rống hầu chiều vừa dứt, ông Phủ Trần đã khăn áo chỉnh tề ở nhà tư thong thả lên công đường làm việc.Lúc bấy giờ vào khoảng cuối thu, bóng nắng không những lạt mà thỉnh thoảng lại có cái gió bấc thổi. Những người gầy gò đã phải giở áo nịt hoặc áo kép ra dùng. Nhưng ông Phủ vẫn chỉ mặc có cái áo sa bóng, mà động ông ngồi ở bàn giấy thì y như cái quạt tây treo trên trần nhà, phải đưa đi đưa lại. Những lúc ông gắt - mà ông hay gắt lắm - khi cái khăn của ông đã đẩy lên quá trán, thì cái quạt tây ấy phải nhảy lên chồm chồm, có khi liếm tận đến trần nhà. Ông thu vào vừa chặt cái ghế mây bành hạng đại, trông đằng sau, bè bè một cái lưng phì nộn.Ông ngồi đó, cái vẻ im lặng rất uy nghiêm, uy nghiêm gần ngang với nét mặt ông vậy.Ông bóc các công văn ra xem, rồi vặn chuông gọi. Tên lính đương ngồi xổm ở ngoài cửa, im phăng phắc như con chó đá, bỗng dạ giật một tiếng, rồi chạy choàng vào đứng chắp tay để chờ lệnh.Lúc ấy có một cái bóng đen đen thấp thoáng sau bức bình phong vải xanh ngoài hiên, ông hất cái cằm nhẵn thín hỏi:- Xem đứa nào ngoài kia, mày.Tên lính rón rén ra rồi vào bẩm:- Bẩm lạy cụ lớn, có tên học trò là Vũ Khắc Điệp xin vào hầu.Ông Phủ cau đôi lông mi, nghiêng đầu, hỏi:- Tên là gì?- Bẩm cụ lớn, Vũ Khắc Điệp.- À, đưa nó xuống nhà khách, rồi rót nước, bảo nó ngồi chờ tao, nghe!- Dạ.Tên lính ra. Ông Phủ quay mặt nhìn qua cửa kính sau lưng có che màn đãng ten, lúc trông thấy Điệp, thì trên mặt phẳng phiu lộ ra những nét vui vẻ. Ông gãi cằm ra vẻ đắc chí lắm. Rồi mặc kệ cái dựa ghế nó phải ỏe ra đằng sau, ông quẳng cả đống lưng xuống, ngồi ưỡn nửa người, cắn môi nghĩ ngợi…Điệp theo tên lính, vòng đằng nách công đường đến cái sân rộng. Đang đi qua một nếp nhà gạch nữa, bỗng tên lính như sực nhớ đến việc gì, bèn bảo chàng chờ đó một lát, rồi chạy vào nhà tư. Điệp đứng lại trông đằng trước mặt, gần đó, có cái nhà tranh, phu phen đương trần lực dỡ phá đi, mà bên cạnh, hai người lính cơ đương cầm roi để ốp.Tên lính ra, một tay xách ấm tích nước, một tay bưng cái đĩa Nhật Bản mà trên úp cái chén tống Tâu rồi lại đưa Điệp đi đến cái nhà tranh trước mặt. Tên lính lấy phất trần quét tầng bụi trên bàn ghế gỗ tạp sơn xanh, rót chén nước chè hạt xong, nói:- Quan truyền cậu ngồi chờ đây. Quan đang bận.Điệp buồn mồm, hỏi tên lính:- Cái nhà kia đổ hay làm sao thế cậu?- Đó là trại cơ, cụ lớn bắt phá đi, chứ không phải đổ.- Tại làm sao?- Tôi không biết, vì làng tôi mới cắt tôi ra lính hầu cụ lớn mấy hôm nay. Đâu ý cụ lớn muốn thiên trại cơ ra gần cổng chòi.Nói xong tên lính xách ấm nước đi.