Chương 6

    
gồi trên chiếc chòi gác cao lênh khênh này. Phi có thể nhìn được tất cả cảnh vật xung quanh mình, trước hết là “vòng đai hồ chiến đấu” sau hàng rào dây kẽm gai tua tủa đầy dọa nạt. Phía trước hàng rào kẽm gai là bãi mìn lẫn sau lớp cỏ non mơn mởn. Bãi mìn chạy thoai thoải theo sườn đồi cho đến một vòng hố cắm đầy chông. Dưới nữa là một thung lũng xanh mờ mịt. Một con đường mòn đất đỏ nối liền doanh trại và núi rừng chạy nghiêng theo sườn đồi, khi ẩn khi hiện như một sợi chỉ đỏ khép nép giữa màu lục của lá cây và của khung trời.
Xa tắt tắp đằng kia, gần như ở cuối chân trời là con đường đã thường bị phá hoại từ lâu đến nay gần như trở thành hoang phế nếu thỉnh thoảng không có một đoàn xe nhà binh chậm chạp chạy qua.
Đoàn xe đó là niềm an ủi độc nhất cho Phi và cho tất cả những người sống ở đây. Họ đã chờ đợi nó như chờ đợi một hình ảnh thân thuộc nhất. Mỗi lần nghe tiếng máy xe, cả trại nhốn nháo, đứa nhanh chân nhất leo lên chòi canh, đứa chậm chân tìm một tảng đá trên đỉnh đồi cao đứng nhìn ra chân trời chờ đợi.
Phi đã sống ở đầy ba tuần lề và cả ba tuần Phi chờ đợi. Chờ đợi cái gì chính Phi cũng không hiểu nữa. Một ngạc nhiên thích thú hay là một cái tin sét đánh ngang tai?
Hai lần xe đến, hai lần Phi thất vọng. Chàng không được cả một lá thư thăm hỏi, mặc dù chàng đã viết rất nhiều thư. Mỗi ngày chàng viết cho Liên một lần để rồi tới chuyến xe, bì thư của Phi nhiều nhất. Chuẩn úy Điền, một sĩ quan Trung đội trưởng, đã thân mật nói với Phi:
- Hồi mới tới đây tôi cũng chăm viết thư như cậu. Nhưng... một vài tháng rồi quen đi.
Phi cười:
- Quen đi nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là viết ít thôi. Mỗi tuần một lần cũng đủ chán. Ở đô thành người ta còn mãi sống cho thành phố, hơi sức đâu người ta sống cho mình. Mỗi tuần một lần cũng là... ân tình nặng lắm rồi. Mình ở đây sống đủ cho “người ta” bảy ngày bảy đêm, như thế mà mình... thua lỗ, thua lỗ mãi phải chán.
Tuần lễ thứ nhất. Phi không tin rằng mình sẽ chán vì tính toán tình cảm như Điền, chàng lắc đầu:
- Tôi không tin như vậy và tôi cũng chắc chắn rằng trong vấn đề tình cảm không ai tính toán như vậy đâu.
Điền nhún vai:
- Cậu lầm! Cứ ở đây thì cậu sẽ thấy.
Quả nhiên, tuần lễ thứ hai, khi đoàn xe rời khỏi cổng trại thì Phi cũng bắt đầu tính toán. Con tính thứ nhất khởi điểm bằng sự hờn giận Liên, bằng một chút xíu ghen tuông, bằng một chút xíu tưởng tượng đến cuộc sống bị vây kín của người yêu. Phi trở về phòng nằm một mình trong khi các bạn động ngũ của chàng tíu tít vì thư từ, vì quà bánh.
Phi lại gặp Điền sau đó hai tiếng đồng hồ. Điền lầm lũi đi trong bóng tối mơ hồ của buổi hoàng hôn sắp hết; một tay Điền cầm khẩu carbine một tay xách vài con chim lớn. Bỗng dưng Phi thở dài, Điền vừa đặt khẩu súng lên giường ngủ vừa quay sang hỏi Phi bằng một giọng bình thản đầy tự tin:
- Thế nào, lại không có thư rồi phải không?
- Ừ, không có gì hết.
- Tôi đã nói trước là cậu đợi thư của các em như em Liên thì đến... “tết Công-gô” may ra mới có vài chữ. Cậu cứ tin tôi đi. Đôi khi nó viết rồi mà lẩm cẩm không chịu gởi. Một ngày nó có thể qua bưu điện cả chục lần nhưng không lần nào nhớ mang đi.
Phi ghét phải nghe giọng nói ấy, chàng nói lảng:
- Chuẩn úy đi đâu về đấy?
- Đi săn.
Phi nhớ lần trước khi đoàn công-voa đến. Điền cũng xách súng đi tới gần tôi mới trở về. Mà ở đây, việc đi săn sâu trong rừng quả là nguy hiểm, một việc làm đầy liều lĩnh không ai dám làm ngoài Điền ra. Phi thấy ở Điền có một tâm trạng là lạ, chàng bước tới gần Điền:
- Mồi lần công-voa đến là mỗi lần Chuẩn úy đi săn.
Điền im lặng, chàng giơ cao mấy con chim, nói lảng:
- Tối nay, mình có quyền nhậu với nhau.
Phi cười, chàng kéo Điền ra cửa:
- Đi săn hay đi trốn?
Điền đứng sững lại nhìn Phi tỏ vẻ khó chịu, nhưng một phút sau đó. Điền vỗ mạnh tay lên vai Phi cười cởi mở:
- Cậu tinh lắm.
Sự thú nhận một cách khôn khéo đó của Điền, khiến Phi thích thú. Chàng biết rằng thế nào rồi cũng có ngày chàng sẽ được nghe tâm sự của Điền.
Nhưng ngay lúc đó, Điền đã nói phăng phăng:
- Tôi chán phải chờ đợi một cái gì sẽ không bao giờ đến. Tôi yêu một người con gái, không đúng, phải nói là một người đàn bà mới đúng, bởi vì người đó có chồng. Người đó gặp tôi một lần, cho tôi một... nửa đêm để rồi hứa hẹn viết thư cho tôi, nhưng tôi biết không bao giờ có lá thư đó. Giản dị có thế thôi.
Câu chuyện Điền kể một cách thản nhiên và gần như quái gở khó có thể tìm thấy trong cái xã hội này. Phi chưa dám tin rằng đó là một sự thật. Chàng nhìn Điền đăm đăm. Mái tóc Điền rối lên trong màn tối xám của bóng cây. Điền có vẻ đẹp trai khỏe mạnh của một Marlon Brando. Điền hơi giống một tài tử chiếu bóng nào đó mà Phi chưa kịp nghĩ ra, không hẳn là Paul Newman mà cũng không hẳn Marlon Brando. Điền hơi lai, đôi mắt xanh, chiếc mũi dọc dừa, trắng trẻo và dong dỏng cao. Một anh chàng quân nhân như vậy rất dễ gây cảm tình với phái yếu nhất là với những người đàn bà mang một giòng máu... bạt mạng trong người.
Tiếng Phi nửa đùa nửa thật:
- Người đó mê Chuẩn úy vì lý do gì? Tại Chuẩn úy đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu à?
