉ là một đối thủ non yếu. Hơn nữa, dẫu có thương vong nặng nề đến đâu, nạn nhân cũng không có lý mà kiện cáo. Chó xích ở trong nhà tôi, anh mò vào làm gì để nó phải nổi cơn hung đồ?
Thế là con Jăng được bí mật xích vào bếp. Cửa bếp được mở thông với cửa buồng tắm. Sợi xích đủ dài để
hung thủ có thể tung hoành trong buồng tắm.
Chú tôi lần xuống buồng tắm. Chú tôi từng bước bước vào cái bẫy đã giương sẵn của Hứng. Và bẫy sẽ sập, để bọn Hứng lúc này tụ tập ở một nơi nào đó hí hởn, tâng bốc nhau và ăn mừng thắng lợi.
Bọn Hứng thật là những kẻ tinh ma.
Chúng dự tính đúng. Cửa buồng tắm bị đẩy khẽ, kêu kẹt một tiếng, đã đánh thức con Jăng. Nó nhổm dậy, giũ mình. Và khi chú tôi lọt cả người vào, tay đang đưa ra phía trước, sờ tìm cái gáo đặt trên bờ bể nước thì con chó hung tợn kéo cái xích đánh sạt, nhe nhanh, chồm tới trong thế tấn công quyết liệt. Hai chân con chó với những chiếc móng nhọn sắc bập ngay vào ngực chú tôi, và cổ chú tôi đã chạm vào cái mũi ẩm ướt của nó.
Giật mình, chú tôi ngửa người né lui. Có lẽ đó là cái cảm ứng bén nhạy của một người vừa bị lừa sa bẫy, còn nguyên sự dè chừng cảnh giới trong cử chỉ, ý thức. Có lẽ, đó cũng là cái phản ứng tự nhiên của một người còn trẻ tuổi, nhưng sớm dạn dày trong va chạm, luôn ở trong tình thế bất ngờ phải kíp thời có cách ứng xử thích đáng. Đó là hành động thông minh của chiến sĩ đặc công. Bọn Hứng ranh ma, nhưng đã không lường hết mọi sự. Chúng không biết rằng chú Dũng tôi đã từng là lính đặc công.
Lúc này, chú tôi thoát cái ra khỏi tình huống đi tắm, trở lại ngay vị trí người chiến sĩ đặc công đang lần vào vị trí địch, bị khuyển địch tấn công. Lập được trạng thái tinh thần như thế, mọi việc sẽ đảo ngược lập tức! Thật thế, bình tĩnh và nhanh nhẹn, tránh hàm răng nhọn của con vật, chú tôi lạng sang bên trái. Con chó mất đà chống chân trước xuống đất, nhưng lập tức bật ngay dậy, gần như bay lên, đớp vào bàn tay trái chú tôi giơ cao một cách cố tình để nhử nó. Thôi, thế là vào đúng bài bản rồi. Kẻ đi vồ người đã bị người đưa vào tròng. Nắm đấm
dồn hết sức trẻ và lòng căm hờn cùng ý chí quyết đấu của chú tôi vòng từ dưới quại lên đã đánh trúng ức con chó. Con chó tung người lên, hực một tiếng và đổ nghiêng xuống đất. Không bỏ lỡ thời cơ, chú tôi sáp tới, đè ập hai đầu gối lên mình con chó, và hai bàn tay xòe những ngón tay như sắt nguội chịt lấy cái cổ lông đen chuồi chuội của nó, bóp mạnh.
Nghe tiếng chú tôi gọi, tôi cầm cái đèn đi xuống, thì thấy con Jăng nằm nghiêng, đầu ngoẹo, lưỡi thè giữa hai hàm răng cắn chặt, nó đã chết.
Chú tôi đứng, tay chống nạnh, ngực dội lên hoắm xuống như sóng dồi
- Để nó đấy! Quân khốn kiếp!
Không cứng tay với chúng nó thì chúng nó ăn thịt mình.
Chú tôi nói trong hơi thở dốc, đưa tay quệt đám mồ hôi vă đầy trán, rồi cùng tôi đi lên nhà.
Bà tôi cựa mình, hỏi:
- Có chuyện gì mà hai chú cháu rì rầm ở dưới bếp lâu thế?
- Con tắm thôi! Có gì đâu. Mẹ có đỡ không?
- Đau ê ẩm khắp người, con ạ. Cả ở ngực nữa.
- Giở giời nên thế thôi, mẹ ạ.
Bà tôi đáp: ừ, rồi trở mình, quạt phành phạch. Được một lúc, lại mở mắt. Chú tôi vẫn ngồi dưới đất, chấm thuốc lá đỏ lòe soi hồng khuôn mặt tròn, rắn rỏi.
- Không đi ngủ đi, cứ ngồi ăn thuốc lá thế làm gì?
- Con hút hết điếu này đã.
- Bố anh ngày xưa ho hen vì thuốc lá đấy! Hừ, con trai, đàn ông nhà này, chả ai là không nghiện cả. Cai đi có được không?
- Khi nào bốn mươi tuổi, con sẽ bỏ hẳn.
- Bố Duy năm nay bốn mươi rồi đấy. Khổ, gần chục năm rồi, chả hiểu sống chết ra sao!
- Chết thế nào được mà chết! Mẹ cứ lo làm gì!
- Vẫn rằng là nghĩ thế, nhưng mà...
à này, con làm cách gì, hay là đi phép vào trong đó, hỏi tin tức anh con, xem thế nào. Mẹ nghe trong người hồi này không được như hồi năm ngoái.
- ôi, mỗi tuổi mỗi yếu, mẹ đừng lo. Mẹ còn sống với chúng con chục năm nữa. Rồi con học đại học xong, con còn lấy vợ chứ.
- ừ thì mẹ cũng mong sống mãi với con cháu. Chứ nếu bỗng dưng phải bỏ các con, nhất là các cháu... thì mẹ áy náy lắm.
- Mẹ chỉ nói gở!
- Cha bố anh, cũng biết trách mẹ nói gở. Này, con...
- Mẹ bảo gì cơ?
- Anh thắp hương trên bàn thờ bố anh hộ mẹ. Vừa đặt mình là mê. Mà mê sợ quá. ông lão đứng ở cửa, mời vào không vào, chỉ khóc. Gặng mãi mới nói: tôi thương mình và các con, cháu quá, có biết đâu rằng mình chết rồi, vợ con, cháu nội, cháu ngoại, phải sống với lắm bất công thế!
Chú tôi leo lên ghế, cắm ba nén hương trên bàn thờ ông tôi. Không ngờ cái Thảm cũng thức giấc lúc đó. Nó rỉ tai tôi rằng nó mê thấy mẹ nó về, dẫn nó tới trường mẫu giáo. Tôi nằm im, nhớ tới câu chuyện huyền hoặc chú tôi kể hôm rồi, trong mùi thơm của hương trầm.
Tôi không ngờ đêm đó lại là những giờ phút sum họp cảm động hiếm hoi của gia đình tôi. Số phận hình như chưa cho phép chúng tôi được sống bình yên, đông đủ.
Tình thế và cá tính đã là nguyên cớ của các tai họa. Tai họa sau bắt nguồn từ tai họa trước và nặng nề hơn.
Sáng bửng, tôi và cái Thảm đang thiếp đi trong giấc ngủ bù thì nghe thấy tiếng bà tôi rền rĩ:
- Giời ơi, các ông nghe kẻ nào vu oan giáng họa cho con tôi thế!
