Giọt cường toan

     ôi đứng lên, cúi người chui ra chỗ cửa sổ, chiếc cửa mọc ra ở giữa mái ngói, được làm như một cái chòi nhỏ, chỗ thông hơi cho căn gác lửng, tôi đẩy cửa sổ và nhìn về phía nhiều ánh sáng, nơi hỏa cháu đang soi sáng trong đêm tối, tiếng súng đại bác liên hồi, tiếng bắn đi và tiếng nổ xuống, rất xa tiếng súng nhỏ mơ hồ. Lệnh giới nghiêm kéo nhiều giờ hơn trước, mỗi đêm về khuya tiếng máy bay rời mặt đất, âm thanh nặng, u uất làm tôi thảng thốt. Hai hỏa châu sáng từ trên cao, xuống thấp dần rồi tắt. Trên trời đen hai chiếc đèn đỏ của hai phi cơ bay cách xa nhau nhấp nháy. Cứ mỗi lúc những hỏa châu thả ra đã tắt thì hai hỏa châu khác lại được thả ra. Một con mèo đen từ mái liếp bò lên đôi mắt xanh lè, khi nhận ra có người nó dừng lại rồi biến đi thật nhanh, nó nhảy làm động tiếng mái tôn. Súng nổ xa và rời rạc hơn. Hoàng hỏi: phải chăng anh đang muốn lên một con tàu đi ngược trở lại. Không, ngược trở lại đâu chốn nào. Tôi muốn vượt ra khỏi vùng dĩ vãng. Tôi tìm kiếm và tra hỏi, tôi không có gì đáng lưu giữ bảo vệ ở phía sau lưng, về phía trước mặt, chưa tới, may ra tôi còn có thể kiếm được một cái gì đó chăng.
Một cái gì, tôi mỉm cười nửa tin mơ hồ, nửa thất vọng chua chát. Tiếng anh tôi hỏi: về phía nào vậy? Tôi nói ở mặt nam, chắc cũng xa. Anh tôi mở cửa đi ra ngoài hiên, tôi nghe tiếng bật diêm: hồi này súng nhiều quá, nghe sốt cả ruột. Tôi nhận ra một ngôi sao thật sáng. Lâu lắm tôi mới có cơ hội nhìn thấy một vì sao. Thuận bảo: người ta chờ anh trả lời dứt khoát, có nhận được không. Anh tính toán mãi. Có khi người ta phải vứt bỏ đi một cái gì. Vứt bớt cho nó nhẹ. Cái gì anh cũng nghi ngờ. Tôi bảo: Người ta có thể hạ tư cách bôi nhem mặt rồi rửa đi, nhưng phải có trả lời: sự bôi nhem ấy có ích. Anh cho tôi nghĩ và sẽ trả lời họ. Ngôi sao chừng như hơi di chuyển, một vạt mây trắng mờ xuất hiện gần đó. Chuyến đi đã không cho tôi dừng lại ở thành phố lựa chọn, người ta đã trách tôi. Làm sao được. Tôi không có bao nhiêu may mắn. Tôi nói thế. Người ta bảo đừng có than vãn, đã với tay ra ngoài tầm thì phải ráng mà đạt tới. Tôi muốn nói với vẻ gay gắt: tôi vẫn nghĩ và làm vậy. Tôi chỉ còn có thế thôi. Tôi đóng cửa rồi trở vào bàn.