Điền hơi tự phụ nhún vai:
- Không biết nữa, moa gặp nàng trong một trường hợp khá đặc biệt. Hôm moa ghé về Saigon nghỉ phép đúng là ngày đám cưới em gái moa. Nhà mở “ban”. Nàng đi một mình, moa lại cứ tưởng nàng chưa chồng, moa tán sát nút. Bà chị moa giới thiệu là madame, moa mới biết. Nghĩa là moa biết nàng có chồng sau khi moa... thích nàng. Và khi moa đã thích thì moa cứ thử lăn vào xem tới đâu.
Nói đến đây Điền ngưng lại, đôi mắt mơ màng nhìn sâu vào bóng tối rừng cây trước mặt như để tìm hình ảnh người đàn bà trong buổi tối hôm đó.
Phi thọc hai tay vào túi quần, chàng hỏi đưa đà:
- Thử mà được liền phải không?
Điền lắc đầu; chàng kéo cao cổ áo blouson:
- Không dễ như cậu tưởng đâu. Ban đầu nàng cũng õng ẹo làm phách ghê lắm. Nhưng ở mỗi đàn bà có một lối làm phách riêng biệt. Có những người làm phách coi kệch cỡm khó thương, khó chịu vô cùng. Song cũng có người đàn bà làm phách đúng là... một cách làm duyên thật quý phái. Trong sự lạnh lùng thờ ơ ngoài khuôn mặt người ta tìm thấy những nét cuồng nhiệt, nóng ấm trong đôi mắt.
- Nghĩa là “nàng” ở vào trường hợp thứ hai?
- Tất nhiên.
Phi cười dài:
- Rồi sao nữa?
- Rồi hai đứa nhót với nhau vài bản, nói dăm ba câu chuyện tâm tình vặt, và “chịu” nhau. Gặp đúng hôm nàng giận chồng giận con, anh chồng sách va-li đi Huế. Nàng bắt moa chở đi xa lộ trên chiếc Stude-Baker. Moa đưa nàng tới một cái villa ở làng Đại học của ông bố moa vẫn để không. Năm giờ sáng hôm sau nàng lái xe về, moa đi xe lô. Chuyện tình chỉ giản dị có thế thôi.
- Nhưng nhớ dai lắm phải không?
Đôi mắt Điền thoáng một vẻ đăm chiêu, chàng lắc đầu:
- Thoạt tiên mình cũng tưởng rằng mình sẽ quên như quên tất cả những câu chuyện tình một đêm. Nhưng... có về đây mới thấy nhớ, nhớ kinh khủng, nhớ như nhớ người yêu thứ nhất. Quả là điều mình không ngờ tới được. Mà ở trong trường hợp của mình không thể viết thư cho người yêu như cậu, chỉ có mỗi cách là viết thư rồi để đấy thỉnh thoảng mình lại lôi ra đọc một mình và chờ đợi, chờ đợi thư của một người không bao giờ đến.
Điền dừng lại bên một tảng đá lớn. Bóng tối đổ xuống từ lúc nào Phi cũng không hay. Chàng ngồi xuống bên Điền, giọng chàng dịu xuống như một hơi thở:
- Nàng hẹn viết thư cho Chuẩn úy không?
- Có, nhưng hẹn... phất phơ thôi. Nói ra thì cậu không tin, song vẫn là sự thật: Tôi chưa thấy người đàn bà nào cuồng nhiệt như nàng trong tình yêu, song lại lạnh lùng vô kể ngay sau đó. Cậu có thể tưởng tượng được rằng buổi sáng hôm ấy nàng nói với tôi là “chắc chắn tôi sẽ quên anh, nhưng tôi nhớ những giây phút này, nếu còn yêu anh, tôi sẽ viết thư cho anh”. Rồi chiếc Stude-Barker lao đi, tôi mất nàng từ đó, không hy vọng gì có lần thứ hai.
Nói đến đây Điền cười nhẹ, đôi mắt long lanh, đầu chàng cúi xuống. Điền mang cái hình ảnh của một pho tượng khỏe mạnh vững vàng, nhưng dưới tay một nhà điêu khắc tài hoa lão luyện nên người ta có thể nhìn thấy rõ ràng những khắc khổ chờ đợi in hằn trên nét mặt, trong bóng tối của mái tóc và sự chân thành chịu đựng ở dáng người đổ nghiêng về phía trước.
Phi thở dài nhè nhẹ: câu chuyện tình của Điền an ủi Phi được một phần nào bởi Phi thấy dù sao tình trạng của Điền cũng còn... khó khăn hơn của mình, tâm trạng Điền rắc rối băn khoăn hơn của mình. Chàng vỗ vai Điền:
- Chuyện tình của Chuẩn úy như tiểu thuyết tây. Kể ra đời nhà binh chúng mình cũng lắm chuyện ly kỳ đấy chứ hả? Mỗi thằng mang một tâm trạng khác biệt, mỗi thằng ấp ủ một hình ảnh, một mơ ước riêng tư, để rồi vẫn sống chung được với nhau, vẫn thương yêu nhau như anh em trong nhà.
Điền ngả người trên một thân cây mốc trắng nhoai lên từ một lỗ hổng lớn giữa phiến đá; thân cây này cũng quái gở và bướng bỉnh như chuyện tình của Điền. Phi nghĩ vậy. Chàng ngước nhìn lên những cành lá xanh tối và hất hàm hỏi Điền:
- Có phải anh em vẫn gọi chỗ này là “cây cù lao” phải không?
- Ừ, bởi vì có mỗi cây này mọc lên giữ những phiến đá mòn, không ai biết tên là cây gì. Phía trước lại có một vọng gác bố phòng bằng hai khẩu súng máy nên anh em gọi là “vọng gác cây cù lao”
Phi lấy làm thú vị cất tiếng cười khanh khách:
- Kể cái tên cũng hay đấy chứ?
- Cậu còn chưa biết hết “hỗn danh” anh em ở đây. Ngoài cái vọng gái mang tên “cây cù lao” còn có cả một cậu mang tên là “binh cù lao” nữa.
- Sao vậy?
Điền ngước mắt lên nhìn ánh đèn đêm trên con đường mòn, lối dẫn ra vọng gác dưới hầm phía Đông bắc, chàng lắc đầu:
- Chuyện nhảm lắm, không biết thiên hạ nói thật hay bịa, nhưng lâu dần rồi thành một chuyện tiếu lâm, và thành một cái tên cũng “tiếu lâm” như tất cả những “hỗn danh” khác.
- Chuyện thế nào?
- Anh em nói là “binh cù lao” khi đổi tới đơn vị này mang theo một cô vợ mới cưới. Nhưng cô vợ ở được hai ngày không chịu nổi đòi về dưới tỉnh. Trước khi về hai vợ chồng... gặp nhau ở tảng đá này, sau đó vài tháng chị vợ có mang, viết thư cho chồng, anh chồng mang thư đi khoe là mình sắp có con. Chúng nó vớ được câu chị vợ viết là: “Em nhớ mãi cây cù lao của hai đứa chúng mình” Thế là từ đó anh em kêu cậu đó bằng hỗn danh “binh cù lao”. Anh em kể nhiều đến nỗi chính tôi quên mất tên thật của hắn ta.
Hai người nhìn nhau cười ngất.
Phi không biết rằng rồi đây, ở đơn vị này người ta sẽ đặt cho chàng một cái tên gì khác. Chàng nhớ đến bí danh “công tử simca” mà ở các đơn vị trước đã gán cho chàng. Chàng thấy bí danh đó không hay, không có gì là đặc biệt cả. Chàng mong nhận được một cái bí danh khác nhiều ý nghĩa hơn.
