1. CON KHỈ TRONG TÂY DU KÍ Quan niệm của khoa sinh vật học trình bày ở chương trên giúp chúng ta nhận định được cái đẹp và cái tiết điệu của đời sống mà cũng cho ta thấy rằng năng lực của ta có hạn. Nhớ rằng mình là dòng dõi của giống người Néanderthal hoặc giống người Bắc Kinh, và xa hơn nữa, của loài vượn hình người[1] thì chúng ta sẽ có một ý thức về cái hài kịch của loài người, nghĩa là thấy những tinh ranh của loài người thì biết tán thán mà thấy những tội lỗi khuyết điểm của loài người thì biết mỉm cười, khoan dung. Đọc tập luận văn rực rỡ “The Simian World” (Thế giới người vượn này) của Clarence Day, chúng ta có thể tha thứ cho mọi người, tha thứ các nhân viên kiểm tra kiểm duyệt, các nhà tuyên truyền, các nhà xuất bản phát xít, các xướng ngôn viên trên đài phát thanh Quốc Xã, các nghị viên, lập pháp ủy viên, các nhà độc tài, các nhà chuyên môn kinh tế, các đại biểu dự các hội nghị quốc tế và tất cả các ông bự muốn can thiệp vào đời sống của người khác. Chúng ta có thể tha thứ cho họ được vì chúng ta đã bắt đầu hiểu họ.Nghĩ vậy, tôi càng khen cái tinh khôn và cái kiến thức của con khỉ trong Tây Du Kí. Sự diễn tiến của lịch sử nhân loại giống với cuộc hành trình qua Tây Thiên của những động vật nửa người nửa thú trong truyện đó. Con khỉ Tôn Ngộ Không tượng trưng sự thông minh của loài người; con heo Trư Bát Giới tượng trưng cái phần bẩm tính thấp nhất của chúng ta, Sa Họa thượng tượng trưng cái lẽ phải thông thường; còn Huyền Trang pháp sư tượng trưng trí tuệ và thánh đạo. Pháp Sư được bọn tùy tòng kì quái đó hộ vệ, từ Trung Hoa qua Tây Trúc thỉnh kinh. Lịch sử tấn bộ của loài người y hệt cuộc hành trình của bọn người có nhiều khuyết điểm đó, vì ngu xuẩn hoặc vì tàn ác mà luôn luôn gặp tai nạn hoặc gặp những tình cảnh tức cười. Biết bao lần Pháp sư phải trừng trị con khỉ tinh quái và con heo ham mê khoái lạc kia! Trong cuộc hành trình của nhân loại tới sự hoàn thiện của thần, thánh, các bản năng xấu xa xuất hiện liên liền: nhu nhược, giận dữ, muốn phục thù, hung bạo, ham khoái lạc, không độ lượng, nhất là tự cao tự đại. Con người càng tài giỏi thì sức phá hoại càng tăng, và cũng như con khỉ Tôn Ngộ Không có phép đằng vân giá võ, ngày nay chúng ta có thể bay lên mây, lộn nhào trong không trung, nhổ những lông chân của chúng ta để tạo thành những con khỉ khác, sai chúng tấn công kẻ thù của ta, lại có thể gõ cửa Thiên môn, gạt phắt vị thần coi cửa ra một bên, sầm sầm tiến vào đòi được một chỗ ngồi trong cuộc quần tiên đại hội.Con khỉ đó thông minh nhưng tự cao tự đại; nó có đủ phép thần thông để vào cửa Thiên Đình được, nhưng không có đủ lương tri, đủ sự quân bình về tinh thần để sống yên ổn trên trời. Nó thừa tư cách để sống cái đời sống của phàm nhân trên cõi trần này, nhưng thiếu tư cách để sống chung với các vị tiên bất tử trên Trời. Trong bản chất của nó, có cái gì thô bạo, ngỗ nghịch, như vàng còn lẫn chút cặn vậy, cho nên khi nó lên Thiên cung, thì nó gây một cuộc hỗn loạn kinh khủng, như một con sư tử cuồng xổng chuồng gánh xiếc, vùng chạy khắp châu thành. Không chừa được tánh ác, nó phá tiệc yến hằng năm do Tây Thiên Vương Mẫu đãi các thần tiên. Giận dữ vì không được mời dự thắng hội bàn đào, nó tự xưng là sứ giả của Thượng Đế, nó đánh lừa Xích cước Đại tiên, để Đại tiên đi lạc đường rồi nó tự biến thành Đại tiên, tới dự hội. Nhiều vị tiên khác cũng bị nó gạt như vậy. Vô tới tòa Bảo Các nó thấy chưa ai tới, chỉ có những người đứng coi những vò quỳnh tương. Nó bèn dùng phép thần thông, biến thành một con trùng đốt những người giữ vò, những người này lăn ra ngủ, thế là nó tha hồ uống quỳnh tương. Khi nó đã nửa say rồi, nó lảo đảo tiến vô đại sảnh, ăn những trái bàn đào bày trên đài. Khách tới, thấy cảnh ngổn ngang bừa bãi trong sảnh thì nó đã qua nhà Thái Thượng Lão Quân tính ăn trộm Kim đan trường sinh bất tử của ngài. Sau cùng, nửa sợ bị nghiêm trị vì đã phá tiệc bàn đào, nửa tức vì không được mời dự tiệc, nó trốn khỏi Thiên cung mà trở về Tề Thiên phủ, kể chuyện phá hội bàn đào cho bọn khỉ thần dân của nó nghe rồi phất cờ phản nghịch, trên cờ viết bốn chữ “Tề Thiên Đại Thánh”, gây một cuộc chiến tranh kinh khủng với các chiến sĩ nhà Trời; hai bên bất phân thắng bại cho tới khi Quan Thế Âm Bồ át ở trên mây phóng ra một cành hoa, nó té nhào và bị bắt.Chúng ta cũng như Tôn Ngộ Không, luôn luôn phản động, chứ không chịu hòa bình, khiêm tốn, cho đến khi bị Quan Thế Âm Bồ Tát khắc phục. Chúng ta phải đợi đến khi Khoa học đã thám sát khắp vũ trụ rồi mới thực là học được bài học khiêm tốn. Vì trong Tây du kí, con khỉ Tôn Ngộ Không, sau khi bị bắt, vẫn còn nuôi ý phản nghịch, chất vấn Ngọc Hoàng Thượng Đế tại sao không muốn phong cho nó một chức cao trong số các thần tiên; sau cùng thua cuộc với Như Lai Phật Tổ hay với Thượng Đế gì đó, nó mới chịu khuất phục, tự bỏ cái tên Tề Thiên Đại Thánh đi. Nó bèn bay trên không trung, nhanh như chớp, cho tới khi gặp năm ngọn núi, cho rằng chỗ đó không còn vết người nào nữa. Để lưu lại một dấu vết chứng tỏ rằng nó đã tới đó, nó tiểu tiện vào chân ngọn núi ở giữa rồi rất tự mãn, nó quay về, kể chuyện lại với Phật Tổ. Phật Tổ xòe một bàn tay ra, biểu nó ngửi mùi nước tiểu của nó ở dưới ngón giữa, cho nó thấy rằng nó bay cùng trời đất như vậy mà rút cục chỉ quanh quẩn trong lòng bàn tay của Ngài. Lúc đó nó mới chịu cúi đầu qui phục, bị Phật Tổ dùng xích sắt cột nó vào một phiến đá luôn trong năm trăm năm; hết thời gian đó nó được Huyền Trang Pháp sư phóng thích và theo Pháp sư qua Tây Trúc thỉnh kinh.Con khỉ Tôn Ngộ Không đó, hình ảnh của chúng ta đó, mặc dầu quái ác, tự cao tự đại mà thực ra thật dễ thương. Cho nên nhân loại có nhiều nhược điểm, khuyết điểm thì chúng ta cũng nên yêu nhân loại.2. LOÀI NGƯỜI KHÔNG HOÀN TOÀNVậy loài người cách biệt xa với Thượng Đế toàn thiện, cũng như con kiến cách biệt xa với chúng ta. Chúng ta thông