Điệp vừa mệt vừa khát, một chén nước uống không đủ, nhưng biết làm thế nào? Thấy cách ông Phủ tiếp đãi như thế, chàng tự hiểu mình được liệt vào hạng khách nào nên đã hơi thấy khó chịu. Rồi chờ năm phút, mười phút, ông Phủ vẫn không cho gọi lên. Điệp đã thấy nóng ruột. Nhân rỗi việc, chàng giũ bụi áo và nhổ cỏ may ở quần, vì chàng đi bộ từ ga, đường dài ngót mười cây số. Rồi chẳng còn việc gì khác để làm cho tiêu khiển hơn, chàng liền nhìn các câu đối treo đó, thử đọc xem còn nhớ chữ nho nào không. Bỗng chàng giật mình, vì thấy đằng sau một lỗ vách, có con mắt lo ló nhìn mình. Chàng chột dạ, trông con mắt ấy, thì tự nhiên cái lỗ lại thủng sáng ra, rồi tiếng rúc rích hai người cười với nhau, và tiếng giầy lọc cọc chạy. Điệp tinh ý, đoán là tất tiếng giầy gót cao và nhỏ, nghĩa là giầy mang cá. Chàng nhanh mắt nhìn theo phía giầy, thì vụt một cái, ở cửa tò vò trên nhà tư, chỉ còn phấp phới mảnh vạt áo mau cặn vàng và một ống quần trắng đương chạy. Điệp đoán hẳn các cô đây, thấy khách đàn ông lạ vào nhà thì hay ngó. Chàng nghĩ đến cách ăn mặc của mình hôm nay, lấy làm bằng lòng lắm, vì đã làm được các tiểu thư chú ý đến. Quả vậy bây giờ chàng đã cải lương cáì mũ trắng sờn vành, mà chụp chiếc khăn lượt mới, đã thải đôi giầy đanh tre tàng, mà vận giãy tây trắng đế cao su. Tuy cái áo vải thâm vẫn cũ, nhưng đã vá lại tử tế rồi.Một lát, trên buồng có tiếng lanh lảnh gọi:- Bếp ơi, rót tao chén nước.Rồi tiếng đàn tàu văng vẳng đưa đến tai Điệp, như mách ngầm người đó hiện ngồi đâu. Điệp nghe lõm bõm, nhưng cũng nhận được những khúc đang gảy, là “Vọng cổ hoài lang, Vương cô nương toán mệnh” mà ngày trước trong trường chàng thường được nghe các bạn họa.Điệp tò mò cố nhìn lên xem ai gảy đàn, thì không nghe thấy gì nữa, mà trên cái ghế xích đu ở hè, một vị tiểu thư đã đương chao đi chao lại, mắt nhìn vào quyển tiểu thuyết. Muốn tiêu thì giờ, Điệp ngồi lánh mình sang một bên để ngắm vị tiểu thư cho rõ. Mất gì?Vì tiểu thư ấy hẳn là lệnh ái của quan. Điều đó, dù chẳng phải tay cao đoán mới nói nổi, vì nếu là người ngoài, sao lại ở trong phủ này làm gì? Nhưng vì tiểu thư ấy đích là lệnh ái của quan, mà điều này thì chẳng cần phải nghĩ lâu mới có thể quả quyết thế được, vì trông nàng giống ông Phủ như đúc, giống cả từ cái béo chụt béo chịt! Nhưng quái, con quan sao không đẹp tí nào, thật là phí mất cả địa vị! Tiểu thư nằm ngửa trên ghế, nhưng để mặt nghiêng, thành ra cả cái mặt, “vĩ đại” nhất cái má. Vì lưỡng quyền cao mà thịt má đè gí nhau xuống, nên nó rộng rãi, phẳng lì như tấm phản. Hai môi thì dầy, cũng nung núc những thịt, tuy trời hanh mà lúc nào cũng như ướt. Dưới cái trán bóng, đôi lông mi đen như mực tàu, vòng cong trên hai mắt mơ màng bí mật. Từng ấy cái mà xếp cả vào mặt một người con gái. Tạo hóa thật đã khéo chơi chua! Cho nên Điệp nhìn, rồi tưởng tượng đến Lan, bụng bảo dạ:- Giá Lan thô bỉ xấu xí hơn, ta quyết chẳng phàn nàn.Nghĩ đến vợ, Điệp nhớ ngay đến sự thi đỗ, nhớ đến sự thi đỗ, chàng nhớ ngay đến cái ơn của ông Phủ. Rồi chàng lại sực hồi tưởng những lời nói ngọt ngào, nhân từ của ông Phủ hôm thi, bây giờ so sánh đến cách tiếp đãi lãnh đạm này, thật là một trời một vực.