Tôi tụt xuống giường. Bà tôi ngồi trên đất, cái khăn nhung buột rơi trên vai. Mái tóc bạc cùn phật phờ sau gáy. Chân đau co, chân lành duỗi. Mặt rộc rạc, đau đớn. Chú tôi mặc quần áo bộ đội, đứng khoanh tay, tựa lưng vào tường. Hai chiến sĩ công an mặc cảnh phục, đứng ở cửa đang xua đuổi hàng xóm đến xem ; lấp ló mặt hai đứa con gái nhà cô Đại Bàng ở ngoài cửa. Trong nhà một chiến sĩ công an khác đang đọc lệnh bắt giữ chú tôi. Lý do bắt giữ ghi trong lệnh chung chung là:
để đảm bảo an ninh, trật tự!
Thấy bà tôi mếu máo, người nọ cúi xuống:
- Cụ đừng lo. Không có chứng cứ thì anh ấy sẽ được thả ngay thôi. Cơm gạo đâu mà nuôi không bây giờ.
Chú tôi lừng lững đi ra tới cửa, quay lại: - Mẹ đừng khóc. Chúng con không làm điều gì tủi hổ cho dòng họ, tổ tiên, bố mẹ đâu.
Tôi và cái Thảm chạy theo giữ tay chú. Cái Thảm òa khóc.
Tôi đã không thoát ra khỏi cái mạng lưới định mệnh, nếu như là nó có thật, đang chụp xuống gia đình tôi. Tôi cũng như em Thảm, có mẹ, có cha mà lại hóa ra côi cút giữa cảnh đời. Nhiều khi chúng tôi đúng mà lại bị quy kết là kẻ có tội. Còn bây giờ... Bắt đầu là bài tập làm văn kể chuyện. Với đầu đề cô giáo Tuyết ra: "Em hãy kể lại một câu chuyện dũng cảm mà em được biết (nghe, thấy)", tôi đã say mê viết lại hơn một trang giấy chuyện chiến sĩ lái xe bị ba viên đạn AK xuyên phổi mà vẫn đưa xe được tới đích an toàn và không chết. Tất nhiên tôi đinh ninh chiến sĩ đó là bố tôi. Bố tôi không chết. Dứt khoát là thế vì chú tôi đã từng đến cái thế giới của những người đã khuất, đã gặp ông, cụ, kỵ tôi, và khẳng định là không có bố tôi ở dưới đó. Viết chuyện này với tất cả tình yêu và lòng kính trọng cha tôi, tôi chắc mẩm đó sẽ là chuyện hay nhất kỳ làm văn này. Gì chứ chuyện của tôi hay hơn chuyện của thằng Kim Phú là cái chắc.
Thằng Kim Phú, thằng Văn Giang học cùng tôi từ mẫu giáo. Lên lớp một, lớp hai, nay là lớp bốn, chúng cũng vẫn cùng lớp với tôi. Hai đứa chơi với nhau, xa lánh tôi vì tôi học giỏi hơn chúng, lại là con nhà nghèo. Giữa học kỳ một, thằng Văn Giang chuyển vào Sài Gòn theo bố mẹ. Còn lại thằng Kim Phú, con ông đại tá công an. Mất bạn, thằng này mới lân la làm lành với tôi và Việt. Mẹ nó cũng thúc nó chơi với tôi. Vì nó học kém quá. Quy tắc tam xuất làm không nổi. Văn nó còn kém nữa. Lần này, nó ăn cóp một câu chuyện in ở sách Kim Đồng của nhà văn Phong Thu nổi tiếng. Chuyện kể về một em nhỏ đánh vỡ cái lọ, dũng cảm nhận lỗi trước mẹ. Nó chép nguyên si, không sai từng dấu chấm, phẩy.
Chắc chắn cô Tuyết sẽ cho nó ăn trứng hay ăn gậy. Còn tôi, xoàng là tám, nếu không là chín, mười. Nào ngờ, tôi bị một vố tẽn tò, điếng người! Đúng một hôm sau ngày chú tôi bị bắt giữ, đưa về giam ở trại tạm giam, cô giáo trả bài văn. Và tôi đã nhận lại bài văn sáng tạo của mình với nỗi tủi hổ chưa từng nếm trải. "Hoan hô nhà văn tương lai của nước Việt Nam ta. Em bịa tạc một câu chuyện đến nực cười. Nhưng, em đã gặp may, vì em đã làm cô buồn cười quá, nên em không bị không điểm".
Đó là lời phê của cô giáo Tuyết ở rìa bài văn của tôi. Cạnh lời phê tàn nhẫn và giễu cợt vô lối đó là con số 1 to tướng nhọn như một mũi tên. Tôi giấu vội bài văn xuống gầm bàn, tim như bị tên bắn trúng, đau lịm, nhưng cố gượng lên để đón nhận điều trớ trêu thứ hai: nghe cô đọc bài văn khá nhất đợt này, bài của thằng Kim Phú.
Cả lớp im lặng. Chỉ có Việt, sau khi nghe cô đọc và phân tích cái hay của bài văn ăn cóp nọ, là giơ tay.
- Em Việt có ý kiến gì?
- Thưa cô, bài văn của bạn Kim Phú em nghe quen quen, hình như đã đăng ở đâu rồi đấy ạ.
Cô Tuyết xua tay:
- Cốt truyện có thể giống. Nhưng lời văn thì khác, em ạ.có - Nhưng thưa cô, lời văn cũng giông giống ạ.
- Giống là giống thế nào! - Cô nghiêm mặt. - Em đọc nhiều đã bằng cô, hả? Ngồi xuống!
Giờ ra chơi, thằng Kim Phú làm mặt lạnh với Việt. Còn với tôi, nó vác mặt ngay lên. Tôi không thèm chấp, mặc nó. Nhưng, đến giờ ra chơi thứ hai, bỗng có đứa chạy đến rỉ tai tôi: - Này, Duy. Thằng Kim Phú nó bảo chú mày vừa bị bắt.
- ừ đấy, thì sao nào! - Tôi lườm thằng nọ, thấy nó im, liền thêm: -Người ta tạm giữ để kiểm tra. Không có gì thì người ta sẽ thả ra.
- Sao bảo chú mày là gián điệp Tàu ở biên giới mới về.
- Láo! Đứa nào bảo mày thế?
- Thằng Kim Phú. Nó bảo chính bố nó là thiếu tướng công an đã ký lệnh bắt chú mày.
Tôi sững sờ. Chả lẽ cái chuyện nó dọa tôi hồi còn học ở mẫu giáo lại là thật. Hay là, cái Vành Khuyên học lớp tám vốn căm ghét tôi, chú tôi, đã ton hót mọi chuyện xảy ra với thằng Kim Phú.
Giờ ra chơi thứ ba, tôi xộc đến định hỏi thằng Kim Phú chuyện nọ. Nhưng, vừa thấy tôi, thằng này liền lặp lại cái trò kết bè đảng, phong cấp tước từ hồi ở mẫu giáo, chỉ mặt tôi, hét:
- Các đồng chí sĩ quan cấp úy, cấp tá! Các đồng chí hăy bắt trói tên phạm pháp này lại.