Nhưng ở cuộc đời nhà binh, dù có đi với đơn vị nào rồi anh em cũng tìm ra bí danh cũ, không thể giấu diếm được. Cũng như Giao Mù, Thanh Kều, Phong Híp, v.v... dù có đi tới đâu, cái tên đó cũng đeo dính bên người, không bao giờ chối bỏ được. Nếu may mắn thì được một cái bí danh tàm tạm xài đỡ, nếu không may gặp một bí danh dở ẹc, tồi tệ cũng rán mà chịu. Song kinh nghiệm cho Phi biết rằng chỉ những cái bí danh mà người được tặng khó chịu, bực bội mới được người ta nhắc nhở tới luôn mà thôi. Đó là cái tâm lý thông thường của con người.
Buổi chiều tuần lễ thứ tư ở đây, Phi theo Điền đi săn để khỏi mất thì giờ chờ đợi đoàn cong-voa tới.
Hai người đi sâu vào trong rừng, Phải thú nhận Phi sợ, Phi cảm thấy... nổi da gà khi thấy Điền lầm lũi len lỏi giữa những cây cỏ ngang lưng. Rừng cây hoàn toàn im lặng, vắng cả một tiếng chim kêu. Sự nguy hiểm hầu như đe dọa Phi từ mỗi tiếng cành cây khô gẫy dưới bước chân. Lúc này Phi mới thầm phục Điền, tình yêu quả là ghê gớm, sự thôi thúc của tình yêu có thể làm cho con người lăn vào bất cứ chỗ nào.
Có lẽ Điền hiểu những ý nghĩ của Phi nên trên đường về, Điền lắc đầu mỉm cười nói với Phi:
- Kể ra đi săn thế này cũng nguy hiểm một chút thật, nhưng xét cho cùng không nguy hiểm bằng đoàn cong-voa kia. Cậu nên nhớ rằng địch chỉ nhắm tấn công đoàn cong-voa chứ không tấn công bọn mình. Nếu chẳng may mình gặp chúng hành quân trong rừng thì hơi nguy hiểm một chút thôi. Tuy nhiên mình chỉ đi loanh quanh không xa quá doanh trại ba cây số, sự nguy hiểm cũng không nhiều lắm đâu.
Phi thở dài ra một hơi nhẹ nhõm, chàng cười thầm mình đã nhút nhát quá cái đáng nhút nhát.
Khi hai người về đến trại thì máy đèn cũng vừa chạy. Những bóng điện vàng nhạt lẫn trong màu tối của lá cây. Phi chưa từng thấy hàng đèn nào cô độc hơn hàng đèn này, ngay cả những khi Phi thất tình đi lang thang giữa ban đêm thành phố, dãy đèn khuya cũng không thể mang vẻ cô độc, mệt mỏi, gắng gượng như dãy đèn này. Dãy đèn nằm chết lịm giữa núi rừng trĩu nặng bóng tối.
Phi cúi đầu đi nhanh về phòng trong khi Điền dừng lại trước cửa nhà bếp giao cho người hỏa đầu vụ mấy con gà nước vừa săn được. Phi tưởng trốn tránh được những giây phút chờ đợi, thế mà lần này Phi cũng thấy buồn không kém gì những lần trước, và chàng vẫn còn chờ đợi. Mặc dầu chàng cố tình dối lòng là chàng không hề mong đợi một mảy may. Nhưng khi về đến căn phòng này, nhìn một vài người đang ngồi chăm chú đọc thư với một vài gói quà nhỏ bên cạnh, bỗng dưng Phi thấy thèm khát lạ lùng.
Bước chân Phi rất nhẹ nhàng như một con mèo hoang đi trên mái ngói, chàng không muốn bất cứ ai nhìn thấy chàng lúc này, chàng sợ người ta đọc được trên nét mặt chàng những mong đợi, những ước muốn tầm thường ấy.
- Phi!
Tiếng gọi của Phú nháy mắt khiến Phi giật mình đứng sững lại với một vẻ bực bội vô lý. Phú ngồi trên giường cao nhìn Phi, cười hì hì. Phi khó chịu, hất hàm hỏi như muốn gây lộn:
- Gì? Mày muốn gì?
- Đi săn về hả?
- Ừ, có sao không?
Phú ngây mặt trong khi Phi cúi đầu bỏ đi, Phi bỗng nhận ra mình vô lý, mình không tốt với bạn bè nhưng đã trót rồi không làm sao hơn được nữa, chàng im luôn.
Tiếng Phú lại đuổi theo:
- Này Phi! Mày có thư bảo đảm đó.
Phi đứng sững ngay lại, ngước lên nhìn Phú với một vẻ nghi ngờ:
- Mày nói sao?
- Mày có thư bảo đảm.
- Thật à?
- Đùa với mày làm gì cho tốn sức lao động.
Phi biết là Phú cũng đã nổi sùng, nên chàng cười đấu dịu, nhưng nụ cười của Phi không được Phú đón nhận. Phú nằm nghiêng xuống giường. Phi tiến lại bên giường Phú, chàng kiễng chân để nhìn rõ mặt bạn, tiếng chàng dịu xuống:
- Thư bảo đảm lãnh ở đâu?
Tiếng Phú lạnh lùng:
- Trên “va gơ mét”.
- Hạ sĩ Tình phải không?
- Ừ.
Phi đã định trở lên căn phòng giữa trại tìm Tình nhưng chàng ngần ngừ một chút rồi đập nhẹ vào thành giường Phú:
- Xin lỗi, tao đang có chuyện buồn nên hay đổ quạu, đừng giận tao.
Đôi mắt Phu thản nhiên nhìn Phi và chỉ vài giây sau, Phú biết Phi thành thật hối hận, nên Phú cười:
- Có gì mà giận!
Và Phú nhanh nhẹn ngồi dậy:
- Có lẽ bây giờ thằng Tình về phòng nó rồi, để tao đưa mày lên bảo nó cho nhận thư. Thằng ấy “nguyên tắc” lắm, có thể nó sẽ nói với mày là hết giờ làm việc rồi để sáng mai lãnh.
- Một cái trại nhỏ xíu thế này mà nó cũng dở nguyên tắc ra sao?
Phú leo xuống giường:
- Ừ, thỉnh thoảng thằng nhỏ đó chơi ngang một tí lấy le thì mình làm cóc gì nó. Nó làm đúng luật đúng lệ mà!
Phi đi theo Phú ra ngoài cửa, khẩu súng carbine vẫn còn đeo trên vai, chàng quên chưa để vào đầu giường như mọi khi. Phú vừa cười vừa nói với Phi:
- Không biết vợ gởi cho mày cái gì, thấy cái gói hơi lớn đấy.
- Tao chưa có vợ.
- Thế thì nhân tình à?
- Có thể là nhân tình và cũng có thể là bạn.
Phú cười hì hì:
- Tao thấy nét chữ con gái.
Vẻ mặt Phi rạng rỡ, chàng đinh ninh rằng gói quà đó nhất định là của Liên gởi cho chàng, chứ không còn ai vào đấy được nữa.
Phi thấy hãnh diện vô cùng, chàng nghĩ đến khuôn mặt Liên, bàn tay Liên khi viết cho chàng, khi đi phố mua món quà đó rồi cẩn thận mang về nhà gói ghém lại mang ra bưu điện gửi tới cho chàng. Bao nhiêu hờn giận Liên từ mấy tuần lễ nay bỗng dưng tiêu tan hết cả.