Tiếng súng im một lúc rồi nổ trở lại và tiếng máy bay nặng nề hơn. Anh tôi nói: thức khuya làm gì hại người. Tôi nói chưa buồn ngủ. Ít ngày nay tôi mất ngủ, đêm thao thức rỗng loãng. Những sợi râu mọc dài nhanh hơn, ngọn đèn nhỏ thu ánh sáng hạn chế trên mặt bàn. Một lá thư muốn tôi trả lời, đọc lại tôi không biết viết gì. Cuốn sách đọc dở đã mấy ngày. Mùa mưa xuống. Tôi lười biếng một cách vô cớ. Chợt anh tôi nói: hồi sáng có cậu Dũng tới kiếm. Tôi nói vâng. Đã lâu lắm tôi mới thấy tên Dũng. Mỗi đứa một cuộc sống, một dự tính, hôm nào Dũng bảo: bọn mình cũng lớn rồi. Tôi nghe và cười, lớn rồi. Đã lớn rồi, hẳn thế. Tôi tắt đèn chui vào màn. Tôi vặn mình, nằm thẳng, tôi bẻ khục những ngón tay, nhắm mắt tìm giấc ngủ. Tồi tưởng tượng con tàu chạy nhanh trên cầu sắt, đôi mắt đuổi theo đuối sức.
Buổi sáng trời xám và những hạt mưa nhỏ gió thổi lất phất, tôi đứng ở hiên nhà nhìn mặt đường những vũng nước đọng. Đêm qua mưa lúc gần sáng, tôi mơ hồ nghe tiếng mưa trên mái nhà và tiếng nước chảy từ máng xuống bể nước đã cạn. Cơn mưa mạnh nhưng ngắn. Tôi co mình ngủ trong chiếc chăn dạ mỏng. Ngày, tháng, giờ giấc mất đi, những thói quen thường nhật không còn. Tối chủ nhật ngủ sớm, sáng thứ hai tới sở sớm 10 phút để chào cờ, ngồi vào bàn giấy với xấp hồ sơ, sáng thứ ba đi họp, chiều thứ ba ngồi nghe mở số, ghi số trúng lên giấy, mỗi bữa trưa gặm một mẩu bánh mì rồi nằm lên mặt bàn ngủ, hai giờ trở dậy đi uống nước rồi trở lại làm việc, sáu giờ tan sở, đi bộ ra bến xe về nhà. Mỗi sáng một ly cà phê sữa bốn đồng, một gói thuốc, mỗi tối một ly cà phê đen ba đồng và hai cối thuốc trong pipe. Trên những chuyến xe, quãng đường bộ tôi có thể đi một mình hoặc một người bạn, chuyện thời sự, giá sinh hoạt, chuyện thời trang, phim hay trong tuần... Mỗi sáng chủ nhật ngủ trưa tới 10 giờ, đi ăn phở... Đời sống đó tôi đã chịu đựng hơn một năm. Tôi bây giờ không phải lo chải đầu và tới sở đúng giờ. Thói quen mất đi nhẹ nhàng. Mưa mau hột hơn. Tôi chợt nghĩ, sáng nay có lẽ nên đi dạo. Tôi rửa mặt, mặc quần áo rồi ra chờ xe. Chiếc áo mưa khoác trên người vừa đủ. Bến buýt vắng không lo chen chúc như mọi ngày. Cô bạn cùng xóm không biết có còn đón xe mỗi sáng, đã có một người bạn nào cùng đường. Cô bạn đã đi làm công chức năm năm. Năm năm, tôi rùng mình. Bao nhiêu chuyện bần tiện và kỳ cục mà cô bạn đã phải chịu đựng. Hai chuyến xe lên rồi mà vẫn chưa có xe xuống, tôi nóng ruột, tôi ngạc nhiên về điều này. Sự chờ đợi trước đây tôi vẫn cho là tốt, khiến tôi kiên nhẫn. Ba mươi năm kiên nhẫn chưa dủ. Có lẽ phải bốn mươi năm. Cô bạn có nước da trắng, người mảnh, cô hợp với màu đen và màu trắng. Con gái được làm dáng, nhưng phải kín đáo. Trời mưa nhẹ nhưng gió mạnh hơn. Trời hơi lạnh ăn một tô phở Gia Long thật đáng thích, rồi tôi sẽ tìm một người nào đó đến thăm, tán gẫu. Tôi mỉm cười một mình. Chuyến xe đã tới, tôi leo lên, chuyến xe chạy vào thành phố mưa bụi, những ngọn cây mơ hồ. Tôi xuống xe ở cửa một công viên. Tôi tìm bao thuốc và mồi lửa. Một người đàn bà mặc áo mưa màu vàng đất kêu nhỏ:
- Anh Nhật.