Điệp chờ đợi lâu mà ông Phủ không xuống, bực mình quá. Bực mình bao nhiêu, chàng lại chán ghét cái lối quan cách bệ vệ bấy nhiêu. Lúc rỗi, chàng muốn nhờ người đưa lên chào bà Phủ, nhưng hẳn bà Phủ chẳng biết chàng là ai, mà chàng sợ nhất cái lối phải cung khai gia phả cho bà hiểu. Mà vị tất bà đã hiểu Điệp là hạng người nào, và nên gọi bằng gì. Như thế hẳn bà bảo:- Ừ xuống nhà khách ngồi chơi.Cái lối xách mé khinh người ấy, Điệp không thể chịu được. Chỉ có ông Phủ biết chàng nên ông khéo léo, gọi chàng bằng cháu và xưng là chú, vì chàng vẫn thưởng gặp ỏng ở nhả ông Phán là nhà chàng trọ học. Nhân có ông Phán nói chuyện, nên ông Phủ mới biết chàng là con bạn ngày xưa.Điệp chờ mãi, chờ mãi. Thỉnh thoảng thấy tên lính bưng thúng gạo hay bu gà xuống nhà tư, chàng vẫy, nhưng nó nhìn chàng một cách bỡ ngỡ mà không lại.Bao nhiêu điều vui vẻ Điệp tưởng tượng trong khi đi đường, đến nay thấy trái hẳn lại, chàng tức quá. Nhưng làm thế nào? Bổn phận chàng phải đến tạ ơn ông Phủ. Đáng lẽ chàng phải đi ngay từ ngày mới đỗ mới phải, song chỉ vì chưa lo được tiền hành lý nên mới nấn ná đến tận bây giờ, đến nỗi chàng phải áy náy mãi.Điệp ngồi hơn một giờ đồng hồ, ruột nóng như sôi. Thơ thẩn một mình chàng muốn ngắm tạm cô tiểu thư cho đỡ buồn ngủ, nhưng không trông thấy nữa, vì cô cũng ngủ từ bao giờ, úp quyển sách lên mặt. Trên ghế xù xù một đống có mặc áo quần.Nhưng chẳng bao lâu - đó là nói văn chương, chứ lâu cho Điệp lắm rồi - hồi trống tan hầu làm cho tan cả sự thất vọng của Điệp. Điệp thấy cô tiểu thư mở choàng mắt dậy và chạy đi mất. Cánh cửa công đường mở ra, ông Phủ bệ vệ đi xuống.Có lẽ vì phải chờ lâu mà Điệp đã chất chứa nhiều nỗi ác cảm trong lòng, nên thoạt nhìn ông Phủ, chàng chỉ thấy những cái dữ tợn, những cái bất nhân nó lộ trên mặt ông.Ông Phủ quàng cái khăn vào cánh tay, vừa đi vừa cởi khuy áo sa, lững thững xuống nhà khách, nét mặt tươi tỉnh như hoa. Điệp bỗng hối hận ngay lập tức vì đã quá nóng nẩy mà phán đoán lầm bụng người ân nhân. Điệp bèn lấy lương tâm, chắp hai tay vái chào.Ông Phủ gật đầu, mỉm cười, nói:- Cháu chờ chú có lâu không? Hôm nay chú bận qua. Sao nó đưa cháu xuống đây? Chà! cái thằng láo quá! Những lính đây mới đến hầu cả, còn ngớ ngẩn như lũ mán, ăn nói thì cục súc vô lễ, cháu đừng để bụng nhé! Lên trên này.Ông Phủ vẫy tay, rồi lên nhà tư. Càng nghe những câu nói tử tế ần cần không ngờ, Điệp càng lấy làm hối hận. Ông Phủ ngồi trên chiếc ghế trường, gọi lính pha nước và bắt mở tung các cửa, rồi giơ tay bảo Điệp:- Anh ngồi chơi đây.Điệp nhìn bộ sa lông tân thời bóng nhoáng, có giải đệm thêu, không dám ngồi, nói:- Dạ, bẩm quan lớn để mặc chúng con.- Được cứ ngồi xuống, chú còn hỏi chuyện lâu kia mà! Ờ! Sắp làm ông giáo có khác, trông đứng đắn lắm nhỉ? Có vợ chưa?Điệp đỏ mặt trả lời khẽ:- Bẩm quan lớn chúng con chưa.