minh thật và thường hơi tự mãn. Nhưng theo các nhà sinh học thì mãi tới gần đây phần tinh thần của chúng ta mới phát triển, chúng ta mới biết dùng ngôn ngữ để biểu thị tư tưởng, và hiện nay vẫn giữ nhiều bản năng của loài động vật, những bản năng dã man mà rất mạnh, mạnh hơn những động lực tinh thần nhiều, thành thử về phương diện cá nhân cũng như về phương diện đoàn thể, chúng ta có nhiều hành động xấu xa. Ngày nay chúng ta hiểu được phần tinh thần của chúng ta ra sao rồi. Chúng ta thông minh thật, nhưng chưa đủ. Bộ óc của chúng ta chỉ là một đốt xương sống khuếch trương mà thành cho nên công dụng của nó cũng như công dụng của xương sống, chỉ là để cảm thấy cái nguy, kịp thời phản ứng hầu bảo vệ sinh mạng – chứ không phải để suy nghĩ. Về việc suy nghĩ thì thường thường chúng ta dở lắm. Tước sĩ Balfour đáng được lưu danh chỉ nhờ nói được một câu mạnh mẽ này: “Bộ óc con người là một cơ quan để kiếm thức ăn cũng như cái mồm con heo vậy thôi”. Tôi không cho lời đó là ngạo đời mà cho rằng ông sáng suốt hiểu bản chất của chúng ta lắm.Chúng ta không hoàn toàn? Phải. Nhưng Thượng Đế tạo ra chúng ta như vậy mà! Tị tổ của chúng ta bơi lội, bò, chuyền cành nọ sang cành kia ở trong rừng hoang như Tarzan. Theo tôi, trong mỗi giao đoạn tiến hóa, con người đều hoàn toàn cả không có gì phải điều chỉnh. Nhưng ngày nay chúng ta phải làm một công việc điều chỉnh thiên nan vạn nan…Khi tự tạo ra một nền văn minh là loài người bắt đầu tiến vào một cuộc phiêu lưu mà, xét về phương diện sinh vật, chính hóa công cũng phải lấy làm khủng khiếp. Về sự thích ứng với tự nhiên thì mọi sinh vật đều là toàn mĩ cả, vì vật nào không thích ứng nổi thì đã bị tiêu diệt rồi. Nhưng ngày nay, chúng ta không phải là thích ứng với tự nhiên, mà là thích ứng với cái mà chúng ta gọi là văn minh. Trong thiên nhiên, tất cả các bản năng đều tốt, nhưng trong xã hội, chúng ta lại cho chúng ta dã man. Con chuột nào cũng đi mò thức ăn – có phải vì vậy mà chúng ta thiếu đạo đức đâu – con chó nào cũng sủa, con mèo nào đêm cũng đi… o mèo, con sư tử nào cũng giết loài vật khác, con ngựa nào thấy nguy cũng chạy, con rùa nào cũng ngủ gần trọn ngày, và con sâu, con rắn, con chim, bất kì con thú nào cũng sinh sản giữa “công chúng”. Vậy mà áp dụng quan niệm của ta về văn minh để xét thì ta chê con chuột là ăn trộm, con chó là ồn quá, con mèo là không chung tình, con sư tử, con cọp nào cũng hiếu sát, con ngựa nào cũng là hèn nhát, con rùa nào cũng là làm biếng, và cuối cùng, con sâu, con rắn, con chim, con thú nào cũng là tục tĩu. Bạn thử nghĩ, có phải là giá trị đã đảo lộn cả không? Chính vì vậy đó mà bây giờ chúng ta mới ngồi đây để than thở, tự hỏi tại sao hóa công lại tạo ra chúng ta không hoàn toàn như vậy.3. AI CŨNG PHẢI CHẾTCon người ai cũng có một thân thể sớm muộn sẽ bị hủy diệt, điều đó có nhiều hậu quả quan trọng. Trước hết, không ai sống hoài; rồi sau, ai cũng có một cái bao tử, nhiều bắp thịt cứng rắn, và một bộ óc tò mò. Những hậu quả đó ảnh hưởng sâu xa không bao giờ ta nghĩ tới; nhưng nếu chúng ta không nhận thấy nó một cách rõ ràng thì chúng ta không thể hiểu được bản thân chúng ta và nền văn minh của chúng ta.Con người bất luận giàu sang, nghèo hèn, cũng được Trời cho một chiều cao là từ thước rưỡi tới thước tám và một tuổi thọ là năm sau chục năm. Tôi ngờ rằng cái luật thiên nhiên đó quyết định mọi chính thể dân chủ, mọi loại thi ca và mọi thuyết triết học. Hóa công sắp đặt như vậy, xét ra quả là tiện. Chúng ta không cao quá, không thấp quá, và riêng phần tôi, cao một thước sáu mươi ba, tôi lấy làm thỏa mãn lắm. Tôi cho năm sáu chục năm là dài quá rồi; nhưng hóa công sắp đặt như vậy cũng là hoàn hảo. Năm sáu chục năm bằng ba thế hệ, thành thử khi chúng ta sanh ra còn được thấy ông nội ít năm trước khi người mất, rồi khi chúng ta tới tuổi già thì được thấy nhiều đứa cháu nội ra đời. Về điểm đó, tất cả triết lí thu gọn trong câu tục ngữ Trung Hoa này: “Dù có ngàn khoảnh ruộng tốt cũng chỉ ngủ trên chiếc giường năm thước” (Gia hữu thiên khoảnh lương điền, chỉ thụy ngũ xích cao sàng)[2]. Tôi không cho rằng một vị quốc vương cần một chiếc giường dài quá bảy thước Trung Hoa mà dù là quốc vương thì tối tối cũng phải lên giường ngủ. Vậy thì tôi có thua kém gì một vị quốc vương đâu. Và dù một người giàu nứt vách đổ tường đi nữa thì cũng ít khi thọ quá cái tuổi “cổ lai hi” là bảy chục.Về sinh mệnh, ai có phần nấy và không ai có quyền để áp được toàn bộ; nhờ vậy chúng ta mới sống một cách thảnh thơi được. Đáng lẽ là những người mướn phòng vĩnh viễn trên cõi trần này thì chúng ta chỉ là những người khách qua đường, chủ điền hay tá điền cũng vậy. Thế là cái ý nghĩa của danh từ địa chủ đã giảm đi rồi. Ít người nhận đúng được ý nghĩa của sự bình đẳng trước sự chết thì Nã Phá Luân cũng chẳng coi sự bị đày ra đảo Sainte Hélène ra cái gì đâu, và tôi không hiểu như vậy tình trạng châu Âu sẽ biến đổi ra sao. Không có sự chết thì làm gì có tiểu sử các anh hùng và các nhà xâm lăng; giả sử như có thì tác giả các tiểu sử của họ chắc chắc không khoan hồng như vậy đâu. Chúng ta tha thứ bọn vĩ nhân trên thế giới này vì họ chết rồi mà chúng ta có cảm tưởng rằng mình ngang hàng với họ. Mỗi đám tang đều mang một tấm phướn viết bốn chữ này: “Nhân loại bình đẳng”. Do đó, ta mới có ý thức rằng đời sống là một hài kịch, và mới có đề tài cho thi ca và triết học. Shakespeare sâu sắc biết bao khi ông cho Hamlet[3] đi tìm tàn cốt cao quí của Vua Alexandre và thấy nấm tro tàn đó dùng để bịt miệng một thùng rượu. Alexandre chết, người ta chôn Alexandre, Alexandre trở về cát bụi, cát bụi tức là đất, đất đó trộn với đất sét, vậy thì tại sao ta lại không có thể dùng tro tàn của Alexandre để bịt một thùng rượu được? Tinh thần hài hước của ông còn hiện rõ hơn nữa khi ông cho vua Richard II đàm luận về các nấm mồ, các con dòi trong áo quan, các mộ chí, và các truyện hoạt kê của các con rùa lúc nhúc trong sọ một ông vua. Omar Khayyam (một thi sĩ Ba Tư ở thế kỷ thứ X) và Giả Phù Tây – biệt danh là Mộc Bì Tử, một thi sĩ ẩn cư của Trung Hoa – đều đem cái tinh thần hài hước về sự chết ra giải thích lịch sử, cho những con chồn đào hang trong lăng tẩm của Vua chúa. Và Trang Tử trong đoạn bàn về chiếc đầu lâu, về sự chết, đã làm cho triết học Trung Hoa bắt đầu có vị hài hước sâu sắc: “Trang Tử tới nước Sở, thấy một cái đầu lâu rỗng khô, trắng, lấy roi ngựa gõ vào, hỏi: “Ai đó, tham sinh, trái lẽ mà tới nỗi này chăng? Hay là mất nước rồi chết vì đao búa, mà tới nỗi này? Hay là có hành vi bất thiện, làm nhục cho cha mẹ vợ con mà tới nỗi này? Hay là vì chết đói mà tới nỗi này? Hay là được sống trọn tuổi trời rồi chết? Nói xong, Trang Tử gối đầu lên đầu lâu đó mà ngủ…”.