Tôi ngước lên nhìn qua khói thuốc, vứt bỏ que diêm. Tôi nhận ra Miên và mỉm cười.
- Em đi đâu vậy?
Mặt Miên hốc hác, da xanh không đánh phấn, mấy sợi tóc xõa trên trán, mấy hột mưa đọng trên mặt nàng. Đến nửa năm tôi mới gặp Miên. Tôi đứng gần lên, tay vuốt tóc. Tiếng Miên yếu và run:
- Hôm nay anh nghỉ làm sao?
Tôi nói tôi nghỉ hơn một tháng nay rồi.
- Anh đi đâu vậy?
- Đi long rong, anh ghé xuống đây ăn phở. Em đi ăn sáng với anh đi. Em bận gì không?
- Em ra bưu điện lĩnh thư bảo đảm.
- Thằng nhỏ ngoan không, anh vẫn định lại em.
Miên quay ra mặt đường, vẻ xúc động.
- Cháu nó mất rồi anh...
- Hồi nào?
- Được gần hai tháng, nó làm kinh.
Miên quay lại và tôi thấy nàng khóc, mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt chảy trên gò má xám tái nhợt nhạt. Chúng tôi bước đi. Tôi nói giọng bình thản với ý định an ủi Miên:
- Cái số của nó, em thì vất vả, cũng là cái số... như chuyện...
Tôi ngừng lại, tôi định nói như chuyện tôi và nàng không lấy nhau, nhưng tôi sợ nàng buồn nên thôi. Bước vào tiệm, chúng tôi ngồi vào chiếc bàn mãi phía trong cùng, tôi cầm hai chiếc áo mưa để vào một chiếc ghế. Miên mặc quần áo đen. Tóc Miên dài hơn hồi tôi gặp, xõa xuống vai. Miên lau mặt và vuốt những sợi tóc ẩm nước đưa về phía sau. Tôi định nói: trông em buồn nhưng đẹp hơn hồi xưa. Hồi xưa, hai tiếng xa xôi. Hồi xưa, những ngày đồn trú ở miền Trung, gặp Miên, những ngày mang dấu vết trên những lá thư, trông đợi, những ngày buồn khi Miên lấy chồng trước khi tôi trở về Sài Gòn. Hồi xưa... tôi gọi phở, Miên nói đã ăn sáng. Tôi gọi cho Miên một ly nước cam, Miên nói cho cà phê đá. Tôi mỉm cười:
- Hồi này em lại uống cà phê nữa sao?
- Tự nhiên hôm nay em thích uống.
Miên lau cho tôi đôi đũa, chiếc muỗng. Tôi gọi cho tôi một ly cà phê sữa nóng. Người ăn xin ngồi ngoài đầu ngõ chìa ra chiếc mũ cói rách. Có phải người ăn xin có bộ râu tóc của đức Chúa Trời khi xưa không. Ông ta ngồi gò lưng, một chiếc áo mưa đội từ đầu rũ xuống. Hoàng hỏi: khi viết thư cho Hoàng có nghĩ đến Lê không; có nghĩ là viết thư cho Lê không. Người ta nghĩ quên được quá khứ dễ lắm sao. Tại sao buộc kẻ yêu mình phải quên. Tôi nói còn nhớ, tôi không ưa nói dối. Tôi nói tôi quên rồi, mất gì đâu, nhưng tôi bảo tôi chưa quên, nhưng bây giờ tôi yêu Hoàng. Hỏi khẩu cung tôi làm gì. Tôi nói yêu thì trả lời không hoặc có. Nếu tin có Thượng đế thì cũng phải tin tôi nói thành thật. Miên đi tôi tìm Lê, Lê đi tôi tìm người khác, tôi muốn có một người yêu tôi thực. Mà nghe chừng tôi nói như giỡn chơi. Tôi thích làm giảm sự nghiêm trọng. Ước chi có một chuyến tàu mang tôi ngược thời gian, tôi làm đứa trẻ nhỏ cởi truồng tồng ngồng chạy nhảy tắm sông, bắt dế mèn, đào chuột, thả trâu trong cánh đồng sau mùa lúa. Tô phở có những củ hành và những cộng rau xanh thật ngon mắt. Mùa mưa trước mỗi sáng tôi ăn phở với Lê ở đây trước khi hai đứa tới sở làm. Ít tháng sau Lê nghỉ việc tôi bỏ ăn phở buổi sáng. Tôi thường có những thái độ lặt vặt như thế. Vì thế này bỏ thuốc, vì thế này hớt tóc khác, vì thế này cạo râu, vì thế này nuôi móng tay dài như phù thủy... Lâu lâu ngắm nghía lại đời sống bần tiện tầm thường của mình.