Trông cái thân hình lẳng khẳng, cái mặt lấc láo của nó tôi đã thấy ghét quá. Tôi xồng xộc tiến đến thẳng nó:
- Mày bắng nhắng cái gì thế!
Tức thì nó rút cái còi trong túi đút vào miệng, thổi đánh toét một tiếng rất chối tai. Trời! Không hiểu ông bố đại tá hay thiếu tướng gì đó có thấu hiểu nông nỗi là: con ông nó lợi dụng luôn chức vị, phẩm tước của ông để dọa nạt, áp chế bạn bè không?
- Các đồng chí bắt giam tên này lại! - Nó ra lệnh.
- Mày nói ai là phạm? - Tôi vặn.
- Mày?
- Mày nói láo!
Tôi quát. Nhìn xung quanh đã thấy ba bốn thằng lẻo khẻo đang rập rình định giơ tay chộp mình. Chúng đều muốn tuân lệnh thằng Kim Phú. Tôi đoán chắc rằng thằng Kim Phú lại đã tổ chức được một đám hầu cận mình bằng cách đưa oai danh bố ra và bắt bọn kia phải đóng tiền cung phụng. Nhưng xem ra bọn muốn bắt tôi đều có vẻ e sợ. Con nhà giàu, có đứa nào vóc dạc đô khỏe như tôi. Tôi mười tuổi, mang tố chất di truyền của dòng họ có sức vóc, lại quen sống trong kham khổ, nên vừa khỏe lại vừa dai sức. Vào tuổi này, tôi cảm thấy sâu sắc thế nào là sự xúc phạm đến danh dự. Vả chăng, dư ảnh của cuộc bắt giữ chú tôi để lại trong tôi niềm cay uất lúc này dội lên cay sè gốc mũi tôi, vùng xoang trán tôi. Mình không cứng tay là bị nó ăn thịt liền. Tôi nhớ tới lời chú tôi khi trừng trị con Jăng cùng lúc lòng tôi rực lên ý nghĩ phải cho thằng Kim Phú một trận.
Thế là tôi nắm tay lại, gằm mặt xuống, lao thẳng vào thằng Kim Phú, một tay giơ cao che đỡ vùng mặt, còn tay kia như máy ra đòn tới tấp đúng
bài bản chú tôi đã dạy. Thằng Kim Phú giật lùi, nhưng nó cũng đã lãnh liên tiếp hai quả thượng đẳng vào mặt. Gầm lên, nó tung chân đá móc, một quả súc của tôi đã đánh bật chân nó lên. Mất đà, nó ngã ngửa tênh hênh và nằm khòng kheo trên sân như hình nhân bằng gỗ chắp, không sao đứng dậy nổi.
Trận đấu diễn ra trong nháy mắt. Bọn lâu la của thằng Kim Phú xô lại, đỡ nó dậy. Tôi lảng đi, ngỡ rằng cũng chỉ là chuyện bình thường vẫn hay xảy ra và chìm vào trong nhịp sống sôi động học trò. Nào ngờ, cái thằng có thói ăn trên ngồi trốc ấy lại là cái thằng cò hương, được bố mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chỉ giỏi hò hét, chứ va chạm mạnh là không sái tay cũng bong gân, trẹo cẳng. Bị mất đà ngã ngửa, nó vội vàng đưa tay chống đất. Nó đã bị chính nó hại nó.
Được bạn nâng dậy, nó so vai lại, khòng khòng cánh tay trái, sụt sịt khóc.
Cái thằng hèn ấy nhờ các bạn dẫn đến cô giáo Tuyết dạy văn, đồng thời là cô giáo chủ nhiệm lớp chúng tôi. Ngay lập tức, tôi bị mời đến trước mặt cô giáo:
- Nào, em đã làm hại bạn như thế kia, em có thấy xấu hổ không?
- Thưa cô...
- Không thưa gửi gì cả. Tôi biết là vì sao em đánh bạn Kim Phú rồi. Em ghen ghét với tài năng của bạn ấy chứ gì! Em tồi lắm! Em thử nghĩ kỹ đi, như thế có xứng đáng là học sinh không?
Tôi cúi gằm, mặt ê dại đi. Trời ơi, sao tôi bị nhục mạ đến thế này. Cô ơi, sao cô lại có thể gán cho em cái ý nghĩ đê hèn, đốn mạt như thế?
Thằng Kim Phú được đưa về nhà nó ngay. Tôi ngồi học tiết cuối cùng, đầu óc mung lung, hỗn loạn. Nhưng, nỗi oan ức ấy chưa phải đã là đến mức cay đắng tận cùng. Tan học, tôi bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng và ở đây, tôi đã phải chịu đựng một cực hình khổ
nhục mà tôi tin rằng sau này mỗi khi nghĩ lại, nếu không bình tĩnh, tôi có thể nổi cơn khùng điên, phá phách.
Tôi cam đoan là thế. Và tôi, cho đến giờ, vẫn không tài nào giải thích nổi, thân phận tôi sao lại có thể bị khinh rẻ đến thế, sao lại nằm trong tay ngẫu hứng của một người đàn bà xa lạ, chẳng phải là giáo viên, chẳng phải là hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường.
Người đàn bà ấy đi chiếc xe La-đa đến trường. Cặp mông và bộ đùi mập bó trong cái quần bò hoa. Ngực nở căng sau làn áo phông cá sấu. Ngoài bốn mươi rồi, nhưng son phấn đang cố trẻ hóa bà, tạo cho gương mặt choăn choắt của bà cái vẻ kiêu kỳ và nanh ác của mụ dì ghẻ.
Bà như vồ lấy tôi, lôi tôi xềnh xệch vào căn buồng khi tôi vừa rụt rè đi đến trước cửa để trình diện cô chủ nhiệm.
- Mày đây, hả? Cái thằng mặt sứa gan lim này. Mày ghen tức gì với con tao? Mày thù hằn gì với nó, hả?
Bà nhe những chiếc răng trắng như sứ, nhọn, nhỏ như răng chuột, và rít lên những tiếng chói tai, đồng thời hai tay bà cứ rung lắc, lay giật tôi như tôi là cái gốc cây bà phải đánh đổ vậy.
Tôi đã phản ứng lại. Tôi quẫy ra khỏi những ngón tay của bà. Lập tức bà gí ngón tay vào trán tôi day day và đay đả:
- Mày ghen ăn ghét ở với con tao, hở? Mày mà dám so sánh với con tao, hở? Con tao là lá ngọc cành vàng. Còn mày, mày là con cái đứa đánh đĩ thập phương, là con thằng khố rách áo ôm, cu-li poóc-tê. Thằng chú mày là hạng lưu manh có tiền án, tiền sự. Bà mày là con mụ nặc nô...
Bà thốc tháo tuôn ra, xối vào tôi mọi lời nguyền rủa, mạt sát nặng nề. Hóa ra bà đã đủ thời gian thu thập những thông tin cần thiết về gia đình tôi. Bằng cách qua mồm thằng Kim Phú hay qua hồ sơ bắt giữ chú tôi mà bà có thể biết ; và vì không cắn xé được tôi nên bà dùng chúng để hạ nhục tôi.