- Phải lấy đi mới được, để cho nó đỡ đần mẹ… Hà! Hà! Kìa, cứ ngồi xuống đấy.Điệp sẽ vén áo, xê dịch cái đệm vào trong rồi rón rén ngôi mớm vào một tí ghế, mà vẫn còn thấy rùng cả mình.- Chú mong anh mãi.- Dạ, bẩm quan lớn…Điệp vừa nói được ba tiếng, bỗng ông Phủ đứng phắt dậy xua tay nói:- Khoan, anh chờ chú một phút.Rồi ông vội ra hè, giơ tay đón lấy tờ giấy của một người khúm núm đưa đến. Cứ trông quản bút gài mái tai, và tý mực dính vào giữa môi dưới, Điệp có thể đoán là nho của ông Thừa. Ông Phủ xem giấy, cau mặt gắt:- Bán đạn, chứ bắn đạn là nghĩa lý gì! Mày không biết viết chứ giặc cướp thế nào à? Đồ ngu như lợn! Về viết lại bản khác, tôi đưa tao ký để kịp phát trạm.Người nho dạ lui ra, ông Phủ quay vào vui vẻ hỏi Điệp:- Thế nào? Anh nói thế nào nhỉ? Chú vô tâm lắm anh ạ.- Bẩm quan lớn, từ ngày chúng con đội ơn quan lớn, chúng con vẫn mong được sớm hầu quan lớn, nhưng cảnh nhà quẫn bách, mãi mới lo được tiền ăn đường.Ông Phủ thấy câu nói thực thà, bật buồn cười, đáp:- Làm gì cái vặt mà ơn với huệ. Không đến được thì thôi, chứ ngại gì? Chú cảm ơn.- Dạ.- À, thế nào? Đẻ, à quên mẹ vẫn mạnh đấy chứ? Anh gọi là gì nhỉ?- Bẩm quan lớn con gọi là đẻ ạ.- Ừ, đẻ cũng biết chú đấy.- Dạ. Đẻ con cũng nói chuyện ngày trước đẻ con có được hầu quan lớn mấy lần.- Phải, ngày độ thày với chú còn tập văn quan đốc Hà Đông; dễ thường còn ít tuổi hơn anh bây giờ ấy. À, năm nay anh hăm mấy nhỉ?- Bẩm quan lớn, con hai mươi mốt ạ.- A, tuổi sửu. Thế ra anh hơn con Thuý Liễu nhà chú hai tuổi. Phải, con em nó tuổi mão.Điệp sực nghĩ ra cái bồ sứt cạp ban nãy hẳn là con em Thuý Liễu. Điệp cắn môi để nhịn cười về cái tên quá hà lạm!- Bẩm quan lớn, cậu cả con năm nay học đâu ạ.- Ồ! anh cứ gọi chú là quan lớn với quan Ịpé làm gì! Quan với người ta, chứ trong nhà thì quan quách gì! Thày với chú ngày xưa thân như anh em ruột, vì chú kém tuổi thày nhiều, vậy cứ gọi chú là chú.- Dạ, bẩm quan lớn tha phép cho con.- Không đừng gọi thế, chú giận. Anh cứ gọi như chú cháu trong nhà.Điệp thấy quan Phủ dễ dãi, chuyện trò vui vẻ, thì lấy làm dễ chịu quá.- Bẩm chú…Điệp nói tiếng chú hơi ngượng. Ông Phủ nhìn chàng thấy mặt mũi sáng sủa, ăn nói thực thà, nên càng yêu.- Bẩm chú, em cháu học trường nào ạ.- Chú hiếm lắm. Mới có em Thuý Liễu là lớn, còn một thằng em bé, năm nay mới lên hai, là con chị Năm nó.Điệp sực nghĩ đến bà Phủ, vội nói:- Bẩm cho phép cháu vào chào thím.- Thím ở nhà quê, không có đây. Vì nay mai, trong một tuần lễ nữa là cùng, chú sẽ được thăng Chánh án.Điệp mừng rỡ, quên cả cái lễ phép xin ông Phủ đi chào cô Hai, cô Ba, cô Tư, cô Năm. Chàng nói:- Bẩm Chánh án ạ?- Phải, Chánh án, mà may sao, ngay tỉnh ta đấy.- Dạ, chú làm Chánh án tỉnh cháu ạ.- Phải, cho nên thím về nhà quê, rồi lên tỉnh trước xem nhà cửa để định chỗ kê dọn. À, thế nào? anh đã làm đơn xin bổ chưa?- Bẩm chú, cháu đã xin rồi, nhưng cả lớp cháu, chưa ai được bổ cả.