Miên lặng lẽ ngồi nhìn tôi ăn, chốc chốc tôi ngẩng lên nhìn nàng. Một người quen bước vào giơ tay chào. Tôi mỉm cười đáp lại.
- Em định vào quân đội.
Tôi nghe ngóng tôi xem mình thấy thế nào. Tôi chờ đợi nhưng không thấy gì cả. Những truyện kiếm hiệp mỗi lúc một dở, tôi bắt đầu chán đến thư viện. Những thằng bạn nói chuyện mỗi ngày một nhạt. Số người chết hàng ngày tăng lên.
Tôi bỏ đũa và quấy cà phê:
- Em còn nhớ đêm gặp anh ở Quảng Trị?
Miên mỉm cười:
- Em nhớ.
Nụ cười giữ rất lâu trên môi Miên. Tôi bị thuyên chuyển ra đó không một ai quen thuộc. Tàu tới vào lúc đêm. Tôi ngơ ngác trên sân ga lạc lõng. Miên và người mẹ đi thăm một người anh cũng ngơ ngác ở đó. Đêm mưa tầm tã. Mẹ Miên làm quen rồi tôi với Miên cùng bà mẹ ra phố thuê chung khách sạn. Một chiếc giường độc nhất. Bà mẹ không chịu nằm giữa, không chịu để tôi nằm đất, đêm đó tôi nằm bên Miên giữ mình như khúc gỗ và hai đứa ngượng nghịu. Bà cụ bắt Miên gọi tôi là anh xưng em. Từ đêm tình cờ đó chúng tôi liên lạc với nhau. Ly cà phê đặc làm ngọt khát cổ họng. Thành phố quạnh hiu những dãy phố thấp cũ, những gian nhà tôn cất lên vội vã trong chiến tranh. Khuôn mặt nghèo nàn, khô khan. Những buổi chiều, trong quán uống la-de say. Rồi bỗng tôi biệt tăm tin của Miên cho tới lúc được tin Miên lập gia đình với một người bạn của anh nàng. Đám cưới một tháng trước Miên mới thư cho tôi nói lại chuyện đó cùng với một tấm ảnh: cảnh Miên đang nhận hoa của chồng. Miên tâm sự ngọt ngào: anh yêu em, như vậy anh chẳng nỡ trách em phụ bạc với anh. Có những điều mọi người, dù là vợ chồng hay ruột thịt cũng không thể nói với nhau được. Hồi đó, tôi dửng dưng một cách lạ lùng. Rồi buồn rũ. Nhưng cho tới vụ Lê thì tôi xúc động thực sự, thời gian đó tôi có quá nhiều công việc bận rộn để lo âu nên mối buồn cũng nhạt thoáng. Tôi về Sài Gòn và gặp Miên, tôi dự ngày đầy tháng đứa con nàng, tôi biết người chồng hiền lành dễ thương hiện ở trong quân đội, đóng ở mãi trên Ban Mê Thuột.