Nhưng khi người bưu tín viên vừa đưa gói quà cho Phi. Chàng thất vọng ngay, chàng nhìn thấy rõ ràng tên người gởi không phải là Liên mà lại là Loan và Phượng. Sự thất vọng của Phi thật đột ngột, chàng cầm gói quà về phòng với một tâm trạng rời rạc dù chàng biết sự thất vọng của mình vô lý, là tàn nhẫn với người đã cho mình những cảm tình nồng hậu, song chàng không thể ngăn được. Phú đi bên cạnh Phi khẽ hỏi:
- Của đào à?
Phi lắc đầu chán nản:
- Không. Của bạn gái.
- Mày có vẻ không thích hả?
Tiếng trả lời của Phi gần như gắng gượng:
- Thích chớ sao lại không. Nhưng... dù sao của người yêu gởi tới vẫn khoái hơn.
Phu cười hì hì:
- Còn phải nói. Tuy nhiên ở đây nhận được quà của thiên hạ cũng là một điều an ủi lớn.
Phi gật đầu và thở dài rất nhẹ. Chàng cố gắng để quên cái hy vọng là Liên gửi thu tới cho chàng để gây cho chính mình một niềm vui, dù là niềm vui rất nhỏ. Chàng không hiểu là đã gửi thư cho Loan và Phượng từ hôm nào. Có lẽ hơn một tuần sau khi đến đây chàng mới gởi, và chàng đã viết lá thư đó trong một phút buồn nản nhất. Giờ phút đó là giớ phút đoàn xe tiếp tế rời khỏi cổng trại và Phi cảm thấy cô đơn vô kể vì không nhận được một lời an ủi.
Lá thứ đó Phi viết chung cho hai chị em Loan.
Thư gửi đi rồi Phi cũng không mong sẽ có ngày hôm nay chàng nhận được thư của Loan và Phượng trả lời. Chàng đã quên khuấy di từ hai tuần lễ nay. Bây giờ chàng hối hận, chàng thấy gần gũi với Loan và Phượng hơn, chàng có cảm tưởng như chàng thân thuộc với gia đình Trung tá Lạc.
Về đến phòng, Phi ném khẩu súng carbine lên giường trên. Chiếc giường đôi này từ khi Phi đến mới chỉ có mình chàng nằm bên dưới; anh em kể lại rằng người nằm trên là một Trung sĩ đã tử trận vì đạp trúng mìn, xác tan ra không còn một mảnh, người nằm dưới là Hạ sĩ Thanh, đêm nằm mơ thấy người chết trở về nằm huýt sáo bên trên nên sợ quá đổi sang giường khác. Phi vẫn thản nhiên nằm ngủ kỹ, kể ra Phi cũng hơi sợ một tí. Lắm đêm người cũng nổi gai, nhưng ngoài mặt Phi cố làm ra can đảm. Phi vẫn thường để súng và để con dao găm của mình trên đó cho bớt sợ.
Phi lăn ra giường, chàng cẩn thận bóc gói quà. Chàng đã từng chứng kiến những nét mặt rất con nít, những cử chỉ quá ngây ngô trên những khuôn mặt xám đen của nhiều người đồng đội mỗi khi nhận quà và đọc thư của những người thân hoặc người yêu. Có anh đọc đi đọc lại đến thuộc lòng cả lá thư bằng một nét mặt say mê lạ lùng. Phi thường nghĩ đến những nét mặt ấy như một trò trẻ con đáng yêu và khôi hài.
Lúc này chính là Phi “biểu diễn” lại đúng “cái trò trẻ con đáng yêu và khôi hài” đó trước Phú, mà Phi không hề hay biết.
Gói quà dở ra rồi, Phi nhận được gói “ruốc bông” thật trắng, coi thật ngon miệng. Hai lá thư chùng một màu xanh rơi ra. Một của Loan và một của Phượng. Phi dở lá thư thứ nhất:
“Anh Phi,
Nhận được thư anh chiều hôm qua, sau khi ở trường về. Anh tới đó cả tuần rồi mới chịu viết thư cho Loan, anh dễ ghét lắm đó, lúc nào Loan cũng coi anh như bạn. một người bạn trai thẳng thắn, cương trực, dễ thương. Ba Loan nhắc tới anh hoài. Đó cũng là một điều lạ ít thấy ở ông. Loan biết ba Loan mến anh lắm, đôi khi ông có vẻ tiếc cho anh và băn khoăn sao không nghĩ đến việc đưa anh vào học ở trường võ bị.
Anh ở đó có buồn lắm không?
Nghe nói là vùng đồi núi của nh nguy hiểm lắm. Nhiều lúc Loan giật mình... Thôi chẳng nói hết những cả nghĩ đó cho anh biết đâu.
Sáng nay Loan đi chợ, chọn thịt và tự tay làm lấy món quà này gửi đến anh. Món ăn này ba Loan vẫn thường bắt Loan làm mỗi lần đi hành quân xa. Anh đừng chê nhé.
Hẹn sẽ viết nhiều cho anh trong lá thư sau.
Thân mến
Loan”
Phi mỉm cười, lòng chàng ấm lại khi hình dung đến khuôn mặt Loan ở buổi tối sau cùng gặp nhau. Chàng chớp mau mắt, tiếng gió rừng hun hút, trời muốn mưa, Phi ước mong trời mưa thật nhiều đêm nay. Chàng xem tiếp lá thư của Phượng. Lá thư thật ngắn có vẻ vội vàng. Phi nhớ ngay đến những dáng điệu hồn nhiên láu táu của người con gái trẻ này.
“Cher anh Phi,
Chị Loan xấu quá anh Phi ơi! Chị ấy làm thịt ruốc cho anh mà Phượng không biết. Chiều nay Phượng mới giật mình, biết mua gì cho anh bây giờ! Phượng nói nhỏ cho anh điều này nhé: Chị Loan mua quà ở tiệm ăn chứ không phải chị ấy làm lấy đâu, chị ấy nói dóc đó.
Mai Phượng sẽ mua cho anh một cuốn tiểu thuyết đọc cho đỡ buồn và một gói ô mai mơ nhé. Hay là anh thích kẹo cao su để Phượng gởi cho?
Chị Loan giục ghê quá, chị ấy đã vận xong áo dài để ra bưu điện kia rồi. Mai Phượng gởi quà nhé.
Nhớ anh nhiều,
Phượng”.
Lá thứ của Phượng tuy ngắn nhưng Phi cảm thấy thật vui, một niềm vui phơi phới hồn nhiên như người đi xa về gặp nét mặt rạng rỡ, tiếng nói líu lo của cô em gái nhỏ. Ngay lúc này, trong một khoảng khắc bất chợt, Phi bỗng thấy mình đầy đủ quá. Chàng buông rơi hai tờ thư, đôi mắt khép lại tìm về hình ảnh Loan và Phượng. Chàng muốn nhớ tất cả những lần gặp gỡ, từ nét mặt đủng đỉnh kiêu ngạo của Phượng lần quen biết thứ nhất đến vẻ hiền lành dễ thương của Loan trong những lần đi chơi.