“Vợ Trang Tử chết, Huệ Tử đến viếng, thấy Trang Tử đang ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ nhịp vào bồn mà hát. Huệ Tử bảo:- Mình ăn ở với người ta, có con với người ta; bây giờ người ta già, người ta chết, không khóc cũng còn được, lại còn gõ bồn mà hát, chẳng cũng quá lắm ư?Trang Tử đáp:- “Không phải thế. Lúc nhà tôi mới mất, tôi cũng như mọi người, thương tiếc lắm chứ! Nhưng xét lại hồi trước thì vốn là không có sinh; chẳng những không có sinh mà vốn lại không có hình; chẳng những không có hình mà vốn lại không có khí; con người chẳng qua là tạp chất biến mà hóa ra có khí, khí biến mà hóa ra có hình, hình biến mà hóa ra có sinh, có sinh lại biến ra có tử, khác nào như xuân hạ thu đông bốn mùa cứ tuần hoàn qua lại không? Vả lại con người chết là trở về với tạo hóa, cũng như người ra ngoài mà về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi, nghêu ngao khóc lóc, thì chẳng hóa ra không biết mạng trời ư? Cho nên tôi không khóc nữa” [4].Vậy khi ta có ý thức rằng ai cũng phải chết, rằng thời gian trôi đi mất, không giữ lại được thì thi ca triết lí mới bắt đầu xuất hiện. Cái ý thức về sự phù du của nhân sinh đó bàng bạc trong toàn thể thi ca Trung Quốc và trong một phần lớn thi ca phương Tây. Trong buổi tà huy rực rỡ, ta chèo chiếc thuyền trên một dòng sông lững lờ, cảnh đẹp biết bao, nhưng ngay lúc đó, hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, và đời người cũng theo luật của hóa công, cùng với vạn vật sinh ra, lớn lên rồi chết, để nhường chỗ cho kẻ khác. Có thấy rõ được rằng cõi trần là hư ảo thì mới là giác ngộ. Trang Tử bảo có lần nằm mộng thấy mình hóa ra bướm, vẫy cánh mà bay, khi tỉnh dậy thấy mình là Trang Tử, rồi ông tự hỏi chính là Trang Tử mộng thấy hóa ra bướm hay bướm mộng hóa ra là Trang Tử[5]. Đời sống chỉ là một giấc mộng mà chúng ta như những lữ khách ngồi trong chiếc thuyền trôi theo dòng thời gian vĩnh viễn, xuống thuyền ở bến này, rồi rời thuyền lên bộ ở bến khác để nhường chỗ cho những lữ khách đợi thuyền ở trên bờ.Đời người sẽ mất nửa phần thú vị đi nếu chúng ta không cảm thấy rằng nó là một giấc mộng, hoặc một cuộc hành trình nhất thời, hoặc một màn kịch trên sân khấu mà đào kép quên rằng mình chỉ đóng trò thôi.4. CÓ MỘT CÁI BAO TỬChúng ta là động vật, một hậu quả quan trọng nhất của sự kiện đó là chúng ta có một cái bao không đầy, gọi là bao tử. Nó ảnh hưởng lớn đến văn minh của nhân loại. Một triết gia sành ăn của Trung Quốc, Lý Lạp Ông, trong bài tựa phần “Ẩm soạn bộ”, tập “Nhàn tình ngẫu kí’; có lời trách oán cái bao không đầy ấy như vầy: “Xét cơ thể của con người, tôi thấy tai, mắt, mũi, lưỡi, tay chân, thân thể, hết thảy đều cần thiết, không thể thiếu được, chỉ có hai cơ quan không cần thiết chút nào cả mà trời lại phú cho ta, tức cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người, từ xưa đến nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức nên mới sinh ra những mưu mô, gian trá. Mưu mô, gian trá sinh ra nên mới phải đặt hình pháp; thành thử vua không thể thi hành nhân chính, cha mẹ không thể nuông chiều con cái, ngay đến Tạo vật hiếu sinh như vậy cũng phải làm trái cái chí của mình. Tất cả những cái đó chỉ do Tạo vật vụng tính khi tạo thân thể con người, cho ta hai cơ quan đó.“Thảo mộc không có miệng và bao tử mà vẫn sống, đá đất không ăn uống mà vẫn trường tồn. Thế thì tại sao loài người lại khác mà phải có miệng và bao tử? Nếu như phải có miệng và bao tử thì sao không cho ta như loài cá loài tôm, uống nước mà sống, hoặc như con ve con châu chấu, hút sương mà sống, cũng phát triển đầy đủ khí lực để bơi lội, bay nhảy, kêu hót vậy? Như vậy chúng ta sẽ có cầu gì với đời đâu mà bao nhiêu nỗi lo lắng sẽ biến hết. Đã sinh ra cái miệng, cái bao tử, Tạo vật lại cho ta nhiều thị dục, bao nhiêu cũng không chán, như sông biển không bao giờ đầy, thành thử suốt đời, bao nhiêu cơ quan khác đều phải kiệt lực cung phụng cho hai cơ quan đó mà không đủ.“Tôi suy đi nghĩ lại về điều đó, không thể không trách Tạo vật được. Tôi cũng biết rằng Tạo vật tất cũng hối hận rằng mình lầm, nhưng đã lỡ rồi, hình thể con người đã định rồi, làm sao sửa được. Cho nên ai đã đặt ra pháp lệnh, chế độ, phải thận trọng ngay từ lúc đầu, không thể sơ suất được, điều đó thực là quan trọng”.Nhất định là đã lỡ rồi, không sao sửa được nữa; và cái sự kiện chúng ta có một cái bao tử để đánh dấu quá trình lịch sử của nhân loại. Khổng Tử hiểu rõ thiên tính của con người, cho nên chỉ kể cho hai thị dục lớn nhất là dinh dưỡng và sinh dục, tức như nói nôm na thì là ăn uống và trai gái. Nhiều người đã khắc chế được sắc dục nhưng chưa có vị thánh nào khắc chế được ẩm thực, quên đi sự ẩm thực quá bốn năm giờ liền. Cứ cách ít giờ thì trong óc ta nhất định nổi lên điệp khúc bất biến này: “Bao giờ ăn đây?”