Cô Tuyết có lẽ thấy bà bị kích động quá, nên dịu dàng bảo bà: cứ bình tĩnh để cô dạy bảo tôi. Tức thì bà lồng lên như ngựa vía và xỉa vào mặt tôi: - Dạy bảo gì cái hạng này hở, cô! Bé đã thế này thì lớn lên sẽ thành đầu trộm đuôi cướp như chú nó. ôi giời, cái quân vai u thịt bắp, mồ hôi dầu khốn nạn này, nó lỗ mãng quen thói rồi. Cái tay thằng bé nhà tôi mà nó dám mắm môi mắm lợi bẻ quặt lại thì không gãy cũng trật khớp chứ còn gì!
Mặt tôi đã tím lịm. Lạ sao lúc này tôi không còn cảm giác nhục nhã nữa. Phải, việc gì mà nhục nhỉ? Kẻ kia sỉ nhục tôi. Nhưng, dựng chuyện vu cáo, tức là bà bịa đặt, gán cho tôi cái xấu xa tôi không có thì tôi không việc gì mà nhận lấy cái nhục. Tôi chỉ căm phẫn thôi. Và tôi phải gầm lên, sau một hồi nín hơi, tức nghẹn:
- Bà im đi!
Có lẽ bị bất ngờ nên người đàn bà nọ há hốc mồm, sửng sốt. Lúc ấy cô giáo Tuyết, ôi cô giáo kính mến của em, từ đầu tới giờ cô chẳng những chẳng đứng về phía kẻ bị vùi dập, chẳng có một hành động tối thiểu nào để bảo vệ thằng học sinh khốn khổ của cô khỏi móng vuốt cú diều, trái lại, cô lại dửng dưng, bỏ mặc nó bơ vơ đơn chiếc trước trò trả thù hung bạo ; giá như cô cứ tiếp tục im lặng thờ ơ thì cũng còn hơn là bỗng dưng cô vằn mắt nhìn tôi, quát: - Em không được hỗn! - Cô đã về hùa với cái ác, cái vô lý.
Thế là người đàn bà nọ được thể, ngoạc mồm tru tréo: - Đấy, cô xem. Cái đồ bất nhân độc ác thế đấy. Nó dám chửi cả tôi. Này, bà nói cho mày biết. Cả nhà mày không đáng giặt sơ-líp cho nhà bà nhé! Tôi đề nghị nhà trường phải đuổi học thằng này. Không thì tôi kiện lên tận Bộ giáo dục các người.
Rồi giật phắt cái ví đầm để trên bàn, người đàn bà quái kiệt nọ vùng vằng lao ra cửa, như thể là dằn dỗi gì đó. Nhưng, tới cửa, bà lại quay ngoắt lại, chỉ vào mặt tôi, gằn: - Chưa xong với bà đâu! Bỏ ngay ra, về bảo cả nhà mày gom góp lại, bỏ ra mười nghìn đồng, để bà thuốc thang cho con bà. Không thì còn rắc rối với bà!
Lại một lần nữa, cô giáo phù kẻ thịnh, về hùa với kẻ có quyền hành và giàu có, quen thói tác yêu tác quái vào mọi việc, cô không giữ được lẽ công bằng của người đi dạy dỗ con trẻ, cô dằn hắt tôi:
- Em thấy tội lỗi của mình chưa!
Em làm bà ấy tức giận, em gây bao hậu quả rắc rối cho tôi, em có hiểu không? Đấy, em tự làm hại em nhé: ai có thể kết nạp em vào Đội được nữa!
Nước mắt tôi ứa đầy vành mi. Tôi sẽ vừa gào vừa khóc vì uất ức, tủi hờn.
Nhưng không, tôi đã chỉ khóc vì thương bà. Bà tôi đã tới. Như bụt hiện lên cứu khổ cứu nạn kẻ yếu hèn, bà tôi đã tới cùng với Việt dẫn đường. ại, Việt, người bạn nhỏ bé thân yêu suốt đời của tôi. Việt đã chạy thẳng về nhà tôi, báo cho bà tôi biết: Cần phải cứu trợ tôi ngay. Bà tôi, cái áo nâu vá vai, gầy gùa, chân đau, tập tễnh chạy dọc theo hành lang gọi tên tôi, rồi đứng lại trước người đàn bà nanh ác cắp ví vừa xỉa xói tôi xong, với tiếng kêu vừa thống thiết, vừa quyết liệt:
- Các người có quyền gì mà hành hạ cháu tôi! Các người có quyền gì!
Mụ đàn bà nọ liền lảng ra ngoài. Còn cô giáo Tuyết chắc vừa kịp phản tỉnh, nhận ra thái độ thiếu công bằng quá đáng của mình, liền đỡ tay bà tôi: - Cụ ơi, xin cụ cứ bình tĩnh, để cháu nói lại cụ nghe.
Cuối tuần đó, bà tôi được mời tới trường.
Trở về, bà tôi cho tôi biết: Cô giáo nhận là có thiếu sót trong việc này,
nhưng vì rõ ràng tôi đã đánh bạn bị thương nên phải chuyển sang lớp khác, để quan hệ hai bên đỡ căng thẳng, phải hoăn kết nạp Đội một thời gian và gia đình tôi phải nộp tám nghìn đồng thuốc thang cho thằng Kim Phú. Tổn thương của nó có giấy bác sĩ chứng nhận.
Tôi ứa nước mắt thương bà. Bà ôm tôi, xoa đầu tôi, ôi bà của cháu, bà mụ đỡ nâng cháu, một lần nữa bà lại dắt tay cháu đi qua cái hỗn độn vô lý, thiếu nhân cách của cuộc sống này.
Vỗ vỗ vai tôi, bà cười khe khẽ: - Con trai gì mà mau nước mắt thế!
Nín đi không em Thảm nó cười cho kìa! Sợ bà không có tiền à? Đâu khắc có đó. Nhiều no ít đủ, lo gì, cháu trai của bà.
Đâu khắc có đó, nói một cách cụ thể là chiều hôm đó, bà tôi chồng cái ghế đẩu lên cái ghế ba nan ở trên giường, và bảo tôi leo lên, tháo cái quạt trần xuống.
Trời hãy còn nóng, nhưng từ khi chú tôi bị bắt, Hứng đã công nhiên giật đứt hết dây điện của cái quạt và nó đã trở nên vô dụng. Thêm nữa, giờ đây nó lại như một vật chứng nhìn chỉ thấy đau buồn. Tất nhiên việc bồi thường thúc ép phải bán cái quạt đi vẫn là lý do chính, vì cũng chẳng còn cách nào khác.
Có người đến tận nhà mua cái quạt đó. Cũng lại là cái lão lái buôn mắt cặp kèm, ăn trầu thuốc dạo nào đã mua cái xe Eska. Cũng lại là cái thủ đoạn chê bai dìm giá và kiểu cách cò kè, bắt bí quen, mòn. Nhưng, lần này bà tôi không còn có được cái ứng phó linh lợi như hồi xưa. Bà tôi lặng lẽ đếm mười nghìn đồng rồi bảo ông ta: "Thôi, ông vác hộ tôi đi!". Khách mua đi rồi, bà tôi ngồi thần ra. Lát sau bà bảo:
trả cho nhà thằng Kim Phú cũng còn được hai nghìn để chu cấp cho chú tôi trong lúc bị tạm giam.