Đầy tháng đứa nhỏ chưa được bao lâu chồng Miên tử trận. Tôi kể cho Lê nghe về chuyện này rồi chúng tôi ghé lại thăm Miên, hai người bạn gái ngồi tâm sự với nhau. Miên khóc và Lê cũng khóc. Đứa nhỏ mang đôi tất tay màu đỏ tươi khua đi khua lại trên miệng như một võ sĩ sửa soạn xông vào đấu thủ, tóc nó đen nhánh, đôi mắt như hai hòn bi ve. Nó đã nhìn thấy mặt bố nó nhưng nó không đủ trí để nhớ. Bố nó chết chắc nhớ thằng nhỏ với lòng bàn tay mụ mẫm những ngấn. Chiến tranh hiền lành như giọt cường toan lăn lơ đãng trên da thịt. Miên không nhìn thấy mặt chồng nằm trong chiếc áo quan bọc kẽm mang từ mặt trận về. Nàng nói: Số em khổ phải không anh. Nếu em lấy anh. Nếu, tôi bảo: có khi anh lại lăn ra chết rồi. Biết sao được. Lúc Lê lập gia đình, tôi gặp Miên nói chuyện này. Miên ngồi dỗ đứa nhỏ nói lơ đãng: gặp Lê em đã có cảm tưởng rằng Lê sẽ không lấy anh. - Sao vậy - Em thấy thế mà nói không được - Lạ nhỉ - Có gì đâu, như em đã cảm thấy là em sẽ khổ từ lúc gặp anh - Sao em không nói cho anh nghe - Nói sao được, nhiều chuyện đâu nói được, nói ra thành kỳ cục. Anh thấy vậy không.
Tôi đã không thấy vậy, hóa tôi đã nói nhiều điều kỳ cục. Nếu tôi không nói yêu Lê, nói yêu Miên,... thì đã khác, nói rồi thành kỳ cục. Cái gì cũng như giỡn chơi. Đáng ra phải làm vẻ nghiêm trang, làm vẻ quan trọng chứ. Hết ly cà phê tôi uống trà, mồi thuốc khác:
- Anh lại còn nuôi râu nữa, già đi.
- Ba mươi rồi, trẻ gì nữa.
- Bây giờ anh làm gì?
- Chẳng làm gì cả, có lẽ anh sắp trở lại quân đội. Em xanh và gầy đi nhiều. Em cũng chẳng được sung sướng gì.
Tôi gọi tính tiền rồi đứng lên. Trời vẫn mưa. Một người chồng, một đứa con, một đời sống. Chiếc quan tài bọc kẽm. Đứa nhỏ trong nôi mụ mẫm một hôm sùi bọt mép lăn ra chết. Một người đàn bà gầy xanh. Tôi vẫn chưa mất bao nhiêu. Một ít tình cảm, một người bảo: những khổ sở tự cậu tạo ra. Tôi nhớ lại buổi sáng ở Quảng Trị lúc thức dậy trong khách sạn. Tôi dẫn Miên đi tìm người anh rồi vào đơn vị trình diện. Khu trại binh, vài người bạn, những phiên gác, những lá thư, mấy tờ báo. Hồi xưa... mẹ em bảo, trông anh hiền lành như cuc đất, tội nghiệp ghê, mới mấy tuổi mà vất vả... Anh em được nghỉ phép về dẫn em đi phố và may áo cho nữa, em đã nhận được nón của anh gửi cho. Bao giờ cho anh gặp lại em được nhỉ?
Tôi rời quân ngũ, gặp lại Miên, Miên đã có đời sống riêng, nàng xinh ra. Tôi có những lý do yên tâm cùng đời sống tầm thường đều đặn nơi sở làm. Bây giờ anh còn yêu em không? Hôm nào Miên hỏi thế. Tôi nói còn, nhưng không được nữa. - Em biết vì sao rồi, khỏi cần anh giải thích.