- Phải, bây giờ ngạch nào người ta cũng chỉ loại bớt người đi mà thôi.- Dạ, mấy lớp trước cháu, đến nay cũng chưa bổ hết.- Ồ, mà làm cóc gì cái nghề giáo học, khó nhọc mà ăn thua gì! Chú tính giá anh cứ xin ngay làm thư ký các tòa lại chóng khá.- Dạ, bẩm chú, trường cháu chỉ dạy cách làm giáo học thôi ạ.- Biết rồi! Nhưng mà làm giáo học…Ông Phủ bĩu môi, lắc đầu, không nói nữa.- Bẩm chú, nếu nhà cháu khá thì cháu theo học nốt ba năm trên trường Cao đẳng sư phạm.- Rồi cũng đến giáo học là cùng! Chú tưởng muốn bay nhảy chóng, thì chỉ nên làm thư ký các tòa. Làm thư ký rồi, thì lên tham tá, có thầy tốt thì khó gì không xuất chính được?- Bẩm xuất chính là thế nào ạ?- Xuất chính là làm quan chứ gì!Ông Phủ nói xong mỉm cười, Điệp cũng mỉm cười, cùng có ý kiêu ngạo, mà hai cái kiêu ngạo khác hẳn nhau:- Bẩm chú làm quan thì cháu tưởng cũng…Điệp suýt nói hớ, nhưng vội ghìm ngay lời lại và chữa:- … Cháu tưởng cũng vất vả lắm.- Nhưng không túng, anh ạ. Mà đi làm các sở các tòa mới đủ tiêu được.- Bẩm chú, lương giáo học to hơn lương thư ký tòa.Ông Phủ bật ra một tiếng cười rất gọn:- Hì! Anh chưa ra đời, anh chưa hiểu. Cứ trông vào lương thì chết!Nói xong, ông cười nốt một hồi rõ giòn và rõ dài, khiến Điệp phân vân quá.- Chú nói thực. Anh nên đổi ngạch đi. Vả nằm nhà mà nhờ bổ giáo học, thì đến đời nào? Tiếc làm gì cái nghề năm cha ba mẹ ấy?Điệp nghe ồng Phủ nói, nghĩ đến cảnh nhà quẫn bách mà buồn. Nhưng đổi ngạch thì bơ vơ, biết nghề gì mà làm? Vả lo được ngót ba trăm bạc để đền lương bốn năm ăn học, thì lấy đâu? Chàng nói:- Bẩm chú, cháu không thể đổi ngạch được, cháu đành chịu vậy thế thôi.- Ồ! Ở đời ta phải xoay như con chong chóng mới sống được chứ!- Bẩm, cháu chả có thể xoay được nghề gì.- Này! Anh cứ xin từ giáo học, rồi xin bổ thư ký lục sự, tốt đáo để.- Bẩm cháu phải đền lương.- Thế à? Bao nhiêu?- Ngót ba trăm!- Có là mấy? Nếu anh thuận, chú sẽ xoay cho anh được làm với chú, rồi chú trông nom che chở cho.- Bẩm người ta không bổ thế ạ.- Được! sao lại không? Chú có quan thày mạnh lắm. Chú nhờ thì được ngay.Điệp biết là ông Phủ hết lòng mong cho mình được khá, nhưng giá nhà khá, có tiền đền lại thì còn nói gì. Nghĩ đến nông nỗi nằm nhà, mài cái nghèo túng ra mà ăn, chàng lại càng buồn, nên chỉ thở dài. Ông Phủ nói:- Nếu anh bằng lòng thì chú hết sức giúp.- Bẩm chú, cháu được đội ơn chú nhiều lắm rồi.- Có phải anh chỉ ngại vì món tiền đền lại nhà nước không?- Dạ!- Nếu anh không có, thì xin đưa dần. Nếu không xong, thì chú cho mượn, bao giờ có thì trả chú cũng được.Điệp vui sướng quá, vì không ngờ ở đời lại có một ông bạn nữa của cha cũng tử tế như ông Tú. Bao nhiêu hy vọng về chữ danh, Điệp định trao cả trong tay ông Phủ, nhưng Điệp nghĩ lại, vì nhiều lẽ, lại không muốn thế. Điệp phân vân, khó quyết định quá. Ông Phủ thấy Điệp im lặng, cũng đoán được bụng. Một lúc Điệp nói:- Bẩm chú, cháu được đội ơn chú nhiều lắm rồi.