Thứ năm là ngày nghỉ học. Cả nhà dậy sớm. Bà nấu cơm, nắm thành hai nắm to, nhỏ. Nắm nhỏ để ở nhà cho cái Thảm trông nhà ăn trưa. Nắm to bà tôi và tôi đem đi cho chú Dũng. Bà bảo: chả ai người ta cho tù ăn no đâu, huống hồ lúc thóc cao gạo kém này. Nhà giam, tiếc rằng chỉ có thân nhân mỗi tuần tiếp tế cho người nhà bị giam có một lần, chứ nếu được thì mỗi ngày bà phải nắm một nắm cơm to gửi vào cho chú ấy ăn thêm. Cùng với nắm cơm, còn lọ vừng lạc.
Bảy giờ, hai bà cháu đến cửa nơi tạm giam đã thấy người ta đứng chật trong nhà đợi. Tôi lặng lẽ quan sát xung quanh mình. Những làn mây, làn cói, túi nhựa chật căng bánh chưng bánh tẻ, giò, chả, ruốc. Lại có cả người mang nem, thịt nướng, lạp sường, xúc xích. Mặt ai cũng ủ ê như mang tâm sự oan ức. Họ lầm rầm trao đổi chuyện trò, rồi đứng dậy rào rào xếp hàng đôi, khi vừa nghe thấy mấy tiếng kẻng khua kèng kèng.
Gần một giờ đồng hồ sau, bà tôi và tôi mới lọt qua được cái cửa vòm có hai cánh cửa sắt nặng nề, bước vào một căn buồng nhỏ, ở đó có người công an xem giấy tờ và kiểm tra đồ tiếp tế.
- Cụ gửi những cái gì vào?
- Dạ, có nắm cơm với lọ muối vừng. - Không được để vừng trong lọ nhé.
- Sao ạ?
- Tai cụ nghễnh ngãng à. Vứt cái lọ đi.
Người nọ lừ lừ nhìn bà tôi như nhìn tên gián điệp, rồi hất hàm:
- Bẻ nắm cơm ra!
- Cái gì ạ? Nắm cơm tôi gửi cho cháu.
Người nọ cau mặt, không nói không rằng, nhấc nắm cơm bà tôi đặt trên cái bàn mặt đá rửa, bẻ đôi ra rồi ném bịch
xuống, hai tay đập vào nhau như phủ bụi.
- Cụ vào thăm ai?
- Dạ, thưa con tôi. Lã Văn Dũng.
- Cụ về đi.
- Sao ạ?
- Không có ở đây.
- Dạ, tuần trước tôi đến thăm, nó còn ở đây.
- Thả rồi.
- Sao ạ?
- Cụ ra đi. Hỏi lôi thôi măi. Người tiếp theo đi.
Bà tôi vội vơ nắm cơm bị bẻ đôi và lọ vừng, cho vào cái làn guột, mừng mừng, lo lo, quay ngang quay ngửa, biết là chẳng còn có thể hỏi được ai nữa, liền dắt tay tôi đi ra.
Ra tới ngoài đường rồi, bà tôi lại quay lại, nhìn chăm chăm căn nhà đá có cửa vòm và hai cánh cửa sắt đen sẫm. Tựa như bà tôi muốn hỏi nó: con tôi có ở trong đó không?
Rồi như tự giải đáp được cho mình, bà thở một hơi dài nhẹ nhõm: - ừ, chẳng có chứng cứ gì thì người ta phải thả chú ấy chứ, cháu nhỉ.
Nói đoạn bà lại ngẩn ra:
- Khổ! Chả lẽ mãi mãi vẫn như hồi nào. Khỏe thì bắt nạt yếu. Người lớn thì ức hiếp trẻ con. Đứa giàu sang thì thao túng mọi chốn. Bọn nắm quyền thì tác quái khắp nơi ư?
Chính lời bà tôi đã khiến bà giàn giụa nước mắt. Lát sau bà trỏ cái chòi gác cao vượt bờ tường cắm mảnh chai và chăng ba hàng dây điện bao quanh khu nhà giam, bảo tôi: - Hồi xưa, ông cũng bị giam ở đây. Bà cũng phải đi tiếp tế cho ông. Hồi đó họ bắt nhầm ông.
Rồi bà im. Tôi im lặng đi cạnh bà.
Chân bà đau từ hôm vập đầu gối vào cọc sắt, vẫn chưa khỏi. Bà bước tập tễnh. Tôi biết bà muốn về nhà thật nhanh. Nếu đúng là chú tôi đã được thả thì chú tôi phải về nhà chứ. Nếu không, chú tôi đi đâu?
°

*

Vừa bước vào sân, bà tôi và tôi còn đang rầu rĩ, do ấn tượng của buổi đưa cơm đến nơi tạm giam chú tôi, thì đã nghe thấy tiếng nấc của cái Thảm.
Cái Thảm đứng ở hiên. Nó vốn là đứa gan, từ lúc lớn khôn rất ít khi khóc. Càng lạ hơn là tiếng khóc của nó. Rõ ràng là nó cố kìm giữ. Nó chỉ nấc nấc trong cổ họng. Mặt nó do nhịn nín mà ứ đỏ. Tới khi bà tôi vứt cái làn ôm lấy nó, nó mới bật tiếng. Nhưng chỉ nức nở vài ba tiếng, nó lại nén lại, nấc nấc trong cổ họng. Và người nó rung lên. Tiếng khóc nghe tức tưởi, oan ức quá.
Bà tôi hốt hoảng bế nó lên:
- Đứa nào đánh cháu? Đứa nào dọa cháu?
Rồi nhìn vào nhà trong, bà la:
"Đứa nào rình lúc tao đi vắng dọa dẫm gì cháu tao, có gan thì ra đây cho tao biết mặt nào!". ý bà nghĩ lão Hứng. Lão Hứng đã về đây ở sau khi chú tôi bị tạm giam. Cùng về với lão là một người đàn bà trạc bốn mươi, to béo, mặt nhỏ bằng cái niêu con, thoạt nhìn bà tôi đã vận ca dao: "Những người mặt nhỏ như niêu. Cái răng trắng ởn, chồng yêu cỡn cờ". Rất có thể lão Hứng đã đánh mắng gì em tôi. Nhưng sao hỏi mãi em tôi vẫn không nói. Bà tôi bế nó ra sân, bảo tôi xem tay chân mặt mũi nó có chỗ nào thâm tím không. Nó lại nức nở to hơn và giậm chân lạch bạch, nghe càng ai oán. Hay là chị em con Vàng Anh bắt nạt nó. Có thể lắm. Hai đứa con gái này càng ngày càng tệ. Chúng tranh giành nhau của cải, coi nhau như quân thù quân hằn. Rồi có hôm về hùa với nhau, vác gậy đuổi đánh mẹ nó. Con Vàng Anh đã bỏ học, gia nhập băng ăn chơi của bọn quen lêu lổng trong phường. Cái Vành Khuyên
đem chuyện gia đình tôi đến trường, xuyên tạc và thêm dấm ớt bôi nhọ tôi.
Nhưng, trên người cái Thảm không có dấu vết thương tích. Bà tôi càng bối rối gặng hỏi. Càng gặng, nó càng khóc, càng run rẩy. Cuối cùng nó mới ôm cổ bà tôi, giụi mặt vào vai bà tôi, nghẹn ngào đứt quãng: - ông Hứng... đánh... chết con mèo Mí rồi...
Tôi choáng choàng đâm vào trong nhà. Bà tôi bàng hoàng kêu một câu gì đó tôi không nghe rõ. Cân não chúng tôi bị một đòn đánh trả choáng váng. Đây không đơn thuần là việc giết hại một con vật. Có cái gì đó hung hãn, man rợ hơn nhiều nên con em tôi mới rơi vào trạng thái khiếp hãi, thất thần như thế!