Thật ra Phi muốn dành hết khoảng thời gian này nghĩ đến Loan và Phượng. Chàng muốn nhớ đến tất cả những lần gặp gỡ đó để... tìm quên Liên, chàng muốn bấu víu vào những hình ảnh khác để quên Liên một cách dễ dàng, mặc dầu những hình ảnh đó không hề mang ý nghĩa tình yêu. Những người đi tìm quên không bao giờ quên được dễ dàng như vậy. Chỉ ít phút sau, hình ảnh Liên lại trở về, sừng sững ngự trị trong tâm hồn Phi như một tấm bia đá không một nét nhòa nhạt. Phi muốn xua đuổi hình ảnh đó, chàng tự nhủ Liên không phải của chàng, không bao giờ là của chàng cả. Chàng muốn coi Liên tầm thường như tất cả những người con gái tầm thường khác để từ nay sống một cuộc sống thản nhiên như tất cả những người bạn đồng đội trẻ tuổi vô tư lự khác.
Mưa từ lúc nào Phi cũng không biết nữa. Núi rừng tràn ngập tiếng mưa chìm trong đêm tối. Văng vẳng tiếng hát Lệ Thanh dìu dặt trong lời ca “Nếu vắng anh”, tiếng ca người con gái đô thành run sợ trước viễn cảnh xa vắng người yêu. Phi mỉm cười cay đắng thương cho những người con gái hết yêu và thương cho chính mình.
- Có thư của người đẹp đấy à?
Nghe tiếng hỏi Phi giật mình ngước lên. Điền đang bám một tay lên thành giường trên, một tay chống nạnh, ngực áo “trây di” phang ra để lộ chiếc áo lót dây vàng khè. Phi vẫn nằm im lắc đầu:
- Không. Thư của mấy đứa em gái.
- Cậu cũng có em gái sao?
Phi cười:
- Em họ..
- Đẹp không?
- Được lắm. Con gái Trung tá Lạc đó.
Đôi mắt Điền trợn tròn lên:
- Nặng thế! Cậu có bà con với ông Lạc đấy à? Sao lại bị “phút” lên đây?
- Bà con gì đâu! Thích lên đây thì lên chứ không bị ai phút cả.
Điền cười tỏ vẻ không tin. Phi trở dậy nói tiếp:
- Chừng nào có dịp về Saigon, tôi sẽ giới thiệu hai cô em này cho Chuẩn úy. Tính tôi vốn là con nhà lành.
- Tôi thì chán “Cái gì không chênh”.
Hai người nhìn nhau cười ha hả. Điền kéo Phi ra cửa:
- Qua chỗ tôi nhậu đi, để tôi chạy xuống bếp mang đồ ăn lên là vừa. Trời mưa thế này mà có tí uýt ky nữa thì nhất hả?
- Còn tí “ba xi đế” nào không?
- Còn nữa chai rhum mới gửi mua tuần trước cũng tạm xài đỡ.
- Rhum là nhất rồi, trời đất này...
Điền trùm áo mưa băng ra ngoài sân, tiếng giầy lõm bõm khuya trong ngước lội.
Một lát sau Điền bưng lên một mâm đầy vừa thịt gà rừng vừa thịt chim, con thì nướng, con thì chiên, con thì luộc. Đầu tóc Điền ướt sũng nhưng nhìn mặt Điền có vẻ hỉ hả mãn nguyện lắm. Hai người loay hoay xếp chỗ ngồi, mỗi người trùm lên một cái chăn dạ ngang lòng.
Điền chặt hai con chim đem phân phát cho những anh em quan đấy. Phi mang thêm thịt ruốc. Tiệc rượu bắt đầu, chuyện nổ như pháo tết. Phi kể chuyện tình của mình từ chuyện Thanh đến chuyện Liên và khi rượu đã ngà ngà say, Phi vỗ đùi bành bạch:
- Nhưng bây giờ thì cóc cần, moa cóc cần ai cả, cóc có đứa nào nó nghĩ đến mình, tội gì mình nghĩ đến nó. Mình là lính chiến đấu...
Phi bỏ lửng câu nói ở đó nhưng Điền hiểu Phi muốn nói gì.
Điền biết rõ rằng Phi còn đau. Khi người ta nói “cóc cần” nghĩa là người ta rất cần. Nhất là trong khi gần say người ta nói ngược lại hết cả, người ta cố đánh lừa mình, đánh lừa mãi cho tới khi say khướt thì bao nhiêu sự thật khai ra tuốt cả. Điền gật gù mỉm cười:
- Biết rồi, toa cóc cần gì đời, moa biết, nhưng toa cần tình yêu, có đúng vậy không?
Phi cười ha hả:
- Tình yêu? Vô lý, đời lính chiến đấu chúng mình mà tin vào tình yêu của một người con gái thành thị là điên, không khác gì tin vào mấy cái giấy vé số để làm triệu phú.
- Người ta vẫn trúng số hằng tuần đấy thôi. Mình cũng phải tin rằng mình trúng độc đắc chứ.
- Moa không tin, moa cóc dám tin nữa, bởi vì tin quá nhiều rồi. Bây giờ tin vào mình, nhưng cả đến mình cũng chưa chắc đã tin nổi.
Điền lại vỗ đùi cười ha hả, chàng thấy Phi sống đúng với tâm trạng mình khi thất tình lần thứ nhất với một người con gái cũng thất tình và gặp chàng như một bấu víu, yêu chàng qua hình ảnh người yêu. Điền thương Phi vô cùng, người con trai nào thất tình cũng đều mong một nét khắc khổ, khờ dại đến ngẩn ngơ.
Hơn mười giờ thì Phi không chịu nổi nữa, chàng lăn ra ngủ một cách ngon lành. Điền bế Phi trả về giường, đắp chăn cho Phi cẩn thận rồi tắt đèn. Căn trại tiền đồn trở về với cái yên lặng hoang dại thường lệ của những đêm rừng núi.
Liên đứng im trên một sườn đồi thoai thoải đầy cỏ non xanh mướt. Nàng mặc chiếc áo chemise màu xanh điểm những bông hoa trắng, chiếc jupe màu hồng nhạt. Mái tóc lất phất bay theo gió giữa khung trời tím thẫm, đúng là màu tím của chân trời mà Liên đã sống với Phi một chiều nào bên bờ biển. Tất cả khung trời này màu tím, đến nỗi khuôn mặt Liên, bàn tay Liên và thảm cỏ xanh lưng đồi cũng được nhuộm bằng màu tím. Phi không nhớ rõ không gian này thuộc về đâu, thời gian này vào lúc nào. Hình như sườn đồi này gần giống sườn đồi mà Phi đã đi qua một lần với Điền trong bữa đi săn. Quả đồi nhỏ nằm ngoan ngoãn giữa những lùm cây xanh rậm của những triền núi chạy dài. Chỉ có một quả đồi này mang tấm thảm cỏ xanh, thỉnh thoảng một lùm cây vươn lên vài bông hoa trắng, quả đồi hiền lành dễ thương như một đứa con gái hai tuổi xinh xắn nằm giữa lòng mẹ.
Lúc này Liên có vẻ đẹp của một Suzie Wong trong phim “la coline de l’adieu” với William-Holden.
Phi cũng đứng im, chàng muốn nhìn nàng thật lâu, chàng muốn nàng cười với mình, với một mình mình mà thôi. Thế gian này không còn ai cả, thế gian này chỉ có hai người.
Liên vẫn còn đứng kia, trên thảm cỏ xanh, giữa sườn đồi trước mặt. Nàng cười, hai bàn tay giơ lên, hai cánh tay chờ đón. Phi lao đến bên nàng như một mũi tên để lọt mình gọn gàng trong vòng tay đó. Chàng nghe rõ tiếng thở của Liên, mùi thơm ngai ngái của mái tóc. Phi nhắm mắt lại tưởng tượng là chàng sẽ được sống mãi mãi như thế này.