Nếu bây giờ Miên hỏi. Tôi lo sợ vẩn vơ. Tôi nói thế nào. Tôi tỉnh táo một cách thái quá. Sao không u mê đi một chút. Nếu bây giờ Miên hỏi, tôi muốn nói: Em có bằng lòng để chung sống với anh không. Làm sao để Miên trả lời. Hoàng hỏi: anh chưa thất kinh sao mà còn dấn thân nữa. Thất kinh, tôi cười, gì mà thất kinh. Làm như vào tù, đi đày không bằng. Thất kinh gì đâu, tôi vẫn sống nhăn ra thôi. Chết chóc gì. Hồi xưa... Lúc Miên mặc áo, tôi nhận ra nàng còn đeo chiếc nhẫn cưới. Tôi mua một gói bắp rang vừa đi vừa ăn với Miên, chúng tôi ra bưu điện. Miên đưa áo mưa cho tôi cầm rồi vào lĩnh tiền.
Nàng giải thích: tiền của ông anh gửi cho, em đã về ở với má. Có người bảo: Thôi buồn làm gì, về đó ít lâu rồi lấy chồng khác. Thời buổi loạn ly, lấy chồng lính tránh thế nào được. Tội nghiệp số nó vất vả. Giọng Miên lơ đãng vẻ chua chát. Tôi định nói: đừng khóc nghe. Miên đưa căn cước, biên lai, nhận một cái tích-kê bằng đống, ký tên, nhận tiền, đếm rồi bỏ vào ví. Tôi nhìn thấy một chùm chìa khóa, chiếc khăn tay, thỏi son. Miên ra mua mấy con tem. Tôi đi vòng theo những ghi-sê, người ta ngồi đó ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác như những con vật đem triển lãm, một công việc nhất định, nói những ngữ vựng nhất định. Cái cân, lọ hồ, tem, con dấu, cuốn lịch, bảng giá tiền, cây bút... Ban ngày đèn bật sáng, chiếc quạt quay đều.
- Hồi xưa khi nào muốn bỏ thư cho anh mau nhận được em ra đây, lúc về mua bánh mì chiên tôm ăn. Ngon lắm. Hồi anh đi làm sao anh không chịu kiếm một cô nào mà lấy, vợ chồng cùng đi làm hay không.
Tôi cười:
- Kiếm mà được à, người ta ai mà chịu. Anh là một người đùa giỡn. Chắc em cũng thấy vậy.
- Ở sở anh nhiều các cô không?
- Nhiều, nhưng người ta đều có bồ cả, mình đóng vai tình địch đâu có được, dở ẹc à.
Người đàn bà đi phía trước chúng tôi chải đầu cao, có một nốt ruồi nơi gáy, nếu là một nốt ruôi son thì quý lắm. Ai cũng có nốt ruồi son được sao. Hồi ấy Miên mặc quần áo trắng, tóc cặp, đi dép hấp. Lê ưa mặc áo màu sẫm cắt tóc ngắn. Cô bạn ưa mặc áo hoa. Mỗi người một sở thích, một thói quen. Tôi ưa cắt tóc cao khỏi phải chải, không ngứa ngáy. Ăn phở, uống cà phê phải có thuốc hút.
- Hôm nay anh bận gì không?
- Không, mình đi long rong cho đỡ buồn.
- Anh mà buồn.
- Anh không là người. Là cục đất chắc.
- Em thấy anh có khác gì đâu, vui buồn gì cũng vậy, em thấy anh vô tâm sướng ghê.
- Sướng chớ. Sướng hay khổ chẳng vậy. Em chắc anh sướng thật không?
Miên quay đi làm lơ không nói. Chúng tôi xuống phố, ngang qua một sạp bán mũ ni-lông. Tôi dừng lại mua một cái đội lên đầu. Miên bảo anh đội mũ không hợp, tôi nói tại không quen nhìn. Trời vẫn mưa, tôi thấy gây gấy lạnh. Miên ngó vào đồng hồ nơi cửa tiệm thuốc rồi nói:
- Trưa rồi, em phải về.
- Phải về sao.
- Nấu cơm cho đẻ em. Anh lại nhà chơi?