Nhưng, tôi còn chưa tìm thấy xác con mèo Mí thì đã nghe thấy tiếng cô Đại Bàng khe khẽ gọi bà tôi, ở bên bờ rào:
"Bà ơi, bà... con bảo bà cái này..."
- Cô nói rất khẽ rồi bỏ lửng câu tiếp.
Vì ngay lúc đó tôi thấy ông Luông chủ tịch phường với hai người công an mặc cảnh phục, bước vào sân nhà tôi, mặt cả ba người đều nghiêm nghị khác thường.
Chuyện gì nghiêm trọng đã xảy ra thế này?
Cái Thảm nhận ngay ra điều gì đó bất thường, nó thấy phải để bà tôi tĩnh tâm mà đối phó, nên tự trụt ra khỏi vòng tay bà tôi, nín bặt, đi vào trong nhà.
Đứng lại ở giữa sân, mặc cái áo đại cán ka-ki, khuyết áo mắc sợi dây đeo chùm chìa khóa, ông Luông vẫn cái mặt lưỡi cày ấy, nhưng hôm nay trông đầy vẻ phẫn nộ và khinh bạc. Không thèm chào hỏi bà tôi, ông vào đề luôn:
- Chúng tôi có trách nhiệm thông báo cho cụ biết trong tình hình chính trị hiện nay, nhất là khi đang có cuộc sinh hoạt chính trị lớn, tức là bầu cử Hội đồng nhân dân ba cấp: phường, quận, thành phố, bất cứ một kẻ náo loạn nào cũng sẽ bị thẳng tay nghiêm trị!
Thấy bà tôi im, ông chủ tịch lại tiếp tục kinh nghiệm xử thế lợn lành trói chặt, hắng giọng: - Đối với bọn lưu manh côn đồ rắp tâm phá hoại cuộc sống xă hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta, chỉ có một cách là thẳng tay. Thẳng tay! Cụ có hiểu không?
Bà tôi cúi xuống, cầm cái chổi, thản nhiên:
- ông nói thế có gì mà khó hiểu.
Những quân bạc ác, bất nghĩa, bất nhân, chết xuống âm phủ còn bị quỷ sứ hành hình nát xương lòi da ra kia, ông ạ.
ông chủ tịch chống một tay lên sườn, chun mũi:
- Cụ cứ việc nói kháy đi!
- Tôi chả nói kháy ai cả. Những quân ngậm máu phun người, trước bẩn miệng mình...
Một anh công an chẹn lời bà tôi: - Cụ ơi, cụ khinh nhờn chính quyền quá rồi đấy!
Bà tôi nhếch mép:
- Chú có hiểu đầu đuôi câu chuyện chưa? Nếu tôi có khinh nhờn thật thì là: Vì quan đú đởn nên dân nó nhờn, chú ạ.
Dứt lời, vứt tạch cái chổi xuống đất, bà tôi đưa tay xếp lại vành khăn đội đầu, cười khan một tiếng. Rồi lê cái chân đau đến trước mặt ông Luông, giọng bà tôi chợt lặng đi: - Thôi thì hôm nay tiện thể các ông đại diện cho chính quyền có mặt ở đây. Các ông nghe tôi nói lại đầu đuôi câu chuyện nhé. Cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Tôi nói vậy, thật là cực chẳng đă, ông chủ tịch ạ. ông vào nhà tôi xem đi. Có cái quạt trần tháo xuống bán nữa là sạch bách rồi. Tôi từng này tuổi đầu mà phải nuốt nhục kẻ lộng hành, nín nhịn để nuôi dạy hai đứa cháu nội, cháu ngoại như hai đứa trẻ côi cút, mà cũng không xong, hỏi còn có cái khổ, cái nhục nào hơn nữa không, ông?
Cái chân đau khiến bà tôi nghiêng người chực ngã. Tôi chạy vội lại đỡ bà. Bà vịn vai tôi đứng dậy. Rồi bà bảo tôi học bài đi, và bước lên một bước, giọng bà tôi cay nhức lên:
- Nào, đói khổ nó là cái nghiệp dĩ trường kỳ của dân ta, chẳng cần nói nữa, nhưng còn cái nhục nào hơn nữa thì ông cứ giáng xuống cho tôi và con cháu tôi hưởng đi. Nào, còn gì oan ức hơn nữa thì các ông cứ gây ra đi cho con cháu tôi nó chịu. Ngót nghét bảy mươi năm sống rồi, chồng chết oan mà nay thân còn mang tội. Con cái mỗi đứa một nơi. Thân già bới đất nhặt cỏ nuôi cháu. Vậy mà nay sổ đen, sổ đỏ. Mai quy tội gián điệp thám báo. Các ông có còn là Đảng, là chính quyền của dân không? Đảng chân chính biết thương người nghèo khổ, công minh chính đại lắm các ông ạ!
Ngực bà tôi trồi lên hoắm xuống những hơi thở rộn rực. Bà mệt lắm rồi. Nhưng cơn bi phẫn vẫn còn đang đòi lên tiếng. Bà nấc lên từng câu đứt quãng:
- Khánh kiệt hết rồi! Cùng cực lắm rồi, các ông ạ. Chỉ còn cái thân già ngực lép vú mướp tàn tạ nay sống mai chết nữa thôi. Nào, các ông muốn gì nữa thì nói đi!
Giọng bà tôi chợt như xé lên. Tôi kinh hoàng chạy lại ôm sườn bà, tấm tức khóc. Bà tôi vừa phanh mở hai vạt áo che ngực, rồi để mặc cho hai hàng nước mắt tràn qua hai má gầy, bà tôi gào lên khản re, và bước lên với vùng ngực già xám ngắt, nhăn nheo, khốn khổ: - Các ông đâm vào đây đi, bắn vào đây đi. Tôi sống thế là đủ rồi. ừ, đủ nhục rồi. Nào, đâm đi, bắn đi!
- Bà ơi!
- Bà ơi!
Tôi và em Thảm chạy lại ôm chặt sườn bà cùng kêu to. Tôi chuyển về phía trước bà, như một lá chắn che đỡ bà.
Hai người công an cúi mặt, có vẻ ân hận vì bây giờ mới hiểu ra phần nào sự thật. Một người ấp úng:
- Cụ Duy ạ, cháu xin cụ cứ bình tĩnh. Rồi mọi chuyện trước sau cũng sẽ rõ trắng đen.
- Bình tĩnh! Bình tĩnh để các ông muốn chà đạp lên ai thì chà đạp à!
Có một câu nói đã cất lên kịp thời phản ứng lại lời dàn xếp muộn mằn nọ. Tôi không ngờ người nói câu đó là cô Đại Bàng. Cô Đại Bàng, ôi, người phụ nữ đau khổ và chân thật, hàng xóm của gia đình tôi. Tôi càng bất ngờ vì cô đã chạy đi loan báo cho các cụ tổ hưu trí biết, khi thoắt thấy ông Luông và hai người công an bước vào nhà tôi, vì cô nghĩ chắc là có điều gì chẳng lành cho bà tôi.