Một tiếng nổ lớn vang lên rồi những tiếng nổ khác tiếp tục như sấm rền.
Phi bàng hoàng choàng dậy. Tất cả chỉ là một màu tối đen. Sườn đồi trước mặt và hình ảnh Liên đã biến lẫn vào bóng tối. Phi biết rằng mình vừa qua một giấc mơ dài.
Những tiếng nổ khác tiếp tục vang lên. Cả trại nhốn nháo. Phi choáng váng, đầu óc nhức nhối, tim chàng đập mạnh. Chàng biết là đã có biến động. Súng nổ giòn như pháo tết:
- Địch tấn công!
- Lô cốt cù lao đổ rồi!
- Vọng gác phía Đông nam bốc cháy!!!
Những tiếng la thét thất thanh đó khiến Phi càng run rẩy hơn. Lần thứ nhất Phi nằm trong trại bị địch tấn công bất ngờ. Những lần trước Phi ra trận thật bình tĩnh và có cái náo nức được đụng độ với giặc. Nhưng lần này bỗng dưng Phi có cảm tưởng bị bỏ rơi trong đêm tối. Chàng chỉ nghe tiếng la ơi ới từ ngoài sân, từ những lùm cây xung quanh vòng rào, không thấy một người nào ở bên cạnh mình. Trong tay chàng không có lấy một tấc sắt, đầu nặng nhức nhối như muốn vỡ tung ra. Chiếc áo “trây di” tuột hết cúc lúc nào, quần trận cũng lại trễ xuống. Phi có cái lúng túng của một đứa con nít giữa những tiếng động dữ dội, dọa dẫm quanh mình.
Tiếng đạn súng cối nổ ầm ầm. Phi nằm lăn trên sàn nhà ẩm ướt từ lúc nào chàng cũng không biết. Mãi một lúc sau Phi mới cố trấn tĩnh được bởi tiếng súng máy giòn giã từ phản công của ổ súng do chính chàng phụ trách. Phi thắt lại sợi dây lưng, nhoài người lên giường tìm khẩu carbine rồi băng ra ngoài cửa.
Phi ngã xấp xuống mặt đất sũng nước, trời vẫn còn mưa lấm tấm, lạnh như cắt thịt. Phi cảm thấy tỉnh táo hơn. Chàng đưa một bàn tay ra phía trước, vốc nước tạt lên mặt. Tiếng đạn súng cối nổ ngay giữa phòng ngủ của Phi, một ánh lửa lóe lên thật kinh dị, nhưng nhờ đó, Phi nhìn rõ con đường mòn, lối dẫn ra ụ súng máy do Phi phụ trách theo đúng kế hoạch bố phòng. Chàng trở lại với cái tâm trạng hăng say của những lần ra trận trước đây. Như một con thú, Phi băng thật nhanh qua một mô đất, trườn mình xuống con đường sỏi đỏ, bò bằng hai khuỷu tay một đoạn dài rồi lao xuống con đường hầm đi tắt ra ổ súng máy.
Tất cả những hành động ấy Phi đã làm theo bản năng tự nhiên của một chiến sĩ không suy nghĩ, không tính toán.
Khi Phi tiến đến vị trí súng máy thì Điền đã ngồi sẵn ở đó, bên cạnh là Phú. Khẩu MIT 30 bị vặn ngửa lên. Phú đang lúi húi sửa chữa, Phi nhào đến đẩy Phú ra:
- Sao đó?
- Súng bị tắt.
Phi kéo “quy lát”, một viên đạn bật lên nằm trên nòng. Chàng đã tìm ra nguyên nhân. Loại súng này quen thuộc với Phi lắm, thứ bệnh thông thường của nó là do người sử dụng thiếu bình tĩnh bởi phải lên “quy lát” những hai lần, chàng loay hoay xoay khẩu súng trở lại vặn ốc ở càng.
Từ nãy Điền có vẻ giận, tiếng chàng cục cằn:
- Song chưa mấy cha nội? Nhằm đúng lúc này mà làm tắt súng máy thì bỏ mẹ rồi.
- Xong rồi đây.
Phi trả lời rồi kéo băng đạn từ hộp sắt lớn lên đưa ngang vào ổ đạn.
Bỗng Điền chồm lên, khẩu carbine trên tay chàng nhả đạn như mưa, chàng hét:
- Hàng rào bị phá rồi.
Phú xoay người sang bên cạnh ôm khẩu tiểu liên thompson nhả đạn về phía hàng rào dây thép gai. Một bóng kẻ thù vừa trườn lên khỏi mô đát trước hàng rào vội thụp xuống, bên cạnh đó hình như có một vài bóng đen khác chỉ chờ thời cơ lăn xả vào hàng kẽm gai.
Điền vừa đặt carbine lên vai vừa hậm hực:
- Chết cha người ta không, xong chừa? Nếu có khẩu súng này thì ông nội chúng nó cũng chưa đến sát hàng rào này được.
Phi cũng đặt súng trên vai:
- Còn khẩu “vanh cát vanh nớp” bên kia đâu?
- Trúng “moọc chê” rồi, tôi vừa cho vào lấy khẩu EM BAR, chắc cũng sắp ra.
Phú xuýt xoát:
- Nếu có hai khẩu súng này từ nãy giờ ít ra cũng chết năm nươi mạng.
Tiếng MIT 30 từ vai Phi nổ dòn ran. Phi đã nhắm trúng hai tên địch vừa băng khỏi lùm cây. Một tiếng nổ kinh hoàng sáng trắng hàng rào kẽm gai. Hàng rào bị phá, Điền đứng sững:
- Nó phá được rồi, cẩn thận kẻo nó nã tới.
Phi cũng trố mắt lên nhìn, chàng ước chừng khoảng bị phá trên năm thước, tiếng chàng bình thản:
- Mình sẽ làm hàng rào bằng đạn.
Nói rồi Phi liếc nhanh xuống những thùng đạn còn nằm nguyên vẹn bên cạnh đó, chàng yên tâm và lặng lẽ chờ đợi, chàng chờ những bóng địch xuất hiện trên khoảng trống vừa bị phá. Chàng có cái hóm hỉnh tin tưởng của một con hổ đứng rình con nai sắp sửa bước tới đúng tầm móng vuốt.
Phú khẽ hỏi:
- Suya là bắn được rồi chứ?
- Suya! “Phi súng máy” của Tiểu đoàn 10, cậu chưa biết tiếng à?
- Chưa!
- Hôm nay cậu sẽ biết.
Câu đùa cợt của Phi đầy tự tin làm Phú mỉm cười và cùng tin tưởng theo.
Vừa lúc đó, một thân gỗ được lao trên khoảng hàng rào bị phá. Nhanh như cắt, Phú lia một tràn thompson. Phi cũng bóp cò súng máy, nhưng chàng bắn cầm chừng thôi, chàng đợi lớp “thiêu thân” thứ nhất lao vào khoảng trống đó.
Quả nhiên, vừa dứt tiếng súng thompson của Phú, một Tiểu đội địch nhào lên, lăn xả trên thân gỗ lao vào giữa những tiếng đạn yểm hộ réo như mưa, những tiếng bích kích pháo nổ loạn khắp doanh trại.