Ông Phủ nghe Điệp nhắc lại câu ban nãy, biết rằng chàng chưa dám quả quyết, bèn xui chàng một ý kiến:- Ơn với huệ quái gì cái vật ấy, con thày cũng như con chú. Anh cứ về bẩm đẻ cho chắc chắn rồi lên chơi chú, nói cho chú biết. Nhưng những việc quan hệ như thế, anh chớ viết thư.Điệp thấy câu trả lời dễ quá mà từ nãy không nghĩ ra, bèn vội bẩm:- Dạ, bẩm chú vâng.Chuyện trò hồi lâu rồi mâm cơm bưng lên, Điệp ngồi ăn với ông Phủ rất vui vẻ. Không ngờ đời chàng lại gặp được những sự may mắn lạ lùng…Hôm sau Điệp ở phủ về, đem việc cống danh ra hỏi ý kiến mẹ. Bà cử thấy ông Phủ tử tế thì cảm kích, thở dài, nói:- Thày con mất đi, để lại cho đẻ nnứng ông bạn thật quí, đẻ không biết nghĩ nên thế nào cho khỏi phụ bụng tốt của người ta. Ông Phủ đã hứa hết lòng giúp, việc ấy là thân danh của con, đẻ tùy con định liệu.- Nhờ ông Phủ nữa thì đời con có hai người ân nhân. Một ông Tứ, nhà ta đâ chịu 'bao nhiêu ơn nặng, chưa biết lấy gì báo đền, nay lại sắp chịu ơn ông Phủ nữa, thì…- Hay là thôi quách, con? Con viết giấy lên từ chối khéo cũng được?- Con cũng nghĩ thế, nhưng chờ bổ giáo học thì biết đến bao giờ; một năm, hai năm, mà không biết chừng, kinh tế này, đến ngay như bên trường Nữ sư phạm cũng có nhiều cô phải nằm nhà nữa là! Con chưa có việc ngày nào, con buồn vì đẻ vất vả ngày ấy.- Cái đó con không ngại. Bề ngoài đẻ khổ, nhưng bề trong đẻ sướng, con biết đâu đẻ được con thảo, dâu hiền, ấy là trời đên công cho đẻ đó.- Con ngại một điều nữa, là nhờ ông Phủ sợ mất lòng ông Tú.- Không! ông Tú hẳn mừng cho con chứ việc gì mà mất lòng? Hay là con hãy nên hỏi ý kiến ông Tú trước?- Vâng con vẫn định bụng bàn với đẻ trước, nếu đẻ bằng lòng hãy thưa lại ông Tú sau; mà nếu đẻ cũng phân vân như con, thì hãy lấy ý kiến của ông Tú để quyết định.- Phải, ông Tú là người bẻ lái cho gia đinh ta, thi những việc khó khăn này, mẹ con ta nên nhờ ông Tú nghĩ hộ.Nói đoạn, bà Cử cùng Điệp sắm sửa để sang nhà ông Tú.Ông Tú nghe tiếng chó cắn, ngó thấy bà Cử, vội vàng khăn áo chạy ra tiếp đón.Nghe bà Cử thuật lại lời ông Phủ, ông Tú vỗ tay cười, và nói:- Thế là may cho anh Điệp lắm, còn phải bàn bạc lôi thôi chi nữa?- Thưa ông, tôi và cháu chưa dám quyết định muốn ràng ông chỉ bảo cho nên thế nào?- Nên thế chứ còn nên thế nào, thưa bà! Còn gì dễ hơn là việc ấy. Sao anh khõng nhờ ngay ông Phủ hôm qua có tiện không? Việc là việc hay chứ có phải dở đâu mà ngại?- Thưa ông, tôi chỉ ngại một điều, là không biết lấy gì đền ơn ông Phủ được.- Người lớn ai cần gì trả ơn. Ồng Phủ này tôi không quen lắm, nhưng nếu có phải bạn học thân với ông Cử nhà ngày xưa, thì đó là bổn phận ông ấy đối với một người bạn đã khuất.Điệp ngùi ngùi nét mặt đáp:- Thưa ông…Ông Tú mỉm cười nhìn Điệp, nhưng thấy chàng có dáng buồn, thì nghiêm lại mà nghe.- Thưa ông, nhưng đời con không muốn có hai người ân nhân!