Bây giờ, người đã xúm đông xúm đỏ ở bên sân nhà cô Đại Bàng. Thật là cuộc hội ngộ các anh hùng đông như trong Tam quốc. Tôi chợt nhớ tới ý cụ Hồn Nhiên nói hôm nào vì nhận ra gương mặt hồng đỏ của cụ cạnh nét mặt đăm chiêu của ông Vinh pháo, ông Xương, cụ Tuệ, cụ Lục... Lại có cả Việt như ngọn măng cạnh cụ Xương.
- Tôi có ý kiến thế này nhé. - Cô Đại Bàng lách qua hàng rào, bước sang sân nhà tôi, xăng xái khác thường. - Mục sở thị là tôi trông thấy ông Hứng xách con mèo đến trước mặt con cháu bé Thảm, rồi cầm dao chém. Vừa chém vừa quát nạt: "Thằng chú mày sổng tù về đây thì tao giết như giết con mèo này, nhớ chưa?". Con bé run cầm cập, mặt tái xanh tái xám. Tôi đứng ở bên này, vội lên tiếng: "ông độc ác quá quân Pôn Pốt thế, ông Hứng". ông ta mới xách con mèo máu mê bê bết chạy đi.
- Nó đâu rồi?
- Nó đâu rồi? Đồ dã man!
Cụ Hồn Nhiên áp mặt vào khe rào, nhìn sang, cất tiếng khàn khàn:
- Bớ ông chủ tịch. Cứ như lời ông nói là trong tình hình chính trị hiện nay phải nghiêm trị kẻ gây rối thì trước hết phải trị ông. Chính ông là kẻ gây rối loạn. ông kết tội lếu láo cho bàn dân thiên hạ, từ ông vua khỉ Tôn Ngộ Không tới bà lão nghèo khổ, cái thư viện của tôi.
Giữa tiếng cười bật lên có vẻ không đúng chỗ, cụ già cao niên vẫn tha thiết với việc đời, tiếp.
- Sắp đến ngày bầu cử Hội đồng nhân dân, ông phao tin ông Vinh pháo là đại tá dởm. ông man khai lý lịch của ông. ông ăn của đút của lót. ông gây muôn sự nhiễu nhương, muôn điều càn rỡ. ông làm hại thanh danh Đảng, Nhà nước ta!
- Lão còn nhiều tội nữa kia!
- ông chủ tịch ỉm thư của con cháu tôi!
- ông ăn cắp tiền con tôi gửi bưu điện cho tôi!
- Đả đảo Luông cường hào, ác bá!
Tôi không ngờ sân nhà tôi biến thành nơi biểu tình. ông Vinh pháo phải ra dàn xếp. Khóa vừa rồi ông trúng cử bí thư Đảng ủy phường. ông nói: bà con ai về nhà nấy đi. Mọi việc Đảng ủy phường đã biết, sẽ xử lý thỏa đáng trong một ngày gần đây. Cụ Hồn Nhiên hậm hực, kêu ông Vinh pháo vẫn mắc tật hữu khuynh. ông Vinh pháo cười cười, đập khẽ cánh tay cụt vào tay cụ Hồn Nhiên: "Mọi việc sẽ đâu vào đấy, cụ ơi!". Cụ Hồn Nhiên kêu: "Tôi sẽ kiện lão tới tận Tòa án tối cao. Chuyến này phải truất lão đi. Cầm quyền mà cổ hủ, ngu xuẩn, lại cơ hội, sâu mọt thì tàn hại cả bách tính!" Việt cũng có mặt ở đó. Việt thét: Kiện tới tận Ngọc Hoàng Thượng đế và Đức Phật Như Lai, vì lão vu cáo Tôn Ngộ Không!
°

*

Sáng hôm sau, bà tôi không dậy sớm như mọi ngày.
Buổi trưa, đi học về, tôi thấy cái Thảm lúi húi ở trong bếp. Trên cái kiềng sắt, một xoong cháo nhỏ đang lặng lẽ sôi, nổi từng bong bóng mắt cá.
Bà tôi ốm từ hôm đó
Căn bệnh thấp khớp bà mắc từ lúc trẻ tái phát dữ dội từ buổi bà bị vấp cọc sắt ở cổng. Những khổ ải bà đã chịu đựng dằng dặc mấy chục năm cùng những buồn đau bà phải hứng chịu những năm tuổi già gần đây ngấm ngầm gây tổn thương tâm thể bà. Bà bước vào những ngày đau ốm triền miên và thời kỳ suy nhược toàn bộ cơ thể.
Tôi và em Thảm lên khu đồi hoang hái rau ngải về phơi, sắc cùng đậu đen rang chín cho bà uống. Bà uống một ngày ba bát đặc. Bà nằm liệt mất ba ngày. Ngày thứ tư, bà ngồi dậy được. Tôi đi học về thấy cô Đại Bàng đang ngồi nói chuyện với bà. Đầu giường bà có mấy lọ thuốc bổ thần kinh cô mới đem sang biếu bà. Càng ngày cô Đại Bàng càng gắn bó với gia đình tôi. Cô đã hoàn toàn thất vọng về hai đứa con và người chồng tệ bạc. ông ta đã về nước sau khi nhận án kỷ luật sa thải, hiện lánh mặt ở Kiên Giang với người vợ bất hợp pháp.
Nhưng, hôm nay cô sang chơi với nét mặt hân hoan khác thường. Và ngồi một lúc thì vẻ hân hoan của cô đã truyền sang cả bà tôi. Bà tôi hấp háy hai con mắt:
- Thế thật là cô có gặp em Dũng nó?
- Thì chú ấy còn bắt tay con nói:
"Em không có tội gì nên họ thả ngay thôi. Chị nói với mẹ em rằng: em chào mẹ, em có việc vội phải đi ngay. Mẹ đừng lo gì cả". Trông chú ấy khỏe mạnh, vui vẻ lắm, bà ạ.
Bà tôi thở thào thào, sung sướng:
- Cái thằng tính khí lạ lùng. Con cái nhà này đứa nào cũng vậy. Trắc trở vì thế cũng nên, cô ạ.
Không nghe bà tôi nói, truồi theo dòng nghĩ ngợi của mình, cô Đại Bàng xáp lại, ghé tai bà tôi. Thì thầm cái gì mà lúc sau cô ngửa người cười khành khạch:
- Thế cho nên các lão mới há miệng mắc quai. Tố cáo chú ấy thì hóa ra: lạy ông tôi ở bụi này à? Mà chú ấy tợn quá. Đêm, chú ấy đột nhập vào nhà lão Luông dán một tờ giấy ở cửa ghi rõ to: "Cảnh cáo bọn cường hào gian ác Luông, Hứng và đồng bọn!". Ba đêm liền như thế. Thành ra lão Luông mới phải viện công an đến dọa bà. Còn lão Hứng thất kinh sinh ra hành tội con mèo vô tội để trấn an mình. Bà xem, chú ấy chơi quả độc đấy chứ!
Tôi đang nhớ tới con mèo Mí tội nghiệp và cái buổi tôi và em Thảm tổ chức đưa nó lên chôn ở khu đồi hoang mà cũng phải bật cười vì cái ngôn ngữ dân dã ở câu nói cuối cùng của cô.
Cô có vẻ thích thú vì tiếng cười của tôi. Quả thật cô hồi này nói năng đã đẫm mùi chợ búa và cô biết rất nhiều chuyện đồn thổi ở phố phường. Cô đã tuyên bố với hai đứa con hư là cô sẽ buôn bán để sống, chứ không cần nhờ cậy gì chúng cả.