Phi đã hờm sẵn,chàng ghì chặt khẩu súng, hàm răng nghiến chặt, đôi mắt long lanh. Tiếng đạn súng máy của Phi giòn tan như một tiếng reo dài. Lớp “thiêu thân” thứ nhất bị chặn đứng ngay. Một vài tên địch ngã xuống nằm bất động, chúng chỉ còn là những cái xác, một vài tên khác dội ngược trở lại.
Điền sung sướng vỗ vai Phi:
- Tuyệt lắm, “Phi súng máy” có khác..
Phi cũng cười hề hề. Tự trong lòng Phi, chàng cảm thấy mãn nguyện và hãnh diện vô cùng, chàng không rời khỏi phạm vi quan sát trước mặt. Trong một thoáng Phi nghĩ về Liên, chàng có cái ước muốn thầm khín và... hoang đường là giờ phút này Liên có mặt ở bên cạnh chàng để chứng kiến cuộc phản công để bảo vệ doanh trại, bảo vệ đồng đội này. Ý nghĩ đó chỉ thoáng hiện như một lằn chớp rồi thoáng biến, nhưng cũng đủ cho Phi rung động. Phi cũng không thể hiểu được tại sao trong giờ phút này mà chàng lại có thể nghĩ được đến Liên, dù chỉ là trong một khoảng khắc.
Tiếng Điền vang lên trong máy truyền tin A.N.P.C 6 kéo Phi trở lại nhiệm vụ:
- “Cù lao một” báo cáo địch phá hàng rào phía Đông nam đợt tấn công thứ nhất bắt đầu. Xin yểm trơ.
Sau đó Điền quay sang bảo Phú:
- Cậu qua hầm số ba xem khẩu F.M.P.A.R tới nơi chưa.
Phú lao đi như tên, mất hút trong bóng tối. Trong một vài giây, chiến trường trở lại im lặng đến nghẹn thở. Phi nói thật nhỏ với Điền:
- Chuẩn úy xin yểm trợ làm gì, chúng nó làm sao vào nổi mặt này với hai khẩu súng máy của mình.
Điền lắc đầu:
- Cậu lầm, mới chỉ có vài tên thí mạng. Chúng sẽ ùa lên bây giờ. Ổ súng máy của mình thế nào cũng ăn lựu đạn. Cẩn thận đó.
Phi vồ tay lên trần ụ chiến đấu:
- Vị trí bố phòng này kiên cố lắm, lựu đạn ăn nhằm gì.
- Đừng đùa dai. Trong một trận “công đồn” nhiều bất ngờ lắm. Sơ hở một tí là “đi đứt” ngay.
Tiếng súng địch lại vang lên giòn giã cùng với tiếng la hét phía ngoài hàng rào. Đạn bích kích pháo rơi tứ phía, lựu đạn nổ tơi bời. Lần tấn công này có vẻ quyết liệt hơn. Phi nhăm nhăm chờ đợi loạt xung phong chính thức của địch.
Nhưng chờ đợi mãi. Phi không thấy một bóng nào xuất hiện trên khoảng trống của hàng rào vừa bị phá hủy.. Bên cạnh chàng, Điền cũng nhăm nhăm chờ đợi. Những lúc này, đôi mắt Điền sáng rực, dữ dội lạ thường, quay hàm Điền bạch ra một cách bướng bỉnh. Phi thoáng nhìn lên, chàng có cảm tưởng như nhìn thấy một pho tượng. Phi yêu Điền hơn lên bởi cái hình ảnh ấy:
- Sao không thấy “chúng nó”?
Tiếng Phi thốt lên nhè nhẹ mắt vẫn không rời khu vực quan sát trước mặt.
Điền vừa nghiêng sang nhìn Phi thì người binh nhì ở phía sau đưa máy truyền tin cho Điền:
- Thưa Chuẩn úy có “cù lao” gọi.
Điền giật lấy máy:
- Cù lao một, cù lao một, tu nghe đây.
- Có gì lạ?
- Yên tĩnh.
- Cẩn thận, nhắc nhở tất cả các vị trí bố phòng cẩn thận, địch có thể tấn công phía khác.
Tiếng máy liên lạc vừa dứt, tức khắc lửa từ phía Nam bốc lên ngùn ngụt, tiếng súng rền hơn bao giờ, tiếng la hét ầm ầm nổi dậy. Điền nghiêng sang phía lửa cháy rít lên:
- Chúng nó tấn công phía Nam lạ nhỉ?
Sau đó Điền nghe rõ tiếng người chỉ huy phía Nam, Thiếu úy Khắc cũng cuống quít trong máy truyền tin:
- Lô cốt số 3 bị phá rồi, vị trí cốt 5 bốc cháy!!!
Tiếng la của Thiếu úy Khắc ngưng bặt, Điền sững người, nhắc lại với Phi:
- Địch tràn vào hàng rào phía Nam.
Phi cũng ngẩn ngơ không kém, toàn thân chàng lạnh toát, tóc gáy dựng lên, chàng có cảm giác đang bị đe dọa phía sau lưng. Chàng hỏi một câu thật ngây ngô:
- Nguy quá! Làm thế nào bây giờ.
Trong một tíc tắc, Điền quyết định:
- Cậu ở lại đây với hàng phòng thủ. Tôi đem khẩu trung liên B.A.R qua phía Nam.
Điền vọt lên khỏi miếng hố, bò sang ổ súng máy. Phi lặng lẽ nhìn theo cho đến khi Điền và tiểu tổ súng máy mất hút sau lùm cây, dưới ánh sáng đỏ lờ mờ của lửa khói hắt lại. Đôi mắt Phi như không hồn trở lại với nhiệm vụ của mình. Đầu tóc Phi rối tung, chàng cũng muốn mang khẩu súng của mình qua phía Nam.
Phú trở về vị trí, tiếng Phi hổn hển qua hơi thở dốc:
- Chúng nó vào tới gần “cây cù lao”, Chuẩn úy Điền mang khẩu B.A.R đi yểm trợ rồi.
- Biết.
Phi trả lời cụt ngủn, hậm hực.
Chàng nhận thấy mình vô lý ngay sau đó và chàng bóp cò súng. Tiếng đạn rộn rã réo lên làm Phi ngây mặt:
- Bắn cái gì vậy?
Phi càng nhận thấy mình vô lý hơn, chàng ngừng lại vài giây, ngụy biện một cách ngang ngạnh:
- Bắn kẻ thù chứ bắn cái gì nữa.
- Mày nhìn thấy cái gì mà bắn?
- Tao nhìn thấy kẻ thù.
Phú cười mỉa mai:
- Mày sợ à?
Phi trợn mắt:
- Tao mà sợ?
- Vậy thì bắn cái gì vào bóng tối?
- Bắn kẻ thù.
Phi yên lặng xoay người nhìn về phía Nam. Tiếng đạn réo lên xối xả. Kể ra Phú cũng hơi hoảng. Lúc nhìn thấy kẻ thù phá hàng rào, lăn vào hàng rào Phú không hề sợ sệt. Bây giờ không nhìn thấy kẻ thù, phải cố thủ trước một vùng bóng tối, Phú thấy rùng rợn. Chàng ngồi sát lại với Phi, giọng chàng dịu xuống.
- Có lẽ phía Nam nguy mất.
- Đằng ấy có những cái gì?
- Mỗi khẩu V.A.R và một Tiểu đội. Nhưng cánh quân bố phòng Đông nam, và Tây nam có thể yểm hộ.