. Mỗi ngày điệp khúc đó nổi lên ít nhất là ba lần, đôi khi bốn năm lần. Các cuộc hội nghị quốc tế, đương lúc bàn cãi say sưa và sôi nổi về tình hình chính trị, cũng phải tạm ngưng lại vì bữa cơm trưa… Quốc hội phải sấp đặt nghị trình sao cho hợp với giờ ăn bữa cơm. Một cuộc lễ gia miện[6], mà kéo dài tới năm, sáu giờ hoặc nhằm bữa cơm trưa tất bị công chúng la ó tức thì. Vì chúng ta có một cái bao tử cho nên khi chúng ta họp nhau lại để tỏ lòng kính mến ông nội, thì chúng ta cử hành một tiệc khánh thọ để ăn uống.Có lí do cả đấy. Bạn bè gặp nhau ở bữa tiệc thì hòa thuận vui vẻ với nhau lắm. Một chén yến có công dụng làm giảm nhiệt độ của cuộc tranh biện, làm dịu bớt sự xung đột về quan điểm của nhau. Bạn thân nhất mà họp nhau lúc đói thì thế nào cũng gây lộn nhau. Ảnh hưởng của một bữa ăn ngon kéo dài có khi cả tuần, cả tháng, cho nên chúng ta ngần ngại không nỡ điểm một cách gay gắt một cuốn sách mà tác giả đã đãi ta một bữa thịnh soạn ba bốn tháng trước. Chính do lẽ đó mà người Trung Hoa vốn hiểu thấu bản tính con người, tìm cách giải quyết những cuộc phân tranh ở giữa tiệc rượu chứ không phải ở pháp đình. Nhiều khi dùng cách đó mà họ tránh được những cuộc phân tranh nữa. Ở Trung Hoa, chúng ta thường bày tiệc để mua chuộc lòng người. Sự thực chỉ có cách đó là chắc chắn hơn cả để thành công về chính trị. Ai chịu khó so sánh các thống kê, sẽ thấy có một liên quan chặt chẽ, hoàn toàn giữa số yến tiệc một người đãi bạn bè với sự thăng quan mau chóng của người đó.Trời sinh ra chúng ta như vậy, làm khác sao được? Tôi không tin rằng đó là thói riêng của người Trung Hoa. Một người Mĩ, làm Tổng trưởng Bưu điện hay làm chức giám đốc nào đó, có thể từ chối một ân huệ với người bạn thân đã đãi mình năm sáu bữa cơm ngon tại nhà không? Tôi cá rằng tính tình người Mĩ không khác người Trung Hoa, nhưng họ không có những nhận xét sâu sắc về bản tính con người, hoặc không biết tổ chức đời sống chính trị cho hợp với bản tính đó.Chúng ta bị vấn đề ẩm thực chi phối tới nỗi từ cách mạng, hòa bình, chiến tranh, ái quốc, đến tinh thần ái quốc, đời sống hằng ngày của cá nhân, của xã hội đều chịu ảnh hưởng sâu xa vì nó. Nguyên nhân cách mạng Pháp ở đâu? Có phải tại Rousseau, Voltaire, Diderot không? Không. Chỉ tại vấn đề ẩm thực. Nguyên nhân cách mạng Nga và cuộc thí nghiệm của Sô Viết? Cũng tại vấn đề ẩm thực. Nã Phá Luân nói câu này thực thâm thúy: “Quân đội ra trận với bao tử của họ”. Khi dân chúng đói thì đế quốc tan vỡ mà những chế độ bạo ngược mạnh mẽ nhất cũng phải sụp đổ. Đói thì mọi người không chịu làm việc, quân lính không chịu chiến đấu, các cô danh ca không chịu hát, các ông nghị viện không chịu họp hội, ngay đến các vị Tổng thống cũng không chịu trị nước nữa. Và vì đâu ông chồng chịu khó nhọc làm việc trong phòng giấy suốt ngày, nếu không phải là vì hi vọng về nhà được ăn một bữa cơm ngon. Do đó mà có câu tục ngữ này: Muốn chiếm được lòng của một người đàn ông thì nên theo con đường từ bao tử của họ. Khi nhục thể được thỏa mãn rồi thì tinh thần bĩnh tĩnh, khoan khoái hơn và người ta hóa ra đa tình, đa cảm hơn. Các bà thường phàn nàn rằng các đấng phu quân ít khi để ý tới những chiếc áo mới, giày mới, hoặc kiểu tô long mày mới của mình. Nhưng có bao giờ các bà phàn nàn rằng các ông không để ý tới món bíp tếch ngon hoặc món trứng tráng ngon không? Lòng ái quốc là gì, nếu không phải là lòng yêu những món ngon mà mình được ăn hồi nhỏ? Tôi đã có lần nói rằng người ta trung thành với chú Sam[7] là trung thành với món bánh rán[8], món thịt muối, món khoai tây ngon của chú, trung thành với anh Fritz[9] là trung thành với những món thịt cá rán bọc bột, món bánh Noel của anh. Còn về tình thân ái quốc thì tôi cho rằng món mì ống (macaroni) chứ không phải Mussolini đã phá cái tình “tương tri” của thế giới với nước Ý, mà món mì ống đã gây được. Là vì trong sự ẩm thực, cũng như trong sự chết, chúng ta thấy rõ rằng tứ hải giai huynh đệ.Đứng trước một bữa tiệc sang, mặt mày người Trung Hoa tươi tỉnh ra sao! Khi bao tử của họ no, họ cho rằng đời sống đẹp quá. Từ cái bao tử no đó, tiết ra một niềm vui tinh thần. Họ tin rằng bao tử mà no thì mọi sự như ý. Cho nên về vấn đề ăn uống, nhắm nháp, họ không bẽn lẽn, thẹn thùng gì cả. Nuốt một muỗng canh ngon, họ chặc lưỡi thú vị, mà người phương Tây cho vậy là thiếu nhã nhặn. Tôi có cảm tưởng rằng chính cái phép lịch sự của phương Tây[10], buộc người ta ăn uống nhỏ nhẹ, không ồn ào, không tỏ vẻ khoan khoái, đã làm cho nghệ thuật nấu ăn của họ ngừng lại không tiến nữa. Tại sao người phương Tây trong bữa ăn lại nhỏ nhẹ như vậy, lại tỏ vẻ thiểu não, lễ mạo trịnh trọng như vậy? Tôi tin chắc rằng khi người mẹ cấm trẻ con ồn ào trong bữa ăn là làm cho nó bắt đầu cảm thấy cái bi thảm của cuộc đời. Tâm lí con người như vậy: hễ không được tỏ nỗi vui ra mà phải nén nó lại thì không thể nào cảm giác được nỗi vui đó nữa, sinh ra uất hận, buồn bực, đau bao tử, đau thần kinh. Ta nên bắt chước người Pháp, khoan khoái la lớn “A!” khi người bồi bàn đem lên một đĩa sườn ngon, rồi “hừm hừm” y như một loài vật, sau khi đã nếm được một miếng. Biết thưởng thức món ăn, tỏ rằng mình có một bao tử bình thường, khang kiện thì đó có gì là đáng xấu hổ? Không, người Trung Hoa không như vậy. Họ không có lễ độ trong bữa cơm, nhưng biết thưởng thức món ăn lắm.Khoa thực vật học và động vật học không phát triển ở Trung Hoa vì nhà bác học của họ không thể lạnh lùng ngắm một con cá mà không nghĩ ngay đến cái vị của nó và muốn xực nó. Trông thấy một con nhím, họ nghĩ ngay đến cách làm thịt ra sao cho hết chất độc; đối với họ, chỉ có vấn đề đó là thực tế và quan trọng, còn như loài nhím sống ra sao, có công dụng gì, khi thấy thù địch thì da nó làm sao mà dựng đứng những lông nhọn lên được, tất cả những câu hỏi đó họ cho là phù phiếm, vô ích. Phương Đông phải học môn động vật học và thực vật học của phương Tây, nhưng có thể dạy lại phương Tây cách thưởng thức cây cối, hoa cỏ, chim chóc, động vật.Vậy ẩm thực là một trong những lạc thú quí nhất ở đời. Cũng may mà bản năng biết đói ít bị tục kị húy và giới luật xã hội đè nén như bản