- Anh nói dở lắm.Bà Cử tiếp:- Thưa ông cháu nói phải đấy ạ. Chúng tôi lấy làm khó nghĩ nhất về chỗ ấy, nên muốn từ chối cái ơn ông Phủ. Chúng tôi được nhờ ông nhiều, đã không biết lấy gì báo đáp, nay lại thêm một người ân nhân nữa, chúng tôi biết làm thế nào?- Bà nghĩ thế cũng phải, nhưng đàn ông chúng tôi không kỹ tính thế đâu.Nói đoạn ông Tú cười ha hả, vì rất hởi dạ được câu bà Cử thưởng cho mình. Điệp thưa:- Bẩm ông, nhưng con không muốn để một ai khác nữa sẽ là ân nhân của con. Bởi vì con chỉ muốn nhận ông là cha thứ hai mà thôi.Ông Tú thấy Điệp muốn đối với mình đặc biệt như thế, rất cảm động. Nhưng vì muốn cho Điệp chóng công thành danh toại, được sớm bước vào cảnh đời sung sướng, nên ông bảo:- Tôi cảm ơn nhưng mà…Nói đến đây, ông Tú thấy tắc, bèn nhìn lên trần nhà để nghĩ, vì ông lại cảm động quá vì lời nói của Điệp:- Nhưng mà anh cứ nên nghe lời ông Phủ là hơn.Bà Cử nói:- Thưa ông lấy gì mà trả ơn ông Phủ?Điệp tiếp:- Vâng, mà con cũng không muốn chịu ơn ông.Ông Tú nghĩ ngay được ý mới:- Anh bảo anh không muốn chịu ơn ông Phủ, nhưng anh đã trót chịu của ông một cái ơn to hôm thi rồi.Điệp im, bà Cử im. Ông Tú ha hả cười, giòn như khúc nhạc khải hoàn!Điệp tuy chịu lời ông Tú, không cãi được, nhưng chưa nhận lời nói ấy là nên theo. Cứ như ý Điệp, thì dù cả bà Cử, ông Tú, lẫn Điệp, dù ba người cùng chung một ý kiến, hoặc từ chối, hoặc nhận lời, nhưng không chắc Điệp đã cho là đúng để thi hành, bởi vì còn thiếu sự quyết định của người thứ tư nữa. Ý kiến của Lan tuy là của người thứ tư, nhưng có giá trị thứ nhất. Điệp bỗng thấy Lan đằng hắng trong buồng, chàng càng mụốn hỏi Lan quá. Tự nhiên, may sao, ông Tú gọi:- Lấy trầu ăn, con!Lan ở trong buồng, đáp:- Vâng ạ.Điệp mừng lắm. Vì tài nào Lan cũng phải bưng tráp trầu ra ngoài này, thì trong khi bà Cử và ông Tú vô tình, chàng quyết sẽ hỏi ý Lan bằng đuôi con mắt, chắc nàng phải tìm cách trả lời, lúc bấy giờ chàng mới có thể ngả về mặt nào được. Điệp cố ý nhìn vào cửa buồng, hễ thấy có bóng loáng một cái, thì tức là Lan ra đấy, nên lúc nào 'háng cũng sắp sẵn con mắt để làm hiệu cho nhanh. Điệp phấn khởi, trống ngực đã nổi lên, vì chỉ lo Lan nhìn mình nhanh quá, chàng không kịp ra hiệu. Lại lỡ chàng làm hiệu nhanh quá, mà nàng chẳng hiểu chàng muốn nói gì, thì thật là phi mất một dịp tốt. Nhưng không may cho Điệp làm sao, cái tráp trầu xếp xong, Lan lại sai thằng em bé bưng ra! Điệp vừa thất vọng, vừa buồn cười, im im xếp kỹ tất cả bao nhiêu cái “sắp sửa” ban nãy vào bụng!Thằng bé Xuân lệnh khệnh ôm cái tráp, tréo qua bực cửa, chẳng may lúc bước xuống, vướng quần vào then, ngã đánh oạch: trầu, cau, rơi tung tóe. Xuân khóc rầm rĩ.