Cô oang oang:
- Lão Luông rồi chết bà ạ. Dân người ta tố cáo ầm ầm. ăn của đút thành thần! Đi lao động hợp tác một suất: hai chỉ, ba chỉ. Ký giấy xin đăng ký kinh doanh cũng vàng, cũng tiền trao tay. Lão ăn của thằng cha Hứng này phải vài cây bà ạ. Các cụ ở tổ hưu người ta điều tra ra hết. Hóa ra, lão Luông này lý lịch có sạch sẽ gì. Cũng tham ô, hủ hóa, ăn cắp, ăn trộm bị đuổi ra khỏi ngành. Làm chủ tịch mà dám mở mồm nói: Tôi là người nắm công tắc điện, cho ai sáng người ấy được sáng. Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Cho nên bà thấy đấy, thằng thầy nó im thì thằng cha Hưng đĩ bợm, buôn lậu, ăn cắp này có dám nho nhe nhóc nhách gì nữa đâu!
Tôi ngó vào buồng trong. Quả nhiên mấy hôm nay lão Hứng không về nhà.
Cô Đại Bàng vắt hai chân lên nhau, triết lý:
- Hóa ra đánh đổ lão cũng vất vả đấy. Thế là mất đứt hai khóa còn gì, bà. Mà cũng tại ông Vinh pháo hữu khuynh cơ. Nó vu cho mình trắng trợn mà ông cứ cười hì hì là thế nào. ấy thế! Nể nang là không có được với loài ngoan cố này. Thói đời mềm nắn rắn buông, bà ạ.
Bà tôi khe khẽ:
- ác giả thì ác báo cô ạ. Nhưng mà cô này, hôm rồi, lúc các cụ đến bênh vực tôi khỏi bị nhà Luông nó hạch lạc ấy mà, tôi nghe có người nói là lão ấy còn có tội là ỉm thư, lấy tiền của thân nhân người ta gửi.
- Có! Có!
Cô Đại Bàng vỗ đùi, như nảy người dậy:
- Có, bà ạ. Chính là ông Xương, nhà văn, một hôm đã phát hiện ra. Con gái ông ta ở Sài Gòn tháng nào cũng gửi tiền cho ông ta dưỡng già, thế mà bặt đi từ đầu năm tới giờ, tiền không mà thư cũng chẳng có.
- Lão cướp cả cơm chim!
- Thế mới đểu chứ bà! Chuyến này thì tù mọt gông.
- Thế thì mẹ cái Thảm...
Bà tôi lạc vào cái ý nghĩ đã đau đáu trong lòng mấy năm nay. Chẳng lẽ cô Quỳnh tôi lại vô tâm, thiếu trách nhiệm, bỏ mặc cái Thảm cho bà tôi ư? Nếu vậy thì bà tôi đau lòng gấp hai lần kia.
Cô Đại Bàng không hề biết đến tâm tư của bà tôi. Vẫn giọng hào hứng, cô bảo, giờ lão Luông nhũn như chi chi. Cô xin đăng ký đi buôn, lăo phải ký liền. Và cái Thảm muốn đi học mẫu giáo, cam đoan cô sẽ xin được giấy của phường. Nhưng đang vui, cô bỗng chuyển giọng, rồi ôm mặt khóc hu hu: - Chỉ khổ thân con! Biết chồng con thế này, con ở quách nhà quê, lấy chồng làm ruộng cho xong. Nếu không thì con cứ làm thợ bê tông cũng sướng một đời. Bà xem, sức vóc con thế này, năng suất con làm gấp đôi, gấp ba người khác, việc gì con phải phụ thuộc vào ai! Hự, chỉ vì con nhẹ dạ cả tin, tưởng rằng nó tốt tiền, tốt bụng. Nào ngờ, nghề xế kiếm tiền như rác, làm nó tự cao tự đại, ta đây... Hư hư...
Bà tôi nhìn cô, thương cảm:
- Thôi, lựa lời mà bảo ban dần họ, cô ạ. Dẫu thế nào thì cũng đã là chồng là con. Khổ thế đấy! Thời buổi hỗn độn, có ai được yên ổn? Mẹ thằng cháu Duy đấy. Giờ không biết ở chân trời góc biển nào!
Không ngờ tôi lại gặp cô Thìn. Đã gần bốn năm qua. Khuôn mặt, dáng hình cô vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi: một vóc hình cao, một làn da nâu, một mái tóc kẹp. Nhưng, tính tình cô thì đã cởi mở, vui vẻ hơn. Cô đã được chính thức làm cô giáo, dạy lớp của cô giáo Hoa, cô giáo Hoa năm học này được đi đại học.
- ối, lại có cả cái giấy giới thiệu ông Luông ký cơ à! - Cô lật tập hồ sơ xin học của cái Thảm do tôi đưa, kêu đầy vẻ giễu cợt - ông này hồi này tử tế nhỉ!
Rồi cô nhìn tôi, mắt trầm hẳn xuống:
- Chắc hồi trước em oán cô lắm nhỉ? Thôi nhé. Cũng là vì ông Luông, ông ấy bảo là phải phân biệt như thế.
Tôi lắc đầu, chẳng hiểu lắc để làm gì.
Cái Thảm đứng sau tôi. Có hai con bé thấy nó đeo cái nơ ở hai bím tóc sán đến, định giật cái nơ và chòng ghẹo. Lập tức con em tôi quay ngay lại, giẫm chân guốc lên chân một đứa và hai tay thúc mạnh vào bụng đứa còn lại. Hai đứa con gái định giở trò ma cũ bắt nạt ma mới, cùng khóc toáng lên.
Đang cắm cúi viết, cô Thìn giật mình ngẩn lên.
- Làm cái gì thế, Thảm!
- Thưa cô, hai bạn ấy định trêu em. Hai đứa kia to mồm tố cáo cái Thảm. Cô Thìn lừ mắt nhìn em tôi.
- Hư nhé! Khéo rồi làm bà tướng ở lớp này!
Cái Thảm bụm miệng, lì lì, vẻ bất tuân phục. Tôi quay đi, tự dưng buồn rũ rượi. Không phải tôi chê cô Thìn thô lỗ, bất công. Cô chẳng xấu như tôi hằng nghĩ đâu. Nhưng cô làm tôi nghĩ ngợi. Vào tuổi lên chín, lên mười, tôi đã nghĩ ngợi được rồi, chẳng những thế, tôi lại còn có thể nghĩ ngợi thay cho cả con em tôi. Ra trẻ con chúng tôi là thế. Chúng có đủ cả nỗi buồn phiền, cay đắng. Chúng là mầm non, là búp trên cành, nhưng cũng là những kẻ không có một chút khả năng tí xíu nào để tự vệ. Ai cũng có thể quát nạt, mắng mỏ, dọa dẫm, chê bai chúng được. Nhiều khi chúng là cái cớ để người ta trút những cơn tức giận không đâu. Cứ suy tôi ra thì rõ. Người ta thành kiến với mẹ tôi, bà tôi. Chẳng năm nào tôi được là học sinh tiên tiến, và đến giờ vẫn chưa được đeo khăn quàng đỏ, mặc dù môn nào tôi cũng được bảy tám phẩy trở lên. Trẻ con, ôi, cái thân phận yếu hèn!