năng tính dục, mà các triết nhân, thi nhân, thương gia, nghệ sĩ có thể tụ họp chung quanh một cái bàn, ăn uống trước công chúng mà không mắc cỡ gì cả. Bản năng đó nhờ ít bị đè nén nên ít gây ra những sự trụy lạc, điên khùng cùng tội lỗi. Chỉ có một bản năng đó là được nhân loại thẳng thắn coi trọng. Đâu đâu người ta cũng nhận rằng đói là phải ăn; còn bản năng tính dục thì đâu có được nhận như vậy. Được thoải mãn rồi thì sự đói không gây xáo trộn gì cả. Cùng lắm là có một số người xấu ăn ra sao mà đến nỗi sinh đau bao tử, lở bao tử, hoặc đau gan; vài kẻ tự đào huyệt bằng răng nữa - như trường hợp vài cụ lớn Trung Hoa hiện thời – nhưng dù vậy đi nữa, họ cũng không xấu hổ.Cũng có lẽ trên, sự ẩm thực ít gây tội ác xã hội hơn là tính dục[11]. Hình luật ít xét đến tội ăn uống mà đặt ra biết bao điều về cái tội gian dâm, hiếp dâm, li dị. Lời bàn đó không phải phù phiếm đâu vì vấn đề ẩm thực chúng ta khá thong thạo mà về vấn đề tính dục thì cái ngu xuẩn của ta đáng sợ. Nhiều gia đình Mãn Châu khi con gái về nhà chồng, dạy cho chúng nghệ thuật yêu đương cũng như nghệ thuật làm bếp, nhưng ở các xứ khác, người ta có làm gì không? Thành thử về tính dục, chỉ có toàn là những truyện tiên, những huyền thoại và những dị đoan.Về phương diện khác, đáng tiếc rằng chúng ta không có cái diều chim, hoặc cái dạ dày của loài nhai lại, nếu có thì xã hội đã thay đổi không thể tưởng tượng nổi, chúng ta đã thành một giống người khác rồi. Loài người mà có cái diều chim thì tất hiền lành, hòa bình như những con gà con, con cừu con rồi. Chúng ta sẽ ăn hột, ăn trái cây, hoặc ăn cỏ trên những đồi xanh, mà sẽ không hiếu chiến, tàn ác như ngày nay.Có một sự liên quan chặt chẽ giữa thức ăn và tính tình mà ta không ngờ. Tất cả các loài ăn cỏ đều bẩm sinh ra hòa bình: như con cừu, con ngựa, con bò, con voi, con sẻ…; tất cả những loài ăn thịt đều hiếu sát: như con chó sói, con sư tử, con cọp, con ó… Hễ không cần chiến đấu thì tính tình không hiếu chiến. Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Nếu loài người có diều mà ăn thóc ăn cỏ thì cũng sẽ còn những cuộc chiến đấu nho nhỏ như trong loài gà, nhưng những chiến đấu đó khác xa những chiến tranh hiện thời ở Âu châu để xuất cảng các đồ hộp.Tôi không biết gì về những con khỉ ăn thịt khỉ, nhưng tôi biết nhiều về những con người ăn thịt người, vì các nhà khảo cứu về nhân loại học đều chứng minh rằng thói quen ăn thịt người rất phổ thông. Tổ tiên chúng ta là những động vật ăn thịt. Vậy thì ngày nay chúng ta ăn thịt lẫn nhau - về phương diện cá nhân, xã hội và quốc tế nữa - cũng là chuyện thường có gì mà lấy làm lạ? Các giống mọi ăn thịt người và những người văn minh chỉ khác nhau ở điểm này: tụi mọi giết kẻ thù rồi ăn thịt, còn tụi văn minh giết rồi chôn, cắm một cây thánh giá lên mộ và cầu kinh cho linh hồn kẻ đó. Như vậy đã tàn nhẫn, tự cao tự đại mà lại thêm ngu xuẩn nữa.Tôi hoàn toàn nhận rằng chúng ta đương tiến tới sự hoàn thiện, nghĩa là hiện nay chúng ta chưa hoàn thiện. Hễ chưa có được tính tình của loài có diều thì chưa thể tự xưng là thực văn minh được. Trong thế giới hiện đại, tôi thấy có hai hạng người: hạng ăn thịt và hạng ăn rau. Hạng trên chuyên lo việc của người, hạng dưới chuyên lo việc của mình. Mười năm trước tôi đã thử hoạt động chính trị, nhưng chỉ bốn tháng rồi tôi phải bỏ vì tự nhận ngay ra rằng mình không phải là hạng ăn thịt, mặc dù tôi vẫn thích món bíp-tếch. Đặc tính của loài ăn thịt là thích chiến đấu, mưu mô, lừa gạt, thao túng, đẩy lui kẻ thù; họ làm những việc đó một cách hào hứng, khéo léo, nhưng tôi thú thực rằng không tán thưởng thủ đoạn đó một chút nào. Tất cả chỉ là vấn đề bản năng: có người ưa chiến đấu để thi thố tài năng; nhưng cái chân tài sáng tạo, nghĩa là cái tài làm công việc của chính mình, hiểu thấu mục tiêu của mình, tựa hồ như hơi hiếm. Biết bao vị giáo sư giỏi, tốt, trầm tĩnh, hoàn toàn thiếu tánh tham dục và thiếu khả năng cạnh tranh với người, vậy mà tôi rất ngưỡng mộ họ. Tôi có thể nói rằng tất cả các nghệ sĩ nghĩ tới việc của mình nhiều hơn là tới việc của người và chính vì vậy mà họ thuộc loài ăn rau. Muốn cho nhân loại tiến hóa thì phải tăng tiến số người ăn rau lên để vượt số người ăn thịt. Nhưng hiện thời, chính hạng người ăn thịt thống trị chúng ta. Trong một thế giới tin tưởng ở những bắp thịt cường tráng thì nhất định phải như vậy. 5. CÓ NHỮNG BẮP THỊT CƯỜNG TRÁNGVì chúng ta là động vật, sớm muộn gì cũng chết, cho nên chúng ta có thể bị giết và cũng có thể giết người, mà không ai muốn bị giết và cũng ít ai muốn giết người. Chúng ta có cái dục vọng rất cao quí tìm hiểu thêm, mở mang trí tuệ; nhưng hễ tri thức tăng tiến thì phát sinh sự bất đồng ý kiến, do đó sinh ra tranh luận. Trong thế giới các vị thần linh trường sinh bất tử, hễ có tranh luận thì không bao giờ dứt vì không người nào chịu nhận mình lầm. Trong thế giới của bọn hữu sinh hữu tử như chúng ta, tình cảnh khác hẳn. Thường thường kẻ tranh luận thế nào cũng bị đối phương ghét cay ghét đắng - lí luận càng đúng thì lại càng bị ghét - rồi bị đối phương thủ tiêu để giải quyết cuộc tranh luận. Nếu A giết được B thì A thắng lí; nếu B giết được A thì B thắng lí. Lối đó là lối thông thường của loài cầm thú. Trong thế giới động vật, con sư tử bao giờ cũng phải.Trong xã hội loài người thì cũng vậy; và áp dụng luật đó ta có thể giải thích lịch sử một cách thích đáng. Chẳng hạn Galilée phát minh ra được rằng trái đất tròn và thái dương hệ vận chuyển theo những luật nào đó, nhưng rồi ông chối liền, không thừa nhận những phát minh đó vì ông có thể xác và có thể chết được, ông có thể bị giết, bị tra tấn; nếu không vậy thì ông đã tranh biện hoài chứ đâu chịu thua. Chỉ trong phòng tra tấn hoặc một phòng giam, chứ chưa nói tới cực hình hoặc giàn hỏa, cũng đủ cho ông thấy rằng mình lầm lẫn tới bực nào rồi. Vấn đề đã được giải quyết như vậy thực là dứt