Ông Tú và bà Cử chạy lại đỡ Xuân và dỗ dành. Điệp cho đó là một dịp may, hẳn việc quan trọng của đời Lan thì trời bắt nàng phải trao ý kiến cho mình. Vì nàng không hiểu, cố cưỡng, nên tự nhiên cơ hội đó xui nên cho Xuân ngã, đê nàng phải ra bưng lấy cho chàng gặp mặt.Thì quả nhiên Lan phải chạy ra thực. Nhưng nàng lại không nhìn Điệp! Điệp tức quá, không biết làm thế nào cho nàng ngẩng lên được. Nhưng trong khi bối rối, Điệp cho đôi mắt được bữa tiệc no say!Rồi may quá bà Cử nói ngay với ông Tú:- A, sẵn có chị Lan đây, óng và tôi hỏi ngay ý chị ấy xem chị ấy cho thế nào là phải.Ông Tú cười:- Vâng, mà ta cũng không nghĩ ra, để tùy bụng chúng nó là phải.Điệp nở nang khúc ruột. Hẳn phen này chẳng cần phải làm như lối ăn cắp chàng mới biết được ý của ý trung nhân. Trống ngực chàng thình thịch, vì danh phận mình chóng hay muộn, là ở lời thỏ thẻ của người yêu sắp sửa nói ấy. Điệp dỏng tai ra nghe, tủm tỉm cười, trông Lan. Bà Cử lại hỏi:- Kìa! Thế nào? Chị Lan? Nên hay không nên?Lan đang nhặt trầu thẹn đỏ hai má, cúi gầm mặt xuống. Điệp nóng ruột, rắp trong tâm hễ Lan nói thế nào, là tán thành ngay cho lời nàng thêm giá trị. Ông Tú cười, giục con:- Kìa con! Bà hỏi?Điệp khấp khởi, nhìn Lan bằng đôi mắt nằn nì. Mọi người đều im lặng.Bỗng Lan ngẩng phắt đầu lên, bỏ cả trầu, cau lẩn tráp đấy, vùng té chạy mất!Ông Tú phì cười, muốn chừng ông đã liếc thấy cái dáng tưng hửng của Điệp:- Thôi được, xin bà cứ cho anh ấy nghe lời ông Phủ. Bà và Điệp có bụng tốt đối với tôi, như thế là đủ đền công tôi rồi. Vả anh Điệp đã trót nhờ ơn ông Phủ rồi kia mà!Bà Cử và Điệp ngồi yên lặng. Ông Tú lại nói:- Thôi, không còn nên phân vân gì nữa. Cứ nhận lời đi.Bà Cử nói:- Nhưng mà…- Thôi, bà còn nhưng mà làm gì nữa.Điệp cũng nói:- Nhưng mà…- Thôi, đã định hỏi ý kiến tôi, thì nên nghe tôi kẻo phụ bụng tôi. Ông Phủ ngày trước tôi chỉ hơi quen, có gặp một vài bận, lúc ấy ông còn gầy như cái tăm…Điệp bật cười, nói:- Bẩm bây giờ ông ấy không gầy nữa ạ.Ông Tú ngạc nhiên đứng dậy, vòng hai tay ra đằng trước, hỏi:- Béo thế này nhé.- Bẩm hơn nhiều ạ.- Làm quan, béo là thường. Hễ cứ từ Tri phủ trở lên, là anh nào cũng béo gù cả lưng!- Bẩm ông Phủ cũng gù lưng ạ. Giá bây giờ gặp ông ấy, chắc ông lạ lắm.- Ngày trước tôi không thích bạn với hắn, vì hắn tinh quái, xỏ xiên lắm. Nhưng người ta hay vì địa vị, cảnh ngộ và hoàn cảnh mà đổi tính, cho nên bây giờ lão ấy mới tử tế thế đấy.Chợt Điệp, nghĩ đến ông Phủ: nào tiếp đãi lãnh đạm, nào ăn nói vồn vã, nào dáng điệu bệ vệ, nào cử chỉ giản dị, nào mặt mũi thâm ác, nào bụng dạ nhân từ. Điệp không hiểu làm sao, trong một người mà có những cái tương phản nhau quá lắm thế. Điệp nghĩ vậy, rồi buột mồm hỏi:- Bẩm ông, con nhờ ông Phủ, liệu có điều gì đáng ngại không ạ.Ông Tú không muốn vì lẽ gì Điệp bỏ lỡ một dịp tốt về công danh, bèn quả quyết nói:- Không ngại gì cả. Có gì xảy ra, tôi xin chịu trách nhiệm!Công việc bàn bạc ổn thỏa, hôm sau Điệp đi trả lời ông Phủ, nhưng trong bụng vẫn hậm hực, vì không biết Lan có thuận cho mình bỏ nghề giáo học hay không.