Miên nhìn tôi chờ đợi. Một cái bàn thờ, một tấm ảnh, ngọn đèn dầu khêu nhỏ, mấy vòng bông cườm, chiếc giường nôi, một người mẹ già, tiếng khóc, tiếng nói, mấy tấm hình đoàn tụ treo trên tường. Chiếc mũ áo mưa Miên đội không buộc dây, tôi đứng lại gần đưa tay buộc lại nhẹ nhàng. Khuôn mặt Miên như tượng, vẻ đẹp đau đớn.
- Có lẽ sắp mưa lớn.
Giọng Miên bâng quơ. Tôi cúi xuống và nhìn thấy một đồng bạc chì, tôi cúi xuống nhặt. Nếu còn thằng nhỏ tôi sẽ bảo: mang cho thằng nhỏ. Nó đã chết. Tôi nhếch môi cười. Miên hỏi:
- Sao?
Chiếc giường hai cái gối, đôi tất tay đỏ bỏ đâu. Mấy bộ đồ. Chiến tranh đang gậm nhấm tinh thần anh, Hoàng nói giọng trang trọng, nghiêm nghị. Gậm nhấm, gậm nhấm thế nào. Tôi thấy tôi kỳ cục lạ, bỗng một cái nói: tôi yêu cô. Làm như ăn phở, uống cà phê, hút thuốc, đi dạo, thay áo quần... chẳng ra thế nào.
- Em về bằng gì?
- Xích lô.
Tôi đi với Miên ra góc đường. Miên trả giá rồi leo lên xe. Tôi đứng im, cái cửa, chiếc bàn thờ, giường chiếu quạnh hiu đang đợi nàng. Người phu đang quay đầu xe. Miên nói với:
- Hôm nào anh lại em chơi.
Nàng cởi bỏ mũ áo mưa hất về phía sau. Tôi đi lại gần.
- Giờ anh đi đâu?
- Anh cũng chưa biết.
Người phu đã lên yên. Chiếc xe vượt đi. Tôi đứng lại. Có lẽ trên đường về Miên khóc. Sao tôi thờ ơ với nàng quá. Làm sao. Người ta bảo tôi quên những ngày cũ đi. Quên. Làm cách nào để quên khi những ngày mới chưa đến. Quên đi tôi sống bằng gì. Ngày tháng rời rã như những lóng cây héo hết nhựa, như lớp keo khô nơi bìa sách. Mâm cơm, đũa bát, nước mắt. Những người đã chết. Những người cũ đi xa lạnh lùng. Những câu hỏi chưa trả lời. Nếu em không gặp anh đêm hôm ấy. Nhà em có nhiều điều giống anh lắm nhưng có lẽ hiền hơn, không hút thuốc, không cà phê, la-de, ít nói. Thương yêu vợ con hết lòng. Lâu lâu nghỉ phép về nằm nhà chẳng thiết đi đâu. Vừa ăn cơm vừa đọc kiếm hiệp vừa bế con. Khi về chơi anh lại nhà ăn cơm, em nói chuyện anh cho nhà em nghe, anh ấy há mồm, trợn mắt rồi hứ hứ vẻ ngạc nhiên. Em kể ra vậy có làm anh buồn không, chắc có, nhưng chút chút thôi, em biết, có gì đâu mà phải khổ sở, để về em làm mối cho anh một đám, cô này hay ghê lắm. Người cao hơi gầy - lấy chồng sẽ mập ra - da trắng, làm dáng, mới nghỉ học, nhà khá, hiền lành... Lê nói: Miên hay đó chứ, thế mà anh chê - Anh chê hồi nào... - Thế sao không hỏi cưới đi, anh đụt quá, đáng kiếp - Nếu thế bây giờ ai yêu em cho - Đến già anh còn dại, rồi còn bất mãn, chán đời nữa chứ - Ai bảo em vậy, thôi đi - em biết anh quá, rồi anh coi.
Đi đâu bây giờ. Một đứa nhỏ đến bên chìa ra mấy tờ vé số.
- Mua vé số thầy hai, vé chiều xổ.