Phi thở dài rất nhẹ:
- Chưa chắc. Địch có thể tấn công cả ba mặt, chúng lựa phía mình không đề phòng nhất làm hướng tấn công chính.
Ngay lúc đó, tiếng đạn đại bác gầm lên. Một tiếng reo lớn tiếp theo đó vang ầm doanh trại. Phú cũng nhảy cẫng lên:
- Có pháo binh yểm trợ rồi.
Và Phú vồ lên vai Phi đồm độp. Phi buông lỏng tay súng, thở ra một hơi dài khoan khoái. Bây giờ Phi mới có thì giờ để ý đến quần áo, người ngợm mình. Bộ “trây di” ngập ngụa đầy bùn, cùi tay xước ra một miếng dài, lúc này Phi mới thấy xót ruột. Chàng ngả dài người vào thành hầm, chiếc mũ sắt ghé vào nền xi-măng sàn sạt, âm thanh đó nhức nhối như muốn long óc. Phi bỏ mũ sắt đặt ngửa xuống đùi, chàng nghĩ đến một ngày nào đó hay là ngay đêm hôm nay, lòng mũ sắt sâu hoắm này sẽ đựng đầy máu, máu và óc của chính chàng.
Phi rùng mình, bàn tay quờ quạng trong lòng mũ sắt, chảy ẩm ướt vì bùn lầy ở lòng bàn tay khiến Phi có một cảm giác gai gai như tìm thấy máu và óc mình thật.
Hình ảnh Liên lại hiện về, chàng nhớ đến giấc mơ ghì Liên trên lưng đồi vừa qua và chàng tưởng tượng đến khi chàng ngã xuống, Liên được tin này, nàng sẽ nghĩ sao. Phi nhớ đến những lần ở bên Liên, chàng thường nói đùa với nàng rằng: “Nếu anh chết em sẽ buồn một tuần hay cùng lắm là hai tuần rồi sau đó em sẽ gặp người yêu mới, em sẽ lại hôn người đó nhiều như hôn anh và em sẽ quên”. Liên cười và Liên say đắm nhìn chàng trả lời: “Em sẽ nhảy một bản xì lô, em nhắm mắt lại, em nói thầm là bản đó dành cho anh”. Phi cảm thấy một nhói đau vang đội. Chàng lặng lẽ ngồi im và hình dung ra khi Liên ở bên người khácvới những lãng quên chàng biền biệt... Những lần nhìn nét mặt Phi buồn, Liên thường ôm choàng lấy chàng - bất cứ ở đâu - hôn chàng thật nhẹ, thật nhiều và thật say đắm, rồi Liên trốn tránh bằng câu: “Thôi, đừng nhắc tới chuyện đó nữa”. Trong lời nói chân thàng của người yêu, Phi thầm hiểu là Liên cùng mang cái đau đớn như chàng, Phi nhìn rõ tình yêu của Liên đã cho chàng trọn vẹn như chính chàng đã cho Liên. “Em phải xa anh, chắc em không chịu nổi, em chết mất, em không còn gì nữa cả”. Tiếng nói ấy còn vang lên trong lòng Phi, rền rĩ như một tiếng chuông vào một hoàng hôn nào xẫm tím.
Phí cúi đầu... Ngay cả lúc ngồi trên trận địa này chỉ cần một chớp nhoáng thảnh thơi là Phi lại có thể nghĩ đến Liên được rồi. Trong một chớp nhoáng kỳ diệu ấy, Phi nhớ đến Liên như điên. Phi quằn quại với nững kỷ niệm thắm thiết không một mảy may lạnh nhạt.
Hình như những kỷ niệm, những đớn đau này làm Phi thêm can đảm. Chàng muốn có một hành động thật ngang tàng, thật liều lĩnh lao vào giữa vòng đạn lửa này.
Phi vừa nghĩ tới đó thì một người binh nhì từ phía sau bò tới, tiếng nói oang oang:
- Ổ súng máy số một phải không?
Phú gật đầu mỉm cười:
- Đúng rồi, gì đó ông “cù lao”?
- Trung úy chỉ huy trưởng ra lệnh tiếp viện thêm cho mặt Nam và Đông nam.
Nghe Phú gọi tên “binh cù lao”. Phi nhớ đến câu chuyện Điền đã kể với chàng về anh chàng này. Phi ngước lên nhìn hắn, và Phi bỗng cảm thấy hắn có những nét khôi hài thật lạ, vẻ mặt nửa ngẩn ngơ, nửa thật thà trông thật khôi hài thật lạ, và thật dễ thương. Phi hất hàm giả vờ câu để trêu chọc:
- Tiếp viện mặt nào thì phải nói rõ ra chứ hướng Nam và hướng Đông nam là cái thể thống gì, bắn loạn lên à?
Binh cù lao ngẩn mặt ra thật, hắn ấp úng:
- Không biết, thấy Trung úy ra lệnh như thế.
Phú hỏi:
- Trung úy có chỉ chỗ cho cậu không?
- Có
- Vậy đi theo cậu được chưa?
- Được, Trung úy bảo tôi hướng dẫn mà.
Phi vẫn giả vờ cáu:
- Thì nói phăng ra có được không. Ấm ớ mãi.
Binh cù lao nhăn răng ra cười hề hề. Phi khom người xuống nâng cây súng lên, và bồi thêm một câu nữa:
- Hai thằng khuân súng còn chưa nổi, ai vác đạn cho bây giờ đây? Cậu nào vác hộ hòm đạn này đi. Liệu có vác nổi không?
Binh cù lao ngoan ngoãn như một đứa trẻ dễ bảo, nó khoát chặt khẩu carbine vào vai, rồi lặng lẽ cúi xuống bên Phi, nó phùng mang trợn mắt song hòm đạn vẫn chỉ núc nhích được một tí thôi. Phi và Phú cùng cười rũ ra. Phi thương hại vỗ vai binh cù lao:
- Để đó, có tới ba thằng như cậu vác cũng chưa chắc đã nổi. Chịu khó vác thùng nhỏ kia đi.
- Thùng nào đâu?
- Phía trong.
Phú nghiêng người sang chỉ cho binh cù lao chỗ để những thùng đạn nhỏ.
Chân súng đã được tháo rời. Phi nâng khẩu súng lên vai. Phú theo sau. Phi dừng lại trên miệng hầm một chút rồi lắc đầu:
- Mặt này trống trải quá. Hai Tiểu đội liệu có đủ sức chống giữ không?
Phú đẩy binh cù lao lên trước, rồi nói với Phi:
- Chắc có thể tính toán thế nào “ông ấy” mới ra lệnh cho mình đi tiếp viện thế này chứ. Yên tâm, cứ đi theo anh cù lao này coi xem sao.
Binh cù lao vừa ôm hòm đạn vừa bước thoăn thoắt xuống hầm di chuyển. Xung quanh trại, đạn đại bác vẫn nổ rền. Hoạt động của địch hầu như bị tê liệt hẳn lại. Phi cảm thấy phấn khởi hơn nhiều. Chàng mang cái hãnh diện của một kẻ được người khác nhờ vả đến, chàng tin rằng thế nào rồi chàng cũng có dịp thi thố tài bắn súng máy cho đơn vị này biết. Chàng chỉ có cái hy vọng duy nhất là người ta sẽ kêu chàng là “Phi súng máy” thay vì kêu chàng là “công tử sima” như cũ.