khoát, minh bạch.Mà lối đó cũng tiện lợi, hữu hiện nữa. Từ chiến tranh xâm lược, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh giữa Saladin[12] và giáo đồ Ki Tô, từ pháp đình Tôn giáo thời cổ, giàn hỏa để thiêu các phù thủy, cho tới phương pháp dung chiến hạm để truyền giáo, dùng súng ống để duy trì sự đô hộ của người Da Trắng, dung thiết giáp xa và phi cơ của Mussolini để truyền bá văn minh ở Ethiopie, tất cả những phương pháp đó đều là sản phẩm của phép suy luận cầm thú mà tổ tiên chúng đã di truyền lại. Nếu người Ý có cây súng tốt, bắn giỏi và được biết nhiều hơn thì Mussolini sẽ khai hóa cho Ethiopie; ngược lại nếu người Ethiopie có súng tốt, bắn giỏi và giết được nhiều người hơn thì Hailé Sélassié[13] sẽ khai hóa cho người Ý.Chúng ta có thái độ uy nghi lẫm liệt của con sư tử, khinh thị lối tranh luận. Do đó mới có sự sùng kính quân nhân, vì chỉ có quân nhân là giải quyết được mau chóng sự bất đồng ý kiến. Cách mau nhất để bịt miệng một kẻ tự cho mình là có lí, mang tâm tranh luận, gân cổ lên cãi, là treo cổ hắn lên. Chỉ khi nào không có đủ sức mạnh bắt buộc kể khác chịu nhìn nhận những tín niệm của mình thì người ta mới phải dùng đến lời nói. Người hoạt động ít khi nói, khinh thị thói tranh biện. Vì chúng ta nói là để thuyết phục; đã có cách để thuyết phục thì còn dùng lời nói làm gì?Nhưng nhân loại, ngoài cái bản năng chiến đấu ra còn có cái bản năng hay nói nữa. Xét về phương diện lịch sử, cái lưỡi cũng xuất hiện đồng thời với quả đấm cánh tay. Loài người khác loài vật ở khả năng biết nói nên có đặc điểm này là biết hỗn hợp dùng cả cái lưỡi và quả đấm. Điều đó cho phép ta tiên đoán rằng các tổ chức như Hội Vạn quốc[14], Thượng Nghị viện Huê Kì hoặc Hội thương gia…, tóm lại những cơ quan cho ta cơ hội để nói, sẽ tồn tại hoài. Hình như khi tìm lẽ phải, chúng ta phải nói. Điều đó đáng quí vì nói là đặc tính của các vị thần. Nhưng chúng ta khác các vị thần ở điểm này: chúng ta chỉ biện luận tới một mức nào đó thôi; tới cái mức mà một bên thấy lung túng mà lại có những cánh tay mạnh hơn, không muốn tranh luận nữa, lật đổ cái bàn, nắm cổ đối thủ mà đả; đả chán rồi ngó chung quanh, hỏi bọn thính giả bồi thẩm: “Tôi nói đúng hay sai?”. Và thính giả luôn luôn trả lời: “Ông nói đúng”. Không tin, xin bạn cứ lại các trà thất thì biết. Chỉ có loài người là giải quyết mọi việc như vậy. Thần thành chỉ dung lời nói để giải quyết sự xung đột; cầm thú chỉ giải quyết bằng bắp thịt, bằng nanh vuốt; duy có loài người là dùng hỗn hợp tạp cả miệng lưỡi và cánh tay. Thần thánh chỉ tin ở công lí, cầm thú chỉ tin ở sức mạnh, duy có loài người là tin rằng sức mạnh là công lí. Trong hai bản năng đó, bản năng hay nói, nghĩa là rán sức tìm xem ai có lí, tất nhiên cao quí hơn bản năng chiến đấu. Một ngày nào đó, nhân loại sẽ chỉ dùng lối đàm luận để giải quyết các sự xung đột, và lúc đó nhân loại sẽ được cứu thoát. Hiện nay thì vẫn còn phải dùng cả hai lối: như ở các trà thất, tranh luận và đấm đá. Nền văn minh của nhân loại vào năm 1936 như vậy. 6. CÓ MỘT TÂM TRÍBạn bảo tâm trí là phần cao quí nhất mà ta bẩm thụ được của Hóa Công. Vâng, hầu hết ai cũng nhận như vậy, nhất là khi người ta nghĩ tới những bực như Einstein, Edison hoặc những nhà vật lí học khác, những nhà có thể đo được tia sáng của một ngôi sao, nghiên cứu sự cấu tạo của các nguyên tử mắt người không thấy hoặc chế tạo được nhưng máy để chụp hình màu. So sánh với loài khỉ tò mò một cách vụng về, không có mục đích, luôn luôn thay đổi đối tượng, ta phải nhận rằng trí khôn của ta cao quí hơn, rực rỡ hơn, có thể giúp ta tìm hiểu được vũ trụ ở chung quanh. Nhưng tôi cho rằng cái tâm trí phổ thông, trung bình, lại có phần khả ái hơn, mặc dầu không cao quí bằng. Nếu tâm trí của loài người chỉ cao quí thôi thì chúng ta sẽ là những sinh vật hoàn toàn hợp lí, không có một chút tội lỗi, một chút nhược điểm, mà thế giới sẽ vô vị ra sao? Tôi rất yêu nhân loại nên không quan tâm tới hạng thánh thần toàn thiện. Chúng ta khả ái vì chúng ta có những khi vô lí, vô tâm, điên rồ, vì chúng ta vui buồn, có thành kiến, nhiệt tín, mâu thuẫn, sơ suất. Nếu chúng ta có một bộ óc hoàn toàn, thì mỗi dịp Tân niên đã chẳng phải lập kế hoạch mới cho cả năm. Cái đẹp của đời sống là ở chỗ khi chúng ta xét lại kế hoạch cũ thì thấy rằng chỉ có một phần ba là thực hiện được, một phần ba nữa chưa hề động tới, còn một phần ba nữa thì quên khuấy đi... Theo tôi, một kế hoạch thực hiện được từ đầu tới cuối không còn thú vị gì nữa. Một tướng lãnh ra trận mà chắc mình sẽ thắng thì có thể chán mà rút quân về. Có ai chơi cờ nữa nếu biết rằng đối thủ của mình tính nước nào là đúng nước đó, không chạy đi đâu được. Có tiểu thuyết nào mà đọc nổi nếu ta biết chắc được tâm lí mỗi nhân vật sẽ biến chuyển ra sao, và câu chuyện sẽ kết thúc ra sao. Đọc tiểu thuyết là theo dõi động tác của một nhân vật biến hóa bất thường, gặp những hoàn cảnh cũng biến chuyển bất thường không sao đoán trước được. Nếu nhân vật là một người cha lúc nào cũng nghiêm khắc, không bao giờ khoan dung với con cái, hoặc là một người chồng lúc nào cũng lừa vợ, thì tiểu thuyết sẽ chán chết. Ta thử tưởng tượng một nhạc sĩ nổi danh, tự đắc, đã nhất định không chịu soạn một ca kịch cho một mĩ nhân nào đó mà bỗng thay đổi ý kiến, hăng hái soạn liền chỉ vì hay rằng có một địch thủ mình ghét cay ghét đắng đang tính làm công việc đó; hoặc một nhà bác học suốt đời không chịu đăng một bài nào trên báo hằng ngày, nay thấy một bạn đồng nghiệp viết lầm một chữ, vội quên qui tắc của mình đi, viết ngay bài đem lại nhà in ; những nhân vật tự mâu thuẫn với mình như vậy mới thực hợp với tâm lí kì cục, vô lí, thiên kiến, bất thường của chúng ta. Không hiểu thấu chân lí đó thì chẳng biết chút gì về những công trình nghiên cứu khoa tâm lí trong một thế kỉ này cả. Nói cách khác, trí tuệ của ta vẫn còn vụng vê, thiếu mục đích như trí