Nó chìa cho người đứng bên, một ông già tóc muối tiêu, giọng đùa đùa vỗ vào chiếc áo bốn túi:
- Tao chưa có chỗ cất bạc mầy ơi.
Tôi cười báng quơ, đứa nhỏ nói lại:
- Vé chiều mở mà thầy hai.
Tôi cầm tập vé số chọn hai cái bỏ vào túi, đứa nhỏ ngậm ngón tay vào miệng ngước mắt nhìn tôi:
- Chiều mở thực chứ mày?
- Thực mà, thầy xem phía sau, thầy mua nữa đi.
- Thôi đủ rồi.
Hôm nay thứ ba, chiều mở số, biết đâu tôi trúng một triệu. Có lẽ tôi đến cái thời kỳ mua vé số rồi. Một chút hy vọng mỗi tuần lễ. Mùa mưa này chiến tranh quyết định. Miên trên xe, đường về nhà, cổng, chăn chiếu, bàn thờ... Tô phở mấy cọng hành xanh. Miếng bánh mì trong miệng và chiếc quạt máy quay trên mặt. Chiếc gạt tàn thuốc. Đôi tất tay đỏ khua trên mặt. Tôi vẫn chưa trả lời được chuyện đó. Thuận gắt: Tôi chẳng hiểu anh ra làm sao - Anh nghĩ tôi nên trả lời thế nào. - Tôi đâu là anh, những hoàn cảnh khác hẳn nhau, đằng nào anh chẳng phải trả lời họ. - Tôi phân vân lắm.
Ba giờ chiều mở số, tôi bước đi long rong, hút thuốc, ngắm nghía rồi vào một tiệm cơm Tàu. Có khi chiều nay mình giàu rồi. Cơm gà, một cái sám sám. Mưa dứt hạt, trời hửng nắng. Phố như nêm xe cộ một hồi rồi ván. Hai giờ tôi vào tòa Đô chánh xem mở số, đầy người chờ đợi, tôi dành được một chiếc ghế hư dựa. Người ta ngồi yên lặng rù rì. Miên đã ăn cơm, đang nằm ngủ trưa, căn nhà yên lặng. Lê đã mang bầu mặc chiếc áo rông. Chiếc đồng hồ mặt vuông nằm trong tiệm cầm đồ. Ăn thua gì, ăn thua gì chuyện đó. Đã một năm. Râu mọc dài, mau và nhiều. Anh ấy như người nhà trời.
Người ta đã ngồi chật, chiếc máy phóng thanh đang được thử. Một, hai, ba... Chắc con của anh sẽ đẹp lắm. Em định vào quân đội. Hôm nào anh lại nhà chơi. Chuyến xe dừng lại, đêm và thành phố tiếng nói lặng. Người xướng ngôn viên đọc chương trình. Lô thứ nhất trúng một trăm đồng, lô thứ hai năm trăm đồng... Tôi mở mắt và buồn ngủ kỳ lạ... Những ngày không có em, phố dài thêm hoang vắng, những ngày không có em...
- Bịp, bịp...
Tôi la lên. Người ca sĩ đã cúi đầu chào, người ta vỗ tay. Tiếp theo đây là lô trúng một triệu đồng... Tôi ra cửa, lấy vé số cầm nơi tay so với tấm bảng, nơi đó một người bắc thang đang viết số vào những lô trúng. Nhiều người đứng quanh. Cơn mưa lại đổ xuống, người ta chạy vào hiên hoặc mặc áo. Hai chiếc xe nhà binh chạy ngang qua, trên xe không mui, mấy người lính ngồi chụm lại cố giấu đầu vào một chiếc áo mưa được mở rộng. Một người đứng bên: mưa gì mưa hoài. Tôi lấy thuốc hút, bây giờ có thể đi uống cà phê. Tôi bước đi, một cơn gió mạnh thổi ào, gió thổi bay chiếc mũ ra mặt đường, tôi đuổi theo không kịp, một chiếc xe chạy qua đè chiếc mũ bẹp dí, tôi nhặt lên, nắn lại rồi đội lên đầu...
1965