khôn loài khỉ vậy.Cái tâm trí vô lí một cách khả ái đó, tôi lại thích nó hơn là một thứ tâm trí toàn thiện. Tôi ghét một thế giới mà mọi người đều hoàn toàn cả. Tôi nghi ngờ sự tấn bộ của khoa học chăng? Không, tôi chỉ nghi ngờ cái cảnh giới của thánh thần thôi. Tôi phản đối tri thức chăng? Có thể như vậy, có thể không. Tôi chỉ yêu đời sống thôi mà vì yêu đời sống nên tôi nghi ngờ trí tuệ. Bạn thử tưởng tượng một thế giới không có những tin giết người trên báo, không có hỏa hoạn, không có một tai nạn phi cơ nào, không có một người chồng bỏ vợ, một vị mục sư trốn theo ca nữ, không có một ông vua hi sinh ngai vàng cho má phấn, không có một người nào đổi ý và ai nấy đều theo đúng con đường mình đã vạch sẵn từ hồi mười tuổi, không sai một tơ hào - cái thế giới thần tiên đó tôi xin vĩnh biệt thôi. Không có cái gì kích thích, không có cái gì hồi hộp trong thế giới đó cả. Sẽ không còn có văn chương nữa vì không còn tội lỗi, không còn nhược điểm của con người, không còn những tình dục hỗn loạn, không còn thiên kiến, không còn những sự bất thường và tệ hơn nữa, không còn một chút ngạc nhiên nào cả. Y như một cuộc đua ngựa mà bốn năm vạn khán giả đều biết trước con ngựa nào sẽ về nhất. Nếu loài người không có chút lầm lỗi thì đời người sẽ hết màu sắc, cũng như trong một cuộc đua ngựa nhảy rào, không có những tình thế đổi ngược thì hết thú. Nếu chúng ta là những sinh vật hoàn toàn hợp lí, thì đáng lẽ thành những bậc trí giả, chúng ta chỉ thành những máy tự động chỉ để ghi rất đúng những xúc động nào đó như chiếc đồng hồ điện. Như vậy đâu phải là con người nữa, cho nên tôi bảo là xấu. Chắc độc giả nghĩ rằng tôi rán bênh vực nhược điểm của nhân loại, rán coi tật xấu là những đức tốt. Không phải vậy đâu. Nếu chúng ta phát triển tâm trí cho hoàn toàn, thì có cái lợi là hành vi của ta sẽ hợp lí, nhưng lại có cái hại là đời sống mất màu sắc, tân kì di. Không có gì chán bằng sống với một nhà đạo đức kiểu mẫu. Một xã hội gồm toàn những nhà đạo đức tuy tồn tại được đấy, nhưng có nên sinh tồn trong một xã hội như vậy không? Nên dùng mọi cách để tạo một xã hội có trật tự, nhưng đừng có trật tự quá. Tôi nghĩ đến loài kiến những sinh vật có lẽ hợp lí nhất trên trái đất Chúng tạo được một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội và nhờ vậy chúng đã tồn tại được có lẽ cả triệu năm nay rồi. Về phương diện hành động hợp lí thì chúng đáng được giải thưởng nhất, rồi giải nhì mới về phần chúng ta. Đời sống của chúng khắc khổ, lành mạnh, cần kiệm. Chúng tôn trọng kỉ luật của xã hội mà lại tự chủ hơn chúng ta. Chúng làm việc cho Quốc gia, xã hội mười bốn giờ một ngày; có ý thức rõ ràng về bổn phận, nhưng có lẽ thiếu ý thức về quyền lợi; chúng kiên nhẫn, có thứ tự, lễ độ, can đảm và nhất là trọng kỉ luật. Về kỉ luật, chúng ta là hạng bét, đáng cho vào Viện Bảo cổ. Đọc tiểu sử các vĩ nhân trong lịch sử, chúng ta sẽ nhận điều này là hành vi của họ rất ít tính cách hợp lí. Ông Jules César cao quí, hành vi rất vô lí kia, sao lại mê Cléopâtre để đến nỗi vì một người đàn bà mà suýt bỏ rơi cả đế quốc La Mã. César mới chỉ là suýt bỏ rơi đế quốc chứ Antoine thì bỏ rơi hẳn rồi. Thánh Moise kia, trong một cơn nổi khùng, do đã đập phá những thạch bản thiêng liêng mà Ngài đã tốn công khắc bốn chục ngày với Thượng Đế ở trên núi Sinai; như vậy Ngài có hợp lí gì hơn những người Do Thái đã quên Thượng Đế và trong khi vắng mặt Thượng Đế đi thờ con Bò vàng không? Rồi vua David tính tình bất thường kia, tàn ác rồi lại đại độ, thành tín rồi lại bội giáo, thờ Chúa mà lại phạm tội, rồi làm thơ để tỏ nỗi hối hận, kính thờ Chúa trở 1ại. Vua Salomon kia, vào bực đại trí, đại đức mà không giúp con được chút gì… Rồi Đức Khổng Tử kia, có khách đến thăm, sai người bảo rằng đi vắng, khách mới quay gót đã gảy đàn cho khách biết rằng mình có nhà... Rồi Đức Ki Tô sa lệ ở Gethsémanie, hoài nghi ở trên thánh giá... Shakespeare khi chết để lại cho vợ cái giường "tốt thứ nhì" của mình… Milton xung khắc với vợ, bảy chục tuổi còn viết một thiên về sự li dị… Goethe lại nhà thờ làm lễ cưới, dắt theo cậu con mười chín tuổi... Còn Jonathan Swift và Stella,... Ibsen và Emilie Bardarch nữa. Vậy thì có phải rõ ràng là nhiệt tình chứ không phải lí trí thống tri thế giới không? Có phải rằng sự thiếu lí trí của những vị đó làm cho họ khả ái, hợp nhân tình không? Những tiểu truyện người Trung Hoa viết về cha mẹ ông bà, đọc rất chán, không bổ ích gì cả mà lại rất sai vì họ có thói tả tổ tiên như những vị siêu phàm, toàn đức vậy. Các đồng bào của tôi trách cuốn “Nước tôi và dân tộc tôi” (My country and my people) là tả người Trung Hoa một cách hợp nhân tính quá, vạch cả những khuyết điểm chung với ưu điểm. Họ tưởng rằng nếu tôi tả nước Trung Hoa như một xứ cực lạc đầy những thánh hiền đạo Nho sống rất hợp tí trong cảnh thái bình vĩnh viễn, thì có phải là tôi tuyên truyền đắc lực cho nước tôi không… Nhưng cái thú vị của truyện kí là nó vạch cho ta thấy rằng những vĩ nhân cũng có điểm tầm thường như chúng ta. Mỗi một nét vô lí trong thái độ, hành vi của họ là một nét thêm tính cách chân thực cho truyện. Chính nhờ vậy mà tác phẩm của Lytlon Strachpy[15] mới thành công. Dân tộc Anh là một kiểu mẫu tâm trí lành mạnh. Họ lí luận tệ lắm, nhưng có những "ăng ten" nhạy để cảm thấy sự nguy hiểm mà bảo vệ đời sống của họ. Tôi không thấy một chút hợp lí nào cả trong hành vi hoặc trong lịch sử của họ. Các viện Đại học, Hiến pháp, Giáo hội Anh Cách Lan của họ đều là những công trình vá víu từng miếng, tùy theo quá trình phát triển mà nay thêm một chút, mai thêm một chút. Sức mạnh của Đế quốc quốc Anh chính ở chỗ họ thiếu lí trí, hoàn toàn không nhận được quan điểm của người khác, tin chắc rằng chỉ phương pháp của họ mới đúng, chỉ món ăn của họ mới ngon. Khi nào họ có lí trí và không quá tin ở họ nữa thì Đế quốc của họ sẽ sụp đổ. Vì hễ nghi ngờ mình thì không sao chinh phục được thế giới. Ta không sao hiểu được thái độ của họ đối với vua, không hiểu tại sao họ trung thành, yêu quí một vị quốc vương mà họ cho nói mới được nói, cho ngồi trên ngai mới được ngồi, bắt xuống thì phải xuống... Dưới triều Nữ hoàng Elizabeth , khi nước Anh cần những tên hải tặc để che chở đế quốc, thì họ sản xuất ra được đủ và sùng kính tụi đó. Thời nào cũng vậy, người Anh luôn luôn có những hành động thích đáng: cần chiến tranh thì họ chiến tranh, cần chống kẻ thù nào thì họ chống kẻ thù đó, cần liên kết với nước nào thì họ liên kết với nước đó, cần đứng về phe nào thì họ đứng về phe đó, mà đúng vào lúc thích đáng nhất, rồi họ dùng một danh từ sai để gọi chiến tranh đó. Như vậy không phải là nhờ óc lí luận của họ đâu, nhờ những "ăng-ten” của họ đấy. Nước da của họ hồng hào, có lẽ là do sương mù ở Luân Đôn và do họ ham chơi cricket (một lối hí cầu). Một nước da lành mạnh như vậy không thể không ảnh hưởng lớn tới lối nhận định hướng đi của họ trên đường đời. Họ suy nghĩ bằng lớp da, còn người Trung Hoa suy nghĩ bằng khúc ruột. Người ta bảo rằng các học giả Trung Hoa bụng chứa đây tư tưởng, đầy kinh luân, thơ văn, hoặc bụng đầy sầu muộn uất hận, dục vọng. Tình nhân Trung Hoa xa nhau, viết thư cho nhau, thường dùng từ ngữ "ruột rầu trăm mối" (sầu trường bách kết), gọi cảnh biệt li là cảnh "đoạn trường". Học giả Trung Hoa khi soạn một thiên tiểu luận hoặc diễn văn, mà chưa chép lên giấy thì bảo rằng "phúc cảo” đã xong, nghĩa là ý tứ đã sắp sẵn trong bụng cả rồi. Tôi tin như vậy là đúng. Sự kiện đó rất khoa học và có thể chứng thực được nhất là khi các nhà tâm lí học sau này hiểu rõ tính chất của tình cảm và sự cấu tạo của tư tưởng hơn. Nhưng người Trung Hoa không cần chứng cứ khoa học. Tính chất tình cảm của khúc điệu Trung Hoa xuất phát từ bụng người hát (phần dưới hoành cách mô); phải hiểu điều đó rồi mới nhận được sắc thái tình cảm nồng hậu của âm nhạc Trung Quốc. Muốn nghiên cứu vũ trụ thì tâm trí có khả năng rất quí; nhưng muốn nghiên cứu những giao tế nhân sự thì khả năng của nó còn đáng ngờ. Tôi lạc quan tin những phát minh của khoa học, nhưng tôi ít tin rằng ai nấy đều có óc biết phán đoán việc đời hoặc đạt được sự bình tĩnh và sáng suất mà không bị dục tình chi phối. Cá nhân có thể đạt được một mức rất cao về trí, đức, nhưng xã hội tập đoàn thì vẫn còn bị tình dục sai khiến, vẫn còn có lúc trở lại giai đoạn dã man, có những bản năng man rợ, những hành vi cuồng nhiệt như loạn thần kinh. Biết rằng con người dễ lầm lỗi như vậy, chúng ta càng ghét những kẻ khốn nạn lợi dụng nhược điểm của ta để lôi kéo chúng ta vào một cuộc thế chiến mới; những kẻ tiêm mối thù hận vào lòng ta (mối thù hận mà ai cũng đã sẵn có trong lòng rồi); những kẻ đề cao lòng tự ái và tự tư (hai tật đó có người nào thiếu đâu); những kẻ gợi lòng cuồng nhiệt thú vật của ta, những thành kiến về chủng tộc của ta; những kẻ bất chấp giới luật thứ năm của Thượng Đế mà hô hào thanh niên giết người, coi sự tàn sát và chiến tranh là cao quí (cơ hồ như loài người chưa đủ hiếu chiến); và những kẻ kích thích tình dục của ta (cơ hồ như chúng ta chưa giống loài vật là bao nhiêu). Cái tâm trí đáng khinh đó mặc dầu rất cơ xảo, minh mẫn, khôn ranh, cũng chỉ là thứ tâm trí của cầm thú. Ở trong người chúng ta có một con quỉ cột bằng một sợi dây xích cũ, mòn. Bất cứ lúc nào, dây xích đó cũng có thể đứt, mà con quỉ đó sẽ vùng chạy, đạp xéo chúng ta và nhắc nhở rằng chúng ta chỉ có một lớp văn minh ở ngoài, còn bản chất vẫn còn quá gần với cầm thú. Và thế giới chúng ta có thể biến thành một vũ đài trên đó người Maure[16] giết giáo đồ Ki Tô, giáo đô Ki Tô giết người Maure; người Da đen đâm chém người Da trắng, người Da trắng đâm chém người đen, và những con chuột chũi sẽ từ trong hang chui ra để ăn thịt người, những con ó sẽ bay liệng từng bầy trên không sau một bữa tiệc no nê.Các nhà phân tâm học khi muốn chữa những bệnh thần kinh thường làm cho bệnh nhân nhớ lại dĩ văng và nhìn đời một cách khách quan. Loài người cũng vậy, nếu nhớ lại dĩ vãng của mình thì sẽ hiểu rõ mình hơn, nếu nhớ lại cái nguồn gốc động vật của mình thì sẽ không có những hành vi của loài cầm thú nữa.Làm sao kiểu chính được tình trạng đó? Óc phán đoán thì nghèo nàn và lạnh lẽo, ngay đến lí trí cũng không giúp được bao nhiêu; chỉ có một tinh thần điều hòa, một nguồn tư tưởng ấm áp rực rỡ, phát từ trực giác, hòa hợp với tấm long trắc ẩn, mới tránh cho ta được sự thoái hóa về thời dã man của tổ tiên chúng ta. Phải phát triển đời sống một cách điều hòa với bản năng, như vậy mới cứu được nhân loại. Tôi cho rằng sự giáo dục ngũ quan và cảm xúc của ta quan trọng gần bằng sự giáo dục tư tưởng.Chú thích:[1] Một số nhà khoa học ngày nay không tin chắc như vậy nữa mà ngờ rằng loài người và loài khỉ như có họ hàng xa với nhau thôi. Vấn đề chưa giải quyết dứt khoát: chung qui chỉ toàn là giả thuyết.[2] Thước Trung Hoa, khoảng bốn tấc Tây.[3] Nhân vật chính trong kịch Hamlet.[4] Cà hai truyện này đều trong sách Trang tử, thiên Chí Lạc. (Goldfish).[5] Sách Trang tử, thiên Tề Vật luận. (Goldfish).[6] Tức như lễ đăng quang ở phương Đông. [7] Tức nước Mĩ.[8] Sách in là “món bánh” tôi tạm sửa lại thành “món bánh rán”. Nguyên văn tiếng Anh là: “doughnuts”. (Goldfish).[9] Tức nước Đức.[10] Có lẽ trừ nước Pháp – Coi 12 hàng dưới đây.[11] Coi thêm ở mươi hàng sau.[12] Vua Ai Cập và Syrie ở thế kỉ 12 (1137-1193) đánh đuổi giáo đồ Ki Tô giáo ra khỏi Jérusalem, Alexandre… Ông rất can đảm và có đức độ.[13] Vua xứ Ethiopie hiện nay đã bị nhóm cách mạng lật đổ.[14] Sách viết hồi trước thế chiến, lúc đó chưa có Liên Hiệp Quốc.[15] Văn sĩ Anh (1880-1932) có tài viết tiểu sử danh nhân, tác giả cuốn Nữ hoàng Victoria .[16] Dân Ả Rập theo Hồi giáo ở Mauritanie và nhiều xứ khác như Sénégal. Ngày trước, thời Trung Cổ, người Á Châu gọi chung dân Ả Rập là người Maure.